Gia nhập WTO: Từ thẻ tín dụng đến bảo hiểm xe cơ giới
Những thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm cho thấy
doanh nghiệp trong nước vẫn còn cơ hội để tự lớn lên, nhưng thời gian cho cơ hội không
nhiều…
Trong khi Việt Nam chưa có bất cứ một tuyên bố cụ thể nào về các thỏa thuận đã ký với Mỹ về
WTO, thì phía Mỹ nhanh chóng công khai những thỏa thuận đạt được với Việt Nam.
Những thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm cho thấy doanh
nghiệp trong nước vẫn còn cơ hội để tự lớn lên, nhưng thời gian cho cơ hội không nhiều.
Câu chuyện thẻ tín dụng
Trong lĩnh vực ngân hàng, bắt đầu từ ngày 1/4/2007 các ngân hàng Mỹ và nước ngoài được mở
chi nhánh 100% vốn nước ngoài. Những chi nhánh này được đối xử như các ngân hàng nội địa.
Các ngân hàng Mỹ được huy động vốn bằng tiền đồng không hạn chế từ các khách hàng có
quan hệ với ngân hàng và đặc biệt được phép phát hành thẻ tín dụng.
Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước không quá lo lắng trước thỏa thuận ngân hàng Mỹ được mở chi
nhánh 100% vốn nước ngoài. Việc huy động vốn không hạn chế bằng tiền đồng cũng vậy.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước bình luận, những thỏa thuận về WTO (liên quan đến ngân
hàng) không khác mấy so với thỏa thuận của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Mấu chốt của việc
mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài là liệu với số vốn điều lệ bao nhiêu thì được mở. Có thể
hiểu không phải bất cứ ngân hàng nước ngoài nào cũng được mở chi nhánh 100% vốn nước
ngoài ở Việt Nam.
Còn việc huy động tiền đồng, các chi nhánh ngân hàng Mỹ đã từng được nâng mức huy động từ
bằng 50% lên bằng 1.000% vốn điều lệ, nhưng bản thân họ không mặn mà lắm với chuyện này.
Vấn đề là huy động tiền đồng từ dân cư, nhưng thỏa thuận lại hạn chế huy động tiền đồng từ
khách hàng doanh nghiệp (legal entities).
Tuy nhiên, phát hành thẻ tín dụng là câu chuyện khác.
Từ trước đến nay các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Hà Nội và Tp.HCM (như HSBC, ANZ)
vẫn phát hành thẻ tín dụng quốc tế, nhưng số lượng không đáng kể. Sau chín tháng nữa, tình
hình sẽ khác: họ được phát hành thẻ nội địa. Đây mới đích thực là lĩnh vực tiềm năng mà các
ngân hàng Việt Nam chưa khai thác được bao nhiêu, chưa kể mạnh ngân hàng nào ngân hàng
ấy phát hành thẻ nội địa với hệ thống máy ATM riêng.
Theo một chuyên gia ngân hàng, sẽ xảy ra khả năng không phải chi nhánh ngân hàng nước
ngoài ở Việt Nam phát hành thẻ nữa mà là ngân hàng mẹ ở nước ngoài phát hành thẻ cho thị
trường Việt Nam. Những thẻ này theo chuẩn quốc tế chung và xài được ở tất cả các máy ATM.
Ông Đỗ Đức Cường, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Sài Gòn Công thương (SaigonBank) và
Ngân hàng Đông Á, cho biết ngày 1/7/2006 tới Đông Á sẽ ký hợp đồng hợp tác toàn diện với một
ngân hàng Mỹ. Ngân hàng Mỹ sẽ trở thành cổ đông chiến lược dài hạn của Đông Á và ngay sau
đó, hai bên sẽ liên kết phát hành thẻ tín dụng. Như vậy, thẻ nội địa của Đông Á sẽ sử dụng được
tại toàn bộ hệ thống máy ATM của ngân hàng Mỹ nói trên ở Mỹ và thế giới.
Với sự liên kết này, ngân hàng Mỹ sẽ không phải trực tiếp phát hành thẻ mà vẫn đặt chân vào
được thị trường thẻ nội địa chín tháng trước khi các thỏa thuận Việt - Mỹ về WTO có hiệu lực.
Trong khi đó, chủ thẻ Đông Á cũng được hưởng lợi: với một chiếc thẻ, không phân biệt quốc tế
hay nội địa, có thể xài cả trong và ngoài nước, với phí giao dịch thấp. Đặc biệt, Việt kiều ở nước
ngoài có thể dùng thẻ Đông Á để chuyển kiều hối cho người trong nước thông qua chuyển khoản
qua thẻ. Khả năng gia tăng nhanh chóng doanh số chi trả kiều hối của Đông Á đang rất hiện
thực.
Bảo hiểm: Dỡ bỏ ba hạn chế
Trong lĩnh vực chứng khoán, các công ty nước ngoài được phép lập liên doanh tại Việt Nam với
mức sở hữu tối đa 49%. Sau năm năm, mức sở hữu này là 100%.
Ông Vũ Bằng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: “Lập công ty chứng khoán
liên doanh chúng ta đã cho rồi, nhưng chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào vào bởi lẽ thị
trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ”.
Một số đối tác nước ngoài như Dragon Capital, Indochina Capital, Vietnam Partners đã góp vốn
vào các công ty chứng khoán nội địa với mức sở hữu cổ phần từ 10-30%.
Trong dự thảo Luật Chứng khoán trình Quốc hội, phía Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện các thỏa
thuận khi đưa vào một câu để ngỏ việc mở các công ty, chi nhánh nước ngoài sẽ tiến hành theo
lộ trình cam kết hội nhập.
Riêng về bảo hiểm, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Việt Nam đã cho phép thành lập công ty bảo
hiểm 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Theo thỏa thuận về WTO ký với Mỹ, sau năm năm kể
từ ngày gia nhập WTO, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép mở chi nhánh
trực tiếp tại Việt Nam. Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa đề cập đến chi nhánh trực tiếp, do đó Việt
Nam sẽ phải có thêm quy định pháp lý về vấn đề này.
Đáng chú ý nhất là Việt Nam cam kết sẽ đối xử bình đẳng với các công ty bảo hiểm nước ngoài
như với các công ty bảo hiểm nội địa. Điều đó có nghĩa dần dần Việt Nam sẽ phải bãi bỏ ba hạn
chế đang áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Cụ thể về đối tượng khách hàng: hiện công ty bảo hiểm nước ngoài không được cung cấp bảo
hiểm cho doanh nghiệp quốc doanh, cho cá nhân người Việt hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước
nắm giữ cổ phần chi phối.
Về phạm vi hoạt động: vẫn có một số hạn chế trong việc mở chi nhánh. Thí dụ công ty bảo hiểm
nước ngoài phải hoạt động sau một số năm nhất định mới được mở thêm chi nhánh.
Hạn chế thứ ba là công ty bảo hiểm nước ngoài chưa được phép khai thác bảo hiểm bắt buộc,
chẳng hạn bảo hiểm xe cơ giới... Hiện ba hạn chế nói trên đang mang lại những ưu đãi không
nhỏ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.