Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Fintech và tín dụng đen

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.88 KB, 13 trang )

TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TÍN DỤNG ĐEN
Phạm Bích Liên1, cùng các cộng sự
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt

Tóm tắt
Tín dụng đen là hình thức vay không chính thống, nằm ngoài sự quản lý của pháp luật
và chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng vẫn tồn tại và khá phổ biến vì nhiều lý do trong
đó có nguyên nhân khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính chính thức. Tín dụng đen
có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính, làm mất cân bằng xã hội và đe dọa đến tình
hình ổn định kinh tế chung. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cùng với sự
phát triển của công nghệ trong ngành tài chính ngân hàng đã và đang cung cấp nhiều
mô hình kinh doanh mới, tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với người dân, góp
phần tích cực nhằm hạn chế tín dụng đen, nhưng mặt khác cũng có thể mang lại một
số tác động không mong muốn. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm (i) hệ thống các
quan điểm về tín dụng đen, (ii) những vấn đề cơ bản về công nghệ tài chính và đánh
giá tác động của công nghệ tài chính đối với tín dụng đen trên các góc độ, (iii) từ đó
đưa ra một số đề xuất với các ngân hàng thương mại (NHTM), khuyến nghị đối với
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan hữu quan nhằm thúc đẩy
ứng dụng các giải pháp công nghệ tài chính góp phần hạn chế tín dụng đen tại Việt
Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: tín dụng đen, ngân hàng số, fintech, công nghệ tài chính
1

Quan điểm về tín dụng đen

Theo Allen và các cộng sự (2014), tín dụng phi chính thức hay “tín dụng ngầm” là
các giao dịch tài chính được thực hiện cho các hoạt động đầu cơ, tính lãi suất hoặc phí
rất cao, sử dụng bạo lực thay vì truy đòi pháp lý để thu các khoản thanh toán hoặc đàm
phán lại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Các giao dịch loại này không đáp
ứng được các quy định pháp lý liên quan đến lãi suất, hợp đồng và trách nhiệm thực
hiện, ví dụ: lãi suất áp dụng trong cho vay nặng lãi cao hơn gấp nhiều lần trần lãi suất


quy định tại một số quốc gia. Tín dụng phi chính thức bao gồm cho vay của các cá
1 Email của tác giả chính: Bài viết được đăng trên hội thảo “Hạn chế tín dụng
đen tại Việt Nam”, tổ chức năm 2019 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

1


nhân, cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn
bè, người thân…. trong đó tín dụng đen là một phần của khu vực tín dụng phi chính
thức.
Tín dụng đen có 3 đặc điểm chính: (i) nằm ngoài hệ thống các tổ chức tài chính,
(ii) lãi suất cắt cổ, và (iii) gắn với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong thu nợ.
Tín dụng đen ở các quốc gia đang phát triển khá phổ biến và cung cấp các dịch vụ cho
nhiều khách hàng khác nhau, nhưng chủ yếu do sự kém phát triển của khu vực tín dụng
chính thức, dân trí về tài chính của người dân hạn chế (Agénor & Montiel, 1999;
Conning & Udry, 2005). Các tổ chức cung cấp tín dụng đen bao gồm các tổ chức cung
cấp tín dụng nhỏ, các hiệu cầm đồ... Khách hàng của tín dụng đen là những khách hàng
cá nhân, các công ty tư nhân nhỏ, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ hoặc những khách
hàng không đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng và thủ tục quá rườm rà, quá lâu so
với nhu cầu cấp bách của họ.
Nghiên cứu khảo sát của Trung tâm đổi mới và dịch vụ tài chính (CFSI) tại thị
trường Mỹ năm cho thấy những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt tiền mặt
của người tiêu dùng dẫn đến nhu cầu sử dụng tín dụng đen bao gồm: (1) 38% do thời
gian thanh toán không phù hợp, ví dụ như hóa đơn đến hạn thanh toán trước kỳ nhận
lương; (2) 30% do chi phí đột xuất phát sinh như y tế, sự cố xe hơi…; (3) 28% do thu
nhập giảm bất ngờ (mất việc, cắt giảm giờ làm, cắt giảm lợi ích); (4) 33% do chi phí
sinh hoạt chung luôn cao hơn thu nhập dẫn đến dòng tiền hàng tháng âm. Tại một số
nước đang phát triển, khu vực cho vay không chính thức hoặc ngầm là bộ phận cung
cấp dịch vụ tài chính mà hộ gia đình thường sử dụng cho nhu cầu đời sống hoặc doanh
nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) bổ sung vốn lưu động do không đủ điều kiện tiếp cận

