Tải bản đầy đủ (.pdf) (213 trang)

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG HIỆN NAY CỦA NGƯỜI LÔ LÔ HOA Ở HUYỆN MÈO VẠC, TỈNH HÀ GIANG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (10.32 MB, 213 trang )

VIỆN HÀN LÂM

KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LÊ ANH ĐỨC

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG HIỆN NAY
CỦA NGƯỜI LÔ LÔ HOA Ở HUYỆN MÈO VẠC,
TỈNH HÀ GIANG

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

Hà Nội - 2019


VIỆN HÀN LÂM

KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LÊ ANH ĐỨC

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG HIỆN NAY
CỦA NGƯỜI LÔ LÔ HOA Ở HUYỆN MÈO VẠC,
TỈNH HÀ GIANG
Chuyên ngành: Nhân học
Mã số: 9 31 03 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học:


1. TS. Lý Hành Sơn
2. PGS.TS. Phạm Văn Dương

Hà Nội - 2019


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu được nêu và trích dẫn trong luận án là chính xác và trung
thực. Những kết quả nghiên cứu của luận án chưa từng được ai công
bố trong các công trình khác.

Tác giả luận án

Lê Anh Đức

i


LỜI CẢM ƠN

Trước tiên, tôi bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến TS. Lý Hành Sơn và
PGS.TS. Phạm Văn Dương đã hướng dẫn, giúp đỡ tận tình cho tôi trong suốt
quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận án này.
Tôi xin trân trọng cám ơn Khoa Dân tộc học và Nhân học, Học viện
Khoa học xã hội, các giảng viên trong và ngoài Khoa đã quan tâm, tham gia
đóng góp ý kiến và hỗ trợ tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu để hoàn
thiện luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn đến chính quyền địa phương huyện Mèo

Vạc và huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang, huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng và
người dân Lô Lô nơi đây đã luôn quan tâm, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cung
cấp tài liệu, thông tin về trang phục truyền thống của người Lô Lô, làm cơ sở
quan trọng cho tôi nghiên cứu và hoàn thành luận án.
Tôi cũng gửi lời cám ơn trân trọng tới cơ quan nơi tôi công tác là Bảo
tàng Dân tộc học Việt Nam đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi
trong suốt quá trình nghiên cứu, hoàn thành luận án.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cám ơn những người thân trong gia đình,
bạn bè và các đồng nghiệp đã luôn quan tâm, cổ vũ, động viên, tiếp thêm nghị
lực cho tôi trong suốt quá trình nghiên cứu, hoàn thiện luận án.
Tác giả luận án

Lê Anh Đức

ii


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 1
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VÀ KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI LÔ LÔ HOA Ở HUYỆN MÈO VẠC........................ 13
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về người Lô Lô ở Việt Nam và về trang phục .... 13
1.2. Cơ sở lý thuyết ........................................................................................................ 23
Chương 2. QUY TRÌNH LÀM RA TRANG PHỤC ................................................. 45
2.1. Nguồn nguyên liệu để sản xuất vải ......................................................................... 45
2.2. Chế biến sợi và dệt vải ............................................................................................ 50
2.3. Trồng chàm, chế biến cao chàm và nhuộm vải, sợi ................................................ 55
2.4. Kỹ thuật cắt may y phục và trang trí ....................................................................... 58
2.5. Kỹ thuật chế tác đồ trang sức .................................................................................. 61
Chương 3. CÁC THÀNH TỐ VÀ CHỨC NĂNG CỦA TRANG PHỤC ............... 67

3.1. Các thành tố của bộ trang phục truyền thống.......................................................... 67
3.2. Hoa văn, màu sắc trên trang phục truyền thống và ý nghĩa .................................... 87
3.3. So sánh trang phục truyền thống hiện nay của hai nhóm Lô Lô Hoa và Lô Lô
Đen ................................................................................................................................. 95
3.4. Chức năng của trang phục truyền thống ............................................................... 104
Chương 4. GIÁ TRỊ CỦA TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG, SỰ BIẾN ĐỔI
VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA................................................................................................ 117
4.1. Giá trị trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa ........................... 117
4.2. Sự biến đổi trang phục truyền thống hiện nay ...................................................... 126
4.3. Vấn đề đặt ra và một số kiến nghị góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị trang
phục truyền thống của người Lô Lô ............................................................................. 141
KẾT LUẬN ................................................................................................................. 148
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ CÔNG BỐ CỦA
NGHIÊN CỨU SINH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN...................................... 152
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................. 153
MỤC LỤC PHỤ LỤC ................................................................................................ 163

iii


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT

Chữ viết tắt

Giải nghĩa tiếng Việt

NCS

Nghiên cứu sinh


Nxb

Nhà xuất bản

PBT

Phó bí thư

PCT

Phó chủ tịch

PGS.TS

Phó giáo sư tiến sĩ

PL

Phụ lục

PV

Phỏng vấn

TS

Tiến sĩ

Tr


Trang

UBND

Ủy ban nhân dân

iv


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Lô Lô là một dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người trong 54 dân tộc ở
Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến cùng với các dân tộc Hà Nhì,
Phù Lá, Cống, La Hủ, Si La. Dân tộc Lô Lô thường được chia thành ba nhóm
địa phương: Lô Lô Đen, Lô Lô Hoa và Lô Lô Trắng. Tuy nhiên, phần lớn ý
kiến lại chủ yếu chia thành hai nhóm: Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Hiện nay,
nhóm Lô Lô Hoa có khoảng 400 người, cư trú ở tỉnh Hà Giang. Còn người Lô
Lô Đen có hơn 4 nghìn người chủ yếu sinh sống ở hai huyện Bảo Lạc, Bảo
Lâm (tỉnh Cao Bằng) và một số thì cư trú ở hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc
(tỉnh Hà Giang). Song, dù có được chia thành mấy nhóm địa phương thì các
nhà nghiên cứu vẫn đánh giá dân tộc Lô Lô luôn có ý thức tự tôn dân tộc, có
tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết cao, thể hiện rõ nét trong việc gìn giữ
các đặc trưng văn hóa trong đó có trang phục truyền thống.
Hà Giang có cả nhóm Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Lô Lô Đen tập trung ở
xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn và ở các xã Xín Cái, Thượng Phùng thuộc
huyện Mèo Vạc, còn nhóm Lô Lô Hoa cư trú tập trung ở thị trấn huyện Mèo
Vạc và một số ít ở các xã Lũng Táo, Sủng Là huyện Đồng Văn. Hai nhóm
này có tiếng nói và phong tục tập quán gần giống nhau. Nét khác biệt thể hiện
rõ nét ở bộ trang phục nữ từ màu sắc đến hình dáng và kỹ thuật trang trí.
Trang phục nói chung, trang phục truyền thống nói riêng là một trong

