HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THANH HUYỀN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Mã số: 62 38 01 01
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN CẢNH QUÝ
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo qui định.
Tác giả luận án
Nguyễn Thanh Huyền
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ CẤP XÃ Ở
CÁC TỈNH TÂY BẮC
1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước
1.2. Công trình nghiên cứu nước ngoài
1.3. Các nhận xét, đánh giá và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu; giả
thuyết nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN
CHỦ CẤP XÃ
2.1. Khái niệm, đặc điểm, hình thức và vai trò thực hiện pháp luật về dân
chủ cấp xã
2.2. Nội dung và các điều kiện đảm bảo thực hiện pháp luật về dân chủ
cấp xã
2.3. Thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở một số tỉnh và những giá trị có
thể tham khảo cho việc Thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các
tỉnh Tây Bắc
Trang
1
9
9
17
23
29
29
48
58
Chương 3: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ THỰC TRẠNG THỰC HIỆN
68
PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ CẤP XÃ Ở CÁC TỈNH TÂY BẮC
3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở
các tỉnh Tây Bắc
68
3.2. Những kết quả đạt được trong thực hện pháp luật về dân chủ cấp xã ở
các tỉnh Tây Bắc và nguyên nhân
77
3.2. Những hạn chế, bất cập trong thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở
các tỉnh Tây Bắc và nguyên nhân
100
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN PHÁP
LUẬT VỀ DÂN CHỦ CẤP XÃ Ở CÁC TỈNH TÂY BẮC
4.1. Các quan điểm thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc
4.2. Giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh
Tây Bắc hiện nay
KẾT LUẬN
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
114
114
120
152
154
156
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BCĐ
: Ban chỉ đạo
CBCC
: Cán bộ, công chức
CNXH
: Chủ nghĩa xã hội
CQCX
: Chính quyền cấp xã
CT-XH
: Chính trị - xã hội
DCCX
: Dân chủ ở cấp xã
DTTS
: Dân tộc thiểu số
GSDTCĐ
: Giám sát đầu tư cộng đồng
HĐND
: Hội đồng nhân dân
HTCT
: Hệ thống chính trị
MTTQ
: Mặt trận Tổ quốc
NCUT
: Người có uy tín
PLTHDCOXPTT
: Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
PBGDPL
: Phổ biến, giáo dục pháp luật
QCDC
: Quy chế dân chủ
QLNN
: Quản lý nhà nước
QPPL
: Quy phạm pháp luật
QHXH
: Quan hệ xã hội
TTND
: Thanh tra nhân dân
THPL
: Thực hiện pháp luật
UBND
: Ủy ban nhân dân
UBMTTQ
: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
UBTVQH
: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
VH-XH
: Văn hoá - xã hội
XHCN
: Xã hội chủ nghĩa
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Dân chủ là khát vọng lớn lao, là đòi hỏi bức xúc của con người, là một nhu
cầu đặc biệt quan trọng mà con người mong muốn vươn tới; đồng thời, dân chủ
cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Sự phát triển của
dân chủ ghi nhận nấc thang tiến bộ của xã hội loài người.
Dân chủ cấp xã là biểu hiện cụ thể của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bởi
lẽ, cấp xã là nơi tập trung các hoạt động sống, lao động, sinh hoạt của tuyệt đại đa số các
tầng lớp Nhân dân, là nơi Nhân dân thực hiện và phát huy trực tiếp nhất, đầy đủ nhất
các quyền dân chủ. Thực hiện pháp luật (THPL) về dân chủ cấp xã (DCCX) nói chung
và ở các tỉnh Tây Bắc nói riêng là làm cho những quy định của pháp luật về DCCX đi
vào thực tiễn đời sống xã hội, chuyển từ sự nhận thức về các quyền dân chủ của Nhân
dân trên địa bàn cấp xã thành hành vi pháp luật thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp
luật. Do vậy, thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở Việt Nam trong đó có các tỉnh Tây
Bắc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy cao độ quyền làm chủ, sức sáng
tạo của Nhân dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hút Nhân dân tham gia
quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; kiểm tra giám sát các hoạt động của chính quyền cấp
xã; góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội ở cấp xã đáp ứng yêu cầu xây
dựng xã hội giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng hệ thống chính trị
(HTCT) ở cấp xã trong sạch vững mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa quyết định của thực hiện pháp luật về
dân chủ cấp xã nên ngay từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến
vấn đề dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, coi đó là mục tiêu và động
lực của công cuộc đổi mới; một vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với sự
phát triển của đất nước. Đảng ta đã tiếp thu, phát triển những giá trị tư tưởng của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện pháp luật về dân chủ
cấp xã. Đó là: tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, dân là gốc, dân là chủ và dân làm chủ.
Theo đó, thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã được coi như phương cách hữu hiệu,
không thể thiếu để xây dựng và vận hành một nhà nước pháp quyền thực sự
ở nước ta hiện nay. Điều đó, không chỉ được khẳng định trong chủ trương,
đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua
Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước.
2
Dưới góc độ lý luận, vấn đề thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã nói
chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng đã có một số công trình nghiên cứu của các
nhà khoa học về vấn đề này ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Tuy nhiên,
chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện có hệ thống về
thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã trong cả nước cũng như các tỉnh Tây Bắc.
Về mặt thực tiễn, trong những năm qua, thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã
ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thực
hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: bầu không
khí dân chủ và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng lên. Nhiều xã,
phường, thị trấn đã phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, kịp thời khơi
dậy sức sáng tạo của Nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội,
tăng cường đoàn kết, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ngăn chặn tình trạng
quan liêu, tham nhũng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã
hội dân chủ, công bằng, văn minh"; thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các lĩnh
vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao; tác động mạnh đến việc xây dựng nông thôn
kiểu mới, xây dựng đời sống văn hóa mới khu dân cư; thúc đẩy công tác xây dựng
Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân nhất
là trên lĩnh vực CCHC và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc bên
cạnh những thành tựu quan trọng vẫn còn những hạn chế, bất cập do những yếu tố đặc
thù mang dấu ấn riêng. Có nơi có lúc cấp ủy đảng, chính quyền còn lúng túng trong
thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã, chưa thực sự coi trọng, nắm chắc nội dung của
pháp luật dân chủ nên việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện còn mang tính hình thức, hiệu
quả không cao. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước ở một số
nơi còn thiếu thường xuyên, chất lượng chưa cao, chưa thành nề nếp. Vẫn còn có xã,
phường, thị trấn việc công khai, dân chủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính
sách tái định cư, giá cả đền bù về đất... còn hạn chế. Một số cơ quan công quyền còn
thiếu công khai, minh bạch về quản lý thu, chi tài chính công; về quy hoạch, đào tạo, đề
bạt và đãi ngộ cán bộ. Các vụ việc quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn xảy ra.
Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị còn diễn biến phức tạp, nhất là
tại địa bàn tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu (dự án tái định cư thủy điện Sơn La).
