Tải bản đầy đủ (.pdf) (229 trang)

Thần tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn qua tư liệu Hán Nôm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.92 MB, 229 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN TÔ LY

THẦN TÍCH HAI HUYỆN THỌ XƯƠNG VÀ
VĨNH THUẬN THỜI NGUYỄN QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
CHUYÊN NGÀNH HÁN NÔM

HÀ NỘI - 2016


MỤC LỤC
MỤC LỤC .......................................................................................................... i
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................ iii
LỜI CẢM ƠN .................................................................................................. iv
DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT ..................................... v
DANH MỤC CÁC BẢNG............................................................................... vi
DANH MỤC CÁC BẢN ĐỒ .......................................................................... vii
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu.................................................................... 2
3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu ................................................ 3
3.1. Cơ sở lý thuyết ........................................................................................... 4
3.2. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 3
4.1. Đối tượng nghiên cứu................................................................................. 3
4.2. Phạm vi nghiên cứu .................................................................................... 3


5. Đóng góp của đề tài....................................................................................... 5
6. Bố cục của Luận án ....................................................................................... 6
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ............................. 7
1.1. Giới thuyết một số khái niệm và diễn đạt được dùng trong luận án .......... 7
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu thần tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh
Thuận thời Nguyễn.......................................................................................... 17
1.3. Hướng nghiên cứu của đề tài ................................................................... 24
CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH VĂN BẢN THẦN TÍCH Ở HAI HUYỆN THỌ
XƯƠNG VÀ VĨNH THUẬN ......................................................................... 30
2.1. Danh mục văn bản thần tích ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận .... 30
2.2. Phân loại và nhận xét về danh mục thần tích của hai huyện Thọ Xương và
i


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội là một vùng “nhân kiệt địa linh”. Sự linh
thiêng của vùng đất này một phần được thể hiện trong thần tích của các thần ở
chốn quốc đô. Đó là thần Bạch Mã đại vương, thành hoàng của đất Thăng
Long là hậu thân của thần Long Đỗ ở thời Bắc thuộc, đạp đổ mọi trấn yểm
của Cao Biền; thần Cao Sơn đại vương giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn.
Thần Linh Lang gắn liền với các cuộc chống ngoại xâm thời Lý Trần; thần
Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế tuy có nguồn gốc Đạo giáo nhưng được Việt hóa
trong nhiệm vụ trấn giữ phía Bắc của thành Thăng Long.
Các vị ấy một mặt vừa âm phù cho công cuộc phục hưng của dân tộc
cũng như cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nhà nước Đại Việt độc lập tự
chủ. Các vị thần được thờ ở đây đã được nhà nước bao phong từ rất sớm, có
tính chất và mang tầm cỡ của các vị thần chốn quốc đô.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh
Thuận giai đoạn thời Nguyễn (thế kỷ XIX), Thăng Long tạm thời mất vị trí

quốc đô. Nhưng dù không còn vị trí quốc đô thì trong tâm thức dân gian,
Thăng Long vẫn luôn là quốc đô, vẫn là nơi hạo khí anh linh ngút trời còn mãi
trong tâm tưởng Thăng Long. Thần chính khí Long Đỗ vẫn vang lên trong
“Hà thành chính khí ca”1, sục sôi tinh thần bảo vệ quốc đô khi Pháp bắn súng
cướp thành Hà Nội, hồn thiêng sông núi vẫn tụ lại ở đây. Sau này, chính khí
ấy vẫn sống mãi với Thủ đô trong những ngày toàn quốc kháng chiến chống
Pháp tháng 12 năm 1946. Trung đoàn Thủ đô đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ
từng góc phố, cầm chân giặc để công nhân và bộ đội chuyển hàng vạn tấn

1

Hà thành chính khí ca tương truyền là của Ba Giai, một nhà thơ châm biếm ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam.
Đây là một thi phẩm dài 140 câu thơ lục bát, nhằm ca ngợi sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu, đồng thời
phê phán những viên quan phản bội (bỏ chạy hay đầu hàng) khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai
(1882).

1


máy móc lên chiến khu Việt Bắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Hà Nội là
lũy hoa và cũng là lũy thép trong những ngày đêm khói lửa với những người
tự vệ thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng, xe bọc thép của giặc Pháp.
Tháng 12 năm 1972, Hà Nội đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không, rồng
lửa Thăng Long đã vít cổ những pháo đài bay B52, khiến “Pháo đài bay rụng
đỏ mặt hồ”. Làm nên và có được những chiến công đó vì đây là nơi lắng hồn
sông núi từ trong lịch sử mấy ngàn năm. Ở đây dường như có một sợi dây liên
kết sự liên tục về văn hóa của Tống Bình-Đại La-Thăng Long-Đông Đô-Hà
Nội trong khoảng thời gian mấy ngàn năm và nhất là trong khoảng một ngàn
năm sau cùng kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La
để rồi lập nên một Thăng Long văn vật.

Thần tích hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận trong khoảng thời gian
thời Nguyễn vừa có tính kế nối với các triều đại và thế kỷ trước đó vừa có
những đặc điểm riêng của mình do phải chịu những chi phối và chế ước từ
chế độ chính trị. Tính kế nối với các triều đại và thế kỷ trước đó mà cụ thể là
các triều Lý, Trần, Hồ, Lê. Đó là các vị thần có công năng, quyền uy của thần
quốc đô mà không có một địa phương nào trên cả nước có thể có được.
Mất vị trí quốc đô về phương diện hành chính nhưng không làm thay
đổi về phương diện tâm tưởng, tâm thức của người dân về thần. Đó cũng là
một trong những lý do đã thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu thần tích hai huyện
Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn qua tư liệu Hán Nôm với hy vọng
góp phần nhỏ bé vào việc làm sáng tỏ sự liên tục về văn hóa Thăng Long.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
- Xác lập một khái niệm thần tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận
trên cơ sở kế thừa những gì đã có của các nhà nghiên cứu đi trước, đồng thời
mở rộng khái niệm thần tích tại hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời
Nguyễn phục vụ cho đề tài luận án.
2


