NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
CƠ SỞ LÝ LUẬN:
3.1. Văn hóa.
3.1.1. Khái niệm văn hóa.
Văn hoá được hiểu theo rất nhiều cách khác nhau. Ở mức chung nhất, có thể phân
biệt hai cách hiểu: văn hoá theo nghĩa hẹp và văn hoá theo nghĩa rộng.
Trong khoa học nghiên cứu về văn hoá, văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng. Theo
nghĩa này, định nghĩa văn hoá cũng có rất nhiều. Chẳng hạn, định nghĩa đầu tiên của
E.B.Tylor năm 1871 xem văn hóa là “một phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ
thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán, cùng mọi khả năng và thói quen khác mà con người
như một thành viên của xã hội đã đạt được”. Còn TS. Federico Mayor, Tổng giám đốc
UNESCO, thì xem “văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc
khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối
sống và lao động.”
Theo giáo sư, viện sỹ, tiến sỹ khoa học Trần Ngọc Thêm (Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh) thì “Văn hoá là một hệ thống của các giá trị do con người sáng tạo
và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong mối quan hệ với môi trường tự
nhiên và xã hội của mình”. Định nghĩa này hàm chỉ một hệ toạ độ ba chiều mà trong đó
văn hoá tồn tại, con người là chủ thể văn hoá, môi trường tự nhiên và xã hội là không gian
văn hoá, quá trình hoạt động là thời gian văn hoá. Định nghĩa này còn chứa đựng bốn đặc
trưng thỏa mãn yêu cầu cần và đủ để phân biệt văn hóa với những khái niệm, hiện tượng có
liên quan. Đó là Tính hệ thống, Tính giá trị, Tính nhân sinh, và Tính lịch sử. Bốn đặc trưng
này chính là cơ sở cho phép nhận diện “chất văn hoá” ở một đối tượng nghiên cứu.
3.1.2. Các đặc trưng cơ bản của văn hóa.
a. Tính hệ thống của văn hóa
Mọi sự vật, khái niệm quanh ta tự thân đều là những hệ thống. Tuy nhiên, văn hoá như
một hệ thống lại quá phức tạp, đến mức tính hoàn chỉnh của nó thường bị che lấp bởi các
thành tố bộ phận.
Do vậy, cần thiết nhấn mạnh đến “tính hệ thống” của văn hóa. Cần xem xét mọi giá trị
văn hóa trong mối quan hệ mật thiết với nhau. Tính hoàn chỉnh cho phép phân biệt một nền
văn hoá hoàn chỉnh với một tập hợp rời rạc các giá trị văn hoá.
b. Tính giá trị của văn hóa.
Song, không phải mọi hệ thống đều là văn hóa mà chỉ có những hệ thống giá trị mới là
văn hóa. Văn hóa chỉ chứa cái hữu ích, cái tốt, cái đẹp. Nó là thước đo mức độ nhân bản
của con người.
Tính giá trị là đặc trưng quan trọng nhất giúp đi sâu vào bản chất của khái niệm văn
hóa. Nó cho phép phân biệt văn hóa với cái phi văn hóa, vô văn hoá; phân biệt văn hoá
thấp với văn hoá cao. Phân biệt văn hoá theo nghĩa hẹp và văn hoá theo nghĩa rộng. Nhờ
tính giá trị, ta có được cái nhìn biện chứng và khách quan trong việc đánh giá tính giá trị
của sự vật, hiện tượng, tránh được những xu hướng cực đoan – phủ nhận sạch trơn hoặc
tán dương hết lời.
c. Tính nhân sinh của văn hóa.
Văn hóa là sản phẩm của con người. Văn hóa và con người là hai khái niệm không tách
rời nhau. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời chính bản thân con người
cũng là một sản phẩm của văn hóa.
