Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Một số giải pháp nâng cao ý thức tự giác trong cán bộ giáo viên, nhân viên trường THCS

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.32 KB, 17 trang )

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN ĐỊNH

TRƯỜNG THCS YÊN TRƯỜNG

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

TÊN ĐỀ TÀI
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO Ý THỨC TỰ GIÁC TRONG CÁN
BỘ GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN TRƯỜNG THCS YÊN TRƯỜNG

Người thực hiện: Lê Thị Sâm
Chức vụ: Hiệu trưởng
Đơn vị công tác: Trường THCS Yên Trường
SKKN thuộc lĩnh vực: Quản lý

YÊN ĐỊNH, NĂM 2019

MỤC LỤC


TT
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10


11
12
13
14

Nội dung
I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Đối tượng nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
II. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
1. Cơ sở lý luận
2. Thực trạng
3. Các giải pháp
4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo
dục, với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
2. Kiến nghị
Tài liệu tham khảo

Trang
01-04
01
02
03
04
04-12
04

05
06-11
12
13-14
13
14
15


I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
Chúng ta đang sống trong những năm cuối cùng thập niên thứ 2 của thế
kỷ XXI. Đất nước Việt Nam chúng ta nói riêng và thế giới nói chung đang có
những bước phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, xã
hội…đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của các cuộc cách mạng khoa học kỹ
thuật, trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục.
Thực tế cho thấy, giáo dục Việt Nam đang tiếp cận được với xu thế giáo
duc toàn cầu một cách tích cực. Điều đó được chứng minh bằng hệ thống các
trường học trên toàn quốc với nhiều cấp học khác nhau đã được đầu tư về cơ sở
vật chất, đội ngũ nhà giáo, nhằm mục đích thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo
dục một cách đồng bộ và toàn diện nhất.
Trong những năm gần đây, ở các nhà trường phổ thông đã thực hiện tốt
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết TW số 29-NQ/TW
ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giáo dục phổ thông trong
phạm vi cả nước đang thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố: mục tiêu, nội dung,
phương pháp, hình thức tổ chức, thiết bị và đánh giá chất lượng giáo dục. Chính
vì thế, chất lượng học sinh, hay nói cách khác là sản phẩm của giáo dục đã và
đang tiếp cận được với nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.

Để thực sự đổi mới được giáo dục, ngoài việc quan tâm đến đối tượng
người học (học sinh, sinh viên), chúng ta cần phải chú trọng đến sự phát triển
đội ngũ nhà giáo, một lực lượng lao động vô cùng đông đảo trên cả nước. Ở mỗi
cấp học, nhiệm vụ của nhà giáo có những điểm khác nhau, nhưng dù ở cấp học
nào giáo dục cũng đòi hỏi một đội ngũ có trình độ và năng lực toàn diện, là công
dân gương mẫu, có ý thức trách nhiệm với xã hội, hăng hái tham gia, góp phần
vào mọi sự phát triển của cộng đồng, là linh hồn của quá trình hình thành bầu
không khí dân chủ trong lớp học, trong nhà trường, có lòng yêu trẻ và có khả
năng tương tác với trẻ trong tất cả các hoạt động.
Để hình thành được những năng lực, phẩm chất quý giá đó, ngoài tính
chủ quan, nội lực bản thân mà mỗi cá nhân giáo viên tự rèn luyện phấn đấu, cần
thiết phải có thêm một môi trường tích cực để các nhà giáo được thể hiện năng
lực của mình. Đó chính là môi trường làm việc, hay nói cách khác là môi trường
giáo dục ở mỗi nhà trường, do chính người đứng đầu hình thành nên.
Bản thân là một quản lý, với vai trò là hiệu trưởng của một trường THCS,
tôi luôn cố gắng tạo nên một môi trường công tác an toàn, thân thiện, tích cực,
trí tuệ để giáo viên được có cơ hội tự hoàn thiện mình, từ nhân cách đạo đức, lối
sống cho đến việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát
huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo, từ đó thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được
giao, có nhiều tác động hiệu quả mà nhẹ nhàng nhất tới học trò của mình.
Để làm được điều đó, trước tiên phải phát huy được tính tích cực, tự giác
trong cán bộ, giáo viên,nhân viên của nhà trường. Đây là một yêu cầu nhiệm vụ
vô cùng quan trọng và cũng không hề dễ dàng chút nào đối với người quản lý.
Chúng ta đừng nghĩ rằng, khi cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh
1


mẽ, chúng ta có thể quản lý giáo viên, nhân viên của mình một cách đơn giản
qua hệ thống Camera, qua những thiết bị máy móc…hiện đại, thông minh. Nếu
thực sự chỉ quản lý bằng cách đó, là chúng ta đang giám sát những cỗ máy hoặc

những chú Rô bốt và điều khiển họ vận hành theo ý mình một cách thụ động, là
đang thủ tiêu mọi sự sáng tạo. Trong bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới”,
tác giả Vũ Khoan đã khẳng đinh: “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới thì điều
quan trọng nhất là chuẩn bị bản thân con người”. Điều đó chứng tỏ rằng, quản
lý con người, thấu hiểu và thúc đẩy được nội lực bản thân con người là điều
không hề đơn giản.
Trong thời gian làm công tác quản lý với cương vị là hiệu trưởng nhà
trường chưa lâu (3 năm), tôi luôn có ý thức học hỏi, tìm hiểu, tham khảo cách
quản lý của không ít các đồng chí hiệu trường tiền bối, những hiệu trưởng giỏi ở
nhiều trường bạn, thậm chí một số hiệu trưởng có bề dày ở khu vực thành phố
Thanh Hóa. Từ đó bản thân tôi cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ khi chứng kiến
những lúc các đồng chí hiệu trưởng đi công tác, không có mặt ở trường, thường
xuyên phải mở điện thoại xem Camera để giám sát các hoạt động ở trường,
trong đó cả giám sát giáo viên của mình. Nhiều đồng chí đã phải gọi điện gấp về
trường khi thấy giáo viên làm việc riêng trong khi làm nhiệm vụ, thậm chí trong
giờ dạy trên lớp, rồi lên lớp chậm chạp…và vô số những vấn đề mà người làm
công tác quản lý phải chấn chỉnh khi BGH vắng mặt.
Vậy cách quản lý như vậy có mang lại hiệu quả không? Và những điều
mà chúng ta nhìn thấy qua Camera là thực tế nhưng có phải lúc nào bản chất sự
việc cũng đúng như hiện tượng phản ánh qua hình ảnh không? Tại sao không
phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường
mọi lúc, mọi nơi, làm sao đó để mọi người cảm nhận được công việc ở trường là
của chính mình, do mình chủ động làm chủ, không ai giám sát mình tốt hơn
chính lương tâm và trách nhiệm của bản thân. Khi cán bộ giáo viên, nhân viên
trong nhà trường chưa thực sự tự giác tích cực, còn làm việc theo kiểu đối phó
“điểm danh, điểm mặt”, “tối ngày đầy công” thì chắc chắn chất lượng giáo dục
sẽ không được như mong muốn; và càng tệ hại hơn nữa, những hành động, việc
làm ấy sẽ hình thành nên thói quen, lâu dần hình thành tính cách xấu.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của giáo dục Việt Nam: Đổi mới căn bản,
toàn diện…Đây thực chất là một cuộc cải cách sâu rộng, hướng tới mô hình mới