Cùng với đó, nhận thức của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn rất hạn chế
về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công
3
dân nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động lôi kéo thực hiện âm mưu Diễn biến
hòa bình, gây mất ổn định ở cấp xã tạo ra những điểm nóng chính trị - xã hội
(sự kiện Mường Nhé năm 2010)… Do vậy, các tỉnh Tây Bắc dù được Đảng và
Nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và nhiều chính sách ưu tiên nhưng
đến nay, theo thống kê, các tỉnh Tây Bắc vẫn là các tỉnh nghèo nhất cả nước, thu
nhập bình quân đầu người chỉ bằng ½ mức bình quân chung của cả nước, tỉ lệ
hộ nghèo chiếm 26,5%, cao hơn gấp 3 lần mức bình quân chung, số huyện nghèo
chiếm gần 70%, số xã đặc biệt khó khăn chiếm gần 50% cả nước.
Trong thế giới đương đại hiện nay vấn đề thực hiện pháp luật về dân chủ đang
được nhiều nước đề cao và quan tâm nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc
tế, tham gia vào toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 hiện nay việc bảo
đảm và thúc đẩy dân chủ lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, nghiên cứu
thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc cần phải được tiến hành đầy
đủ, đồng bộ cả về mặt lý luận và thực tiễn để tìm ra những giải pháp phù hợp đáp ứng
yêu cầu của thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc.
Xuất phát từ những lý do trên, nghiên cứu sinh chọn đề tài: "Thực hiện
pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam" để làm Luận án tiến sĩ.
Đây là đề tài rất cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở lý luận về thực hiện pháp luật về dân chủ
cấp xã và thực trạng thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc,
Luận án xây dựng các quan điểm và đề xuất các giải pháp bảo đảm thực hiện
pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích trên, Luận án có nhiệm vụ:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài,
đánh giá những giá trị của các công trình nghiên cứu trước đó và từ đó rút ra
những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
- Phân tích làm rõ cơ sở lý luận của việc thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã
bao gồm các vấn đề như: xây dựng khái niệm, làm rõ chủ thể, phân tích các nội
dung, hình thức thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã; luận giải xác định rõ các vai
trò và các điều kiện bảo đảm thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở Việt Nam.
4
- Luận án phân tích, đánh giá đúng thực trạng những kết quả đạt được,
hạn chế, bất cập và rút ra các nguyên nhân của thực hiện pháp luật về dân chủ
cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc trong những năm qua.
- Xây dựng và phân tích hệ thống các quan điểm; luận giải và đề xuất các
giải pháp cụ thể có tính khả thi nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật về dân chủ
cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hiện
pháp luật về dân chủ cấp xã trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc hiện nay dưới góc độ tiếp
cận của chuyên ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật. Trên cơ sở mục
đích nghiên cứu, đề tài sẽ tập trung đi vào khảo sát các đối tượng chủ yếu là các tổ
chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức đoàn thể ở
cấp xã; cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã và Nhân dân ở các tỉnh Tây Bắc trực tiếp
tham gia thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Là một đề tài thuộc chuyên ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật,
luận án tập trung nghiên cứu trong phạm vi:
- Về không gian:
Luận án tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về
dân chủ cấp xã ở 4 tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình).
- Về thời gian:
Luận án triển khai nghiên cứu pháp luật và đánh giá thực trạng thực hiện
pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam từ sau khi Bộ Chính
trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998; trọng tâm từ năm
2007 khi thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đến năm 2018.
- Luận án nghiên cứu Thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây
Bắc xin được hiểu là Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc
để tránh trùng lặp trong tên của đề tài.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật nói chung và lý luận THPL về dân
5
chủ nói riêng và các quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, nhất là
việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
4.2. Về phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện bởi phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử
và duy vật biện chứng kết hợp với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp thống kê, điều tra xã hội học;
phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn; phương pháp lịch sử; phương pháp so
sánh...để giải quyết các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu nội dung đề tài của luận án
Các phương pháp được sử dụng nhằm làm rõ nội dung cơ bản của đề tài, đảm
bảo tính khoa học và logic giữa các vấn đề của đề tài trong các chương. Căn cứ vào
tính chất của từng chương, từng phần của luận án đề tài sẽ sử dụng chủ đạo một
trong các phương pháp trên. Phương pháp phân tích tổng hợp là phương pháp
chính sẽ được dùng trong các Chương 1, Chương 2, Chương 3 và Chương 4 của
Luận án. Phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, thống kê, điều tra xã hội học,
so sánh sẽ được sử dụng chủ yếu trong Chương 3 và Chương 4
Cụ thể một số phương pháp là:
- Phương pháp phân tích tài liệu: Phương pháp này được áp dụng để phân tích
cả tài liệu sơ cấp và tài liệu thứ cấp. Trong đó: các văn bản pháp luật và các Văn
kiện của Đảng có liên quan, các số liệu thống kê chính thức của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền, các vụ việc cũng như số liệu thống kê do tác giả thực hiện thông qua
phỏng vấn và điều tra sử dụng bảng hỏi được coi là tài liệu sơ cấp. Các nghiên cứu
khoa học đã công bố, tạp chí, kết luận, bài báo... được coi là tài liệu thứ cấp.
Chương 1 và Chương 2 của luận án sẽ sử dụng phương pháp này.
- Phương pháp chọn mẫu: Chọn 24 xã trong 8 huyện, thị, thành phố trực thuộc
4 tỉnh Tây Bắc có tính đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, các xã có
nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, nguồn cán bộ, thành phần dân tộc,
trình độ học vấn. Chọn các cơ sở có sự đan xem các cơ sở hoạt động yếu kém, trung
bình và mạnh để làm rõ tính đặc thù, tính phổ biến trong việc thực hiện pháp luật
về dân chủ cấp xã ở 4 tỉnh Tây Bắc. Phương pháp này được sử dụng ở Chương 3.
- Phương pháp phỏng vấn: Sử dụng phương pháp phỏng vấn (thông qua phiếu
điều tra xã hội học) nhằm thăm dò dư luận xã hội đánh giá thực trạng về THPL dân
6
chủ ở cấp xã, đây là phương pháp áp dụng phổ biến khi nghiên cứu các vấn đề
thuộc phạm trù khoa học pháp lý và khoa học xã hội.
Mục đích của hoạt động này là để có những dữ liệu phục vụ cho việc đánh
giá đúng thực trạng thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã trên địa bàn 4 tỉnh
Tây Bắc. Xây dựng phiếu điều tra để đối tượng các nhóm được điều tra khảo sát
có những ý kiến thể hiện nhận thức của mình về vấn đề thực hiện dân chủ cấp
xã. Phương pháp này chủ yếu sử dụng ở Chương 3.
- Phương pháp tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng nhằm mục đích
đưa ra những luận giải, nhận xét và đề xuất của chính tác giả luận án trên cơ sở
tổng hợp các số liệu, thông tin hữu ích có được từ hoạt động phân tích tài liệu,
hỏi chuyên gia hay phỏng vấn. Phương pháp này được sử dụng ở cả 4 Chương.
- Phương pháp đàm thoại: Đối thoại trực tiếp với các đối tượng tại đơn vị
cơ sở. Tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia và đánh giá về thực
trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở, về tình hình thực hiện pháp
luật về dân chủ cấp xã. Tìm ra những kiến giải có tính đặc thù và phổ biến,
nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã hiện nay ở 4 tỉnh miền núi
Tây Bắc. Phương pháp này sử dụng chủ yếu ở Chương 3.
