Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả chỉnh loạn thị sau ghép giác mạc xuyên bằng phương pháp cắt mũi chỉ rời chọn lọc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (161.15 KB, 8 trang )

T¹p chÝ y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ CHỈNH LOẠN THỊ
SAU GHÉP GIÁC MẠC XUYÊN BẰNG PHƯƠNG PHÁP
CẮT MŨI CHỈ RỜI CHỌN LỌC
TÓM TẮT

Lê Xuân Cung*; Dương Mai Nga*; Nguyễn Đình Ngân**

Mục tiêu: đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả chỉnh loạn thị sau ghép giác mạc
xuyên bằng phương pháp cắt chỉ rời chọn lọc. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu can
thiệp lâm sàng không có nhóm chứng trên 25 mắt sau ghép giác mạc xuyên từ 2 - 12 tháng,
có độ loạn thị giác mạc > 3D và chưa có can thiệp vào chỉ khâu. Kết quả: độ loạn thị giác mạc
giảm > 65%, với độ loạn thị giác mạc trước và sau can thiệp lần lượt 6,9 ± 2,7D và 2,4 ± 0,8D
(p = 0,0001). Độ giảm loạn thị sau can thiệp lần một của những mắt được cắt chỉ sớm sau phẫu
thuật 2 - 3 tháng và sau 3 tháng lần lượt là 1,9 ± 2,4D và 1,11 ± 1,7D (p = 0,49). So với nhóm
sử dụng khâu vắt kết hợp mũi rời, độ giảm loạn thị của nhóm khâu mũi rời thấp hơn ở lần can thiệp
thứ nhất, nhưng cao hơn ở các lần can thiệp sau. Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa
thống kê. Độ loạn thị sau can thiệp của những mắt có đường kính mảnh ghép 7,5 mm và 8,0 mm
lần lượt là 2,89 ± 1,16D và 2,29 ± 0,6D (p = 0,60). Kết luận: cắt chỉ rời chọn lọc là phương pháp hiệu
quả có thể tiến hành sớm từ sau phẫu thuật 2 tháng giúp chỉnh loạn thị sau ghép giác mạc xuyên.
* Từ khóa: Loạn thị giác mạc; Cắt chỉ rời chọn lọc; Ghép giác mạc xuyên.

The Effect of some Factors on the Results of Selective Suture
Removal after Penetrating Keratoplasty
Summary
Objectives: To evaluate the effect of some factors on the results of selective suture removal after
penetrating keratoplasty. Subjects and methods: Interventional clinical study without control group
on 25 eyes who had corneal astigmatism more than 3D and intact sutures after penetrating
keratoplasty 2 - 12 months. Results: Corneal astigmatisim was decreased by more than 65%, with
the corneal astigmatism before and after intervention was 1.9 ± 2.4D and 1.11 ± 1.7D (p = 0.49),


respectively. The reduction of corneal astigmatism after the first intervention was 1.9 ± 2.4D in eyes
had suture removal after surgery 2 - 3 months and 1.11 ± 1.7D in eyes had suture removal after
surgery 3 months (p = 0.49). In comparison to the result of eyes with combined sutures, the reduction
of corneal astigmatism of eyes with interrupted sutures was lower in the first intervention but it was
higher in the following interventions. However, the difference was not significant. Corneal astigmatism
of eyes who had 7.5 mm-diameter grafts and 8.0 mm-diameter grafts was 2.89 ± 1.16D and 2.29 ± 0.6D
(p = 0.60), respectively. Conclusion: Selective suture removal is an effective method which can be
done early after penetrating keratoplasty 2 months to reduce the post-keratoplasty corneal astigmatism.
* Keywords: Corneal astigmatism; Selective suture removal; Penetrating keratoplasty.
* Bệnh viện Mắt Trung ương
** Bệnh viện Quân y 103
Người phản hồi (Corresponding): Lê Xuân Cung ()
Ngày nhận bài: 28/05/2018; Ngày phản biện đánh giá bài báo: 14/08/2018
Ngày bài báo được đăng: 20/08/2018

97


T¹p chÝ Y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ghép giác mạc (GM) xuyên là phương
pháp thay thế toàn bộ các lớp của GM
bệnh lý bằng GM lành của người hiến.
Đây là phương pháp ghép GM phổ biến
nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam
với tỷ lệ sống của mảnh ghép thay đổi tùy
theo tình trạng bệnh lý trước phẫu thuật.
Bên cạnh thành công về mặt giải phẫu, thị
lực sau mổ cũng là yếu tố quan trọng để
đánh giá kết quả về mặt chức năng.

Trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng
đến thị lực sau ghép GM xuyên, loạn thị
GM là vấn đề hay gặp nhất. Theo kết quả
của một số nghiên cứu, 15 - 31% bệnh
nhân (BN) sau phẫu thuật ghép GM
xuyên có độ loạn thị > 5D [1, 2]. Loạn thị
sau ghép GM xuyên thường là loạn thị
không đều với quang sai bậc cao. Đây là
nguyên nhân chính khiến BN không hài
lòng với thị lực chỉnh kính mặc dù mảnh
ghép GM trong và không có tổn thương
thực thể khác tại mắt.
Rất nhiều yếu tố trong và sau phẫu
thuật có thể ảnh hưởng đến độ loạn thị
GM sau ghép, bao gồm yếu tố về mảnh
ghép và nền ghép như thao tác khoan tạo
nền ghép và lấy mảnh ghép, chênh lệch
đường kính mảnh ghép - nền ghép, quá
trình hàn gắn vết thương, kỹ thuật khâu
và chất liệu của chỉ khâu [3]. Khắc phục
tình trạng loạn thị sau ghép GM vẫn luôn
là thách thức lớn đối với các phẫu thuật
viên GM và khúc xạ. Biện pháp tác động
vào chỉ khâu thường được sử dụng đầu
tiên để chỉnh loạn thị GM sau ghép, hoặc
cắt mũi chỉ rời chọn lọc trên mắt có mũi
chỉ rời/mũi rời kết hợp khâu vắt, hoặc
điều chỉnh chỉ khâu vắt trên những mắt
có đường khâu vắt.
98


Nhiều tác giả đã sử dụng máy soi ảnh
GM (keratosope) cầm tay để đánh giá
loạn thị GM và tìm kinh tuyến dốc nhất,
dựa vào ảnh phản chiếu của nó lên mảnh
ghép qua sinh hiển vi để cắt chỉ GM.
Ngày nay, máy chụp bản đồ GM là công cụ
hiện đại để đánh giá loạn thị và xác định
kinh tuyến dốc nhất, giúp cho việc lựa
chọn vị trí cắt chỉ chính xác hơn. Hiệu quả
chỉnh loạn thị của phương pháp cắt chỉ
rời chọn lọc đã được một số tác giả báo
cáo [4, 5, 6]. Tuy nhiên, chưa có sự thống
nhất về thời điểm và phương pháp cắt chỉ
giữa các nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi
tiến hành nghiên cứu này nhằm: Đề xuất
chỉ định cắt chỉ rời chọn lọc để chỉnh loạn
thị sau ghép GM xuyên.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu.
BN đã được ghép GM xuyên từ 2 - 12
tháng và có thể chụp được bản đồ GM,
độ loạn thị GM > 3D, mảnh ghép GM
trong và chưa có tác động vào chỉ khâu
(bao gồm cắt chỉ hoặc chỉnh chỉ khâu vắt
trước đó).
BN có bệnh toàn thân nặng, bị các
bệnh mắt khác phối hợp (tăng nhãn áp,
viêm màng bồ đào, bệnh lý dịch kính

võng mạc...), không đến thăm khám theo
đúng quy trình nghiên cứu hoặc không
đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ bị loại ra
khỏi nghiên cứu này.
2. Phương pháp nghiên cứu.
Can thiệp lâm sàng không có nhóm chứng.
3. Quy trình nghiên cứu.
- Thu thập thông tin: tuổi, giới, ngày
phẫu thuật, chỉ định phẫu thuật, đường
kính mảnh ghép, đường kính nền ghép,