Tính nhân sinh tạo ra những khả năng không có sẵn trong bản thân sự vật (hiện tượng)
mà được con người gán cho để đáp ứng các nhu cầu của con người, đó là giá trị biểu trưng.
Tính nhân sinh kéo theo tính biểu trưng của văn hoá.
Tính nhân sinh cho phép phân biệt văn hoá với tự nhiên. Văn hóa là sản phẩm trực tiếp
của con người và gián tiếp của tự nhiên. Văn hóa là cái tự nhiên được biến đổi bởi con
người, là một “tự nhiên thứ hai”.
d. Tính lịch sử của văn hóa.
Tự nhiên được biến thành văn hóa là nhờ có hoạt động xã hội - sáng tạo của con người.
Nhờ có hoạt động này mà các giá trị được tích lũy và tạo thành văn hoá. Bản thân các hoạt
động cũng chính là các giá trị văn hoá. Sự tích lũy các giá trị tạo nên đặc điểm thứ ba của
văn hoá là tính lịch sử.
Tính lịch sử tạo ra tính ổn định của văn hoá. Tính lịch sử cần để phân biệt văn hóa như
cái được tích lũy lâu đời với văn minh như cái chỉ trình độ phát triển ở một thời điểm nhất
định.
3.2. Văn hóa doanh nghiệp.
3.2.1. Khái niệm Văn hoá doanh nghiệp
Trong một xã hội rộng lớn, mỗi Doanh nghiệp được coi là một xã hội thu nhỏ. Xã hội
lớn có nền văn hoá lớn, xã hội nhỏ (Doanh nghiệp) cũng cần xây dựng cho mình một nền
văn hoá riêng biệt. Nền văn hoá ấy chịu ảnh hưởng và đồng thời cũng là một bộ phận cấu
thành nền văn hoá lớn. Như Edgar Schein, một nhà quản trị nổi tiếng người Mỹ đã nói: “
Văn hoá Doanh nghiệp gắn với văn hoá xã hội, là một bước tiến của văn hoá xã hội, là tầng
sâu của văn hoá xã hội. Văn hoá Doanh nghiệp đòi hỏi vừa chú ý tới năng suất và hiệu quả
sản xuất, vừa chú ý quan hệ chủ thợ, quan hệ giữa người với người. Nói rộng ra nếu toàn
bộ nền sản xuất đều được xây dựng trên một nền văn hoá Doanh nghiệp có trình độ cao,
nền sản xuất sẽ vừa mang bản sắc dân tộc, vừa thích ứng với thời đại hiện nay”.
Vào đầu những năm 70, sau sự thành công rực rỡ của các công ty Nhật Bản, các công ty
Mỹ chú ý tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thành công đó. Cụm từ Corporate culture (Văn
hoá Doanh nghiệp) đã được các chuyên gia nghiên cứu về tổ chức và các nhà quản lý sử
dụng để chỉ một trong những tác nhânchủ yếu dẫn tới sự thành công của các công ty Nhật
trên khắp thế giới.
Ông Saite Marie, chuyên gia người Pháp về doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra định
nghĩa như sau: “ Văn hoá Doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các biểu tượng, huyền
thoại, nghi thức, các điều cấm kỵ, các quan điểm triết học, đạo đức tạo thành nền móng sâu
xa của Doanh nghiệp”.
Một định nghĩa khác của tổ chức lao động quốc tế (ILO): “Văn hoá Doanh nghiệp là sự
trộn lẫn đặc biệt các giá trị, các tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, những thái độ ứng
xử và lễ nghi mà toàn bộ chúng là duy nhất đối với một tổ chức đã biết”.
Tuy nhiên, định nghĩa phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là định nghĩa của
chuyên gia nghiên cứu các tổ chức Edgar Schein: “ Văn hoá công ty là tổng hợp những
quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các
vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh”
Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu của các học giả và hệ thống nghiên cứu logic về
văn hoá và văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp được định nghĩa như sau: “Văn hoá
Doanh nghiệp là toàn bộ những nhân tố văn hoá được Doanh nghiệp chọn lọc, tạo ra, sử
dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh tạo nên bản sắc kinh doanh của Doanh
nghiệp đó.