trong xu thế hội nhập, nhằm đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất, giúp người học
chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Muốn vậy, trước tiên những người làm công
tác quản lý phải khơi dậy được tính tư giác trong cán bộ, giáo viên, nhân viên
của đơn vị mình. Nhận thực được điều đó, tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài sáng
kiến kinh nghiệm: Một số giải pháp nâng cao ý thức tự giác trong cán bộ giáo
viên, nhân viên trường THCS Yên Trường.
2. Mục đích nghiên cứu:
Khi nghiên cứu và thực hiện đề tài này, tôi đã có rất nhiều trăn trở và suy
nghĩ cùng với sự trải nghiệm bằng thực tế của chính bản thân mình trong những
năm gần đây. Mong muốn của tôi là góp một tiếng nói, một cách nhìn nhỏ bé
vào việc thay đổi nhận thức, suy nghĩ, hành động của một bộ phận công chức,
viên chức, nhân viên…trong biên chế, tránh tình trạng làm việc theo kiểu “sáng
2


cắp ô đi, tối cắp ô về”, đến cơ quan làm việc qua loa chờ cuối tháng lĩnh lương
Nhà nước. Hơn thế nữa, mong muốn và mục đích khi nghiên cứu đề tài này
chính là tìm ra mọi biện pháp tối ưu nhất nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ giáo
viên, nhân viên trong nhà trường trở thành những con người tự làm chủ mọi
công việc, tích cực, tự giác từ trong suy nghĩ đến hành động; sống có trách
nhiệm đối với chính bản thân mình và với công việc, tạo nên được những sản
phẩm là lực lượng lao động có chất lượng nhất cho đất nước, đáp ứng mọi nhu
cầu về sử dụng nhân lực của xã hội hiện nay.
3. Đối tượng nghiên cứu:
Với khuôn khổ là một đề tài được đúc kết từ những kinh nghiệm nho nhỏ
của bản thân, cho nên tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá, tổng kết về vấn đề: Phát huy
tính tích cực, tự giác trong cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc làm của
tôi sẽ bắt đầu từ sự quan sát, đánh giá những hoạt động của từng đồng chí trong
đơn vị mình, sau đó định hướng và hình thành phương pháp quản lý phù hợp
nhất, khả thi nhất để đạt hiệu quả cao nhất trong việc phát huy tính tích cực, tự

giác trong mỗi thành viên.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Để thực hiện đề tài này, bản thân tôi đã sử dụng nhiều phương pháp
nghiên cứu, trong đó có một số phương pháp nổi bật như sau:
- Thứ nhất là khâu xây dựng cơ sở lý thuyết: Phương pháp này xuất phát từ
những yêu cầu thực tiễn giáo dục hiện nay, đó là những nhiệm vụ bắt buộc đặt ra
đối với người làm công tác giáo dục trong các nhà trường phổ thông: Sống tích
cực, chủ động, có kỹ năng, có năng lực và trình độ.
- Thứ hai là phương pháp điều tra khảo sát thực tế, thu thập thông tin: Đây là
một phương pháp vô cùng quan trọng, bởi không vận dụng phương pháp này
chắc chắn không thể có cái nhìn chính xác, khách quan về đối tượng nghiên cứu.
Cũng vì vận dụng tốt phương pháp điều tra, khảo sát thực tế mà bản thân tôi đã
rút ra cho mình được nhiều bài học trong việc quản lý nhân viên của mình một
cách hiệu quả.
- Thứ ba là phương pháp thống kê, xử lý số liệu: Đây là phương pháp được vận
dụng để đưa ra những con số, những dẫn chứng cụ thể liên qua tới đề tài nghiên
cứu. Phương pháp này cần có sự so sánh, đối chiếu giữa hai thời điểm: Khi chưa
vận dụng và sau khi vận dụng các biện pháp giúp quản lý tốt cán bộ giáo viên,
nhân viên trong nhà trường. Từ đó thấy được điểm mới và hiệu quả của việc
thay đổi cách quản lý của mình.
II. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
1. Cơ sở lý luận của đề tài:
Tác giả Bùi Trung Hải, Nguyễn Lê Đình Quý cho rằng: Giáo dục là một
trong những lĩnh vực chịu sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhanh
hơn cả, bởi chính giáo dục cũng sẽ tạo ra những phiên bản mới của các cuộc
cách mạng công nghiệp tiếp theo. Điều đó có nghĩa là những người làm giáo
dục, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo cùng với cán bộ, nhân viên trong nhà trường sẽ
góp một phần không nhỏ vào việc đào tạo ra những chủ nhân của các cuộc cách
mạng sau này. Vì thế, những người làm giáo dục trước hết phải là những con
3



người có tính tích cực, tự giác trong công việc. Sống và làm việc không đối phó,
không ỷ lại, không thể theo xu hướng đám đông và “dậu đổ bìm leo”. Chúng ta
cần phải xác định được vai trò , vị trí của mình trong xã hội; định hướng đúng
đắn mục tiêu, công việc của mình mà hướng tới.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng xác định: “Vì lợi
ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Bác mở đầu thông
điệp bằng cụm từ “lợi ích” với hàm ý như một lời nhắc nhở những người làm
công tác giáo dục cần có tư duy và tầm nhìn.
Với tầm nhìn chính trị sắc bén về giáo dục, Người tiên liệu các thách thức
đặt ra cho nền giáo dục cách mạng khi nhiệm vụ tổ chức việc học hành không
chỉ cho một bộ phận người dân mà phải là của toàn dân. Hiện nay nước ta đang
trên con đường hội nhập sâu với thế giới, trước bối cảnh toàn cầu hóa thì ánh
sáng tư tưởng Hồ Chí Minh lại càng cần thiết phải được soi rọi vào con đường đi
của giáo dục. Trong hệ tư tưởng tiến bộ đó phải kể đến tính tích cực, tự giác
trong cuộc sống, trong làm việc của Bác Hồ kính yêu. Chính Bác đã truyền tâm
ý của mình cho đội ngũ những người làm giáo dục về đức tính, phẩm chất đáng
quý này.
Đối với người làm công tác quản lý trong giáo dục thì ảnh hưởng của tư
tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại càng cần thiết và quan trọng hơn
bao giờ hết, bởi “văn hóa quản lí Hồ Chí Minh là sự cộng hưởng nhân văn lí
tưởng quản lí cùng hành động quản lí và sự vận dụng một cách sáng tạo vào
nhà trường”. Người làm công tác quản lý muốn phát huy được khả năng, sức
mạnh của đối tượng mình quản lý cần phải thực hiện văn hóa quản lý. Nói đến
văn hóa quản lý là nói đến nét đẹp trong lý tưởng quản lý và hành động quản lý
đạt đến các mục tiêu nhân văn và hiệu quả đích thực. Quản lý học hiện đại ngày
nay thường đề cập kiểu quản lý kết hợp hài hòa giữa “Đức trị” và “Pháp trị”,
nghĩa là người làm quản lý phải khêu gợi được lương tâm, thúc đẩy được lương
năng và phát triển được lương tri của con người, nhất là đối với ý thúc tự chủ, tự

