Tải bản đầy đủ (.pdf) (90 trang)

Nghiên cứu mối quan hệ giữa vốn con người và khởi nghiệp dưới ảnh hưởng của mức độ phát triển tài chính ở việt nam và một số quốc gia khác

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.5 MB, 90 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
__________________

HỒ THỊ THANH HẰNG

NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA VỐN CON NGƯỜI VÀ KHỞI NGHIỆP
DƯỚI ẢNH HƯỞNG CỦA MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH
Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA KHÁC

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

TP. Hồ Chí Minh – Năm 2019


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
__________________

HỒ THỊ THANH HẰNG

NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA VỐN CON NGƯỜI VÀ KHỞI NGHIỆP
DƯỚI ẢNH HƯỞNG CỦA MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH
Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA KHÁC

Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
(Hướng ứng dụng)
Mã số: 8340201

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS. TS Trần Ngọc Thơ

TP. Hồ Chí Minh – Năm 2019


LỜI CAM ĐOAN

Luận văn này là công trình nghiên cứu độc lập của cá nhân tôi, được thực hiện dưới sự
hướng dẫn khoa học của GS.TS Trần Ngọc Thơ. Các số liệu sử dụng trong luận văn có
nguồn gốc rõ ràng, đã công bố theo đúng quy định. Những kết quả nghiên cứu trong luận
văn này là do tôi tự tìm hiểu, phân tích một cách trung thực, khách quan và phù hợp với
thực tiễn Việt Nam. Các kết quả này chưa được công bố trong bất kỳ nghiên cứu nào
khác.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan này.

Học viên

Hồ Thị Thanh Hằng


MỤC LỤC

GIỚI THIỆU ................................................................................. 1
1.1

Lý do chọn đề tài ................................................................................................ 1

1.2


Mục tiêu nghiên cứu ........................................................................................... 4

1.3

Phương pháp, đối tượng, phạm vi nghiên cứu ..................................................... 5

1.4

Bố cục bài nghiên cứu ......................................................................................... 5

KHUNG LÝ THUYẾT VÀ CÁC BẰNG CHỨNG THỰC
NGHIỆM .............................................................................................................. 7
2.1

Khung lý thuyết .................................................................................................. 7

2.1.1

Lý thuyết về vai trò của khởi nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế .................. 7

2.1.2

Lý thuyết về vốn con người và tinh thần khởi nghiệp ................................. 14

2.2

Bằng chứng thực nghiệm .................................................................................. 27

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ DỮ LIỆU....................... 36
3.1


Phương pháp ước lượng .................................................................................... 36

3.2

Mô tả biến và dữ liệu ........................................................................................ 39

3.2.1

Mô tả biến .................................................................................................. 39

3.2.1

Dữ liệu ....................................................................................................... 45

KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM ...................................................... 51
4.1

Kết quả thực nghiệm và giải thích ..................................................................... 51

4.1.1

Kết quả hồi quy phương trình (1) ............................................................... 51

4.1.2

Kết quả hồi quy phương trình (2) ............................................................... 57

4.2


Các kiểm định cho mô hình hồi quy GMM ....................................................... 58

4.2.1

Kiểm định đa cộng tuyến ............................................................................ 58

4.2.2

Kiểm định hiện tượng tự tương quan .......................................................... 59

4.3

Thảo luận kết quả thực nghiệm ......................................................................... 60

4.4

Các đề xuất từ kết quả nghiên cứu..................................................................... 62

KẾT LUẬN .................................................................................. 64
5.1

Kết luận chung .................................................................................................. 64

5.2

Các hạn chế của bài nghiên cứu và hướng nghiên cứu sắp tới ........................... 65


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT


DGMM

Mô hình hồi quy GMM khác biệt

DPD

Dữ liệu bảng động (Dynamic Panel Data)

GDP

Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product)

GEM

Dữ liệu giám sát khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor)

GFDD

Dữ liệu phát triển tài chính toàn cầu (Global Financial Development
Database)

GMM

Mô hình hồi quy GMM (Generalized Method of Moments)

KSA

Kiến thức, kỹ năng, khả năng (Knowledge, skills, and abilities)

MLS


Maximum Likelihood Estimation (Ước lượng hợp lý cực đại)

OLS

Phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất

R&D

Nghiên cứu và phát triển (Research and development)

SGMM

Mô hình hồi quy GMM hệ thống

WDI

Chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators)


DANH MỤC BẢNG

Bảng 2.1. Các lý thuyết được áp dụng trong nghiên cứu khởi nghiệp của con người tính
đến tháng 9/2014 ............................................................................................................ 16
Bảng 2.2. Cấu trúc vốn nhân lực chung ........................................................................ 17
Bảng 2.3. Các loại hình vốn nhân lực ........................................................................... 22
Bảng 3.1. Thống kê mô tả biến ..................................................................................... 44
Bảng 3.2. Danh sách các nước sử dụng trong nghiên cứu ............................................. 47
Bảng 3.3. Nguồn dữ liệu của các biến sử dụng trong mô hình ....................................... 49
Bảng 4.1. Kết quả hồi quy GMM phương trình (1) ....................................................... 52

Bảng 4.2. Tác động biên của tuyển sinh đại học đối với tinh thần khởi nghiệp ứng với 3
thước đo phát triển tài chính ở một số quốc gia ............................................................. 54
Bảng 4.3. Tác động biên của tuyển sinh đại học đối với tinh thần khởi nghiệp ứng với 3
thước đo phát triển tài chính ở Việt Nam giai đoạn 2001 – 2015 ................................... 56
Bảng 4.4. Kết quả hồi quy GMM phương trình (2) ....................................................... 57
Bảng 4.5. Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến ............................................................ 59


DANH MỤC HÌNH

Hình 2.1. Trọng tâm của nghiên cứu trong quá khứ .................................................... 20
Hình 2.2. Mô hình vốn nhân lực và quá trình khởi nghiệp .......................................... 25
Hình 4.1. Mối quan hệ giữa tinh thần khởi nghiệp và phát triển tài chính .................. 53
Hình 4.2. Mối quan hệ giữa tinh thần khởi nghiệp và phát triển tài chính .................. 56


