Tải bản đầy đủ (.pdf) (253 trang)

Luận án tiến sĩ nghệ thuật: Nghệ thuật trang trí đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (17.1 MB, 253 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Cao Thị Vân

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ
ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG VÀ ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ
(Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

1.
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT

Hà Nội - 2020


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Cao Thị Vân

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ
ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG VÀ ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ
(Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật


Mã số: 9210101
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Hà Nội - 2020


i

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan bản luận án tiến sĩ Nghệ thuật trang trí đình làng
Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là
công trình do tôi nghiên cứu, thực hiện. Những vấn đề nghiên cứu cùng
những ý kiến tham khảo, tài liệu đều có chú thích nguồn đầy đủ. Tôi xin chịu
trách nhiệm về những nội dung trong luận án.
Hà Nội, ngày 8 tháng 3 năm 2020
Tác giả luận án

Cao Thị Vân


ii

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................ i
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ..............................................................iii
MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 01
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ

KHÁI QUÁT VỀ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ . 07
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ................................................................ 07
1.2. Cơ sở lý luận của đề tài ............................................................................... 15
1.3. Khái quát về đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô .................... 29
Tiểu kết .......................................................................................................... 34
Chương 2: HÌNH THỨC, ĐỀ TÀI VÀ ĐỒ ÁN TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG
LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ .................................................. 36
2.1. Hình thức trang trí .................................................................................... 36
2.2. Đề tài trang trí .......................................................................................... 61
2.3. Đồ án trang trí .......................................................................................... 77
Tiểu kết .......................................................................................................... 91
Chương 3: BỐ CỤC, KHÔNG GIAN VÀ MÀU SẮC TRANG TRÍ ĐÌNH
LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ...................................... 93
3.1. Bố cục trang trí ......................................................................................... 93
3.2. Không gian trang trí ............................................................................... 106
3.3. Màu sắc trang trí..................................................................................... 119
Tiểu kết ........................................................................................................ 129
Chương 4: BÀN LUẬN VỀ ĐẶC TRƯNG VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ 130
4.1. Đặc trưng nghệ thuật trang trí ................................................................ 130
4.2. Giá trị nghệ thuật trang trí ...................................................................... 151
Tiểu kết ........................................................................................................ 161
KẾT LUẬN .................................................................................................. 162
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ .............. 167
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................... 168
PHỤ LỤC ..................................................................................................... 181


iii


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

VM

ĐLLT

Đình làng Lâu Thượng

ĐLHL

Đình làng Hùng Lô

H

Hình

PL

Phụ lục

NCS

Nghiên cứu sinh

Nxb

Nhà xuất bản

TK


Thế kỷ

TP

Thành phố

Tr

Trang


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Nghệ thuật trang trí đình làng là một trong những thành tố quan trọng
trong kho tàng mỹ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam. Theo các nhà nghiên
cứu đi trước, đình manh nha xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV, phát triển rực rỡ
vào cuối TK XVII đầu TK XVIII và thoái trào vào TK XIX. Trong diễn trình
lịch sử mỹ thuật truyền thống của nước nhà, hệ thống đình làng Việt đã tích
hợp được nhiều di sản văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và được phổ biến sâu đậm
trong dân gian.
Ở Phú Thọ có khoảng hơn 200 ngôi đình lớn nhỏ có niên đại khác nhau
được phân bố rộng rãi trong toàn tỉnh. Trong số đó, đình làng Lâu Thượng
(ĐLLT) và đình làng Hùng Lô (ĐLHL) là hai ngôi đình lớn nhất của tỉnh Phú
Thọ, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vừa mang
phong cách trang trí của thời Lê (gắn với sự ra đời của đình) vừa mang phong
cách Nguyễn (gắn với quá trình tu bổ lớn) nhưng lại sở hữu hai phong cách trang
trí có nhiều nét khác biệt (nhất là trong nghệ thuật chạm khắc). Rõ ràng, hai ngôi
đình với vị trí địa lý khá gần nhau nhưng phong cách trang trí có nhiều sự khác

biệt sẽ là vấn đề đáng để người nghiên cứu quan tâm và suy ngẫm.
ĐLLT và ĐLHL đã được một số các nhà nghiên cứu đi trước quan tâm,
tìm hiểu nhưng những nghiên cứu này chủ yếu đều nhìn từ góc độ lịch sử, văn
hóa, còn những nghiên cứu nhìn từ góc độ nghệ thuật học dường như không có
nhiều. Tư liệu nghiên cứu về hai ngôi đình chỉ dừng ở hồ sơ di tích và được lưu
rất hạn chế tại địa phương; một số bài viết điền dã chỉ ở dạng tư liệu nội bộ, một
số đài báo có quay video, làm tư liệu phóng sự nhưng thời lượng còn hạn chế
nên chưa cung cấp được nhiều thông tin… Nhận thấy ĐLLT và ĐLHL là hai
trong số hàng trăm ngôi đình ở đất Phú Thọ có rất nhiều giá trị nghệ thuật được
nhiều tác giả trong nước đánh giá cao, với quy mô bề thế khang trang cùng nhiều


2

hiện vật quý có nhiều lớp niên đại khác nhau nhưng về cơ bản lại chưa được khai
thác và nghiên cứu một cách chuyên biệt. Rõ ràng, đây là khoảng trống cần được
tiếp tục nghiên cứu.
Dựa vào tình hình nghiên cứu về đình làng có thể nhận thấy đình làng là
một vấn đề đã được rất nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm tìm
hiểu chủ yếu khai thác trên các lĩnh vực như: khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật, văn
hóa… nhưng những nghiên cứu về nghệ thuật trang trí đình làng nói chung thì
hầu như chưa có công trình nào đề cập tới (nhất là nghệ thuật trang trí đình làng
ở một đối tượng cụ thể thì hầu như chưa có). Xuất phát từ tình hình thực tế này,
luận án bước đầu nhận định hiện chưa có công trình nghiên cứu nào về nghệ
thuật trang trí đình làng mang tính trường hợp như ĐLLT và ĐLHL. Nên, NCS
lựa chọn đề tài Nghệ thuật trang trí đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng
Lô (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để làm đối tượng nghiên cứu chính của
luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, bởi đây là hai
ngôi đình tương đối tiêu biểu ở Phú Thọ có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và
đặc biệt là giá trị về nghệ thuật. Trên cơ sở kế thừa những thành quả của các nhà

nghiên cứu đi trước, luận án làm rõ tính chất trang trí ở hai ngôi đình để tìm ra
những đặc trưng và giá trị nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL trong hệ thống
đình làng Việt Nam. Góp phần bổ sung những tư liệu còn khuyết thiếu trong kho
tàng nghiên cứu về nghệ thuật dân gian Việt Nam.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL để làm rõ các đặc trưng
và giá trị nghệ thuật của hai ngôi đình trong hệ thống đình làng Việt Nam.
2.3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Luận án làm rõ tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái
quát về ĐLLT và ĐLHL.