- Phương pháp hỏi chuyên gia: Phương pháp này được sử dụng để thu thập
thông tin và ý kiến của những chuyên gia, những nhà khoa học Việt Nam đã và
đang nghiên cứu về vấn đề dân chủ, Dân chủ cấp xã, thực hiện pháp luật và thực
hiện pháp luật về dân chủ cấp xã. Phương pháp này được thực hiện thông qua
việc tác giả luận án sẽ liên lạc trực tiếp với các chuyên gia, các nhà khoa học qua
các cuộc hội thảo, hội nghị các buổi phỏng vấn, xin ý kiến trực tiếp. Phương
pháp này được sử dụng ở các chương 2,3,4.
- Phương pháp luật học so sánh: Phương pháp này được áp dụng để nghiên
cứu kinh nghiệm nước ngoài, kinh nghiệm của các vùng, miền khác trong cả
nước, qua đó rút ra bài học và lựa chọn những hạt nhân, yếu tố hợp lý, phù hợp
với điều kiện, hoàn cảnh để áp dụng đối với Việt Nam, vùng Tây Bắc. Phương
pháp này dược sử dụng ở Chương 2 và Chương 4.
5. Đóng góp mới của luận án
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về thực hiện pháp luật về dân chủ cấp
xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Tác giả luận án phân tích toàn diện cơ sở lý luận và
đánh giá về thực tiễn về thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây
7
Bắc Việt Nam từ đó xác lập các quan điểm, đề xuất hệ thống giải pháp (giải
pháp chung và giải pháp cụ thể mang tính đặc thù) nhằm bảo đảm thực hiện
pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
Những đóng góp chủ yếu là:
- Về mặt lý luận: Dưới góc độ lý luận về nhà nước và pháp luật, Luận án
đã xây dựng được khái niệm dân chủ, Dân chủ cấp xã, pháp luật về dân chủ cấp
xã và thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã, nhất là những vấn đề lý luận hiện
nay đang đặt ra đối với hoạt động thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã nói
chung và ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam nói riêng.
- Về thực tiễn: Lần đầu tiên luận án phân tích đánh giá được những yếu tố đặc
thù tác động tới quá trình thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã; kết quả, hạn chế
của thực trạng thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam;
chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra hiện nay từ thực
hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc trong thời gian qua.
Lần đầu tiên luận án xây dựng được các quan điểm, đề xuất hệ thống giải
pháp cụ thể (giải pháp chung và giải pháp cụ thể mang tính đặc thù) nhằm bảo
đảm thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
Đây cũng là công trình luận án tiếp cận thực hiện pháp luật về dân chủ cấp
xã trên quy mô một vùng - các tỉnh Tây Bắc. Tiếp cận này hiện tại dựa trên
không gian không chỉ về địa lý mà cùng với văn hóa, văn hóa pháp luật, đời sống
kinh tế, chính trị, xã hội ở cơ sở.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Về lý luận
Kết quả và đóng góp mới của luận án góp phần làm sáng tỏ và phong phú thêm
những vấn đề lý luận về thực hiện pháp luật về dân chủ nói chung, về thực hiện pháp
luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc nói riêng, qua đó góp phần vào giải quyết một
số vấn đề lý luận đang đặt ra đối với thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
ở cấp xã, nhất là đối với một bộ phận là người dân tộc thiểu số (DTTS), sinh
sống ở cùng cao, vùng sâu,vùng đặc biệt khó khăn.
6.2. Về thực tiễn
- Kết quả nghiên cứu của Luận án sẽ là tài liệu cung cấp các thông tin có giá trị
tham khảo giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở các tỉnh Tây Bắc
8
có cơ sở để hoạch định, chỉ đạo nhằm thực hiện đúng, nghiêm túc pháp luật về
dân chủ cấp xã.
- Kết quả của luận án còn góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng,
chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc về
pháp luật dân chủ; vai trò của CBCC trong thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã.
- Những kiến thức khoa học của luận án có thể làm tài liệu tham khảo trong
công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Nhà nước và pháp luật của hệ thống
nhà trường thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường luật, các
khoa luật trong cả nước. Luận án còn có giá trị tham khảo tốt cho việc nghiên cứu,
xây dựng và hoàn thiện HTCT cấp cơ sở, thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã đối
với những vùng có điều kiện, hoàn cảnh đặc thù tương đồng với các tỉnh Tây Bắc và
cho những ai quan tâm đến những vấn đề của luận án.
7. Kết cấu của luận án
Nội dung luận án gồm 4 chương, 11 tiết; ngoài ra còn có: phần mở đầu, kết
luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
9
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN THỰC
HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ CẤP XÃ Ở CÁC TỈNH TÂY BẮC
Trong những năm gần đây, vấn đề dân chủ, pháp luật về dân chủ, dân chủ
cấp xã đã có một số nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.
Các nhà khoa học luôn đặt dân chủ trong mối tương quan với thể chế chính trị,
thể chế nhà nước, chính quyền địa phương, hệ thống pháp luật để nghiên cứu.
Sự tiếp cận dân chủ, thực hiện pháp luật về dân chủ, dân chủ cấp xã được tiếp
cận đa ngành và liên ngành. Cụ thể như sau:
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến dân chủ và pháp luật
về dân chủ cấp xã
Thái Ninh - Hoàng Chí Bảo trong cuốn: "Dân chủ tư sản và dân chủ xã hội
chủ nghĩa" [94], tác giả đã làm rõ khái niệm dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa,
dân chủ tư sản. Luận giải quá trình, nội dung dân chủ hóa ở nước ta, dự báo xu
hướng vận động của quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm
của các mô hình dân chủ trên thế giới. Cuốn sách cũng đề cập đến các đặc trưng
của nền dân chủ XHCN và tính tất yếu của nền dân chủ XHCN.
Đỗ Mười trong cuốn sách: "Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa xây dựng
nhà nước của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh" [88] tác giả đã luận
giải vai trò của dân chủ trong việc hình thành nhà nước pháp quyền, mối quan
hệ giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Lê Quốc Lý chủ biên cuốn sách: "Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở
nước ta" [81]. Trong cuốn sách tập thể các tác giả đã phân tích những luận điểm
cơ bản về hệ thống chính trị và việc phải đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam
hiện nay, thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong quá trình
đổi mới, có tác dụng tham khảo về quan điểm, phương hướng và giải pháp trong
việc đổi mới hệ thống chính trị cấp xã hiện nay.
Trần Thành với cuốn sách: "Vấn đề dân chủ và dân chủ hóa đời sống xã hội
lịch sử và hiện đại" [113] cuốn sách đã phân tích khá kỹ về khái niệm về dân chủ
và lịch sử hình thành, phát triển dân chủ hiện nay; chế độ dân chủ tư sản và dân
chủ tư sản đương đại; chế độ dân chủ XHCN và vấn đề xây dựng chế độ dân chủ
ở Việt Nam hiện nay.
