Tải bản đầy đủ (.pdf) (281 trang)

Lời nói giới thiệu và tự giới thiệu trong tiếng Việt (Có liên hệ với tiếng Anh)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.66 MB, 281 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
-----------------------

TƯỞNG THỊ PHƯƠNG LIÊN

LỜI NÓI GIỚI THIỆU VÀ TỰ GIỚI THIỆU
TRONG TIẾNG VIỆT (có liên hệ với tiếng Anh)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC

HÀ NỘI, 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
-----------------------

TƯỞNG THỊ PHƯƠNG LIÊN

LỜI NÓI GIỚI THIỆU VÀ TỰ GIỚI THIỆU
TRONG TIẾNG VIỆT (có liên hệ với tiếng Anh)

Ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9.22.90.20

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGÔ HỮU HOÀNG



HÀ NỘI, 2019


LỜI CAM ĐOAN
Đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những tư liệu và số liệu trong
luận án là trung thực do tôi thực hiện. Đề tài nghiên cứu và các kết luận chưa
được ai công bố.

Tác giả luận án

Tưởng Thị Phương Liên


BẢNG KÍ HIỆU CHỮ VIẾT TẮT

SP1:

Người nói/ Chủ thể giao tiếp

SP2:

Người nghe/Đối thể giao tiếp

BT:

Biểu thức

TP:


Thành phần

X:

Đối tượng được giới thiệu

ĐTNV:

Động từ ngữ vi

NDGT:

Nội dung giới thiệu

LNGT:

Lời nói giới thiệu

LNTGT:

Lời nói tự giới thiệu


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SƠ LÍ LUẬN ...... 6
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ...................................................................... 6
1.1.1. Tình hình nghiên cứu lời nói trong sự kiện giao tiếp ................................. 6
1.1.2. Tình hình nghiên cứu lời nói giới thiệu và tự giới thiệu .......................... 11
1.2. Cơ sở lý thuyết .................................................................................................. 19

1.2.1. Một số vấn đề về giao tiếp ....................................................................... 19
1.2.2. Sự kiện giao tiếp (speech event) .............................................................. 29
1.2.3. Lý thuyết hành vi ngôn ngữ (speech acts) ................................................ 35
1.2.4. Phát ngôn ngữ vi, biểu thức ngữ vi và động từ ngữ vi ............................. 37
1.2.5. Lời nói giới thiệu và tự giới thiệu............................................................. 39
1.3. Tiểu kết chương 1 ............................................................................................. 41
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM LỜI NÓI GIỚI THIỆU VÀ TỰ GIỚI THIỆU
TIẾNG VIỆT TRONG GIAO TIẾP QUY THỨC (CÓ LIÊN HỆ VỚI
TIẾNG ANH) ........................................................................................................... 43
2.1. Đặt vấn đề ......................................................................................................... 43
2.2. Đặc điểm lời nói giới thiệu quy thức tiếng Việt trong phạm vi giao tiếp
chính trị - xã hội (liên hệ với tiếng Anh) ............................................................... 43
2.2.1. Các nhân tố giao tiếp trong phạm vi chính trị - xã hội ............................. 43
2.2.2. Các biểu thức lời nói giới thiệu quy thức trong phạm vi chính trị - xã hội ..... 50
2.2.3. Các thành phần trong nội dung giới thiệu quy thức trong phạm vi
chính trị - xã hội.................................................................................................. 68
2.2.4. Các thành phần khác của lời nói giới thiệu quy thức trong phạm vi
chính trị - xã hội.................................................................................................. 72
2.3. Đặc điểm lời nói tự giới thiệu quy thức tiếng Việt trong phạm vi vui
chơi giải trí ( liên hệ với tiếng Anh) ....................................................................... 78
2.3.1. Các nhân tố giao tiếp trong phạm vi vui chơi giải trí ............................... 78
2.3.2. Các biểu thức lời nói tự giới thiệu quy thức trong phạm vi vui chơi
giải trí .................................................................................................................. 81


2.3.3. Các thành phần trong nội dung lời nói tự giới thiệu quy thức trong
phạm vi vui chơi giải trí...................................................................................... 89
2.4. Tiểu kết chương 2 ........................................................................................... 104
Chương 3: ĐẶC ĐIỂM LỜI NÓI GIỚI THIỆU VÀ TỰ GIỚI THIỆU PHI
QUY THỨC TIẾNG VIỆT (CÓ LIÊN HỆ VỚI TIẾNG ANH)....................... 107

3.1. Đặt vấn đề ....................................................................................................... 107
3.2. Đặc điểm lời nói giới thiệu và tự giới thiệu phi quy thức tiếng Việt
trong phạm vi giao tiếp hàng ngày (có liên hệ với tiếng Anh) .......................... 107
3.2.1. Các nhân tố giao tiếp trong phạm vi giao tiếp hàng ngày ...................... 107
3.2.2. Các biểu thức lời nói giới thiệu phi quy thức trong tiếng Việt trong
phạm vi giao tiếp hàng ngày (có liên hệ với tiếng Anh) .................................. 111
3.2.3. Các biểu thức lời nói tự giới thiệu phi quy thức tiếng Việt trong phạm
vi giao tiếp hàng ngày (có liên hệ với tiếng Anh) ............................................ 123
3.2.4. Các thành phần trong nội dung lời nói giới thiệu và tự giới thiệu phi quy
thức tiếng Việt trong phạm vi giao tiếp hàng ngày (liên hệ với tiếng Anh) ......... 136
3.3. Tiểu kết chương 3 ........................................................................................... 151
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 154
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ.................... 159
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................. 160


DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.0a. Các sự kiện giao tiếp cấp nhà nước trong phạm vi chính trị - xã hội ........44
Bảng 2.0b. Các sự kiện ở các cấp chính quyền địa phương trong phạm vi chính
trị - xã hội ................................................................................................................44
Bảng 2.0c. Các sự kiện giao tiếp cấp nhà nước trong phạm vi chính trị - xã hội. .......45
Bảng 2.0d. Các sự kiện giao tiếp các cấp chính quyền địa phương trong phạm vi
chính trị - xã hội .....................................................................................................45
Bảng 2.1. Các biểu thức LNGT tiếng Việt và tiếng Anh trong phạm vi chính trị
xã hội .......................................................................................................................50
Bảng 2.2. Mức độ sử dụng hình thức giới thiệu trực tiếp và gián tiếp quy thức
tiếng Việt và tiếng Anh trong phạm vi chính trị - xã hội ...................................52
Bảng 2.3. Các thành phần trong nội dung giới thiệu quy thức tiếng Việt và tiếng
Anh- Mỹ trong phạm vi chính trị - xã hội............................................................68
Bảng 2.4. Các từ xưng hô trong LNGT quy thức tiếng Việt và tiếng Anh trong