TÓM TẮT

Công trình nghiên cứu này của tôi tìm hiểu về mối quan hệ giữa vốn con người và khởi
nghiệp dưới ảnh hưởng của mức độ phát triển tài chính ở Việt Nam và một số quốc gia
khác. Trong bài nghiên cứu, tôi sử dụng mẫu dữ liệu của 43 quốc gia trong giai đoạn từ
2001 – 2015, trong đó có Việt Nam. Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi nghiên cứu
trong bài, tôi đã dựa trên những lý thuyết nền tảng và các bài nghiên cứu trước đây, từ đó
xây dựng một mô hình để xem xét sự tác động lẫn nhau giữa ba yếu tố trên. Tôi sử dụng
dữ liệu bảng cùng phương pháp ước lượng GMM hệ thống để ước lượng cho phương
trình này, kèm theo đó là các kiểm định liên quan như: hiện tượng tự tượng quan, đa cộng
tuyến để kiểm tra các “khuyết tật” có thể có của mô hình.
Kết quả tôi thu được là sự tác động của nguồn vốn nhân lực lên tinh thần khởi nghiệp là
lớn hay nhỏ phụ thuộc vào mức độ phát triển tài chính của một quốc gia. Cụ thể, tác động
của giáo dục đại học lên tinh thần khởi nghiệp mạnh nhất ở các quốc gia có mức độ vốn

khả dụng và phát triển tài chính thấp và ngược lại. Thêm vào đó, ở những quốc gia có thu
nhập thấp hơn mức trung bình, để tăng tỷ lệ khởi nghiệp thì nên tập trung cải thiện giáo
dục hơn là tập trung vào phát triển tài chính. Qua những kết quả thực nghiệm trên tôi đã
đưa ra những giải thích, đề xuất cho các nghiên cứu tiếp theo và các khuyến nghị cho
chính sách giáo dục của Việt Nam để giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và giúp đất
nước phát triển một cách mạnh mẽ trong tương lai.
Từ khóa: Khởi nghiệp, vốn nhân lực, tuyển sinh đại học, phát triển tài chính.


ABSTRACT

The previous literature is filled with mixed findings with regard to human capital’s
impact on entrepreneurial outcomes. In particular, the prior literature has treated human
capital’s impact on entrepreneurship in isolation, while in reality its impact depends on
access to financial capital. This study of mine explores the relationship between human
capital and entrepreneurship under the influence of the level of financial development in
Vietnam and some other countries. In the study, I used data samples from 43 countries in
the period from 2001 to 2015, including Vietnam. In order to find out the answers to the
research questions in the paper, I have based on the fundamental theories of
entrepreneurship, human capital of previous studies to build two models to consider the
impact of mutual feedback between the above factors. I use the table data and the GMM
system estimation method to estimate the two equations proposed in the paper.
My results show that a rise in tertiary enrollment benefits entrepreneurship most when the
level of financial development is low. For higher levels of financial development, the
impact of tertiary enrollment on entrepreneurship is still positive but much lesser in
magnitude compared to countries with lower level of financial development. Through the
above results, I have provided explanations and suggestions for Vietnam's education
policy to enhance the entrepreneurial spirit and develop the country more strongly.

Keywords:


Entrepreneurship,

Development.

Human

Capital,

Tertiary

Enrollment,

Financial


1

GIỚI THIỆU

1.1 Lý do chọn đề tài
Các tài liệu trước đây đã tìm thấy rất nhiều kết quả liên quan đến mối quan hệ giữa kết
quả giáo dục và tinh thần khởi nghiệp. Một loạt các nghiên cứu kết luận rằng vốn con
người có liên quan đến thành công của doanh nhân (Cassar, 2006; Van der Sluis et al.,
2005; Bosma et.al., 2004), cụ thể là vốn con người tăng lên rất quan trọng trong việc thúc
đẩy tinh thần khởi nghiệp (Haber và Reichel, 2007). Tuy nhiên, các nghiên cứu của
Baum và Silverman (2004) cho rằng mối quan hệ giữa vốn con người và tinh thần khởi
nghiệp đang được nhấn mạnh quá mức. Trong bài nghiên cứu này, tôi tiếp tục làm rõ vấn
đề liên quan đến tác động của vốn con người đến tinh thần khởi nghiệp. Trong khi lý
thuyết vốn con người tiêu chuẩn (Becker, 1964) cho rằng kết quả giáo dục tốt hơn sẽ cải

thiện hiệu quả kinh tế, nhưng điều này không phải lúc nào cũng làm tăng tỷ lệ doanh
nhân khởi nghiệp thực tế, vì tỷ lệ này còn chịu tác động của một số yếu tố khác.
Yếu tố đầu tiên là giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, có thể cản trở sự không đồng
nhất và tư duy sáng tạo cần thiết cho sự đổi mới (Baumol, 2004). Ông thấy rằng việc nắm
vững các phương pháp khoa học được cung cấp bởi giáo dục đại học tiêu chuẩn là vô
cùng quý giá đối với các hoạt động R & D của tập đoàn lớn nhưng cản trở sự sáng tạo
thực sự cần thiết cho những đổi mới đột phá góp phần không nhỏ vào tăng trưởng (chủ
yếu đến từ các công ty khởi nghiệp nhỏ và mới). Về bản chất, giáo dục đại học hầu hết
đều dẫn đến những tiến bộ gia tăng hơn là tạo ra những đổi mới đột phá (Christensen,
1997). Đây chính xác là lý do tỷ phú doanh nhân Peter Thiel của PayPal đã tài trợ học
bổng Thiel mang lại cho sinh viên 100.000 đô la trong hai năm cho những sinh viên nào
dám bỏ học đại học và nỗ lực theo đuổi khởi nghiệp kinh doanh.
Thứ hai, bởi vì một cá nhân có trình độ giáo dục cao và chất lượng sẽ dẫn đến cơ hội việc
làm mở rộng trong các công ty và doanh nghiệp hiện tại có sẵn, điều đó làm tăng chi phí
cơ hội cho cá nhân trở thành một doanh nhân khởi nghiệp. Đây chính xác là lý do tại sao
các khu vực kém phát triển với môi trường kinh doanh kém và chính sách yếu kém có xu


2
hướng có tỷ lệ tự khởi nghiệp cao, chính xác đây là những gì được chứng minh trong bài
nghiên cứu về chi phí cơ hội của khởi nghiệp (Cassar, 2006).
Cuối cùng, giáo dục được cải thiện có thể khiến các cá nhân đánh giá tốt hơn các rủi ro,
thất bại tiềm ẩn và các vấn đề với ý tưởng của họ, khiến các cá nhân khởi nghiệp phải từ
bỏ theo đuổi ý tưởng xấu và giảm tổng số khởi nghiệp mới. Mặc dù yếu tố thứ ba này dẫn
đến ít thất bại hơn trong kinh doanh vì ít ý tưởng tồi tệ hơn được thực hiện, nhưng nó
cũng dẫn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp ít được thành lập hơn.
Các kết quả không đồng nhất về mối quan hệ giữa giáo dục đại học và tỷ lệ khởi nghiệp
không những thể hiện qua các nghiên cứu lý thuyết trước đây mà chúng còn được tìm
thấy trong thực tế, đặc biệt dành cho sinh viên tham gia các khóa học về kinh doanh và
lập kế hoạch kinh doanh, và những phát hiện này được nhân rộng ở nhiều quốc gia khác