10
Nguyễn Tiến Phồn: "Dân chủ và tập trung dân chủ- lý luận và thực tiễn"
[97] Cuốn sách luận giải về vấn đề dân chủ và tập trung dân chủ, cơ sở lý luận
và thực tiễn của vấn đề tập trung dân chủ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Các tác giả Đào Trí Úc - Trịnh Đức Thảo- Vũ Công Giao- Trương Hồ Hải:
"Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân chủ trực tiếp, Dân chủ cơ sở trên thế giới
và Việt Nam" [135]. Nội dung là tập hợp những bài tham luận tại cuộc Hội thảo
"Dân chủ trực tiếp, Dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam" một loạt kiến thức
thông tin hữu ích về vấn đề lý luận, thực tiễn về các mô hình tổ chức thực hiện dân
chủ trực tiếp, Dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam đã được các tác giả đã chia
sẻ; cùng với đó là những quan điểm, giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và
các cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ trực tiếp, Dân chủ cơ sở ở nước ta hiện nay.
Hoàng Chí Bảo với cuốn sách: "Dân chủ và Dân chủ ở cơ sở nông thôn trong tiến
trình đổi mới" [6], cuốn sách phân tích ý thức dân chủ của người Việt Nam từ lịch sử
đến hiện đại; dân chủ xã hội chủ nghĩa và quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở; quan hệ giữa
thể chế chính thống và phi chính thống trong việc củng cố, xây dựng HTCT ở cơ sở
nông thôn; tác động của QCDC ở cơ sở đối với việc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn;
Cuốn sách cũng đề cập đến những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện dân chủ
cở sở ở nông thôn nước ta trong thời gian qua và đưa ra một số bài học kinh nghiệm từ
các địa phương về quá trình triển khai thực hiện QCDC cơ sở, góp phần thực hiện ngày
càng có hiệu quả hơn việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội.
Lê Minh Quân với cuốn sách: "Về quá trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay" [100]. Bài viết nêu đặc điểm của quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, dân
chủ hóa từ cơ sở và bằng cơ sở, dân chủ hóa từ pháp luật và bằng pháp luật.
Hội đồng lý luận Trung ương: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt
ra trong tình hình hiện nay" tập III [69]. Nội dung cuốn sách là tập hợp các
chuyên đề của các nhà khoa học tập trung làm rõ: Xu hướng và triển vọng của
chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thế giới đương đại và những nhận thức lý luận
mới về CNXH của Đảng ta từ thực tiễn đổi mới; một số vấn đề lý luận và thực
tiễn cốt yếu về thực hiện dân chủ và đổi mới HTCT ở nước ta hiện nay.
Hoàng Chí Bảo - Tống Đức Thảo trong cuốn sách Mối quan hệ dân chủ với văn
hóa pháp luật [7] đã phân tích lý luận về dân chủ, các chủ thể dân chủ đồng thời
cuốn sách cũng luận giải mối quan hệ tương hỗ giữa dân chủ và văn hóa, văn hóa
pháp luật, các giải pháp để đảm bảo và phát huy mối quan hệ này trong thực tế
11
ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt các tác giả cuốn sách khẳng định thực hành dân
chủ, THPL về dân chủ cơ sở là giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa dân
chủ và văn hóa pháp luật.
Nguyễn Minh Phương trong cuốn sách: "Vai trò của chính quyền xã đối với
phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta" [98]. Nội dung cuốn sách là
những phân tích về cơ sở lý luận và pháp luật về vai trò của chính quyền xã đối với
quản lý phát triển xã hội, thực trạng phát triển xã hội ở nông thôn và quản lý phát
triển xã hội của chính quyền xã, trên cơ sở đó đưa ra các quan điểm, giải pháp phát
huy vai trò của chính quyền xã đối với việc quản lý phát triển xã hội ở nước ta.
Hồ Bá Thâm và Nguyễn Tôn Thị Tường Vân trong cuốn sách "Phản biện xã hội
và phát huy dân chủ pháp quyền" [119]. Nội dung cuốn sách đã tập trung phân tích khái
niệm, bản chất và các đặc điểm của phản biện xã hội; Chủ thể, khách thể, đối tượng,
nguyên tắc và phương thức của phản biện xã hội; Vấn đề phản biện xã hội trong nền
dân chủ pháp quyền ở nước ta hiện nay; Phản biện xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh
đặc điểm, vấn đề và khó khăn hiện nay. Cùng với phần phụ lục trình bày vấn đề Phản
biện xã hội trong nền dân chủ hiện đại phương Tây, cuốn sách đã đi sâu phân tích cơ sở
lý luận và thực tiễn của phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội trong việc tăng
cường, phát huy dân chủ pháp quyền ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Ngô Huy Cương trong cuốn sách: "Dân chủ và pháp luật" [32], tác giả đã phân
tích tính tất yếu của dân chủ, bản chất của dân chủ, đưa ra khái niệm về dân chủ và các
thành tố của dân chủ; đánh giá tính dân chủ trong pháp luật, hiện trạng dân chủ trong
pháp luật Việt Nam (bảo đảm quyền con người, hình thức dân chủ) từ đó đề cập đến
việc xây dựng dân chủ và pháp luật dân chủ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Bắc Son- Chủ tịch hội đồng biên soạn cuốn sách: "Hỏi đáp về dân
chủ cấp xã" [105] Sách được kết cấu dưới dạng hỏi, đáp, được sắp xếp theo từng
vấn đề, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ tra cứu; trên cơ sở khái quát và cụ thể hóa những
quy định pháp lý cơ bản nhất trong các lĩnh vực về dân chủ cấp xã; quyền và
nghĩa vụ của nhân dân, chính quyền cấp xã, trưởng thôn, bản... trong hoạt động
dân chủ ở cấp xã.
