Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

B-learning và quá trình đánh giá trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (105.12 KB, 8 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8D, pp. 130-137
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0264

B-LEARNING VÀ QUÁ TRÌNH ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI HỌC
Nguyễn Thế Dũng
Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Tóm tắt. Bài báo này sẽ đề cập đến việc sử dụng đánh giá như là một quá trình học tập
trong dạy học với mô hình B-learning nhằm phát triển năng lực của người học. Các công
cụ đánh giá trong dạy học B-learning, quá trình kết hợp giữa kiểm tra đánh giá và phương
pháp dạy học, mô hình tổ chức dạy học như thế nào nhằm làm cho quá trình đánh giá không
chỉ là đánh giá kết quả học tập mà còn là đánh giá cho học tập và đánh giá như là một quá
trình học tập, cùng với các kết quả ban đầu cũng được đưa ra.
Từ khóa: Đánh giá trong dạy học; B-learning; Công cụ và kĩ thuật đánh giá; Đánh giá xác
thực; Mô hình tổ chức dạy học; Dạy học định hướng hành động; Năng lực của người học.

1.

Mở đầu

Chương trình giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy
học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng
tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các
tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp. Theo đó, việc dạy học không chỉ dừng lại ở việc “tạo
ra kiến thức”, “truyền đạt, chuyển giao kiến thức” mà còn làm cho người học học cách đáp ứng
hiệu quả các yêu cầu cơ bản liên quan đến môn học và có khả năng vượt ra ngoài phạm vi môn
học, nhằm chủ động thích ứng cuộc sống trong tương lai. Do đó cần phải có những thay đổi trong
phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Quá trình đổi mới phương pháp dạy học cần gắn liền


với đổi mới về đánh giá quá trình dạy học cũng như đổi mới việc kiểm tra và đánh giá thành tích
học tập của người học. Theo quan điểm phát triển năng lực việc đánh giá kết quả học tập không
lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh giá, mà cần chú
trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.
Đã có nhiều kết quả nghiên cứu về đánh giá học tập theo năng lực (Nguyễn Công Khanh,
2014), (Phạm Hữu Tòng, 2012),. . . tuy vậy còn có nhiều vấn đề cần đặt ra như: Định hướng đổi
mới quá trình đánh giá kết quả học tập theo các công đoạn chủ yếu của tiến trình đánh giá kết quả
học tập môn học, cũng như các định hướng đổi mới về việc xây dựng câu hỏi, bài tập đánh giá
năng lực của người học sẽ như thế nào, có các đặc điểm gì? Dạy học với B-learning sẽ hỗ trợ các
công cụ đánh giá như thế nào trên môi trường trực tuyến và qua đó phát triển được năng lực gì của
người học? Đánh giá để xác nhận năng lực của người học đòi hỏi mất nhiều thời gian công sức,
Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 01/10/2015
Liên hệ: Nguyễn Thế Dũng, e-mail:

130


B-learning và quá trình đánh giá trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học

vậy cần kết hợp với phương pháp dạy học và mô hình tổ chức dạy học như thế nào để quá trình
đánh giá có hiệu quả hơn?

2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Đổi mới quá trình đánh giá kết quả học tập theo năng lực

Cũng đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến định hướng đổi mới kiểm tra đánh giá định
hướng năng lực. Trong phần này, chúng ta sẽ đề xuất một số định hướng đổi mới về việc xây dựng