- Lập danh mục các văn bản thuộc phạm trù thần tích hai huyện Thọ
Xương và Vĩnh Thuận qua các nguồn tài liệu hiện đang được lưu trữ tại Viện
Nghiên cứu Hán Nôm (kho AE) và các nguồn khác, trong đó có tại các di
tích.
- Phân tích danh mục trên theo các chỉ số tương quan (tương quan với
những ghi chép về việc thờ thần trong các tài liệu dư địa chí cùng thời; tương
quan với thực tế di tích); phân xuất danh mục các thần được thờ qua văn bản
thần tích; phân tích các tương ứng và tương quan giữa danh mục thần được
thờ với văn bản thần tích; xác định quan hệ cùng danh hiệu đa thần tích, cùng
một thần nhiều nơi thờ để làm rõ quan hệ giữa trung tâm và ngoại biên của
thần tích từ góc nhìn thần tích học; xác định “hạo khí anh linh” của các thần

được thờ ở quốc đô và tính chất quốc đô của thần ở hai huyện Thọ Xương và
Vĩnh Thuận xưa kia.
- Xác định sự khác biệt của phương thức định hình văn bản thần tích
của hai huyện qua việc đề cập đến hiện tượng cố định thần tích trên bia đá ở
đây vào thời Nguyễn.
- Nghiên cứu giá trị nhiều mặt của thần tích ở hai huyện Thọ Xương và
Vĩnh Thuận xưa kia.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu thần tích ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh
Thuận thời Nguyễn. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu chính của luận án là văn
bản thần tích trong phông tư liệu “Thần tích” hiện đang lưu giữ tại thư viện
Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu AE cũng như từ các nguồn khác.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Đây là công trình nghiên cứu về thần tích ở hai huyện Thọ Xương và
Vĩnh Thuận thời Nguyễn với hai chiều hướng vận động. Một là, sự kế nối của
3


nó với các triều đại trước đó. Hai là, sự phù hợp mới của thần tích ở thời kỳ
này với xu hướng cố định thần tích trên bia đá và cấu trúc gọn cho phù hợp
với khuôn khổ bài văn bia và tấm bia.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về văn hóa, đồng thời
vận dụng đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc sưu tầm, bảo
quản, nghiên cứu khai thác và phát huy vốn thư tịch cổ xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Những tri thức về Ngữ văn Hán Nôm; Văn bản học và nghiên cứu liên
ngành đã được vận dụng về lý thuyết nghiên cứu khoa học trong từng chương

của Luận án để xem xét sự liên tục về văn hóa quốc đô Thăng Long trên
phương diện thần tích.
Kế thừa thành quả nghiên cứu từ các công trình đi trước của giới
nghiên cứu trong và ngoài nước đã được công bố có liên quan đến đề tài, để
tập trung khai thác sâu đặc điểm và giá trị nội dung được phản ánh trong thần
tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn, góp phần vào các kết
quả nghiên cứu giá trị thần tích Việt Nam nói chung và thần tích hai huyện
Thọ Xương và Vĩnh Thuận nói riêng.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong bản Luận án này, chúng tôi chủ yếu vận dụng những phương
pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thư mục học: Trước hết, tác giả luận án tiến hành thống
kê, sưu tầm tài liệu thần tích tại hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Để sử
dụng phương pháp này, thao tác đầu tiên là tra tìm trong các bộ thư mục, thư
tịch có ghi chép về thần tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận được lưu
trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thư viện Viện thông tin khoa học
4


xã hội và các thư viện khác. Từ đó, lập danh mục thần tích để sử dụng cho
công tác phân loại, đánh giá sau này của luận án.
- Phương pháp văn bản học Hán Nôm : Sau khi có danh mục thần tích
hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, tác giả luận án sẽ xử lý văn bản thần
tích. Trong đó có thống kê, đối chiếu, so sánh, phân tích tổng hợp, làm nổi bật
sự tương đồng và dị biệt, những giá trị tiêu biểu của từng văn bản nhằm đưa
ra những văn bản để phân loại tư liệu, xác định nội dung, phân loại loại hình...
Từ đó xác định tình trạng văn bản thần tích hiện nay;
- Phương pháp nghiên cứu đại diện để qua đó khái quát lên các đặc
điểm có tính nhóm hay loại hình về mặt văn bản thần tích cũng như loại hình
các thần.

- Cách tiếp cận liên ngành: Thần tích là loại hình văn bản ghi chép lại
lai lịch các vị thần Thành hoàng, phản ánh một phần đời sống tinh thần, tín
ngưỡng của người dân trong một thời gian dài. Thần tích hai huyện Thọ
Xương và Vĩnh Thuận có nội dung phong phú, đa dạng, viết về nhiều vị thần
khác nhau... nên khi nghiên cứu các văn bản này yêu cầu phải sử dụng đến
cách tiếp cận liên ngành để có thể làm rõ nhất nội dung, giá trị của thần tích.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án có những đóng góp trên các phương diện sau đây:
- Lập danh mục thần tích thuộc di tích tại địa bàn nghiên cứu.
- Phân xuất và lập ra danh mục thần được thờ qua các tài liệu thần tích.
- Phân nhóm các loại thần được thờ để từ đó xác lập tính chất quốc đô
của các vị thần được thờ ở đây (các vị thần thuộc phạm trù “hạo khí anh
linh”) để qua đó giải thích lý do các thần được thờ là vì các vị đó là sự kết
tinh của hồn thiêng sông núi.
- Xác lập tính kế nối của thần tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh
Thuận so với các triều đại trước.
5


- Xác lập sự tự thích ứng mới của thần tích hai huyện trên vào thời nhà
Nguyễn qua hiện tượng cố định thần tích trên bia đá.
- Bước đầu đề cập đến giá trị nhiều mặt của thần tích trên các bình diện
lịch sử và văn hóa.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án đề cập đến sự liên tục về văn hóa quốc đô Thăng Long trên
phương diện nghiên cứu thần tích của hai huyện vốn nằm trên địa bản quốc
đô Thăng Long nhưng lại bị mất qui chế quốc đô về phương diện hành chính
ở thời Nguyễn. Sự tự hào về văn hiến quốc đô đã thúc đẩy con người ở đây
lưu lại những dấu vết của quốc đô, bảo tồn, cố định thần tích quốc đô trên bia
đá.

Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài, luận án nhằm chứng minh sự
liên tục của văn hóa quốc đô, nâng cao nhận thức và lòng tự hào cho cư dân
và du khách đến thăm Hà Nội. Trực tiếp góp phần quảng bá cho một vùng
văn vật, nhất là trong thời kì hội nhập của xã hội hiện đại ngày nay.
7. Cơ cấu của luận án
Luận án bao gồm các phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình
công bố của tác giả, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục và 04 chương
chính:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài và
hướng triển khai của luận án
Chương 2: Tình hình văn bản thần tích ở hai huyện Thọ Xương và
Vĩnh Thuận
Chương 3: Khảo cứu hệ thống thần ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh
Thuận qua thần tích
Chương 4: Cố định thần tích trên bia đá và giá trị của thần tích hai
huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn
6


CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Chương này nhằm giới thuyết một số khái niệm và diễn đạt được dùng
trong luận án; tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án
đồng thời đề cập đến hướng triển khai của đề tài
1.1. Giới thuyết một số khái niệm và diễn đạt được dùng trong luận án
Để triển khai đề tài, cần phải giới thuyết nội hàm một số khái niệm và
diễn đạt được dùng trong luận án như: thần tích, văn bản thần tích, địa bàn hai
huyện hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn cũng như thần tích
hai huyện trên vào thời Nguyễn.
1.1.1. Thần tích và văn bản thần tích

Từ trước đến nay, chưa có định nghĩa thống nhất cho loại hình văn bản
này. Theo sách Cơ sở ngữ văn Hán Nôm [87], các tác giả đã nêu ra thuật ngữ
thần tích với nội dung: Sự tích thần được ghi chép đó gọi là thần tích 神跡 (sự
tích của thần) hoặc thần phả (phổ) 神譜 hoặc thần lục 神錄 (phả hay lục đều
có nghĩa là ghi chép). Và trong trường hợp vị thần xuất thân từ gia đình nhà
vua, người ta gọi thần tích đó là Ngọc phả 玉譜. [87]. Tuy nhiên, các tác giả
của sách chưa đưa ra khái niệm cụ thể cho loại hình văn bản này.
Mai Ngọc Hồng trong luận án Phó Tiến sĩ Nghiên cứu về đánh giá văn
bản thần tích địa phương Thái Bình (1996) nêu khái niệm thần 神 và tích 跡.
Tích là sự tích, công tích, nghĩa gốc ban đầu của nó là dấu vết (vết chân để
lại). Khái niệm tích ở đây dùng để chỉ sự tích để rồi ông đi đến kết luận:
“thần tích là những sự tích (hành trạng, công trạng) của thần được định hình
thành văn bản, được sự thừa nhận của nhà nước và nhân dân nơi thần được
thờ. Vậy, văn bản thần tích là những văn bản ghi chép công tích các thần

7


được thờ cúng tại địa phương, những văn bản này đã được chính quyền trung
ương công nhận hoặc được nhân dân địa phương mặc nhiên công nhận”. [41,
tr.9]
Bách khoa tri thức định nghĩa: Thần tích là sự tích của các vị thần
thánh mà nhân dân thờ cúng ở các đền miếu, được lưu truyền trong dân gian
hoặc được ghi chép lại. Cuốn sách ghi chép thần tích gọi là Thần phả (còn gọi
là Ngọc phả). [3] Như vậy, trong sách này, khái niệm thần tích cũng đã có
một định nghĩa nhất định.
Trong lời giới thiệu của cuốn Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội Tuyển tập thần tích (Nxb Hà Nội, 2010) của nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn
Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh có viết: “Thần tích, thần phả là loại
hình văn bản Hán Nôm ghi chép các vị thần được tôn thờ ở đền miếu. Dường
như mỗi làng của người Việt đều có đền miếu thờ thần, nên đều có ghi sự tích

của tôn thần vào văn bản thần tích”. [54]
“Thần tích 神跡” về phương diện từ ngữ là một cụm danh từ được tổ
hợp theo quan hệ định ngữ, trong đó tích 跡 là trung tâm, thần 神 là định ngữ
hạn định trung tâm đó, được dùng với nghĩa để chỉ “sự tích của thần”. “Sự
tích của thần” nhất là với các nhân thần bao gồm các yếu tố như: thời gian,
không gian xuất thế của thần; hành tích, thuộc tính, công năng, quyền uy,
công trạng của thần lúc sinh; sự hóa của thần và sự linh dị và linh ứng, hiển
linh của thần lúc tử. Thần thường là những đấng “Sinh vi lương tướng, tử vi
thần 生為良將死為神” (Sống làm tướng giỏi, chết làm thần). Những sự tích
về thần như thế được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác, từ
thế hệ này qua thế hệ khác thành câu chuyện có tính huyền thoại. Sự lưu
truyền của câu chuyện có tính huyền thoại về thần trong dân gian cũng chính
là sự văn bản hóa của thần tích ở dạng bằng ngôn ngữ nói. Từ dạng ngôn ngữ
nói này, thần tích được ghi lại bằng chữ viết mà trong các thế kỷ của thời
8


trung đại ở Việt Nam, nó chủ yếu được ghi bằng chữ Hán, Hán văn. Đôi khi
trong đó, chữ Nôm cũng được sử dụng để ghi các nhân danh và địa danh2.
Việc văn bản hóa bằng chữ Hán lại còn làm tăng tính linh dị của thần, làm
nên tính cảm cách của thần. Thần có uy lực trong dân gian bởi vì thần là kết
tinh của hồn thiêng sông núi, sức mạnh và sự kỳ diệu của con người. Thần trở
thành một lực lượng có sức mạnh huyền bí có công năng, quyền uy, âm phù
dương trợ cho cuộc sống con người và non sông đất nước vào những lúc hiểm
nghèo của lịch sử. Dân gian lập đền thờ thần. Nhà nước phong kiến với vai trò
là người quản lý đất nước, quản lý non sông, quản lý thần dân cũng đồng thời
muốn quản lý cả bách thần. Việc cấp sắc phong cho thần là một trong những
biểu hiện của công việc “quản giám bách thần”, khẳng định quyền hành tối
cao của triều đình theo một định lý của thời phong kiến “Khắp dưới gầm trời
này, đâu chẳng phải là đất của vua”.

