Thực trạng phát triển ngân hàng số tại các NHTM Việt Nam hiện nay và gợi ý
cho tương lai
Từ năm 2007, hành lang pháp lý về phát triển ngân hàng số bắt đầu được
hình thành khi Chính phủ ban hành Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử
trong hoạt động ngân hàng. Đến năm 2016, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đứng
trước những cơ hội và cả những thách thức từ cuộc CMCN 4.0, tiến trình phát triển
ngân hàng số của các ngân hàng thương mại (NHTM) chính thức diễn ra mạnh mẽ.
Các NHTM xác định chuyển đổi số là trung tâm chiến lược kinh doanh, đầu tư
mạnh mẽ cho công nghệ, thay đổi mô hình tổ chức phục vụ phát triển ngân hàng số
và hợp tác với các fintech tăng nhanh. Các nỗ lực thực hiện ngân hàng số của các
NHTM hiện nay đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Các dịch vụ cung
cấp đến khách hàng đã được đa dạng hóa hơn rất nhiều, cùng với đó, phát triển
ngân hàng số giúp NHTM tăng hiệu quả hoạt động và góp phần tạo ra lợi thế cạnh
tranh mới. Tuy nhiên, các NHTM vẫn phải đối mặt với những khó khăn về nhân
sự, về vốn đầu tư… Bài viết sẽ tập trung nhìn nhận, đánh giá quá trình phát triển
ngân hàng số của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và đưa ra những
gợi ý cho các giai đoạn sau.
1.
Thực trạng phát triển ngân hàng số tại các NHTM Việt Nam
Phát triển ngân hàng số là tích hợp công nghệ vào mọi quy trình nghiệp vụ
theo hướng tự động vận hành, cung ứng sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, khai
thác các dữ liệu thu thập được trong quá trình giao tiếp với khách hàng. Phát triển
ngân hàng số cho phép các ngân hàng cũng cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn
rất nhiều so với trước đây nhờ vào việc thực hiện kết nối các lớp dịch vụ khác nhau
vào trong hệ thống ngân hàng thông qua nền tảng số. Mọi nhu cầu giao dịch về tiền
của khách hàng đều có thể đáp ứng qua hệ thống ngân hàng, không chỉ đơn giản là
các dịch vụ cơ bản như huy động vốn hay cho vay. Đồng thời, cùng với phục vụ
được số lượng ngày càng lớn các nhu cầu của khách hàng, nền tảng dữ liệu của
khách hàng cũng có thể được khai thác hiệu quả hơn thông qua các công nghệ mới.
Từ đó, các NHTM có thể nắm bắt được rõ hơn xu hướng hành vi của khách hàng
để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp hơn, nâng cao được khả năng phục vụ khách
hàng. Hơn nữa, thông qua tự động hóa quy trình, phát triển ngân hàng số giúp các
NHTM giảm chi phí vận hành, chi phí duy trì quan hệ khách hàng cũng như những
khoản đầu tư khác về vật chất, con người… đi liền với tăng tốc độ xử lý. Hiệu quả
hoạt động của ngân hàng nhìn chung sẽ được cải thiện. Đặc biệt, sử dụng trí tuệ
nhân tạo (AI) giúp cải thiện hiệu quả hoạt động ngân hàng bán lẻ, tăng cường trải
nghiệm khách hàng, giúp tăng lòng trung thành của khách hàng và giảm áp lực
cạnh tranh bằng giá giữa các NHTM. Chuyển đổi phát triển ngân hàng số của ngân
hàng mang lại lợi ích lớn nhất đến khách hàng. Bởi vì các dịch vụ sẽ có chất lượng
tốt hơn, chi phí rẻ hơn và danh mục sản phẩm được đa dạng phù hợp hơn với nhu
cầu của từng lớp nhỏ khách hàng. Quá trình phát triển ngân hàng số các NHTM tại
Việt Nam được nhìn thấy rất rõ nét. Các NHTM triển khai nhiều công việc trong
