Tải bản đầy đủ (.doc) (68 trang)

BẢO tồn VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ văn HÓA HÁT THEN CỦA NGƯỜI TÀY ở CAO BẰNG HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (654.98 KB, 68 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------

TRIỆU HÀ ANH THÊ

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA HÁT THEN
CỦA NGƯỜI TÀY Ở CAO BẰNG HIỆN NAY
Chuyên ngành : Triết học
Mã số

: 822.03.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIÊT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN KIM PHƯỢNG

HÀ NỘI - 2018


MỤC LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em phân bố trải dài
trên mảnh đất hình chữ S địa linh nhân kiệt. Trải qua quá trình sinh sống và
sản xuất, mỗi dân tộc đã xây dựng cho mình những nét đặc trưng văn hóa,
làm nên bản sắc của dân tộc mình, đồng thời có sự giao thoa, quyện hòa văn
hóa của các dân tộc tạo thành một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú
trong một chỉnh thể thống nhất. Bản sắc văn hóa là nét đặc trưng riêng có của


mỗi dân tộc, quốc gia, là sức mạnh nội sinh to lớn để xây dựng và phát triển
đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy
bản sắc văn hóa dân tộc. Đảng ta đã chỉ rõ: “ Xây dựng nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội” [Văn kiện Đại hội IX, tr114].
Cao Bằng là mảnh đất phên giậu phía Bắc của Tổ quốc với nhiều dân
tộc sinh sống như: Tày, Nùng, Dao, H’mông, Sán Chay…, trong đó, người
Tày chiếm tới 40,1% dân số. Cao Bằng có nền văn hóa vô cùng đặc sắc, kết
tinh từ văn hóa của các cộng đồng dân tộc, song nổi bật nhất là hát Then của
người Tày. Hát Then vừa là hình thức diễn xướng dân gian vừa là hình thức
biểu đạt tín ngưỡng, tâm linh; vừa thể hiện tâm tình, tình yêu quê hương, đất
nước, vừa thể hiện đức tin, lòng hướng thiện… của người Tày. Vì lẽ đó, hát
Then có vai trò quan trọng chi phối đời sống tinh thần, lối sống của người
Tày, hơn thế, nó còn lan tỏa và có sức ảnh hưởng, chi phối lớn đối với cộng
đồng các dân tộc trên mảnh đất Cao Bằng. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy
những giá trị tốt đẹp của văn hóa hát Then có ý nghĩa quan trọng để nâng cao
đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, khai
thác tiềm năng kinh tế trong sản phẩm văn hóa, làm giàu quê hương Cao

1


Bằng, đồng thời, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của
Nhà nước nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao
Bằng đã quan tâm tích cực tới việc bảo tồn và phát huy văn hóa Hát Then
song còn không ít hạn chế như: nhận thức về giá trị của văn hóa hát Then, về
phương thức bảo tồn và phát huy còn chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách, đầu tư
cho việc bảo tồn, phát huy còn chưa tương xứng; đãi ngộ đối với nghệ nhân

hát Then và những người làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa hát Then
chưa thật đầy đủ; việc phát huy hát Then như một nguồn lực phát triển kinh tế
của địa phương chưa được khai thác và chú trọng đúng mức…
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế và tác động của kinh tế thị
trường một mặt đem lại những cơ hội để phát huy, quảng bá giá trị văn hóa
hát Then nhưng mặt khác, sự xâm lăng văn hóa từ quá trình ấy cũng khiến
một bộ phận không nhỏ thanh niên, các nghệ nhân, nghệ sĩ không thực mặn
mà, hứng thú với văn hóa truyền thống. Không ít người lợi dụng hình thức
diễn xướng tâm linh này để thực hiện việc “mua thần, bán thánh”, mê tín, dị
đoan để trục lợi… Điều đó làm mai một, mất đi những giá trị tốt đẹp của văn
hóa hát Then.
Trước thực tế đó, việc bảo tồn, phát huy văn hóa hát Then trở nên vô
cùng cấp thiết. Là học viên của khoa Triết học trường Đại Học Sư phạm Hà
Nội, là một con em dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng, với mong muốn góp sức bảo
tồn và phát huy những giá trị văn hóa của hát Then ở tỉnh Cao Bằng hiện nay,
em chọn đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở
Cao Bằng” làm luận văn tốt nghiệp trương trình Thạc sỹ của mình.

2


2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Văn hóa hát Then là đề tài đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu,
tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Liên quan đến vấn đề này cũng đã có
nhiều công trình nghiên cứu được công bố. Có thể phân chia thành các nhóm
công trình nghiên cứu như sau:
Thứ nhất, nhóm các công trình khoa học nghiên cứu về người Tày Tiêu
biểu như:
Cuốn sách “Âm nhạc Tày” (Hoàng Tuấn, Nxb Âm nhạc, 2000) đã
khái quát về những điệu hát, khúc hát của người Tày, đặc điểm con người

Tày, lịch sử hình thành và phát triển của các loại hình âm nhạc Tày như
Then, Lượn, Slim...
“Lượn then ở miền đông Cao Bằng” Luận Văn Thạc sĩ Văn Học Việt
Nam của Triệu Thị Mai, Đại học quốc gia Hà Nội, 2000. Luận văn đã khái quát
được văn hóa bản sắc dân tộc của người tày ở Cao Bằng, chia rõ ràng về các làn
điệu hát then ở miền đông tỉnh Cao Bằng có những đặc điểm nào giống và khác
nhau với các làn điệu âm nhạc khác cũng như các điệu Then ở những vùng miền
trong cũng như ngoài tỉnh Cao Bằng.
Tác giả Hoàng Triều Ân trong cuốn sách “Then Tày” (Nxb Văn hóa
dân tộc, 2012) đã làm rõ những kiến thức chung về điệu Then Tày, lịch sử
phát triển của loại hình nghệ thuật này, đặc điểm chính của hát Then trong
từng vùng miền của Tổ quốc. Tác giả chia các làn điệu hát then của người Tày
ở những tỉnh thành khác nhau có những điểm giống và khác biệt.
Thứ hai, các nhóm công trình nghiên cứu khoa học về hát Then tiêu
biểu như:
“Hát then ở Lạng Sơn” Luận văn Thạc sĩ Văn Học Dân Gian của
Hoàng Thị Dung, Trường Đại Học Khoa Học Và Xã Hội Nhân Văn, năm