Có thể coi quá trình lưu truyền có tính văn bản nói được truyền khẩu
trong dân gian thành văn bản viết là quá trình định bản. Việc định bản thần
tích sớm nhất gắn liền với hai tập sách mà niên đại gốc của chúng được coi
vào thời Trần là Việt điện u linh 粵甸幽靈 [103] và Lĩnh Nam chích quái 嶺南
摭怪 [100]. Sau đó là những hoạt động mang tính huyền thoại của Nguyễn
Bính, Nguyễn Hiền vào thời Lê trong việc phụng soạn và phụng sao thần tích.
Sang thời Lê, vấn đề định bản thần tích gắn liền với các hoạt động có
tính “được truyền tụng” của Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền. Nguyễn Bính
được coi là “phụng soạn” thần tích vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572)
và Nguyễn Hiền phụng sao vào năm thứ ba của niên hiệu Vĩnh Hựu (1737).
Bên cạnh hai bộ sách chính kể trên, còn phải kể đến nhiều tác giả khác
đã tập hợp và viết các bộ Đại Nam thần lục 大南神籙 (ghi sự tích, danh hiệu

2

Ở thời cận và hiện đại, thần tích còn được ghi bằng chữ quốc ngữ

9


và nơi thờ các vị thần trong cả nước); Bách thần lục 百神籙 (sưu tầm, biên
chép về 560 vị thần trong cả nước); Thiên Nam vân lục liệt truyện 天南雲籙
列傳 (ghi 41 truyện cổ Việt Nam từ Hồng Bàng, Phù Đổng, Tản Viên...); Hội
chân biên 會真編 (do Thanh Hòa Tử biên soạn vào đời Thiệu Trị (18411847) gồm 25 truyện thần tiên ở nước ta)...
Những năm đầu thế kỉ XX, Viện Viễn đông Bác cổ cho sao chép thần
tích của 22 tỉnh (từ Nghệ An trở ra Bắc), tạo thành kho AE hiện đang lưu giữ
tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Khoảng những năm 1938 - 1940, Viện Viễn đông Bác cổ tiến hành một
đợt kiểm kê, sưu tầm với 10 câu hỏi cho sẵn, đã tập hợp thần tích của các vị
thần ở khắp nơi, tạo nên kho Q4o tại thư viện Viện Thông tin Khoa học xã

hội.
Do quá trình định bản thần tích trải dài hàng mấy trăm năm (từ cuối đời
Trần đến tận nửa đầu thế kỷ XX) nên các bản thần tích nói chung rất phức tạp
về mặt văn bản học. Dị bản và đa dị bản vốn là một trong những đặc trưng cơ
bản về mặt văn bản học. Nhưng dù có sự phức tạp về mặt văn bản học, các
văn bản thần tích và thần tích luôn gắn chặt với các sinh hoạt tín ngưỡng và
văn hóa gắn chặt với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt
Nam. Các thần là kết tinh của hồn thiêng sông núi, là hào khí non sông nên đã
sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi với non sông nước Việt.
Các thần tích thường có cốt truyện với các yếu tố chủ yếu như: nguồn
gốc của thần; sự ra đời có tính thần kỳ của thần; cuộc đời gương mẫu đạo đức
trong sáng có nhiều công tích; chết thần kỳ hay hiển ứng nên đã được dân
chúng lập đền thờ, được nhà nước bao phong.
Văn bản thần tích có thể được cố định trên giấy, trên lụa, trên bia đá.
Văn bản thần tích có thể thuộc phạm trù văn viết (dùng bút) và có thể thuộc
phạm trù văn khắc.
10


Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có sự rạch ròi trong việc sử dụng
khái niệm “thần tích” và “văn bản thần tích”. Đôi khi chúng được dùng chung
cho nhau. Trong thực tế thờ thần, thường thì người ta hay nói đến “thần tích”
của thần nói chung và khi đó bao hàm cả nghĩa của “văn bản thần tích” rồi.
Do yêu cầu thực tế của đề tài, khái niệm thần tích hai huyện Thọ
Xương và Vĩnh Thuận được dùng theo nghĩa rộng nhất về thần tích mà theo
đó, những ghi chép nào đó có liên quan đến sự tích, công năng, quyền uy của
thần cũng như mọi tâm thức, hoài niệm về thần được cố định ở dạng văn bản
viết bằng chữ Hán chữ Nôm hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm có chức
năng nghiên cứu và lưu giữ như Viện Nghiên cứu Hán Nôm hay các văn bản
văn khắc có ghi lại thần tích của các vị thần đều thuộc phạm trù văn bản thần

tích của hai huyện này và là đối tượng nghiên cứu của luận án.
Thần tích của thần mang tính lịch sử và là một phạm trù lịch sử, trải dài
qua nhiều triều đại. Các triều đại sau thường kế thừa hay nhận lại sự truyền
thừa của các triều đại trước. Theo tinh thần đó, khi nghiên cứu thần tích của
hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn, một mặt, phải nghiên cứu
cả lịch sử nói chung qua các triều đại, phải có tính lịch đại mà theo đó hai
huyện này thuộc vào đơn vị hành chính có tính chất quốc đô. Các vị thần ở
đâycó tính chất và tầm cỡ quốc đô. Tính quốc đô là giá trị căn bản tạo nên đặc
tính cho thần tích ở đây, biểu thị sự tiếp nối và liên tục mang tinh thần quốc
đô mà khu vực của hai huyện này có được trong bảy tám trăm năm sau Chiếu
dời đô của Lý Thái Tổ ban hành vào năm 1010. Đồng thời, một mặt khác nữa,
phải vạch ra những nét đặc trưng riêng của giai đoạn thời Nguyễn khi hai
huyện này mất đi vai trò là vùng phụ cận trực tiếp của kinh thành cũng như
mất đi các danh xưng địa dư quyền uy như Ứng Thiên, Phụng Thiên mà đổi
thành một danh xưng thể hiện sự “dễ bảo”, “dễ bề sai khiến” là Vĩnh Thuận.

11


1.1.2. Địa bàn hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận
Hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn về cơ bản là hai
đơn vị hành chính cấp huyện của thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội. Chúng tôi
chọn cách nói “về cơ bản” là do hai đơn vị hành chính này ở thời Nguyễn có
liên quan đến 3 lần sắp xếp địa dư của Thăng Long cũng như của cả nước nói
chung. Từ năm 1802 đến năm 1831, Thăng Long là tổng trấn của Bắc Thành.
Tổng trấn Bắc Thành cai quản 11 trấn Bắc Kỳ. Từ năm Minh Mệnh 12 (1831)
đến năm 1887 là giai đoạn hai huyện trên thuộc tỉnh Hà Nội. Từ năm 1888 trở
đi, thành lập thành phố Hà Nội, nhượng địa của triều đình nhà Nguyễn cho
thực dân Pháp, tỉnh Hà Nội lập vào năm 1831 cũng dần dần bị thu hẹp về diện
tích, bị chia lẻ và đi đến chỗ bị xóa bỏ trên bản đồ hành chính. Và cũng từ

