Thơ và phân tâm học
Tác giả: phuongapt đưa lên lúc: 07:58:24 Ngày 18-03-2008
Thơ và phân tâm học
Tặng các bạn: Đỗ Quyên, Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh, Phan Nhiên Hạo,
Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Ngô Tự Lập, Inrasara, để nhớ một thời.
1. Bài thơ đầu tiên
Bài thơ đầu tiên thường được viết khi ta còn nhỏ. Đứa trẻ ít khi đủ can đảm trình diện nó
với cha mẹ, trừ khi được hết sức khuyến khích. Nhưng chỉ khuyến khích thôi chưa đủ.
Phản ứng đầu tiên của cha mẹ thường ghi dấu ấn sâu trong kí ức một đứa trẻ. Bạn thốt lên
một nhận xét với vẻ ngạc nhiên, thích thú, hay bạn càu nhàu khó chịu, chỉ vì hôm đó thật
không may, ở sở làm bạn đang có chuyện bực mình? Tôi xin nói để bạn nghe rằng, vào lúc
đứa trẻ ngượng nghịu đưa cho bạn bài thơ mà nó đã nhiều ngày nhét kĩ dưới gậm giường,
chỉ một vẻ mặt lơ đãng của bạn cũng đủ để đứa trẻ bị tổn thương, thậm chí về sau suốt đời
không có một bài thơ nào nữa được mang ra trình diện với cuộc đời.
Làm thơ tập cho trẻ con khả năng sử dụng ngôn ngữ, thói quen biểu hiện các ý tưởng, khả
năng cảm thông với người khác, và đặc biệt là rèn luyện một trí tuệ sắc sảo. Một nhà thơ
Mỹ nổi tiếng, Stanley Kunitz, đã từng viết rằng không có một công việc nào khó khăn bằng
công việc của người làm thơ. Thơ mang lại sự nhạy cảm tâm hồn, điều mà mỗi chúng ta
đánh mất dần dần trong quá trình trở thành người lớn, như hòn cuội trắng đầy góc cạnh từ
trên núi cao lăn theo suối, càng lăn xuống càng tròn lại mất đi các góc cạnh ban đầu.
Nhưng bạn có thể hỏi: sự nhạy cảm tâm hồn có cần thiết không? Trong xã hội hiện nay, có
vẻ như những năng khiếu kĩ thuật là quan trọng nhất trong đường lối giáo dục, đáng ngạc
nhiên thay sự tổng hợp của ba yếu tố: thể chất, trí thông minh và tâm hồn lại được chứng
minh trong nhiều nghiên cứu xã hội học là có vai trò như nhau trong sự phát triển một tài
năng, ngay cả trong những lĩnh vực thuần tuý khoa học như toán học, vật lý và y khoa.
Khác với các yếu tố khác, sự nhạy cảm tâm hồn chỉ có thể được khơi dậy khi ta bắt đầu
điều đó ở tuổi đến trường, có vẻ quá muộn khi một ai có ý định dời nó lại những giai đoạn
về sau. Khác với niềm tin của nhiều người, một nền thơ ca chân thực không dẫn đến sự yếu
đuối theo kiểu "lãng mạn ướt át", nó đưa ta thẳng đến sân chơi rèn luyện các năng khiếu
sắc bén nhằm giải quyết các vấn nạn hiện thực, thiết yếu cho đời sống. Hạnh phúc được
định nghĩa là sự hoà hợp của môi trường và tính cách của một nhân vật. Mọi sự hoà hợp
lâu bền đều xây trên sự thật thuần khiết và trong suốt.
Thơ dẫn bạn thẳng đến sự thật. Nếu đó là một bài thơ hay. Bởi vì sự thật là vẻ đẹp duy
nhất của thơ ca. Và tôi e rằng không có ngoại lệ nào cả.
Ở trên, chúng ta đã nói rằng thơ tập cho trẻ nhỏ khả năng ngôn ngữ. Nói vậy là đúng
nhưng chưa đủ. Ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ nào? Ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Trong một dịp
gặp gỡ ở Nhã Điển, một giáo sư sử học người Hy Lạp, rất giỏi các sinh ngữ Anh, Pháp, có
tâm sự với tôi rằng sở dĩ ông nói lưu loát nhiều thứ tiếng khác nhau là nhờ nắm rất vững
tiếng mẹ đẻ.