giác trong công việc thì điều này lại càng nên được vận dụng.
Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi con người có cái thiện, cái ác ở trong lòng, ta phải
làm sao cho phần tốt ở trong mỗi con người ấy nở như hoa mùa xuân và phần
xấu mất dần đi” (Hồ Chí Minnh toàn tập – Tập 12 trang 558). Và cũng theo Bác
kính yêu, người quản lý muốn làm tốt công việc của mình cần có hai nhiệm vụ
chủ yếu đó là “tu thân” và “xử thế”. Tu thân ở đây chính là sự tự quản lý và xử
thế là tác động đến các mối quan hệ giữa người với người trong quá trình quản
lý. Trong hai nhiệm vụ ấy thì tu thân là do chúng ta chủ động, còn xử thế phải
được tạo ra trong mối quan hệ với những người khác, cho nên xử thế thực sự
khó khăn, bởi cuộc sống vận động không ngừng, ngày hôm nay phức tạp hơn
ngày hôm qua, ngày mai nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối hơn hôm nay bởi do quan
hệ người với người rất đa dạng. Chúng ta nhận thấy xung quanh người quản lý
luôn có 5 nhân vật đó là: đối thủ, đối tác, đồng minh, đồng chí, tri âm (tâm
giao). Kể cả trong môi trường giáo dục với phạm vi một nhà trường cũng luôn
tồn tại 5 nhân vật này. Vậy nên đòi hỏi người quản lý phải có sự tỉnh táo và khéo
léo biến đối thủ thành đối tác, đưa đối tác thành đồng minh, kéo đồng minh
thành đồng chí và từ đồng chí trở thành tâm giao theo phương châm “sống khôn
4


ngoan, sống bao dung, sống tử tế, sống hẳn hoi”. Chính cách quản lý được soi
rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh này đã làm cho ranh giới giữa người quản lý và
người được quản lý thu hẹp lại, gần gũi, thân tình hơn; vì thế mà nâng cao được
ý thức tự giác, tự chủ ở người được quản lý, dẫn đến mọi người cùng làm việc
hào hứng và nỗ lực hơn, chất lượng công việc tốt hơn. Người được quản lý sẽ
nhận thức được khi đứng trước việc sai, việc xấu sẽ không dám làm, không nỡ
làm và không thể làm. Còn khi đứng trước việc đúng, việc tốt thì tự giác làm, tự
nguyện làm, tự tin làm. Để đạt được điều đó, người quản lý cần phải biết phối
hợp cả đạo lý, pháp lý và công lý tác động đến con người để thực hiện mục tiêu
của mình giống như tư tưởng Hồ Chí Minh. Như vậy người quản lý chính là

người đi thức tỉnh tâm hồn con người chứ không phải là người luôn giám sát,
theo dõi để ghi ghi chép chép rồi nhận xét, đánh giá, xử phạt, xếp loại…bằng
những con số cứng nhắc.
2. Thực trạng của về vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm:
Trong những năm trước đây, bản thân tôi may mắn cũng đã từng là giáo
viên giảng dạy tại ngôi trường mà mình đang làm quản lý – trường THCS Yên
Trường. Theo cảm nhận đánh giá của riêng tôi và chắc chắn đó cũng là thực tế:
các đồng chí giáo viên trong nhà trường phần đông đều có năng lực, trình độ
chuyên môn tốt, nhiều đồng chí còn được đánh giá ở mức xuất sắc. Song bên
cạnh đó vẫn còn một bộ phận giáo viên năng lực chuyên môn chưa tốt, khả năng
hoạt động trong các lĩnh vực sư phạm khác như: công tác chủ nhiệm, hướng dẫn
hoạt động tập thể, trải nghiệm giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm…lại ở
vào mức chưa đạt, không có sức thu hút và tương tác được với phụ huynh và học
sinh. Yêu cầu của nghề dạy học và người làm nghề dạy học phải đảm bảo cả
trình độ chuyên môn vững vàng và năng lực cá nhân toàn diện, hầu hết các nước
trên thế giới tuyển chọn giáo viên rất ngặt nghèo theo tiêu chí này. Song đối với
Việt Nam thì đang tồn tại một thực tế nghiệt ngã đáng buồn: “Người nào không
đủ năng lực và trình độ làm việc ở các lĩnh vực, ngành nghề khác thì lại có thể
trụ vững trên bục giảng, nhất là ở những trường phổ thông”. Vậy cùng làm
việc, chung sống trong một môi trường song song hai đối tượng như thế sẽ nảy
sinh rất nhiều vấn đề, nhất là việc phát huy tính tích cực, tự giác ở mỗi người là
vô cùng khó khăn.
Với đối tượng thứ nhất, những người có đủ năng lực, đôi lúc vẫn có suy
nghĩ chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoặc chẳng cần gì phải nỗ lực, bở
suy nghĩ và tư tưởng của họ luôn có sự ngầm so sánh với nhóm đối tượng thứ
hai, tức chỉ cần hơn một chút là được. Bởi do đặc thù của công việc dạy học, sản
phẩm của người lao động không nhìn thấy được ngay và nếu có sai sót thì sự
nguy hại đó chưa gây hậu quả tức thì như các ngành công nghiệp hay nguy hiểm
đến tính mạng như trong ngành y… Bên cạnh đó sự chênh lệch về khả năng
đóng góp, khả năng hoạt động và hiệu quả công việc giữa người này và người

kia trong nhà trường còn chưa được khích lệ bằng khen thưởng hay chế độ tiền
lương. Với nhà giáo cứ sống lâu sẽ lên lão làng; một người trẻ tuổi, ít năm công
tác có giỏi đến bao nhiêu, thành tích đóng góp có nhiều đến mức nào thì đồng
lương nhận lại cũng không thể bằng một người yếu về chuyên môn, kém về kỹ
năng, ý thức đóng góp cho tập thể tồi mà có thâm niên công tác nhiều năm, và
5


họ chẳng cần phải cố gắng gì vẫn ung dung hưởng đủ lương và tăng lương
thường xuyên đều đặn không thiếu một đồng. Thành ra từ những suy nghĩ đó mà
năng lực của những người có năng lực chưa được khai thác và khó phát huy. Cứ
như thế lẽ hiển nhiên ngay trong môi trường rất cần chất xám thì lại tồn tại tình
trạng lãng phí chất xám một cách vô lý.
Với đối tượng thứ hai, họ luôn có suy nghĩ, đã trở thành “người nhà
nước” rồi thì chỗ đứng đó mãi mãi là của họ, chả ai “đuổi đi được”, không ai có
quyền sa thải hay cắt lương khi họ lên lớp đúng giờ, dạy đủ tiết, in hồ sơ giáo án
đầy đủ mỗi khi kiểm tra…và điểm số,chất lượng của học sinh cũng do chính
những người này tự dạy, tự chấm, tự tổng kết theo kiểu “của nhà làm ra”, nên
bao giờ cũng đạt chỉ tiêu, yêu cầu. Còn việc tăng lương thì cứ yên tâm “đến hẹn
lại lên” theo đúng chu kỳ. Những người này một số thì an phận, thiếu cố gắng;
tệ hại hơn một số lại ngộ nhận, ảo tưởng sức mạnh, không nhận ra sự kém cỏi
của mình, thành ra cả hai kiểu của đối tượng đều không tích cực, thiếu tự giác
trong mọi hoạt động. Thực tế bản chất việc làm và những kết quả của họ chỉ có
hiệu trưởng là người trực tiếp nhìn thấy rõ nhất nhưng khó lòng thay đổi khi các
con số, chỉ tiêu, ngày công…họ vẫn ở mức đảm bảo. Chính tình trạng yên vị chỗ
ngồi biên chế cùng với đặc thù của ngành giáo dục đó là việc đào tạo ra sản
phẩm là cả một quá trình, khá trừu tượng và không phải ai cũng có khả năng
đánh giá đúng đã và đang hình thành nên một bộ phận giáo viên, nhân viên chây
ỳ, thiếu tích cực, thiếu tự giác trong mọi hoạt động. Đó là một thực trạng vô
cùng nguy hiểm, một bức tranh buồn của giáo dục.