khoảng thời gian này, trên địa bàn hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận đã
diễn ra những thay đổi nhanh chóng và dữ dội về phương diện hành chính đến
nỗi cả tên của hai huyện này bị biến mất trên bản đồ hành chính. Ngày
25/8/1899 có thư của trưởng ban I thuộc Phủ Thống sứ Bắc Kỳ gửi Giám đốc
Sở các công việc bản xứ của Phủ về việc xóa bỏ huyện Vĩnh Thuận rồi lấy
một phần đất còn lại của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận và một số xã
của hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì thành lập một huyện mới có tên là huyện
Hoàn Long, làm huyện ngoại thành thành phố Hà Nội [58, tr.30]. Từ đây, tên
hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận đã không còn được sử dụng nữa.
Căn cứ các sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史
通鑑綱目 [102], Đại Nam nhất thống chí 大南一統誌 [101] thì huyện Thọ
Xương nguyên là đất huyện Long Biên đời Hán, thời nhà Tống mới tách ra
đặt huyện Tống Bình, sau đặt làm quận Tống Bình. Thời thuộc Minh là huyện
Đông Quan; đời Lê Quang Thuận gọi là huyện Vĩnh Xương; thời Mạc đổi là
Thọ Xương. Như vậy, địa danh Thọ Xương chính thức xuất hiện từ thời Mạc.

12


Căn cứ vào các sách: Các trấn tổng xã danh bị lãm3 各鎮總社名備覽,
Bắc Thành địa dư chí lục4 北城地輿誌籙, Đại Việt địa dư toàn biên5 大越地
輿全编, Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ6 昇龍古跡考並會圖 thì Thọ
Xương gồm 8 tổng: Tả Túc, Tiền Túc, Hữu Túc, Hậu Túc, Tả Nghiêm, Tiền
Nghiêm, Hữu Nghiêm, Hậu Nghiêm. Tất cả có 183 phường, thôn, trại.
Căn cứ Hoài Đức phủ toàn đồ 懷德府全图 ra đời năm 1831 (năm bắt
đầu có tên gọi Hà Nội): huyện Thọ Xương gồm 8 tổng, 183 phường, thôn,
trại. Đó là diện mạo của huyện Thọ Xương buổi đầu thời Nguyễn.
Căn cứ các sách như Khâm Định Việt sử thông giám cương mục 欽定
目 [102], Đại Nam nhất thống chí 大南一統志 [101] thì huyện Vĩnh Thuận
nguyên là đất huyện Long Biên đời Hán, từ nhà Tống về sau thuộc huyện

Tống Bình, thời thuộc Minh là huyện Đông Quan, đời Quang Thuận nhà Lê
gọi là Quảng Đức; năm Gia Long thứ 4 đổi tên là Vĩnh Thuận. Như vậy, tên
huyện Vĩnh Thuận chính thức xuất hiện vào năm 1805.
Căn cứ vào các sách: Các trấn tổng xã danh bị lãm 各鎮總社名備覽,
Bắc Thành địa dư chí lục 北城地輿誌籙, Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿
全编, Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ 昇龍古跡考並會圖 thì huyện
Vĩnh Thuận, 5 tổng: Thượng, Trung, Nội, Hạ, Yên Thành. Gồm 26 phường,
thôn.

3

Biên soạn khoảng năm 1810-1813 đời Gia Long. Ghi đầy đủ danh sách từ trấn, phủ, huyện, xã, thôn,
phường, trại của 15 trấn, xứ và đạo của các tỉnh từ Nghệ An trở ra Bắc vào giữa đời Gia Long. Kí hiệu Viện
Nghiên cứu Hán Nôm: A.570/1-2 [58, tr.19]
4
Bắc Thành địa dư chí lục: sách chữ Hán, Lê Chất soạn khoảng năm 1818-1821, Nguyễn Văn Lý hiệu chỉnh
và đề Tựa năm Thiệu Trị 5 (1845). Kí hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm: A.1565/1-2 [58, tr.19]
5
Còn gọi là Phương Đình dư địa chí, gồm 5 quyển, do Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ soạn (Nguyễn Văn Siêu
soạn Q.1, Q.2 và Q.4; Bùi Quỹ soạn Q.3 và Q.5), hoàn thành năm Tự Đức Nhâm Ngọ (1882), Nguyễn Trọng
Hợp viết Tựa và in năm Thành Thái 12 (1900) [58, tr.19]
6
Đặng Xuân Khanh dựa vào tài liệu địa chí cổ biên soạn năm 1956 tại Viện Viễn Đông bác cổ [58, tr.19]

13


Căn cứ Hoài Đức phủ toàn đồ 懷德府全图 ra đời năm 1831: huyện
Vĩnh Thuận, 5 tổng: Thượng, Trung, Nội, Hạ, Yên Thành. Gồm 26 phường,
thôn. Đó cũng là diện mạo của huyện Vĩnh Thuận đầu thời Nguyễn.

Như vậy, địa danh Thọ Xương và Vĩnh Thuận dưới thời Nguyễn là hai
huyện của phủ Hoài Đức được lưu hành trong cả 3 lần sắp xếp lại địa danh
hành chính trong thế kỷ XIX của nhà Nguyễn. Cụ thể là, từ năm 1802 đến
năm 1831, Thọ Xương và Vĩnh Thuận lệ tổng trấn Bắc Thành. Từ năm Minh
Mệnh 12 (1831) đến năm 1887 là giai đoạn hai huyện trên thuộc tỉnh Hà Nội.
Từ năm 1888 trở đi, khi thành lập thành phố Hà Nội để làm nhượng địa cho
thực dân Pháp, một phần đất đai của hai huyện này được cắt vào thành phố
Hà Nội. Số còn lại, lúc đầu vẫn thuộc tỉnh Hà Nội. Sau đó tỉnh Hà Nội dần bị
giải thể để đất còn lại của nó lập nên tỉnh Hà Nam và Hà Đông thì số đất còn
lại này thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Hoàn Long của tỉnh
Hà Đông. Từ ngày 25/8/1899, tên của huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận đã bị
biến mất trên bản đồ hành chính. Do vậy, nghiên cứu thần tích hai huyện Thọ
Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn gần như bao gồm cả thế kỷ XIX7. (xem
bản đồ trang sau)

7

Hai huyện này trước thời Nguyễn thuộc vào phủ Trung Đô, Phụng Thiên (1469) thời Lê

14


Bản đồ 1: Bản đồ tỉnh thành Hà Nội năm 1831
Chú thích: Phía bắc và tây bắc thành là huyện Vĩnh Thuận. Phía nam và đông nam thành là huyện Thọ Xương.
(Nguồn: Thư viện khoa học xã hội)