2. Những quan hệ riêng tư
Ta dễ dàng nhận ra rằng, khác với tiểu thuyết và các thể văn xuôi khác, thơ Việt Nam
thường giới hạn về đề tài. Không những trong thơ cổ điển những thế kỷ trước, mà cả thơ
tiền chiến, thời kỳ kháng chiến chống pháp, và sau năm 1954 ở cả hai miền Nam Bắc.
Trong một nền thơ sôi động, tự do, phóng khoáng như ở miền Nam trong gần 20 năm
(1954-1975), các đề tài về cái tôi lãng mạn, cái tôi siêu hình, thân phận con người trong
chiến tranh, tình yêu đất nước… là những cảm hứng lớn, chủ đạo. Sau năm 1975, ở hải
ngoại cũng như trong nước, các khuynh hướng nói trên dĩ nhiên vẫn tiếp tục phát triển. Tôi
ngạc nhiên thấy rằng các quan hệ riêng tư, có thật và cụ thể trong đời sống mỗi người,
không mấy khi được đặt lên trang giấy trắng. Ngay cả trong thơ tình là thứ mà các nhà thơ
Việt Nam thường bắt đầu và kết thúc cuộc đời thơ ca của họ, người đọc có cảm tưởng rằng
họ đang đọc một thứ thơ viết về một tình yêu mơ hồ nào đó hơn là về mối quan hệ trong
đời sống hàng ngày giữa hai người đang yêu nhau. Những điều mà người Việt Nam thường
nói nhỏ với nhau lúc tâm sự, lớn tiếng khi tranh cãi giữa bụi bặm đường phố, hay trong
những khung cảnh hoàn toàn thơ mộng, có vẻ như được mọi người đồng ý ngầm là để
chúng nằm im phía sau bậc cửa, bên trong ngôi nhà của mình.
Những người lớn thường mỗi ngày đi xuyên qua dòng sông của tuổi ấu thơ nhiều lần trên
cây cầu của mối quan hệ riêng tư, giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em và bạn hữu. Một
đứa trẻ sáu bảy tuổi chờ mong điều gì ở cha mẹ mình? Nỗi thất vọng nào xâm chiếm tâm
hồn nó, khi lớn lên nhận ra rằng những niềm hy vọng ở người thân chỉ là ảo tưởng? Sự
giằng co đầy đau khổ, giữa cảm giác yêu thương và sự căm hận ngấm ngầm, một tình yêu
được bày tỏ trọn vẹn hay sự đè nén tình cảm theo kiểu Đông phương, sự hoà hợp giữa các
thế hệ và sự nổi loạn, đã in dấu ấn như thế nào lên nhân cách và hành vi của một người?
Làm thơ là dựng một bức tượng sáp (wax) của thời gian, là vẽ ra trong bóng đêm vẻ đẹp
sâu kín của những khía cạnh u uất tâm hồn, vốn chi phối hầu hết các hành động của chúng
ta. Mỗi lần đọc được một bài thơ hay, tiếng Việt hay tiếng Anh, có vần theo kiểu cổ điển
hay hoàn toàn tự do, thậm chí phá bỏ các luật lệ, tôi đều có ấn tượng như đứng trước một
bức tượng đã dựng xong, bằng ngôn ngữ của những cảm xúc đơn giản hoặc tinh tế, u hoài
hay dữ dội đau đớn, nhưng chúng đều có thật. Cũng như tư tưởng, một tình cảm không
được tác giả định hình, bao giờ cũng là một tình cảm không có thật, thậm chí là ảo tưởng.
Chỉ có những nhà thơ trung thực với tình cảm của mình mới có khả năng trong muôn một
gọi tên được chúng.
