Edited with the trial version of
Foxit Advanced PDF Editor
To remove this notice, visit:
www.foxitsoftware.com/shopping
BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG
-------------
TỪ NGỮ BIỂU THỊ PHẠM TRÙ CHIM TRONG THƠ TỐ HỮU VÀ
THƠ CHẾ LAN VIÊN
LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN
Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam
Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Thị Kim Anh
HẢI PHÒNG, NĂM 2017
Edited with the trial version of
Foxit Advanced PDF Editor
To remove this notice, visit:
www.foxitsoftware.com/shopping
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa có ai công bố trong một công
trình nghiên cứu nào khác. Tôi cũng xin cam đoan rằng các thông tin trích trong luận
văn đều đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Hải Phòng, tháng 5 năm 2017
Tác giả
Edited with the trial version of
Foxit Advanced PDF Editor
To remove this notice, visit:
www.foxitsoftware.com/shopping
ii
LỜI CẢM ƠN
Em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới TS Phạm Thị Kim Anh – người đã
tận tình hướng dẫn em trong suốt quá trình làm luận văn vừa qua.
Em cũng xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và tạo điều kiện mọi mặt của các
thầy, cô giáo trường Đại học Hải Phòng, Phòng quản lý đào tạo Sau đại học, Viện
Ngôn ngữ học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã nhiệt tình giảng dạy, cung cấp
cho em những vấn đề lý luận làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đã đóng góp những ý
kiến quý báu cho đề tài.
Cuối cùng em xin chân thành cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè đã động
viên, tạo điều kiện giúp đỡ để em hoàn thành luận văn này.
Xin chân thành cảm ơn!
Hải Phòng, tháng 5 năm 2017
Tác giả
iii
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN .................................................................................................................. ii
MỤC LỤC ...................................................................................................................... iii
DANH MỤC BẢNG BIỂU ............................................................................................. v
DANH MỤC VIẾT TẮT................................................................................................ vi
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI ............................................................... 6
1.1. Một số vấn đề cơ bản về nghĩa của từ, trường từ vựng - ngữ nghĩa ........................ 6
1.1.1. Một số vấn đề cơ bản về nghĩa của từ ................................................................... 6
1.1.2. Sơ lược về trường từ vựng - ngữ nghĩa ............................................................... 10
1.2. Sơ lược về lí thuyết phân tích diễn ngôn ................................................................ 15
1.2.1. Khái niệm phân tích diễn ngôn ............................................................................ 15
1.2.2. Sơ lược về một số lí thuyết phân tích diễn ngôn - phân tích dụng học ............... 16
1.3. Khái lược về tín hiệu thẩm mĩ văn chương ............................................................ 17
1.3.1. Khái niệm về tín hiệu thẩm mĩ văn chương ........................................................ 17
1.3.2. Một số đặc tính cơ bản của tín hiệu thẩm mĩ văn chương ................................... 19
1.3.3. Sơ bộ về phương thức tạo nghĩa thẩm mĩ ẩn dụ .................................................. 23
1.4. Tiểu kết chương 1……………………………………………………………….. 25
CHƯƠNG 2. KHẢO SÁT TỪ NGỮ BIỂU THỊ PHẠM TRÙ CHIM TRONG THƠ
TỐ HỮU VÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN .......................................................................... 27
2.1. Vài nét về nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Chế Lan Viên ............................................ 27
2.2. Khảo sát từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong hệ thống từ vựng tiếng Việt .......... 29
2.2.1. Từ ngữ chỉ tên gọi chim, giống loài chim trong hệ thống từ vựng tiếng Việt .... 30
2.2.2. Từ ngữ chỉ đặc điểm sinh học bản thể của chim trong hệ thống từ vựng tiếng Việt ...30
2.2.3. Từ ngữ chỉ hoàn cảnh sinh tồn của chim trong hệ thống từ vựng tiếng Việt .................31
2.3. Khảo sát từ ngữ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan
Viên .............................................................................................................................. 31
2.3.1.Khảo sát từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố Hữu .................................. 31
iv
2.3.2. Khảo sát từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Chế Lan Viên ....................... 40
2.4. Tiểu kết chương 2 ................................................................................................... 52
CHƯƠNG 3. Ý NGHĨA CỦA TỪ NGỮ BIỂU THỊ PHẠM TRÙ CHIM TRONG
THƠ TỐ HỮU VÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN .................................................................. 54
3.1. Ý nghĩa của từ chim và các từ làm tên gọi loài chim trong tác phẩm của hai nhà
thơ ................................................................................................................................. 54
3.1.1. Nghĩa của từ chim trong tác phẩm của hai nhà thơ ............................................ 54
3.1.2. Vai trò, ý nghĩa của các từ làm tên gọi những loài chim tiêu biểu ..................... 59
3.2. Ý nghĩa của một số từ ngữ chỉ đặc điểm bản thể của chim trong thơ Tố Hữu và
Chế Lan Viên ................................................................................................................. 65
3.2.1. Từ ngữ biểu thị đặc điểm chủ yếu về ngoại hình ............................................... 65
3.2.2. Từ ngữ biểu thị hoạt động của chim .................................................................... 68
3.3. Ý nghĩa của các từ ngữ biểu thị hoàn cảnh sinh tồn của chim trong thơ của hai
tác giả ............................................................................................................................ 71
3.3.1. Từ ngữ biểu thị không gian sinh tồn của chim .................................................... 71
3.3.2. Từ ngữ biểu thị thời gian ..................................................................................... 73
3.3.3. Từ ngữ biểu thị sự tác động của con người tới sinh tồn của các loài chim ........ 76
3.4. Vai trò ý nghĩa thẩm mĩ của trường nghĩa chim chóc trong thơ Tố Hữu và thơ Chế
Lan Viên ........................................................................................................................ 78
3.5. “Cánh cò màu xanh” tiếp nối phạm trù chim… .................................................... 79
3.6. Tiểu kết chương 3 ................................................................................................... 81
KẾT LUẬN ................................................................................................................... 82
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 84
v
DANH MỤC BẢNG BIỂU
Số hiệu
Tên bảng
Trang
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong hệ
29
bảng
2.1
2.2
2.3
2.4
2.5
2.6
2.7
2.8
2.9
2.10
thống từ vựng tiếng Việt
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố
32
Hữu
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ chỉ tên gọi chim trong thơ Tố Hữu
33
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ chỉ đặc điểm bản thể của chim
35
trong thơ Tố Hữu
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ chỉ hoàn cảnh sinh tồn của chim trong
37
thơ Tố Hữu
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ
40
Chế Lan Viên
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ chỉ tên gọi chim trong thơ Chế Lan
42
Viên
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ chỉ đặc điểm bản thể của chim trong
44
thơ Chế Lan Viên
Bảng kết quả khảo sát từ ngữ chỉ hoàn cảnh sinh tồn của chim
46
trong thơ Chế Lan Viên
Bảng thống kê các từ ngữ tiêu biểu thuộc phạm trù chim trong
thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên
48
vi
DANH MỤC VIẾT TẮT
BTKH
Biến thể kết hợp
BTQH
Biến thể quan hệ
BTTV
Biến thể từ vựng
Cbh
Cái biểu hiện
Cđbh
Cái được biểu hiện
đv
Đơn vị
Sđv
Số đơn vị
THTM
Tín hiệu thẩm mĩ
TSXH
Tần số xuất hiện
TTC1
Tiểu trường cấp 1
TTC2
Tiểu trường cấp 2
DN
Diễn ngôn
Ví dụ chú thích tài liệu trích dẫn:
[12]: 12 là số thứ tự tài liệu tham khảo được trích dẫn
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu
Từ là đơn vị trung tâm, điển hình của toàn bộ hệ thống ngôn ngữ. Trong hệ thống
ngôn ngữ ấy, các đơn vị từ vựng không tách rời nhau mà luôn có những mối quan hệ
nhất định về hình thức và ý nghĩa. Ngôn ngữ học hiện đại coi nghĩa và những mối
quan hệ về nghĩa của từ là đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất. Một mặt nó giúp
hiểu rõ nghĩa của từ trong hệ thống ở trạng thái tĩnh, mặt khác thấy được sự phát triển
nghĩa của từ trong hoạt động hành chức. Những kết quả đó giúp người nghiên cứu hiểu
được phần nào quan hệ giữa hiện thực và lối tri nhận, liên tưởng của người nói khi
định danh về sự vật, hiện tượng của hiện thực này. Điều này lí giải tại sao cùng một
đơn vị từ ngữ được lựa chọn sử dụng nhưng nội dung và ý nghĩa mà nó gợi ra lại khác
nhau ở từng người nói.