15


1.1.3. Địa danh Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn với địa danh

hành chính ngày nay
Thọ Xương và Vĩnh Thuận là hai đơn vị hành chính cấp huyện thời
Nguyễn với những tên tổng, tên xã, phường trong khoảng gần một thế kỷ như
đã được trình bày ở trên. Hai đơn vị hành chính cấp huyện ấy đã bị xóa khỏi
bản đồ hành chính vào năm 1899. Cần phải có một sự đối chiếu địa danh hai
huyện ấy với địa danh Hà Nội bây giờ để người hiện đại qua đó hình dung
được mối tương ứng giữa thời Nguyễn và hiện nay của một vùng đất được gọi
là Thọ Xương và Vĩnh Thuận.
1.1.3.1. Tương ứng địa danh Thọ Xương thời Nguyễn với Hà Nội ngày
nay
Căn cứ vào Danh mục làng xã Hà Nội cuối thế kỉ XIX (1890) và Hoài
Đức phủ toàn đồ8 cho thấy các đơn vị phường, thôn của huyện Thọ Xương
không có sự thay đổi nhiều. Điều đáng chú ý là 34 tên Nôm đã được đổi sang
chữ Hán như: Hàng Cá đổi thành Gia Ngư, Hàng Chài đổi thành Ngư Võng,
Chùa Tháp đổi thành Tự Tháp, Hàng Đàn đổi thành Minh Cầm, Hàng Trà đổi
thành Hương Mính, Kho Súng đổi thành Cựu Súng.v.v…
Căn cứ vào Hà Nội địa bạ thì thấy có sự sát nhập một số địa danh: từ
193 phường thôn, giảm xuống còn 116. Một số tổng có sự sáp nhập lớn như:
Hậu Nghiêm (từ 20 phường thôn xuống 8 phường thôn), Tiền Nghiêm (từ 30
phường thôn xuống 15 phường thôn), Hữu Nghiêm (từ 26 phường thôn giảm
xuống 11 phường thôn)…. Những phường, thôn mới được thành lập trên cơ
sở hợp nhất của nhiều phường, thôn cũ, như: thôn Phụ Khánh của tổng Thanh
Nhàn được hợp nhất từ thôn (Nguyên Khánh và Nam Phụ), thôn Thiền Quang
hợp nhất từ 3 thôn (Pháp Hoa, Quang Hoa, Thể Giao), thôn Mỹ Đức hợp nhất
từ 4 thôn (Khâm Đức, Tô Tiền, Tương Thuận, Trung Kính), thôn Hương
8

Đây là bản đồ do hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh thứ 12 (tức năm 1831)

16



Viên, tổng Hậu Nghiêm hợp nhất từ (Đức Bác, Hoa Viên, Hành Môn, Nhân
Chiêu), thôn Cơ Xá, tổng Phúc Lâm được hợp nhất từ 6 thôn Thủy Cơ…
Từ các bảng đối chiếu cho thấy, địa giới của huyện Thọ Xương đương
với 11 phường của quận Đống Đa, 16 phường của quận Hai Bà Trưng, 18
phường của quận Hoàn Kiếm và 01 phường của quận Tây Hồ, tổng cộng là 46
phường. (xem bảng đối chiếu ở phần Phụ lục)
1.1.3.2. Tương ứng địa danh Vĩnh Thuận thời Nguyễn với Hà Nội ngày
nay
Căn cứ vào các tài liệu địa chí đã công bố cho thấy huyện Vĩnh Thuận
tương đương với các địa danh hành chính ngày nay gồm: quận Ba Đình, quận
Tây Hồ (5 phường), quận Cầu Giấy (làng Bái Ân - phường Nghĩa Đô); quận
Đống Đa (8 phường). Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Thanh đã đối chiếu
với địa danh hành chính huyện Vĩnh Thuận thời Nguyễn với địa danh hành
chính hiện nay. Bảng đối chiếu này được chúng tôi dẫn ra ở phần Phụ lục.
Từ bảng đối chiếu cho thấy huyện Vĩnh Thuận tương đương với 8
phường của quận Đống Đa, 14 phường của quận Ba Đình, 5 phường của quận
Tây Hồ, 1 phường của quận Cầu Giấy, tổng cộng có 28 phường.
Như vậy địa giới hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn
tương ứng với 74 phường thuộc 6 quận nội thành của Hà Nội ngày nay. Số
liệu này sẽ là cơ sở để triển khai nội dung nghiên cứu tiếp theo của luận án.
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu thần tích hai huyện Thọ Xương và
Vĩnh Thuận thời Nguyễn
Có thể nói rằng, thần tích hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời
Nguyễn chủ yếu được sử dụng làm tư liệu cho những nghiên cứu về văn hóa,
văn học dân gian, văn học trung đại hay cho những nghiên cứu về thần tích
Việt Nam và thần tích vùng Thăng Long nói chung. Chẳng hạn như, một số
thần được thờ ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận vốn được ghi trong các
17



sách Việt điện u linh 粵甸幽靈 và Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 được
nghiên cứu nhiều trong các công trình nghiên cứu về văn học dân gian hay
văn học trung đại Việt Nam. Trong khi đó, hầu như không có một công trình
chuyên biệt nào dành cho thần tích hai huyện trên ở giai đoạn thế kỷ XIX khi
Hà Nội bị mất vai trò hành chính là quốc đô. Do vậy, để phục vụ cho công
việc nghiên cứu, ở đây chúng tôi chủ yếu chỉ tổng quan đến vấn đề nghiên
cứu về tình hình nghiên cứu về thần tích nói chung mà thôi.
1.2.1. Những bộ biên mục đáng chú ý
Năm 1996, cuốn Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã do tác giả
Nguyễn Thị Phượng chủ biên (1996), Nxb KHXH, Hà Nội. Cuốn sách đã
thống kê khá đầy đủ về tư liệu thần tích tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán
Nôm. Trong sách này, các tác giả đã cho biết có tới 568 cuốn thần tích và
2.821 đơn vị địa danh làng (thôn, trang, ấp), xã có ghi chép sự tích các vị thần.
Tất cả các văn bản đều mang kí hiệu AE và được viết bằng chữ Hán, Nôm.
Năm 2002, bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu Bổ di I
do tác giả Trần Nghĩa chủ biên [55] ra đời cung cấp thông tin về các loại hình
sách đang lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm gồm: thần sắc, thần
tích, tục lệ, địa bạ, cổ chỉ, xã chí.
Trong phần thần tích, các tác giả đã giới thiệu 568 cuốn, mang kí hiệu
AE. Đây là sưu tập những sự tích về thần thờ ở các thôn, xã thuộc 22 tỉnh
(trấn, dinh, xứ) từ Nghệ An trở ra Bắc mà phần lớn đã được triều đình phong
kiến cho người sao chép, chỉnh lý và để bản gốc tại bộ Lễ dưới cái tên chung
“Ngọc phả”. [55]
Tại thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội có phông sách mang kí
hiệu Q.4o.18 cũng đã được biên soạn thành sách Thư mục thần tích thần sắc
(do GS. Lại Văn Toàn tổ chức biên soạn, Nxb KHXH, Hà Nội, 1996).
Thư viện Hà Nội là nơi lưu giữ phần lớn các tư liệu thuộc về Hà Nội,
18