với nguồn vốn cho vay của ngân hàng. Hầu hết các hoạt động ngân hàng ngầm không
bị cấm hoặc bất hợp pháp, tuy nhiên hoạt động cho vay với lãi suất vượt trần bị cấm
đối với một quốc gia có quy định trần lãi suất.
Theo quan điểm tích cực, tín dụng phi chính thức không hoàn toàn là xấu bởi có
thể đáp ứng nhu cầu của người cần vay ngay. Tuy nhiên, trên thực tế tín dụng đen
không chỉ tồn tại ngoài xã hội mà còn tìm cách thâm nhập vào hệ thống TCTD, biến
tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, gây rủi ro cho chính các ngân hàng. Báo cáo của
Trung tâm nghiên cứu BIDV năm 2018 cho thấy tại Việt Nam tín dụng phi chính thức
ước tính đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế (khoảng 1,2
2


triệu tỷ đồng). Nhiều đối tượng lợi dụng mạng internet, viễn thông tạo vỏ bọc doanh
nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ… tổ chức
cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh
doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300% thậm chí lên đến 700%/năm đối với
khoản tiền tại thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính. Bộ Công an thống kê từ năm
2015-2018 toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó
có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng
đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Có thể thấy tín dụng đen tại Việt Nam với những hệ lụy nguy hiểm đang trở thành vấn
đề nghiêm trọng đối với quốc gia, cần phải được ngăn chặn và đẩy lùi để bảo vệ yên
bình cho cuộc sống của người dân và môi trường tài chính lành mạnh trong cả nước.
2

Những vấn đề cơ bản về công nghệ tài chính

2.1. Công nghệ tài chính và vai tro
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ mới trong tất
cả các lĩnh vực để phát triển kinh tế, xã hội là đặc trưng lớn nhất. Tài chính được coi là

một trong những lĩnh vực tiên phong, dẫn đến thuật ngữ công nghệ tài chính. Về cơ
bản, công nghệ tài chính là những công nghệ đang được áp dụng trong việc cung ứng
dịch vụ trong ngành tài chính - ngân hàng, từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức
tài chính truyền thống và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Có thể phân các dịch vụ công
nghệ tài chính theo các loại hình: Dịch vụ tài chính: Huy động vốn, Tín dụng, Thanh
toán; Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản; Dịch vụ khác (bảo hiểm, bảo lãnh, giải pháp
công nghệ khác)…
Các đổi mới kỹ thuật số và đổi mới mô hình kinh doanh trong lĩnh vực tài chính có
thể phá vỡ cấu trúc ngành hiện tại và làm mờ ranh giới ngành, tạo điều kiện cho chiến
lược phân tán, cách mạng hóa quy trình tạo ra và cung cấp sản phẩm dịch vụ tại các tổ
chức tài chính hiện tại, cung cấp cổng thông tin mới với các doanh nghiệp, từng bước
tự do hóa các dịch vụ tài chính. Công nghệ tài chính một mặt có thể giúp giảm thiểu
chi phí cố định, tăng lợi nhuận của các tổ chức tài chính, đồng thời cũng giúp phát triển
lĩnh vực tài chính, cải tiến và bổ sung các dịch vụ còn thiếu trong quá khứ. Các thuật
toán giao dịch, đọc văn bản đã cải thiện rất nhiều so với giai đoạn trước, tăng tốc độ
quy trình xử lý và tạo ra trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.

3


Mặt khác, công nghệ tài chính cũng tạo ra những thách thức về quyền riêng tư, quy
định pháp lý, dữ liệu lớn cũng có thể dẫn đến phân biệt đối xử nhiều hơn. Công nghệ
tài chính còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài chính đối
với khách hàng. Đối với các cơ quan giám sát và các tổ chức tài chính, công nghệ tài
chính có thể mang lại rủi ro phải thay đổi chiến lược kinh doanh, hoạt động do phụ
thuộc vào bên thứ 3 cung cấp các dịch vụ dữ liệu, không gian mạng và không bảo vệ
được quyền lợi bảo mật thông tin khách hàng theo yêu cầu của pháp luật. Bên cạnh đó,
công nghệ tài chính còn có thể làm gia tăng lo ngại mới liên quan đến rủi ro rửa tiền,
thanh khoản, tín dụng…
2.2. Công nghệ tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