Thơ ca Việt Nam hiện đại là một dòng chảy nghệ thuật không ngừng nghỉ, trong
đó có sự đóng góp của hai tên tuổi lớn là Tố Hữu và Chế Lan Viên. Mỗi nhà thơ đều
thành công với một phong cách nghệ thuật riêng. Nếu thơ Tố Hữu luôn hừng hực ngọn
lửa cách mạng và lí tưởng chiến đấu thì thơ Chế Lan Viên lại đậm chất suy tưởng và
triết lý sâu xa về con người, cuộc đời, thế sự… Làm nên sự khác biệt ấy phải kể đến
việc các nhà thơ đã vận dụng tài tình mỗi đơn vị từ ngữ trong hệ thống từ vựng tiếng
Việt để truyền đi những thông điệp nghệ thuật của riêng mình. Như đã thấy, công cuộc
to lớn, lâu dài là tìm hiểu và nghiên cứu phong cách nghệ thuật của mỗi nhà thơ kể
trên nói riêng, các nhà thơ lớn khác nói chung đã và đang đòi hỏi nỗ lực của rất nhiều
người. Chúng tôi cho rằng trong những công việc cần thiết, cụ thể phải triển khai đó,
việc quan trọng đầu tiên là chúng ta phải chỉ ra được sự độc đáo trong cách sử dụng từ
ngữ của mỗi nhà thơ xét theo một phạm trù nhất định nào đó.
Thiên nhiên từ trước đến nay luôn là nguồn cảm hứng và đề tài quen thuộc để các
nhà thơ vừa khám phá, tái hiện hiện thực vừa gửi gắm những tâm tư, suy ngẫm cá
nhân, biểu thị những nét cá tính nghệ thuật đặc sắc của mình. Chắc chắn một đối tượng
điển hình của thiên nhiên – chim chóc sẽ là một tín hiệu điển hình trong thơ Tố Hữu và
Chế Lan Viên mang những cách cảm cách nghĩ khác nhau trong việc thể hiện nội dung
và phong cách nghệ thuật của từng nhà thơ.
2
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại gắn liền
với những tên tuổi lớn. Tuy nhiên sự quan tâm tới phương diện từ vựng mà ở đây là
phương diện nghiên cứu về sự hành chức của một nhóm từ ngữ nào đó trong thơ tuy
đã được đề cập đến khá nhiều trong thời gian gần đây song vẫn là chưa đủ. Xuất phát
từ nền tảng lý thuyết về trường từ vựng- ngữ nghĩa và một số vấn đề có liên quan, luận
văn này mạnh dạn áp dụng những lý thuyết đó vào tìm hiểu đề tài Từ ngữ biểu thị
phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên nhằm góp thêm một tiếng nói
mới từ việc vận dụng những thành tựu của ngôn ngữ học, cụ thể là vận dụng những
thành tựu về từ vựng- ngữ nghĩa vào nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca. Trong phạm vi
nghiên cứu của đề tài, chúng tôi hi vọng khi tìm hiểu Từ ngữ biểu thị phạm trù chim
trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên, hai nhà thơ được đông đảo công chúng bạn
đọc, các nhà nghiên cứu phê bình văn học thừa nhận là tiêu biểu của nền thơ hiện đại
Việt Nam sẽ không chỉ góp phần khẳng định tên tuổi của hai nhà thơ lớn mà còn có
những cái nhìn khái quát nhất về phạm trù chim trong thơ hiện đại Việt Nam được
biểu thị như thế nào.
2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Nhận thức được tầm quan trọng của phương diện từ vựng và ngữ nghĩa trong ngôn
ngữ thơ, cho đến nay nhiều nhà nghiên cứa ngôn ngữ học đã quan tâm, tìm hiểu vấn đề
này. Khi nghiên cứu từ vựng và ngữ nghĩa nói chung của tiếng Việt có thể kể đến
những chuyên khảo được sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong các trường Đại học,
Cao đẳng nói chung của những bậc thầy về ngôn ngữ như tác giả Đỗ Hữu Châu,
Nguyễn Thiện Giáp, Mai Ngọc Chừ, Diệp Quang Ban, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng
Phiến…
Vận dụng những hiểu biết sâu sắc về từ vựng và ngữ nghĩa ở những công trình
nghiên cứu trước đó, nhiều tác giả cũng đã tìm hiểu từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt
trên nhiều phương diện và mức độ khác nhau. Trong điều kiện nghiên cứu có hạn,
chúng tôi điểm qua một số công trình nghiên cứu có liên quan:
1. Những vấn đề cơ bản về trường từ vựng – ngữ nghĩa, Phạm Thị Kim Anh,
Thông báo khoa học số 3, 2005, Đại học Hải Phòng.
2. Các từ ngữ chỉ không gian trong thơ Hàn Mạc Tử, Nguyễn Thị Thanh Đức,
Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Vinh, 2002.
3. Từ ngữ chỉ thời gian trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Thị Mĩ Xuyên, Luận văn Thạc sĩ,
3
4. Từ ngữ chỉ địa danh trong thơ Tố Hữu, Nguyễn Thị Thoa, Luận văn Thạc sĩ,
Đại học Hải Phòng, 2013.
5. Trường nghĩa lửa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và thơ Tố Hữu, Nguyễn
Thị Thanh Hà, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm I Hà Nội, 2009.
6. Trường từ vựng thiên nhiên trong thơ Tố Hữu, Cao Hạ Quyên, Luận văn Thạc
sĩ, Đại học Cần Thơ, 2013.
7. Trường nghĩa quân sự trong thơ Tố Hữu, Phạm Văn Phúc, 2014, Luận văn
Thạc sĩ, ĐH Hải Phòng.
8. Trường nghĩa sông nước trong thơ Tố Hữu, Đào Hoàng My, 2014, Luận văn
Thạc sĩ, ĐH Hải Phòng.
Nhìn chung các công trình nghiên cứu trên đã vận dụng các lý thuyết từ vựng- ngữ
nghĩa vào khảo sát các từ ngữ trong tác phẩm văn học (chủ yếu là thơ ca), từ đó tiến
hành phân loại, phân tích, miêu tả sự hành chức của các từ ngữ đó trong hệ thống tác
phẩm của một hay nhiều nhà thơ. Tên gọi của các công trình nghiên cứu đều cho thấy,
chưa có công trình nào tìm hiểu từ ngữ biểu thị phạm trù chim được vận hành như thế
nào trong văn học Việt Nam hiện đại có trong tác phẩm của những nhà thơ lớn như Chế
Lan Viên, Tố Hữu … Chắc chắn một đối tượng phổ biến, điển hình của thiên nhiên như
phạm trù chim sẽ có sự vận hành vô cùng phong phú, đa dạng dưới sự tái hiện và phản
ánh hiện thực sinh động của các nhà thơ. Để nghiên cứu đề tài này đạt kết quả tốt, chúng
tôi đã kế thừa và vận dụng tất cả những thành tựu của các công trình kể trên.
3. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ về nghĩa của
từ, trường từ vựng- ngữ nghĩa, tín hiệu thẩm mĩ…, từ kết quả khảo sát tư liệu, đề tài sẽ
chỉ ra ý nghĩa của từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan
Viên. Mục đích là góp phần đưa ra cách tiếp cận một vấn đề trong tác phẩm văn học
trên cơ sở vận dụng những thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại. Đó cũng là một mục
tiêu cơ bản trong giảng dạy văn học ở các trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
4
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu này chúng tôi tiến hành khảo sát từ ngữ biểu thị
phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên trên những tập thơ tiêu biểu.
Sau đó dựa vào lý thuyết điển mẫu, chúng tôi sẽ phân lập các kết quả đã khảo sát và
đưa vào hệ thống các bảng biểu thể hiện đặc điểm về hình thức sử dụng cũng như ý
nghĩa cơ sở của các từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan
Viên. Việc làm này chính là nhằm phân lập các từ ngữ biểu thị phạm trù chim vào các
tiểu trường khác nhau để thấy rõ tính điển hình của những từ ngữ trung tâm trong hệ
thống từ ngữ đã khảo sát. Từ các bảng thống kê đã thu thập được này, chúng tôi tiến
hành miêu tả, phân tích chỉ ra nội dung, ý nghĩa của các từ ngữ biểu thị phạm trù chim
trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu kĩ
những đơn vị điển hình được các tác giả sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Xuất phát từ những đặc điểm cụ thể về hoàn cảnh, điều kiện nghiên cứu, luận văn
này của chúng tôi chỉ lựa chọn xem xét vấn đề Từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong
thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên. Như trên đã nói, đề tài nghiên cứu của chúng tôi
không đi sâu vào hướng nghiên cứu những đặc điểm về phong cách nghệ thuật sử
dụng ngôn ngữ của hai tác giả (vốn thuộc lĩnh vực lí luận văn học, có nhiều nét giao
thoa với ngôn ngữ học). Chúng tôi chỉ tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là thống kêmiêu tả ngôn ngữ học các từ ngữ thuộc phạm trù chim trong tác phẩm của hai nhà thơ,
qua đó phần nào khắc họa được các đặc điểm sử dụng từ ngữ của mỗi nhà thơ trong
lĩnh vực này. Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ là tiền đề gợi dẫn hữu ích
cho công cuộc nghiên cứu to lớn, phức tạp hơn rất nhiều là nghiên cứu so sánh đối
chiếu toàn diện về phong cách nghệ thuật của hai nhà thơ. Đương nhiên trong một số
vấn đề phân tích bình giá cụ thể các ngữ liệu, khi cần thiết chúng tôi cũng có thể nêu
đôi nét về cá tính, phong cách nghệ thuật của mỗi người đã chi phối như thế nào về
việc dùng từ ngữ trong tác phẩm của mình.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Do khuôn khổ có hạn của luận văn nên khi tìm hiểu đề tài Từ ngữ biểu thị phạm trù
chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên chúng tôi sẽ đi sâu vào nghiên cứu nhóm từ
5
ngữ nói trên trong những bài thơ tiêu biểu của hai tác giả được in trong hai cuốn Chế Lan
Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002 và Tuyển thơ Tố Hữu, NXB Văn học, 2008.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp, thủ
pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp phân tích diễn ngôn: Làm sáng tỏ nội dung ý nghĩa của các từ ngữ
biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên. Phương pháp này
được vận dụng trong quá trình diễn giải các ngữ liệu tiêu biểu.
- Thủ pháp thống kê, phân loại: Thống kê những từ ngữ biểu thị phạm trù chim
trong thơ Tố Hữu và thơ Chế Lan Viên; từ đó phân loại các đơn vị thu thập được, đưa
ra những số liệu, tỉ lệ cụ thể về các nhóm từ được sử dụng. Những kết quả nghiên cứu
này được trình bày chủ yếu trên các biểu bảng thống kê, phân loại ngôn ngữ học.
- Thủ pháp so sánh: Thủ pháp này dùng để đối chiếu, so sánh các số liệu đã khảo
sát, thống kê, phân loại nhằm tìm ra một số nét chung và nét riêng của Tố Hữu và Chế
Lan Viên trong việc sử dụng từ ngữ biểu thị phạm trù chim, qua đó tìm hiểu tâm tư,
tình cảm của hai nhà thơ mang tư cách đại diện cho nếp cảm nếp nghĩ của dân tộc qua
mỗi thời kì biến chuyển của đất nước trong thời gian gần một thế kỉ.
6. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm 4 phần: Mục lục; Quy ước viết tắt; Chính văn; Tài liệu tham khảo.
Trong đó, phần Chính văn gồm 3 chương sau:
Chương 1: Cơ sở lí thuyết của đề tài
Chương 2: Khảo sát các từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố Hữu và thơ
Chế Lan Viên
Chương 3: Nội dung ý nghĩa của các từ ngữ biểu thị phạm trù chim trong thơ Tố
Hữu và thơ Chế Lan Viên
6
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Một số vấn đề cơ bản về nghĩa của từ, trường từ vựng- ngữ nghĩa
1.1.1. Một số vấn đề cơ bản về nghĩa của từ
1.1.1.1. Khái niệm nghĩa của từ
Hiểu một cách chung nhất, nghĩa của từ, ngữ cố định là toàn bộ nội dung tinh
thần mà một từ, ngữ cố định gợi ra khi chúng tiếp xúc với từ, ngữ đó. Nhờ nghĩa của
từ mà chúng ta kết hợp từ với từ để tạo nên nghĩa của câu và nhờ nghĩa của từ trong
một câu mà chúng ta hiểu được nghĩa của câu đó.
1.1.1.2. Các thành phần trung tâm trong nghĩa của từ
Trong các thành phần nghĩa của từ nêu ở trên, các nhà ngôn ngữ học thường phân
thành hai bộ phận là bộ phận trung tâm, điển hình gồm có thành phần nghĩa biểu vật và
nghĩa biểu niệm; nghĩa ngữ pháp là bộ phận đầu cùng của nghĩa biểu niệm nên thường
gộp vào nghĩa biểu niệm, khi cần mới được tách ra; bộ phận phi trung tâm, kém điển
hình bao gồm nghĩa biểu thái, nghĩa liên tưởng. Trong bộ phận nghĩa phi trung tâm, các
nhà nghiên cứu thường nói nhiều đến nghĩa biểu thái, nghĩa liên tưởng. Sau đây là các
thành phần nghĩa đó.
a. Nghĩa biểu vật
Thành phần nghĩa này còn gọi là nghĩa sở chỉ, là thành phần nghĩa chỉ ra sự vật
(Nguyễn Thiện Giáp). Nghĩa biểu vật là loại sự vật được từ gọi tên, biểu thị (Đỗ Hữu
Châu). Trong câu Muôn chim non cùng ngây thơ ca hát (Thu về, Chế Lan Viên) từ
chim non không có sở chỉ (tức là không chỉ vào một đối tượng cụ thể nào hiện hữu
trước mắt). Nhưng người ta vẫn có thể hình dung sự vật như thế nào thì được gọi là
chim non. Cái biểu tượng chung bao gồm tất cả những sự vật được gọi làchim non, đó
là nghĩa sở thị (hay nghĩa biểu vật) của từ này. Như vậy, nghĩa biểu vật của các từ bò,
sách, nhà, cây, chạy, đen, buồn… là tất cả những đối tượng về sự vật, hiện tượng, hoạt
động, tính chất được các từ này biểu thị mà ta cảm biết được.
