Tải bản đầy đủ (.pdf) (90 trang)

G07A r công tác xã hội nhập môn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.26 MB, 90 trang )

GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA
MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI NHẬP MÔN

1/ CÁC NỘI DUNG TRỌNG TÂM
CHƯƠNG I: LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
(CTXH)


Chủ đề 1: Lịch sử phát triển ngành CTXH thế giới



Chủ đề 2: Lịch sử phát triển ngành CTXH VIỆT NAM

CHƯƠNG II: CÔNG TÁC XÃ HỘI LÀ GÌ?
Chủ đề 1: CTXH là gì?
Chủ đề 2: Phẩm chất cùa Nhân viên xã hội (NVXH)
Chủ đề 3: Trình độ và năng lực của NVXH
Chủ đề 4: Chân dung của NVXH
Chủ đề 5: Sự độc đáo của ngành CTXH
CHƯƠNG III: QUI TẮC ĐẠO ĐỨC CỦA NGÀNH CTXH
NĂM NGUYÊN TẮC CỦA NGÀNH CTXH
Chủ đề 1: Giá trị và truyền thống của người Việt Nam
Chủ đề 2: Bộ Qui Tắc Đạo Đức của ngành CTXH Hoa Kỳ
(NASW) – Tham khảo
Chủ đề 3: Sáu tiêu chuẩn đạo đức của ngành CTXH Hoa Kỳ
(NASW) – Tham khảo


CHƯƠNG IV: QUAN ĐIỂM THẾ MẠNH CỦA SALEEBY
Chủ đề 1: Lý thuyết – Quan điểm – Mô hình thực hành
Chủ đề 2: Quan điểm thế mạnh
1


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

CHƯƠNG V: LÝ THUYẾT HỆ THỐNG CỦA BERTALANFFY
Chủ đề 1: Lý thuyết hệ thống của Bertalanffy
Chủ đề 2: Áp dụng lý thuyết vào phân tích trường hợp điển cứu
CHƯƠNG VI: MÔ HÌNH THAM VẤN TẬP TRUNG VÀO GIẢI PHÁP
(SFT)
Chủ đề 1: Nguồn gốc và các giả định của mô hình (SFT)
Chủ đề 2: Sáu loại câu hỏi trong quá trình can thiệp của SFT
CHƯƠNG VII: BA CẤP ĐỘ THỰC HÀNH TRONG CTXH: VI MÔ,
TRUNG MÔ & VĨ MÔ
Chủ đề 1: CTXH thực hành ở cấp độ vi mô
Chủ đề 2: CTXH thực hành ở cấp độ trung mô
Chủ đề 3: CTXH thực hành ở cấp độ vĩ mô

ĐỌC THÊM KIẾN THỨC TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM

Kiến thức chung về bối cảnh xã hội Việt Nam như: dân số, nghèo đói, lạm
dụng chất gây nghiện, người cao tuổi, giáo dục, lao động -việc làm, thanh
niên Việt Nam, v.v

2/ CÁCH THỨC ÔN TẬP

Mô tả môn học:
CTXH Nhập Môn là một môn học chuyên ngành đầu tiên ở cấp
độ cử nhân nhằm giúp người học hiểu CTXH là một nghề giúp đỡ
chuyên nghiệp và một ngành khoa học ứng dụng đã phát triển hơn 100
năm trên thế giới. Môn học này cũng cung cấp những kiến thức nền
tảng chung của ngành và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của “Bộ
2


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

Quy Tắc Đạo Đức” hướng dẫn mọi hành vi chuyên nghiệp trong toàn
ngành. Kế đến, người học cũng hiểu biết những công việc chung cần
làm, lãnh vực và bối cảnh thực hành và áp dụng tiến trình can thiệp
“tiếp cận - đánh giá - can thiệp - lượng giá” khi làm việc với hệ thống
thân chủ (cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức, công đồng) ở ba cấp độ vi
mô, trung mô, vĩ mô. Tiến trình giúp đỡ này nhắm giúp thân chủ tự
giúp, tự quyết, tự chịu trách nhiệm những vấn đề của chính họ. Cuối
cùng, môn học khuyến khích những sinh viên chuyên ngành khác theo
học để tìm hiểu, bổ sung khung lý thuyết và tiến tới tìm các giải pháp cho
các thách thức và vấn đề trong cuộc sống trong bối cảnh địa phương và
toàn cầu.
Mục tiêu môn học:
Về kiến thức, sau khi học môn học, người học có thể:
MT1: Biết và bắt đầu hình thành nhận thức đúng đắn về ngành
CTXH.
MT2: Trình bày và giải thích chung nhất chân dung của một nhân
viên xã hội (NVXH).

MT3: Tìm hiểu và bắt đầu khám phá bản thân.
MT4: Biết và giải thích được những kiến thức nền tảng của
ngành CTXH.
MT5: Ứng dụng kiến thức, giá trị, kỹ năng, thái độ chung vào các
hoạt động thực hành.
Về kỹ năng, sau khi học môn học, người học có thể:
MT6: Hiểu và thực hành các kỹ năng “soi gương - reflective skill”,
“vấn đàm - intervewing skill”, thấu cảm, lắng nghe, quan sát, làm
việc nhóm, tư duy phản biện, đặt câu hỏi, sắm vai, tìm hiểu bản
thân, tìm kiếm tại liệu, đọc, viết, tóm tắt, phân tích thông tin, quản
lý thời gian, quản lý cảm xúc…
Về thái độ, sau khi học môn học, người học có thể:
MT7: Nhận diện những thái độ định kiến, cảm tính và hình thành
thái độ khách quan, tôn trọng ý kiến đa chiều, thái độ cởi mở,
học tập suốt đời, tích cực, dấn thân, cam kết, khiêm tốn… thông
qua việc nghe giảng, thực hành các bài tập và kỹ năng soi
gương.

3


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

CHƯƠNG I: LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC
XÃ HỘI (CTXH)


Chủ đề 1: Lịch sử phát triển ngành CTXH Thế Giới.




Chủ đề 2: Lịch sử phát triển ngành CTXH VIỆT NAM.

Tóm tắt: Người học sẽ học các chủ đề trên + ở slide bài giảng + bài
giảng của giảng viên trên lớp và các nguồn tài liệu tham khảo trong
slide và trong đề cương và thông tin dưới đây.


Việt Nam chúng ta có nhấn mạnh công bằng xã hội và quyền con
người không? Có. “Công bằng xã hội là một trong năm thành tố
của mục tiêu chung mà chúng ta đang phấn đấu để đạt tới trên
con đường xây dựng một nước Việt Nam "Dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".



Sứ mệnh của ngành CTXH rất phù hợp với đường lối của Đảng
và Nhà nước ta và hợp lòng dân vì nó nhấn mạnh việc chăm lo
hạnh phúc của người dân. Trọng tâm của ngành CTXH là kế
thừa truyền thống văn hóa, phát huy và tôn trọng nền văn hóa đa
dạng. Đồng thời, CTXH thúc đẩy một xã hội dân chủ, công
bằng, văn minh, hun đúc, hành động và trách nhiệm đạo
đức, và phục vụ người dân của mọi tầng lớp trong xã hội
nhằm mang lại cuộc sống ấm lo hạnh phúc, tăng năng lực,
tăng phúc lợi, đáp ứng nhu cầu, kết nối nguồn lực. CTXH
cũng nhấn mạnh loại bỏ sự nghèo đói, kỳ thị, định kiến, những
áp bức bất công, phân biệt đối xử và các hình thức bất công
khác trong xã hội.


