Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Bài tập học kỳ môn luật sư, công chứng, chứng thực: tình huống về công chứng, chứng thực di chúc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.79 KB, 11 trang )

MỞ ĐẦU
Hiện nay, pháp luật quy định rất nhiều loại di chúc khác nhau như di chúc
miệng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản không có
người làm chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực,…. Trong những di chúc
trên thì di chúc bằng văn bản có công chứng hay có chứng thực có giá trị pháp lý
cao hơn những loại hình di chúc khi di chúc này có sự hiện diện của cơ quan công
quyền nhân danh nhà nước chứng nhân vào bản di chúc và khi đó di chúc có giá trị
chứng cứ, chứng minh. Vì thế văn bản di chúc có công chứng, có chứng thực đang
dần trở nên phổ biến trong thực tiễn cuộc sống. Để tìm hiểu về một số quy định về
công chứng, chứng thực di chúc em xin giải quyết tình huống về công chứng,
chứng thực di chúc sau:
TÌNH HUỐNG:
Ông Hà Trọng P có tài sản là 01 ngôi nhà với diện tích 100m2 trên địa bàn quận
Thanh Xuân thành phố Hà Nội; 01 mảnh vườn 200m2 trên địa bàn quận Thủ Đức
thành phố Hồ Chí Minh. Ông P lập di chúc để lại tài sản cho 2 con của mình, theo
đó tài sản của ông P đươc chia đều cho 2 con.
1. Nếu ông P công chứng di chúc thì phải công chứng ở Hà Nội hay thành phố Hồ
Chí Minh? Tại sao?
2. Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay
không? Việc chứng thực sẽ được thực hiện như thế nào (thẩm quyền, thủ tục chứng
thực)?
3. Khi ông P qua đời, 2 con ông phát hiện ra còn một mảnh đất tại thành phố Hồ
Chí Minh chưa được ông P định đoạt trong di chúc nên đã thỏa thuận phân chia
mảnh đất này. Văn bản thỏa thuận được đề nghị công chứng tại một văn phòng
công chứng ở Hà Nội. Hỏi:
3.1. Tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội có thể công chứng văn bản
thỏa thuận phân chia di sản (là nhà đất tại tp Hồ Chí Minh) của hai con ông P hay
không? Tại sao?
3.2. Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được pháp luật
hiện hành quy định như thế nào?


GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG:


Câu 1: Nếu ông P công chứng di chúc thì phải công chứng ở Hà Nội hay thành
phố Hồ Chí Minh? Tại sao?
Trả lời: Ông P có thể công chứng di chúc tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí
Minh.
Căn cứ pháp lý: Điều 56, Điều 42 Luật Công chứng 2014.
Ông P có thể công chứng di chúc tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh
vì:
Thứ nhất, Điều 56 Luật Công chứng 2014: Công chứng di chúc quy định:
“1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền
cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc
mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc
có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép
thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ
được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng
không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này
nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ
sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ
công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.
Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công
chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng
đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.”
Theo quy định tại Điều 56 trên thì pháp luật chỉ đề ra yêu cầu về người yêu
cầu công chứng di chúc mà không đặt ra yêu cầu về tổ chức hành nghề công chứng
nào được công chứng di chúc. Theo đó, người công chứng di chúc phải là người

lập di chúc, người lập di chúc này không được ủy quyền cho người khác công
chứng di chúc mà mình lập ra. Yêu cầu này đặt ra nhằm đảm bảo di chúc được lập
ra theo đúng ý chí tự nguyện của người lập di chúc, điều này cũng đảm bảo tính
hợp pháp cho tài sản được đề cập trong di chúc.
Thứ hai, Theo Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định về Phạm vi công
chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản: “Công chứng viên của tổ chức hành
nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong
phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng


đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất
động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất
động sản.”
Theo quy định trên thì đối với việc công chứng di chúc thì không yêu cầu
phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương nơi có bất động sản được đề cập trong di chúc.
Trong tình huống trên, ông B muốn công chứng di chúc để lại tài sản gồm 01
bất động sản ở Hà Nội và 01 bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh cho hai con
của ông thì ông có thể công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng tại Hà Nội
hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 2: Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc
được hay không? Việc chứng thực sẽ được thực hiện như thế nào (thẩm
quyền, thủ tục chứng thực)?
Trả lời: Nếu không công chứng thì ông P có thể thực hiện chứng thực di
chúc được và thẩm quyền chứng thực thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã, phường,
thị trấn nơi ông P nộp bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc. Thủ tục chứng thực di
chúc được quy định tại Tiểu mục 2 Mục V Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018
công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi
chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng
02 năm 2015 quy định về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Tiểu mục 2 Mục V
Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi
trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền và trách
nhiệm chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn như sau:
“2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân
cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm
quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người
dịch;
c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;


