Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

V06Rèn kỹ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (175.84 KB, 27 trang )

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI
CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI
VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM 2019

CHUYÊN ĐỀ
RÈN KỸ NĂNG CHỌN VÀ PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG
TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN

1


MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU ………………………………………………………… 2
B. PHẦN NỘI DUNG ………………………………………………………. 4
I. Dẫn chứng trong bài văn nghị luận ………………………………………. 4
1. Đặc trưng của văn nghị luận …………………………………………… 4
2. Vai trò của dẫn chứng và phân tích dẫn chứng ………………………… 4
II. Những lỗi thường gặp trong việc chọn và phân tích dẫn chứng ………... 6
1. Lỗi về chọn và đưa dẫn chứng …………………………………………. 7
2. Lỗi về việc phân tích dẫn chứng ……………………………………….. 8
III. Cách chọn và phân tích dẫn chứng …………………………………….. 9
1. Chọn dẫn chứng ………………………………………………………... 9
2 . Cách đưa dẫn chứng vào bài làm ………………………………………12
3 . Một số hình thức đưa dẫn chứng vào bài làm …………………………12
4. Phân tích dẫn chứng ……………………………………………………13
IV. Luyện tập … ………………………………………………………….. 19
C. PHẦN KẾT LUẬN ……………………………………………………... 23
TÀI LIỆU THAM KHẢO ………………………………………………… 25

2




A. PHẦN MỞ ĐẦU
Văn nghị luận là một loại văn khó nhất trong chương trình THPT. Khó
là vì nó đòi hỏi một năng lực tư duy sắc bén, một vốn kiến thức phong phú,
một sự am hiểu và vận dụng thuần thục những kỹ năng làm bài… Những đòi
hỏi ấy không phải học sinh nào cũng đáp ứng được. Trong khi đó, kết quả học
tập bộ môn Ngữ Văn THPT chủ yếu dựa vào các bài viết văn nghị luận. Vì
vậy, kết quả học tập của học sinh thường không cao.
Đi sâu vào lí giải nguyên nhân dẫn đến bài viết văn nghị luận của học
sinh chưa đạt yêu cầu, phần lớn chúng ta đều xác nhận một điều là kỹ năng
chọn và phân tích dẫn chứng của các em rất yếu, kể cả học sinh chuyên, nhất
là ở lĩnh vực nghị luận văn học. Đứng trước một luận điểm, các em không
biết chọn dẫn chứng như thế nào là tiêu biểu, không biết phân tích ra sao, ở
mức độ nào là đủ, và thậm chí không biết đưa dẫn chứng vào bài làm như thế
nào…
Thực trạng ấy đặt ra vấn đề đối với tất cả giáo viên dạy bộ môn chúng
ta. Chọn và phân tích dẫn chứng trong nghị luận văn học là một kỹ năng thực
hành quan trọng. Tuy nhiên, thời lượng thực hành kỹ năng này theo phân phối
chương trình không nhiều, học sinh vận dụng chưa thuần thục. Do vậy, để
nâng cao chất lượng bộ môn nhất thiết phải nâng cao chất lượng các bài viết
của học sinh mà đặc biệt là các bài nghị luận văn học. Để nâng cao chất lượng
bài nghị luận văn học thì phải đồng thời bồi dưỡng, nâng cao những kiến
thức, kỹ năng cho học sinh, nhất là kỹ năng chọn và phân tích dẫn chứng.
Khi nói đến việc chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn
học là đồng nghĩa với việc chúng ta đã chấp nhận một số tiền đề có sẵn ở học
sinh. Thứ nhất là tiền đề về kiến thức. Nghĩa là học sinh đã được trang bị đầy
đủ những hiểu biết về các tác phẩm trong chương trình và mở rộng. Vì chỉ khi
3



đó mới đặt ra vấn đề chọn. Nếu không, thao tác này trở nên vô nghĩa. Thứ hai
là tiền đề về việc xác định luận điểm cho bài viết đã rõ ràng, đầy đủ. Nếu học
sinh không xác định được luận đề, phân chia các luận điểm thì việc chọn và
phân tích dẫn chứng cũng trở nên vô nghĩa, vì dẫn chứng ấy làm sáng tỏ cho
cái gì.
Rèn luyện kỹ năng chọn và phân tích dẫn chứng suy cho cùng chỉ là
một khâu trong chuỗi các kỹ năng làm bài. Nghĩa là khâu này không tồn tại
độc lập mà luôn chịu sự chi phối tương tác với các thao tác lập luận và cách
luận chứng. Do vậy, đây là một kỹ năng phức hợp đòi hỏi người dạy lẫm
người học phải làm việc hết mình mới mong có kết quả tốt.
Vì vậy, việc đặt vấn đề về rèn luyện kỹ năng chọn và phân tích dẫn
chứng trong nghị luận văn học cho học sinh chuyên và nhất là các học sinh
trong đội tuyển HSG của các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng
là việc làm có ý nghĩa thiết thực, bổ ích. Chúng tôi, với tư cách là một thành
viên của Hiệp hội, xin được đóng góp cách tiếp cận và giải pháp cho vấn đề
này. Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý từ quý đơn vị bạn. Chân thành
cảm ơn.

4


B. NỘI DUNG
I. Dẫn chứng trong bài văn nghị luận
1. Đặc trưng của văn nghị luận
Văn nghị luận là văn dùng lí lẽ dẫn chứng nhằm thuyết phục ai đó về
một vấn đề nào đó.
Đặc trưng cơ bản nhất của văn nghị luận là lập luận. Để thực hiện một
lập luận cần phải có 3 yếu tố: luận điểm, luận cứ và luận chứng.
Luận điểm được hiểu là một ý của bài văn, là nội dung cần được làm

sáng tỏ trong bài văn.
Luận cứ bao gồm những lí lẽ và dẫn chứng
Luận chứng là cách tổ chức, sắp xếp luận điểm và luận cứ. Luận chứng
còn được gọi là phương pháp lập luận. Có những phương pháp sau: quy nạp,
diễn dịch, song hành, móc xích, tổng phân hợp …
Để hoàn thành một đoạn văn hoàn chỉnh không đơn giản chỉ có 3 yếu
tố ấy mà cần có sự kết hợp linh hoạt các thao tác lập luận tùy theo mục đích
lập luận.
Mỗi yếu tố trong lập luận có những vai trò và yêu cầu riêng. Trong
phạm vi của chuyên đề, chúng tôi chỉ tập vào những vấn đề liên qua tới dẫn
chứng, một phần của luận cứ
2. Vai trò của dẫn chứng và phân tích dẫn chứng
Người xưa dạy “nói có sách, mách có chứng” hay chúng ta thường
khuyên nhủ nhau “nói phải có chứng cứ”. “Sách”, “chứng”, “chứng cứ” đều
có hàm ý chỉ dẫn chứng. Viết cũng vậy. Khi trình bày một vấn đề nào đó, nhất
thiết phải có dẫn chứng. Có khi không cần lí lẽ dài dòng, tự thân cái dẫn
chứng đã làm sáng tỏ vấn đề và tạo được độ tin cậy, tăng tính thuyết phục ở
người nghe/đọc.
5