7
Nghĩa biểu vật của từ còn là phạm vi sự vật mà từ đó được sử dụng. Chẳng hạn,
nghĩa biểu vật của các từ thương, yêu, hờn, dỗi, âu yếm, ăn uống, suy nghĩ, hứa, nói
mát, chửi, tặng … là người, không phải là nghĩa biểu vật của các từ bất động vật.
Một số điểm cần lưu ý về nghĩa biểu vật:
Nghĩa biểu vật là sự liên hệ giữa từ với đối tượng (sự vật, hiện tượng, quá trình,
hoạt động, tính chất …). Khi từ biểu thị (chỉ ra, gọi tên …) sự vật, ta nói từ có nghĩa
biểu vật. Với nghĩa biểu vật, từ là tên gọi của sự vật, thuộc tính, hoạt động. Nếu thay
thế nghĩa biểu vật của từ với hình thức biểu vật phi ngôn ngữ tương ứng, chẳng hạn
dùng tay để chỉ, dùng hình vẽ để biểu thị, ta sẽ thấy rõ hơn nghĩa biểu vật của từ. Ví
dụ, ta thay nghĩa biểu vật của từ bút bằng chiếc bút, bức tranh vẽ bút; thay nghĩa biểu
vật của từ chạy bằng hành động trực quan chạy …
Nghĩa biểu vật không chỉ tồn tại trong từ mà còn tồn tại trong cụm từ tự do,
cụm từ cố định. Tuy nhiên nghĩa biểu vật của từ mang tính tổng hợp, khái quát cho cả
một chủng loại sự vật, nó chỉ gọi tên đối tượng một cách trực tiếp mà không chỉ ra đặc
điểm của đối tượng. Nó là tên gọi, định danh có tính “ngẫu nhiên” không biểu thị bản
chất của sự vật, do vậy mối quan hệ giữa nó với đối tượng là mang tính võ đoán
(không có lý do). Đối tượng được gọi tên ấy (sự vật, hiện tượng, quá trình hoạt động
tính chất…) là cái biểu vật. Cái biểu vật này có thể là hiện thực hoặc phi hiện thực, vật
chất hoặc phi vật chất, là toàn bộ các cá thể đối tượng được từ gọi tên, là phạm vi biểu
vật của từ đó.
Trong thực tế khách quan, sự vật, hiện tượng tồn tại ở dạng cụ thể, cá thể còn
nghĩa biểu vật của từ manh tính tổng hợp, khái quát cho cả chủng loại, sự vật, hiện
tượng. Ví dụ, ý nghĩa biểu vật của từ đi là [hoạt động dời chỗ] nói chung nhưng thực tế
lại có đi nhanh, đi chậm, đi lên đường, đi ra vườn, người đi, mèo đi…; ý nghĩa biểu vật
của từ nhà là [công trình xây dựng dùng để ở]… nhưng trong thực tế mỗi cái nhà lại có
hình khối, cách xây dựng lắp ghép, vị trí, kích cỡ, chất liệu…cụ thể rất khác nhau.
Nghĩa biểu vật của từ không hoàn toàn tương ứng với sự vật mà nó gọi tên trừ
nghĩa biểu vật của thuật ngữ khoa học, thuật ngữ nghề nghiệp. Ví dụ, trong ngôn ngữ
thông dụng, trong tri nhận dân gian thông thường phổ quát ta vẫn gọi một bộ phận của
rễ cây phình to, hình tròn, nằm chìm dưới mặt đất là củ như củ khoai, củ sắn, củ chuối,
8
củ lạc, củ hành, củ tỏi … nhưng trong khoa học củ chỉ đúng với khoai, sắn, còn lạc thì
phải gọi là quả lạc, còn su hào, chuối phải gọi là thân…Cũng như vậy, trong ngôn ngữ
ta gọi loài động vật sống dưới nước, bơi bằng vây, thở bằng mang, đẻ trứng… là cá
như cá chép, cá quả, cá rô, cá thu, cá ngừ, cá voi, cá sấu…nhưng trong khoa học cá
chỉ dùng với chép, quả, rô, thu, ngừ…còn voi phải xếp vào loại thú (vì loài này mang
những đặc điểm của loài thú như thở bằng phổi, đẻ con, nuôi bằng sữa)…
Cần thấy rằng, tồn tại thế giới mang tính tổng thể, liên tục (continium), để
nghiên cứu nó, ta phải “chia cắt” tổng thể nó ra thành từng bộ phận ứng với các
“trường” thuộc những phạm vi, bình diện khác nhau. Việc “chia cắt” này phụ thuộc
vào thói quen tư duy, thói quen ngôn ngữ của chúng ta. Thuyết tương đối luận ngôn
ngữ, đại diện là Sapir và Whorf, đã chỉ ra rằng ngôn ngữ chia cắt thực tại theo những
cách khác nhau và cách nhìn của chúng ta về thế giới không chịu ảnh hưởng của ngôn
ngữ mà chúng ta sử dụng. Điều này thấy rất rõ khi đối sánh các ngôn ngữ. Có những
sự vật có từ gọi tên trong ngôn ngữ này mà không có từ tương ứng trong ngôn ngữ
khác. Chẳng hạn, tiếng Việt có các từ chỉ sự vật phở, bánh cuốn, áo dài, chợ quê…mà
tiếng Anh không có từ tương ứng. Có những sự vật mà ở ngôn ngữ này có một từ,
ngôn ngữ kia lại có nhiều từ biểu thị. Thí dụ, tiếng Việt có các từ giặt, rửa, vo, gội…cả
bốn từ này tương đương với một từ tiếng Anh là Wash, tiếng Việt có một từ xanh,
tiếng Anh lại có hai từ cùng chỉ màu xanh là green và blue.
Kết luận: Nghĩa biểu vật là một phạm trù của ngôn ngữ, là kết quả của sự ngôn ngữ
hóa các sự vật ngoài ngôn ngữ.
b. Nghĩa biểu niệm
Nghĩa biểu niệm còn gọi là nghĩa sở biểu. Nếu quan hệ giữa nghĩa biểu vật với
sự vật mang tính võ đoán, không giải thích được lý do thì quan hệ giữa nghĩa biểu
niệm với nghĩa biểu vật mang tính có lý do. (Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng
Việt, tr. 180-181). Tuyệt đại đa số các từ, giữa tên gọi với sự vật làm thành nghĩa biểu
vật của chúng hoàn toàn không có mối quan hệ tiền ước nào, dùng tên gọi này chỉ sự
vật này đều do quy ước, thỏa thuận. Nhưng quan hệ giữa nghĩa biểu vật với nghĩa biểu
niệm là có lí do.
9
Tác giả Đỗ Hữu Châu chỉ ra rằng: “Nghĩa biểu niệm của từ là hiểu biết về nghĩa
biểu vật của từ, là sự ngôn ngữ hóa các khái niệm về sự vật. Đó là nghĩa quan hệ giữa
các nghĩa biểu niệm trong từ vựng một ngôn ngữ quy định” (Giáo trình Từ vựng học
tiếng Việt, tr. 95). Như vậy, nếu nghĩa biểu vật là sự ngôn ngữ hóa sự vật ngoài ngôn
ngữ thì nghĩa biểu niệm là sự ngôn ngữ hóa khái niệm về sự vật. Nghĩa biểu niệm còn
do quan hệ hệ thống trong từ vựng của một ngôn ngữ mà có. Chẳng hạn, ở câu Chim
là loài động vật biết bay, có lông vũ, mỏ, cánh, đẻ trứng, …tất cả các đặc trưng, tính
chất của cái gọi là chim này đã phân biệt chim với các động vật khác (ong, sâu, bướm,
dơi …) được gọi là nghĩa sở biểu, nghĩa biểu niệm của từ chim.