Chủ đề 1: Lịch sử phát triển ngành CTXH thế giới
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH CTXH Ở ANH
Khi nói tới ngành CTXH trên thế giới thì các học giả đều thống
nhất rằng cái nôi sinh ra ngành CTXH đầu tiên là từ nước Anh. NGÀNH
CTXH TẠI ANH xuất hiện trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa
vào cuối thế kỷ 19. Trước sự biến động to lớn của đời sống kinh tế,
chính trị, xã hội, người dân Anh đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng
4


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

như: bệnh tật, nghèo đói, thất nghiệp, mồ côi, khuyết tật, gia đình đổ vỡ,
di dân, lạm dụng quyền lực, áp bức bóc lột, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu,
xung đột về tôn giáo, về chính trị, về quan điểm v.v. Trong bối cảnh đó đã
xuất hiện một số công dân Anh có tri thức nhưng có lòng từ tâm, thương
người đã khởi xướng ra một tổ chức từ thiện gọi là (Charity
Organizations Society – CSO) nhằm giúp đỡ những người khốn cùng,
nghèo khó, yếu thế, bị áp bức trong xã hội.
Những người giúp đỡ tự nguyện này có trình độ rất sâu rộng và
yêu thương con người. Họ là những bác sĩ, giáo viên, luật sư, kỹ sư… và
được gọi là những người viếng thăm thân thiện. Vì là người có tri thức
nên cách tiếp cận giúp đỡ của họ là dựa vào kiến thức và phương pháp
khoa học. Ví dụ, họ trực tiếp đến với người nghèo để làm quen, điều tra,
đánh giá nhu cầu, ghi chép, lưu trữ thông tin và giám sát hoạt động đánh
giá. Đồng thời, những người viếng thăm thân thiện thường tận dụng và
huy động những nguồn lực có sẵn tại địa phương và cộng đồng để cung

cấp nhu cầu thiết yếu nhưng giới hạn cho những người yếu thế. Họ hoàn
toàn làm việc một cách tự nguyện và không được trả lương. Do công
việc và nhu cầu về người viếng thăm thân thiện ngày càng cao nên tổ
chức CSO đã bắt đầu tuyển thêm người làm việc và được trả lương. Vì
vậy mà ngành CTXH bắt đầu phát triển và đội ngũ này được gọi là
NVXH.
Giai đoạn phát triển ngành CTXH được nâng cao do xuất phát từ
tư duy và nhận thức rắng những người giúp đỡ chuyên nghiệp cần giỏi
về kiến thức, kỹ năng, giá trị, và năng lực thực hành và phải song hành
với lòng trắc ẩn thông qua đào tạo các phương pháp giúp đỡ.
Phòng trào CSO đã trở thành phương pháp quản lý ca
(casework) đầu tiên của ngành CTXH ở Anh. Càng về sau để làm được
người giúp đỡ chuyên nghiệp, NVXH đòi hỏi phải được đào tạo chính
qui, bài bản và có những phương pháp giúp đỡ khoa học hơn. Phương
pháp tiếp cận ban đầu và sáng kiến của CSO không chỉ đáp ứng nhu cầu
cơ bản mà còn cố gắng tìm hiểu căn nguyên của các vấn đề kinh tế, xã
hội và tìm cách giúp đỡ các nhóm xã hội phục hồi nhân phẩm và vị trí
của mình và xem họ là nạn nhân của sự biến chuyển xã hội (Hutchison,
2008 & Lê Chí An, 1999 & 2012).
5


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH CTXH Ở MỸ
Sáng kiến của phong trào COS từ Anh lan sang Mỹ và truyền
cảm hứng cho người dân Mỹ. Nơi đầu tiên ở Hoa Kỳ tiếp thu phương
pháp này là ở thành phố New York năm 1886 và ngành CTXH phát triển

rất mạnh mẽ ở Mỹ cho tới tận ngày nay.
Khi Mỹ rơi vào khủng hoảnh kinh tế vào những năm 1870, các
vấn đề xã hội nảy sinh nghiêm trọng như: tỷ lệ thất nghiệp tăng cao,
bệnh tật, tuổi già, khuyết tật, tự tử, nạn đói, lang thang, cơ nhỡ….. Để đối
phó vời tình cảnh này, các nhóm độc lập và tổ chức từ thiện tôn giáo bắt
đầu mở ra để cứu trợ và giúp cải thiện các vấn đề kinh tế xã hội. Các tổ
chức xã hội này hình thành hiệp hội tổ chức từ thiện nhằm:


Cung cấp những dịch vụ trực tiếp cho cá nhân và gia đình.



Lên kế hoạch và phối hợp với các ban ngành đoàn thể để đáp
ứng nhu cầu của những người nghèo khó

Khi làm việc, “những người viếng thăm thân thiện” cũng áp dụng
phương pháp khoa học đó là tiếp cận, điều tra chi tiết từng hoàn cảnh và
tìm hiểu nhu cầu cấp thiết của người nghèo là gì để để hỗ trợ họ kịp thời.
Đồng thời, họ thành lập một hệ thống đăng ký để tránh sự giúp đỡ chồng
chéo. Những “người viếng thăm thân thiện” là những người có lòng tốt
và có khả năng “thấu cảm” cao và thường là phụ nữ.
Bên cạnh phong trào CSO thì có sáng kiến thành lập các “Trung
tâm cộng đồng (Social Settlement House) ở New York, Hoa Kỳ. Năm
1889, một trung tâm cộng đồng khác là Hull House được thành lập ở
Chicago do Jane Addams điều hành. Jane Addams là người tiên phong
trong CTXH cộng đồng và bà tham gia rất tích cực các hoạt động chính
trị, vận động chính sách về nghèo đói ở các cấp từ liên bang, bang, và
địa phương trong xã hội Mỹ (Carson, n.d; Hutchison, 2008).
Đến năm 1905 thì Richard Cabot đưa CTXH y tế vào bệnh viện

trung ương Massachusetts ở Mỹ và ngành CTXH được chính thức hóa.
Dần dần NVXH được tuyền vào làm ở trường học, tòa án, trung tâm tư
vấn trẻ em và các cơ quan và tổ chức CT - XH khác.

