CHUYÊN ĐỀ
RÈN KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG
TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC DÀNH CHO
HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU………………………………………………………….........
I. Lý do chọn đề tài……………………………………………………………..
II. Mục đích của đề tài…………………………………………………………..
PHẦN NỘI DUNG…………………………………………………………......
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN…………………………..
1. Cơ sở lí luận ………………………………………………………………..
1.1. Văn nghị luận………………………………………………………………
1.2. Nghị luận văn học………………………………………………………….
1.3. Các thao tác làm văn nghị luận……………………………………………
1.4. Dẫn chứng trong văn nghị luận……………………………………………
2. Cơ sở thực tiễn……………………………………………............................
2.1. Người dạy………………………………………………………..................
2.2. Người học………………………………………………………..................
CHƯƠNG II: MỘT SỐ KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG
1. Kĩ năng chọn dẫn chứng. ……………………………………………………
1.1. Lựa chọn dẫn chứng phù hợp với vấn đề nghị luận………………………...
1.2. Lựa chọn dẫn chứng dựa theo phạm vi, yêu cầu của đề…………………..
1.3.Lựa chọn ngữ liệu dựa theo hiểu biết, sở trường của người viết…………….
1.4. Lựa chọn dẫn chứng mới mẻ phát huy tính sáng tạo……………………..
2. Kĩ năng phân tích dẫn chứng ……………………………………………….
Trang
1
1
2
3
3
3
3
3
4
4
8
8
9
10
10
10
12
14
14
15
2.1. Dẫn dắt, giới thiệu dẫn chứng……………………………………………….
15
2.2. Phân tích dẫn chứng…………………………………………………………
16
2.3. Bình luận đánh giá dẫn chứng…………………………………………… …
23
CHƯƠNG III: VÂN DỤNG KIẾN THỨC……………………………………
25
39
40
PHẦN KẾT LUẬN...............................................................................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................
CHUYÊN ĐỀ
RÈN KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG TRONG BÀI
NGHỊ LUẬN VĂN HỌC DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lí do chọn đề tài
1. Văn nghị luận là loại văn được viết nhằm xác lập cho người đọc, người nghe
một tư tưởng, quan điểm nào đó. Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị
luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt trong cuộc sống mới có ý nghĩa.
Muốn thuyết phục người đọc, người nghe hiểu, tin và đồng tình với quan điểm,
tư tưởng được nêu, một bài nghị luận không chỉ cần có hệ thống luận điểm rõ ràng,
lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén mà còn phải có những dẫn chứng xác đáng, hùng hồn.
Vì vậy, việc chọn và phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận có một vai
trò quan trọng trong bài văn nghị luận.
2. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi văn cần
có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Vể phía người dạy, cần xác định việc
cung cấp kiến thức văn học và rèn luyện kĩ năng làm văn cho học sinh đều có vai trò
quan trọng và có tác động qua lại với nhau. Từ những kiến thức mà học sinh tiếp
nhận qua quá trình học tập, nghiên cứu đến một bài nghị luận văn học hoàn chỉnh,
chất lượng đòi hỏi học sinh cần có kĩ năng làm bài. Vì vậy, việc rèn kĩ năng làm văn
cho học sinh là một công việc quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cao.
3. Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn trong khoảng 10 năm gần đây từ cấp Tỉnh,
Khu vực đến cấp Quốc gia thường có cấu trúc 2 phần. Phần 1 là nghị luận xã hội.
Phần 2 là nghị luận văn học. Thường là kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn
học. Đó là vấn đề có tính lí luận sâu sắc yêu cầu học sinh thông qua những trải
nghiệm văn học để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Để phát huy sự sáng tạo, năng lực
cảm thụ, cá tính của học sinh người viết, trong đề thi thường không giới hạn ngữ
liệu cần phân tích, hoặc chỉ có những định hướng mở đòi hỏi học sinh cần tinh
nhạy, bản lĩnh trong việc lựa chọn, phân tích dẫn chứng làm nên bản sắc riêng cho
bài văn của mình.
1
4. Không chỉ thể hiện năng lực và cái tôi của người viết, phần phân tích dẫn
chứng làm sáng tỏ vấn đề chiếm một dung lượng lớn về kiến thức trong bài và có
vai trò định hướng quan trọng đối với việc triển khai và giải quyết vấn đề ở phần
bình luận, chứng minh. Như vậy, nếu chọn dẫn chứng, ngữ liệu phân tích, chứng
minh không đủ, không đúng yêu cầu của đề, không tiêu biểu... bài viết sẽ dẫn đến
lạc đề, xa đề hoặc sơ sài, không thuyết phục. Như vậy, vận dụng tốt thao tác chọn
dẫn chứng ở phần đầu tiên của phần phân tích chứng minh sẽ giúp bài văn triển khai
đúng hướng, bàn luận vấn đề một cách toàn diện, đóng vai trò quan trọng cho thành
công của bài viết.
Từ bốn lí do trên, có thể thấy Rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng
trong bài nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi ngữ văn là một vấn đề có ý
nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần củng cố và nâng cao kĩ năng viết phần phân
tích, chứng minh trong bài làm của học sinh, đáp ứng yêu cầu của kì thi học sinh
giỏi các cấp. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn chuyên đề này góp phần đem đến cho các
giáo viên và học sinh chuyên văn một phương pháp rèn kĩ năng làm văn, từ đó vận
dụng chuyên đề vào thực tế dạy, học và làm văn sao cho có hiệu quả.
II. Mục đích của đề tài:
1. Đưa ra một số giải pháp rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài
nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi Văn
2. Vận dụng lí thuyết, hình thành và định hướng hệ thống đề luyện tập, thực
hành viết, sửa lỗi phần chọn và phân tích dẫn chứng trong đề văn đáp ứng yêu cầu
thi học sinh giỏi các cấp.
2
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. Cơ sở lý luận
1.1. Văn nghị luận
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Nghị luận: Bàn và đánh giá cho rõ về một vấn đề
nào đó. Văn nghị luận là thể văn dùng lí lẽ và dẫn chứng để phân tích giải quyết
một vấn đề”.
Sách giáo khoa Ngữ văn 10 – tập 2 (nâng cao) tr96 cũng viết: Văn nghị luận là
bài văn trình bày tư tưởng, quan điểm của người viết về một vấn đề.
Đặc trưng của văn nghị luận đó là người viết sử dụng các luận điểm, luận cứ và
lập luận để thể hiện quan điểm, chính kiến của bản thân, đồng thời thuyết phục
người đọc, người nghe đồng tình với quan điểm của mình.
Như vậy, có thể hiểu: Văn nghị luận là một loại văn bản nhằm phát biểu tư
tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về các vấn đề
văn học, chính trị, đạo đức, lối sống... và được trình bày bằng những lập luận chặt
chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục. Đây là loại văn phổ biến trong nhà trường,
thường được lấy làm yêu cầu của phần làm văn trong các đề thi hiện nay. Vì văn
nghị luận thể hiện năng lực tư duy, lo-gic của người viết; vừa cho thấy khả năng
diễn đạt, trình bày quan điểm riêng một cách thuyết phục. Nội dung và cấu trúc của
một văn bản nghị luận được hình thành từ các yếu tố cơ bản là: Vấn đề cần nghị
luận (luận đề), luận điểm, luận cứ (dẫn chứng, lí lẽ) và lập luận.
Căn cứ vào nội dung nghị luận, có thể chia văn nghị luận thành hai loại: nghị
luận văn học và nghị luận xã hội. Theo đó: Nghị luận văn học có nội dung bàn luận
về một vấn đề văn học, còn Nghị luận xã hội lại hướng tới bàn luận về một vấn đề
tư tưởng, đạo đức, lối sống, môi trường…nảy sinh trong xã hội.
