Tải bản đầy đủ (.pdf) (149 trang)

Tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.79 MB, 149 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
------------------------------------------------

PHẠM QUỲNH TRANG

TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT
VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆC HOÀN THIỆN
ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - 2019


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
------------------------------------------------

PHẠM QUỲNH TRANG

TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT
VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆC HOÀN THIỆN
ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Chuyên ngành: CNDVBC & CNDVLS
Mã số: 62 22 80 05

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Đặng Hữu Toàn



HÀ NỘI - 2019


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, dưới sự
hướng dẫn khoa học của PGS.TS Đặng Hữu Toàn. Các kết quả nghiên cứu
trình bày trong luận án là trung thực, khách quan. Các thông tin trích dẫn
trong luận án đều được chỉ rõ nguồn gốc.
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2019
Tác giả luận án

Phạm Quỳnh Trang


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC ........................................................................................................ 1
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 3
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI .................................................................................................... 9
1.1. Các nghiên cứu liên quan đến điều kiện, tiền đề cho sự hình thành tư
tưởng đạo đức của Arixtốt; thân thế sự nghiệp, tư tưởng đạo đức của
Arixtốt ........................................................................................................... 9
1.2. Các nghiên cứu liên quan đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay ............18
1.3. Khái quát những kết quả đạt được của các công trình liên quan đến đề tài, vấn
đề đặt ra luận án tiếp tục nghiên cứu và một số khái niệm cơ bản ...........................27
1.3.1 Khái quát những kết quả đạt được của các công trình liên quan đến
đề tài ........................................................................................................ 27
1.3.2 Những vấn đề đặt ra luận án tiếp tục nghiên cứu........................... 28

1.3.3 Một số khái niệm cơ bản ................................................................ 29
Chương 2: TIỀN ĐỀ CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC
CỦA ARIXTỐT ............................................................................................ 33
2.1. Bối cảnh ra đời tư tưởng đạo đức của Arixtốt ..................................... 33
2.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội ............................................................. 33
2.1.2. Văn hóa, nghệ thuật và khoa học .................................................. 37
2.2. Tiền đề lý luận cho sự hình thành và phát triển tư tưởng đạo đức của
Arixtốt ......................................................................................................... 48
2.2.1. Tư tưởng đạo đức của Xôcrát (469 - 399 TCN) ........................... 49
2.2.2. Tư tưởng đạo đức của Platôn (427 - 347 TCN) ............................ 55
2.3. Cuộc đời và sự nghiệp của Arixtốt ..................................................... 59
2.3.1 Tiểu sử của Arixtốt......................................................................... 59
2.3.2 Sự nghiệp sáng tạo của Arixtốt ...................................................... 61
2.3.3 Hai tác phẩm tiêu biểu của Arixtốt: Đạo đức học Nicomaque và
Chính trị luận........................................................................................... 63
1


Chương 3: TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT .............................. 67
3.1. Tư tưởng của Arixtốt về cái thiện ........................................................ 67
3.2. Tư tưởng của Arixtốt về tính công bằng .............................................. 78
3.3. Tư tưởng của Arixtốt về sự trung bình đúng mực (“trung điểm vàng”) ... 82
3.4. Tư tưởng của Arixtốt về giáo dục đạo đức cho công dân và đội ngũ
cầm quyền ................................................................................................... 89
3.5 Một số đánh giá về tư tưởng đạo đức của Arixtốt .............................. 100
3.5.1 Giá trị của tư tưởng đạo đức Arixtốt ............................................ 101
3.5.2 Hạn chế của tư tưởng đạo đức Arixtốt ......................................... 103
Chương 4: Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC ARIXTỐT ĐỐI VỚI
VIỆC HOÀN THIỆN ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY... 105
4.1. Mục tiêu phát triển con người và thực trạng đạo đức con người Việt

Nam hiện nay ............................................................................................ 105
4.1.1. Mục tiêu phát triển con người toàn diện và giá trị đạo đức con
người Việt Nam hiện nay ...................................................................... 105
4.1.2. Những khiếm khuyết của đạo đức con người Việt Nam hiện nay .... 111
4.2. Sự bổ khuyết của tư tưởng đạo đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện đạo
đức con người Việt Nam hiện nay ............................................................ 114
4.2.1. Ý nghĩa của tư tưởng đạo đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện nhận
thức đạo đức con người Việt Nam hiện nay ......................................... 115
4.2.2. Ý nghĩa của tư tưởng đạo đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện hành
vi đạo đức con người Việt Nam hiện nay ............................................. 124
KẾT LUẬN .................................................................................................. 137
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .............................................................................. 136
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 137

2


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng một xã hội dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, chúng ta có nhiều thời cơ,
vận hội nhưng cũng đứng trước không ít thách thức để có thể vừa hấp thu tinh
hoa nhân loại, vươn ra biển lớn, vừa giữ được cốt cách, bản sắc của dân tộc.
Sau 30 năm đổi mới, tổng kết những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực
kinh tế, văn hóa, giáo dục..., Đảng ta còn thấy rằng: “Tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được
ngăn chặn, đẩy lùi”; “Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu
lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội và một số loại

tội phạm có chiều hướng gia tăng...” [28, tr.125]. Và có lẽ tình trạng suy thoái
về đạo đức vẫn đang hàng ngày hàng giờ trở thành mối quan tâm nhức nhối
của toàn xã hội. Khi các giá trị vốn là cái gốc, là cội rễ để con người cùng
chung sống với nhau trong an hòa từ ngàn đời, nay bỗng trở nên đảo lộn gây
ra những bất an về tinh thần và suy giảm niềm tin vào mối quan hệ giữa con
người với con người: con giết cha mẹ; vợ giết chồng; trò đánh thầy; thầy hiếp
trò; bạn bè đánh hội đồng ngay trong lớp học; chạy chọt, gian lận trong thi cử;
dâm ô với trẻ em; tham nhũng, lãng phí, cửa quyền; thầy thuốc bỏ mặc bệnh
nhân; công lý và sự thật bị bóp méo ngay tại những cơ quan bảo vệ con người
và thực thi công lý; lừa đảo, mua bán cả chính con người và trong lĩnh vực
tâm linh... Vậy, nguyên nhân của tình trạng đó là do đâu và chúng ta cần làm
gì để khắc phục nó vẫn là một câu hỏi không chỉ cần sự giải đáp về mặt lý
luận để nâng cao nhận thức của con người Việt Nam hiện nay về giá trị và các
chuẩn mực đạo đức mà còn cần cả sự bắt tay vào việc giáo dục hành vi cho
con người bằng một nền giáo dục khoa học và nhân văn từ gia đình, nhà
trường cho đến toàn xã hội.
3