6


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

1915: Những tiêu chuẩn về đào tạo CTXH dần dần được hình
thành và chương trình đào tạo CTXH đầu tiên nhấn mạnh tới việc giúp
thân chủ cố gắng thay đổi hoàn cảnh và khả năng thích nghi của cá nhân
vào bối cảnh sống hiện tại.
1917: Mary Richmond viết cuốn “Chẩn đoán xã hội = Social
Diagnosis”. Đây là cuốn sách quan trọng và đầu tiên của ngành CTXH vì
nó giới thiệu về phương pháp luận trong thực hành CTXH can thiệp ở
cấp độ cá nhân. Trong giai đoạn này, mô hình thực hành theo ngành y,
nghĩa là tiến trình can thiệp giống như bác sĩ y khoa: Thu thập thông tin chẩn đoán vấn đề - lên kế hoạch giúp đỡ được ứng dụng trong thực
hành.
Đến 1920: Mô hình theo ngành y không hiệu quả. Và lúc đó
ngành KHXH chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của tâm lý học, tiêu biểu
là Sigmund Freud về “thuyết Phân Tâm Học”. Ngành CTXH hình thành
và phát triển mô hình thực hành theo TÂM THẦN, làm việc một - một với
thân chủ.
Ở Mỹ từ năm 1915- đến nay: ngành CTXH được công nhận là
một nghề chuyên nghiệp, khoa học ứng dụng và độc lập.
Tới năm 1955 Hiệp hội CTXH Hoa Kỳ (NASW) được thành lập
và tiếp tục phát triển mạnh và chuyên nghiệp tới ngày nay. Ngày NAY:

CTXH tập trung vào các mô hình thực hành nhấn mạnh vào các yếu tố
gia đình, những ảnh hưởng của môi trường xung quanh – Con người
trong môi trường hay còn gọi là PIE vì các môi trường xung quanh có tác
động rất lớn tới hành vi, suy nghĩ, thái độ của thân chủ.
Cuối cùng, tôi xin chia sẻ CTXH trên thế giới nói chung và ở Mỹ
nói riêng phát triển theo hai nhánh chuyên ngành. Nhánh chuyên ngành
CTXH vi mô – nghĩa là chuyên về tham vấn cá nhân, trị liệu gia đình hay
gọi là (Direct/Micro practice), nghiên cứu, giáo dục và chuyên ngành thứ
2 là CTXH vĩ mô – phân tích và vận động chính sách, chuyên về quản lý
dự án, quản trị, phát triển chương trình - dự án, nghiên cứu, giáo dục.

7


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

Chủ đề 2: Lịch sử phát triển ngành CTXH VIỆT NAM
Như các bạn đã tìm hiểu CTXH trên thế giới, cụ thể là CTXH ở
Anh và ở Mỹ thì CTXH là một nghề giúp đỡ chuyên nghiệp như nghề bác
sĩ, kỹ sư, luật sư… và đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, chính qui và
học tập suốt đời thì mới trở thành NVXH để làm được trong ngành
CTXH. Mặc dù lịch sử khởi đầu của ngành CTXH là từ thiện nhưng được
dựa vào phương pháp và kiến thức khoa học để giúp đỡ người dân bất
kể họ giàu hay nghèo, vì người giàu cũng khóc và cần được giúp đỡ khi
họ có nhu cầu.
Theo Nguyễn Thị Oanh và Lê Chí An (2012), làm từ thiện thì chỉ
cần có tấm lòng, nhưng lại thiếu kiến thức, kỹ năng, năng lực, giám sát,
giải trình, đánh giá-lượng giá nên rất dễ làm người dân ỷ lại, phụ thuộc,

thiếu sự tự tin, mất ý chí vươn lên, dễ bị khai thác, bóc lột, lợi
dụng…Nguy hiểm hơn là từ thiện có thể dẫn đến việc trục lợi cá nhân,
đánh bóng tên tuổi, lợi ích cá nhân hay tôn giáo, lôi kéo, dẫn dắt sai giá
trị công bằng xã hội, lòng tự trọng và nhân phẩm và giá trị con người.
Theo Nguyễn Thị Oanh, để hiểu về lịch sử phát triển CTXH ở
Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu 5 giai đoạn sau đây:
-

Giai đoạn tiền thuộc địa của Pháp

-

Giai đoạn thuộc địa của Pháp

-

Giai đoạn hậu thuộc địa ở miền Nam

-

Giai đoạn thuộc địa mới của Mỹ

-

Giai đoạn xã hội chủ nghĩa từ 1975 đến nay

Trong mọi xã hội, ở mọi lúc mọi nơi đều có những cá nhân, gia
đình, nhóm, tổ chức, cộng đồng có những vấn đề lớn nhỏ và vì vậy có
những nhu cầu đặc biệt như: giúp người già yếu, người bệnh tật - đau
ốm, không nơi nương tựa, không được quan tâm chăm sóc phù hợp và

đầy đủ, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, buôn bán người, nghèo
đói, thất nghiệp, lạm dụng chất gây nghiện, bị phân biệt đối xử, bị định
kiến… do sự phát triển và biến đổi khôn lường của kinh tế - văn hóa chính trị-xã hội-tinh thần.
8


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn
-

2016

Đối với Giai đoạn tiền thuộc địa của Pháp

Việt Nam có nét văn hóa truyền thống tốt đẹp là sự gắn bó con
người trong làng xã với nhau và tạo thành truyền thống dân tộc và truyền
thống xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch
sử của đất nước. Vì vậy, khi gặp khó khăn hay cần giúp đỡ thì gia đình,
anh em, bà con họ hàng là hệ thống, mạng lưới hỗ trợ đầu tiên. Kế đến là
bà con xóm ngõ, làng xã, rồi nhà chùa, nhà thờ, rồi tới tổ chức tại địa
phương, nhà nước và quốc tế. Văn hóa - truyền thống yêu thương và
đùm bọc lẫn nhau được thể hiện rõ nét qua các câu ca dao tục ngữ như:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau
cùng.”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống như chung một giàn.”
Tinh thần “lá lành đùm lá rách” được thể hiện rõ nét trong chính
sách, pháp luật và hương ước từ thời Triều Lê (1483). Triều Lê có chính
sách dành cho người nghèo, người tàn tật. Bộ Quốc Triều hình luật được
ban hành, trong đó có điều 294 quy định rất rõ trách nhiệm xã hội của
chức sắc làng xã như: “Trong kinh thành và phường ngõ, làng xóm có kẻ
đau ốm mà không ai nuôi, nằm đường xá, cầu điếm, chùa quán thì xã

quan ở đó phải dựng lều lên mà săn sóc cho họ.”
-

Giai đoạn thuộc địa của Pháp (1862 - 1945)

Theo Nguyễn Thị Oanh, quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn năm
1859 nhưng các nhà buôn và các nhà truyền giáo đã có mặt trước đó.
Khi Pháp có mặt ở Việt Nam, tình trạng bóc lột từ chế độ vua chúa không
hề suy giảm, mà còn làm tăng cường và củng cố sự khai thác, bóc lột
người yếu thế lên gấp bội vì đây chính là mục đích của thực dân để đem
quyền lợi về cho mẫu quốc.
Các vấn đề xã hội khác cũng nổ ra như xuất hiện tệ cờ bạc, mại dâm
trong nước và nước, hút xách với qui mô và tác hại vô cùng lớn. Để thu
lợi tối đa nhằm nuôi bộ máy cầm quyền ở thuộc địa và cả mẫu quốc,
chính quyền Pháp đã độc quyền buôn bán muối, rượu và thuốc phiện.
Thuốc phiện được mua bán công khai và người dân được khuyến khích
hút càng nhiều càng tốt vì có lợi cho Pháp. Vua Nguyễn đã từng nói
9