3


2014. Luận văn khái quát về con người tỉnh Lạng sơn, đặc trưng con người ở
tỉnh Lạng sơn, văn hóa người tày và làm rõ được ảnh hưởng của hát Then đối
với con người tỉnh Lạng Sơn.
Cuốn sách“Giá trị những bài hát Then cổ hay nhất” của tác giả Nguyễn
Thiên Tứ, NXB Xã Hội Và Khoa Học tháng 1 năm 2015 đã làm rõ những giá
trị của các làn điệu hát Then, những bài Then cổ cần được bảo tồn và phát
huy, đưa ra những bài hát then mới có điểm giống và khác nhau với những
điệu Then cổ, từ đó rút ra kết luận cần phải bảo vệ những bài Then cổ một
cách cấp bách nhất ngay trong lúc này.

Bài Viết “Then bắc cầu xin hoa” của tác giả Nguyễn Thanh Huyền,
(Nxb Văn hóa dân tộc, 2008 số 362 tháng 8 2015 đề cập tới điệu Then trong
những đám cưới hỏi của người Tày. Trong đám cưới người Tày, hát Then là
một loại hình nghệ thuật độc đáo không thể thiếu được, điệu Then “Bắc cầu
xin hoa” là điệu hát chuyên về đám cưới người Tày, tác giả phân tích rất sâu
sắc về điệu Then này.
Có thể thấy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề hát Then,
hát Then của người Tày. Các công trình nghiên cứu đã đặt ra rất nhiều vấn đề
cả về lý luận và thực tiễn, đánh giá đúng tính chất, thực trạng của hát Then
nói chung và hát Then của người Tày nói riêng. Nhưng chưa có công trình
nào trực tiếp đề cập, nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện về vấn đề bảo
tồn giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở tỉnh Cao bằng. Vì vậy, việc
nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn văn hóa hát Then
của tỉnh Cao bằng hiện nay.
3. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc làm rõ sự cần thiết và thực trạng việc bảo tồn, phát huy
giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở tỉnh Cao Bằng, luận văn đề xuất

4


những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy văn
hóa hát Then ở tỉnh Cao Bằng hiện nay.
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
4.1. Khách thể nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu của luận văn là: giá trị văn hóa hát Then của người
Tày ở tỉnh Cao Bằng.
4.2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: việc bảo tồn và phát huy giá trị
văn hóa hát Then của người Tày ở tỉnh Cao Bằng hiện nay.

5. Giả thuyết khoa học
Nếu được triển khai thành công. Luận văn sẽ cung cấp cơ sở lý luận và
thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa
hát Then nói riêng và giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc của người Tày ở tỉnh Cao
Bằng; đồng thời đóng góp thêm một tài liệu tham khảo cho nhóm những công
trình nghiên cứu về đề tài này.
6. Nhiệm vụ nghiên cứu
Làm rõ cơ sở lý luận của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa hát Then
của người Tày ở tỉnh Cao Bằng
Đánh giá thực trạng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Then của
người Tày ở tỉnh Cao Bằng hiện nay và chỉ ra nguyên nhân của thực trạng đó.
Đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá
trị văn hóa hát Then của người Tày ở tỉnh Cao Bằng hiện nay.
7. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu:
Luận văn phân tích và làm sáng tỏ thực trạng việc bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở tỉnh Cao Bằng từ 2010 – 2017.

5


8. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: phân tích và tổng
hợp, diễn dịch và quy nạp, lịch sử - lôgíc, hệ thống hoá, khái quát hoá, thống
kê, so sánh, diễn dịch và quy nạp…
9. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, nội
dung luận văn bao gồm 02 chương, 05 tiết.
10. Tóm tắt những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của tác giả
Hệ thống hóa những kiến thức lý luận chung về hát Then, bảo tồn văn
hóa hát Then, phát huy văn hóa hát Then và bảo tồn phát huy văn hóa hát

Then ở tỉnh Cao Bằng.
Nêu vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy
văn hóa hát Then ở tỉnh Cao Bằng hiện nay.
Đánh giá đúng thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Then
của người Tày ở tỉnh Cao Bằng.
Đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn
và phát huy văn hóa hát Then ở tỉnh Cao Bằng hiện nay.

6


Chương 1
SỰ CẦN THIÊT PHẢI BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA
HÁT THEN CỦA NGƯỜI TÀY Ở CAO BẰNG HIỆN NAY
1.1. Cơ sở lý luận của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa hát
Then của người Tày ở Cao Bằng hiện nay
1.1.1. Tầm quan trọng của hát Then đối với người Tày ở Cao Bằng
1.1.1.1. Khái niệm, nguồn gốc hình thành, phát triển và các đặc điểm
của hát Then Tày ở Cao Bằng
* Khái niệm về hát Then
Hát Then là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, là văn hóa tín ngưỡng
của người Tày, Nùng, phản ánh tâm tư, tình cảm nguyện vọng của họ với Trời
cũng như phản ánh cuộc sống hàng ngày, văn hóa, xã hội của họ. Khi hát
Then, một nghệ nhân ngồi hát, tay đệm đàn Tính, chân xóc nhạc, miệng hát
trong tâm yên bình, không suy nghĩ muộn phiền, để được bay về “Mường
Trời”. Lúc đó, người hát Then là đại diện cho một bản làng, một xã hội thu
nhỏ để cầu xin những điều tốt đẹp nhất đến với người dân như mùa màng bội
thu, không bị bệnh tật, làm ăn tốt đẹp....
Theo người Tày “Then” là “Thiên” tức là Trời, hát Then là điệu hát
thần tiên đem đến cho con người quên đi sự buồn bực, những vất vả của cuộc

sống mà luôn vui tươi với hiện tại, lên tiên giới để cầu xin những điều tốt
lành. Người Tày tin rằng những ông Then, Bà Then sẽ được lên trời, đứng ở
ranh giới giữa tiên cảnh và thế giới thực tại, hát những khúc ca, làn điệu then
để cầu xin cho con người có mùa màng bội thu, có sức khỏe, có lòng tin sẽ
chiến thắng mọi bệnh tật, mọi thế lực xấu. Mỗi khi cuộc sống khó khăn vất vả
người Tày nương náu vào chốn tâm linh của mình và tìm đến các nghệ nhân

