Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

Giải pháp giúp học sinh tiếp cận tác phẩm tự sự trong dạy học môn ngữ văn 11 ở trường THPT vĩnh lộc bằng hình thức chuyển thể sang kịch bản văn học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (399.07 KB, 18 trang )

1. Mở đầu
1.1. Lí do chọn đề tài
Dạy và học tác phẩm kịch hoặc đoạn trích kịch trong nhà trường không
còn là điều xa lạ với giáo viên và học sinh. Ở chương trình Ngữ văn bậc THCS,
học sinh đã được tiếp xúc với hai đoạn trích kịch, đó là vở chèo Quan Âm Thị
Kính – Ngữ văn 7, và đoạn trích kịch Tôi và chúng ta của Nguyễn Huy Tưởng –
Ngữ văn 9. Trong chương trình Ngữ văn THPT học sinh được học đoạn trích
kịch: Vĩnh biệt Cửu Trùng đài – trích kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng,
đoạn trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét Ngữ văn 11 tập 1 và Hồn Trương Ba da hàng
thịt – trích vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12. Một điều dễ nhận
thấy khi dạy và học những tác phẩm và đoạn trích này, thông thường giáo viên
hướng dẫn học sinh đọc phân vai hoặc cho học sinh đóng kịch trên lớp hay trong
giờ ngoại khóa. Chính vì vậy tạo cho học sinh một hứng thú và tâm thế đặc biệt
trước khi bước vào phân tích tác phẩm khi các em được trải nghiệm trực tiếp tác
phẩm. Cũng vì vậy mà học sinh tập trung hơn từ đó hiểu sâu hơn đoạn trích, tác
phẩm với những giá trị tư tưởng mà tác giả truyền tải.
Một thực tế hiện nay là trong kỉ nguyên công nghệ số với các thiết bị điện
tử hiện đại, cùng với đó là ứng dụng quay phim, chụp ảnh, các phần mềm chỉnh
sửa phát triển phù hợp với thị hiếu, sở thích và tâm lí ưa khám phá, thử nghiệm
của lứa tuổi học sinh. Các em được thỏa mãn sáng tạo nên những sản phẩm của
riêng mình như một hoạt động trải nghiệm và khẳng định cái tôi cá nhân mình.
Đã có rất nhiều tác phẩm văn học trong nhà trường được chuyển thể thành dạng
phim ngắn hoặc mượn cốt truyện của các tác giả để sáng tạo nên những tác
phẩm mang cá tính riêng phổ biến trên mạng xã hội như You Tube hoặc
Facebook... được đông đảo các bạn trẻ tiếp nhận và ủng hộ trong đó có học sinh
THPT. Đó cũng là cách đổi mới phương pháp dạy và học trong bộ môn Ngữ văn
ở trường THPT phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Từ thực tế đó, tôi mạnh dạn nghiên cứu và áp dụng đề tài “Giải pháp
giúp học sinh tiếp cận tác phẩm tự sự trong dạy học môn Ngữ văn 11 ở trường
THPT Vĩnh Lộc bằng hình thức chuyển thể sang kịch bản văn học” vào thực tiễn
giảng dạy của mình trên lớp học.


1.2. Mục đích nghiên cứu
1.2.1. Đối với giáo viên
Trên cơ sở lí luận phương pháp dạy học Ngữ văn, đề tài đi sâu vào nghiên
cứu tiếp cận tác phẩm tự sự qua hình thức chuyển thể sang kịch bản nhằm phát
triển tính tích cực, độc lập trong nhận thức, đặc biệt là tư duy học sinh trong
hoạt động tiếp cận tác phẩm văn học, tạo hứng thú, say mê với bộ môn Ngữ văn.
Qua đó giúp giáo viên hoàn thành mục tiêu một giờ dạy đọc hiểu tác phẩm tự sự
hiệu quả.
1.2.2. Đối với học sinh
Vận dụng các con đường, biện pháp phát triển tính tích cực, độc lập trong
nhận thức, sáng tạo đặc biệt là tư duy giúp các em lĩnh hội sâu sắc và nhớ lâu
kiến thức, và có những cảm nhận mới mẻ về tác phẩm văn học trong nhà trường,
tránh lối mòn quen thuộc, áp đặt. Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng
tạo của học sinh ; phù hợp với đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng học sinh,
1


điều kiện của từng lớp học ; bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, khả
năng hợp tác ; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn ; tác động đến
tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú và trách nhiệm học tập của học sinh.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
- Tìm hiểu những lí luận dạy học nói chung, dạy học Ngữ văn và tác phẩm
tự sự nói riêng để phát triển tính tích cực độc lập trong nhận thức đặc biệt là
trong tư duy của học sinh.
- Nghiên cứu chương trình sách giáo khoa Ngữ văn THPT các đoạn trích
kịch và đặc biệt phần Văn bản là các tác phẩm truyện ngắn trong chương trình
Ngữ văn 11.
1.4. Phương pháp nghiên cứu
- Về lí thuyết:
+ Đề tài sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp

nghiên cứu tổng hợp để tiếp cận nghiên cứu, đi sâu vào các vấn đề về lí luận dạy
học nói chung, dạy học Ngữ văn nói riêng để lí giải rõ nội hàm khái niệm phát
triển tính tích cực độc lập trong nhận thức đặc biệt là trong tư duy của học sinh .
+ Sử dụng phương pháp phân tích những đặc điểm của thể loại kịch,
truyện ngắn, tiểu thuyết nhằm tìm ra đặc trưng của thể loại để khi chuyển thể
sang kịch vừa mang những nét đặc trưng của kịch lại vừa không mất đi đặc
trưng cơ bản của thể loại truyện ngắn hay tiểu thuyết.
+ Phương pháp so sánh để tìm ra những nét chung và những nét nổi trội
khi vận dụng đề tài vào thực tế giáo dục và các biện pháp nhằm phát triển tính
tích cực độc lập trong nhận thức đặc biệt là tư duy học sinh so với phương pháp
truyền thống trước đây. Đồng thời, sử dụng phương pháp này sẽ góp phần nhận
diện đặc trưng cửa việc đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn hiện nay.
- Về thực tiễn:
+ Dự giờ đồng nghiệp dạy cùng khối 11, 12 chương trình ban cơ bản.
+ Thực nghiệm sư phạm: thực nghiệm đề tài vào giảng dạy một số đoạn
trích, tác phẩm truyện trong chương trình Ngữ văn 11 do bản thân trực tiếp đứng
lớp ở trường Trung học phổ thông Vĩnh Lộc.
+ Chọn hai lớp có năng lực tiếp thu bài tương đương nhau: một lớp có vận
dụng đề tài nghiên cứu trong giờ dạy, một lớp chỉ sử dụng phương pháp truyền
thống đọc hiểu văn bản nhằm kiểm chứng những biện pháp mà đề tài nêu ra từ
đó rút ra các kết luận khoa học và khẳng định tính khả thi của đề tài.
+ Sử dụng phương pháp toán học thống kê trên cơ sở so sánh các giá trị
thu được giữa lớp thực nghiệm và lớp đối chứng để đánh giá hiệu quả của những
biện pháp dạy học mà đề tài đưa ra.
2. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm
2.1. Cơ sở lí luận
Bộ môn Ngữ văn có vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo xưa
nay. Tuy nhiên, mục tiêu dạy học bộ môn này không giống nhau ở các quốc gia
và mỗi thời đại. Xác định đúng đắn mục tiêu dạy học Ngữ văn của Việt Nam
trong thế kỷ XXI là rất quan trọng. Nó giúp cho các nhà giáo dục tháo gỡ được