câu hỏi, bài tập đánh giá năng lực của người học, cũng như các định hướng đổi mới quá trình đánh
giá kết quả học tập theo các công đoạn chủ yếu của tiến trình đánh giá kết quả học tập môn học.
Đánh giá theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ giới hạn vào khả năng tái hiện tri
thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp, do đó
việc thay đổi quan niệm và cách xây dựng các nhiệm vụ học tập, câu hỏi và bài tập có một vai trò
quan trọng.
Với tiếp cận năng lực, quan điểm về xây dựng nhiệm vụ học tập có một số đặc điểm như:
Nhiệm vụ trọng tâm không phải là các thành phần tri thức hay kĩ năng riêng lẻ mà là sự vận dụng
có phối hợp các tri thức, kĩ năng khác nhau, trên cơ sở một vấn đề mới đối với người học. Tiếp
cận năng lực không định hướng theo nội dung học trừu tượng mà luôn theo các tình huống sát với
thực tiễn của người học. Nội dung học tập mang tính bối cảnh, tính tình huống và tính thực tiễn.
Chương trình dạy học lúc này sẽ được xây dựng trên cơ sở chuẩn năng lực của môn học. Hệthống
bài tập chính là công cụ để người học luyện tập nhằm hình thành năng lực và là công cụ để giáo
viên đánh giá năng lực và biết được mức độ đạt chuẩn của người học trong quá trình dạy học.
Trong các bài tập, chú trọng sự vận dụng các hiểu biết riêng lẻ khác nhau để giải quyết một vấn đề
mới đối với người học gắn với tình huống cuộc sống, không kiểm tra kiến thức riêng lẻ mà kiểm
tra các năng lực vận dụng.
Sự đa dạng của bài tập, chất lượng bài tập, sự lồng ghép bài tập vào giờ học và sự liên kết
với nhau của các bài tập là các thành tố quan trọng trong việc đổi mới xây dựng bài tập. Những
đặc điểm của bài tập theo định hướng phát triển năng lực có thể kể ra như: Yêu cầu của bài tập
cần có tính định hướng theo kết quả; Hỗ trợ học tích lũy; Hỗ trợ cá nhân hóa việc học tập; Các
bài tập được xây dựng trên cơ sở chuẩn và lưu ý cần bao gồm cả những bài tập cho sự hợp tác và
giao tiếp của người học; Bài tập phải hướng đến tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học;
Có những con đường và giải pháp để giải quyết khác nhau; Có tính phân hóa nội tại. . . Bài tập
cần được phân chia theo các mức quá trình nhận thức là: Hồi tưởng thông tin; Xử lí thông tin; Tạo
thông tin. Tương ứng với các mức đó là các bậc trình độ nhận thức tương ứng: Tái hiện thông tin;
Hiểu và vận dụng thông tin; Xử lí và giải quyết vấn đề. Trong đó cần lưu ý đến các bài tập hướng
đến giải quyết vấn đề gắn với bối cảnh và tình huống thực tiễn.
Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập thông tin, phân tích và xử lí thông tin, giải
thích thực trạng của sự đạt được các mục tiêu giáo dục để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra những

quyết định sư phạm giúp người học ngày càng tiến bộ. Mục đích của đánh giá kết quả học tập là so
sánh năng lực của người học với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và năng lực
của môn học ở từng chủ đề của từng lớp học, để từ đó cải thiện kịp thời hoạt động dạy và hoạt động
học. Như vậy đánh giá học tập không chỉ là đánh giá kết quả học tập (Assessment of learning) mà
còn là đánh giá vì sự tiến bộ của người học (Assessment for learning). Ngoài ra đánh giá học tập
còn được xem như là một quá trình học tập (Assessment as learning), điều này sẽ được chúng tôi
làm rõ ở mục sau.
131


Nguyễn Thế Dũng

Quá trình đánh giá kết quả học tập môn học thường theo ba công đoạn cơ bản là thu thập
thông tin; phân tích và xử lí thông tin; xác nhận kết quả học tập và ra quyết định điều chỉnh hoạt
động dạy học. Với đánh giá theo năng lực, chúng ta cần lưu ý:
Với công đoạn thu thập thông tin, thông tin cần lựa chọn được những nội dung đánh giá
cơ bản và trọng tâm, trong đó chú ý nhiều hơn đến nội dung kĩ năng; xác định đúng mức độ yêu
cầu mỗi nội dung kiểm tra dựa trên chuẩn năng lực; thông tin được thu thập từ nhiều nguồn, nhiều
hình thức và bằng nhiều phương pháp và công cụ khác nhau; cần tổ chức thu thập được các thông
tin chính xác trung thực. Ngoài ra, cần nâng cao cho người học những kĩ thuật thông tin phản hồi
nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia đánh giá và cải tiến quá trình dạy học.
Với bước phân tích và xử lí thông tin, ngoài các thông tin mang tính định lượng, cần lưu ý
đến các thông tin mang tính định tính. Để đánh giá đúng với các thông tin mang tính định tính cần
xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng.
Trong quá trình xác nhận kết quả học tập và ra quyết định trong dạy học, cần lưu ý đánh
giá trong dạy học không chỉ xác nhận kết quả của người học mà còn phải phân tích giải thích sự
tiến bộ học tập của người học với các căn cứ như kết quả đánh giá quá trình, kết quả đánh giá tổng
kết, căn cứ vào thái độ học tập. . . Hơn nữa đánh giá nhằm giúp đưa ra các quyết định cải thiện kịp
thời hoạt động dạy và học của giáo viên và người học, cũng như góp phần vào các hoạt động quan
trọng khác của giáo dục: Đưa ra các quyết định quan trọng với người học như khen thưởng, xử