Xuất phát từ thực tiễn đó, việc đẩy mạnh, đổi mới sự nghiệp giáo dục –
đào tạo và phát triển văn hóa với tư cách vừa là nền tảng tinh thần của xã hội
vừa là động lực và sản phẩm của hoạt động con người là một trong những vấn
đề trọng tâm. Ngay từ Đại hội VIII, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu: “Mọi hoạt
động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo
đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
cho sự phát triển xã hội” [24, tr.10-11]. Trải qua thực tiễn, Đại hội IX đánh
dấu bước phát triển về nhận thức khi cụ thể hóa yêu cầu mọi hoạt động văn
hóa phải nhằm “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính
trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng

đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa,
quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội...” [25, tr.265]. Đến Đại
hội X, vấn đề xây dựng con người lại được Đảng ta tiếp tục quan tâm chú
trọng từ bình diện hoàn thiện nhân cách con người, đó là: “xây dựng và hoàn
thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân
tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi
dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý
tưởng, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh văn hóa con người Việt
Nam” [26, tr.106], và đến Đại hội XI là: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây
dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền
thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ.
Đoàn kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [27, tr.223].
Điều đó cho thấy, đặt trong mối quan hệ với xây dựng và phát triển văn hóa
với tư cách là môi trường và động lực để phát triển con người cho sự phồn
vinh của đất nước chính là quan điểm chỉ đạo cho việc hoàn thiện đạo đức con
người Việt Nam hiện nay của Đảng ta được khẳng định qua các kỳ đại hội.
4


Không những thế, để đảm bảo nguồn chất liệu cho sự phát triển và
hoàn thiện đời sống văn hóa, tinh thần của con người hiện tại trong đó có việc
hoàn thiện đạo đức, việc nỗ lực đánh giá lại những giá trị tinh thần của quá
khứ để hoạch định ra một đường hướng mới cho thời đại mới trở thành một
trong những nhiệm vụ quan trọng của giới học thuật. Văn hoá đối thoại đã và
đang khẳng định ưu thế của mình so với xu hướng đối đầu trước đó. Trong
chu trình mới ấy, các nền văn hoá nói chung cũng như triết học phương Đông
và phương Tây nói riêng cũng tìm thấy trong nhau - qua sự soi rọi - những
mặt tích cực và hạn chế, những tiếng nói chung và những điểm dị biệt, độc
đáo. Mỗi thời đại qua đi, có những công trình, những đền đài, báu tích bị hao

mòn, hoang phế hoặc vĩnh viễn biến mất. Duy chỉ có những mạch nguồn tư
tưởng gắn với con người dường như luôn mang trong mình một sức mạnh nội
tại trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Nhắc đến những mạch nguồn bất tận
đó, chúng ta không thể không nhắc tới triết học. Thông qua triết học, chúng ta
được sống và đối thoại với truyền thống văn hoá của gần ba nghìn năm lao
động không ngưng nghỉ của khối óc và trái tim nhân loại. Cả một vốn quý ấy
là trường tôi luyện cho bất cứ ai muốn hoàn thiện nhân cách và tư duy của
mình để vươn tới giá trị vĩnh cửu Chân - Thiện - Mỹ.
Cùng chung dòng chảy đó, chúng tôi hướng về triết học Hy Lạp cổ đại
- một trong những điểm xuất phát quan trọng của toàn bộ lịch sử triết học bởi
nó đã đặt ra và tìm cách giải quyết hầu hết các vấn đề của triết học, trong đó
có những vấn đề về đạo đức để rồi sau này các trường phái triết học khác
nhau sẽ từng bước khai triển theo yêu cầu của thời đại mình. Nền văn minh
Hy Lạp đã hoài sinh ra một bộ óc bách khoa thư của nhân loại, đó là Arixtốt.
Ông đã để lại cho hậu thế di sản đồ sộ thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác
nhau và được coi là người đã có công hệ thống hoá đạo đức học Hy Lạp cổ
đại, phân loại các khái niệm đạo đức, xác định ranh giới của chúng, phân tách
các khía cạnh lý luận và thực tiễn của đạo đức học. Không ai có thể bác bỏ
5


được một sự thực là tư tưởng đạo đức học cổ đại đã đạt tới đỉnh cao của mình
trong tư tưởng của Arixtốt.
Tư tưởng đạo đức của Arixtốt đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Do đó, tiếp
tục nghiên cứu triết học của Arixtốt và hiểu sâu sắc những tư tưởng đạo đức
của ông để đi tìm những gợi ý cho hiện tại là một việc làm cần thiết. Đặc biệt
khi chúng ta đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong bối
cảnh Đảng ta đang hết sức quan tâm đến vấn đề hoàn thiện đạo đức con người
Việt Nam hiện nay trên nền tảng nhân văn, dân tộc, hiện đại. Bởi không ai
khác, chính những con người đang được đào luyện hôm nay là chủ thể hiện thực

hóa khát vọng dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận, chúng ta có thể khẳng định
rằng, dù ở bất cứ thời đại nào, con người nếu không có đạo đức để điều tiết
mối quan hệ của mình với tự nhiên, với xã hội, với đồng loại và chính mình
thì hệ quả tự diệt vong có lẽ chẳng còn quá xa. Do đó, con đường của sự hoàn
thiện đạo đức của con người trong hiện tại không nằm ngoài quy luật kế thừa
biện chứng những tinh hoa những thời đại đã qua, trong đó bao hàm cả sự
khơi lọc, bổ sung, phát triển.
Xuất phát từ những lý do trên, nghiên cứu sinh đã chọn Tư tưởng đạo
đức của Arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con
người Việt Nam hiện nay làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu: Phân tích làm rõ bối cảnh, tiền đề hình thành tư
tưởng đạo đức của Arixtốt và nội dung tư tưởng đạo đức của Arixtốt, từ đó rút ra ý
nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người Việt Nam hiện nay.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Một là, tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
Hai là, phân tích, làm rõ bối cảnh kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật và