3

- Luận án khai thác các biểu hiện của nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL
thông qua các hình thức trang trí, đề tài và đồ án trang trí.
- Phân tích chuyên biệt tính hiệu quả trong việc sử dụng các yếu tố nghệ
thuật tạo hình như: bố cục, không gian và màu sắc trang trí ở ĐLLT và ĐLHL.
- Luận bàn về đặc trưng và giá trị nghệ thuật trang trí của ĐLLT và ĐLHL
trong hệ thống đình làng Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Phạm vi không gian
- Phạm vi nghiên cứu tại hai ngôi đình Lâu Thượng và Hùng Lô ở Tp.
Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Vì cả hai ngôi đình có niên đại khác nhau do vậy luận án tập trung nghiên
cứu vào các hình thức trang trí mang nhiều giá trị nghệ thuật như: chạm khắc,

tượng, đắp nổi vôi vữa, hoành phi, câu đối, tranh vẽ trang trí trên ván gỗ cùng
một số đồ thờ có giá trị.
3.2.2. Phạm vi thời gian
Dựa vào niên đại ra đời di tích trong đó ĐLHL được khởi dựng vào năm
1697, còn ĐLLT không rõ về niên đại, số năm hiện được ghi chép lại trong lý lịch
di tích là số liệu các năm trùng tu, tôn tạo (phần lớn các hạng mục được bổ sung
vào khoảng TK XIX như khu vực nghi môn, hậu cung, các đồ thờ), còn nghệ thuật
chạm khắc ở tòa đại đình Lâu Thượng, nhiều nhà nghiên cứu đi trước khẳng định
những mảng chạm khắc ở ĐLLT có phong cách nghệ thuật cuối TK XVII ở Việt
Nam. Chính vì lịch sử hai ngôi đình được ra đời vào những năm khác nhau đồng
thời đã trải qua nhiều lần trùng tu biến đổi, thay mới. Để đánh giá khách quan,
NCS sẽ dựa vào mốc ra đời của ĐLHL kết hợp với sự nhận định niên đại của
ĐLLT và trải qua quãng trùng tu tôn tạo lớn vào năm 2008 (TK XXI).


4

Do vậy, phạm vi nghiên cứu sẽ giới hạn từ TK XVII đến TK XXI ở Việt Nam.
4. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
4.1. Câu hỏi nghiên cứu
Câu hỏi 1: Nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL được biểu hiện như thế
nào trong các: hình thức, đề tài, đồ án, bố cục, không gian và màu sắc trang trí?
Câu hỏi 2: Nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL mang phong cách tạo hình
dân gian Việt Nam hay được tiếp biến từ tạo hình mỹ thuật Trung Hoa và Ấn Độ?
Câu hỏi 3: Đặc trưng và giá trị nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL được biểu
hiện như thế nào so với các ngôi đình khác trong hệ thống đình làng Việt Nam?
4.2. Giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết 1: Nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL được biểu hiện đa dạng
trong các hình thức trang trí như: chạm khắc, tượng, đắp nổi vôi vữa, hoành phi
câu đối cùng một số đồ thờ có giá trị, được thể hiện bằng nhiều đề tài, các đồ án

trang trí và điểm tô bởi nhiều màu sắc khác nhau, được xắp xếp trong không gian
ngoại đình và nội đình bởi các hình thức bố cục như đối xứng, phân tầng hay
nương theo kiến trúc để trang trí.
Giả thuyết 2: Nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL phần lớn mang đậm
phong cách tạo hình dân gian cùng mỹ cảm truyền thống dân tộc của người Việt,
bên cạnh sự tiếp biến về tạo hình của mỹ thuật Trung Hoa và Ấn Độ
Giả thuyết 3: Nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL tuy mang nhiều nét
tương đồng so với những ngôi đình khác trong hệ thống đình làng Việt Nam
nhưng vẫn có những đặc trưng và giá trị nghệ thuật riêng biệt mà không phải
ngôi đình nào cũng có (nhất là hình tượng rồng nhân dạng ở ĐLLT).
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu thứ cấp: Thông qua nghiên
cứu sách báo, tạp chí, bài báo khoa học, tài liệu trong và ngoài nước để tìm ra
những ý tưởng khoa học mới. Từ đó hình thành nên những luận điểm cần phải
làm sáng tỏ trong luận án.


5

Phương pháp điền dã: thông qua các chuyến điền dã thực tế nhằm giúp
NCS thu thập, xác minh các dữ liệu phục vụ nghiên cứu một cách rõ ràng, minh
bạch như: xem xét hiện vật di tích, đo đạc, đạc họa, chụp ảnh…
Phương pháp thống kê, so sánh: luận án thống kê các số liệu trong di tích,
so sánh đối chiếu với các di tích khác để tìm ra phong cách nghệ thuật trang trí
điển hình của đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp liên ngành: luận án dựa vào thành tựu nghiên cứu của các
ngành có liên quan tới luận án như: kiến trúc, lịch sử, dân tộc, địa lý, văn hóa,…để
từ đó luận giải các vấn đề có liên quan trong luận án.
Bên cạnh đó, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu đặc thù trong
ngành nghệ thuật học như: phân tích các yếu tố về bố cục, về đường nét, họa tiết,

ánh sáng, màu sắc, chất liệu, khối, không gian đậm nhạt, ánh sáng, tỉ lệ, mảng,
hình tượng, lượng, chất liệu… cùng các nguyên tắc của nghệ thuật trang trí như:
đối xứng, lặp lại, phá thế, đảo chiều, cân đối để từ đó rút ra những đặc trưng và
giá trị nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình trên cơ sở giải mã về mặt biểu tượng
trong các dạng thức được trang trí ở ĐLLT và ĐLHL.
6. Những đóng góp mới của luận án
6.1. Đóng góp về mặt lý luận
Về phương diện lý luận và lịch sử mỹ thuật: Đề tài là công trình nghiên
cứu chuyên biệt theo hướng tiếp cận nghệ thuật học qua việc nghiên cứu
mang tính trường hợp của nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL (ở TP Việt Trì,
tỉnh Phú Thọ) mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa tạo nên những nét đặc
trưng riêng trong nghệ thuật trang trí đình làng Việt Nam.
Đối với nghệ thuật tạo hình: Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu
về nghệ thuật trang trí ở ĐLLT và ĐLHL trên cơ sở làm rõ các giá trị về nghệ
thuật tạo hình được biểu hiện trong các hình thức trang trí, đề tài và đồ án trang trí.
Với giáo dục thẩm mỹ: Thông qua các chuyến nghiên cứu điền dã, đạc
họa cùng một số bản vẽ mô tả về các đồ án trang trí sẽ cho cái nhìn khoa học về


