Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở phụ nữ nhưng có thể phòng ngừa bằng
cách khám phụ khoa định kỳ kết hợp tiêm văcxin, có đời sống tình dục lành mạnh. Đó là lời khuyên của
bác sĩ Lê Văn Hiền và Nguyễn Ngọc Anh Tuấn trong buổi tư vấn sáng 21/5 trên VnExpress.net.
- UTCTC là do virus HPV gây ra, vậy virus này thường xuất hiện ở đâu, tiến trình lây nhiễm như thế nào,
có thể đề phòng được không? Dạng người như thế nào là dễ bị mắc bệnh nhất ? Bệnh này liệu có thể sinh
con và chữa trị dứt hẳn được không ? (Bao Chau, 26 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Văn Hiền: Chào bạn, ung thư cổ tử cung (UTCTC) do vi rút HPV gây ra, virus này dễ lây
truyền qua đường tình dục. Đối tượng có nguy cơ lây bệnh cao là những người phụ nữ quan hệ tình dục
với nhiều người. Tuy nhiên, 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Trong số trên 100 loại
virus HPV thì có vài loại có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung và loại 16, 18 là cao nhất. Có thể phòng
ngừa được bằng cách chích văcxin. Bệnh này vẫn có thể sinh con được bình thường, điều trị bằng đốt điện
hoặc đốt laser.
- Người nhà tôi đi khám thì phát hiện có tế bào ung thư cổ tử cung, chẩn đoán 1/2 tử cung và đã được một
giáo sư giỏi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung. Vậy ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu đã cắt toàn bộ tử
cung và hiện đang điều trị tia xạ thì có khả năng chữa khỏi bệnh được không? (Moc, 29 tuổi, Hà Nội)
- BS Lê Văn Hiền: Ung tư cổ tử cung đã xâm lấn đến 1/2 tử cung là ung thư giai đoạn 1B trở lên, điều trị
bệnh bao gồm phẫu thuật và xạ trị thường tiên lượng sống 5 năm là 80%.
- Tôi muốn hỏi nếu phụ nữ từ 20 tuổi trở lên đã quan hệ tình dục thì tiêm văcxin phòng bệnh ung thư cổ tử
cung còn có tác dụng nữa không? Hiện nay tôi 21 tuổi, nếu vẫn còn tác dụng thì tác dụng có cao không?
Xin cảm ơn. (Hoa, 21 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn: Khoa học đã chứng minh kháng thể chống lại HPV trong những
trường hợp nhiễm tự nhiên (do có quan hệ tình dục trước đó...) sẽ không đủ để bảo vệ sau này. Do đó việc
tiêm ngừa cho những đối tượng đã từng có nguy cơ nhiễm HPV trước đây là cần thiết vì kháng thể sinh ra
do tiêm ngừa sẽ đủ sức để bảo vệ cơ thể của bạn. Trong trường hợp của bạn việc tiêm ngừa là cần thiết.
Song song đó, bạn cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ để các bác sĩ sẽ theo dõi và tầm soát sớm nguy cơ
ung thư cổ tử cung.
Các bác sĩ tập trung lựa chọn và trả lời các câu hỏi về ung thư cổ tử cung của độc giả.
Ảnh: Thiên Chương
- Hiện tại em chưa kết hôn, nhưng có quan hệ tình dục với bạn trai, vậy em muốn tiêm phòng vắcxin ung
thư cổ tử cung ở trước khi sinh con có ảnh hưởng gì không? Nếu bị viêm đường tiết niệu, và từng bị
nhiễm nấm vùng sinh dục thì có ảnh hưởng gì không? Văcxin có tác dụng phụ nào không? (Phuong, 23
tuổi, Hà Nội)
- BS Lê Văn Hiền: Nếu đang tiêm ngừa vắcxin HPV mà bạn có thai thì sẽ ngưng tiêm những mũi tiếp
theo, những mũi tiếp theo này sẽ tiêm sau khi sinh. Trường hợp bị nhiễm nấm hoặc nhiễm chlamydia
(viêm cổ tử cung và viêm đường tiết niệu) có thể gây vô sinh hoặc thai ngoài tử cung chứ không liên quan
đến ung thư cổ tử cung hoặc vấn đề tiêm ngừa HPV. Vắcxin này ít có tác dụng phụ, chỉ bị đối với những
người dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Cần làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung mấy lần trong 1 năm? Ngoài ra, cần làm thêm xét nghiệm nào
khác cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung không? (Nguyễn Thu Hằng, 23 tuổi, Hà Nội)
- BS Lê Văn Hiền: Chị Hằng thân mến, đối với những người phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên đi khám
phụ khoa và làm phết tế bào cổ tử cung (pap) mỗi năm một lần. Đây là xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử
cung, nếu khám có nghi ngờ thì bác sĩ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm chuyên biệt hơn như:
soi cổ tử cung, bấm sinh thiết... Chi phí làm xét nghiệm này dưới 50.000 đồng tùy theo trung tâm nơi chị
khám.