T¹p chÝ y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
kỹ thuật khâu (mũi rời hoặc mũi rời kết
hợp khâu vắt).
- Đo thị lực, nhãn áp, khám sinh hiển
vi, chụp bản đồ GM bằng máy Nidek OPD
Scan III để thu thập các thông số về tình
trạng khúc xạ GM (SIMK, SAI, SRI, công
suất khúc xạ GM trung bình, bán kính độ
cong GM trung bình, độ loạn thị GM).
- Tra tê bề mặt nhãn cầu bằng dung
dịch dicain 1%, tra dung dịch betadin 5%
và tiến hành cắt 1 hoặc 2 mũi chỉ rời chọn
lọc trên kinh tuyến có công suất khúc xạ
GM cao nhất dựa vào kết quả chụp bản
đồ GM. Sau cắt chỉ, BN được tra kháng
sinh, dexamethasone x 4 lần/ngày trong
1 tuần để đề phòng phản ứng thải ghép
GM sau cắt chỉ. Sau đó, BN sẽ được điều

chỉnh theo liều dùng corticosteroid sau
ghép GM.
- Hẹn khám lại sau 3 ngày để phát hiện
biến chứng sớm (nhiễm trùng, rò mép mổ,
phản ứng thải ghép, tăng nhãn áp...). Nếu
không có biến chứng sớm, BN được hẹn
khám lại sau 1 tháng. Sau cắt chỉ 1 tháng,
BN được khám lại trên sinh hiển vi và
chụp bản đồ GM để đánh giá hiệu quả
giảm loạn thị. Nếu độ loạn thị > 3.0D,
tiếp tục cắt chỉ theo quy trình trên.
* Tiêu chuẩn sử dụng để đánh giá kết
quả nghiên cứu:
- Công suất khúc xạ GM trung bình
được chia thành các nhóm: thấp (35 - 40D),
trung bình (40 - 45D), cao (45 - 50D), rất
cao (> 50D).
- Loạn thị GM được chia làm 3 mức độ:
nhẹ (< 3D), trung bình (3 - 6D), nặng (≥ 6D).

- Thị lực được đo bằng bảng Snellen,
sau đó quy đổi sang thị lực logMAR để
tính thị lực trung bình theo công thức:
logMAR = -log (thị lực Snellen).
* Đạo đức trong nghiên cứu:
Các đối tượng tự nguyện tham gia
nghiên cứu, thông tin được đảm bảo bí
mật. Đối tượng nghiên cứu có quyền kết
thúc nghiên cứu bất cứ lúc nào.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm BN.
Từ tháng 1 - 2016 đến hết 9 - 2016,
chúng tôi đã tiến hành cắt mũi chỉ rời
chọn lọc trên 25 mắt của 25 BN, gồm
12 BN nam và 13 BN nữ. Tuổi trung bình
39,4 ± 14,7 (thấp nhất 16 tuổi, cao nhất
73 tuổi). Bệnh lý GM trước khi ghép chủ
yếu là loạn dưỡng GM di truyền (44%),
sẹo GM (28%), bệnh GM hình chóp (8%)
và một số chỉ định khác (ghép điều trị loét
GM, GM bọng) chiếm 20%. 25 mắt trong
nghiên cứu đều sử dụng mảnh ghép có
đường kính lớn hơn nền ghép 0,5 mm,
gồm 4 mắt có đường kính mảnh ghép
7,5 mm và 21 mắt có đường kính mảnh
ghép 8,0 mm. Phẫu thuật viên sử dụng
hai kiểu khâu gồm khâu 16 mũi chỉ rời
(13 mắt) hoặc 8 mũi chỉ rời kết hợp 16 mũi
khâu vắt (12 mắt). Thời gian bắt đầu tiến
hành cắt chỉ sau phẫu thuật từ 2 tháng 1 năm. 4 mắt được can thiệp cắt chỉ 2 lần
và 21 mắt phải can thiệp cắt chỉ đến lần
thứ ba. Thị lực trước can thiệp và sau can
thiệp lần lượt là 1,03 ± 0,19 và 0,91 ±
0,17 logMAR (p = 0,001). Độ loạn thị GM
giảm > 65% với độ loạn thị GM trung bình
trước và sau can thiệp lần cuối của 25 mắt
lần lượt là 6,9 ± 2,7D và 2,4 ± 0,8D.
99



T¹p chÝ Y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
Bảng 1: Kết quả khúc xạ GM trước và sau can thiệp.
Trước can thiệp
(n = 25)

Lần 1
(n = 25)

Lần 2
(n = 25)

Lần 3
(n = 21)