những thành tố văn hóa vật thể không thể thiếu đối với đời sống mỗi tộc
người. Ngoài chức năng che đậy nhằm bảo vệ con người về mặt sinh học,
trang phục truyền thống còn phản ánh rõ nét về đặc trưng văn hóa, nếp sống
tộc người, thể hiện trình độ phát triển và quan niệm thẩm mỹ của tộc người ấy
đến đâu,... Qua đó mà có thể phân biệt được bản sắc cũng như tập quán và lối

1


sống giữa các tộc người, thậm chí phân biệt được các nhóm địa phương khác
nhau trong cùng một tộc người. Thực tế hiện nay cho thấy, chỉ cần thông qua
bộ trang phục truyền thống có thể hiểu và biết phần nào về sự khác biệt giữa
nhóm Lô Lô Hoa và nhóm Lô Lô Đen trong tộc người Lô Lô ở nước ta.
Song có một vấn đề, đến nay tộc người Lô Lô tuy có dân số ít, nhưng
dân số nhóm Lô Lô Hoa càng ít hơn, chỉ khoảng 35 - 40% so với nhóm Lô Lô
Đen, mà lại chỉ sống tập trung ở thị trấn Mèo Vạc - nơi đã và đang chịu tác
động mạnh mẽ của đô thị hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa và hội nhập với
người Kinh, nhất là gần đây còn chịu tác động gia tăng của sự phát triển các
dịch vụ phục vụ cho du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá
Đồng Văn. Tình trạng này đã làm cho nhiều đặc trưng văn hóa, trong đó có bộ
trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa bị mai một và biến đổi nhanh
trong vòng 10 năm trở lại đây, với xu hướng tiếp tục biến đổi.
Trong khi so với nhóm Lô Lô Đen, trang phục truyền thống của nhóm
Lô Lô Hoa có nhiều đặc trưng nổi trội và phong phú hơn, nhưng đang bị mai
một và biến đổi nhanh từ chất liệu, cách may khâu, chủng loại, đối tượng sử
dụng,... đến nhu cầu sử dụng. Còn nhóm Lô Lô Đen do vừa có dân số đông
vừa chủ yếu cư trú ở những nơi vùng sâu, nên họ gìn giữ và sử dụng bộ trang
phục truyền thống của mình được tốt hơn. Nay vẫn có nhiều người Lô Lô Đen
cả nam và nữ ở các huyện Đồng Văn, Bảo Lạc và Bảo Lâm thường xuyên
mặc bộ trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày.

Có thể nói, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập hiện nay, việc bảo tồn
và phát huy bộ trang phục truyền thống của nhóm Lô Lô Hoa ở nước ta là một
vấn đề cấp bách. Ngoài việc sưu tầm để lưu giữ, cần phải được tiến hành ngay
bằng các công trình nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống. Kết quả nghiên
cứu không chỉ bảo tồn bộ trang phục truyền thống của nhóm Lô Lô Hoa dưới
dạng văn bản, mà còn là luận cứ khoa học để đưa ra những giải pháp cụ thể

2


cho việc bảo tồn dưới nhiều hình thức, nhất là nâng cao hiệu quả tuyên truyền
để đồng bào có ý thức tự bảo quản và sử dụng trong những dịp cần thiết.
Xuất phát từ các lý do trên cùng với kết quả khảo sát sơ lược, chúng tôi
quyết định chọn vấn đề: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô
Hoa ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang làm đề tài luận án tiến sĩ Nhân học của
mình. Theo đó, trang phục truyền thống hiện nay được hiểu là bộ trang phục
truyền thống của nhóm Lô Lô Hoa vẫn đang tồn tại và được người dân lưu
giữ hoặc sử dụng trong những dịp hệ trọng của gia đình và cộng đồng cư trú
như các dịp lễ hoặc tết cổ truyền,...
Đến nay đã có không ít công trình nghiên cứu từ nhiều góc độ về tộc
người Lô Lô ở tỉnh Hà Giang và trong cả nước, trong đó có quan tâm đến vấn
đề trang phục truyền thống của tộc người này. Đặc biệt, không ít công trình đã
khẳng định, trong đời sống xã hội và tín ngưỡng của đồng bào Lô Lô nói
chung và người Lô Lô Hoa nói riêng, trang phục luôn là một trong những
biểu hiện mang đậm bản sắc riêng của đồng bào. Tuy nhiên, ở nhóm Lô Lô
Hoa cũng như nhóm Lô Lô Đen, hầu hết các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở
việc phác thảo mang tính khái quát về bản sắc văn hóa chung, chưa đề cập
chuyên sâu về trang phục truyền thống của họ, nhất là bộ trang phục này của
nhóm Lô Lô Hoa. Trong khi, người Lô Lô ở tỉnh Hà Giang hiện nay tuy vẫn
còn lưu giữ được những nét đặc sắc cơ bản của bộ trang phục truyền thống,

nhưng cũng đã mai một và đang biến đổi do không tự làm ra vải, hầu hết đều
sử dụng các nguyên liệu công nghiệp để cắt may và trang trí sắc màu, thay đổi
mẫu mã hoa văn,... Do đó, thực hiện đề tài luận án này không chỉ có đóng góp
thêm tư liệu mới về tộc người Lô Lô cho nhiều ngành khoa học, mà còn có ý
nghĩa thực tiễn sâu sắc, đặc biệt là góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị
truyền thống nghề thêu, ghép vải mang tính nổi bật ở tộc người Lô Lô, là
những khác biệt so với nhiều tộc người thiểu số ở nước ta.