những khó khăn trước mắt, nhất là vấn đề học sinh không hứng thú học Văn. Và
2


giúp bộ môn Ngữ văn bước kịp thời đại, hòa nhập vào công cuộc hiện đại hóa
đất nước.
Ở cấp độ vĩ mô, mục tiêu dạy học Ngữ văn hiện nay là sự cụ thể hóa mục
tiêu giáo dục nói chung, chú trọng dạy chữ, dạy người và hướng nghiệp. Đi vào
cụ thể, môn học Ngữ văn nhấn mạnh ba mục tiêu chính sau:
1. Trang bị những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống
về ngôn ngữ và văn học – trọng tâm là tiếng Việt và văn học Việt Nam – phù
hợp với trình độ phát triển của lứa tuổi và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực sử dụng tiếng Việt,
tiếp nhận văn bản, cảm thụ thẩm mỹ, phương pháp học tập tư duy, đặc biệt là
phương pháp tự học, năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống.
3. “Bồi dưỡng cho học sinh tình yêu tiếng Việt, văn học, văn hóa, tình yêu
gia đình, thiên nhiên, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lập, tự cường, lý
tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần dân chủ nhân văn, giáo dục cho học sinh
trách nhiệm công dân, tinh thần hữu nghị hợp tác quốc tế, ý thức tôn trọng và
phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại”. [2. Tr 202]
Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chỉ dạy Ngữ văn theo kiểu lý thuyết hàn lâm
chứ ít chú trọng thực hành. Nên nhiều học sinh thiếu hụt kỹ năng giao tiếp và rất
rụt rè trong việc bày tỏ các ý kiến của mình. Nhiệm vụ của môn Văn là cung cấp
những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học, lý luận văn học nhưng quan trọng
nhất là kỹ năng phân tích, đánh giá và sáng tạo tác phẩm. Thời phong kiến, Văn
chương chiếm vị trí số một trong chương trình giáo dục lẫn trong làng nghệ
thuật giải trí nhưng trong thời đại ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Người ta có
nhiều môn để học, có nhiều loại hình nghệ thuật để giải trí nên việc dành ít thời
gian cho môn Văn là chuyện bình thường. Giáo viên cần hiểu điều này để khỏi

than phiền học sinh thời nay ít đọc sách văn chương hơn thời xưa. Mục tiêu dạy
học Văn phải thích ứng với thời đại, dạy môn Văn là để rèn năng lực cảm thụ,
đánh giá và sáng tạo nghệ thuật nói chung. Ở nhiều nước trên thế giới, học sinh
không chỉ biết phân tích thơ văn mà còn biết phân tích một vở kịch, bộ phim,
một bức tranh, bản nhạc… Trong khi học sinh Việt Nam rất mù mờ trong việc
cảm nhận và thẩm bình tác phẩm nghệ thuật. Ở nước ngoài, có hai cách để dạy
cảm thụ tác phẩm văn chương: một là tác phẩm văn chương được đặt vào trong
bộ môn Nghệ thuật để dạy chung với mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…
Hai là, văn bản thơ văn sẽ đặt nằm chung với các loại văn bản khác trong bộ
môn tiếng mẹ đẻ. Dù nằm trong môn nào, tác phẩm văn chương vẫn không xa
rời các chức năng quan trọng của mình là bồi dưỡng các giá trị Chân – Thiện –
Mỹ và hình thành các kiến thức, kỹ năng văn hóa nghệ thuật cho học sinh.
Mục tiêu dạy học cũng phản chiếu trong phương pháp dạy học. Vấn đề
quan trọng cần xác định ở đây là: trong quá trình dạy học Ngữ văn, ai là nhân tố
trung tâm: thầy hay trò? “Nếu quá trình dạy học nhằm hướng tới phục vụ lợi ích
của người thầy thì người thầy sẽ không cần sử dụng các phương thức để lấy
lòng học trò. Nghĩa là lên lớp thầy chỉ giảng thao thao bất tuyệt cho hết giờ,
còn việc trò có thích và có hiểu hay không là không quan trọng. Nếu như lấy
học trò làm trung tâm thì mọi hoạt động giảng dạy phải hướng tới nhu cầu và
3


năng lực của học trò. Nghĩa là thầy phải giảng dạy nhiệt tình, quan tâm tới từng
học sinh, biết tôn trọng và lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của học sinh.
Bởi vậy, thay vì nói “lấy học sinh làm trung tâm” thì phải nói là: “lấy hoạt
động học làm trung tâm” [8; tr 113]. Trong tương lai, khi nền kinh tế thị trường
phát triển, thì dĩ nhiên, vai trò của người học sẽ được tăng cường, nhất là học
sinh ở các trường tư. Phương pháp dạy học cũng sẽ hướng tới thị hiếu của người
học. Phương pháp nêu vấn đề, đối thoại và trực quan sinh động… được đề cao, ý
kiến của học sinh được coi trọng khiến cho giờ học sinh động, đầy hứng thú,

tránh được tình trạng học sinh ngủ gật khi nghe thầy “tụng kinh”. Những kiến
thức hàn lâm xa rời thực tế và lạc hậu sẽ bị gỡ bỏ dần, thay vào những bài học
hấp dẫn, gắn với lợi ích thiết thực của học sinh. Hiện nay, nhiều giáo viên luôn
miệng than phiền học sinh ít đọc sách văn học. Nhưng không biết rằng nhiều
học sinh tuy chán học các tác phẩm trong nhà trường nhưng lại thích sưu tầm
thơ, đọc nghiến ngấu các tiểu thuyết và rất quan tâm theo dõi thời sự văn nghệ
trên báo chí và mạng internet… Nghĩa là việc dạy học Văn trong nhà trường
hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu yêu văn chương của học sinh. Bởi vậy, trong nhà
trường, bên cạnh sách giáo khoa Ngữ văn chính thức, còn phải có các chuyên đề
tự chọn để học sinh chọn học theo nhu cầu của mình. Quá trình giáo dục phải
hướng tới phục vụ các mục đích học tập đa dạng của học sinh.
Việc đổi mới phương pháp dạy học và cách tiếp cận tác phẩm văn học qua
hình thức chuyển thể các văn bản truyện ngắn hay tiểu thuyết sang kịch bản mà
đề tài sáng kiến nghiên cứu và áp dụng cũng xuất phát trên những cơ sở lí luận
đó.
2.2. Thực trạng vấn đề
2.2.1. Thực trạng dạy và học Ngữ văn hiện nay. Một điều mà bất cứ giáo
viên nào dạy bộ môn Ngữ văn trong nhà trường THPT hiện nay cũng thấy rất rõ:
đó là môn Ngữ văn dần dần đang mất vị thế mà nó vốn có trong truyền thống
việc học hành thi cử của người Việt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này
trong đó phải kể đến như:
- Thứ nhất dạy học hiện nay trong nhà trường gắn liền với thi cử. Vì vậy
những môn học nào liên quan đến việc thi cử của học sinh sẽ được chú trọng học
tập nhiều hơn. Môn Ngữ văn không phải là môn thi của nhiều trường đại học,
nhất là những trường có uy tín về chất lượng đào tạo cũng như thế mạnh về việc
làm sau khi ra trường vì vậy không phải là lựa chọn số 1. Thử đặt ra một trường
hợp giả định, nếu môn Ngữ văn không phải là môn thi tốt nghiệp hoặc là môn
thi Đại học thử hỏi số phận môn học Ngữ văn của chúng ta sẽ đi về đâu? Trong
khi đó, mục tiêu cuối cùng của việc dạy học Ngữ văn trong suốt bậc học phổ
thông là giúp cho học sinh ra đời có những kiến thức cơ bản về văn hóa, văn

học, có khả năng cảm thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Có khả năng
hiểu mình, hiểu người, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để chung sống, chung
làm trong cộng đồng. Học sinh được hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết,
từ đúng đến hay, biết mạnh dạn giao tiếp có hiệu quả trước công chúng, biết
soạn thảo các loại văn bản cần thiết trong cuộc sống và trong công việc. Nói
chung, việc dạy học môn Ngữ văn phải hướng tới mục tiêu chung của giáo dục
4