6

các yếu tố tạo hình được soi tỏ dưới các biểu tượng văn hóa dân tộc từ đó khơi
dậy niềm đam mê yêu thích nghệ thuật trang trí truyền thống của nước nhà.
6.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
- Góp phần bổ khuyết những khoảng trống về tư liệu của ĐLLT và ĐLHL
trong quá trình điền dã và khảo sát, hệ thống hóa tư liệu liên quan tới nội dung
luận án.
- Cung cấp cho các nhà nghiên cứu, những nhà làm công tác quản lý di
tích những thông tin tư liệu xác thực dưới các góc độ: lịch sử, kiến trúc, chạm
khắc, đắp nổi vôi vữa (nề, ngõa), tranh vẽ trên gỗ, tín ngưỡng dân gian,…

7. Kết cấu của luận án
Luận án ngoài phần mở đầu (6 trang), kết luận (5 trang), tài liệu tham
khảo (12 trang), phụ lục (70 trang), nội dung được kết cấu 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về
đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (29 trang).
Chương 2: Hình thức, đề tài và đồ án trang trí đình làng Lâu Thượng và
đình làng Hùng Lô (57 trang).
Chương 3: Bố cục, không gian và màu sắc trang trí đình làng Lâu Thượng
và đình làng Hùng Lô (37 trang).
Chương 4: Bàn luận về đặc trưng và giá trị nghệ thuật trang trí đình làng
Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (31 trang).


7

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ KHÁI QUÁT VỀ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Theo các nhà nghiên cứu đi trước, nguồn gốc đình làng manh nha ra đời
vào thế kỷ XV nhưng nghiên cứu về đình làng thì chỉ mới bắt đầu từ TK XX. Đã
có nhiều nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá đình làng ở các khía cạnh khác nhau
được phân định theo phong cách nghệ thuật và kiến trúc trong đó có các nhà
nghiên cứu thời kỳ đầu như: Nguyễn Văn Khoan, Hà Văn Tấn, Chu Quang Trứ,
Trần Lâm Biền, Thái Bá Vân... Mỗi tác giả lại đề cập tới các khía cạnh liên quan
tới kiến trúc, điêu khắc, hình tượng con người, hình tượng rồng,... Qua tổng hợp
các dạng tài liệu, NCS phân định theo trình tự về mặt thời gian như sau:
Trong những năm đầu của của TK XX, cụ thể vào năm 1932, Nguyễn Văn
Khoan với công trình nghiên cứu về đình bằng tiếng Pháp Essai sur le đình et le

culte du génie tutélaire des villages au Tonkin (Khảo luận về ngôi đình và việc
thờ Thành Hoàng của các làng xã ở Bắc Kỳ), BEFEO, 1930 [148] (Tác giả là
một trong những trợ lý xuất sắc của Viện Viễn Đông Bác cổ - một trung tâm
nghiên cứu của Pháp về Đông Dương, ông đã hỗ trợ cho Pierre Gourou trong
công trình nghiên cứu Người nông dân Châu Thổ Bắc Kỳ). Đây được coi là công
trình nghiên cứu đầu tiên về đình và những đóng góp của ông đã được nhà
nghiên cứu người Pháp tên là Bezacier trong L’art Vietnamien, Paris (1955) đánh
giá rất cao. Bằng ngòi bút sắc sảo, tác giả đã luận bàn chi tiết về tín ngưỡng thờ
Thành Hoàng làng, lễ hội, tục hèm,… cùng một số ảnh về đồ thờ và đồ vật được
trang trí trong đình Yên Mẫn. Cuốn sách là tư liệu quý và có giá trị trong kho tàng
văn hóa dân gian viết về đình. Tuy nhiên trong toàn bộ nghiên cứu của mình, một
phần rất quan trọng để làm nên nét đẹp của ngôi đình chưa được tác giả quan tâm


8

đến đó là nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc. Đối tượng khảo tả của tác giả cũng
chỉ xoay quanh đình Yên Mẫn mà chưa có sự mở rộng ra các ngôi đình khác.
Tiếp nối nghiên cứu về đình là Chu Quang Trứ trong bài viết Về phong
cách và niên đại đình Lâu Thượng được lưu trong tài liệu nội bộ của Viện nghiên
cứu Mỹ thuật (1969) [106]. Đây là tập tài liệu được tác giả viết vào những năm
cuối thập niên 60 của TK XX trong một chuyến điền dã thuộc hệ thống nghiên
cứu về các ngôi đình làng ở miền Bắc Việt Nam. Tài liệu đã bước đầu phân tích,
đánh giá khá tỉ mỉ về phong cách và niên đại của ĐLLT. Trong đó, nêu sơ lược
được về tình hình địa phương, tên gọi địa danh, lý lịch sơ bộ các vị Thành Hoàng
làng và cùng đó cũng đi khá chi tiết về các mốc dựng đình và miêu tả các chạm
khắc trên kiến trúc tương đối tỉ mỉ. Điểm mạnh của tài liệu này là tính công phu,
phân loại ra được các chạm khắc theo niên đại, mang tính khảo tả cao. Chính vì
điểm mạnh ấy, NCS có thể hình dung được vào năm 1969 ĐLLT có hiện trạng
như thế nào… Tuy nhiên, một phần tạo nên tính thẩm mỹ cho ngôi đình là nghệ

thuật trang trí trên các cấu kiến trúc được biểu hiện dưới dạng bố cục, không gian,
đồ án, đề tài, hình thức trang trí vẫn chưa được tác giả quan tâm nhiều… Vậy nên,
đây sẽ là hướng mở để NCS tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, trong luận án.
Vào năm 1996, Nguyễn Anh Tuấn với luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành
khảo cổ học với đề tài Cụm đình Tam Canh trong hệ thống đình làng Vĩnh Phú
[94]. Công trình nghiên cứu của tác giả bước đầu nghiên cứu về ba ngôi đình
trên đất Vĩnh Phúc, đây là một cụm di tích gồm: đình Hương Canh – đình Ngọc
Canh và đình Tiên Hường. Đề tài nghiên cứu về cảnh quan, di tích và những vị
thần Tam Canh, kết cấu kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc,... đáng lưu ý trong
phần 4 tác giả ít nhiều đã kể tên, khảo tả sơ bộ một vài ngôi đình tiêu biểu về
kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của các ngôi đình miền trung du trong đó có
ĐLLT và ĐLHL. Vì hai đình được nhắc tới không nhiều trong luận án nên thông
tin tác giả cung cấp còn sơ sài và mang tính khái quát. Bên cạnh đó, tính trang trí
và tính nghệ thuật tạo hình như: bố cục, không gian, màu sắc trong nghệ thuật