phạt. . . , góp ý và kiến nghị với cấp trên về chất lượng chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức
thực hiện kế hoạch giáo dục. . . Như vậy đánh giá kết quả học tập còn được xem như đánh giá vì
học tập (vì sự tiến bộ của người học).
Phần trên đã khái quát một số định hướng đổi mới về việc xây dựng câu hỏi, bài tập đánh
giá năng lực của người học, cũng như các định hướng đổi mới quá trình đánh giá kết quả học tập
theo các công đoạn chủ yếu của tiến trình đánh giá kết quả học tập môn học. Phần tiếp theo dưới
đây sẽ trả lời các câu hỏi nghiên cứu còn lại như đã nêu ở mục 1.

2.2.

Các công cụ đánh giá trên môi trường học trực tuyến và việc phát triển
năng lực của người học

Như sẽ thấy trong mục tiếp theo, với phương pháp dạy học tích hợp giữa dạy học dự án và
giải quyết vấn đề với mô hình tổ chức dạy học lớp học đảo ngược thì quá trình kiểm tra đánh giá
sẽ được diễn ra thường xuyên suốt khóa học. Trong môi trường dạy học truyền thống, để thực hiện
quá trình đánh giá thường xuyên này sẽ rất khó khăn, thiếu thốn các công cụ hỗ trợ. Với E-learning,
giáo viên sẽ có khá nhiều công cụ để hỗ trợ cho quá trình này. Dưới đây sẽ đề cập đến các công
cụ của hệ thống quản lí khóa học Moodle cung cấp, cùng với các phân tích về cách sử dụng chúng
trong kiểm tra đánh giá cho phù hợp và nâng cao năng lực của người học.
Với công cụ bài tập lớn (Assignment), giáo viên có thể dùng để giao các nhiệm vụ làm bài
tập thu hoạch, bài tập tiểu luận nhỏ. . . đến người học và sinh viên có thể thực hiện online hay
offline bằng cách gửi đính kèm tập tin.
Công cụ bảng thuật ngữ (Glossary) có thể được sử dụng trong việc xây dựng các bài kiểm
tra khái niệm cho người học. Giáo viên sẽ xây dựng một bảng gồm các từ khóa cho các khái niệm
và yêu cầu người học hoàn thành các chú giải.
Công cụ Choice, công cụ Questionnaire, công cụ Hot Potatoes, công cụ đề thi (Quiz). . .
giúp cho Giáo viên dễ dàng tạo các bài kiểm tra dạng trắc nghiệm, cũng như quản lí thang điểm,
quản lí mức độ tham gia, xây dựng tiêu chí, xây dựng thang điểm, cách phản hồi thông tin đến
người học. . . cho các bài kiểm tra.

132


B-learning và quá trình đánh giá trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học