3


2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nhận diện những đặc trưng về trang phục truyền thống đang tồn tại
hiện nay của người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở
đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống của
nhóm Lô Lô Hoa trong bối cảnh hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích đã đề ra, đề tài luận án có các nhiệm vụ
nghiên cứu sau:
- Khảo sát, tìm hiểu về trang phục truyền thống hiện nay của người Lô
Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, từ các công đoạn làm ra bộ y phục
và các đồ trang sức, trang trí hoa văn,... đến các thành tố của trang phục;
- Làm rõ các chức năng và giá trị của trang phục truyền thống đối với
đời sống của người Lô Lô Hoa ở địa bàn trên;
- Phân tích những biến đổi của bộ trang phục truyền thống từ Đổi mới
năm 1986 đến nay và những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi;
- Đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hoá đối với trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là trang phục truyền thống của người
Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang mà hiện nay vẫn đang gìn giữ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung nghiên cứu: Nội dung nghiên cứu của đề tài luận án được
giới hạn ở việc làm rõ những đặc trưng thể hiện qua trang phục truyền thống
hiện nay của nhóm Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), từ việc tạo ra
trang phục đến các thành tố và chức năng. Luận án còn đề cập tới biến đổi về

4


trang phục truyền thống của Lô Lô Hoa từ Đổi mới đến nay, nhất là từ khi
phát triển du lịch Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Bởi vì những
bộ trang phục đó của đồng bào chưa được bảo quản và gìn giữ tốt, nhất là tập
quán khi người Lô Lô mất sẽ mặc bộ trang phục truyền thống và chôn theo.
- Về phạm vi không gian: Luận án đã chọn nơi sinh sống lâu đời và tập
trung của người Lô Lô Hoa ở thị trấn huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang làm địa
bàn nghiên cứu chính. Theo đó, chúng tôi đã nhiều lần đến điền dã tại thị trấn
Mèo Vạc huyện Mèo Vạc, nhất là ở hai xóm Sảng Pả A thuộc thị trấn Mèo
Vạc - nơi tập trung phần lớn người Lô Lô Hoa. Ở Hà Giang nhóm Lô Lô Đen
phân bố khá rộng, nhưng Lô Lô Hoa chỉ tập trung đông nhất ở Mèo Vạc, qua
đó có thể tìm hiểu tốt nhất về trang phục, lối sống và bản sắc của họ.
Ngoài ra, còn khảo sát thêm trang phục của Lô Lô Đen và số ít Lô Lô
Hoa ở Xín Cái, Thượng Phùng huyện Mèo Vạc; xã Lũng Cú, Sủng Là huyện
Đồng Văn (Hà Giang); xã Hồng Trị, Kim Cúc huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Việc chọn các điểm này là do có đông dân Lô Lô sinh sống ở nước ta.
Cụ thể, tại Hà Giang người Lô Lô Hoa tập trung đông ở xóm Sảng Pả A thị
trấn Mèo Vạc; Lô Lô Đen thì sống lâu đời và đông ở xóm Lô Lô Chải xã
Lũng Cú huyện Đồng Văn, còn ở Cao Bằng họ phân bố chủ yếu ở xã Hồng

Trị huyện Bảo Lạc với các bản Nà Van, Bản Chang, Cốc Sả,... Do đó, nghiên
cứu tại các địa điểm này chính là điều kiện cần và đủ để nêu bật được sự nổi
trội, phong phú về đặc điểm hoa văn, màu sắc cũng như giá trị thẩm mỹ thể
hiện ở bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc một trong những nội dung nghiên cứu chính của đề tài luận án.
- Phạm vi thời gian nghiên cứu của luận án được giới hạn từ Đổi mới
đất nước năm 1986. Theo đó, những yếu tố truyền thống của trang phục Lô
Lô Hoa được đề cập từ năm 1986 trở về trước và hiện nay vẫn đang được
đồng bào lưu giữ ở những người già; sự biến đổi của trang phục thì được

5


nghiên cứu từ Đổi mới (sau năm 1986) đến nay, đặc biệt là từ khi phát triển
du lịch ở huyện Mèo Vạc. Từ 1986 đến nay, biến đổi trang phục dần bắt đầu
từ khi xóa bỏ bao cấp và đổi mới quản lý, tạo nên sự thuận lợi cũng như thách
thức mới. Thời điểm này NCS cho là hợp lý để tìm hiểu về biến đổi trang
phục khi lớp người già có hiểu biết và tay nghề còn tồn tại; trong khi lớp trẻ
sinh ra có sự hội nhập và phát triển về mọi mặt. Hai thế hệ khác biệt này sẽ
cho chúng ta cái nhìn khách quan về biến đổi của trang phục theo thời gian.
Có thể nói, nghiên cứu trang phục truyền thống và biến đổi của người
Lô Lô Hoa theo giai đoạn từ 1986 đến nay cho phép dựng lại bức tranh về
trang phục đó từ truyền thống tới hiện tại. Nếu chỉ tính từ khi phát triển du
lịch ở huyện Mèo Vạc thì bộ trang phục ấy đã biến đổi nhiều. Bởi vì theo kết
quả khảo sát, đến giữa năm 2018 trong cộng đồng người Lô Lô Hoa huyện
Mèo Vạc chỉ còn giữ được 4 bộ trang phục truyền thống nguyên bản bằng sợi
bông và được làm từ các công cụ thủ công cách ngày nay khoảng 40 năm.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở phương pháp luận
- Khi thực hiện đề tài luận án, tác giả luận án chủ yếu dựa trên quan
điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê nin để xem

xét về trang phục truyền thống và những đặc trưng của nó trong sự vận động
và biến đổi. Quá trình biến đổi của trang phục cần được phân tích dựa trên cơ
sở lịch sử, đó là so sánh đồng đại và lịch đại,... Vấn đề này luôn được chúng
tôi đặt ra trong quá trình nghiên cứu về sự biến đổi bộ trang phục truyền
thống của người Lô Lô Hoa trong mối quan hệ và so sánh giữa các địa điểm
nghiên cứu khác nhau, để thấy được những đặc điểm chung và riêng.
- Tác giả còn dựa vào Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và
Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, văn hóa dân tộc, chính sách dân tộc,... làm cơ
sở lý luận và phân tích, đánh giá những kết quả đạt được khi nghiên cứu trang