Hiện tại, công tác quản lý ở các nhà trường đã có bước đột phá mới phù
hợp với thời đại, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hầu như trường nào cũng
được trang bị hệ thống Camera, mọi hoạt động của giáo viên, nhân viên và học
sinh đều được phản ánh trung thực chỉ cần qua hệ thống kết nối. Dù hiệu trưởng
có “vắng nhà” cũng không để tình trạng “gà mọc đuôi tôm”. Nhưng có phải khi
được gắn trang thiết bị hiện đại thì công việc quản lý của hiệu trưởng sẽ nhàn
hơn? Giáo viên và nhân viên sẽ “sợ” hiệu trưởng mà làm việc tích cực, tự giác
hơn??? Trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Việc quản lý và giám sát bằng các
thiết bị hiện đại chúng ta chỉ quản lý được phần “xác” của con người, còn phần
“hồn” thì không thể. Và những con người mẫn cán, họ sẽ không có hứng thú làm
việc khi mà người quản lý chỉ biết áp dụng việc điểm danh ngày nối ngày, tháng
nối tháng, năm nối năm theo kiểu “tối ngày đày công”, không có sự tương tác
tích cực trong quá trình làm việc. Điều này tôi đã đề cập đến ở phần lý do chọn
đề tài.
Xuất phát từ thực trạng đó nên từ khi giữ cương vị hiệu trưởng, tôi đã không
ngừng học hỏi, trau dồi để có thể tìm ra những giải pháp quản lý tốt nhất nhằm phát
huy tính tích cực, tự giác của cán bộ giáo viên, nhân viên trong đơn vị, góp một
phần nhỏ vào việc xây dựng, phát triển và đổi mới nền giáo dục nước nhà. Và sau
đây là những giải pháp mà tôi đã thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại
trường THCS Yên Trường.
3. Các giải pháp đã sử dụng để phát huy tính tích cực, tự giác trong cán bộ
giáo viên, nhân viên nhà trường:
6


Chúng ta biết rằng, trường học chính là ngôi nhà chung mà ở đó có sự
tham gia hoạt động của nhiều người với nhiều đối tượng, ở nhiều lứa tuổi, nhiều
trình độ và năng lực khác nhau. Vì vậy mà hiện nay không ít những cán bộ quản
lý nói chung, hiệu trưởng nói riêng còn lúng túng trước “mê cung” công việc
nhà trường, khó tìm ra lối gỡ và chạy vòng quanh với những cái không phải là

thiết yếu, căn bản. Để tránh được điều đó, khi bắt tay vào công việc này, tôi đã
xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm học, có kế hoạch và giải
pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ. Và một trong những việc mà tôi cho là cốt
yếu, là chiến lược cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân viên có tâm
và có tầm. Đó chính là hình thành, thúc đẩy, phát huy tính tích cực, tự giác trong
cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường. Để làm được điều này, tôi đã thực hiện
như sau:
a. Hiệu trưởng phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ và phải thực sự là người
gương mẫu;
Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, có vai trò quan trọng nhất
trong quá trình thiết lập, định hướng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục
học sinh; quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác nhằm tạo ra sự đồng bộ và
hiệu quả cao trong công việc. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người hiệu
trưởng cần phải có năng lực, trình độ, quyết tâm, bản lĩnh, năng động, sáng tạo,
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…Nghĩa là hiệu trưởng chính là người
nêu gương.
Rất may mắn tôi từng là giáo viên nhiều năm ở ngôi trường mình đang
quản lý. Những đồng nghiệp thời đó hầu hết giờ vẫn đang công tác tại trường.
Vì vậy họ biết được sự nỗ lực của tôi như thế nào từ những năm tháng mà công
việc chính của tôi là đứng trên bục giảng. Trước khi là một hiệu trưởng, bản thân
tôi luôn là người tích cực trong cả suy nghĩ và mọi hành động, việc làm, từng đạt
được nhiều danh hiệu cao quý ở hầu hết mọi lĩnh vực: Giáo viên giỏi cấp tỉnh,
chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, nhiều giải nhất các cuộc thi từ Đoàn thanh niên
cho đến Công đoàn các cấp tổ chức…Đến bây giờ, khi đã là một hiệu trưởng,
“được quyền” quản lý người khác nhưng tôi vẫn luôn có ý thức “tự quản lý”
chính bản thân mình. Trước hết là về mặt thời gian, bao giờ tôi cũng thực hiện
nghiêm túc, đúng giờ, tôn trọng cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường
bằng cách: Thông báo cho mọi người biết sự vắng mặt của mình tại trường vào
ngày nọ, ngày kia là do những lý do cụ thể (đi họp, đi chuyên đề, đi kiểm tra…).
Khi tổ chức bất kỳ cuộc họp nào tại trường, tôi luôn tiến hành nghiêm túc theo

giờ đã ấn định. Ban đầu vẫn còn một số đồng chí giữ thói quen cũ với “giờ cao
su” vì cứ nghĩ rằng đủ người hiệu trưởng mới tổ chức họp được, nhưng sau một
vài lần có mặt vào lúc cuộc họp đã được triển khai thì tất cả mọi người đều tự
giác chuẩn mực về giờ giấc. Đối với các hoạt động khác cũng vậy, tôi sẵn sàng
lên lớp, điều hành các tiết sinh hoạt, chỉ đạo học sinh lao động…thay cho cấp
dưới của mình khi có lý do vắng mặt.
b. Chú trọng việc xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân viên luôn tự giác, tích cực:
Khi đã trở thành hiệu trưởng, tôi xác định rõ đội ngũ cán bộ viên chức là
lực lượng cơ bản tham gia xây dựng và phát triển nhà trường, có vai trò quyết
định đến chất lượng giáo dục. Vì vậy xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự vững
7