quá trình phát triển ngân hàng số hoạt động. Cụ thể:
Thứ nhất, ngân hàng số trở thành một phần quan trọng trong chiến lược
kinh doanh của nhiều ngân hàng. Ngành ngân hàng xác định phát triển ngân hàng
số là vấn đề chiến lược, không chỉ là một dự án công nghệ. Bởi vì, mô hình hoạt
động của ngân hàng sẽ dần thay đổi khi sử dụng các kết nối, chia sẻ dữ liệu mở qua
giao diện chương trình ứng dụng (open API), công nghệ chuỗi khối (Blockchain),
Ngân hàng như một nền tảng (BaaP)… Các ngân hàng không chỉ là đơn vị cung
cấp dịch vụ mà sẽ dần trở thành một mắt xích trong quan hệ tài chính của mọi đối
tượng trong xã hội. Vì vậy, các NHTM dần thay đổi tư duy, lấy khách hàng là trung
tâm, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cùng với việc thay đổi văn hóa kinh
doanh, phương thức quản trị, đầu tư công nghệ, tích hợp kênh phân phối... Theo số
liệu của ngân hàng nhà nước (NHNN), 94% ngân hàng Việt Nam đang trong bước
đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong số 94% ngân hàng
nói trên, có 59% đã bước đầu triển khai ngân hàng số trong thực tế, 35% đang
nghiên cứu, xây dựng chiến lược; còn lại 6% hiện chưa tính được việc xây dựng
chiến lược.
Đặc biệt, các NHTM nhỏ đã mạnh dạn chuyển hướng lấy ngân hàng số làm
trọng tâm hoạt động. Tiêu biểu nhất là trường hợp của ngân hàng OCB,
Tienphongbank... Ngân hàng OCB đặt ra mục tiêu đưa chiến lược phát triển ngân
hàng số vào hoạt động kinh doanh cốt lõi ngân hàng, từ đó, hoạch định chiến lược
phát triển một cách rõ ràng với mọi hoạt động. Ngân hàng thực hiện xây dựng
Ngân hàng hợp kênh OCB OMNI – theo đó, các kênh giao dịch số được kết nối,
đồng nhất với nhau, tạo được trải nghiệm xuyên suốt cho khách hàng khi có sự
chuyển dịch giữa các kênh. Trong đó, tất cả các dịch vụ của một ngân hàng đều
được tích hợp trên một nền tảng số duy nhất, giúp khách hàng sử dụng dịch vụ, sản
phẩm của OCB mà không cần đến quầy. Thậm chí, khách hàng không cần phải
thực hiện từng giao dịch riêng lẻ, mất nhiều thời gian xử lý, khách hàng có thể thực
hiện cùng lúc nhiều giao dịch chuyển tiền đến tài khoản/ thẻ khác nhau chỉ với một
lần xác thực OTP thông qua tính năng “Giỏ giao dịch”… Đồng thời, ngân hàng này
cũng cho ra mắt Trang thương mại điện tử OCB GO là kênh giới thiệu và phát triển
các sản phẩm, dịch vụ như mở tài khoản, thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm, tư vấn tài
chính thông minh… hoàn toàn trực tuyến.
Thứ hai, các NHTM thay đổi mô hình tổ chức phục vụ phát triển ngân hàng
số. Khi xác định ngân hàng số là chiến lược kinh doanh, các NHTM dần thay đổi
mô hình hoạt động để đảm bảo vận hành lâu dài. Tùy thuộc vào quy mô và mạng
lưới hoạt động, quá trình chuyển đổi mô hình của các NHTM có sự khác biệt đáng
kể.
Các NHTMCP nhỏ có xu hướng thiết lập mảng kinh doanh mới hoặc thành
lập ngân hàng số thuần túy (pure digital banks). Theo đó, ngân hàng số là một
mảng kinh doanh riêng, độc lập với hoạt động kinh doanh cũ và hướng đến việc
tìm kiếm đối tượng khách hàng mới. Ví dụ điển hình như VPBank với mô hình
Timo. Đây là mô hình hoàn toàn độc lập được triển khai bởi đối tác chiến lược của
VPBank. Là mô hình ngân hàng pure digital banks nên Timo có thể kiểm soát chi
phí vận hành và đưa đến giảm chi phí cho khách hàng thông qua miễn phí dịch vụ.
