Tải bản đầy đủ (.docx) (20 trang)

Rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh ở trường THPT hậu lộc i

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.75 KB, 20 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC I

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHO HỌC
SINH Ở TRƯỜNG THPT HẬU LỘC I

1


MỤC LỤC
I. Mở đầu………………………………………………………………Trang 1
1. Lí do chọn đề tài……………………………………………………..Trang 1
2. Mục đích nghiên cứu……………………………………………… Trang 2
3. Đối tượng nghiên cứu……………………………………………… Trang 2
4. Phương pháp nghiên cứu……………………………………………Trang 2
II. Nội dung …………………………………………………………….Trang 3
1.Thực trạng viết đoạn văn nghị luận xã hội ở học sinh hiện nay……Trang 3
2.Một số giải pháp rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh……Trang 4
2.1. Củng cố lí thuyết về đoạn văn……………………………………..Trang 4
2.1.1.Khái niệm …………………………………………………………Trang 4
2.1.2.Cấu trúc …………………………………………………………...Trang 4
2.2.Giúp học sinh nắm vững yêu cầu của một đoạn văn nghị luận xã
hội………………………………………………………………………Trang 5
2.3. Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội…………. ……Trang 6
2.3.1. Nắm vững các bước triển khai viết đoạn văn……………………Trang 6
2.3.2. Rèn kĩ năng triển khai các dạng đoạn văn theo sơ đồ cấu trúc…Trang 9
2.4Một số lưu ý …….…………………………………………………Trang 12


3. Hiệu quả của sáng kiến……………………………………………..Trang 13
3.1. Một số đoạn văn tiêu biểu của học sinh………………………… Trang 13
3.2.Điểm đạt được của lớp 12A6 qua các kì thi……………………… Trang 14
III. Kết luận, kiến nghị ……………………………………………….Trang 16
1. Kết luận………………………………………………………………Trang 16
2. Kiến nghị………………………………………………………….. ..Trang 16
Tài liệu tham khảo……………………………………………………..Trang 17
2


I. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1.Đổi mới trong đề thi: Trong những năm gần đây, nền giáo dục nước
nhà đang tích cực đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Cùng
với sự đổi mới ấy, môn Ngữ văn cũng không ngừng thay đổi cách ra đề thi theo
hướng nâng cao năng lực, kĩ năng ở học sinh. Năm 2017 cũng là năm kì thi
THPTQG môn Ngữ văn có nhiều thay đổi cả về thời gian làm bài và cấu trúc đề
thi: Thời gian làm bài môn Ngữ văn từ 180 phút (năm 2016 về trước) rút ngắn
còn 120 phút. Kéo theo đó, cấu trúc đề thi cũng thay đổi: Từ hai ngữ liệu đọc
hiểu rút xuống còn một ngữ liệu; thay viết bài văn nghị luận xã hội 600 chữ
bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ; nghị luận văn học thay đổi thang điểm ở
các ý, các phần, các câu.
Tôi nhận thấy, việc thay đổi cấu trúc đề thi là phù hợp. Đề thi nhằm hướng
tới kiểm tra kiến thức, kĩ năng ở học sinh một cách toàn diện hơn. Đó là kĩ năng
tiếp nhận, lĩnh hội văn bản qua phần Đọc hiểu; kĩ năng tạo lập văn bản ở phần
Làm văn. Trong đó, ở phần Làm văn, hướng đến kiểm tra cả năng lực viết đoạn
văn (câu 2 điểm) lẫn kĩ năng tạo lập một văn bản hoàn chỉnh(câu 5 điểm). Như
vậy, đề thi hướng tới rèn luyện cho học sinh sự linh hoạt khi nào cần viết ngắn,
khi nào phải viết dài.
1.2. Vai trò của câu 2 điểm trong đề thi: Trong cấu trúc đề thi THPT Quốc

gia, tôi nhận thấy câu hỏi 2 điểm yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội
khoảng 200 chữ có vai trò, vị trí quan trọng. Đây là câu chiếm 20% số điểm bài
thi nhưng dung lượng yêu cầu chỉ khoảng 200 chữ. Câu hỏi đánh giá năng lực
nhìn nhận, bộc lộ quan điểm cá nhân về một vấn đề xã hội. Vậy nên, viết như
thế nào trong khoảng 200 chữ ấy để đạt được 2 điểm là điều khó khăn đặt ra cho
cả thầy và trò trong việc dạy văn và học văn.
1.3. Về chương trình: Sách giáo khoa Ngữ văn đã được đổi mới từ năm
2006 đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh, thay đổi. Song thực tế, đề thi THPTQG
môn Ngữ văn những năm gần đây lại liên tục thay đổi. Hơn nữa, trong phân
phối chương trình môn Văn số tiết dành để luyện viết đoạn văn nghị luận quá ít
ỏi. Vì vậy, có sự vênh lệch giữa chương trình giảng dạy và yêu cầu của đề thi.
1.4. Về phía học sinh: Lâu nay các em vẫn quen được rèn luyện cách viết
một bài văn nghị luận xã hội hoàn chỉnh với dung lượng khoảng 600 chữ. Vì
vậy, giờ đây trước yêu cầu của đề thi các em phải làm quen với cách viết mới:
chỉ viết một đoạn văn khoảng 200 chữ. Một đoạn nhưng vẫn phải đảm bảo đầy
đủ những nội dung cơ bản của một vấn đề nghị luận. Với tâm lí, đồng thời cũng
một thực tế “dài dễ viết, ngắn khó co” thì viết một đoạn văn nghị luận xã hội với
dung lượng 200 chữ quả là khó khăn với các em. Hơn nữa, việc từ bỏ một thói
3