- Em 26 tuổi và chưa quan hệ tình dục, muốn tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung có được không. Và
tiêm ở đâu. Từ trước tới nay em chưa đi khám phụ khoa lần nào vì nghĩ mình còn con gái nên không cần
thiết, nếu không đi khám phụ khoa định kỳ có nguy hiểm không. Xin bác sĩ tư vấn giúp em. (Chau To
Phuong, 26 tuổi, TP HCM)
- BS Anh Tuấn: Việc khám phụ khoa định kỳ ở người phụ nữ là cần thiết, trong trường hợp của bạn dù
chưa có gia đình cũng nên đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Lứa tuổi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
theo quy định của Bộ Y tế là 9 đến 26 tuổi, do đó bạn hoàn toàn có thể đi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung.
Để tiêm ngừa ung thư cổ tử cung bạn có thể liên hệ: Viện Pasteur TP HCM, Trung tâm y tế dự phòng
thành phố, các trung tâm y tế dự phòng các quận huyện, các bệnh viện sản và các điểm tiêm ngừa khác
trên địa bàn TP HCM.
- Chào bác sĩ. Tôi có một người chị, chị ấy lấy chồng đã 5 năm rồi nhưng vẫn chưa có con. Chị đi khám
bệnh thì được bác sĩ cho biết là bị ung thư tử cung, tháng 6 này sẽ tiến hành mổ. Vậy cho tôi hỏi là sau
khi mổ xong chị ấy có thể có con hay không? (Sao Bang, 25 tuổi, Hà Nội)
- BS Lê Văn Hiền: Khi bị ung thư cổ tử cung, tùy theo giai đoạn của bệnh sẽ có những phương pháp điều
trị khác nhau. Nếu ung thư giai đoạn sớm, điều trị sẽ đơn giản (có thể chỉ cắt bỏ cổ tử cung hoặc cắt một
phần cổ tử cung) thì chị của bạn vẫn có thể mang thai sau khi điều trị. Nhưng nếu ung thư giai đoạn trễ,
điều trị triệt để phải cắt bỏ tử cung và xạ trị hỗ trợ, như vậy, người phụ nữ không thể có thai sau điều trị.
- Tôi 24 tuổi, có con gái 8 tháng tuổi. Muốn hỏi ở độ tuổi của tôi và đã lập gia đình có thể tiêm ngừa ung
thư cổ tử cung được không? Linh, Đà Nẵng)
- BS Anh Tuấn: Phụ nữ đã lập gia đình vẫn hoàn toàn có thể tiêm ngừa UTCTC vì các nghiên cứu đều
cho thấy văcxin vẫn có hiệu quả rất tốt cho các đối tượng này. Trường hợp của bạn vẫn nằm trong độ tuổi
cho phép tiêm chủng nên bạn có thể đi tiêm ngừa. Văcxin ngừa UTCTC không được tiêm cho phụ nữ
đang mang thai, tuy nhiên những bà mẹ đang cho con bú vẫn có thể tiêm bình thường.
Bác sĩ Lê Văn Hiền: "Phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa và làm phết
tế bào cổ tử cung (pap) mỗi năm một lần". Ảnh: Thiên Chương
- Tôi năm nay 48 tuổi và đã có 3 đứa con, tôi muốn tiêm văcxin phòng ưng thư cổ tử cung có được
không? Nếu tiêm thì hiệu quả có cao không ? Và xin cho tôi biết thêm về số lần phải tiêm và chi phí tiêm?