7


hát then, coi những nghệ nhân đó là người dẫn đường cho con người lên tiên
giới để xin lộc, cầu duyên với đấng tối cao.
. Với ý nghĩa đó, ở Cao Bằng làn điệu hát Then như một giá trị tinh thần
không thể thiếu được không chỉ đối với người Tày mà còn lan tỏa và có tác
động sâu sắc trong từng con người, gia đình và xã hội. Có thể khẳng định, hát
Then của người Tày ở Cao Bằng là một loại hình văn hóa nghệ thuật, thuộc
văn hóa tín ngưỡng, tinh thần, ở đó phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tôn thờ đối
với Trời và phản ánh tình yêu muôn loài và con người cũng như lao động sản
xuất của người Tày ở Cao Bằng.
* Nguồn gốc hình thành và phát triển của hát Then
Tày ở Cao Bằng
Hát Then của người Tày có nguồn gốc hình thành và sự phát triển gắn
với tâm thức văn hóa lâu đời, từ những truyền thuyết (như Cô gái mồ côi,
chuyện về chàng Xiên Cân…), đặc biệt là gắn với đời sống sinh hoạt của
người dân nơi đây.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, hát Then được cho là ra đời ở thời kỳ nhà
Mạc. Sau khi bị nhà Lê đánh đuổi lên Cao Bằng, nhà Mạc đã xây nơi đây Người
ta cho rằng ông Bế Văn Phụng và ông Nông Quỳnh Văn là người sáng tạo ra thể
loại này, nghệ thuật được ra đời dưới triều Mạc Kính Cung (1594 - 1677).
Bế Văn Phụng là người làng Bản Vạn, xã Nhượng Bạn, châu Thạch

Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An, Cao Bằng) giữ chức Tư thiên quản
nhạc, tục gọi là “Vua Ca đáng” - đã lập ra phường Then nữ và được coi là
Thủy tổ của phường hát then. Nông Quỳnh Văn ở xã Nga Ổ (nay thuộc xã Chí
Viễn, huyện Trùng Khánh) lập ra phường Giàng nam. Cả Then và giàng đều
là các phường hát mua vui, khi hát đều có đàn Tính (một nhạc cụ độc đáo của
dân tộc Tày) đệm theo. Phường Then và Giàng tuyển nam thanh, nữ tú tập

8


luyện ca hát, diễn xường, khi thuần thục rồi được vua Mạc Kính Cung mời
vào chầu múa, hát cho vua xem, được vua khen và từ đó lan truyền mãi trong
dân.
Trước khi vào cung hát Then thời kì ấy vẫn là những điệu sơ khai
nhưng sau khi được làm đội quản nhạc lễ cho phủ Mạc Bế Văn Phụng đã tổ
chức những bài hát Then Tày hợp với thời kì chính trị, sáng tác nhiều bài hát
Then mới hay hơn, dễ nghe hơn, phù hợp với thị hiếu của người dân ở thời kì
ấy. Hành văn và từ ngữ được ông sử dụng một cách phù hợp hơn, những ca
khúc mới có pha thêm tiếng Hán Nôm, một số bài có tiếng Hán Nôm đã được
phổ nhạc đàn Tính.
Hát Then với nhạc cụ đàn Tính biểu hiện hình tượng âm thanh, âm điệu
độc đáo của nền dân ca dân tộc Tày. Cái hay của Then là giọng hát hay, tiếng
đàn du dương, dìu dặt, mà lời cứ êm ru, ngọt ngào nói lên được tiếng nói của
quần chúng nhân dân. Then có tình tiết phong phú, có những ảnh hưởng quen
thuộc, có nhiều tứ đã thành ước lệ. Ban đầu, Then là lối kể chuyện bằng văn
vần, dùng đàn để nâng đỡ lời ca, do đó, giai điệu, tiết tấu, lời Then còn đơn
giản, hầu như chưa thoát khỏi âm thanh ngôn ngữ bình thường. Dần dần,
Then phát triển hơn cùng với sự phát triển của đời sống, ngôn ngữ, tập quán;
sau này đạt tới trình độ điêu luyện với vai trò của những người trí thức chuyên
nghiệp kết hợp với nghệ sĩ dân gian.

Sau thời kì sơ khai của hát Then, qua nhiều biến động của chính trị
Then Tày ở Cao Bằng không được sử dụng rộng rãi trong cung đình và gắn
với chính trị như trước đó mà đi sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân.
Then Tày ở Cao Bằng thời kỳ này chủ yếu nói về ca ngợi con người lao động,
tình yêu thiên nhiên đất nước, những lời cầu khấn của người dân tới trời cao
xin mùa màng, xin chữa bệnh, xin làm ăn được....