quen cũ đã thành lối mòn để hình thành một kĩ năng mới không phải là chuyện
dễ dàng.
1.5. Về phía giáo viên: Tôi nhận thấy hướng đổi mới của đề thi THPTQG
là phù hợp. Tuy nhiên, làm thế nào để dạy, rèn luyện cho các em kĩ năng viết
đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ quả là một vấn đề. Trước yêu cầu của
thực tế, bản thân tôi đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để giúp học sinh bắt
nhịp với xu hướng đổi mới. Nhưng thực tế cũng chưa có tài liệu chuyên sâu,
chính thống hướng dẫn giáo viên và học sinh rèn luyện kĩ năng cho dạng câu hỏi
này.

Vì vậy, từ những lí do trên, tôi đã trăn trở và tìm ra giải pháp rèn luyện kĩ
năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh. Bước đầu áp dụng một số giải
pháp trong việc giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh viết đoạn văn có nhiều tiến bộ
rõ rệt.Vậy nên, tôi mạo muội chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp một số kinh
nghiệm trong việc “Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học
sinh ở trường THPT Hậu Lộc 1 ”
2. Mục đích nghiên cứu.
Nghiên cứu đề tài này, tôi mong muốn:
- Giúp học sinh có được kĩ năng tốt để tự tin, vững vàng và đạt kết quả cao khi
viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ trong các đề kiểm tra, thi cử môn Ngữ
văn (nhất là trong kì thi THPTQG).
- Góp phần chia sẻ chút ít kinh nghiệm với đồng nghiệp trong quá trình dạy môn
Ngữ văn.
3. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu những vấn đề:
- Những yêu cầu cơ bản của 1 đoạn văn nghị luận xã hội.
- Cách rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ.
- Đánh giá kết quả đạt được qua các bài làm của học sinh ở lớp 12A6.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu xây dựng cơ sở lí thuyết: Tìm tòi, nghiên cứu tài liệu
lí thuyết về đoạn văn.
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế: Áp dụng để theo dõi, kết quả bài thi
của học sinh lớp 12A6 qua các kì thi: học kì 1, học kì 2, Thi khảo sát theo đề của
Sở, kì thi kiểm tra của trường.
4


- Phương pháp thống kê, xử lí số liệu: Áp dụng để thu thập số liệu, thống kê, so
sánh kết quả điểm thi của học sinh. Từ đó đánh giá ưu, nhược điểm và nguyên
nhân của kết quả.

II. NỘI DUNG
1. Thực trạng viết đoạn văn nghị luận xã hội ở học sinh hiện nay
Bước đầu đổi mới cấu trúc đề thi, học sinh thực sự bỡ ngỡ, lớ ngớ nhất là
các em lớp 12 vì kì thi THPTQG sắp đến gần. Bởi lẽ:
- Lí thuyết viết đoạn văn đã học ở cấp 2, nay gần như đã quên. Trong khi đó ở
cấp 3 lại ít được rèn luyện. Có chăng chỉ là khi cô giáo sửa lỗi trong bài làm văn.
- Hai năm trước (lớp 10, 11), các em chủ yếu được rèn luyện kĩ năng viết bài
văn nghị luận xã hội nên chưa kịp bắt nhịp, làm quen với việc viết đoạn văn.
Vì vậy, thực tế viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ (thang
điểm là 2 điểm) của các em trong kì thi hết học kì 1 quả đáng lo.
Biểu hiện:
- Thứ nhất là về kĩ năng:
+ Không ít học sinh quan niệm đoạn văn là một bài văn ngắn nên mở đoạn, thân
đoạn, kết đoạn vẫn xuống dòng. Vì vậy, bài viết không đảm bảo yêu cầu về hình
thức: 1 đoạn văn viết thành 3 đoạn.
+ Các em vẫn giữ thói quen viết dài. Bởi viết dài mới hết được các ý cần viết
nên 1 đoạn 200 chữ kéo dài đến cả 1 trang giấy, thậm chí có em viết 1,5 trang.
+ Bài viết chưa đảm bảo cấu trúc của đoạn văn: Đa số bài viết của các em chỉ có
một phần thân đoạn còn không dẫn dắt, giới thiệu vấn đề và phần kết thì thường
bỏ ngõ.
+ Diễn đạt trong đoạn văn thường lủng củng, lan man, các câu thiếu sự liên kết,
mạch lạc, trong sáng.
- Thứ hai, về mặt nội dung:
+ Nhiều bài chưa xác định được trọng tâm yêu cầu. Đoạn văn nghị luận xã hội
thường tích hợp với phần đọc hiểu theo hướng: Bàn về vấn đề, thông điệp được
đặt ra từ văn bản hoặc bàn về một ý kiến giàu ý nghĩa nhân văn trong văn bản
đọc hiểu.Vì vậy, học sinh thường dựa vào văn bản đọc hiểu để viết lại hoặc lan
man xoay những vấn đề trong văn bản đọc hiểu mà không chú ý đến nội dung
yêu cầu của đoạn văn.
5