thế giới mà tổ chức UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để
chung sống, học để tự khẳng định mình”.
- Thứ hai cùng với đó là tâm lí của học sinh hiện nay, cận kề đến ngày thi
sẽ tập trung hơn vào vào việc học, còn nếu không chỉ tiếp cận môn học bằng
một thái độ bàng quan, dửng dưng. Bởi trong nhịp sống hiện đại của thì hiện tại,
các em còn rất nhiều mối quan tâm khác hơn là việc học hành. Mạng xã hội phát
triển với những trò giải trí hấp dẫn thị hiếu, phim ảnh nhiều hấp dẫn thị giác của
tuổi trẻ, thêm vào đó lứa tuổi học sinh THPT với tâm sinh lí đang thời kì thay
đổi hoàn thiện nên dễ sao nhãng việc học tập. Vì thế đọc tác phẩm văn học là
điều có thể nói là xa xỉ. Các em chỉ có thể tiếp xúc tác phẩm thông qua việc
giảng dạy của giáo viên trên lớp, thậm chí ít em đọc tác phẩm trước khi học trên
lớp. Bởi vậy rất khó khăn cho việc dạy học của giáo viên. Giáo viên dạy học
nhưng thực chất đôi khi như độc thoại một mình bởi không nhận được sự tương
tác tích cực từ phía học sinh
- Thứ ba xuất phát từ chính những giáo viên đứng lớp như chúng ta. Đó là
chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho môn dạy của mình, chủ yếu là dạy chay, dạy bo
mà trong thời buổi công nghệ số phần nghe nhìn vô cùng quan trọng như hiện
nay thì các dạy truyền thống trở nên quá lạc hậu. Thêm vào đó, cơ sở vật chất
của nhà trường hiện nay đang còn hạn chế. Đôi khi không đủ để phục vụ cho
giáo viên dạy và học bằng các phương tiện máy móc hiện đại.
Đó chỉ là một vài nguyên nhân trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến

thực trạng môn Ngữ văn trong nhà trường đang giảm dần vị thế mà nó vốn có.
2.2.2. Một thực trạng thứ hai mà tôi muốn đề cập đến mang tính tích cực
hơn và đó cũng chính là cơ sở để tôi nghiên cứu và áp dụng sáng kiến kinh
nghiệm của mình. Đó chính là xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lí của lứa tuổi học
sinh THPT và cuộc sống thực tế hiện nay.
- Lứa tuổi học sinh THPT “là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí
tuệ. Do cơ thể các em đã được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thần kinh phát triển
mạnh tạo điều kiện cho sự phát triển các năng lực trí tuệ. Quá trình quan sát
gắn liền với tư duy và ngôn ngữ. Khả năng quan sát một phẩm chất cá nhân
cũng bắt đầu phát triển ở các em”. [7. Tr 52]
- Trí nhớ của học sinh THPT cũng phát triển rõ rệt. Trí nhớ có chủ định giữ
vai trò chủ đạo trong hoạt động trí tuệ. Các em đã biết sắp xếp lại tài liệu học tập
theo một trật tự mới, có biện pháp ghi nhớ một cách khoa học. Có nghĩa là khi
học bài các em đã biết rút ra những ý chính, đánh dấu lại những đoạn quan
trọng, những ý trọng tâm, lập dàn ý tóm tắt, lập bảng đối chiếu, so sánh. Các em
cũng hiểu được rất rõ trường hợp nào phải học thuộc trong từng câu, từng chữ,
trường hợp nào càn diễn đạt bằng ngôn từ của mình và cái gì chỉ cần hiểu thôi,
không cần ghi nhớ. Hoạt động tư duy của học sinh THPT phát triển mạnh. Các
em đã có khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập và sáng
tạo hơn. Năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa phát triển cao
giúp cho các em có thể lĩnh hội mọi khái niệm phức tạp và trừu tượng. Các em
thích khái quát, thích tìm hiểu những quy luật và nguyên tắc chung của các hiện
tượng hàng ngày, của những tri thức phải tiếp thu…Năng lực tư duy phát triển
đã góp phần nảy sinh hiện tượng tâm lý mới đó là tính hoài nghi khoa học.
5


Trước một vấn đề các em thường đặt những câu hỏi nghi vấn hay dùng lối phản
đề để nhận thức chân lý một cách sâu sắc hơn. Thanh niên cũng thích những vấn
đề có tính triết lí vì thế các em rất thích nghe và thích ghi chép những câu triết

lý.
- Lứa tuổi này rất nhanh nhạy trong việc khám phá và sáng tạo để khẳng
định cái tôi cá nhân mình. Bởi “sự tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự
phát triển nhân cách của học sinh THPT, nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát
triển tâm lý của lứa tuổi này. Biểu hiện của sự tự ý thức là nhu cầu tìm hiểu và
tự đánh giá những đặc điểm tâm lý của mình theo chuẩn mực đạo đức của xã
hội, theo quan ðiểm về mục ðích cuộc sống” [7. Tr 123]. Điều đó khiến các em
quan tâm sâu sắc tới đời sống tâm lý, những phẩm chất nhân cách và năng lực
riêng. Các em không chỉ nhận thức về cái tôi hiện tại của mình mà còn nhận
thức về vị trí của mình trong xã hội tương lai. Vì vậy việc giao nhiệm vụ để các
em được hoạt động và đạt được kết quả là điều vô cùng cần thiết.
Xuất phát từ thực trạng đó tôi nghiên cứu và áp dụng đề tài sáng kiến
nhằm góp một phần để cải tiến chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở nhà
trường THPT Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
2.3. Giải pháp giúp học sinh tiếp cận tác phẩm tự sự trong dạy học
môn Ngữ văn 11 ở trường THPT Vĩnh Lộc bằng hình thức chuyển thể sang
kịch bản văn học.
Không phải bài học nào cũng có thể áp dụng cách chuyển thể từ tác phẩm
sang kịch bản văn học. Tùy thuộc vào nội dung mà giáo viên muốn khai thác,
điều kiện thực tế học học sinh và nhà trường mỗi giáo viên sẽ có cho mình một
cách riêng, phù hợp. Tuy nhiên từ thực tiễn nghiên cứu và áp dụng của bản thân,
tôi đã đúc rút kinh nghiệm về tiến trình chuyển thể tác phẩm tự sự trong dạy học
môn Ngữ văn 11 sang kịch bản văn học theo các bước như sau:
2.3.1. Bước 1: Bước chuẩn bị của giáo viên
Đây là hoạt động vô cùng quan trọng, quyết định tiên quyết đến sự thành
công hay thất bại của giờ dạy học cũng như những mục tiêu mà người giáo viên
đã đặt ra.
2.3.1.1. Về kiến thức thể loại
- Việc đầu tiên người giáo viên phải trang bị cho học sinh những kiến thức
cơ bản về thể loại kịch để giúp các em nắm được đặc trưng của thể loại văn học

này. Để từ đó quá trình chuyển thể tác phẩm sẽ vẫn giữ được nét riêng của thể
loại vốn có. Đây thuộc về phạm trù kiến thức Lí luận văn học mà các em được
học trong và cả ngoài nhà trường.
- Trước hết cần giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm của kịch bản văn học. Mặc
dù được chuyển thể từ truyện ngắn sang kịch nhưng vẫn phải mang những đặc
trưng cơ bản của thể loại này.
+ Thứ nhất là xung đột kịch. Kịch bắt đầu từ xung đột. “Xung đột là cơ
sở của kịch” (Pha-đê-ép). Hiểu theo nghĩa hẹp, xung đột trong tác phẩm kịch là
sự phát triển cao nhất sự mâu thuẫn của hai hay nhiều lực lượng đối lập thông
qua một sự kiện hay một diễn biến tâm lí cụ thể được thể hiện trong mỗi màn,
mỗi hồi kịch. Có thể có rất nhiều loại xung đột khác nhau. Có xung đột biểu
hiện của sự đè nén, giằng co, chống đối giữa các lực lượng, có xung đột được
6