phạm vi chính trị - xã hội ......................................................................................73
Bảng 2.5. Các biểu thức LNTGT quy thức tiếng Việt và tiếng Anh trong phạm vi
vui chơi giải trí........................................................................................................81
Bảng 2.6. Mức độ sử dụng họ tên trong lời nói giới thiệu và tự giới thiệu tiếng
Việt và tiếng Anh trong phạm vi vui chơi giải trí ...............................................91
Bảng 2.7. Các câu hỏi tên tiếng Việt và tiếng Anh trong các chương trình giải trí
trên truyền hình ......................................................................................................93
Bảng 2.8. Các thành phần biểu thái được sử dụng trong lời nói tự giới thiệu của
người tham gia trong các chương trình giải trí trên truyền hình Việt Nam ... 100
Bảng 3.1. Các biểu thức LNGT phi quy thức tiếng Việt và tiếng Anh trong phạm
vi giao tiếp hàng ngày ......................................................................................... 112
Bảng 3.2. Các từ tăng cường tiếng Việt phi quy thức trong phạm vi giao tiếp
hàng ngày ............................................................................................................. 147
Bảng 3.3. Các từ xưng hô tiếng Việt trong phạm vi giao tiếp hàng ngày ................. 147
Bảng 3.4. Các tiểu từ tình thái tiếng Việt trong phạm vi giao tiếp hàng ngày .......... 149
Bảng 3.5. Các thán từ trong tiếng Anh trong phạm vi giao tiếp hàng ngày .............. 150


DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Biểu đồ 2.1. Các biểu thức lời nói giới thiệu quy thức tiếng Việt và tiếng Anh
trong phạm vi chính trị - xã hội ............................................................................52
Biểu đồ 2.2. Các động từ tiếng Việt trong biểu thức lời nói giới thiệu gián tiếp
quy thức trong phạm vi chính trị - xã hội ............................................................67
Biểu đồ 2.3. Các động từ/cụm từ tiếng Anh trong biểu thức lời nói giới thiệu gián
tiếp trong phạm vi chính trị - xã hội .....................................................................67
Biểu đồ 2.4. Từ xưng hô trong LNGT quy thức tiếng Việt và tiếng Anh trong
phạm vi chính trị - xã hội ......................................................................................76
Biểu đồ 2.5. Các từ tăng cường trong lời nói giới thiệu quy thức tiếng Việt trong
phạm vi chính trị - xã hội ......................................................................................77
Biểu đồ 2.6. Từ tăng cường trong lời nói giới thiệu quy thức tiếng Anh ở phạm

vi chính trị - xã hội .................................................................................................78
Biểu đồ 2.7. Các biểu thức tự giới thiệu quy thức tiếng Việt và tiếng Anh trong
phạm vi vui chơi giải trí.........................................................................................83
Biểu đồ 2.8. Các thành phần trong nội dung biểu thức lời nói tự giới thiệu tiếng
Việt và tiếng Anh trong phạm vi vui chơi giải trí ...............................................90
Biểu đồ 2.9. Từ tự xưng trong tiếng Việt và tiếng Anh trong phạm vi vui chơi
giải trí.......................................................................................................................97
Biểu đồ 2.10. Các thành phần biểu thái trong LN TGT quy thức tiếng Việt trong
phạm vi vui chơi giải trí...................................................................................... 103
Biểu đồ 3.1. Các biểu thức lời nói giới thiệu phi quy thức tiếng Việt và tiếng Anh
trong phạm vi giao tiếp hàng ngày .................................................................... 113
Biểu đồ 3.2. Các biểu thức lời nói tự giới thiệu phi quy thức tiếng Việt và tiếng
Anh trong phạm vi giao tiếp hàng ngày ............................................................ 125
Biểu đồ 3.3 Các thành phần trong nội dung LNGT phi quy thức tiếng Việt và
tiếng Anh trong phạm vi giao tiếp hàng ngày .................................................. 136
Biểu đồ 3.4 Các thành phần trong nội dung LN TGT phi quy thức tiếng Việt và
tiếng Anh trong phạm vi giao tiếp hàng ngày .................................................. 142


MỞ ĐẦU
1. Lí do lựa chọn đề tài
Ngày nay ngôn ngữ học hiện đại phát triển mạnh mẽ vượt theo xu thế
toàn diện ở dạng hoạt động dưới sự chế định của các nhân tố văn hóa xã hội,
chứ không bó hẹp ở dạng ngôn ngữ cấu trúc. Xu thế nghiên cứu ngôn ngữ
trong giao tiếp đang nở rộ và đạt được những thành tựu đáng kể, đem lại
những hiệu quả lớn lao về mặt lí luận và thực tiễn.
Với những quy định khắt khe của quy tắc xã hội, của đặc trưng tâm lý,
văn hóa dân tộc quy định cách thức giao tiếp lời nói của mỗi cộng đồng ngôn
ngữ, nên mỗi một hành vi nói như chào, cám ơn, xin lỗi, mời mọc, từ chối, yêu
cầu, khen v.v.. đều có những biểu thức với vai trò hành chức riêng của nó

trong giao tiếp và hành vi giới thiệu và tự giới thiệu không phải là một ngoại
lệ. Có thể nói, xã hội nào ở mọi thời kì cũng cần có hành vi này, đặc biệt là
trong xã hội hiện đại, do giao lưu rộng mở nên việc giới thiệu lại cần hơn bao
giờ hết, vì nó giúp cho mối quan hệ giữa con người khi giao tiếp nhanh chóng
“biết về nhau”, rút ngắn thời gian “tìm hiểu”. Vì vậy, người tham gia giao tiếp
cần có sự lựa chọn biểu thức nói sao cho thích nghi, phù hợp với bối cảnh giao
tiếp, mục đích giao tiếp... bộc lộ thái độ lịch sự, tránh vi phạm về thể diện để duy
trì mối quan hệ khi giao tiếp nên việc sử dụng ngôn ngữ khi giới thiệu, theo đó,
cũng là một sự lựa chọn ngôn ngữ gắn với bối cảnh ngôn ngữ-xã hội-văn hóa.
Nghiên cứu LNGT và TGT sẽ góp phần vào nghiên cứu lựa chọn ngôn ngữ trong
sử dụng ở các phạm vi giao tiếp quy thức và phi quy thức của cộng đồng giao
tiếp ở Việt Nam, đồng thời kết quả khảo sát có liên hệ với dữ liệu tiếng Anh
trong ngữ cảnh tương đồng sẽ giúp củng cố thêm kết quả nghiên cứu.
Cho đến nay, theo hiểu biết bước đầu của chúng tôi, hầu như chưa có
nghiên cứu nào chuyên sâu, hệ thống về hành vi nói này. Vì thế, một nghiên
cứu về lời nói giới thiệu và tự giới thiệu, trên cơ sở lấy tiếng Việt (có liên hệ
với tiếng Anh) cho phép tìm ra những đặc điểm ngôn ngữ, các biểu thức sử
dụng theo những quy tắc vận hành ngôn ngữ và những quy tắc về văn hóa của
từng dân tộc.