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

“Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du
côn, lêu lỏng lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen,
thường thường nghiện mà không thể bỏ được và nó phá hủy lương tâm
con người.”
Trong thời điểm này Phật giáo luôn quan tâm tới người bất hạnh, nhà
chùa luôn sẵn sang đón tiếp kẻ lỡ đường, kẻ đói khát, nhưng không tổ

chức CTXH theo kiểu tập trung chuyên sâu. Bên Thiên Chúa giáo đã rất
sớm “thiết chế hóa” CTXH, dưới hình thức cơ sở tập trung như Viện mồ
côi, viện dưỡng lão, trung tâm khuyết tật, trường mù Nguyễn Đình Chiểu,
Trường Câm Điếc Lái Thiêu…, Trung tâm giáo hóa người phạm pháp.
Các tổ chức tập trung này bị phê phán là không phù hợp với bối cảnh
Việt Nam vì mạng lưới hỗ trợ là đại gia đình và làng xã rất chặt chẽ trong
thời đó và người ta đặt câu hỏi “Liệu mô hình tập trung này có khả năng
làm suy yếu hay phá vỡ thiết chế gia đình, tính cộng đồng, tương thân
tương ái trong xã hội Việt Nam. Mô hình này có vẻ bất lợi cho sự phát
triển nhân cách của trẻ, làm cho người già buồn bã thêm do không được
sống trong cộng đồng?
-

Giai đoạn hậu thuộc địa ở miền Nam (1945 - 1954)

CTXH chuyên nghiệp trong giai đoạn 45 - 54 vẫn chịu ảnh
hưởng mô hình tập trung của Pháp do các nhà truyền giáo đưa vào Việt
Nam từ giai đoạn trước. Người Pháp tham gia giảng dạy và hướng dẫn
thực tập cho những học viên CTXH đầu tiên. Trường nữ cán sự xã hội
Caritas ra đời năm 1942 và đào tạo hàng 100 cán sự xã hội chuyên
nghiệp và đây là bước đầu công nhận rằng những ai đi giúp đỡ người
khác phải được đào tạo hẳn hoi.
-

Giai đoạn thuộc địa mới của Mỹ (1954-1975)

Tuy ngành CTXH ở miền Nam đã phát triển nhưng còn khá lu
mờ và mang đậm nét ảnh hưởng của Pháp. Từ 1954 - 1965, CTXH
mang đậm nét ảnh hưởng của Mỹ. Biến cố lớn nhất tác động vào mọi
hoạt động xã hội là cuộc di cư của 1 triệu dân từ miền Bắc, chủ yếu là

người Công giáo. CTXH cứu trợ những người di cư làm thay đổi bộ mặt
của ngành CTXH với sự thành lập bộ máy chính quyền phụ trách, sự du
nhập của nhiều tổ chức xã hội Mỹ (như Cơ Quan cứu trợ Công giáo của
10


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

Mỹ (CRS), CARE, Ủy Ban Cứu Trợ Quốc Tế) và sự hình thành những tổ
chức xã hội phi chính phủ ở Việt Nam.
Với sự phát triển của nhiều chương trình CTXH giúp đỡ người di
cư của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, trướng Cán Sự Xã Hội
Caritas đã đào tạo chương trình CTXH 2 năm và tổ chức nhiều khóa học
ngắn hạn cho hàng 100 nhân viên trợ tá xã hội.
-

Giai đoạn xã hội chủ nghĩa từ 1975 đến nay

Đây là giai đoạn đất nước thống nhất. Tất cả các tổ chức xã hội
tư nhân cũ đều tạm ngưng hoạt động, chỉ trừ một số cơ sở tôn giáo nuôi
dưỡng những người giá neo đơn và trẻ em. Các tổ chức phi chính phủ
đều ngưng hoạt động, NVXH thất nghiệp, ngoại trừ một số làm việc cho
Bộ xã hội cũ, một số tham gia các hội đoàn Phụ Nữ, đoàn Thanh Niên,
một số rời đất nước đi nơi khác.
Từ năm 1986, đất nước ta mở của, đổi mới kinh tế, xóa bỏ chế
độ bao cấp, áp dụng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã
đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên,
do phát triển không đồng bộ, đặt nặng phát triển kinh tế hơn là phát triển

con người và phát triển xã hội nên tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa
nông thôn và thành thị càng tăng.
Đồng tiền kiếm ra dễ dàng do làm ăn chụp giựt, bất chính hay
tham nhũng dẫn đến lối sống ăn chơi sa đọa, đạo đức xuống cấp của
một số cán bộ mất phẩm chất và những người giàu mới nổi. Tình hình
này ảnh hưởng lớn tới xã hội. Sự mở cửa giao lưu văn hóa, thông tin đa
phương tiên cũng tạo ra những điểm tiêu cực và tích cực trong xã hội. Du
lịch phát triển nhưng cũng tạo ra nhiều tệ nạn xã hội như tội phạm, mại
dâm, ma túy, di dân, trẻ em lang thang đường phố, trẻ em lao động sớm,
đại họa AIDs xảy ra, nghéo đói thiếu thốn cộng với lối sống đua đòi ngày
gia tăng.
Nỗ lực của Nhà nước VÀ CÁC TỔ CHỨC TRONG VÀ NGOÀI
NƯỚC để giải quyết vấn đề xã hội gồm:


Sinh hoạt đoàn thể như: Công Đoàn, Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ
Nữ…
11


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

















2016

Hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ chính sách: gia đình thương
binh, liệt sĩ, bà mẹ anh hùng, trẻ mồ coi, người gia neo đơn.
1980 thành lập Ủy Ban Thiên Niên Nhi Đồng để bảo vệ và chăm
sóc trẻ em.
1987: Ủy Ban Phòng Chống AiDs do Sở Y Tế thành lập.
1990: Chương trình cải thiện nhà ổ chuột.
1992: Xây dựng chương trình xóa đói giảm nghèo như trợ vốn
trực tiếp, giúp đất sản xuất, giãn dân, di dân đến các tỉnh bạn,
giúp học nghề, giới thiệu việc làm.
1994: thành lập Chi Cục Phóng Chống Tệ Nan Xã Hội giải quyết
nạn mại dâm, ma túy, xây dựng và quản lý cơ sở cai nghiện dạy
nghề cho họ như Trung tâm giáo dục dạy nghề Bình Triệu, Trung
tâm giáo dục nghề phụ nữ Thủ Đức.
1995: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở
khu dân cư”.
1989 - 1996: Chương trình hòa nhập người hồi hương.
Dự Án Cửa Hàng Mai – tạo việc làm cho hàng trăm trẻ em lang
thang, phụ nữ nghèo.
Tổ chức phi lợi nhuận như Chương Trình Thảo Đàn, Mái Ấm
Hoa Hồng Nhỏ, LIN, Dự án Tương Lai v.v.
Các tổ chức quốc tế như: UNICEF = QUỸ CỨU TRỢ NHI ĐỒNG

LIÊN HIỆP QUỐC, SAVE THE CHILDREN – UK (QUỸ CỨU
TRỢ NHI ĐỒNG ANH), CARE INTERNATIONAL, WORLD
VISION - TẦM NHÌN THẾ GIỚI, TỔ CHỨC TERRE DES
HOMMES .v.v.
Hội bảo trợ trẻ em, Chữ thập đỏ, Nhà dưỡng lão, trung tâm cai
nghiện, TT dạy nghề, TT cộng đồng, Đoàn thanh niên-TT TH
CTXH THANH NI ÊN, HLHPN, Sở Lao Động Thương Binh và Xã
Hội .