Dẫn chứng là cái có trong thực tế được đưa ra để chứng minh, làm cơ
sở cho điều nói/viết ra.
Như vậy, dẫn chứng có vai trò to lớn trong việc soi sáng, khẳng định
bảo vệ luận điểm (điều nói/viết ra).
Trong bài nghị luận văn học, dẫn chứng là những hình ảnh, chi tiết,
câu văn, câu thơ, tác phẩm, tác giả …, nghĩa là rất đa dạng, phong phú. Đặc
biệt, do đặc trưng của văn học là có tính hình tượng và đa nghĩa nên bản thân
những dẫn chứng tự nó không phải lúc nào cũng rõ ràng để minh chứng cho
luận điểm mà cần phải được phân tích, mổ xẻ, cắt nghĩa lý giải…bởi người

viết. Cho nên, khi nói đến việc dùng dẫn chứng tất yếu phải nói đến việc phân
tích dẫn chứng.
Đánh giá một bài văn thực chất là đánh giá người viết văn. Văn hay có
nghĩa là người viết tài giỏi. Việc dưa và phân tích dẫn chứng không dừng lại ở
việc nhằm soi sáng, bảo vệ luận điểm và tăng tính thuyết phục của bài văn mà
sâu sắc hơn, việc làm ấy giúp đánh giá vốn hiểu biết, năng lực tư duy và cảm
thụ văn học của người viết.
Sau dây là ví dụ tiêu biểu và tương đối ngắn gọn, dễ hiểu cho việc chọn
và phân tích dẫn chứng.
Lại trở lại thi pháp Tú Xương phối hợp cả hiện thực cả
trữ tình, lấy cái hơi trữ tình mà làm sống động lên những sự
vật thường dụng và sự việc dung tục. Như trong bài Đi hát mất
ô:
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày giôn anh dạn, ô tây anh cầm
Rạng ngày sang trông canh năm
Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình.
Ở tám câu lục bát này thì 42 tiếng trắc bằng của sáu câu
đầu tôi gạt sang cho phần hiện thực, với những tiếng choang

6


choang lên chất tả thực: giày giôn - ô tây - nằm trơ trơ - hỏi ô
mất - ậm ờ không thưa. Sáu câu đầu, nói rành rọt về một
chuyện mất ô, mất ở đâu mất trong trường hợp nào, và có thể

đoán được người ăn cắp và thấy hiển hiện nỗi ấp úng lúng túng
của kẻ gian đó. Câu chuyện kể lại bằng thơ ít lời nhưng đủ sự
việc tình tiết không kém gì lời văn xuôi, có thể làm thỏa mãn
được một ông quan tòa dự thẩm, và có thể làm mẫu cho một
cách giảng văn ở một lớp văn nào. Có thể ngừng ở đó. Nếu làm
văn xuôi (làm một cách xuôi xuôi), được phép ách lại đó.
Nhưng đây là làm thơ, chưa ngừng được, chưa thấy gì là
mùi thơ tiếng thơ, chưa thấy ló ra thi sĩ. Cho nên phải đi bước
nữa, nếu thật sự muốn làm thơ. Chỉ thêm có hai câu nữa mà
cứu được đoạn văn xuôi xuôi dễ dàng đó, và chuyển tất cả sang
phạm vi thơ. Chuyển thể tài, chuyển đề tài và chuyển cả chủ
đề. Bài thơ nổi gió lên từ hai câu cuối cùng. Từ một chuyện ăn
cắp đồ vật, đáng lý chỉ gây nổi một chút tiếc của, Tú Xương
trang trọng nâng nó lên thành một nỗi niềm hồi hộp xót thương
của những cặp tình nhân muôn thuở, - vẫn trên cái cơ sở thực
tế đề hạ ấy mà nâng lên, chứ không vu đàm khoát luận gì cả...
(Thời và thơ Tú Xương, Nguyễn Tuân)

Ở ví dụ này, Nguyễn Tuân đã chọn và phân tích bài Đi hát mất ô để làm
sáng tỏ cho luận điểm “ thi pháp Tú Xương phối hợp cả hiện thực cả trữ tình,
lấy cái hơi trữ tình mà làm sống động lên những sự vật thường dụng và sự
việc dung tục.” Và đằng sau điều ấy lại hiện lên một Nguyễn Tuân đầy cá
tính, cực kỳ tinh tế sắc sảo trong lĩnh vực phê bình văn học.
II. Những lỗi thường gặp trong việc chọn và phân tích dẫn chứng
Cuộc sống vận hành theo nguyên lý “thử và sai”. Đó là cái nguyên lý
dang dở, bỏ ngỏ một điều quan trọng sau đó là “sửa sai”. Để có thể sửa sai thì
phải biết sai chỗ nào? Vì sao sai?
Rèn kỹ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong văn nghị luận văn học
cho học sinh THPT nói chung và học sinh THPT chuyên nói riêng thực chất là
việc sửa sai cho học sinh ở công việc này trong quá trình làm bài. Muốn sửa

tốt phải biết rõ những cái lỗi của học sinh. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan
trọng của chuyên đề này.

7


1.Lỗi về chọn và đưa dẫn chứng
1.1 Không có dẫn chứng và dẫn chứng không chính xác: Đó là viết văn
“chay” ( có luận điểm mà không có dẫn chứng). Đó là việc trích dẫn sai dẫn
chứng, chẳng hạn như trường hợp trích dẫn ngữ liệu từ bài thơ Tràng giang
của tác giả Huy Cận: “Nắng xuống, trời lên cao chót vót” hoặc “Nắng xuống
trời lên xanh bát ngát” ; hoặc nhầm lẫn về chi tiết, cốt truyện trong Vợ chồng
A Phủ: Mị vốn là người yêu của A Phủ nhưng bị A Sử bắt về làm vợ; hoặc
nhầm lẫm chi tiết giữa các tác phẩm: Màu nước sông Đà luôn thay đổi, sớm
xanh, trưa vàng, chiều tím…
Đây là kiểu lỗi phổ biến nhất ở học sinh. Kiểu lỗi này là do học sinh
không thâm nhập, nhớ và hiểu rõ từng tác phẩm văn học. Đối với thơ không
chịu học thuộc lòng, với truyện ký thì lười biếng đọc và không chịu khó nhớ
cốt truyện, những chi tiết, sự việc tiêu biểu. Khi làm bài, học sinh đứng trước
một trang giấy trắng bằng cái đầu rỗng thì làm sao tìm cho ra dẫn chứng và
nếu có thì dẫn chứng không thể chính xác được.
Kiểu lỗi này phản ánh tình trạng học sinh không học, hoặc có học
nhưng không mặn mà, thiếu đam mê. Do vậy, kiểu lỗi này rất nghiêm trọng và
khó sửa. Nó liên quan đến thái độ học tập bộ môn, cơ chế thi cử…
Với những trường hợp không có dẫn chứng thì chắc chắn không có
chuyện phân tích dẫn chứng. Với những trường hợp dẫn chứng sai kéo theo
việc phân tích cũng sai và dĩ nhiên cuối cùng hiệu quả lập luận bằng không.
1.2. Dẫn chứng không tiêu biểu: Là dẫn chứng không/chưa làm sáng rõ
được vấn đề cần nghị luận. Trong trường hợp này, học sinh ít nhiều có kiến
thức, có ý thức chứng minh vấn đề nhưng chưa biết chọn dẫn chứng nào đủ