+ Đa số bài làm thiếu ý, sót ý: các em quan niệm chỉ là một đoạn văn nên trực
tiếp bộc lộ quan điểm, suy nghĩ về vấn đề nghị luận mà bỏ qua khâu giải thích,
mở rộng, liên hệ và rút ra bài học.
+ Còn lúng túng trong việc đưa dẫn chứng sao cho hợp lí. Bởi, đoạn văn ngắn
nên sợ đưa dẫn chứng sẽ chiếm mất dung lượng. Hoặc sa vào nêu và phân tích
dẫn chứng giống như khi viết bài văn nghị luận xã hội nên loãng vấn đề bàn
luận, ảnh hưởng tới giới hạn dung lượng của đoạn văn.
Qua khảo sát, tôi thấy kết quả điểm thi học kì ở câu viết đoạn văn cụ thể
của lớp 12A6 như sau:
ĐIỂ
M
SS:40

2,0

1,75

1,5

0

0

0

1,25

1,0


0,75

0,5

0,25

0

10=25
18=45
6=15
6=15
0
0
%
%
%
%
Từ thực trạng trên cho thấy: Để các em có thể “đo bò làm chuồng”, “lựa
cơm gắp mắm” sao cho phù hợp, vừa trọn vẹn, hoàn chỉnh về nội dung lại vừa
đảm bảo yêu cầu về hình thức quả là khó khăn. Hơn nữa, thời gian có hạn,
không cho phép các em dành quá nhiều thời gian vào câu 2 điểm này. Vì vậy,
làm sao để trong khoảng 20 -> 25 phút, các em phải thật nhanh nhạy để vừa suy
nghĩ, vừa tìm ý vừa viết hoàn chỉnh đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ?
Giúp các em gỡ rối, khắc phục khó khăn ấy, tôi đã hướng dẫn các em theo các
cách sau.
2. Một số giải pháprèn luyện kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh:
2.1. Củng cố lí thuyết về đoạn văn
2.1.1. Khái niệm:

Đoạn văn là một phần của văn bản bắt đầu từ chữ viết hoa, lùi đầu dòng và
kết thúc là dấu chấm câu xuống dòng. Về nội dung, đoạn văn diễn đạt một ý
tương đối trọn vẹn.
2.1.2. Cấu trúc:
Cấu trúc đoạn văn thường có 3 phần liền mạch: mở đoạn, thân đoạn và kết
đoạn. Các câu trong từng phần được liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong văn bản, nhất là văn nghị luận, ta thường gặp những đoạn văn có kết
cấu phổ biến: quy nạp, diễn dịch, tổng phân hợp. ..Ngoài ra, đoạn văn còn có
thể có kết cấu so sánh, nhân quả, vấn đáp, đòn bẩy, nêu giả thiết, hỗn
hợp,…
6


- Đoạn diễn dịch: Là một đoạn văn trong đó câu chủ đề mang ý nghĩa khái
quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai ý tưởng chủ đề, mang ý nghĩa
minh hoạ, cụ thể. Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích,
chứng minh, phân tích, bình luận; có thể kèm những nhận xét, đánh giá và bộc
lộ sự cảm nhận của người viết.
- Đoạn quy nạp: Là đoạn văn được trình bày đi từ các ý chi tiết, cụ thể nhằm
hướng tới ý khái quát nằm ở cuối đoạn. Các câu ở trên được trình bày bằng thao
tác minh hoạ, lập luận, cảm nhận và rút ra nhận xét, đánh giá chung.
- Đoạn tổng phân hợp: Là đoạn văn phối hợp diễn dịch với quy nạp. Câu mở
đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo khai triển ý khái quát,
câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng.
- Đoạn móc xích: Là đoạn văn mà ý các câu gối lên nhau, đan xen nhau và được
thể hiện cụ thể bằng việc lặp lại một vài từ ngữ ở câu trước trong câu sau.
- Đoạn so sánh :
+ So sánh tương đồng: Là đoạn văn có sự so sánh tương tự nhau dựa trên
một ý tưởng, có nội dung tương tự nội dung đang nói đến.
+ So sánh tương phản: Là đoạn văn có sự so sánh trái ngược nhau về nội

dung ý tưởng, hiện thực cuộc sống… tương phản nhau.
- Đoạn vấn đáp: Là đoạn văn có kết cấu hai phần, phần đầu nêu câu hỏi, phần
sau trả lời câu hỏi. Nội dung hỏi đáp chính là chủ đề của đoạn văn. Trong kiểu
kết cấu này, phần sau có thể để người đọc tự trả lời.
- Đoạn đòn bẩy: Là đoạn văn mở đầu nêu một nhận định, dẫn một câu
chuyện hoặc những đoạn thơ văn có nội dung gần giống hoặc trái với ý
tưởng (chủ đề của đoạn) tạo thành điểm tựa, làm cơ sở để phân tích sâu sắc ý
tưởng đề ra.
- Đoạn nêu giả thiết: Là đoạn văn có kết cấu: mở đoạn nêu giả thiết, để từ đó đề
cập tới chủ đề đoạn.
Việc củng cố lại lí thuyết về đoạn văn sẽ giúp các em hình dung lại các
kiến thức về đoạn văn đã được học ở cấp hai. Từ đó, các em biết cách triển khai
đoạn văn theo một cấu trúc lựa chọn và đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình
thức.
2.2. Giúp học sinh nắm vững yêu cầu của một đoạn văn nghị luận xã hội
- Về hình thức:

7


+ Thứ nhất : Đề bài yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong
1 đoạn văn (không được ngắt xuống dòng ), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ
giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay).
+ Thứ hai: Đoạn văn phải đảm bảo cấu trúc ba phần: mở đoạn, thân đoạn, kết
đoạn. Các câu trong đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau.
+ Thứ ba: Đoạn văn sử dụng các thao tác lập luận: Giải thích – Phân tích –
Chứng minh – Bình luận – Bác bỏ - Bình luận mở rộng để bàn bạc làm sáng tỏ
vấn đề nghị luận.
+ Thứ tư: Đoạn văn cần diễn đạt mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả,
dùng từ, đặt câu.