-

Các tổ chức công nghệ tài chính

Theo Fuster và các cộng sự (2019) các tổ chức công nghệ tài chính (fintech) có thể
xử lý các ứng dụng với tốc độ nhanh hơn 20% so với các tổ chức tín dụng truyền thống
mà không làm tăng rủi ro cho vay, các tổ chức fintech cũng có khả năng điều chỉnh
nguồn cung linh hoạt hơn trước những cú sốc cầu và tăng khả năng tái cấp vốn, cải
thiện hiệu quả trung gian tài chính trên thị trường thế chấp.
Tại Việt Nam từ năm 2015 với sự phát triển của các công ty hoạt động trong lĩnh
vực trung gian thanh toán, thị trường fintech bắt đầu có những bước phát triển mạnh
mẽ. Theo ước tính của tổ chức tư vấn YCP Solidance thị trường fintech dự kiến sẽ xử
lý tổng số giao dịch có giá trị 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Theo số liệu của Ngân hàng
Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng thanh toán dịch vụ
mobile banking ở Việt Nam đạt trên 160%. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử tại Việt
Nam đạt 60 triệu lượt với giá trị bình quân 200.000 đồng/giao dịch và có mức tăng
trưởng cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Thống kê của Solidance cho thấy
tại Việt Nam hiện có gần 200 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính,
trong đó 28 công ty hoạt động trong mảng cho vay được cấp phép chính thức.
Các doanh nghiệp fintech tập trung vào phân khúc cho vay tiêu dùng vi mô tại Việt
Nam nhờ những yếu tố như nhân khẩu học thuận lợi, mức độ sẵn sàng tiêu dùng tăng,
tỉ lệ dân số chưa có tài khoản ngân hàng còn cao.... Các công ty cho vay ngang hàng
(P2P) giúp rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền
thống xuống chỉ còn vài giờ. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng vi mô, bao gồm
những gói vay mà doanh nghiệp cho vay ngang hàng cung cấp, tiềm ẩn nguy cơ cao vì
4


những người vay hoàn toàn không thuộc tầm ngắm của các tổ chức tài chính truyền
thống hay công ty cho vay tiêu dùng, chủ yếu do họ không có hồ sơ tín dụng chính

thức.

Biểu đồ: Phân khúc sản phẩm fintech năm 2017 và dự báo 2025
Nguồn: YCP Solidance
-

Công nghệ tài chính trong ngân hàng

Cuộc CMCN 4.0 mang đến cơ hội cho ngành ngân hàng trong việc ứng dụng các
công nghệ quản trị thông minh và tự động hóa trong nghiệp vụ giúp đẩy nhanh tiến
trình, nâng cao năng suất và hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai. Những tiến bộ
về kỹ thuật công nghệ của Cách mạng số góp phần thúc đẩy sự hình thành những sản
phẩm dịch vụ tài chính mới trong ngành ngân hàng như: mPos, ví điện tử, công nghệ
thẻ chip, mobile banking, internet banking,… Đây chính là động lực giúp các ngân
hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và
trên thế giới nhằm học hỏi, nắm bắt và thay đổi kịp thời trước làn sóng công nghệ.
Ứng dụng công nghệ tài chính trong ngân hàng giúp tạo ra mô hình kinh doanh
mới, trải nghiệm khách hàng mới theo đó ngân hàng có thể nhận biết khách hàng điện
tử mà không cần gặp trực tiếp (thuận lợi cho tiếp cận các khách hàng xuyên biên giới,
khách hàng khu vực xa), xác minh ID/hộ chiếu sử dụng AI (thủ tục tòa án, OCR...), xác
thực khách hàng thông qua các hình thức sinh trắc học (gương mặt, ngón tay, các đặc
tính sống) không cần chữ ký vật lý (chữ ký số, chứng thư số…), không cần bằng chứng
về địa chỉ mà có thể truy xuất thông tin khách hàng qua các phương tiện truyền thông
xã hội, tự chụp ảnh tại nhà,… Các ngân hàng áp dụng công nghệ tài chính cho phép
khách hàng đặt lại mật khẩu, thay đổi thông tin địa chỉ qua điện thoại, thậm chí giao
dịch không cần qua chi nhánh. Công nghệ tài chính giúp các dịch vụ chứng thực khách
hàng được thực hiện nhanh hơn, minh bạch hóa lãi suất và giảm thiểu quy trình xử lý
khoản vay. Khách hàng cũng có thể truy vấn thông tin khoản vay theo thời gian thực
và tốn ít chi phí hơn.
Năm 2016, VPBank là ngân hàng tiên phong trên thị trường đã số hóa thành công