(Trần Thị Yến, 48 tuổi, Hà Nội)
- BS Anh Tuấn: Lứa tuổi của chị hiện không nằm trong quy định cho phép tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
của Bộ Y tế. Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung chị nên đi khám phụ khoa định kỳ để tầm soát và phát
hiện sớm.
- Viêm cổ tử cung lộ tuyến có các nang namot là gì và có nguy hiểm như thế nào? Rủi ro dẫn đến ung thư
cổ tử cung thế nào? Muốn tiêm văcxin phòng cổ tử cung thì tiêm ở đâu, giá cả thế nào? (Hương Cao, 25
tuổi, Hà Nội)
- BS Lê Văn Hiền: Bạn thân mến, lộ tuyến cổ tử cung và nang nabot cổ tử cung là những biến đổi lành
tính của cổ tử cung, không có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, những trường hợp này sẽ tiết
dịch âm đạo nhiều. Đây là nguy cơ gây viêm nhiễm đường sinh dục.
Những đối tượng có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung: quan hệ tình dục sớm trước 18 tuổi, quan hệ tình dục
với nhiều người, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sinh đẻ nhiều lần (trên 3 lần), hút thuốc lá.
Muốn tiêm văcxin ngừa HPV (HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung), bạn nên đến các bệnh viện
sản phụ khoa hoặc các trung tâm y tế dự phòng để tiêm ngừa, với giá khoảng 700.000 đồng một mũi tiêm.
Độ tuổi tiêm từ 10 đến 25 tuổi và chỉ cần tiêm 3 mũi (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ ba
cách mũi thứ nhất 6 tháng).
- Khoảng 4, 5 tháng nay, tôi bị hành kinh kéo dài, khi hư có màu đen. Xin hỏi các bác sĩ đó có phải là dấu
hiệu của bênh ung thu cổ tử cung không. Tôi thường hay bị nổi mụn nước ở môi, vậy vrius này có phải là
virus liên quan đến bệnh này không? (Hà Minh Phương, 25 tuổi, Hà Nội)
- BS Lê Văn Hiền: Chị Phương thân mến, ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không có biểu hiện
gì đặc biệt. Chính vì vậy, chị nên khám phụ khoa định kỳ (6 tháng đến 1 năm) để có thể phát hiện bệnh ở
giai đoạn sớm. Nếu ung thư ở giai đoạn trễ, có thể có những triệu chứng không đặc hiệu như: ra khí hư
nhiều, hôi, có thể lẫn máu, ra huyết sau giao hợp, đau nặng vùng bụng dưới...
Virus herpes thường gây mụn nước sinh dục, đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không phải
là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, khi bị nhiễm virus này thì cũng dễ bị nhiễm HPV (là
virus gây ung thư cổ tử cung).
- Tôi phát hiện u nang buồng trứng cách đây 2 năm. Từ đó đến nay tôi không điều trị và cũng không thấy
đau đớn hay bất kì biểu hiện gì khác của bệnh cả. Tôi muốn hỏi như vậy có thể tiêm phòng ung thư cổ tử
cung được không và tiêm ở đâu? Xin cám ơn bác sỹ! (Thanh Hà, 28 tuổi, TP HCM)
- BS Anh Tuấn: Chào bạn, người bị u nang buồng trứng vẫn có thể tiêm ngừa UTCTC được, tuy nhiên
trường hợp của bạn không nằm trong độ tuổi cho phép tiêm ngừa theo quy định của Bộ Y tế nên bạn
không thể tiêm ngừa. Bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý
của mình và được bác sĩ tư vấn hướng điều trị hợp lý.
- Tôi 30 tuổi chưa có con và đang điều trị vô sinh hơn 3 năm. Xin hỏi trường hợp nào thì có thể tiêm
vaccine phòng chống ung thư tử cung và cụ thể như tôi có thể tiêm vaccine đó được không. Nếu tiêm được
thì tiêm ở đâu và chi phí là bao nhiêu? + Tôi đang điều trị vô sinh bằng phương pháp IVF. Trong qúa
trình điều trị tôi có sử dụng một số thuốc kích trứng; xin hỏi bác sỹ tác dụng phụ của chúng có phải tăng
nguy cơ ung thư tử cung không? (Nguyễn Thị Thịnh, 30 tuổi, TP HCM)
- BS Lê Văn Hiền: Lứa tuổi của bạn không nằm trong quy định cho phép tiêm ngừa của Bộ Y tế.