6


phục truyền thống của người Lô Lô Hoa, các giá trị văn hóa và việc bảo tồn
bộ trang phục này trong bối cảnh mới. Theo đó, không thể bỏ qua Nghị quyết
lần thứ 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết lần thứ 9 (Khóa XI) của Ban chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển văn hóa,
con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Khi thực hành nghiên cứu, tác giả chủ yếu tiếp cận từ góc nhìn Nhân
học, đặc biệt là Nhân học văn hóa. Trang phục nói chung, trang phục truyền
thống của người Lô Lô Hoa nói riêng luôn gắn với chủ thể là tộc người. Do
vậy, quá trình thực hiện đề tài luận án, tác giả luôn quán triệt mối quan hệ
giữa các thành tố và đặc điểm văn hóa của trang phục truyền thống đối với tộc
người Lô Lô trong tương quan với tộc người láng giềng tại địa bàn nghiên
cứu. Trên cơ sở ấy, tác giả còn đi sâu phân tích, xem xét những tác động của
các yếu tố trong đó có yếu tố chủ thể văn hóa đến sự biến đổi bộ trang phục
truyền thống. Có thể nói, tiếp cận Nhân học giúp làm rõ vai trò từng yếu tố
như kinh tế, gia đình, tín ngưỡng,... liên quan đến khía cạnh văn hóa trang
phục truyền thống của người Lô Lô Hoa; lý giải về những hiện tượng trong

tập quán và ứng xử xã hội qua sử dụng trang phục, khai thác tài nguyên tự
nhiên và quy trình sản xuất nguyên liệu hay ứng xử của người Lô Lô với
trang phục truyền thống trong các hoàn cảnh cụ thể.
- Nghiên cứu các công trình liên quan đến đề tài của các nhà khoa học
đi trước để kế thừa những thành quả lý luận, thuật ngữ khoa học, tiêu chí phân
loại trang phục,... Đó là những công trình nghiên cứu chuyên sâu về trang
phục của các tác giả Từ Chi, Lê Ngọc Thắng, Ngô Đức Thịnh, Hoàng
Lương,... Các công trình đó đã đưa ra những nhận định, đánh giá về văn hóa
tộc người qua phân tích trang phục truyền thống của đồng bào, tạo tiền đề và
cơ sở cho việc tiếp cận nghiên cứu về trang phục. Chẳng hạn, trong công trình

7


“Trang phục cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam” Lê Ngọc Thắng
đã đưa ra tiêu chí cơ bản để phân loại trang phục; nêu lên những khái niệm
đầu tiên về chức năng của trang phục không những là một hiện tượng văn hóa
vật chất, dùng bảo vệ cơ thể con người, mà còn phản ánh nếp sống văn hóa
tộc người. Theo tác giả, trang phục khác hẳn so với công cụ sản xuất, nhà cửa
và một số yếu tố văn hóa vật chất khác, bởi trang phục có mối gắn kết mật
thiết với con người và không thể tách rời trong môi trường tự nhiên, bên cạnh
chức năng sinh học và chức năng xã hội cũng như chức năng thẩm mỹ.
4.2. Phương pháp nghiên cứu cụ thể
Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả luận án đã áp dụng các phương
pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp điền dã dân tộc học
Phương pháp điền dã dân tộc học được sử dụng chủ đạo, cụ thể là tiến
hành khảo sát thực địa nhằm khai thác trực tiếp các tài liệu, thông tin từ người
dân Lô Lô để hiểu một cách chân thực về đời sống và trang phục truyền thống
của họ. Từ khi thực hiện luận án, tác giả đã đi điền dã vào những thời điểm

khác nhau từ 2016 đến 2018 tại địa bàn người Lô Lô hai huyện Mèo Vạc,
Đồng Văn (Hà Giang), huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) để thâm nhập vào cuộc
sống của người dân, tìm hiểu chu trình sinh hoạt, cách làm và sử dụng trang
phục của đồng bào. Trong các đợt điền dã, tác giả đã dùng các công cụ:
+ Phỏng vấn sâu những người am hiểu về trang phục và các tập quán
liên quan là công cụ thu thập dữ liệu bởi những câu hỏi thăm dò và những câu
hỏi đóng - mở. Tác giả luận án đã phỏng vấn một số già bản, trưởng bản, thầy
cúng, đặc biệt là những phụ nữ có kỹ năng, tay nghề và am hiểu các công việc
nhuộm, dệt, thêu, vá may trang phục, trang trí hoa văn trên trang phục,... Cụ
thể là đã tiến hành 15 cuộc phỏng vấn tại xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc;
xã Thượng Phùng có 7 người ở xóm Thèn Pả tham gia, xã Xín Cái có 12

8


người ở xóm Cờ Tảng; huyện Đồng Văn có: 3 người ở thôn Đoàn Kết xã
Sủng Là, và 10 người ở xóm Lô Lô Chải xã Lũng Cú. Ở Bảo Lạc phỏng vấn
10 người ở bản Nà Van xã Hồng Trị và 11 người ở bản Khuẩy Khon xã Kim
Cúc. Qua các cuộc phỏng vấn, tác giả có cái nhìn từ tổng thể đến cụ thể và chi
tiết về trang phục cũng như ý nghĩa của nó trong đời sống tộc người Lô Lô.
+ Tổ chức thảo luận nhóm là công cụ quan trọng của quá trình điền dã
khi nghiên cứu tại thực địa và là phương tiện hữu ích để thu thập các thông
tin, nhằm mô tả, so sánh, giải thích sâu hơn về trang phục truyền thống của
người Lô Lô, nhất là để đánh giá tính khách quan những quan điểm của người
dân Lô Lô ở mọi độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn về các yếu tố liên
quan đến trang phục truyền thống như quy trình sản xuất, các thành tố, sự
biến đổi và nhu cầu lưu giữ, bảo tồn bộ trang phục này của tộc người mình
nói chung. Vì vậy, tác giả luận án đã mời các chị em phụ nữ và người già, đàn
ông để cùng thảo luận nhóm tại Sảng Pả A là 5 lần, ở xã Thượng Phùng 1 lần
và ở xã Xín Cái 2 lần, xã Lũng Cú 1 lần. Thảo luận ở huyện Bảo Lạc 2 lần: 1