- Về nội dung : Dù dài hay ngắn thì đoạn văn cũng phải đầy đủ các ý chính.
Cụ thể :
+Phần mở đoạn : có tác dụng dẫn dắt, giới thiệu vấn đề bàn luận.
+ Phần thân đoạn, cũng là phần trọng tâm cần phải đảm bảo yêu cầu; Giải thích
vấn đề nghị luận; Bàn bạc về vấn đề được nêu ra (bằng cách trả lời các câu hỏi:
Vấn đề đó tại sao đúng, tại sao sai? Biểu hiện của vấn đề trong đời sống thực tế
như thế nào?), đồng thời lật lại hoặc bổ sung, mở rộng vấn đề
+ Phần kết đoạn: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học hoặc bộc lộc cảm xúc, quan điểm
cá nhân về vấn đề đang bàn luận.
Việc nắm chắc yêu cầu của một đoạn văn cả về hình thức và nội dung sẽ
giúp các em hình dung được những yêu cầu cần đạt được của đề bài. Từ đó, các
em sẽ biết cách định hướng tạo dựng đoạn văn vừa đảm bảo về cấu trúc vừa
hoàn chỉnh về nội dung.
2.3. Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội
2.3.1.Nắm vững các bước triển khai viết đoạn văn
a. Bước 1: Đọc kĩ đề và xác định vấn đề bàn luận
Theo như đề thi minh họa của Bộ thì phần nghị luận xã hội sẽ lấy một ý
nhỏ trong bài đọc hiểu để làm đề thi viết đoạn văn 200 chữ (cũng có khi là
không). Nếu đề NLXH tích hợp với phần đọc hiểu thì trước hết các em phải đọc
kỹ bài đọc hiểu, nắm được cốt lõi nội dung, từ đó xem đề nghị luận 200 từ họ
yêu cầu mình bàn về vấn đề gì? Nhất là phải xác định được vấn đề đó thuộc
về tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
=> Đọc kĩ đề giúp các em nắm vững vấn đề trọng tâm đề bài yêu cầu và định
hướng triển khai ý theo từng dạng đề.
Ví dụ : Đề thi có phần đọc hiểu như sau:
8


Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trang Tử nói: “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi

trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được
sống trong lồng”. Chúng ta có giống được những con gà rừng không ? Nếu
chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau
những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do?
Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc,
kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta sẽ quá quen với việc
được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự
mình vạch ra. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có
người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí
không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không
thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và
biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim
trong rất nhiều lớp lồng.
[…] Robert Fulghum từng trở thành tác giả best seller với một cuốn sách có
tựa đề thú vị “Tất cả những gì cần phải biết tôi đều được học ở nhà trẻ”. Đó là
những nguyên tắc sống: chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc
vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày
ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy
nghĩ một ít, vẽ và hát và nhảy múa và chơi và làm việc một ít mỗi ngày, ngủ
trưa, có ý thức về những điều kỳ diệu, cây cối và các con vật đều chết – và
chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học: quan sát.
Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta
được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như
khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá
trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do.
Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình.
(Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, Nxb Hội nhà văn, 2012, tr 135)
Từ ngữ liệu của phần đọc hiểu như trên, đề bài yêu cầu: Viết đoạn văn
(khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến“Cứ như vậy, chúng
ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào

không biết nữa.”
Với đề bài trên, các em cần đọc kĩ và tìm ra vấn đề bàn luận đó là: thực
trạng con người đang đánh mất bản năng sống độc lập, rơi vào cuộc sống thụ
động, lệ thuộc, không làm chủ cuộc đời mình. Như vậy, vấn đề bàn luận là một
tư tưởng đạo lí.
b. Bước 2:Tìm ý cho đoạn văn:

9


- Ở bước này, các em dựa vào nội dung bàn luận mà đề bài yêu cầu kết
hợp với việc vận dụng kĩ năng triển khai từng dạng đề theo sơ đồ cấu trúc để tìm
ra những ý cần viết trong đoạn văn.
- Ghi ra giấy nháp những ý chính của đoạn văn (theo hệ thống các thao tác
lập luận).
=> Việc tìm ý cho đoạn văn sẽ giúp ta hình dung được những ý chính cần viết,
tránh tình trạng viết lan man,dài dòng, không trọng tâm; tránh thiếu ý, sót ý.
Ví dụ với đề bài trên, các em có thể định ra các ý như sau:
*Giải thích ý kiến:
– Bản năng của gà rừng: bản năng sống độc lập; con chim trong lồng: cuộc sống
thụ động, không làm chủ cuộc đời mình.
– Câu nói nhận định thực trạng con người đang đánh mất bản năng sống độc lập,
rơi vào cuộc sống thụ động, lệ thuộc, không làm chủ cuộc đời mình.
*Bàn luận:
– Tại sao chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim
trong lồng lúc nào không biết nữa . Vì:
+ Nhiều bạn trẻ ngày nay thiếu khả năng tự lập
+ Quen được bố mẹ bao bọc, thiếu kĩ năng sống.
+ Không có ý thức về giá trị của bản thân trong việc chọn nghề, trong suy nghĩ
và hành động trước các vấn đề của cuộc sống…