d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người
sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
e) Chứng thực di chúc;
g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà
di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng
dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có thẩm
quyền chứng thực di chúc và việc chứng thực sẽ không phụ thuộc vào nơi cư trú
của người yêu cầu chứng thực, như vậy người yêu cầu chứng thực có thể nộp hồ sơ
yêu cầu chứng thực di chúc tại bất kỳ Ủy ban nhân dân xã nào trên địa bàn cả
nước. Như vậy, trong tình huống trên, ông P có thể chứng thực di chúc tại bất kỳ

Ủy ban nhân dân cấp xã nào trên địa bàn nước Việt Nam.
Về thủ tục chứng thực di chúc thì Tiểu mục 2 Mục V Quyết định 1024/QĐBTP năm 2018 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực
thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, quy định như sau:
- Người yêu cầu chứng thực nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực tại Ủy ban
nhân dân xã, bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:
+ Dự thảo di chúc.
+ Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của
người yêu cầu chứng thực (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu).
+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy
tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải
đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên
quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến
tính mạng (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu).
- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng
thực, nếu đầy đủ, tại thời điểm chứng thực người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn
và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.
- Người lập di chúc phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.


- Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ;
nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được
thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành
vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến giao dịch.
- Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ
tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với
di chúc có từ 02 (hai) trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ
ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và
lời chứng được ghi tại trang cuối của di chúc. Trường hợp di chúc có từ 02 (hai) tờ
trở lên thì phải đóng dấu giáp lai. Trường hợp phải phiên dịch thì người phiên dịch
có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của di chúc, nội dung lời chứng

cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang di chúc với tư cách là người
phiên dịch.
- Nhận kết quả chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã nơi nộp hồ sơ yêu cầu
công chứng. Thời hạn và lệ phí chứng thực di chúc tại ủy ban nhân dân xã:
+ Thời hạn chứng thực di chúc tại Uỷ ban nhân dân xã là 02 ngày làm việc
kể từ ngày người yêu cầu chứng thực cung cấp đầy đủ hồ sơ. Nếu trong vụ việc cần
phải xác minh, tình tiết phức tạp thì thời hạn chứng thực có thể kéo dài theo thỏa
thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực. Trường hợp kéo dài thời hạn
giải quyết thì người tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian (giờ, ngày)
trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực.
+ Mức lệ phí chứng thực di chúc là 50.000 đồng một lần chứng thực di chúc.
Câu 3: Khi ông P qua đời, 2 con ông phát hiện ra còn một mảnh đất tại thành
phố Hồ Chí Minh chưa được ông P định đoạt trong di chúc nên đã thỏa thuận
phân chia mảnh đất này. Văn bản thỏa thuận được đề nghị công chứng tại
một văn phòng công chứng ở Hà Nội. Hỏi:
3.1. Tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội có thể công chứng văn bản thỏa
thuận phân chia di sản (là nhà đất tại tp Hồ Chí Minh) của hai con ông P hay
không? Tại sao?
Trả lời: Tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội không thể công chứng văn
bản thỏa thuận phân chia di sản (là nhà đất tại tp Hồ Chí Minh) của hai con ông P.
Căn cứ pháp lý: Điều 42 Luật Công chứng năm 2014.


Theo Điều 42 Luật Công chứng năm 2014: "Công chứng viên của tổ chức
hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản
trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công
chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản
là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối
với bất động sản".
Theo quy định trên thì đối với trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ

chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện
các quyền đối với bất động sản thì không đặt ra yêu cầu đối với tổ chức hành nghề
công chứng, hay nói cách khác, người yêu cầu công chứng có thể nộp hồ sơ yêu
cầu công chứng tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào.
Mặt khác, Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản là bất động sản
không nằm trong những trường hợp nêu trên. Vì vậy, công chứng văn bản thỏa
thuận phân chia di sản là bất động sản phải được thực hiện ở văn phòng công
chứng có trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động
sản. Vì vậy, trong tình huống trên, hai con của ông P phải công chứng văn bản thỏa
thuận phân chia di sản là nhà đất tại thành phố Hồ Chí Minh tại một tổ chức hành
nghề công chứng ở thành phố Hồ Chí Minh.

3.2. Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được pháp luật
hiện hành quy định như thế nào?
Căn cứ pháp lý: Điều 57 Luật Công chứng 2014; Điều 18 Nghị định
29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật công chứng.
“Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không
xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công
chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng
cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải
đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng
minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.


Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có
giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản

theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ
sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng
là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại
di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng
hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác
minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng
văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn
cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”
Theo quy định tại Điều 57 thì việc công chứng thỏa thuận phân chia di sản
được pháp luật quy định như sau:
Thứ nhất, đối với những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà
trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có
quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản
thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc
một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
Điều này nhằm đảm bảo đối với những di sản chưa được định đoạt hoặc
định đoạt chưa rõ ràng cho ai thì những người thừa kế có quyền thỏa thuận phân
chia di sản thừa kế theo thỏa thuận của họ, đây là cơ sở để cơ quan nhà nước có
thẩm quyền đăng ký việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản
cho từng người nhận di sản theo thỏa thuận.
Thứ hai, trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy
định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ
chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có
giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản

theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ
sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
Quy định này nhằm đản bảo tính hợp pháp của những di sản để lại, cũng như
nhằm xác định mối quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản,
tránh trường hợp để lại di sản cho người không được hưởng.


Thứ ba, Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng
là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công
chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng
việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công
chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành
xác minh hoặc yêu cầu giám định. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm
niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực
hiện việc công chứng.
Quy định này đặt ra để đảm bảo công chứng viên kiểm tra hồ sơ công chứng
một cách cẩn thận. Nếu hồ sơ còn thiếu hoặc sai lệch thì có thể yêu cầu người yêu
cầu công chứng bổ sung giấy tờ. Điều này cũng hạn chế những sai lầm dẫn đến
tránh nhiệm của công chứng viên sau khi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia
di sản.
Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau:
- Người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận nộp một bộ hồ sơ yêu cầu
công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng, hồ sơ gồm:
+ Phiếu yêu cầu công chứng.
+ Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có).
+ Bản sao giấy tờ tùy thân.
+ Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định
phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ
chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
+ Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng

phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng
di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc,
trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến văn bản thỏa thuận mà pháp luật
quy định phải có.
Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy
đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải
xuất trình bản chính để đối chiếu.
- Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là
người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công
chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng
việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công
chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành
xác minh hoặc yêu cầu giám định.


- Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của
pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.
- Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công
chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
+ Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của
Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường
hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có
thời hạn cuối cùng của người đó. Trong trường hợp di sản thừa kế ở nhiều địa
phương thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có các di
sản thừa kế đó.
Trong trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ
là bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên; nếu
không xác định được cả hai nơi này thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi
có bất động sản của người để lại di sản.

Trong trường hợp di sản chỉ là động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề
công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại
di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành
nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm
trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
+ Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên
của những người thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; quan hệ của những người
thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di
sản thừa kế. Cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót,
giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót di sản thừa kế; di sản thừa kế
không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố
cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc
niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết.
- Nhận kết quả tại tổ chức hành nghề công chứng nơi nộp hồ sơ và nộp lệ
phí. Thời hạn giải quyết việc công chứng:
+ Thời gian thực hiện công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp
đồng, giao dịch yêu cầu công chứng phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo
dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (Thời gian xác minh, giám định, niêm
yết không tính vào thời hạn công chứng).
+ Lệ phí tính theo quy định của Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định
mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí
thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện
hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.


KẾT LUẬN
Qua bài viết trên, có thể hiểu rõ hơn về một số quy định pháp luật về vấn đề
công chứng, chứng thực di chúc như: thẩm quyền, thủ tục công chứng, chứng thực
di chúc; thẩm quyền, thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và

những giấy tờ trong bộ hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện việc công chứng, chứng
thực di chúc.
Khi việc công chứng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng
có tính chuyên môn, chuyên nghiệp không chỉ là một thủ tục hành chính mà còn
đảm bảo tính chính xác, đúng luật, hồ sơ văn bản công chứng được lưu giữ đầy đủ,
lâu dài và có tính pháp lý, góp phần phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia hợp đồng, giao dịch, giúp ổn định cho
sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Có thể nhận thấy, văn bản công chứng là một
công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phòng ngừa
tranh chấp, tạo ra sự ổn định trong quan hệ dân sự, tài sản. Mặt khác, văn bản công
chứng còn tạo ra một chứng cứ xác thực, kịp thời không ai có thể chối cáo trừ
trường hợp bị tòa tuyên bố vô hiệu.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Công chứng 2014.


2. Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 quy định về việc cấp bản
sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực
hợp đồng, giao dịch.
3. Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng.
4. Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi
trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
5. Thế giới luật, Tầm quan trọng của hoạt động công chứng ở nước ta hiện nay,
Truy cập
ngày 08/10/2019.




×