Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Phân tích những đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp? Tại sao pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại phân biệt việc đánh thuế đối với thu nhập từ kinh doanh với thu nhập khác? Tìm hiểu những “thủ đoạn” chủ yếu để doanh nghiệp gian lận thuế thu nhập

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.3 KB, 10 trang )

BÀI TẬP LỚN HỌC KỲ MÔN LUẬT TÀI CHÍNH
Đề 05: Phân tích những đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp? Tại
sao pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại phân biệt việc đánh thuế đối
với thu nhập từ kinh doanh với thu nhập khác? Tìm hiểu những “thủ
đoạn” chủ yếu để doanh nghiệp gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp.
A. MỞ ĐẦU
Đối với đời sống kinh tế xã hội, thuế đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà
nước để quản lý, điều tiết sản xuất kinh doanh cũng như phân phối tiêu dùng, thúc đẩy
kinh tế phát triển. Hiện nay trên thế giới, thuế thu nhập là một loại thuế quan trọng
được áp dụng phổ biến ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Thuế thu nhập
là tên gọi để chỉ những sắc thuế lấy thu nhập làm đối tượng tính thuế. Cụ thể hơn, thuế
thu nhập là loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập của các tổ chức kinh doanh và các cá
nhân có thu nhập phát sinh từng lần trong một khoảng thời gian xác định từ một số
nguồn nhất định. Từ đối tượng chịu thuế có thể phân chia thuế thu nhập ra làm hai
loại: thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong phạm vi
nghiên cứu của đề bài, sinh viên chỉ tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến thuế
thu nhập doanh nghiệp.
Thuế thu nhập doanh nghiệp xuất hiện rất sớm trong lịch sử phát triển của thuế.
Hiện nay ở các nước phát triển, thuế thu nhập doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan
trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước và thực hiện phân
phối thu nhập. Mức thuế cao hay thấp áp dụng cho các chủ thể thuộc đối tượng nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp là khác nhau, điều đó phụ thuộc vào quan điểm điều tiết
thu nhập và mục tiêu đặt ra trong phân phối thu nhập của từng quốc gia trong từng thời
kỳ nhất định. Vậy thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Đặc trưng của thuế thu nhập
doanh nghiệp? Và những “thủ đoạn” chủ yếu doanh nghiệp thường sử dụng để gian lận
thuế thu nhập doanh nghiệp? Đó là những câu hỏi thôi thúc sinh viên lựa chọn chủ đề
bài tập lớn: “Phân tích những đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp? Tại sao
pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại phân biệt việc đánh thuế đối với thu nhập
từ kinh doanh với thu nhập khác? Tìm hiểu những “thủ đoạn” chủ yếu để doanh
nghiệp gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp”
B. NỘI DUNG


1


I.

Khái niệm và đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện nay ở các nước, tên gọi của thuế này có thể khác nhau như: thuế thu nhập
công ty, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lợi tức… Nhưng bản chất là tương đối giống
nhau. Có quốc gia quy định loại thuế này trong một luật riêng, quốc gia khác lại quy
định chung một bộ luật với thuế thu nhập cá nhân vì họ cho rằng hai loại thuế đánh
trên thu nhập này có quan hệ mật thiết với nhau nên quy định trong cùng một văn bản
thì sẽ dễ tiếp cận hơn.
Ở Việt Nam, trước năm 1990 có một loại thuế đánh vào thu nhập của các cơ sở
sản xuất, kinh doanh gọi là thuế lợi tức. Kể từ sau năm 1990, Luật thuế lợi tức được
ban hành. Cho đến năm 1997, nhận thấy tên gọi “thuế lợi tức” không phản ánh được
đầy đủ nội dung kinh tế của thuế này, cùng với nhiều lý do khác khiến Luật thuế lợi
tức bộc lộ nhiều hạn chế và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển kinh tế,
Quốc hội đã thông qua Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thay thế cho Luật thuế lợi tức
kể từ ngày 01/01/1999. Như vậy, từ đó đến nay, Việt Nam sử dụng thuế thu nhập
doanh nghiệp làm tên gọi cho loại thuế này.
Về khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay còn nhiều quan điểm khác
nhau và chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tựu
chung lại về bản chất thì: Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, đánh vào thu
nhập chịu thuế của tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong kỳ
tính thuế.
2. Đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp
Như đã trình bày ở trên, thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong hai loại thuế
thu nhập (cùng với thuế thu nhập cá nhân) nên thuế thu nhập doanh nghiệp cũng mang