3.2.2. Vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
• Thứ nhất: văn hóa doanh nghiệp gắn kết, tạo sự thống nhất đồng thuận của các nhân viên
thông qua hệ thống các giá trị chuẩn mực chung từ đó tạo ra nguồn lực nội sinh cho sự phát
triển của doanh nghiệp, trở thành lực cộng hưởng và động lực văn hóa thúc đẩy sự phát
triển của doanh nghiệp.
• Thứ hai: văn hóa doanh nghiệp có tác dụng giúp cho doanh nghiệp tạo ra được một
hình ảnh tốt trong tâm trí của cộng đồng. Qua đó, doanh nghiệp định vị được sâu và vững
chắc thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
• Thứ ba: văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Văn
hóa mạnh giúp doanh phát triển vượt xa cuộc đời của những người sáng lập. Văn hoá
doanh nghiệp là một tài sản lớn của doanh nghiệp, nên ta phải hiểu nó và xây dựng nó.
3.2.3. Các đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp cũng là một tiểu văn hoá, nên nó cũng có đầy đủ các đặc trưng
và được xác lập trong một hệ toạ độ:
a. Tính hệ thống: Cho thấy tính tổ chức của doanh nghiệp, phân biệt một doanh nghiệp có
văn hoá với một doanh nghiệp chỉ có tập hợp giá trị.
b. Tính giá trị: Khác biệt một doanh nghiệp có văn hoá với một doanh nghiệp phi văn hoá.
Giá trị văn hoá của doanh nghiệp có giá trị nội bộ, giá trị vùng, giá trị quốc gia, giá trị quốc
tế. Doanh nghiệp càng tôn trọng và theo đuổi những giá trị chung cho những cộng đồng
càng rộng lớn bao nhiêu thì vai trò của nó càng lớn bấy nhiêu.
c. Tính nhân sinh: Đây là đặc trưng cơ bản về chủ thể cho phép phân biệt văn hoá doanh
nghiệp với các tiểu văn hoá khác. Chủ thể văn hoá ở đây không phải con người nói chung,
mà là doanh nghiệp như một loại chủ thể văn hoá đặc biệt (bên cạnh văn hoá làng xã, văn
hoá đô thị, văn hoá cơ quan...). Đặc biệt vì có doanh nghiệp gia đình; doanh nghiệp vùng;
doanh nghiệp dân tộc, quốc gia; lại có cả doanh nghiệp đa/xuyên quốc gia.
d. Tính lịch sử (thời gian văn hoá): Quá trình hoạt động kinh doanh. Không gian văn hoá.
Môi trường xã hội: khách hàng, bạn hàng/đối tác. Môi trường tự nhiên: nơi tồn tại và hoạt
động, nơi cung cấp nguyên liệu.
3.2.4. Các chức năng của văn hoá và Văn hoá doanh nghiệp
Bốn đặc trưng trên là cần và đủ không chỉ cho việc làm căn cứ để định nghĩa văn hoá
mà còn để xác định các chức năng của văn hoá và văn hoá doanh nghiệp.
Bảng 3.1: Các Chức Năng Của Văn Hóa Doanh Nghiệp.
Đặc trưng VH Chức năng VH Chức năng VHDN
Tính hệ thống Tổ chức xã hội Tổ chức doanh nghiệp
Tính giá trị Điều chỉnh xã hội Điều chỉnh doanh nghiệp
Tính nhân sinh Giao tiếp Làm cơ sở giao tiếp trong và ngoài doanh nghiệp
Tính lịch sử Giáo dục Giáo dục- đào tạo trong doanh nghiệp
Là cơ sở cho sự tồn tại ổn định
và bền vững của chủ thể (dân tộc)
Làm cơ sở cho sự thành công bền vững của
doanh nghiệp
Nguồn: Văn hóa doanh nghiệp – Trần NgọcThêm.