SIM K1*

40,5 ± 7,8

41,3 ± 6,6

41,3 ± 6,0

40,5 ± 4,7

SIM K2**

34,1 ± 6,7

35,2 ± 5,0


36,7 ± 5,1

35,7 ± 4,1

Chỉ số khúc xạ GM trung bình

37,3 ± 7,1

38,7 ± 5,6

39,2 ± 5,3

39,1 ± 3,6

Độ loạn thị GM

6,9 ± 2,7

5,2 ± 2,3

3,8 ± 1,5

2,5 ± 0,8

Trị số khúc xạ (D)

2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảm loạn thị GM bằng phương pháp
cắt chỉ rời chọn lọc sau ghép GM xuyên.
* Thời điểm bắt đầu cắt chỉ:
Đối tượng của nghiên cứu là BN bị loạn thị GM sau ghép GM xuyên. Nếu sau

phẫu thuật ít nhất 2 tháng và độ loạn thị của mắt mổ > 3D, chúng tôi sẽ tiến hành can
thiệp cắt chỉ mũi rời chọn lọc để chỉnh loạn thị. Do số lượng BN được ghép GM
xuyên hàng năm đáp ứng được tiêu chuẩn nghiên cứu không nhiều nên chúng tôi
lựa chọn thời gian sau phẫu thuật của những mắt được can thiệp từ 2 - 12 tháng.
Chính vì vậy, khoảng thời gian từ lúc phẫu thuật đến thời điểm can thiệp lần thứ nhất
của BN có thể khác nhau.
Bảng 2: Ảnh hưởng của thời gian sau phẫu thuật đến độ giảm loạn thị sau can thiệp
lần một (n = 24*).
Thời gian sau phẫu thuật

Số mũi chỉ được cắt

Mức độ giảm loạn thị (D)

1 mũi (n = 3)

1,2 ± 0,9

2 mũi (n = 15)

2,1 ± 2,6

1 mũi (n = 1)

4,3

2 mũi (n = 5)

0,68 ± 0,8


2 - 3 tháng (n = 18)

p

1,9 ± 2,4
0,49

> 3 tháng (n = 6)

1,11 ± 1,7

(* 1 mắt bị biến chứng loạn thị ngược)
Mức giảm loạn thị trung bình ở nhóm BN được can thiệp cắt chỉ tại thời điểm
2 - 3 tháng sau phẫu thuật cao hơn so với nhóm BN được can thiệp cắt chỉ lần đầu tại thời
điểm sau phẫu thuật > 3 tháng. Tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Trong nhóm cắt chỉ sớm sau phẫu thuật 2 - 3 tháng, những mắt được cắt 2 mũi chỉ có
mức giảm loạn thị GM trung bình 2,1 ± 2,6D, tốt hơn mắt được cắt 1 mũi chỉ với độ loạn thị
GM trung bình giảm 1,2 ± 0,9D.
100


T¹p chÝ y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
* Độ loạn thị trước can thiệp:
Bảng 3: Ảnh hưởng của độ loạn thị trước can thiệp đến mức giảm loạn thị sau can
thiệp lần một.
Độ loạn thị trước
can thiệp (D)
3 - 6 (n = 11)

> 6 (n = 13)


Số mũi chỉ được cắt

Mức giảm loạn thị (D)

1 mũi (n = 2)

2,3 ± 2,8

2 mũi (n = 9)

0,5 ± 0,7

1 mũi (n = 2)

1,6 ± 0,7

2 mũi (n = 11)

2,6 ± 2,8

p

0,83 ± 1,3
0,07
2,45 ± 2,63

Mức giảm loạn thị ở nhóm có độ loạn thị trước can thiệp > 6D cao hơn so với nhóm có
độ loạn thị trước can thiệp từ 3 - 6D. Tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
* Kỹ thuật khâu:

Bảng 4: Mức giảm loạn thị theo kỹ thuật khâu tại các lần can thiệp.
Kỹ thuật khâu

Lần một (n = 24)

Lần hai (n = 24)

Lần ba (n = 21)