Từ năm 1990, ngành CTXH được dần khôi phục lại thành ngành khoa
học. Cô Nguyễn Thị Oanh là một trong những người đi phong để gầy
dựng ngành này CTXH được giảng dạy tại khoa Phụ Nữ Học, trường ĐH
Mở Bán Công TPHCM từ năm 1992 và đây là trường đào tạo ngành
CTXH sau giai đoạn giải phóng đất nước.
12


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

Một số khung pháp lý quan trọng của ngành CTXH Việt Nam:


26/11/2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ VÀ HÌNH
THỨC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI
CỦA BỆNH VIỆN




Dự thảo THÔNG TƯ 2016 Quy định về tiêu chuẩn đạo đức
nghề nghiệp đối với những người làm công tác xã hội



29/3/2013: Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt
Nam=Viet Nam Vocational Training Association And Vocational
Social Work



Dự thảo 10 năng lực thực hành của NVXH



Công ước quốc tế về quyền trẻ em



Công ước CEDAW



Công ước quốc tế về quyền con người



Luật Bảo Hiểm …

Tóm lại, kinh nghiệm làm CTXH ở Việt Nam tuy ngắn, đang bước vào

con đường chuyên nghiệp và có cách biệt rất lớn so với thế giới. Tuy
nhiên, điều này cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta cần suy nghĩ ra
cách, đặt câu hỏi, đặt giả thuyết, đặt lại vấn đề để xây dựng định hướng
theo quan điểm chính nghĩa, nhân văn nhưng khoa học và đạo đức.
Quan điểm phải vừa trùng khớp với dân tộc quốc gia Việt Nam và cả
quốc tế nữa. Vì vậy, chúng tôi rất mong các bạn nên luôn đặt câu hỏi,
suy nghĩ sâu khi áp dụng các kiến thức trong khóa học vào thực tiễn.

13


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

CÂU HỎI THẢO LUẬN:
o

o

o

Câu hỏi 1: Trình bày tóm tắt kiến thức lịch sử ngành CTXH ở
Anh và ở Mỹ. Bạn có suy nghĩ gì về sự phát triển của 2 nước
này.
Câu hỏi 2: Trình bày tóm tắt kiến thức lịch sử ngành CTXH ở
Việt Nam qua 5 giai đoạn. So sánh sự giống và khác của ngành
CTXH Việt Nam với lại ngành CTXH ở Anh và ở Mỹ. Theo bạn,
ngành CTXH Việt Nam nên học hỏi và tiếp thu những phương
pháp tiếp cận nào của ngành CTXH ở Anh và ở Mỹ.

Câu hỏi 3: “Tại sao NVXH cần hiểu lịch sử phát triển ngành?
Trình bày những cơ hội và thách thức của ngành CTXH hiện
nay là gì?”

14


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

CHƯƠNG II: CÔNG TÁC XÃ HỘI LÀ GÌ?
Chủ đề 1: CTXH là gì?


Theo IFSW (2014), CTXH là gì?



Sứ mệnh của CTXH là gì?



Mục tiêu cùa CTXH là gì?

Chủ đề 2: Phẩm chất của Nhân viên xã hội (NVXH) chuyên nghiệp


10 phẩm chất quan trọng của NVXH


Chủ đề 3: Trình độ và năng lực của NVXH – bốn yếu tố quan trọng
của NVXH


Kiến thức



Giá trị nghề



Kỹ năng



Thái độ

Chủ đề 4: Chân dung của NVXH


NVXH làm việc với ai?



NVXH làm việc trong những lĩnh vực nào?



NVXH làm ở đâu?




NVXH làm những công việc gì?



NVXH đóng vai trò gì?

Chủ đề 5: Sự độc đáo của ngành CTXH


Tính độc đáo của CTXH – kiến thức ngành CTXh và kiến thức đa
ngành, nhiều quan điểm, nhiều mô hình. Học lý thuyết phải áp
dụng ngay vào thực hành và dựa vào lý thuyết để tìm ra những
cách giải quyết vấn đề.



Giúp thân chủ/người dân TỰ GIÚP, TỰ NHẬN DIỆN VẤN ĐỀ,
TỰ QUYẾT, TỰ TÌM RA GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ



THỰC HÀNH PHẢI CÓ ĐẠO ĐỨC NGHỀ: TÂM – TÀI - ĐỨC
PHẢI GẮN KẾT VỚI NHAU
15


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn


2016

CÂU HỎI THẢO LUẬN:
1. Ctxh là gì? Trình bày ngắn gọn sứ mệnh, mục tiêu, giá trị
của CTXH là gì? Tại sao CTXH lại tập trung vào đáp ứng nhu
cầu, nhận diện vần đề, thúc đẩy xã hội, phát triển xã hội,
thúc đẩy công bằng xã hội, tăng quyền lực cho người dân?
Nêu ví dụ thực tiển và chứng minh quan điểm này.
2. Hãy chọn 5 phẩm chất của NVXH mà anh/chị cho là quan trọng
nhất. Hãy phân tích anh/chị đã có phẩm chất này sãn chưa,
nêu ví dụ cụ thể. Nếu chưa có, thì anh/chị sẽ làm gì để hình
thành, tăng cường, củng cố các phẩm chất này, nêu ví dụ?
3. Nêu 4 yếu tố cốt lõi của NVXH được đào tạo bài bản là gì?
Hãy giải thích và cho ví dụ cụ thể tại sao ngành CTXH lại
nhấn mạnh việc giúp thân chủ tự giúp họ, tự quyết, tự tìm ra
giải pháp cho các vấn đề của họ?
4. Hãy trình bày chân dung của NVXH. Nêu tóm tắt một hoạt
động thực tế tại địa phương và phân tích thật cụ thể anh/chị
đóng vai trò gì, làm gì, làm như thế nào trong hoạt động đó
và đáp ứng những mục tiêu và giá trị nào của ngành CTXH.
Tóm tắt: Người học sẽ học các chủ đề trên + ở slide bài giảng + bài
giảng của giảng viên trên lớp và các nguồn tài liệu tham khảo trong
slide và trong đề cương và thông tin dưới đây.
Chủ đề 1: CÔNG TÁC XÃ HỘI LÀ GÌ?
CTXH là gì?
Theo IFSW (Hiệp Hội CTXH Quốc Tế năm 2014), Công tác xã
hội là một nghề ứng dụng và là một ngành khoa học nhằm thúc đẩy sự
thay đổi xã hội và phát triển xã hội, đoàn kết xã hội, và tăng năng
lực và giải phóng con người. Các nguyên tắc cơ bản của CTXH là

công bằng xã hội, quyền con người, trách nhiệm tập thể và tôn
trọng sự đa dạng. Ngành CTXH vận dụng các lý thuyết về Công Tác
Xã Hôi, lý thuyết về KHXH và nhân văn và những hệ thống kiến thức
bản địa của từng quốc gia. Ngành CTXH cam kết tăng cường phúc lợi
của con người, cấu trúc, nhận diện và giải quyết những thách thức của
cuộc sống." Doãn Thi Ngọc dịch năm 2014.
16


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

Chú ý: Các hoạt động chuyên nghiệp của CTXH là dựa vào
quyền con người và công bằng xã hội, là vì dân vì nước, hỗ trợ dân (cá
nhân, nhóm, gia đình, tổ chức, và cộng đồng = được gọi là hệ thống thân
chủ hay thân chủ (TC)… nhằm tăng QUYỀN LỰC, TĂNG SỰ TỰ
QUYẾT, tăng cường phúc lợi và NÂNG CAO chất lượng cuộc sống.
MỤC ĐÍCH CỦA CTXH
Mục đích của CTXH rất đa dạng và được thảo luận bởi nhiều học
giả trên toàn thế giới từ những góc nhìn khác nhau như: góc nhìn lịch sử,
góc nhìn địa lý, góc nhìn cá nhân, v.v. Tuy nhiên, với góc nhìn toàn cầu
và dựa vào sứ mệnh của CTXH thì các mục tiêu dưới đây được nhiều
học giả đồng thuận:
1. Tăng cường các chức năng xã hội
2. Đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề
3. Kết nối nguồn lực
4. Cải thiện các dịch vụ xã hội
5. Thúc đẩy công bằng xã hội
6. Nâng cao chất lượng cuộc sống.