biểu hiện qua sự đấu tranh nội tâm của một nhân vật, có xung đột là sự đấu trí
căng thẳng và lí lẽ để thuyết phục đối phương giữa hai lực lượng… Vì vậy, có
thể nói, xung đột là đặc điểm cơ bản của kịch. Các yếu tố khác của kịch phải
góp phần tô đậm xung đột và dẫn đến một kết cục sâu sắc, gần gũi với những
vấn đề của cuộc sống.
+ Thứ hai là hành động kịch. Xung đột kịch được triển khai thông qua
các hành động. Hành động là cơ sở của tác phẩm kịch. Hành động là những hoạt
động bao gồm cả ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, quan hệ…của con người trong cuộc
sống xung quanh. Trong kịch, hành động được thể hiện qua suy nghĩ của nhân
vật, qua hành vi, động tác, ngôn ngữ của họ.
+ Thứ ba là nhân vật kịch. Một vở kịch được diễn trên sân khấu, chỉ có
nhân vật đi lại, nói năng, hoạt động. Trong kịch bản văn học, ngoài nhân vật,
còn có những lời chỉ dẫn về cảnh vật, con người thường được in nghiêng được
tác giả viết nhằm gợi ý cho sự dàn dựng của nhà đạo diễn chứ không phải cho
người xem. Vì vậy, có thể nói trên sân khấu chỉ có nhân vật hành động. Tất cả

mọi sự việc đều được bộc lộ thông qua nhân vật. Ðiểm khác nhau cơ bản giữa
tác phẩm kịch với tác phẩm tự sự và kí là kịch không có nhân vật người kể
chuyện. Tính cách nhân vật trong kịch tập trung, nổi bật và xác định nhằm gây
ấn tượng mãnh liệt và sâu sắc cho khán giả. Hiển nhiên sự nổi bật, tập trung đó
không có nghĩa là đơn giản, một chiều. Xoay quanh một nét tính cách khác, vừa
liên đới, vừa biến thái làm cho gương mặt của nhân vật sinh động và đa dạng.
Nhân vật của kịch thường chứa đựng những cuộc đấu tranh nội tâm. Do đặc
trưng của kịch là xung đột nên khi đứng trước những xung đột đó, con người bắt
buộc phải hành động và vì vậy, con người không thể không đắn đo, suy nghĩ,
cân nhắc, băn khoăn, dằn vặt…Dĩ nhiên đặc trưng này cũng được thể hiện trong
các loại văn học khác nhưng rõ ràng được thể hiện tập trung và phổ biến nhất
trong kịch. Chính từ đặc điểm này, nhiều tác giả kịch đã dùng biện pháp lưỡng
hóa nhân vật nhằm biểu hiện cuộc đấu tranh nội tâm của chính nhân vật đó.
+ Thứ tư là ngôn ngữ kịch. Một phương tiện rất quan trọng để bộc lộ
hành động kịch là ngôn ngữ. Trong kịch không có nhân vật người kể chuyện nên
không có ngôn ngữ người kể chuyện. Vở kịch được diễn trên sân khấu chỉ có
ngôn ngữ nhân vật. Có thể nói đến 3 dạng ngôn ngữ nhân vật trong kịch: đối
thoại, độc thoại và bàng thoại. Ðối thoại là nói với nhau, là lời đối đáp qua lại
giữa các nhân vật. Ðây là dạng ngôn ngữ chủ yếu trong kịch. Các lời đối thoại
trong kịch phải sắc sảo, sinh động và có tác dụng tương hỗ với nhau nhằm thể
hiện kịch tính. Ðộc thoại là lời nhân vật tự nói với mình, qua đó bộc lộ những
dằn vặt nội tâm và những ý nghĩ thầm kín. Ðây là biện pháp quan trọng nhất
nhằm biểu hiện nội tâm nhân vật nhưng không phải là biện pháp duy nhất. Ðể
biểu hiện nội tâm, bên cạnh độc thoại, người ta có thể thay thế bằng những phút
yên lặng, những tiếng vọng, tiếng đế…Bàng thoại là nói với khán giả. Có khi
đang đối đáp với một nhân vật khác, bỗng dưng nhân vật tiến gần đến và hướng
về khán giả nói vài câu để phân trần, giải thích một cảnh ngộ, một tâm trạng cần
được chia xẻ, một điều bí mật: loại này chiếm tỉ lệ thấp trong ngôn ngữ kịch.
Các dạng ngôn ngữ của kịch đòi hỏi phải mang tính khấu ngữ, động tác hóa và
tính cách hóa.

7


2.3.1.2. Về những tác phẩm hoặc đoạn trích văn bản chuyển thể
Đây là công việc đòi hỏi ở người giáo viên có sự dày công nghiên cứu,
tìm tòi từ những đoạn trích, tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT. Không
phải bất kì đoạn trích hay tác phẩm nào cũng có thể chuyển sang kịch bản được.
Người giáo viên phải nghiên cứu những đoạn trích mang tính kịch cao nhưng
phải phù hợp với khả năng của học sinh THPT. Bởi có những đoạn trích văn bản
đòi hỏi sự miêu tả tinh tế ngoại cảnh cũng như diễn biến tâm trạng và hành động
của nhân vật mới có thể truyền tải hết được ý đồ nghệ thuật cũng như chủ đề tư
tưởng của tác phẩm. Do đó đòi hỏi ở học sinh phải thực sự có năng lực về văn
học như năng lực cảm thụ, năng lực ngôn ngữ, năng lực tưởng tượng phong
phú... mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Khi dạy văn bản là truyện ngắn hoặc một đoạn trích truyện ngắn, giáo
viên nên lựa chọn một phân đoạn nhỏ để chuyển thể sang kịch. Bởi nếu chuyển
thể toàn bộ tác phẩm sang kịch như vậy sẽ đánh mất đặc trưng của thể loại
nguyên bản là truyện ngắn hay tiểu thuyết. Và giờ học văn bản, các thể loại ấy
sẽ trở thành giờ học một tác phẩm kịch thông thường. Trong khi đó mục tiêu khi
áp dụng hình thức dạy học này đó là giúp học sinh chuẩn bị trước tác phẩm một
cách thấu đáo, kĩ càng; tăng thêm khả năng cảm thụ tác phẩm; tạo ấn tượng
mạnh để nhớ lâu hơn đồng thời nhằm thay đổi không khí học tập.
Do đó người giáo viên phải nghiên cứu thật kĩ trước khi đưa ra quyết định
chọn tác phẩm nào, đoạn trích nào để có thể chuyển thể sang kịch bản văn học
một cách hiệu quả nhất.
Ví dụ 1: Khi học truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam trong
chương trình Ngữ văn 11 tập 1, giáo viên có thể lựa chọn phần thứ nhất của tác
tác phẩm: Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người phố huyện lúc chiều
tàn để chuyển thể sang kịch bản văn học. Bởi đây là một phân đoạn hay của tác
phẩm, các yếu tố đặc trưng khi chuyển sang thể loại kịch vẫn giữ được nguyên

vẹn dụng ý của nhà văn Thạch Lam trong nguyên tác.
Ví dụ 2: Chữ người tử tù cũng là một truyện ngắn hay có tính kịch cao.
Giáo viên có lựa chọn cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm để yêu cầu học sinh chuyển
thể sang kịch bản văn học như một cách giúp các em khắc ghi sâu hơn kiến thức
về tác phẩm. Từ đó mà mang lại hiệu quả cho việc học tập trên lớp.
2.3.2. Bước 2: Giao nhiệm vụ học tập cho học sinh
Đây là bước quan trọng nhất. Mục tiêu đặt ra của giáo viên cho hoạt động
dạy học của mình có thực hiện được hay phụ thuộc hoàn toàn vào bước thứ hai
này.
Để đạt được mục tiêu, cách tốt nhất đó là giáo viên chia nhóm học tập cho
học sinh. Nhóm học tập rất cần thiết trong dạy học theo định hướng phát triển
năng lực người học. Khi học theo nhóm các em được chia sẻ ý kiến cho nhau,
được hỗ trợ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ nhằm phát triển năng lực và phẩm
chất, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập.
Việc chia nhóm phải đảm bảo cho các em học sinh được học tập thuận lợi.
Nhóm học tập có thể 2 em, 3 em, tốt nhất là 4 em để đảm bảo các em dễ hợp tác
với nhau. Giáo viên nên: Chia nhóm một cách tối ưu (nếu được 4 em một nhóm
là tốt nhất) sao cho các em có thể trao đổi thảo luận và quán xuyến công việc
8