Mũi rời

1,52 ± 1,83

3,58 ± 2,10

5,31 ± 2,66

Mũi rời + mũi vắt

1,91 ± 2,74

2,96 ± 2,93

3,93 ± 3,11

0,75

0,26

0,21


p

Hiệu quả giảm loạn thị ở nhóm BN có kỹ thuật khâu mũi rời kết hợp mũi vắt ở lần can
thiệp một cao hơn nhóm chỉ sử dụng mũi vắt. Tuy nhiên, ở lần can thiệp hai và ba, hiệu
quả giảm loạn thị ở nhóm BN có kỹ thuật khâu mũi rời cao hơn so với nhóm có kỹ thuật
khâu mũi rời kết hợp mũi vắt.
* Ảnh hưởng của đường kính mảnh ghép đến khúc xạ GM sau can thiệp:
Bảng 5: Khúc xạ GM sau can thiệp lần cuối theo đường kính mảnh ghép.
Đường kính mảnh ghép
7,5 mm (n = 4)

8 mm (n = 21)

p

Độ loạn thị (D)

2,89 ± 1,16

2,29 ± 0,6

0,60

Khúc xạ GM trung bình

39,8 ± 2,4

39,8 ± 4,8


0,31

Trị số khúc xạ GM

Độ loạn thị GM và công suất khúc xạ GM sau can thiệp của mắt có đường kính mảnh
ghép 7,5 mm, khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với nhóm có đường kính mảnh
ghép 8 mm.
101


T¹p chÝ Y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
BÀN LUẬN
Trong phẫu thuật ghép GM, độ trong
của mảnh ghép không phải là tiêu chí duy
nhất để đánh giá sự thành công của phẫu
thuật. Bên cạnh thành công về mặt giải
phẫu, thị lực là tiêu chí quan trọng để
đánh giá thành công về mặt chức năng,
đặc biệt là ghép GM quang học nhằm
mục tiêu cải thiện thị lực cho BN. Tuy nhiên,
loạn thị GM là vấn đề thường gặp gây
hạn chế phục hồi thị lực sau mổ. Trong số
các phương pháp làm giảm loạn thị sau
phẫu thuật ghép GM xuyên, cắt chỉ và
điều chỉnh chỉ là phương pháp đơn giản,
rẻ tiền và thường được sử dụng khi GM
vẫn còn chỉ khâu. Với phương pháp khâu
mảnh ghép phổ biến hiện nay là khâu mũi
rời hoặc khâu mũi rời phối hợp với khâu
vắt, việc điều chỉnh chỉ khâu vắt và cắt

các mũi chỉ rời chọn lọc dựa vào tình
trạng khúc xạ của mảnh ghép tỏ ra rất
hiệu quả, được nhiều tác giả áp dụng.
Binder và CS nghiên cứu 240 mắt có cắt
chỉ chọn lọc sau ghép GM xuyên cho thấy
có thể giảm độ loạn thị trung bình từ 7,5D
xuống còn 2,6D [7]. Kết quả nghiên cứu
của chúng tôi cũng cho thấy độ loạn thị
GM giảm rõ rệt sau cắt chỉ rời chọn lọc,
với độ loạn thị GM trung bình trước và
sau can thiệp lần cuối lần lượt 6,9 ± 2,7D
và 2,4 ± 0,8D.
Đối tượng của nghiên cứu này là BN
có can thiệp chỉnh loạn thị GM sau ghép
GM xuyên. Nếu sau phẫu thuật ≥ 2 tháng,
độ loạn thị GM của mắt mổ > 3D, chúng
tôi sẽ tiến hành cắt mũi chỉ rời chọn lọc
dựa vào kết quả chụp bản đồ GM. Do vậy,
thời gian can thiệp lần một so với thời điểm
phẫu thuật của BN có thể khác nhau.
102

Kết quả bảng 2 cho thấy độ giảm loạn thị
ở nhóm BN can thiệp từ 2 - 3 tháng và cắt
2 mũi chỉ có độ giảm loạn thị khá cao
(2,1D), có thể do thời điểm cắt chỉ sớm
khi quá trình hàn gắn vết thương của GM
chưa hoàn toàn chắc chắn, đồng thời GM
được giải phóng khỏi sức căng của cả
2 mũi chỉ trên cùng kinh tuyến dốc nhất