nhau (Martin, McNally và Kay, 2013). Ví dụ, Oosterbeek, van Praag và Ysselstein
(2010) nhận thấy rằng sinh viên đại học Ý định khởi nghiệp đã giảm bớt sau khi tham gia
một khóa học về tinh thần kinh doanh và điều này đã được nhân rộng. Mentoor và
Friedrich (2007) tìm thấy các khóa học đại học ở Nam Phi tập trung vào quản lý doanh
nghiệp nhỏ và kết quả là tinh thần kinh doanh có mối tương quan nghịch với các kỹ năng
và kiến thức kinh doanh, đồng thời Von Graevenitz, Harhoff, và Weber (2010) tìm thấy
kết quả tương tự đối với các sinh viên Đức. Một số nghiên cứu của sinh viên Pháp và
Litva (Fayolle, Gailly và Lassas-Clerc, 2006; Garalis và Strazdiene, 2007) lại tìm thấy
kết quả hỗn hợp. Nhiều yếu tố có thể giải thích mối quan hệ nghịch đảo này bao gồm việc
hiểu rõ hơn về rủi ro thực sự và khối lượng công việc liên quan đến việc bắt đầu một
doanh nghiệp mới đã làm giảm tỷ lệ khởi nghiệp thực tế của sinh viên.
Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu giá trị về đề tài trên, tuy nhiên các kết quả lại khá hỗn
loạn và chưa đi đến một câu trả lời xác đáng cho mối quan hệ trên, đồng thời còn tồn tại
khá nhiều vấn đề cần khắc phục. Đầu tiên, đa số các nghiên cứu nhầm lẫn và bỏ qua tác
động phi tuyến tính của vốn con người đối với tinh thần kinh doanh. Thứ hai, tác động
của nguồn nhân lực đối với tinh thần kinh doanh còn phụ thuộc vào mức độ phát triển tài
chính của quốc gia đó, tuy nhiên cũng chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nào khai
thác. Cuối cùng, các nghiên cứu trước vẫn chủ yếu tập trung vào các quốc gia có nền
kinh tế thị trường phát triển, hệ thống kinh tế thị trường được hình thành đồng bộ và vận


3
hành hiệu quả, môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển nên chưa phản ánh một
cách chung nhất và chính xác nhất về mối quan hệ này; dữ liệu nghiên cứu cũng chưa
được cập nhật đầy đủ đến thời điểm gần nhất nên sẽ không phản ánh được chính xác mối
quan hệ trên trong nền kinh tế nhiều biến động những năm gần đây.
Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tôi thấy rằng vấn đề khởi nghiệp và vốn con
người đang được các nước trên thế giới ngày càng quan tâm vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ
đến sự tăng trưởng kinh tế và phát triển chung của một quốc gia. Hãy cùng điểm qua một
vài quốc gia luôn chú trọng đến tinh thần khởi nghiệp trong những năm qua. Đầu tiên

phải nói đến quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất trên thế giới trong vài chục
năm qua là Israel. Có lẽ vì thấy được tầm quan trọng của khởi nghiệp trong sự phát triển
kinh tế mà họ đã rèn luyện và giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho trẻ em ngay từ khi còn
nhỏ. Tiếp theo, không thể không nhắc đến nước Mỹ, đất nước với những tập đoàn lớn
mạnh, hàng chục nhà bác học đạt giải Nobel, hàng trăm nhà tỷ phú, hàng nghìn nhà khoa
học thiên tài, chiếm lĩnh hầu hết những công nghệ hiện đại nhất thế giới. Vậy điều gì đã
tạo nên điều đó cho nước Mỹ? Có rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quyết định là tinh thần
khởi nghiệp của người Mỹ. Ở Việt Nam hiện nay, môi trường khởi nghiệp được đánh giá
là còn non trẻ so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
một cách mạnh mẽ. Theo đó, có hàng trăm Trường đại học, Viện – nơi được coi là trung
tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp, đang hoạt động khắp cả nước và ngày càng nhân rộng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có thật sự kết quả giáo dục (vốn con người) sẽ có mối quan hệ
cùng chiều với tỷ lệ khởi nghiệp hay không?
Thấy được những khoảng trống lý thuyết cũng như tính thực tiễn của đề tài này trong giai
đoạn hiện nay, tôi đã quyết định thực hiện đề tài này nhằm kiểm tra thực nghiệm mối
quan hệ giữa tuyển sinh giáo dục đại học và tỷ lệ khởi nghiệp (sự hình thành các doanh
nghiệp mới) trên khắp các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tôi cố gắng làm
rõ vấn đề này bằng cách xem xét mối quan hệ giữa vốn con người và tinh thần khởi
nghiệp dưới ảnh hưởng của các mức độ phát triển tài chính khác nhau. Đặc biệt ở nước
ta, khi xu hướng khởi nghiệp đang bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ và Chính phủ cũng đã quyết
định chọn năm 2016 là năm khởi đầu cho năm năm quốc gia khởi nghiệp sắp tới, cho
thấy các nhà chính sách cũng đã nhận ra tầm quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới lên


4
sự tăng trưởng của quốc gia, tuy nhiên lại chưa có nghiên cứu nào về đề tài này cho thực
tế Việt Nam. Do đó, tôi đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu mối quan hệ giữa vốn
con người và khởi nghiệp dưới ảnh hưởng của mức độ phát triển tài chính ở Việt Nam
và một số quốc gia khác”.
1.2 Mục tiêu nghiên cứu

Bài nghiên cứu này tập trung vào việc phân tích mối quan hệ của tinh thần khởi nghiệp
và vốn con người dưới ảnh hưởng của kênh phát triển tài chính ở Việt Nam cùng một số
quốc gia khác trên thế giới. Các tài liệu trước đây đã nhất trí rằng phát triển tài chính và
vốn con người là thành phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế; cùng với đó, những yếu
tố này cũng không thể thiếu cho sự thành công của một doanh nhân khởi nghiệp.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra trong nghiên cứu này là hai yếu tố giáo dục và phát triển tài chính
có tác động đến tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia hay không và nếu có thì tác động
theo chiều hướng nào?
Thứ hai là liệu mức độ phát triển tài chính có tác động phi tuyến tính đến tinh thần khởi
nghiệp không? Nghĩa là đối với quốc gia có mức độ phát triển tài chính cao thì vốn tài
chính tăng lên nữa có làm tinh thần khởi nghiệp tăng lên nữa không và ngược lại.
Thứ ba, mức độ phát triển tài chính có ảnh hưởng đến sự tác động của nguồn vốn con
người lên tinh thần khởi nghiệp hay không? Tức là đối với một quốc gia có mức độ phát
triển tài chính thấp, thì sự tăng lên về nguồn vốn con người có làm tinh thần khởi nghiệp
tăng lên hay không và ngược lại.
Cuối cùng, ở những nước có thu nhập thấp hơn trung bình, để tăng tỷ lệ khởi nghiệp thì
nên tập trung cải thiện giáo dục hay phát triển tài chính và một sự cải thiện trong yếu tố
nguồn vốn con người có đủ khả năng bù đắp sự thiếu hụt của hiệu quả tài chính hay
không? Bởi vì đối với nhiều nước đang phát triển, việc có cả lĩnh vực tài chính mạnh và
mức vốn con người cao có thể khó xảy ra do hạn chế về nguồn lực.
Để giải quyết những câu hỏi chưa được khám phá đó, tôi đã đào sâu và mở rộng các
nghiên cứu lý thuyết trước đây về tinh thần khởi nghiệp, nguồn vốn con người và phát
triển tài chính. Đồng thời sử dụng một phân tích thực nghiệm cho một nhóm các quốc gia
rộng lớn theo thời gian, tôi dùng các biến định lượng đặc trưng thay thế cho từng yếu tố


5
trên để kiểm định mối quan hệ và những tác động lẫn nhau của chúng. Từ đó, đưa ra
những khuyến nghị cho các chính sách nhằm tạo động lực để gia tăng tinh thần khởi
nghiệp và phát triển nền kinh tế đất nước.