1.2. Nghị luận văn học
Nghị luận văn học là loại đề yêu cầu người viết bàn bạc, phân tích, thuyết phục
người đọc về một vấn đề, một hiện tượng văn học. Có thể là: một bài thơ, đoạn thơ;
một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi hoặc một ý kiến bàn về văn học. Dù ở kiểu
3
đề nào thì người viết cũng cần vận dụng tổng hợp các thao tác nghị luận để làm sáng
tỏ vấn đề.
Đề thi học sinh giỏi các cấp những năm gần đây đều tập trung vào kiểu đề nghị
luận về một vấn đề lí luận văn học. Đây là kiểu đề đòi hỏi học sinh phải có kiến thức
lý luận sâu sắc, kiến thức tác phẩm văn học phong phú và kĩ năng làm bài tốt.
1.3. Các thao tác làm văn nghị luận
Các thao tác lập luận cơ bản trong làm văn nghị luận là: Giải thích, phân tích,
chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ. Khi viết bài, học sinh cần sử dụng kết hợp
các thao tác này một cách linh hoạt, hiệu quả.
Trong đó, thao tác lập luận phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bộ
phận để xem xét nội dung, hình thức và mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài
của chúng, rồi khái quát, phát hiện ra bản chất của đối tượng. Phân tích bao giờ cũng
gắn liền với tổng hợp. Đó là bản chất của thao tác phân tích trong văn nghị luận.
Yêu cầu của một lập luận phân tích:
+ Xác định vấn đề phân tích.
+ Chia vấn đề thành những khía cạnh nhỏ.
+ Khái quát tổng hợp.
Mục đích của thao tác lập luận phân tích:
+ Phân tích để làm rõ đối tượng
+ Phân tích để chứng minh
1.4. Dẫn chứng trong văn nghị luận
a. Khái niệm
Dẫn chứng là “Đưa tài liệu, sự kiện ra làm bằng cớ” (Từ điển Tiếng Việt).
Trong nghị luận văn học, dẫn chứng là những tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn học
cụ thể được đưa ra nhằm làm sáng tỏ vấn đề, giúp bài nghị luận có sức thuyết phục hơn.
b. Yêu cầu của dẫn chứng
Dẫn chứng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên khi đưa dẫn chứng vào bài văn
nghị luận, học sinh cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: Dẫn chứng phải chính xác
4
Nếu không đảm bảo được yếu tố chính xác, dẫn chứng sẽ không làm sáng rõ
được luận điểm. Đối với dẫn chứng là thơ, người viết cần trích dẫn đúng nguyên
văn. Đối với văn xuôi thì tóm lược ý nhưng cần đảm bảo tính chính xác về nội dung,
tác giả, tác phẩm. Có không ít trường hợp trích dẫn sai dẫn chứng, chẳng hạn như
trường hợp trích dẫn ngữ liệu từ bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng: Trôi
dòng nước lũ hoa đung đưa (Đúng phải là Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa); hoặc
trích dẫn thiếu chi tiết quan trọng dẫn tới hiểu sai vấn đề như trong “Hai đứa trẻ”
của nhà văn Thạch Lam. Lý do An và Liên cố thức để đợi tàu là vì An và Liên đã
buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn gượng thức đến khi tàu xuống để bán hàng theo lời
mẹ dặn ( Đúng phải là Liên không trông mong còn ai đến mua nữa và em cố thức là
vì cớ khác, vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của
đêm khuya)
Những sai sót này ảnh hưởng không nhỏ đến tính thuyết phục của bài văn nghị
luận. Do đó, lấy dẫn chứng trong văn nghị luận phải đảm bảo sự chính xác
Thứ hai: Dẫn chứng phải cần và đủ
Trước hết, người viết cần xác định dẫn chứng bắt buộc cần phải có căn cứ vào
giới hạn phạm vi tư liệu trong đề bài. Bên cạnh những dẫn chứng mang tính chất bắt
buộc người viết cần đưa thêm những dẫn chứng để có sự liên hệ, so sánh.
Bài văn nghị luận cần có đủ dẫn chứng. Lấy quá ít dẫn chứng thì vấn đề nghị
luận sẽ không được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, nếu đưa quá nhiều dẫn chứng vào bài sẽ
khiến bài văn nghị luận bị loãng. Bởi vậy, khi đưa dẫn chứng vào bài cần lưu ý yếu
tố cần và đủ, không thiếu dẫn chứng nhưng cũng không có quá nhiều dẫn chứng.
Việc đưa dẫn chứng tùy thuộc vào việc có bao nhiêu vấn đề được nêu ra trong luận
điểm. Thông thường, với mỗi một lí lẽ, người viết cần đưa ra ít nhất một dẫn chứng
đi kèm.
Thứ ba: dẫn chứng phải điển hình, tiêu biểu,có tính mới
Ngoài việc đưa dẫn chứng phong phú, người viết còn cần biết chọn lọc dẫn
chứng, ưu tiên những dẫn chứng điển hình và tiêu biểu cho thời kì, giai đoạn, trào
lưu văn học. Những tác phẩm văn học được lựa chọn cũng cần tiêu biểu cho phong
cách, sự nghiệp của tác giả. Đồng thời cũng cần chú ý tới các tác phẩm mới (ngoài
5
chương trình SGK) để tạo nên sức hấp dẫn riêng trong bài làm, thể hiện được vốn
kiến thức phong phú, cập nhật của người viết
Ví dụ: khi viết về phong trào Thơ mới không thể không nhắc tới các tác phẩm
của những đại diện tiêu biểu như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Nguyễn
Bính...; trào lưu hiện thực phê phán của Việt Nam giai đoạn 1930-1945 có các đại
diện như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên
Hồng…văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu,
Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng…
Thứ tư: dẫn chứng phải logic và hệ thống
Khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận, người viết cần đảm bảo tính hệ thống.
Nghĩa là các dẫn chứng phải được sắp xếp theo một trình tự, quy luật nhất định. Ví
dụ như việc sắp xếp dẫn chứng theo trục thời gian tuyến tính (từ lịch sử, quá khứ
đến thời điểm hiện tại). Hoặc theo chiều không gian (từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần,
…. hoặc ngược lại). Tính hệ thống sẽ giúp cho người viết tránh được tình trạng đưa
dẫn chứng một cách tràn lan và mất kiểm soát.
Thứ năm: dẫn chứng phải được phân tích.
Khi đưa dẫn chứng vào bài, cần kết hợp với việc phân tích, đánh giá dẫn
chứng. Thao tác này sẽ khiến cho dẫn chứng phát huy hết vai trò, hiệu quả. Nếu
không phân tích, đánh giá, bài văn sẽ trở nên hời hợt, sáo rỗng, không sâu sắc và
không đủ sức thuyết phục người đọc. Để làm được điều này, người viết cần hiểu
đúng, đánh giá đúng và cảm thụ đúng về giá trị của dẫn chứng. Khi phân tích, chỉ
lựa chọn nội dung phù hợp, có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận chứ không
phân tích tỉ mỉ, chi tiết toàn bộ dẫn chứng ở tất cả các phương diện.
c. Phân loại dẫn chứng
Dẫn chứng có vai trò quan trọng trong văn nghị luận. Trong bài văn nghị luận
có hai loại dẫn chứng là dẫn chứng bắt buộc và dẫn chứng mở rộng.
Dẫn chứng bắt buộc là dẫn chứng nằm trong phạm vi giới hạn yêu cầu của đề.
Còn dẫn chứng mở rộng là loại dẫn chứng nằm ngoài phạm vi trên do người viết
đưa ra để liên hệ, đối chiếu, so sánh nhằm làm sáng tỏ thêm vấn đề nghị luận.
