Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

TÂM THẦN PHÂN LIỆT , ĐH Y DƯỢC TP HCM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (281.31 KB, 5 trang )

TÂM THẦN PHÂN LIỆT
Nguyễn Song Chí Trung
ĐẠI CƯƠNG
Tâm thần phân liệt (TTPL) là hội chứng tâm thần khó hiểu nhất và nằm trong
nhóm gây tàn phế nhất. Căn bệnh để lại hậu quả nặng nề trên cuộc sống của bệnh
nhân và gia đình người bệnh.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, căn nguyên của bệnh vẫn chưa được
hiểu rõ, nên chưa thể điều trị và phòng ngừa bệnh một cách triệt để.
Trong thực hành lâm sàng và trong tiêu chuẩn chẩn đoán, TTPL được xếp vào
nhóm bệnh loạn thần (mạn tính). Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy rối
loạn nhận thức mới là đặc điểm quan trọng nhất giúp hiểu rõ căn bệnh và đánh giá độ
nặng nhẹ.
Tần suất mắc bệnh cả đời (lifetime prevalence) là 1% dân số. Trong các khoa nội
trú bệnh viện tâm thần, TTPL chiếm hơn 50% chẩn đoán. 1/3 người vô gia cư bị
TTPL hoặc rối loạn lưỡng cực. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam và nữ trước đây được xem là
như nhau, nhưng hiện nay các số liệu cho thấy nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (tỉ lệ
1,4:1).
LỊCH SỬ KHÁI NIỆM “TÂM THẦN PHÂN LIỆT”
Các mô tả về triệu chứng TTPL đã xuất hiện trong những tài liệu viết đầu tiên của
nhân loại; các danh y cổ đại Hy Lạp đã ghi chép về các triệu chứng chính của bệnh
nhiều thế kỉ trước đây. Nhưng phải đến thế kỉ 18, loạn thần (psychosis) mới được
xem là một bệnh lý y khoa cần được nghiên cứu và chữa trị. Ở thời kì này, tất cả các
dạng loạn thần khác nhau đều được gộp chung trong một “chẩn đoán” là “mất trí”
(insanity, madness).
Emil Kraepelin (1856-1926) là người đầu tiên phân biệt các dạng loạn thần khác
nhau. Loại trừ các bệnh lý thực thể (VD: loạn thần do giang mai não), ông đã mô tả 2
dạng “mất trí nguyên phát”: loạn thần hưng trầm cảm (ngày nay là rối loạn lưỡng
cực) và sa sút sớm.
Năm 1911, Eugen Bleuler (1857-1959) đưa ra khái niệm “Tâm thần phân liệt” để
thay thế cho “Sa sút sớm” của Kraepelin. Theo Bleuler, đặc điểm nền tảng của bệnh
chính là sự chia cắt của các hoạt động tâm thần.


CÁC NHÓM TRIỆU CHỨNG CHÍNH
Nhóm triệu chứng loạn thần
Đối với cộng đồng và cả phần lớn nhân viên y tế, đây là những triệu chứng đặc
trưng cho TTPL. Loạn thần là biểu hiện rõ ràng nhất, gây ấn tượng nhất, và làm cho
TTPL trở nên đáng sợ. Các nghiên cứu về TTPL trước đây cũng tập trung nhiều về