1.3 Phương pháp, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Bài nghiên cứu này trình bày phân tích thực nghiệm mối quan hệ ba yếu tố: hoạt động
khởi nghiệp, vốn con người và phát triển tài chính ở 43 quốc gia trên khắp thế giới trong
đó có Việt Nam. Tôi sử dụng dữ liệu bảng cho các quốc gia đó trong giai đoạn từ 2001
đến 2015. Đồng thời tôi sử dụng phương pháp ước lượng GMM hệ thống để ước lượng
dữ liệu bảng động xuyên quốc gia để khắc phục triệt để hiện tượng nội sinh (nếu có).
Ngoài ra tôi đã thực hiện các kiểm định liên quan như kiểm tra hiện tượng nội sinh bằng
kiểm định kiểm tra tự tương quan bằng kiểm định Wooldridge và kiểm định đa cộng
tuyến để xác định những “khuyết tật” có thể có của mô hình GMM để đảm bảo tính vững
chắc của nghiên cứu. Thậm chí ngay cả trong điều kiện giả thiết nội sinh bị vi phạm,
phương pháp GMM hệ thống vẫn cho ra các hệ số ước lượng vững, không chệch và hiệu
quả nên tôi đã chọn phương pháp này.
1.4 Bố cục bài nghiên cứu
Để phục vụ cho việc tra cứu của độc giả, giúp độc giả có thể nắm tổng quan bài nghiên
cứu một cách dễ dàng, tôi đưa ra các danh mục tra cứu như mục lục và các danh mục
bảng biểu, danh mục từ viết tắt, danh mục biểu đồ. Sau đó tôi mô tả một cái nhìn tổng
quát cho toàn bài nghiên cứu bằng những giới thiệu tổng quan trong phần tóm tắt.
Công trình nghiên cứu của tôi được chia thành năm chương. Trong chương một, tôi nêu
lên lý do thực hiện và mục tiêu nghiên cứu của đề tài này, tiếp sau đó tôi giới thiệu tổng
quan về phương pháp nghiên cứu cũng như đối tượng và phạm vi nghiên cứu của bài. Ở
chương 2, tôi sẽ trình bày những khung lý thuyết liên quan đến hoạt động khởi nghiệp,
vốn con người, và phát triển tài chính, cùng với đó là những bằng chứng thực nghiệm từ
các công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế học đi trước, những bằng chứng thực
nghiệm đã khẳng định vai trò của tinh thần khởi nghiệp trong quá trình đổi mới và tăng
trưởng kinh tế. Đến chương 3, tôi trình bày chi tiết về phương pháp ước lượng và các mô
hình thực nghiệm. Trong đó, tôi mô tả cụ thể hơn về phương pháp ước lượng mà tôi sử
dụng trong bài, sau đó tôi đưa ra mô hình thực nghiệm cho công trình của mình dựa trên


6

những lý thuyết đã nêu ở trên. Tiếp sau đó, tôi giải thích các biến số trong mô hình và
nguồn của bộ dữ liệu mà tôi thu thập. Đến chương 4, tôi trình bày những kết quả thực
nghiệm của mình sau khi chạy các mô hình hồi quy nêu trên, đồng thời tiến hành các
kiểm định cần thiết để kiểm tra những khuyết tật có thể mắc phải của mô hình. Hơn nữa,
ở phần cuối chương này, tôi đã đưa ra những giải thích cho kết quả thực nghiệm, sau đó
trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra ở đầu bài và đưa ra các đề xuất đóng góp dựa trên
nhưng kết quả mà tôi phát hiện được. Chương cuối cùng, tôi đưa ra kết luận chung cho
toàn bộ bài nghiên cứu, ngoài ra tôi cũng chỉ ra những hạn chế còn gặp phải cùng với
hướng nghiên cứu tiếp theo cho đề tài này trong tương lai.


7
KHUNG LÝ THUYẾT VÀ CÁC BẰNG CHỨNG THỰC
NGHIỆM

2.1 Khung lý thuyết
2.1.1 Lý thuyết về vai trò của khởi nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế
Trước khi tiến hành nghiên cứu về động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp có phải là
nguồn vốn nhân lực không, ta phải thấy được tầm quan trọng của tinh thần khởi nghiệp
đối với tăng trưởng kinh tế. Động lực của tăng trưởng kinh tế luôn là đề tài gây hứng thú
cho các nhà kinh tế trong nhiều năm qua. Trước đây, đã có rất nhiều công trình của
những nhà nghiên cứu nổi tiếng về sự tác động của các yếu tố như vốn, lao động, khoa
học công nghệ lên tăng trưởng kinh tế và nhiều trong số đó đã trở thành nền móng cơ bản
cho các nghiên cứu mở rộng sau này. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu có mối quan hệ
nào giữa khởi nghiệp và tăng trưởng kinh tế không? Theo lý thuyết của Adam Smith cho
rằng: Các thị trường đang ngày càng mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khởi
nghiệp và đổi mới sáng tạo, từ đó năng suất lao động sẽ tăng lên và tạo ra sự tăng trưởng
kinh tế. Trái chiều với lý thuyết của Adam Smith, David Ricardo lại nhận định rằng sự
kết hợp của các yếu tố đầu vào như: đất đai, lao động, nguồn vốn sẽ cho ta một hàm sản
lượng nói lên sự tăng trưởng kinh tế. Xem xét các yếu tố trên để nhận xét về tăng trưởng

kinh tế, ông cho rằng: Nguồn vốn có thể tăng lên trong quá trình đầu tư nhưng đất đai thì
hữu hạn và sự gia tăng dân số luôn cao hơn sự tăng trưởng kinh tế do đó phần lớn dân số
chỉ có mức thu nhập vừa đủ. Nhìn trên phương diện này, ông nhận xét rằng khởi nghiệp
sẽ không làm gia tăng nhanh của cải, hay nói cách khác, khởi nghiệp và sáng tạo đổi mới
không phải là yếu tố chủ yếu trong sự tăng trưởng.
Hai ý kiến về vấn đề khởi nghiệp và tăng trưởng kinh tế trên là những khái niệm cơ bản
và giản đơn nhất. Smith kết luận rằng sự tăng trưởng kinh tế có một tiềm năng không giới
hạn, còn Ricardo cho rằng tiềm năng đó không thể vô hạn mà bị hạn chế bởi những hữu
hạn trong các yếu tố, các nguồn lực cấu thành nên sự tăng trưởng. Ta thấy rằng, Adam
Smith khi xem xét về sự tăng trưởng kinh tế đã có tầm nhìn rộng hơn Ricardo. Nhưng các
nghiên cứu kinh tế lại có vẻ gần gũi với tư tưởng của Ricardo hơn khi nhắc đến vấn đề
tăng trưởng kinh tế. Lý do là khi thiết lập các mô hình kinh tế, cách tiếp cận của Ricardo