6
Ví dụ 1: Có ý kiến cho rằng: cảm xúc trong thơ trữ tình vừa tươi mới vừa đầy
tính chiêm nghiệm.
Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ ý kiến đó qua bài thơ Vội
vàng của Xuân Diệu.
Ở đề này, bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu là dẫn chứng bắt buộc mà người
viết phải trích dẫn, phân tích.
Nhưng trong quá trình viết bài, người viết có thể so sánh với các bài thơ khác
của Xuân Diệu, của nhiều nhà thơ cùng thời khác để làm nổi bật sự tươi mới và tính
chiêm nghiệm trong cảm xúc của Xuân Diệu trong Vội vàng. Tất cả những tác phẩm
trích dẫn ngoài bài thơ Vội vàng đều là những dẫn chứng mở rộng.
Ví dụ 2: Trả lời phỏng vấn của báo Văn Nghệ số Tết Bính Dần (1986) Nguyễn
Tuân nói: “ Tôi quan niệm đã viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng của
riêng mình. Văn chương cần sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”.
Bằng hiểu biết về các tác phẩm tiêu biểu của một trong số các nhà văn Thạch
Lam, Nam Cao, hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Với đề này, trước hết học sinh phải lựa chọn một trong số hai tác giả Thạch
Lam, Nam Cao. Chọn và phân tích các tác phẩm tiêu biểu nhất để làm rõ cái tạng
của nhà văn. Đó là các dẫn chứng bắt buộc. Ví dụ như viết về tác giả Thạch Lam thì
có thể chọn các tác phẩm như: Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa, Dưới
bóng hoàng lan...; tác giả Nam Cao thì có thể chọn: Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa,
Sống mòn...
Đồng thời, người viết cần so sánh, đối chiếu với các tác giả khác như: Nguyễn
Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu ... để làm nổi bật cái
tạng riêng của Thạch Lam hoặc Nam Cao. Đây chính là các dẫn chứng mở rộng.
Khi xác định rõ ràng hai loại dẫn chứng, người viết cần tập trung phân tích
khai thác dẫn chứng bắt buộc một cách triệt để và sâu sắc. Tránh tình trạng dẫn
chứng mở rộng lại nhiều hơn, khai thác sâu hơn dẫn tới việc lấn át cả dẫn chứng bắt
buộc. Nghĩa là dẫn chứng mở rộng chỉ được đưa ra để góp phần liên hệ, so sánh
nhằm làm nổi bật vấn đề, thể hiện tầm hiều biết rộng rãi của người viết.
7
Trong những năm gần đây, đề văn đòi hỏi người viết tự lựa chọn dẫn chứng
dựa trên những trải nghiệm văn học của bản thân.
Ví dụ 3: Nhà thơ Huy Cận khi bàn về sự giao thoa giữa các phương pháp sáng
tác, trào lưu, thể loại...đã khẳng định: Tác phẩm cao đẹp thì bất chấp sự chia ô hoặc
nói đúng hơn là cái hay, cái đẹp đó nó tràn ngập các ô mà chúng ta đã ngăn sẵn.
Anh( chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của anh chị về văn học,
hãy chọn những tác phẩm anh chị cho là thể hiện rõ nhất sự giao thoa để làm sáng tỏ
nhận định trên.
Để làm sáng tỏ vấn đề trong đề bài trên thì người viết phải tự mình xác định và
lựa chọn dẫn chứng cho phù hợp, tiêu biểu. Học sinh có thể triển khai trên nhiều
trục giao thoa như phương pháp sáng tác, thể loại, tư tưởng ...trên những tác giả tiêu
biểu trong chương trình là Tú Xương (trào phúng – trữ tình); Thạch Lam, Quang
Dũng (hiện thực – lãng mạn); Xuân Diệu (truyện – thơ); Thanh Thảo (tượng trưng –
siêu thực)...Học sinh có thể dùng dẫn chứng ngoài chương trình, văn học nước
ngoài...miễn sao phân tích được giá trị của sự giao thoa ấy tạo nên cái hay, cái đẹp
cho tác phẩm.
Ở kiểu đề này, không yêu cầu quá nặng về kiến thức lí luận mà đánh giá cao
sự thông minh và sắc sảo của học sinh trong việc lựa chọn và phân tích dẫn chứng.
2. Cơ sở thực tiễn
2.1. Người dạy
Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn, không ít giáo viên chỉ chú trọng vào
việc hướng dẫn học sinh khám phá, cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học
ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật mà coi nhẹ việc dạy kĩ năng làm văn.
Như vậy, những giáo viên này đã không quan tâm tới một cái đích quan trọng khác
của việc học văn là dạy kĩ năng diễn đạt, lập luận và tạo lập văn bản, năng lực vận
dụng kiến thức giải quyết vấn đề cụ thể.
Sở dĩ, giáo viên ngại dạy kĩ năng làm văn vì đây là một công việc khó, đòi hỏi
người dạy phải kiên trì, đầu tư nhiều thời gian, công sức. Giờ dạy kĩ năng viết
không có những giây phút thăng hoa trong cảm xúc văn chương, khô khan nên khó
tạo hứng thú cho học sinh.
8
2.2. Người học
Đa số học sinh không có nhiều hứng thú trong giờ học viết vì khô khan, thực
hành nhiều, khổ công luyện rèn, thay đổi kết quả không tức thì. Lười viết, ngại chữa
bài là tâm lí chung của các em. Chính vì thế, nhiều em thích học văn, kiến thức văn
chương có nhưng bài viết nhiều lỗi, kết quả không cao. Và một trong những hạn chế
đó là thiếu kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng.
Sai lầm thường gặp khi chọn và phân tích dẫn chứng trong văn nghị luận của
học sinh thường là:
- Chọn dẫn chứng theo cảm tính: chọn cái mình thích, mình học tủ, không sát
hợp với vấn đề, không tiêu biểu nên khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
- Trích dẫn sai, làm ảnh hưởng đến tính xác thực của văn bản nghị luận.
- Đưa dẫn chứng không kết hợp với việc phân tích dẫn chứng, khiến lí lẽ đưa
ra trở nên hời hợt và không sâu sắc. Phân tích dẫn chứng chung chung, không bám
sát, làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Có khi phân tích dẫn chứng rất hay, rất sâu sắc
nhưng bỏ lửng, không chốt vấn đề, không hướng về vấn đề nghị luận. Phân tích
không hướng về vấn đề cần làm sáng tỏ, thiếu nhuần nhuyễn khiến cho bài viết là sự
lắp ghép cơ học giữa phần kiến thức lí luận và phần kiến thức tác phẩm.
- Đưa những dẫn chứng quá quen thuộc làm giảm đi tính hấp dẫn của bài viết.
- Dẫn chứng quá ít, không đủ sức thuyết phục cho luận điểm. Hoặc đưa quá
nhiều dẫn chứng vào bài khiến bài văn lan man, sáo rỗng và không sâu sắc.
Những nguyên nhân trên khiến cho bài viết rời rạc, không thuyết phục, không
thể hiện được vốn kiến thức phong phú, hoặc ngược lại, người viết không đủ thời gian
hoàn thành bài viết.