6


khoa học cùng với tiền đề lý luận, đặc biệt là cuộc đời và sự nghiệp của Arixtốt
cho sự hình thành tư tưởng đạo đức của ông.
Ba là, làm rõ nội dung tư tưởng đạo đức của Arixtốt.
Bốn là, phân tích mục tiêu hoàn thiện đạo đức và những khiếm khuyết
của đạo đức con người Việt Nam hiện nay, từ đó làm rõ ý nghĩa của tư tưởng đạo
đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện đạo đức con người Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tư tưởng đạo đức của Arixtốt và ý nghĩa của

nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người Việt Nam hiện nay.
Phạm vi nghiên cứu: Luận án chủ yếu khảo cứu tư tưởng đạo đức của
Arixtốt qua hai tác phẩm của ông là: Đạo đức học của Nicomaque và Chính
trị luận và ý nghĩa của những tư tưởng này đối với việc hoàn thiện đạo đức
con người Việt Nam hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận: Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận và phương
pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; tư
tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây
dựng đạo đức, con người Việt Nam. Ngoài ra, luận án kế thừa và phát triển
kết quả của các nghiên cứu đi trước có liên quan đến đề tài.
Phương pháp nghiên cứu: Luận án chủ yếu sử dụng cách tiếp cận triết
học và các phương pháp nghiên cứu như: thống nhất lịch sử - lôgíc, phân tích
- tổng hợp, diễn dịch - quy nạp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa,
phương pháp tiếp cận liên ngành.
5. Đóng góp mới của luận án
- Luận án hệ thống hóa và phân tích điều kiện và các tiền đề cho sự
hình thành tư tưởng đạo đức của Arixtốt.
- Luận án khái quát và trình bày nội dung tư tưởng đạo đức của Arixtốt.

7


- Luận án chỉ ra ý nghĩa của tư tưởng đạo đức Arixtốt góp phần cùng
với những tư tưởng lớn khác đối với việc hoàn thiện đạo đức con người Việt
Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Ý nghĩa lý luận: Luận án góp phần bổ sung nội dung cho những nghiên
cứu về tư tưởng đạo đức của Arixtốt.
Ý nghĩa thực tiễn: Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho

nghiên cứu và giảng dạy về đạo đức học, lịch sử triết học giai đoạn cổ đại; về
giáo dục đạo đức con người Việt Nam.
7. Kết cấu của luận án
Luận án ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục các công trình
khoa học của tác giả liên quan đến luận án và tài liệu tham khảo, phần nội
dung gồm 4 chương, 13 tiết.

8


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Triết học Arixtốt và tư tưởng đạo đức của ông đã được nhiều tác giả
nghiên cứu từ nhiều khía cạnh khác nhau như: triết học của Arixtốt, tính biện
chứng trong triết học của Arixtốt, quan niệm của Arixtốt về phạm trù, tư
tưởng đạo đức của Arixtốt trong Đạo đức học của Nicomaque, tư tưởng chính
trị của Arixtốt trong Chính trị luận,... trong các công trình đã được công bố
như giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, bài báo, luận án, luận
văn,... Trong số đó, chúng tôi chọn tổng quan một số công trình có nội dung
liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu của luận án là: khái quát bối cảnh
kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học và tiền đề lý luận cho sự hình thành tư
tưởng đạo đức của Arixtốt; hệ thống hóa một cách tương đối toàn diện tư
tưởng đạo đức của ông và từ đó rút ra ý nghĩa của những tư tưởng đó đối với
việc hoàn thiện đạo đức con người Việt Nam hiện nay. Đồng thời, luận án còn
phân tích và kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều học giả mà công trình của
họ đã được thống kê tại danh mục tài liệu tham khảo.
1.1. Các nghiên cứu liên quan đến điều kiện, tiền đề cho sự hình
thành tư tưởng đạo đức của Arixtốt; thân thế sự nghiệp, tư tưởng đạo
đức của Arixtốt
* Các công trình nghiên cứu trong nước

Cuốn Arixtốt với học thuyết phạm trù [17] của Nguyễn Văn Dũng
(1996) đã trình bày khá chi tiết về cuộc đời và sự phân chia các nhóm tác
phẩm trong sự nghiệp của Arixtốt, công trình giúp chúng tôi có cái nhìn tương
đối khái quát và toàn diện về ông.
Năm 1998, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia xuất bản
tác phẩm Triết học Arixtốt [111] của Vũ Văn Viên. Tác phẩm đã trình bày
quan điểm của Arixtốt về các vấn đề: đối tượng của triết học, học thuyết về

9


tồn tại, học thuyết về bốn nguyên nhân, về không gian, thời gian, vận động,
nhận thức luận, lôgic học, đạo đức học, mỹ học, chính trị học, kinh tế học.
Trong cuốn Triết học Hy Lạp cổ đại [97], tác giả Đinh Ngọc Thạch
(1999) đã khái quát về sự hình thành và các giai đoạn phát triển của triết học
Hy Lạp cổ đại, mà giai đoạn của Arixtốt được phân tích ở Chương thứ nhất
mang tên Bản thể luận và vũ trụ quan sơ khai với những tiền đề về kinh tế,
chính trị - xã hội; từ thần thoại đến triết học; phân tích sự giao lưu văn hóa
Tây - Đông và sự phân kỳ triết học Hy Lạp cổ đại thành ba giai đoạn: sơ khai,
cực thịnh và thời kỳ Hy Lạp hóa. Đây là một tư liệu tốt để chúng tôi khái quát
nên những tiền đề cho sự hình thành tư tưởng đạo đức của Arixtốt. Cuốn sách
có một phần mang tên: Arixtốt - bộ óc bách khoa của nền triết học và khoa
học Hy Lạp cổ đại, ở đó, tác giả đã trình bày những nét chính yếu về cuộc đời
và sự nghiệp sáng tạo của Arixtốt được phân chia làm ba nhóm: các khoa học
lý thuyết, các khoa học thực tiễn và các khoa học sáng tạo, trong đó những tư
tưởng đạo đức của ông thuộc nhóm thứ hai. Tiếp đó, là sự phân tích về vấn đề
tồn tại; từ học thuyết về bốn nguyên nhân đến vật lý học và vũ trụ luận đặc
trưng; lý luận nhận thức - sự "sửa chữa lại" Platôn; lôgíc học; sinh vật học;
tâm lý học và cuối cùng là tư tưởng đạo đức và chính trị - xã hội. Tuy nhiên,
liên quan đến tư tưởng đạo đức của Arixtốt tác giả mới chỉ dừng lại ở việc