ảo giác và hoang tưởng, khiến cho các khía cạnh khác của căn bệnh ít được chú ý
đến.
Hiện nay, người ta thấy rằng không một nội dung hoang tưởng hay ảo giác cụ thể
nào là đặc hiệu cho TTPL1. Dù rằng các triệu chứng loạn thần đáp ứng tốt với thuốc
chống loạn thần hiện nay, việc điều trị nếu chỉ tập trung vào các triệu chứng dương
tính sẽ có thể làm nặng hơn các biểu hiện quan trọng khác của bệnh (triệu chứng âm
tính, rối loạn nhận thức).
Loạn thần bao gồm ảo giác và hoang tưởng.
Ảo giác
• Tất cả các loại ảo giác đều có thể xuất hiện, nhưng thường gặp nhất là ảo thanh,
tiếp đến là ảo thị.
• Ảo thanh: thường nhất là nghe tiếng nói, nhưng có thể nghe thấy tất cả các loại
âm thanh.
• Nội dung của ảo thanh thường mang ý nghĩa “tiêu cực”: phê bình, nói xấu, chửi
bới, đe dọa, mệnh lệnh.
• Có thể là nguyên nhân của các hành vi “kì lạ”: nói một mình, nghe nhạc lớn,
bứt tóc, đập đầu, …
• Khi đã được “thuần phục” thì ảo thanh có thể trở thành “người bạn” của bệnh
nhân.
Hoang tưởng
• Không có hệ thống, chủ đề và nội dung thường rất đa dạng.
• Thường gặp nhất : HT bị hại, đi đôi với ảo thanh.
• Các HT khác hay gặp: HT liên hệ, tư duy vang thành tiếng, tư duy bị áp đặt,

HT tự cao, HT tôn giáo.
• HT kì quái: từng được xem là “tiêu chuẩn vàng” của TTPL, nhưng điều này
không còn đúng nữa.
• Có thể là nguyên nhân gây sút giảm trong hoạt động xã hội và nghề nghiệp.
Nhóm triệu chứng âm tính
Các triệu chứng âm tính vẫn còn chưa được quan tâm mặc dù đây là nhóm triệu
chứng quan trọng nhất giúp dự đoán khả năng hoạt động xã hội của bệnh nhân. Triệu
chứng âm tính có thể xuất hiện trước triệu chứng loạn thần (giai đoạn tiền triệu) và
tồn tại dai dẳng so với triệu chứng dương tính và vô tổ chức. Triệu chứng âm tính
cũng đáp ứng kém với thuốc chống loạn thần hơn so với 2 nhóm triệu chứng kia.
Không những vậy, các tác dụng phụ thần kinh của thuốc có thể làm nặng hơn triệu
chứng âm tính.

1

Trong phiên bản DSM-V (dự tính xuất bản vào tháng 5/2013), tiêu chuẩn A để chẩn đoán TTPL sẽ không
còn dòng ghi chú “Chỉ cần một triệu chứng thuộc tiêu chuẩn A nếu các hoang tưởng có nội dung kì quái hoặc
các ảo giác bao gồm một tiếng nói liên tục bình phẩm về hành vi hoặc các ý nghĩ của bệnh nhân, hoặc hai hay
nhiều hơn hai tiếng nói trò chuyện với nhau”.


Trái ngược với triệu chứng dương tính là những chức năng, hoạt động gia tăng
hoặc có thêm so với bình thường (loạn thần, hành vi kích động, hành vi kì dị…), triệu
chứng âm tính là sự thuyên giảm hoặc mất đi những hoạt động chức năng này. Có thể
biểu hiện ở nhiều hoạt động tâm lí khác nhau:
• Cảm xúc: thu hẹp, cùn mòn, thờ ơ.
– Nét mặt cứng đờ, ít thay đổi
– Giảm cử động tự nhiên
– Ánh mắt né tránh
– Giọng nói đều đều, ít thay đổi

