Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Đề cương Hội thi báo cáo viên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.49 KB, 11 trang )

Chuyên đề thời sự: CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG
VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 chứng kiến một loạt các động thái áp
thuế của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và những hành động áp thuế
trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế
đứng đầu thế giới diễn ra ngày càng căng thẳng. Tác động của cuộc chiến tranh
thương mại này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới Mỹ và Trung Quốc, mà với tầm
ảnh hưởng của hai quốc gia này, nó còn có tác động mạnh mẽ tới các quốc gia khác
trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuyên đề “Chiến tranh thương mại Mỹ Trung và những tác động đối với Việt Nam” khái quát tổng quan nguyên nhân và
diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dự báo một số các ảnh hưởng của
nó đối với Việt Nam.
1. Khởi nguồn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Sau những cam kết từ chiến dịch tranh cử, trong đó có cam kết giảm thâm hụt
thương mại của Mỹ với các nước đối tác, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng
thống Donad Trump đã có những hành động liên quan đến các FTA mà ông cho là
đã và sẽ là nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ như: rút khỏi TTP, tái
đàm phán NAFTA, thảo luận lại KORUS. Bước sang năm 2018, chính sách của
Donald Trunmp chuyển sang bước mạnh mẽ hơn là can thiệp trực tiếp vào dòng
chảy thương mại hàng hóa, cụ thể là dựng lên các hàng rào thuế quan đối với hàng
hóa nhập khẩu vào Mỹ với nhiều lý do khác nhau (Trung tâm WTO, 2018).
Ngày 1/3/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ xem xét để áp thuế
cao với thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước với thuế suất 25% với thép và
10% đối với nhôm. Các lý do Tổng thống Donald Trump đưa ra khi áp thuế suất cao
vào nhôm và thép là: bảo vệ ngành công nghiệp thép, tạo ra một sân chơi bình đẳng,
khôi phục sự phát triển của ngành thép nội địa, tạo công ăn việc làm, bảo vệ an ninh
quốc gia… Bên cạnh đó còn có lý do liên quan đến những cam kết chính trị của
Donald Trump tại bang Pennsyvania va Ohio. Việc Donald Trump thắng ở cả hai
bang trên vào năm 2016 một phần là nhờ vào chiến dịch chống lại thương mại
không công bằng và những lời cam kết sẽ cứng rắn với các đối tác thương mại.
Trước động thái này của Mỹ, các nước trên thế giới đã có những phản ứng gay
gắt. Các đối tác lớn của Mỹ như Canada, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… đều lên


tiếng chỉ trích và đưa ra khả năng tiến hành trả đũa với Mỹ, kiện Mỹ lên WTO. EU
cáo buộc ông Trump sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ để biện minh cho chủ
nghĩa bảo hộ. Canada – nguồn nhập khẩu nhôm và thép lớn nhất của Mỹ cũng cho
rằng dự định áp thuế của Mỹ là hoàn toàn không thể chấp nhận và không thích hợp
khi Mỹ xem thương mại với Canada là mối đe dọa an ninh quốc gia cho Mỹ. Nhật
Bản và Trung Quốc cũng đều bày tỏ sự thất vọng với đề xuất của Mỹ và cho rằng
1


chính sách này có tác động nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu, làm suy giảm
tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Bất chấp sự phản đối gay gắt trên toàn cầu, vào ngày 8/3/2018, Donald Trump
đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập
khẩu. Sắc lệnh này có hiệu lực vào ngày 23/2/2018 vì lý do Mỹ chính thức công bố
là “an ninh quốc phòng”. Sắc lệnh áp dụng với các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu
từ bất kỳ nước nào, ngoại trừ các nước đồng minh của Mỹ và để ngỏ khả năng đàm
phán như EU, Canada, Mexico… Tuy nhiên, từ 1/6/2018, Mỹ quyết định áp thuế
lên nhôm thép của cả các nền kinh tế được xem là đồng minh như EU, Canada,
Mexico.
Canada, EU, Nga và Nhật Bản đã đệ đơn kiện Mỹ lên WTO, phân tích rằng
Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp tăng thuế sẽ khiến mức thuế hàng năm với các
mặt hoàng xuất khẩu tăng lên đáng kể. Qua đó, các quốc gia này yêu cầu quyền áp
đặt trả đũa ở mức chi phí tương đương với những mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ấn
Độ, Trung Quốc cũng đệ đơn kiện Mỹ.
Ngoài việc khiếu nại lên WTO, các đồng minh lớn của Mỹ cũng đã đưa ra
những biện pháp đáp trả cụ thể: ngày 22/6/2018 EU chính thức áp thuế với một số
hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như xe máy, nước cam, rượu, bia, lạc, thuốc lá và vải
với tổng trị giá 2,8 tỷ euro (tương đương 3,2 tỷ USD), ngày 5/6/2018 Mexico thông
báo nước này sẽ áp mức thuế quan 15 – 25% đối với các sản phẩm thép và một số
mặt hàng nông nghiệp của Mỹ, Canada đáp trả bằng quyết định áp thuế mới lên