Hay như mô hình Livebank của TPBank. Được ra mắt từ năm 2017, đến nay,
TPBank đã mở được 150 điểm ngân hàng tự động LiveBank trên toàn quốc, 2 triệu
lượt khách hàng, tổng giao dịch hàng nghìn tỷ đồng sau 3 năm. Sản phẩm ngân
hàng tự động 24/7 có thể thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch như một chi
nhánh truyền thống. Đại diện ngân hàng cho hay, đến nay trên 2/3 giao dịch của
ngân hàng thực hiện tại LiveBank, giúp tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự,
quản lý và tối đa thời gian, tiền bạc cho khách hàng. Khoảng 60% giao dịch của
LiveBank diễn ra ngoài giờ hành chính, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bộ phận
khách hàng mà mô hình ngân hàng truyền thống không thể phục vụ.
Các ngân hàng có quy mô lớn, chủ yếu là các NHTM nhà nước, tập trung
chuyển đổi số đối với hoạt động kinh doanh hiện tại. Trong đó, hầu hết các ngân
hàng đã thành lập một đơn vị chuyên trách phát triển các dịch vụ số để đáp ứng tốt
hơn nhu cầu của khách hàng. Một số ngân hàng đã có thay đổi lớn về mô hình tổ
chức để phát triển ngân hàng số như BIDV, MB, LienvietPostbank, ACB… Tại
BIDV, để triển khai đúng hướng chiến lược về ngân hàng số, BIDV đã thành lập
Trung tâm ngân hàng số giúp BIDV xây dựng hệ sinh thái tài chính tiêu dùng cho
khách hàng, MB, LienvietPostbank hình thành khối ngân hàng số, ACB thành lập
team công nghệ dưới sự điều hành trực tiếp của CEO hay Hội đồng Quản trị…
Thứ ba, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các NHTM được nâng cấp
nhanh chóng trên diện rộng. Các NHTM thực hiện thay thế hệ thống công nghệ lõi
cũng như tích cực ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý giao dịch, lưu trữ thông
tin... Đơn cử như Vietinbank đã thay thế thành công hệ thống CoreBanking vào
tháng 2/2017 (Core SunShine), vận hành kho dữ liệu doanh nghiệp mới (EDW) từ
tháng 4/2017... Hay như VPBank đã xây dựng ngân hàng số YOLO với hệ thống
Core banking riêng, tách biệt với hệ thống hiện tại, ứng dụng công nghệ phân tích
dữ liệu của IBM để đồng bộ hoá dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi
khách hàng. Các NHTM nhỏ cũng rất quan tâm đến việc đầu tư cho công nghệ và
quyết tâm cao độ để thực hiện hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin của mình.
Tại Vietbank, ngân hàng này đã thay thế mới toàn bộ hệ thống phần mềm ngân
hàng lõi Core Banking của Finastra, đầu tư mới toàn bộ hệ thống lõi cho thẻ của
Cardzone, chuẩn bị thay thế Internet banking bằng hệ thống DC (digital channel)
mới. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn trong nước và quốc tế như
Finastra, Cisco... nhằm mang đến những ứng dụng tích hợp các chức năng, tiện ích
đa dạng cho khách hàng. Hay rất nhiều ngân hàng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo
(AI) trong hoạt động như TPbank ứng dụng trợ lý ảo T’Aio có thể tương tác với
hơn 1,5 triệu khách hàng cùng một thời điểm trên Facebook Messenger, BIDV thí
điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo Watson phân tích dữ liệu khách hàng... Đồng thời,
các NHTM đã có sự liên kết với các nền tảng thanh toán chung để tạo được hiệu
quả hoạt động của việc cộng hưởng với các bên. Điển hình như NAPAS và 3 ngân
hàng gồm VietinBank - VIB - TPBank đã thử nghiệm thành công mô hình chuyển
tiền trên blockchain, đồng thời cũng sử dụng chung điện toán đám mây.
Thứ tư, mô hình hợp tác dưới hình thức đối tác giữa ngân hàng và doanh
nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) hay các công ty công nghệ lớn
(Google, Facebook… - Bigtech) đang phát triển nhanh chóng. Sự hợp tác này
mang lại lợi ích cho khách hàng cũng như ngân hàng. Khách hàng có thể gia tăng
trải nghiệm cũng như tiếp cận được đa dạng hóa dịch vụ với số lần truy cập ít hơn.
