Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Phân tích hình tượng con Sông Đà trong Người lái đò sông Đà Nguyễn tuân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (72.55 KB, 2 trang )

ĐỀ 1: Cảm nhận của anh (chi ) về hình tượng sông Đà qua phần đoạn trích tuỳ bút “ Người lái đò sông
Đà” của Nguyễn Tuân .
DÀN BÀI :
I/ Mở bài:
-Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo và đặc sắc. Mỗi trang viết của ông đều rất tài hoa
và uyên bác. Người lái đò sông Đà là một trong những bài tuỳ bút xuất sắc của Nguyễn Tuân, được in trong tập
tuỳ bút “Sông Đà”. Tác phẩm là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà nhà văn đã thu hoạch được trong chuyến đi
thực tế về miền Tây Bắc xa xôi. Trong thiên tùy bút, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng con sông
Đà vừa hung bạo vừa trữ tình cũng là hình tượng trung tâm của tác phẩm, thể hiện những khám phá hết sức mới
mẻ về thiên nhiên vùng Tây Bắc của Tổ quốc, đồng thời cũng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn
Tuân.
II/ Thân bài:
1/ Cảm nhận về hình tượng sông Đà:
Con sông chảy dọc miền Tây Bắc đi vào tác phẩm của Nguyễn Tuân như một nhân vật có tính cách, có linh
hồn. Sông Đà có hai tính cách trái ngược nhau vừa hung bạo, dữ dội lại vừa thơ mộng trữ tình. Đó là những nét
tính chất tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất ở sông Đà.
Sông Đà hung bạo, dữ dội được khám phá ở khúc sông thượng nguồn nhiều ghềnh, lắm thác. Tính chất
hung bạo của sông Đà được Nguyễn Tuân ghi lại từ nhiều góc độ khác nhau, với những biểu hiện phong phú đầy
ấn tượng tựa như một công trình khảo cứu địa lí.
Dòng chảy sông Đà xem ra rất ngang ngược thể hiện qua hai câu thơ đề từ : “ Chúng thuỷ giai đông tẩu – Đà
giang độc bắc lưu” ( Mọi dòng sông đều chảy về hướng đông – chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc) . Cách giới
thiệu tạo ấn tượng về sông Đà như một nhân vật có cá tính, có nét riêng độc đáo.
Quang cảnh ven sông Đà cũng rất góc cạnh, nhất là cảnh đá dựng bờ sông “ đá bờ sông dựng vách
thành... chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”, “mặt sông đúng ngọ mới thấy mặt trời” tạo ấn tượng về những
vách đá dựng đứng, cao vút . Lòng sông có chỗ rất, hẹp đến mức “con nai, con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang
bờ kia” và “ngồi trong khoang đò qua quãng vắng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh” ...Cách miêu tả, so sánh
liên tưởng bất ngờ mà chính xác đã giúp người đọc cảm nhận sự hùng vĩ, hiểm trở và vẻ huyền bí của con sông .
Những đợt sóng trên sông Đà như những tên thuỷ quái ưa gây sự, quanh năm đe doạ cuộc sống của người
lái đò. Ở Quãng mặt ghềnh Hát Loong , dài hàng cây số “ Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn gùn
ghè suốt năm”. Với lối diễn đạt móc xích, sử dụng động từ mạnh, nhịp văn dồn gấp, Nguyễn Tuân đã thực sự tác
động đến nhiều giác quan của người đọc. Độc giả có thể hình dung được khung cảnh mênh mông hàng ngàn cây


số của một thế giới đầy gió gùn ghè, đá giăng đến chân trời và sóng bọt tung trắng xóa.
Tính chất hung bạo của sông Đà được nhà văn tô đậm ở những cái h út nước. Thoạt nhìn, “những cái hút
nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”. Trong đoạn văn tả cái hút nước ở
quãng Tà Mường Vát, người đọc đã không chỉ một lần được hưởng thụ cái cảm giác được ngạc nhiên khi hết
nghe tiếng nước ở đây“ thở và kêu như như cửa cống cái bị sặc” , lại “ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Sức
công phá của những cái hút nước này vô cùng khủng khiếp, nó có thể làm cho thuyền “ trồng ngay cây chuối
ngược” rồi “ tan xác ở khuỷnh sông dưới” ... Tưởng tượng của nhà văn thật sinh động và kỳ thú về. Thủ pháp so
sánh, nhân hoá, dùng từ láy đã biến sông Đà trở thành một tên thuỷ quái có sức huỷ diệt ghê gớm .
Sông Đà hung bạo còn bởi tiếng nước . Âm thanh của sóng thác nước sông Đà cũng luôn luôn thay đổi.
Nguyễn Tuân đã sử dụng một chuỗi câu văn để diễn tả tiếng nước sông Đà: “ Tiếng nước réo gần mãi lại réo to
mãi lên ...nghe như là oán trách ...như là van xin...như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo” . Đặc biệt là cách
liên tưởng táo bạo, tài hoa trong đoạn văn : “ Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng
lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa ...” đã giúp người viết diễn tả thật ấn tượng sự hung bạo, dữ dội của thác
nước sông Đà. Nhà văn đã không ngừng hấp dẫn người đọc bằng những vẻ đẹp luôn luôn kì lạ và biến đổi.