9

trang trí ở ĐLLT và ĐLHL vẫn chưa được tác giả khai thác và đề cập tới trong
các nghiên cứu về sau này. Vì thế đây sẽ là hướng mở để luận án tiếp tục thực
hiện. Có thể nói rằng, đây được coi là một công trình đề cập nhiều nhất tới hai
ngôi đình là đối tượng nghiên cứu của đề tài, giúp NCS so sánh, đối chiếu sát
hơn trong quá trình thu thập tài liệu và phân tích.
Đến năm 1998, Hà Văn Tấn cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự đã khảo
sát các ngôi đình tiêu biểu trên khắp cả nước để viết nên cuốn Đình Việt Nam
[81] – đây được coi là một cuốn sách nghiên cứu có sự đầu tư cả về tư liệu khoa
học và hình ảnh minh họa rất rõ ràng, sinh động. Trong đó bản đầu tiên bao gồm
62 ngôi đình tiêu biểu từ Nam ra Bắc được viết bằng hai thứ tiếng (Tiếng Việt và
Tiếng Anh), cho đến nay cuốn sách vẫn còn có sức hút đối với độc giả cả nước khi
mà chỉ trong vòng 15 năm sách đã được tái bản tới lần thứ 3 vào năm 2013 và ở bản

in này sách được in bằng tiếng Việt và nâng tổng số khảo sát ngôi đình lên tới con
số 100 với sự đầu tư công phu và chất lượng hình ảnh đẹp đã giúp độc giả có cái
nhìn tổng quan về những ngôi đình giá trị trên mọi miền. Phần lớn trong cả hai cuốn
sách đều lược tả hai ngôi đình về nguồn gốc xuất hiện, diễn biến kiến trúc qua thời
gian và không gian, nghệ thuật điêu khắc. Qua tư liệu ảnh chụp năm 1998 được in
trong sách cộng với sự so sánh về thực tế các mảng chạm khi NCS đi điền dã từ
năm 2015 - 2019, rõ ràng các mảng chạm khắc trên kiến trúc ĐLLT vào năm 1998
bị hư hỏng khá nhiều. Theo nhận định ban đầu, một số chi tiết ở các mảng chạm
hoàn chỉnh ở thời hiện tại có thể đã được lắp ghép lại ở những chi tiết nhỏ bị rơi,
rụng trong quá trình trùng tu tôn tạo như: đao mác, mây lửa, một số thân rồng con…
Đây là một cứ liệu hết sức quan trọng, giúp NCS làm cơ sở vững chắc để phân định
niên đại và phân tích một cách khách quan hơn trong quá trình nghiên cứu.
Tiếp tục chuỗi những nghiên cứu về đình làng của mình, Chu Quang Trứ
đã xuất bản cuốn Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật (2002). Trong đó có một số
bài viết về đình làng như: Đình Hữu Bổ, Đình Thổ Hà, Đình Trà Cổ, Đình Chu
Quyến, Đình Phù Lão, Đình Hồi Quan,… đặc biệt trong cuốn sách này có bài


10

viết về “Đình Xốm với sự chuyển hóa từ đền sang đình” [111, tr.526], với những
dẫn chứng công phu về các mốc thời gian ra đời và tu sửa cho đến hoàn thiện
ĐLHL trên cơ sở từ một ngôi đền, trong bài viết này phần lớn tác giả đi sâu phân
tích hệ thống kiến trúc của tòa đại đình. Đánh giá đây là tư liệu lịch sử quý về
ĐLHL với những khảo cứu khá chi tiết, sẽ phần nào giúp NCS có thêm cơ sở đối
chiếu tư liệu trong quá trình hoàn thiện luận án. Tuy nhiên, bài viết về ĐLHL
được tác giả nghiên cứu trên tinh thần tiếp cận theo hướng văn hóa học, vì vậy
luận án sẽ tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật trang trí ĐLHL theo hướng tiếp cận
nghệ thuật học.
Năm 2006, một trong những nghiên cứu về đình có tính khảo sát và

chuyên biệt là cuốn Mỹ thuật đình làng ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Văn hóa
Thông tin [28] của Nguyễn Văn Cương. Trong cuốn sách này, Nguyễn Văn
Cương đã miêu tả nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đình làng theo sự phân cắt
các biểu tượng với những tư liệu phong phú. Theo tác giả, các yếu tố văn hóa đã
chi phối các giá trị thẩm mỹ, mô thức thẩm mỹ của người Việt khi nghiên cứu
mỹ thuật đình làng từ góc độ nghệ thuật học... Đáng chú ý, trong một công trình
có đối tượng khảo sát lớn như thế này, tác giả có điểm qua và nhắc đến cả hai
ngôi đình Lâu Thượng và Hùng Lô ở một vài chi tiết trong phần đặc trưng của
chạm khắc đình làng Bắc Bộ như: tượng thờ Hai Bà Trưng ở đình Lâu Thượng
(tượng cũ), tranh trang trí ở ĐLHL. Tuy nhiên, tác giả vẫn chưa phân tích về
nghệ thuật trang trí của hai đình này trong một số phần mô tả khác. Vì vậy, luận
án sẽ tiếp tục đi sâu, nghiên cứu và chứng minh tính trang trí của ĐLLT và
ĐLHL là mang tính điển hình như tác giả đã nêu lên trong hệ thống trang trí đình
làng Việt Nam.
Cuốn Đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ do Trường Đại học Mỹ thuật Việt
Nam xuất bản (2013) [138]. Trong lời tựa, Lê Văn Sửu – Hiệu trưởng trường Đại
học Mỹ thuật Việt Nam cũng đưa ra nhận định rằng: “Cuốn sách tập hợp tư liệu,
không phải là công trình nghiên cứu mang tính chuyên luận, chưa đi sâu nhưng