SỨ MỆNH CỦA CTXH
Theo IFSW (Hiệp Hội CTXH Quốc Tế), đó là:
1. Thúc đẩy sự phát triển
2. Thay đổi xã hội
3. Nâng cao tình trạng an sinh hạnh phúc cho mọi người
4. Tạo sự đoàn kết xã hội
Theo Hiệp Hội Công Tác Xã Hội Quốc Gia Hoa Kỳ (NASW), sứ
mệnh của CTXH là “… chăm lo hạnh phúc cho người dân, tăng
cường phúc lợi và giúp họ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mọi
người, tăng năng lực cho những nhóm dễ bị tổn thương, bị áp bức
và sống trong nghèo đói”.
Những nghiên cứu gần đây về sứ mệnh của công tác xã hội
cũng hướng đến các cá nhân bên lề xã hội, các cá nhân có nguy cơ cao
trong xã hội và quá trình nâng cao năng lực cũng như những vấn đề của
quá trình toàn cầu hóa và những vấn đề liên quan đến bản sắc văn
hóa của từng quốc gia.
Để đạt được sứ mệnh và mục tiêu của CTXH, NVXH cần phải
quan tâm, nhận diện, phát hiện các vấn đề xã hội và nhu cầu của cá
nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng, tổ chức và các quyền cơ bản chưa
17


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

được đáp ứng khi liên quan tới những nhu cầu cơ bản. Khi nói tới “vấn
đề” thì không phải là “xấu”, “khiếm khuyết” hay “bệnh hoạn”, mà
các vấn đề luôn là một phần tất yếu của cuộc sống. Vấn đề trong
CTXH có thể là một trường hợp, một hoàn cảnh gặp phải những cản trở

trong việc thực hiện các chức năng xã hội, trong đó cá nhân hay hệ
thống liên quan không thể tự dẹp bỏ những cản trở để đáp ứng nhu cầu
của TC.
Những quyền và nhu cầu cơ bản được coi là những yếu tố cơ
bản để có một chất lượng cuộc sống đàng hoàng và để thực hiện các
chức năng xã hội tốt. Chúng ta cần phải tin rằng mọi người đều có thể
đạt được một mức độ nào đó của các chức năng xã hội (Chức năng xã
hội là tương tác qua lại giữa con người (khả năng ứng phó) và môi
trường (đòi hỏi của môi trường)), đều có quyền, có cơ hội để có một
chất lượng cuộc sống đàng hoàng. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng những
nhu cầu cơ bản liên quan tới những quyền cơ bản của con người.
Theo Thelma Lee-Mendoza (1995), có nhiều yếu tố cản trở việc
thực hiện chức năng xã hội: 1) Những yếu tố trong con người như: Điều
kiện thể chất, thái độ, giá trị, nhận thức về thực tế của con người và
2) những yếu tố hoàn cảnh hay môi trường gồm thiếu tài nguyên hay
cơ hội hay những mong đợi vượt quá khả năng đối phó của cá
nhân. Ví dụ: Những nhu cầu cơ bản của con người gồm: thức ăn, nước
uống, nhà ở, quần áo để mặc, được khám chữa bệnh, được đi học và
nuôi dưỡng, việc làm.
Việc nhấn mạnh mối quan hệ qua lại giữa quyền và nhu cầu cơ
bản là một ví dụ điển hình và là trọng tâm của CTXH. Quyền con người
và nhu cầu cơ bản tương giao với các hiện tượng trong xã hội và cũng
hướng tới cách tiếp cận hòa nhập, toàn diện trong thực hành CTXH.
Hãy nói về “Công bằng xã hội”, CTXH phải quan tâm đến câu
hỏi cái gì hình thành nên “một xã hội tốt đẹp”. Ở mức độ cơ bản, “một xã
hội tốt đẹp” sẽ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người thông qua
việc cung cấp các dịch vụ và các nguồn lực. Đối với việc đáp ứng nhu
cầu sống còn (như: thực phẩm, nước uống, nhà ở), một xã hội tốt sẽ đưa
ra nhiều lựa chọn để cá nhân chọn những gì mình cho là phù hợp (ví dụ:
họ chọn ăn cái gì, chọn sống ở đâu, chọn dịch vụ nào v.v).

Hơn nữa, trong một xã hội tốt đẹp, mọi người đều được tiếp cận
với những lựa chọn, và những lựa chọn này không chỉ dành cho một số
18


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

người có đặc quyền đặc lợi. Cuối cùng, trong một xã hội tốt, nguồn lực
có sẵn sẽ được sử dụng một cách hiệu quả và người dân sẽ được tạo
cơ hội tối đa để tham gia vào việc lên kế hoạch, vào tiến trình xây dựng
chính sách, và vào việc quyết định những nguồn lực và những dịch vụ
nào mà xã hội cần phải có và cung cấp. Hay nói cách khác, mọi người
được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và dịch vụ bao gồm cả không
gian công cộng, bệnh viện và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục
và việc làm. Thực tế cho thấy ở Việt Nam thì các nguồn lực này thường
có ở các thành phố, nhưng đối với nông thôn hay vùng sâu vùng xa còn
rất hạn chế. Điều này cũng tạo ra những thách thức lớn cho CTXH ở
vùng nông thôn. Tất cả những lựa chọn này cho thấy môi trường cần
phải đáp ứng nhu cầu của người dân, và đó chính là trọng tâm của
CTXH về một xã hội tốt.
Chủ đề 2: PHẨM/TỐ CHẤT CỦA NVXH
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.

8.
9.
10.
11.

Đam mê
Trách nhiệm - giải trình - minh bạch
Lòng trắc ẩn
Khả năng thấu cảm
Nhận xét chuyên môn
Tính linh hoạt
Khả năng lắng nghe
Liêm chính - thành thật - đáng tin cậy
Kiên nhẫn
Tính tổ chức
Tính kiên cường
1. Đam mê với nghề

Mỗi người đều có những quan điểm mạnh mẽ về cái gì họ cho là đúng
hay sai và sự thay đổi sẽ xảy ra như thế nào. Khi làm việc để tăng cường
và cải thiện cuộc sống của người khác, NVXH cần dò tìm đam mê của
họ, cần hiểu rõ động cơ của mình khi bước vào ngành giúp đỡ, ví dụ: tôi
học vì tôi muốn giúp người. Tôi học vì khi tôi gặp khó khăn nhưng không
ai giúp. Tôi học vì muốn thay đổi và phát triển xã hội…

19


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn
2.