sức làm sáng tỏ luận điểm.
1.3. Dẫn chứng quá quen thuộc, không mới mẻ: Đây cũng là một hạn
chế khá phổ biến. Hầu như khi luận bất cứ điều gì, học sinh cứ dẫn đi dẫn lại
dẫn chứng trong các tác phẩm quen thuộc. Chuyện gì cũng đen Chí Phèo ra
8


nói, đành rằng đây là tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao nói riêng, của văn học
hiện đại Việt Nam. Điều này làm giảm đi tính hấp dẫn của văn bản nghị luận.
Kiểu lỗi này xuất phát từ lối học thụ động, học tủ, không chủ động khám phá,
thiếu linh hoạt sáng tạo.
1.4. Dẫn chứng quá nhiều: Là kiểu lỗi do học sinh không biết tiết chế
khi viết. Có thể là do học sinh muốn thể hiện sự hiểu biết của mình, hoặc do
không biết thế nào là đủ, thà thừa hơn thiếu. Do đưa quá nhiều dẫn chứng nên
học sinh thường thiếu khâu phân tích dẫn chứng hay phân tích sơ sài, và như
thế dẫn đến hiệu quả lập luận không cao, không đủ sức thuyết phục cho luận
điểm.
1.5. Đưa dẫn chứng không kết hợp với việc phân tích dẫn chứng: khiến
lí lẽ đưa ra trở nên hời hợt và không sâu sắc.
2. Lỗi về việc phân tích dẫn chứng
Phân tích dẫn chứng là một kỹ năng quan trọng để làm sáng tỏ vẫn đề
cần nghị luận. Tuy nhiên, học sinh rất hạn chế ở kỹ năng này, hiếm có trường
hợp phân tích đúng yêu cầu. Ở đây chúng tôi xin khái quát một số kiểu lỗi
thường gặp.
2.1. Phân tích theo cảm tính, không bám sát luận điểm
Kiểu lỗi này là do học sinh không quan tâm đến luận điểm, không ý
thức mục đích của việc phân tích nên chỉ phân tích cho có, qua loa hoặc phân
tích một cách máy móc do học vẹt. Và như thế giữa luận điểm với dẫn chứng
và nội dung phân tích không ăn nhập với nhau.
2.2. Diễn xuôi thơ và kể chuyện đối với văn xuôi

Thường khi phân tích tác phẩm văn học, học sinh thường sa vào diễn
xuôi (đối với thơ) và kể chuyện (đối với văn xuôi).
Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm
chất hiền lành, tốt bụng; sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh
ngộ trong nạn đói khủng khiếp. Tràng vốn xuất thân từ xóm
ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò thuê. Gia cảnh rất nghèo khó. Đã

9


vậy anh còn xấu xí. Đầu thì nhẵn thín, cái mặt thì “quai hàm
bạnh, mắt nhỏ tý gà gà”, lưng thì “to như lưng gấu”. Một hôm
Tràng kéo xe bò lên dốc tỉnh, mệt quá Tràng hò một câu chơi
cho đỡ mệt thì có một người con gái chạy ra đẩy xe cho Tràng.
Người con gái đó vừa đẩy xe vừa cười tít mắt. Tràng sung
sướng lắm vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có ai cười với
hắn một cách tình từ đến thế…
(Bài làm của học sinh)

Trên là kiểu bài làm kể chuyện không có chất văn chương. Với luận
điểm đưa ra là: “Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền
lành, tốt bụng; sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng
khiếp”. , nhưng học sinh chỉ làm bài bắt đầu bằng việc kể chuyện.
2.3. Phân tích chưa đầy dủ
Khi phân tích dẫn chứng nhiều học sinh không biết phân tích tới đâu là
đủ, giống như đi đường nhưng không biết đích. Điều này khiến cho việc phân
tích lan man, dăng dở, phân tích chưa đầy đủ khía cạnh của dẫn chứng để làm
sáng tỏ luận điểm.
III. Cách chọn và phân tích dẫn chứng
1. Chọn dẫn chứng

1.1. Vai trò
Chọn dẫn chứng là khâu đầu tiên, quan trọng có vai trò quyết định đến
chất lượng, hiệu quả của quá trình lập luận. Chọn được dẫn chứng tiêu biểu
thì những khâu sau trở nên dẽ dàng.
Từ đó, việc chọn dẫn chứng còn thể hiện năng lực, tầm hiểu biết về văn
học của người viết. Nói cách khác, căn cứ vào việc chọn dẫn chứng, chúng ta
có thể phần nào thẩm định năng lực, trình độ của người viết.
1.2. Yêu cầu
Để chọn được dẫn chứng tôt, đáp ứng yêu cầu, mục đích lập luận, học
sinh cần chú ý tới các yêu cầu sau đây:

10


– Thứ nhất, khi chọn lọc dẫn chứng trong văn nghị luận phải đảm bảo
sự chính xác. Vì chúng ta không thể dùng một cái sai để làm sáng tỏ một cái
đúng, không thể dùng cái điều mà mọi người không thừa nhận để nắt người
khác phải thừa nhận một điều nào đó. Thất bại đầu tiên của lập luận là lý lẽ
không thuyết phục và dẫn chứng thiếu chính xác.
Nếu không đảm bảo được yếu tố chính xác, dẫn chứng sẽ không làm
sáng rõ được luận điểm. Đối với dẫn chứng là thơ, người viết cần trích dẫn
đúng nguyên văn. Đối với văn xuôi thì tóm lược ý nhưng cần đảm bảo tính
chính xác về nội dung, tác giả, tác phẩm.
Do đó, chúng ta cần nắm dẫn chứng một cách chính xác, rõ ràng.
– Thứ hai, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận phải đảm bảo yếu
tố cần và đủ
Bài văn nghị luận cần có nhiều hơn một dẫn chứng. Lấy quá ít dẫn
chứng thì vấn đề nghị luận sẽ không được làm sáng tỏ. Bên cạnh những dẫn
chứng mang tính chất bản lề và bắt buộc, người viết cần liên hệ thêm những
dẫn chứng để có sự liên hệ, so sánh. Tuy nhiên, nếu đưa quá nhiều dẫn chứng

