Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979) là một trong những bậc cao Tăng đã để lại
dấu ấn sâu đậm trên trang sử Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX. Ngài là bậc long tượng
của Phật pháp, đầy đủ “đạo, học, hạnh, nghị” với trái tim nhân hậu, kinh qua đủ bước
thăng trầm của nhân thế, nổi chìm của kiếp người, đầy bi hài kịch của kiếp nhân sinh.(1)
Một tài năng sáng tạo trong mỹ thuật, hội họa, thơ ca
Ngay từ tuổi nhỏ, Hòa thượng Thích Trí Hải đã tỏ ra là người thông minh xuất chúng qua các
công việc làm và học tập hàng ngày, luôn luôn năng động và sáng tạo. Người dân làng Tế
Xuyên ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về Sư bác Thao. Chuyện kể rằng: “Một hôm,
tiết trời nóng bức, người dân địa phương phải ăn cơm ngoài trời, vừa ăn vừa hóng mát ngắm
trăng sao sau một ngày làm việc vất vả. Bỗng người ta phát hiện trên không trung có mấy đốm
sáng lơ lửng, tin đó được loan báo rất nhanh trong làng, mọi người cùng nhau xem và bàn tán,
người cho rằng thần thánh linh ứng hiện điềm lành, người lại cho rằng ma quỷ hiện hình. Trong
lúc mọi người đang bàn tán, bỗng có một nóc nhà gần đó tự nhiên bốc cháy, tất cả hò nhau cứu
chữa, họ phát hiện ra khung của một chiếc đèn làm bằng tre giống như đèn kéo quân và giấy
làm đèn đó có những hàng chữ Nho, loại giấy này chỉ ở chùa mới có, vì vậy mọi sự nghi ngờ
dần dần được giải đáp. Các cụ già kết luận việc cháy nhà này là “sư bác Thao” chơi trò chơi
gây ra nên bắt đền sư cụ chùa. Sư tổ cho họp chúng Tăng điều tra sự việc, “sư bác Thao” đã
đứng ra nhận lỗi do thả “đèn trời” gây nên. Ngoài ra, Hòa thượng còn làm rất nhiều trò chơi
bằng đất, gỗ, v.v… để khuyến hóa trẻ con chăn trâu đương thời vào chùa.
Trong những năm tháng học tại Tổ đình Tế Xuyên, Hòa thượng đã chuyển tải giáo lý Phật qua
thơ lục bát để dạy cho nhân dân Phật tử trong làng học mỗi khi họ ra chùa lễ Phật. Vì thế, ngày
nay nhân dân vẫn còn nhớ rất nhiều bài thơ do Hòa thượng làm để dạy Phật tử qua cách truyền
khẩu, dễ nhớ, dễ thuộc. Hòa thượng Thích Trí Hải rất có năng khiếu hội họa chân dung. Theo
Hòa thượng Thích Tâm An thì bức ảnh truyền thần thủy mạc Tổ Phổ Tụ đang tôn thờ tại Tổ
đình Tế Xuyên chính do Hòa thượng Trí Hải trực tiếp vẽ chân dung Tổ với sự khen ngợi chính
xác của nhiều người đương thời. Hòa thượng Thích Trí Hải còn là một người giỏi về kiến trúc
mỹ thuật. Ngôi Đại hùng bảo điện chùa Quán Sứ ngày nay chính do Hòa thượng vẽ mẫu để các
kiến trúc sư thực hiện(2).
Một nhà sư kiên trì mục đích chấn hưng Phật giáo nước nhà
Khi mới 19 tuổi còn là Sa di (Sư bác) tập sự dưới cửa Thiền, nhìn vào thực trạng đau lòng của
Phật giáo, Ngài Trí Hải đã ôm ấp hoài bão chấn hưng Phật giáo, làm sao cho Phật giáo Việt
Nam trở thành một tôn giáo chánh tín, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân sinh ngay ở đây và
bây giờ. Để hoàn thành được chí nguyện chấn hưng Phật giáo, Ngài đã phải vượt qua không
biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ kể cả thất bại. Nhưng “cũng như con cá sông càng bị ngược
nước càng cố tiến lên, việc có khó mới là những việc của những người có chí lớn, thua keo này
bày keo khác?” Hòa thượng đã không nản lòng và xác định hướng đi đúng đắn là phải liên kết
với các cư sĩ. Nhờ đội ngũ cư sĩ đông đảo, có tâm có tài lại có đức, đoàn kết chặt chẽ với các
Tăng sĩ nên cuối năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập cộng hưởng với sự chấn
hưng Phật giáo trên khắp ba miền đất nước như hoa đẹp tỏa hương thơm, cây lành kết quả
ngọt(3).
Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Huế, Hòa thượng được suy bầu
làm Phó Hội chủ.
Đến năm 1952, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, Hòa thượng là Trị sự trưởng. Khi
đó Ngài mới 46 tuổi. Không chỉ thành tâm giúp ích cho đạo mà Ngài còn tha thiết đóng góp cho
đời qua các công tác từ thiện như nuôi trẻ mồ côi, cứu đói năm 1945 - nạn đói kinh khủng nhất
trong lịch sử Việt Nam. Nên khi Chính phủ Lâm thời thành lập, Hòa thượng được mời làm Cố
vấn cho ông Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa(4).
Năm 1954, đất nước bị chia hai theo Hiệp định Genève, Hòa thượng quyết tâm ở lại miền Bắc
với những người đồng đạo, đồng bào của mình, xây dựng ngôi chùa Phật giáo tại Hải Phòng và
như nhân duyên “Cái này có, cái kia có”, Hòa thượng gắn bó với ngôi chùa này, với Phật giáo
Hải Phòng trọn quãng đời còn lại. Mặc dù nhân duyên không cho phép, chịu nhiều điều o ép,
Ngài vẫn đóng góp ý kiến của mình cho đại nghiệp thống nhất Phật giáo.
Một nhà văn hóa Phật giáo lớn
Với hơn 200 bài báo đăng trên các báo Đuốc Tuệ, Tinh Tiến, Phương Tiện và hơn 40 tác phẩm
và dịch phẩm đủ đưa Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải lên vị trí một trong những nhà văn hóa
lớn của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại. Bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát v.v..., Ngài
diễn giải một cách tài tình giáo lý của Phật tổ và đạo đức Phật giáo như Tâm chúng sinh,
Truyện Phật Thích Ca, Phật học ngụ ngôn, Gia đình giáo dục...(5) làm cho người đọc dễ hiểu,
dễ tiếp thu và tự nguyện làm theo. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của Ngài là một
cuốn Hồi ký lịch sử quý giá duy nhất trong thư tịch Phật giáo Việt Nam, giúp cho đàn hậu tấn
hiểu rõ hơn về công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc qua ngòi bút chân thực của một
chứng nhân lịch sử. Phật giáo nhân gian đại cương, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo vấn đáp là
những tác phẩm thể hiện tâm huyết xây dựng một nền Phật giáo nhập thế nước nhà của Hòa
thượng Trí Hải. Các bản dịch của Ngài theo đề nghị của Viện Triết học cách nay 30-40 năm
như: Khóa hư lục, Phật giáo triết học, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là những tài liệu quý
đối với những người nghiên cứu triết học Phật giáo.
Một tình đồng đạo thủy chung son sắt
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm kể: Năm 1977, Đại lão Hòa thượng Tố Liên viên tịch, để tỏ
lòng trân trọng với người bạn, người đồng chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa
thượng Thích Trí Hải đạp xe hơn 130km từ thành phố Hải Phòng về chùa Hội Xá, huyện
Thường Tín, tỉnh Hà Tây đảnh lễ giác linh. Hôm đó chúng tôi may mắn được theo hầu Hòa
thượng về chùa Hội Xá, Ngài cho biết đi xe đạp lần này có hai mục đích: một là kính lễ giác
linh Hòa thượng Tố Liên, thứ hai là hồi hướng công đức cho thí chủ đã cúng chiếc xe đạp này.
Chúng ta không thể không xúc động và cảm phục trước tấm tình thủy chung son sắt của ngài
Trí Hải đối với cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha qua những dòng “Hoài cảm” : …“May
mắn thay, nhưng cũng rất đau đớn và thương tiếc lắm thay - không ngờ đến nay tôi lại được
gặp quyển “Nghiên cứu Duy thức theo khoa học” của soạn giả Thiều Chửu, lại cũng chính tay
chú Thanh Tuấn chép ra".