2016

Trách nhiệm - giải trình - minh bạch

Một trong những tố chất quan trọng của NVXH là trách nhiệm. NVXH làm
việc với thân chủ gồm: cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức, cộng đồng.
Thân chủ cần NVXH giúp đỡ để họ chịu trách nhiệm, tự giúp mình giải
quyết chính vấn đề của họ. NVXH có thể trở thành vai trò mẫu bằng việc
tự giải trình và tự chịu trách nhiệm liên quan tới mọi công việc và nhiệm
vụ chuyên môn của mình. Điều này có nghĩa là NVXH phải hành xử có
đạo đức mà nó được thể hiện qua sự tin cậy, không nói dối, không định
kiến, đúng giờ, nhạy cảm với những vấn đề bảo mật.
3. Lòng trắc ẩn/thương người
CTXH là nghề giúp đỡ và chăm sóc vì vậy đòi hỏi một cách tiếp cận hiểu
biết và thấu cảm khi làm việc với thân chủ. Hiểu nhu cầu và mối quan
tâm của TC là một phần quan trọngđể giúp NVXH đưa ra các quyết định
đúng. Dành thời gian để lắng nghe và đặt những câu hỏi và làm rõ vấn
đề sẽ giúp NVXH tìm ra được vấn đề gốc rễ của TC.
4. Khả năng thấu cảm
Tố chất quan trọng nhất của NVXH là sự thấu cảm. Thấu cảm là khả
năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác một cách gián tiếp để cố
gắng hiểu tình huống của họ. Thấu cảm sẽ giúp NVXH hiểu những điểm
mạnh và điểm hạn chế và nếu chúng ta chấp nhận chúng ta là ai thì sẽ
dễ dàng cho chúng ta chấp nhận người khác.
5. Nhận xét chuyên môn/khách quan
Nhận xét chuyên môn/tính khách quan khi làm việc là phẩm chất rất quan
trọng của NVXH. TC cần NVXH có một cái đầu khách quan, không định
kiến để giúp họ giải quyết những khủng hoảng và vấn đề khó khăn và
giúp TC đưa ra những quyết định đúng đắn về mục tiêu giúp đỡ. Điều

này không chỉ đúng với mọi lứa tuổi, mà đặc biệt là khi làm việc với trẻ
em cần bạn vận động và bảo vệ quyền lợi của chúng. Khi có nhận xét
chuyên môn tốt thì sẽ giúp NVXH không phản ứng theo kiểu tình cảm và
sẽ giúp dễ dàng hơn khi cung cấp những dịch vụ xã hội hiệu quả và có
bằng chứng thực nghiệm.

20


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

6. Tính linh hoạt
Tính linh hoạt trong CTXH xuất hiện dưới nhiều hình thức. Trong CTXH
có nhiều lãnh vực thực hành và bạn có thể là NVXH mới vào nghề và
chưa có kinh nghiệm vì vậy NVXH cần có khả năng thích nghi nhanh, và
có khả năng nhiều việc cùng một lúc, thích nghi với những thay đổi trong
nghề. Không có kiểu “một cách làm sẽ phù hợp với mọi nơi, mọi người”,
vì vậy NVXH thường xuyên tham gia các buổi chuyên đề, hội thảo, khóa
học ngắn hạn để nâng cao nghiệp vụ và những kiến thức mới. NVXH cần
có cái đầu và thái độ mở và có khả năng làm việc với những người ở mọi
tầng lớp khác nhau.
7. Khả năng lắng nghe chủ động
Lắng nghe là khả năng nghe rất cẩn thận, đặt câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ
và tóm tắt thông tin lắng nghe. TC tin tưởng bạn và chia sẽ vấn đề của
họ vì bạn lắng nghe vấn đề của họ, nghĩa là bạn không chỉ nghe những
gì họ nói mà cả ẩn ý trong câu nói của họ, để bạn có thể đưa ra những
đánh giá, những hướng dẫn tốt nhất.
8. Liêm chính - thành thật - đáng tin cậy

Thành thật-đáng tin cậy là điểm cốt lõi để cùng làm việc với nhau. Những
NVXH thành công là những người được TC/người dân tin tưởng vì họ
thành thật, trung thực, đáng tin cậy và cởi mở. Khi TC có khủng hoảng,
họ tìm tới NVXH để cho lời khuyên và những hướng dẫn về các vấn đề
cá nhân, pháp lý, và các vấn đề khác. Ý kiến và thông tin của NVXH sẽ
có giá trị nếu TC tin tưởng. TC của chúng ta không cần gì khác ngoài sự
hỗ trợ chuyên nghiệp.
NHỮNG PHẨM CHẤT hay HÀNH VI CHUYÊN NGHIỆP CỦA MỘT
NVXH GIỎI:
• Tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự kỷ luật, tự trọng, tự quyết, tự
chăm sóc mình, tự hào về nghề CTXH…
• Nhanh nhẹ, tháo vát, năng nổ, nhiệt tình, hòa nhã…
• Yêu quý mọi người, tôn trọng phẩm giá con người
• Luôn soi rọi, soi gương hành vi, lời ăn tiếng nói, cử chỉ v.v hàng
ngày
21


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

















2016

Luôn hiểu mình, nhận diện ra điểm mạnh, điểm hạn chế của
mình
Luôn học hỏi mọi lúc, mọi nơi, mọi người
Luôn tự nhận diện những định kiến của mình và chỉnh sửa, điều
chỉnh
Luôn sẵn sàng nhận ra cái sai, cái yếu, cái lỗi và sẵn sàng xin lỗi,
sửa sai
Cân nhắc kỹ càng khi hành động
Luôn cần giám sát và tham vấn
Tôn trọng mọi người
Không đặt điều, nói xấu, lợi dụng người khác
Không chê hay phê phán người khác một cách thiếu cơ sở
Luôn đứng về phía đúng, cái thiện, cái chính nghĩa
Bảo vệ người yếu đuối, xa cơ thất thế
Luôn mong đợi cộng đồng và xã hội tốt đẹp
Luôn có tư duy mở, đón nhận cái mới và sự đa dạng
Nhạy cảm về sự đa dạng văn hóa
Hiểu văn hóa vùng miền, quốc gia & quốc tế

Chủ đề 3: TRÌNH ĐỘ & NĂNG LỰC CỦA NVXH
NVXH phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và có kinh
nghiệm chuyên môn. Chỉ có những người đã có bằng đại học, thạc sĩ,
hoặc tiến sĩ về chuyên ngành công tác xã hội ở một trường uy tín có

kiểm định chất lượng về chương trình đào tạo và hoàn thành một số
giờ thực hành và được giám sát thực địa bởi nhân viên chuyên nghiệp
và kinh nghiệm thì mới được gọi là nhân viên xã hội chuyên nghiệp.
TRÌNH ĐỘ VÀ NĂNG LỰC CỦA NVXH - 4 YẾU TỐ CHÍNH
a. Kiến thức: NVXH chuyên nghiệp phải có tri thức sâu và nền
tảng kiến thức khoa học và các lý thuyết thực hành, quan điểm,
mô hình, báo cáo, bằng chứng nghiên cứu và phân tích dữ, luật,
chính sách và các thủ tục (ví dụ thủ tục chính sách, luật phát
nhận con nuôi) để thực hành ở cấp độ vi mô, trung mô và vĩ mô.