Luận án tiến sĩ luật học: "Mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều
kiện Việt Nam hiện nay" của Đỗ Minh Khôi [79] đi sâu luận giải làm rõ nội dung
quan hệ giữa dân chủ và pháp luật về mặt lý thuyết và so sánh với việc thực hiện
mối quan hệ này ở Việt Nam. Luận án đề xuất những kiến nghị để hoàn thiện mối
12
quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trên cơ sở xác định các hình thức biểu hiện
cơ bản của mối quan hệ và tính chất của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp
luật; phân tích nội dung tương tác giữa pháp luật và dân chủ;
Bài viết: "Nâng cao nhận thức về dân chủ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên góp
phần đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng ở nước ta hiện nay"
của Tống Đức Thảo - Nguyễn Thanh Huyền [116]. Trong bài viết này, tác giả đã
phân tích từ lý luận về vị trí, vai trò của dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt
đảng; thực trạng nhận thức về dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng đưa ra
một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về dân chủ cho đội ngũ cán bộ, đảng
viên góp phần đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ngoài ra còn có một số công trình khác tập trung nghiên cứu về vấn đề dân
chủ và THPL về dân chủ ở cấp xã: Đề tài khoa học cấp bộ: Xây dựng cơ chế kiểm
soát quyền lực trong bộ máy nhà nước hiện nay ở nước ta (đã nghiệm thu xuất sắc),
TS Lâm Quốc Tuấn làm chủ nhiệm, Học viện Xây dựng Đảng là cơ quan chủ trì; GS
Hồ Văn Thông:" Dân chủ là gì?", Tạp chí cộng sản số 3 năm 1990; Lê Minh Quân:
"Dân chủ và dân chủ hóa - một số tiếp cận cơ bản", Tạp chí Thông tin Khoa học xã
hội, số 10/2012; Lê Minh Quân: "Về quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới", Tạp chí Cộng sản, số 841, tháng 11/2012; Bùi
Văn Bồng: "Quyền dân chủ và thực hiện quyền dân chủ", tạp chí Xây dựng Đảng số
tháng 2/2012; PGS TS Nguyễn Minh Đoan: "Dân chủ với pháp luật", Tạp chí Nhà
nước và pháp luật, số 10/2007; Ngọ Văn Nhân: " Về đổi mới chế độ dân chủ trực tiếp
và dân chủ đại diện trên địa bàn cơ sở ở nước ta hiện nay", Tạp chí triết học số 204,
tháng 5/2008; Nguyễn Thọ Khang: "Thực hiện DCCX và vấn đề đặt ra đối với báo
chí ở nước ta hiện nay", tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, số 6/2013; Đỗ
Văn Dương: "Những giải pháp phát huy vai trò HTCT cơ sở nhằm bảo đảm thực hiện
dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên", tạp chí Lý luận
chính trị và truyền thông, số tháng 7/2013…
Các công trình, bài viết nói trên tập trung làm rõ khái niệm dân chủ, các đặc
trưng của dân chủ xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật; đưa ra các
đánh giá về thành quả, tiến bộ mà chủ nghĩa tư bản có được cũng như chỉ ra những hạn
chế trong quan niệm về dân chủ do bản chất giai cấp của nền dân chủ tư sản quy định;
đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ; chỉ ra các cơ chế thực hiện dân chủ; phân tích nội
hàm khái niệm dân chủ cấp xã; các khía cạnh lý luận và thực tiễn của quy chế dân chủ
13
cơ sở; coi DCCX như một sức mặt truyền thống của dân tộc Việt Nam, có cội nguồn
từ trong truyền thống của làng xã Việt Nam; vấn đề đổi mới dân chủ trực tiếp dân
chủ đại diện trên địa bàn cơ sở ở nước ta hiện nay, mối quan hệ giữa vấn đề dân chủ
và cải cách bộ máy chính quyền địa phương. Tren cơ sở đó khẳng định: thực hiện
dân chủ ở cấp xã càng được thực hiện nghiêm túc bao nhiêu thì càng có tác dụng
củng cố, xây dựng chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, từ đó, góp phần quan
trọng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở Việt Nam. Đây là
những tài liệu tham khảo hữu ích đối với tác giả khi đề cập và luận bàn đến nội hàm
và bản chất của vấn đề dân chủ và thực hiện dân chủ cấp xã.
1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến thực hiện pháp luật
và thực hiện pháp luật dân chủ ở cấp xã
Nguyễn Văn Mạnh và tập thể tác giả trong cuốn sách: "Thực hiện pháp luật Những vấn đề lý luận và thực tiễn" [83] đã phân tích những vấn đề lý luận về THPL
như: khái niệm, chủ thể, nội dung, hình thức, các yếu tố bảo đảm THPL và những vấn
đề đặt ra trong THPL ở nước ta. Đây là những vấn đề lý luận cơ bản về thực hiện pháp
luật, có giá trị tham khảo khi nghiên cứu cơ sở lý luận của việc THPL về DCCX.
Dương Xuân Ngọc trong cuốn sách: "Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã
- một số vấn đề lý luận và thực tiễn" [90] đã luận giải và làm rõ ý nghĩa, tầm
quan trọng và phân tích, đánh giá thực trạng của việc thực hiện Quy chế thực
hiện dân chủ ở cấp xã, đưa ra những giải pháp phù hợp cho việc thực hiện
QCDC ở nước ta trong điều kiện mới.
Vũ Văn Hiền chủ biên cuốn sách "Quy chế dân chủ ở cơ sở- Vấn đề lý luận
và thực tiễn" [59]. Nội dung cuốn sách là các bài viết, bài phát biểu của lãnh đạo
Đảng và Nhà nước và một số các bài viết của nhiều tác giả đã được đăng trên
các tạp chí Trung ương, chủ đề xoay quan vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh
nghiệm thực hiện QCDC cơ sở ở nước ta trong những năm gần đây.
Lương Gia Ban trong cuốn sách : Dân chủ và việc thực hiện Quy chế dân
chủ cơ sở [3] đã phân tích thực trạng của tiến trình dân chủ ở nước ta, đặc biệt
là vai trò của DCCX đối với sự phát triển.
Hồ Văn Thông - Nguyễn Văn Sáu (đồng chủ biên) cuốn sách "Thực hiện quy
chế dân chủ và xây dựng chính quyền cấp xã ở nước ta hiện nay", [122]. Nội dung
cuốn sách là bài viết của tập thể các tác giả đánh giá về những thành tựu đổi mới
trong phát triển KT-XH của nhiều địa phương trên cả nước; những hạn chế, yếu
14
kém của chính quyền cấp xã trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức và vận
động Nhân dân khi triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương. Đề xuất
các giải pháp nhằm xây dựng chính quyền cấp xã ở nước ta hiện nay.
Nguyễn Hồng Chuyên trong cuốn sách: "Thực hiện pháp luật về dân chủ
cấp xã phục vụ xây dựng nông thôn mới" [29] đã đề cập phân tích một số vấn đề
lý luận về xây dựng nông thôn mới; đánh giá vai trò của công cuộc xây dựng
NTM ở nước ta; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước ta về thực hiện DCCX và xây dựng nông thôn mới; thực trạng công tác
THPL về DCCX phục vụ NTM qua kết quả điều tra xã hội học trên địa bàn tỉnh
Thái Bình và luận giải phân tích các giải pháp bảo đảm THPL về DCCX phục
vụ công cuộc xây dựng NTM ở nước ta hiện nay.
Nguyễn Văn Hiển (chủ biên) trong cuốn sách: "Về thi hành pháp lệnh thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007" [62]. Nội dung cuốn sách: là kết quả
khảo sát, đánh giá Dự án điều tra cơ bản về "Thực trạng thi hành Pháp lệnh thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn", cuốn sách đã khái quát chung về pháp luật
thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Khái quát thực trạng thi hành Pháp lệnh
thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị
trấn trong một số lĩnh vực cụ thể; Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và cơ chế
thực thi pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Lê Hữu Nghĩa, Hoàng Chí Bảo, Bùi Thành Bôn trong cuốn sách Đổi mới quan hệ
giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam
[91] đã trình bày cơ sở lý luận, thực tiễn, thực trạng và quan điểm, nguyên tắc và các
giải pháp đổi mới, dân chủ hóa tổ chức, hoạt động của HTCT ở nước ta.
Hoàng Văn Hoan chủ biên: "Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu
số ở Tây Bắc nước ta hiện nay" [634]. Cuốn sách đã đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn về
xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), thực trạng xây dựng mô hình NTM và vấn đề
thực hiện dân chủ của vùng đồng bào DTTS ở Tây Bắc từ đó đưa ra các giải pháp xây
dựng NTM và thực hiện dân chủ ở vùng đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc.