9


Năm 1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước đặt những bước chân đầu
tiên lên mảnh đất Cao Bằng, Then Tày nơi đây cũng được phục hưng một lần
nữa, những bản hùng ca cổ vũ cách mạng được viết lên, những điệu Then, Lời
Then mới được ra đời với một ý nghĩa to lớn hơn đó là cổ vũ cách mạng, cổ
vũ dân tộc, cổ vũ tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta, ngoài
những bản hùng ca này ra ở thời kỳ này Then Tày ở Cao Bằng còn được bảo
tồn và phát triển toàn diện để cho phù hợp với cuộc sống mới của người dân.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) trở về đây, hát Then được biến
hóa gọi là Then mới; nhất là từ năm 1960 đến nay, âm nhạc Then và giàng
biến hóa dần theo phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng; do nhu cầu
phản ánh cuộc sống mới đã có nội dung mới, âm nhạc mới.
Trong giai đoạn 1945 - 1975 hát Then của người Tày Cao Bằng chủ về
cổ vũ tinh thần chiến đấu của dân tộc, tinh thần chiến đấu của những anh
hùng hi sinh thân mình mà bảo vệ tổ quốc, những người con ưu tú của quê
hương của cách mạng, những bài hát Then, lời Then còn nói về tình yêu thiên
nhiên, yêu đất nước của dân tộc.
Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, đặc biệt là từ khi Đảng khởi
xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước, hát Then của người Tày ở Cao
Bằng cất lên lời ca ngợi quê hương, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Cùng với đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, Then Tày ở Cao

Bằng ngày càng được quan tâm và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu khoa học đặc biệt là các văn nghệ sỹ mới
đã cống hiến cho việc bảo tồn, phát huy và đưa văn hóa hát Then lên một tầm
cao mới như: đổi mới những bài hát Then với cả nội dung, làn điệu; một số
bài có chuyển ngữ sang tiếng Việt các ngôn ngữ dộc tộc khác làm cho Then
dễ dàng thâm nhập đời sống và có sức lan tỏa hơn.

10


* Đặc điểm hát Then của người Tày ở Cao Bằng:
Then gắn bó sâu sắc với người Tày, được phát triển một cách rộng rãi.
Dọc theo các triền núi phía Bắc, những điệu hát Then luôn dập dìu nức lòng
người nghe. Mỗi vùng quê, Then lại được chuyển thể cho phù hợp và mang
những dấu ấn riêng. Then - Lạng Sơn dặt dìu tha thiết, nói về tình yêu thương
giữa con người với con người, nói về tình yêu con người với đất nước. Then Tuyên Quang mạnh mẽ với tiếng tiến quân ra trận, những bản nhạc hào hùng
hào khí dân tộc. Then - Hà Giang nhẹ nhàng đằm thắm nhả nhẹ nhàng những
tiếng đẹp, nét dịu dàng trong từng lời hát… Then – Cao Bằng mang nét đẹp
uy nghi, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước, ngợi ca sức mạnh của con
người và khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên…
Trong các nghi lễ, lễ hội của người Tày ở Cao Bằng hiện nay không thể
thiếu được việc hát Then và thờ cúng, đó là phần lễ và phần hội, phần lễ là
các nghi thức thờ cúng và phần hội là các làn điệu hát Then vừa cầu nối giữa
con người với đấng siêu nhiên vừa là phần vui chơi, tạo không khí náo nhiệt
cho con người.
Thứ nhất, hát Then của người Tày ở Cao Bằng mang ý nghĩa tâm linh
sâu sắc, là một phần không tách rời trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng
của họ. Người Tày ở Cao Bằng cho rằng cuộc sống này có “3 mường” là
Mường Trời, Mường Đất, Mường Âm. Khi cây đàn Tính, điệu nhạc, lời Then
được cất lên những ông Then, bà Then sẽ được đi qua các Mường này, được

đến những miền đất mới và gặp những người sống trên mảnh đất đó.
Thông qua những giai điệu, giọng hát, người nghe Then có thể cảm
nhận được những ông Then, bà Then đang đi tới đâu, tới những vùng trời nào,
đang làm những gì, đã xin được những gì... Cũng như Hầu Đồng, những ông
Then, bà Then nhảy múa theo điệu nhạc vui vẻ, cầu xin những điều tốt đẹp

11


cho gia chủ, đánh bại những con quái vật, yêu ma làm hại con người, mùa
màng… Những người nghe hát Then, xem thầy Then múa, hát sẽ có cảm giác
hồi hộp, chờ đợi và cổ vũ tinh thần cho các nghệ nhân Then. Đây là một điệu
lên ngựa đánh thủy quái trong hát Then: “Phạt cờ khửn bưởng lăng tứn mạ á a
Phạt cờ khửn bưởng nả tứn loan (phất cờ về phía sau lên ngựa á a à ơi, phất
cờ về phía trước xuất quân). Tiếng kèn mạy loi, tiếng trống mạy tảng reo lên,
rồi cứ thế đoàn quan quân Then đi hết từ pá nhả khâm thai đét (bãi trà may
chết nắng), rồi pá nhả lẹp thai mươi (bãi rau hẹ chết sương, đến ruộng rồi đến
các bản trong Mường trời)” [12].
Thứ hai, hát Then gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Tày ở Cao
Bằng, từ việc lớn đến các sinh hoạt hàng ngày. Người Tày hát Then trong các
dịp đại lễ của mình như: lễ hội Lồng tồng (xuống đồng), lễ hội Au nặm (lấy
nước về nhà)… Hát Then rất phổ biến trong cuộc sống đời thường người dân
tộc Tày: có bạn tới nhà gia chủ mời nhau một làn điệu Then; mời nhau chén
nước qua một câu Then; gia đình có việc cần nhờ người giúp, Then cất lên
bay bổng; gặp nhau ngoài nương gọi bạn bằng một câu Then; người có bệnh tật
cần những lời Then an ủi; gia đình có chuyện vui, tiệc rượu, mời Then bạn bè...
Thứ ba, hát Then của người Tày ở Cao Bằng rất phong phú về cả làn
điệu, nội dung, ý nghĩa sử dụng và có giá trị nghệ thuật.
Hát Then được diễn xướng vào những dịp lễ trọng đại với rất nhiều
“đường Then” như: Lễ Thống đẳm, Cấp sắc, Cầu hoa, Pang Khoăn… Hát

Then còn có những làn điệu được sử dụng trong những dịp lễ của các gia chủ,
gắn với những ước mong cụ thể như: Điệu khẩu tu – vào cửa trời (có ý nghĩa
là các nghệ nhân Then đang xin được vào cổng trời để cầu xin những điều tốt
đẹp cho gia chủ), Pây mạ (hoặc Pây mã) - nghĩa là đi ngựa, Điệu Đông Mèng
(hoặc Đông Quảng) - nghĩa là vào rừng ve để nghe tiếng thiên nhiên hùng vĩ,

