Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Các xu hướng mới trong chẩn đoán các bệnh tim mạch

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (201.37 KB, 6 trang )

CHUYÊN ĐỀ

Các xu hướng mới
trong chẩn đoán các bệnh tim mạch

Đỗ Doãn Lợi, Nguyễn Thị Thu Hoài, Đỗ Thúy Cẩn, Đỗ Kim Bảng
Viện Tim mạch Việt Nam

Cùng với sự tiến bộ mạnh mẽ của khoa học
kỹ thuật, các biện pháp chẩn đoán hình ảnh ứng
dụng trong chẩn đoán bệnh tim mạch cũng có
nhiều thay đổi mang tính đột phá. Đó là những
ứng dụng mới của những phương pháp chẩn đoán
quen thuộc như siêu âm, cộng hưởng từ hay chụp
CT; hoặc những biện pháp mang tính cách mạng
khi phối hợp đồng thì các phương pháp mang tính
kinh điển đó. Bài viết này sẽ mang lại cái nhìn tổng
quan về những xu hướng mới trong chẩn đoán và
hỗ trợ can thiệp điều trị các bệnh tim cấu trúc và
thiếu máu cục bộ cơ tim [1].
Cái nhìn mới về những phương pháp chẩn đoán
hình ảnh quen thuộc

94

Siêu âm tim
Siêu âm tim luôn là kỹ thuật được chỉ định thường
quy trong chẩn đoán các bệnh tim cấu trúc. Vai trò của
siêu âm tim trước, trong và sau các thủ thuật can thiệp
tim mạch cũng không có gì cần bàn cãi với những
ưu điểm như linh hoạt, ít tốn kém và an toàn cho cả


người bệnh lẫn người tiến hành thủ thuật.
Trong chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ,
những biện pháp thăm dò không xâm lấn luôn
được ưu tiên chỉ định trước các thủ thuật gây chảy
máu. Các ứng dụng siêu âm tim 2D, 3D, đánh giá
sức căng cơ tim giúp phát hiện tình trạng rối loạn
vận động vùng nếu có cũng như chức năng tim, cả
tâm thu và tâm trương, với độ chính xác cao. Siêu
âm tim gắng sức cũng là một trong những biện pháp
chẩn đoán thiếu máu cơ tim có độ nhạy và độ đặc
hiệu cao. Ngoài ra, phương pháp này còn cung cấp
những thông tin quan trọng khác như hoạt động
của tim tùy theo trạng thái vận động của cơ thể,
đánh giá đáp ứng sau điều trị cũng như khả năng cần
đặt máy tái đồng bộ cơ tim.
Với các bệnh van tim, khuyến cáo năm 2017 của
Hội Tim mạch Châu Âu cũng vẫn giữ nguyên vai
trò quan trọng của siêu âm tim trong chẩn đoán và
hướng dẫn can thiệp [2]. Siêu âm tim qua thành

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 84+85.2018


CHUYÊN ĐỀ

ngực và siêu âm tim qua thực quản cung cấp cho
bác sỹ điều trị những thông tin căn bản về tình trạng
giải phẫu của các van tim và những thương tổn kèm
theo, cả bẩm sinh lẫn mắc phải. Hơn nữa, trong
trường hợp hẹp van động mạch chủ có cung lượng

tim thấp và chênh áp qua van thấp, siêu âm tim gắng
sức vẫn là lựa chọn hàng đầu để đánh giá chính xác
mức độ hẹp van, khả năng dung nạp của người bệnh
cùng các thông số huyết động tương ứng.
Trong chẩn đoán và can thiệp bệnh thông liên
nhĩ và thấm lỗ bầu dục (PFO), siêu âm tim qua
thực quản, với sự hỗ trợ của phương pháp dựng
hình 3D, cho phép đánh giá trực quan và toàn diện
tổn thương trong mối liên hệ với những cấu trúc
giải phẫu xung quanh, hỗ trợ quá trình can thiệp và
đánh giá hiệu quả sau can thiệp. Với can thiệp đóng
tiểu nhĩ trái trong điều trị các trường hợp rung nhĩ
có nguy cơ chảy máu cao hoặc có chống chỉ định
dùng thuốc chống đông, khả năng tái tạo hình ảnh
giải phẫu tiểu nhĩ trái của siêu âm tim 3D cho phép
bác sỹ can thiệp lên kế hoạch và lựa chọn dụng cụ
tối ưu nhất.
Chụp cộng hưởng từ tim (CHT tim)
Các khuyến cáo gần đây của Hội Tim mạch
châu Âu cũng nhấn mạnh vai trò của CHT tim
trong chẩn đoán các bệnh tim mạch [3]. CHT tim
vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá các
bệnh lý cơ tim, khối u tim, đánh giá hình thái và thể
tích thất trái mà không cần dùng đến tia bức xạ. Tuy
nhiên, chi phí lắp đặt tốn kém và ít phổ biến vẫn là
những hạn chế chính của phương pháp này. Hơn
nữa, phương pháp này cũng không thể chỉ định nếu
người bệnh có tồn tại dị vật kim loại trong cơ thể
như đặt máy tạo nhịp hay có thiết bị cấy ghép. Dù
vậy, trong một số bệnh cảnh sau, CHT tim vẫn có