ở xóm Nà Van xã Hồng Trị, 1 lần ở bản Khuẩy Khon xã Kim Cúc.
+ Quan sát tham dự nhằm bổ khuyết cho những hạn chế của việc phỏng
vấn sâu và thảo luận nhóm, bởi vì đây là công cụ thu thập thông tin, bao gồm
cả việc dùng thị giác và ghi chép lại mọi yếu tố liên quan đến bộ trang phục
truyền thống với yêu cầu quan sát và xem xét thật kỹ lưỡng, đầy đủ, đúng đắn
và chính xác những gì nhìn thấy để có những thông tin đáng tin cậy về bộ
trang phục này. Tác giả còn tham gia trực tiếp vào sinh hoạt của người dân Lô
Lô, quan sát việc sử dụng trang phục của người Lô Lô trong sinh hoạt hàng
ngày và các nghi lễ tôn giáo, cộng đồng.
+ Từ việc quan sát về cách cắt, thêu thùa hoa văn và táp vải màu, may
khâu,... tác giả có điều kiện sử dụng các kỹ thuật đo, vẽ, chụp ảnh, quay phim
để lưu lại chính xác kích thước, màu sắc, kiểu dáng và những chi tiết trang trí

9


trên trang phục truyền thống của người Lô Lô. Nhờ quan sát tham dự cùng
với các công cụ đo, vẽ..., tác giả luận án có thể phân tích và phiên giải được ý
nghĩa biểu tượng một số họa tiết hoa văn trang trí trên trang phục, ý nghĩa đời
sống tộc người thông qua đặc điểm bộ trang phục.
- Phương pháp phân loại
Tác giả đã sử dụng phương pháp phân loại để sắp xếp các tài liệu, tư
liệu thu thập được trong quá trình thực địa thành một hệ thống logic chặt chẽ
theo từng loại, từng đơn vị kiến thức, từng vấn đề của trang phục có chung
dấu hiệu bản chất hoặc cùng hướng biến đổi,... Việc này góp phần tìm hiểu về
bộ trang phục của người Lô Lô Hoa một cách khoa học và có hệ thống. Nhằm
làm sáng tỏ sự biến đổi trang phục của người Lô Lô Hoa theo thời gian, sự tác
động của môi trường xung quanh như con người, tập quán, kinh tế, xã hội và
sự tương đồng cũng như khác biệt giữa hai nhóm Lô Lô.
- Phương pháp so sánh

Phương pháp so sánh được triển khai theo nhiều hướng. Để thấy được
sự tiếp biến văn hóa trang phục ở các thời gian khác nhau trong việc tìm hiểu
về biến đổi. Từ không gian sống khác nhau để tìm thấy sự tương đồng và
khác biệt về bản sắc văn hóa thông qua trang phục người Lô Lô ở Mèo Vạc
và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang và ở huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng,...
- Phương pháp chuyên gia
Kết hợp với phương pháp phân tích các tư liệu thu thập được, tác giả sử
dụng phương pháp chuyên gia để trao đổi với một số nhà quản lý, trí thức ở
địa phương và ý kiến của chuyên gia là nhà nghiên cứu nhằm bổ trợ, điều
chỉnh hợp lý hướng tiếp cận đối tượng cũng như đề xuất các kiến nghị bảo
tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ở Mèo Vạc.
Ngoài ra, tác giả còn dùng phương pháp ký họa, tốc ký để ghi chép
nhanh bằng hình vẽ các họa tiết, hoa văn trên trang phục ngay tại nơi nghiên

10


cứu; khai thác thêm thông tin qua các bộ sưu tập về trang phục Lô Lô của Bảo
tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái
Nguyên, Bảo tàng tỉnh Hà Giang...; sử dụng các phương pháp hệ thống, phân
tích, tổng hợp... khi xử lý tư liệu, tài liệu thu thập được và viết luận án.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Luận án là một công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu, có hệ
thống về trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa ở huyện
Mèo Vạc tỉnh Hà Giang từ góc nhìn Nhân học.
- Luận án góp phần phục dựng lại quy trình làm ra trang phục truyền
thống đã bị mai một của người Lô Lô Hoa, nhất là làm rõ một số đặc trưng về
hoa văn và nghệ thuật khâu ghép vải trên trang phục của nhóm Lô Lô này.
- Luận án có đóng góp tư liệu mới về tình hình biến đổi và nguyên nhân
dẫn đến biến đổi bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa ở huyện

Mèo Vạc, đồng thời dự báo về xu hướng biến đổi của bộ trang phục này để có
những giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị trong bối cảnh hội nhập và du
lịch, công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
- Trên cơ sở đánh giá các kết quả nghiên cứu, luận án đã đưa ra một số
kiến nghị giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bộ trang phục truyền
thống hiện nay của người Lô Lô Hoa nói riêng, tộc người Lô Lô nói chung.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
- Các kết quả đạt được khi thực hiện đề tài luận án sẽ làm sáng tỏ thêm
mối quan hệ giữa trang phục truyền thống và bản sắc văn hóa tộc người, việc
gìn giữ trang phục đó cũng chính là gìn giữ bản sắc văn hóa tộc người.
- Luận án là nguồn tư liệu mới và phong phú về trang phục từ truyền
thống đến biến đổi hiện nay của người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc, giúp ích
cho việc khái quát và đúc kết về đặc trưng văn hóa mặc ở các tộc người.