12


Gọi vía – nghĩa là gọi hồn người chết về để căn dặn con cháu… Ngoài ra hát
Then còn có rất nhiều làn điệu khác như chèo thuyền, vượt khái, leo dốc, kin
khẩu, au mìa… hát trong những đám cưới, những khúc hát cầu mong sinh
con, đầy tháng, giải hạn… Có những làn điệu hát cho nhau nghe, với mong
ước vui vẻ như: Then khảu rườn mấu – vào nhà mới, Then thơ, Then tảo mộ,
Then trong đám cưới…
Những khúc ca Then được sắp sếp theo các trình tự, trật tự mang tính
bài bản, không trùng lặp, có kiểm định, không phân biệt vùng miền, sắc tộc,
tôn giáo, ứng với những thời điểm của xã hội. Ngoài những câu Then cổ,
những bài hát cổ, giờ đây người Tày ở còn sáng tác ra rất nhiều ca khúc Then
phù hợp với đời sống và con người hiện tại.
Thứ tư, diễn xướng Then của người Tày ở Cao Bằng cũng rất đặc biệt.
Hát Then thường được biểu diễn ngay trong nhà và trước ban thờ của
gia chủ. Không gian diễn xướng không được rộng lớn đối với những khúc
bình thường hay những dịp lễ nhỏ nhưng vẫn giữa được nét uy nghi, linh
thiêng. Trong những buổi đại lễ Then, các nghệ nhân được hát trong một
không gian rất lớn ở ngoài sân làng, ngoài những cánh đồng rộng lớn hoặc
gần những vách núi, vách đồi. Trong các dịp lễ hội lớn này, hát Then thường
được tổ chức cùng với các màn hát, múa, nhảy và những trò trơi dân gian như
ném còn, chơi khăng (cho trẻ nhỏ), hay bắt chồng, Pắt slao, báo bắt vợ (dành
cho người trưởng thành)…

Thứ năm, nghệ nhân hát Then vô cùng được coi trọng. Trong quan
niệm của ngườ Tày ở Cao Bằng, nghệ nhân hát Then còn được gọi là các ông
Then, bà Then gắn liền với tâm linh, là cầu nối giữa con người trần mắt thịt và
các đấng siêu nhiên như trời đất, thế giới tiên cảnh. “Nghệ nhân hát Then phải
là người có “căn Then”, họ sẽ thuộc rất nhiều bài hát then cổ cũng như củng

13


cố cho mình những bài Then mới. Người làm Then phải là người có “mình
pang Then”, thích hợp cho việc làm thầy cúng, được cộng đồng tín nhiệm, nể
trọng. Cũng giống như Hầu đồng của người Việt, Then của người Tày mượn
lời ca, tiếng đàn cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên
để thỉnh cầu hay cảm tạ” [13].
Thứ sáu, trong hát Then, cây đàn Tính rất quan trọng, có những khúc
Tính tương ứng với các làn điệu hát Then như: Khúc tính pây rầu, pây tàng
nặm, tàng bốc, điệu tính pâu trầu, đặc sắc hơn nữa là những bản hòa tấu đàn
tính dành cho các đại lễ như: khúc hoà tấu đàn tính và tam thập lục, khúc hoà
tấu đàn tính và hồ trung, khúc tính giã bạn, khúc tính ngày mùa, khúc tính
đoàn viên...
1.1.1.2. Giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở Cao Bằng
* Khái niệm “giá trị văn hóa”
Đến nay, có nhiều quan niệm khác nhau về khái niêm “giá trị”, ở mỗi
góc độ khác nhau, người ta lại đưa ra các khái niệm khác nhau. Theo từ điển
tiếng Việt, "Giá trị là trị giá mà các vật kinh tế và những sự phục vụ kinh tế có
được trong việc giao dịch". Trị giá ấy phù hợp ".
[ />với giá cả và với bất cứ một tên gọi nào khác của vật ngang giá, ví dụ
như tiền công chẳng hạn" Chẳng hạn như, trong kinh tế học, Mác đưa ra khái
niệm: Giá trị là hao phí sức lao động kết tinh trong sản phẩm. [giáo trình Kinh
tế chính trị Mác-Lê Nin, NXB Học viện Chính trị quốc gia HCM] [tr;13].

Dù có các khái niệm khác nhau, song các khái niệm về giá trị đều có sự
thống nhất ở chỗ: Giá trị chỉ sự đánh giá những thành quả lao động sáng tạo vật
chất và tinh thần của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu, mục đích của con

14


người. Một sự vật, hiện tượng được coi là có giá trị khi nó kết tinh thể hiện
được thành quả của lao động, sáng tạo đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu, mục đích
của con người, có tác dụng định hướng và điều chỉnh các hoạt động của con
người nhằm vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
Văn hóa là khái niệm được sử dụng phổ biến, song đây cũng là khái
niệm gây tranh cãi trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Cho đến nay, người ta có
thể thống kê trên 400 trăm khái niệm khác nhau về văn hóa.
Ngay từ năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm về văn
hóa: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu
hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu
của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn ” [Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXb Chính
Trị Quốc Gia, 2009, tập 3, tr431], đây là một cách tiếp cận văn hóa từ ý nghĩa
khái quát, đặc trưng nhất của nó, một định nghĩa cô đọng và chính xác.
Năm 1970, tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở
Vơ-ni-dơ (I-ta-li-a), tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc
(UNESCO) đã thừa nhận khái niệm do Ph.Mây-ơ (nguyên Tổng Giám đốc
của tổ chức này): “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác
với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng,
phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra
định nghĩa: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc
trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm
người trong xã hội và nó chứa đựng ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách
sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”

[Lâm Thành (2014), Tạp chí cộng sản điện tử, ngày 15/3/2014
/>distribution=26298&print=true]