1


2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc nghiên cứu LNGT và TGT quy thức và phi quy thức
trong tiếng Việt và tiếng Anh, luận án góp phần vào chứng minh cho lí thuyết
của ngữ dụng học về hành vi ngôn ngữ, lí thuyết của ngôn ngữ học xã hội về
các nhân tố trong giao tiếp, phong cách ngôn ngữ, ngữ vực, sự kiện giao tiếp.
Đồng thời, nghiên cứu chỉ ra đặc điểm LNGT và TGT, đưa ra các biểu thức và

đặc điểm ngôn ngữ trong trong phạm vi chính trị - xã hội, phạm vi vui chơi
giải trí và phạm vi giao tiếp hàng ngày. Đồng thời, luận án liên hệ với LNGT
và TGT trong tiếng Anh để chỉ ra những tương đồng và đặc điểm dị biệt về
các biểu thức LNGT và TGT khi sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Từ mục đích trên, luận án đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu như sau:
1) Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu, luận án tổng hợp một số
nội dung cơ bản về vấn đề lí thuyết của ngữ dụng học như lí thuyết hành vi
ngôn ngữ và lí thuyết về giao tiếp nhìn từ góc độ dụng học xã hội.
2) Chỉ ra những đặc điểm về LNGT và TGT trong tiếng Việt và tiếng
Anh nói riêng bằng cách phân tích các nhân tố giao tiếp, khảo sát và chỉ ra các
biểu thức lời nói và những đặc điểm ngôn ngữ trong giao tiếp quy thức và phi
quy thức ở phạm vi chính trị - xã hội, phạm vi vui chơi giải trí và phạm vi giao
tiếp hàng ngày.
3) Chỉ ra các nhân tố văn hoá-xã hội, chính trị tác động đến LNGT và
TGT trong tiếng Việt và tiếng Anh hiện nay.
3. Phương pháp và thủ pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp và thủ
pháp sau:
3.1. Phương pháp miêu tả
Dựa trên kết quả khảo sát được, tiến hành miêu tả những biểu hiện cụ
thể trong LNGT và TGT để thấy được các nhân tố giao tiếp, các nhân tố ảnh
hưởng và chi phối đến từng lời nói giới thiệu quy thức trong các buổi lễ trong

2


phạm vi chính trị và LNTGT của người tham gia các chương trình giải trí trên
truyền hình, và các LNGT và TGT trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, gia
đình trong phạm vi giao tiếp hàng ngày trong tiếng Việt và tiếng Anh. Trên cơ

sở đó, chỉ ra những đặc điểm nổi bật, những điểm giống và khác nhau trong
từng phương diện, phạm vi nghiên cứu của đề tài.
3.2. Phương pháp phân tích diễn ngôn, phân tích hội thoại
Dựa vào kết quả thống kê, tiến hành phân tích các diễn ngôn LNGT và
TGT để thấy được những biểu thức lời nói và đặc điểm ngôn ngữ trong văn
hoá giao tiếp của Việt Nam và Mỹ. Qua đó, chỉ ra được mối quan hệ cũng như
sự chi phối giữa lí thuyết và thực tế sử dụng ngôn ngữ; đồng thời, chỉ ra sự
tương tác giữa ngôn ngữ trong hệ thống và nghĩa ngữ dụng trong hai ngôn
ngữ.
3.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Thông qua kết quả thống kê, tiến hành so sánh, đối chiếu để thấy được
những điểm tương đồng và khác biệt của lời nói giới thiệu và tự giới thiệu trên
từng phương diện cụ thể ở những sự kiện chính trị - xã hội, vui chơi giải trí và
giao tiếp hàng ngày trong tiếng Việt và tiếng Anh – Mỹ từ năm 2000 đến nay.
Trong luận án chúng tôi không đối chiếu song song giữ tiếng Việt và tiếng
Anh – Mỹ mà đối chiếu một chiều, lấy tiếng Việt là ngôn ngữ nguồn.
Sử dụng thủ pháp này còn để so sánh và đánh giá sự khác nhau về cấu
trúc, các thành phần trong nội dung lời nói giới thiệu và tự giới thiệu các thói
quen sử dụng biểu thức ngôn ngữ, giao tiếp xưng hô… Từ đó thấy được sự chi
phối của các nguyên lí giao tiếp, nghi thức lời nói tới các lĩnh vực của LNGT
và TGT. Để cụ thể hoá các phương pháp trên, chúng tôi sử dụng thủ pháp
nghiên cứu sau:
3.4. Thủ pháp thống kê, phân loại
Khảo sát và thống kê sự xuất hiện của các LNGT các đại biểu, khách
mời trong phạm vi chính trị - xã hội; các LNTGT của những người tham gia
các chương trình truyền hình trong phạm vi vui chơi giải trí và các LNGT và
TGT trong giao tiếp hàng ngày. Trong luận án, chúng tôi thống kê và đếm các

3



LNGT theo cặp thoại giữa SP1 (người dẫn chương trình, người điều hành buổi
lễ) và SP2 (khán giả); LNTGT theo cặp thoại/hội thoại giữa SP1 (người tham
gia sự kiện) với SP2 (người dẫn chương trình, thành viên ban giám khảo, khán
giả); các LNGT và TGT theo cặp thoại/hội thoại giữa bạn bè, đồng nghiệp,
con cái, cha mẹ, hàng xóm, người quen, người mới gặp của nhau trong các
buổi gặp mặt, giao lưu, trò chuyện... trên phần mềm word và excel. Nhận định
và đánh giá mà luận án đưa ra dựa vào tình hình khảo sát thống kê và phân
loại hơn 1003 cặp thoại/hội thoại lấy từ nguồn tư liệu trên.
4. Đối tượng, phạm vi và tư liệu nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu, khảo sát của luận án này là LNGT và TGT tiếng
Việt và tiếng Anh – Mỹ trong một số lĩnh vực chính trị - xã hội, phạm vi vui
chơi giải trí và phạm vi giao tiếp hàng ngày. Các yếu tố phi lời như bắt tay,
mỉm cười, ra dấu hiệu, nháy mắt,... không được xem xét đến trong luận án
này.
Tư liệu mà chúng tôi thu thập là từ giao tiếp trực tiếp bằng lời nói.
Luận án tiến hành thu thập tư liệu bằng cách ghi chép lại 1003 cặp
thoại/hội thoại LNGT và TGT của 254 sự kiện từ năm 2006 đến 2018 ở
các nguồn:
- Nguồn ghi âm các hoạt động giao tiếp ở phạm vi giao tiếp hàng ngày ,
gồm 75 cặp thoại / hội thoại LNGT và 78 cặp thoại / hội thoại LNTGT tiếng
Việt.
- Nguồn ngữ liệu trên các kênh truyền hình VTV1, VTV3 của đài truyền
hình Việt Nam và trên các kênh Star movie, Disney; trên mạng Internet ở các
kênh

www.Youtube.com,

www.studyphim.vn,


www.bilutv.com,

www.phimmoi.net, www.hochoctv.com, www.c-span.org. Cụ thể:
+ Các sự kiện giao tiếp hàng ngày trong các bộ phim: 7 cặp thoại / hội
thoại LNGT và TGT tiếng Việt; 30 cặp thoại / hội thoại LNGT và TGT
+ Các sự kiện trong phạm vi chính trị - xã hội: 223 cặp thoại / hội thoại
LNGT và TGT tiếng Việt ; 124 cặp thoại / hội thoại LNGT và TGT trong
tiếng Anh.