9
CHƯƠNG II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP RÈN KĨ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN
TÍCH DẪN CHỨNG TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
Xuất phát từ những vấn đề lí luận và thực tiễn, chúng tôi đề xuất một số giải
pháp rèn kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng như sau:
1. Kĩ năng chọn dẫn chứng
1.1. Lựa chọn dẫn chứng phù hợp với vấn đề nghị luận.
Vấn đề nghị luận được đặt ra trong một đề thi học sinh giỏi thường là những
đánh giá về một hay vài mảng nội dung liên quan đến vấn đề lí luận văn học như:
Đặc trưng; chức năng văn học, thể loại (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch); phong
cách nghệ thuật; nhà văn và quá trình sáng tác; tiếp nhận văn học … Học sinh phải
xác định chính xác vấn đề nghị luận, phạm vi giới hạn kiến thức để lựa chọn, phân
tích dẫn chứng nhằmm làm sáng tỏ vấn đề.
Ví dụ: một số đề thi Học sinh giỏi Quốc gia những năm gần đây
1. Mỗi hình tượng nhân vật phụ nữ thực sự thành công bao giờ cũng là kết quả
của sự phát hiện sâu sắc về nữ tính. Bằng việc phân tích một số nhân vật phụ nữ
tiêu biểu trong các tác phẩm đã học từ văn học dân gian đến văn học hiện đại,
anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên. (Năm 2011)
2. Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể
hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên (Năm 2014)
3. Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự
sống bằng tâm trí của người đọc. Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình,
bạn hãy bình luận ý kiến trên (Năm 2015)
4. Marcel Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà
mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Tô
Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Bằng trải
nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy bình luận những nhận định trên. (Năm
2016)
Yêu cầu đặt ra với phần giải thích của dạng đề này là học sinh phải khám phá
những từ ngữ quan trọng trong nhận định, để từ đó nhận ra vấn đề cần nghị luận.
10
- Với đề thi năm 2011:
Học sinh cần nhận thức về đề như sau: Nhận định nêu trong đề bài nhấn mạnh
việc phát hiện phương diện nữ tính của người phụ nữ trong quá trình sáng tạo là
nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của hình tượng nhân vật phụ nữ trong
tác phẩm. Đồng thời thấy được, nhận định cũng gián tiếp đề cập đến một yêu cầu
không thể thiếu đối với người nghệ sĩ chân chính: gắn bó với đời sống, hiểu biết kĩ
lưỡng về cuộc sống, về con người; trong đó, có việc nhận thức thực sự sâu sắc về
giới. Cần chỉ rõ: đây là một nhận định đúng đắn, sâu sắc đề cập đến một trong
những yêu cầu cao về chất lượng đối với sáng tạo nghệ thuật.
Sau khi xác định đúng vấn đề nghị luận, người viết cần lựa chọn được một số
hình tượng nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong các tác phẩm từ văn học dân gian cho
đến văn học hiện đại đã học, không hạn định về thể loại, về tác phẩm trong nước
hay nước ngoài. Có thể chọn các bài ca dao có mô típ mở đầu là Thân em, Truyện
Kiều, Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Xuân Quỳnh, nhân vật Phăng-tin
(Những người khốn khổ)…
- Với đề thi năm 2014:
Học sinh cần tập trung vào các từ ngữ Văn học chân chính ;cái xấu, cái ác;
cái đẹp, cái thiện để xác định vấn đề nghị luận là một quy luật của văn học nói riêng
và nghệ thuật nói chung: luôn luôn hướng đến cái đẹp. Ngay cả khi nói về cái xấu,
cái ác cũng phải là tạo “cớ” để thể hiện khát vọng vươn tới cái cao cả và đẹp đẽ, để
bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ của con người. Đó cũng chính là giá trị thẩm mỹ của
văn học.
Như vậy, có thể chọn lựa các tác phẩm như: Tấm Cám, Truyện Kiều (Nguyễn
Du), Chí Phèo (Nam Cao), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Chiếc thuyền ngoài xa
(Nguyễn Minh Châu), Nhà thờ Đức Bà Paris (Victor - Hugo)…
- Với đề thi năm 2915:
Ý kiến trên đã khẳng định: Hình tượng nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng
mang dấu ấn mạnh mẽ của chủ quan nhà văn, bộc lộ tiếng nói riêng, phong cách độc
đáo của người nghệ sĩ. Mỗi hình tượng nhân vật điển hình lại tỏa chiếu ra một ánh
sáng riêng. Nhà văn phải chăng cũng là người thổi linh hồn mình vào trong hình
11
tượng nhân vật để dù mang những phẩm chất đặc trưng, phổ quát của thế giới hiện
thực, nó vẫn có một sức sống riêng, một cuộc đời cá biệt trong “tâm trí của người
đọc” tầm quan trọng và giá trị biểu hiện của hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Đó
cũng là cơ sở để đánh giá tư tưởng nhà văn và giá trị của toàn bộ tác phẩm.
Ở đề này, người viết có thể chọn các hình tượng Từ Hải (Truyện Kiều), Huấn
Cao (Chữ người tử tù), Mị (Vợ chồng A Phủ)…Trương Ba (Hồn Trương Ba, da hàng thịt)
- Đề thi năm 2016:
Có hai ý kiến khác nhau nhưng cùng bàn về sự sáng tạo của người nghệ sĩ vừa
mang dấu ấn cá nhân độc đáo, lại vừa in dấu ấn của thời đại. Đó là quy luật của sáng
tạo nghệ thuật.
Các dẫn chứng có thể lựa chọn Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Số đỏ (Vũ Trọng
Phụng), Tây Tiến (Quang Dũng), Vợ nhặt (Kim Lân), Đất nước (Nguyễn Đình Thi),
Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)…
Phần giải thích trong nghị luận văn học đòi hỏi người viết phải nắm vững
những kiến thức lí luận văn học, bởi nó là nền tảng cho mọi sự giải thích, cắt nghĩa,
lí giải. Tất cả các nhận định được đưa ra bàn bạc trong đề thi đều hướng đến một
vấn đề nào đó của lí luận văn học. Để xác định đúng vấn đề nghị luận, thông thường
người viết cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Giải thích khái niệm, từ khóa, các vế câu (nếu có) trong nhận định.
Bước 2: Khái quát nội dung nhận định, rút ra vấn đề cần bàn luận
Bước 3: Vận dụng cơ sở lí luận để lí giải vấn đề.
Trên cơ sở đó, lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu và phân tích dẫn chứng
để làm sáng tỏ vấn đề.
1.2. Lựa chọn dẫn chứng dựa theo phạm vi, yêu cầu của đề
Mỗi đề thi sẽ có một yêu cầu về phạm vi tư liệu riêng. Có đề thi có phạm vi
hẹp: về một tác phẩm, tác giả cụ thể. Có đề thi rộng hơn, yêu cầu dẫn chứng trong
chương trình Ngữ văn THPT. Kiểu đề thi có giới hạn phạm vi rộng nhất là bằng trải
nghiệm văn học của bản thân hoặc không có giới hạn… Người viết cần đọc kĩ và
tuân thủ những yêu cầu này.
12
Ví dụ 1: ‘‘Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính
người cho con người’’
(Nguyên Ngọc - Báo Văn nghệ số 31/10/1987)
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy trình bày suy nghĩ của mình dựa
trên hiểu biết về truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân ) và Đời thừa (Nam Cao).
Như vậy dẫn chứng bắt buộc cần lựa chọn là truyện ngắn Chữ người tử tù
(Nguyễn Tuân ) và Đời thừa (Nam Cao).
Ví dụ 2: Nhà văn Pautôpxki quan niệm: “Sáng tác của nhà văn là để cho cái
đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho
cái cao rộng của tâm hồn, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để
chúng vĩnh viễn rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”.
(Trích Bông hồng vàng và bình minh mưa, Nxb Văn học, 2010)
Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm trên? Hãy làm sáng tỏ qua một vài tác
phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn 11 THPT.