Cấu trúc nghĩa biểu niệm kết hợp thành nghĩa biểu niệm. Đó là một cấu trúc do
các nét nghĩa (semantic featuares) còn gọi là nghĩa tố (seme), yếu tố ngữ nghĩa nhỏ
hơn cấu thành. Các nét nghĩa này một phần phản ánh các thuộc tính của sự vật ngoài
ngôn ngữ, một phần do cấu trúc ngôn ngữ quy định. Ví dụ nghĩa biểu niệm của từ đi
một phần phản ánh các thuộc tính của hoạt động đi, một phần chịu sự quy định về
nghĩa biểu niệm của các từ chạy, nhảy, bò, bơi, lăn…; nghĩa biểu niệm của từ mắt một
phần phản ánh các thuộc tính của bộ phận mắt, một phần chịu sự quy định về nghĩa
biểu niệm của các từ mũi, miệng, tai, trán…Hay nghĩa biểu niệm của từ chim là một
cấu trúc bao gồm các nét nghĩa: loài động vật có xương sống, biết bay,có lông vũ, mỏ,
cánh, đẻ trứng…, những nét nghĩa này vừa phản ánh những đặc điểm của chim vừa
chịu sự câu thúc về nghĩa biểu niệm của các từ chỉ các động vật cũng biết bay như
ong, bướm, dơi… Trong các nét nghĩa biểu niệm có những nét nghĩa chung, có mặt
trong nhiều từ và những nét nghĩa riêng chỉ có ở từng từ. Dựa vào sự đối chiếu những
nét nghĩa chung này ta sẽ tìm ra được nghĩa biểu niệm của từng từ.
Như vậy: nghĩa, ý nghĩa biểu niệm của từ là tập hợp một số nét nghĩa chung và
riêng, khái quát và cụ thể theo một tổ chức, một trật tự nhất định giữa các nét nghĩa và
những quan hệ nhất định. Tập hợp này ứng với một hoặc một số ý nghĩa biểu vật của từ.
Nghĩa biểu niệm và nghĩa biểu vật hợp lại làm nên nghĩa biểu hiện-nghĩa miêu
tả của từ, là bộ phận lõi trung tâm, cơ bản của nghĩa từ. Bộ phận này vừa có tính khách
quan, gắn với đối tượng trong thực tế khách quan vừa có tính chủ quan, mang đặc
trưng văn hóa tư duy riêng của từng dân tộc. Trong từ điển, hai bộ phận nghĩa này
thường được nêu đầu tiên theo nguyên tắc lý thuyết điển dạng đã nêu ở trên.
10
1.1.2. Sơ lược về trường từ vựng – ngữ nghĩa
Trường nghĩa còn được gọi là trường ngữ nghĩa, trường từ vựng (semantic
field, lexical field), trường từ vựng - ngữ nghĩa, là một lĩnh vực nghiên cứu từ vựng
học mới được giới thiệu vào Việt Nam mấy chục năm gần đây. Lí thuyết này bắt
nguồn từ những tiền đề duy tâm của trường phái W. Humboldt và phần nào từ những
tư tưởng của F.de Saussure về tính cấu trúc của ngôn ngữ, đặc biệt là những vấn đề về
quan hệ liên tưởng và quan hệ ngữ đoạn trong ngôn ngữ.
Từ khi ra đời đến nay, lí thuyết này đã được vận dụng vào nghiên cứu nhiều
kiểu trường nghĩa. Kiểu trường nghĩa được nghiên cứu nhiều nhất là “nhóm từ vựng ngữ nghĩa”. Đó là kiểu trường nghĩa được xác lập dựa trên từ khái quát, biểu thị các
khái niệm chung nhất, trừu tượng nhất và trung hoà. Ví dụ: trường nghĩa thời gian,
trường nghĩa không gian, trường nghĩa màu sắc, trường nghĩa thực vật…
Còn có kiểu trường được xác lập theo một khái niệm chung nhất cho tất cả các
từ của nhóm: nhóm các từ ngữ chỉ sự di chuyển trong không gian; những từ chỉ hướng;
chỉ cảm xúc, nói năng, suy nghĩ; chỉ quan hệ thân tộc…; ý nghĩa sự vật ở danh từ, ý
nghĩa danh từ chỉ tên người, ý nghĩa tính chất ở tính từ… Đặc biệt, cũng coi là trường
nghĩa cả những kết cấu ngữ nghĩa của các từ đa nghĩa (kiểu trường nghĩa nhỏ nhất).
Giữa các nghĩa khác nhau của một từ đa nghĩa có một yếu tố chung, tạo nên trung tâm
ngữ nghĩa để thu hút các từ có quan hệ với nó. Ví dụ trường nghĩa của từ mắt, từ xuân,
từ đánh, từ yêu…
Lí thuyết trường nghĩa còn được vận dụng vào nghiên cứu đối chiếu các ngôn
ngữ. Lĩnh vực này, theo J. Lyons: “Trong những năm gần đây, đã có nhiều công trình
điều tra các hệ thống từ vựng trong các vốn từ của những ngôn ngữ khác nhau, liên quan
tới các khu vực như họ hàng, màu sắc, thực vật và động vật, trọng lượng và đo lường,
cấp bậc quân đội, cách đánh giá trong đạo đức và thẩm mĩ (…) . Các kết quả đã chứng
minh chắc chắn cho giá trị cách tiếp cận cấu trúc chủ nghĩa về ngữ nghĩa học” [12].
Ở Việt Nam, nhiều công trình đã giới thiệu, vận dụng lí thuyết này vào nghiên
cứu các trường nghĩa, nghĩa của từ, đối chiếu trường nghĩa của tiếng Việt với trường
nghĩa tương ứng trong ngôn ngữ khác.
11
1.1.2.1. Khái niệm trường nghĩa
Do thế giới phản ánh vào ngôn ngữ mang tính tổng thể, liên tục (continium), để
nghiên cứu nó, chúng ta phải “chia cắt” tổng thể đó thành từng bộ phận. Ứng với đó là
các “trường” với những phạm vi, bình diện khác nhau. Các nhà ngôn ngữ học Lyons,
Jackendoff, Fishman, Hudson... đã chỉ ra rằng, việc đưa yếu tố này hay khác vào từng
“trường” như thế đều chịu áp lực của tâm lí học ý thức. Bằng so sánh, đối chiếu...
chúng ta tìm ra sự tương đồng hay đối lập giữa các sự vật, hiện tượng để chia cắt
chúng thành từng “lát” thích ứng với thói quen tư duy, thói quen ngôn ngữ của chúng
ta. Khi nghiên cứu “bức tranh ý niệm về thế giới trong ngôn ngữ” (Jackendoff gọi đó
là “thế giới được chiếu lại- projected world), ta không thể không chú ý đến “cách thức
tư duy riêng” là lối cảm, lối nghĩ riêng của từng dân tộc, từng thời đại phản ánh vào
các ý nghĩa ngôn ngữ.
Quan niệm về trường nghĩa (trường từ vựng- ngữ nghĩa) của chúng tôi trình bày
trong luận văn chủ yếu được dựa trên các định nghĩa: “Trường nghĩa là một tổ chức
các từ và các biến thể sử dụng từ có quan hệ với nhau làm thành một hệ thống. Hệ
thống này cho thấy mối liên kết của chúng dựa theo một cái gì đó. Ví dụ những từ thân
tộc như father, mother, brother, sister, uncle, aunt đều thuộc vào trường nghĩa từ thân
tộc chỉ các thành viên trong gia đình, hạt nhân được xác lập dựa trên căn cứ về thế hệ,
giới tính, cả bên nội lẫn bên ngoại” [12]; định nghĩa: “Mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa
được gọi là một trường nghĩa. Đó là những tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ
nghĩa” [19]. Theo các định nghĩa này, có thể hiểu, trường nghĩa là một nhóm, một tập
hợp, một tổ chức... các từ có mối quan hệ nào đó với nhau về ngữ nghĩa làm thành một
tiểu hệ thống trong hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ. Việc xác lập trường nghĩa do
đó cần phải được dựa trên những tiêu chí ngôn ngữ nhất định.