4


+ Các sự kiện trong phạm vi vui chơi giải trí: 302 cặp thoại / hội thoại
LNGT và TGT tiếng Việt; 165 cặp thoại / hội thoại tiếng Anh.
Ngoài ra, luận án cũng sử dụng kết quả nghiên cứu liên quan khác nhằm
củng cố nhận định của luận án cũng như làm sáng tỏ vấn đề đang nghiên cứu.
5. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
5.1. Ý nghĩa lí luận
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần vào nghiên cứu lời nói
trong giao tiếp của người Việt. Từ việc nghiên cứu LNGT và TGT trong tiếng
Việt (có liên hệ với tiếng Anh – Mỹ) thấy được chiến lược giao tiếp của mỗi
dân tộc, cộng đồng gắn với các đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá - xã hội của các
dân tộc, cộng đồng đó.
5.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu giúp tăng cường hiệu quả giao tiếp của người Việt
trong môi trường giao tiếp quy thức và phi quy thức. Đồng thời, kết quả khảo
sát liên hệ với các biểu thức LNGT và TGT tiếng Anh trong các ngữ cảnh
giống nhau có thể trở thành tư liệu cho người Việt học tiếng Anh. Kết quả đó
có thể vận dụng vào đời sống giao tiếp hằng ngày hay các mô hình rèn luyện
kĩ năng sống cho người Việt trẻ hiện nay; có thể ứng dụng vào nghiên cứu,

giảng dạy trong các nhà trường, đặc biệt trong giảng dạy ngoại ngữ ở Việt
Nam.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung
chính của luận án được cấu trúc thành 3 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và Cơ sở lí luận..
Chương 2. Đặc điểm lời nói giới thiệu và tự giới thiệu tiếng Việt trong
giao tiếp quy thức (có liên hệ với tiếng Anh)
Chương 3. Đặc điểm lời nói giới thiệu và tự giới thiệu tiếng Việt trong
giao tiếp phi quy thức (có liên hệ với tiếng Anh )

5


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SƠ LÍ LUẬN
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu lời nói trong sự kiện giao tiếp
Ngữ dụng học đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là ở thời điểm những lý
thuyết về dụng học của Austin (1962), Searl (1969), Brown & Levinson
(1987), Leech (1983) xuất hiện. Những nghiên cứu về lý thuyết và những
nghiên cứu cụ thể trở thành một chuyên ngành có sức lôi cuốn đặc biệt tới các
nhà ngôn ngữ học. Chính sự phát triển này đã tạo đà cho các nhà ngôn ngữ
học quan tâm nhiều hơn những vấn đề liên quan đến lời nói trong sự kiện giao
tiếp. Qua tìm hiểu, chúng tôi đưa ra một số hướng nghiên cứu tiêu biểu sau:
1.1.1.1. Hướng nghiên cứu lời nói theo cấu trúc hệ thống
Ở hướng nghiên cứu này, theo quan sát chúng tôi chỉ có một số nghiên
cứu về mô hình sử dụng các hành vi ngôn ngữ thông dụng trong giao tiếp theo
nghi thức lời nói.
Tiêu biểu phải kể đến nghiên cứu “Cách dùng nghi thức lời nói tiếng

Nga” của N.I. Phơrơmanốpxcaia (1987) [59]. Trong công trình này, tác giả
miêu tả và phân loại các hành vi ngôn ngữ như xưng hô, thu hút sự chú ý, làm
quen, chào hỏi, tạm biệt, chúc mừng, chúc tụng, cảm ơn, xin lỗi, mời, khuyên
nhủ-đề nghị, an ủi-cảm thông-chia buồn, khen ngợi-tán đồng, nói chuyện điện
thoại. Tất cả những hành vi ngôn ngữ đó được minh họa qua băng ghi âm,
những ví dụ được trích trong các tác phẩm văn học. Đây là một công trình
nghiên cứu chứa đựng lượng kiến thức phong phú lý giải cho nghi thức lời nói
mặc dù có thiên hướng nhiều về thực hành.
Sau đó N.I. Phơrơmanốpxcaia cùng A.A Akisina xuất bản cuốn sách
về“Nghi thức lời nói Nga” (1987) [1]. Các tác giả đưa ra một loạt bảng biểu
mẫu, tình huống sử dụng và diễn giải theo từng nhóm đề tài, kèm theo là các
ví dụ minh họa và một số hội thoại trong tình huống cụ thể. Trong phần hội
thoại có cả đối đáp và phản đáp từ những dẫn liệu tiêu biểu, sinh động và
phong phú đầy tính thiết thực và hữu dụng.

6


Cùng với sự phát triển không ngừng các nghiên cứu trên thế giới về lời
nói trong sự kiện giao tiếp, ở trong nước đã có một số nhà ngôn ngữ học quan
tâm và đi sâu tìm hiểu về lời nói và nghi thức lời nói.
Thái Duy Bảo (1988) [69] “đối chiếu nghi thức lời nói đối thoại Anh –
Việt”, tác giả đi vào miêu tả, đối chiếu các khuôn mẫu nghi thức lời nói trong
năm phạm trù “giao tế” cơ bản và nêu lên những đặc trưng của các hành vi
ngôn ngữ như: hành vi xưng hô, chào hỏi, tiễn biệt, cảm ơn, xin lỗi, mời, yêu
cầu, v.v. Đồng thời, luận án còn nêu điều kiện dùng các phát ngôn, các mã tín
hiệu kèm theo ngôn ngữ đặc thù trong những bối cảnh giao tiếp tương đồng
xét trên bình diện dụng học.
Phạm Thị Thành (1995) [63] nghiên cứu tìm hiểu các phát ngôn chào,
cám ơn, xin lỗi bằng cách phân loại theo nội dung ngữ nghĩa giao tiếp và cấu

trúc của các phát ngôn trong hoạt động giao tiếp mang tính nghi thức. Từ việc
hình thành lên các khuôn mẫu theo từng hành vi, tác giả phân tích những tác
động của hoạt động giao tiếp tới sự hình thành nội dung ngữ nghĩa và cấu trúc
cú pháp của các phát ngôn này. Luận án có một ngữ liệu nghiên cứu khá đa
dạng như trong các tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp chí trong các giáo trình dạy
tiếng Việt hiện đại đến các cuộc đối thoại trong phim, kịch, tiểu phẩm trên
truyền hình và trong đời thường được ghi âm lại.
Nguyễn Văn Khang (1996)[41] đã đề cập đến một loại nghi thức lời nói
thể hiện hành vi xưng gọi trong giao tiếp gia đình người Việt. Tác giả tập
trung mô tả và đưa ra các kiểu chào thường gặp trong gia đình người Việt.
Nguyễn Văn Lập (2005) [46] miêu tả và phân loại nghi thức lời nói
khẩu ngữ tự nhiên của tiếng Việt theo các nhóm thông dụng nhất. Đặc biệt tác
giả đối chiếu hai loại khuôn mẫu nghi thức lời nói trong tiếng Việt và tiếng
Anh-Mỹ về nghi thức lời nói biểu thị hành vi yêu cầu và nghi thức lời nói biểu
thị hành vi cảm ơn.