các sản phẩm thấu chi khách hàng trả lương, thấu chi trên tài khoản thanh toán (Sm@rt
OD), thẻ tín dụng phê duyệt trước và thẻ tín dụng Timo. Trong khi đó,
5


LienVietPostBank cung cấp dịch vụ ngân hàng số qua thẻ phi vật lý Ví Việt tích hợp
tài khoản thanh toán và thẻ của cùng một khách hàng, cho phép thanh toán 24/7 trực
tuyến cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ... hoặc chuyển khoản, sử dụng dịch
vụ ngân hàng (gửi tiết kiệm online, tất toán tiết kiệm online, cho vay tiêu dùng, thấu
chi), uỷ thác thanh toán, dịch vụ thẻ... Sản phẩm thẻ phi vật Ví Việt của
LienVietPostBank đã từng bước tiếp cận đời sống của người dân tại các khu vực kinh
tế kém phát triển và chịu ảnh hưởng nặng của tín dụng đen. Số liệu thống kê tại tỉnh
Đăk Nông cho thấy số liệu khách hàng sử dụng tăng từ hơn 3.200 người dùng và 58
đại lý (2017) lên tới hơn 5.200 người dùng và 209 đại lý (tháng 11/2019). Tương ứng
doanh số giao dịch cá nhân qua Ví đã tăng từ 50 tỷ đồng lên tới 460 tỷ đồng (tăng
trưởng 820%) và giao dịch qua đại lý tăng từ 80 tỷ đồng lên hơn 400 tỷ đồng (tăng
trưởng 400%) cùng giai đoạn.. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy tiềm năng phát
triển của sản phẩm và là tiền đề cho mở rộng thị phần tài chính vi mô góp phần giảm
thiểu quy mô tác động của tín dụng đen trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Thẻ phi vật lý Ví
Việt, LienVietPostBank đã xây dựng Ngân hàng số trực tuyến Liên Việt 24h được tích
hợp đa kênh an toàn, tiện ích, mọi lúc, mọi nơi và sẽ cung cấp dịch vụ đầu năm 2020
nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tổ chức tài chính chính thức cho mọi người dân
trên toàn quốc.
3

Tác động công nghệ tài chính đối với tín dụng đen

3.1. Công nghệ tài chính góp phần hạn chế tín dụng đen
- Cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao, thủ tục nhanh gọn góp phần hạn
chế quy mô phát triển của tín dụng đen: Các ngân hàng, công ty fintech khi liên kết

được với cơ quan quản lý, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và các giải
pháp về công nghệ có thể cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao. Tự động hóa
trong lĩnh vực tài chính giúp giảm thiểu đáng kể chi phí giao dịch tài chính, tạo ra
những đổi mới như chấm điểm tín dụng tự động bằng cách sử dụng các phân tích nâng
cao và lượng dữ liệu khổng lồ. Quy trình tự động hóa cho phép các công ty công nghệ
tài chính mới cung cấp dịch vụ thường với chi phí thấp hơn so với các nhà cung cấp
truyền thống. Các nền tảng cho vay ngang hàng hoạt động mà không có trung gian tài
chính truyền thống, thay vào đó kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay.
Tiêu biểu như như mô hình cho vay ngang hàng (P2P) cho phép phê duyệt khoản vay
trong vòng 24h với sự hỗ trợ từ các nguồn dữ liệu có thể giúp sinh viên dễ dàng tiếp
6


cận các khoản tài chính. Nhờ đó, người dân có thể tiếp cận được với dịch vụ tài chính
chất lượng cao, dễ dàng thao tác và giao dịch thuận tiện, giảm thiểu yêu cầu hồ sơ giấy
tờ, tạo điều kiện cho người đi vay sử dụng dịch vụ hợp pháp với chi phí rẻ và quy trình
xử lý nhanh gọn cạnh tranh được với dịch vụ cho vay phi chính thức.
- Tăng khả năng người dân tiếp cận các dịch vụ tín dụng và tài chính chính thức:
Trước khi có sự xuất hiện của fintech, quy trình cho vay của các ngân hàng thiếu linh
hoạt với rủi ro tín dụng bị đánh giá cao đối với nhiều đối tượng khách hàng trong đó có
doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nhờ sử dụng công nghệ quét thông tin từ các đánh
giá xã hội đến các công ty cung cấp dịch vụ, fintech có thể xác định chính xác hơn về
khả năng thành công, rủi ro tiềm ẩn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME,
nhờ đó tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các đối tượng khách hàng này. Điểm tín
dụng được xác định chỉ sau một buổi tiếp cận đơn giản với nhân viên tín dụng và có
đến 45% doanh nghiệp khởi nghiệp bị từ chối cho vay. Các nền tảng kỹ thuật số đang
tạo lập công cụ lập kế hoạch tài chính và quản lý tài sản phục vụ cho quy mô khách
hàng rộng lớn hơn, các nền tảng cho vay mới đang phát triển mô hình kinh doanh tận
dụng dữ liệu và tín dụng mới để phục vụ đối tượng khách hàng và doanh nghiệp nhỏ
không có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng truyền thống.

- Giảm mức độ thiệt hại đối với người tiêu dùng: Các khoản tín dụng ngắn hạn
được cung cấp qua tổ chức cho vay chuyên nghiệp có thể hạn chế việc người tiêu dùng
(kể cả những khách hàng ít hoặc thiếu hiểu biết tài chính) rơi vào trạng thái nhạy cảm
về tài chính hơn nhờ cung cấp khả năng tiếp cận với các giải pháp tín dụng chi phí thấp
với khách hàng đang ở trong tình trạng thiếu hụt về tài chính mà có thu nhập thấp hoặc
nhu cầu chi tiêu biến động.
Với những tác động tích cực trên, công nghệ tài chính đã góp phần góp phần rút
ngắn quy trình xử lý, tạo thuận lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương tài chính trong
nền kinh tế tiếp cận vốn, thúc người dân sử dụng dịch vụ vay vốn chính thức nhờ đó
đẩy lùi tín dụng đen.
3.2. Những hệ lụy của công nghệ tài chính đối với tín dụng đen
- Phát sinh rủi ro mới cho người tiêu dùng, người tiêu dùng khó nhận diện tín
dụng đen dưới các hình thức kỹ thuật số: Tín dụng kỹ thuật số được thiết kế và phân
phối có thể tạo ra nhiều rủi ro tiêu dùng bao gồm sản phẩm được thiết kế không đủ
thông tin khách hàng, truy cập tự động, thông tin di động hạn chế, tiếp thị kỹ thuật số
7


tích cực, tiếp thị sai lệch hoặc đại diện sai. Theo Owen (2018), các sản phẩm kỹ thuật
số có thể khiến khách hàng bị áp lãi suất rất cao, đặc biệt nếu các khoản vay được thực
hiện mà không có đủ thông tin về khả năng trả nợ của người vay. Một số hạn chế của
công nghệ tài chính trong cho vay kỹ thuật số bao gồm: (i) phân tích năng lực nợ hạn
chế; (ii) tài trợ vốn không hợp lý; (iii) thiếu báo cáo tín dụng chất lượng; (iv) các lựa
chọn tái cấu trúc hoặc tái cấp vốn có trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, lãi suất,
phí, lệ phí và điều khoản cho vay kỹ thuật số không rõ ràng, không đầy đủ và khó để
khách hàng có thể so sánh giữa các sản phẩm. Đối với mô hình cho vay ngang hàng,
vấn đề quan trọng nhất là thiếu thông tin công bố chính thức và quảng cáo sai lệch có
thể làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Theo thống kê của Công ty Tư vấn
Vietnam Partners, cho vay ngang hàng tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong
vài năm qua. Năm 2019, ước tính có khoảng 32 triệu khoản vay ngang hàng. Và rất