đầy đủ đặc điểm của thuế thu nhập thông thường:
Thứ nhất, thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập. Trong hệ thống thuế
ở các nước trên thế giới, hiện nay có nhiều loại thuế khác nhau, có đối tượng tính thuế,
đối tượng nộp thuế cũng khác nhau, nhưng suy cho cùng thì bất kỳ loại thuế nào cũng
đều lấy từ thu nhập của người dân trong xã hội để tập trung vào quỹ ngân sách nhà
nước của từng quốc gia.
2


Do thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập phát sinh nên một trong
những nội dung quan trọng trong chính sách thuế thu nhập là phải xác định được thu
nhập chịu thuế. Nhưng hiện nay khái niệm “thu nhập” vẫn chưa được định nghĩa chính
thức, thông thường các nhà nghiên cứu kinh tế, pháp lý không đưa ra định nghĩa tổng
quát mà họ chỉ liệt kê những khoản được gọi là thu nhập của các tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, các khoản thu nhập của các tổ chức, cá nhân rất đa dạng. Nếu căn cứ
vào hoạt động hoặc giao dịch phát sinh thu nhập thì thu nhập gồm: thu nhập từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu nhập từ lao động; thu nhập từ tài sản, tiền vốn;
thu nhập từ thừa kế, tặng, cho; thu nhập từ bản quyền, nhuận bút; thu nhập từ chuyển
giao công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhãn hiệu hàng hóa; thu nhập do được bồi
thường; thu nhập do trúng xổ số, khuyến mại; thu nhập xã hội dành cho như: học
bổng, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp cho các đối tượng chính sách và các khoản thu nhập
khác.
Nếu căn cứ vào tiêu chí khác nhau của thu nhập thì phân chia thành: thu nhập
thường xuyên và thu nhập không thường xuyên; thu nhập hợp pháp và thu nhập bất
hợp pháp; thu nhập thực tế đã phát sinh và thu nhập tiềm năng; thu nhập phổ biến và
thu nhập không phổ biến; thu nhập của tổ chức và thu nhập cá nhân; thu nhập trong
nước và thu nhập ở nước ngoài…
Thứ hai, thuế thu nhập là thuế trực thu, ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân
sách nhà nước, nó còn có mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hoà thu nhập xã hội nên
thường gắn liền với chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước. Bởi vậy, pháp luật thuế

thu nhập ở các nước thường có những quy định về chế độ ưu đãi, miễn, giảm thuế để
đảm bảo chức năng khuyến khích của thuế thu nhập hoặc thực hiện việc áp dụng đánh
thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với một số khoản thu nhập chịu thuế để thực
hiện các mục tiêu điều tiết.
Thứ ba, thuế thu nhập là một loại thuế phức tạp, có tính ổn định không cao. Việc
quản lý thuế, thu thuế tương đối khó khăn, chi phí quản lý thuế thường lớn hơn so với
các thuế khác. Đối với thuế thu nhập, ngoài việc xác định các khoản thu nhập chịu
thuế còn phải xác định nguồn gốc thu nhập, địa điểm phát sinh thu nhập, thời hạn cư
trú của chủ sở hữu thu nhập, tính ổn định của thu nhập… Trong phần xác định thu
nhập chịu thuế, phải xác định được các khoản khấu trừ hợp lý để tiến hành khấu trừ
3


khi tính thuế nhằm bảo đảm mục tiêu công bằng và khuyến khích đối với đối tượng
nộp thuế.
Thứ tư, nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập bao gồm các văn bản quy
phạm pháp luật thuế quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật thuế quốc tế. Bởi thuế
thu nhập là thuế trực thu nên nó có thể là đối tượng được điều chỉnh bởi Hiệp định
tránh đánh thuế hai lần. Mục đích ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm
loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng cách: miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt nam cho
các đối tượng cư trú của nước ký kết hiệp định hoặc khấu trừ thuế mà đối tượng cư trú
Việt nam đã nộp tại nước ký kết hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Ngoài
ra, Hiệp định còn tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các
cơ quan thuế Việt Nam với cơ quan thuế các nước kết trong công tác quản lý thuế quốc
tế nhằm ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và vào
tài sản. Hiện nay, có rất nhiều quốc gia đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với
Việt Nam trong đó có thể kể đến như: Australia (1992), Thái Lan (1992), Pháp (1993),
Nga (1993)…
Ngoài những đặc điểm của thuế thu nhập nói chung, thuế thu nhập doanh nghiệp
cũng mang đặc điểm riêng của loại thu nhập doanh nghiệp dưới góc độ phân biệt với