Dẫn chứng cần lựa chọn: tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn 11
THPT như: Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chí Phèo (Nam Cao), Chữ người tử tù
(Nguyễn Tuân), Vội vàng (Xuân Diệu), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) Từ ấy (Tố
Hữu), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), Rô-mê-ô và Giu-li-ét (U.Sếch-xpia),
Những người khốn khổ (Victor - Hugo)…Lưu ý: Nên chọn các tác phẩm đại diện
cho các thể loại khác nhau: Thơ, truyện, kịch.
Ví dụ 3: Alice Munro, bậc thầy truyện ngắn đương đại được trao giải Nobel
năm 2013, từng chia sẻ: "Khi viết truyện ngắn, bạn phải cẩn thận để không làm nó
giống thơ ca".
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một tác phẩm
truyện ngắn trong giai đoạn 1930-1945.
Dẫn chứng cần lựa chọn: truyện ngắn giai đoạn: 1930 - 1945. Có thể lựa chọn
một trong số các tác phẩm tiêu biểu sau: Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chí Phèo (Nam
Cao), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)…
Ví dụ 4: “Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do
đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng…Thơ ca chân chính phải là
13
nguồn thức ăn tinh thần, nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện
tinh thần êm ái mà nhỏ nhen, độc hại…” (Phương Lựu)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một số bài thơ
trong phong trào Thơ Mới.
Học sinh tự lựa chọn một số bài Thơ Mới (trong hoặc ngoài chương trình) để
chứng minh song yêu cầu tác phẩm phải tiêu biểu, phù hợp vấn đề lý luận và biết
thông qua tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề lý luận.
Ví dụ 5: Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho
người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi
những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình. (Nguyễn
Ngọc Tư)
Bằng những hiểu biết về văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Học sinh có thể lựa chọn một số những tác phẩm tiêu biểu, phù hợp với năng
lực, sở thích của bản thân để làm dẫn chứng. Gợi ý: Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du,
Đời thừa của Nam Cao, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử…
1.3 Lựa chọn ngữ liệu dựa theo hiểu biết, sở trường của bản thân người viết
Sau khi đã liệt kê tất cả các ngữ liệu đảm bảo các yêu cầu về kiến thức LLVH,
hạn định của đề, học sinh lựa chọn những ngữ liệu dựa theo năng lực văn chương
của bản thân. Lựa chọn các tác phẩm, các tác giả, vấn đề mà mình hiểu biết nhất,
tâm đắc nhất, mới mẻ nhất. Điều đó giúp học sinh thể hiện hết hiểu biết, khả năng
cảm thụ và tạo được sự sáng tạo nhất.
1.4 Lựa chọn dẫn chứng mới mẻ phát huy tính sáng tạo.
Với những đề mở, để “đất” cho học sinh chọn dẫn chứng, các em có thể chọn
những ngữ liệu nằm ngoài chương trình. Điều này giúp bài viết có tính mới, tránh
nhàm chán, thể hiện vốn kiến thức phong phú của học sinh.
Ví dụ: “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó,
sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người"? (Đề thi HSG Quốc gia 2019)
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.
Ngoài các tác phẩm trong chương trình, học sinh có thể lựa chọn các tác phẩm
văn học giá trị như: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Tướng về hưu của
14
Nguyễn Huy Thiệp, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, các tác phẩm thơ của Anh Ngọc,
Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo, Lê Thị Mây, Thanh Thảo, Nguyễn
Duy, Vương Trọng, Y Phương…Thơ tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến, Dư Thị
Hoàn, Vi Thùy Linh…
2 Kĩ năng phân tích dẫn chứng
2.1. Dẫn dắt, giới thiệu dẫn chứng
Đưa dẫn chứng trong bài văn nghị luận đòi hỏi người viết cần có bước dẫn dắt
và giới thiệu. Cần lưu ý đảm bảo lời giới thiệu ngắn gọn, ấn tượng và hướng tới vấn
đề nghị luận.
Ví dụ 1: Có ý kiến cho rằng: cảm xúc trong thơ trữ tình vừa tươi mới vừa đầy
tính chiêm nghiệm.
Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ ý kiến đó qua bài thơ Vội
vàng của Xuân Diệu.
Giới thiệu tác giả Xuân Diệu và bài thơ Vội vàng:
Thơ trữ tình là thể loại văn học lưu trữ nhiều nhất tình cảm, cảm xúc của con
người. Và có tâm trạng của con người chỉ có thể diễn tả bằng thơ. Vì vậy, thơ là
tiếng nói của trái tim, của tâm hồn. Bằng tâm hồn tinh tế của người nghệ sĩ, cùng
với phong cách thơ độc đáo, Xuân Diệu đã rất thành công khi diễn tả những cung
bậc cảm xúc và gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình vào thi phẩm Vội vàng.
Thơ ca Việt Nam đầu những năm 1930 đã diễn ra một cuộc đổi mới mạnh mẽ
ghi danh những nhà thơ mới với những cá tính mạnh mẽ. Thơ mới là một nhánh rẽ
đầy ngoạn mục của thơ ca Việt Nam - đây là thời điểm thơ ca chính là mảnh đất màu
mỡ vun trồng những hồn thơ tài ba. Trên mảnh đất nghệ thuật ấy, các nhà thơ thỏa
sức gieo trồng và đã gặt hái được một mùa bội thu. Vội vàng mang vẻ đẹp của sự
tươi mới của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu đồng thời mang một quan niệm sống đúng
đắn và tích cực.
Ví dụ 2: Giới thiệu bức thư pháp trong Chữ người tử tù (đề 2013)
Người Việt ta từ xưa đã có câu “nét chữ, nết người” để khẳng định việc viết
chữ đẹp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, hình thành nhân cách con
người. Với Nguyễn Tuân - con người tài hoa uyên bác, mọi thứ đều có thể hóa
15
thành nghệ thuật, đều mang cái đẹp và hướng theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Ông say
mê sáng tạo để tìm tòi, khám phá những nét đẹp trong đời sống. Trong Chữ người tử
tù, Nguyễn Tuân hướng ngòi bút của mình vào hình tượng một bức thư pháp đẹp và
quý. Và qua bức thư pháp ấy, độc giả ngộ ra bao giá trị đích thực của nghệ thuật, của
nhân cách con người.
Ví dụ 3:
Nhà thơ Huy Cận khi bàn về sự giao thoa giữa các phương pháp sáng tác, trào
lưu, thể loại...đã khẳng định: Tác phẩm cao đẹp thì bất chấp sự chia ô hoặc nói
đúng hơn là cái hay cái đẹp đó nó tràn ngập các ô mà chúng ta đã ngăn sẵn.
Anh( chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của anh chị về văn học,
hãy chọn những tác phẩm anh chị cho là thể hiện rõ nhất sự giao thoa để làm sáng tỏ
nhận định trên.
Giới thiệu về sự giao thoa giữa chất tự sự và trữ tình trong thơ Tú Xương: Tú
Xương xuất hiện trên văn đàn Việt Nam với hai tư cách: nhà thơ trữ tình và nhà thơ
trào phúng. Lẽ dĩ nhiên, thật khó để phân định rạch ròi phần đóng góp của ông ở
mảng thơ nào là nhiều hơn. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng khẳng định:
“… Thơ Tú Xương đi bằng cả hai chân hiện thực và trữ tình…” Bài thơ Thương vợ
của Tú Xương là một minh chứng khá đầy đủ cho điều này.
2.2. Phân tích dẫn chứng
2.2.1. Phân tích theo diện
Phân tích theo diện là cách phân tích bao quát các tác phẩm, vấn đề văn học
tiêu biểu nhất có thể làm sáng tỏ cho vấn đề, nhắc lướt qua theo kiểu liệt kê, hoặc
mỗi dẫn chứng viết phân tích 1 đến 2 câu văn.