11


- Luận án góp phần hoàn thiện những vấn đề lý luận như khái niệm,
tiêu chí phân loại trang phục, cách tiếp cận trong phân tích và đánh giá các
đặc trưng văn hóa tộc người khi nghiên cứu về trang phục truyền thống và
biến đổi nó; đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ tộc người thiểu
số đối với việc bảo tồn trang phục truyền thống của tộc người mình.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Luận án làm rõ thêm các giá trị bộ trang phục truyền thống hiện nay
của người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc khi nó đang bị mai một và biến đổi,
qua đó góp phần nâng cao ý thức của người Lô Lô trong việc bảo tồn bộ trang
phục truyền thống cũng như các đặc trưng văn hóa của tộc người mình.
- Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn
hóa ở tộc người Lô Lô theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (về

xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc) và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (về xây dựng và phát triển văn hóa,
con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước) Ban chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Luận án là luận cứ khoa học giúp các cơ quan quản lý nhà nước về
dân tộc và văn hóa có cơ sở thực tiễn để đưa ra các chủ trương, chính sách
hợp lý trong quá trình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình đã công bố của tác
giả về luận án, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án kết cấu 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và khái
quát về người Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc
Chương 2: Quy trình làm ra trang phục
Chương 3: Các thành tố và chức năng của trang phục
Chương 4: Giá trị của trang phục truyền thống, sự biến đổi,...

12


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ
KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI LÔ LÔ HOA Ở HUYỆN MÈO VẠC
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về người Lô Lô ở Việt Nam và
về trang phục
1.1.1. Tình hình nghiên cứu của tác giả nước ngoài
Đối với các công trình nghiên cứu của các học giả ở trong nước và
nước ngoài về người Lô Lô ở nước ta, theo kết quả tìn kiếm chưa đầy đủ tại
một số thư viện như của chúng tội Thư viện Viện Dân tộc học, Thư viện quốc
gia, Thư viện Trường Đại học quốc gia Hà Hội, Thư viện Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội,... đã tìm thấy hơn 60 ấn phẩm từ trước đến nay viết về người

Lô Lô ở Việt Nam. Trong đó, chỉ có 3 ấn phẩm của tác giả người nước ngoài,
chủ yếu do người Pháp viết từ những năm đầu thế kỷ XX; số ấn phẩm còn lại
là của các học giả trong nước.
Một trong các tác phẩm của học giả nước ngoài viết về tộc người Lô Lô
ở Việt Nam có thể kể đến là “Étude sur les langues parlées par les
populations de la haute rivière claire” (Nghiên cứu ngôn ngữ của cư dân
vùng thượng lưu sông Chảy) của A. Bonifacy [102] đăng trên BEFEO, số 1 2, có nội dung viết về đặc điểm ngôn ngữ của tộc người Lô Lô ở tỉnh Hà
Giang, do vậy tác giả chưa có điều kiện đề cập đến văn hóa vật chất trong đó
có trang phục của người Lô ở nơi đây.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là hai tác phẩm: “Notions de grammaire Lo
Lo” (Những khái niệm về ngữ pháp của người Lô Lô) [103] và “Notes sur les
dialectes Lo-Lo” (Vài nét về thổ ngữ của người Lô-Lô) [104] của tác giả
người Pháp M. Alered Lietard đều được đăng tải ở trên Tạp chí BEFEO. Tuy
nhiên, nội dung của cả hai ấn phẩm này vẫn chủ yếu đề cập đến ngôn ngữ của

13


tộc người Lô Lô, không có mục nào mang tính khảo tả về đặc điểm văn hóa
tinh thần cũng như về sinh hoạt vật chất trong đó có các yếu tố trang phục
truyền thống của tộc người này.
Có thể nhận thấy, các công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài về
tộc người Lô Lô ở Việt Nam đã được thực hiện từ rất lâu, chủ yếu do các tác
giả người Pháp nghiên cứu và cũng chỉ đề cập tới đặc điểm ngôn ngữ là
chính, chưa có nghiên cứu nào nói tới các yếu tố văn hóa vật chất, trong đó có
trang phục truyền thống của người Lô Lô ở nước ta.
Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài
cũng như học giả người Trung Quốc viết về người Di ở Trung Quốc có liên
quan tới tộc người Lô Lô ở Việt Nam. Tuy nhiên, người Di ở Trung Quốc là
một dân tộc lớn không chỉ với dân số đông đúc mà trong lịch sử đã là chủ

nhân của cố Vương quốc Nam Chiếu. Theo đó, người Di ở Trung Quốc hiện
nay gồm nhiều tộc người nhỏ trong đó có tộc người Lô Lô ở Việt Nam, đặc
biệt là còn được chia thành nhiều loại người di như Di Đen (Hắc Di), Di
Trắng (Bạch Di)..., thậm chí trong Di Trắng lại được chia ra Qu Nuo (Khúc
Nặc), A jia (A Giáp), Xía xi xía lùo (Áp tây áp lạc),... [61, 31-32]. Trong bối
cảnh quốc tế hiện nay đang rất nhạy cảm về vấn đề dân tộc và tôn giáo, tác
giả luận án chưa lần nào được gặp người Di ở bên Trung Quốc, trong khi
Trung Quốc đang ráo riết thực hiện chính sách biên giới mềm, các nhà khoa
học Trung Quốc đang đi sâu nghiên cứu về các mối quan hệ giữa các dân tộc
ở Trung Quốc với người đồng tộc ở nước ngoài để làm rõ về nguồn gốc lịch
sử, nhóm máu huyết thống, sự tương đồng văn hóa,... nhằm tạo ra tình hình
các tộc người đồng tộc ở ngoại quốc có ý thức hướng về chính quốc Trung
Quốc. Do đó, trong luận án này, nghiên cứu sinh (NCS) xin phép chỉ đề cập
tới những công trình của học giả nước ngoài viết về người Lô Lô ở Việt Nam,
mà không nhắc tới tộc người Di ở Trung Quốc, có nghĩa là không muốn làm

14


cho tộc người Lô Lô có dân số ít ở nước ta phải suy nghĩ về người đồng tộc
đông đúc của họ ở bên Trung Quốc khi có điều kiện tìm đọc luận án này.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là một số nghiên cứu của học giả nước ngoài về
trang phục, văn hóa trang phục và cách tạo ra trang phục rất có ích trong việc
gợi mở cho nghiên cứu sinh về cách nhìn mới khi thực hiện đề tài luận án
này. Chẳng hạn như công trình “The Book of Looms” (Cuốn sách của khung
dệt) của Eric Broudy [100] đã chỉ ra cho chúng tôi có cách nhìn khi tiếp cận
với quy trình tạo ra vải sợi nói riêng, trang phục truyền thống của tộc người
nói chung không thể thiếu công đoạn dệt vải với công cụ chính là khung dệt.
Trong khi đó, công trình “Dress and Ethnicity - Change Across Space and
Time” (Ăn mặc và sắc tộc - Thay đổi không gian và thời gian) của Joanne B.