hàng loạt mặt hàng của Mỹ bao gồm các mặt hàng thịt bò, cà phê, bánh kẹo cũng
như cả nhôm thép với tổng giá trị lên tới 12,8 tỷ USD.
Như vậy, thuế vào nhôm và thép có thể coi là nguyên nhân trực tiếp đầu tiên
dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
2. Diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ngày 23/3/2018, với lý do Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ
một cách có hệ thống, Mỹ đã công bố kế hoạch nhằm áp gói thuế quan đối với gần
1300 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD và hạn chế các doanh
nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ. Tuy nhiên, khác với lệnh áp thuế đối với nhôm
và thép của Mỹ, quyết định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc này chưa xác định
rõ loại mặt hàng, cũng như chưa xác định thời hạn có hiệu lực. Một ngày sau, chính
phủ Mỹ gửi khiếu nại lên WTO cáo buộc “Trung Quốc dường như đang phá vỡ các
quy tắc của WTO” khi phủ nhận các quyền sáng chế cơ bản của những người nắm
bằng sáng chế nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ.
Trước kế hoạch của Mỹ, ngày 01/4/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố
danh sách 120 mặt hàng của Mỹ sẽ bị áp thế tăng lên mức 15% khi xuất khẩu vào
thị trường Trung Quốc như trái cây và các sản phẩm liên quan và 8 mặt hàng bị áp
thuế 25% gồm thịt lợn và các sản phẩm liên quan. Phần lớn các sản phẩm trong
2


danh sách này Trung Quốc đều đang nhập khẩu với khối lượng lớn từ các bang vốn
hậu thuẫn cho Donald Trump trong chiến dịch tranh cử. Ngày 10/4/2018 Trung
quốc cũng đệ đơn lên WTO kiện Mỹ về việc tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Bốn ngày sau khi Trung Quốc công bố áp thuế vào hàng hóa Mỹ, ngày
4/4/2018, Mỹ đưa ra thông báo sẽ bổ sung áp thuế vào các mặt hàng Trung Quốc
nhập khẩu với tổng giá trị 100 tỷ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực Mỹ cho là Trung
Quốc đã “ăn cắp” công nghệp của Mỹ như robot, công nghệ thông tin, công nghệ
viễn thông, lĩnh vực hàng không vũ trụ… nếu Trung Quốc áp dụng áp thuế vào 120
mặt hàng của Mỹ.