8
có tính ứng dụng tốt hơn vì quá trình mô hình hóa các hiện tượng kinh tế đòi hỏi mô hình
phải tính toán và so sánh được, trong khi yếu tố “đổi mới sáng tạo” của Adam Smith lại
rất khó đưa vào các mô hình kinh tế một cách chính xác.
Trong hàm sản lượng của Ricardo, nguồn vốn (vốn đầu tư) là yếu tố chính của quá trình
tăng trưởng kinh tế, còn theo Adam Smith, sự đổi mới sáng tạo mới là chìa khóa của tăng
trưởng kinh tế, nhưng quá trình đổi mới sáng tạo diễn ra như thế nào thì không được ông
giải thích. Về sau này, nhiều nhà kinh tế đã nghiên cứu và thảo luận vấn đề này, nhà kinh
tế học Kirzner cũng theo trường phái của Smith về tăng trưởng kinh tế khi ông chỉ đưa ra
quan điểm rằng: Động lực của tinh thần khởi nghiệp chính là “cơ hội sinh lời chưa được
phát hiện từ trước”. Theo quan điểm đó, khởi nghiệp chính là động lực thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế, giống phát biểu của Smith. Theo Kirzner, tri thức khởi nghiệp là việc
nhận ra cơ hội kiếm lời mà từ trước đến giờ không ai chú ý đến. Nhà khởi nghiệp thực
hiện những ý tưởng tạo ra một năng suất cao hơn, sự thỏa mãn nhu cầu lớn hơn với mức
chi phí thấp hơn. Nhà kinh tế học Schumpeter phân tích một bối cảnh mà điểm cân bằng
cạnh tranh làm tối thiểu hóa lợi nhuận, và một bối cảnh trong đó lợi nhuận chính là phần

thưởng cho quá trình khởi nghiệp. Schumpeter cho rằng, tinh thần khởi nghiệp là nền
móng cho sự tăng trưởng kinh tế. Bắt đầu từ những kinh nghiệm lịch sử, các tư tưởng và
ý tưởng về khởi nghiệp được sinh ra và phát triển, rồi những tri thức mới lại được tích
góp làm kinh nghiệm để tạo ra những tư tưởng khởi nghiệp mới, quá trình này cứ tiếp
diễn dấn đến sự tăng trưởng kinh tế. Vậy theo Schumpeter quá trình tăng trưởng kinh tế
diễn ra là do quá trình khởi nghiệp đã tạo ra một môi trường mà trong đó sự đổi mới sáng
tạo được nuôi dưỡng và phát triển do vậy mà năng suất lao động ngày càng tăng, hiệu
quả kinh tế của sản xuất ngày càng cao, tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta sẽ cùng xem xét lại các mô hình tăng trưởng kinh tế từ sơ khai đến nay để có
cái nhìn tổng quát hơn. Đầu tiên phải kể đến là mô hình tăng trưởng cơ bản. Trong mô
hình này, phương trình hàm sản xuất phụ thuộc vào 2 yếu tố: Nguồn vốn (K) và lực
lượng lao động (L). Đây là mô hình cơ bản nhất và phương trình của hàm sản xuất (hay
hàm tổng sản lượng) sẽ là:
Y = F (K, L)

(2-1)


9
Qua phương trình này ta thấy rằng: Nếu lực lượng lao động hay nguồn vốn gia tăng, sẽ
dẫn đến sản xuất gia tăng. Theo cách lập luận này thì tăng trưởng kinh tế diễn ra do tăng
đầu tư (đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, cơ sở vật chất, hạ tầng,…) hoặc tăng quy mô
của lực lượng lao động, hay cả hai. Dạng chính xác của hàm F (cho biết chính xác sản
xuất sẽ tăng bao nhiêu khi thay đổi K và L) chính là điểm phân biệt giữa các mô hình
tăng trưởng khác nhau.
Mô hình này còn đơn giản và chưa đề cập nhiều đến các yếu tố quan trọng khác như sự
đổi mới khoa học công nghệ, quá trình khởi nghiệp,…Và với nền kinh tế hiện đại ngày
nay, các nghiên cứu mới cho rằng: nguồn vốn và số lượng lao động không còn là những
yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế, và chúng chỉ là một thành phần trong quá trình
tăng trường.

Tiếp đến là mô hình tăng trưởng của Harrod-Domar, một mô hình dựa vào lý thuyết
trong trường phái Keynes. Vào năm 1929-1933 thế giới phải đối mặt với cuộc đại khủng
hoảng kinh tế thừa do các nước tư bản chạy theo lợi nhuận, sản xuất hàng hóa ồ ạt, trong
khi sức mua giảm sút vì người dân đang còn nghèo. Đến đây thì mô hình tăng trưởng cổ
điển tỏ ra bất lực khi giải thích hiện tượng kinh tế này. Bên cạnh đó, một sự xuất hiện của
các thành tựu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ
thuật thâm canh, và đặc biệt là máy kéo đã giúp cho sản lượng trong ngành nông nghiệp
tăng lên nhanh chóng và tuy bị giới hạn bởi nguồn đất đai “hữu hạn” nhưng sản lượng
thực phẩm cung cấp cho mọi người vẫn đầy đủ. Và điều này đã khiến các nhà nghiên cứu
có một cái nhìn rộng hơn trong tăng trưởng kinh tế. Phương trình của mô hình này có thể
được mô tả như sau:
Y = K/v hay Y = 1/v x K

(2-2)

Trong đó, v là một hằng số. Nguồn vốn (K) trong phương trình được nhân cho 1 số cố
định (1/v) để tính tổng sản lượng. Vậy v có ý nghĩa gì? Các nhà kinh tế thường gọi v là tỷ
số vốn tăng thêm trên sản lượng, hay v chính là tỷ số ICOR, cho biết cần bỏ thêm bao
nhiêu đơn vị trong nguồn vốn để tạo ra thêm một đơn vị sản lượng. Và tỷ số này giúp
chúng ta đo lường năng suất của mỗi lượng vốn được đưa vào sản xuất.
Mô hình Harrod Domar đã mở rộng hơn mô hình cổ điển nhưng vẫn mang một sự đơn
giản, phương trình dễ dàng sử dụng và ước lượng. Mô hình còn nhận xét rằng, các quyết