Nguyễn Hồng Chuyên trong cuốn sách: "Thực hiện pháp luật về dân chủ ở
cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
[30] đã phân tích làm rõ mối quan hệ tác động qua lại giữa THPL về DCCX và xây
dựng nhà nước pháp quyền XHCN, từ đó khẳng định: một nền dân chủ thực sự với
việc phát huy đầy đủ các quyền dân chủ của Nhân dân chỉ có thể có được khi gắn
15
liền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó, thực hành DCCX
là một khâu quan trọng trong hệ thống cơ chế dân chủ và liên quan đến tất cả
các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt
Nam cũng chính tạo điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội bảo
đảm cho việc THPL về DCCX đạt được chất lượng và hiệu quả cao.
Luận án tiến sĩ luật học " Hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ
sở ở Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Tiến Thành [114], trên góc độ phân tích về
lý luận và thực trạng cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện
nay, tác giả đã đưa ra quan điểm, giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý
thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện nay.
Bài viết: " Nhìn lại 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn" của
tác giả Huỳnh Đảm [36] đã đánh giá những thành tựu bước đầu về kết quả đạt được
trong 10 năm thực hiện QCDC trên địa bàn cấp xã ở nước ta, đồng thời chỉ ra những
hạn chế, khuyết điểm và đưa ra các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh và nâng lên một tầm
cao mới việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bài viết: " Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở " của Đặng Đình Tân
- Đặng Minh Tuấn [111] đã đưa ra những nhận xét đánh giá, bước đầu về các
kết quả đạt được trong công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cấp xã trong quá
trình triển khai, thực hiện về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân
dân...Tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cấp
xã và đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cấp xã,
trong đó đặc biệt chú trọng vào giải pháp tăng cường vai trò lãnh đạo của các
cấp ủy đảng và huy động sự vào cuộc của các đoàn thể nhân dân.
Bài viết "Không thể có một nền dân chủ "hòa tan" ở Việt Nam" của tác giả
Bắc Hà [56] xuất phát từ thực trạng hiện nay ở Việt Nam có một số đối tượng xấu
lợi dụng công nghệ thông tin để xuyên tạc, bôi nhọ và vu khống Đảng, nhà nước ta
là vi phạm dân chủ, quyền con người tác giả đã phân tích sâu sắc dân chủ là gì từ đó
đưa ra lập luận: Nền dân chủ XHCN của Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử, bản chất
chính trị và từ những quy định về pháp lý, thực tiễn cách mạng Việt Nam minh
chứng điều đó. Chế độ xã hội và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã phải chống chọi
với các thế lực xâm lược hùng hậu trong các cuộc kháng chiến anh dũng bảo vệ Tổ
quốc kéo dài hơn 30 năm (1945-1975) với không biết bao nhiêu hy sinh xương máu
của đồng bào và chiến sĩ. Đó là thành quả đấu tranh của cả dân tộc, là
16
nguyện vọng của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ
đó, khẳng định không thể có một nền dân chủ "hòa tan" ở Việt Nam.
Bài viết " Thực hiện dân chủ cấp xã trong qúa trình đổi mới- thành tựu, vấn
đề và giải pháp" của Phạm Ngọc Quang [99] đã khẳng định chủ trương đúng
đắn của Đảng ta, tính khách quan, tất yếu của sự ra đời của Quy chế dân chủ ở
nước ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà
nước ta trong tiến trình dân chủ hóa xã hội; trách nhiệm của HTCT cơ sở trong
thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; qua phân tích một số thành
tựu nổi bật của hoạt động thực hiện DCCX, tác giả cũng chỉ rõ những những
khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, vấn đề đang đặt ra trong quá
trình thực hiện DCCX ở nước ta hiện nay; nêu và phân tích những giải pháp
nâng cao hiệu quả thực hiện DCCX đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tiến trình đổi
mới đất nước; trong đó nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức đảng, chính quyền và
đặt biệt là trưởng thôn trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ xã, phường, thị trấn.
Bài viết "Một số điển hình trong thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở" của Nguyễn
Thanh Huyền [75] trên cơ sở Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và
thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tháng 7-2018, tác giả đã tập hợp những tham luận, bài
học kinh nghiệm hay, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của
một số tỉnh, thành trong cả nước về xây dựng thành công nông thôn mới, xóa đói, giảm
nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương... là bài học kinh nghiệm cho các tỉnh
thành, trong đó có các tỉnh Tây Bắc nghiên cứu vận dụng, áp dụng.
Ngoài các bài viết kể trên, còn có một số bài viết khác như: " Thực hiện quy chế
dân chủ tạo điều kiện để Nhân dân giám sát bảo đảm chính quyền hoạt động có hiệu quả"
của Trần Hữu Thắng, Tạp chí Tổ chức Nhà nước năm 2005; " Đưa quy chế thực hiện
dân chủ vào cuộc sống" của Nguyễn Ninh Thực, Tạp chí tổ chức Nhà nước, năm 2005; "
Thực hiện Quy chế DCCX ở nông thôn" của Đỗ Thị Thạch, Tạp chí Lý Luận chính trị
năm 2006; " Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể xã,
phường, thị trấn- Giải pháp bảo đảm THPL về dân chủ cấp xã", của Nguyễn Thanh
Huyền, Tạp chí MTTQ, số 139, tháng 5/2015." Một vài suy nghĩ về kết quả 10 năm xây
dựng và thực hiện Quy chế DCCX ", Tạp chí Dân vận, số 07/2009; " Nâng cao hiệu quả
hoạt động quy chế DCCX " Hoàng Trọng Chính, Tạp chí Lao động và công đoàn, số
358/2006; " Vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật DCCX ở nước ta hiện nay" của
Quách Sĩ Hùng, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 06/2009... Các công
17
trình khoa học, bài viết nêu trên ở những mức độ khác nhau đã góp phần làm rõ
thêm các đặc điểm của quá trình THPL về DCCX ở nước ta trong những năm
qua; bước đầu tổng kết, nêu rõ những kết quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra
trong xây dựng và THPL về DCCX, các nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Chủ đề THPL về DCCX gắn với từng địa bàn, địa phương cụ thể đã trở thành
nhiều đề tài luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, cụ thể: Trần Quốc Huy (2005), Hoàn thiện
Quy chế thực hiện DCCX ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội. Phạm
Đăng Thình (2010), THPL về dân chủ ở các xã trên địa bàn huyện Từ Liêm, thành phố
Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Luật học. Nguyễn Thị Thu Hiền (2012), THPL dân chủ trực
tiếp của Nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Luận văn thạc sĩ Luật học; Đào Anh
Dũng (2012), THPL về DCCX cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Luận văn thạc sĩ Luật
học. Lại Thế Nguyên (2016), thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa, Luận văn thạc sĩ Luật học. Nguyễn Thị Nhài (2016), THPL về dân chủ ở các
phường trên địa bàn quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Luật học. Đỗ
Văn Dương (2014), THPL về dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các tỉnh Tây
Nguyên, Luận án tiến sĩ Luật học...