Trước tình hình căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, đại diện thương
mại của Mỹ và Trung Quốc đã lên kế hoạch gặp gỡ và kỳ vọng đạt được thỏa thuận
có lợi cho cả hai bên. Vào giữa tháng 5/2018, các cuộc đàm phán đã đạt được kết
quả tương đối khả quan khi Trung Quốc đồng ý mua gần 70 tỷ USD nông sản và
sản phẩm năng lượng của Mỹ nếu Mỹ không tăng thuế. Tuy nhiên, Trung Quốc
khẳng định nếu Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại bao gồm gia
tăng thuế nhập khẩu, toàn bộ kết quả thương thảo về kinh tế và thương mại giữa hai
bên sẽ bị hủy bỏ, bao gồm cả đề xuất trên (Bộ Tài chính, 2018). Để đáp lại, Mỹ
cũng nới lỏng hạn chế đối với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE sau khi doanh
nghiệp này lâm vào cảnh khó khăn vì lệnh cấm mua các linh kiện quan trọng từ Mỹ.
Hai bên cùng nhất trí không áp thuế lẫn nhau và cam đoan không đẩy căng thẳng đi
xa thành một cuộc chiến thương mại.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đột ngột bị đẩy lên cao trào
khi ngày 19/5/2018, Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch đã đưa ra ngày 23/3 nhằm
đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu và siết chặt quy
định đầu tư từ công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Ngay
sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố tiến hành gói đáp trả tương xứng khi đánh thuế
25% với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng có giá trị 50 tỷ USD, đồng thời tuyên
bố các thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên trong vấn đề thương mại đều không còn
hiệu lực (Trung tâm WTO, 2018).
Tất cả các kế hoạch và tuyên bố của Mỹ từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 đã
chính thức được hiện thực hóa khi ngày 6/7/2018, Mỹ chính thức thực thi việc áp
thuế 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong gói 50 tỷ dự
kiến, tập trung vào các mặt hàng động cơ, máy xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị
điện, viễn thông và giao thông. Trung Quốc đáp trả ngay bằng gói thuế quan 25%
tương tự nhằm vào 545 mặt hàng của Mỹ - Từ ôtô tới nông sản, thủy sản và cũng trị
giá 34 tỷ USD.
Vào ngày 23/8, Mỹ tiếp tục áp thuế quan bổ sung thêm 16 tỷ USD hàng hóa
của Trung Quốc với hàng hóa bị đánh thuế gồm thiết bị bán dẫn, hóa chất, nhựa, xe
máy và xe đạp điện. Về phía mình, Trung Quốc cũng tiến hành áp thuế lên 333 mặt

3


hàng trị giá 16 tỷ USD của Mỹ như phế liệu gỗ, phế liệu giấy, phế liệu kim loại
cùng nhiều loại xe đạp và ôtô. Như vậy, Mỹ và Trung Quốc đã hiện thực hóa việc
đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Ngày 17/9/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang lên một
nấc căng thẳng mới khi Donald Trump quyết định áp thuế bổ sung 10% lên các mặt
hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng kim ngạch là 200 tỷ USD, bắt đầu từ ngày
24/9 đến hết năm 2018. Lý do mà Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã không thay đổi và
không thiện chí trong việc thay đổi các đối xử bất bình đẳng với các công ty Mỹ.
Hành động này của Mỹ được đưa ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị nối
lại cuộc đàm phán thương mại và vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ở
Washington trong vài ngày sau đó.
Ngày 18/9/2018, chỉ sau một ngày Mỹ đưa ra quyết định đánh thuế, Trung
Quốc tuyên bố sẽ khởi động chương trình thuế mới lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ,
cũng bắt đầu từ ngày 24/9/2018. Gói thuế mới của Trung Quốc sẽ được áp lên danh
sách gồm 5.027 sản phẩm Mỹ với mức độ từ 5-10%.
Tháng 12/2018, căng thẳng thương mại hạ nhiệt khi Tổng thống Donald
Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý về một "lệnh ngừng bắn". Washington
đình chỉ trong ba tháng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD
hàng Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng sản phẩm "đáng kể"
của Mỹ và đình chỉ việc áp thêm thuế với ôtô và phụ tùng ôtô Mỹ trong ba tháng.
Sau "lệnh ngừng bắn", phái đoàn hai bên tổ chức nhiều vòng đàm phán để đưa ra
một thỏa thuận thương mại.
Tình trạng đối đầu quay trở lại vào ngày 10/5, khi Mỹ nâng thuế từ 10% lên
25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc do bế tắc trong đàm phán. Mỹ cho biết
thỏa thuận giữa hai bên đã sắp ngã ngũ nhưng vào phút chót, Trung Quốc đột ngột
yêu cầu sửa đổi dự thảo, rút lại các cam kết quan trọng trong đó có việc đồng ý sửa
luật, vốn là mấu chốt để giải quyết các phàn nàn khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh

thương mại.
Trong khi đó, Bắc Kinh nêu ba lý do khiến họ thay đổi điều kiện: Washington
từ chối dỡ bỏ toàn bộ thuế quan với Bắc Kinh; Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số
lượng sản phẩm không hợp lý; Trung Quốc coi ngôn từ trong dự thảo là "không cân
bằng", ảnh hưởng đến chủ quyền của họ.
Ngày 13/5, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập
khẩu từ Mỹ, có hiệu lực kể từ ngày 1/6.
Hai ngày sau, Trump mở ra một mặt trận mới về công nghệ trong cuộc chiến
bằng cách cấm Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mua linh kiện
Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài được coi
là có rủi ro an ninh cao. Chính quyền Trump còn đe dọa sẽ "cấm cửa" 5 công ty
4


Trung Quốc trong lĩnh vực camera giám sát và cảnh báo UAV nước này có thể đánh
cắp dữ liệu.
Washington nghi ngờ Huawei có thể lợi dụng các sản phẩm công nghệ để do
thám cho chính quyền Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã liên tục thúc giục
các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G. Ngoài ra,
Huawei còn bị Mỹ cáo buộc bí mật làm ăn với Iran và đánh cắp bí mật thương mại
của doanh nghiệp Mỹ. Tập đoàn Trung Quốc nhiều lần bác bỏ các cáo buộc.
Ngày 19/5, Google, bên cung cấp hệ điều hành Android cho điện thoại thông
minh, tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei. Điện thoại của Huawei sẽ mất quyền
truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google, điều có thể khiến họ mất đi lượng lớn
khách hàng. Một số công ty sản xuất chip và linh kiện di động cũng theo chân
Google, đoạn tuyệt với Huawei.
Ngày 20/5, chính quyền Trump nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong
90 ngày, cho phép tập đoàn này được tiếp tục mua hàng Mỹ để duy trì hoạt động
cho các nhà mạng hiện tại, nhằm hạn chế những tác động ngoài mong muốn đối với
những bên thứ ba sử dụng thiết bị hoặc hệ thống của Huawei, trong đó có các nhà

mạng ở vùng nông thôn Mỹ.
Hy vọng căng thẳng hạ nhiệt đang dồn vào cuộc gặp giữa ông Trump và ông
Tập dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, cuộc gặp này chưa chắc sẽ diễn ra. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi
Thiên Khải cuối tuần trước cho biết hai bên chưa có cuộc thảo luận chính thức nào
về buổi gặp.
3. Dự báo về diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã có những đàm phán, thương lượng để tìm ra
thỏa thuận phù hợp, có lợi cho hai bên, nhưng tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ
- Trung vẫn tiếp tục leo thang, đặc biệt Mỹ đang xem xét việc đánh thuế bổ sung lên
toàn bộ 325 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Vấn đề tăng thuế nhập khẩu, vấn đề an ninh quốc gia, vi phạm quyền sở hữu
trí tuệ, bảo vệ người sản xuất, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng… mà Mỹ đã
tuyên bố có thể chỉ là lý do bề nổi. Nguyên nhân sâu xa nằm trong những khía cạnh
sau:
Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi việc thực hiện các cam
kết chính trị của mình. Do đó, khả năng cao là Mỹ sẽ có thêm nhiều hành động
mạnh, để đạt được mục tiêu đặt ra về giảm thâm hụt cán cân thương mại, đặc biệt
trong bối cảnh khi những chính sách bảo hộ thương mại năm 2017 của ông Trump
không làm suy giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ từ lâu đã coi Trung Quốc là “trung tâm mọi rắc rối thương mại
của Mỹ”, là “nguyên nhân thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ”. Những quan ngại
của Mỹ trong thương mại với Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với những quan ngại
5


của Mỹ trong thương mại với EU và Mexico. Do đó, có nhiều lý do nghi ngờ Tổng
thống Donald Trump sẽ chấp nhận các nhượng bộ của Chủ tịch Tập Cận Bình, ví dụ
như cam kết của Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng hóa hơn. Khi thương mại không có
kết quả, cuộc chiến sẽ tiếp tục leo thang với các diễn biến mới.