10
định cá nhân về việc tiết kiệm bao nhiêu và tiêu dùng bao nhiêu từ thu nhập là trọng tâm
của quá trình tăng trưởng. Người ta thích tiêu dùng ngay bây giờ hơn là mai sau, nhưng
càng tiêu dùng nhiều, thì càng có ít tiết kiệm để tài trợ đầu tư, vì thế mô hình đã tập trung
vào vai trò cốt lõi của tiết kiệm trong tăng trưởng kinh tế theo thời gian. Nhưng phải
chăng mô hình Harrod Domar quá chú trọng vào tiết kiệm? Nếu xét đến các điều kiện của

tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm được xem là một điều kiện cần, nhưng trong mô hình của
Harrod Domar thì ngụ ý rằng tiết kiệm là điều kiện cần và đủ trong tăng trưởng kinh tế,
nhưng thực tế thì điều này còn nhiều vấn đề cần làm rõ.
Tiếp đến là mô hình tăng trưởng tân cổ điển - mô hình tăng trưởng Solow. Năm 1956,
nhà kinh tế học MIT Robert Solow giới thiệu một mô hình tăng trưởng kinh tế mới, đó
là một sự phát triển từ mô hình Harrod Domar. Solow thừa nhận là có nhiều vấn đề
phát sinh từ hàm sản xuất khá cứng nhắc trong mô hình Harrod Domar. Vì vậy Solow
đã đưa ra giải pháp là bỏ hàm sản xuất có hệ số cố định và thay thế nó bằng hàm sản
xuất tân cổ điển, điều này cho phép mô hình có tính linh hoạt hơn và có sự thay thế
giữa các yếu tố sản xuất. Trong mô hình Solow, yếu tố thay đổi công nghệ được đưa vào
phương trình như sau:
Y = F(K, TxL)

(2-3)

Trong đó, nguồn vốn (K) và nguồn lao động (L) được kết hợp với sự thay đổi công nghệ
(T). Theo các mô tả này, phát triển công nghệ được đưa vào mô hình và làm thay đổi hiệu
quả của yếu tố lao động (LxT). Khi công nghệ được cải tiến (T tăng), hiệu quả và năng
suất của lao động tăng, vì cùng một giá trị lao động bây giờ có thể sản xuất được nhiều
sản lượng hơn. T có thể tăng lên nhờ những cải tiến trong công nghệ theo ý nghĩa khoa
học (các phát minh và các quy trình mới) hay theo nguồn vốn nhân lực, như sự cải thiện
về y tế, giáo dục, hay kỹ năng của lực lượng lao động.
Trong mô hình Solow, công nghệ là một biến ngoại sinh, vì thế mà nó được xác định độc
lập với tất cả các biến và các thông số trong mô hình. Tuy Solow không mô tả chính xác
sự thay đổi công nghệ diễn ra như thế nào nhưng rõ ràng sự đổi mới công nghệ đã bổ
sung cho khả năng tăng sản lượng của các yếu tố sản xuất.
Solow thừa nhận rằng tỷ lệ lợi nhuận trong đầu tư là một hàm giảm dần theo vốn bình
quân đầu người, và thu nhập bình quân đầu người ở các nước khác nhau sẽ hội tụ vào



11
một trạng thái dừng ổn định trong trường hợp không có thay đổi công nghệ ngoại sinh.
Quả thật, tiến bộ công nghệ đã trở thành một nhân tố chính đằng sau sự tăng trưởng kinh
tế, mô hình cho thấy việc tiếp thu công nghệ mới thông qua phát minh trong nước hay
nhập khẩu công nghệ mới từ nước ngoài, có thể kích thích tăng trưởng kinh tế vô
cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những dự đoán của mô hình có phần không phù hợp với các
quan sát trong thực tế, đặc biệt khi cho rằng tất cả các phần không giải thích được của
tăng trưởng kinh tế là do các cú sốc công nghệ ngoại sinh.
Mô hình tân cổ điển Solow chúng ta vừa đề cập ở phía trên đã mô tả được những đặc
điểm chủ yếu của một mô hình kinh tế mang tính thực tế ở các nước phát triển. Mô hình
Solow có thể được gọi là cơ sở trong hầu hết các nghiên cứu thuộc kinh tế vĩ mô ở các
nước phát triển. Tuy nhiên, mô hình Solow chưa giải thích đầy đủ những thực tế trong
tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Ở môi hình Solow, ngoài
nguồn vốn (K) ra thì yếu tố quyết định sản lượng là hiệu suất của nguồn lao động (TxL)
nhưng nguồn lao động có ý nghĩa như thế nào thì mô hình chưa làm rõ.
Vậy làm sao để thấy được sự khác biệt giữa hai quan điểm về tăng trưởng của Smith và
Ricardo? Trong bối cảnh của kinh tế học đương đại, một phương pháp có thể áp dụng để
trả lời câu hỏi này đó chính là mô hình tăng trưởng Solow (1956). Theo mô hình này, Y
là sản lượng, K và L lần lượt là nguồn vốn và lao động, t là thời gian và hàm sản lượng là
một hàm gồm sự kết hợp của các yếu tố trên.
Y = f(K, L, t)
Giải thích cho sự có mặt của thời gian trong hàm sản lượng này, Solow cho rằng: Theo
thời gian, đổi mới công nghệ sẽ xảy ra tạo ra một hiệu suất sử dụng nguồn vốn và lao
động cao hơn. Ta thấy rằng, để xây dựng mối quan hệ giữa các yếu tố sản lượng, nguồn
vốn và nguồn lao động trong mô hình thì không khó nhưng để đưa vào mô hình sự ảnh
hưởng của thời gian thì không phải việc đơn giản, chính vì thế người ta thường xem thời
gian là một biến ngoại sinh. Bên cạnh đó, lao động (L) cũng thường được xem là một
biến ngoại sinh và nếu ta phân tích về thu nhập đầu người thì ta sẽ chia hàm số cho lao
động (L) để chỉ còn lại nguồn vốn (K) và biến ngoại sinh thời gian (t) lúc này sẽ giúp ta
giải thích được sự tăng trưởng. Ở dạng hàm tổng quát trên, khi chia hàm số cho lao động

(L), có khả năng ta vẫn chưa loại trừ được hết biến số đó bên vế phải của phương trình


