Nội dung bức thư em Hiếu Hiền gửi đạo diễn Trương Nghệ Mưu:
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu kính mến!
Khi gửi lá thư này đi, cháu cứ mong từng ngày nó sớm đến được tay ông.
Rồi cháu lại lo rằng khi nhìn thấy địa chỉ lạ hoắc: “Người gửi: Hồ Thị
Hiếu Hiền - Việt Nam” không biết ông có giở thư ra đọc hay không? Ông
ơi! Cháu mong ông bớt chút thì giờ vàng ngọc để lắng nghe tâm sự của
cháu, biết đâu ông sẽ thấy trong đó một điều gì lớn lao hơn tình cảm
thông thường của người hâm mộ dành cho thần tượng.
Thưa ông, cháu mới có ý định viết thư cho ông sau khi trường cháu phát
động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 về đề tài phòng chống
căn bệnh AIDS. Để cho bài viết của mình có cơ sở thực tế, cháu đã đi tìm
hiểu một số đối tượng xem mọi người hiểu biết và phòng chống AIDS như
thế nào.
Đầu tiên, cháu hỏi bà, bà cháu bảo: “Bà sống từng này tuổi đầu rồi mà
chưa biết mặt mũi con “Ết” nó thế nào. Bà nghe nói nó ở trong người
những kẻ sống buông thả chẳng ra gì. Cháu đừng đến gần họ kẻo con
“Ết” nó dính vào người.” - Ôi, bà cháu chẳng hiểu gì về AIDS cả, ông
nhỉ?
Khi nghe cháu hỏi, cả bố mẹ cháu đều cho rằng: “AIDS là căn bệnh suy
giảm hệ miễn dịch ở cơ thể người do vi rút HIV gây ra. Bệnh này rất nguy
hiểm vì hiện chưa có thuốc chữa khỏi. Con phải tuyệt đối tránh xa các tệ
nạn như nghiện hút, tình dục bừa bãi thì mới bảo vệ được mình.” Mẹ
cháu còn dặn đi dặn lại: “Nếu ở lớp có bạn nào bị nhiễm HIV thì con
phải nói ngay để bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp cho con.” - Bố mẹ
cháu là công chức mà cũng còn kì thị với người có H đấy.
Cháu lại hỏi cả em cháu, em quả quyết: “Lớp em thì chưa có bạn nào bị
AIDS chứ nếu có, em sẽ đeo khẩu trang hoặc nghỉ học ở nhà luôn.” -
Thật buồn cười, em lại tưởng AIDS cũng giống H1N1.
Đi đường, cháu có hỏi cô công nhân đang quét rác, cô liền chỉ tay vào
mấy cái vỏ ống tiêm nằm lăn lóc bên vệ đường: ”Kia kìa, vi-rút HIV chứa
trong những ống tiêm đó cháu!” - Hiểu biết của cô công nhân cũng chưa
thật đầy đủ phải không ông?
Đến lúc vào nhà hàng ăn uống, cháu lại gợi chuyện ông chủ. Ông ta
nhanh nhảu: “ Si-đa à? Cứ nhìn người nào ốm yếu, đi đứng dặt dẹo, trên
người nổi nhiều mụn nhọt là đích thị rồi! Cháu đừng lo, ông không bao
giờ để cho họ vào ăn uống làm lây bệnh cho khách.” - Trời, thật tội
nghiệp cho những ai không có H nhưng lại có vẻ bề ngoài giống như ông
ấy tả. Ông ấy đâu biết rằng HIV không hề lây qua đường ăn uống hay
giao tiếp thông thường và hiện nay chúng ta đang sống chung với AIDS.
Khi đến lớp, cháu cũng trao đổi với các bạn nhưng nhiều bạn lại tỏ ra rất
thờ ơ, cho rằng việc phòng chống HIV/AIDS là việc của các cơ quan y tế,
lớp mình có ai bị AIDS đâu mà lo! - Thái độ của các bạn cháu cứ bàng
quan như thế chả trách mỗi ngày có tới một ngàn trẻ em dưới mười lăm
tuổi bị nhiễm HIV.