vào bài sẽ khiến bài văn nghị luận bị loãng. Bởi vậy, khi đưa dẫn chứng vào
bài cần lưu ý yếu tố cần và đủ, không thiếu dẫn chứng nhưng cũng không có
quá nhiều dẫn chứng. Việc đưa dẫn chứng tùy thuộc vào việc có bao nhiêu
vấn đề được nêu ra trong luận điểm. Thông thường, với mỗi một lí lẽ, người
viết cần đưa ra ít nhất một dẫn chứng đi kèm.
– Thứ ba, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận phải đảm bảo tính
điển hình, tiêu biểu
Ngoài việc đưa dẫn chứng phong phú, người viết còn cần biết chọn lọc
dẫn chứng, ưu tiên những dẫn chứng điển hình và tiêu biểu. Thông thường,
học sinh thường chọn những dẫn chứng quen thuộc.
Ví dụ, với luận điểm “Tràng là một người hiền lành, tốt bụng, có tinh
thần cưu măng đùm bọc.” ta phải chọn chững dẫn chứng sau:
11


+ Thân thiện với mới người, chan hòa với trẻ con trong xóm.
+ Quyết định cho người đàn bà về về làm vơ sau khi đùa một câu và vài
giây phút phân vân khi người đàn bà đồng ý.
Hay khi đánh giá về tài năng trong việc tả người của Nguyễn Du thì
người viết phải đưa ra được những dẫn chứng thuyết phục.
Đó là cách tả người của ông không giống với bất kì ai,
hơn nữa trong cách tả mỗi nhân vật Nguyễn Du lại sử dụng
một bút pháp khác nhau. Chẳng hạn, khi miêu tả chị em Thuý
Kiều, ông dùng bút pháp ước lệ tượng trưng như: “Mai cố
cách, tuyết tinh thần”,” Hoa cười, ngọc thốt đoan trang”, “ Làn
thu thuỷ, nét xuân sơn”… Nhưng đến lượt Mã Giám Sinh ông
lại sử dụng bút pháp tả thực: “Hỏi tên rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”/ Quá niên trạc
ngoại tứ tuần /Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”…
(Bài làm của học sinh)


– Thứ tư, khi đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận phải kết hợp với
việc phân tích dẫn chứng.
Khi đưa dẫn chứng vào bài, cần kết hợp với việc phân tích, đánh giá
dẫn chứng. Thao tác này sẽ khiến cho dẫn chứng phát huy hết vai trò, hiệu
quả. Nếu không phân tích, đánh giá, bài văn sẽ trở nên hời hợt, sáo rỗng.
Không sâu sắc và đủ sức tác động đến người đọc. Để làm được điều này,
người viết cần hiểu đúng, đánh giá đúng và cảm thụ đúng về giá trị của dẫn
chứng.
– Thứ năm, khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận cần đảm bảo tính
logic và hệ thống
Khi đưa dẫn chứng trong văn nghị luận, người viết cần đảm bảo tính hệ
thống. Nghĩa là các dẫn chứng phải được sắp xếp theo một trình tự, quy luật
nhất định. Ví dụ như việc sắp xếp dẫn chứng theo trục thời gian tuyến tính (từ
lịch sử, quá khứ đến thời điểm hiện tại). Hoặc theo chiều không gian (từ rộng
đến hẹp, từ xa đến gần,…. hoặc ngược lại). Tính hệ thống sẽ giúp cho người
viết tránh được tình trạng đưa dẫn chứng một cách tràn lan và mất kiểm soát.
12


2 . Cách đưa dẫn chứng vào bài làm
*Trích trực tiếp
Đây là cách đưa dẫn chứng thông thường nhất khi làm văn. Tuy nhiên,
thực tế việc vận dụng cách này khá linh hoạt. Đối với các dẫn chứng thuộc tác
phẩm tự sự, ta nên đưa dẫn chứng vào ngay mạch văn. Còn đối với các dẫn
chứng về thơ, ta có thể xuống dòng. Khi trích trực tiếp, nhất thiết phải bỏ vào
dấu ngoặc kép. Trích dẫn trực tiếp đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối của dẫn
chứng.
* Dẫn gián tiếp
Cách đưa dẫn chứng này phù hợp với các trường hợp tóm tắt các tác

phẩm tự sự, hoặc nêu những chi tiết trong các tác phẩm mà người viét không
thể nhớ chính xác.
Về mặt lý thuyết thì đơn giản vậy nhưng thực tế học sinh vaanx lúng
túng, khó vận dụng, bởi lẽ khi đưa dẫn chứng vào bài làm học sinh cần phải
biết đến vấn đề hình thức.
3 . Một số hình thức đưa dẫn chứng vào bài làm
* Đưa dẫn chứng bằng hình thức liệt kê
Với các luận điểm có tầm khái quát một vấn đề nào đó, người viết có
thể sử dụng hình thức liệt kê các dẫn chứng và cũng không nhất thiết phân
tích hết các dẫn chứng ấy vì sự liệt kê đã lột tả bản chất của vẫn đề. Xem ví
dụ sau:
Tú Xương là một chứng từ về đạo học thành Nam tàn cục
vào đuôi một thế kỷ và kéo cái tàn lụi ấy sang cả dần thế kỷ
chúng ta. Thơ và phú Tú Xương là tập ký sự chi tiết về đời sống
thành Nam, về sinh hoạt vật chất và tinh thần của một lớp nhà
nho tỉnh Nam lúc Tây sang, cũng lều chõng như ai, nhưng nghĩ
thấy nó chả ra làm sao cả:
(...)Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì.
(...)Dại chốn văn chương ấy dại khôn
(...)Nói dơi nói chuột khối người khen

13


(...)Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
(Thời và thơ Tú Xương, Nguyễn Tuân)

Nguyễn Tuân đã kê ra 5 dẫn chứng và tự nó đã làm sáng tỏ cho luận

điểm “Tú Xương là một chứng từ về đạo học thành Nam tàn cục vào đuôi một
thế kỷ và kéo cái tàn lụi ấy sang cả dần thế kỷ chúng ta.”
* Đưa dẫn chứng bằng hình thức thống kê
Ở một số trường hợp có nhiều dẫn chứng những có chung một yếu tố
hình thức thì người viết có thể thống kê để đưa vào bài làm. Hãy xem ví dụ
sau đây:
Tâm sự cô đơn lạc loài ấy được thể hiện qua hệ từ “nhất độc – cô” trong thơ chữ Hán của ông (Nguyễn Du). […] Trong
Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Lê Thị Thu
Yến thống kê hệ từ “nhất - độc – cô” xuất hiện đến 204 lần
trong tổng số 250 bài thơ. Còn Nguyễn Thị Nương thì khẳng
định Nguyễn Du đã 77 lần diễn tả trạng thái, hình ảnh “một
con người cô đơn, mệt mỏi, u sầu” trong những bài thơ tự thuật
của mình…
(Văn học so sánh, Lê Tự Hiển)