đưa ra một số nét sơ lược về đức hạnh, trung dung, công bằng và khẳng định
vai trò và mối quan hệ của tư tưởng đạo đức của Arixtốt với chính trị, đó là,
Arixtốt không tách đạo đức ra khỏi chính trị, thậm chí còn xem đạo đức là cơ
sở tìm hiểu chính trị hay nói cách khác nghệ thuật quyền lực được xây dựng
trên sự hiểu biết về con người, về đức hạnh công dân và đức hạnh nói chung.
Từ sự phân tích đó, người viết điểm qua những điểm tương đồng và khác biệt
giữa Arixtốt và Platôn trong quan niệm về đạo đức và chính trị cùng sự tiếp
nối của phái Tiêu dao do Arixtốt khởi xướng ở những giai đoạn sau.

10


Cuốn Đại cương lịch sử triết học phương Tây [48] của tập thể tác giả
Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh và Nguyễn Anh Tuấn (2006) đã phân tích các
đặc trưng của thời cổ đại như một thời đại văn hóa với tình yêu đối với sự
thông thái tức là tình yêu tài nghệ, là khát vọng hình thành và chấn chỉnh thế
giới. Đặc biệt khi phân tích về đặc trưng của thời cổ đại, các tác giả đã khẳng
định rằng Hy Lạp cổ đại đã đem lại một mô hình văn minh nói chung, văn
minh như là văn minh. Tuy nhiên, mô hình đó là phức tạp và rất mâu thuẫn.
Nhưng nó vẫn sẽ mãi mãi là một mô hình hấp dẫn, đặc biệt là những khi nền
văn minh ở đâu đó bị đe dọa hay đang tìm kiếm xung lượng mới để có được
một hơi thở khỏe mạnh. Đây là ngọn nguồn ý tưởng cho chúng tôi tìm kiếm
mạch ngầm giá trị của văn minh Hy Lạp được ánh chiếu trong bản thân con
người Hy Lạp và trong tư tưởng đạo đức của Arixtốt để từ đó thấy được
những bài học và mối liên hệ của nó với hiện tại. Đồng thời, trong công trình
này, tập thể tác giả đã khái quát về cuộc đời, tác phẩm và đặc biệt đã nêu lên
đặc điểm của triết học Arixtốt, đó là: cách tiếp cận lịch sử, tính có hệ thống và có
phương pháp, tính phổ biến của nguyên tắc sinh thành, chân lý như là quan hệ
thẩm mỹ - hợp lý với thế giới. Trong đó, các tác giả khái quát và phân tích quan
niệm của Arixtốt về hạnh phúc như là đặc trưng lớn nhất của đạo đức học Arixtốt.

Cuốn Aristotle và Hàn Phi Tử con người chính trị và thể chế chính trị
[120] do Nguyễn Văn Vĩnh (chủ biên, 2007) đã đưa ra những phân tích về hai
nhà tư tưởng lỗi lạc thời kỳ cổ đại – một người ở phương Tây, một người ở
phương Đông giúp cho độc giả thấy được những điểm tương đồng và khác
biệt của hai học thuyết. “Về con người chính trị, cả Aristotle và Hàn Phi Tử
đều xuất phát từ bản tính tự nhiên, cố hữu của con người, nhưng Hàn Phi Tử
khai thác khía cạnh thiện và ác của con người, còn Aristole khai thác khía
cạnh suy lý và hợp tác của họ. Từ đó Hàn Phi Tử xây dựng lý thuyết pháp trị
của mình nhằm ngăn chặn tính ác của con người để ổn định xã hội Trung
Quốc thời kỳ loạn lạc; còn Aristotle xây dựng lý thuyết chính trị của mình với

11


mục đích làm sao cho đời sống cộng đồng con người được sống tốt hơn. Như
vậy, điểm xuất phát và mục tiêu chính trị của họ có những điểm tương đồng,
mặc dù họ khai thác và phân tích các khía cạnh cụ thể rất khác nhau” [120,
tr.5]. Đây là một luận điểm có giá trị khi chúng tôi đi vào nghiên cứu tư tưởng
đạo đức của Arixtốt với xuất phát điểm con người chính trị. Đồng thời qua sự
phân tích của tập thể tác giả về các chất liệu lịch sử cho sự ra đời tư tưởng của
Arixtốt, về con người chính trị với nền tảng là nền dân chủ Athen cổ đại và
những tư tưởng tiền bối là một trong những tài liệu tham khảo để luận án khái
quát bối cảnh và tiền đề hình thành tư tưởng đạo đức của Arixtốt.
Cuốn Lịch sử triết học đại cương [49] của Đỗ Minh Hợp (2010) đã chỉ
ra diện mạo chung của triết học Hy Lạp cổ đại, phân tích ba giai đoạn của triết
học Hy Lạp cổ đại thông qua thành tựu của các triết gia tiêu biểu. Đồng thời
tác giả cũng đã đưa ra được những kết luận xác đáng từ lăng kính độc đáo của
tư duy cá nhân đối với giai đoạn này. Cuốn sách đưa lại cách nhìn nhận, đánh
giá, phân tích rất khoa học và sắc sảo giúp nghiên cứu sinh có một cái nhìn
toàn diện hơn về triết học Hy Lạp giai đoạn Cổ điển nói chung và triết học

Arixtốt nói riêng. Cùng với đó, tác giả đã khái quát đạo đức học phẩm hạnh
của Arixtốt và trình bày mười hai tín điều đạo đức học Arixtốt với cốt lõi của
nó là con người có sứ mệnh cần phải trở thành người có phẩm chất đạo đức
trong hành vi của mình và để hành động đúng, cần phải tạo ra các phẩm hạnh
đạo đức ở trong bản thân mình; hãy giám sát dục vọng, không cho phép
chúng dư thừa hay thiếu hụt. Giáo dục và đào tạo đóng một vai trò quan trọng
trong những vấn đề đạo đức đặc biệt là hướng vào những tấm gương của
những người được coi là có đạo đức. Phẩm chất đạo đức được tạo ra bởi
những hành vi thiện bởi vậy hãy tự tạo cho mình thói quen có những hành vi
thiện và hướng đến một cuộc sống toàn vẹn, hạnh phúc. Hơn nữa công việc
hoàn thiện đạo đức đối với con người hoàn toàn không có giới hạn cho nên
cần nghiên cứu đạo đức học và sử dụng những luận điểm của nó như sự chỉ