thể cung cấp những thông tin hữu ích cho việc chỉ
định và lên kế hoạch can thiệp điều trị.
Trong bệnh lý động mạch vành, CHT tim vẫn
là thăm dò không chảy máu được khuyến cáo mức

độ IA cho những trường hợp nguy cơ trung bình.
Phương pháp này cung cấp những thông tin kết hợp
về chức năng và cấu trúc tim, khả năng sống còn
cơ tim và định khu tổn thương trong cùng một lần
thực hiện. Những thông tin này đặc biệt giá trị trong
những trường hợp bệnh tim do thiếu máu có tổn
thương phức tạp. Ngoài ra, với khả năng đánh giá
sẹo cơ tim do thiếu máu, CHT tim cũng cho phép
lập bản đồ điện học theo giải phẫu và có thể sẽ giúp
cho việc tiếp cận tốt hơn trong trường hợp đốt cơn
nhịp nhanh thất ở bệnh nhân có thiếu máu cục bộ
cơ tim.
Với những bệnh van tim, các nghiên cứu cho
thấy CHT tim có khả năng đánh giá chính giá thể
tích dòng phụt ngược trong các trường hợp hở van,
đặc biệt là van hai lá, có dòng hở hay tổn thương van
phức tạp. Việc sử dụng kỹ thuật 3 D nhằm tái tạo
phổ dòng chảy ở động mạch chủ lên vẫn còn trong
giai đoạn tiếp tục được nghiên cứu.
Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT)
Ngày nay, chụp MSCT vẫn là một phương pháp
chẩn đoán hình ảnh được lựa chọn trong việc đánh
giá và lập kế hoạch can thiệp trước một số thủ thuật
can thiệp tim mạch. Phương pháp này cho phép
đánh giá hình thái, cấu trúc giải phẫu và khả năng

tái tạo hình ảnh theo bất kỳ một chiều không gian
nào. Trong thay van động mạch chủ qua da (TAVI),
MSCT là tiêu chuẩn vàng để đánh giá tình trạng gốc
động mạch chủ, lựa chọn loại van cũng như đánh
giá nguy cơ liên quan đến mức độ can xi hóa trước
can thiệp [4]. Hơn nữa, việc phối hợp kết quả siêu
âm Doppler tim và chụp MSCT cho phép đánh
giá chính xác mức độ hẹp van trong những trường
hợp không rõ ràng cũng như đo đạc chính xác kích
thước đường ra thất trái nếu hình ảnh siêu âm tim
không sắc nét. Ngoài ra, với những tiến bộ trong
việc can thiệp thay van hai lá và sửa vòng van hai lá
qua da, chụp MSCT cũng là một biện pháp đánh
giá được lựa chọn trong quá trình lập kế hoạch tiếp

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 84+85.2018

95


CHUYÊN ĐỀ

cận. Một mặt khác, nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc
với bức xạ và chất cản quang, ngày nay một hướng
nghiên cứu mới được đặt ra, đó là sử dụng CT chỉnh
hướng tương tự C-arm có thể tiên đoán trước được
vị trí C-arm cho hình ảnh tối ưu và qua đó, cung cấp
những thông tin liên quan đến giải phẫu trong quá
trình tiến hành thủ thuật TAVI, giúp rút ngắn thời
gian tiến hành thủ thuật, thời gian chiếu tia cũng