tuy nhiên số lượng văn bản thần tích ở đây không nhiều. Tất cả có 05 kí hiệu
tài liệu cho 05 bản thần tích của các thôn Hoàng Xá, Xuân Đỗ Hạ, Mai Động,
Thượng Cát, Hội Phụ. Đó là một số ít các văn bản do thư viện Hà Nội sưu
tầm được ở Hà Nội.
Tại kho tư liệu Hán Nôm thuộc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội
có lưu trữ một số thần tích. Tuy nhiên, những tư liệu này là những bản sao
chép sau này (năm 1984) do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp
với Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm và sao chép tại các di tích trên địa
bàn Hà Nội.
1.2.2. Những nghiên cứu phân tích đáng chú ý
Từ trước đến nay đã có không ít bài viết, công trình nghiên cứu về thần
tích. Có thể kể đến như: Lê Xuân Quang (1995) với sách Thần tích Việt Nam,
Nxb Văn hóa Thông tin. Sách giới thiệu các truyện về các vị thần, các anh
hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước được
nhân dân thờ cúng. Thần tích thần sắc Hà Nam do Lại Văn Toàn, Trần Thị
Băng Thanh (chủ biên), ghi lại dấu ấn các vị thần và thành hoàng ở Hà Nam
gồm các vị thần là các anh hùng trong công cuộc chống ngoại xâm, là các vị
có công che chở cho dân, dạy dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dạy chữ...;
Mai Ngọc Hồng (1996) trong Nghiên cứu về đánh giá văn bản thần tích
địa phương Thái Bình, Luận án Phó tiến sĩ Khoa học đã nghiên cứu các văn
bản thần tích viết về các vị thần được nhân dân Thái Bình thờ trong các đền
miếu địa phương, trong đó chủ yếu là các văn bản thần tích hiện được lưu giữ
tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Một số nghiên cứu khác lại hướng vào Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền
trong vai trò là người phụng soạn và phụng sao thần tích ở thời Lê. Nguyễn
Hữu Mùi với bài Quản giám bách thần Nguyễn Hiền, ông là ai? (Nguyễn
Hữu Mùi, TCHN, số 3, 1995); Thêm những tư liệu mới về quá trình biên lục,
19



tàng trữ thần tích đời Vĩnh Hựu (Nguyễn Hữu Mùi, TCHN, số 2 (31), 1997).
Với các tiêu chí do người viết xác lập, kết hợp với tư liệu mới, có thể thấy
toàn bộ số văn bản thần tích đứng tên Nguyễn Bính soạn vào niên hiệu Hồng
Phúc (1572) và Nguyễn Hiền sao lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 - 1740)
đều có chung một xuất xứ tại từ đường xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc, tỉnh
Sơn Tây. Nói cách khác, ở dạng văn bản ghi Nguyễn Bính soạn, Nguyễn Hiền
sao, về thực chất là văn bản soạn thảo từ thời Lê, nhưng đến thời Nguyễn, chủ
yếu từ đời Tự Đức (1848 - 1883) về sau, nó mới được sao lại để ban phát cho
các làng xã, tại ba địa điểm: từ đường xã Bằng Đắng, trụ sở dòng họ ở cửa
Nam thành Hà Nội và đền Hùng;
Nguyễn Thị Phượng với bài Giới thiệu kho sách thần tích tại thư viện
Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Nguyễn Thị Phượng, TCHN, số 3 (28), 1996) đã
đề cập đến những người sao chép cũng như việc sao chép các tài liệu thần tích
hiện được lưu giữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm như: Nguyễn Bính,
Lê Tung, Đào Cử, Nguyễn Văn Giai. Trong đó hầu hết đều do Nguyễn Bính
soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Còn Nguyễn Hiền là người sao
chép nhiều vào những năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (1735). Có sách được
soạn vào những năm đầu niên hiệu Hồng Đức (1470). Sau này học viện Viễn
Đông Bác cổ đã tập hợp và sao chép lại thành những bộ sách thần tích riêng
như hiện nay. Sách mang ký hiệu AE (là kí hiệu chung cho sách thần tích),
các kí hiệu chữ a,b kèm theo các chữ số để biểu thị địa danh các tỉnh, như a6
(tỉnh Hải Dương); a20 (Hải Phòng).
Trần Thị Thu Hường trong bài viết Mấy nét về mảng sách thần tích Hà
Nội lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Trần Thị Thu Hường, TBHN,
2009) cũng sơ lược giới thiệu về thư mục thần tích tại thư viện Viện Nghiên
cứu Hán Nôm. Bên cạnh đó, bài viết giới thiệu về mảng thư tịch thần tích
thuộc Thăng Long - Hà Nội.
20