1.1.2.2. Các loại trường nghĩa
Việc phân lập một trường nghĩa về cơ bản được dựa trên bảy tiêu chí sau:
Tiêu chí thứ nhất, do các trường nghĩa là các sự kiện thuộc phạm trù ngôn ngữ
cho nên việc phân lập chúng trước tiên là phải dựa vào các tiêu chí ngôn ngữ - những ý
nghĩa ngôn ngữ. Ý nghĩa ngôn ngữ chính là ý nghĩa của từ, cơ sở để tập hợp các từ
thành trường. Từ mang tư cách từ vị (lexeme), được xét trong những mối quan hệ:
quan hệ hệ hình, quan hệ cú đoạn, quan hệ phái sinh ngữ nghĩa. Tiêu chí thứ hai, phải
12
tìm được các trường hợp điển hình - từ điển hình (từ trung tâm) chỉ mang cái đặc
trưng từ vựng - ngữ nghĩa được coi là cơ sở. Chính nó sẽ tạo ra một “lực” nghĩa “thu
hút, hấp dẫn” các từ khác vào trong một trường. Theo tiêu chí này, trường nghĩa có
ranh giới tương đối, có thể độc lập hoặc giao nhau, bao hàm lẫn nhau, có những trường
hợp điển hình (trung tâm) và có những trường hợp kém điển hình (ngoại vi). Hudson
đã nói khá rõ điều này khi phân tích các cấp độ cơ bản của khái niệm. Vận dụng kết
quả nghiên cứu tâm lí học, nhân chủng học, Hudson cho rằng “trong các khái niệm cơ
bản có ít nhất một vài cấu trúc thứ bậc”, chúng “được sắp xếp thứ tự quanh khái niệm
cơ bản... thông thường là 5 đến 6 cấp độ, trong đó từ 1 đến 3 là cấp độ cơ bản”Tiêu
chí ba, dựa vào các lớp ý nghĩa biểu vật và biểu niệm, có thể phân biệt trường biểu vật
và trường biểu niệm. Tiêu chí bốn, với trường biểu vật, tiêu chí xác lập chỉ là sự đồng
nhất ở một nét nghĩa biểu vật...Tiêu chí năm, với trường nghĩa biểu niệm, tiêu chí xác
lập cũng chỉ là sự đồng nhất ở một nét nghĩa biểu niệm. Tiêu chí sáu, với trường
tuyến tính, là dựa hẳn vào ngữ nghĩa từ trung tâm. Từ này phải đáp ứng được yêu cầu
về quan hệ ngữ nghĩa - ngữ pháp của các từ trong trường. Tiêu chí bảy dùng để xác
lập trường liên tưởng. Cơ sở tạo lập trường này là các nghĩa ngữ dụng(meanings in
use) của từ trung tâm. Đó là những nghĩa mới được tạo ra trong quá trình từ hành
chức, chưa đi vào hệ thống. Từ trung tâm khi cùng xuất hiện với loạt các từ nào đấy
trong nhiều ngữ cảnh trùng lặp sẽ có hiện tượng đẳng cấu ngữ nghĩa. Khi đó, chúng sẽ
tạo thành một trường nghĩa liên tưởng mà các từ có quan hệ với nhau nhờ mối liên
tưởng ngữ nghĩa nào đó.
Theo các tiêu chí trên, hệ thống từ vựng ngữ nghĩa của một ngôn ngữ có thể
được phân lập ra các loại trường nghĩa:
a. Trường nghĩa biểu vật
Trường biểu vật là một tập hợp từ ngữ có cùng hạt nhân về ý nghĩa biểu
vật (denotavite meanings). Từ điển hình của trường thường là các danh từ có
tính khái quát cao, gần như là tên gọi của các phạm trù biểu vật. Chẳng hạn,
trường nghĩa về chim chóc, từ trung tâm khái quát chim sẽ tập hợp được các từ
có cùng hạt nhân ý nghĩa về chim: loài chim, cánh chim, đàn chim, bay, hót, mổ,
vỗ cánh, tổ, bầu trời, sâu bọ…
13
Các trường biểu vật khác nhau về số lượng, cách thức tổ chức các đơn vị,
miền phân bố ở từng ngôn ngữ. Vì từ có tính nhiều nghĩa biểu vật, do đó một từ có
thể nằm trong nhiều trường khác nhau, các trường hợp có thể “thẩm thấu”, “giao
thoa” nhau khi một số từ của trường này cùng nằm trong trường kia. Ví dụ, trong
trường nghĩa chim chóc có các từ ngữ: chân, cánh, lông, đầu, mỏ, mắt, nhanh,
chậm, kêu, bay, mổ, rỉa cánh, làm tổ, kết bầy, ấp trứng, mớm mồi…dễ dàng nhận
thấy các từ ngữ này còn có ở trong nhiều trường nghĩa chỉ các động vật khác.
b. Trường nghĩa biểu niệm
Trường biểu niệm là một tập hợp từ ngữ có chung cấu trúc biểu niệm là các ý
nghĩa biểu niệm (significative meanings) của từ.
Giống trường biểu vật, trường biểu niệm lớn có thể phân thành các trường nhỏ
hơn với những miền, những mật độ khác nhau. Do từ có nhiều nghĩa biểu niệm, nên
một từ có thể đi vào những trường biểu niệm khác nhau. Các trường biểu niệm cũng
giao thoa, thẩm thấu vào nhau, cũng có lõi trung tâm là các từ điển hình và các lớp
ngoại vi là các từ kém điển hình. Có thể lấy ví dụ một số trường biểu niệm của động từ
bay:1.(hoạt động), (dời chỗ): bay, nhảy, đi, chạy, leo, trèo, bơi, lặn…; 2. (hoạt động),
(vị trí), (mục đích): ẩn, trốn, tránh, kiếm mồi, tha mồi, làm tổ, tránh rét...; 3, (Hoạt
động), (cách thức), (môi trường): nghiêng cánh, tung cánh, chao liệng, lượn, định
hướng, dẫn đường, quan sát, cảnh giác, đề phòng, sà xuống...; 4, (Hoạt động), (phương
hướng): ra, vào, lên, xuống, sang, qua...; 5, (Hoạt động), (tính chất): nhanh, chậm, nhẹ
nhàng, mạnh mẽ, run rẩy, yếu ớt…
c. Trường nghĩa liên tưởng
Sự phân lập ra các trường kể trên là cần thiết để tìm hiểu những quan hệ và cấu
trúc ngữ nghĩa- ngữ pháp, phát hiện những đặc điểm nội tại và đặc điểm hoạt động của
từ. Song đó mới chỉ là sự phân tích “cấu trúc bề mặt” (surface structure) của ngôn ngữ,
trong ngôn ngữ còn có “cấu trúc bề sâu” (deep structure) của nó là ý thức (N.
Chomsky). Đó là lí do để xác lập trường nghĩa liên tưởng.
Cơ sở xác lập trường liên tưởng là hệ thống ngữ nghĩa mới của từ nảy sinh do
liên tưởng khi từ đi vào hoạt động hành chức. Những ý nghĩa biểu vật, biểu niệm của
14
từ được sử dụng nhiều lần còn gắn liền với các dấu ấn cá nhân như thói quen, sở
trường, nghề nghiệp, giai tầng xã hội... Các “ý nghĩa” mới được hình thành từ bên
ngoài do sử dụng sẽ bổ sung, “làm đầy” thêm thành ý nghĩa liên hội cho từ bên những
ý nghĩa đã cố định trong hệ thống cấu trúc của từ.