Các đặc trưng và chức năng khác (chức năng nhận thức, chức năng giải trí, v.v.) đều
phát sinh từ 4 đặc trưng và chức năng cơ bản này.
3.2.5. Cấu trúc của Văn hoá doanh nghiệp
Định nghĩa văn hoá nêu trên cho phép nhận diện văn hoá doanh nghiệp, phân biệt
VHDN với những khái niệm có liên quan, nhưng chưa cho ta thấy được các bộ phận cấu
thành của nó. Cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp như một khúc gỗ cắt ngang, bao gồm các
yếu tố như:
a. Nhóm yếu tố giá trị.
Có thể ví như lõi trong cùng của cây gỗ được cưa ngang. Phải trồng cây gỗ nhiều năm
mới có được lõi gỗ và nó là phần rắn nhất trong cây gỗ. Tạo dựng được giá trị phải mất
nhiều năm và giá trị chỉ khẳng định được sự xác lập của nó thông qua việc thâm nhập,
chuyển tải các biểu hiện của giá trị vào các nhóm yếu tố chuẩn mực và yếu tố hữu hình.
Điều này cho thấy, giá trị khi đã được xác lập muốn xóa bỏ nó cũng không dễ, nhưng giá
trị cũng có thể bị suy thoái, bị thay đổi trong một số điều kiện.
Cái quan trọng nhất khi nhìn doanh nghiệp ở góc độ văn hóa là các giá trị văn hóa nào
đã được doanh nghiệp đề xướng, quán triệt hay tuân thủ. Ví dụ, một doanh nghiệp đề cao
sự tận tụy với khách hàng là một trong những giá trị mà họ theo đuổi, thì người ta phải
thấy giá trị này được tôn vinh qua phiếu đánh giá của khách hàng về nhân viên, giá trị này
cũng phải được chuyển tải trong tuyển dụng nhân viên.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể nhận một nhân viên còn non yếu về kỹ năng nhưng anh
ta thích thú khi được phục vụ hơn là nhận một người có kinh nghiệm nhưng không có động
cơ phục vụ. Bởi yếu kém về nhận thức, kỹ năng có thể học để bù đắp, còn sự thay đổi động
cơ sẽ khó khăn hơn. Và dĩ nhiên, nhân viên nào làm việc có hiệu quả, phục vụ khách hàng
tốt sẽ là người được thăng tiến, khen thưởng trong doanh nghiệp. Do đó, người ta có thể
nói: "Hãy cho tôi biết trong cơ quan anh chị người được trọng dụng là người như thế
nào, tôi sẽ nói được văn hóa của tổ chức anh chị là văn hóa như thế nào".
b. Nhóm yếu tố chuẩn mực.
Có thể hình dung đây là vòng bên ngoài liền kề với lõi trong cùng của cây gỗ khi cưa
ngang. Nhóm yếu tố chuẩn mực là những quy định không thành văn nhưng được mọi
người tự giác tuân thủ. Chẳng hạn, văn hóa truyền thống của Việt nam vốn đề cao tính
cộng đồng. Cái cá nhân là cái thuộc về cộng đồng. Giá trị này cũng được đưa vào và biểu
hiện trong nhiều tổ chức Việt Nam. Ví dụ, sáng ra đến cơ quan, mọi người thường ngồi
cùng nhau ít phút bên ấm trà chuyện trò về thế sự, hỏi thăm nhau... rồi mới vào việc. Ai
không tham gia cảm thấy không phải và dường như sẽ có khó khăn khi hòa nhập, chia sẻ
trong công việc. Cũng có thể xếp các yếu tố nghi lễ được sử dụng trong các sự kiện quan
trọng của doanh nghiệp, logo... vào nhóm này.