11

đa diện”, “Từ một số ngôi đình điển hình, các tác giả cũng đề cập tới những thao
tác nghệ thuật và phần nào đã bước vào hệ thống giá trị biểu tượng mà người xưa
đã lập”, “Bằng vào sự sắp xếp theo niên đại hiện còn được xác định được trong
di tích, các tác giả như vô tình đã đưa người đọc theo con đường lịch sử nảy sinh,
tồn tại, phát triển và suy vong của kiến trúc” [138, lời tựa, tr.87]. Theo ý này, khi
quan sát phần mục lục cho thấy cả hai ngôi đình làng Lâu Thượng và Hùng Lô
đều nằm ở vị trí tương đối gần nhau và ở khoảng giữa (tức ra đời vào thời kỳ
phát triển và hưng thịnh nhất trong cả một chu kỳ ra đời và kết thúc của các ngôi

đình làng Việt ở vùng Châu thổ Bắc Bộ),… Với các tư liệu quý báu đó phần nào
giúp NCS bổ sung kiến thức, so sánh ĐLLT và ĐLHL để đối chiếu với các ngôi
đình trên cả nước mà NCS chưa có dịp khảo sát trực tiếp.
Đặc biệt, một trong những công trình nghiên cứu chuyên biệt về nghệ
thuật trang trí một cách vĩ mô là cuốn Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của
người Việt, (2011) của Trần Lâm Biền [12]. Cuốn sách nghiên cứu về các lớp ý
nghĩa của những hoa văn chạm khắc trên kiến trúc tôn giáo (trong đó có nghệ
thuật trang trí trên kiến trúc đình làng). Đây là công trình nghiên cứu tổng hợp,
được đúc kết qua quá trình khảo sát thực tiễn của người viết dày kinh nghiệm,
công trình bao quát về nghệ thuật trang trí truyền thống của người Việt qua các
giai đoạn từ thời tiền sử, Đông Sơn cho đến thời tự chủ. Mặt khác, tác giả đã có
sự so sánh, đối chiếu và đưa ra ví dụ rất cụ thể trên từng đối tượng. Dựa vào
công trình tổng hợp này, luận án có thể đối chiếu để tìm ra nét đặc trưng riêng có
của ĐLLT và ĐLHL trong hệ thống trang trí mỹ thuật truyền thống của người
Việt. Rõ ràng, với một công trình có đối tượng khảo sát lớn xuyên suốt qua nhiều
thời kỳ nên việc đi sâu vào tính trang trí cụ thể trong ĐLLT và ĐLHL đương
nhiên sẽ không được nhắc tới cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, luận án sẽ tiếp tục đi
sâu, làm rõ và bổ sung những đặc điểm nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình.
Trong cuốn Đình làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ) (2014) thuộc dự án của
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam do Trần Lâm Biền chủ biên [16]. Đây là một


12

cuốn sách không những nêu được khái quát sự về sự hình thành và phát triển của
đình làng mà còn khảo tả khái quát về nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, các lễ hội
gắn với đình làng của vùng đồng bằng châu thổ một cách chân thực, đầy đủ, hệ
thống. Tác giả lấy ví dụ phần lớn từ các ngôi đình tiêu biểu như bức: thổi tiêu,
chèo thuyền (đình Hương Canh - Vĩnh Phúc – tr.123), phượng, hươu, rồng (đình
Lỗ Hạnh Bắc Giang– tr29,132,133), lân (đình Thổ Hà – Bắc Giang – tr.130),

bản vẽ rồng (đình Lỗ Hạnh – Bắc Giang – tr.131), bản phượng rập (đình Thổ Hà
– Bắc Giang – tr.131),… Tuy nhiên, cuốn sách không có các dẫn chứng về
ĐLLT và ĐLHL vì thế nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình này vẫn còn là nghiên
cứu bỏ ngỏ và đây là lý do luận án tiếp tục thực hiện.
Trong số những nghiên cứu của Trần Lâm Biền, một luận điểm đáng chú
ý trong cuốn Con đường tiếp cận lịch sử (2013) [15] có liên quan trực tiếp tới đề
tài, tác giả khẳng định: “có một tạo hình Mạc đích thực, làm tiền đề cho một
dòng chảy mỹ thuật dân dã phát triển tới cao đỉnh ở thế kỷ XVII. Cũng không thể
quên được đình làng Lâu Thượng, đình làng Hùng Lô một điển hình của dòng
nghệ thuật riêng. Nơi ấy, những con rồng lớn, như quá cỡ, mà khó có thể thấy
trên chạm gỗ của các di tích khác” [15, tr.369]. Từ luận điểm trên đây, tác giả đã
khẳng định rất rõ ràng về một phong cách Lâu Thượng có sự khác biệt lớn so với
các ngôi đình khác, sẽ là cơ sở để người nghiên cứu khẳng định về sự khác biệt
của ngôi đình này trong quá tình phân tích và nghiên cứu.
Cuốn sách Kiến trúc đình làng Việt (Qua tư liệu của Viện bảo tồn di tích)
– Tập 1, Nxb Văn hóa Dân tộc (2017) [137]. Đây là nghiên cứu mới xuất bản
nhưng đã được các các độc giả rất quan tâm tìm đọc bởi trong đó chứa những
thông tin cơ bản về tên gọi các cấu kiện kiến trúc, các bản vẽ mô tả rất chi tiết về
mặt cắt, mặt bằng tổng thể, mặt đứng và cũng như nghệ thuật trang trí trên đó,…
Tuy cuốn sách chỉ khai thác 15 ngôi đình được xuất phát từ các ngôi đình cổ có
giá trị ở miền Bắc Việt Nam và trong đó quần thể ĐLHL được các nhà nghiên
cứu khảo tả, đạc họa bằng các bản vẽ kỹ thuật rất đẹp về mặt bằng kiến trúc với


13

một số họa tiết trang trí trên các cấu kiện cơ bản. Mặc dù có bản vẽ mô tả nhưng
các mô típ trang trí ở ĐLHL vẫn còn rất hạn chế và ở đây cũng không có bản vẽ
đạc họa ĐLLT cùng các mô típ trang trí, vì thế luận án tiếp tục nghiên cứu để
hoàn thiện bổ sung nhất là các đồ án trang trí ở hai ngôi đình.