mạnh, luôn là những con người tích cực, tự giác trong mọi hoạt động là sứ mệnh
của người hiệu trưởng. Tuy nhiên, để làm được điều đó ban đầu thực sự không
dễ, thậm chí là rất khó khăn với bản thân tôi. Bởi nhiều đồng chí giáo viên nói
về phần cứng đã chuẩn hóa, họ được đào tạo ở trường sư phạm, có bằng đại học,
có đầy đủ các chứng chỉ theo yêu cầu của một nhà giáo. Nhưng trong thực tế
công tác và giảng dạy, những cá nhân này chưa thể hiện được năng lực của
mình. Có thể vì bảo thủ hoặc chưa tích cực học hỏi nên năng lực của họ không
được cải thiện, khiến học sinh kêu ca phàn nàn. Để thúc đẩy, đánh thức những cá
nhân đó, tôi đã tham gia dự giờ, yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn, những đồng
chí có năng lực vững vàng cùng tham gia góp ý, xây dựng giờ dạy một cách
nghiêm túc. Có những tiết học tôi yêu cầu giáo viên dạy lại tới 3 lần. Đây là
cách làm nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần tự học, tự trau dồi chuyên môn của
mỗi cá nhân giáo viên. Trước đây ở trường tôi có một số đồng chí giáo viên sợ
và ngại thao giảng, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi người đều hứng khởi với
những giờ thao giảng của mình, kể cả giờ của đồng nghiệp. Rất nhiều đồng chí
đã chủ động xin dự giờ cả những người không cùng chuyên môn để học hỏi và
rút kinh nghiệm về phương pháp cũng như phong cách. Chính vì đánh thức được

tinh thần tự học, tự trau dồi trong chuyên môn như vậy, nên trong các kỳ thi giáo
viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, trường chúng tôi không phải cắt cử luân phiên hay
bắt ép, mà 100% các đồng chí giáo viên đều nhận thấy đó là trách nhiệm, là vinh
dự của bản thân và rất hào hứng tham gia.
Bên cạnh đó, tôi thường trực tiếp tham gia sinh hoạt, tham gia nhiều hoạt
động cùng với các tổ chuyên môn, nhất là những sinh hoạt chuyên môn có liên
quan đến việc triển khai và vận dụng các chuyên đề đổi mới (đổi mới phương
pháp, đổi mới cách ra đề thi, cách đánh giá…). Nếu như trước đây các tổ chuyên
môn sinh hoạt theo hình thức chủ yếu điểm danh, ghi chép nhận xét về ngày
công, giờ giấc thì nay đã thực sự đi vào sinh hoạt đúng nghĩa, luôn đi sâu vào
nội dung bàn về vấn đề chuyên môn một cách tích cực.
Chưa hết, hiệu trưởng phải là người luôn tạo ra các phong trào thi đua
thực chất chứ không phải hình thức. Có chiến lược và cách sử dụng nhân lực
đúng vị trí, vai trò để những người có năng lực luôn phát huy được thế mạnh của
mình, giúp họ cảm thấy được ghi nhận, được đánh giá đúng với những gì họ đã
đạt được, từ đó họ sẽ càng tâm huyết để cống hiến. Đồng thời cũng thức tỉnh
được những người còn bằng lòng, thậm chí ngộ nhận về năng lực và sự đóng
góp của mình. Trong thi đua không thực hiện chính sách “cào bằng, san phẳng”,
hoặc “ai cũng có phần”, để mỗi cá nhân thấy được mình đang ở vị trí nào? Ví
dụ, sau mỗi đợt thao giảng tôi thường tổ chức tôn vinh người có giờ dạy xuất sắc
nhất; hay cuối năm thường có các danh hiệu: Giáo viên chủ nhiệm giỏi nhất;
giáo viên đạt danh hiệu công dân gương mẫu…mỗi danh hiệu chỉ kèm theo một
phần thưởng nhỏ, nhưng việc làm này luôn khích lệ được ý thức và trách nhiệm
ở mỗi giáo viên, góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ tâm lý, tư tưởng không
cần phấn đấu, ai muốn làm gì thì làm trong một bộ phận cán bộ giáo viên, nhân
viên.
Để tránh việc “đặt giáo viên ngồi nhầm chỗ”, hiệu trưởng cũng phải là
người thẳng thắn, kiên quyết và mạnh dạn trong phân công nhiệm vụ hàng năm.
8



Và như vậy sẽ xảy ra tình trạng “kẻ thong dong, người làm không hết việc”. Ban
đầu một số đồng chí phải gánh vác một khối lượng công việc lớn cũng có những
phản ứng, nhưng khi hiểu và nhìn nhận ra vấn đề, đồng thời cảm nhận được hiệu
trưởng đã đặt niềm tin rất lớn ở họ thì những đồng chí này đã rất nỗ lực trong
mọi hoạt động. Ở trường tôi, có những đồng chí vừa trưởng ban nữ công, vừa là
tổ trưởng chuyên môn lại vừa làm công tác chủ nhiệm mà vẫn dạy một lúc 14
tiết trong tuần. Trong khi có những đồng chí lại chỉ chuyên dạy một khối lớp mà
mọi người vẫn gọi đùa là “lưu ban” bền vững. Có đồng chí dạy 3 lớp Toán, 3
lớp Văn hoặc 3 lớp Tiếng Anh ở 3 khối khác nhau để bồi dưỡng 3 đội tuyển.
Song các đồng chí đều tích cực và tự giác, hơn thế nữa còn sắp xếp thời gian
biểu khoa học để có thể đạt chất lượng và thành tích cao nhất trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ của mình. Như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại, mọi
thông tin được cập nhật một cách nhanh chóng như hiện nay thì sự phản hồi,
đánh giá về năng lực, về tinh thần trách nhiệm của giáo viên, nhân viên trong
nhà trường không chỉ có hiệu trưởng, các cấp lãnh đạo mà còn có cả phụ huynh
và học sinh tham gia. Chính vì thế gần đây nhất trên địa bàn một trường lân cận
đã có tình trạng phụ huynh học sinh viết đơn đề nghị BGH nhà trường thay giáo
viên bộ môn ôn thi vào lớp 10 để học sinh được học với giáo viên có năng lực
tốt hơn. Đây cũng là vấn đề mà người đứng đầu nhà trường cần suy nghĩ khi
phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta, những người lãnh đạo đang tạo
điều kiện cho những giáo viên, nhân viên chưa đảm bảo về năng lực, chưa tích
cực, chưa tự giác có cơ hội nghỉ ngơi nhàn nhã một cách đương nhiên. Người
lãnh đạo đặt họ vào những tình huống như thế để giúp họ nhìn đúng thực lực của
mình, đánh thức lòng tự trọng nghề nghiệp mà giúp họ tích cực hơn nữa, tự giác
hơn nữa trong quá trình trau dồi bản thân. Với riêng tôi, khi nhiệm vụ chuyên
môn của những người này ít đi thì đồng nghĩa với việc họ sẽ phải nhận thêm
những nhiệm vụ khác như hướng dẫn học sinh lao động hàng tuần, theo dõi nề
nếp học sinh…đây cũng là những công việc yêu cầu phải có sự tương tác để các