nhiều khoản vay đó là biến tướng của tín dụng đen, cho vay trên danh nghĩa với lãi
suất thấp, nhưng cộng tất cả các chi phí phải trả có thể gấp nhiều lần số tiền gốc ban
đầu, tức là lãi suất có thể lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn phần trăm một năm .
- Tăng khả năng phụ thuộc tài chính của người dân và làm gia tăng sự phát triển
của tín dụng đen trực tuyến: Tốc độ xử lý nhanh chóng của cho vay tiền mặt trực
tuyến cùng với kỹ thuật tiếp thị trực tuyến cũng làm tăng mức lo ngại về tình trạng mắc
nợ quá mức, đặc biệt đối với khách hàng có thu nhập thấp vốn phụ thuộc vào những
khoản mục cho vay kỹ thuật số này mà không kiểm soát được tình hình tài chính và
mức cân đối thu chi hàng ngày. Theo đó, người vay có thể phải bán các tài sản gia đình
hoặc vay mượn bạn bè, người thân để trang trải cho khoản vay dẫn tới làm suy yếu an
ninh kinh tế chung. Trong trường hợp bị lệ thuộc vào nguồn cấp tín dụng, những người
thu nhập thấp không còn có thể vay vốn ngân hàng chắc chắn sẽ phải tham gia vào các
dịch vụ cho vay trực tuyến với điều kiện thậm chí còn ít thuận lợi hơn với lãi suất cho
vay cao hơn. Tình trạng này, ngược lại có thể làm gia tăng sự phát triển của tín dụng
đen dưới hình thức cho vay ngang hàng, cho vay lãi suất cao trực tuyến.
4

Khó khăn và thách thức đối với công nghệ tài chính để hạn chế tín dụng đen

- Khó khăn về vấn đề pháp lý: Tài chính kỹ thuật số làm gia tăng các nhà cung cấp
dịch vụ tài chính phi truyền thống bao gồm chuyển tiền, gửi tiết kiệm và cho vay, phát
sinh các dịch vụ mới như cho vay ngang hàng; hay bộ phận tài chính tại các tổ chức
phi tài chính như PayPal của eBay, Alipay của Alibaba, các trung gian internet như
8


Google, nhà phát triển phần mềm điện tử như Apple, nhà khai thác viễn thông. Quy
định tài chính truyền thống không bao trùm các công ty này hoặc tiêu chuẩn thấp hơn
so với các tổ chức tài chính truyền thống mặc dù nhóm các tổ chức này có thể gia tăng
quy mô nhanh chóng. Cơ sở pháp lý này cũng là nguyên nhân trọng yếu khiến các nhà

cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số khó có thể mở rộng thị phần. Một số ứng dụng
mô hình P2P Lending - cho vay ngang hàng như “Vay Mượn” hay “Tima” nổi bật
trong hệ sinh thái fintech ở Việt Nam tuy nhiên các ứng dụng cho vay này và nhiều
ứng dụng khác tại Việt Nam có cơ sở pháp lý hoạt động không rõ ràng.
- Hạn chế về dữ liệu và mức độ chi tiết của tín dụng tiêu dùng: Dữ liệu về tín
dụng tiêu dùng ngắn hạn do các cơ quan quản lý cung cấp phần lớn thường thiếu chi
tiết. Tuy nhiên, theo khảo sát của Finco về cho vay tiêu dùng ngắn hạn, tại một số quốc
gia như Hà Lan, Nga, Nam Phi, Mỹ, Anh, Úc … cơ quan giám sát tài chính có thể
cung cấp thông tin về tổ chức tín dụng bao gồm cả tổ chức tài chính vi mô, báo cáo dư
nợ tín dụng tiêu dùng lãi suất cao và có quy định pháp lý riêng về các khoản cho vay
tiêu dùng lãi suất cao này.
- Thách thức khi phát triển công nghệ tài chính trong ngân hàng: Chi phí đầu tư
nghiên cứu và phát triển công nghệ tài chính trong các ngân hàng là rất lớn. Do ngân
hàng thường là những tổ chức lớn, hoạt động theo chuẩn mực, quy định chặt chẽ nên
việc ứng dụng công nghệ mới, thay đổi quy trình, hình thức cung cấp dịch vụ hiện có
phức tạp và tốn kém hơn các công ty khởi nghiệp, đặc biệt với những công nghệ liên
quan đến cấp tín dụng. Theo Nguyễn Đình Thắng (2018) nguồn vốn để đầu tư nghiên
cứu và phát triển AI khá cao, vì vậy việc nghiên cứu và ứng dụng AI mới chỉ được
triển khai tại các ngân hàng/tổ chức tài chính lớn. Nếu chỉ áp dụng những giải pháp
công nghệ chấm điểm như một số công ty tài chính hiện nay cho vay online sẽ khó
đảm các tiêu chuẩn về chất lượng nợ đồng thời kiểm soát lãi suất ở mức hợp lý.
Mặt khác, cần nhiều thời gian để chuẩn hóa, số hóa nguồn nhân lực, xây dựng hệ
sinh thái để chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình ngân hàng số (ứng dụng
công nghệ tài chính). Đó là các yêu cầu về tự động hóa làm giảm nhu cầu nhân sự tại
một số bộ phận trong ngân hàng nhưng đồng thời cũng dẫn đến nhu cầu ngày càng
tăng đối với các chuyên gia khoa học dữ liệu có kinh nghiệm ngân hàng. Các ngân
hàng phải phát triển mô hình quản lý nhân sự mới để đào tạo nhân viên và tuyển dụng
nhân sự đáp ứng được yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ
9



