PGS.TS. NGUYỄN VĂN THỊNH (Chủ biên)
ThS. Phạm Ánh Sao – ThS. Phạm Vân Dung
VĂN HÓA GIA ĐÌNH
VÀ GIA TỘC VIỆT NAM
QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM
NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
1
2
MỤC LỤC
Lời nói đầu .........................................................................................................5
1. Vài nét về nữ huấn trong gia đình truyền thống Việt Nam
tài liệu Hán Nôm ..........................................................................................7
2. Trích dẫn các văn bản phiên Nôm
Huấn nữ tử ca ........................................................................................48
Cảnh phụ châm .....................................................................................77
Huấn nữ diễn âm ca..............................................................................88
Nữ huấn ca ...........................................................................................110
Bút hương trai khuê huấn ca .............................................................126
Tân nữ huấn .........................................................................................135
Tài liệu tham khảo .......................................................................................207
3
4
LỜI MỞ ĐẦU
Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã để sức sưu tầm tư liệu Hán Nôm
về đề tài văn hóa gia đình và gia tộc Việt Nam. Đó là những gia huấn,
gia quy, tộc ước, gia lễ v.v…Ngoài tư liệu có trong các thư viện có lưu
trữ tư liệu Hán Nôm, chúng tôi còn sưu tầm được các tư liệu trong quá
trình điền dã và đã tham gia các đề tài Hội thảo khoa học, công bố các
kết quả nghiên cứu của mình với mong muốn đóng góp cho xã hội. Lần
này, chúng tôi muốn giới thiệu một số văn bản nữ huấn tới bạn đọc
trong phạm vi Đại học Quốc gia Hà Nội.
Công việc của chúng tôi đến nay, đã thu được những kết quả
bước đầu nhưng vẫn còn một chặng đường dài và đầy hấp dẫn ở phía
trước. Do thời gian còn hạn chế nên các tài liệu mà chúng tôi muốn giới
thiệu mới được thực thi phần phiên âm, dịch nghĩa và phần chú thích,
chưa giới thiệu được phần nguyên văn chữ Hán, chữ Nôm. Chúng tôi tự
thấy còn nhiều thiếu sót và sẽ cố gắng để công trình sách đầy đủ sớm ra
mắt bạn đọc. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các bạn
độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn!
Thay mặt nhóm tác giả
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh
5
6
VÀI NÉT VỀ NỮ HUẤN
TRONG GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM
ThS. Phạm Vân Dung*
Trong suốt mười thế kỷ trung đại sử dụng chữ Hán và chữ Nôm,
ông cha ta đã để lại một kho tàng thư tịch Hán Nôm đồ sộ, nguồn di sản
quý giá giúp chúng ta ngày nay trong việc tìm hiểu về truyền thống dân
tộc trên nhiều lĩnh vực. Từ góc độ những người làm công tác nghiên cứu
Hán Nôm, trong quá trình sưu tầm và khai thác thư tịch, chúng tôi nhận
thấy di sản Hán Nôm hiện cũng lưu giữ một khối lượng văn bản rất
đáng chú ý: những văn bản gia huấn - loại sách làm ra để giáo dục con
em trong gia đình xưa. Trong đó, phần dành riêng giáo dục nữ giới mà
chúng tôi gọi chung là nữ huấn chiếm một vị trí quan trọng.
Như chúng ta đã biết, xã hội phong kiến với tư tưởng “trọng nam
khinh nữ” đã qui định người phụ nữ không được đến trường, không
được học hành, không được tham gia các hoạt động xã hội. Và như vậy,
phải chăng yêu cầu “giáo hóa” không đặt ra với đối tượng này? Khi đi
vào các văn bản gia huấn, chúng tôi bắt gặp một thực tế hoàn toàn khác:
Gia huấn được làm ra để dạy bảo con em nói chung trong gia đình, nhưng
ở lĩnh vực này, các bậc cha anh dường như đã dành cho nữ giới sự “ưu
ái” đặc biệt, đã dày công phu, giàu nhiệt huyết khi biên soạn một hệ
thống điều qui giáo dục, những lời chỉ dẫn, khuyên bảo rất tỉ mỉ, tận tình.
Với một số lượng văn bản đáng kể hiện khảo được, chúng tôi xem đây là
một hiện tượng văn hóa đặc sắc, một thể loại trước tác khá đặc thù cần phải được
khảo sát một cách hệ thống cả trên phương diện hình thức và nội dung, từ đó
nhằm tìm ra những cái chung, cái phổ biến, cái xuyên suốt ở những văn bản đó,
đồng thời thấy được cái riêng, cái độc đáo của những văn bản khác nhau, của
những thời kỳ khác nhau và ở những loại văn bản khác nhau.
*
Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
7
Qua những văn bản này, chúng tôi thấy tồn tại thực sự một quan
niệm về người phụ nữ truyền thống, vẻ đẹp chuẩn mực, vị trí cũng như
yêu cầu đặt ra với họ, đồng thời cũng cho thấy một phương thức giáo dục
hết sức độc đáo dành cho nữ giới trong gia đình truyền thống Việt Nam.
Sau một thời gian vai trò của gia đình bị coi nhẹ, xã hội hóa được đề
cao quá mức, cá nhân đòi được khẳng định, đòi thoát khỏi mọi ràng
buộc của gia đình, ngay lập tức gia đình rơi vào khủng hoảng, đạo đức
xã hội suy thoái nghiêm trọng, cả nhân loại phải giật mình thức tỉnh,
nhìn nhận lại vấn đề này. Liên Hợp Quốc đã chọn năm 1994 làm năm
Quốc tế gia đình. Tại Việt Nam, ngày 28- 6- 2000, Bộ Chính trị đã có Chỉ
thị 55. CT/TW nêu rõ yêu cầu “Tổ chức ngày gia đình trong tháng hành
động về trẻ em hàng năm”. Rõ ràng, gia đình không chỉ là mối quan tâm
của một vài người, một vài ngành hay một vài nước mà đã trở thành
vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế. Giáo dục gia đình, đặc biệt đối với
lứa tuổi vị thành niên, lứa tuổi đang hình thành nhân cách, hình thành
nếp ban đầu là vấn đề của mọi xã hội, mọi thời đại, vấn đề muôn thuở
của Đông – Tây kim cổ mà loài người luôn phải trở lại. Và như vậy, có
thể nói, gia huấn nói chung, nữ huấn nói riêng là một đề tài vẫn giàu ý
nghĩa thời sự trong xã hội ngày nay, cần thiết được triển khai nghiên
cứu một cách thích đáng.
Nếu ai đó từng nói “đằng sau mỗi gia đình hạnh phúc đều có bóng
dáng người phụ nữ tốt ở đó”, hay khái quát như câu nói của Ta-go, nhà
thơ, bậc triết gia lớn của Ấn Độ: “Giáo dục một người đàn ông được một
người đàn ông. Giáo dục một người phụ nữ được một gia đình” thì
trong những văn bản nữ huấn, chúng tôi đã bắt gặp sự hoà chung một
nhịp cùng dòng tư tưởng đó.
