KINH NGHIỆM DẠY ĐỌC - VIẾT NHANH CHO HS
LỚP 1
1. Về đọc
Trong phần học vần, HS lớp 1 được luyện đọc ở 6 cấp độ: Đọc âm, đọc
vần, đọc tiếng, đọc câu và đọc đoạn. Song dù đọc ở cấp độ nào thì việc
đọc mẫu của GV cũng đóng vai trò quan trọng. Các em bắt chước rất
nhanh và rất tốt. Việc chỉnh sửa phát âm cho HS không mấy khó khăn
ở những cấp độ đọc âm, vần, tiếng và từ. Khi dạy đọc câu mới xuất
hiện vấn đề.
Thực tế cho thấy một trẻ lên hai, lên ba có thể đọc thuộc cả một câu
chuyện, thì việc đọc thuộc lòng một câu đơn giản bên cạnh một hình vẽ
đối với một trẻ 6 tuổi không khó. Các em có thể đọc làu làu nhưng
chưa chắc đã nhớ mặt chữ. Để kiểm tra xem các em đã đọc chắc hay
chưa, ta có thể đảo lộn trật tự các từ trong câu để HS đọc thành câu
mới.
Ví dụ với 2 câu: “Bé chơi thân với bạn Lê. Bố bạn Lê là thợ lặn”. Ta
cho các em đọc thành:
- Bé với bạn Lê là bạn thân.
- Bố bạn Lê chơi thân với bố bé.
- Bố bé là thợ lặn.
- Thợ lặn chơi thân với bố bé.
- …………………………….
Ngoài ra, các em có xu hướng đọc rời rạc thành từng tiếng và càng về
cuối câu càng đuối dần, nhất là những câu tương đối dài. Dạy các em
đọc theo cụm từ và đọc từ cuối câu đọc lên sẽ khắc phục được tình
trạng này.
Ví dụ để đọc tốt câu: “Trên giàn thiên lý, lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay
lượn” ta cho HS lần lượt đọc:
Bay lượn
Ngẩn ngơ bay lượn
Lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay lượn
Trên giàn thiên lý, lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay lượn.
Như vậy đơn vị đọc sẽ là câu mới được thể hiện suôn sẻ, khác với đọc
tiếng, đọc từ. Động tác này tuy chỉ thực hiện rất nhanh, nhưng qua đó
câu được chẻ nhỏ thành từ, cụm từ rồi lại từ cụm từ và từ tổng hợp lại
thành câu. Vô hình trung ta đã xây dựng cho HS thói quen phân tích
câu để hiểu nghĩa câu và tập hợp từ, cụm từ để đặt câu, một thói quen
rất quý làm nền tảng để đặt câu sau này.
2. Về viết
Ở phần học vần, khi nói đến kỹ năng viết của HS là nói đến kỹ năng
viết chữ. Theo tôi, ngay từ những bài đầu cần cho HS nắm vững thuật
ngữ “đường li”, “dòng li”, tên gọi các nét, cách viết các nét một cách
chắc chắn thì khi vào dạy viết chữ cái rất thuận lợi. Một nét nằm trên
mấy dòng li, bắt đầu từ đường li nào kết thúc ở đường li nào… học sinh
nắm thuật ngữ thì GV rất dễ dạy. HS nắm vững cách viết các nét thì dễ
dàng nắm được cấu tạo của chữ cái, viết tốt chữ cái thì việc nối chữ cái
thành chữ không mấy khó khăn. Tuy nhiên, ta nên thường xuyên cho
HS nhắc lại tỉ lệ chữ, khoảng cách giữa các chữ cái trong một chữ, giữa
hai chữ với nhau…Và để tạo thói quen vĩnh viễn, ta luôn quan tâm giữ
đúng tư thế ngồi viết, cách cầm bút, khoảng cách từ mắt đến vở cho
HS.
Với một số HS yếu, khi viết tiếng thành chữ, các em dễ sai phần vần.
Đó là khi đánh vần, các em chỉ được đọc tên âm đầu, tên vần và tên
thanh mà ít được lặp lại cấu tạo vần, ta mặc nhiên coi như các em đã
nắm vững được phần vần. Thực ra một đứa trẻ chưa đi học nhưng nghe
anh chị đánh vần, theo phản xạ, có thể đánh vần trơn tru hầu hết các
tiếng theo kiểu: “Đờ anh đanh sắc đánh, vờ ân vân huyền vần…”như
thế, nhưng không biết phải viết ra sao. HS yếu ở lớp một vẫn còn lúng
túng ở chỗ này. Ví dụ khi cho các em viết “loan”, các em có thể viết
thành “loa” hay “lon”. Để khắc phục chỗ này, tôi cho các em yếu đánh
vần: “lờ oa a nờ oan, lờ loan loan”, thế là khi viết, các em không còn bị
sai phần vần nữa.
Trên đây là một số thủ thuật nhỏ mà tôi áp dụng trong thời gian dạy
học vần lớp 1 và chỉ đạo chuyên môn sau này. Kết quả cho thấy,đến
phần tập đọc, GV dạy rất thong thả, dễ dàng. Các em nghe quen, đọc
đúng, nói tương đối gãy gọn, viết chính tả tốt, sẵn sàng bước vào học
lớp 2.
Bên cạnh đó, tôi còn vài vướng mắc muốn trao đổi và học hỏi thêm.
2.1. Trong qui trình dạy bài học vần, ở tiết 2, tiết luyện tập, HS đang
mở sách để luyện đọc, lại phải gấp sách cất đi, lấy vở tập viết ra để
luyện viết, rồi lại cất vở tập viết đi, lại lấy sách ra luyện nói. Tại sao
các em đang mở sách để luyện đọc, ta không được phép dạy luyên nói
luôn rồi cất sách đi để luyện viết sau cùng?
2.2. Đối với những tiếng có âm QU đứng trước
Trường hợp đi sau là một vần bắt đầu bằng u, ví dụ: quốc quyết… ta có
thể giải thích là âm quờ đứng trước, vần uốc, vần uyêt đứng sau, nhưng
vì hai u đứng cạnh nhau lược bỏ một u. HS hiểu, chấp nhận và không bị
nhằm lẫn. Nhưng với trường hợp: quạt, quan, quang….theo SGV thì đó
là âm quờ đi với vần oát, oan, oang…. Nhưng không lý giải lược bỏ o
như lược bỏ u nên tôi cũng không dám lý giải cho HS. Và khi các em
tìm tiếng có vần oat, oan, oang…. Mà đưa ra tiếng quạt, quan, quang….
Thì tôi cũng không dám chấp nhận. Bởi vì nếu tôi chấp nhận, khi viết,
các em sẽ viết: quoạt, quoan, quoang….rất khó sửa. Vả lại, nếu chập
nhận tiếng quạt vần oat thì âm đầu không phải là quờ, mà là cờ viết
bằng chữ cái q.
Đến cuối năm, một số vần ít gặp được dạy xen trong bài tập đọc xuất
hiện, như vần uây, vần uyt…thì quây vần ây hay vần uây, quét vần et
hay vần oet, quít hay quýt, vần it hay uyt?.v.v….rất mong được giải
thích cặn kẽ, rõ ràng và một sự thống kê đầy đủ.