có những đặc thù riêng biệt về kênh phân phối cũng như quy trình có thể dẫn tới những
rủi ro mới phát sinh ngoài những rủi ro chung của hoạt động ngân hàng như mất thông
tin khách hàng, giao dịch trái phép, trộm cắp tiền…
5

Một số đề xuất và khuyến nghi

Trên cơ sở những phân tích đánh giá trên, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ tài
chính để hạn chế sự phát triển của tín dụng đen, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến
nghị đối với các cơ quan quản lý và các bên liên quan như sau:
-

Đối với Chính phủ và các tổ chức chính trị, xã hội

 Thúc đẩy sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng cơ chế cho

phép chia sẻ dữ liệu để các TCTD có thể xác thực được nhân thân trên cơ sở eKYC
và thúc đẩy cấp tín dụng cho đông đảo người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Đây là kinh nghiệm thực tế đã được triển khai ở các nền tài chính phát triển như
Mỹ, Canada, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… hoặc gần đây như
Trung Quốc. Do đặc thù dữ liệu phân tán thiếu đồng nhất, Việt Nam có thể mất
nhiều thời gian để có thể quy chuẩn, tổng hợp dữ liệu từ các nguồn y tế, bảo hiểm
xã hội, tài khoản, lịch sử tín dụng,… tuy nhiên cần có lộ trình và cam kết rõ ràng
của Chính phủ để các TCTD chủ động hơn trong việc chuẩn bị ứng dụng công
nghệ, giải pháp đẩy mạnh cung ứng dịch vụ tài chính phục vụ người dân.
 Nghiên cứu ban hành sớm các văn bản pháp lý hoàn chỉnh về eKYC (có giới hạn),

hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt,
dịch vụ ngân hàng số (nạp/rút tiền mặt đối với Tài khoản số); phát triển người

dùng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính phát triển khách hàng. Đồng
thời Chính phủ, NHNN cần sớm xây dựng các cơ chế pháp lý đi kèm với ứng dụng
công nghệ, ban hành và triển khai quy định về cơ chế môi trường thử nghiệm
(sandbox).
 Đối với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương: tích cực liên kết với

các TCTD, ngân hàng để hỗ trợ xác thực nhân thân, cung cấp thông tin để cho vay
theo nhóm, tổ liên kết. Đây là một trong những bài học được đúc rút từ thành công
trong thời gian qua với mô hình cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân
hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho
vay tổ, nhóm ở các địa phương.
10


-

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

 Có chính sách hỗ trợ cho các TCTD tham gia triển khai các giải pháp hạn chế tín

dụng đen như ưu đãi về vốn, phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với
dư nợ cho vay vi mô nhằm hạn chế tín dụng đen tại các TCTD, quy định mức tính
hệ số rủi ro đảm bảo an toàn vốn thấp hơn cho nợ xấu phát sinh từ các khoản cấp
tín dụng vi mô.
 Nghiên cứu ban hành quy định yêu cầu các tổ chức cho vay trực tuyến phải cung

cấp thông tin minh bạch về dữ liệu cho vay lịch sử, dữ liệu lựa chọn đầu tư, điều
khoản cho vay và lãi suất cho vay.
 Ban hành quy định áp dụng giới hạn trần lãi suất cho vay đối với các tổ chức tài


chính trên thị trường (có thể phân cấp theo mức vay); phối hợp với bộ ban ngành
liên quan có cơ chế, công cụ quản lý lãi suất (bao gồm cả các loại phí) và chế tài
xử lý các tổ chức cho vay vi phạm quy định như dừng cấp phép, giới hạn quy mô
cho vay...
 Tổ chức, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục, phổ biến