Ở trường hợp này, những con số có một sức mạnh thuyết phục hơn hẳn
những lý lẽ dài dòng.
4. Phân tích dẫn chứng
4.1. Vai trò
Phần lớn những dẫn chứng cần phải được phân tích để soi sáng, bảo vệ
luận điểm. Việc phân tích dẫn chứng góp phần quan trọng làm nên hiệu quả
lập luận. Phân tích dẫn chứng còn thể hiện năng lục cảm thụ văn học, tư duy
lập luận sắc sảo của người viết. Dẫn chứng mà không phân tích chẳng khác gì
nhân chứng câm lặng trước tòa.
4.2. Yêu cầu
Xuất phát từ việc nhận diện những lỗi của học sinh khi phân tích dẫn
chứng, chúng tôi đưa ra một số yêu cầu sau:

14



- Thứ nhất, phân tích phải bám sát luận điểm. Trên cơ sở xác định luận
điểm rõ ràng, học sinh phải có ý thức là phân tích như thế nào để luận điểm
được sáng tỏ. Phải biết lấy luận điểm làm đích cho việc phân tích, hành văn,
diễn ý. Một dẫn chứng có thể làm sáng tỏ cho nhiều điều, quan trọng người
viết biết cái điều mình cần làm sáng tỏ là gì và phân tích khía cạnh nào của
dẫn chứng đề đáp ứng yêu cầu.
- Thứ hai, phân tích phải ngắn gọn. Trong một bài văn, có quá nhiều
công việc cần thực hiện trong quá trình làm bài. Phân tích dài dòng vừa ảnh
hưởng đến hiệu quả lập luận, vừa tốn thời gian. Học sinh cần suy nghĩ thấu
đáo, chọn cách diễn đạt ngắn gọn, sức tích nhất. Văn hay quý ở chỗ tinh.
- Thứ ba, phân tích đủ và biết dừng lại đúng lúc. Khi những nội dung
phân tích đủ soi sáng luận điểm, học sinh phải biết dừng lại và chuyển sang
vấn đề khác. Biết dừng đúng lúc đồng nghĩa với việc học sinh sẽ khắc phục
lỗi lan man, thừa thiếu trong phân tích.
4.3. Cách phân tích dẫn chứng
4.3.1. Phương pháp cảm nhận
Cảm nhận thực chất là sự nhận biết của người viết, người nói thông qua
tình cảm chủ qan của mình. Nhưng không có nghĩa người viết, người nói tha
hồ cảm nhận mà phải cảm nhận trên cơ sở của luận điểm. Dẫn chứng bao giờ
cũng diễn đạt một tình tiết hay miêu tả một cảnh tượng, sự kiện bằng năng lực
riêng. Với phương pháp này chúng ta hãy tả lại một cách chi tiết, cụ thể theo
cảm nhận thông qua sự tưởng tượng kèm theo những nhận định, đánh giá để
làm rõ được luận điểm.
Ví dụ:
Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi mội cành khô lạc mấy dòng


15


Đứng trước cảnh mênh mông sông nước, nỗi buồn của
tác giả như được nhân lên. Ngay ở khổ thơ đầu tác giả đã dùng
ngôn ngữ giàu hình ảnh để khái quát về cảnh vật, qua những
cảnh vật ấy tác giả muốn thể hiện tâm trạng của mình. Hình
ảnh "sóng gợn" gợi cho ta liên tưởng tới những làn sóng đang
lan ra, loang ra đến vô tận cũng giống như nổi buồn của nhà
thơ âm thầm mà da diết khôn nguôi. Con sóng ở giữa một dòng
sông dài và rộng càng làm cho nỗi buồn của nhà thơ được nhân
lên. Cảnh con thuyền và mọi cảnh vật đều cô đơn càng làm cho
người thi sĩ mang đầy tâm sự trong lòng không biết bày tỏ tâm
trạng cùng ai. Tác giả đã dùng những hình ảnh hết sức đời
thường để đưa vào thơ ông và đó là sự sáng tạo độc đáo trong
phong cách thơ của ông.
(Bài làm của học sinh)

4.3.2 Phương pháp phân tích nghệ thuật làm nổi bật nội dung vấn đề.
Đây là một phương pháp đòi hỏi người viết có kỹ năng phân tích
văn học sâu sắc, tức là họ phải bao quát, khai thác được các thủ pháp nghệ
thuật để từ đó rút ra được nội dung, ý nghĩa.
Có thể nói, nhờ phát huy cao độ thi pháp của mình, Xuân
Diệu đã tạo sự cộng hưởng lạ lùng giữa nhạc - thơ, trăng - đàn.
Một khi đã sống như một sinh mệnh, thì Nguyệt cầm bắt
đầu lên tiếng. Tiếng nói của mọi cây đàn đều là “So vần dây vũ
dây văn”:
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần;
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Có thể xem hai câu đây là thứ tiếng nói rất riêng của cây

đàn này. Cây Nguyệt cầm đang so vần dây vũ dây văn của nó
đó thôi!
Về nội dung, hai câu này tả không-gian-trăng-nhạc [6]
bằng các cung bậc khác nhau của tình đàn. Nhưng về thi pháp:
mỗi câu kia, với từng nhịp ngắt, tựa như một chuỗi âm hình kế
tiếp vang lên như cách tấu đàn. Đó là điều đáng nói. Ta hãy đi
sâu hơn một chút vào cấu trúc ngôn ngữ của nó để thấy sự cộng
hưởng giữa thơ với nhạc, giữa nhạc của ngôn ngữ với ngôn ngữ
của nhạc.
Phép song song của ngôn ngữ thơ, phép đối ngẫu của thơ
cổ, phép tương giao của thơ Tượng trưng cùng với tính đa
nghĩa của ngôn từ thơ, qua bàn tay của Xuân Diệu, đã quyện