Hãy xem thơ Việt Nam viết về mẹ. Đây dĩ nhiên là một đề tài lớn, về một tình cảm lớn, mà
các nhà thơ có thể khai thác bất tận. Chúng ta đã có vài bài thơ hay hoặc rất hay viết về mẹ,
như những bài của Lưu Trọng Lư, Du Tử Lê…, những ca từ trong ca khúc Trịnh Công
Sơn. Đọc kỹ đó là những bài thơ về tình mẫu tử, thậm chí viết về thân phận của nhà thơ đặt
trong bối cảnh của tình mẫu tử, và đôi khi, của đất nước quê hương, hơn là cảm xúc trực
tiếp của tác giả trước mối quan hệ mẹ và con. Người đọc ít khi tìm thấy ở đó chân dung
giản dị của một người phụ nữ, hạnh phúc và bất mãn, những cay đắng và giận dữ, sự bất
hoà có tính gia đình vốn là chuyện cơm bữa trong đời sống của người Việt Nam. Ở đó ta
không thấy được sự khác nhau giữa một người mẹ hai mươi tuổi và một người mẹ bảy
mươi tuổi, và sự khác nhau trong tình cảm của một đứa con lúc mười tuổi và khi nó đã lớn
lên, tóc đã bạc.
Những mối quan hệ khác trong gia đình, giữa bạn bè, ở chỗ làm, giữa người trên và người
dưới, giữa những đồng nghiệp ngang hàng, không những có thật mà còn quyết định hầu hết
diện mạo đời sống chúng ta. Chúng là những động lực vô thức đằng sau các hành vi cá
nhân và hành vi công dân, ở học sinh và thầy giáo, ở bệnh nhân và thầy thuốc, những
người lao công cầm chổi quét đường và những người đứng đầu các chính phủ. Sự tấn công
của thơ vào bóng tối sau lưng đời sống mỗi người là nguồn gốc của sự nghi ngại, thậm chí
ghét bỏ, đối với thơ ca, ở một số người, không đủ can đảm phơi mở các vết thương tâm
hồn.
Platon có một câu nói nổi tiếng: "Hãy quàng cho thi sĩ một vòng hoa, và đuổi họ ra khỏi
thành phố". Không phải vì nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp không nhận ra được sức mạnh
của thơ, trái lại tôi tin rằng ông hiểu rất rõ về tác động của các nhà thơ lên đời sống xã hội
dân sự. Vì không muốn họ can thiệp vào một chính thể Cộng hoà được những người Hy
Lạp dựng lên như cái cách mà họ đã dựng lên các đền đài sang trọng bằng các cột đá trắng
vững chãi, uy nghi, cao vút bên bờ biển Địa Trung Hải quanh năm nắng gió xanh như ngọc
mà Platon đã mời các nhà thơ đi chơi chỗ khác.
Một vị vua nổi tiếng ở châu Âu, Frederic đệ nhị, đã cho làm một thí nghiệm nổi tiếng như
sau, độc đáo đến nỗi về tính cách khoa học là không thể lặp lại: ông ta ra lệnh bắt một số
đứa trẻ sơ sinh về nuôi trong một khu biệt lập, cách ly hoàn toàn với cha mẹ chúng. Những
đứa trẻ này được nuôi nấng cẩn thận bởi những người vú em được huấn luyện. Nhà ở,
giường ngủ, thức ăn và môi trường vật chất được xem là đầy đủ hoàn toàn. Điều chính yếu
là trong thí nghiệm này những cô bảo mẫu bị cấm không được nói chuyện, thậm chí không
được phát ra bất cứ một tiếng nói nào khi chăm sóc các đứa trẻ. Chủ định của người làm
thí nghiệm là để quan sát xem ngôn ngữ có được di truyền không, và nếu không được dạy
dỗ, một đứa trẻ sẽ nói bằng thứ ngôn ngữ tự nhiên nào mà Thượng đế ban cho.
Thí nghiệm này thất bại, vì tất cả những đứa trẻ đều chết.
Như vậy, câu hỏi ngôn ngữ có di truyền trong các genes hay không đã được trả lời trên một
phương diện khác: ngôn ngữ cần thiết như thế nào cho đời sống. Có phải vì chúng xây
dựng các quan hệ cá nhân?
3. Người đọc, người nghe và người viết
Trong một quán cà phê, vào khoảng tháng mười một khi trời đầy sương mù, tôi đến muộn
để nghe một vài nhà thơ trẻ Canada đọc thơ của mình và thơ của người khác. Giữa những
xúc cảm mà các bài thơ mang lại, tôi nhận ra rằng sự quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm
trên các trang giấy mà còn ở trong giọng đọc, nhất là bởi chính các tác giả, trên sân khấu,
sau những bàn cà phê đầy người ngồi và khói thuốc lá.