Các công cụ Chat, Hội thoại (Dialogue), Diễn đàn (forrum). . . sẽ là các kênh tương tác hiệu
quả giữa các yếu tố trong dạy học kiến tạo – tương tác trên môi trường e-learning. Đặc biệt với
công cụ Hội thảo (Open Meeting) sẽ là nơi cho phép thực hiện quá trình đánh giá học tập qua hồ
sơ học tập, bộ sưu tập tài liệu học. Người học có thể đánh giá hồ sơ học tập của nhau. Giáo viên
thực hiện đánh giá cuối cùng, và có thể kiểm soát thời gian bắt đầu và kết thúc. Như vậy sẽ hiệu
quả rất nhiều và khắc phục khó khăn khi thực hiện bộ sưu tập tài liệu học có đánh giá của người
học mà trong (Trần Quang Ngọc Thúy, 2011) đã gặp phải.
Các công cụ nhật ký (Journal) cho phép người học phản ánh, ghi và xem lại các ý tưởng của
mình. Đây cũng là một công cụ hay cho việc tự đánh giá của người học.
Công cụ Điều tra (Survey) giúp đỡ chúng ta thực hiện nhanh các cuộc khảo sát về người
học.
Công cụ Bài học (Lesson) cho phép các giáo viên tạo và quản lí một tập các trang tài nguyên
học tập được kết nối theo một trình tự nhất định. Mỗi trang có thể kết thúc bởi các câu hỏi kiểm
tra. Người học cần trả lời các câu hỏi để có thể học tiếp các trang tiếp theo, học lại trang tài nguyên
học cũ, thậm chí lùi lại các trang trước. Đây là một công cụ hay cho việc xây dựng tiến độ học tập
cá nhân hóa, việc dạy học thích nghi hóa và chương trình hóa.
Công cụ trang Wiki cũng là một công cụ khá hữu dụng cho việc dạy học dự án, trong việc
thảo luận nhóm, bàn luận tiến trình thực hiện nhóm. . .
Ngoài ra còn có thể sử dụng thêm các công cụ của bản đồ tư duy để yêu cầu người học tiếp
tục phát triển các bản đồ tư duy cơ bản mà giáo viên đã đề xuất trước, nhằm giúp cho người học
hệ thống hóa kiến thức.
Có thể xem thêm các công cụ nói trên trong một khóa học của chúng tôi tại địa chỉ
/>Trong quá trình kiểm tra đánh giá thì việc đưa ra các tiêu chí đánh giá và cho phép người
học, đồng nghiệp. . . cùng tham gia xây dựng các tiêu chí đánh giá là một công việc hết sức có ý
nghĩa trong kiểm tra đánh giá và quá trình dạy học. Để thực hiện công việc này trong môi truyền

thống là không đơn giản và nhiều khi mất đi ý nghĩa của việc tham gia đóng góp xây dựng tiêu chí.
Nhưng trong dạy học trực tuyến thì công việc này có thể thực hiện khá thành công. Trong (Nguyễn
Thế Dũng, 2014) chúng tôi đã xây dựng một hệ hỗ trợ ra quyết định nhóm trong việc xây dựng
tiêu chí, hỗ trợ kiểm tra đánh giá như thế.

2.3.

Phương pháp và mô hình tổ chức dạy học trên B-learning nhằm phát huy
hiệu quả của đánh giá học tập hướng đến phát triển năng lực của người học

Như trong mục 2.2 đã phân tích, quá trình đánh giá dạy học theo định hướng năng lực không
chỉ giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải
quyết các nhiệm vụ phức hợp. Do đó, đánh giá để xác nhận năng lực của người học đòi hỏi mất
nhiều thời gian công sức, như vậy cần kết hợp với phương pháp dạy học và mô hình tổ chức dạy
học như thế nào để quá trình đánh giá có hiệu quả hơn? Trong (Nguyễn Thế Dũng, 2015), chúng
tôi đã đề cập đến mô hình tổ chức dạy học trong giờ học giáp mặt của dạy học B-learning, đó là mô
hình lớp học đảo ngược. Theo (Brame, 2013) (Barbaravà Anderson, 1998), (McDaniel và Caverly,
2010), đối với lớp học đảo ngược, người học sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc
tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như băng hình, trình chiếu
và khai thác các tài nguyên học tập trên mạng Internet. Bài giảng trở thành bài tập ở nhà mà người
học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động giải bài
133


Nguyễn Thế Dũng

tập, ứng dụng líhuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới
sự hướng dẫn của giáo viên; thay vì thuyết giảng, trong lớp học giáo viên đóng vai trò là người
điều tiết hỗ trợ, có thể giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới. Thời gian
lên lớp dành cho người học xử lí thông tin kiến thức với sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè. Đặc điểm