như giảm thiểu được lượng cản quang cần sử dụng.
Phối hợp đồng thì (“hybrid”) – cuộc cách mạng
trong chẩn đoán và can thiệp điều trị các bệnh
tim mạch
Trong suốt một thời gian dài, kỹ thuật soi chiếu
trên màn huỳnh quang là phương thức duy nhất để
định hướng trong quá trình can thiệp tim mạch.
Cùng với sự phát triển của tim mạch can thiệp, các
loại thủ thuật can thiệp ngày càng nhiều đòi hỏi tái
tạo hình ảnh giải phẫu và định hướng không gian
trong lúc tiến hành thủ thuật tốt hơn nữa. Do đó,
những biện pháp chẩn đoán hình ảnh phối hợp
đồng thì (hybrid) cho phép phân tích sâu hơn về
giải phẫu và các thông số sinh lý của người bệnh,
giúp xây dựng hình thái giải phẫu đa chiều chi tiết
hơn, cải thiện được tiên lượng cũng như rút ngắn
quá trình điều trị.

Kỹ thuật phối hợp giữa siêu âm tim và soi chiếu
trên màn huỳnh quang
96

Hiện nay, duy nhất sự kết hợp đồng thời giữa
siêu âm và soi chiếu trên màn huỳnh quang cho
phép tái tạo hình ảnh chất lượng cao trong quá trình
can thiệp. Hệ thống máy EchoNavigator của Philips
Healthcare đến nay là hệ thống duy nhất có phối
hợp siêu âm 2D/3D với hình ảnh chiếu tia trên màn
huỳnh quang theo thời gian thực. Đầu dò siêu âm
tim qua thực quản sau khi đưa vào sẽ được theo dấu

tự động trên màn huỳnh quang bằng một chương
trình số hóa và sau đó, đồng bộ các dữ liệu thu được
từ đầu dò siêu âm và C-arm. Khi quá trình đồng bộ
thành công, các hình ảnh siêu âm được hiển thị đồng
thời tương ứng theo vị trí góc quay của C-arm trên
mành hình huỳnh quang. Việc đánh dấu và tái tạo
hình ảnh theo thời gian thực giúp người làm siêu âm
và người làm thủ thuật hiểu ý và phối hợp tốt hơn,
do đó khả năng thủ thuật thành công cao hơn đồng
thời giảm được thời gian chiếu tia, thời gian tiến
hành thủ thuật và lượng cản quang cần dùng. Các
nghiên cứu gần đây cho thấy, khi sử dụng phương
pháp phối hợp này, thời gian từ khi bắt đầu thủ thuật
cho tới thời điểm chọc vách liên nhĩ khi tiến hành
bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ hay MitraClip được
rút ngắn đáng kể. Trong những trường hợp khó,
hình ảnh phối hợp giúp thủ thuật tiến hành dễ dàng
hơn và giúp người làm thủ thuật thêm tự tin khi lái
và đặt dụng cụ. Phương pháp phối hợp này cũng
hứa hẹn là lựa chọn thay thế cho MSCT khi tiến
hành thủ thuật TAVI nếu bệnh nhân có suy thận
nặng. Không những vậy, sự phối hợp này còn hỗ trợ
khi tiến hành đặt van nhân tạo bằng cách đánh dấu
vị trí mép bám của ba lá van động mạch chủ để xác
định được mặt phẳng vuông góc của vòng van và
góc C-arm phù hợp. Tuy nhiên, việc đánh giá tình
trạng vôi hóa của van và khả năng cục vôi di chuyển
gây bít tắc lỗ động mạch vành hay hở cạnh van vẫn
là những câu hỏi chính mà siêu âm cần trả lời trước
và trong quá trình tiến hành TAVI.

Kỹ thuật phối hợp giữa MSCT và soi chiếu trên

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 84+85.2018


CHUYÊN ĐỀ

màn huỳnh quang
Một số phần mềm đánh giá MSCT trước thủ
thuật cho phép phân tích hình ảnh giả định có độ
phân giải cao và tương đối an toàn. Trong một vài
năm gần đây, việc đưa hình ảnh van nhân tạo giả
định vào khi phân tích MSCT nhằm lựa chọn loại
van tối ưu đã thành hiện thực và hỗ trợ tốt cho
quá trình trước, trong thủ thuật [5]. Các hình ảnh
MSCT có thể được đưa vào trực tiếp trên màn
hình huỳnh quang khi các cấu trúc giải phẫu và các
mốc giải phẫu trùng nhau để hướng dẫn cho người
làm thủ thuật. Các hệ thống phối hợp MSCT – soi
chiếu huỳnh quang phiên bản cũ vẫn chưa thực sự
cho phép đưa hình ảnh động khi tim đang đập vào
trong lúc can thiệp, nhưng những thế hệ mới hơn
sẽ giải quyết được hạn chế này. Tuy vậy, vẫn cần có
thêm những nghiên cứu đánh giá về độ chính xác,
tiện dụng và ý nghĩa tiên lượng về thủ thuật đối với
xu hướng mới này.
Kỹ thuật phối hợp giữa MSCT và CHT tim và
hơn thế nữa
Hiện nay, có một vài cách thức phối hợp giữa
MSCT và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