7


1.1.1.2. Hướng nghiên cứu lời nói theo dụng học
Trên thế giới, Austin (1965) và Searle (1969), Hymes (1964), Grice
(1975), Levinson (1983), Schmidt & Richards (1985), Yule (1996),v.v, có
những nghiên cứu về lý thuyết hành vi ngôn ngữ, cho thấy được “một sự điều
chỉnh sâu sắc và cơ bản đối với quan niệm của F.de Sausure về mối quan hệ
giữa ngôn ngữ và lời nói” [16].
Austin [46] phát hiện ra bản chất hành vi ngôn ngữ là hành vi được thực
hiện ngay khi nói năng và ngôn ngữ là phương tiện thực hiện hành vi đó. Nói
như tác giả Nguyễn Văn Hiệp về tư tưởng cốt lõi của Austin một cách đầy đủ
“nói là hành vi” [38]. Austin chia hành vi ngôn ngữ làm ba tiểu hành vi: Hành
vi tạo lời (locutionary act), hành vi ở lời (illocutionary act), hành vi mượn lời

(perlocutionary act). Khi phát ngôn của người nói kết thúc thì cũng là lúc
người nói thực hiện xong hành vi ngôn ngữ.
Searle [107] hoàn thiện và phát triển thêm khái niệm hành vi ngôn ngữ.
Theo tác giả các qui tắc mà con người tuân thủ cũng đồng thời là những quy
tắc mà hành vi ngôn ngữ phải tuân theo. Để phân biệt các hành vi ngôn ngữ
Searle đưa ra mười hai điểm khác biệt và dựa vào bốn tiêu chí quan trọng hơn
cả là đích ở lời, hướng khớp ghép giữa lời và hiện thực, trạng thái tâm lý, nội
dung mệnh đề để phân lập thành năm nhóm hành vi ở lời.
Đã có một số nhà ngôn ngữ nghiên cứu đưa ra những quan điểm, những
bài viết liên quan đến hành vi ngôn ngữ như: Searle J.R. , Kiefer F. and
Bierwisch.M (Chủ biên, 1980); Eemeren F.H. và Grootendorest.R (1982);
Geis L.M. (1995); Gass S.M. and Neu.J (Chủ biên, 1996).
Ở Việt Nam, lý thuyết về hành vi ngôn ngữ cũng được bàn luận khá nhiều
trong những công trình của Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1993), Nguyễn
Đức Dân (1998), Nguyễn Thiện Giáp (2004), v.v. Các tác giả không những
giới thiệu các quan điểm tiêu biểu của các nhà nghiên cứu trên thế giới mà còn
đưa ra những lập luận riêng trên cứ liệu tiếng Việt.
Sự xuất hiện của lý thuyết hành vi ngôn ngữ có tác động mạnh mẽ tới các
nghiên cứu ứng dụng thực tiễn ở Việt Nam. Một số nghiên cứu về hành vi cảm

8


ơn (Ngô Hữu Hoàng, 1998; Đỗ Thị Thuý Vân, 2019), hành vi khen (Nguyễn
Văn Quang, 1999; Phạm Thị Hà, 2013); sự kiện lời nói cho, tặng (Chử Thị
Bích, 2008); các phát ngôn chào, cảm ơn, xin lỗi (Huỳnh Thị Nhĩ, 2010;
Nguyễn Văn Khang, 2014); hành vi chê, hành vi từ chối, hành vi yêu cầu,
hành vi nhờ v.v. được coi là những hành vi ngôn ngữ để nghiên cứu các hành
vi trực tiếp, hành vi gián tiếp; các biểu thức ngôn ngữ, các biến thể; các yếu tố
ngôn ngữ và thực tế sử dụng các hành vi ngôn ngữ đó. Sau đây là những

nghiên cứu tiêu biểu:
Nguyễn Văn Quang (1999) [50] đã chỉ ra một số khác biệt giao tiếp lời nói
trong cách thức khen và tiếp nhận lời khen của người Việt và người Mỹ. “Khen”
được coi là một hành vi ngôn trung giao tiếp. Xét theo các thông số giao tiếp, tác
giả mô tả việc sử dụng cách thức khen trực tiếp và gián tiếp trong từng ngôn ngữ,
các dấu hiệu từ vựng tình thái, đồng thời nêu ra những điểm tương đồng và dị
biệt. Kết quả nghiên cứu này giúp cho những người sử dụng ngôn ngữ tránh được
các xung đột văn hóa tiềm năng trong giao tiếp. Đây là một sự khẳng định tầm
quan trọng của dụng học giao thoa văn hóa nhằm phục vụ cho giảng dạy ngoại
ngữ theo đường hướng giao tiếp và các lĩnh vực có liên quan.
Dương Tuyết Hạnh (2006) [8] khảo sát hành vi nhờ trong hội thoại hàng
ngày và các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết, truyện ngắn,
kịch bản phim (đã được văn bản hoá) để chỉ ra các biểu thức ngữ vi nhờ, cách
rào đón và phép lịch sự trong sự kiện lời nói nhờ.
Huỳnh Thị Nhĩ (2010) [16] đã vận dụng một số kết luận về nghi thức
tiếng Việt của Phạm Thị Thành [63] đưa ra cấu trúc, tình huống và chiến lược
thực hiện các phát ngôn chào, cám ơn, xin lỗi dựa theo lý thuyết về hành vi
ngôn ngữ và lý thuyết lịch sự và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến cách sử dụng
các phát ngôn đó trên cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời tác giả có những
gợi ý hướng dẫn sinh viên Việt Nam học tiếng Anh-Mỹ theo đúng cách của người
Mỹ khi giao tiếp với họ, giúp sinh viên nâng cao năng lực giao tiếp.
Ngô Hương Lan (2014) [58] chỉ ra đặc điểm hành vi từ chối lời cầu khiến
trong tiếng Nhật và biểu hiện của nó bằng ngôn ngữ tiếng Nhật với những biểu