+ Hành động theo tâm lí đám đông.
– Tuy nhiên, ngày nay cũng không ít bạn trẻ có khả năng tự lập cao, có kĩ năng
sống, có trách nhiệm với bản thân và các xã hội: các tấm gương vượt khó, các
tình nguyện viên, các tấm gương khởi nghiệp…
*Bài học và liên hệ bản thân:
– Nhận định trên hướng cho chúng ta có thái độ và hành động đúng đắn trong
cuộc sống: sống là không thụ động, phụ thuộc mà phải chủ động, tích cực.
– Luôn tin tưởng vào bản thân, tích cực, dám nghĩ, dám làm.
– Trang bị kiến thức, kĩ năng cho bản thân để có khả năng tự lập; ngay từ bây
giờ tránh lối sống thụ động, ỷ lại vào người khác.
c. Bước 3: Tiến hành viết đoạn văn hoàn chỉnh
10


* Viết câu mở đoạn:
– Câu mở đoạn có thể dùng 1-3 câu để mở đoạn (giống như phần mở bài vậy).
Phần này phải giới thiệu được vấn đề bàn luận(dẫn nguyên cả câu hoặc cụm từ
khóa) mà đề thi yêu cầu. Phải hiểu được đề thi bàn về vấn đề gì?
– Nên viết theo hướng: nêu nội dung khái quát rồi dẫn câu nói vào (hoặc không
dẫn nguyên câu thì trích vào cụm từ khóa
* Viết phần thân đoạn: Diễn đạt các ý vừa tìm được một cách mạch lạc, rõ
ràng, logic, chặt chẽ.
*Viết kết đoạn: Phần kết đoạn thường kết lại bằng một danh ngôn hay câu nói
nổi tiếng nói về vấn đề bàn luận để tạo sức nặng cho bài viết.
2.3.2.Rèn kĩ năng triển khai các dạng đoạn văn theo sơ đồ cấu trúc:
Dựa vào nội dung đề bài yêu cầu bàn luận, chúng ta có thể chia thành 2
kiểu dạng đề cơ bản: nghị luận về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện
tượng đời sống. Ở mỗi dạng đề tôi hướng dẫn các em làm theo sơ đồ cấu trúc.
Việc nắm chắc kĩ năng triển khai các dạng đoạn văn sẽ giúp các em định hướng
được trình tự triển khai các ý trong đoạn văn, tránh được tình trạng thiếu ý, sót

ý.
a. Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tư tưởng, đạo lí
Nghị luận về hiện tượng tư tưởng đạo lí là bàn bạc, đánh giá về một vấn đề thuộc tư
tưởng, đạo lí của con người như: lí tưởng, mục đích sống, đức tính, phẩm chất đạo
đức của con người, cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.
Với dạng đề trên, các em cần triển khai đoạn văn theo sơ đồ:
Mở đoạn

Thân đoạn
Kết đoạn

Nhiệm vụ
Yêu cầu
Nêu tư tưởng, đạo lí Giới thiệu trực tiếp vào vấn đề (2-4 dòng)
mà đề bài yêu cầu
- Giải thích ngắn gọn tư tưởng, đạo lí (3
dòng)
-Bàn luận vấn đề: nêu biểu hiện cụ thể của
tư tưởng, đạo lí; lí giải vì sao, tạo sao, để
Làm sáng tỏ vấn đề
làm gì, làm như thế nào..(8-10 dòng)
- Mở rộng: Phản đối cách hiểu khác,
những biểu hiện trái ngược(2-3 dòng)
Bài học
-Nhận thức: Đưa ra nhận thức đúng đắn
về vấn đề
11


- Hành động thiết thực cho bản thân(2-4

dòng)
Ví dụ: Cho văn bản ở phần đọc hiểu: “Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có
thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất
hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều.
Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã
cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào
phải chết vì thiếu lửa.
Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa
và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ
là con giun, con rắn. Không có lửa làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì
có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng!
Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ cha, việc nhà, việc nước, làm gì với đôi
vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh ?
Em... sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ.... Cho
nên: Biết ủ lửa để giữ nhân cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa
xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?”
(Trích Thắp mình để sang xuân, Nhà văn Đoàn Lê Công Huy,)
Câu hỏi yêu cầu: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy
nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở đoạn trích trong phần Đọc – hiểu: “Nếu
không có lửa làm sao thành mùa xuân?”
Với đề bài trên, dựa vào sơ đồ cấu trúc các em có thể triển khai hệ thống ý
như sau:
Mở
đoạn