Ví dụ 1: Với Đề HSG Quốc gia năm 2019,
Đoạn phân tích diện, có thể viết:
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong tương lai không xa, có thể một
cỗ máy hay người máy, robot sẽ thay thế nhà văn viết một tác phẩm văn chương
hoàn chỉnh. Nhưng robot có thể miêu tả phong cảnh thiên nhiên, nhưng chỉ có ngòi
bút của nhà văn mới lột tả được cảnh mang niềm vui hay cảnh đeo sầu. Và cũng chỉ
ngòi bút nhà văn mới ghi lại được thế giới cảm xúc lúc mãnh liệt tuôn trào, lúc dịu
16
dàng, đằm thắm, lúc mơ hồ mong manh, lúc day dứt khôn nguôi…của con người.
Cỗ máy có thể chứng kiến, miêu tả cảnh Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân nhưng
chỉ có Nguyễn Du mới ghi lại đến tận cùng sự đau khổ đến chết đi sống lại của nàng
Duyên này thì giữ, vật này của chung…Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây. Hay
như robot thì có thể miêu tả cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục trong trại giam tỉnh
Sơn nhưng chỉ có nhà văn Nguyễn Tuân mới diễn tả được sự tỏa sáng của thiên
lương; sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao cả trong chốn tù ngục ấy…
Ví dụ 2: Nhà phê bình Nga Bêlinxki viết: "Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó
miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca
tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó."
Bằng sự hiểu biết về văn học, anh/chị hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đoạn phân tích diện, có thể viết:
Các nhà văn, nhà thơ nhờ sự soi sáng của lí tưởng Đảng, nhờ giác ngộ cách
mạng đã giải quyết những câu hỏi về con người, cuộc đời trực tiếp hơn. Nhà văn
Kim Lân khi viết Vợ nhặt đã hé mở một khe cửa duy nhất cho những người nông
dân đang đứng bên bờ vực của cái chết là tham gia cách mạng với những người
cùng khổ. Tô Hoài qua Vợ chồng A Phủ đã chỉ rõ con đường mà những số phận trâu
ngựa, những kiếp sống nô lệ cần phải đi chính là tìm đến với cách mạng. Nhà thơ Tố
Hữu qua bài Tiếng hát sông Hương đã chỉ ra tương lai tươi sáng cho những kiếp kĩ
nữ tủi nhục, ê chề nhờ nhận thức về sự đổi thay biện chứng của cuộc đời, nhờ nhân
sinh quan cách mạng khỏe khoắn.
Ví dụ 3: Một nhà văn từng viết: Tôi không thể tưởng tượng nổi một nhà văn
mà lại không mang nặng trong mình một tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu
thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là niềm hân hoan, say mê
vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận,
hạnh phúc của con người chung quanh mình.
Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên.
Đoạn phân tích diện, có thể viết:
Ta bắt gặp những cung bậc phong phú trong bản nhạc tâm hồn của những nhà
văn trong các tác phẩm của mình. Đó là niềm hân hoan của các tác giả dân gian khi
17
cái ác bị trừng trị thích đáng, người tốt bụng, hiền lành có cuộc sống ấm no, hạnh
phúc trong Thạch Sanh, Tấm Cám, Sọ Dừa..; niềm đau đớn khắc khoải của Nam
Cao trước tình trạng danh dự nhân phẩm của con người bị xói mòn, đè nặng vì gánh
nặng áo cơm trong các tác phẩm Đời thừa, Sống mòn, Giăng sáng…; nỗi quan hoài
về số phận, hạnh phúc của con người đời thường, nhỏ bé của Nguyễn Minh Châu
trong Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa…; nỗi trăn trở đến đau đớn xót xa của Vương
Trọng, Hữu Thỉnh, Lê Đình Cánh về những mất mát bởi chiến tranh mà cả dân tộc
phải chịu đựng, gồng gánh hằng bao thập kỉ tàn khốc.
Ví dụ 4: Với đề văn: Cuộc bể dâu mà con người nhìn thấy trong văn thơ dân
tộc là máu trong trái tim của người nghệ sĩ. (Tố Hữu).
Anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du.
Đoạn phân tích diện, có thể viết:
Sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của thế kỉ XVII, Nguyễn Du đã
nếm trải cơn dâu bể cuộc đời. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc
nhưng sớm mồ côi cha mẹ. Cơn lốc lịch sử đã hất đổ hết lầu son gác tía, đẩy
Nguyễn Du vào cuộc sống lay lắt, tha hương, tận cùng khổ cực của dân đen. Con
người đã từng khao khát một sự nghiệp vẫy vùng cho phỉ chí ấy rút cục phải chấp
nhận cuộc đời triền miên buồn chán, không có lấy một hoạt động say sưa và nhất
quán vì lí tưởng nào cả. Tố Như đã sống như một người dân thường giữa thế gian,
nhìn đời bằng con mắt của người đứng giữa dông tố cuộc đời. Từ chính những điều
trông thấy mà đau đớn lòng, nhà thơ đã cầm bút viết lên những vần thơ huyết lệ,
thấm quyện nỗi đau của Người, và của mình; khóc cho người và cho mình. Chính
điều đó khiến các tác phẩm của ông hàm chứa chiều sâu chưa từng có trong thơ văn
dân tộc. Hiện thực bể dâu cuộc đời được phản chiếu chân thực, cụ thể qua từng phận
người nhỏ nhoi mà nỗi đau đớn, oan khuất đã lay động đến tận trời xanh. Đó là
những hài nhi Lỗi giờ sinh lìa mẹ, lìa cha; những người buôn thúng bán bưng Đòn
gánh tre chín rạn hai vai; những người đàn bà màn lan trướng huệ Gặp cơn thay đổi
sơn hà/ mảnh thân chiếc lá biết là về đâu (Văn tế thập loại chúng sinh); những
khách má hồng truân chuyên như Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh); người ca nữ
18
đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca) hay nàng Tiểu Thanh trong bài thơ Độc
Tiểu Thanh kí.
Ví dụ 5: Với đề văn: Có ý kiến cho rằng: cảm xúc trong thơ trữ tình vừa tươi
mới vừa đầy tính chiêm nghiệm.
Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ ý kiến đó qua bài thơ Vội
vàng của Xuân Diệu.
Đoạn phân tích diện, có thể viết:
Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu vẫn được khám phá, cảm nhận theo một cách
riêng và đặc biệt tươi mới. Nó không là cảnh sông dài, trời rộng ảo não trong thơ
Huy Cận; nó cũng không phải là giậu mồng tơi, hoa xoan, giàn giầu, cây cau như
trong thơ Nguyễn Bính hay nó cũng không đầy bóng trăng ma quái trong thơ của
Hàn Mặc Tử…
2.2.2. Phân tích theo điểm
Phân tích theo điểm nghĩa là dừng lại ở 2 đến 3 dẫn chứng mà mình thấy tâm
đắc nhất hoặc đề giới hạn để phân tích sâu để làm rõ vấn đề. Cần chú ý tới việc tư
duy lại tác phẩm theo định hướng của đề, làm sáng tỏ vấn đề được nhắc tới trong đề
chứ không phân tích lại tất cả những gì mình biết về nó.