9


thức cụ thể; những điểm giống và khác nhau giữa tiếng Nhật và tiếng Việt và
ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy tiếng Nhật như một ngoại
ngữ đối với người Việt dưới ánh sáng của lí thuyết lịch sự và góc nhìn của

giao tiếp liên văn hoá.
1.1.1.3. Hướng nghiên cứu theo ngôn ngữ học xã hội
Từ khi ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistics) xuất hiện, đã có nhiều nội
dung được nghiên cứu gắn liền với tên các tác giả như: Fasold (1990), Labov
(1967), Trudgill (2000),v.v, trong đó nổi bật có một số nghiên cứu theo hướng giao
tiếp tương tác của các tác giả như Saville-Troike (1986), Hymes (1974), v.v. Ngôn
ngữ học xã hội tương tác được phát triển trên cơ sở của dân tộc học giao tiếp
(Ethnography of Communication) với mục đích là dùng tri thức ngôn ngữ để lý
giải quá trình và kết quả giao tiếp giữa con người với con người; chỉ ra được
những đặc trưng trong sử dụng ngôn ngữ trong nền văn hóa khác nhau; giải thích
phương thức giao tiếp giữa những người có nền văn hóa khác nhau.
Ở Việt Nam cũng đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm và đi sâu vào
nghiên cứu về ngôn ngữ học xã hội cả những nghiên cứu lý thuyết và thực hành.
Nguyễn Văn Khang (2014) [44] đề cập đến nghi thức lời nói với các nhân
tố chi phối: trường hợp chào gặp mặt và chào từ biệt, cảm ơn và xin lỗi. Tác
giả liệt kê các mô hình từ hạt nhân đến mở rộng tối đa và phân tích đặc điểm
những nghi thức đó với các nhân tố xã hội chi phối như: nhân tố thời đại, nhân
tố phân tầng xã hội (giới, tuổi, vùng miền, quyền lực, nhóm xã hội khác tác
động đến cách chọn ngôn ngữ).
Hoàng Anh Thi (2001) [17] nghiên cứu nghi thức giao tiếp thông qua các
hình thức xưng hô và hoạt động của chúng trong ngôn ngữ chuẩn đương đại
của tiếng Nhật và tiếng Việt. Tác giả đưa ra những nét đặc trưng trong từng
ngôn ngữ trong nghi thức giao tiếp nhìn từ văn hóa, xã hội, tâm lý học bằng sự
kết hợp của phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn, so sánh đối chiếu. Đây

10


là một nghiên cứu so sánh tiếng Việt và tiếng Nhật ở bình diện giao tiếp, khảo sát
từ xưng hô một cách toàn diện theo hướng tiếp cận ngôn ngữ học xã hội.

Phạm Thị Hà (2013) [62] từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội, chỉ ra đặc
điểm ngôn ngữ giới của hành vi khen và tiếp nhận lời khen (bằng ngôn ngữ)
trong giao tiếp tiếng Việt và khảo sát trường hợp về đặc điểm ngôn ngữ giới ở
ở hành vi khen và cách tiếp nhận lời khen của nghệ sĩ với người hâm mộ và về
hình thức bên ngoài của của con người trong các cuộc giao tiếp hiện nay.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu lời nói giới thiệu và tự giới thiệu
1.1.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới, theo hiểu biết của chúng tôi chưa có công trình nào
chuyên sâu về lời nói giới thiệu và tự giới thiệu mà chỉ có một số tác giả như
Emily Post, Nagesh Belludi, John Corcoran, Jo Bryant, Pamela Martin, v.v
viết về cách thức giới thiệu trong một số tình huống giao tiếp phổ biến. Tiêu
biểu biểu nhất trong số họ là Emily Post [105]:
Về lời nói giới thiệu, Emily đi sâu vào các tình huống giới thiệu, thứ tự
giới thiệu, biểu thức giới như thế nào trước và trong khi giới thiệu (what to say
when introduced). Tác giả đề cập đến hai tình huống cụ thể như sau:
Thứ nhất, tình huống giao tiếp xã hội (social situation) bao gồm: 1/Lời nói
giới thiệu qui thức (formal introductions) là những hành vi diễn ra trong một môi
trường trang trọng, lịch sự. Động từ “present” thường được dùng để biểu thị:
Biểu thức 1: SP2 + may I present + X
Biểu thức 2: SP2 + I have the honor to present + X
Ví dụ: Mr. President, I have the honor to present Mrs. Clinton, of Florida.
(Ngài Tổng thống, tôi vinh dự giới thiệu bà Clinton đến từ Florida).
Ví dụ: “Your Eminence, may I present Mrs. Brown?” (Đức Hồng Y, con xin
giới thiệu bà Brown).
2/ Giới thiệu phi qui thức (informal introductions) là những hành vi diễn ra
trong các mối quan hệ thông thường và gần gũi. Khi giới thiệu có thể sử dụng
các danh xưng (như Mr./Mrs./Ms/.Miss./Dr. ) và họ (family name/ last name)

11



với người quen, những người là giám đốc, những người nổi tiếng, các vị giáo
sư hay người nào đó hơn tuổi. SP1 không sử dụng danh xưng khi được cho
phép gọi bằng tên, các động từ thường dùng là “meet”, “know”,
“introduce”….
- Khi con giới thiệu với mẹ về bạn học cùng trường, sử dụng biểu thức:
Biểu thức 1: Gọi tên SP2 + I’d like you to meet + X
Ví dụ: Mom, I’d like you to meet my friend from school, Simon.” (Mẹ, Con
muốn giới thiệu với mẹ [đây là] bạn cùng trường của con, Simon.
- Trong trường hợp không biết tên, biểu thức là:
Biểu thức 2: Gọi tên SP2, do + SP2 + know + X
Ví dụ: Tommy, do you know Ms. Smith? (Tommy, anh biết cô Smith chứ?)
- Khi hai người cùng một thế hệ, sử dụng biểu thức:
Biểu thức 3: Gọi tên SP2, SP1 + ‘d like to + introduce + X
Ví dụ: Mrs. Miller, I’d like to introduce Mr.Horton. (Bà Miller, Tôi xin giới
thiệu [đây là] ông Horton).
- Khi giới thiệu đối tượng X có vai thấp hơn chủ thể giới thiệu, biểu thức:
Biểu thức 4: Gọi tên SP2, this is + X
Ví dụ: Mr. Horton, this is my daughter, Hillary. (Ông Horton, đây là con gái
tôi, Hillary).
- Khi muốn giới thiệu ai đó một cách vắn tắt, đó luôn là những thông tin có ý
nghĩa, nhằm giải thích vai trò quan trọng của đối tượng đó.
Ví dụ: Sally is the PR consultant who helped me get all that coverage in the
national press. (Sally là tư vấn viên về quan hệ quần chúng, người giúp tôi
nhận tất cả các tin tức của báo chí trong nước.)
Thứ hai, ở tình huống kinh doanh (business situations). Giới thiệu đối
tượng giao tiếp chủ yếu dựa vào quyền lực và cấp bậc. Yếu tố giới tính
(gender) không tác động đến trình tự giới thiệu. Có các biểu thức giới thiệu
trực tiếp và gián tiếp:
- Giới thiệu người điều hành cấp dưới với người điều hành cấp trên.