cá nhân này phát huy tính tích cực, tự giác.
c. Quản lý đúng và khéo để thức tỉnh tính tích cực, tự giác trong cán bộ giáo
viên, nhân viên:
Làm quản lý, đặc biệt là làm một hiệu trưởng không phải chỉ cần thông
minh trí tuệ IQ mà còn cần thông minh cảm xúc EQ trong điều hành hoạt động
của nhà trường. Tức là phải biết vận động tích cực và trù tính, liệu định một
cách chu đáo. Hiệu trưởng tích cực vận động nhưng không biết lo liệu chu đáo
sẽ không thành công. Tuy nhiên, lo liệu chu đáo mà không năng động, thức thời
thì công việc cũng không tiến triển tốt. Vì thế hiệu trưởng luôn cần đổi mới tư
duy, cách nghĩ, cách làm, sáng tạo và luôn phát huy hết năng lực của mình vì sự
phát triển của nhà trường. Có như vậy mới “thổi lửa đam mê” vào trong mỗi
giáo viên, nhân viên của mình.
Người hiệu trưởng cũng cần phải năm vững và xây dựng thành công văn
hóa nhà trường. Bởi văn hóa nhà trường là một tập hợp các giá trị, chuẩn mực,
niềm tin và hành vi ứng xử…mang đặc trưng của một trường học, tạo nên sự
khác biệt với các tổ chức khác. Văn hóa nhà trường liên quan đến toàn bộ đời
9


sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm
nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, các giá trị…được xem là tốt đẹp mà mỗi người trong
nhà trường chấp nhận. Hiệu trưởng cần đề cao, tôn vinh văn hóa nhà trường, lấy
văn hóa nhà trường làm chuẩn mực để lãnh đạo.
Hiệu trưởng đừng chỉ biết đặt ra những con số, những chỉ tiêu, những điều
lệ rồi biến nó thành “quốc pháp” máy móc rập khuôn, bắt buộc mọi người phải
thực hiện theo. Hiệu trưởng phải chọn được việc đúng mà làm và làm đúng, làm
tốt việc đã chọn. Hiệu trưởng một nhà trường khi làm bất kỳ công việc gì cũng
cần nghĩ tới hai phạm trù: Cái gì và cách gì? Tức là chọn nội dung và phương
pháp nào trong điều hành quản lý? Việc chọn nội dung phát huy tính tích cực, tự
giác trong cán bộ giáo viên, nhân viên để làm mục tiêu đổi mới trong quản lý là

điều tôi thấy hoàn toàn phù hợp và thỏa đáng với yêu cầu phát triển của các nhà
trường phổ thông hiện nay. Để làm được điều đó, ngoài những cách làm trên,
còn cần thêm cách ứng xử cùng phương pháp quản lý đúng và khéo. Tôi không
lạm dụng lý trí trong quản lý mà luôn dung hòa với tình cảm nữa. Đối với những
nhân viên của mình, ngoài cách nêu gương trong mọi lĩnh vực, còn cần phải thể
hiện sự gần gũi, chân tình để mọi người có cảm giác như đang được sống trong
một gia đình ấm áp và thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm xây dựng gia
đình ấy ngày càng bền chặt, khăng khít và vững mạnh. Tôi đã dành sự quan tâm
đến nhân viên của mình từ những việc nhỏ, lưu ý đến cả thời khóa biểu sao cho
thuận lợi nhất với điều kiện, hoàn cảnh của từng người. Tôi cũng không lạm
dụng việc theo dõi, quản lý thông qua thiết bị hiện đại mà chỉ xem đó là công cụ
hỗ trợ khi cần thiết. Thực tế cho thấy, việc quản lý con người không thể dễ dàng
nhờ vào những công cụ vô cảm đó. Tôi đã từng biết có đồng chí hiệu trưởng lên
lịch bồi dưỡng học sinh giỏi một tuần 5 buổi chiều cho giáo viên và yêu cầu giáo
viên luôn có mặt đúng giờ, ngồi đúng vị trí được phân công, hết giờ quy định
mới được ra khỏi lớp. Mới nghe qua tưởng rằng đây là cách quản lý nghiêm
minh và giáo viên sẽ chấp hành nghiêm túc bởi đã có Camera giám sát. Vậy mà
chất lượng học sinh giỏi vẫn cứ ở con số khiêm tốn. Nguyên nhân bởi vì bề
ngoài, các đồng chí giáo viên có vẻ như chấp hành, họ luôn đến trường đúng
giờ, dạy đến cuối buổi nhưng không có chất lượng vì không hào hứng. Vì vậy
nếu quản lý một cách cứng nhắc và máy móc sẽ vô tình làm thui chột đi ý thức
tự giác, chủ động của mọi người, đôi khi còn ảnh hưởng đến lòng tự trọng của
giáo viên. Không nên tạo cho họ cảm giác luôn bị theo dõi, đừng khiến họ
“ngại” ta mà làm việc, hãy để họ làm việc là vì ta.
Trong những năm học vừa qua, bản thân tôi đã áp dụng cách quản lý mềm
dẻo, luôn khéo léo khơi gợi “phần tốt trong mỗi con người rực rỡ như hoa mùa
xuân và phần xấu mất dần đi”, luôn cố gắng thấu hiểu và đồng cảm với giáo
viên, luôn đặt mình vào vị trí của họ để thấy được những khó khăn mà họ phải
vượt qua, bởi vây mà hãy cố gắng đừng tạo nhiều áp lực cho họ. Kể cả trong
mỗi cuộc họp cũng vậy, tôi luôn tạo ra bầu không khí dân chủ để các đồng chí

giáo viên, nhân viên được bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của mình trên
nguyên tắc lắng nghe và thấu hiểu. Cũng chính vì lẽ đó mối quan hệ giữa lãnh
đạo và nhân viên thực sự trở nên gần gũi, thân thiện, dễ trao đổi và bày tỏ. Cán
bộ giáo viên, nhân viên trường tôi mọi người đều nhận thức được nhà trường và
10


công việc ở trường là của mình và luôn tự giác hoàn thành trong tâm thế tự chủ.
Mỗi khi phải đi công tác, không có mặt ở trường, tôi hoàn toàn yên tâm về đội
ngũ của mình, yên tâm về ý thức làm việc, tinh thần biết làm việc vì chính mình,
vì mọi người.
Hàng năm, trong đợt ôn thi học sinh giỏi, tôi lên lịch một tuần ôn hai buổi
chiều (thứ hai và thứ sáu). Thế nhưng điều khiến tôi không chỉ vui mừng mà còn
vô cùng cảm động đó là: Bao giờ khi kết thúc một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi
cũng là lúc hầu hết mọi nhà đã quây quần bên mâm cơm tối. Và không chỉ có
hai buổi như được phân công, giáo viên của tôi đã tự mình bố trí, sắp xếp hầu
hết khoảng thời gian còn lại của mình dành cho đội tuyển. Những ngày ôn thi
học sinh giỏi là những ngày trường học luôn được bác bảo vệ đóng cửa sau
18h30’. Những việc làm này của giáo viên không một ai đôn đốc, nhắc nhở hay
giám sát; tất cả là do tự ý thức, là trách nhiệm và lòng nhiệt tình được tạo ra từ
mong muốn cống hiến và lòng tự trọng nghề nghiệp của họ. Tôi rất vui và cũng
thấu hiểu được những nhọc nhằn của các đồng chí, nên đã âm thầm cố gắng chia
sẻ, động viên các đồng chí của mình bằng nhiều cách khác nhau. Có lẽ vì cái
tâm, cái tình và một chút gọi là kinh nghiệm mà đến thời điểm hiện tại bản thân
tôi đã phát huy được tính tích cực, tự giác trong cán bộ giáo viên và nhân viên
của mình một cách thành công đối với bản thân tôi và nơi tôi đang công tác.
Đồng thời thức tỉnh được những đồng chí cán bộ giáo viên, nhân viên mà lâu
nay chưa chịu vận động vì đã quá yên tâm với cái ghế “biên chế”.
d. Thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm:
Hoạt động trải nghiệm là hoạt động ngoài chương trình bắt buộc của nhà