quan trọng của mô hình tổ chức lớp học này là sự tăng cường tiếp xúc và tương tác giữa giáo viên
và người học, giữa người học với nhau, là sự kết hợp giữa dạy trực tiếp và học thông qua xây dựng
kiến thức, tạo ra cơ hội cá nhân hoá quá trình giáodục, chứ không đơn thuần là một sự thay thế
người thầy bằng băng ghi hình.
Rõ ràng với mô hình tổ chức lớp học cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chúng ta
đã có thời gian nhiều hơn cho việc kiểm tra đánh giá và quá trình đánh giá được xem như là một
quá trình học tập. Hơn nữa có thể xem lớp học đảo ngược là một mô hình dạy học dựa trên quan
điểm dạy học chủ động khám phá, tiếp cận kiến thức thông qua quá trình tương tác. Mô hình này
cũng giúp tạo ra môi trường khuyến khích cá nhân hóa trong học tập, vì người học có cơ hội học
tập theo nhịp độ của riêng mình và trở nên có trách nhiệm với việc xây dựng kiến thức, thay vì chờ
sự truyền đạt kiến thức của thầy cô. Nếu nhìn từ góc độ nhận thức, thì với mô hình lớp học này,
người học có thể tự lĩnh hội các kiến thức ở mức độ nhận thức ở mức thấp như biết, hiểu trong
thang đo mức độ nhận thức của Bloom. Với các kiến thức cần đạt được ở mức độ nhận thức cao
hơn như vận dụng, tổng hợp đánh giá. . . người học sẽ được tiếp thu ở giờ học giáp mặt ở lớp và
qua các bài tập đánh giá sau đó. Như vậy quá trình đánh giá đã trở nên đánh giá vì sự tiến bộ của
người học. Các kết quả đánh giá hiệu quả của mô hình trong các điều kiện dạy và học khác nhau
có thể xem thêm trong (Brame, 2013), (Barbara và Anderson, 1998), (McDaniel và Caverly, 2010)
và của (Nguyễn Thế Dũng, 2015).
Một vấn đề rất tự nhiên được đặt ra đó là phương pháp dạy học nào sẽ được sử dụng trong
dạy học với mô hình lớp học đảo ngược trong môi trường B-learning nhằm nâng cao hiệu quả
của quá trình đánh giá dạy học. Theo các kết quả của (Phạm Hồng Thắm, 2013) (Đinh Hữu Sỹ,
2014). . . cho thấy quá trình dạy học định hướng hành động mà dạy học dự án là một hình thức
dạy học tiêu biểu là một trong những phương pháp dạy học giúp nâng cao năng lực hành động của
người học. Bên cạnh đó, theo các kết quả ban đầu của chúng tôi, nếu được tích hợp với quan điểm
dạy học giải quyết vấn đề một cách phù hợp sẽ giúp họ nâng cao năng lực vận dụng kiến thức để
giải quyết vấn đề thực tiễn.
Dưới đây là tiến trình thực hiện dạy học dự án theo mô hình lớp học đảo ngược (Nguyễn
Thế Dũng, 2015).
Bước 1. Sắp xếp lại kế hoạch học tập của môn học và tài nguyên học tập theo mức độ nhận
thức của người học.

Bước 2. Thiết kế dạy học cho các hoạt động tự học ở nhà của người học nhằm chuẩn bị cho
buổi học ở trên lớp.
+ Tìm kiếm và xây dựng các bài giảng được thu video. Xây dựng các tài nguyên học tập,
các hoạt động học tập trên khóa học trực tuyến. Các tài nguyên học tập cũng như các hoạt động
học này được cung cấp cho người học, để họ có thể tự nghiên cứu các kiến thức lí thuyết ở mức cơ
bản.
+ Xây dựng dự án cho các nhóm.
+ Hướng dẫn hoạt động học tập ở nhà.
Bước 3. Thiết kế dạy học cho giờ học ở trên lớp.
Trong giờ học ở trên lớp, chúng tôi thực hiện quá trình tổ chức dạy học với phương pháp
134


B-learning và quá trình đánh giá trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học

dạy học tích hợp giữa dạy học định hướng hoạt động, kết hợp với quan điểm dạy học giải quyết
vấn đề nhằm nâng cao năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn của người học với
tiến trình gồm các bước nhỏ như sau:
Bước 3.1: Nêu và làm sáng tỏ vấn đề
Với mô hình lớp học đảo ngược, thường thì trong mỗi buổi lên lớp, chúng tôi đưa ra vấn đề
cần giải quyết ở cuối tiết học nhằm định hướng cho người học tự nghiên cứu và giải quyết qua case
study của họ. Các vấn đề đặt ra chính là các câu hỏi trong bộ câu hỏi định hướng cho việc thực
hiện dự án.
Việc tổ chức người học làm việc theo nhóm thông thường được tổ chức ở trên lớp để người
học nhận diện vấn đề, đề xuất ý tưởng và giả thuyết. Nhưng với mô hình lớp học đảo ngược trong
môi trường B-learning, chúng tôi tiến hành cho người học thực hiện làm việc nhóm ở nhà qua môi
trường trực tuyến.
Bước 3.2: Đề xuất ý tưởng, giả thuyết
Trên cơ sở kiến thức đã và chưa biết, người học đưa ra ý tưởng, những giả thuyết để giải
quyết vấn đề. Ở đây có thể là các câu hỏi mà người học sẽ được giáo viên gợi ý định hướng tìm