Biểu thức 1: SP2 + I’d like to introduce to + X

12


Ví dụ: Mr. Senior Executive, I’d like to introduce Mr. Junior Executive (Ông ủy
viên ban quản trị cấp trên, tôi xin giới thiệu ông ủy viên ban quản trị cấp dưới )
- Giới thiệu một sĩ quan cấp thấp tới một sĩ quan cấp cao.
Biểu thức 2: May I introduce + X
Ví dụ: General Schwarzkof, may I introduce Lieutenant Jones? (Thưa đại
tướng Schawrazkof, tôi xin giới thiệu trung úy Jones)
Biểu thức 3: SP2 + allow me to introduce + X
Ví dụ: Senator Watson, allow me to introduce Martha Gellhorn of the San
Francisco Examiner ([Thưa ngài]Thượng nghị sĩ Watson, cho phép tôi giới
thiệu bà Martha Gellhorn [người của] tạp chí San Francisco Examniner)
Biểu thức 4: SP2 + this is + X
Ví dụ: Mr. Dawson, this is Ms.Saunders, our Chief Financial Officer. Mr.
Dawson is our client from Atlanta. ([Thưa ngài] Dawson, đây là bà Saunders,
giám đốc tài chính. Ông ấy là khách hàng của chúng ta ở Atlanta), để giới
thiệu ai đó trong công ty tới khách hàng.
Có thể thấy, khung giới thiệu mà Emily đưa ra mới chỉ dừng lại ở bối cảnh
qui thức và phi qui thức ngoài xã hội và trong làm ăn kinh doanh; ngoài những
phạm vi này liệu còn những phạm vi nào khác và có bối cảnh nào đó thuộc
bán qui thức hay không còn là câu hỏi đặt ra.
Nguyễn Quang (2017)[107], trong cuốn “Ways of expression”, tác giả đưa
khá cụ thể các biểu thức hành vi ngôn ngữ cụ thể theo các nhóm như chào hỏi
và chia hay (Greeting and taking leave), thể hiện tình cảm và thái độ (showing
feeling and attitude)… Trong đó giới thiệu và hỏi giới thiệu (introducing and
asking for introduction) nằm ở mục chào hỏi và chia tay. Nguyễn Quang đưa
ra 85 biểu thức lời nói giới thiệu (giới thiệu, tự giới thiệu) trong bối cảnh qui

thức và phi qui thức. Đây là những biểu thức rất hữu ích, có tính dụng học cao,
giúp chúng tôi có những so sánh, gợi mở trong quá trình nghiên cứu của mình.
Về hành vi tự giới thiệu (self-introduction), ngoài một số biểu thức của
Nguyễn Quang, chúng tôi chỉ thấy có trên các trang báo điện tử ở mức độ sơ
giản [123]:

13


I’m ….. (Tôi là….);
My name is… (Tên của tôi là…);
Nice to meet you; I’m….. (Rất vui được gặp anh/chị; Tôi là…);
Pleased to meet you; I’m…. (Rất vui được gặp anh/chị; Tôi là…);
Let me introduce myself; I’m…(Cho phép tôi giới thiệu về mình. Tôi là…);
Let me introduce myself to you/ Allow me to introduce myself to you.
(Cho phép tôi giới thiệu về mình tới anh/chị).
Như vậy, có thể thấy, trong tiếng Anh các tác giả chỉ đề cập đến tình
huống xã hội, tình huống kinh doanh trong trường hợp qui và phi qui thức.
Mỗi tình huống giao tiếp có những cách giới thiệu khác nhau dựa theo vai giao
tiếp, thứ bậc và địa vị xã hội. Tuy phạm vi tình huống còn hạn hẹp nhưng đây
là một dữ liệu có đóng góp không nhỏ cho nghiên cứu của chúng tôi.
Hiện nay, theo quan sát chúng tôi thấy có một số nghiên cứu liên quan
đến hành vi tự giới thiệu, đó là những nghiên cứu xoay quanh hành vi“selfdisclose”, chúng tôi tạm dịch là tự bộc bạch.
Tự bộc bạch (self-disclose) được nhiều nhà nghiên cứu như Archer
(1980), Cozby (1973), Derlega, Metls, Petronio và Margulis (1993) định nghĩa
chung là những hành vi ngôn ngữ khi người ta muốn bộc lộ về bản thân mình
như những thông tin cá nhân, kinh nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc.
Theo Jourard và Lasahow (1958) cho rằng, tự bộc bạch là quá trình làm
cho người khác biết về bản thân mình, phụ thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp mà
mỗi lời bộc lộ có những ý nghĩa khác nhau. Thông tin được chia sẻ này tồn tại

giữa một cặp, một nhóm hay một cá nhân với tổ chức. [97].
Altman và Taylor (1973) đưa ra một cách phân loại ba lớp cho phân tích
nội dung theo chiều sâu của bộc bạch. 1/Lớp ngoại biên (peripheral layer): là
những dữ liệu về tiểu sử như tên, tuổi tác, địa vị,v.v. 2/ Lớp trung gian
(intermediate layer): là thái độ, cách đánh giá và các quan điểm. 3/Lớp lõi
(core layer): là niềm tin cá nhân, các nhu cầu, sự sợ hãi, cách đánh giá. [81].
Từ các định nghĩa và cách phân loại như đã trình bày ở trên, có thể thấy
LNTGT trong nghiên cứu của chúng tôi hiện diện ở lớp ngoại biên.

14


1.1.2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước
Hiện nay ở Việt Nam, theo sự hiểu biết của chúng tôi chưa có một công
trình nghiên cứu chuyên biệt về LNGT và TGT mà chỉ có một số các nghiên
cứu trong phạm vi hẹp.
Một số nghiên cứu theo hướng chỉ ra các biểu thức lời nói giới thiệu và
tự giới thiệu trong tiếng Việt, tiếng Anh như:
1/ Như đã đề cập ở trên, Thái Duy Bảo (1988) đề cập đến một mục nhỏ
để nói về lời nói giới thiệu“Hành vi nói cho người nghe biết những điều mới
về một đối tượng nào đó”. Tác giả chỉ ra các khuôn mẫu lời nói tiếng Anh và
dịch nghĩa sang tiếng Việt về cách giới thiệu người trung gian (introducing),
tự giới thiệu (self-introducing) theo các tình huống giao tiếp thể hiện sắc thái
xã giao thông thường, sắc thái xã giao trang trọng, sắc thái xã giao thân mật,
xề xòa và giới thiệu một diễn giả (introducing a speaker) theo tình huống
mang sắc thái kém trang trọng, sắc thái trang trọng [69, tr.60-72]. Mặc dù, đưa
ra những nội dung cơ bản, phạm vi hẹp nhưng nghiên cứu giúp chúng tôi có
thêm thông tin về lời nói giới thiệu.
2/ Trong công trình nghiên cứu về nghi thức lời nói Tiếng Việt, Nguyễn
Văn Lập (1989) [45] xem hành vi giới thiệu giống như các hành vi khác như:

chào, cảm ơn, xin lỗi... là một hành vi có tính khuôn mẫu được xã hội thừa
nhận. Ở nghiên cứu này, tác giả đã bước đầu phân loại hành vi giới thiệu và
mô tả một số mô hình/ cấu trúc/ biểu thức cơ bản vào hoàn cảnh cụ thể. Tác
giả cho rằng hành vi giới thiệu có thể diễn ra theo hai cách giới thiệu trực tiếp
và giới thiệu gián tiếp còn phụ thuộc vào mỗi dân tộc và tần số sử dụng hai
cách giới thiệu này. Chẳng hạn người Nga sử dụng hai cách, còn người Anh
chủ yếu làm quen qua người trung gian (gián tiếp). Theo tác giả, trong cộng
đồng người Việt hiện nay sử dụng cả hai cách.
- Hành vi giới thiệu trực tiếp (Chủ thể tự giới thiệu), bao gồm hai hành
vi giới thiệu dựa vào sự xuất hiện của phát ngôn giới thiệu trong giao tiếp.
Khi hành vi giới thiệu là thoại gợi thì chúng sẽ là những lời tự xưng
như: tự xưng tên, tự xưng mối quan hệ với người thứ ba, tự xưng nghề nghiệp,