12


đạo cho hành động. Đây là những phân tích có tính chất định hướng để chúng
tôi xây dựng nên những nội dung khái quát về tư tưởng đạo đức của Arixtốt
theo những chủ điểm lớn tương thích với giác độ nghiên cứu của mình.
Tập bài giảng Lịch sử đạo đức học [59] của Trần Hậu Kiêm (2011) đã
khái quát trên những nét chung nhất về sự phát triển của đạo đức học từ xã hội
chiếm hữu nô lệ đến xã hội phong kiến, xã hội tư bản và cuộc cách mạng về đạo
đức học của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin. Cuốn bài giảng giúp cho chúng
tôi có được sự hình dung về tiến trình lịch sử đạo đức học, đặc biệt ở giai đoạn
xã hội chiếm hữu nô lệ với quan điểm đạo đức của Xôcrát, Platôn và Arixtốt.
Tuy nhiên tác giả chưa đi sâu vào phân tích các phạm trù cơ bản trong tư tưởng
đạo đức của Arixtốt mà mới chỉ dừng lại ở những mô tả có tính chất khái quát.
Cuốn Lịch sử triết học phương Tây từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết
học cổ điển Đức [52] của Nguyễn Tấn Hùng (2012) đã trình bày một cách có
hệ thống và chọn lọc nguồn gốc hình thành và quan điểm cơ bản của các

trường phái và các triết gia phương Tây qua các thời kỳ lịch sử về các vấn đề
bản thể luận, nhận thức luận, triết học đạo đức, triết học thẩm mỹ, triết học
chính trị, triết học xã hội,... những ảnh hưởng và sự kế thừa về tư tưởng giữa
các triết gia, các trường phái, những đóng góp và những hạn chế cũng như ý
nghĩa của những quan điểm ấy đối với triết học trong các thời kỳ tiếp theo và
thời đại hiện nay. Trong hơn 531 trang sách được trình bày dưới dạng song
ngữ Việt - Anh, tác giả đã dành ra bốn chương để phân tích về triết học Hy
Lạp cổ đại qua các giai đoạn với những triết gia tiêu biểu. Trong phần viết về
hoàn cảnh lịch sử cho sự ra đời triết học Hy Lạp cổ đại tác giả đã nêu những
nét chính yếu, khái quát ba thời kỳ của triết học Hy Lạp cổ đại và đặc điểm
của nó. Cuốn sách đã giúp chúng tôi có một hình dung cơ bản về triết học Hy
Lạp thời kỳ này với những đặc trưng của nó. Trong phần về triết học Arixtốt,
tác giả đã khái quát về thân thế, sự nghiệp của ông trên những nét cơ bản về:
phương pháp nghiên cứu, siêu hình học, vật lý học và thiên văn học, về linh
13


hồn, đạo đức học, lôgíc học và chính trị học. Phần viết về đạo đức học
Arixtốt, tác giả khẳng định tính chất thực hành của đạo đức, quan niệm của
Arixtốt về hạnh phúc và đưa ra bảy đức hạnh trung dung.
Cuốn Tư tưởng biện chứng trong triết học Hy Lạp cổ đại [122] của
Đinh Thanh Xuân (2013) đã đi sâu và phân tích tư tưởng biện chứng trong
triết học tự nhiên và trong nhận thức luận của triết học Hy Lạp cổ đại. Trong
đó, chương I đã phân tích tính đặc thù của điều kiện tự nhiên, chế độ kinh tế xã hội và đời sống văn hóa ở Hy Lạp cổ đại, ảnh hưởng của nền văn hóa cổ
đại ở các nước Cận Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là tính "chín muồi" của thần
thoại Hy Lạp là những điều kiện và tiền đề cho sự ra đời tư tưởng biện chứng
trong triết học Hy Lạp cổ đại. Những phân tích sâu sắc của tác giả trong
chương I này đã trở thành nguồn tư liệu quan trọng cho chúng tôi khi đi phân
tích các tiền đề cho sự hình thành tư tưởng đạo đức của Arixtốt trong luận án.
Cuốn Triết học đại cương [50] của tập thể tác giả Đỗ Minh Hợp,

Nguyễn Thanh, Nguyễn Đắc Lý, Lê Kim Bình (2013) là một công trình khá
dầy dặn về lịch sử triết học từ triết học Cổ đại đến triết học phương Tây hiện
đại. Trong cuốn sách này, các tác giả đã đưa ra những khái niệm mang tính
chất nhập môn về triết học và các lĩnh vực của nó. Diện mạo chung của triết
học Hy Lạp cổ đại lại tiếp tục được các tác giả làm rõ, trong đó đặc biệt nhấn
mạnh đến tính chất triết lý bằng cuộc đời, ý nghĩa triết học của cái chết, tính
chất đạo đức, thầy và trò, tính chất đối thoại của tư duy, tính cởi mở của triết
thuyết và tư duy cá nhân. Các tác giả tiếp tục đi khái quát về phương pháp của
Arixtốt, về học thuyết bốn nguyên nhân, về nhà nước và đức hạnh như là cơ
sở để làm cho cuộc sống trở nên thiện và hạnh phúc hoàn toàn.
Cuốn Lịch sử triết học phương Tây, Tập 1 [51], của tác giả Đỗ Minh
Hợp (2014) đã phân tích, biện giải, lập luận phù hợp, hiệu quả để giới thiệu
một cách hệ thống, sâu sắc, sinh động quá trình hình thành và phát triển của
triết học phương Tây từ thời kỳ cổ đại đến thời kỳ hiện đại, trong đó, phần
14