của nhau trong quá trình học tập. Đây là nhóm làm việc ngoài giờ học ở nhà, vì
vậy giáo viên cần chú ý đến khả năng kết hợp hoạt động của các em như vị trí
địa lí, năng lực học tập, tính cách của học sinh…Mỗi nhóm cần có học sinh ở
nhiều mức độ học lực khác nhau nhằm hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong học tập.
Khi chia nhóm, giáo viên cần tránh: Chọn số lượng nhóm quá lớn làm cản
trở sự trao đổi và điều khiển của nhóm trưởng cũng như các thành viên trong
nhóm, dẫn đến một số em bị bỏ rơi khi thảo luận hoặc không có cơ hội trình bày
ý kiến của mình; lựa chọn học nhóm không phù hợp với phương pháp, kỹ thuật
mà giáo viên đưa ra. Có như vậy mới phát huy hết được năng lực của học sinh

trong học tập, tránh tình trạng một em làm cho cả nhóm hoặc có những em bị bỏ
rơi do nhóm quá đông hoặc năng lực hạn chế.
Giáo viên cũng cần cân nhắc thật kĩ nhiệm vụ của từng nhóm sao cho phù
hợp với năng lực của các em.Tránh giao nhiệm vụ quá khó dẫn đến chán nản
hay quá dễ sẽ không tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Cũng cần chú ý không nhất thiết phải giao nhiệm vụ cho cả lớp mà nên
giao cho một vài nhóm ở mỗi bài học cụ thể.
2.3.3. Bước 3: Hướng dẫn học sinh chuyển thể từ tác phẩm truyện
ngắn sang kịch bản
* Yêu cầu học sinh tìm hiểu về tác giả, tác phẩm
- Học sinh tìm hiểu thật kĩ về tiểu sử của tác giả để biết rõ hơn về thời
gian và không gian sống. Đây là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến phong
cách cũng như bối cảnh của câu chuyện. Như khi chuyển thể truyện ngắn Hai
đứa trẻ của Thạch Lam, chắc chắn không thể bỏ qua tiểu sử của tác giả như ông
sinh ra ở Hà Nội nhưng thưở nhỏ lại sống chủ yếu ở quê ngoại là phố huyện
Cẩm Giàng, Hải Dương, nơi có ga xép nhỏ mà những đoàn tàu chợ vẫn dừng lại
mỗi đêm. Đó cũng chính là bối cảnh của truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn.
- Bên cạnh đó yếu tố phong cách của nhà văn cũng rất quan trọng. Bởi
phong cách của nhà văn sẽ là yếu tố để học sinh có thể dựng lên bối cảnh của vở
kịch, khung cảnh thiên nhiên hay tính cách của nhân vật đậm đặc nét riêng của
nhà văn đó. Thạch Lam với phong cách rất đặc trưng của một con người đôn
hậu, tinh tế. Ông thường viết những truyện ngắn không có chuyện mà chủ yếu
khai thác thế giới nội tâm nhân vật với xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc
sống thường ngày. Truyện của ông như một bài thơ trữ tình đượm buồn, xót
thương với giọng văn thiết tha trìu mến. Đặc điểm phong cách đó sẽ giúp học
sinh dựng lên bối cảnh thiên nhiên thi vị, nhẹ nhàng hay sáng tạo những lời dẫn
truyện phù hợp với giọng văn của Thạch Lam. Đặc biệt đưa những câu thoại phù
hợp không chỉ với tính cách của nhân vật mà còn mang đậm nét phong cách của
tác giả.
* Lựa chọn đoạn trích truyện ngắn để chuyển thể

- Ở thao tác này giáo viên là người quyết định. Người giáo viên có thể
quyết định chuyển thể chỉ một đoạn truyện ngắn hay toàn bộ tác phẩm trong
chương trình học tùy theo định hướng ban đầu về mục tiêu bài học, thời gian,
điều kiện. Nếu trong chương trình ngoại khóa có thể cho học sinh chuyển thể
toàn bộ tác phẩm, nhưng nếu là trong một tiết học sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của
bài học, trọng tâm kiến thức để đưa ra yêu cầu cho học sinh.
9


Ví dụ: Với chương trình ngoại khóa, có nhiều thời gian và sự chuẩn bị
thấu đáo, giáo viên có thể cho học sinh chuyển thể toàn bộ truyện ngắn Chữ
người tử tù của Nguyễn Tuân – Ngữ văn 11 – thành một kịch bản văn học để
dựng thành một vở kịch. Nhưng trong một tiết học do thời gian không cho phép
và khả năng để dựng thành một vở kịch còn hạn chế, bởi vậy giáo viên nên phân
công từng nhóm dựng mỗi phân đoạn khác nhau của truyện ngắn để khi dạy có
thể cho học sinh đọc đoạn trích kịch đối chiếu với nguyên bản truyện ngắn để từ
thay đổi không khí học tập và cũng là điều kiện giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn
tác phẩm. Như có thể phân công nhóm 1: Cảnh viên quản ngục đón tù; Nhóm 2:
Cảnh quản ngục tiếp đãi Huấn Cao trong chốn lao tù; Nhóm 3: Cảnh cho chữ…
- Một điều lưu ý khi giáo viên lựa chọn đoạn trích để chuyển sang kịch
bản văn học, đó là đoạn trích phải phục vụ cho nội dung của bài dạy trên lớp bởi
nếu lấy những đoạn trích đã giảm tải hoặc sách giáo khoa đã lược bớt sẽ không
có tác dụng nhiều trong việc giảng dạy.
* Chuyển thể sang kịch bản văn học.
- Đây là thao tác rất mới và khó với học sinh, bởi các em chưa được học
về kĩ năng biên kịch. Thậm chí cả giáo viên cũng phải tự mày mò để hướng dẫn
cho học sinh. Với kinh nghiệm qua trải nghiệm của bản thân tôi, tôi thường
hướng dẫn học sinh như sau:
+ Thứ nhất: Cho học sinh tham khảo những đoạn trích kịch đã được học
hoặc những kịch bản văn học sưu tầm để có được hiểu biết khái quát về kịch và

cấu trúc của một kịch bản văn học. Như các đoạn trích: Quan Âm Thị Kính (Vở
chèo cổ - Ngữ văn 7), Tôi và chúng ta (Trích kịch của Lưu Quang Vũ – Ngữ văn
9), Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Trích kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng –
Ngữ văn 11), Tình yêu và thù hận (Trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia –
Ngữ văn 11), và có thể tham khảo thêm đoạn trích kịch Hồn Trương Ba da hàng
thịt (Trích vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ – Ngữ văn 12). Ngoài ra các em
có thể tham khảo các vở kịch kinh điển trên các phương tiện thông tin như Ti-vi
hay mạng xã hội You tube… Đây chính là kho tư liệu vô cùng quan trọng để
giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản về thể loại kịch và có định hướng,
hình dug cách viết một lịch bản văn học.
+ Thứ hai: Hình dung ra bối cảnh của từng lớp kịch: Diễn ra ở đâu? Thời
gian vào lúc nào? Để từ đó có những sáng tạo cụ thể về thiên nhiên, cảnh vật, đồ
vật xuất hiện. Cần lưu ý học sinh hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm và bối cảnh
lịch sử xã hội mà tác giả sống và hoàn cảnh sáng tác câu chuyện. Bởi đây là yếu
tố rất quan trọng giúp tái hiện lại không gian vở kịch như nguyên tác. Nếu
không học sinh sẽ khó hình dung bối cảnh và sẽ mang tư duy hiện đại vào trong
những câu chuyện đã diễn ra từng những năm của thế kỉ XIX, XX. Như thế kịch
bản được chuyển thể sẽ mất đi giá trị vốn có của nó.
+ Thứ ba: Trên cơ sở tuân thủ đúng nguyên tác, không sáng tạo làm mất
đi bản chất của tác phẩm, nên phân ra cụ thể đoạn nào nên dẫn dắt, đoạn nào nên
cho các nhân vật xuất hiện và đối thoại hoặc độc thoại. Tuy nhiên vẫn cần có sự
sáng tạo thêm bởi kịch là một chuỗi các hoạt động của nhân vật nối tiếp nhau,
trong khi đó truyện ngắn chủ yếu là lời văn của tác giả. Vì vậy vận dụng trí
tưởng tượng, óc sáng tạo của học sinh để tạo nên kịch bản văn học là vô cùng
10


cần thiết. Cũng cần lưu ý sự sáng tạo không đồng nghĩa với thay đổi cốt truyện,
tính cách nhân vật. Ví dụ trong Chữ người tử tù, giáo viên có thể gợi dẫn cho
học sinh đưa thơ của Cao Bá Quát – người được cho là nguyên mẫu của Huấn

Cao – nhằm làm rõ hơn sự tài hoa, nghệ sĩ của ông Huấn.
+ Thứ tư: Học sinh làm việc theo nhóm nên việc đầu tiên là phân công
cho mỗi học sinh một nhiệm vụ cụ thể. Như em viết lời dẫn, em viết lời của
nhân vật Huấn Cao, em viết lời nhân vật quản ngục… Sau đó cả nhóm sẽ tập
trung bàn bạc và thống nhất để đưa ra phương án sau cùng cho từng lớp kịch
bản. Giáo viên sẽ tham gia đồng hành cùng học sinh để góp ý chỉnh sửa khi cần
thiết.
* Ví dụ minh họa: Chuyển thể phần mở đầu truyện ngắn Hai đứa trẻ của
nhà văn Thạch Lam từ “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ;
từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều… đến …Hai chị em Liên đứng sững
nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng”.
Đó là bức tranh phố huyện lúc chiều tàn.
Giáo viên hướng dẫn học sinh lần lượt theo các bước sau:
+ Thứ nhất: Học sinh đọc đoạn trích Hai đứa trẻ và một số đoạn trích
kịch khác để tham khảo.
+ Thứ hai: Học sinh tìm hiểu về nhà văn Thạch Lam (Tiểu sử, sự nghiệp
sáng tác, những câu chuyện về con người và cuộc đời nhà văn… để hiểu rõ hơn
về phong cách sáng tác của ông). Cùng với đó tìm hiểu bối cảnh đất nước những
năm 1930 – 1945 để có cái nhìn thấu đáo và chính xác về bối cảnh câu chuyện.
Đặc biệt là hình ảnh của những phố huyện nghèo trước đây, hay hình ảnh nhà
ga, bến tàu, những khu chợ xưa để học sinh hiểu rõ hơn về bối cảnh của câu
chuyện.

H.1. Hình ảnh khu chợ huyện thị trấn
Ninh Giang – Hải Dương thời Pháp
thuộc

H.2. Hình ảnh chợ quê thời Pháp
thuộc


+ Thứ 3: Phân công nhiệm vụ: Học sinh thứ nhất: Dẫn dắt vở kịch và tạo
bối cảnh cho vở kịch. Học sinh thứ hai: Viết lời thoại của nhân vật Liên. Học
sinh thứ ba: Viết lời thoại của nhân vật An. Học sinh thứ tư: Viết lời thoại nhân
vật bà cụ Thi và mẹ con chị Tí. Học sinh thứ năm: Viết lời thoại của những đứa
trẻ con nhà nghèo ven chợ và những người bán hàng.
11


Học sinh
Nhiệm vụ yêu cầu cần đạt
HS 1: Người - Lời dẫn 1: Bắt đầu vào vở kịch: Câu chuyện diễn ra tại một
dẫn chuyện phố huyện nghèo vào một buổi chiều khi chợ phiên đã tàn.
Trên nền trời phía Tây đỏ rực với những đám mây ánh hồng
như những hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và
cắt hình rõ rệt trên nền trời.
+ Những âm thanh từ xa vọng lại: Tiếng trống đánh từng hồi,
tiếng ếch nhái kêu râm ran, tiếng muỗi vo ve.
+ Bối cảnh: Phía phải sân khấu: bố trí một chiếc chõng tre đã
cũ, một chiếc bàn gỗ bày một vài món đồ như vài phong thuốc
lào, chiếc điếu, một vài chiếc hộp nhỏ cũ kĩ, một vài bánh xà
phòng, cút rượu
+ Trên nền sân khấu: rải một chút lá khô, bã mía, lá nhãn, và
một vài tờ giấy nâu cũ, túi ni lông…tạo nên khung cảnh xơ
xác cho bối cảnh câu chuyện.
- Lời dẫn 2: Chợ chiều đã vãn từ rất lâu nhưng vẫn còn một
vài người bán hàng nán lại nói chuyện với nhau.
Học sinh 2:
Viết
lời
thoại

cho
nhân
vật
Liên

+ Lời thoại 1: Liên ngồi trên chiếc chõng tre, tay ôm gối,
hướng cái nhìn xa xăm vào hư vô. Liên quay sang nói với em
An: Hẵng thong thả một lát nữa cũng được. Em ra đây ngồi
với chị kẻo ở trong ấy muỗi.
+ Lời thoại 2: Nhẹ nhàng nói với An: Ừ để rồi chị bảo mẹ
mua cho cái khác thay vào.
+ Lời thoại 3: Liên gọi An và chỉ tay ra ngoài phố: Em thấy
không tất cả mọi người đã lên đèn rồi kìa. Chị đố em đèn của
nhà ai đấy? Này đèn nhà bác phở Mĩ, đèn ông tú Lan, không
phải đèn ông Cửu chứ… kia là đèn trong hiệu khách kìa. Sáng
quá. Ước gì chị em mình cũng có cái đèn như thế! – Liên chép
miệng tiếc rẻ.
+ Lời thoại thứ 4: Nói với An: Mẹ con chị Tí đã ra rồi kìa An
– và chỉ tay về phía xa xa.
+ Lời thoại thứ 5:
- Nói với chị Tí: Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?
- Khi chị Tí nhắc: Còn cô chưa dọn hàng à? Liên đáp
Chết chửa! may chị nhắc em mới nhớ nếu không đã bị
mẹ mắng rồi
+ Lời thoại thứ 6: Nói với An: Có phải buổi trưa em bán cho
bà Lực hai bánh xà phòng không? Sau khi An đáp Liên nói
với em mà như bâng qươ: Thôi để mai chị tính một thể. Hôm
nay nóng và muỗi quá em ạ.
+ Lời thoại thứ 7: Nói với bà cụ Thi: rượu của cụ đây ạ! cùng
hành động lễ phép và ánh nhìn hơi sợ sệt.

Học sinh 3: + Lời thoại 1: An chạy vào trong sân khấu và nói vọng ra: Em
12


Viết
lời thắp đèn lên chị Liên nhé?
thoại
cho + Lời thoại 2: Sau khi An ngồi xuống chiếc chõng tre, An
nhân vật An nhún nhún mấy cái, lấy tay ấn xuống mặt chõng và quay sang
nói với Liên: Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ?
+ Lời thoại thứ 3: Nói với Liên và chỉ tay về phía mấy đứa trẻ
con nhà nghèo, hỏi Liên: Chúng nó nhặt gì ấy chị nhỉ?
+ Lời thoại thứ 4: Trả lời câu hỏi của Liên: Vâng, bà ta mua
hai bánh còn cụ Chi lấy nửa bánh nữa chị ạ!
+ Lời thoại thứ 5: Anh chỉ tay về phía bà cụ Thi đang đi ra từ
phía làng giọng sợ hãi nói với Liên: Chị Liên ơi! Bà cụ Thi lại
ra mua rượu đấy. Em sợ quá!
Học sinh 4: *Chị Tí:
Viết
lời + Lời thoại 1: Khi chị xuất hiện cùng với lời gọi như quát
thoại
cho thằng con trai: đi nhanh lên Tửu. Nhanh mà còn bày biện hàng
chị Tí và cụ hóa nước nôi nữa chứ. Tối rồi đấy con ạ!
Thi
+ Lời thoại 2: Nói với Liên: Chép miệng, lặng im một lát, tay
bày biện các thứ đồ hàng ra bán, vừa bày biện vừa trả lời: Ối
chao, sớm muộn mà có ăn thua gì? Chỉ có mấy người phu gạo,
phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ trong huyện hay bữa thì
có thêm người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm cô ạ. Hôm nào
cao hứng thì họ vào uống dăm chén nước hút điếu thuốc lào.