khác, đặc biệt là trong chẩn đoán bệnh tim do thiếu
máu cục bộ, như phương pháp phối hợp đánh giá
vùng thiếu máu theo giải phẫu động mạch vành sử
dụng MSCT và chụp SPECT hay MSCT với siêu
âm tim. Do CHT tim cho phép đánh giá tình trạng
tưới máu của toàn bộ cơ tim, khi phối hợp với hình
ảnh chụp CT động mạch vành sẽ cho phép tái tạo
hình 3D tưới máu cơ tim, tương quan giữa động
mạch vành và vùng cơ tim chi phối tương ứng với
chất lượng hình ảnh rất cao. Tuy nhiên, cho đến nay,
phương pháp phối hợp này vẫn còn trong giai đoạn
nghiên cứu, chưa được đưa vào áp dụng thường quy.
Trong khi CHT tim cho các thông tin về hình
thái, cấu trúc và chức năng, phương pháp chụp PET
cung cấp thêm các thông tin về chuyển hóa của tim.
Sự kết hợp giữa hai phương pháp này cho thấy giá

trị trong việc đánh giá mức độ sống còn của cơ tim
cũng như tăng độ chính xác của CHT tim trong việc
chẩn đoán bệnh sarcoidosis và phân biệt các khối u
tim [6]. Trong tương lai, sự kết hợp giữa CHT tim
và chụp PET cũng có thể cho phép đánh giá sâu
hơn tình trạng chuyển hóa tế bào cơ tim trong các
trường hợp suy tim.
Kỹ thuật lập bản đồ động mạch vành trong can
thiệp động mạch vành qua da
Ngày nay, chụp và can thiệp động mạch vành
qua da là những thủ thuật có độ an toàn và hiệu quả
cao tuy vẫn còn nguy cơ do chiếu tia và suy thận do
dùng thuốc cản quang. Việc đưa các loại dây dẫn,

bóng và stent vào động mạch vành vẫn còn tương
đối khó khăn nếu người làm thủ thuật không liên
tục bơm thuốc cản quang để xác định đường đi và vị
trí của dụng cụ. Việc thể hiện hình ảnh động mạch
vành sau tiêm thuốc cản quang trên màn hình thứ
hai cũng chỉ hỗ trợ phần nào cho quá trình đòi hỏi
tập trung và chính xác cao độ này. Dựa trên ý tưởng
can thiệp tức thì trên hình ảnh chụp mạch, các phần
mềm hiện nay cho phép tái tạo hình ảnh số hóa của
các mạch máu theo hoạt động của quả tim ngay trực
tiếp trên màn hình can thiệp. Các bác sỹ can thiệp
có thể lái dụng cụ theo sơ đồ của động mạch vành
đó mà không cần tiêm thêm thuốc cản quang. Một
số nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để đánh giá
chất lượng hình ảnh sơ đồ mạch máu thể hiện cũng
như hiệu quả trong thực hành lâm sàng [7].
Những vấn đề cần nghiên cứu trong tương lai
Sự phát triển của kỹ thuật và cũng như những đòi
hỏi và kỳ vọng xuất phát từ thực hành lâm sàng đã
đặt ra những bài toán cần giải quyết trong tương lai:
1. Sự chính xác và độ tin cậy của các phương
pháp phối hợp
Vẫn còn những cấu trúc tim khó được thể hiện
chính xác trên các phương pháp phối hợp hiện nay,
như nhĩ trái, tiểu nhĩ trái, các buồng tim phải và
đường ra thất phải.