Ngân hàng hợp tác với các doanh nghiệp này có thể giúp tăng thêm số lượng, mức
độ hài lòng của khách hàng, chi phí đầu tư... Các đại diện tiêu biểu có thể kể đến
như Vietinbank hợp tác với Opportunity Network (ON) trong cung cấp nền tảng số
cho doanh nghiệp; Vietcombank và M_Service hợp tác trong thanh toán chuyển
tiền; VP Bank hợp tác với Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số; MB Bank
kết hợp với Starup Fintech cung ứng dịch vụ ngân hàng trong ứng dụng Messenger
của Facebook, VIB kết hợp với công ty Fintech Weezi cung cấp sản phẩm
MyVIB Keyboard – một ứng dụng mới giúp chuyển tiền qua mạng xã hội;
Techcombank hợp tác với Fastcash đưa ra tính năng F@st mobile giúp chuyển tiền
qua Facebook và Google +...
Những nét thay đổi lớn trong quá trình phát triển ngân hàng số các NHTM
Việt Nam vẫn còn ở phía trước. Song đến nay, các nỗ lực thực hiện phát triển ngân
hàng số của các NHTM hiện nay đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
2.
Kết quả của tiến trình phát triển ngân hàng số các NHTM đến nay:
Một là, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp đến khách hàng.
So với dịch vụ Ebanking (chỉ tập trung vào một số tính năng chính như
chuyển tiền, thanh toán và tra cứu số dư tài khoản), ngân hàng số là một bước phát
triển mạnh vì có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực
tuyến thông qua Internet. Triển khai ngân hàng số giúp các NHTM nhanh chóng đa
dạng hóa được các sản phẩm dịch vụ cung cấp đến khách hàng. Ngân hàng số đang
dần được hình thành dưới dạng một hệ sinh thái cho phép người tiêu dùng có thể
trải nghiệm, tham gia và thanh toán "mọi thứ" trên nền tảng ngân hàng số. Ngân
hàng đã đẩy mạnh các dịch vụ cho vay, hỗ trợ các dịch vụ phát sinh kèm sau cho
vay để phục vụ được khách hàng nhiều hơn. Hiện nay, các khách hàng đã có thể
thực hiện vay vốn trên nền tảng số của ngân hàng, trả nợ, phát hành thẻ, chuyển
tiền, thanh toán… Đồng thời, ngân hàng kết hợp với các trung gian thanh toán để
đáp ứng tối đa các nhu cầu thanh toán trong chi tiêu của khách hàng tại các kênh
cung cấp dịch vụ của ngân hàng hoặc các kênh bán hàng của đối tác.
Dự án ngân hàng số của các NHTM Việt Nam hiện nay hầu hết đều đã kết
hợp với các nhà cung cấp ở các ngành hàng và dịch vụ khác nhau từ bảo hiểm, sức
khỏe, vận chuyển… để cung cấp được dịch vụ phong phú hơn cho khách hàng.
Công nghệ bên trong ngân hàng số cho phép kết nối với một hệ sinh thái đa dạng
và rộng lớn các dịch vụ và sản phẩm được cung cấp bởi các doanh nghiệp lớn/dịch
vụ công như viễn thông, điện, nước, giáo dục… hay thậm chí là các nhà cung cấp
nhỏ như đặt taxi, nghe nhạc đến đặt vé xem phim, đặt đồ ăn, thức uống... Nhờ đó,
khách hàng có thể sử dụng mọi nhu cầu mua, bán trên nền tảng số, bên cạnh việc
thực hiện các bước thanh toán tại các điểm mua hàng.
Hai là, tăng hiệu quả hoạt động của các NHTM
Đi cùng với việc thực hiện phát triển ngân hàng số, các NHTM bước đầu tiết
kiệm chi phí hoạt động so với phương thức truyền thống. Các giấy tờ, thủ tục phục
vụ giao dịch được lược bớt, giúp giảm thời gian giao dịch cho khách hàng cũng
như nhân lực cho ngân hàng. Mức độ tiết kiệm của các ngân hàng khác nhau, phụ
thuộc vào mức độ phát triển ngân hàng số của bản thân ngân hàng. TPBank triển
khai digital form cho khách hàng tự nhập trông tin và khai form mẫu trên website.