Soạn giả với tôi là bạn đồng tâm, đồng nguyện, ước nguyện cùng nhau lo việc chấn hưng Phật
giáo nước nhà - tuy chưa phải nằm gai nếm mật nhưng cuối năm 1933 hàn thử biểu ở Hà Nội
xuống tới 7 - 8 độ, mà hai chúng tôi chỉ có một cái chiếu với một cái chăn mỏng (chăn Nam
Định) trải nằm ở nền nhà trong phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội), trong lúc tổ
chức lập Hội Phật giáo lần thứ nhất thất bại.
Chuyển sang lập Phật học tùng thư, cho đến ngày vào nhận chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1934,
tôi chỉ có bốn hào, nhờ Tam bảo gia hộ, thập phương hưởng ứng cho tới khi thành lập Hội có
đủ cả nhà in, trường học, xuất bản được kinh sách báo chí…
Việc làm chùa Quán Sứ trắc trở mãi, tới năm 1938 lại chuyển sang Ban Hưng công cho chúng
tôi thì tiền gây quỹ làm chùa chỉ còn 6$00 (sáu đồng) - công việc tiến hành cho tới thành tựu,
lại thêm nghĩa trang, chùa Tế Độ, trường Phổ Quang v.v… như tôi đã ghi rõ trong tập “Hồi ký
thành lập Hội Phật giáo Việt Nam” (1934-1958).
Nhận thức sự lợi ích giúp đỡ cho những ai muốn hiểu rõ nghĩa “Duy Tâm” (Duy thức) của đạo
Phật mà quyển sách này có thể giúp đỡ cho một cách dễ dàng mà không ngờ đâu tôi lại được
gặp. Vì tôi với soạn giả xa cách nhau từ 1946, rồi soạn giả xa lánh cõi đời. Còn chú Thanh
Tuấn, khi mới xuất gia ở với tôi, năm 1946, tôi cho theo ông để học tập, nhưng sau chú ấy theo
tiếng gọi của non sông hồi tục đi kháng chiến, gần đây chú ấy đã hy sinh vì Tổ quốc.
Nay tôi mới thấy được tác phẩm của bạn hiền, thấy chữ viết của trò giỏi, không nén nổi lòng
cảm xúc… cầm lòng không nổi, nói chẳng hết lời, tạm ghi lại mấy hàng tỏ tình đồng
“Nguyện”(6).
Tấm gương đạo hạnh của Ngài vẫn còn sống mãi trong lòng đạo pháp và dân tộc
Đại tá Đinh Thế Hinh, một trong 27 nhà sư ở chùa Cổ Lễ, Nam Định cởi áo cà sa mặc chiến
bào năm 1947, người đã được diện kiến Hòa thượng Trí Hải nhiều lần, viết : "Một điều rất đáng
thán phục là tài ứng xử của Người rất tài tình với mọi chế độ chính trị mọi nhà cầm quyền để
làm việc đạo, với Người: “Thiền môn là bất biến” không xu thời, không bị động, không ham
địa vị danh vọng, chấp hành mọi pháp luật của các nhà cầm quyền địa phương cũng như Trung
ương, từ một việc rất nhỏ như ở đâu phải đăng ký tạm trú tạm vắng, đến đâu phải khai báo
Người chấp hành rất nghiêm chỉnh, vô tư không ngại khó, ngại phiền. Tóm lại, Người sống rất
thanh bạch, giản dị khiêm tốn, không một tì vết gì mà ngoài đời bình phẩm…" (7) .
Khi mới bước chân vào cửa Thiền, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải đã ôm ấp hoài bão chấn
hưng Phật giáo, phụng sự chúng sinh và rồi Ngài kiên trì theo đuổi, thực hiện hoàn mãn chí
nguyện đó. Ngay khi sắp mãn báo thân, Ngài vẫn đau cái đau của đồng bào ruột thịt đang bị
đau khổ trong cảnh khói lửa, chiến tranh. Nhưng, cho dù bất cứ ở đâu, lúc nào Ngài cũng sống
trong bản tâm thanh tịnh, không nhân ngã, bỉ thử, hận thù. Điều đó thể hiện trong Lời Để lại
(Di chúc) của Ngài :“Tôi xin những vị nào không ưa thích tôi, xin hãy xóa bỏ hận thù, để lòng
từ bi hỷ xả, cắt mối oan khiên để tránh nghiệp quả sau này”.
Tấm gương đạo hạnh của Ngài vẫn sống mãi trong lòng Đạo pháp và Dân tộc
__________________
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai