Tải bản đầy đủ (.pdf) (88 trang)

KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC KHAI THÁC ĐÁ THEO PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (792 KB, 88 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TẠ THU THỦY

KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC
KHAI THÁC ĐÁ THEO PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở
VIỆT NAM HIỆN NAY TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ

HÀ NỘI, NĂM 2019


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TẠ THU THỦY

KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC KHAI
THÁC ĐÁ THEO PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT
NAM HIỆN NAY TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NINH

Ngành: Luật Kinh Tế
Mã số: 8.38.01.07

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. BÙI NGUYÊN KHÁNH

HÀ NỘI, NĂM 2019



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn “Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh
vực khai thác đá theo pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay từ
thực tiễn tỉnh Quảng Ninh” là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi.
Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn bảo đảm độ tin cậy, chính xác
và trung thực. Những kết luận khoa học của Luận văn chưa từng được công
bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận văn

Tạ Thu Thủy


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện đề tài luận văn Thạc sĩ, tác giả đã nhận được
sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của các Thầy cô giáo, các nhà khoa học, các
cơ quan, tổ chức cá nhân. Đề tài nghiên cứu cũng được hoàn thành dựa trên
sự tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu có liên quan
của các tác giả. Đặc biệt đề tài còn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận
lợi từ gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp.
Tác giả xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thầy PGS.TS. Bùi
Nguyên Khánh, người trực tiếp hướng dẫn khoa học đã dành nhiều thời gian,
công sức hướng dẫn tác giả trong quá trình thực hiện luận văn.
Tác giả xin được trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các thầy cô giáo,
các bạn bè đồng nghiệp và gia đình đã giúp đỡ tác giả hoàn thiện công trình
nghiên cứu.
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng đề tài không tránh khỏi những thiếu
sót, tác giả kính mong các quý Thầy cô, các nhà khoa học những người quan
tâm đến đề tài đóng góp ý kiến để đề tài được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!

Tác giả

Tạ Thu Thủy


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
VÀ PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG
LĨNH VỰC KHAI THÁC ĐÁ.................................................................................. 8
1.1 Khái niệm ô nhiễm môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong
lĩnh vực khai thác đá ............................................................................................. 8
1.2 Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong khai thác đá ................. 17
Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM
MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC KHAI THÁC ĐÁ Ở VIỆT NAM VÀ
THỰC TIỄN THỰC HIỆN TẠI TỈNH QUẢNG NINH ..................................... 25
2.1 Thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực
khai thác đá ở Việt Nam hiện nay ...................................................................... 25
2.2 Thực tiễn áp dụng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh
vực khai thác đá của tỉnh Quảng Ninh ............................................................... 33
Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC KHAI
THÁC ĐÁ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY .................................................................. 61
3.1 Một số thực trạng và Phương hướng hoàn thiện .......................................... 61
3.2 Giải pháp hoàn thiện ..................................................................................... 63
KẾT LUẬN .............................................................................................................. 77
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................... 78


DANH MỤC BẢNG

Bảng 1.1 Lượng khí thải trung bình do khai thác 300.000 m3 đá xây dựng ............. 22
Bảng 1.2 Lượng khí thải trung bình do vận tải 300.000 m3 đá xây dựng ................ 22
Bảng 1.3. Lượng bụi thải trung bình do khai thác 300.000 m3 đá xây dựng ............ 23
Bảng 2.1. Quy hoạch các mỏ khai thác đá xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.... 36
Bảng 2.2. Hàm lượng bụi phát tán khi nổ mìn (lượng thuốc nổ 90 kg) .................... 44
Bảng 2.3. Độc tính của CO2 .................................................................................... 46


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong những năm gần đây Quảng Ninh là Tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế
nhanh. Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Quảng Ninh đang phải đối
mặt nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức giữa việc khai thác than, phát triển công
nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; Thách thức giữa
phát triển công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh với giải quyết vấn đề môi trường
sống; Thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến
đổi khí hậu và nước biển dâng cao.
Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động và có nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm và
kiểm soát tốt chất lượng môi trường trên địa bàn nói chung xuất phát từ nhận thức:
bảo vệ môi trường có ý nghĩa cấp thiết với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao
chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn
tại nhiều thách thức đặt ra cho tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo vệ môi trường, cụ
thể là trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh.
Trong công cuộc bảo vệ môi trường, pháp luật rõ ràng đóng một vai trò hết sức
quan trọng. Hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường đã được hình
thành và thực hiện trên thực tế đang thể hiện những tồn tại cụ thể trong lĩnh vực
khai thác đá. Hiện nay, chưa có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu vấn đề pháp luật
về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá. Mặc dù đề tài này đã
được đề cập trong một số bài viết nhưng chưa được tập trung nghiên cứu chuyên
sâu, bao quát toàn bộ và hầu hết các bài viết đều không nghiên cứu vấn đề dưới góc

độ pháp luật, không có sự cập nhật thông tin tương ứng với quá trình thay đổi từ
thực tiễn và quy định của pháp luật.
Với những lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài: “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm
môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua thực tiễn tỉnh Quảng Ninh” cho Luận
văn thạc sĩ của mình. Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này, luận văn nghiên
cứu, tìm hiểu về hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, vấn đề kiểm soát
ô nhiễm môi trường bằng pháp luật tại tỉnh Quảng Ninh; từ đó bước đầu có những lý
giải về thực trạng môi trường tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây và đưa ra một số
giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá tại tỉnh
Quảng Ninh, hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường trong tương lai.

1


2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đê tài
Ô nhiễm môi trường từ lâu luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Đã có
nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này dưới nhiều góc độ: chính trị,
pháp luật, kinh tế, môi trường, xã hội học… với quy mô rộng, hẹp khác nhau. Riêng
xét dưới góc độ pháp luật, vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường đã được đề cập
trong nhiều đề tài khoa học, tuy nhiên đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường
cụ thể trong hoạt động khai thác đá đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu về
vấn đề này.
Sự phát triển của kinh tế phải đi đôi với sự bền vững của môi trường nếu
không quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa một cách vội vàng sẽ dẫn đến những
hậu quả lâu dài. Nền kinh tế trước mắt có thể tiến nhanh vượt bậc nhưng qua giai
đoạn đỉnh cao sẽ suy thoái khi mà sự phát triển đó vượt ngưỡng chịu đựng của môi
trường. Tác giả Trần Thị Thùy Dương (2008) có nghiên cứu: “Bảo vệ môi trường sinh
thái trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam” [13]. Đề tài khoa học
trên tập trung nghiên cứu hệ thống tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá tới môi
trường sinh thái và bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện

đại hoá ở Việt Nam dưới góc độ của Khoa học Kinh tế chính trị. Để làm tốt mục đích
trên tác giả đã làm rõ mối quan hệ giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá và môi trường
sinh thái; phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề môi
trường trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phân tích thực trạng môi trường
sinh thái và bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở
Việt Nam; từ đó đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm bảo vệ môi trường trong thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam.
Luận văn thạc sỹ “Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Việt (2010) [14] đã khái quát rõ nét về trách
nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam và một số nước
trên thế giới, nêu thực trạng vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hành chính
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay, đề xuất các giải pháp dựa
trên yêu cầu hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền
hiện nay từ việc học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
Trước thực tế chất lượng môi trường đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh
hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người và các loài sinh vật, vấn đề ô nhiễm

2


môi trường trở thành một chủ đề nóng mà bất kì tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nào
đều quan tâm, nghiên cứu trong các đề tài khoa học. Nguyễn Đình Đức (2011) đã
có đề tài: “Những vấn đề pháp lý về bảo vệ môi trường trong quy hoạch kinh tế - xã
hội ở nước ta hiện nay” [27]. Trong nghiên cứu này, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ
xã hội phát sinh trong quá trình quy hoạch bảo vệ môi trường với việc phát triển
kinh tế bền vững và phân tích nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ này.
Đồng thời tác giả nêu ra những thiếu sót, bất cập của pháp luật về bảo vệ môi
trường trong quy hoạch kinh tế - xã hội như: Chưa điều chỉnh các mối quan hệ phát
sinh giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường với các cơ quan, tổ chức tư vấn
thẩm định kế hoạch quy hoạch bảo vệ môi trường và vai trò của cộng đồng dân cư

trong việc quy hoạch bảo vệ môi trường trong sự phát triển bền vững, chưa quan
tâm đến việc kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện các quy định về bảo vệ môi
trường sau khi đề án quy hoạch bảo vệ môi trường được thẩm định và đi vào hoạt
động. Từ những nhận định xuất phát từ hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn,
tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ
môi trường trong quy hoạch kinh tế - xã hội ở Việt Nam thời gian tới.
Luận án Tiến sĩ Luật học “Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi
trường” của tác giả Dương Thanh An năm 2011 [1] đã tập trung phân tích và tổng
hợp một cách có hệ thống những vấn đề lý luận về tội phạm môi trường, tác giả đã
đưa ra những số liệu mới nhất về tội phạm môi trường trong thời gian đó... Luận án
được đánh giá là có nhiều đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt đã đề xuất
được các hướng để hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam đối với
loại tội phạm về môi trường.
Nguyễn Thị Xuân Trang (2012) với đề tài nghiên cứu: “Trách nhiệm bồi
thường thiệt hại do xâm phạm môi trường theo quy định của bộ luật dân sự năm
2005” [29] đã có những đóng góp nhất định vào lý luận trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng các khái niệm môi trường theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp,
khái niệm trách nhiệm dân sự do xâm phạm môi trường… Luận văn đưa ra những
nguyên nhân, điều kiện của các vụ xâm phạm môi trường, dự báo tình hình xâm
phạm môi trường trong những năm tới. Đồng thời, luận văn góp phần giải quyết
một cách có hệ thống những vướng mắc xung quanh chế định bồi thường thiệt hại
do xâm phạm môi trường.

3


Năm 2013, tác giả Nguyễn Thị Tố Uyên đã có đề tài nghiên cứu với tựa đề:
“Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”
[30]. Luận án đã nêu khái niệm “trách nhiệm pháp lý” trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường ở hai khía cạnh “tích cực” và “tiêu cực”. Bản thân thuật ngữ “trách nhiệm

pháp lý” cũng thường mang ý nghĩa tiêu cực, điều này cũng được thể hiện rõ trong
luận án. Thuật ngữ được làm rõ hơn khi tác giả khái quát những đặc trưng cơ bản
của trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức thể hiện, phạm
vi tác động và đối tượng tác động của pháp luật trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường. Tác giả đưa ra những tiêu chí cần thiết khi hoàn thiện pháp luật
về trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: đảm bảo tính ổn định của
pháp luật, tính chuẩn mực, tính nhất quán, tính minh bạch, việc hoàn thiện các quy
định trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đảm bảo được tính
răn đe và trừng phạt, trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải
đảm bảo tính kịp thời, khi hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý trong lĩnh
vực bảo vệ môi trường thì phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc quy
định các biện pháp xử phạt giữa các thành phần môi trường, việc hoàn thiện pháp
luật về trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực này phải đảm bảo tính thực thi trên thực
tế, pháp luật về trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đảm bảo
tính công bằng giữa cá nhân và tổ chức.
Công trình khoa học của tác giả Bùi Ngọc Hà (2013): “Nghiên cứu những
tác động chính của dự án khai thác đá núi Ông Voi và đề xuất các giải pháp cải
tạo, phục hồi môi trường” [31] đã tập trung khảo sát, nghiên cứu hiện trạng môi
trường khu vực mỏ và nghiên cứu các tác động của việc khai thác đá núi Ông Voi
cùng một số mỏ đá đang khai thác và đã khai thác xong trong khu vực. Đồng thời,
cũng nghiên cứu các phương pháp cải tạo phục hồi môi trường của một số mỏ ở
Việt Nam và trên thế giới. Từ đó đưa ra những giải pháp khả thi nhằm đưa khu vực
đã khai thác thành khu vực có mục đích sử dụng mới phù hợp với điều kiện sau
khai thác; các điều kiện môi trường, tự nhiên được tái tạo lại gần giống như điều
kiện trước khi khai thác.
Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga trên tạp chí Cộng sản (2015): “Bảo vệ
môi trường tự nhiên ở Việt Nam – Yêu cầu cấp thiết” [32] đã đưa ra hai mâu thuẫn
đó là: Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công

4



nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể và người
dân; Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ sở vật chất - kỹ thuật, tiềm lực khoa học - công
nghệ và nhân lực cho bảo vệ môi trường. Cả hai vấn đề trên đã thể hiện nhiều hạn
chế chưa được khắc phục trên thực tế. Bên cạnh đó là những bất cập trong cơ chế,
chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên
chưa được khắc phục.
Các bài viết và đề tài nghiên cứu trên đây đã nghiên cứu vấn đề bảo vệ môi
trường dưới nhiều góc độ, vấn đề trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực môi trường, đã
chỉ ra những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay, trên cơ
sở những nghiên cứu khoa học kết hợp bài học từ thực tiễn các nước trên thế giới đã
đề xuất những giải pháp hiệu quả nhằm hoàn thiện pháp luật về môi trường cũng
như hoạt động bảo vệ môi trường của nước ta trong giai đoạn tới.
Hoạt động khai thác khoáng sản luôn có những tác động rất lớn tới môi
trường, tuy nhiên hiện nay các đề tài khoa học đa số nghiên cứu vấn đề này ở tầm vĩ
mô, có rất ít các nghiên cứu trên địa bàn cụ thể dưới góc độ pháp luật. Đặc biệt
trong phạm vi tỉnh Quảng Ninh, trong hoạt động khai thác đá thì chưa có công trình
nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với hoạt động
này. Vì vậy khi lựa chọn đề tài “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong
hoạt động khai thác đá qua thực tiễn tỉnh Quảng Ninh” tác giả mong muốn sẽ góp
phần hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, có sự tổng hợp, chuyên
sâu về vấn đề khai thác đá trên địa bàn tỉnh, đưa ra những đề xuất từng bước nâng
cao hiệu quả công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá,
đồng thời nâng cao ý thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường trong nhân nhân, các
cơ sở khai thác đá, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài là nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về

kiểm soát ô nhiễm môi trường và pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong
hoạt động khai thác đá; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi
pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá trên địa
bàn tỉnh Quảng Ninh; để từ đó đề xuất các phương hướng, giải pháp hoàn thiện

5


pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá ở Việt
Nam hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ của đề tài
Đề thực hiện mục đích nghiên cứu trên, Luận văn có các nhiệm vụ nghiên
cứu cụ thể như sau:
- Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về kiểm soát ô nhiễm môi
trường và pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá;
- Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong hoạt động khai thác đá ở Việt Nam hiện nay;
- Phân tích, đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi
trường trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
- Đề xuất các phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát
ô nhiễm
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
“Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua
thực tiễn tỉnh Quảng Ninh” là một đề tài có nội dung nghiên cứu khá rộng, cần xem
xét trên nhiều góc độ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận văn, tác giả giới hạn đối
tượng và phạm vi nghiên cứu ở những nội dung cơ bản sau:
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về ô nhiễm môi trường; tầm quan trọng
của việc kiểm soát ô nhiễm môi trường; quyền của con người được sống trong môi
trường trong lành, mối liên hệ giữa kiểm soát ô nhiễm môi trường và bảo vệ quyền
con người.

- Nghiên cứu, tìm hiểu thực tế hoạt động khai thác đá tại tỉnh Quảng Ninh,
cụ thể tại ba đơn vị điển hình: Huyện Hoành Bồ, thành phố Uông Bí và thành phố
Cẩm Phả trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2018 (10 năm).
- Nghiên cứu, đánh giá các quy định hiện hành của pháp luật nhằm kiểm soát
ô nhiễm môi trường; các quy định cụ thể nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trong
hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Đánh giá thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật về kiểm soát nhiễm
môi trường trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

6


5. Cơ sở lý luận và Phương pháp nghiên cứu
Luận văn dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh làm cơ sở phương pháp luận cho việc nghiên cứu pháp luật về pháp
luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá tại Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu tác giả đã kết hợp, sử dụng các phương pháp
nghiên cứu như sau: tổng hợp, phân tích, phương pháp so sánh, thống kê,….để giải
quyết nội dung từng mục, chương trong luận văn. Cụ thể:
- Chương 1, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp chủ yếu như: lịch sử,
phương pháp phân tích, tổng hợp… để làm rõ các nội dung
- Chương 2, tác giả sử dụng các phương pháp chủ yếu như: phân tích, tổng
hợp, thống kế, so sánh… để giải quyết các nội dung đặt ra.
- Chương 3, tác giả sử dụng các phương pháp chủ yếu như tổng hợp, phân
tích,.. để đạt mục tiêu đề ra.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của Luận văn sẽ cung cấp các nội dung quan trọng, đáng
tin cậy, có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện các quy định pháp
luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua thực tiễn cho
tỉnh Quảng Ninh. Luận văn có giá trị tham khảo, phục vụ cho công việc nghiên cứu,

giảng dạy và học tập môn học Luật môi trường, chính sách môi trường.
Trong khuôn khổ Luận văn đề xuất giải pháp để hoàn thiện và tiếp tục xây
dựng các quy định pháp luật môi trường nhằm thực hiện có hiệu quả để kiểm soát ô
nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá của tỉnh Quảng Ninh.
7. Kết cấu của luận văn
Bố cục của luận văn gồm 03 chương với nhằm trình bày, giải quyết những
vấn đề cụ thể sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về ô nhiễm môi trường và pháp luật về
kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá.
Chương 2: Thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh
vực khai thác đá ở Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại Quảng Ninh.
Chương 3: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô
nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá ở Việt Nam hiện nay

7


Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
VÀ PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG
LĨNH VỰC KHAI THÁC ĐÁ
1.1 Khái niệm ô nhiễm môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh
vực khai thác đá
1.1.1 Khái niệm môi trường và ô nhiễm môi trường trong khai thác đá
a) Khái niệm Môi trường
Khái niệm môi trường được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau tùy thuộc vào
góc độ nghiên cứu. Thông thường, ta hay dùng các khái niệm như môi trường xã
hội, môi trường giáo dục, môi trường làm việc, môi trường văn hóa, môi trường
nước, môi trường đất, môi trường không khí… Với cách hiểu như trên, môi trường
được chia thành hai loại cơ bản: môi trường vật chất tự nhiên và môi trường nhân

tạo có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của con người.
Dưới góc độ pháp lý, môi trường được định nghĩa tại khoản 1, khoản 2 Điều
3 Luật Bảo vệ môi trường 2015 quy định:
“1. Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác
động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.
2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất,
nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.” [21].
Môi trường sống của con người theo chức năng được chia thành các loại:
Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học,
sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động
của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động vật,
thực vật, đất, nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng
nhà cửa, trồng cây, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng
sản cần thiết cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải,
thiên nhiên tạo ra cảnh quan tự nhiên đẹp phục vụ cho mục đích tham quan, giải trí,
làm cho cuộc sống con người thêm phong phú.
Môi trường xã hội là tổng hợp tất cả các yếu tố về xã hội có liên quan và tác
động tới đời sống con người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy định, ước

8


định... ở các cấp khác nhau như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh,
huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức
đoàn thể... Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn
khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc
sống của con người khác với các sinh vật khác.
Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất
cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống,
như ôtô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo...

Môi trường theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết
cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí,
đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội...
Môi trường theo nghĩa hẹp không xét tới tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ bao
gồm các nhân tố tự nhiên và xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống con
người. Ví dụ: môi trường của học sinh gồm nhà trường với thầy giáo, bạn bè, nội
quy của trường, lớp học, sân chơi, phòng thí nghiệm, vườn trường, tổ chức xã hội
như Ðoàn, Ðội với các điều lệ hay gia đình, họ tộc, làng xóm với những quy định
không thành văn, chỉ truyền miệng nhưng vẫn được công nhận, thi hành và các cơ
quan hành chính các cấp với luật pháp, nghị định, thông tư, quy định.
b) Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là một khái niệm được nhiều ngành khoa học định
nghĩa. Dưới góc độ sinh thái, khái niệm này chỉ tình trạng của môi trường trong đó
có những chỉ số hóa học, lý học của nó bị thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Dưới
góc độ kinh tế học, ô nhiễm môi trường là sự thay đổi không có lợi cho môi trường
sống về các tính chất vật lý, hóa học, sinh học, mà qua đó có thể gây tác hại tức thời
hoặc lâu dài đến sức khỏe con người, các loài động vật và các điều kiện sống khác.
Dưới góc độ pháp lý được quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật Bảo vệ môi trường
như sau:
“ Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không
phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh
hưởng xấu đến con người và sinh vật.” [21].
Trên thế giới: Ô nhiễm môi trường được hiểu là tình trạng môi trường bị ô
nhiễm bởi các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con

9


người, các cơ thể sống khác. Ô nhiễm môi trường xảy ra là do con người và cách
quản lý của con người.

Các dạng ô nhiễm chính
Dưới đây là các hình thức ô nhiễm và các chất ô nhiễm liên quan:
- Ô nhiễm không khí, việc xả khói chứa bụi và các chất hóa học vào bầu
không khí. Ví dụ về các khí độc là cacbon mônôxít, điôxít lưu huỳnh, các
chất cloroflorocacbon (CFCs), và ôxít nitơ là chất thải của công nghiệp và xe
cộ. Ôzôn quang hóa và khói lẫn sương(smog) được tạo ra khi các ôxít nitơ phản ứng
với nước trong không khí (chính là sương) xúc tác là ánh sáng mặt trời.
- Ô nhiễm nước xảy ra khi nước bề mặt chảy qua rác thải sinh hoạt, nước
rác công nghiệp, các chất ô nhiễm trên mặt đất, rồi thấm xuống nước ngầm.
- Ô nhiễm đất xảy ra khi đất bị nhiễm các chất hóa học độc hại (hàm lượng
vượt quá giới hạn thông thường) do các hoạt động chủ động của con người như khai
thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, sử dụng phân bón hóa học hoặc thuốc trừ
sâu quá nhiều,... hoặc do bị rò rỉ từ các thùng chứa ngầm. Phổ biến nhất trong các
loại chất ô nhiễm đất là hydrocacbon, kim loại nặng, MTBE, thuốc diệt cỏ, thuốc
trừ sâu, và các hydrocacbon clo hóa.
- Ô nhiễm phóng xạ.
- Ô nhiễm tiếng ồn, bao gồm tiếng ồn do xe cộ, máy bay, tiếng ồn công nghiệp
- Ô nhiễm sóng, do các loại sóng như sóng điện thoại, truyền hình... tồn tại
với mật độ lớn.
- Ô nhiễm ánh sáng,hiện nay con người đã sử dụng các thiết bị chiếu sáng
một cách lãng phí ảnh hưởng lớn tới môi trường như ảnh hưởng tới quá trình phát
triển của động thực vật
c) Ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá
Ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác đá thường tồn tại ở hai dạng sau:
- Ô nhiễm hóa học
- Ô nhiễm vật lý.
Trong trường hợp ô nhiễm hóa học, đặc tính hóa học của các chất ô nhiễm
có thể gây nguy hiểm qua sự ô nhiễm của đất, nước và/hoặc không khí. Ô nhiễm vật
lý liên quan đến các quá trình vật lý như sự phát sinh bụi, chất rắn lơ lửng trong


10


nước và thoái hóa đất như xói mòn đất, các khoảng đất trống bị bỏ hoang và các bãi
chôn lấp chất thải.
* Ô nhiễm hóa học:
Ô nhiễm hóa học là một trong những dạng ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng, nguy hiểm và lâu dài. Sự ô nhiễm này có thể xảy ra trong nước mặt từ hệ
thống thoát nước của khu vực mỏ, trong nước ngầm do quá trình thấm, trong không
khí do sự phát thải khí thải và do đất đã bị ô nhiễm.
Khi sự ô nhiễm hóa học có thể xuất phát từ các hóa chất được xử lý không
hợp lý được sử dụng trong quá trình tuyển quặng thì hầu hết các chất ô nhiễm hóa
học xuất phát từ quá trình oxy hóa của các quặng khóang được khai thác. Trước khi
được khai thác, các khoáng chất này thường ở trong trạng thái yếm khí, bị ngập
nước hoặc bị bao phủ bởi các lớp đất đá dày, do đó các khoáng chất được duy trì
trong điều kiện không hoạt động (trạng thái trơ) hầu như không xảy ra quá trình oxy
hóa. Tuy nhiên, việc khai thác và nghiền quặng đã làm cho bề mặt của các khoáng
chất này tiếp xúc với oxy và nước dẫn đến quá trình oxy hóa các khoáng chất và kết
quả là dẫn đến những biến đổi nhanh về bản chất hóa học của chúng.
Nhiều kim loại có giá trị được khai thác có chứa sunphit mà khi tiếp xúc với oxy và
nước sẽ tạo ra axit sunphuric. Hậu quả đối với môi trường nước do ô nhiễm bởi
dòng thải axit hoặc các nguyên tố vết độc hại có thể cực kỳ tai hại. Các kim loại
nặng, có thể chỉ một hàm lượng nhỏ cũng có thể gây ra những nguy hiểm đối với
sức khỏe con người và đời sống thủy sinh. Vì lý do này mà các tiêu chuẩn phát thải
nước thường được dựa trên tiêu chuẩn về sức khỏe hơn là khả năng tiếp nhận của
các cá thể đơn lẻ sống dưới nước để đồng hóa các chất thải. Sự ô nhiễm nước ngầm
hoặc nước mặt có thể dẫn đến mất đi những giá trị sử dụng hữu ích như cung cấp
nước uống, thủy sản, tưới tiêu, tài nguyên hoang dã và giải trí. Các vực nước ngầm
có thể thông thủy với nguồn nước mặt hay nước ngầm ở gần đó và do đó sự ô
nhiễm cuối cùng lại có thể xuất hiện ở các vùng này.

Ô nhiễm không khí có thể phát sinh từ quá trình nung chảy quặng và đốt
cháy nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện năng. Ở những nơi mức lưu huỳnh cao
đáng kể, khi SO2 và SO3 phát thải vào khí quyển có thể kết hợp với hơi nước tạo
thành mưa axit. Sự ô nhiễm này cũng có thể xảy ra do sự hóa hơi của các hóa chất
như thủy ngân và cyanua.

11


* Ô nhiễm vật lý:
Dạng ô nhiễm môi trường này có thể xuất phát từ cả hai quá trình khai thác
và tuyển khoáng. Các ảnh hưởng bất lợi của nó có thể do các chất rắn lơ lửng trong
nước, bao phủ hệ sinh thái thủy vực bằng các lớp bùn phù sa, đất xói mòn, bụi trong
không khí hay sự thoái hóa đất do thải các chất thải rắn trong mỏ không đúng quy cách.
Một lượng lớn các chất rắn lơ lửng trong nước mặt sinh ra từ hoạt động
khai thác mỏ cho thấy công tác quản lý nước yếu kém, các biện pháp kiểm soát xói
mòn không hợp lý và cũng có thể đi kèm theo sự ô nhiễm về hóa học. Một lượng
lớn bụi bay trong không khí có thể dẫn đến giảm tầm nhìn và có thể gây ra các ảnh
hưởng bất lợi cho sức khỏe con người như các bệnh về hô hấp và sự khó chịu. Nồng
độ lớn các vật liệu dạng hạt trong không khí có khả năng ăn mòn các công trình xây
dựng và phá hủy máy móc, thiết bị.
Công tác thải bỏ chất thải được lập kế hoạch một cách qua loa có thể gây
cằn cỗi một diện tích lớn đất đai, gây khó khăn cho việc cải tạo trong tương lai và
có thể dẫn đến những tác động rất bất lợi về mặt cảnh quan.
d. Nguyễn tắc bảo vệ môi trường

Theo quy định tại điều 4 Luật bảo vệ môi trường quy định
Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường
1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức,
hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội,
bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng
phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường
trong lành.
3. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm
thiểu chất thải.
4. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và
toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc
gia.
5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn
hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

12


6. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu
tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.
7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được
hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.
8. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi
trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của
pháp luật.
1.1.2 Một số khái niệm của kiểm soát ô nhiễm môi trường trong khai thác đá
- Khái niệm
Khai thác đá là một hình thức khai thác khoáng sản, “khai thác khoáng sản
là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào,
phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan” ” [18, Điều 2, Khoản 7].
Thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm được giải thích tại Khoản 18 Điều 3 Luật bảo
vệ môi trường 2014 là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.
Như vậy, có thể hiểu kiểm soát ô nhiễm môi trường là tổng hợp các hoạt động của nhà

nước, của các tổ chức cá nhân với mục đích chủ động ngăn chặn các tác động xấu đến
môi trường từ các hoạt động kinh tế - xã hội; là hoạt động xử lý, khắc phục hậu quả,
phục hồi lại tình trạng môi trường như trước khi bị ô nhiễm [21].
Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá được thực hiện
với mục đích kiểm tra, xem xét mọi hoạt động của các chủ thể khi họ tiến hành hoạt
động khai thác, chế biến đá nhằm ngăn ngừa, hạn chế những hậu quả xảy ra đối với
môi trường và tài nguyên môi trường; xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo môi trường
sau quá trình khai thác đá. Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá được tiến hành ở diện rộng, với quy mô lớn và thực hiện đồng bộ nhiều giải
pháp, bởi nhiều chủ thể khác nhau.
-

Chủ thể tham gia hoạt động hoạt động kiểm soát

Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá do nhiều chủ thể
thực hiện gồm: Nhà nước; các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, cộng đồng dân cư;
các cá nhân trong xã hội.
Nhà nước thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá thông qua hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát ô
nhiễm môi trường. Nhà nước thực hiện việc kiểm soát của mình bằng cách: ban

13


hành các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường và đảm bảo bằng sức
mạnh cưỡng chế nhà nước, thiết lập hệ thống các cơ quan quản lý. Đây là hệ thống
cơ quan được tổ chức từ trung ương đến địa phương, từ các cơ quan có thẩm quyền
chung cho đến các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn. Hệ thống các cơ quan này
chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các hoạt động
kiểm soát ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai

thác đá.
Cùng với Nhà nước, kiểm soát ô nhiễm môi trong hoạt động khai thác đá còn
được thực hiện bởi chính các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động này. Đó là các
chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động khai
thác đá. Nhóm chủ thể này thực hiện việc kiểm soát nhiễm môi trường thông qua
việc áp dụng các biện pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu
cực của hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng đá đến môi trường… Trường hợp
này được hiểu là chủ thể hoạt động sản suất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt
động khai thác đá tự kiểm soát hành động của chính mình để không gây ô nhiễm
môi trường.
Chủ thể của hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá còn có thể bao gồm các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng
hoặc nhân dân, cộng đồng dân cư. Nhóm chủ thể này thực hiện nghĩa vụ giám sát
việc tuân thủ pháp luật, giám sát mức độ xả thải, khả năng thực hiện an toàn lao
động hay mức độ phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các
chủ thể tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động
khai thác đá. Trên thực tế, tinh thần đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm pháp
luật từ nhóm chủ thể này có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi
trường trong hoạt động khai thác đá.
- Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá được tiến
hành ở các giai đoạn như sau:
Thứ nhất, việc kiểm soát phải bắt đầu từ khi dự án khai thác đá chưa được
tiến hành khai thác trên thực tế. Việc kiểm soát ngay từ trong giai đoạn rất sớm
nhằm đảm bảo cho dự án khai thác đá được thực hiện với lộ trình khai thác hợp lý,
những trang thiết bị tốt, cách thức khai thác đá khoa học… giảm thiểu tối đa những
tác động tiêu cực của hoạt động khai thác đá tới môi trường. Một dự án khai thác đá