– Mất khả năng hiểu/nhận ra cảm xúc của người khác
• Tư duy nghèo nàn.
– Ngôn ngữ nghèo nàn về số từ và nội dung.
– Trả lời chậm
– Tư duy ngắt quãng
• Mất ý chí, vô cảm.
– Kém quan tâm đến bề ngoài (quần áo lôi thôi, kém chải chuốt, vệ sinh
cơ thể kém)
– Bỏ học, bỏ công việc
– Ít hoạt động
• Mất hứng thú, thu rút
– Giảm hoạt động giải trí, vui chơi.
– Giảm hứng thú tình dục
– Không có quan hệ thân mật: bạn thân, người yêu.
– Giảm giao tiếp xã hội
• Giảm chú ý:
– Trong giao tiếp
– Trong hoạt động (xem phim, đọc báo)
Nhóm triệu chứng vô tổ chức
Ít được nghiên cứu hơn so với 2 nhóm triệu chứng kia, nhóm triệu chứng vô tổ
chức có định nghĩa không được rõ ràng bằng. Thể hiện rõ nhất trong TTPL thể thanh
xuân, đây là nhóm triệu chứng có tính di truyền cao nhất (TTPL thể thanh xuẩn cũng
là thể có tính di truyền cao nhất).
• RL hình thức tư duy:
– Ngôn ngữ mập mờ, khó hiểu.
– Ngôn ngữ không liên quan, lạc đề.
– Ngôn ngữ hổ lốn, sáng tạo từ.
• RL vận động: hành vi kì dị, khó hiểu.
• Cảm xúc thiếu hòa hợp, hai chiều.
• Hội chứng căng trương lực



TTPL, DI TRUYỀN HAY NUÔI DƯỠNG?







Tỷ lệ mắc bệnh trong dân số chung là 1%.
Những người có huyết thống càng gần với bn thì khả năng mắc bệnh càng cao:
– Anh em họ, cô cậu: 2,4%
– Cháu họ: 3%
– Anh chị em ruột (không sinh đôi): 8%
– Con cái (cha hoặc mẹ mắc bệnh): 13%
– Con cái (cha và mẹ đều bệnh) : 40%
Nghiên cứu trên các cặp sinh đôi:
– Cùng trứng: 47% cùng mắc bệnh
– Khác trứng: 12% cùng mắc bệnh
Nghiên cứu “con nuôi”:
– Con của bệnh nhân TTPL được gửi làm con nuôi ở một gia đình khác: tỉ
lệ mắc bệnh vẫn cao.
– Con nuôi của bệnh nhân TTPL: tỉ lệ mắc bệnh không tăng cao.

Như vậy, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhất, mặc dù hiện nay vẫn chưa
tìm ra được gen gây bệnh (kiểu di truyền phức tạp).
VẤN ĐỀ BẠO HÀNH VÀ TTPL
Đối với tâm lý người dân trong cộng đồng, TTPL đôi khi đồng nghĩa với hành vi
gây hấn vô cớ. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân và gia đình người bệnh, người mắc bệnh

TTPL dễ là nạn nhân của bạo hành hơn là thủ phạm gây ra bạo hành.
Mặc dù vậy, đúng là một bộ phận nhỏ bệnh nhân TTPL có xu hướng bạo lực, kể cả
giết người. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân TTPL dễ có hành vi bạo lực gấp 4 lần
so với người bình thường. Nhưng dù vậy đi nữa, với tỉ lệ nhỏ trong dân số (1%) rõ
ràng TTPL không phải là nguyên nhân của những vấn đề trật tự xã hội.
MỘT VÀI ĐỊNH KIẾN SAI LẦM VỀ TTPL






Tâm thần phân liệt = Rối loạn đa nhân cách.
Bệnh nhân bị trầm cảm.
Mắc bệnh do gặp “vấp ngã”, thất bại.
Bệnh nhân TTPL luôn nguy hiểm, khó lường.
Bệnh nhân TTPL không bao giờ khỏi bệnh.

Tài liệu đọc thêm
 Bài “BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT”, Nguyễn Văn Nuôi, sách Tâm thần
học 2005 (bắt buộc).


 Kaplan & Sadock’s Comprehensive Textbook of Psychiatry, 9th Edition,
2009. Volume I, Chapter 12 – Schizophrenia and Other Psychotic Disorders
(tham khảo).
Một vài bộ phim thể hiện “trung thực” về bệnh nhân TTPL
 Some Voices (2000, Daniel Craig).
 The Soloist (2009, Jamie Foxx).




×