Nhìn chung, qua một vài tài liệu nghiên cứu về đình ở trong nước qua các
thời kỳ lịch sử cho thấy nguồn tư liệu viết về các ngôi đình ở Việt Nam là rất lớn
nhưng các tư liệu viết về ĐLLT và ĐLHL lại không có nhiều, đặc biệt là chưa có
công trình nào nghiên cứu một cách chuyên biệt về nghệ thuật trang trí ở ĐLLT
và ĐLHL. Mỗi một nhà nghiên cứu đều có cách tìm tòi những hướng đi khác
nhau, một số ngôi đình được nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm như: đình
Yên Mẫn, đình Thổ Hà, đình Chu Quyến, đình Đình Bảng, đình Hương Canh…,
các công trình đều được xuất bản thành sách và được phổ biến nhiều trên các tạp
chí chuyên ngành và được nhiều người biết tới. Còn lại, hai ngôi đình ở miền đất
cổ bên dòng Tam giang lịch sử có lối trang trí được nhiều nhà khoa học đánh giá
là tiêu biểu trong hệ thống đình làng Việt Nam thậm chí còn được gọi tên là
“phong cách Lâu Thượng” nhưng vẫn chưa được nghiên cứu một cách chuyên
biệt, nếu có cũng chỉ được lồng ghép trong các công trình ở tầm vĩ mô. Một vài
nghiên cứu đã có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn về ĐLLT và ĐLHL nhưng chỉ
dừng lại khía cạnh sử học, văn hóa học, hay mô tả đạc họa kiến trúc (ĐLHL),
còn lại phần lớn các nghiên cứu về hai ngôi đình chỉ dừng ở mức khảo tả, chưa
đi sâu vào phân tích, so sánh, để tìm ra nét đặc trưng và giá trị nghệ thuật trang
trí. Chính vì lẽ đó, đây sẽ là hướng mở để NCS tiếp tục hoàn thiện với tên đề tài
Nghệ thuật trang trí đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (Thành phố
Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
1.2.1.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Có thể nói nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam đã được các
nhà nghiên cứu người Pháp quan tâm từ cuối TK XIX – đầu TK XX, nội dung
nghiên cứu chủ yếu là kiến trúc nhà ở, tranh dân gian Việt Nam, các phong tục


14

tập quán sinh hoạt truyền thống của người Việt, bên cạnh đó cũng có một số
nghiên cứu về đình nhưng chưa hệ thống và chỉ được điểm xuyết trong các công

trình lớn, tiêu biểu như:
Một công trình nghiên cứu về địa lý, nhân văn của Pierre Gourou trong
cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ được xuất bản bởi Viện Viễn Đông Bác
cổ (EFEO) vào những năm 30 của TK XX [134]. Công trình là sự đầu tư nghiên
cứu công phu, đề cập được nhiều vấn đề liên quan tới địa lý, khí hậu, nông
nghiệp, dân số, lệ làng,… của những người nông dân vùng châu thổ Bắc Kỳ nói
chung. Trong đó đáng chú ý, tác giả đã mô tả sơ bộ về một đình làng mà theo tác
giả là “lớn nhất và đẹp nhất Bắc Kỳ” [134, tr.352] đó là Đình làng Đình Bảng.
Những bản vẽ đạc họa dưới sự cộng tác của sinh viên trường Mỹ thuật Đông
Dương về đình Đình Bảng rất tỉ mỉ, mô tả kiến trúc theo các mặt cắt chính diện,
mặt nghiêng theo luật thấu thị và có sự so sánh với ngôi nhà của người miền núi…
Ngoài Pierre Gourou, tiêu biểu là Léopold Cadiere với công trình Les
motifs L'art Anamite. B.A.V.H. No.1 [149] (Họa tiết trong mỹ thuật An Nam) là
công trình được tác giả trau chuốt với những bản vẽ rất đẹp, tỉ mỉ và công phu
mô tả lại các đối tượng trang trí như: gương đồng, hạc đứng trên lưng rùa, bộ
cửa gỗ, hoành phi, lân trên đỉnh cột trong các công trình đình, chùa, đền của
người Việt. Thông qua sự nỗ lực của Léopold Cadiere trong việc vẽ lại các mô
típ trang trí ta có thể thấy các hoa văn họa tiết trang trí của người An Nam thể
hiện ở nhiều dạng thức bố cục cũng như ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình khác nhau
nhất là các nguyên tắc trang trí được sử dụng triệt để như: đăng đối, nhắc lại, xen
kẽ, phá thế. Tuy công trình là một bước tiến lớn khi áp dụng kiến thức khoa học
trong công việc nghiên cứu mỹ thuật của người Việt nhưng dường như thật thiếu
sót khi các mảng chạm khắc trên cấu kiện kiến trúc ở những ngôi đình làng hầu
như bị tác giả bỏ quên.
Ngoài hai tác giả tiêu biểu kể trên, còn có một số tác giả khác như
Tingley, Nancy (2009) viết Arts of Ancient Vietnam from river plain to open sea


15


(Nghệ thuật cổ Việt Nam từ sông ra biển lớn) [144] tuy nhiên không có có
nghiên cứu về đình; Kerry Nguyễn Long viết trong cuốn Arts of Viet Nam 1009 1945 (Nghệ thuật của Việt Nam 1009 – 1945) (2013) [146], cuốn sách tổng hợp
trong các chương phân chia theo các triều đại trong lịch sử và khai thác nghệ
thuật trang trí trong các công trình nghệ thuật qua các thời đại ở Việt Nam nhưng
vẫn còn hạn chế.
Rõ ràng, công lao của các nhà nghiên cứu người Pháp trong việc tìm hiểu
về văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cuối TK XIX - đầu TK XX về bối cảnh,
nghệ thuật trang trí, kiến trúc của người An Nam là vô cùng giá trị… Tuy nhiên,
các nghiên cứu về đình chủ yếu nhìn từ góc độ lịch sử, dân tộc học, còn nghệ
thuật trang trí đình làng mới chỉ dừng lại ở cung cấp các bản vẽ đạc họa kiến trúc
và mô típ trang trí trên bờ guột của mái đình. Vậy nên, nghệ thuật trang trí
ĐLLT và ĐLHL vẫn là khoảng trống về tư liệu cần được tiếp tục bổ sung và
nghiên cứu.

1.2. Cơ sở lý luận của đề tài
1.2.1. Khái niệm cơ bản và thuật ngữ liên quan
1.2.1.1. Khái niệm cơ bản
* Khái niệm trang trí:
Trang trí là thuộc tính của nghệ thuật, xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài
người. Trang trí gắn liền với nhu cầu làm đẹp, nhằm thoả mãn nhu cầu văn hoá
tinh thần của con người. Tư liệu khảo cổ học cho thấy, ngay từ xã hội nguyên
thuỷ, trang trí đã có các biểu hiện và hình thức thể hiện vô cùng phong phú, như
tạo tác các đồ trang sức, vẽ các hình vẽ trên cơ thể… Theo thời gian, trang trí
phát triển ngày càng hoàn thiện, không chỉ thể hiện sự tài khéo, mà còn phản ánh
ở trong đó bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.

Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, trang trí được định nghĩa
là: “Bố trí các vật thể có hình khối, đường nét, màu sắc khác nhau sao cho tạo
ra một sự hài hòa, làm đẹp mắt một khoảng không gian nào đó” [73, tr.1308].



16

Theo định nghĩa trong từ điển Bách khoa thư nghệ thuật phổ thông, trang
trí được định nghĩa như sau:
Trang trí (decoration) là một tổng hợp những thuộc tính nghệ thuật để
làm tăng vai trò biểu hiện cảm xúc và tổ chức mỹ thuật của những tác
phẩm nghệ thuật trong môi trường vật thể bao quanh con người. Chiếm
vị trí quan trọng trong việc tạo ra ấn tượng trang trí của tác phẩm nghệ
thuật là: đồ trang trí, là sự biểu cảm những vẻ độc đáo tự nhiên của
những chất liệu và những đặc tính cố hữu của các hình thức nghệ thuật,
là tổ chức bố cục những nhịp điệu của đường nét, của các khối hình và
các mảng màu sắc,… Trang trí là một trong những phương tiện nghệ
thuật chính của những tác phẩm nghệ thuật trang trí tạo hình. Trang
trí có mặt như một thành tố cố hữu của các tác phẩm nghệ thuật tạo
hình và nghệ thuật kiến trúc [141, tr.212 – 214].
Dựa vào hai định nghĩa trên đây, cho ta thấy sự khá đồng nhất trong việc
định nghĩa về trang trí, rõ ràng trang trí là một thuộc tính làm tăng tính chất thẩm
mỹ cho một tác phẩm nghệ thuật thông qua việc sử dụng các yếu tố về tạo hình
như bố cục, đường nét, hình khối, màu sắc,… đây được xem là một thành tố
quan trọng trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật kiến trúc để làm
tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm nghệ thuật.
* Khái niệm nghệ thuật trang trí:
Cũng vẫn theo từ điển Bách khoa thư nghệ thuật phổ thông, khái niệm
về Nghệ thuật trang trí được làm rõ hơn và đặc biệt nhấn mạnh ở tương quan
kiến trúc như sau:
Nghệ thuật trang trí là một lĩnh vực của nghệ thuật tạo hình, mà những
tác phẩm của nghệ thuật này, cùng với kiến trúc tạo ra một cách nghệ
thuật một môi trường vật chất bao quanh con người, đem vào môi
trường đó tính thẩm mỹ, tính tư tưởng và tính hình tượng. Nghệ thuật

trang trí được chia ra thành Nghệ thuật trang trí hoành tráng gắn bó


17

trực tiếp với kiến trúc (tạo ra các hình trang trí kiến trúc, các bức tranh
tường, các hình phù điêu, các bức tượng, các bức tranh kính, các bức
tranh khảm… để trang trí mặt tiền, nội thất, thậm chí cả điêu khắc công
viên), Nghệ thuật trang trí mỹ thuật (tạo ra các đồ vật sinh hoạt), và
Nghệ thuật bài trí (bài trí các trưng bày, lễ hội, bảo tàng… [141, tr.212].
Dựa vào định nghĩa trên đây, cho ta cái nhìn rất cụ thể về nghệ thuật trang
trí. Nếu khái niệm về trang trí đơn thuần chỉ là sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật tạo
hình để làm tăng tính thẩm mỹ như bố cục, đường nét, hình khối, màu sắc, chất
liệu,… thì khái niệm về nghệ thuật trang trí còn bổ sung thêm ngoài tính thẩm
mỹ còn mang cả tính tư tưởng và tính hình tượng rất rõ nét được chia theo các
hạng mục khác nhau như: trang trí nội thất, trang trí mặt tiền, các bức tượng,
tranh, bức khảm, thậm trí cả việc bài trí, trưng bày… tất cả được đặt trong một
không gian bao quanh con người để làm tăng tính chất thẩm mỹ.
Nhưng trong từ điển Oxford Dictionary of Art, lại có một tư duy phân loại
khác khi cho rằng: “Nghệ thuật trang trí thường được sử dụng nhiều, ít nhiều đồng
nghĩa với nghệ thuật ứng dụng nhưng cũng có thể chấp nhận đối tượng được thực
hiện hoàn toàn là trang trí, mà không có bất kỳ mục đích thực tế nào” [142, tr.256]
Nhưng, đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật ở Việt Nam như Nguyễn Du
Chi, Nguyễn Phi Hoanh, Trần Lâm Biền, Ngô Văn Doanh,… đều thống nhất quan
niệm trang trí trong mỹ thuật truyền thống của Việt Nam là mang tính biểu tượng.
Điển hình như Trần Lâm Biền trong cuốn Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của
người Việt viết “Hoa văn trên dải đất chữ S không chỉ nhằm mục đích đơn thuần để
trang trí cho kiến trúc hoặc các hiện vật nào đó, mà chúng là sự kết tinh “muôn đời
muôn thủa” của dân tộc Việt” [12, tr.8]. Hay như trong cuốn Mỹ thuật Việt Nam của
Nguyễn Phi Hoanh khi cho rằng: “Nghệ sỹ Việt Nam chẳng những cách điệu đồ án

cho đẹp và thích hợp với bố cục trang trí, mà có điểm đặc sắc nhất là tưởng tượng
làm cho các vật biến thể ra vật khác để tăng thêm ý nghĩa và tính chất trang trí của
đồ án” [49, tr.321].


18

Do vậy, khi áp dụng thuật ngữ này vào nghiên cứu về nghệ thuật trang trí
ĐLLT và ĐLHL cần phải kết hợp giữa lý luận khoa học phương Tây và mật ngữ
phương Đông mới tìm ra được đúng bản chất thật sự của đối tượng nghiên cứu. Do
vậy, nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL không chỉ đơn giản là làm đẹp mà còn
biểu thị cho những giá trị biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa của người Việt.
* Khái niệm đình làng
Trong cuốn Đình Việt Nam [78], Hà Văn Tấn cho rằng: “Đình là ngôi
nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam. Nơi đây ba chức năng được
thực hiện: hành chính, tôn giáo và văn hóa... Có thể nói đình là một tòa thị
chính, một nhà thờ và một nhà văn hóa cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi
đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình
của văn hóa làng Việt Nam” [78, tr.13].
Tiếp nối khái niệm về đình, cuốn Mỹ thuật đình làng đồng bằng Bắc Bộ
[19] Nguyễn Văn Cương cũng nhận định:
Khái niệm đình khi du nhập vào Việt Nam, đã được tiếp thu và biến đổi
như sau: Một là, là du nhập nguyên mẫu. Giới thượng lưu, quý tộc
phong kiến đã xây dựng đình theo kiểu Trung Quốc để sinh hoạt và giải
trí hoặc sau này vào thời Nguyễn phương đình được “cấy” vào khuôn
viên đình làng trước đại đình với chức năng nhà tiền tế; các điểm dừng
chân cho du khách, như đình trạm. Hai là, người Việt chỉ mượn từ
“đình” để gọi ngôi kiến trúc – nhà công cộng của làng xã như một thiết
chế văn hóa – tín ngưỡng, với ba chức năng dần được hình thành theo
sự phát triển của đình làng: hành chính, văn hóa, tín ngưỡng. Thiết chế