Những công trình kể trên đã tập trung phân tích cơ sở lý luận về THPL
về DCCX ; chỉ ra những thành tựu, kết quả đã đạt được và các hạn chế, bất cập
của quá trình THPL về DCCX, phân tích nguyên nhân; nêu lên những quan
điểm có tính chất chỉ đạo và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL về
DCCX đặt trong đặc thù của từng khu vực, từng địa phương.
1.2. CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU NƯỚC NGOÀI
1.2.1. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài có liên
quan đến đề tài
1.2.1.1. Về dân chủ, dân chủ cơ sở, xây dựng nền dân chủ
Nhóm tác giả: N.M.Voskresenskaia, N.B. Davletshina trong cuốn Chế độ dân
chủ, nhà nước và xã hội [145] đã trình bày nhiều vấn đề có liên quan về dân chủ.
Trong đó có phân tích các quan niệm khác nhau về dân chủ, giá trị dân chủ, cơ chế
dân chủ, thể chế dân chủ, cấu trúc của chế độ dân chủ, từ đó các tác giả khẳng
định: dân chủ XHCN theo mô hình Xô Viết là một chế độ toàn trị, xa lạ với nguyên
tắc, giá trị dân chủ cho nên nó đã trở thành quá khứ của nước Nga.
Thomas Meyer và Nicole Breyer trong cuốn sách: "Tương lai của nền dân chủ xã
hội" [120] đã phân tích, khẳng định dân chủ xã hội ra đời và phát triển trên cơ sở
18
sự không hoàn thiện của dân chủ tự do. Cuốn sách đã trình bày một cách đầy đủ
dự án dân chủ xã hội và những nhiệm vụ quan trọng nhất trong tương lai trong
thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, các quyền cơ bản về dân sự và chính trị phải
được bổ sung bằng các quyền xã hội và kinh tế, để tạo dựng được những điều
kiện sống có nhân phẩm cho tất cả mọi người. Tác giả cũng phân tích làm rõ sự
khác nhau giữa dân chủ xã hội và chủ nghĩa tự do thuần túy. Trên cơ sở đó, các
tác giả đã đưa ra những luận chứng về tương lai phát triển của dân chủ xã hội
với dân chủ tân tự do trong thế giới đương đại. Đây là những vấn đề rất mới mà
thế giới đang đặt ra và đồng thời là những vấn đề của những người nghiên cứu
về dân chủ đang quan tâm cả về lý luận và thực tiễn.
Nhóm giáo sư Hoa Kỳ: Michael Alvarez, Fernando Limongi, Jose Antonio
Cheibub và Adam Przeworski trong cuốn sách: "What makes Democracies
Endure?" (Điều gì làm nên các nền dân chủ bền vững?) [153]. Nội dung cuốn
sách: trên cơ sở kết quả khảo sát 135 quốc gia trên thế giới nhóm tác giả đưa ra
nhận định mức độ thu nhập bình quân đầu người phản ánh mức độ dân chủ của
các nước. Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định: sự tăng trưởng kinh tế là yếu tố
quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của nền dân chủ.
Nhóm các nhà nghiên cứu chính trị độc lập Olof Petersson, Joergen
Hermansson, Michele Micheletti, Anders Westholm với cuốn sách: Dân chủ và
lãnh đạo [95]. Nội dung cuốn sách là tập hợp báo cáo của tổ chức đánh giá dân
chủ Thụy Điển năm 1996, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng về dân chủ
ở Thụy Điển, các tác giả đã đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu của dân chủ hiện nay để
đánh giá tình hình dân chủ của Thụy Điển như: Hội đồng lập pháp phải được
bầu ra thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu tự do, các cuộc tổng tuyển cử phải
được diễn ra đều đặn, các quy trình bỏ phiếu đúng đắn phải được tuân thủ và
không được phép có yếu tố cưỡng bức.
Robert Alan Dalh trong cuốn sách" Democracy and its Critics" (Dân chủ và
sự phê phán) [154] Tác giả đã khẳng định quyền lực nhà nước là quyền lực gốc của
Nhân dân, do đó, một nền dân chủ phải có sự chế ước lẫn nhau giữa các chủ thể
trong xã hội. Tuy nhiên mỗi một chế độ dân chủ được duy trì, phát triển còn phục
thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, truyền thống dân tộc của mỗi quốc gia khác
nhau. Ông cho rằng để đạt tới nền dân chủ lý tưởng cần phải đạt được 05 tiêu chí về
dân chủ đó là: Fffective participation (Sự tham gia hiệu quả); Voting equality at the
19
decisive stage (bình đẳng công bằng trong bầu cử); Enlightened understanding
(sự hiểu biết sâu sắc); Control of the agenda (kiểm soát các chương trình nghị
sự); Inclusiveness (tính toàn diện).
Virginia Beramandi, Andrew Elis và các tác giả khác trong cuốn Dân chủ
trực tiếp- Sổ tay IDEA quốc tế [19] nội dung cuốn sách cung cấp các thông tin về
việc vận dụng dân chủ trực tiếp, nhất là trưng cầu ý dân, sáng kiến công dân,
sáng kiến chương trình nghị sự và bãi miễn được thực hiện ở các vùng trên thế
giới. Ở đây dân chủ được tiếp cận theo nghĩa là chế độ chính trị, hệ thống tổ
chức quyền lực và cơ chế, quy trình vận hành hệ thống dân chủ; cuốn sách cũng
đưa ra các khuyến nghị và bài học thực tiễn trong vận dụng dân chủ trực tiếp ở
các vùng trên thế giới trên cơ sở đánh giá điển hình ở một số quốc gia như ở
Thụy Sĩ, Uruguay, Venezuela, Hungary và bang Oregan (Hoa Kỳ) về các hoạt
động trưng cầu dân ý, sáng kiến chương trình nghị sự và bãi miễn…
Bài viết Về nền dân chủ và pháp luật những bước tiến mới trong lý luận và phân
tích của Neal Tate C [108]. Bài viết là tập hợp phản ánh những nội dung cơ bản các bài
viết của nhiều tác giả về các công trình nghiên cứu lý thuyết và thực tế về một chủ đề
quan trọng để hiểu rõ nền dân chủ và quá trình dân chủ hoá. Các công trình nghiên cứu
ở 22 quốc gia thuộc các châu lục khác nhau có truyền thống dân chủ khác nhau như:
Braxil, Canada, Mỹ (Châu Mỹ); Đức, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hy
Lạp, IreLand, North Ireland, ItaLia, Luxembuorg, Hà Lan, Bồ Đào Nha (Châu Âu);
Bungaria, Hungary, Ba Lan (Đông Âu); Ấn Độ và Philippines (Châu Á ).
Bài viết "Dân chủ và tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội" của O.T.
Bogomolov [96], tác giả đã trình bày các nguyên tắc nền tảng của dân chủ; cuộc
khủng hoảng của dân chủ phương Tây; mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển
ở các nước trên thế giới và Nga. Tác giả nhận định: chính từ những thành tựu
mà Liên Xô đạt được đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự ra đời của mô hình nhà
nước phúc lợi, do vậy việc Nga xây dựng nhà nước phúc lợi là niềm mong đợi
của nhiều người và phù hợp với kinh nghiệm lịch sử.