1.2.3. Nghiên cứu thần tích ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận
thời Nguyễn
Có một số nhà nghiên cứu đã quan tâm tới mảng tư liệu thần tích của
hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời Nguyễn phục vụ cho các nghiên
cứu về tín ngưỡng với các công trình như:
Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân, Nxb Hà Nội của Nguyễn Vinh
Phúc, Nguyễn Duy Hinh (2004). Cuốn sách nghiên cứu về các thần tích và
phong tục thờ thành hoàng làng của Thăng Long - Hà Nội. Tìm hiểu đặc
trưng tín ngưỡng dân gian của người dân Hà Nội. Cuốn sách gồm 5 chương:
Chương một: Khái luận; Chương hai: Thần tích và phong tục thờ thành hoàng;
Chương ba: Thần tích nhìn từ ngày nay; Chương bốn: Yếu tố thị dân trong tín
ngưỡng thành hoàng nội thành Hà Nội và chương năm: Kết luận. Trong 05
chương đó, sách tập trung nghiên cứu về đặc trưng tín ngưỡng Thăng Long Hà Nội; những thao tác trong hoạt động thờ tự và tín ngưỡng thờ Thành
hoàng Việt Nam nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng ở Hà Nội nói
tiêng.
Năm 2009, nhân dịp chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà
Nội, cuốn sách trên đã được tái bản với tên: Các Thành hoàng và tín ngưỡng
Thăng Long - Hà Nội bao gồm 07 chương với các phần: Khải luận; Thần tích
và phong tục thờ Thành hoàng; Thần tích nhìn từ ngày nay; Yếu tố thị dân
trong tín ngưỡng Thành hoàng nội thành Hà Nội; Sự tích các Thành hoàng;
Khảo thích - đối chiếu và phần Kết luận.
Sự tích các vị thần Thăng Long - Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin. Hội
văn nghệ dân gian Hà Nội (2009). Sách dày hơn 500 trang, giới thiệu 120 vị
thần ở 09 quận nội thành và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông
Anh, Sóc Sơn. Dựa trên tư liệu từ các bản thần tích lưu giữ tại Viện Nghiên
cứu Hán Nôm, các đình đền, cùng lời kể và truyền thuyết, các tác giả đã dựng
21



lại sự tích các anh hùng thời dựng nước và giữ nước, các vị có công khai ấp
mở làng, các vị tổ nghề. Cuối mỗi sự tích, có thêm những thông tin bổ ích như
nơi thờ theo địa danh xưa và nay; nét độc đáo của kiến trúc đình, đền; ngày
mở hội và lễ vật đặc biệt trong ngày hội...
Năm 2010, kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một khối lượng
lớn sách được xuất bản nhân sự kiện lớn đó, trong đó có sách Thần tích Thăng
Long Hà Nội do nhóm tác giả Nguyễn Tá Nhí - Nguyễn Văn Thịnh chủ biên,
Nxb Hà Nội, 2010. Đây là bộ sách chuyên khảo và tuyển dịch về mảng tư liệu
Hán Nôm viết về thần tích tại các di tích lịch sử văn hóa ở Thăng Long - Hà
Nội với hai phần chính: 1/Bài khảo cứu tư liệu về Thần phả, thánh tích ở các
di tích của Thăng Long - Hà Nội; 2/Tuyển dịch khoảng 60 bản thần phả. Các
tác giả đã tập trung đi sâu nghiên cứu khối lượng văn bản thần tích có mặt
trên cả 30 quận/huyện thuộc Hà Nội ngày nay, trong đó có phần thiên về
mảng tài liệu thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ.
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thư mục tư liệu trước 1945,
Nxb Hà Nội, 2010 của Vũ Văn Quân (chủ biên), Phạm Thị Thuỳ Vinh,
Nguyễn Hữu Mùi... Sách giới thiệu và tóm tắt các văn khắc Hán Nôm, thần
tích, thần sắc có từ xa xưa và tồn tại đến ngày nay trên địa bàn hành chính
thành phố Hà Nội, được sắp xếp theo thứ tự alphabet tên các địa danh.
36 thần tích, huyền tích Thăng Long - Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2010
của Lam Khê - Thánh Minh sưu tầm. Bộ sách giới thiệu những thần tích,
huyền tích Thăng Long - Hà Nội liên quan đến các vị thần, danh nhân, các di
tích lịch sử như Thần Kim Quy, Thánh Gióng, mẫu Liễu Hạnh, thánh Tản
Viên, Thăng Long tứ trấn, trâu vàng Hồ Tây, rùa vàng Hồ Gươm cũng như
thần tích các vị thành hoàng làng, các vị tổ nghề ở Thăng Long - Hà Nội
36 vị thần Thăng Long - Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2010 của Hoàng
Khôi. Bộ sách bao gồm những truyền thuyết về các vị thần có công xây dựng
22



và bảo vệ thành Thăng Long qua hàng nghìn năm.
Trong số các công trình đã trình bày ở trên, chỉ có công trình của nhóm
tác giả Nguyễn Tá Nhí - Nguyễn Văn Thịnh; công trình của Vũ Văn Quân
(chủ biên) là tập trung vào văn bản Hán Nôm. Các công trình nghiên cứu khác
phần lớn tập trung vào sưu tập truyền thuyết, thần tích trên cơ sở các bản dịch
nghĩa.
Từ những thành tựu nghiên cứu kể trên có thể thấy mảng thư tịch thần
tích đã được đề cập đến trên một số lĩnh vực nhất định. Đáng chú ý là đã có
những bộ biên mục về hệ thống thần tích như “Bảng tra thần tích theo địa
danh làng xã” [61], “Thư mục thần tích thần sắc” [83]... Tuy nhiên, những
nghiên cứu đó chưa chú ý đến vấn đề thần tích của hai huyện Thọ Xương và
Vĩnh Thuận giai đoạn thời Nguyễn (thế kỷ XIX) giai đoạn Thăng Long tạm
thời mất vị trí quốc đô. Nhưng dù không còn là quốc đô thì trong tâm thức
dân gian, Thăng Long vẫn luôn là quốc đô, vẫn là nơi hạo khí anh linh ngút
trời còn mãi trong tâm tưởng Thăng Long. Thần chính khí Long Đỗ vẫn vang
lên trong “Hà thành chính khí ca”9, sục sôi tinh thần bảo vệ quốc đô khi Pháp
bắn súng cướp thành Hà Nội. Hồn thiêng sông núi vẫn tụ lại ở đây cho dù đất
này có bị hạ cấp về phương diện hành chính. Sau này, chính khí ấy vẫn sống
mãi với Thủ đô trong những ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp tháng
12 năm 1946. Trung đoàn Thủ đô đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ từng góc phố,
cầm chân giặc để công nhân và bộ đội chuyển hàng vạn tấn máy móc lên
chiến khu Việt Bắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Hà Nội là lũy hoa và
cũng là lũy thép trong những ngày đêm khói lửa với những người tự vệ thành
ôm bom ba càng lao vào xe tăng, xe bọc thép của giặc Pháp. Tháng 12 năm
1972, Hà Nội đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không, rồng lửa Thăng
9

Hà thành chính khí ca tương truyền là của Ba Giai, một nhà thơ châm biếm ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam.
Đây là một thi phẩm dài 140 câu thơ lục bát, nhằm ca ngợi sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu, đồng thời

phê phán những viên quan phản bội (bỏ chạy hay đầu hàng) khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai
(1882).

23


×