Ví dụ 1: Đoạn phân tích dẫn chứng điểm cho đề văn: Cuộc bể dâu mà con
người nhìn thấy trong văn thơ dân tộc là máu trong trái tim của người nghệ sĩ. (Tố
Hữu), có thể viết:
Chiến tranh là một đề tài không hề mới. Nhưng liệu văn học trước 1975 đã
phản ánh hết cái khốc liệt, cái mất mát, đau thương của con người hay chỉ viết về cái
hào hùng của cuộc chiến, cái phơi phới trong tâm hồn người ra trận? Trong Nỗi
buồn chiến tranh, Bảo Ninh, từ nỗi đau rất con người, đã có góc nhìn mới về cái
khốc liệt, ghê rợn, bạo tàn của chiến tranh: “… Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng
cây bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục... Tất cả bị na-pan tróc khỏi
công sự, hóa cuồng… Máu xối xả, tung tóe, ồng ộc, nhoen nhoét trên cái trảng cỏ
hình thoi… ” . Cuộc bể dâu thời đại đã đi vào trang văn Bảo Ninh không chỉ bằng
những điều mắt thấy tai nghe của một nhân chứng sống, mà còn bằng nỗi đau lớn,
ngấm sâu vào lòng, ám ảnh, day dứt của một người trong cuộc. Vì thế, ông hiểu
19
thẳm sâu trong con người, trước ranh giới sự sống và cái chết là niềm khát khao
được sống “Miễn là không ngỏm trong mùa khô”; là sự cật vấn lương tâm: Con
người học được gì về lòng nhân ái, về nhân tính trong chiến tranh, qua những cuộc
bắn giết đồng loại? Ông nhìn thấy: Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang
thang khốn khổ và phiêu bạt…
Bên cạnh việc hiểu, đồng cảm với những gì bình thường nhất, thậm chí hèn yếu
nhất của con người, Bảo Ninh nhờ máu trong tim đã hiểu được giá trị tình yêu – thứ
mà không cuộc dâu bể nào có thể nhấn chìm. Dù không nhiều, dù bị nỗi sợ, nỗi lo
của chiến tranh lấn át, sức mạnh tình yêu vẫn len lỏi đâu đó, nở thành đóa hoa
xương rồng giữa sa mạc nhuốm máu. Từ Hạnh, người đã cho Kiên những rối loạn
cảm xúc đầu đời; đến Hòa, người giao liên hi sinh trên chiến trường để đồng đội
được sống sót; rồi Hiền, người chiến binh tàn tật sống vội vã với Kiên một đêm dư
âm cuối cùng, dư âm muộn màng của những ngày giã từ cuộc chiến; đến người đàn
bà câm là hầm trú ẩn của Kiên trong giây phút hoang mang, cô độc nhất của tâm
hồn thời hậu chiến. Và sau cùng là Phương, người đàn bà hữu hình hay vô hình đã
lôi Kiên khỏi bàn tay thần chết và trói anh mãi mãi với tình yêu. Những người phụ
nữ đó đã không nắm vận mệnh một ai, họ là vận mệnh, họ là định mệnh.
Ví dụ 2: Với đề văn: Có ý kiến cho rằng: cảm xúc trong thơ trữ tình vừa tươi
mới vừa đầy tính chiêm nghiệm.
Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ ý kiến đó qua bài thơ Vội
vàng của Xuân Diệu.
Khu vườn xuân trong Vội vàng quả thực đã được nhìn bằng cảm xúc tươi mới.
Vì vậy, cái thiên đường ấy lên hương, lên nhạc, lên sắc và lên cả tình nữa. Toàn bộ
cảnh vật như một bàn tiệc của tạo hóa, tươi mới, hấp dẫn và quyến rũ như một người
tình khêu gợi, đắm say. Và thi sĩ của chúng ta cũng hưởng thụ thiên nhiên như
hưởng thụ ái tình, yêu thiên nhiên hay thực chất là tình tự với thiên nhiên (Nguyễn
Đăng Mạnh). Có lẽ trước Xuân Diệu và trong thơ Việt Nam sau này, người yêu thơ
chưa bao giờ được biết đến cảm giác Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Nhưng câu thơ đã khiến mỗi người đọc dâng trào cảm xúc của tình yêu lứa đôi. Tình
yêu với những cảm xúc ái ân, tình tự mà có lẽ trong những năm 30 của thế kỉ XX
20
nhiều độc giả còn đỏ mặt, e thẹn nhưng trái tim lại rạo rực đập những nhịp gấp gáp
đến cuồng say, si mê. Là con người với đúng nghĩa nhân bản nhất làm sao chống lại
được sức sống thanh tân quyến rũ của một người tình nóng bỏng, trinh nguyên.
Đoạn thơ có 7 dòng thơ mà thách thức cả hội họa, âm nhạc và điện ảnh nữa. Vì bức
tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và căng tràn sức sống ấy là tổng hòa những gì đẹp nhất,
thắm đượm sắc hương nhất và quyến rũ nhất. Đây là ong bướm bay lượn trong
tháng ngày ngọt ngào, hạnh phúc. Là đồng cỏ xanh rì bình yên mềm mại có hoa li ti
của đồng nội điểm xuyết, cành cây nhẹ nhàng phơ phất; chim chóc hát khúc hát tình
yêu si mê. Còn gì đẹp hơn và tình hơn thế. Vẫn biết là thiên nhiên muôn đời vẫn
vậy, vẫn là cảnh ngày xuân vẫn là bóng xuân sang vẫn là mưa xuân phơi phới bay
nhưng không có khát vọng sống, khát vọng tình yêu đắm say cuồng nhiệt và cặp mắt
xanh non biếc rờn của Xuân Diệu thì không thể làm nên sự tươi mới trong cảm xúc
của thơ Xuân Diệu trong Vội vàng.
Ví dụ 3: Phân tích dẫn chứng điểm cho đề văn: Nguyễn Du – Thi sĩ của nỗi
thống khổ và tình yêu thương.
Sáng tác cuả Nguyễn Du là tiếng khóc lớn hướng về mọi kiếp người oan khổ
trong cõi phù sinh, khi sống và chết; không phân biệt sang hèn, giàu nghèo (Truyện
Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh. Sở kiến hành); tiếng khóc lớn vượt giới hạn
không gian, thời gian (Độc Tiểu Thanh kí) . Trong đó, ông giành sự quan tâm đặc
biệt cho hai lớp người: những kẻ dưới đáy cùng xã hội (hài nhi xấu số, kĩ nữ, mẹ
con người ăn mày) và những tài tử giai nhân (Kiều, Tiểu Thanh, người ca nữ đất
Long Thành...)
Nhà thơ mở lòng sẻ chia với những thân phận “dãi dầu nghìn dặm, lầm than
một đời”. Ông nghẹn ngào cho bao số kiếp “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường
quan”, sớm hôm chịu cảnh “thở than dưới đất, ăn nằm trên sương”. Đây là nỗi khổ
của những kẻ đi về buôn bán: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”. Chỉ một chiếc đòn
gánh tre mà gợi ra bao nẻo đường vạn dặm, bao chặng đời tảo tần, gồng gánh của kẻ
xuôi ngược tìm manh áo miếng cơm. Nguyễn Du như đang viết về phần gánh nặng
đang hằn trên bờ vai gầy guộc của chính mình. Còn hai chữ “chín dạn” cho thấy
mối cảm thông sâu sắc của nhà thơ với người lao động. Phải chăng, khi viết hai chữ
21
này, chính Nguyễn Du cũng quặn đau, nát vai chín thịt như người gánh. Hai chữ đắc
địa như Xuân Diệu từng nói:“có thể làm gãy lưng các nhà nghiên cứu”. Nó oằn
nặng cái nhọc nhằn của kiếp mưu sinh bao nhiêu thì nặng sâu bấy nhiêu tấm lòng
của nhà thơ. Hai chữ hòa trộn mồ hôi và nước mắt của người viết và người được viết.