Thứ ba, những quan ngại của Mỹ với Trung Quốc không chỉ nằm ở vấn đề
thương mại mà còn liên quan tới chính sách tái cấu trúc nền kinh tế và chính sách
công nghiệp của Trung Quốc. Trung Quốc là nước đã và đang phát triển mạnh
ngành công nghiệp chế tạo trong thời gian gần đây, cạnh tranh rất lớn với hàng hóa
Mỹ. Trung Quốc đang đẩy mạnh sự phát triển của những ngành công nghiệp mũi
nhọn, có giá trị gia tăng cao. Điều này đe dọa đến Mỹ. Do đó, Mỹ lo ngại về
chương trình “Vành đai con đường”, “Made in China 2025” của Trung Quốc, phản
đối cách Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng chính sách công nghiệp để tạo ra những
“nhà vô địch quốc gia” trong các ngành công nghiệp của tương lai, chẳng hạn như
xe tự hành hoặc trí tuệ nhân tạo. Như vậy, Mỹ dường như đang cố gắng ngăn Trung
Quốc tiến bước vào ngành công nghiệp tương lai nhằm bảo về việc Mỹ tiếp tục
thống trị các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành công nghệ chiến lược đem lại lợi
nhuận cao cho nên kinh tế. Mỹ đang muốn là giảm sự cạnh tranh từ Trung Quốc
trong các ngành công nghệ tương lai và xa hơn là nhằm tiếp tục giữ vị trí “thống trị”
nền kinh tế toàn cầu. Do đó, áp thuế, trừng phạt Trung Quốc trên khía cạnh thương
mại… là các hoạt động bề nổi để Mỹ đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị sâu
xa của mình.
Thứ tư, nếu chỉ nhìn từ góc độ số liệu thương mại, thị Mỹ có thể là bên có cơ
hội theo đuổi cuộc chiến đến cùng vì kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc
khoảng hơn 500 tỷ USD vào năm 2017, trong khi Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ xấp
xỉ 150 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc chỉ có thể áp thuế tối đa 150 tỷ USD hàng hóa
nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể có những cách khác để trả đũa Mỹ.
Ví dụ Trung Quốc có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc và
phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, hoặc sử dụng công cụ kiểm soát tỷ
giá, duy trì giá đồng nhân dân tự ở mức thấp để bù cho mức tăng giá khi thuế tăng.
Với bốn lý do trên, có thể khẳng định rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung có nhiều khả năng còn tiếp tục leo thang, kéo dài và sẽ diễn biến phức tạp vì
đây không chỉ là cuộc chiến tranh thương mại đơn thuần mà sâu xa hơn, đó là cuộc
cạnh tranh giành vị thế chính trị và kinh tế.
4. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với thương mại
toàn cầu.

Về tác động của cuộc chiến thương mại, giới quan sát cho rằng Mỹ và Trung
Quốc đều dẫn trước trên một số "mặt trận kinh tế" nhưng nhìn chung, lợi thế đang
nghiêng về phía Mỹ. Thâm hụt thương mại giữa hai nước đã thu hẹp trong vài tháng
gần đây.
6


Người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa phải chịu giá cả sản phẩm tăng cao trên diện
rộng như dự đoán của một số người. Dù vậy, các dấu hiệu lạm phát do chiến tranh
thương mại gây ra đã xuất hiện. Sau vòng đánh thuế đầu tiên vào tháng 7/2018, tính
đến tháng 4 năm nay, giá các mặt hàng nằm trong nhóm chịu thuế đã tăng 1,6%.
Thị trường chứng khoán cả hai nước năm ngoái chứng kiến mức giảm mạnh
nhất trong gần một thập kỷ, nhưng Trung Quốc chịu tác động lớn hơn. Năm 2018,
chỉ số Shanghai Composite mất tới 25%. Tính chung từ đầu năm 2018, chứng
khoán Trung Quốc mất 14%, trong khi chứng khoán Mỹ tăng 6%. Gần đây, cả hai
thị trường chứng khoán đều đang đi lên, nhưng câu hỏi hiện tại là việc này có thể
kéo dài bao lâu khi đàm phán thương mại đang đình trệ.
Sau một thời gian khởi sắc trong quá trình đàm phán, tăng trưởng kinh tế của
Mỹ và Trung Quốc gần đây đều có dấu hiệu yếu đi. Theo số liệu do Trung Quốc
công bố, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trong tháng 4 đều tăng
chậm hơn dự báo. Tại Mỹ, doanh số bán lẻ giảm, hoạt động sản xuất tại các nhà
máy cũng giảm lần thứ ba trong vòng 4 tháng.
Người Mỹ nhìn chung hiện không quá bi quan về chiến tranh thương mại,
nhưng điều này có thể thay đổi nếu Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế lên toàn
bộ hàng Trung Quốc, khiến hàng loạt mặt hàng tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng, từ
quần áo trẻ em đến thiết bị kỹ thuật số từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách nâng cao tinh thần chủ nghĩa dân tộc, cho thấy họ
sẵn sàng cho một cuộc đấu dài hơi với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ
mong muốn hợp tác với các quốc gia để phát triển công nghệ mới, trong bối cảnh
các công ty công nghệ Trung Quốc có nguy cơ bị đối thủ cô lập.