Bài viết "Thành tựu 30 năm công tác xây dựng Đảng cộng sản Trung Quốc"
của Tập Cận Bình [20] trong tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu tổng kết 30
năm đổi mới, tác giả khẳng định:muốn thúc đẩy dân chủ trong toàn xã hội, lấy hài
hòa trong nội bộ Đảng để thúc đẩy hài hòa trong toàn xã hội cần phải tăng cường
dân chủ trong Đảng vì dân chủ trong Đảng là "tính mạng của Đảng" nếu không có
dân chủ là không thể có CNXH và không thể hiện đại hóa XHCN được.
20
1.2.1.2. Về thực hiện pháp luật, thực hiện pháp luật về dân chủ Montesquieu
trong cuốn sách Bàn về tinh thần pháp luật [87] đã phác họa
những nét cơ bản về một xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, trong đó ba quyền:
lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau và tương tác lẫn nhau để đảm bảo tính
công bằng xã hội và phát triển đất nước dưới quyền cai trị của một ông vua sáng. Đây
được coi là là tác phẩm " mở đường" cho dân chủ tư sản Pháp, bởi lẽ, dưới góc độ luật
học thì những đề cập và lý giải về vấn đề lý luận và thực tiễn trong tác phẩm vẫn có giá
trị tham khảo cho đến ngày nay. Trong tác phẩm này trên nguyên tắc và hiện thực của
các thể chế khác nhau, ông cho rằng: " phải có cái gì trong sáng vô tư, cao cả" vì một xã
hội bình đẳng, bác ái và hạnh phúc của con người.
Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp Liên Xô (cũ) trong cuốn sách: Lý
luận về nhà nước và pháp luật [23] Tại Chương XIII có đề cập, phân tích nội
dung các hình thức thực hiện pháp luật, bao gồm tuân thủ pháp luật, chấp hành
pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Cuốn sách cũng đề cập đến
những yêu cầu đối với văn bản áp dụng pháp luật: phải nêu rõ được cơ quan
ban hành, thời gian ban hành, đối tượng thực hiện, quyết định giải quyết vấn
đến gì, những căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn khi ban hành quyết định,
người ký văn bản và các giai đoạn của quá trình áp dụng pháp luật...
Cuốn sách Gestion locale et autogestion en France ( Quản lý địa phương và tự
quản ở Pháp) của B.P. Cerebrennikov [147] đã tập trung nghiên cứu về các đặc
trưng của quản lý địa phương và tự quản ở Pháp trong sự so sánh với một số các
quốc gia khác (Anh, Mỹ, Canada..); các quy định của Hiến pháp về tự quản địa
phương và thực hiện các quy định pháp luật về tự quản; quản lý công xã và tự
quản; địa vị pháp lý của công xã. Qua phân tích so sánh đã chỉ ra những hạn chế
trong những quy định tự quản của Pháp, từ đó tác giả nhận định: ở Pháp chú trọng
đến xây dựng nền hành pháp, tổ chức quyền lực theo truyền thống tập trung nên
quyền tự quản, tự quyết của cộng đồng địa phương còn nhiều hạn chế.
Matinne Lombard và Gille Dumont trong cuốn Pháp luật hành chính của
Cộng hoà Pháp [80]. Trong cuốn sách này, lần đầu tiên thuật ngữ dân chủ ở địa
phương được đề cập; nội hàm của thuật ngữ đề cập tới các quyền được minh bạch
trong quản lý hành chính ở địa phương, theo đó, DCCX phải gắn với quyền lực
Nhân dân, do Nhân dân quyết định. Dân chủ ở cấp xã phải được thể hiện dưới hình
thức trưng cầu dân ý, tham khảo, lấy ý kiến Nhân dân cấp xã trước khi chính quyền
21
đưa ra các quyết định, trên cơ sở đó, Nhân dân trực tiếp thông qua các quyết
định mà chính quyền xã ban hành.
Luận án tiến sĩ triết học Dân chủ hóa với quá trình xây dựng chế độ dân chủ Nhân
dân ở Lào hiện nay của tác giả Dao Hương Sintanac [33] đã phân tích sự ra đời, phát
triển, đặc trưng, thực trạng của chế độ dân chủ Nhân dân ở Lào. Trong đó, tác giả
khẳng định: chế độ dân chủ Nhân dân chưa phải là chế độ dân chủ XHCN với những
đặc trưng đầy đủ của nó nhưng nó khác hẳn với chế độ dân chủ tư sản. Xây dựng chế
độ dân chủ Nhân dân ở Lào theo yêu cầu của quá trình dân chủ hóa cần tạo lập các điều
kiện kinh tế, chính trị, văn hóa cần thiết; phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần,
đổi mới HTCT và nâng cao dân trí, xây dựng ý thức pháp quyền.
Luận án tiến sĩ triết học Vấn đề xây dựng chế độ dân chủ Nhân dân Lào
hiện nay của tác giả Khăm Phon Bun Na Di [78] đã phân tích quá trình xây
dựng phát triển chế độ dân chủ Nhân dân ở Lào; lịch sử ra đời, phát triển, quan
điểm đổi mới của Đảng Nhân dân cách mạng Lào ở các mặt kinh tế, xã hội,
chính trị...thực trạng và giải pháp xây dựng chế độ dân chủ Nhân dân ở Lào
trên các nội dung kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hoạt động đối ngoại
Bài viết Mô hình nhà nước phúc lợi của phương Tây của Hà Tử Anh [2] từ việc
trình bày nguồn gốc sự hình thành và tái cơ cấu nhà nước phúc lợi phương Tây tác
giả đã chỉ rõ thực chất của mô hình nhà nước phúc lợi phương Tây, đó là: Chủ
nghĩa thị trường tự do; CNXH dân chủ; Chủ nghĩa hợp tác bảo thủ. Theo tác giả
thông qua việc tăng thêm cung cấp phúc lợi xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu
tối đa thất nghiệp... sẽ đảm bảo được quyền lợi xã hội của mỗi công dân, từ đó kinh
tế sẽ phát triển bền vững và ổn định. Do vậy, nhà nước phúc lợi sẽ giúp cân bằng
giữa phát triển thị trường với sự thúc đẩy công bằng xã hội, là mô hình tối ưu.
1.2.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về nước ngoài của các nhà khoa học
Việt Nam có liên quan đến đề tài
Cuốn sách: "Trào lưu xã hội dân chủ ở một số nước Phương Tây hiện đại" của
Tống Đức Thảo và Bùi Việt Hương [115] đã khái quát trào lưu xã hội dân chủ,
nguồn gốc, nội dung, bản chất, các giai đoạn phát triển của trào lưu xã hội dân chủ
ở các nước phương Tây; những ảnh hưởng trào lưu dân chủ cũng như bối cảnh
hậu chiến tranh lạnh đến sự phát triển của trào lưu xã hội dân chủ ở các nước
phương tây. Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến tác động của trào lưu xã hội dân
chủ đối với đời sống CT-XH ở các nước phương tây hiện nay, những giá trị cũng
như những hạn chế, ảnh hưởng của trào lưu dân chủ đối với Việt Nam.