Vì vậy, khi khách hàng đến ngân hàng, các bước thu thập thông tin như trước đây
đã được rút ngắn đi giúp cho thời gian xử lý giao dịch ít hơn, tăng năng suất lao
động cho giao dịch viên… Hay tại BIDV, việc thay thế nhân viên bằng robot đã
giúp BIDV tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí tiền lương và đẩy mạnh tự
động hóa quy trình nghiệp vụ. Tổng thời gian xử lý công việc của Robot chỉ bằng
20% thời gian xử lý của con người, do vậy tiết giảm được 80% thời gian thao tác
khi sử dụng Robot, đem lại lợi ích giúp BIDV tiết giảm được 2,7 tỷ đồng chi phí
lương nhân viên dành cho nghiệp vụ này hàng năm. Đồng thời, theo một thống kê
không chính thức tại Việt Nam, chi phí bình quân để thu hút thêm 1 khách hàng
của ngân hàng đã giảm từ khoảng 60 - 70 USD về còn 8 - 10 USD sau khi ngân
hàng áp dụng công nghệ mới. Trong tương lai gần, phát triển các kho dữ liệu lớn
giúp tạo thuận lợi trong thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri
thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
Phát triển ngân hàng số còn giúp tuân thủ tốt hơn các quy định, luật lệ mới.
Với ngân hàng số, dữ liệu khách hàng được lưu trữ, quản lý tập trung, đồng bộ, từ
đó, giúp cho việc tuân thủ các quy định quản trị của cơ quan chức năng dễ dàng
hơn, cũng như việc xây dựng các mô hình quản trị rủi ro riêng của ngân hàng cũng
thuận lợi hơn. Ngân hàng có thể xác định mức rủi ro của khách hàng của mình để
có thể có phương án ứng phó phù hợp, tuân thủ các quy định của E.U về ngân hàng
mở (PSD2), bảo vệ dữ liệu khách hàng (GDPR)… trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Ba là, góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng
Phát triển ngân hàng số NHTM tạo ra được quy trình thuận tiện, thủ tục đơn
giản và tốc độ phục vụ nhanh giúp ngân hàng có khả năng cung cấp dịch vụ cho
khách hàng với chất lượng ngày một cao, đi kèm với chi phí thấp hơn. Đồng thời,
thông qua cơ sở dữ liệu lưu trữ điện tử, các ngân hàng có thể phân tích, đánh giá
được mô típ khách hàng, từ đó, đề ra các chiến lược kinh doanh phù hợp. Đơn cử
như VietinBank với Dự án Kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) góp phần nâng cao
hiệu quả hoạt động quản lý cũng như giám sát và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn
quốc tế; VPBank ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của IBM để đồng bộ hoá
dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng.
Đồng thời, gia tăng phát triển phát triển ngân hàng số cho phép các NHTM
tiếp cận với khách hàng mọi nơi, mọi lúc. Nhờ đó, nguồn vốn tạm trữ phục vụ mục
tiêu thanh toán của khách hàng vốn ở dạng tiền mặt có thể chuyển dần sang dưới
dạng tiền trong tài khoản của ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có thể gia tăng đáng kể
nguồn vốn không kỳ hạn với chi phí thấp. Nguồn vốn này có tính ổn định cao nếu
ngân hàng thu hút được lượng khách hàng đủ lớn. Đơn cử như trường hợp của
Techcombank, từ tháng 9/2016, khi bắt đầu chương trình Miễn phí hoàn toàn giao
dịch chuyển khoản điện tử (E-Banking 0 đồng), đến tháng 9/2019, số lượng giao
dịch của khách hàng cá nhân đã tăng lên gần 30 lần. Đồng thời, tỷ lệ tiền gửi
không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) trên tổng huy động của
Techcombank đã đạt mức 30% - mức cao so với toàn hệ thống. Từ đó, giúp giảm
chi phí vốn trong bối cảnh chi phí này ở các ngân hàng khác đều đang có xu hướng
tăng.