15


Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, GS.TSKH Trần Ngọc
Thêm cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần
do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự
tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [23, tr.14]
Như vậy, văn hóa vừa có thể hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ những sản
phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn mục đích,
nhu cầu của mình; hoặc cũng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là toàn bộ đời sống,
sinh hoạt, ứng xử, các sản phẩm nghệ thuật… của con người được cộng đồng
xã hội thừa nhận, được sàng lọc qua thời gian. Văn hóa cũng làm nên bản sắc
và những đặc trưng riêng của mỗi cộng đồng người, giai cấp, tầng lớp, dân
tộc, đất nước…
Từ khái niệm “giá trị” và “văn hóa”, có thể hiểu, “giá trị văn hóa là sự
đánh giá sản phẩm văn hóa – những sản phẩm vật chất và tinh thần của con
người, được cộng đồng thừa nhận, được sàng lọc qua thời gian, giúp định
hướng nhận thức, hành vi của con người đến những điều tốt đẹp hơn và làm
nên tinh hoa, bản sắc của mỗi loại hình văn hóa, của mỗi cộng đồng, mỗi dân
tộc, quốc gia”.
Giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở Cao Bằng là sự đánh giá,
chọn lọc của lịch sử đối với toàn bộ nền văn hóa hát Then của người Tày ở
Cao Bằng, từ đó thấy được vị trí, ý nghĩa của hát Then trong đời sống của
người Tày ở Cao Bằng qua các thế hệ.
* Hát Then của người Tày ở Cao Bằng chứa đựng giá trị văn hóa
sâu sắc:
Một là, Then phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của người Tày

Cao Bằng
Then là sự sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày.
Thông qua nhãn quan của những người làm nghề Then, thế giới ba tầng được
hiện lên thật rành mạch với cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian mà ở đó với tư
16


cách là người thông quan được với thần linh, người làm Then đã đi lại được
một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Thông qua thầy Then, cõi trời
được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh lý tưởng của cõi nhân
gian. Hay nói cách khác Then đã nhân hoá cõi trời. Ngoài cung phủ nguy nga
tráng lệ ra, cõi trời của Then cũng rất gần gũi với đời thường: có rừng rú, biển
cả, có ruộng vườn, chợ búa, v.v... Điều đó phản ánh sự nhận thức một cách
hồn nhiên thô mộc trong thế giới quan của họ.
Ngoài ra Then còn là sự cụ thể hoá quan niệm hồn linh giáo trong tín
ngưỡng dân gian bản địa. Tất cả các vị thần trong quan niệm dân gian khi vào
trong Then đều đã được hình tượng hoá như những nhân vật có thật. Ngoài tổ
tiên, tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong
Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức
nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc như Thổ công, Táo công, các tướng
nghề v.v...
Bên cạnh đó, thế giới tâm linh của người Tày ở Cao Bằng còn được thể
hiện qua những lễ vật mang tính tượng trưng hồn nhiên, mộc mạc trong Then.
Số mệnh con người được hình dung như một cái cầu, muốn trường thọ khoẻ
mạnh thì phải sửa sang lại cầu cho chắc chắn. Tuổi thọ và sức khoẻ của người
già được gắn với bồ gạo, muốn người già sống lâu thì phải bù cho bồ gạo đầy
thêm. Các lễ vật trong Then đều ít nhiều được biến hóa theo trí tưởng tượng
của họ: Quả bí xanh hình dung là con lợn, hoa chuối rừng là con gà trống;
chiếc thuyền bẹ chuối là tượng trưng cho đoàn thuyền loan thuyền phượng;…
Như vậy, Then đã phản ánh và lưu giữa văn hóa tâm linh, đời sống tinh

thần của người Tày. Do đó, Then đã trở nên gần gũi, gắn bó với đời sống tôn
giáo tín ngưỡng của họ qua nhiều thế hệ.
Bên cạnh đó, nhân sinh quan của người Tày ở Cao Bằng cũng được thể
hiện sâu sắc, tinh tế qua các bài Then. Có thể thấy thấm đẫm trong Then ước
17


mơ, khát vọng và hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ của cộng đồng người
Tày nơi đây. Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên trước hết
Then là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân
qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có
thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hoà thuận
yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành. Then đấu tranh với các ác, ca ngợi
những giá trị nhân bản của con người như: lòng hiếu thảo, tình yêu đôi lứa,
gia đình, yêu quê hương, ca ngợi lòng dũng cảm… Then cũng tỏ bày lòng
cảm thông sâu sắc với những số phận không may mắn như những người tật
nguyền, người chết thảm, những trẻ mồ côi, những cô gái xinh đẹp nhưng bị
ép duyên hoặc phận mỏng, v.v...
Hai là, Then phản ánh lịch sử, văn hóa của người Tày qua các giai đoạn.
Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, Then chứa đựng trong
nó những dấu ấn về lịch sử xã hội người Tày của một thời quá khứ. Điều đó
được thể hiện rõ nhất qua diễn xướng Then và đặc biệt là văn bản lời hát
Then. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự biến cải bởi phương thức
truyền miệng nhưng về cơ bản diễn xướng Then trong đó có lời hát Then vẫn
giữ được những nội dung phản ánh đó.
Trong buổi sơ khai, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian
nên lời hát Then là sự phản ánh chân thực cuộc sống, môi trường tự nhiên xã
hội của người Tày. Có thể nhận thấy làng bản và cuộc sống sinh hoạt lao động
sản xuất của người dân Tày hiện lên rất quen thuộc trong Then: đầu bản có
giếng nước nguồn, trên cánh đồng có nơi thả vịt, có đàn lợn, đàn trâu thả

rông, v.v... Một số thầy Then đã sơ đồ hoá con đường lên mường trời của họ
mà qua đó mường trời hiện lên chẳng khác gì mường đất nơi mà họ sinh sống
như là sự lộn ngược của thế giới trần gian. Lễ hội của Then phản ánh ước