Với tất cả những ý nghĩa như trên, chúng tôi chọn nữ huấn trong di
sản Hán Nôm Việt Nam làm đề tài khảo sát, nghiên cứu trước hết, nhằm
góp phần phát huy những giá trị truyền thống, nhằm làm rõ một vấn đề,
một hiện tượng, một vốn quý trong di sản Hán Nôm và hơn nữa, theo
chúng tôi, để hiểu truyền thống thì giáo dục chính là sự thể hiện đầy đủ
định hướng giá trị, sự lựa chọn của một thời mà nữ huấn cũng là một
nhánh quan trọng. Bên cạnh đó, với những đóng góp về dịch thuật,
chúng tôi cũng muốn cung cấp cho người hiện đại một sự hiểu biết về
quá khứ, một tài liệu tham khảo để cùng suy ngẫm, chiêm nghiệm.
8
Vậy cần phải quan niệm cụ thể về nữ huấn như thế nào? Theo
chúng tôi, việc đưa ra một quan niệm thống nhất về nữ huấn như một
tiêu chí cho việc định hướng khảo sát văn bản, từ đó tìm ra những đặc
điểm về tình hình các văn bản nữ huấn là cần thiết.
1. Thuật ngữ Nữ huấn
Trong các tác phẩm gia huấn, bên những nội dung về đạo lý làm con
nói chung trong gia đình, các soạn giả đã rất chú ý tới lối thức giáo dục
theo giới tính khi biên soạn riêng biệt thành hai phần: huấn nam tử (dạy
con trai) và huấn nữ tử (dạy con gái). Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy,
nhiều tác phẩm gia huấn đã dành một dung lượng khá lớn cho phần
huấn nữ tử, thậm chí đã có một số lượng đáng kể các tác phẩm được
biên soạn dành riêng cho đối tượng này. Những tác phẩm soạn riêng
dành giáo dục nữ giới trong gia đình có nhiều tên gọi khác nhau như: nữ
huấn, nữ giới, nữ tắc, phụ châm, khuê huấn…Trong đó, chúng tôi khảo sát
thấy nữ huấn là tên gọi có tần số xuất hiện cao nhất ngay từ nhan đề tác
phẩm cho tới trong nội dung tác phẩm, mặt khác đây cũng là cách gọi
vừa thể hiện rõ đối tượng giáo dục (nữ giới), tính chất khuyên dạy
(huấn), vừa dễ hình dung tính chất bộ phận của gia huấn.
Chính vì vậy, nếu như gia huấn đã được sử dụng với tính chất như
một thuật ngữ khá phổ biến ở cả Trung Quốc và Việt Nam thì ở đây,
chúng tôi mạnh dạn đưa ra cách gọi nữ huấn như một thuật ngữ chỉ riêng cho
các văn bản Hán Nôm có nội dung giáo dục nữ giới trong gia đình truyền
thống, trước hết có tư cách là một bộ phận thuộc lĩnh vực gia huấn.
2. Tình hình văn bản nữ huấn Việt Nam
Phạm vi khảo sát các văn bản nữ huấn được chúng tôi chọn Thư
viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trung tâm lưu trữ sách Hán Nôm lớn
nhất hiện nay của Việt Nam làm trọng điểm khảo sát. Tất nhiên, ngoài
ra, chúng tôi cũng mở rộng phạm vi khảo sát tới một số thư viện trung
ương như Thư viện Quốc gia, thư viện Viện Sử học, thư viện Viện Văn
học, và những văn bản chúng tôi sưu tầm được qua công tác điền dã địa
phương. Thông qua đây, chúng tôi hy vọng sẽ bước đầu tổng kết sơ bộ
và phần nào mô phỏng được diện mạo về tình hình hệ thống văn bản nữ
huấn Việt Nam.
9
Chúng tôi tiến hành khảo sát văn bản theo trình tự như sau:
Trước hết, chúng tôi thống kê hệ thống gia huấn Việt Nam trong
phạm vi tư liệu đã khảo sát. Từ bảng thống kê đó, chúng tôi bóc tách
những tác phẩm gia huấn có dung lượng nữ huấn riêng biệt đáng kể và
những tác phẩm gia huấn có nội dung chuyên về nữ huấn, lập bảng thống
kê và từ đó rút ra những đặc điểm về các văn bản nữ huấn Việt Nam.
Trên cơ sở phân loại này, chúng tôi sơ bộ thống kê được 51 văn bản
gia huấn Việt Nam. Từ đó, chúng tôi tách được 26 văn bản có nội dung
nữ huấn theo tiêu chí đã qui loại như trên, lập bảng thống kê kèm kí hiệu
thư viện hay sưu tầm, niên đại biên soạn hay khắc in, hình thức văn tự,
tác giả, thể loại, hình thức chế bản khắc in hay chép tay.
Từ thống kê trên, chúng tôi phân tích và rút ra những đặc điểm về
tình hình văn bản nữ huấn Việt Nam như sau:
Xét về mặt niên đại, có 20/26 văn bản xác định được niên đại biên
soạn hay ấn hành, sao chép. Trong đó, văn bản có niên đại biên soạn vào
loại sớm nhất là vào thế kỉ thứ XVIII và chiếm tỉ lệ rất ít (2/26 văn bản).
Văn bản có niên đại vào thế kỉ XIX chiếm 6/26 văn bản (trong đó, 4 văn
bản là niên đại biên soạn, 2 văn bản là niên đại khắc in). Còn lại 12/26
văn bản có niên đại vào đầu thế kỉ XX (5 văn bản là niên đại biên soạn, 8
văn bản là niên đại ấn hành, sao chép).
Như vậy, những văn bản nữ huấn trong phạm vi chúng tôi khảo sát
tồn tại từ thế kỉ XVIII tới thế kỉ XX. Mặc dù số văn bản lưu hành vào đầu
thế kỉ XX cao hơn thế kỉ XVIII, XIX nhưng do điều kiện khảo sát và sự
mất mát thư tịch nói chung khiến chúng tôi khó có thể khảo sát được
triệt để, đồng thời, một lý do dễ hiểu là những văn bản ra đời càng gần
thời kỳ sưu tập thì càng dễ sưu tập hơn, cho nên không vì vậy mà chúng
tôi kết luận nữ huấn ở giai đoạn sau phát triển mạnh hơn ở giai đoạn
trước. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ, hiện tượng nữ huấn được kéo dài cho
tới những thập kỉ đầu thế kỉ XX, không những thế hiện tượng này còn phát
triển khá mạnh ngay khi xã hội Việt Nam đã bước vào thế giới hiện đại, với
hàng loạt những biến đổi lớn về hệ tư tưởng, về phương thức giáo dục.
Về hình thức chế bản: Có 11/26 văn bản được khắc in và 15/26 văn
bản viết tay. Con số chênh lệch không quá lớn giữa các văn bản khắc in
viết tay cho thấy đó là những văn bản được đề cao giá trị và có sức lưu
truyền rộng rãi.
10
Số văn bản gia huấn có bố cục phân loại nội dung dành riêng cho
giáo dục nữ trong tổng thể giáo dục cả nam chiếm 9/26 văn bản; số văn
bản dùng chuyên giáo dục nữ chiếm 17/ 26 văn bản dường như đã thể
hiện xu hướng muốn tách nội dung nữ huấn trong tổng thể gia huấn thành
một thể loại chuyên biệt dành cho giáo dục nữ giới trong gia đình của lối thức
giáo dục truyền thống.