Không chỉ đe doạ người lái đò ở những cái hút nước, Sông Đà lắm lúc còn giở trò bày binh bố trận thách
thức một cách láu cá, xấc xược, vừa khôn ngoan, vừa nham hiểm. Đội quân thạch trận hùng hậu có đủ từ đá
tướng đến đá tiền vệ, đá hậu vệ với những boong ke, pháo đài đá, có cửa sinh, cửa tử ...Tên thuỷ quái khổng lồ
này lúc thì “ mai phục hết trong lòng sông”, lúc thì "nhổm dậy để vồ lấy thuyền”; khi thì đánh kiểu vu hồi, khi
lại xông xáo liều mạng, tổng tấn công tới tấp giáng những “ miếng đòn hiểm độc nhất” vào chiếc thuyền và
người lái đò.
=>Nguyễn Tuân đã phô diễn sự tài hoa, uyên bác qua hệ thống thuật ngữ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau : thể
thao, quân sự, võ thuật... đồng thời sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hoá, trí tưởng tượng
phong phú...để làm nổi bật sông Đà như một loài thuỷ quái khổng lồ, hung hãn mang “diện mạo và tâm địa một
thứ kẻ thù số một” . Ẩn hiện trong sự hung bạo của sông Đà là vẻ đẹp hùng tráng, kì vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Sông Đà thơ mộng trữ tình :
Sông Đà đâu chỉ hung bạo mà còn là con sông tuyệt vời thơ mộng. Vẻ đẹp này của sông Đà được tập trung
miêu tả ở khúc hạ lưu, nơi dòng chảy êm ả, thoáng rộng, bằng phẳng. Bởi thế, dù hoàn toàn đối lập với diện mạo
hung bạo ở đoạn trước nhưng nhưng sông Đà vẫn hiện lên chân thực.

Sông Đà đẹp trong dáng vẻ mềm mại, gợi cảm. Quan sát từ trên cao, sông Đà như một giai nhân tuyệt
sắc, duyên dáng , yêu kiều, dòng sông được ví như mái tóc người thiếu nữ Tây Bắc kiều diễm, đầy quyến rũ: “
Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung
nở hoa ban, hoa gạo...”. Nhà văn đã viết ra những câu văn cũng mang dáng dấp mềm mại, yên ả, trải dài như
chính dòng nước đó, bằng hình ảnh thơ mộng của áng tóc ẩn hiện trong mây, bằng âm điệu của câu văn êm đềm
cứ tuôn dài, tuôn dài như không thể dứt...
Sông Đà đẹp còn bởi màu nước. Màu nước sông Đà thay đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng.
Nhà văn đã phải mấy lần bay tạt ngang trên con sông ấy, rồi từ đó mới quả quyết, vào mùa xuân nước sông Đà
có màu xanh, mà nhất định phải là sắc xanh ngọc bích chứ không phải “xanh canh hến”. Còn mỗi độ thu về, nó
lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”.
Cảnh vật hai bên bờ sông Đà vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích, vừa trù phú, tràn trề nhựa sống. Khung
cảnh bờ sông rất nên thơ, yên ả: “ Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa ...đàn
hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm ...”. Nguyễn Tuân khiến người đọc có cảm giác như lạc vào
một thế giới kì ảo, ở đấy con sông như một cố nhân lâu ngày gặp lại. Ở đấy, nắng cũng “ giòn tan” và cứ hoe hoe
vàng mãi cái sắc Đường thi “yên ho tam nguyệt”, mũi thuyền thì lặng lẽ trôi trên giòng nước lững lờ; đàn cá dầm
xanh trông như những thoi bạc trắng rơi rơi “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, phảng phất nỗi niềm cổ
tích; còn sự im lặng thì tịch mịch đến nỗi con người thèm được giật mình...

Tài hoa của Nguyễn Tuân khi miêu tả tính chất trữ tình của sông Đà ở chỗ: bằng trí tưởng tượng
phong phú, bay bổng tuyệt vời, bằng lối so sánh ví von độc đáo, nhà văn không chỉ cho độc giả chiêm
ngưỡng vẻ dệp vừa nên thơ, vừa hoang dại nguyên sơ của sông Đà mà còn khiến độc giả lâng lâng bao cảm
xúc khó tả. Dường như là nhớ nhung, dường như là tiếc nuối, dường như là náo nức, kinh ngac...
2/Kết bài
- Hình tượng sông Đà hiện lên sống động qua những trang văn tài hoa, uyên bác; người viết đã huy động hệ
thống từ vựng thuộc nhiều ngành nghệ thuật như hội hoạ, điện ảnh .. thuộc nhiều lĩnh vực đời sống như quân sự,
võ thuật, thể thao.. Qua cách tiếp cận và miêu tả của Nguyễn Tuân, hình tượng sông Đà để lại cho người đọc ấn
tượng khó quên về một con sông vừa dữ dội, hung bạo mà hùng vĩ vừa nên thơ, trữ tình . Đó là “ chất vàng
mười”của thiên nhiên Tây Bắc. Qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu mến thiết tha đối với
thiên nhiên đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm vô song của tạo hóa.




×