Thân

Nhiệm vụ
Yêu cầu
Nêu tư tưởng,

Giới thiệu vấn đề “Nếu không có lửa làm sao
đạo lí mà đề thành mùa xuân?”
bài yêu cầu
-Mùa xuân- mùa khởi đầu của một năm, mùa để vạn
vật hồi sinh, trỗi dậy. Yếu tố làm nên mùa xuân của
đất trời là sức sống; còn mùa xuân của cuộc đời, của
con người là lửa.
- Lửa là nhiệt huyết, khát vọng, đam mê; là ý chí,
nghị lực, niềm tin; là tình yêu thương của con người
với con người…
- Vì sao không có lửa không thành mùa xuân?
+Lửa đem đến cho con người mạnh mẽ, tự tin, dám
nghĩ, dám làm, dám theo đuổi ước mơ, hoài bão. Lửa
thôi thúc ta vươn tới những tầm cao mới, lửa làm nảy
nở những búp chồi hạnh phúc …
Làm sáng tỏ + Có lửa con người mới sống hết mình trong cháy
12


đoạn

vấn đề

khát, đam mê. Có lửa để con người sống ngườiI hơn,
nhân văn hơn.
- Làm sao để có lửa?
+ Yêu đời, yêu cuộc sống, đam mê với từng công
việc dù là nhỏ.
+ Sống có mục đích, lí tưởng, khát vọng.
+ Nêu cao, tinh thần, trách nhiệm.

- Mở rộng:
+ Nếu lửa chỉ cháy trong một cá nhân chẳng khác
nào một ngọn nến le lói trong bóng đêm. Ngọn lửa
phải lan tỏa, chúng ta cùng cháy mới có thể thắp lên
“mùa xuân”.
+ Phê phán những kẻ sống với tâm hồn nguội lạnh.
Kết
Bài học
Biết thắp lửa và giữ lửa trong tâm hồn, trí tuệ ở mọi
đoạn
lúc, mọi nơi, mọi việc
b. Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đời sống
Nghị luận về hiện tượng đời sống là bàn bạc, đánh giá về một hiện tượng mang tính
phổ biến được dư luận quan tâm trong đời sống xã hội như : thực phẩm bẩn, văn hóa
lễ hội, tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, những tiêu cực trong thi
cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận
động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt việc tốt…
Với dạng đề trên, các em cần triển khai đoạn văn theo sơ đồ:
Nhiệm vụ
Yêu cầu
Mở
Nêu
hiện Giới thiệu trực tiếp hiện tượng đời sống mà đề yêu
đoạn
tượng đời sống cầu bàn luận (2-4 dòng)
đặt ra trong đề
bài
- Giải thích ngắn gọn hiện tượng (3 dòng)
-Bàn luận vấn đề: nêu thực trạng, biểu hiện, phân
Thân

Làm sáng tỏ tích tác hại/tác dụng, tìm nguyên nhân, giải pháp..
đoạn
hiện tượng
(8-10 dòng)
- Mở rộng: đưa ra hiện tượng trái ngược(2-3 dòng)
Kết
Bài học
-Nhận thức: Khẳng định lại lần nữa quan điểm của
đoạn
bản thân về hiện tượng.
- Rút ra hành động thiết thực cho bản thân
(2-4 dòng)
Ví dụ: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về văn hóa ứng xử trong
lễ hội ở nước ta hiện nay.
Với đề bài trên, dựa vào sơ đồ cấu trúc các em có thể triển khai hệ
thống ý như sau:
13


Nhiệm vụ
Yêu cầu
Mở
Nêu hiện tượng Giới thiệu về văn hóa ứng xử trong lễ hội
đoạn
đời sống đặt ra
trong đề bài
- Văn hóa ứng xử lễ hội là thái độ, hành động, lời
nói khi tham gia lễ hội
-Thực trạng:
+Thương mại hóa: Dịch vụ khấn thuê lễ mướn,

đổi tiền lẻ, chặt chém giá cả, bói toán kiếm tiền..
+ Các biểu hiện tiêu cực khác: cướp lộc, nói tục,
chửi bậy, chen lấn xô đẩy, xả rác bừa bãi…
-Tác hại:
Thân
Làm sáng tỏ hiện + Với bản thân người thiếu văn hóa: bị mọi người
đoạn
tượng
coi thường, khinh bỉ; hình thành thói quen xấu
+ Với xã hội: mất đi sự linh thiêng, tôn nghiêm,
nét đẹp của lễ hội, mất trật tự an ninh…
- Nguyên nhân:
+ Thói ích kỉ, a dua, tâm lí đám đông…
+ Thiếu sự quản lí chặt chẽ..
- Giải pháp: nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội,
thắt chặt quản lí, hạn chế mở những dịch vụ
không cần thiết, xử phạt nghiêm minh những
hành vi thiếu văn hóa…
- Mở rộng: Tuyên truyền nêu gương những
người có ý thức cao, văn hóa trong tham gia lễ
hội.
Kết
Bài học
- Ứng xử có văn hóa khi tham gia lễ hội.
đoạn
- Tuyên truyền mọi người cùng nâng cao ý thức
khi tham gia lễ hội.
2.3. Một số lưu ý
- Tuyệt đối không nhầm lẫn đoạn văn với bài văn.
- Phân bố thời gian hợp lí: không quá 25 phút cho đoạn văn.

- Chú ý dung lượng chỉ 2/3 trang giấy thi (khoảng 20-25 dòng)
- Khi đưa dẫn chứng vào, không kể lan man mà nên thuật lại một cách ngắn gọn,
nhấn mạnh vào khía cạnh ứng dụng của dẫn chứng đối với vấn đề đang chứng
minh. Đưa dẫn chứng phải kèm theo thái độ, quan điểm đánh giá rõ ràng.