Ý nghĩa liên hội (sens connotatif) là ý nghĩa được hình thành do liên tưởng, do
sử dụng,có tính lâm thời, chưa đi vào hệ thống cấu trúc của từng đơn vị ngôn ngữ.
Nó là hệ quả của sự xuất hiện đồng thời giữa từ trung tâm với các từ khác trong
nhiều ngữ cảnh trùng lặp. Ch. Bally dựa vào gợi dẫn của Saussure về “chòm liên
tưởng” (constellation assocciatives) đã cho rằng mỗi từ là trung tâm của một trường
liên tưởng [17]. Chẳng hạn, ta thấy các trường liên tưởng về từ cò – biểu thị một loài
chim cụ thể có nhiều nét nghĩa khác nhau trong thơ Chế Lan Viên và thơ Tố
Hữu.Chế Lan Viên viết trong bài thơ (Tìm, 644), nhà thơ triết lí về sự tìm tòi trong thơ
“Thơ như con nai trắng, con ngựa hồng, anh không bao giờ gặp trong cuộc đời
thường nhật/ Dễ gặp như cò chứ ít khi đến cùng anh như vạc ăn đêm”. Cò – vạc, hai
loài chim trở thành ẩn dụ gợi liên tưởng về những giá trị đích thực mỗi nhà thơ đi tìm
trong cuộc sống mà không phải ai cũng nhìn thấy, nhà thơ nào cũng có được nên phải
luôn tìm tòi, khám phá là một đòi hỏi tất yếu của người làm thơ… Tố Hữu lại có liên
tưởng khác. Nhà thơ nghĩ đến cánh cò trong lời hát ru hời của chị hai mà giờ đây bảy
mươi mốt tuổi đời vẫn còn nhớ lại “Cái cò, cái vạc à ơi!” (Chị và em, 609). Cũng cánh
cò ấy là hình ảnh người chị hai tảo tần hôm sớm trong đói khổ, chiến tranh “Thân cò
lặn lội bờ sông/ Ba mươi năm hãi hùng bom đạn”… Mỗi nhà thơ khác nhau trong cảm
nhận, trong quan điểm, suy nghĩ nên liên tưởng cũng khác nhau.
Trường liên tưởng thường không ổn định, ít có tác dụng phát hiện những quan
hệ cấu trúc ngữ nghĩa nội tại nhưng nó lại có hiệu lực giải thích về việc dùng từ trong
tác phẩm văn học. Có khi phải viện đến trường liên tưởng thì một số hiện tượng như
chuỗi kết hợp bất thường, mơ hồ về nghĩa... trong ngôn phẩm mới phần nào được làm
sáng tỏ. Những trường hợp như những loài chim máu, những siêu chim, mùa hạnh
phúc, mùa mồ côi, mùa gái góa… trong thơ Chế Lan Viên là một ví dụ.
d. Trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang)
Cơ sở xác lập trường là mối quan hệ trên trục ngữ đoạn (syntagmatical axis)
của các đơn vị ngôn ngữ. Các từ lập thành trường tuyến tính - quan hệ cú pháp với từ
15
trung tâm sẽ tường minh hóa các nét nghĩa có tính tiềm ẩn trong cấu trúc ngữ nghĩa
của từ này. Thực tế những mối liên hệ, kết hợp có tính hình tuyến này của từ trung tâm
đều chịu sự quy định chặt chẽ của các ý nghĩa từ vựng- ngữ pháp, những “ngữ trị”
(valence) của từ. Nghiên cứu các ý nghĩa, các kết hợp này, chúng ta có thể tìm ra
những nội dung ngữ nghĩa và tính chất của các quan hệ đó. Chẳng hạn, trường tuyến
tính của từ bay được xác lập dựa trên mối quan hệ giữa từ bay với các từ chim, cánh,
tung, lượn... Thông qua các kết hợp ngữ đoạn, từ bay sẽ bộc lộ các ý nghĩa từ vựngngữ pháp của chúng.
1.2. Sơ lược về lí thuyết phân tích diễn ngôn
1.2.1. Khái niệm phân tích diễn ngôn
1.2.1.1. Khái niệm diễn ngôn
Một cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ có sự tham gia của ba nhân tố lớn là ngữ cảnh và
các hợp phần của ngữ cảnh; phương tiện ngôn ngữ; diễn ngôn (DN). Như vậy, DN- thông
điệp bằng ngôn ngữ trước hết là một trong ba nhân tố lớn kể trên của một cuộc giao
tiếp. Tìm hiểu DN do đó cần phải chú trọng tìm hiểu các chức năng của giao tiếp được
thể hiện trong DN.
1.2.1.2. Khái niệm phân tích diễn ngôn
Phân tích diễn ngôn là phân tích nội dung DN và các yếu tố hình thức của DN, bao
gồm tất cả các yếu tố ngôn ngữ cấu thành nên DN như các đơn vị từ vựng, các quy tắc
kết học, các hành vi ngôn ngữ chuyển các câu thành phát ngôn, các yếu tố kèm lời và
phi lời..., được dùng khi người nói nói ra phát ngôn, DN.
Nội dung của DN có hai thành phần thống hợp với nhau mật thiết là thành phần
thông tin và thành phần liên cá nhân. Thành phần nội dung thông tin (còn gọi là thành
phần nghĩa sự vật, nghĩa miêu tả) thực hiện chức năng thông tin của giao tiếp, thuộc
lĩnh vực nghĩa học của TH học (ngữ nghĩa phi dụng học), bị quy định bởi tính đúng/
sai của logic. Thành phần nội dung liên cá nhân tương ứng với các chức năng giao tiếp như
bộc lộ, thiết lập quan hệ, hành động, giải trí, thành phần này không bị quy định bởi tính
đúng/ sai logic mà thuộc nội dung nghĩa ngữ dụng của DN. Bởi vậy, hiểu, thuyết giải đúng
nội dung ý nghĩa của một DN là phải hiểu, thuyết giải đúng đồng thời cả hai loại thành
16
phần nội dung. Hai thành tố nội dung này có thể hiện diện tường minh qua các yếu tố hình
thức ngôn ngữ của DN, hoặc tồn tại khiếm diện trong đích giao tiếp của các đối ngôn.
1.2.2. Sơ lược về một lí thuyết phân tích diễn ngôn - lí thuyết phân tích dụng
học
1.2.2.1. Khái niệm ngữ dụng học
Ngữ dụng học một lĩnh vực nghiên cứu mới của ngôn ngữ học, nghiên cứu quan
hệ giữa ngôn ngữ với ngữ cảnh, đặc biệt với nhân vật, với hoàn cảnh giao tiếp và với
các hoạt động giao tiếp thực sự của ngôn ngữ trong xã hội. Như vậy, các nhân tố ngữ
dụng là một bộ phận không thể tách rời trong cấu trúc hình thức và nội dung của các
yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ và của các ngôn bản.
Ngữ dụng học quan tâm trước hết đến nội dung liên cá nhân và đến cách thức phản
ánh hiện thực được nói tới thành nội dung miêu tả của ngôn bản. Các nhân tố ngữ
dụng học có mặt khắp nơi trong ngôn ngữ và trong hoạt động ngôn ngữ. Không thể
hiểu được đầy đủ các yếu tố ngôn ngữ, không thể lý giải thỏa đáng ngôn bản nếu
không tính đến các nhân tố ngữ dụng thống hợp với các nhân tố thuộc cấu trúc của
ngôn ngữ. Cần nhắc lại: không lý giải được đúng ngôn bản, tức là không ứng xử được
thích hợp trong giao tiếp.