22


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

b. Giá trị và đạo đức NGHỀ: NVXH chuyên nghiệp phải tuân thủ
Quy Điều Đạo Đức của ngành CTXH.
• Giá trị là những gì tốt và đáng khao khát, hành động và
trách nhiệm đạo đức.
c. Thái độ: NVXH chuyên nghiệp phải có thái độ chuyên nghiệp,
tuân thủ đạo đức nghề, khách quan, không định kiến, không chê
trách - phê phán THIẾU CƠ SỞ, dựa trên nền tảng khoa học,
luôn học hỏi, thích và quí mến mọi người, dấn thân, không ngại
khó - ngại khổ, khả năng chịu đựng những than phiên - bi kịch đau khổ trong cuộc sống cao, có tôn trọng sự đa dạng và văn
hóa toàn cầu và bản địa v.v.
d. Các kỹ năng: NVXH chuyên nghiệp phải áp dụng nhiều kỹ năng
và đa vai trò cùng một lúc trong thực hành, ví dụ: kỹ năng “soi
gương”, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vấn đàm,

ghi chú, phân tích, tổng hợp dữ liệu, thấu cảm, tổ chức sự kiện hoạt động - phong trào, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng trình
bày, thuyết phục, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ
năng viết bài cảm nhận và học thuật, tư duy phê phán, báo cáo,
tổ chức cộng đồng, viết thư xin tài trợ, giải quyết vấn đề, kinh
doanh, kết nối nguồn lực, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng nghiên
cứu, đọc, phản hồi v.v.
Sau 4 năm học, sinh viên sẽ có thể đạt những năng lực thực hành
đưới đây( DỰ THẢO CHUẨN ĐẦU RA CỦA VIỆT NAM): NVXH chuyên
nghiệp phải đạt được 10 năng lực & hành vi thực hành. Mười năng lực
chuyên môn cốt lõi: (RẤT QUAN TRỌNG - Đây là chuẩn đầu ra)
1. Thể hiện sự hiểu biết về kiến thức nền tảng và kiến thức
chuyên ngành.
2. Hiểu biết về giá trị đạo đức nghề CTXH và thể hiện các hành
vi đạo đức đó trong quá trình tác nghiệp.
3. Thừa nhận, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của thân chủ
trong quá trình thực hành.
4. Nhận thức rõ về quyền con người, về công bằng kinh tế - xã
hội.
5. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học với thực hành CTXH.
6. Tham gia vào thực hành chính sách.
23


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

7. Thu hút sự tham gia của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng
đồng.
8. Đánh giá cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng. Đánh giá là

một thành phần trong tiến trình công tác xã hội.
9. Can thiệp cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng.
10. Lượng giá thực hành CTXH với cá nhân, gia đình, nhóm và
cộng đồng.
Hầu hết các cơ sở đại học đào tạo công tác xã hội đều đã có chuẩn
đầu ra cho chuyên ngành này, tuy nhiên, do đây là một chuyên
ngành mới được đào tạo hơn chục năm gần đây, việc xây dựng
chuẩn đầu ra và áp dụng chuẩn đầu ra cũng còn nhiều vấn đề cần
được tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với xu hướng chung của cộng
đồng quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam;
Gần đây vào ngày 16 tháng 4 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 6 năm 2015; Thông tư này ban hành quy định về khối
lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt
được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại
học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào
tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Theo nội dung thông tư, việc
thiết kế chương trình đào tạo của của các cơ sở đào tạo cần đảm
bảo sự thống nhất giữa lý thuyết với thực hành, đồng thời đảm bảo
chuẩn đầu ra tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và trách nhiệm
nghề. Quy định trên đòi hỏi các cơ sở đào tạo nói chung và đào tạo
CTXH nói riêng cần thiết kế một chuẩn đầu ra mới.
Trong bối cảnh đó Hội đào tạo công tác xã hội Việt Nam thuộc Hiệp
hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ
sở đại học đào tạo CTXH, đặc biệt là 8 trường đại học tham gia
chương trình SWEEP bao gồm: Đại học Lao động Xã hội, Đại học sư
phạm Hà Nội, Đại học khoa học xã hội nhân văn (Hà Nội), Đại học
Vinh, Đại học khoa học Huế, Đại học khoa học xã hội và nhân văn
thành phố Hồ Chính Minh, Đại học Đồng Tháp và Đại học Đà Lạt,
nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra đào tạo bậc cử nhân đại học

chuyên ngành CTXH.
24


GV: Doãn Thi Ngọc – biên soạn

2016

Mục đích của việc ban hành chuẩn đầu ra
- Việc ban hành chuẩn đầu ra đào tạo bậc đại học chuyên ngành
CTXH là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CTXH,
cả về kiến thức, kỹ năng, bao gồm cả kỹ năng cứng, kỹ năng mềm,
đặc biệt là kỹ năng thực hành CTXH, về thái độ, đạo đức, trách
nhiệm nghề nghiệp;
- Việc ban hành chuẩn đầu ra cũng làm cơ sở cho các cơ sở đại học
đào tạo CTXH hoàn thiện chuẩn đầu ra và xây dựng chương trình,
nội dung đào tạo và tổ chức đào tạo phù hợp với chuẩn đầu ra. Đồng
thời cũng làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục bậc đại học xây dựng
chuẩn đầu ra cho từng môn học hoặc chuyên ngành nhỏ thuộc
chuyên ngành CTXH;
Việc thiết kế chương trình nội dung đào tạo theo chuẩn đầu ra là một
phương pháp tiếp cận theo định hướng kết quả. Mục tiêu của
phương pháp tiếp cận theo kết quả này là nhằm đảm bảo rằng sinh
viên có thể tổng hợp và ứng dụng các kiến thức, kỹ năng trong thực
hành CTXH với cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng một
cách hiệu quả;
- Việc ban hành chuẩn đầu ra đào tạo bậc đại học chuyên ngành
CTXH còn giúp cho các cơ sở giáo dục đào tạo bậc trung cấp, cao
đẳng về CTXH vận dụng xây dựng chuẩn đầu ra cho phù hợp với bậc
học, bảo đảm tính thống nhất và sự liên thông giữa các bậc đào tạo

chuyên ngành CTXH từ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học;
- Việc ban hành chuẩn đầu ra còn làm cơ sở cho việc đánh giá kết
quả học tập của sinh viên chuyên ngành CTXH, vì rằng đánh giá kết
quả học tập của sinh viên cũng là nội dung thiết yếu trong đào tạo
theo chuẩn đầu ra. Đánh giá kết quả học tập sẽ cung cấp bằng
chứng về việc sinh viên đã đạt được mức độ năng lực cần thiết để
bắt đầu thực hành chuyên nghiệp, đồng thời cũng minh chứng rằng
chương trình đào tạo đã thành công trong việc đạt được những mục
tiêu của đề ra.Thông tin đánh giá được sử dụng để nâng cao chương
trình đào tạo và cải tiến các phương pháp đánh giá kết quả học tập
của sinh viên;
25


×