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 84+85.2018

97



CHUYÊN ĐỀ

2. Xử lý hình động
Chuyển động của tim và tác động của nhịp thở
vẫn là vấn đề chưa giải quyết được thỏa đáng và do
đó, vẫn còn ảnh hưởng đến sự chính xác của hình
ảnh tái tạo. Sự kết hợp với hình ảnh tim 4D nhiều
giai đoạn có thể giúp giải quyết vấn đề này trong
tương lai gần và vẫn đang được nghiên cứu.
3. Tác động của thủ thuật làm thay đổi hình ảnh
mô tương ứng trong quá trình thực hiện thủ thuật
Tái tạo sự biến đổi của mô tương ứng trong quá
trình đưa thủ thuật vào bằng cách tính toán theo
thời gian thực sự thay đổi của hình thái van hai lá,
mặt phẳng van động mạch chủ và sự dịch chuyển có
thể xảy ra của các tổ chức vôi để đánh giá nguy cơ
rách vòng van hay bít tắc lỗ vành là những yêu cầu
cấp thiết đặt ra cần được nghiên cứu và giải quyết.
4. Khả năng áp dụng thực tại ảo và phối hợp
hình ảnh 4D
Tương lai của các kỹ thuật phối hợp hình ảnh
là sự kết hợp của các phương pháp chẩn đoán hình
ảnh đó với hình ảnh mô hình tim 4D theo thời gian
thực (ví dụ như 3D theo thời gian) để tái tạo hình
ảnh giống thực tại nhất ở bất kỳ thời điểm nào.
Kỹ thuật in 3D mô hình tim cũng là một hướng
áp dụng khá thú vị với khả năng ứng dụng cao trong
các trường hợp lập kế hoạch can thiệp và phẫu thuật

cho những trường hợp phức tạp, đạc biệt là với các
cấu trúc tim phải và bệnh lý tim bẩm sinh [8]. In
3D có thể dùng trong đào tạo (tìm hiểu cấu trúc giải
phẫu) cũng như thực hành (luyện tập phẫu thuật
hay can thiệp). Thậm chí, khả năng tái tạo những
cấu trúc tim phức tạp còn có thể áp dụng cho từng
trường hợp người bệnh cụ thể; các mô hình 3D
hiện nay vẫn chưa thể tạo dựng được toàn bộ cấu
trúc giải phẫu và khả năng biến đổi hình ảnh theo
chu chuyển tim. Những hạn chế dẫn đến khó áp
dụng kỹ thuật này trên diện rộng bao gồm chi phí
cao (thậm chí cả khi xu hướng hiện nay là giảm bớt
chi phí sản xuất) và thời gian in ấn kéo dài. Do đó,
98

các thử nghiệm với in 3D hiện nay mới chỉ dừng ở
số lượng rất ít. Các nghiên cứu trong tương lai cần
tập trung vào mức độ chính xác của phương pháp
chẩn đoán, chuẩn hóa từng kỹ thuật đơn lẻ và yếu tố
về kinh tế - hiệu quả.
Những yêu cầu đặt ra cho người làm thực hành
chẩn đoán hình ảnh bệnh tim mạch
Các kỹ thuật can thiệp bệnh lý cấu trúc tim đã đạt
được sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần
đây/ Các nghiên cứu mở rộng đã tiến hành mang
đến cho người làm thủ thuật vô số sự lựa chọn về
các loại dụng cụ cũng như phương pháp tiến hành
điều trị các bệnh lý tim cấu trúc. Để áp dụng được
những kỹ thuật mới, các bác sỹ can thiệp tim mạch
cần hiểu sâu sắc các cấu trúc tim cũng như các bước

tiến hành khi thực hiện thủ thuật có sự hướng dẫn
của người làm chẩn đoán hình ảnh hay thực hiện
các thăm dò chẩn đoán hoặc sàng lọc. Bên cạnh đó,
cách làm việc nhóm, sự trao đổi và nắm vững các
kiến thức liên quan đến thủ thuật, cả từ phía người
làm chẩn đoán hình ảnh lẫn người tiến hành thủ
thuật, là yếu tố then chốt để đảm bảo cho sự an toàn
của người bệnh cũng như sự thành công của thủ
thuật. Những ứng dụng mới của các phương pháp
chẩn đoán quen thuộc cũng rất cần thiết cho việc
lên kế hoạch, tiến hành thủ thuật, lựa chọn người
bệnh hay loại dụng cụ sẽ sử dụng.
Các kỹ thuật phối hợp trong chẩn đoán là bước
phát triển mới và là một công cụ đầy hứa hẹn cho
các thủ thuật can thiệp bệnh lý tim cấu trúc. Trước
vô vàn sự đa dạng bệnh lý và các phương pháp điều
trị có thể lựa chọn, những người làm chẩn đoán
hình ảnh bệnh tim mạch cần được đào tạo thông
thạo các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau và
hiểu sâu sắc về từng kỹ thuật đó. Để đạt đến mức
thành thạo, các mục tiêu đào tạo cho các bác sỹ làm
chẩn đoán hình ảnh bệnh tim mạch cần được làm
mới liên tục để đảm bảo luôn cập nhật. Một chương
trình đào tạo chuẩn và các yêu cầu chuẩn hóa cũng