Không phải các quốc gia trên thế giới đều có nghệ thuật ngâm thơ như Việt Nam. Do nhiều
đặc tính ngôn ngữ, thơ Việt cũng như thơ Trung Hoa với các qui ước về thơ có vần, có thể
được diễn tả bằng cách ngâm lên. Một số ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Pháp, người
đọc thơ thường chỉ đọc, hoặc đọc một cách diễn cảm, chứ không thể ngâm. Đó là ưu điểm,
nhưng cũng là hạn chế lớn của thơ Việt Nam. Đám đông độc giả đã quen với hình thức thơ
dễ nhớ, dễ ngâm và hát, như một loại hình văn học truyền miệng. Sức mạnh của các con
chữ, được chọn chính xác, và được đặt trong một trật tự đẹp nhất, đã không được chú ý.
Những nhà thơ hiện nay của chúng ta, kiệt sức vì những cuộc tranh luận vô bổ, một đằng
cố bảo vệ đến cùng những giá trị truyền thống theo thói quen của họ, một đằng cố phá
phách vượt ra khỏi những xiềng xích cũ, đôi khi, hoặc thường khi, quên đi rằng giá trị của
thơ hoàn toàn tuỳ thuộc vào mối quan hệ tâm linh, thậm chí thần bí, giữa người đọc, người
nghe và người viết. Dù nhiều tác giả tuyên bố rằng, họ không làm thơ, hoặc thơ của họ
không viết cho người khác, thì bản chất của vấn đề vẫn nằm ở chỗ thơ trước hết là sự diễn
cảm và biểu hiện của đời sống tâm hồn, và như thế tức là lời kêu gọi sự tương tác giữa chủ
thể người làm thơ và thế giới bên ngoài.
Một tình cảm không chân thật, không gây được tiếng dội (echo) trong lòng người khác.
Cũng như trong vũ trụ, những tương tác vật lý xảy ra trên nền của những tấm thảm dệt đầy
giọng điệu hài hoà, những bài thơ không thành công có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng
bắt đầu trước hết là sự không hoà hợp về âm nhạc, mà cội rễ là sự không chân thật về xúc
cảm. Nói cách khác, những xúc cảm không chân thật thật ra vốn không hiện hữu. Điều này
không liên hệ gì với việc thành công hay thất bại của một tập thơ về mặt thị trường. Các
chỉ số hời hợt như số lượng được bán ra của một cuốn sách, sự yêu thích nhiều hay ít của
một công chúng nào đó, thậm chí thấp kém, đối với một tác giả, sự "lăng xê" của một vài
tờ báo hoặc diễn đàn dựa trên sự quen biết phi văn học, không phải là điều mà chúng ta
đang bàn ở đây. Dù số lượng độc giả ít hay nhiều, một tình cảm thơ ca chân thật, sau khi
len lỏi qua nhiều năm tháng như hạt mầm im ả trong mạch đất sâu xa, thế nào cũng tìm
được cách ngoi lên giữa tiết xuân hoa cỏ dạt dào, khi từ các sườn núi cao, con suối đóng
băng bắt đầu vỡ ra từng mảnh, chuyển mình đi trong đêm tối. Các bài thơ thành công bao
giờ cũng tìm được cho mình một công chúng độc giả nhất định. Khi nói rằng các hình thức
thể thơ không quan trọng, người viết không có ý cho rằng các khám phá mới lạ là vô ích.
Sự thật thì ngược lại.
Chính ra là những tình cảm mới trong không khí của một xã hội mới, hiển nhiên phải tìm
thấy cho nó những nốt nhạc mới và dàn nhạc mới. Những người làm thơ có vần có thể
khéo léo che đậy sự giả dối của họ bằng các nhịp điệu quen thuộc và êm tai, dễ ru ngủ
người đọc, dễ làm cho cả hai phía, người đọc và người viết, có ảo tưởng rằng, một bài thơ
như vậy là đã được hoàn thành. Các thể thơ tự do và không vần gặp khó khăn hơn. Nhà thơ
phải đi tìm lấy giọng điệu riêng của mình, âm nhạc riêng của bài thơ, tức là phương cách
riêng của tâm hồn trong việc biểu hiện một xúc cảm hay một ý tưởng cụ thể. Trong quá
trình này, anh ta hoàn toàn đơn độc, không biết dựa vào đâu cả. Công việc khó khăn hơn
thì việc thất bại cũng lớn hơn. Đó là lý do chính yếu vì sao thơ không vần, thơ tự do, thơ
hậu hiện đại, thường tỏ ra thất bại trước công chúng. Thật ra cả loại thơ cổ điển, có vần,
kiểu thơ tiền chiến và loại hình thứ hai đều đang thất bại như nhau, chỉ có khác là một bên
được giấu đi và một bên được thể hiện rõ ràng hơn.