Có hôm chả có ai. Khách khứa mỗi ngày một vắng cô nhỉ?
+ Lời thoại 3: Nói với Liên: Còn cô chưa dọn hàng à?
*Bà cụ Thi:
+ Lời thoại 1: Đưa cút rượu về phía Liên và nói: A, cô bé làm
gì thế?
+ Lời thoại 2: Sau khi nhận cút rượu từ tay Liên, đưa lên
ngắm nghía một chút và khẽ cười: A, em Liên thảo nhỉ. Hôm
nay lại rót đầy cho cụ đây – Rồi cười khanh khách đi về phía
làng.
Học sinh 5: *Những đứa trẻ con nhà nghèo: Vừa nhặt nhạnh vừa nói
Viết
lời chuyện
thoại
cho + Đứa trẻ 1: Hôm nay chả có thứ gì chúng mày ạ. Toàn rác
những đứa rưởi với thứ bỏ đi thôi
trẻ con nhà + Đứa trẻ 2: Cả buổi tao chỉ nhặt được mấy thanh nứa này
nghèo
và thôi đây.
những
*Những người bán hàng: Khoảng 3 người bán hàng đang
người bán quây quần lại trao đổi với nhau
hàng.
+ Người thứ nhất: Cứ thế này thì đến chết đói thôi các bác ạ!
Ai đời bán cả buổi được có 3 hào thế này!
+ Người thứ 2: Tôi có hơn gì bác đâu. Hôm nay chả biết có
đủ tiền mà đong gạo không. Cơ khổ quá
+ Người thứ 3: Ôi chao, hôm nào mà chả vậy, các bà cứ than
thở với nhau để làm gì. Thôi về đi các bác. Tối rồi đấy!
13



Đây có thể gọi là phần định hướng, phần de-mo cho một kịch bản trước
khi đưa ra để sửa chữa, thống nhất. Mỗi cá nhân học sinh trong nhóm sẽ viết
theo quan điểm của cá nhân mình, được thỏa sức sáng tạo trong cách tưởng
tượng, dùng từ đặt câu trên cơ sở nguyên tác của nhà văn. Nếu không có phần
này sẽ rất khó để có thể lên ý tưởng cụ thể, có những định hướng khi thống nhất
viết kịch bản.
+ Thứ tư: Nhóm trưởng tổng hợp kết quả của từng cá nhân trong nhóm.
Sau đó, cả nhóm thảo luận trao đổi để thống nhất đi đến kết quả cuối cùng để
hoàn thành kịch bản. Giáo viên góp ý để sửa chữa và thống nhất trước khi hoàn
thiện đoạn trích kịch được sử dụng trong giờ dạy học chính thức. (Sản phẩm
minh họa ở phần Phụ lục)
2.4. Cách thức tiến hành một giờ học có văn bản được chuyển thể
sang kịch bản văn học
Bản thân tôi trong quá trình nghiên cứu và áp dụng đề tài đã rút ra hai
cách thức để tiến hành giờ dạy có áp dụng cách thức chuyển thể văn bản sang
kịch bản văn học.
2.4.1. Cách 1: Sử dụng kịch bản chuyển thể như một cách để giúp học
sinh tìm hiểu kĩ hơn tác phẩm trước khi được giáo viên hướng dẫn tìm
hiểu.
- Với cách này, mục tiêu giáo viên hướng đến chính là cho học sinh tìm
hiểu kĩ hơn tác phẩm ở nhà trước khi học. Bởi để chuyển thể được từ truyện
ngắn sang kịch bản điều đầu tiên học sinh phải làm là đọc tác phẩm thật kĩ. Có
đọc tác phẩm mới xác định được bối cảnh câu chuyện, hệ thống nhân vật – nhân
vật chính, nhân vật phụ, cùng với đó sẽ chia từng cảnh hoặc lớp của vở kịch sao
cho phù hợp nhất với đoạn trích. Học sinh sẽ có điều kiện tiếp xúc thật kĩ tác
phẩm trên nhiều bình diện khác nhau như mục 2.3.3. đã trình bày.
- Sau khi đã hoàn thiện kịch bản như đã trình bày theo các bước ở mục
2.3.3 trên lớp giáo viên sẽ sử dụng kịch bản như thế nào để giờ học hiệu quả?
+ Trước hết cần phải tuân thủ theo đúng nguyên tác văn bản truyện của

tác giả trong giảng dạy. Bởi ở đó thể hiện rõ tài năng, phong cách và chủ đề tư
tưởng mà nhà văn gửi gắm. Tuy nhiên hiệu quả khi dạy học sẽ cao hơn bởi học
sinh dễ dàng phát hiện những chi tiết liên quan đến các nhân vật, hoặc chi tiết
hay đắt giá được nhà văn sử dụng trong tác phẩm của mình. Các em đã có một
quá trình nghiên cứu kĩ càng về tác giả, tác phẩm để viết kịch bản. Vì vậy sẽ ghi
nhớ kĩ hơn những chi tiết trong tác phẩm, học tâp sẽ hiệu quả hơn.
+ Giáo viên có thể linh hoạt sử dụng các sản phẩm kịch bản của các em
học sinh trong mỗi giờ học. Nếu là một lớp, một cảnh ngắn trong tác phẩm, có
thể cho học sinh đọc phân vai trước khi giáo viên hướng dẫn tìm hiểu. Hoặc sau
khi tìm hiểu xong một phần của bài học liên quan đến đoạn trích kịch đã chuẩn
bị trước, giáo viên cho học sinh đọc phân vai để củng cố lại kiến thức đã đươc
học. Còn nếu là kịch bản dài hoặc cả tác phẩm, giáo viên sẽ cho học sinh đọc
trước khi học tác phẩm hoặc có thể sau khi kết thúc bài giảng. Như vậy sẽ có
thời gian nhiều hơn để học sinh theo dõi được toàn bộ tác phẩm một cách liền
mạch mà không bị ngắt quãng.
14


+ Giáo viên có thể sử dụng kịch bản chuyển thể như một cách để củng cố
khắc sâu hơn kiến thức bài dạy cũng như về tác phẩm. Bởi kịch sẽ sinh động
hơn và dễ nhớ hơn khi được học sinh đọc phân vai trên lớp.
2.4.2. Cách 2: Sử dụng kịch bản chuyển thể cho học sinh dựng thành
vở kịch.
- Cách thức này không mới bởi việc dựng những tác phẩm văn học trong
nhà trường thành kịch hay còn gọi là sân khấu hóa vẫn thường được sử dụng
trong những hoạt động ngoại khóa của trường lớp. Hiệu quả mang lại thì không
phải nói nhiều bởi sự sinh động, hấp dẫn, thực tế, gây chú ý được cho học sinh.
- Tuy nhiên cách sử dựng kịch bản chuyển thể để dựng thành kịch có
những bất cập sau: Đó là đòi hỏi sự đầu tư cả về thời gian, công sức và vật chất.
Trong khi đó thực tế lại không cho phép để làm điều này. Nếu tiết học trên lớp

cho học sinh đóng kịch từ kịch bản đã chuyển thể sẽ rất sinh động nhưng không
còn nhiều thời gian để giáo viên hướng dẫn bài học nữa. Vì vậy giáo viên cần
cân nhắc sao cho hợp lí để giờ dạy hiệu quả nhất