Mặc dù phát triển phát triển ngân hàng số trong ngân hàng là xu hướng tất
yếu và đã bước đầu mang lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng, nhưng toàn bộ ngành
ngân hàng vẫn đang trong quá trình chuyển mình. Trong đó, các NHTM cũng gặp
những khó khăn nhất định trong việc phát triển phát triển ngân hàng số hoạt động.
3.
Những khó khăn trong phát triển ngân hàng số
Một là, những hạn chế khách quan của môi trường pháp lý
Mặc dù, phát triển ngân hàng số ngân hàng được sự khuyến khích và ủng hộ
của cơ quan quản lý, tuy nhiên, trên thực tế những chính sách, quy định pháp luật
chưa đầy đủ và có phần thiếu nhất quán. Phát triển ngân hàng số của các NHTM
diễn ra rất nhanh, cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều các dịch vụ mới yêu cầu
việc thay đổi nhanh chóng hệ thống pháp lý để quản lý cũng như yêu cầu cơ sở dữ
liệu công phải đầy đủ. Những quy định về xác thực khách hàng, đảm bảo an toàn
bảo mật thông tin hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của ngành ngân
hàng. Hiện nay, các công nghệ mới cho phép xác thực điện tử (eKYC), điện toán
đám mây, blockchain… chưa có các quy định quản lý phát triển, do đó, việc ứng
dụng của các NHTM mang tính tự phát, cũng như việc xảy ra những rủi ro trong
quá trình vận hành cũng chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.
Trong quá trình phát triển ngân hàng số, các NHTM không có một mô hình
cố định để theo đuổi, việc ứng dụng và phát triển số hóa cũng như xây dựng những
dịch vụ mới sẽ tùy thuộc vào quyết định điều hành của từng ngân hàng. Trong
nhiều trường hợp, các NHTM sẽ phải thực hiện thử nghiệm các dịch vụ mới. Tuy
nhiên, do tính chất của hoạt động ngân hàng có thể ảnh hưởng sâu rộng đến đời
sống kinh tế - xã hội nên khi các thử nghiệm mới này xảy ra rủi ro có thể để lại hậu
quả nghiêm trọng. Do đó, trong bối cảnh các quy định chưa phát triển theo kịp sự
phát triển của hệ thống thì sẽ phần nào hạn chế các NHTM áp dụng các thử nghiệm
mới và có thể làm chậm tốc độ phát triển ngân hàng số trong lĩnh vực ngân hàng.
Đơn cử như quy định về quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng
(P2Plending) chưa rõ ràng, hoặc các quy định về phát triển các sản phẩm ví điện
tử…
Hai là, khó khăn trong tuyển dụng nhân sự về công nghệ
Trong quá trình chuyển đổi số, nhu cầu về nhân sự của NHTM thay đổi lớn
so với trước đây. Khác với trước đây, nhu cầu sử dụng nhân sự am hiểu về tài chính
ngân hàng và công nghệ gia tăng đột biến. Các NHTM thực hiện đầu tư mạnh vào
công nghệ cũng đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực đủ trình độ để lĩnh hội, vận hành
thậm chí là phát triển được hệ thống công nghệ phù hợp với nhu cầu của ngân
hàng. Do đó, các ngân hàng không những mong muốn thu hút được những nhân
lực tốt nhất cho quá trình chuyển đổi số mà còn cần phải thực hiện giữ chân được
những nhân lực có sự am hiểu về hệ thống công nghệ của ngân hàng để có thể cải
tiến, phát triển được trong dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay, thường những nhân lực
công nghệ thì chưa am hiểu về ngân hàng và ngược lại. Hơn nữa, theo nghiên cứu
của Mc Kinsey, các nhân tài trong lĩnh vực công nghệ (như phát triển phần mềm,
bảo mật, AI…) ưa thích lựa chọn làm việc cho các công ty công nghệ, thương mại
điện tử, start up hơn vì mang lại cho họ nhiều cơ hội phát triển và môi trường làm
việc cởi mở hơn. Do đó, tuyển dụng trên thực tế tương đối khó khăn.