16


vào nhau trong thi pháp “giao thoa - cộng hưởng”. Theo cái
nhìn truyền thống, hai câu thơ vừa dẫn trên đây chỉ là một cặp
đối ngẫu rất quen. Song, xem kĩ, thì lạ. Lạ vì, có lẽ, âm nhạc đã
xâm nhập vào thi ca. Tiết nhịp là nét lạ trước nhất. Câu thơ
thất ngôn bị cắt rời thành ba nhịp thông thường. Nhưng điều
không thông thường là: mỗi nhịp vừa là một tiết của câu lớn,
vừa như một câu bé độc lập. Thủ pháp trùng điệp vào hùa với
thủ pháp ngắt nhịp đã vừa "băm nhỏ" vừa "xâu chuỗi" từng
câu. Ba chủ từ câu trên đều là “trăng”, ba chủ từ câu dưới đều
là “đàn", mỗi chủ từ đều điệp lại ba lần. Còn vị từ của chúng
(thương, nhớ, ngần, buồn, lặng, chậm) đều là các động
thái/cảm xúc của trăng, của đàn (hay của người): Trăng thương
/trăng nhớ / hỡi trăng ngần // Đàn buồn / đàn lặng / ôi đàn
chậm. Vừa ngắt lại vừa điệp. Mỗi câu cắt thành ba vế. Mỗi vế

vo thành một câu con. Vừa rời ra, vừa tiếp nối…
(Ba đỉnh cao Thơ mới, Chu Văn Sơn)

4.3.3 Phương pháp suy luận bằng lí lẽ.
Phương pháp này thường dựa vào tính chất của vấn đề để suy luận theo
hướng mà người viết định ra. Muốn vậy phải nắm chắc đặc điểm nhân vật và
các tình tiết sự kiện của văn bản.
Nỗ lực nắm bắt Xuân Diệu từng khiến giới nghiên cứu
tìm đến chữ "giao cảm". Phải nói rằng chữ "giao cảm" có một
khả năng bao gồm rất rộng. Dung tích của nó chứa được khắp
cả các nguồn tình cảm thể hiện ra thành các lĩnh vực hoạt động
phong phú của Xuân Diệu. Muốn đầy đủ, phải bao quát Xuân
Diệu bằng khái niệm "niềm khát khao giao cảm với đời".
Trong đó, tình yêu được nhìn nhận như là "mối giao cảm kì
diệu nhất" . Đây là cách xuất phát từ cái chung để nhận diện
cái riêng, thấy cái chung chi phối cái riêng. Ái tình được nhìn
nhận là phần bốc nhất trong nguồn rượu giao cảm.
(Ba đỉnh cao thơ mới, Chu Văn Sơn)

4.3.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu.
Một bài văn hay trước hết phải viết “đúng ” chỉ khi “đúng ” thì mới hay
được. Hơn nữa, một bài văn hay không chỉ thể hiện cái nhìn sâu sắc của
nxgười viết mà còn biết liên hệ, đối chiếu với tác phẩm khác. Như thế không
17


chỉ thể hiện chiều “sâu” của người viết mà còn thể hiện chiều “rộng” của “vốn
liếng” văn chương nữa. Tức là phân tích dựa trên cơ sở cùng đề tài được thể
hiện ở nhiều văn bản khác nhau. Khi sử dụng phương pháp này cần lưu ý đến
tính trọng tâm tức là phải hướng vào vấn đề đang cần nghị luận.

Còn rất nhiều câu có thể tiêu biểu cho lối xúc cảm riêng
của Xuân Diệu. Tôi chỉ dẫn một thí dụ này nữa. Trong bản dịch
“Tỳ bà hành” của Phan Huy Vịnh có hai câu:
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
Một vừng trăng trong vắt lòng sông
tả cảnh chung quanh thuyền sau khi người tỳ bà phụ vừa đánh
đàn xong. Một cái cảnh lặng lẽ,lạnh lùng ẩn một mối buồn âm
thầm, kín đáo. Thế Lữ có lẽ đã nhớ đến hai câu ấy khi viết:
Tiếng diều sáo nao nao trong vắt,
Trời quang mây xanh ngát màu lơ.
Mặc dầu hai chữ “nao nao” có đưa vào trong câu thơ một
chút rung động, ta vẫn chưa xa gì cái không khí bình yên trên
bến Tầm Dương. Với Xuân Diệu cả tình lẫn cảnh trở nên xôn
xao vô cùng.
Người kỹ nữ của Xuân Diệu cũng bơ vơ như người tỳ bà
phụ. Nhưng nàng không lặng lẽ buồn, ta thấy nàng run lên vì
đau khổ:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Ngay từ khi trăng mới lên, nàng đã thấy:
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Chỉ trong thơ Xuân Diệu mới có những thoáng buồn rờn
rợn như vậy.
(Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân)


Trong dòng văn học hiện thực phê phán ở nước ta trước
Cách mạng tháng Tám 1945, tình cảnh bi thảm của người nông
dân nghèo là một đề tài rất phổ biến.

Người ta thường nói: ở mỗi người Việt Nam, dù thuộc
tầng lớp nào, cũng có một người nông dân. Có lẽ vì thế chăng,
mà nhiểu cây bút đã viết rất hay, rất sâu sắc về người nông dản
Trước khi Nam Cao viết Chi Phèo (1941), Vũ Trọng Phụng đã
viết Giông tố, Vỡ đê (1936), Ngô Tất Tô đã viết Tất đèn (1937).

18


Nguyễn Công Hoan đã viết Bước đường cùng (1938). Đấy là
chưa kể Trần Tiêu, Thanh Tịnh .. cũng viết rất hay về nông dân
Đối với đề tài ấy, Nam Cao là người đến muộn trên mảnh
đất người ta đã đào xới rất kỹ rỗi, ông còn tìm tòi được gì mới
mẻ đây! Đây quả là một thử thách rất khắc nghiệt đối với một
cây hút đòi hỏi nghề văn phải là một nghề sáng tạo.
Nhưng Nam Cao đã vượt qua được thử thách ấy một
cách thật là vinh quang. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước
đường cùng của Nguyễn Công Hoan, người ta tưởng chừng
như không còn gì để nói thêm nửa về nỗi khổ của người nông
dân thời trước, ngoài những điều mà anh Pha (Bước đường
cùng), Chị Dậu (Tắt dèn) phải gánh chịu.
Vậy mà khi Chi Phèo ngất ngưỡng bước ra từ những
trang sách của Nam Cao, người đọc mới nhận thấy rằng, té ra
đây mới là kẻ khốn cùng nhất ở nông thôn ta ngày trước. Chị
Dậu phải bán đi tất cả: bán con, bán chó, rồi bán sữa đi ở vú...
Người nông dân còn có gì nữa để mà bán! Ấy thế mà Chi Phèo
vẫn tìm ra một tài sản để bán, cái tài sàn cuối cùng mà chị Dậu
chưa phải bán: ấy là nhân tính, là hồn người. Mất tài sản này
thì con người thành con quỷ. Chị Dậu dù khổ cực thế nào,
nhưng vẫn còn được là người trọng khí Chí Phèo phải trở

thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại...
(Bài làm của học sinh)