Điều trị vô sinh có dùng các thuốc kích thích buồng trứng thì hiện nay chư có nghiên cứu nào cho thấy
mối liên quan giữa các thuốc kích thích buồng trứng với ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn: "Lứa tuổi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là từ 9 đến 26
tuổi, theo quy định của Bộ Y tế". Ảnh: Thiên Chương
- Em năm nay 37 tuổi bị nhân sơ cổ tử cung 6 năm, nay cỡ 7cmx5cm, em đang uống crila dể điều trị. Vậy
em phải uống bao lâu và có loại thuốc nào uống tốt hơn có thể nhỏ lại không? Có loại thuốc tiêm nào để
nhỏ lại không? (Nguyen Thanh Hang, 37 tuổi, TP HCM)
- BS Lê Văn Hiền: Chị Hằng thân mến, u xơ tử cung là một bệnh có liên quan đến nội tiết estrogen. Đối
với những khối u nhỏ hoặc chưa có điều kiện phẫu thuật, chị có thể điều trị bằng những thuốc đối kháng
với estrogen như: progestogen. Chị có thể dùng dưới nhiều dạng khác nhau như: uống, tiêm bắp, tiêm
dưới da... Đối với những u lớn như trường hợp của bạn thì nên phẫu thuật bóc khối u (có thể phẫu thuật
nội soi hoặc mổ hở). Ngoài ra, còn một phương pháp điều trị khác là thuyên tắc động mạch, tuy nhiên, bạn
cần đến các cơ sở y tế để khám vì phương pháp này có chỉ định và chống chỉ định rất nghiêm ngặt.
- Gia đình tôi có hai cháu gái, 1 cháu sinh 1990, 1 cháu sinh 1998 tiêm phòng vào thời điểm nào là tốt
nhất, tiêm ở đâu? Dùng thuốc tiêm phòng của nước nào. Tôi sinh năm 1967 thì việc tiêm phòng có hiệu
quả không. Kính mong bác sỹ tư vấn giúp gia đình tôi để tiêm phòng hiệu quả. (Nguyễn Thị Sông Hương,
42 tuổi, Số nhà 22, khu đô thị chùa tiên, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)
- BS Anh Tuấn: Chào chị, văcxin ngừa UTCTC sẽ có hiệu quả rất cao ở những người chưa có quan hệ
tình dục, do đó hai cháu nhà chị trong độ tuổi tiêm ngừa thích hợp nhất. Chị có thể đưa các cháu đi tiêm
ngừa càng sớm càng tốt. Để tiêm ngừa loại văcxin này chị có thể liên hệ tại các Trung tâm y tế dự phòng
tỉnh- huyện, nơi chị cư trú. Đến đó các bác sĩ sẽ tư vấn cho chị dùng loại văcxin gì và giá cả là bao nhiêu.
Riêng chị không nằm trong nằm trong lứa tuổi cho phép tiêm ngừa UTCTC của Bộ Y tế, chị nên đi khám
phụ khoa định kỳ để được tầm soát sớm nguy cơ mắc bệnh.
- Thưa bác sĩ, chưa quan hệ tình dục xác xuất bị bệnh có cao không? Độ tuổi nào có thể mắc? Bệnh này
có lây lan không? Và nếu có thì lây lan như thế nào? Khi bị bệnh có quan hệ tình dục được không, có làm
cho bệnh nặng hơn không? Bệnh có di truyền không? (Tam Hong, 25 tuổi, Hải Phòng)
- BS Lê Văn Hiền: Ung thư cổ tử cung có 2 loại: ung thư tế bào vẩy (chiếm 95% đến 97%) thường do
virus HPV xảy ra với những người đã có quan hệ tình dục và ung thư tế bào tuyến (khoảng 5%) có thể xảy
ở những người chưa quan hệ tình dục (không do virus HPV).