14


- Khi liên hệ thực tế để rút ra bài học: cần bày tỏ thái độ chân thành, nghiêm túc,
tránh cách nói sáo mòn, gượng ép, giả tạo, “công thức”.
- Nếu vấn đề bàn luận được lấy từ ngữ liệu đọc hiểu thì nội dung kiến thức phần
đọc hiểu là gợi dẫn quan trọng. Cần linh hoạt vận dụng lí lẽ, dẫn chứng của
phần đọc hiểu.
- Nên viết câu ngắn, mỗi câu một ý, rõ ràng, mạch lạc.
- Nên chọn kiểu cấu trúc đoạn văn tổng-phân-hợp. Nếu học sinh trung bình nên
chọn kiểu đoạn văn diễn dịch.
- Với câu hỏi yêu cầu bày tỏ suy nghĩ của bản thân về một vấn đề nào đó, các
em có thể triển khai theo 3 hướng:
+ Có thể đồng tình với ý kiến bàn luận thì triển khai ý theo chiều thuận của
vấn đề.
+ Có thể không đồng tình với ý kiến thì triển khai ý theo chiều nghịch của vấn
đề.
Tuy nhiên, với dạng câu hỏi này cách thuyết phục nhất là nên bộc lộ cái nhìn đa
diện, nhiều chiều, sâu sắc về vấn đề bàn luận.
Ví dụ: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về
ý kiến“Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con
chim trong lồng lúc nào không biết nữa.”
Với đề bài trên các em có thể triển khái bài viết theo 1 trong 3 hướng sau:
+ Đồng tình với ý kiến: Ý kiến là đúng vì đã phản ánh được thực trạng con
người đang đánh mất bản năng sống độc lập, rơi vào cuộc sống thụ động, lệ

thuộc, không làm chủ cuộc đời mình đã và đang diễn ra khá phổ biến trong xã
hội.
+ Không đồng tình với ý kiến: vì thực tế cũng có nhiều người nhất là các bạn trẻ
có khả năng tự lập cao, có kĩ năng sống, có trách nhiệm với bản thân và các xã
hội: các tấm gương vượt khó, các tình nguyện viên, các tấm gương khởi
nghiệp…
+ Kết hợp cả 2 ý trên để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, sâu sắc.
- Cuối cùng, một điều không thể quên đó là : Văn ôn võ luyện, vì vậy nên kiên
trì tập luyện, viết nhiều để thành thục kĩ năng.
3. Hiệu quả của sáng kiến
Sau một năm học rèn luyện cho học sinh, tôi nhận thấy các em có sự tiến bộ rõ
rệt:
15


- Đa số học sinh không vi phạm về mặt hình thức: Đảm bảo về dung lượng, cấu
trúc của đoạn văn.
- Diễn đạt mạch lạc, lưu loát, trong sáng.
- Bài viết tương đối đầy đủ ý, xoáy đúng trọng tâm yêu cầu.
- Đặc biệt các em đã tự tin hơn khi bắt tay làm câu 2 điểm viết đoạn văn
nghị luận xã hội khoảng 200 chữ.
3.1. Một số đoạn văn tiêu biểu của học sinh:
Trong đề kiểm tra chất lượng môn Ngữ văn của trường cho học sinh khối
12 có câu hỏi: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về
ý kiến“Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con
chim trong lồng lúc nào không biết nữa.” Học sinh viết như sau:
- Đoạn văn 1:
Cuộc sống ngày càng phát triển, suy nghĩ của con người liệu có trở nên
thụ động, “lười” đi. Để rồi “Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà
rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa”. “Bản năng gà

rừng” là khả năng tồn tại độc lập, khả năng sinh tồn tự do. Trong khi đó, “con
chim trong lồng” lại là hình ảnh về cuộc sống bó buộc, mất tự do, sống phụ
thuộc, không làm chủ cuộc đời mình. Câu nói nhận định về thực trạng con người
đang dần đánh mất bản năng sống độc lập, rơi vào cuộc sống thụ động, lệ thuộc,
không làm chủ được cuộc đời của chính mình. Ý kiến thật đúng đắn để rồi giúp
ta hiểu sâu sắc: Khi mất đi bản năng độc lập, chủ động thì con người mất đi cuộc
sống thực sự của mình. Cuộc sống mang tới cho chúng ta thật nhiều tiện ích. Do
vậy, con người thường có thái độ sống ỉ lại, lệ thuộc, bị động. Sống như vậy đâu
còn là cuộc sống. Sống mà chờ đợi được “cho ăn”, được “phục vụ” sung sướng
chỉ làm con người mất đi những tiềm năng sẵn có; làm mai một tư duy, trí tuệ…
Thay vào đó, tại sao không nỗ lực, chủ động, sống bằng bản năng sẵn có, vượt
lên khó khăn, tìm tới cuộc đời đích thực. Chỉ khi sống chủ động, sống theo
nguyên tắc chính bản thân mình đặt ra mới không phải sống hoài, sống phí kiếp
“con chim trong lồng”. Trong xã hội, không ít người có cách sống chủ động, tích
cực, tự do. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít kẻ sống thụ động kiểu “tầm gửi”.
Đó là lối sống đáng chê trách, phê phán. Vậy nên, bạn ơi! Hãy sống chủ động,
tích cực bạn nhé!
(Bài viết của em Bùi Thị Minh Hiếu, lớp 12A6)
- Đoạn văn 2:
“Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới
uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong
lồng”(Trang Tử). Ấy thế, mà có những “con gà” vẫn ham cuộc sống thảnh thơi,
có sẵn. Để rồi “Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến
thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa”(Phạm Lữ Ân). Câu nói đã để
16


lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. “Bản năng của gà rừng” là bản năng độc lập, là
ý thức tự chủ cuộc đời mình. Còn “con chim trong lồng” lại là hình ảnh ẩn dụ
cho lối sống dựa dẫm, ngu ngốc, ngu muội chạy theo những giá trị vật chất mà

từ bỏ sự tự do của bản thân. Con người ta từ khi sinh ra đã được thiên phú cho
“bản năng gà rừng”. Song trong quá trình sống không biết rèn luyện, giữ gìn, lâu
dần họ đánh mất bản năng, trở thành “con chim trong lồng”. Trong cuộc sống,
không khó để ta bắt gặp những lối sống yếu hèn như vậy. Đó là những con
người đã quen sống dựa dẫm để rồi khi lỡ bước giữa đường đời thì ngơ ngác như
một đứa trẻ không biết làm gì cho đúng. Đó là những kẻ quen với việc sắp đặt
sẵn để rồi không thể tự mình đưa ra một quyết định dù là nhỏ nhất… Những kẻ
như vậy sớm muộn sẽ đánh mất sự tự do của bản thân, chịu kiếp “trong lồng” tù
túng đến hết cuộc đời. Thế nhưng, không phải ai cũng vậy, không phải gia đình
nào cũng thế. Không ít người dù khó khăn vẫn đương đầu để thực hiện ước mơ
của mình. Họ sống độc lập, kiên trì đấu tranh cho sự tự do của mình. Hay cũng
rất nhiều gia đình hướng con đến cuộc sống tự lập để hiểu được giá trị của cuộc
sống. Như vậy, câu nói của Phạm Lữ Ân đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc:
Hãy cố gắng học tập, lao động để tạo cho mình một cuộc sống độc lập để bản
thân được tự do, tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa như con gà rừng kia.
(Bài viết của học sinh Nguyễn Thị Thanh- lớp 12A6)
3.2. Điểm đạt được của lớp 12A6 qua các kì thi:
- Thi học kì 1:
ĐIỂ
2,0 1,75 1,5 1,25
1,0
0,75
0,5
0,25 0
M
SS:40 0
0
0
10=25
18=45

6=15
6=15
0
0
%
%
%
%
- Thi học kì 2:
ĐIỂ
2,0 1,75
M
SS:40 0
0

1,5

1,25

3=7,5
20=50
%
%
- Thi khảo sát theo đề của Sở:
ĐIỂM 2,0

1,75

1,5


SS:40

1=2,5% 1=2,5 11=25
%
%
- Thi kiểm tra của trường:
ĐIỂ
M
SS:40

1,0

0,75

0,5

0,25

0

10=25
%

4=10
%

3=7,5
%

0


0

1,25

1,0

18=45 7=17,5
%
%

2,0

1,75

1,5

1,25

1,0

2=5
%

2=5
%

17=42,5
%


16=40
%

3=12,5
%

0,75
1=2,5
%

0,5

0,2
5
1=2,5% 0

0,75 0,5 0,2
5
0
0
0

0
0
17


III. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
Trên đây là một số giải pháp, tôi đã áp dụng để rèn luyện cho học sinh kĩ

năng viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ. Những biện pháp được rút
ra trên đây chưa phải là tất cả và càng không phải là duy nhất, nhưng hiệu quả
mang lại của nó ở trường tôi là điều không thể phủ nhận. Chắc chắn còn có
những thiếu sót, rất mong bạn bè đồng nghiệp góp ý để sáng kiến được hoàn
thiện hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn.
2. Kiến nghị:
- Chú trọng đến việc thay đổi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới:
Bổ sung thêm các tiết học rèn luyện viết đoạn văn nghị luận xã hội ngay từ lớp
10.
- Cần có thêm nhiều tài liệu chuyên sâu về rèn luyện kĩ năng viết đoạn
văn nghị luận xã hội 200 chữ để cho giáo viên và học sinh tham khảo.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG
ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 9 tháng 6 năm 2017.
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép nội dung của người
khác.

Hoàng Thị Hà

18


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Ngọc Thống, Bộ đề luyện thi THPTQG năm 2017 môn Ngữ văn, NXB
Giáo dục Việt Nam.
2.Lê Thường, Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn trong văn nghị luận, Nxb Giáo
dục.
3. Bài làm Văn của em Nguyễn Thị Thanh, Bùi Thị Minh Hiếu, lớp 12A6,

trường THPT Hậu Lộc 1.
4. Kết quả bài thi của học sinh lớp 12A6 trường THPT Hậu Lộc 1,môn Ngữ văn
ở các kì thi: Kiểm tra học kì 1, kiểm tra học kì 2, thi khảo sát chất lượng lớp 12
theo đề của Sở Giáo dục, thi kiểm tra của trường.

19


DANH SÁCH SÁNG KIẾN ĐƯỢC XẾP LOẠI

ST
T
1

Tên sáng kiến
Để góp phần nâng cao hiệu quả
dạy học phân môn làm văn trong
chương trình THPT

Xếp loại

Năm xếp loại

C

2012-2013
Quyết định số
743/QĐ-SGD&ĐT
ngày 04/11/2013


20



×