1.2.2.2. Lí thuyết phân tích dụng học- nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn
Lí thuyết phân tích dụng học tựu trung giải quyết bốn vấn đề chính: chiếu vật; chỉ
xuất; hành động ngôn ngữ; nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn. Từ giới hạn của đề tài
nghiên cứu, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề trung tâm, cơ bản của dụng học có liên
quan trực tiếp đến nhiệm vụ giải quyết của đề tài là vấn đề nghĩa tường minh, nghĩa
hàm ẩn.
Một phát ngôn (tức một câu hiểu theo cú pháp học thông thường) ngoài cái ý nghĩa được
nói ra trực tiếp nhờ các yếu tố ngôn ngữ (âm, từ, kết cấu câu...) còn có thể gợi ra rất
nhiều ý nghĩa khác mà người nghe phải dùng đến thao tác suy ý và dựa vào những yếu
tố ngoài ngôn ngữ, vào ngôn cảnh, vào các quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều
khiển lập luận, điều khiển hội thoại... mới nắm bắt được ý nghĩa trực tiếp do các yếu tố
ngôn ngữ đem lại được gọi là ý nghĩa tường minh, có nhà nghiên cứu gọi là hiển ngôn,
17
hay là ý nghĩa theo câu chữ của phát ngôn. Các ý nghĩa nhờ suy ý mới nắm bắt được,
gọi là ý nghĩa hàm ẩn. Ý nghĩa này bao gồm hai loại là nghĩa tiền giả định và nghĩa hàm
ý (còn gọi là nghĩa hàm ngôn không tự nhiên). Có thể thấy rõ thêm các thành phần nghĩa
này qua việc khảo sát nghĩa của các từ ngữ thuộc phạm trù chim trong đoạn thơ sau của
Chế Lan Viên:
Anh ở trong nhà, trong sân quanh quẩn / Vào, ra cùng vịt, gà, ngan , ngỗng… / Không
thấy con đại bàng đồng chí Đặng Tính bắn nửa giờ trước lúc hi sinh,/ Không thấy đàn
chim én Long Châu xôn xao trên tháp đèn của đảo lượn quanh,/ Không thấy chim anh
vũ rừng Lào đổi từ triền mưa sang triền nắng…/ Thế mà anh đòi viết về loài có cánh!
(Thơ bình phương – đời lập phương, 101).
Đây là những dòng thơ mang ý nghĩa hàm ẩn. Ý nghĩa hàm ẩn này được hiểu từ
nghĩa tiền giả định và nghĩa hàm ý của câu thơ. Những dòng thơ đều nói về những loài
có cánh như vịt, gà, ngan, ngỗng, đại bàng, chim én, chim anh vũ. Và hiển nhiên ai
cũng biết vịt, gà, ngan, ngỗng là những vật nuôi quen thuộc quanh quẩn trong nhà,
trong sân tuy có cánh nhưng ít khi bay hoặc bay rất thấp. Ngược lại đại bàng, chim én,
chim anh vũ là những loài sinh ra để bay lượn, vẫy vùng trên bầu trời rộng lớn. Chế
Lan Viên đã sử dụng nghĩa tiền giả định này để người đọc nhìn rõ sự đối lập hiển nhiên
của những loài có cánh trong hoạt động bay lượn của chúng để từ đó tự bạn đọc hiểu
được nghĩa hàm ý nhà thơ đang muốn nói tới. Một con người luôn trăn trở vì nghệ thuật
đang nói đến sự tìm tòi những giá trị lớn lao trong cuộc sống và trong sáng tác. Nếu
người làm thơ chỉ quanh quẩn trong nhà, trong sân cùng vịt, gà, ngan, ngỗng làm sao
có thể viết về loài có cánh?
Như vậy lí thuyết phân tích dụng học- nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn là
những thành phần ý nghĩa vô cùng quan trọng để chúng ta hiểu và phân tích ý nghĩa
của thơ ca.
1.3. Khái lược về tín hiệu thẩm mĩ văn chương
1.3.1. Khái niệm tín hiệu thẩm mĩ
Vấn đề tín hiệu thẩm mĩ(THTM) có nhiều tác giả đã bàn đến: E.Cassirer,
S.Langer,R.Barther,A.Belưi, V.I.Prôpp, M.Bakhtin, M.B.Khrapchenco, B.X.Likhasop,
Iu.A.Philipiep, Hoàng Trinh, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Lai, Trần Ngọc Thêm, Trần
18
Đình Sử, Phan Ngọc, Lại Nguyên Ân, Phương Lựu, Trương Thị Nhàn, Phạm Thị Kim
Anh... Ở luận văn này chúng tôi xin tiếp thu những thành tựu từ những công trình
nghiên cứu của các tác giả trên.
Trước hết, THTM là một loại tín hiệu cho nên nó cũng mang những đặc trưng
của tín hiệu nói chung. Theo Saussure, tín hiệu có hai mặt (tín hiệu nhị diện) là cái biểu
hiện (cbh - hình thức vật chất cảm tính) và cái được biểu hiện (cđbh - nội dung ý nghĩa),
“hai mặt này gắn bó khăng khít với nhau và đã có cái này là có cái kia”. Theo
Ch.W.Moris, tín hiệu có ba mặt (tín hiệu tam diện): kết học (syntaxtics) - quan hệ giữa
các tín hiệu; nghĩa học (semantics) - quan hệ giữa tín hiệu với cđbh; dụng học
(pragmatics) - quan hệ giữa tín hiệu với người sử dụng (người lí giải). Như vậy, Morris
và trước ông, Ch.S.Pierce đã bổ sung thêm vào cấu trúc tín hiệu nhị diện một nhân tố
thứ ba nữa: cái lí giải - (interpretant) (theo Pierce) hay người sử dụng - (intepreter),
người lí giải (theo Morris). Cái mới trong lí thuyết của Morris là cần phải thấy được tính
thống nhất biện chứng giữa hai mặt nội tại và ngoại tại của một tín hiệu.
Đỗ Hữu Châu đã tổng hợp các ý kiến trên và đưa ra việc xác định 4 nhân tố cần
phải có với một tín hiệu: 1, phải có một hình thức cảm tính (cbh); 2, phải có một nội
dung ý nghĩa (cđbh); 3, phải được nhận thức bởi một chủ thể nào đó (đối tượng của
thông tin); 4, phải nằm trong một hệ thống nhất định.
Bước vào thế giới nghệ thuật, các tín hiệu thông thường sẽ chuyển hoá thành
THTM, mang những đặc thù nghệ thuật nhất định. Hiểu một cách chung nhất, THTM
là yếu tố thuộc hệ thống các phương tiện biểu hiện của nghệ thuật. Đỗ Hữu Châu có
những kiến giải cụ thể hơn về THTM ngôn ngữ: THTM là phương tiện sơ cấp
(primaire) của văn học. Ngôn ngữ thực sự của văn học là ngôn ngữ - THTM, cú pháp THTM. TH ngôn ngữ tự nhiên trong văn học chỉ là hình thức - cbh của THTM. Quan
niệm khả chấp hơn về THTM được nêu trong luận án tiến sĩ của Phạm Thị Kim Anh
như sau: THTM là yếu tố thuộc hệ thống các phương tiện biểu hiện của các ngành
nghệ thuật, bao gồm toàn bộ những yếu tố của hiện thực, của tâm trạng (những chi
tiết, những sự vật, hiện tượng, những cảm xúc... thuộc đời sống hiện thực và tâm
trạng), những yếu tố của chất liệu (các yếu tố của chất liệu ngôn ngữ với văn chương;
các yếu tố của chất liệu màu sắc với hội hoạ; âm thanh, nhịp điệu với âm nhạc...)
được lựa chọn và sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật vì mục đích thẩm mĩ.