Khảo sát vào nội dung các văn bản chúng tôi thấy, ngoài 11 văn bản
là đơn bản, số còn lại có thể chia làm 5 nhóm đa dị bản:
- Nhóm thứ nhất gồm 2 văn bản: Huấn nữ tử ca mang kí hiệu
VNb.1 của Nguyễn Huy Oánh ra đời vào thế kỉ XVIII và Nữ tắc diễn âm
mang kí hiệu AN.47, khuyết danh, được khắc in vào năm 1868. So sánh
giữa 2 văn bản thấy lời lẽ, nội dung cơ bản giống nhau, nhưng Nữ tắc
diễn âm thiếu phần khuyên người phụ nữ khi chồng mất và đoạn kết
thúc có lời hơi khác so với Huấn nữ tử ca, chúng tôi phỏng đoán Nữ tắc
diễn âm chính là một dị bản đời sau của Huấn nữ tử ca.
- Nhóm thứ hai gồm 4 văn bản: Phụ châm tiện lãm; Cảnh phụ châm;
Phụ nữ bảo châm và Bài ca dạy vợ dạy con (trong Lê triều Nguyễn tướng
công gia huấn ca). Bốn văn bản này tuy mang những tên gọi khác nhau
nhưng có nội dung gần như trùng nhau. Và nó được biết tới rộng rãi qua
các lần xuất bản bằng chữ Quốc ngữ trong tập Gia huấn ca gắn liền với
tên tuổi Nguyễn Trãi, hay trong Lê triều Nguyễn tướng công gia huấn ca
thì xác định tác giả là Nguyễn tướng công triều Lê. Điều đó đã kéo theo
sự tranh luận hơn 30 năm về vấn đề tác giả. Tới năm 1984, trong bài Ai
viết Gia huấn ca? (Nghiên cứu Hán Nôm), Hoàng Văn Lâu dựa trên cơ sở
khảo sát trực tiếp văn bản đã kết luận những văn bản này đều xuất phát
từ một tác phẩm của Lý Văn Phức với tên ban đầu là Phụ châm, và “cho
rằng Phụ châm được tác giả viết vào cuối đời mình, khoảng những năm
40 của thế kỉ trước” (tức thế kỉ XIX- P.V.D) [62: 118 – 119].
- Nhóm thứ ba gồm 3 văn bản: Cổ huấn nữ ca; Huấn nữ diễn âm ca
tân đính; Huấn nữ diễn âm ca. Trong đó, Cổ huấn nữ ca; Huấn nữ diễn
âm ca tân đính là hai văn bản hiện tàng trữ tại thư viện Viện Nghiên
cứu Hán Nôm, Huấn nữ diễn âm ca là văn bản chúng tôi sưu tầm được
từ địa phương.
Về mặt câu chữ diễn Nôm, cả ba bản không khác nhau nhiều, có
điều cả hai bản tàng trữ tại thư viện Hán Nôm đều thiếu 6 câu so với
11
bản sưu tầm. Từ những phân tích trên phương diện văn bản học, chúng
tôi kết luận, những văn bản của nhóm này là những dị bản xuất phát từ
tác phẩm Huấn nữ diễn âm ca do Nguyễn Đình Tứ và Lê Viết Huyến
diễn Nôm, Đặng Trung Trai giám định, viết lời dẫn và được lưu truyền
rộng rãi từ cuối thế kỉ XIX.
- Nhóm thứ tư gồm 4 văn bản: Giáo huấn ca, Giáo huấn diễn ca,
Nam nữ giáo huấn ca, Cổ huấn tử ca đều không cho biết tác giả. Riêng
Nam nữ giáo huấn ca không để lại thông tin về niên đại, ba bản còn lại
đều là những bản in hay chép tay lưu hành vào thế kỉ XX, điều đó cho
thấy sức lưu truyền rộng rãi của văn bản. Trong nhóm này, chúng tôi
tạm coi Giáo huấn ca là văn bản có niên đại in sớm nhất làm bản nền.
- Nhóm cuối cùng gồm hai văn bản: Nữ huấn ca mang kí hiệu
A.1777 và Huấn nữ diễn ca kí hiệu AB.18 đều là những văn bản diễn
Nôm theo thể lục bát từ một bản chữ Hán thể tứ ngôn. Cả phần chữ Hán
và phần diễn Nôm đều không đề tên tác giả nhưng chúng tôi muốn lưu
ý và xếp hai văn bản này vào loại hai bản dịch từ một tác phẩm nữ huấn
được đề cao giá trị.
Cùng với 12 tác phẩm đã đề tên tác giả rõ ràng, bằng những thao
tác văn bản học, chúng tôi đã xác định được tên tác giả thêm cho ba tác
phẩm đang ở tình trạng khuyết danh (Nữ tắc diễn âm; Phụ nữ bảo châm;
Cổ huấn nữ ca); đính chính lại tên tác giả Bài ca dạy vợ dạy con trong Lê
triều Nguyễn tướng công gia huấn ca là Lý Văn Phức chứ không phải
Nguyễn tướng công triều Lê như chính văn bản “nguỵ tạo”. Cũng trên
cơ sở đó, chúng tôi qui 26 văn bản về 17 đơn vị tác phẩm có nội dung nữ
huấn như sau (chúng tôi xếp theo thứ tự chữ cái):
Bút Hương Trai khuê huấn ca; Châu Xuyên gia huấn; Bài ca dạy con gái ở
cho có đức (trong Lê triều Nguyễn tướng công gia huấn ca); Giáo huấn ca;
Hành Tham quan gia huấn; Huấn nữ diễn ca; Huấn nữ diễn âm ca; Huấn nữ
tử ca (kí hiệu VNb.1)(3); Huấn nữ tử ca (kí hiệu AB.85)(4); Nữ học diễn ca;
Nữ huấn ca (bản sưu tầm); Nữ huấn truyện; Nữ tử tu tri; Nguyễn thị gia
huấn; Phụ châm tiện lãm; Tiểu học tân thư; Xuân Đình gia huấn.
Những hiện tượng trên giúp chúng ta hình dung phần nào những
biến động trong quá trình truyền bản của nữ huấn: Có thể để tăng uy
vọng, tăng sức thuyết phục cho những lời giáo huấn, đã xuất hiện tình
trạng “nguỵ thư”, gán tác phẩm cho một tác gia có danh vọng (trường
12
hợp Gia huấn ca); hoặc có khi giá trị nội dung được chú trọng hơn cả,
trong quá trình truyền bá rộng rãi đã vượt khỏi khuôn khổ một gia đình,
một họ tộc truyền từ vùng này sang vùng khác, từ đời này sang đời
khác, nhiều tác phẩm vốn có tên tác giả rất rõ ràng, thậm chí là những
đại gia (như Nguyễn Huy Oánh) thì hiện tượng “vô danh hoá” hay nói
khác đi là “dân gian hoá” tác phẩm (trường hợp các nhóm dị bản trên) là
xu thế tất yếu khi con đường truyền tụng nữ huấn chủ yếu là khẩu thuật,
qua đối tượng tiếp nhận hầu như không biết chữ, thì điều quan tâm
trước hết vẫn là nội dung giáo dục.