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 84+85.2018


CHUYÊN ĐỀ


như các hình thức kiểm tra được thiết kế tốt sẽ đảm
bảo học viên phát triển được các kỹ năng cần thiết.
Ngoài ra, sự hợp tác giữa các trường đại học, các cơ
sở nghiên cứu và thực hành với nhà sản xuất cũng
cần được quan tâm đặc biệt và được ghi nhận rõ
ràng trong các biên bản hợp tác nghiên cứu trong
đó tập trung vào đào tạo chuyên sâu và nghiên cứu
liên tục trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh tim mạch.

KẾT LUẬN
Việc phối hợp thế mạnh của các phương pháp

chẩn đoán hình ảnh riêng biệt cho thấy giá trị to lớn
trong việc chẩn đoán các bệnh tim cấu trúc. Sự phát
triển của các kỹ thuật phối hợp (hybrid) mang lại
những giá trị và cơ hội mới đầy hứa hẹn trong chẩn
đoán, điều trị các bệnh tim mạch cũng như đào tạo
chuyên sâu. Các tiến bộ trong tương lai về kỹ thuật
và trí tuệ nhân tạo sẽ nâng cao thế mạnh của từng
phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng như thúc
đẩy tính khả thi của việc xây dựng mô hình tim 3D
cho mỗi cá thể, sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong
điều trị và chăm sóc các bệnh nhân tim mạch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Veulemans V, Hellhammer K, Polzin A, Bonner F, Zeus T, Kelm M (2018) Current and future
aspect of multimodal and fusion imaging in structural and coronary heart disease. Clinical Research in
Cardiology. 107(Suppl 2):S49-S54. />2. Baumgartner H, Falk V, Bax JJ, De Bonis M, Hamm C, Holm PJ, Iung B, Lancellotti P, Lansac
E, Muñoz DR, Rosenhek R, Sjögren J, Mas PT, Vahanian A, Walther T, Wendler O, Windecker S,
Zamorano JL (2018) 2017 ESC/EACTS guidelines for the management of valvular heart disease. Rev

Esp Cardiol (Engl Ed) 71(2):110. https ://doi.org/10.1016/j.rec.2017.12.013.
3. von Knobelsdorff-Brenkenhoff F, Schulz-Menger J (2016) Role of cardiovascular magnetic
resonance in the guidelines of the European Society of Cardiology. J Cardiovasc Magn Reson 18:6. https://
doi.org/10.1186/s1296 8-016-0225-6.
4. Achenbach S, Delgado V, Hausleiter J, Schoenhagen P, Min JK, Leipsic JA (2012) SCCT expert
consensus document on computed tomography imaging before transcatheter aortic valve implantation
(TAVI)/transcatheter aortic valve replacement (TAVR). J Cardiovasc Comput Tomogr 6:366–80. https
://doi.org/10.1016/j.jcct.2012.11.002.
5. Vaitkus PT, Wang DD, Greenbaum A, Guerrero M, O’Neill W (2014) Assessment of a novel software tool in the selection of aortic valve prosthesis size for transcatheter aortic valve replacement. J Invasive
Cardiol 26:328–332.
6. Nensa F, Tezgah E, Poeppel TD, Jensen CJ, Schelhorn J, Köhler J, Heusch P, Bruder O, Schlosser
T, Nassenstein K (2015) Integrated F-FDG PET/MR imaging in the assessment of cardiac masses: a pilot
study. J Nucl Med 56(2):255–60. https ://doi.org/10.2967/jnume d.114.14774 4
7. Dannenberg L, Polzin A, Bullens R, Kelm M, Zeus T (2016) On the road: First-in-man bifurcation
percutaneous coronary intervention with the use of a dynamic coronary road map and Stent- Boost Live
imaging system. Int J Cardiol 215:7–8. https ://doi.org/10.1016/j.ijcar d.2016.03.133
8. Lau I, Sun Z (2018) Three-dimensional printing in congenitalheart disease: a systematic review. J Med
Radiat Sci />TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 84+85.2018

99



×