Tuy nhiên, Uông Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc,
hai tuần trước cảnh báo rằng chiến tranh thương mại có thể khiến tăng trưởng kinh
tế năm nay của Trung Quốc giảm 1%. Đây là một trong những bình luận đầu tiên
của một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về tác động của chiến tranh thương
mại đối với mục tiêu tăng trưởng của chính phủ. Bắc Kinh trước đó dự báo tăng
trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm nay.
Giới chuyên gia nhận định các trung tâm sản xuất giá rẻ ở châu Á như Thái
Lan, Việt Nam, Malaysia, Bangladesh... có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại
Mỹ - Trung do nhiều doanh nghiệp lớn tìm cách dời dây chuyền sản xuất ra khỏi
Trung Quốc. Trong khi đó, những nền kinh tế "con hổ châu Á" như Hong Kong,
Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn bởi xuất khẩu sụt
giảm.
Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài, tất cả các nước đều là kẻ thua cuộc. Mặc
dù một số nền kinh tế Đông Nam Á có thể hưởng lợi trong ngắn hạn hoặc trung
hạn, các nhà kinh tế cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ khiến xu hướng chủ nghĩa bảo hộ
thương mại phát triển và đó sẽ là tin xấu cho hàng hóa xuất khẩu, có nguy cơ dẫn
7


đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính một cuộc chiến
thương mại toàn diện, kéo dài có thể khiến mức tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8%
trong năm 2020 tương đương khoảng 600 tỷ USD.
5. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với thương mại
Việt Nam
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có chiều hướng leo thang và tiếp tục lan
rộng, về lý thuyết thì các nước Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa
cho Mỹ thay Trung Quốc. Việt Nam có quan hệ thương mại sâu rộng với cả 2 nước
thì vòng xoáy thương mại giữa 2 cường quốc được dự báo sẽ tác động tới xuất nhập
khẩu hàng hóa của Việt Nam theo cả 2 chiều hướng tiêu cực và tích cực.
Tác động tích cực đó là cả Trung Quốc hay Mỹ đều có thể lựa chọn chuyển

hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang
nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao. Đầu tư FDI của Trung Quốc và Mỹ
vào Việt Nam sẽ gia tăng để thông qua đó giảm thiệt hại của cuộc chiến tranh
thương mại và có thể tiếp tục trong thời gian tới. Mặt khác, nâng thuế cao sẽ tạo ra
lỗ hổng trong thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc. Đó có thể là cơ hội cho các
nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Về tác động tiêu cực, khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế,
để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những
chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Điều này tạo ra sức ép cho doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, quan hệ thương mại Mỹ
– Trung Quốc bất ổn sẽ gây tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng CNY và đồng USD.
Tiền Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tỷ giá của 2 đồng tiền này nên cũng sẽ bị tác
động. Nếu xung đột thương mại gia tăng có thể sẽ kéo theo chính sách bảo hộ của
các thị trường khác. Đó là vấn đề đáng lo ngại, bởi bảo hộ thường có tính lan tỏa.
Một tín hiệu khả quan cho thị trường xuất khẩu Việt Nam đó là số liệu Cục
Thống kê Mỹ vừa công bố cho thấy, ba tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu hàng
hóa từ Việt Nam đến Mỹ tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng
nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. Đứng sau
Việt Nam là Hàn Quốc với tốc độ tăng 18,4%. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Trung
Quốc đến Mỹ giảm 13,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước
ngày càng gia tăng.
Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trong quý I cho phần còn lại của năm
2019, Việt Nam có thể vượt các ông lớn như Pháp, Anh, Italy và Ấn Độ để trở thành
nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, với giá trị dự
kiến lên đến gần 69 tỷ USD. Năm 2018, Việt Nam đứng vị trí thứ 12 với giá trị
hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ hơn 49,2 tỷ USD.
Theo thống kế của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị
trường nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng của Việt Nam như dệt may với giá trị
8