Như vậy, trong địa bàn chúng tôi đã khảo sát, con số 26 văn bản nữ
huấn mà thực chất có nguồn gốc từ 17 tác phẩm hiện chúng tôi tìm được
chưa phải là nhiều, lại chỉ có niên đại tập trung vào các thế kỉ XVIII, XIX,
XX cũng chưa phản ánh được đầy đủ diện mạo của nữ huấn Việt Nam
theo chiều dài lịch đại. Nhưng cũng chỉ với bằng ấy lượng văn bản thì
những đặc điểm như tình trạng đa dị bản lấn át số đơn bản, số bản khắc
in không quá thấp so với số bản chép tay; xu hướng “vô danh hoá”,
“dân gian hoá” tác phẩm; hiện tượng vẫn ra đời và lưu truyền rầm rộ
vào đầu thế kỉ XX, khi người phụ nữ Việt Nam đã được biết tới một hệ
thống đào tạo khác - đào tạo chính qui trong môi trường học đường cũng đủ chứng tỏ sức sống khá mãnh liệt, sự bám rễ khá sâu sắc của nữ
huấn trong đời sống xã hội Việt Nam từ thời trung đại cho tới giai đoạn
giao thời với thế giới hiện đại.
3. Nữ huấn – Tài liệu giáo dục chuyên biệt dành cho nữ giới
trong gia đình truyền thống
Trong số 26 văn bản nữ huấn Việt Nam chúng tôi đã khảo sát dù ra
đời ở những thời điểm khác nhau, nhưng đều khá thống nhất về đặc
điểm hình thức cũng như nội dung, tư tưởng giáo dục của thời trung
đại. Chính vì vậy ở đây, những đặc trưng về thể loại mà chúng tôi đi sâu
phân tích, đánh giá đều tiêu biểu cho nữ huấn thời trung đại.(5)
3.1. Chủ thể giáo dục
Trong phạm vi những văn bản gia huấn nói chung, nữ huấn nói
riêng của Việt Nam mà chúng tôi đã khảo sát, cho thấy hầu hết các tác
giả đều là nam giới. Điều đó chủ yếu được nhận biết qua những dòng
lạc khoản hay lời bạt, lời dẫn nêu chính xác tên, lai lịch tác giả. Trong số
13
26 văn bản mang nội dung nữ huấn Việt Nam mà chúng tôi thống kê ở
bảng trên, có 17 văn bản xác định được tác giả đã khẳng định thực tế đó.
Điều này hoàn toàn có thể lý giải được khi thực tế “nữ học xưa” luôn ở
trong tình trạng “nhà có nhà không như mặc ý”, con gái “ví không đẻ
vào nhà giàu sang, còn đời nào biết mùi bút giấy” [71: 4b], và do vậy
“khách quần thoa son phấn mà chịu để sức xem xét, ra công trước thuật
như nàng Thái, ả Tạ thì thực là hiếm lắm” (Lời tựa Phụ châm). Thực tế,
xã hội phong kiến Việt Nam cũng từng có một Lễ nghi học sĩ Nguyễn
Thị Lộ, một Cung trung giáo tập Nguyễn Thị Hinh hay những nữ sĩ tài
hoa như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương nhưng hiện không thấy nói
tới việc trước tác một tác phẩm nữ huấn nào.
Không chỉ vậy, các tác giả nữ huấn ở đây đều là những người được
học hành, đỗ đạt, làm quan to (như Lại bộ hữu đường tham tụng Bùi
Huy Bích; Thượng thư Bộ hộ Nguyễn Huy Oánh; Tham tri bộ Lễ Lý Văn
Phức; Quốc tử giám tế tửu Đặng Văn Thuỵ…), hay làm quan huấn đạo
chuyên trông coi việc giáo dục của một vùng (trường hợp Trịnh Giản),
hoặc nếu đó chỉ là tác phẩm của những kẻ học trò chưa thành đạt thì
phải qua sự giám định, đề từ của một ông giáo thụ một phủ hay tổng
đốc một tỉnh (trường hợp Huấn nữ diễn âm ca và Tân nữ huấn). Điều đó
cho thấy việc biên soạn, trước tác các tác phẩm nữ huấn không phải việc
làm tuỳ tiện ở tất cả các gia đình, hay nói đúng hơn, chỉ có tác phẩm của
những vị đại quan, những người có vị trí xã hội, học vấn và đạo đức, có
uy vọng trong lĩnh vực giáo dục mới có khả năng trở thành khuôn phép
chung, gây ảnh hưởng rộng cho cả vùng hay lưu truyền từ đời này sang
đời khác. Có lẽ cũng bởi vậy mà đã xuất hiện tình trạng “nguỵ thư”,
mượn danh Nguyễn Trãi nhằm tăng giá trị cho Gia huấn ca từng gây
nhiều tranh cãi cho học giới đời sau. Từ đây có thể kết luận, gia huấn là
sản phẩm văn hoá đặc trưng của gia đình nhà Nho, hơn nữa phải là
những nhà Nho vào loại danh gia vọng tộc, bởi hơn bất cứ một học
thuyết nào, Nho giáo đặc biệt coi trọng gia đình, lấy gia đình làm đơn vị
gốc của xã hội, thế giới quan trong Nho giáo cũng là thế giới quan xuất
phát từ gia đình; và sáng tác gia huấn cũng là biện pháp tích cực đầu tiên
nhằm xây dựng “cái gốc của thiên hạ”, “cái gốc của quốc gia” được
vững bền.
Tuy nhiên, chủ thể giáo dục trong mỗi bài nữ huấn lại không xuất
hiện với tư cách một ông quan lớn, một ông huấn đạo đặt ra khuôn
14
phép áp đặt cho những hộ dân trong vùng. Dấu ấn chủ thể xuất hiện
trong nữ huấn chỉ giản dị với tư cách những người cha, người chồng,
“người thày con gái” gần gũi và thân thương. Trong phạm vi chừng ấy
văn bản cũng đủ để chúng tôi khẳng định chủ thể giáo dục trong nữ huấn
Việt Nam chủ yếu là nam giới, đóng vai trò gia trưởng đồng thời cũng là
những người đã “đạt đạo”, đủ tư cách dạy dỗ thiên hạ và mọi thành viên trong
gia tộc.
Mặc dù như chúng tôi đã nhận định, chủ thể giáo dục trong các tác
phẩm nữ huấn (và cũng là gia huấn nói chung) chủ yếu là nam giới, bậc
gia trưởng trong gia đình, hay như GS. Đặng Thanh Lê nhấn mạnh:
“quyền uy giáo dục trong cuộc sống gia đình thuộc về nam giới” “người phụ
nữ không thể là một lực lượng chủ trì giáo dục trong gia đình truyền thống”
[26: 179], nhưng chúng tôi vẫn muốn lưu ý rằng, dù không là “lực lượng
chủ trì” thì người phụ nữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực
giáo dục gia đình, đặc biệt với con gái, nói như cố giáo sư Trần Đình
Hượu: “người mẹ có vai trò quyết định trong việc giáo dục con gái; con trai
được cho đi học, còn con gái chỉ học ở mẹ” [19: 337]. Những nội dung giáo
dục được đề cập trong các văn bản nữ huấn đã khẳng định điều đó: nội
dung giáo dục con cái được chú trọng hướng dẫn cho người phụ nữ một
cách tỉ mỉ và có mặt hầu khắp trong các bài nữ huấn. Về điểm này chúng
tôi sẽ bàn kỹ hơn trong phần nội dung giáo dục.
3.2. Đối tượng giáo dục
Nếu chủ thể giáo dục trong nữ huấn chủ yếu là nam giới thì bản
thân thuật ngữ này đã chỉ rõ đối tượng giáo dục duy nhất là nữ giới.