kiến thức tài chính đối với người dân, nâng cao hiểu biết của người dân về các sản
phẩm cho vay không chính thức.
 Nghiên cứu xây dựng quy định giới hạn đảm bảo an toàn cho vay riêng đối với các

tổ chức tài chính cung ứng dịch vụ cho vay công nghệ mới.
-

Đối với các NHTM

 Xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ tài chính phát

triển các dịch vụ cho vay vi mô, mở rộng tiếp cận đối tượng khách hàng có thu
nhập trung bình thấp.
 Phát triển ngân hàng số song song với xây dựng hệ sinh thái của ngân hàng:

(i) Phát triển dịch vụ ngân hàng số qua internet (trên máy tính, mobile), thẻ nội địa,
quốc tế và cho vay thấu chi nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, dịch
vụ thuận tiện, nhanh chóng từ đó tăng cơ hội tiếp cận tín dụng với mọi đối tượng
khách hàng.
(ii) Cần gia tăng số điểm chấp nhận thanh toán, khắc phục các hạn chế về công
nghệ đồng thời nâng cao giải pháp bảo mật, phòng ngừa gian lận… để người dùng
yên tâm sử dụng.
11



(iii) Xây dựng Hệ sinh thái toàn diện kết nối giữa ngân hàng với các đối tác cần
đáp ứng các yêu cầu về: Phương tiện thanh toán online, dịch vụ ngân hàng số,
công cụ quản lý tài sản, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chấm điểm tín dụng, tích
lũy điểm thưởng dùng chung, hỗ trợ kinh doanh online... Qua đó, thu thập và khai
thác cơ sở dữ liệu người dùng phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
 Nâng cấp hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung, ứng dụng Big Data như chấm điểm

tín dụng (Credit Scoring), quản lý cơ sở dữ liệu khách hàng CRM/CXM, Data
Warehouse, triển khai ứng dụng mô hình có thể xác định điểm số tín dụng của
khách hàng dựa trên các chỉ tiêu phi tài chính như lịch sử mua sắm, lịch sử thanh
toán các hóa đơn bán lẻ, kết quả phân tích hành vi khách hàng thông qua dữ liệu từ
mạng xã hội, mạng viễn thông, mức độ trung thực... nhằm đẩy nhanh quy trình xử
lý, giảm thiểu chi phí và cho phép đưa ra kết quả chuẩn xác hơn đối với đa dạng
các phân khúc khách hàng.

12


Tài liệu tham khảo
Agénor, P-R and P. Montiel (1996), Development Macroeconomics, Princeton:
Princeton University press.
Alyssa Peterson (2013), Predatory payday lending: Its effect and how to stop it,
/>y-payday-lending/, truy cập ngày 02/12/2019.
Conning, J. & C. Udry (2005), “Rural financial markets in developing countries”,
Discussion Paper No. 914, Economic Growth Center, Yale University.
Franklin Allen và các cộng sự (2014), Understanding informal financing.
Fuster, A., M. Plosser, P. Schnabl, and J. Vickery (2019). The role of technology in
mortgage lending. The Review of Financial Studies 32(5), 1854–1899.
John Owen (2018), Responsible digital credit: What does responsible digital credit

look like?, Center for financial inclusion, ACCION.
OECD (2019), Short-Term Consumer Credit: provision, regulatory coverage and
policy responses.
Nguyễn Đình Thắng (2018), Thách thức khi triển khai ngân hàng số và giải pháp quản
trị rủi ro đối với các ngân hàng thương mại, Hội thảo khoa học Quốc gia “Cách mạng
công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng”, Trưởng Đại
học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
Phạm Hải Nam (2018), Thực trạng và giải pháp Quản lý hoạt động “tín dụng đen” ơ
Việt Nam, truy cập ngày 28/11/2019.
Robert Mayer (2012), Loan Sharks, Interest-Rate Caps, and Deregulation, 69 Wash. &
Lee L. Rev. 807 (2012), />Todd H. Baker (2018), FinTech alternatives to short-term small-dollar credit: Helping
low-income working families escapes the high-cost lending trap, M-RCBG Associate
Working Paper Series, No. 75.
World Development Report (2016), Enabling digital development digital finance,
Digital Finance.
Nguyễn Văn Tâm (2018), Phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam: Cơ hội và thách
thức, />
13



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×