chương II viết về triết học cổ đại, tác giả đã đưa ra những khái niệm chung và
sự phân định các thời kỳ, các trường phái cùng những đại diện tiêu biểu của
thời kỳ này trong đó có Xôcrát, Platôn cùng Arixtốt. Trong phần Arixtốt, tác
giả giới thiệu khái quát về cuộc đời, tư tưởng, lôgíc học, siêu hình học, đạo
đức học và chính trị. Phần về đạo đức học Arixtốt, tác giả đã phân tích về vai
trò của đức hạnh đối với cuộc sống trong đó và khẳng định đức hạnh thể hiện
ở sự cân bằng nội tâm như là cái khắc phục những thái cực, phương pháp đạt
đến đức hạnh là tập quán, thói quen cùng với sự trợ giúp của trí tuệ và lý trí
để xác định cái thiện là gì cần tuân thủ nó như thế nào.
* Một số công trình nghiên cứu nước ngoài
Cuốn Lịch sử triết học phương Tây [112] của Viện nghiên cứu triết
học Liên Xô do Đặng Thai Mai dịch (1956) gồm 8 chương là một giáo
trình do một số giáo sư thuộc Viện Triết học Liên Xô biên soạn và xuất

bản. Chương thứ nhất của giáo trình có trình bày về điều kiện lịch sử xây
dựng nền triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại, và đặc biệt là sự phát sinh
và đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, trong đó
khẳng định lập trường triết học duy tâm của Xôcrát và Platôn, nhị
nguyên của Arixtốt. Tuy nhiên, các chương sau của cuốn sách này cũng
chưa đi vào phân tích quan điểm đạo đức của Arixtốt.
Cuốn Lịch sử triết học, tập 1 - Triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại, triết
học Tây Âu Trung cổ [42] của Johannes Hirschberger (1991) do Nguyễn
Quang Hưng và Nguyễn Chí Hiếu dịch đã phân tích khá tỉ mỉ về lôgíc học của
Arixtốt, về bản chất và nguồn gốc của tri thức; về siêu hình học; học thuyết về
nhà nước. Tuy nhiên phần bàn về đạo đức học mới chỉ dừng lại ở việc khảo
cứu về tính nguyên tắc của đạo đức học; nguồn gốc của tri thức về đức hạnh;
về ý chí và tự do trong hành vi đạo đức.
Công trình Câu chuyện triết học [20] của Will Durant (2000) do Trí
Hải, Bửu Đích dịch đã khái quát toàn bộ tiến trình lịch sử phương Tây từ thời
15


cổ đại đến hiện đại qua câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của
các triết gia. Trong đó, tác giả đã trình bày khái quát về những nét độc đáo và
đặc trưng nhất của tư tưởng đạo đức Arixtốt.
Công trình Lịch sử triết học và các luận đề [93] của Samuel Enoch
Stumpf (2004) đã tiếp cận triết học phương Tây theo từng vấn đề cụ thể trong
đó, các tư tưởng đạo đức được tác giả rất coi trọng. Tác giả đã trình bày
những học thuyết đạo đức tiêu biểu thể hiện các lập trường đạo đức trong lịch
sử triết học phương Tây trong đó đạo đức của Arixtốt được gọi là đạo đức học
mục đích.
Cuốn Nhập môn triết học phương Tây [94] của Samuel Enoch Stumpf
và Donald C. Abel (2004) cũng dành một chương để trình bày về các học
thuyết đạo đức tiêu biểu trong lịch sử triết học phương Tây. Tư tưởng đạo đức

của Arixtốt cũng được tác giả tái hiện với những phạm trù cơ bản nhất với tên
gọi là học thuyết thể hiện bản tính con người.
Cuốn Những vấn đề cơ bản của triết học [123] của S.E.Frost, JR, Ph.D
do Đông Hương và Kiến Văn biên dịch (2008) đã phân tích một số tư tưởng
của Arixtốt theo hệ thống các vấn đề cơ bản. Trong số các vấn đề cơ bản đó,
khi đi khái quát về Thiện và Ác, các tác giả đã rút ra nhận xét về quan điểm
đạo đức của Arixtốt rằng, đối với Arixtốt thì cuộc sống tốt là một cuộc sống
mà con người nhận thức đầy đủ phần bản chất tự nhiên cao cả nhất của con
người là lý trí.
Cuốn Đạo đức học hiện đại: Cội nguồn và những vấn đề [1] của E.V.
Zolotukhina-Abolina do Nguyễn Anh Tuấn (2018) dịch trong đó đã khái quát
nội dung cơ bản của đạo đức học Arixtốt, đồng thời khẳng định, Arixtốt coi đạo
đức học là khoa học ứng dụng thực tiễn, đề cao vấn đề giáo dục đạo đức trên cơ sở
những tiền đề tự nhiên; tính duy lý, tự nguyện của các hành vi đạo đức, đặc biệt là
trung điểm vàng như là sự hoàn thiện trong hành vi và phẩm chất đạo đức.

16


Ngoài ra, còn phải kể đến các công trình nghiên cứu tư tưởng của Arixtốt
trong lịch sử văn minh thế giới như: Văn minh phương Tây, tập 1 [10] của C.
Brinton, J.B. Christopher, R. Lê Wolff (Bản dịch của Nguyễn Văn Lương,
1971); Lịch sử văn minh phương Tây [11] của tập thể tác giả Mortimer
Chambers, Barbara Hanawait, David Herlihy, Theodore K. Rabb Isser
Woloch, Raymond Grew (bản dịch của Lưu Văn Hy, Nguyễn Đức Phú và
nhóm Trí Tri, 2004); Nền tảng văn minh phương Tây [60] của các tác giả
Mark Kishlansky, Patrick Geary, Patricia O’Brien (Lê Thành dịch, 2005);
Những nền văn minh thế giới – thế giới cổ đại [112] do Trung tâm UNESCO
dịch thuật (Ngô Văn Tuyến, Thái Hoàng chỉnh lý, bổ sung, 2006),… từ nhiều
góc độ đã tái hiện diện mạo của nền văn minh thế giới, trong đó Arixtốt được