Khi bắt tay vào công việc biên soạn, trước tác, chủ thể giáo dục
trong nữ huấn đều xác định rõ đối tượng giáo dục của mình. Theo quan
niệm Nho gia, người phụ nữ bị coi là đối tượng “khó giáo hoá”, cánh
cửa học đường luôn khép chặt với họ. Tuy nhiên, trong các văn bản gia
huấn, tình hình dường như có chiều hướng đi ngược lại: Giáo dục nam
giới vẫn đặt ra, nhưng nữ giới gần như là đối tượng chủ đạo trong giáo
dục gia đình. Nho giáo chủ trương “nam chủ ngoại, nữ chủ nội”, và
thực tế, các nhà biên soạn nữ huấn cũng ý thức một cách sâu sắc về vai
trò của người phụ nữ đối với gia đình: Xưa nay, sự hưng thịnh của gia
đạo chưa bao giờ không do người phụ nữ hiền thục tạo nên, mà sự suy
vong của gia đạo cũng chưa bao giờ không do người đàn bà ương ngạnh
15
mang lại (Cổ lai gia đạo chi thịnh vị hữu bất hiền phụ nhi thành; nhi gia đạo
chi suy diệc vị bất hữu do ngoan phụ nhi trí giả) [76: 1a]. Như vậy, sự thịnh
hay suy của một gia đình gắn liền với phẩm cách của người phụ nữ.
Người phụ nữ là nhân tố chủ chốt trong xây dựng gia đình. Muốn tạo
nên gia đình tốt trước hết phải tạo nên người phụ nữ tốt. Và nữ huấn
được làm ra trên cơ sở quan niệm, nhận thức về vai trò của người phụ
nữ với gia đình của nhà Nho như vậy.
Ý thức được vai trò của người phụ nữ, đồng thời các tác giả cũng ý
thức rõ sự thiếu hụt về tri thức của họ trong xã hội đương thời, mà
nguyên nhân chính là do không được đến trường, không biết chữ nên
không thể tự mở rộng tri thức cho bản thân. Cũng ở lời dẫn Huấn nữ
diễn âm ca, Đặng Trung Trai viết: “Phụ nữ nước ta không quen văn tự,
tuy sách xưa còn nhưng ít người giải nghĩa” (Bản quốc phụ nữ bất tập văn
tự, cổ thư tuy tồn nhi hãn hữu giải kỳ nghĩa giả) [76: 1a]. Cùng suy nghĩ ấy,
kết thúc Huấn nữ tử ca, Nguyễn Huy Oánh cũng lưu ý:
Cứ trong Nữ tắc, Hiếu kinh,
Nữ nhi có dễ học hành được ru.
Dầu cho sách có dặn dò,
Nào hoà ai giảng để cho được tường. [77: 28a]
Xuất phát từ đó, những người làm nữ huấn tự đặt ra trách nhiệm
giáo hoá, trang bị tri thức cho người phụ nữ.
Ở một phương diện khác cũng cần phải thấy rằng, giáo dục người
phụ nữ đồng nghĩa với việc bảo vệ gia thanh, gia đạo trong gia đình
Nho giáo. Một người phụ nữ không được giáo dục, nhà Nho lường
trước hết đến hậu quả:
Vậy nên cư xử lỗi thường,
Hổ trong gia đạo cùng đường tề gia. [77: 28a]
Quá trình giáo dục người phụ nữ khi còn tại gia cho tới khi xuất giá
là quá trình cần được rèn dũa, nhào nặn nên “sản phẩm trao cho xã hội”.
Người phụ nữ ấy được ca ngợi hay chê trách đều không khỏi ảnh hưởng
tới thanh danh gia đình - điều các nhà Nho đặc biệt coi trọng.
Như vậy, đối tượng tiếp nhận giáo dục trong nữ huấn được xác định là
những kẻ ít học, ít hiểu biết nhưng lại đóng vai trò quyết định trong việc gây
16
dựng nên mái ấm gia đình, bảo vệ gia thanh, gia đạo, từ đó cho thấy rằng, nữ
huấn chính là nguồn tài liệu đặc biệt, cung cấp cho người phụ nữ truyền
thống những tri thức ứng xử, những tri thức tề gia trong suốt cuộc đời họ.
3.3. Nội dung giáo dục
Kết thúc Huấn nữ tử ca, Nguyễn Huy Oánh đã tổng kết bài huấn
của mình thành 6 nội dung chủ yếu:
Một là ba vuông bảy tròn,
Hai là thuở trẻ ép ôn hiếu nghì.
Ba là phép dạy gia tề,
Bốn là dạy dỗ sửa bề tòng phu.
Năm là phụng dưỡng công cô,
Sáu là chỉ bảo dặn dò dưỡng sinh. [77: 28a, 28b]
Hay mở đầu mỗi bài huấn trong Bút Hương Trai khuê huấn ca, tác
giả đều nêu rõ nội dung giáo dục: Khuyên thờ phụng cha mẹ mình và
cha mẹ chồng (khuyến sự phụ mẫu cập công cô); Khuyên thờ phụng chồng
(khuyến sự phu); Răn về chuyện chia rẽ anh em (giới huynh đệ); Răn nết
tham lam, dối trá (giới tham trá); Răn nết kiêu căng, đố kị (giới kiêu đố).
Tuy nhiên, một đặc trưng dễ nhận thấy trong hầu khắp các bản nữ
huấn là sự hiện diện của tứ đức, tam tòng thường được nêu lên ngay từ
những lời mở đầu.Và nhiều khi, tứ đức, tam tòng không còn dừng lại ở
mặt tên gọi mà đã hoà tan trong tất cả mọi lời giáo huấn. Điều đó không
thể khác khi tác giả của nữ huấn hầu hết đều là những sĩ tử đã qua cái
học “cửa Khổng sân Trình”, và đó cũng là quan niệm mang tính qui
định của thời đại về người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Nhưng tóm lại, dù nội dung giáo dục trong nữ huấn rất phong phú,
rất chi tiết và tỉ mỉ, thậm chí “lôi thôi” như cách nói của Phạm Quỳnh,
hay dù nó có tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau như “tứ đức” hay “ba
vuông bảy tròn”; hoặc không dừng lại ở ba mối quan hệ với “phụ”
(cha), với “phu” (chồng), với “tử” (con) như “tam tòng”đề ra mà là hàng
loạt quan hệ phức tạp trong suốt cuộc đời người phụ nữ cùng với những
phép ứng xử khác nhau…, theo chúng tôi, có thể khái quát thành bốn
nội dung cơ bản sau: Tứ đức; hệ thống quan hệ và cách ứng xử; phép tề gia;
17
phép dưỡng sinh. Chính vì vậy, về đại cục, chúng tôi phân tích nội dung
giáo dục trong nữ huấn theo những mối cơ bản này.
3.3.1. Giáo dục về tứ đức, yêu cầu đầu tiên và suốt đời đối với
người phụ nữ
Có mặt trong hầu khắp các tác phẩm nữ huấn, tứ đức có vai trò như
một nội dung không thể thiếu trong cách thức đào tạo người phụ nữ
truyền thống. Chúng tôi cũng muốn bàn thêm về tứ đức từ quan niệm
khởi thuỷ trong kinh điển Nho gia tới khi đi vào cách dạy của nữ huấn.
Khái niệm tứ đức được biết đến từ thời Tiên Tần, trong sách Chu Lễ,
thiên Thiên quan, chương Chủng tể hạ đã nêu: Quan Cửu tần nắm phép
học của phụ nữ, dạy Cửu ngự phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công.
(Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ giáo Cửu ngự phụ đức, phụ ngôn, phụ
dung, phụ công) [101: 69]. Nhưng phải tới thời Đông Hán, khi Ban
Chiêu(6) soạn Nữ giới để răn dạy con gái trước khi về nhà chồng thì tứ
đức mới được lồng vào những nội hàm thật cụ thể:
Đức của người phụ nữ không ắt phải tài đức khác thường. Ngôn
của người phụ nữ không ắt phải tranh luận sắc sảo. Dung của người
phụ nữ không ắt phải nhan sắc mĩ lệ. Công của người phụ nữ không ắt
phải khéo léo hơn người. U nhàn, trinh thục, giữ tiết chỉnh tề, làm việc
có xấu hổ, động tĩnh có phép tắc, đó là đức của người phụ nữ. Chọn lời
mà nói, không nói lời xấu, lựa đúng lúc rồi mới nói thì không bị người
chán, đó là ngôn của người phụ nữ. Tẩy giặt ô uế, trang phục sạch sẽ,
chỉnh tề, tắm gội phải thời, thân không cáu nhơ, đó là dung của người
phụ nữ. Chuyên tâm canh cửi, không ham cợt đùa, cơm rượu tươm tất
để đãi tân khách, đó là công của người phụ nữ. [79: 5b, 6a]
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Minh Kỳ, đây cũng
chính là nội hàm cơ sở mà sau này Trịnh Huyền dùng để chú về tứ đức
trong Chu Lễ cũng như trong việc giảng thuật về tứ đức trong cái học
của phụ nữ đời sau. [101: 69]. Như vậy, rõ ràng nữ huấn đã có vai trò như
một nẻo đường cụ thể hoá nguyên lý của Nho gia, và đồng thời chính nó cũng
có khả năng quay lại bổ sung cho nguyên lý ấy. Từ đời Tống về sau, do ảnh
hưởng của Lý học, tứ đức bị tuyệt đối hoá, cực đoan hóa, coi đó là những
phẩm chất áp đặt cho người phụ nữ, phủ định tất cả những gì ngoài tứ
đức, dù là những tài năng đặc biệt. Cái đẹp ở người phụ nữ được đo
bằng đạo lý, và cái đẹp đạo lý lấn át tất cả: Tứ đức đầy đủ tuy tài vụng,
18
tính ngu, nhà nghèo, mặt mũi xấu xí cũng không thể luỵ đến đức hạnh.
Tứ đức mất, tuy tài năng đặc biệt, nhan sắc diễm lệ cũng không thể che
nổi cái xấu. (Tứ đức bị, tuy tài chuyết, tính ngu, gia bần, mạo lậu, bất năng
luỵ kì hiền. Tứ đức vong, tuy kì năng dị tuệ, quý nữ phương tư bất năng yểm
kỳ ác- Lã Tân Ngô khuê phạm) [79: 22b]. Đó cũng là quan niệm “không
có tài là đức”, “không có tài là phúc” của Lý học đời Tống.
Tứ đức trong nữ huấn Việt Nam tất nhiên cũng lấy thiên Phụ hạnh
của Ban Chiêu làm tinh thần căn bản. Có khi nó được giải thích tỉ mỉ
như những định nghĩa, cũng có khi nó hiện diện dưới hình thức những
lời khuyên răn cụ thể về lời ăn tiếng nói, nết ở, việc làm hàng ngày.
Trong số những văn bản chúng tôi đã khảo được, thì định nghĩa về “tứ
đức” trong Huấn nữ tử ca của Nguyễn Huy Oánh được coi là định nghĩa
công phu nhất. Với 632 câu lục bát của toàn tác phẩm, riêng phần giáo
dục về tứ đức chiếm tới 124 câu, trong đó “dung” gồm 20 câu, “ngôn”
gồm 16 câu, “công” gồm 18 câu và riêng “hạnh”chiếm tới 72 câu. Đây
cũng là định nghĩa mang bóng dáng của Phụ hạnh nhiều nhất. Nếu lập
một bảng so sánh về những nội dung “dung”, “công”, “ngôn”, thì
chúng ta dễ thấy Nguyễn Huy Oánh gần như đã diễn Nôm lại quan
điểm trong Phụ hạnh.
Riêng nết “hạnh”, để đạt được yêu cầu “u nhàn, trinh thục, giữ tiết
chỉnh tề, làm việc có xấu hổ, động tĩnh có phép tắc”, Huấn nữ tử ca đã
đặt ra một loạt những điều ngăn cấm, phòng phạm đầy áp đặt: Từ cách
ngồi thì không “động chân”, đi không “động quần”, không “đoái lại
thẫn thờ”, bước không “đổ giẹo đổ xiêu nghiêng mình”, không mím
miệng, không nghiêng vai, nghiêng tóc, nghiêng tai, không miệng bĩu
môi dề, không khi ngửa mặt, khi cúi đầu, không liếc trước trông sau,
cau đầu mày, vin lưng, hay thở dài, nói hở hàm răng, chưa nói đã cười,
nói năng xô bồ, không tham ăn, tham uống… [77: 11a – 12b]. Người phụ
nữ phải chuyên tâm trong mọi lúc, mọi nơi, phải luôn giữ mình ở trạng
thái đoan chính, không khác thường. Người phụ nữ phải hạn chế bước
chân ra tới ngoài, không coi cửa, không ngồi chơi sân, “ở thì náu tiếng
náu hình, Chớ cho kẻ lạ dòm hình biết ta”. Đến khi có bước chân ra đến
ngoài, phải giữ vẻ nghiêm nghị, uy nghi, tránh lẳng lơ, cợt ghẹo dễ sinh
thói loàn đơn. Dầu có ai trêu đùa, cũng phải giữ thái độ “làm thinh cài
tóc, đắp tai sá nào” [77: 12b]. Trong cách đối xử với bạn bè, chủ trương:
19
Trai nào chẳng phải họ hàng,
Chớ hề chào hỏi, lánh đường hiềm nghi.
Gái nào nết chẳng nhu mì,
Chớ hề làm bạn sớm khuya ở gần. [77: 11a]
Đặc biệt, trong quan hệ gái trai phải hết sức cẩn trọng:
Gái trai nghiêm cẩn trong ngoài,
Cửa phòng chẳng khả để ai đến gần.
Chữ rằng nam nữ dị quần,
Phòng xa cho khỏi lửa gần bén rơm. [77: 12a]
Tất cả những điều ngăn cấm, răn đe trên cuối cùng cũng chỉ nhằm
bảo vệ người con gái tránh khỏi “mắc tiếng bờm xơm”, để “vững một bề
tiết trinh”. Đó cũng là giá trị cao nhất để đảm bảo hạnh phúc sau này
cũng như trong việc báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ. Và để giữ
gìn điều đó, không có cách nào hơn là buộc họ luôn phải giam kín mình
sau những tấm bình phong nhằm che chắn mọi “gió bụi”, mọi “cám dỗ”
bên ngoài.
Tuy nhiên, trong hầu khắp các văn bản nữ huấn Việt Nam, ngoài
Huấn nữ tử ca của Nguyễn Huy Oánh, những lời khuyên về tứ đức
không phải lúc nào cũng nặng nề như vậy. Có khi nó được định nghĩa
rất giản đơn và đầy tinh thần khích lệ:
Công là đủ mùi xôi, thức bánh,
Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.
Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,
Không tha thướt, không chiều lả tả.
Ngôn là dạy trình thưa vâng dạ,
Hạnh là đường ngay thảo kính tin.