12
nhưng phép chia này giúp ta loại bỏ một cách cơ bản yếu tố tăng trưởng dân số trong khi
xem xét quá trình tăng trưởng kinh tế. Từ đây ta thấy, nguồn vốn tăng lên (K tăng) do đầu
tư tăng lên dẫn đến sản lượng tăng (Y). Đây là quan điểm của Ricardo về tăng trưởng
kinh tế. Các nhà hoạch định ngân sách cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng mô hình tăng trưởng
Ricardo khi tiến hành thiết lập các chính sách kinh tế quốc gia. Có một vấn đề xảy ra như
thế này: Nếu nguồn vốn (hay việc đầu tư) là yếu tố quyết định của tăng trưởng kinh tế thì
tại sao những nỗ lực đầu tư rất đáng kể ở các nước kinh tế chưa phát triển không đem lại
sự tăng trưởng rõ rệt nào cho họ? một vài bằng chứng đã khẳng định rằng: Việc tăng đầu
tư chỉ góp phần rất nhỏ vào trong sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, mô hình này cần phải
được xem xét lại.
Quay lại mô hình, như cách tiếp cận ở trên thì nguồn gốc của tăng trưởng phụ thuộc chủ
yếu vào nguồn vốn (K) và thời gian (t), vì nguồn gốc dễ phân tích hơn nên ta dường như
đã nâng tầm quan trọng của nó lên trong mô hình tăng trưởng, trong khi đó yếu tố thời
gian (t) lại rất khó phân tích và có gì đó còn mơ hồ. Thực tế cho thấy, không thể hiểu
rằng tự bản thân thời gian sẽ sinh ra sự tăng trưởng, mà phải xem xét rằng phải có điều gì
đó trong nền kinh tế đã thay đổi và tạo ra sự tăng trưởng theo thời gian? Và đáp án cho
câu hỏi này chính là: “Sự đổi mới sáng tạo hay sự tiến bộ khoa học công nghệ”. Đây là
một yếu tố có thể được đưa vào mô hình Solow để làm rõ vấn đề trên. Ví dụ dễ thấy
trong thực tế là nguồn chi tiêu R&D của các doanh nghiệp có thể làm tăng năng suất lao
động theo thời gian. Lucas (1988) lại cho rằng yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh
tế có thể là lao động (L), chứ không phải nguồn vốn (K). Và ông cho rằng nguồn nhân
lực mới là chìa khóa cho quá trình phát triển. Trong nghiên cứu của mình, ông đưa ra ý
tưởng rằng: Khi dân số cao hơn có thể dẫn đến việc phân chia lao động xã hội thích hợp
hơn và nguồn lao động có thể ảnh hưởng tích cực đến các yếu tố khác khiến chúng hoạt
động hiệu quả hơn. Có thể nói rằng, cách suy luận của Lucas đã làm cho tư tưởng của
Smith và Ricardo bắt đầu có nét tương đồng. Young (1928) coi tăng trưởng kinh tế như

một kết quả của việc gia tăng lợi nhuận, ông cũng bước theo nền tảng của Smith trong
nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc tập trung vào lợi nhuận lại không
được quan tâm nhiều trong các mô hình kinh tế tân cổ điển (neo-classical). Paul Romer là
một trong những nhà kinh tế vạch ra hướng đi cho hệ thống lý thuyết tân cổ điển. Trong
bài nghiên cứu của ông, Romer (1986), yếu tố gia tăng lợi nhuận có thể được xem xét


13
trong mô hình và điều này gần gũi với thực tế hơn mô hình đơn giản của Solow. Tiếp sau
đó, công trình của ông năm 1990 (Romer (1990)) đã đề cập đến yếu tố nguồn nhân lực và
đưa ra nhận xét rằng mức chi tiêu trong R&D có thể là động lực làm tăng trưởng kinh tế.
Theo những phương pháp trong lý thuyết tân cổ điển, cách tạo ra tiến bộ khoa học công
nghệ chính là sự đổi mới. Sự đổi mới đem đến những phát minh, những công nghệ mới.
Và chi tiêu cho R&D cùng với sự kết hợp các nguồn lực khác như nguồn vốn và lao động
sẽ tạo nên sự tiến bộ khoa học công nghệ. Chính vì thế, ta có thể thấy được những thành
công từ việc đầu từ vào R&D, nhưng việc chi tiêu vào R&D chưa phải là điểm kết thúc
của câu chuyện tăng trưởng. Vì khi các kết quả từ hoạt động R&D (nghiên cứu và phát
triển) hoàn tất, những phát minh đó phải được thiết lập chiến lược để đưa vào thực tế, tạo
ra một sự đổi mới, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành,… hay nói cách khác, các phát
minh khi ứng dụng vào thực tế phải sản xuất được các sản phẩm chưa từng được tung ra
thị trường, đó là một sự đổi mới thật sự.
Trong bài nghiên cứu năm 1973 của Kirzer, Kirzer (1973), ông đã đưa ra khái niệm thế
nào là nhà khởi nghiệp: “Nhà khởi nghiệp là những người có đủ khả năng nhạy bén để
phát hiện được các cơ hội sinh lời mà trước đó chưa có ai phát hiện ra, sau đó họ tận
dụng cơ hội này để tạo ra sự đổi mới”. Qua đó ta thấy, việc khởi nghiệp phụ thuộc vào
khả năng phát hiện và chú ý đến những cơ hội khó nhận ra, thứ mà ít người có thể nhận
ra. Sự nhạy bén trong khởi nghiệp không hẳn là có liên quan đến tri thức, tất cả mọi
người đều có tiềm năng và những kiến thức cụ thể của mình để nhận ra và nắm bắt một
cơ hội khởi nghiệp nào đó. Nhưng tùy vào kiến thức chuyên môn của mỗi người mà cơ
hội của mỗi người đều rất khác nhau. Ví dụ: Thật không có gì ngạc nhiên khi những phát

minh về hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp được sáng tạo từ những người nông dân,
chứ không phải từ một nhà kinh tế. Nhưng nhà kinh tế là người đưa phát minh này đến
thị trường với mục tiêu thu được một khoản sinh lời đáng kể. Sau đây là một số ví dụ
thực tế về các cơ hội có thể sinh lời mà các nhà khởi nghiệp vĩ đại trong lịch sử đã nhận
ra được: Sự phát triển của khoa học máy tính đã giúp Bill Gates trở thành người giàu nhất
thế giới; John D. Rockefeller, nhà sáng lập công ty dầu lửa Standard Oil có thể kiểm soát
được hệ thống phân phối của công ty mình vì thời kỳ đó hoàn toàn phụ thuộc vào các
công trình đường sắt mới được xây dựng; Ông vua thép Andrew Carnegie (1835 – 1913)


14
nhờ dựa vào quy trình sản xuất Bessemer vừa mới ra đời, ông đã tạo dựng được một đế
chế US Steel hùng mạnh ở Mỹ.
Những nhà khởi nghiệp trên đây không tự mình tạo ra các công nghệ, mà họ nắm bắt
được những cơ hội khởi nghiệp từ những công nghệ đó. Trong hầu hết các trường hợp,
các cơ hội tồn tại dưới trạng thái ít ai nhận ra, chúng xuất hiện bất ngờ và ai là người
nhanh chân, người đó là người nắm ưu thế.
Romer (1986, 1990) nói đến một hiệu ứng lan tỏa tri thức. Tri thức là thứ chứa đựng
trong nguồn vốn con người, nó là một yếu tố làm cho lợi nhuận gia tăng, qua đó cho thấy
việc đầu tư vào nguồn nhân lực khiến cho các khoản đầu tư trong tương lai vào mảng này
càng có hiệu quả. Sở dĩ nói vậy vì nguồn nhân lực sẽ được kết hợp với các yếu tố sản
xuất khác để tạo ra một hiệu suất cao hơn trong quá trình sản xuất. Qua đó có thể thấy vai
trò quan trọng của nguồn vốn con người đối với khởi nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
2.1.2 Lý thuyết về vốn con người và tinh thần khởi nghiệp
2.1.2.1 Tổng quan các nghiên cứu lý thuyết về vốn con người
Sự quan tâm đến vốn con người trong các tài liệu khởi nghiệp đã có từ lâu và tăng lên
mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Lý thuyết vốn con người ban đầu được phát triển để
nghiên cứu giá trị của giáo dục (Becker, 1964; Schultz, 1961) và cho thấy mọi người có
kiến thức và kỹ năng khác nhau và đều có giá trị kinh tế. Mincer (1958) lần đầu tiên thảo
luận về khái niệm vốn con người như một lời giải thích cho bất bình đẳng thu nhập.