thuế thu nhập cá nhân:
Thứ nhất, đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản
xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế. Theo đó, đối tượng nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
 Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam ;
 Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có
cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
 Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
 Ðơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam ;
 Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.1
Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình có thu nhập từ
kinh doanh cũng không còn là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

1 Khoản 1, Điều 2, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung 2013)

4


Thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất,
kinh doanh của doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp đánh vào thu nhập chịu
thuế của các cơ sở kinh doanh nên nó phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của
các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư. Thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định trên
cơ sở thu nhập chịu thuế, nên chỉ khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kinh doanh có
lợi nhuận mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu
nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác. Ngoài ra,
pháp luật cũng quy định một số loại thu nhập được miễn thuế như: thu nhập từ trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã;
thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư
nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó
khăn; thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp… 2

II.

Tại sao pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại phân biệt việc đánh
thuế đối với thu nhập từ kinh doanh với thu nhập khác?

Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì một tổ chức sẽ là đối
tượng của nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi có hai sự kiện pháp lý: có sản xuất,
kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay còn gọi là hành vi kinh doanh và có thu nhập phát
sinh. Trong đó, dấu hiệu có thu nhập phát sinh là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ kê
khai, nộp thuế, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, thu nhập phát sinh
ở đây phải là thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng
hóa, dịch vụ và thu nhập khác. Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng
vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển
nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng
quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản,
quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp
luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy
tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi
đã xóa nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu
nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.
2 Điều 4, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung 2013)

5


Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu
của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt
động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế
là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản

trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được
tiền hay chưa thu được tiền.3 Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ
tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi
trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.4
Dựa trên những định nghĩa trên, có thể lý giải tại sao pháp luật thuế thu nhập
doanh nghiệp lại phân biệt việc đánh thuế đối với thu nhập từ kinh doanh với thu nhập
khác? Như sau:
Thu nhập từ sản xuất kinh doanh và thu nhập khác đều là những khoản thu của
doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, làm tăng lên giá trị thu nhập của doanh nghiệp. Tuy
nhiên, thu nhập từ sản xuất, kinh doanh là những khoản thu nhập phát sinh từ hoạt
động sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký trong giấy phép đăng ký kinh
doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp. Còn thu nhập khác là khoản thu góp phần làm
tăng thu nhập (hợp pháp) của doanh nghiệp nhưng từ các hoạt động ngoài hoạt động
tạo ra doanh thu (không phải là các hoạt động doanh nghiệp đã đăng ký). Ví dụ hoạt
động thanh lý tài sản. Rõ ràng thanh lý tài sản sẽ thu về được một khoản tiền, tuy
nhiên trên giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thì không có hoạt động
này, do đó khoản thu về từ hoạt động thanh lý này sẽ được đưa vào thu nhập khác chứ
không phải doanh thu.
Mặt khác, thu nhập từ sản xuất, kinh doanh được xác định theo từng thời kỳ
(tháng, quý, năm) và mang tính ổn định, lâu dài (trừ trường hợp bị lỗ) còn thu nhập
khác chỉ được xác định theo từng lần phát sinh, không ổn định và thường xuyên. Ví dụ
như hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư thì chỉ khi
nào có những hoạt động này mới phát sinh thu nhập khác để tính thuế. Vì vậy, không
thể tính chung thu nhập từ những hoạt động này vào với thu nhập từ sản xuất, kinh
doanh được.
3 Khoản 1, Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/nđ-cp
ngày 26/12/2013 của Chính Phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
4 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014.

6



Từ những lập luận trên thì việc pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp phân biệt
việc đánh thuế đối với thu nhập từ kinh doanh với thu nhập khác là hoàn toàn hợp lý
và có cơ sở.
III.