Xưa nay mấy kẻ dâu hiền,
Dung, công, ngôn, hạnh là tiên phàm trần. [48: 28]
Và phần lớn nó hoá thân vào những lời khuyên nhủ, chỉ bảo rất ân
cần, gần gũi từ cách gọi dạ thưa vâng, ăn nói nhu hoà, biết chào mời bậc
tôn trưởng, không nên nhiều lời khôn ngoan; hay trong việc lấy nước
20
têm trầu, kim chỉ cửi canh, buôn bán sao cho thành thạo, nhanh nhẹn,
chuyên cần; hay từ cách ăn mặc giản dị, dịu dàng không ưa phấn hương
chải chuốt; và đặc biệt khi bước chân ra tới đường, biết chào già yêu trẻ
nhưng phải hết sức đoan chính, tránh tiếp xúc với con trai, cẩn thận khi
đi đêm, nơi bến đò, nhà hàng… Chúng tôi nhận thấy, tứ đức đề ra trong
nữ huấn Việt Nam dù vẫn chịu sự chi phối bởi quan niệm của Ban
Chiêu, nhà nữ huấn gây ảnh hưởng mạnh đầu tiên của Trung Quốc; dù
cũng có khi nặng về ngăn cấm (như trường hợp Huấn nữ tử ca của
Nguyễn Huy Oánh là tiêu biểu) nhưng nó được cụ thể hoá, chi tiết hoá
hơn, nó gắn liền chặt chẽ với những biểu hiện thường ngày trong cuộc
sống, nó mang đậm tính khuyên nhủ và khích lệ, khiến nó linh hoạt,
phong phú và dễ cảm hoá mà không phải những công thức, nguyên tắc
khô cứng, ép buộc.
Giáo dục về tứ đức được coi là một yêu cầu thiết yếu, nó thường
được đặt ra ở vị trí khuyên răn đầu tiên trong mỗi bài nữ huấn, từ quá
trình người con gái còn tại gia, nó là sản phẩm do sự dạy dỗ công phu
của cha mẹ. Và thực chất, tứ đức chính là thước đo, là tiêu chuẩn hàng
đầu để người con gái có thể đi xuất giá. Tuy nhiên, những lời răn dạy về
tứ đức vẫn đi theo người phụ nữ cho tới suốt đời. Dù đã là một người
vợ, người mẹ thì vẫn rất cần đến vẻ đẹp của nữ dung ấy.
Từ lời ăn tiếng nói phải luôn giữ gìn dù là với con cái:
Làm mẹ chớ ăn càn, nói dở,
Với con đừng chửi rủa quá lời,
Hay chi thô tục những người,
Hôm nay cụ cụ, ngày mai bà bà.
Gieo tiếng ra chết cây, gãy cối,
Mở miệng nào có ngọn có ngành,
Đến tay bụt cũng không lành,
Chồng con khinh rẻ, thế tình mỉa mai! [48: 22- 23]
Dạy dỗ về “công” chính là sự chuẩn bị để phát huy cao độ trong vai
trò “tề gia” sau này.
Đặc biệt nết “hạnh” mà chủ yếu là liên quan đến vấn đề trinh tiết
được thường xuyên đặt ra trong suốt cuộc đời người phụ nữ: Khi chưa
21
lấy chồng, khuyên phải giữ gìn như một phẩm chất tất yếu để có thể xây
dựng hạnh phúc tương lai; lấy chồng rồi phải chuyên nhất, nhưng nếu
không may chồng mất sớm, người phụ nữ vẫn phải giữ gìn “thờ người
nơi chín suối”. Nữ huấn lên án gay gắt những kẻ “khát khao duyên mới,
lạnh lùng nghĩa xưa”, coi đó là “phá giới ra tình xấu xa”, là “thất tiết để
người chê bôi”. Dầu còn trẻ trung cũng nên ở vậy thay chồng nuôi con;
khi con đã trưởng thành “cầm sắt đủ đôi” thì lấy “cảnh con lắm cháu
nhiều”, dâu rể dập dìu, dạy con dạy cháu làm vui. Ăn ở thuận hoà, đối
xử công bằng, nhẫn nại chịu thua chịu thiệt, trăm cay ngàn đắng, không
kêu tranh, không bo bo giữ của, lo tu nhân tích đức. Còn trẻ thì chăm
tụng kinh niệm Phật tại nhà, không đến cửa chùa, tránh “Kẻ mắt liếc,
người miệng dò - Ra tình trêu ghẹo, ra trò gió trăng”. Khi về già, qui y,
trông về một cõi nhàn cực lạc chốn niết bàn. [76: 13a – 16a]
Như vậy, để đạt được tứ đức, người con gái phải qua một quá trình
tu thân tới khắc nghiệt. Nó là yêu cầu đặt ra từ khi họ còn là một cô bé
gái, đồng thời cũng là yêu cầu luôn luôn cần nhắc nhở trong suốt quá
trình họ đã là một người vợ, một người mẹ hay một người bà. Đó là sự
kết tinh của một vẻ đẹp nền nã, giản dị, đoan trang toát lên từ cách ăn
mặc, nói năng, từ điệu đi dáng đứng, cách cư xử, tới những việc làm
thường ngày trong nhà. Và giáo dục về tứ đức chính là yêu cầu đầu tiên
và suốt đời đối với người phụ nữ.
3.3.2. Từ tam tòng mở ra các mối quan hệ sinh động trong thực tiễn
gia đình và những cách ứng xử
Nói về tam tòng, sách Nghi Lễ, thiên Tang phục, chương Tử Hạ
truyện viết:
Phụ nữ có nghĩa tam tòng, đạo không chuyên chế. Cho nên chưa
lấy chồng, theo cha; đã lấy chồng, theo chồng; chồng chết, theo con. (Phụ
nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên chế chi đạo. Cố vị giá tòng phụ, kí giá
tòng phu, phu tử tòng tử). (Dẫn theo [101: 69])
Trong nữ huấn, ba giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ không chỉ
dừng ở ba mối quan hệ đó, thực tế sống động đã đặt họ trong một mạng
lưới các mối quan hệ dày đặc mà các tác giả nữ huấn bằng kinh nghiệm
sống đã lường tính trước đối tượng giáo dục của mình sẽ phải trải qua:
Với cha mẹ; với anh em; với cha mẹ chồng; với chồng; với vợ cả, vợ lẽ
của chồng; với con cái mình; với con riêng của chồng; với con dâu, con
22
rể; với anh em chồng; với chị em dâu; với họ hàng bên mình; họ hàng
bên chồng; với kẻ ở; với tân khách; với láng giềng; với tăng ni.
Sự liệt kê trên cho thấy, tuy giáo dục người phụ nữ được đặt trong
tầng tầng lớp lớp các mối quan hệ rườm rà phức tạp bởi gia đình, họ tộc
nhưng những quan hệ cơ bản thuộc Ngũ luân như vua- tôi, bằng hữu
hay quan hệ quan- dân, làng xã mà ở phần huấn nam tử không thể thiếu
lại nghiễm nhiên bị gạt bỏ ở phạm vi này. Chủ trương giáo dục của các
soạn giả nữ huấn cũng chính là qui định của thời đại về vị thế người phụ
nữ: Họ hầu như không xuất hiện với tư cách một quốc dân trong các
mối quan hệ làng nước, họ chủ yếu xuất hiện ở thế phụ thuộc giữa các
mối quan hệ trong gia đình.