nên độ cong GM sẽ thay đổi nhiều hơn.
Tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa
thống kê (p > 0,05). Xét về độ giảm loạn
thị theo thời gian can thiệp sau phẫu thuật,
chúng tôi nhận thấy nhóm BN có thời gian
can thiệp lần đầu sau thời gian phẫu thuật
từ 2 - 3 tháng có hiệu quả giảm loạn thị
cao hơn so với nhóm sau phẫu thuật
> 3 tháng mới can thiệp. Tuy nhiên, chưa
tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Phương pháp cắt chỉ rời thường được
sử dụng nhất là cắt 2 mũi chỉ trên kinh
tuyến dốc nhất hoặc 1 mũi trên bán kinh
tuyến dốc nhất. Sau đó khúc xạ GM sẽ
được đánh giá lại bằng chụp bản đồ GM
sau 4 - 6 tuần. Quá trình cắt chỉ có thể lặp
lại một hoặc nhiều lần cho đến khi đạt độ
giảm loạn thị mong muốn. Đây cũng là
phương pháp cắt chỉ được chúng tôi
sử dụng trong nghiên cứu này. Mặc dù
phương pháp này có thể làm chậm sự
phục hồi thị lực của BN, do các lần cắt chỉ
cách nhau 1 tháng, nhưng nó lại có độ an
toàn cao hơn phương pháp cắt nhiều mũi
chỉ liên tiếp trong một lần khám. Một số
tác giả tiến hành cắt nhiều mũi chỉ đối
xứng nhau trong cùng một lần khám [6, 8,
9]. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có
thông tin chính xác về khoảng thời gian
cần thiết để khúc xạ GM trở về ổn định

sau cắt chỉ. Do vậy, nếu cắt nhiều mũi chỉ


T¹p chÝ y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
rời trong cùng một lần khám, khi những
mũi chỉ rời được cắt thêm mà khúc xạ GM
chưa ổn định sau lần cắt đầu tiên có
thể dẫn đến xác định sai bán kinh tuyến
dốc nhất và cắt nhầm mũi chỉ ở kinh
tuyến khác.
Thời điểm can thiệp và kỹ thuật can
thiệp vào chỉ khâu GM có sự khác nhau
giữa các nghiên cứu. Foster và CS so
sánh kết quả hai kỹ thuật cắt chỉ rời sau
ghép GM 6 tuần. Nhóm một được cắt
đồng thời 6 mũi chỉ so le nhau, bắt đầu từ
mũi chỉ nằm trên kinh tuyến dốc nhất.
Nhóm hai được cắt 1 hoặc 2 mũi chỉ rời
trên kinh tuyến dốc nhất dựa trên bản đồ
GM, các mũi chỉ được cắt lần lượt cho
đến khi độ loạn thị GM còn < 3D. Kết quả
cho thấy độ loạn thị đo bằng trị số SimK
của nhóm 2 thấp hơn nhóm 1 sau khi cắt
mũi chỉ đầu tiên và cuối cùng. Tuy nhiên,
sau phẫu thuật 6 tháng, sự khác biệt về
độ loạn thị của 2 nhóm như nhau. Không
có mối liên quan giữa độ loạn thị trước
can thiệp và sau phẫu thuật 6 tháng [6].
Fares và CS sử dụng máy chụp bản đồ
GM Pentacam để tiến hành cắt chỉ rời

chọn lọc cho 20 mắt có thời gian sau ghép
GM trung bình 36 tuần (từ 32 - 50 tuần).
Những mũi chỉ rời trên bán kinh tuyến dốc
nhất sẽ được cắt liên tiếp 2 lần, cách
nhau 40 - 60 phút trong một ngày khám
và kiểm tra lại kết quả chụp bản đồ GM
sau 4 - 6 tuần. Kết quả cho thấy độ loạn
thị GM giảm 46,7% (3,68D) [8]. Tuy nhiên,
các tác giả không đề cập đến số lượng
mũi chỉ trong một lần cắt. Burk và CS báo
cáo kết quả làm giảm độ loạn thị GM từ
2 - 3D sau khi cắt từ 1 - 4 mũi chỉ rời [9].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, phẫu
thuật viên sử dụng hai kiểu khâu là khâu
16 mũi rời hoặc 8 mũi rời kèm 16 mũi
khâu vắt. Bảng 4 thể hiện ảnh hưởng của
kỹ thuật khâu đến độ giảm loạn thị tại các
lần can thiệp. Hiệu quả giảm loạn thị ở
nhóm BN có kỹ thuật khâu mũi rời kết
hợp mũi vắt ở lần can thiệp một cao hơn
nhóm chỉ sử dụng mũi vắt trong phẫu
thuật ghép GM xuyên. Tuy nhiên, ở lần
can thiệp hai và ba, hiệu quả giảm loạn
thị ở nhóm BN có kỹ thuật khâu mũi rời
cao hơn so với nhóm có kỹ thuật khâu
mũi rời kết hợp mũi vắt. Điều này có thể
giải thích do các mũi chỉ vắt giúp sức
căng của sợi chỉ được dàn đều trên GM
nên hiệu quả giảm loạn thị ở những lần