trường, nhưng lại vô cùng cần thiết trong việc trang bị những kỹ năng mềm, góp
phần tạo nên hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống của bản thân mỗi con
người. Chúng ta không nên quan niệm rằng chỉ có những người trẻ tuổi hoặc học
sinh mới cần có những hoạt động trải nghiệm, còn những người đã trưởng thành
hoặc có tuổi thì không cần thiết phải tham gia các hoạt động này. Càng công tác
và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta càng cần phải tham gia tích cực,
tự giác các hoạt động trải nghiệm, bởi đối tượng mà chúng ta tương tác hàng
ngày là học trò – và sản phẩm của chúng ta chính là trí tuệ, nhân cách, đạo đức
và năng lực cá nhân, năng lực xã hội của con người. Vậy nên trải nghiệm để góp
phần hoàn thiện mình, tăng cường mọi kỹ năng, để biết lắng nghe, để cùng thấu
hiểu…là yêu cầu không thể thiếu của mỗi người thầy. Hơn thế nữa, thông qua
hoạt động trải nghiệm, mỗi người sẽ có cơ hội bộc lộ và phát huy mạnh mẽ
những giá trị bản thân. Xác định được điều đó nên tôi thường xuyên tổ chức các
hoạt động trải nghiệm để đồng nghiệp tham gia với phương châm “muốn đi
nhanh hãy đi một mình, muốn về đích hãy đi cùng nhau”. Để có thể thực hiện
được những chuyến đi thú vị, tôi đã lên kế hoạch, chọn địa điểm, cách thức đi,
thời gian đi…thật hợp lý. Thường chúng tôi sẽ cùng nhau hành trình vào những
ngày nghỉ, ngày lễ và đi cùng học sinh. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã cùng
nhau đến được nhiều địa điểm thú vị và ý nghĩa như: Khu di tích Lam Kinh
(Thọ Xuân), Thác Mây (Thạch Thành), Phù Luông (Bá Thước), Tiên Sơn (Vĩnh
Lộc), quê Bác (Nghệ An) và ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Những chuyến đi như
vậy giúp chúng ta hiểu biết, yêu và gắn bó hơn với các vùng miền, tự hào hơn
11


về con người và vẻ đẹp các nôi văn hóa khác nhau của tổ quốc. Mỗi chuyến đi
như thế đòi hỏi phải có kinh phí. Về cơ bản nguồn kinh phí để có thể tham gia
được những chuyến đi là do giáo viên tự túc bằng cách: Công đoàn lập quỹ tiết
kiệm nhỏ để giáo viên góp tiền thưởng, các khoản tiền được nhận trong mỗi dịp
lễ tết, thậm chí chúng tôi còn có cả nguồn tiền phạt cũng rất tự giác từ nhiều lý

do thú vị khác nhau…làm như thế giáo viên vô cùng hào hứng bởi tiền lương
vẫn nguyên vẹn, vẫn có được những chuyến đi bổ ích mà không hề ảnh hưởng
đến kinh tế gia đình. Đối với những địa điểm gần, chúng tôi thường hành trình
bằng xe máy; địa điểm dưới 30 km chúng tôi biểu quyết đi xe đạp thể thao, mục
đích vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tìm lại được cảm giác của “những ngày đã cũ”.
Và điều tôi muốn nói hơn nữa đó là trong mỗi chuyến đi như vậy, ai cũng mang
một tâm thế vô cùng thoải mái với mong muốn cống hiến hết mình, hỗ trợ nhau
hết mình, lo lắng, giúp đỡ nhau như những người ruột thịt trong một gia đình
thực thụ. Chưa hết, những chuyến đi của chúng tôi thường được tổ chức dưới
dạng Picnic, tự túc về phương tiện, đồ ăn, vật dụng cần thiết mang theo…là
chính, vừa tiết kiệm tài chính, vừa phát huy “tài lẻ” ở mỗi người khi họ tự giác
nhận nhiệm vụ theo năng lực và điều kiện, vì thế trường chúng tôi ai cũng có
thêm những tên gọi thân thương gắn với công việc trong mỗi cuộc hành trình:
“Hằng anh nuôi”, “Quy bác sĩ”, “Việt cửu vạn”, “Sơn giám đốc”, “Nga lễ tân”,
“Mạnh thổ địa”, “Quyên thủ kho”…Và cứ như thế chúng tôi cùng nhau đi được
nhiều nơi, cùng nhau khám phá được muôn màu cuộc sống sau những giờ phút
làm việc hết mình. Tuy nhiên, việc tổ chức những chuyến đi như thế đối với các
nhà trường phổ thông không phải hoàn toàn dễ. Đi xa – không phải cứ có tiền và
thích là đi được. Đi xa – không phải chỉ để cho vui, cho thoải mái, để có những
tấm hình đẹp mang về khoe với bạn bè. Đi xa – chính là đi ra khỏi lũy tre làng,
là hành trình khám phá một vùng đất mới, là hỗ trợ nhau để trở về an toàn và
“giàu có hơn” sau mỗi hành trình, và quan trọng hơn là tạo ra động lực tích cực
hơn trong đời sống, trong công tác, hướng tới sự mong đợi cho những chuyến đi
sau. Đi xa – để mang về nhiều thứ: kiến thức, kỹ năng, ý thức, thái độ sống và
cách ứng xử với cuộc đời, với mọi người xung quanh. Thấu hiểu điều đó nên
bản thân tôi vô cùng tâm đắc với hoạt động này. Những kế hoạch cho những
chuyến “đi xa” của đồng đội, đồng chí mình bao giờ cũng được suy nghĩ, trăn
trở từ dịp nghỉ hè, tới đầu năm học, phối hợp với tổ chức công đoàn, bàn bạc,
thảo luận, trao đổi và đưa ra quyết định khi nhận được sự đồng thuận, thống nhất
cao từ tập thể cán bộ giáo viên, nhận viên.

Những trải nghiệm tuyệt vời, những nụ cười ấm áp, những cái xiết tay thật
chặt, những cử chỉ ân cần, sự quan tâm gần gũi chân tình dành cho nhau chỉ có
thể được nuôi dưỡng, được bộc lộ trọn vẹn, đáng yêu và đáng tin nhất trong
không gian và hoàn cảnh tuyệt vời của những chuyến đi.
4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản
thân, đồng nghiệp và nhà trường:
Với kinh nghiệm quản lý chưa nhiều; những kiến thức, kỹ năng về lĩnh
vực quản lý vẫn còn quá khiêm tốn. Song tôi đã hết sức nỗ lực, cố gắng vận
động bản thân, học hỏi nhưng người có kinh nghiệm và có thành tích trong quản
lý. Có lẽ vì thế mà ngay từ khi bắt đầu với công việc này cho đến hiện tại tôi
12