Những “thủ đoạn” chủ yếu để doanh nghiệp gian lận thuế thu nhập

doanh nghiệp.
1. Kê khai lỗ
Đây có lẽ là phương pháp đơn giản, ít tinh vi nhất để trốn thuế thu nhập doanh
nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế, nên
chỉ khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kinh doanh có lợi nhuận mới phải nộp thuế
thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, nếu kê khai lỗ thì doanh nghiệp sẽ không phải nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp kê khai lỗ để trốn đóng thuế thu
nhập doanh nghiệp cũng khá phổ biến hiện nay. Hầu hết các hành vi trốn thuế của
doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối
với nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá bán xuất khẩu thấp hơn nhiều, từ đó tạo ra lỗ
nhưng thực chất là dòng tiền vẫn chuyển động giữa các công ty thành viên, công ty mẹ
- con.
2. Giảm doanh thu
- Bỏ ngoài số sách kế toán

Bỏ ngoài sổ sách kế toán là hình thức doanh nghiệp không ghi đầy đủ các giao
dịch phát sinh nên làm giảm doanh thu của doanh nghiệp dẫn đến giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp phải nộp. Đây là thủ đoạn khá phổ biến hiện nay. Người nộp thuế
thường dùng hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh
đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao
dịch kinh tế để khai thuế.

- Ghi giá bán thấp hơn thực tế
Đây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn
giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi gian lận này không những làm giảm thuế
thu nhập doanh nghiệp mà còn làm giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp, gây ảnh hưởng
không nhỏ đến việc thu ngân sách hàng năm.
- Không kê khai hoặc kê khai không đúng các khoản thu nhập khác.
7


Khi có phát sinh các khoản thu nhập khác, doanh nghiệp không kê khai với cơ
quan thuế hoặc kê khai không đúng giá trị của hợp đồng để giảm thu nhập, qua đó
giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
3. Tăng chi phí được trừ
Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu
của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt
động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Vì vậy, nếu tăng được càng nhiều chi
phí được trừ thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẽ càng
giảm dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ càng thấp. Từ đây có thể thấy,
thủ đoạn cơ bản được sử dụng là khai man thêm những chi phí giả tạo và tăng giá trị
chi phí không đúng với thực tế, miễn là những “chi phí được trừ” này đáp ứng được
các điều kiện tại khoản 1 Điều 6 và không thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 6
Thông tư 78/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/NĐCP quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ: lập khống
hợp đồng lao động, lập khống hợp đống môi giới, tạo dịch vụ mua hàng giả tạo…
C. KẾT LUẬN
Qua bài viết có thể thấy rõ những đặc trưng cơ bản của thuế thu nhập doanh
nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động như thế nào tới những nhân tố trong
xã hội. Thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ là công cụ để Nhà nước điều tiết, phân
bổ, thay đổi cơ cấu kinh tế, là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước mà còn là yếu tố
quan trọng tác động đến sự phân phối thu nhập, tiền lương, khả năng khai thác thu hút
vốn đầu tư và các vấn đề xã hội khác. Do tác động của nó rất lớn nên việc xây dựng

pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hướng tới hoàn thiện là điều mà tất cả các
nước đều đang hướng tới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, kinh tế nước ta đang
không ngừng hội nhập và phát triển, bắt kịp các xu hướng trên thế giới. Bên cạnh
những doanh nghiệp chấp hành tốt còn nhiều doanh nghiệp ngày càng sử dụng những
thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt cơ quan quản lý thuế. Đó chính là những thách thức rất
lớn với các nhà làm luật, các cán bộ, công chức công tác trong ngành thuế ở nước ta
hiện nay.

8


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, Nxb CAND,
2014.
2. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi bổ sung 2013).
3. Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 Hướng dẫn thi hành nghị định
số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ quy định và hướng
dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Nghị định 218/2013/ NĐ-CP ngày 26/12/2013 Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Website:


9


MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU........................................................................................................1
B. NỘI DUNG....................................................................................................2
I. Khái niệm và đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp.....................2

1. Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp...............................................2
2. Đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp.........................................2
II.

Tại sao pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại phân biệt việc

đánh thuế đối với thu nhập từ kinh doanh với thu nhập khác?..................5
III. Những “thủ đoạn” chủ yếu để doanh nghiệp gian lận thuế thu nhập
doanh nghiệp.....................................................................................................7
1. Kê khai lỗ.................................................................................................7
2. Giảm doanh thu......................................................................................7
3. Tăng chi phí được trừ.............................................................................8
C. KẾT LUẬN....................................................................................................8
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................9

10



×