hiểu.
Bước 3.3: Xác định kiến thức liên quan
Giáo viên hướng dẫn người học tự nghiên cứu các vấn đề lí thuyết có liên quan để giải quyết
vấn đề đã đặt ra.
Bước 3.4: Định hướng nguồn thông tin
Người học có thể tham khảo thông tin từ các bài giảng được ghi hình, thông tin trên Internet
và các tư liệu từ các địa chỉ liên kết mà giáo viên gợi ý như đã nói ở trên.
Bước 3.5: Tự nghiên cứu
Các nhóm tự nghiên cứu qua các bài giảng được ghi hình hay các tài nguyên và các hoạt
động học trên khóa học trực tuyến, sau đó tự thể hiện lại trong dự án của nhóm.
Bước 3.6: Hệ thống hóa kiến thức
Các nhóm sẽ báo cáo kết quả thực hiện case study mà nhóm đã đề xuất. Việc báo cáo này
không đơn thuần là để kiểm tra đánh giá kết quả của người học, mà qua đây người học thể hiện
các kiến thức đã nắm được về các chủ đề của môn học mà giáo viên đã đưa ra trong giờ học tuần
trước.
Giáo viên định hướng tương tác giữa các nhóm và kiến thức thông qua việc tổ chức cho các
nhóm khác chất vấn với nhóm đang báo cáo về các kiến thức cần đạt được trong tuần này, cụ thể
được thể hiện qua sản phẩm mà họ đang báo cáo.
Giáo viên nhận xét, đánh giá, khắc phục những sai sót của người học và thể chế hóa kiến
thức.
Bước 3.7: Kiểm định giả thuyết hay thực hiện các vấn đề thực tiễn thông qua các sản phẩm
cụ thể là từng chức năng của chương trình đã được người học thực hiện.
Giáo viên đánh giá mức độ hoàn thành và những gì đạt hay chưa đạt của các nhóm. Bên
cạnh đó là giao các nhiệm vụ học tập tiếp theo và các yêu cầu mở rộng vấn đề, nghiên cứu sâu một
số nội dung.
Bước 3.8: Báo cáo kết quả.
Theo từng tuần trong giờ học trên lớp, các nhóm sẽ được chọn để báo cáo kết quả thực hiện
135



Nguyễn Thế Dũng

từng giai đoạn của dự án của nhóm mình. Khi kết thúc dự án, người học báo cáo kết quả thực
hiện chương trình để đánh giá cuối khóa học. Như vậy chúng ta đã áp dụng phương pháp đánh giá
xác thực (authentic assessment) kết hợp với đánh giá thường xuyên qua việc theo dõi sự tham gia
tương tác trên môi trường trực tuyến, qua sự tham gia báo cáo trên lớp, qua các hình thức đánh giá
khác. Theo chúng tôi, với quá trình đánh giá như vậy ngoài việc đánh giá kiến thức, kĩ năng thu
nhận qua môn học còn góp phần nâng cao năng lực cho người học như kĩ năng thuyết trình, bảo
vệ thành quả của mình, nâng cao vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Vòng lặp của 3 bước nêu trên sẽ được tiếp tục trong suốt khóa học.

3.

Kết luận

Như vậy mô hình tổ chức lớp học đảo ngược và phương pháp dạy học định hướng hành
động, tích hợp với phương pháp dạy học giải quyết vấn đề sẽ là các yếu tố cần kết hợp với quá trình
đánh giá dạy học theo định hướng năng lực của người học.
Các công cụ của hệ quản lí khóa học như chúng tôi đã phân tích ngoài việc nâng cao tính
tương tác trong dạy học, còn hỗ trợ rất lớn cho quá trình đánh giá như đánh giá thường xuyên, đánh
giá lẫn nhau giữa các người học, tự đánh giá của người học. . .
Nhờ các công cụ trên mà dạy học với B-learning sẽ biến quá trình đánh giá kết quả học tập
trở nên đánh giá như là quá trình học tập và đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Bên cạnh đó việc
đánh giá trên môi trường trực truyến với các công cụ nói trên sẽ giúp người học nâng cao nhiều
năng lực như năng lực công nghệ thông tin, năng lực cộng tác làm việc nhóm. . .
Qua bài báo chúng ta đã đưa ra các cơ sở về mặt lí luận và đưa ra các dẫn chứng về các kết
quả thực nghiệm triển khai ban đầu qua các tài liệu dẫn cho các vấn đề đã đặt ra ở mục 1 về các
vấn đề:1) Định hướng đổi mới quá trình đánh giá kết quả học tập theo định hướng năng lực của
người học; 2) Dạy học với B-learning hỗ trợ các công cụ đánh giá như thế nào trên môi trường trực
tuyến và qua đó phát triển được năng lực gì của người học; và 3) Đánh giá để xác nhận năng lực