Sự tiếp cận của độc giả với đời sống thơ ca còn quá nghèo nàn trong xã hội nhiễu nhương
của chúng ta. Các sinh hoạt trí thức và sự dẫn đạo tâm hồn là bí quyết để xây dựng lại một
đời sống vô thức tập thể, linh hồn tập thể, một không gian văn hoá như mái nhà chung đầy
sự che chở. Thơ là người dẫn đường, là người tiên đoán về các số phận riêng lẻ, mặc dù
anh ta xuất hiện thường như một người hát rong về số phận của dân tộc mình.
Dưới vẻ nghèo nàn không che đậy, sự du thủ du thực trong một số phong cách, dưới vẻ bất
cần, hậm hực và nổi loạn, ẩn giấu những tâm hồn nhân hậu, thiết tha với đời sống, một
nhiệt tình văn chương bao giờ cũng cháy đỏ như lửa và những ước mơ về một xã hội tốt
đẹp hơn.
Ngay cả ở những nghệ sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ tinh ma, quỷ quái có vẻ lăng xăng lộn xộn nhất,
những bài thơ thành công, hay thậm chí một vài câu thơ thành công của họ, không thể xuất
phát từ một điều gì khác.
Trong một dịp về Việt Nam, tôi được đến dự một đêm ra mắt không chính thức một tập thơ
do nhiều người làm chung (tuyển tập 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại). Hôm đó, các tác
giả tự đọc thơ của mình và đọc thơ của bạn bè. Tôi đã hạnh phúc được nghe giọng đọc của
Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, và Inrasara. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác
xúc động bàng hoàng trước giọng đọc của bạn bè mình, sự nhấn giọng và ngắt quãng đột
ngột của các câu chữ, ý nghĩa của từng lời, ngẩn ngơ đến nỗi quên mất đến lượt mình như
một tác giả. Tôi nhớ cảm giác trang trọng và thân ái của công chúng nhỏ hôm đó dành cho
các thi sĩ của chúng ta.
Nhưng tôi không có một ảo tưởng nào về đám đông: vẫn còn tỉnh táo để nhận ra một vài
phụ nữ lấy tay che miệng ngáp, và một vài người mở cửa ra về giữa hai câu thơ của một
nhà thơ đang nhắm mắt ngước lên trời.
Nhiều năm về trước nữa, trong một chuyến đi cắm trại mùa hè ở giữa rừng rậm Canada,
phía bắc Toronto, giữa sương mù cao nguyên càng về đêm càng dày đặc như một bàn tay
khô lạnh ấn năm ngón tay lên má mình, bên đống lửa trại bằng củi thông và tùng bách nổ tí
tách bập bùng, tôi được nghe nhà thơ Đỗ Quyên đọc diễn cảm toàn bộ mấy chương dài
trong tập trường ca của anh, trên nền tiếng đàn guitare của một chàng nhạc sĩ trẻ tuổi. Tôi
ngắm nhìn khuôn mặt tĩnh lặng thanh bình của những người ngồi nghe đọc thơ đêm đó, và
hiểu ra rằng thơ vẫn còn chỗ ở dù nhỏ nhoi trong tâm hồn họ, và nếu các nhà thơ biết được
các phương cách hữu hiệu, chắc rằng họ có thể khai phá những chỗ ở ấy, làm cho chúng
lớn lên, xây được những căn nhà tráng lệ hay những túp lều như túp lều của nhà thơ haiku
Nhật Bản Basho.
4. Vô thức và cảm hứng
Vô thức là những hoạt động tinh thần mà chúng ta không thể nhận thức ra được. Trong tác
phẩm nổi tiếng của mình, Diễn dịch các giấc mơ, Freud lần đầu tiên đề nghị khái niệm vô
thức (unconscious) để phân biệt với ý thức (conscious) và tiềm thức (preconscious), sau