18


nguyện về một cuộc sống dân an vật thịnh mà biểu trưng là cả đám đông tưng
bừng nhảy múa. Ngoài ra, các trò diễn mô phỏng đời sống lao động sản xuất
và săn bắn trong lễ hội Then cũng phần nào nói lên sự gắn bó của Then với
môi trường tự nhiên và xã hội của người Tày.
Bên cạnh đó, Then còn phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân
trong xã hội có giai cấp. Đó là cảnh vua quan hà hiếp dân đen trong nạn bắt
phu qua lời Then Khảm hải (Vượt biển). Đó là cảnh đi sứ đầy gian nan vất vả
được phản ánh trong văn bản lời Then Pây sử (Đi sứ). Ngay cả việc dâng lễ
vật cống nạp các vị thần linh cũng là một cách hiện thực hoá từ các hình thức
cống nạp của người dân đối với các tầng lớp vua quan…
Then cũng tỏ rõ thái độ phê phán và ý thức phản kháng của người dân
đối với kẻ cầm quyền. Then mỉa mai châm biếm những kẻ làm quan “ăn trên
ngồi trốc” ngồi mát đánh bát đầy, Then phê phán thói hư tật xấu của họ như
ham chơi, mê gái đẹp, tham lam, v.v... Cũng qua Then, bộ mặt thật của xã hội
phong kiến với những tệ tham quan ô lại, ăn của đút lót, dối trên lừa dưới ở
chốn quan trường phần nào cũng được phơi bày…
Ba là, Then tích hợp các giá trị văn hóa, nghẹ thuật đặc trưng của người
Tày ở Cao Bằng
Thông qua nghệ thuật ngôn từ, Then đã hội tụ được trong nó những giá
trị văn học dân gian truyền thống của dân tộc Tày như các thể loại truyện kể,
truyền thuyết, các câu thành ngữ tục ngữ đã được chau chuốt, gọt giũa, v.v...
mà qua đó đã làm sáng rõ được nhân sinh quan cũng như các quan niệm đạo
đức của người dân Tày. Trong diễn xướng Then, ngoài các thủ tục nghi lễ,

phần nội dung hành lễ được dẫn dắt chủ yếu qua lời hát Then tức là văn bản
hành lễ. Đó cũng là phần nội dung quan trọng nhất xuyên suốt toàn bộ một
cuộc làm Then, dẫn dắt nghi lễ Then từ đầu đến cuối. Về hình thức, lời hát

19


Then chủ yếu được sáng tác theo thể loại thơ hoặc văn vần mà dựa trên đó
thầy Then có thể hát, xướng, đọc hoặc tụng niệm.
Then nói chung và đặc biệt là Then cấp sắc nói riêng là sự tập trung cao
độ nghệ thuật nguyên hợp của người Tày với sự tham gia của nhiều thành tố
nghệ thuật khác nhau mà tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn
cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh. Sự phối kết
hợp các thành tố trong nghệ thuật biểu diễn như hát, nhạc (đàn tính, xóc
nhạc), xướng, múa, trò diễn, v.v... một cách đan xen, hoà nhập đã tạo nên một
hình thức nghệ thuật biểu diễn Then khá đặc trưng của người Tày. Có thể tìm
thấy sự phong phú đa dạng từ ngay trong mỗi thành tố của nghệ thuật biểu
diễn. Âm nhạc trong Then là sự hội tụ các làn điệu dân ca của từng địa
phương dân tộc Tày. Phong cách biểu diễn của các thầy Then nam miền Đông
Cao Bằng mạnh mẽ, tự tin với những tiết tấu âm nhạc nhanh mạnh, phóng
khoáng trong khi Then miền Tây giàu nữ tính nên nhẹ nhàng sâu lắng thiên về
tâm tình tự sự... Trong múa cũng có nhiều điệu múa gắn với từng khoa mục
cụ thể góp phần làm tăng sự biểu cảm của từng nội dung nghi lễ. Biểu hiện cụ
thể của yếu tố sân khấu trong Then là các trò diễn nghi lễ được thể hiện đan
xen giữa các lớp lang của nội dung diễn xướng…
Mặt khác, Then là sự hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian.
Những thầy Then bằng công việc của mình đã góp phần đắc lực vào việc phổ
biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn Then từ đời này sang đời khác. Nếu
như trong lễ Then thường, các nghệ nhân chỉ biểu diễn chính là đàn và hát thì
trong Then cấp sắc họ đã thực sự thể hiện hết mình thông qua các hình thức

biểu diễn khác như múa, diễn trò, nhập đồng... Đặc biệt ở đây phải kể đến các
điệu múa trong Then. Chỉ có thông qua lễ cấp sắc người xem mới thực sự
được thưởng thức hết vẻ đẹp tinh tế, sự phong phú và cuốn hút của các điệu

20


múa dân gian Tày. Và vì vậy, cũng có thể nói rằng Then đại lễ trong đó có
Then cấp sắc là một diễn xướng góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá nghệ
thuật tinh tuý của người Tày.
Với những giá trị văn hóa đó, năm 2017, tổ chức UNESCO đã công
nhận hát Then là một di sản văn hóa phi vật thể. Đây là niềm tự hào của cộng
đồng các dân tộc Tày, Nùng, những vùng quê có điệu hát Then nói chung và
của người Tày ở tỉnh Cao Bằng nói riêng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc
bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Then của người Tày ở tỉnh Cao Bằng
hiện nay.
1.1.1.3. Vai trò của hát Then đối với người Tày ở Cao Bằng
Trước hết, Then giúp gắn kết các thành viên, xây dựng tình đoàn kết, cố
kết cộng đồng.
Với tính chất vừa là nghi lê tâm linh, vừa là hình thức diễn xướng, vừa
gắn với các lễ hội của người Tày, do đó, Then gắn bó và thu hút sự tham gia
của cộng đồng người Tày tại địa phương. Mỗi khi gia đình có niềm vui, nỗi
buồn hoặc khát khao, mong cầu điều gì, người Tày ở Cao Bằng lại nhờ đến
Then. Khi diễn xướng Then hay làm lễ, các thành viên trong gia đình, dòng
họ, bản làng tập trung đông đủ, người góp công sức, người góp của cải, người
động viên tinh thần đối với gia chủ, đặc biệt là thể hiện lòng kính trọng và tin
theo thầy Then. Đó là điều kiện, môi trường để cộng đồng người Tày nơi đây
thường xuyên gắn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường tình đoàn kết,
tương trợ lẫn nhau. Sự giúp đỡ hồn nhiên, vô tư cũng như sự cổ vũ nhiệt tình
và trân trọng của cộng đồng đối với thầy Then đã chứng tỏ rằng Then có vị

trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày.
Bên cạnh đó, Then giúp lưu truyền, giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống
của người dân tộc Tày ở Cao Bằng.