của người học cần kết hợp với phương pháp dạy học và mô hình tổ chức dạy học như thế nào.
Một số câu hỏi cần nghiên cứu tiếp theo được đặt ra ở đây như: Một khóa học sẽ có cấu
trúc như thế nào? Vận dụng các hoạt động học của hệ thống quản lí khóa học như thế nào? Vận
dụng các hình thức kiểm tra đánh giá trên B-learning như thế nào? Có cơ chế nào cho việc kiểm
tra người học nhờ một người khác làm thay bài tập?. . . Nếu không trả lời được các câu hỏi trên,
khóa học của chúng ta sẽ trở thành một kho tư liệu có chọn lọc của giáo viên, nhưng rồi chúng
cũng sẽ lạc hậu theo thời gian và theo sự tăng trưởng kho tri thức nhanh chóng trên mạng internet.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Barbara. W E. and Anderson, V.J., 1998. Effective Grading: A Tool for Learning and
Assessment. San Francisco: Jossey-Bass.
[2] Brame, C., 2013. Flipping the Classroom. Center for Teaching. Retrieved 10/9/2015 from
/>[3] Phạm Hồng Bắc, 2013. Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong dạy học phần hoá phi
kim - chương trình hoá học trung học phổ thông. Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục, Trường
Đại học Sư phạm Hà Nội.
[4] Nguyễn Thế Dũng, 2014. Group Decision Support System for Assessment in E-learning.
Proceedings of the 7th International Conference on Educational Reform (ICER 2014), Hue,
Vietnam, 2014, pp.516-520.
136


B-learning và quá trình đánh giá trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học

[5] Nguyễn Thế Dũng, Ngô Tứ Thành, 2015. Lớp học đảo ngược – một mô hình tổ chức dạy học
trong B-learning. Báo cáo tại Hội nghị Quốc tế Pháp-Việt lần thứ 5 về Didactic Toán, DIMAVI
2015, Huế, 17 – 19/04/2015.
[6] Nguyễn Công Khanh, 2014. Đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo cách tiếp cận năng lực.
Tài liệu tập huấn “Đổi mới kiểm tra đánh giá”, Cục Nhà giáo – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt
Nam.
[7] McDaneil, S., and D.Caverly, 2010. The community of inquiry model for an inverted
developmental Math classroom. Journal of Developmental Education 34 Volume 2, 40-42.

[8] Đinh Hữu Sỹ, 2014. Dạy học theo dự án các mô đun nghề Công nghệ ô tô. Luận án Tiến sĩ
Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
[9] Trần Quang Ngọc Thúy, 2011. Sử dụng bộ sưu tập tài liệu học có tự nhận xét của người học
trong giảng dạy kĩ năng viết tiếng Anh. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, Số 68, tr 117-128,
2011.
[10] Phạm Hữu Tòng, 2012. Phát huy chức năng “Tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động
học”trong sự vận hành đồng bộ ba yếu tố “nội dung, mục tiêu, giải pháp dạy học” để nâng cao
chất lượng, hiệu quả dạy học. Bài giảng cho học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm Hà
Nội.
ABSTRACT
B-learning and assessing capacity development of the learner
This article refers to the use of assessment as a learning process in learning with the
b-learning model to develop the capacity of the learner. The process of assessing b-learning
combines assessment and teaching methods, organizational models for teaching, and how to make
the process of assessment not only an assessment of learning outcomes but also an assessment for
learning and the learning process. Initial results are given.
Keywords: Learning assessment, B-learning, assessment tools and techniques, authentic
assessment, teaching model, teaching oriented action, learners’ capacity.

137



×