15


chức vụ, vv. Hình thức cấu tạo gồm: 1/Động từ ngữ vi tường minh: Tôi xin
giới thiệu../ Xin tự giới thiệu...2/ Động từ ngữ vi hàm ẩn: xưng tên, họ, quê
quán, chức vụ...Khi hành vi giới thiệu là thoại đáp. Mô hình giới thiệu sẽ là:
Ngôi chủ ( tôi) + là + X
- Hành vi giới thiệu gián tiếp (người trung gian đứng ra giới thiệu).
Hành vi này được thực hiện trong hai tình huống:1/Khi giới thiệu là sự tiến cử,
hoặc đề cử thì giới thiệu một bên giao tiếp. 2/ Khi hai bên chưa biết nhau, người
trung gian phải giới thiệu cả hai theo mô hình: Xin giới thiệu... đây là...còn đây
là...Và lời đáp được mô tả theo các dạng như: Rất hân hạnh, rất hân hạnh
được quen biết. Tôi đã nghe nói rất nhiều về anh hôm nay mới được gặp mặt/
Anh đấy à?
Có thể thấy, nghiên cứu trên đã phân loại hành vi giới thiệu lấy điểm
nhìn từ người hành ngôn. Tuy nhiên phạm vi nghiên cứu còn rất hạn chế, chỉ
đặt trong tình huống làm quen ở phần II trang 45-50.

Áp dụng lý thuyết về hành vi ngôn ngữ của Austin và Searle, một số nghiên
cứu về hành vi lời nói giới thiệu được tiến hành trong phạm vi một luận văn.
1/ Trong nghiên cứu hành vi giới thiệu trong tình huống làm quen của
Đỗ Thị Mai Hương (2009) [14] đã thống kê, khảo sát, phân loại và mô tả hành
vi giới thiệu dựa trên ba phương diện: cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của trên
300 hành vi giới thiệu thuộc hai mảng: tác phẩm văn học và thực tế đời sống
hàng ngày (ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, ngôn ngữ ghi lại từ phương tiện
thông tin đại chúng: vô tuyến, đài, báo chí). Nghiên cứu đã dựa theo lý thuyết
về hành vi ngôn ngữ của Searle để phân loại hành vi giới thiệu theo các tiêu
chí: trực tiếp/ gián tiếp, nghi thức/ không nghi thức.
- Hành vi giới thiệu trực tiếp: là hành vi giới thiệu có sự phù hợp giữa hiệu lực
ở lời của hành vi giới thiệu với hình thức câu chữ được dùng để biểu thị
chúng. Kết quả khảo sát của hành vi giới thiệu trực tiếp gồm có bốn kiểu
(trong đó, SP1: người thực hiện hành vi giới thiệu; SP2: người tiếp nhận hành
vi giới thiệu): Kiểu 1: Dạng đầy đủ: SP1 + giới thiệu + SP2 + NDGT; Kiểu 2:
Dạng khuyết thiếu SP2: SP1 + giới thiệu + NDGT; Kiểu 3: Dạng khuyết thiếu

16


SP1: Giới thiệu + SP2 + NDGT; Kiểu 4: Dạng khuyết thiếu SP1, SP2: (xin)
giới thiệu + NDGT. Chủ yếu những hành vi giới thiệu trực tiếp sử dụng trong
hoàn cảnh giao tiếp nghi lễ qui thức: cuộc họp, cuộc mít tinh, đại hội, chương
trình truyền hình…
- Hành vi giới thiệu gián tiếp: là hành vi có hiệu lực ở lời của hành vi giới thiệu
nhưng lại được biểu thị bằng hình thức câu chữ của một hành vi khác.
Với hành vi giới thiệu gián tiếp kết quả khảo sát đưa ra được bốn kiểu: Kiểu 1:
Hành vi thông báo - giới thiệu; Kiểu 2: Hành vi xác nhận - giới thiệu; Kiểu 3:
Hành vi chào mời, chào đón - giới thiệu; Kiểu 4: Hành vi hỏi - giới thiệu.
Nghiên cứu của tác giả bước đầu hệ thống được 8 kiểu giới thiệu

thường gặp trong giao tiếp của người Việt. Mỗi kiểu giới thiệu có kèm theo
việc mô tả cấu trúc, ngữ nghĩa, hoàn cảnh sử dụng, lời đáp và nêu cơ sở nhận
diện với những kiểu giới thiệu gián tiếp. Tuy nhiên, vì nghiên cứu chỉ khảo sát
hành vi lời nói giới thiệu trong tình huống làm quen nên chưa đảm bảo đầy đủ
các yếu tố của một nghiên cứu về lời nói một cách hệ thống, toàn diện.
2/ Hoàng Minh Hằng (2011) [23] đưa ra nội dung lí luận liên quan đến
lý thuyết về các nhân tố giao tiếp, lý thuyết lịch sự và lý thuyết về hành vi
ngôn ngữ, nghiên cứu được thực hiện dựa trên nguồn tư liệu bao gồm tổng số
300 lời nói giới thiệu thu thập từ nguồn hội thoại thường ngày, các phương
tiện thông tin đại chúng, các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam và phỏng
vấn. Mục đích của nghiên cứu là tìm ra các biểu hiện lịch sự và không lịch sự
thông qua các dấu hiệu của phát ngôn, đặc điểm nội dung mệnh đề, quan hệ
liên cá nhân,v.v. Luận văn đã có phân loại hành vi giới thiệu cũng dựa theo lý
thuyết hành vi ngôn ngữ của Searle giống như nghiên cứu trước đó của tác giả
Đỗ Thị Mai Hương. Kết quả đạt được có những điểm đáng lưu ý: (i) Trong
hoàn cảnh giao tiếp qui thức và phi qui thức có 15 cách giới thiệu lịch sự, 14
kiểu giới thiệu không lịch sự trong nội dung giới thiệu và tự giới thiệu. (ii)
Dấu hiệu thể hiện tính lịch sự của hành vi giới thiệu trong hoàn cảnh qui thức
chủ yếu là về hình thức (các từ, các tổ hợp từ, cấu trúc câu, cách thức phối hợp
giữa hành vi giới thiệu và hành vi đi kèm như hành vi chào hỏi, chào mời,

17


×