14



được kiểm soát nghiêm ngặt từ tất cả các giai đoạn, bao gồm: Kiểm tra giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác đá; Cấp
giấy phép thăm dò các mỏ đá; Phê duyệt kết quả thăm dò mỏ đá; Kiểm tra và thẩm
định thiết kế cơ sở của các Dự án khai thác đá; Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động
môi trường (ĐTM), Dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi hoàn thành việc
khai thác đá. Việc kiểm soát từ những giai đoạn đầu của hoạt động khai thác đá là
một trong những biện pháp phòng ngừa những hậu quả xấu có thể gây ra cho môi
trường từ các tai nạn, sự cố xảy ra trong quá trình khai thác đá.
Thứ hai, khi dự án khai thác đá đi vào hoạt động, thực hiện theo kế hoạch
của dự án, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường cần được tiến hành trong mỗi
hoạt động, mỗi giai đoạn của quá trình khai thác đá. Việc kiểm soát ở mọi giai đoạn
hoạt động của dự án nhằm loại trừ các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như
việc xả chất thải, xử lý nước mưa chảy tràn, phòng tránh các sự cố trong quá trình
nổ mìn phá đá, các tai nạn lao động, sự cố môi trường phát sinh trong hoạt động
khai thác đá… Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá cần
được tiến hành trong suốt quá trình thực hiện dự án để phát hiện kịp thời những
thay đổi về chất lượng môi trường tại khu mỏ khai thác, từ đó có những biện pháp
xử lý hiệu quả.
Thứ ba, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá được
tiến hành sau khi dự án đã kết thúc quá trình khai thác. Trước khi dự án khai thác
mỏ đá đi vào hoạt động, các chủ dự án đầu tư phải lập Báo cáo ĐTM, Dự án cải tạo,
phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án, trong đó đánh giá, dự báo các tác động
của từng dự án cụ thể đến chất lượng môi trường khu vực và đồng thời đưa ra các
kế hoạch, biện pháp, phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Để đảm bảo cải thiện
môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực khai thác; khắc phục phần lớn các ảnh
hưởng và tác động tiêu cực của quá trình khai thác gây ra đối với môi trường cần có
cơ chế kiểm soát việc thực hiện các Dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi
đóng mỏ khai thác.
- Các biện pháp kiểm soát
Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá có thể được thực

hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, cụ thể là:

15


Thứ nhất, biện pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức kiểm soát ô
nhiễm môi trường nói chung và ý thức kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt
động khai thác đá nói riêng. Như trên đã phân tích, kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong hoạt động khai thác đá được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Nếu các
chủ thể không nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này thì việc kiểm soát
sẽ không mang lại hiệu quả. Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức về kiểm soát ô
nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá có thể bao gồm nhiều hình thức
phong phú, đa dạng mục tiêu là để các chủ thể có liên quan có sự thay đổi về nhận
thức, đây là cơ sở của sự thay đổi về hành động, từ đó các chủ thể sẽ tự giác tiến
hành các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá.
Thứ hai, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong kiểm soát ô nhiễm
môi trường. Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá cần áp
dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật như: các loại máy móc để xác định nồng độ
các chất có nguy cơ gây ô nhiễm, các trang thiết bị, phương tiện để làm giảm độ ô
nhiễm, các phương tiện giao thông vận tải tiên tiến, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng
thuốc nổ, phương pháp nổ hiện đại nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm việc
gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá...
Thứ ba, áp dụng các biện pháp kinh tế trong kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Đó là việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế đối với kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong hoạt động khai thác đá. Biện pháp kinh tế là một biện pháp được sử dụng rất
phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới trong hoạt động bảo vệ môi trường nói
chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá nói riêng. Các
công cụ kinh tế được sử dụng nhằm mục đích làm cho các biện pháp kiểm soát trở
nên mềm dẻo hơn, hiệu quả hơn và với mức chi phí thấp hơn.
Thứ tư, áp dụng các biện pháp hành chính trong kiểm soát ô nhiễm môi trường

trong hoạt động khai thác đá. Biện pháp này cần sử dụng kết hợp với các biện pháp
khác để việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá đạt hiệu quả
cao. Biện pháp hành chính được hiểu là hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước
có thẩm quyền để tổ chức việc thi hành pháp luật thông qua việc ban hành hoặc ra các
quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính có liên quan tới kiểm soát ô
nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá. Sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan

16


hành chính nhà nước có thể ngăn chặn ngay lập tức tình trạng ô nhiễm môi trường
khiến cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường mang lại hiệu quả cao.
Thứ năm, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá bằng
biện pháp pháp luật. Biện pháp này được thể hiện qua việc nhà nước ban hành
những văn bản pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên
quan trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá.
Pháp luật với tư cách là hệ thống các quy phạm điều chỉnh hành vi của con người sẽ
có tác dụng rất lớn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá. Biện pháp pháp luật là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát
ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá.
1.2 Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong khai thác đá
1.2.1 Khái niệm, đặc điểm của pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường
So với các lĩnh vực pháp luật khác, pháp luật môi trường là một lĩnh vực
pháp luật còn tương đối mới mẻ. Hệ thống pháp luật môi trường được chia thành
hai bộ phận quy phạm pháp luật:
Nhóm thứ nhất bao gồm tất cả các quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng
hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều chỉnh vấn đề này, Nhà nước ban
hành pháp luật về quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình khai thác,
sử dụng, bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học như:
bảo vệ nguồn nước, nguồn thuỷ sinh, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ và phát triển rừng,

tài nguyên khoáng sản…
Nhóm thứ hai gồm tất cả các quy định pháp luật về kiểm soát, ngăn ngừa ô
nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Về mảng này, pháp luật môi trường được xây
dựng và thực hiện theo hướng ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể có liên quan
để giảm thiểu các chất gây ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp
nhất những tác động tiêu cực cho môi trường. Các quy định pháp luật về mảng này
bao gồm các nội dung: đánh giá môi trường; quản lý chất thải; hệ thống quy chuẩn
kỹ thuật môi trường; giải quyết các tranh chấp môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi
trường trong các hoạt động cụ thể…. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong hoạt động khai thác đá thuộc mảng thứ hai trong hệ thống pháp luật môi
trường. Theo đó, pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác
đá có một số đặc điểm chính sau đây:

17


Thứ nhất, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình các chủ thể tiến hành
hoạt động khai thác đá hoặc các hoạt động có liên quan đến hoạt động khai thác
đá. Các mối quan hệ phát sinh trong quá trình các chủ thể tiến hành hoạt động khai
thác đá nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường được chia thành hai nhóm sau đây:
- Nhóm thứ nhất gồm các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình
họ tiến hành hoạt động khai thác đá hoặc các hoạt động có liên quan đến hoạt động
khai thác đá. Các chủ thể này có thể là chủ đầu tư dự án khai thác đá, công nhân
làm việc trong khu mỏ đá, nhân dân địa phương… Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ
pháp lý theo quy định của pháp luật, các chủ thể này có trách nhiệm phối hợp để
cùng nhau giải quyết khi có các vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác đá theo
quy định của pháp luật.
- Nhóm thứ hai gồm các quan hệ phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước
về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá: đặc trưng của nhóm

quan hệ này là một hoặc các bên trong quan hệ là các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền. Nhóm quan hệ này có thể phát sinh trong trường hợp cơ quan nhà nước có
thẩm quyền tiến hành các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi
trường trong hoạt động khai thác đá theo quy định của pháp luật như thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật môi trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi
trường... Đồng thời, quan hệ này cũng có thể phát sinh giữa các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền với nhau trong việc phối hợp giải quyết các sự cố phát sinh trong
quá trình khai thác tại các mỏ đá.
Thứ hai, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá được ban hành nhằm mục đích phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất
những tác động tiêu cực cho môi trường, khắc phục và xử lý các hậu quả xảy ra đối
với môi trường xuất phát từ hoạt động khai thác đá.
Trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và kiểm soát ô
nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá nói riêng, việc phòng ngừa luôn có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phòng ngừa tức là tiến hành các hoạt động kiểm soát
ngay từ khi chưa xảy ra ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường hay sự cố môi
trường. Nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoát tài nguyên hay sự cố
môi trường thì việc giải quyết hậu quả sẽ vô cùng phức tạp, vừa tốn kém về tiền

18


bạc, tốn kém về thời gian vừa tốn kém về công sức của cả các cơ quan nhà nước và
tất cả các chủ thể có liên quan.
Thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá không
chỉ nhằm phòng ngừa và hạn chế các tác động tiêu cực gây ô nhiễm môi trường mà
nó còn nhằm khắc phục những hậu quả xảy ra đối với môi trường xuất phát từ hoạt
động khai thác đá. Trên thực tế, ngay cả trong trường hợp các quy định pháp luật về
kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá được ban hành hoàn
thiện nhất, các chủ thể tiến hành hoạt động khai thác đá cũng thực hiện tất cả các

biện pháp tốt nhất để kiểm soát ô nhiễm môi trường thì tình trạng ô nhiễm, suy thoái
hay sự cố vẫn xảy ra. Lý do có thể từ những nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn
của con người (trong môi trường còn có hiện tượng tích tụ, cộng dồn, phát tán). Với
mục đích xử lý và khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường khi nó đã và đang xảy ra,
pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá phân định cụ
thể trách nhiệm của các chủ thể có liên quan (các cơ quan nhà nước, chính quyền địa
phương, các doanh nghiệp, người gây hậu quả, nhân dân...) khi xảy ra tình trạng ô
nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác đá; mặt khác là việc thực hiện các giải pháp
nhằm giảm đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra cho môi trường.
Thứ ba, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.
Pháp luật xác lập ranh giới giữa những hành vi được làm, không được làm và
phải làm của các chủ thể nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai
thác đá. Nội dung các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong
hoạt động khai thác đá bao gồm quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, của
các tổ chức và cá nhân có liên quan. Các cơ quan nhà nước chỉ được thực hiện các
hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện hoặc giám sát việc thi hành pháp
luật kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn luật định của mình. Tương tự, đối với các tổ chức và cá nhân,
pháp luật cũng xác định khung pháp lý buộc các chủ thể điều chỉnh hành vi xử sự
của mình nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá.
Từ những phân tích trên đây, có thể xây dựng khái niệm về pháp luật kiểm
soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác với cách hiểu như sau: “Pháp
luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá là tổng hợp các

19


×