4,42 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; giày dép (2 tỷ USD), tăng
13,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng hơn 54% (1,3 tỷ USD); gỗ và sản
phẩm gỗ (1,42 tỷ USD), tăng 34,7%.
Tờ báo Bloomberg bình luận, Việt Nam đã trở nên nổi bật trong khu vực khi
"các bộ máy xuất khẩu chủ lực" bị tổn thương vì cuộc chiến thương mại và chu kỳ
tăng trưởng đang vào giai đoạn chậm lại. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài
Loan đều chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong tháng 4, trong
khi Việt Nam tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018."Việt Nam đang hưởng lợi từ
việc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh đòn thuế của Mỹ với hàng
hóa từ Trung Quốc. Quốc gia này cung cấp nguồn lao động với chi phí thấp, cũng
như có môi trường kinh doanh đang được cải thiện. Đồng thời, đây cũng là một
trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới", tờ báo Mỹ nhận
định.
* Đối với tỉnh Hà Tĩnh:
Chưa thể đánh giá được sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
đối với tỉnh Hà Tĩnh như thế nào nhưng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019,
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết số
01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết HĐND tỉnh
về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống
chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội
năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được
kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh đạt 20,8%. Trong đó, nông nghiệp
tăng 5,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 48,9%, dịch vụ tăng 6,5%. Quy mô
GRDP năm 2018 theo giá hiện hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, gấp 1,22 lần so với
GRDP năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, tương đương 2.217
USD (cả nước 2.540 USD). Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 15%, công nghiệp - xây
dựng 45%, dịch vụ 40%. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng
nhanh tỷ trọng công nghiệp.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 đạt 3,25 tỷ USD. Trong đó
kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với
năm 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống (chè, dăm gỗ, may mặc) duy trì ổn định,
riêng thép xuất trên 600 triệu USD, chiếm tỷ trọng 77% tổng kim ngạch. Nhập khẩu
ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng gấp 2,26 lần so với năm 2017; chủ yếu nhập thiết bị hoàn
thiện giai đoạn 1 dự án và nguyên liệu phục vụ sản xuất nhà máy thép FHS.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Tĩnh, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất
khẩu từ Formosa ước đạt 343,86 triệu USD, chiếm tỷ trọng 84,82% tổng kim ngạch
xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu mặt hàng thép (ước đạt 313,32 triệu USD), tăng 69,55%
9


so với cùng kì năm 2018. Hoạt động xuất khẩu từ Formosa tiếp tục là “đầu kéo”,
động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế toàn tỉnh trong thời gian qua. Nhà
máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh cũng là đơn vị xuất khẩu duy trì được thị trường chủ
lực như Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc... Với năng lực sản xuất trên 21 tấn
sợi/ngày đã đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua đạt gần 3 triệu USD, tăng hơn
20% so với cùng kì năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đều có mức
tăng trưởng ổn định và cao hơn cùng kỳ năm 2018 như: Thuỷ sản đạt 2,21 triệu
USD, dăm gỗ 10,98 triệu USD, chè 1,58 triệu USD, hàng dệt và may mặc 2,31 triệu
USD…
Cùng với những chính sách thu hút đầu tư đặc biệt là nguồn vốn FBI, tạo môi
trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực
nông nghiệp, dịch vụ, tăng cường cải cách hành chính, Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ tranh
thủ được thời cơ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao và trở thành điểm đến hấp dẫn
đối với các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.
6. Kết luận:
Cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ-Trung đang đe dọa đảo ngược sự hồi
phục được kỳ vọng của nền kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể chấm dứt chuỗi thời