tổng hợp như đình làng Việt Nam ở Trung Quốc không có [19, tr.54].
Rõ ràng “đình làng” là khái niệm chỉ có ở Việt Nam sau một thời gian du
nhập và biến đổi. Đình làng vừa có chức năng hành chính vừa là nơi thờ tự, qua
đó cũng là biểu tượng của làng xã người Việt đồng thời cũng là nơi mà nghệ
thuật dân tộc được thăng hoa. Cần phải nhìn nhận đình làng như một tác phẩm


19

nghệ thuật thực thụ nên khi áp dụng các thuật ngữ hay các quan điểm, lý thuyết
từ phương tây nếu hiểu máy móc đôi khi sẽ cho các nhà nghiên cứu có cái nhìn
cứng nhắc về đình làng của người Việt.
Nếu đối chiếu với các khái niệm về trang trí, nghệ thuật trang trí và khái
niệm về đình như trên, rõ ràng Nghệ thuật trang trí đình làng thuộc lĩnh vực
trang trí truyền thống cần phải nhìn nhận ngôi đình ở Việt Nam như một tác
phẩm nghệ thuật trong đó được sử dụng rất nhiều thành phần trang trí bao gồm:
tượng trang trí, chạm khắc trang trí, tranh vẽ vẽ trên gỗ (tranh trang trí), hoành
phi câu đối, phù điêu dạng đắp nổi bằng vôi vữa có gắn sứ (nề, ngõa), nghệ thuật
sắp đặt đồ thờ,… Có thể nói ngắn gọn, nghệ thuật trang trí đình làng là một tác
phẩm nghệ thuật được thể hiện bằng nhiều hình thức trang trí khác nhau, được
sắp xếp bằng các hình thức bố cục trong một không gian nhất định và mang tính
biểu tượng cho làng xã của người Việt.
1.2.1.2. Thuật ngữ liên quan
* Một số thuật ngữ trong các nguyên tắc trang trí
- Đối xứng: Sử dụng nguyên tắc này tạo cảm giác vững chãi cho bố cục trang
trí, tăng tính nghiêm trang cho chốn thâm nghiêm nhất là nơi thờ tự như đình, chùa,
miếu. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier Alain
Gheerbrant (1997), mô tả thuật ngữ này là “một thế đối xứng, trong đó hai bên của
trục đối xứng lặp lại cùng một mô típ nhưng không giống hệt nhau” [85, tr.747].
- Nhắc lại: là nhắc đi nhắc lại các yếu tố tạo hình nào đó như: mảng, màu

sắc, bố cục, họa tiết… làm cho đối tượng được trang trí trở nên nhất quán trong
phong cách tạo hình, gợi cho đối tượng được trang trí có cảm giác vận động.
- Xen kẽ: Xen kẽ các yếu tố tạo hình như: đậm – nhạt, nóng – lạnh, to –
nhỏ, chi tiết – nền, sáng – tối … làm cho bố cục trở nên được chặt chẽ và sinh
động hơn, tạo ra kết nối và tránh sự nhàm chán trong quá trình trang trí.


20

- Phá thế: là quá trình sử dụng các yếu tố tạo hình như: đường nét, khối,
họa tiết… để phá bỏ các đường, hướng, có xu thế gây nhàm chán, đơn điệu, có
khả năng chi phối hay tạo ra sự lấn lướt các bố cục khác.
- Đảo chiều (xoay chiều): là nguyên tắc một hay một nhóm họa tiết có xu
hướng xoay chiều ngược lại với một hay một nhóm họa tiết khác trong một bố
cục trang trí để thay đổi hiệu ứng giúp cân bằng lại bố cục.
* Một số thuật ngữ trong kiến trúc cổ, truyền thống của người Việt
- Bộ vì: Theo khái niệm trong cuốn Đình làng Việt (Châu Thổ Bắc Bộ) “bộ
vì không nên dừng lại ở các cấu kiện phía trên của kiến trúc (vì nóc mái) và chỉ
làm chỗ dựa cho kết cấu đỡ mái, mà nên quan niệm bộ vì phải bao gồm toàn bộ
kết cấu khung chịu lực theo chiều ngang công trình (gồm cả cột, câu đầu, các xà
ngang và vì nóc) tạo thành khung cơ bản, kết hợp với hệ giằng để tạo thành bộ
khung chịu lực hoàn chỉnh” [16, tr.74].
- Ván gió/ván giong: “là loại cấu kiện được nong vào giữa các xà giằng
cột, có tác dụng ngăn chia không gian một cách giả định và tác dụng trang trí nội
thất kiến trúc” [16, tr.87].
- Vì nách (hay cốn): “Là cách liên kết các cấu kiện ở khoảng không gian,
có hình tam giác vuông, tạo thành giữa cột cái và cột quân. Tam giác vuông này
có cạnh dài là xà nách, cạnh ngắn là độ cao hơn của cột cái so với cột quân và
cạnh huyền là dộ dài của phần dưới mặt mái giữa hai cột kể trên” [16, tr.87].
- Hoành phi, câu đối: là một trong những bộ phận không thể thiếu trong

các ngôi đình làng, được xem như một phần của bố cục trang trí trong không
gian đình. Các bức hoành phi được treo trên chính giữa khu vực trung đình và
hai gian chái. Câu đối được treo ở hai bên cửa võng, hay gắn trên các cột cái.
Nội dung của các hoành phi, câu đối nhằm để ca ngợi công lao của các vị Thành
Hoàng làng, phần lớn được trang trí lộng lẫy bắt mắt bằng sơn son, thếp vàng,
một số bức được khảm trai, một số được cung tiến bởi quan viên trong triều hoặc
những bậc kỳ hào trong làng xã…


×