Cháu còn điều tra thêm một số trường hợp nữa nhưng hầu hết ai cũng rất
lơ là. Cháu thực sự lo ngại trước thực trạng này và muốn viết một bức
thư kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng
chống được căn bệnh này. Thế nhưng đã mấy hôm nay, cháu ngồi nghĩ
mãi mà không biết viết thế nào, đành gác bút ra xem ti vi. Lúc này trên
kênh truyền hình đang chiếu bộ phim “Hoàng Kim Giáp” do ông đạo
diễn. Bộ phim hay quá! Thảo nào, cháu thấy người ta ca ngợi ông rất
nhiều trên mạng. Bằng một loạt phim nổi tiếng thế giới như: Cao lương
đỏ, Phải sống, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục,
Hoàng Kim Giáp…, ông đã chinh phục được trái tim của tất cả mọi
người.
Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: ước gì cháu cũng có tài làm
phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật
hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay
của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi
ai: chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được
nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên “Phải
chết” cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim “Phải sống” của ông. Qua
phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: con người ta không muốn chết
sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các
hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm
chung... Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm hứng từ những cảnh
đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS.
Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút
ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc
nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao
động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến
cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang
tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi
hút chích, dùng chung bơm kim tiêm với người có H. Có em bé thơ ngây
đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì
không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết
mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao người
khác.
Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu
thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách
thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ
nhàng mà sâu sắc. Cháu hi vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim
này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và
thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này.
Nhưng ông ạ, cháu thì “lực bất tòng tâm”, cháu nghĩ chỉ có ông mới có
thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân
loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu!
(HNM) - Lần đầu tiên sau 21 lần Việt Nam tham gia, bức thư của một nữ sinh lớp 7 ở Đà Nẵng đã vượt qua
hàng triệu lá thư của trẻ em hàng trăm nước, giành giải nhất cuộc thi viết thư UPU (Liên minh Bưu chính thế
giới) lần thứ 39.
Hiếu Hiền và cô giáo dạy văn Phạm Thị
Phong.
Thư gửi đạo diễn danh tiếng
Ngay khi nhận được chủ đề của cuộc thi là căn bệnh thế kỷ AIDS, Hồ Thị Hiếu Hiền liền nghĩ ngay đến
người đạo diễn tài ba của Trung Quốc là Trương Nghệ Mưu. “Rất nhiều người mà trong đó đa số là giới trẻ
khi xem phim (như phim của Hàn Quốc, Trung Quốc…) thường hay làm theo diễn viên trong phim. Từ đó có
thể thấy tác dụng của phim ảnh rất lớn. Vì vậy, em muốn viết bức thư gửi bác Trương Nghệ Mưu và mong
muốn bác sẽ làm một bộ phim về căn bệnh thế kỷ AIDS” - Hiền chia sẻ ý tưởng của mình. Sở dĩ Hiền chọn
đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng bởi cô bé là người rất thích xem những bộ phim mà ông làm như Thập
diện mai phục, Hoàng kim giáp…
Để viết thư, Hiền làm những cuộc điều tra nhỏ đối với cha, mẹ, bà, em, bác công nhân… để xem hiểu biết
của họ đối với căn bệnh thế kỷ. Đồng thời, Hiền tham khảo thêm trên thư viện về các tư liệu liên quan đến
AIDS. Từ đó, Hiền viết thư và mong muốn đạo diễn Trương Nghệ Mưu hãy giúp cô bé cũng như những
người bị AIDS có được một bộ phim xóa bỏ hết những đau thương, bạc bẽo mà lại truyền đạt được những
kiến thức về AIDS. “Và đặc biệt là xã hội sẽ xóa bỏ khoảng cách với người có AIDS, không có phân biệt đối
xử, mà chung sống hạnh phúc với nhau” - Hiền hy vọng.
Bài văn điểm 10 tặng mẹ
Đó là bài văn mà Hiền đã đạt điểm 10 dành tặng mẹ và chỉ có cô bé mới hiểu hết những vất vả của mẹ.