Schultz quan sát thấy rằng sự gia tăng sản lượng quốc gia là không tương xứng so với đất
đai, giờ lao động, hoặc vốn vật chất, và lập luận đầu tư vào vốn con người có lẽ là lời giải
thích chính. Becker xây dựng trên những quan điểm này và đưa ra lý thuyết đầu tư vào
vốn con người dựa trên số lượng bằng chứng khổng lồ cho thấy những người có trình độ
học vấn và kỹ năng cao hơn hầu như luôn có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn những
người khác.
Lý thuyết này ngày càng được áp dụng trong lĩnh vực khởi nghiệp, liên tục liên kết các
thuộc tính vốn con người với thành công của doanh nhân (Unger, Rauch, Frese, &
Rosenbusch, 2011). Một số lập luận khác mô tả lý do tại sao vốn con người, hoặc kiến
thức có tầm quan trọng đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh (Ardichvili, Cardozo, & Ray,


15
2003; Shane, 2000). Đầu tiên, vốn con người rất quan trọng để khám phá và tạo ra cơ hội
kinh doanh (Alvarez & Barney, 2007; Marvel, 2013). Vốn con người cũng hỗ trợ khai
thác các cơ hội bằng cách tìm được các nguồn tài chính tung ra các dự án (Bruns,
Holland, Shepherd & Wiklund, 2008; Dimov, 2010). Thứ ba, vốn con người hỗ trợ tích
lũy kiến thức mới và tạo ra lợi thế cho các công ty mới (Bradley, McMullen, Artz, &
Simiyu, 2012; Corbett, Neck & DeTienne, 2007). Trong nghiên cứu thực tế, vốn con
người là tiêu chí lựa chọn được sử dụng thường xuyên nhất trong các dự án đầu tư mạo
hiểm khi đánh giá hiệu quả tiềm năng của dự án (Zacharakis & Meyer, 2000). Ngoài ra,
nghiên cứu về vốn con người và lợi nhuận công ty có thể được tìm thấy trong công trình
của Unger et al. (2011) và nghiên cứu về giáo dục khởi nghiệp; tài sản, hành vi và hiệu
quả vốn con người được tìm thấy trong một bài viết của Martin, McNally và Kay (2013).
Mỗi nghiên cứu đều cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng vốn con người là rất quan
trọng để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Thêm vào đó, để tiến hành đánh giá toàn diện, bài nghiên cứu: “Vốn con người và khởi
nghiệp” của Matthew R. Marvel, Justin L. Davis, Curtis R. Sproul (2014) đã thống kê lại
các nền tảng lý thuyết về vốn con người trong các bài nghiên cứu trước. Ngoài việc lấy lý
thuyết vốn con người làm trọng tâm thì các nghiên cứu khởi nghiệp còn tích hợp nhiều lý

thuyết để giải thích các hiện tượng. Cụ thể, 109 bài viết nghiên cứu về chủ đề này đã sử
dụng chung 142 phương pháp lý thuyết khác nhau, trung bình hơn hai lý thuyết cho mỗi
nghiên cứu. Trong tổng số các nghiên cứu, 18 nghiên cứu (16%) chỉ sử dụng lý thuyết
vốn con người và 52 nghiên cứu (48%) sử dụng phương pháp lý thuyết kép. Ba mươi
chín nghiên cứu (36%) tận dụng ba hoặc nhiều lý thuyết trong cùng một nghiên cứu
chứng minh sự phổ biến của các phương pháp đa lý thuyết.
Để hệ thống lại 142 lý thuyết được sử dụng, tác giả đã sắp xếp từng lý thuyết vào nguồn
gốc xuất xứ của chúng. Các lý thuyết đã được phân loại và tần số được mô tả trong Bảng
2.1.


16
Loại hình lý thuyết

Số nghiên cứu sử dụng

Tỷ lệ phần trăm

Chiến lược

43

30.7%

Nhận thức, học tập và tâm lý học

33

23.6%


Khởi nghiệp

31

22.1%

Vốn xã hội hoặc mạng lưới kết nối

25

17.9%

8

5.7%

140

100%

Kinh tế và tài chính
Tổng cộng

Theo Human Capital and Entrepreneurship Research, 2014
Bảng 2.1. Các lý thuyết được áp dụng trong nghiên cứu khởi nghiệp của con người tính
đến tháng 9/2014
Các lý thuyết từ chiến lược đã được áp dụng phổ biến nhất kết hợp với vốn con người
(30,3%), và các lý thuyết về nhận thức, học tập và tâm lý học cũng đã phổ biến (23,2%).
Các lý thuyết phổ biến thứ ba được kết hợp là từ khởi nghiệp (21,8%). Chúng bao gồm
các lý thuyết về khám phá cơ hội, sáng tạo, khai thác, ý định khởi nghiệp, khởi nghiệp

nhập cư và giới tính. Các lý thuyết về mạng lưới kết nối và vốn xã hội đã được áp dụng
với vốn con người trong 17,6% các nghiên cứu. Đặc biệt lưu ý, mặc dù lý thuyết vốn con
người có nguồn gốc từ các tài liệu kinh tế, chỉ có 5,6% bài viết trong dòng này áp dụng lý
thuyết kinh tế hoặc tài chính kết hợp với vốn con người. Tác giả đã cho rằng phát hiện
này cần đặc biệt quan tâm và có thể là hướng nghiên cứu tiềm năng mà tác giả xem xét
lại trong các phần sắp tới. Kết hợp lại với nhau, những phát hiện cho thấy nghiên cứu
khởi nghiệp vốn con người rất đa ngành và khá đa dạng về mặt lý thuyết vi mô và vĩ mô.
Tuy nhiên, chiến lược, nhận thức và khởi nghiệp là các lý thuyết phổ biến nhất khi
nghiên cứu về vấn đề này.
2.1.2.2 Cấu trúc vốn con người
Nghiên cứu vốn con người ban đầu nhấn mạnh các yếu tố cốt lõi của lý thuyết bao gồm
kiến thức và kỹ năng (Schultz, 1961) cũng như các yếu tố bậc cao hơn bao gồm vốn con
người nói chung và cụ thể (Becker, 1964). Theo nghiên cứu Matthew R. Marvel, Justin
L. Davis, Curtis R. Sproul (2014) có tổng cộng 344 yếu tố vốn con người được đưa vào


×