gian tăng trưởng đã kéo dài 1 thập kỷ qua nếu xung đột vượt khỏi tầm kiểm
soát.Tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đã giảm tốc và bất kỳ sự yếu đi thêm nào
cũng có thể củng cố lập trường chính sách mềm mỏng của Cục Dự trữ Liên bang
Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác, thậm chí là khiến họ phải đưa ra
các biện pháp kích tăng trưởng.
Trước mắt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đem đến cho Việt Nam cơ
hội đẩy mạnh việc xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Mỹ tạo cơ hội cạnh tranh
với các mặt hàng của Trung Quốc. Nhưng đó cũng có thể là dòng thương mại của
Mỹ và Trung Quốc dịch chuyển sang các thị trường thay thế, khiến cạnh tranh phức
tạp hơn trên các thị trường xuất nhập khẩu khác của Việt Nam và trên chính thị
trường của Việt Nam. Do đó:
Chính phủ Việt Nam cần theo sát từng động thái của hai đối tác thương mại
lớn này, dự đoán được các kịch bản của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hoạch
định ra các giải pháp cho từng kịch bản đó để ở thế sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả
năng, kể cả là khả năng xấu nhất. Chính phủ cần cập nhật thường xuyên và nhanh
chóng danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như tỷ giá USD/
Nhân dân tệ và có kênh thống tin nhanh chóng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp
có phản ứng kịp thời. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đóng đầu thu hút các
doanh nghiệp nước ngoài, gồm cả doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước khác
đang đầu tư tại Trung Quốc nếu như có sự chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc
của các doanh nghiệp này. Có biện pháp, giải pháp trong việc ngăn hàng hóa Trung
Quốc chuyển hướng ồ ạt sang thị trường Việt Nam như sử dụng chính sách tỷ giá,
10


áp dụng các biện pháp phi thuế quan hợp lý và theo đúng luật pháp quốc tế như tăng
cường kiểm tra chất lượng hàng hóa Trung Quốc tại các điểm kiểm soát biên giới,
nâng cao yêu cầu về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Việc
chính phủ nỗ lực giải chi phí cho các nhà xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp sản
xuất bằng cách cắt giảm tối đa các thủ tục và giấy phép, đồng thời tích cực hỗ trợ

doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới cũng là giải pháp cần thiết.
Với doanh nghiệp Việt Nam, cần quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường,
từ các quyết định cấp vĩ mô của các Chính phủ, các diễn biến ở các thị trường quan
trọng liên quan đến tình hình tài chính, thị trường mua bán hàng hóa tương lai, đến
các quyết định của các đối tác thương mại hiện tại và tiềm năng. Ngoài ta, các
doanh nghiệp cần tận dụng triệt để nhữ FTA đang hoặc sẽ có hiệu lực, đặc biệt là
đón dầu được EVFTA và CPTPP để chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận
dụng cơ hội hoặc tránh thiệt hại ở mức có thể.
Hiện không ai có thể đoán chắc cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài bao lâu,
cũng như tác động của nó đến các nước thứ ba. Chính phủ và Doanh nghiệp cần
tỉnh táo để tận dụng được các thời cơ mà nó đem lại.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Hà Tĩnh (2019). Hà Tĩnh tiếp tục đột phá trong linh vực xuất khẩu
28/5/2019.
/>2. Bộ Tài chính (2018). Điểm tin kinh tế - tài chính quốc tế ngày 06/12. Kinh
tế tài chính thế giới.
3. Bộ Tài chính (2019). Điểm tin kinh tế - tài chính quốc tế ngày 06/6. Kinh tế
tài chính thế giới.
4. VNEXPRESS (2019). Việt Nam ảnh hưởng thế nào khi cuộc chiến thương
mại leo thang 14/5/2019. />5. Trung tâm WTO (2018). Mỹ khơi mào căng thẳng thương mại toàn cầu. Bản
tin doanh nghiệp và tự do hóa thương mại, Quý II(12),, 20-31.

11



×