Eicher [101] lại giúp chúng tôi luôn lưu ý rằng, khi nghiên cứu về trang phục
và văn hóa trang phục không thể tách rời chủ thể của nó là tộc người và văn
hóa tộc người cũng như những sự biến đổi của trang phục theo thời gian và
không gian. Bên cạnh đó, công trình “Women of Visionary Art” (Phụ nữ của
nghệ thuật thị giác) của David Jay Brown và Rebecca Ann Hill [99] còn cho
chúng tôi thấy được vai trò của người phụ nữ trong việc tạo ra thẩm mỹ bằng
nghệ thuật trang trí, đồng thời là người trực tiếp gìn giữ và trao truyền nghệ
thuật ấy cho các thế hệ kế cận,...
1.1.2. Tình hình nghiên cứu của tác giả trong nước
Tổng quan khá chi tiết các nghiên cứu về tộc người Lô Lô ở Việt Nam
đã được tác giả Nguyễn Thị Thu thực hiện ở chương “Dân tộc Lô Lô”, trong
Vương Xuân Tình (Chủ biên, 2018), Các dân tộc ở Việt Nam, tập 4 quyển 1,
do Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật phát hành [65, tr.624-628]. Ở đây xin đề
cập một số công trình tiêu biểu.
1.1.2.1. Những nghiên cứu trên các lĩnh vực nguồn gốc lịch sử tộc
người, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa và tập quán xã hội

15


Về nguồn gốc lịch sử tộc người Lô Lô ở nước ta, chủ yếu được đề cập
trong công trình Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt
Nam của Nguyễn Chí Huyên (Chủ biên), Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo
[32]. Ngoài ra, một số công trình khảo tả về những vấn đề chung của tộc
người Lô Lô ở nước ta cũng có đề cập tới lĩnh vực này của đồng bào.
Riêng hoạt động sản xuất của người Lô Lô, có rất ít ấn phẩm mang tính
chuyên đề hoặc chuyên khảo, bởi vì chỉ có hai công trình có nội dung viết về
vấn đề này. Cụ thể là: Trồng trọt ruộng màu và thổ canh hốc đá ở người Lô
Lô Hà Giang của Nguyễn Anh Ngọc [44]; Tập quán canh tác truyền thống
của người Lô Lô của Mai Văn Tùng [81]. Do vậy, tập quán và tri thức sản

xuất kinh tế, trong đó có trồng bông và chàm của người Lô Lô hầu như chỉ
được đề cập đến trong những tác phẩm khảo tả về nhiều lĩnh vực, đó là các
tác phẩm: Sơ lược giới thiệu dân tộc Lô Lô huyện Đồng Văn, Hà Giang của
tác giả Lâm Tâm [63]; Người Lô Lô ở Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng của Hoàng
Hoa Toàn [78]; Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc) của
Viện Dân tộc học [87] và đã tái bản năm 2014; Văn hóa và nếp sống Hà Nhì Lô Lô của Nguyễn Văn Huy [29]; Dân tộc Lô Lô ở Việt Nam do Khổng Diễn
và Trần Bình làm chủ biên [16],... Qua nội dung chi tiết của các công trình
này, không chỉ thấy được tình hình sản xuất nông nghiệp truyền thống luôn
đóng vai trò chủ đạo đối với đời sống kinh tế của người Lô Lô, mà còn phản
ánh được tính đa dạng các hình thức trồng trọt ở các địa bàn sinh sống của tộc
người Lô Lô, bao gồm canh tác nương rẫy với nhiều loại hình như nương ven
đồi hoặc sườn núi, nương ven suối, nương thổ canh hốc đá,...; làm ruộng bậc
thang ở các địa phương Lô Lô thuộc huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và các
huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) đã xuất hiện từ lâu. Đặc biệt, một
số công trình đã chỉ ra rằng, trước đây tộc người Lô Lô ở tỉnh Hà Giang trong
đó có Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc có các loại nương để trồng bông, trồng

16


chàm,... làm nguyên liệu cho may mặc, nhưng nay tập quán này chỉ còn duy
trì đối với người Lô Lô ở tỉnh Cao Bằng.
Đáng lưu ý là các nghiên cứu riêng biệt về văn hóa vật chất chưa nhiều,
chẳng hạn, về nhà ở chỉ có Nhà ở của người Lô Lô Hà Giang của Lý Hành
Sơn [59]; Phong tục làm nhà của dân tộc Lô Lô của Nguyễn Văn Căn [9].
Các nghiên cứu này đã đề cập khá chi tiết về cấu trúc ngôi nhà truyền thống
và đặc điểm mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà Lô Lô ở Việt Nam. Bên cạnh
đó, các công trình ấy còn khái quát về một số nghi lễ tín ngưỡng, kiêng kỵ
liên quan đến quá trình xây dựng và sinh sống trong nhà mới của tộc người
Lô Lô. Trong khi, nghiên cứu về ăn uống của người Lô Lô ở nước ta thì chưa

có ấn phẩm riêng nào, mà chỉ được đề cập trong các công trình viết về những
vấn đề chung của tộc người Lô Lô. Tương tự như vậy, đến nay cũng chưa có
nghiên cứu riêng về các yếu tố vật chất khác của tộc người Lô Lô như nông
cụ, phương tiện vận chuyển, đồ dùng sinh hoạt,...
Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa tinh thần nói chung, đặc biệt là các yếu tố
như văn học dân gian, dân ca, dân vũ,... của người Lô Lô luôn thu hút được
nhiều nghiên cứu nhất. Có thể kể tới một số ấn phẩm tiêu biểu như: Dân ca
Lô Lô và dân ca Giáy của tác giả Ngô Vĩnh Bình [5]; Truyện cổ Lô Lô của
Hoàng Nam và Lò Giàng Páo [40]; Dân ca trong lễ hội của người Lô Lô của
Lò Giàng Páo [56]; Lễ “gọi hồn - cầu thọ” của người Lô Lô ở Hà Giang của
Nguyễn Văn Căn [10]; Nghệ thuật múa của người Lô Lô ở Hà Giang của
Trịnh Minh Ngọc [46]; Múa tiễn đưa linh hồn - nét văn hóa tâm linh độc đáo
của người Lô Lô cũng của Trịnh Minh Ngọc [47],... Riêng ấn phẩm về trống
đồng liên quan đến tâm linh của người Lô Lô thì có 2 ấn phẩm là: Trống đồng
cổ với các dân tộc ở Hà Giang của Lò Giàng Páo [52]; Bàn thêm về di sản
trống đồng của người Lô Lô của Nguyễn Thị Hảo [23].