Mặc dù, các mối quan hệ được rút ra từ tất cả các giai đoạn trong
cuộc đời người phụ nữ nhưng đó không phải sự phân bố trải đều. Trong
giai đoạn vị giá, môi trường giao tiếp của người phụ nữ hầu như thu gọn
trong quan hệ với cha mẹ, với anh em, các mối quan hệ với bạn trai hay
bạn gái chỉ đưa ra nhằm răn đe, cảnh giới. Trong khi quan hệ với bạn
gái chỉ nhắc tới rất thoảng qua ở đôi câu, thì trong quan hệ với bạn trai,
các lời răn đe đặt ra rất nghiêm khắc. Và như vậy, dù các quan hệ như
với bạn trai hay bạn gái có đề cập thì rõ ràng đây là một thái độ lảng
tránh, gần như cự tuyệt, hòng phòng phạm mọi điều bất trắc xảy ra.
Trong quan hệ đối với cha mẹ, hạt nhân cơ bản của cách ứng xử đặt
ra cho người phụ nữ chính là “đạo hiếu”, bổn phận tất yếu của người
làm con:
Nữ nhi nết đủ trăm đường,
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay. [72: 2b]
Đạo hiếu trước hết biểu hiện ở những công việc chăm sóc, phụng sự
hàng ngày như: “Tối thì giải đệm sửa chăn”, khi mẹ cha gần nghỉ thì “Ra
vào kín tiếng náu hơi/ Chớ hề động địa để người ngơi say”, sáng ra “sắp đồ
rửa mặt rửa tay sẵn sàng”, dọn dẹp phòng the, gấp đệm vắt chăn, cất gối,
ba ngày dâng nước tắm lau, năm ngày dâng nước gội đầu, rét thì thêm
áo, nóng thì bớt áo, xem chiều ấm lạnh thì quạt hay đắp chăn, dâng
miếng ăn bùi ngọt, gần bữa đứng lại xem miếng gì người ưa thì làm;
Sớm tối thăm viếng, “mỏi thì đấm bóp, ngứa thì gãi xoa”; Đứng ngồi khi
trước mẹ cha khép nép ôn hoà, “Chớ ho chớ thở mè hè/ Ngứa thì chớ gãi,
23
mỏi thì chớ dang”. Khi cha mẹ cảm nắng sương thì kề bên chăm sóc, chú ý
cả từ nét mặt “không hớn hở vui cười” [77: 13a – 14b]. Đạo hiếu còn biểu
hiện ở sự thuận tòng cha mẹ tới tuyệt đối dù những việc nhỏ nhất cho
tới những việc hệ trọng nhất của đời người cũng do cha mẹ quyết định:
Tới tuần đôi tám tròn trăng,
Ễng tơ định chốn xích thằng xe duyên.
Lời cha lời mẹ nghe tin,
Chớ nên núi nọ đứng nhìn non kia. [76: 2b]
Lời khuyên dạy về cách thức ứng xử, thờ phụng cha mẹ ở đây theo
khá sát với những qui định đề ra về đạo của người làm con trong thiên
Nội tắc, sách Lễ ký. Và như vậy, “Lễ” không phải lúc nào cũng “bất hạ
thứ dân”(không xuống tới dân thường), mà theo con đường nữ huấn, nó
đã giáo hoá tới cả những đối tượng bình dân nhất.
Nếu như trong giai đoạn tại gia, nội dung giáo dục chỉ dừng lại
trong vài ba mối quan hệ nhà mình thì từ khi xuất giá, hàng loạt mối
quan hệ mới với những yêu cầu, trách nhiệm mới đặt ra, đòi hỏi người
phụ nữ phải thích nghi, ứng xử.
Mối quan hệ cơ bản đầu tiên là quan hệ chồng - vợ. Nữ huấn khuyên
người phụ nữ phải làm tròn bổn phận của người “nâng khăn sửa túi”,
chăm lo miếng ăn thức uống cho chồng, hơn nữa phải làm những việc đó
với một thái độ tôn kính từ cả cách xưng hô đúng phận danh, từ cách
“dâng mâm ngang mày”. Người phụ nữ cũng giữ vai trò “nội trợ”, góp
phần đốc giúp chức nghiệp cho chồng, hi vọng về một tương lai rạng rỡ:
Khuyên chồng gắng sức Thi Thư,
Khuyên chồng đèn sách sớm trưa học hành.
May nhờ phận có công danh,
Mà chồng phú quí ấy mình vẻ vang. [76: 3a]
Người vợ còn là người đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh, cùng
chia sẻ mọi buồn vui sướng khổ trong bước đường đời với chồng.
Hay có khi là sự ý tứ, giữ gìn:
Vợ chồng lề ở đạo thường,
Lấy trong đạo ở bớt đường ái ân.
24
Trước là chức nghiệp chuyên cần,
Sau là thọ khảo ngàn xuân lâu dài. [77: 17a]
Nữ huấn cũng đặt ra cả những tình huống xấu nhất: Hoặc chồng là
kẻ tiêu pha hoang phí; hoặc rượu chè, cờ bạc; hoặc ngang ngược vũ phu;
hoặc ham “trai gái lăng quàng”những bất hạnh không dễ gì vượt qua.
Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi người phụ nữ phải kiên
trì, khéo léo can ngăn, hoặc có khi phải cắn răng chịu đựng, hoặc thậm
chí phải chấp nhận cảnh “chồng chung” một cách chủ động.
Trong xã hội mà tình cảnh “năm thê bảy thiếp” là phổ biến, nữ huấn
dự đoán những mâu thuẫn, phân tích những cảnh huống dễ gặp phải và
đưa ra những cách ứng xử cụ thể:
Khi người phụ nữ là vợ kế, nữ huấn chú ý tới cách cư xử với con
chồng- mối quan hệ vốn khó hoà hợp. Khuyên người phụ nữ đừng “điều
phỉ bạc khắt khe”, đừng phân biệt “con chồng như vấn, con mình như hoa”,
hãy nghĩ đến người đã khuất, thương yêu thật lòng và có trách nhiệm
với con chồng.
Khi là vợ cả, phải thể tình kẻ “ăn cạnh nằm ngoài”, phải lấy tư cách
người trên mà “dong kẻ dưới”, tránh ghen tuông tức tối mà nên chấp
nhận cảnh sẻ chia tình cảm.
Khi ở phận vợ lẽ, dầu người vợ cả ngu hèn, hay hiếm hoi con cái
mà mình giỏi giang, “gái tốt trai lành”, làm “nổi danh cho chồng” cũng nên
giữ phận đàn em, ăn ở cho phải đạo.
Những lời khuyên giải cho thấy, để đổi lấy sự hoà thuận, êm ấm
cho gia đình, người phụ nữ phải cam tâm, hứng chịu mọi thiệt thòi, san
sẻ, hy sinh dù đó là tình yêu, hạnh phúc của chính bản thân.
Đi liền mối quan hệ với chồng là mối quan hệ với con cái. Nữ huấn
yêu cầu người phụ nữ một phương cách đối xử:
Sinh con ta phải yêu thương,
Yêu thương ta phải tìm đường dạy răn. [76: 5a]
Dạy con là cả một công trình tỉ mỉ: từ “điều trình dạ”, “phương tế
nhường”, từ cách cười, cách nói, cách ăn. Trai thì khuyên “trung hiếu thực
thà”, chuyên cần đèn sách, mong tới ngày “phong vân gặp hội tay vin cánh
25