4.3.5. Phương pháp tái hiện.
Tái hiện thực chất là trình bài lại những điều đã có trong văn bản, điều
quan trọng nhất của phương pháp này là học sinh nhớ càng chính xác thì hiệu
quả và sức thuyết phục càng cao – gọi đó là cách tái hiện trực tiếp. Nếu không
nhớ một cách chính xác thì chúng ta có thể tái hiện nội dung – gọi là tái hiện
gián tiếp. Hãy xem các ví dụ dưới đây:
Còn Chí Phèo của Nam Cao thì đã bị nhà tù của chủ
nghĩa thực dân và thủ đoan độc ác của Bá Kiến biến thành con
quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vậy mà Nam Cao vẫn tin rằng dưới
đáy sâu của tâm hồn tưởng như hoàn toàn đơn độc của Chí,
vẫn tổn tại bàn chất lương thiện của người nông dân lao động
mà không một sức mạnh nào, dù ghê tởm đến đâu cũng không
thể tiêu diệt được. Cho nên khi gặp Thị Nở, mối tình chân thật
của người đàn bà này mới có thể làm thức dậy cái chất người

19


chưa chết hẳn ở anh ta. Chí thèm khát được trở về cuộc sống
lương thiện, muốn sống hoà với mọi người. Nhưng ai tin anh ta
được! Xã hội độc ác đã cướp đi bộ mặt người cùa anh ta rồi còn
đâu! Và Bá Kiến đã tạo cho anh ta một bàn lý lịch đầy tội ác,
làm sao tẩy xoá đi được! Trong cơn tuyệt vọng, anh ta đã đâm
chết Bá Kiến và tự sảt Nam Cao đã sáng tạo nên một nhân vật
nô lệ thức tình dứng lên đòi quyền làm người. Anh ta phải tự
sát vì một mặt không muốn trở về cuộc sống của con quỷ dữ
của làng Vũ Đại, mặt khác đã bị từ chối làm người...

(Bài làm của học sinh)


Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang
Khổ thơ là một bức tranh toàn vẹn diễn tả cái diện mạo
tươi thắm của cảnh lúc xuân sang: làn nắng ửng, khói xanh
mơ, tà áo biếc, lấm tấm vàng... Đó là sắc xuân, đó cũng là tình
xuân. Tình dậy lên bên trong phát lộ thành sắc bên ngoài. Và
không chỉ ở sắc, tình còn hiện lên trong khí xuân.
(Ba đỉnh cao Thơ mới, Chu Văn Sơn)

IV. Luyện tập
1. Nhận xét về việc lựa chọn và đưa dẫn chứng trong các ngữ liệu sau:
a. “Muốn ăn cơm trắng, bún giò thì lại đây đẩy xe cho anh”, Tràng đâu ngờ
đó là lời tỏ tình dễ thương hết sức có duyên với thị”; “Tràng nói : anh nghèo,
em có yêu anh không ?”. Thị đáp : “Giàu nghèo không quan trọng, có cái ăn
và chân tình là được rồi”. Tình yêu là thứ ai cũng muốn thử qua một lần dù
giàu hay nghèo. Tràng nghèo nhưng cũng muốn trải qua tình yêu với cô bé
thị. Và trong buổi lễ ra mắt Tràng phải lấy cám heo để làm tiệc vì không có
tiền mua gạo. Bà cụ Tứ nói đáng lẽ có thịt gà thì đãi nàng dâu mới nhưng
làm gì có nên tính chỗ đặt chuồng nuôi gà chả mấy chốc có gà ăn lại biết đâu
còn khấm khá lên”.
(Bài làm của học sinh)

20



b. Đi vào thế giới thơ Vương Duy và Buson, người đọc như được bước vào
một không gian đầy sắc màu, thanh lệ và đẹp đẽ. Vẻ đẹp ấy không vì hai nhà
thơ sử dụng nhiều màu sắc mà là ở chỗ sử dụng màu sắc như thế nào. Trong
Vương Hữu Thừa tập tiên chú, chúng tôi thấy Vương Duy sử dụng nhiều nhất
là màu bạch 93 lần, thứ đến là thanh (73 lần), lục (26 lần), hồng (21 lần),
chu (20 lần), bích (12 lần), tử (12 lần)... Còn Buson haikushu, cũng cho kết
quả là bạch (43 lần), thanh (15 lần), hồng (15 lần), xích (7 lần), bích (2 lần),
tử (2 lần)... Vương Duy đã khéo kết hợp màu đối tỉ và hài hòa. Như bài Điền
viên lạc, ông chọn những màu thuộc hành dương để làm nổi bật khí tượng
xuân đầy sức sống: Đào hồng phục hàm túc vũ, Liễu lục cánh đới triêu yên,
những màu sắc ấy được làm dịu bớt sắc độ bởi mưa và khói, trở nên hết sức
tươi tắn. Có khi giữa nền cảnh vật không màu, ông điểm thêm một sắc đỏ làm
ấm cả không gian: Kinh khê bạch thạch xuất - Thiên hàn hồng diệp hy...
Vương Duy còn chú ý đến cả hiệu ứng màu sắc làm sắc màu như loang ra,
tạo ảo giác kỳ ảo: Sơn lộ nguyên vô vũ - Không thúy thấp nhân y. Đường núi
vốn không mưa vậy mà Sắc biếc ướt áo người. Những câu thơ như vậy không
hiếm trong thơ tả cảnh của Vương Duy.
(Vương Duy và Busson “thi trung hữu họa”, Nguyễn Thị Nguyệt Trinh)
* Gợi ý trả lời
a. Dẫn chứng không chính xác, sai nghiêm trọng.
b. Chủ yếu dùng hình thức thống kê và liệt kê. Dẫn chứng tiêu biểu, sát
với luận điểm.
2. Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
" Loại từ " mảnh " trong " mảnh mặt trời " cũng mới lạ; người ta chỉ
nói mảnh sành, mảnh giấy, thậm chí mảnh trăng vì trăng khi tròn khi khuyết,
có khi bị xẻ làm đôi. Hình ảnh " mảnh mặt trời " gợi ra cái nhìn tàn bạo của
con hổ muốn giẫm nát cả vũ trụ "
( Nam Chi – Thế Lữ cuộc đời trong nghệ thuật)
21