H.3. Một vở kịch ngoại khóa của học sinh trường THPT Vĩnh Lộc
- Với cá nhân tôi, tôi chủ yếu sử dụng cách thứ nhất vì nó phù hợp với
tình hình thực tế, điều kiện vật chất và mang giá trị văn học nhiều hơn. Còn với
cách thứ 2 phù hợp hơn cho những tiết ngoại khóa.
2.5. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục
Với việc áp dụng đề tài “Tiếp cận tác phẩm văn học trong nhà trường
bằng hình thức chuyển thể sang kịch bản trong dạy học môn Ngữ văn ở trường
THPT Vĩnh Lộc – Thanh Hóa” vào thực tiễn giảng dạy của mình trên lớp học tại
Trường THPT Vĩnh Lộc, bản thân tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
15


* Đối với chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh:
+ Học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ học, không khí của lớp học sôi
nổi, thoải mái. Các em không còn mơ hồ và khó hiểu, khó hình dung về những
câu chuyện với bối cảnh đã cũ, cách thế hệ các em khá xa mà có phần rất thích
thú với những tiết dạy Ngữ văn hơn.
+ Học sinh chủ động, tích cực, tự giác trong quá trình tụ tìm hiểu và lĩnh hội kiến
thức, các em đã biết chủ động khai thác kiến thức trong sách giáo khoa, vận dụng những
kiến thức đã học vào thực tế để giải quyết những câu hỏi, bài tập mà giáo viên đưa ra.
+ Học sinh khắc sâu hơn những chi tiết, nhân vật, hình ảnh của tác phẩm
văn học. Để từ đó nắm chắc hơn kiến thức bài giảng trên lớp
+ Làm thay đổi cơ bản quan niệm và cách học của học sinh trước đây là
chỉ lệ thuộc vào sự truyền giảng kiến thức của giáo viên sang phương pháp học
mới lấy người học làm trung tâm. Qua đó, phát huy được tư duy độc lập, khả
năng quan sát, óc sáng tạo cũng như hình thành cho học sinh những kĩ năng, kĩ

xảo đặc thù cần thiết khi học bộ môn học .
* Đối với bản thân và đồng nghiệp:
+ Bản thân thông qua việc tìm hiểu đã nắm vững lí luận dạy học, từ đó
triển khai các biện pháp phát triển các hoạt động nhận thức độc lập, sáng tạo
nhất là tư duy học sinh vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy ở trường
trung học phổ thông Vĩnh Lộc.
+ Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua thực tiễn giảng dạy ở đơn vị
cho đồng nghiệp, đúc rút nhiều kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả và vị thế
môn Ngữ văn nói chung và phần đọc hiểu văn bản nói riêng ở trường phổ thông.
+ Xây dựng nhiều chủ đề có thể lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức cho
học sinh, củng cố kiến thức và xây dựng cho các em một cách nhìn nhận tích cự
hơn về môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông.
* Đối với Nhà trường
Thông qua việc vận dụng các biện pháp sư phạm nhằm phát triển hoạt
động nhận thức độc lập sáng tạo nhất là tư duy góp phần thực hiện đổi mới
phương pháp dạy học, chuyển từ dạy học lấy giáo viên làm làm trung tâm sang
dạy học theo quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm”.
Kết quả môn học Ngữ văn của hai lớp học sinh khối 11 trong năm học
2018 – 2019 khi tôi thực hiện đã đạt được kết quả khả quan sau:
Giỏi
Khố
i
11

Lớp

Sĩ số

11B3
11B4


47
43

Khá

Trung Bình

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

18
10

38,1%

18,6%

20
26

42,5%
60,4%

9
7

19,4%
21%

0
0

0
0

* Khả năng ứng dụng và triển khai của sáng kiến.
Tôi nhận thấy rằng khi áp dụng việc lồng ghép đề tài SKKN vào thực tiễn
giảng dạy Đọc hiểu văn bản môn Ngữ văn đã góp phần không nhỏ vào việc
mang lại hiệu quả và chất lượng dạy và học. Giúp học sinh hứng thú hơn, khắc
sâu hơn kiến thức đã học đồng thời không làm mất đi đặc trưng riêng của bộ
16


môn Ngữ văn. Và thực tế chất lượng học sinh được nâng cao rõ rệt đã chứng
minh cho tính đúng đắn và ưu việt của việc đổi mới phương pháp theo hướng

mà SKKN đã nghiên cứu.
3. Kết luận, kiến nghị
3.1. Kết luận
Môi một môn học đều có một vai trò, chức năng riêng trong việc giáo dục
học sinh nhằm mang lại cho các em sự phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể Mĩ ngay thừ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Môn học có thực sự sinh động và
hấp dẫn học sinh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vai trò trách
nhiệm của người thầy – người kĩ sư thiết kế những công trình là bài giảng. Đặc
biệt với môn Ngữ văn, bộ môn gắn với thế giới tâm hồn của học sinh, người
thầy vì vậy mà vẫn được gọi bằng danh từ đầy kính trọng: Những người kĩ sư
tâm hồn.
Tuy nhiên trong xu thế chung của thời đại công nghệ, thị hiếu nghe – nhìn
lấn át đi văn hóa đọc, nhất là đọc văn học – thì việc thay đổi phương pháp dạy
và học là điều vô cùng cần thiết. Nhưng thay đổi như thế nào vừa hiệu quả, vừa
thu hút học sinh học tập lại vừa không làm mất đi đặc trưng của môn học lại là
điều không hề đơn giản chút nào. Tình trạng đọc chép, hoặc cách giảng dạy áp
đặt từ giáo viên đến học sinh vẫn còn khá phổ biến. Như vậy vô tình đã làm mất
đi khả năng cảm thụ của học sinh, mất đi năng lực tư duy, khám phá những nét
mới trong tác phẩm văn học của mỗi cá nhân. Trong khi đó lại là đặc trưng của
tác phẩm văn học, mỗi một người đọc là một cá thể đồng sáng tạo với tác giả.
Với đề tài “Giải pháp giúp học sinh tiếp cận tác phẩm tự sự trong dạy học
môn Ngữ văn 11 ở trường THPT Vĩnh Lộc bằng hình thức chuyển thể sang kịch
bản văn học” tôi hy vọng rằng sẽ góp thêm một cách thức hay trong dạy học,
một phương pháp mới góp phần vào công cuộc đổi mới trong dạy và học môn
Ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Sau một thời gian vận dụng sáng kiến kinh nghiệm này vào giảng dạy, bản
thân tôi đã nhận thấy rằng những kinh nghiệm này rất phù hợp với chương trình
sách giáo khoa và với những tiết dạy học theo hướng đổi mới. Học sinh có hứng
thú học tập hơn, tích cực chủ động sáng tạo để mở rộng vốn hiểu biết, đồng thời
cũng rất linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ lĩnh hội kiến thức và phát triển
kĩ năng. Không khí học tập sôi nổi, nhẹ nhàng và học sinh yêu thích môn học

hơn.
Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ của tôi trong quá trình áp dụng đề tài vào
thực tế giảng dạy. Là kinh nghiệm của riêng cá nhân nên có thể sẽ có những
điểm bất cập, chưa hợp lí mà bản thân chưa nhận ra được. Vì vậy, bản thân tôi
rất mong được sự góp ý chân thành của các đồng nghiệp để sáng kiến của mình
hoàn thiện hơn và thực sự có ích không chỉ với cá nhân mà còn với đồng nghiệp
3.2. Kiến nghị.
* Đối với Nhà trường
Cần hỗ trợ thêm những thiết bị hiện đại hơn phục vụ nhu cầu dạy và học
của giáo viên và học sinh nhằm khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp
dạy học dưới nhiều hình thức khác nhau.
17


* Đối với giáo viên
Không ngừng tự học hỏi, đổi mới phương pháp để nâng cao năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Khắc phục, hạn chế tối đa phương pháp dạy học
truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm.
Áp dụng thường xuyên các sáng kiến kinh nghiệm, những đổi mới về
phương pháp dạy học.
Luôn tự làm mới bản thân bằng cách tìm tòi, sáng tạo để từng bước cải tiến
phương pháp dạy học cho phù hợp với từng tiết học, bài học với những đối tượng
học sinh khác nhau.
XÁC NHẬN CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 6 năm 2020
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.
(Ký và ghi rõ họ tên)


Trương Hồng Phương

18



×