21


Kính trọng người già, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà là là một trong
những nét đẹp nổi bật trong văn hoá ứng xử được thể hiện khá rõ trong các
nghi lễ Then. Có khá nhiều nghi lễ liên quan đến tôn kính người già như: lễ
mừng thọ cho cha mẹ với các tục vần khẩu lường là tục thể hiện sự cầu mong
ông bà cha mẹ trường thọ qua tục con cháu đổ thêm gạo vào bồ với ý nghĩa
bù gạo để người già có thêm lương thực ăn để trường thọ. Trong Then Kỳ yên
giải hạn đầu năm người ta thường kết hợp với việc làm lễ giải hạn cho ông bà,
cha mẹ nếu họ đã đến tuổi xung tuổi hạn. Những nghi thức đó đều cho thấy
truyền thống hiếu kính với cha mẹ, ông bà và cao niên của người Tày.
Tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá khá nổi bật của người Tày ở Cao
Bằng, được thể hiện sâu sắc trong Then. Ví như, trong lễ cấp sắc, khi người
đệ tử được cấp sắc tức là họ đã chính thức gia nhập vào gia đình dòng cúng
với các mối quan hệ theo kiểu gia đình có cha (thầy cha), mẹ (thầy mẹ), anh
(sư huynh), em (sư đệ), v.v... Trong lễ cấp sắc, nghi thức mời thầy vào nhà
với các thủ tục long trọng là một nghi thức khá đặc sắc thể hiện sự biết ơn và
kính trọng thầy. Người đệ tử lạy tạ các thầy cha, thầy mẹ, tặng lại miếng vải
hồng (quá hồng) làm khước cho các thầy của mình. Từ sau lễ cấp sắc, trong
các dịp nhà thầy có việc lớn hoặc các dịp lễ tết và khi thầy qua đời, người học
trò có trách nhiệm giống như con cái trong gia đình thầy. Và như vậy, mối
quan hệ giữa thầy cha, thầy mẹ với đệ tử trong Then đã vượt cao hơn cả quan
hệ thầy – trò, trở thành quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Đây là một nét đẹp
có tác dụng đối với việc giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho thế hệ trẻ
với ý nghĩa “không thầy đố mày làm nên”.

Tôn trọng phụ nữ, yêu thương, chăm sóc trẻ em cũng là một nét đẹp nổi
bật trong văn hóa hát Then. Gia đình người Tày nói chung là kiểu gia đình
tiểu phụ quyền, người đàn ông có vai trò quyết định những việc lớn trong gia

22


đình nhưng dựa trên sự tôn trọng ý kiến của người vợ. Có nhiều nghi lễ, lời
hát Then thể hiện sâu sắc tình cảm này, đặc biệt là nghi lễ cấp sắc. Trong lễ
cấp sắc, Khi thầy Then nhận lễ cấp sắc thì bên cạnh anh ta phải có người vợ
ngồi chứng kiến, các đồ lễ mà anh ta nhận được từ thầy trao cho như quạt, ấn,
xóc nhạc, v.v.. lần lượt được bỏ vào vạt áo trước của bà vợ với ý nghĩa rằng
rồi đây người vợ sẽ làm nhiệm vụ thắp hương và trông coi bàn thờ ở nhà để
anh ta đi hành nghề. Khi được thầy Then được tặng quà, anh ta sẽ đưa lại hết
cho người vợ với ý nghĩa “của chồng công vợ”. Ngoài ra, sự quan tâm tới bà
mẹ và trẻ em được thể hiện qua hàng loạt các nghi lễ liên quan đến việc sinh
đẻ của người phụ nữ, từ khi hoài thai cho đến khi đứa trẻ ra đời tới khi lên
mười tuổi, v.v... Các nghi lễ này ngoài yếu tố tâm linh ra còn thể hiện được sự
quan tâm trân trọng của gia đình, họ hàng và cộng đồng đối với người già, trẻ
em, phụ nữ. Rõ ràng là so với các hình thức mới như mừng thọ, mừng đầy
tháng có ăn uống linh đình nhiều khi gắn với mục đích kinh tế thì các nghi lễ
Then mang tính truyền thống có cội rễ lâu bền hơn trong đời sống tinh thần
người Tày. Chính vì vậy dù còn có điểm này điểm khác cần phải bàn thêm
nhưng có thể nói rằng nghi lễ Then là sự tích hợp trong nó những truyền
thống văn hoá tốt đẹp của người Tày.
Then cũng tỏ rõ thái độ yêu và trân trọng cái thiện, cái tốt đẹp và căm
ghé cái xấu xa. Trong Then có khá nhiều nội dung phê phán những thói hư tật
xấu trong xã hội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Các tuyến
hình tượng nhân vật tương phản được khắc họa sâu sắc: Trai đần - trai giỏi,
gái lười – gái chăm với ý nghĩa giáo dục, hướng thiện. Có nhiều bài Then là

những câu chuyện ca ngợi lòng hiếu thảo, tình mẫu tử, sựu thủy chung; những
chuyện mẹ chồng - nàng dâu, chuyện tranh vợ cướp chồng bị quả báo… Tất
cả đều là nhưng lời khuyên răn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thể hiện nhân
sinh quan của người Tày ở Cao Bằng.

23


×