Nghĩ về những con người bình thường, bất hạnh, nhà thơ đã dành tấc lòng ưu
ái nhất cho người phụ nữ, đặc biệt là những kẻ “Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán
hoa”. Định kiến xã hội xưa luôn ném cái nhìn khinh miệt đối với chuyện tà dâm, trút
hết tội lỗi vào thân phận người phụ nữ lỡ làng. Trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã
viết những dòng thơ rung cảm nhất về kiếp người này. Nhìn họ đang thời xuân sắc,
nhà thơ giật mình nghĩ đến ngày mai, thời gian nghiệt ngã sẽ cuốn xô họ vào những
bãi bờ cô độc, hẩm hiu:
“Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá, biết là cậy ai”
Cảm thương người kỹ nữ đến dường ấy, trước và cùng thời Nguyễn Du có
được bao người? Thế rồi, từ những mảnh đời riêng lẻ, nhà thơ nhìn ra nỗi đau chung
của phận đàn bà: “Đau đớn thay, phận đàn bà? Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?”
Lời thơ trĩu nặng nhân tình như còn ám ảnh đến hôm nay, khi đâu đó vẫn còn phân
biệt đối xử với người phụ nữ. Chính tinh thần nhân văn đã đưa tư tưởng Nguyễn Du
băng qua nhiều thế kỷ. Lời thơ ông cất lên tiếng kêu khẩn thiết: hãy thấu hiểu và
quan tâm đến những thiệt thòi, bất hạnh của người phụ nữ. Họ vẫn mãi là những
người đáng thương trong những kiếp người bình thường, bất hạnh.
Không dừng ở hồi chuông giải oan cho người phụ nữ, ông còn gióng thêm hồi
chuông cứu vớt linh hồn những hài nhi xấu số:
“Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sinh, lìa mẹ lìa cha.
Lấy ai bồng bế vào ra,
U ơ tiếng khóc, thiết tha nỗi lòng”.
Quan tâm tới đối tượng này, Nguyễn Du càng khẳng định thêm tinh thần nhân
văn của mình. Trong tâm thức con người thời phong kiến, chưa bao giờ hài nhi được
quan tâm như một số phận có quyền sống và nhu cầu được sống. Chỉ có người cao
22
tuổi mới đáng được đời quan tâm, trọng vọng. Văn học trung đại nhiều thế kỷ, vì
thế, chẳng có lấy một vần thơ về trẻ con. Vậy mà, lần đầu tiên, Nguyễn Du lại dành
nước mắt xót thương khóc chúng. Lần đầu tiên, Nguyễn Du mạnh dạn đưa tiếng
khóc hài nhi vào văn học. Với nhà thơ, dẫu mới chào đời nhưng chúng vẫn có tư
cách và quyền sống của một con người. Nguyễn Du thương chúng không được
hưởng những quyền tối thiểu của một trẻ thơ: được bồng bế, nâng niu. Nhà thơ đứt
ruột bởi tiếng khóc ngây thơ, ngắn ngủi của chúng: “U ơ tiếng khóc, thiết tha cõi
lòng”. Có thể thấy, với Nguyễn Du, ngay khi cất tiếng chào đời, trẻ con đã là một
con người, có quyền bình đẳng với bao nhiêu người lớn. Nhà thơ trách tạo hóa phũ
phàng, để những hài nhi “lỗi giờ sinh” phải sớm từ biệt cõi đời. Từ niềm trắc ẩn về
những hài nhi, nhà thơ như muốn gởi cho đời thông điệp: được sống, đó là quyền tối
thiểu của mỗi con người.
Trên đường đi sứ sang Trung Quốc, vị quan chánh sứ vẫn thấu suốt cõi nhân
gian, để nhìn thấy mẹ con người hành khất nhếch nhác, tiều tụy: “ Một mẹ cùng ba
con/ Lê la bên đường nọ" trong cảnh đất trời tê tái, gió lạnh, mặt trời vàng úa. Hành
trang là một chiếc giỏ đựng "mớ rau lẫn tấm cám", bụng đói, áo quần rách rưới
đáng thương: Nửa ngày bụng vẫn không. Cách đấy không xa là bữa tiệc đón tiếp sứ
thần nước Nam ở trạm Tây Hà với bao thứ cao lương mĩ vị: "Nào vây cá, gân hươu/
Lợn dê mâm đầy ngút". Thế mà:
Quan lớn không chọc đũa
Tùy tùng chỉ nếm chút
Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon.
Một bức tranh với hai cảnh đời ngang trái, tương phản "Kẻ ăn không hết
người lần không ra" có giá trị tố cáo sâu sắc những bất công trong xã hội. Bức tranh
bằng ngôn ngữ thi ca ấy đã nói lên một sự thật đau lòng về quyền sống, quyền hạnh
phúc của những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội.
2.3. Bình luận đánh giá dẫn chứng
Như đã nói, nếu lựa chọn và phân tích dẫn chứng mà không quan tâm tới
phần bình luận và đánh giá thì bài viết sẽ hời hợt, nhạt nhẽo. Người đọc sẽ có cảm
23
giác bài viết sáo rỗng, thiếu sâu sắc. Việc bình luận và đánh giá dẫn chứng phải bám
sát vào vấn đề nghị luận.
Ví dụ 1: Đoạn bình luận, đánh giá dẫn chứng (Nỗi buồn chiến tranh) cho đề
văn: Cuộc bể dâu mà con người nhìn thấy trong văn thơ dân tộc là máu trong trái
tim của người nghệ sĩ. Có thể viết như sau:
Bảo Ninh không ghi chép chi tiết diễn biến, sự kiện của cuộc chiến mà tái
hiện qua hồi ức của nhân vật. Ông dùng máu trong tim để căm phẫn chiến tranh,
thấu hiểu những khát khao nhân bản, bình thường nhất của con người, trân trọng
giá trị tình yêu, đặc biệt là giá trị của người phụ nữ ở thời chiến. Trước cuộc bể dâu
của thời đại, trái tim nhà văn đã xót xa, uất ức, đau đáu mãi câu hỏi: Vì sao anh còn
sống sót đến hôm nay? Trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ
trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội
phần lại mất đi? Để từ câu hỏi – nỗi đau đớn, day dứt ấy, người còn sống biết trân
trọng, nâng niu những gì đang có, biết vun đắp và giữ gìn những giá trị mà vì nó,
bao người đã không trở về. Nếu không có điều này, anh cũng chỉ là kẻ ân hận suông,
đạo đức nửa chừng mà thôi.
Ví dụ 2: Đoạn bình luận, đánh giá dẫn chứng cho đề văn:
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có viết: “Người làng Chùa tặng kẻ ăn mày
cơm áo, tặng kẻ khổ đau thơ ca.”. Bằng những hiểu biết của anh (chị) về ca dao,
hãy bình luận và làm sáng tỏ câu nói trên.
Đoạn bình luận, đánh giá dẫn chứng (Những câu hát than thân) có thể viết như sau:
Tóm lại, những câu hát than thân - Nỗi buồn đau tận sâu trái tim ấy là nỗi
buồn trong sáng, là giọt nước mắt được chắt ra từ muôn nghìn cuộc đời của bao
người phụ nữ lam lũ, tảo tần, lặng thầm nuôi cái cùng con, làm nên hồn sắc dân tộc
đậm đà cho ca dao. Trong đó có “máu và mồ hôi, nước mắt và nụ cười”. Vị đậm đà
của ca dao, ấy là chất đời được chưng cất qua thời gian. Nó trở thành món ăn tinh
thần quý giá, là phương thuốc hữu hiệu chia sẻ, an ủi, chữa lành vết thương trong
tâm hồn những kẻ khổ đau; khích lệ động viên họ đứng lên. Chính điều ấy đã làm
nên sức sống mãnh liệt của ca dao, để nó vượt qua thời gian những mấy ngàn năm
lịch sử; trở thành di sản văn hóa quý giá và tự hào của dân tộc Việt Nam.
24