17


Các nghiên cứu về tập quán xã hội, nhất là về nghi lễ vòng đời của
người Lô Lô ở nước ta cũng chiếm số lượng đáng kể. Đó là các công trình
như: Một số vấn đề về hôn nhân, sinh đẻ của người Lô Lô ở miền núi phía
Bắc của Đào Huy Khuê [36]; Nghi lễ vòng đời của người Lô Lô ở Cao Bằng
của tác giả Đặng Thị Hoa [27]; Đôi nét về tang ma của người Lô Lô Đen ở xã
Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang của Phạm Dương [17]; Nghi lễ
vòng đời của người Lô Lô ở Cao Bằng của Bàn Tuấn Năng [42]; Hôn nhân
của người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng: Truyền thống và biến đổi
của Mông Thị Xoan [93],... Các công trình vừa trình bày tuy đã đề cập đến
các nghi lễ trong chu kỳ đời người của người Lô Lô, trong đó Bàn Tuấn Năng

có nói tới việc hóa trang thành người rừng để múa ở đám tang, song vẫn thiếu
những nghiên cứu so sánh giữa các nhóm Lô Lô, nhất là chưa đề cập chuyên
sâu đến bộ lễ phục truyền thống của tộc người Lô Lô cũng như nhóm Lô Lô
Hoa và những biến đổi của các nghi lễ cùng lễ phục truyền thống trong bối
cảnh hội nhập hiện nay.
1.1.2.2. Những nghiên cứu về trang phục truyền thống của tộc người
Lô Lô và một số tộc người ở nước ta
- Những nghiên cứu về trang phục truyền thống của tộc người Lô Lô
Qua tổng quan cho thấy, nghiên cứu về trang phục truyền thống của tộc
người Lô Lô ở Việt Nam thu hút được khá nhiều tác giả trong nước quan tâm.
Có thể kể tới một số như: Nét độc đáo trong trang phục phụ nữ Lô Lô của tác
giả Quỳnh Lan [37]; Trang phục của phụ nữ Lô Lô của Tiến Thiều [72]; Nữ
phục Lô Lô đen ở Đồng Văn (Hà Giang) của Vũ Đình Giáp [21]; Đôi nét về
trang phục cổ truyền của người Lô Lô của Lý Hành Sơn [60]; Nữ phục truyền
thống Lô Lô Hoa của Lê Mai Oanh [50],... Bên cạnh đó, trang phục của người
Lô Lô còn được đề cập trong một số công trình như Trang phục cổ truyền các
dân tộc Việt Nam của Ngô Đức Thịnh [73]; Trang phục các tộc người nhóm

18


ngôn ngữ Tạng-Miến của Đỗ Thị Hòa [28],... Chưa kể các công trình mang tính
khảo tả về nhiều lĩnh vực văn hóa của tộc người Lô Lô cũng có đề cập khái
quát về trang phục truyền thống của tộc người này.
Qua các công trình về văn hóa trang phục của tộc người Lô Lô, hầu hết
các tác giả cho rằng trang phục truyền thống của đồng bào bao gồm: y phục
và trang sức. Trong đó, y phục được phân chia thành y phục nữ và y phục
nam. Y phục nữ gồm: khăn, áo, quần, tạp dề, dây lưng, xà cạp, váy, giầy dép;
y phục của đàn ông gồm: mũ, khăn, áo, quần, giầy dép. Còn trang sức của họ
có: vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, cúc áo bằng đồng, nhẫn, dây chuyền, dây

xà tích bằng bạc, nón,... [60, tr.8-16]. Cũng theo các nghiên cứu, trang phục
truyền thống của người Lô Lô rất độc đáo. Chẳng hạn như khăn, theo Đỗ Thị
Hòa, khăn đội đầu của phụ nữ nhóm Lô Lô Hoa gồm hai loại: khăn mỏ thô
qua có kích thước rộng 20 - 22cm, dài 220 - 310cm, màu đen hoặc xanh chàm
với hai loại tua ở hai đầu là tua vải và tua chỉ xe; khăn mơ thúc do hai khổ vải
chắp nhau tạo thành, có kích thước rộng 40cm, dài khoảng 110 - 130cm kể cả
tua chỉ hai đầu; cả hai loại khăn đó đều được trang trí nhiều họa tiết hoa văn
đa dạng theo sở thích và óc thẩm mĩ của từng người. Còn khăn đội đầu của
người Lô Lô Đen gồm 3 loại, trong đó 1 khăn làm từ vải trắng dài 170cm,
rộng 30cm; 2 loại khăn còn lại làm bằng vải chàm với các kích thước
150x40cm và 130x15cm... [28, tr.20].
- Những nghiên cứu về trang phục của một số tộc người ở nước ta
Đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu về trang phục của không ít tộc
người thiểu số ở nước ta. Hầu hết các nghiên cứu mang tính khảo tả về các
lĩnh vực văn hóa tộc người đều có ít nhất một mục hoặc một chương nói về
văn hóa vật chất, trong đó có đề cập khái quát tới trang phục truyền thống của
đồng bào. Do vậy, ở đây chỉ xin đề cập tới một số nghiên cứu mang tính
chuyên sâu từ góc nhìn Dân tộc học/Nhân học và chủ yếu tính từ đầu những

19


×