cũng đã đạt được một số thành công nho nhỏ từ việc áp dụng các giải pháp trên
ngoài những yêu cầu, nhiệm vụ của một hiệu trưởng. Và điều vui mừng mà tôi
nhận thấy là mình đã thực sự làm thay đổi được một phần không nhỏ thái độ
sống, thái độ làm việc cho đồng đội của mình. Mọi người thường nghĩ hiệu
trưởng luôn như một “cảnh sát”, còn giáo viên suốt ngày lo đối phó thì bây giờ
việc ai người ấy tự giác làm, làm việc tích cực, hiệu quả và cũng tích cực giúp
đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp và những người xung quanh. Trước đây việc sử dụng lao
động thường được chia đều, bù chỗ này chỗ kia sao cho ai cũng có số tiết và
khối lượng công việc tương đối bằng nhau, còn bây giờ tôi đã thay đổi để khai
thác và phát huy hêt thế mạnh của từng cá nhân trong từng lĩnh vực công tác.
Việc vận dụng các giải pháp trên không chỉ phát huy được tính tích cực,
tự giác của giáo viên, nhân viên mà còn ảnh hưởng tích cực đến cả học sinh
trong trường, bởi thầy có mẫu mực, trò mới chăm ngoan; thầy như đầu tàu kéo
đoàn tàu là học sinh đi theo hướng của mình. Được học tập, trải nghiệm trong
một môi trường sư phạm như thế hầu như tất cả học sinh trong trường đều
chuyển mình trong một bầu không khí mới. Để rồi trong những năm gần đây, cả
thầy và trò chúng tôi không chỉ có được những phẩm chất, năng lực cần thiết

trong xu thế hội nhập, mà mọi thành tích cũng tăng một cách rõ rệt; chất lượng
giáo dục toàn diện liên tục đứng trong top 5 của huyện nhà, các hoạt động phong
trào đều được đánh giá xuất sắc. Năm học 2017 – 2018 trường THCS Yên
Trường đứng ở vị trí dẫn đầu bậc học, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi
đua.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.
1.Kết luận:
Quản lý là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi người nắm giữ vai trò
này phải biết làm đúng và làm khéo, ứng xử khéo. Bác Hồ đã từng căn dặn cán
bộ quản lý: “phải biết chừng mực” khi tiến hành công việc và ứng xử. Ngày nay
tri thức hiện đại thường có lời khuyên dành cho người quản lý phải biết “Tri
độ”, “Tri giới hạn”, phải luôn ý thức “cốc nước đầy chỉ thêm một giọt là tràn
ly” để biết ly nước nào cần vơi, ly nào cần tràn. Mỗi người nắm giữ trọng trách
quản lý cần phải có tầm nhìn rộng, có suy nghĩ sâu. Sự thiển cận và nông cạn
đối với hoạt động quản lý sẽ đem lại bi kịch không phải chỉ cho một thiểu số
người mà rất đông đảo người, nhất là đối với quản lý giáo dục khi mà nền giáo
dục đã được phổ cập. Nếu hiệu trưởng bị “lạc nước” thì dù có sở hữu rất nhiều
người tài trong tay, nguồn kinh phí dồi dào, cơ sở vật chất có đầy đủ và hiện đại
đến bao nhiêu thì vẫn bị “bỏ phí” và thất bại. Trái lại nhiều trường hợp hiệu
trưởng là người biết tận dụng triệt để mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ thì dù
điều kiện đào tạo có bình thường, cơ sở vật chất còn thiếu thốn họ vẫn lãnh đạo
nhà trường phát triển, có khi vẫn phát triển vững mạnh. Người hiệu trưởng
muốn thành công thì trước tiên hãy làm thay đổi nhận thức và những thói quen
chưa tốt ở mỗi người. Với cách làm của mình, bước đầu tôi đã đạt được một số
thành công trong việc thay đổi nếp nghĩ tưởng như đã thành cố hữu trong một bộ
phận giáo viên trường tôi. Nếu không tích cực, tự giác vận động chuyển mình
chắc chắn bạn sẽ tự đào thải, cái vỏ “biên chế”, “công chức”, “viên chức”
13



không phải là cái lô cốt vĩnh viễn bảo vệ bạn, và vị trí của mỗi người trong nhà
trường không thể là bất biến. Tuy nhiên, những giải pháp trên đây cũng đang
còn mang tính chủ quan của cá nhân. Và bản thân tôi cũng nhận thức được rằng,
cũng sẽ có rất nhiều những đồng chí hiệu trưởng khác có nhiều cách làm, nhiều
cách tác động tích cực và hiệu quả hơn. Vì vậy tôi mong muốn đón nhận được
nhiều ý kiến đóng góp chân tình từ đồng chí, đồng nghiệp của mình, để bản thân
tôi có thêm những kinh nghiệm bổ ích hơn nữa, giúp ngày càng vững vàng hơn,
xứng đáng hơn với sự tin tưởng của cấp trên, của giáo viên, nhân viên trong nhà
trường.
2. Kiến nghị:
- Đề nghị các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo địa phương quan tâm nhiều hơn
nữa đến nguồn kinh phí và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy.
Đặc biệt nên có nguồn hỗ trợ cho các giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi, tăng
nguồn kinh phí để các nhà trường tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm
nhằm phát huy tối đa phẩm chất và năng lực cá nhân của cán bộ giáo viên cũng
như của học sinh. Đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhân lực trong xã hội hiện đại,
điều này càng vô cùng cần thiết trong lĩnh vực giáo dục.
- Phòng Giáo dục nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm riêng cho đội
ngũ cán bộ quản lý, giúp cán bộ quản lý có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh
nghiệm lẫn nhau. Nếu chưa có điều kiện tổ chức những chuyến trải nghiệm xa,
thì cũng nên tổ chức các hoạt động giao lưu trong huyện, trong tỉnh hoặc ngoài
tỉnh…Tôi nghĩ rằng sẽ có tác dụng nâng cao năng lực quản lý nói riêng, những
phẩm chất và năng lực cá nhân toàn diện của mỗi người làm công tác quản lý
nói chung.
Trên đây là một vài kinh nghiệm nho nhỏ cũng như những trăn trở của
bản thân trong quá trình dạy làm công tác quản lý. Dù đã đạt được những thành
công bước đầu, nhưng thiết nghĩ đó chỉ là một cách làm mang tính chủ quan,
mới chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân là chủ yếu. Vậy nên tôi mạnh dạn đưa ra đây
rất mong được bạn bè đồng nghiệp quan tâm, góp ý; mong các đồng chí lãnh
đạo, các đồng chí chuyên viên có thêm những định hướng mang tính khoa học

hơn để đề tài tôi đưa ra thực sự trở thành mối quan tâm của đồng nghiệp và thực
sự có chỗ đứng trong lĩnh vực quản lý giáo dục.
Tôi xin trân thành cảm ơn!
XÁC NHẬN CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Yên Định, ngày 12 tháng 4 năm 2019
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép nội dung của người
khác.

Lê Thị Sâm

Trịnh Thị Thu

14


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản lý giáo dục - Nhà xuất bản giáo dục.
2. Tài liệu quản lý giáo dục trng học – Nhà xuất bản giáo dục.
3. Bách khoa quản lý học cho mọi người – Nhà xuất bản trẻ.
4. Đừng quản lý, hãy huấn luyện – Nhà xuất bản Hồng Đức.
5. Nghệ thuật quản lý con người – Nhà xuất bản Hồng Đức.

15




×