a. Xác định dẫn chứng được đưa vào đoạn văn.
b. Việc phân tích dẫn chứng ấy hướng đến mục đích nào?
* Gợi ý trả lời:
a. Dẫn chứng: “mảnh mặt trời” (một hình ảnh trong bài thơ Nhớ rừng
của Thế Lữ)
b. Mục đích: Làm sáng tỏ tâm trạng căm phẫn của con hổ trong vườn
bách thú.
3. Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tràng được đặt trong sự tương phản giữa ngoại hình và tâm hồn. Kim
Lân không có ý định biếm hoạ hoá nhân vật của mình nhưng Tràng lại hiện
lên như một trò đùa của tạo hoá. Tả khuôn mặt, Kim Lân điểm lên đấy hai nét
vẽ nguệch ngoạc “mắt nhỏ tí gà gà”, “quai hàm bạnh” lại thêm cái “đầu
nhẵn thín”, cái lưng “to bè như lưng gấu” khiến Tràng vốn đã thô kệch lại
càng trở nên thô kệch hơn. Cái nghèo lại đeo bám Tràng như một định mệnh,
nạn đói đã thổi Tràng và người mẹ già tội nghiệp phiêu dạt đến mảnh đất này
để rồi phải tha phương cầu thực qua ngày… Và phút chốc ngỡ ngàng rồi
cũng đến lúc Tràng nhận ra, cái người đàn bà tội nghiệp đang đứng trước
mặt mình đang đối diện với đói khát, đối diện với cái chết. Tràng đã cảm
nhận nỗi khổ đau ấy ở thị bằng chính nỗi khổ đau của chính mình vì bản thân
Tràng cũng đồng cảnh ngộ. Không do dự, Tràng hào phóng, hào hiệp khoản
đãi thị bốn bát bánh đúc mà không hề toan tính thiệt hơn. Cái hành động vỗ
tay vào túi “rích bố cu” đến cái ban ơn cho một người đói khát khiến ta cảm
động biết bao trước tấm lòng nhân hậu, tốt bụng ấy ở Tràng. “Một miếng khi
đói bằng một gói khi no” – đó là truyền thống nhân văn của dân tộc. Và hôm
nay đây có ai ngờ lại hiện lên rất rõ ràng ở con người ấy – con người mà ta
tưởng chừng như thô kệch, thất học, lại thấm đẫm chất nhân văn con người
Việt.
(Bài làm của học sinh)
22



a. Xác định luận điểm trong đoạn văn trên.
b. Chỉ ra hệ thống dẫn chứng được dùng và nhận xét việc chọn các dẫn
chứng ấy của người viết.
c. Việc phân tích dẫn chứng có đảm bảo yêu cầu nghị luận không?
* Gợi ý trả lời:
a. Luận điểm: Tràng được đặt trong sự tương phản giữa ngoại hình và
tâm hồn
b. Hệ thống dẫn chứng được sử dụng
- Ngoại hình:“đầu nhẵn thín”, cái lưng “to bè như lưng gấu”, cái “mắt nhỏ
tí gà gà”, “quai hàm bạnh”
- Tâm hồn: hành động vỗ tay vào túi “rích bố cu”, đãi thị bốn bát bánh đúc
=> Nhận xét: Dẫn chứng đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu, vừa đủ để minh
chứng cho luận điểm.
c. Về việc phân tích dẫn chứng
- Người viết đã phân tích dẫn chứng ở những từ, ngữ, câu sau:
+ Phân tích ngoại hình:
Tràng vốn đã thô kệch lại càng trở nên thô kệch hơn.
Tràng lại hiện lên như một trò đùa của tạo hoá.
+ Phân tích tâm hồn:
Tràng đã cảm nhận nỗi khổ đau ấy ở thị bằng chính nỗi khổ đau của
chính mình vì bản thân Tràng cũng đồng cảnh ngộ
Không do dự, Tràng hào phóng, hào hiệp khoản đãi thị bốn bát bánh
đúc mà không hề toan tính thiệt hơn. Cái hành động vỗ tay vào túi “rích bố
cu” đến cái ban ơn cho một người đói khát khiến ta cảm động biết bao trước
tấm lòng nhân hậu, tốt bụng ấy ở Tràng. “Một miếng khi đói bằng một gói
khi no” – đó là truyền thống nhân văn của dân tộc.
=> Nhận xét về việc phân tích dẫn chứng: Phân tích đúng hướng, bám sát
luận điểm. Phân tích ngắn gọn, vừa đủ.

23


C. PHẦN KẾT LUẬN
Văn học một loại hình nghệ thuật do vậy nhận thức văn học là một hệ
thống mở tùy thuộc vào mỗi cá nhân , dạy văn thực chất là giúp học sinh biến
tác phẩm của nhà văn thành tác phẩm của mình, sống trong mình. Để viết văn
“đúng” và “hay” là một quá trình rèn luyện không mệt mỏi của học sinh.
Những phương pháp ở trên, xét một khía cạnh nào đó cũng chỉ là lí thuyết.
Nếu muốn viết văn hay, học sinh còn phải học rất nhiều như cách dùng từ, đặt
câu và đặc biệt là cách diễn đạt… Hiểu thông thạo về lí thuyết không có nghĩa
là các em đã biết viết văn chứ chưa nói đến việc viết văn hay. Nhưng lí thuyết
là cơ sở. Không có lí thuyết dĩ nhiên các em sẽ gặp khó khăn. Xuất phát từ
thực tế học sinh cũng yếu về kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong quá
trình tạo lập một văn bản nghị luận văn học, chúng tôi mạnh dạn trao đổi một
số phương pháp chọn và phân tích dẫn chứng mà chúng tôi tự đúc rút ra được
trong quá trình dạy học, nhằm khắc phục hạn chế trên đồng thời cũng mở ra
hướng nghiên cứu toàn diện, triệt để vấn đề này. Tất nhiên, bước đầu mới
nghiên cứu và thực hiện nên không tránh khỏi thiếu sót và hạn chế. Càng
không thể khẳng định đây là cách hay nhất, tối ưu nhất. Bởi lẽ bất kì một
phương pháp hay cách thức nào cũng còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác.
Để có thể thực hiện tốt chuyên đề này cần một giải pháp đồng bộ, trước
hết phải trang bị cho học sinh kiến thức, sự hiểu biết nhất định về văn học,
bên cạnh đó cũng phải rèn luyện cho học sinh sử dụng thành thục các kỹ năng
làm văn, đồng thời phải rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt. Học
sinh phải thường xuyên được rèn luyện thì dần dần việc chọn và phân tích dẫn
chứng ngày càng thành thục và thực sự trở thành kỹ năng.
Để có thể hướng dẫn tốt học sinh rèn luyện các kỹ năng này đạt hiệu
quả, thiết nghĩ mỗi thầy cô giáo dạy bộ môn chúng ta phải trở thành nhà phê
bình của phê bình văn học. Đây là một đòi hỏi quá lớn không dễ thực hiện

24


được, nhưng ít ra đó cũng là điều chúng ta luôn hướng đến để có thể thực hiện
nhiệm vụ giảng dạy của mình tốt hơn.
Với đề tài này, chúng tôi hy vọng sẽ ít nhiều hữu ích đối với việc học
văn nghị luận của các em học sinh. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp
của các đồng nghiệp để đề tài hoàn thiện hơn.
Nguyễn Hữu Vĩnh
THPT chuyên Lê Thánh Tông
--------------------------------------------

25


×