Chúng tôi xin trích đăng:
“Mẹ sẽ là nhành hoa
Cho con cài lên ngực”
… Đã hơn mười năm trôi qua kể từ khi con mới u ơ cất tiếng chào đời, con luôn được sống trong vòng tay
yêu thương của mẹ. Rồi con dần lớn khôn lên và mẹ cũng ngày càng già đi. Con rất thích ngắm bức hình của
mẹ trong bộ đồng phục nữ sinh ngày ấy: một cô gái có thân hình cân đối, đôi mắt nâu to tròn, cái mũi dọc
dừa và mái tóc đổ dài như suối. Thế mà giờ đây, mới chưa đầy bốn mươi tuổi, khuôn mặt trái xoan của mẹ
đã xuất hiện những nếp nhăn… Con căm hận ông lão Thời gian đã đánh cắp đi vẻ thanh xuân và in hằn dấu
ấn thời gian lên vóc dáng hao gầy của mẹ. Con hiểu, những nếp nhăn trên trán mẹ là dấu vết của bao tháng
ngày tần tảo, phải thức khuya, dậy sớm để lo miếng cơm manh áo cho con.
Bố con đi bộ đội ở tận biên giới xa xôi, rất ít khi có mặt ở nhà nên mọi việc trong gia đình đều đổ dồn lên đôi
vai gầy gầy của mẹ. Có những đêm mẹ thức rất khuya. Con hiểu, mẹ thao thức vì có học trò chưa giỏi, chưa
ngoan, vì lo cho con ăn học, vì mái nhà mình dột nát và còn vì bố con đi biền biệt ít về… Đêm đêm nhìn
bóng mẹ in trên vách, con lại cứ ngỡ như bóng dáng nàng Vọng Phu trong huyền thoại ngàn đời. Chao ơi,
con muốn lớn thật nhanh để làm được việc gì đó đỡ đần cho mẹ…
Nghĩ về mẹ, con xúc động nhất là lòng nhân ái bao la mà mẹ dành cho con. Con chưa ốm, mẹ đã lo đến mất
ăn mất ngủ. Con ăn no rồi, mẹ bắt phải ăn thêm. Con đi học về trễ một lát mà mẹ đã cuống quýt cả lên. Và
khi con đạt giải nhất cấp quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 thì mẹ vui không thể nào tả xiết.
Niềm vui cứ lấp lánh trên khóe mắt, rạng ngời trên khuôn mặt khi mẹ trông thấy hình con gái mẹ trên các
trang web. Suốt mấy đêm ròng, nằm ôm con mà mẹ không sao ngủ được…
Có lẽ, đối với mọi người, mẹ của con chỉ là một người bình thường nhưng với con, mẹ bao giờ cũng là người
đẹp nhất, một vẻ đẹp của sự lam lũ, trong sáng đến tinh khiết như một bông hoa cúc trắng kín đáo tỏa mùi
hương dìu dịu - loài hoa mà mẹ yêu thích nhất”.
Ngôi trường của những giải thưởng UPU
Tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Trường THCS Tây Sơn có đến 5 giải thưởng. Riêng lớp của Hiền là lớp
chọn được dạy song ngữ là tiếng Nhật và tiếng Anh, vì thế học sinh của lớp đều có học lực khá, giỏi. Cô Hồ
Thị Bích Trâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn cho biết trường được ngành giáo dục Đà Nẵng chọn
làm địa điểm tập huấn cho các trường THCS về cuộc thi viết thư quốc tế UPU nên học sinh, giáo viên có
điều kiện tiếp cận tốt hơn. Trong khi đó, theo Sở Giáo dục - Đào tạo TP Đà Nẵng, Trường THCS Tây Sơn là
một trong hai trường trung học được chọn thí điểm để dạy môn tiếng Nhật, vì thế tiêu chuẩn đầu vào của
trường khá cao. Nhiều năm liền Trường THCS Tây Sơn được chọn là trường văn hóa tiêu biểu của thành
phố.
Bài và ảnh Đoàn Cường