cắt sau sẽ thấp hơn.
Tất cả mắt trong nghiên cứu của
chúng tôi đều sử dụng mảnh có đường
kính lớn hơn nền ghép 0,5 mm. 4 mắt sử
dụng mảnh ghép đường kính 7,5 mm và
21 mắt còn lại sử dụng mảnh ghép
đường kính 8 mm. Khúc xạ GM trung
bình sau can thiệp lần cuối của nhóm
đường kính mảnh ghép 7,5 mm và nhóm
đường kính mảnh ghép 8 mm lần lượt là
39,8 ± 2,4D và 39,8 ± 4,8D, sự khác biệt
không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Nghiên cứu của nhiều tác giả khác cũng
không thấy sự khác biệt về khúc xạ trung
bình sau can thiệp cắt chỉ giữa các nhóm
có đường kính nền ghép khác nhau. Độ
loạn thị trung bình sau can thiệp của mắt
có đường kính mảnh ghép 7,5 mm cao
hơn nhóm có đường kính mảnh ghép
8 mm (p = 0,60). Có thể do số lượng BN
trong nghiên cứu của chúng tôi chưa
đủ lớn, đặc biệt là nhóm mắt có sử dụng
đường kính mảnh ghép nhỏ còn ít nên
sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
103


T¹p chÝ Y - d−îc häc qu©n sù sè 7-2018
KẾT LUẬN
Cắt chỉ rời chọn lọc là phương pháp an

toàn và hiệu quả giúp làm giảm loạn thị
sau ghép GM xuyên. Phương pháp này
có thể được tiến hành sớm (sau phẫu
thuật 2 tháng), khi độ loạn thị GM > 3D.
Nên bổ sung nghiên cứu với số lượng BN
lớn hơn và trong thời gian dài hơn để có
thể theo dõi những thay đổi khúc xạ GM
sau cắt chỉ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Feizi S, Zare M. Current approaches for
management of postpenetrating keratoplasty
astigmatism. J Ophthalmol. 2011, pp.708-736.
2. Javadi M.A, Motlagh B.F, Jafarinasab M.R
et al. Outcomes of penetrating keratoplasty in
keratoconus. Cornea. 2005, 24 (8), pp.941-946.
3. Fares U, Sarhan A.R, Dua H.S.
Management of postkeratoplasty astigmatism. J
Cataract Refract Surg. 2012, 38 (11),
pp.2029-2039.
4. Van Meter W.S, Gussler J.R, Soloman
K.D et al. Postkeratoplasty astigmatism control.

104

Single continuous suture adjustment versus
selective interrupted suture removal.
Ophthalmology. 1991, 98 (2), pp.177-183.
5. Sarhan A.R, Fares U, Al-Aqaba M.A
et al. Rapid suture management of postkeratoplasty astigmatism. Eye (Lond). 2010,
24 (4), pp.540-546.

6. Forster R.K. A comparison of two
selective interrupted suture removal techniques
for control of postkeratoplasty astigmatism.
Trans Am Ophthalmol Soc. 1997, 95, pp.193-214;
discussion 214-220.
7. Binder P.S. Selective suture removal
can reduce postkeratoplasty astigmatism.
Ophthalmology. 1985, 92 (10), pp.1412-1416.
8. Fares U, Mokashi A.A, Elalfy M.S et al.
Sequential selective same day suture removal
in the management of postkeratoplasty
astigmatism. Eye (Lond). 2013, 27 (9),
pp.1032-1037.
9. Burk L.L, Waring G.O, Harris D.J.
Simultaneous and sequential selective suture
removal to reduce astigmatism after penetrating
keratoplasty. Refract Corneal Surg. 1990, 6 (3),
pp.179-187.



×