nhắc tới như một biểu tượng của văn minh Hy Lạp. Các nghiên cứu của ông
từ sinh vật học, lôgíc, nghệ thuật, thi ca,... cho đến những tư tưởng triết học,
đạo đức, chính trị đã được các tác giả trình bày và phân tích như những giá trị
mà ông đã cống hiến cho nhân loại. Qua đó có thể thấy rằng, Arixtốt không
chỉ được biết đến với tư cách là một nhà triết học mà ông còn ghi lại những
dấu ấn không nhỏ trong lịch sử văn minh nhân loại.
Tóm lại, nhóm công trình nêu trên đã cung cấp cho chúng tôi một bức
tranh khá tổng quan, toàn diện và tương đối đầy đủ về giai đoạn triết học Hy
Lạp cổ đại, là nguồn chất liệu để chúng tôi chắt lọc, kết nối theo chuỗi mang
tính lịch sử - lôgíc để thấy được những tiền đề mang tính cốt lõi cho sự hình
thành tư tưởng đạo đức của Arixtốt. Phần lớn các tác phẩm chuyên khảo về
Arixtốt đều là những tác phẩm đã khai thác một cách hệ thống và đầy đủ các
nội dung trong triết học của nhà bách khoa thư này. Tuy vậy, các tác giả chưa
đi sâu vào nghiên cứu khía cạnh tư tưởng đạo đức của Arixtốt về cái thiện và
tính công bằng, sự trung bình đúng mực và giáo dục đạo đức cũng như đánh
giá một cách toàn diện giá trị tư tưởng đạo đức của ông. Do đó, đây vẫn còn
là một nội dung cần được tiếp tục khai khác.
17


1.2. Các nghiên cứu liên quan đến đạo đức con người Việt Nam
hiện nay
Nghiên cứu về đạo đức, đạo đức học và đạo đức con người Việt Nam
trong quá khứ và hiện tại là một trong những mảng nghiên cứu vừa có tính lý
luận vừa có giá trị thực tiễn, do đó, đã thu hút được sự chuyên tâm của rất
nhiều học giả, tuy nhiên chúng tôi chỉ lựa chọn khai thác, kế thừa những công
trình tiêu biểu, có nhiều ý nghĩa hiện thời.
Tác giả Nguyễn Thế Nghĩa (1997) trong cuốn Triết học với sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa [76] đã đưa ra nhận định: “nhiều nhà nghiên
cứu về hiện đại hóa đã chỉ ra rằng: trong vòng một thế kỷ nay, nền văn minh

phương Tây đã làm giàu của cải vật chất và tinh thần, đồng thời cũng làm nảy
sinh trong lý luận và thực tiễn những quan điểm, tâm trạng hạ thấp phương
diện tinh thần của tồn tại người. Điều này được thể hiện trong quan niệm sống
và lối sống của con người chỉ gắn với điều kiện vật chất, với tiêu dùng mà coi
thường hoặc quên đi yếu tố truyền thống đạo đức, văn hóa và nhân văn” [76,
tr.267-268]. Đây là một khái quát giúp cho chúng ta thấy được trong quá trình
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị
trường, hội nhập quốc tế như hiện nay, chúng ta không thể đặt sự quan tâm
rời xa các vấn đề về đạo đức và tinh thần của con người, đặc biệt là đạo đức
và văn hóa truyền thống của dân tộc. Do đó, các tác giả Nguyễn Thế Nghĩa và
Nguyễn Thị Hương Giang (2017) trong cuốn Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế
và giữ gìn phát huy giá trị truyền thống của dân tộc [78] tiếp tục đưa ra hệ
thống các giải pháp chủ yếu để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống dân
tộc: “Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường giáo dục giá trị truyền thống
dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ
tính tích cực, sáng tạo của giá trị truyền thống và chuyển hóa chúng thành
hoạt động thực tiễn xây dựng đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa, phát triển
kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ba là, huy động và tập trung tối đa các
18


nguồn lực vật chất và tinh thần, con người và cơ chế chính sách, luật pháp và
các lực lượng xã hội để giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc. Bốn là,
xây dựng và phát triển môi trường xã hội lành mạnh làm cơ sở để giữ gìn,
phát huy giá trị truyền thống dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (bao gồm
môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế, môi trường chính trị, môi trường văn
hóa – xã hội, môi trường giáo dục,...). Năm là, chủ động tiếp thu có chọn lọc
các giá trị của nhân loại để bổ sung, làm giàu thêm cho giá trị truyền thống,
đồng thời phát huy giá trị truyền thống một cách có hiệu quả. Sáu là, hoàn
thiện các thiết chế văn hóa, tức là xây dựng một chỉnh thể văn hóa, trong đó

các yếu tố văn hóa liên kết với nhau một cách đồng bộ, hài hòa, bảo đảm cho
nền văn hóa phát triển ổn định, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là
mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội” [78, tr.319-320]. Đây là
những định hướng có ý nghĩa để luận án đi sâu vào tìm hiểu sự vận động của
đạo đức con người Việt Nam hiện nay và những giải pháp để hoàn thiện nó,
đặc biệt là các giải pháp về mặt nghiên cứu lý luận.
Cuốn Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam [58]
của Vũ Khiêu và Thành Duy (2000) là sản phẩm nghiên cứu thuộc chương
trình cấp Bộ. Triết lý phát triển ở Việt Nam chính là nhằm mục đích đóng góp
ý kiến vào việc tìm kiếm con đường phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh mới
hiện nay, đứng trên góc độ triết lý đạo đức và triết lý pháp luật. Đây là một ấn
phẩm được đầu tư nghiên cứu rất khoa học, nghiêm túc. Đặc biệt với việc
khái quát về vai trò của đạo đức và pháp luật trong sự phát triển, cuốn sách đã
khảo sát và rút ra kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực. Do đó, đây
cũng là một nguồn tham khảo cho chúng tôi phân tích vấn đề nghiên cứu để
thấy được, vai trò của đạo đức và pháp luật trong sự phát triển của xã hội
không những được đề cao ở thời đại Arixtốt, trong tư tưởng Arixtốt mà cho
đến nay, chúng ta vẫn cần đảm bảo, xây dựng và hoàn thiện nó trong thời đại