Ba là, chi phí đầu tư cho công nghệ gia tăng nhanh
Mặc dù công nghệ có thể mang lại hiệu quả cao cho hoạt động trong dài hạn
của ngân hàng, nhưng trong giai đoạn đầu, chuyển đổi công nghệ thường đòi hỏi
mức đầu tư lớn. Hầu hết các nhà băng đều đang ưu tiên chi lớn cho công nghệ và
dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới để có thể cạnh tranh với đối thủ
trong và ngoài nước. Thông tin từ Techcombank cho biết đã đầu tư 300 triệu đô la
Mỹ cho hạ tầng công nghệ thông tin (tương ứng với 7,5% tổng vốn của ngân hàng)
và con số này chắc chắn chưa dừng lại. Hay ACB đầu tư mỗi năm 300 – 350 tỉ
đồng để chuyển đổi ngân hàng bán lẻ truyền thống thành ngân hàng số, mặc dù
ngân hàng này chưa phải là nhóm thực hiện chuyển đổi nhiều nhất. Theo thống kê
trên thế giới, tỷ lệ chi đầu tư công nghệ/tổng ngân sách của ngành ngân hàng đang
ở mức cao (8,7%) trong so sánh với các ngành khác nhưng sẽ còn tiếp tục tăng lên
trong thời gian tới. Do đó, chi phí đầu tư cho công nghệ trong tương lai của ngành
ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục tăng cao và đòi hỏi các NHTM phải luôn tìm
phương án nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như sử dụng vốn có hiệu quả hơn.
4. Đề xuất trong tương lai
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý cho chính hoạt động của các ngân
hàng tập trung vào: (i) hình thành các quy định để quản lý được những thay đổi về
công nghệ trong ngành ngân hàng như xác thực điện tử đối với khách hàng (eKYC), ứng dụng điện toán đám mây, blockchain trong hoạt động ngân hàng…; (ii)
thay đổi cơ chế quản lý theo hướng cho phép thực hiện các môi trường pháp lý
dạng thí điểm (sandbox) đối với các sản phẩm tài chính mới như cho vay ngang
hàng, huy động vốn cộng đồng… nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ,
song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của
người dân và doanh nghiệp. (iii) nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu
dân cư quốc gia - điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số nói chung và tài
chính số nói riêng.
Thứ hai, phát triển đội ngũ nhân lực cao về công nghệ ngân hàng. Lao động
kỹ thuật cao về công nghệ cũng như am hiểu về ngân hàng trong tình trạng khan
hiếm hiện nay đòi hỏi các NHTM cần đảm bảo chế độ đãi ngộ tốt, cũng như thực
hiện thay đổi mô thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; có chính sách bố trí,
sắp xếp nhân lực hợp lý khi thực hiện ngân hàng số; tạo lập môi trường đổi mới và
sáng tạo. Đồng thời, các NHTM cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ sở đào
tạo về ngân hàng để giúp định hướng cho nguồn nhân lực trẻ về nhu cầu của đơn vị
thực tế. Từ đó, có thể có sự thay đổi trong cách thức đào tạo cho phù hợp với nhu
cầu thực tế.
Thứ ba, các NHTM cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn cũng như lựa chọn
phương án đầu tư phát triển ngân hàng số phù hợp. Yêu cầu vốn đầu tư cho công
nghệ ngân hàng tăng cao và sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của
ngân hàng trong thời gian tới. Song, định hướng ngân hàng số cần cân nhắc kỹ
lưỡng và gắn liền với định hướng phát triển của ngân hàng, những chiến lược dài
hạn cũng như đối tượng khách hàng mục tiêu của ngân hàng. Với mỗi tập khách
hàng mục tiêu khác nhau, nhu cầu của khách hàng sẽ khác nhau, do đó, việc thực
hiện đầu tư và phát triển công nghệ cũng cần có sự chọn lọc để mang lại trải
nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Các NHTM cần tránh đầu tư dàn trải theo đuổi
nhiều mục tiêu, lãng phí mà không tạo ra được hiệu quả khác biệt.