19


mới, trong ý thức đạo đức, ý thức pháp luật và hành vi đạo đức của những con
người ở thời đại mới.
Tác giả Đỗ Huy (2001) trong cuốn Văn hóa Việt Nam trên con đường
giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển [54] đã có một nghiên cứu sâu sắc
trên bình diện lý luận về bản chất của văn hóa theo quan niệm mácxít, nhằm
khẳng định rõ hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ tư tưởng
chính thống của văn hóa Việt Nam hiện đại. Ông đã trình bày hành trình giải
phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển văn hóa dưới ánh sáng của hệ tư tưởng

này và dự báo về bước phát triển mới của văn hóa Việt Nam trong thập niên
thứ hai đầu thế kỉ XXI. Đây cũng là một nguồn tham khảo hữu ích cho chúng
tôi trong việc khảo cứu những biểu hiện đạo đức của con người Việt Nam
hiện nay phù hợp với bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển.
Bài viết Văn minh – thanh lịch – hiện đại ở con người Hà Nội [trong
96] của Vũ Khiêu (2005) có đề cập đến khái niệm con người văn minh, trong
đó, ông nhấn mạnh: con người được gọi là văn minh của Hà Nội ngày nay
phải là con người nhìn mọi vấn đề từ bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức,
không ngừng học tập và suy nghĩ sáng tạo trong mọi hoạt động của mình. Nếu
văn minh của thế giới ngày nay là văn minh trí tuệ, thì con người Hà Nội hôm
nay phải là con người có quyết tâm lớn để không ngừng nâng cao trí tuệ và
trình độ chuyên môn của mình trong học tập và lao động. Không chỉ vậy mà
còn cần thể hiện nó trong cuộc sống hàng ngày và luôn luôn nâng mình lên
ngang tầm yêu cầu ngày một cao của dân tộc và thời đại. Ông khẳng định
rằng, nền văn minh mà chúng ta nói hôm nay không còn giống như nền văn
minh qua các thời kỳ lịch sử trước đến nay. Trong những thập kỷ gần đây,
loài người đã đạt được những thành tựu kỳ diệu của trí tuệ con người. Tình
hình đòi hỏi mỗi dân tộc phải tiếp thu được một cách thông minh và sáng tạo
mọi thành quả của nền văn minh ngày nay, chính vì lẽ đó mà phát triển khoa
học và giáo dục đang trở thành yêu cầu bậc nhất. Một xã hội văn minh, con
20


người văn minh không thể để mình tụt hậu trong thời đại trí tuệ ngày nay.
Như vậy, ở đây tác giả đặc biệt đề cao tính trí tuệ như là tiêu chí hàng đầu của
một con người văn minh trong thời đại mới. Tính trí tuệ là cơ sở hình thành
tình cảm, hành vi đạo đức mà Arixtốt ở thời của mình coi đó là hoạt động có
lý trí, có mục đích của con người để hòa nhập cái thiện hảo của cá nhân với
đời sống thiện hảo của cộng đồng.
Trong cuốn sách Văn minh tinh thần nhìn từ chất lượng văn hóa [64]

tác giả Trường Lưu (2006) đã khái quát được những đặc điểm của văn hóa
hiện đại Việt Nam từ Cương lĩnh văn hóa giải phóng đến Cương lĩnh văn hóa
phát triển, trên cơ sở đó, tác giả đi tìm mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh
để chỉ ra bản chất của nền văn hóa có định hướng đúng đắn, và nền văn minh
tinh thần cần được xây dựng từ chính văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh Việt
Nam gắn bó với đặc điểm và tinh thần nhân bản phương Đông; động lực văn
hóa và vai trò của nhân tố con người trong văn hóa. Ông cũng chỉ ra những
đỉnh cao văn hóa của dân tộc qua các bậc danh nhân văn hóa; đồng thời rút ra
những đặc điểm của một đô thị văn minh tiêu biểu, cùng với đó là những đặc
điểm và sự đối mặt với thách thức của toàn cầu hóa, từ đó đề cao tính năng
động trong hội nhập và giao lưu văn hóa cần xuất phát từ vị thế dân tộc, biết
tiếp thu và loại bỏ những điểm phù hợp. Tác phẩm giúp cho chúng tôi có
được những gợi ý hữu ích cho việc đưa ra những nhận định về hoàn thiện đạo
đức con người Việt Nam hiện nay từ phương diện kế thừa, định hình những
giá trị cốt lõi từ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Trong cuốn sách Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa
[31], tác giả Phạm Duy Đức (2008) đã có những nghiên cứu khá sâu sắc và
toàn diện về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất, chức năng, quy
luật vận động và phát triển của văn hóa cũng như các khía cạnh của việc xây
dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tới
quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng con người, đạo đức và lối
21


sống trong chủ nghĩa xã hội. Phần này có giá trị như quan điểm mang tính định
hướng khi chúng tôi đi vào nghiên cứu quan điểm của Đảng về xây dựng con
người xã hội chủ nghĩa để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuốn Văn hóa Việt Nam trên con đường đổi mới – những thời cơ và
thách thức [9] của Trần Văn Bính (2010) đã phác họa tương đối toàn diện về
văn hóa Việt Nam trên con đường đổi mới cả về lý luận và thực tiễn. Trong

đó, chúng tôi quan tâm đến những ý kiến của tác giả về thực trạng và nguyên
nhân đạo đức lối sống ở nước ta hiện nay.
Trong cuốn Văn hóa và con người Việt Nam trong đổi mới và hội nhập
quốc tế [8], tác giả Hoàng Chí Bảo (2010) đã đề cập hai phần: phần thứ nhất
trình bày lý luận về văn hóa; bản chất, chức năng, các cơ sở khách quan quy
định bản sắc da dạng của các nền văn hóa; tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa
các nền văn hóa,... Phần thứ hai tác giả trình bày về văn hóa với phát triển và
tiến bộ nhìn từ cục diện văn hóa Châu Á – Thái Bình Dương trong hai thập
niên đầu thế kỷ XXI qua thực tiễn Đông Á. Chúng tôi tiếp thu được trong
phần thứ nhất nội dung tác giả phân tích về mối quan hệ giữa văn hóa, với văn
minh và phát triển.
Cuốn Con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội
nhập [16] của Nguyễn Văn Dân (2011) với cơ sở lý luận là quan điểm của Hồ
Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng con người và văn hóa Việt
Nam cùng với các nguyên tắc của nó. Tác giả đã tiến hành phân tích về thực
trạng, tác động, dự báo và đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển con người và
văn hóa trong thời kỳ mới. Đây cũng là công trình có nội dung và giác độ nghiên
cứu có đóng góp không nhỏ trong quá trình nghiên cứu của luận án.
Cuốn Xây dựng nhân cách văn hóa – những bài học kinh nghiệm trong
lịch sử Việt Nam [4] của Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, Từ Thị Loan,
Vũ Anh Tú (2012) góp phần hệ thống hóa các cơ sở lý luận, các quan điểm
học thuật về vấn đề nghiên cứu nhân cách và xây dựng nhân cách con người
22


×