Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Một số giải pháp rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh lớp 6 ở trường trung học cơ sở lương sơn, thường xuân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.39 KB, 20 trang )

MỤC LỤC
Mục

Các phần
Mục lục

1

Mở đầu

1.1

Lí do chọn đề tài

1.2

Mục đích nghiên cứu

1.3

Đối tượng nghiên cứu

1.4

Phương pháp nghiên cứu

2

Nội dung sáng kiến kinh nghiệm

2.1



Cơ sở lý luận của sáng kiến kinh nghiệm

2.2

Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh
nghiệm

2.3

Các giải pháp thực hiện để giải quyết vấn đề

2.4

Hiệu quả của SKKN

3

Kết luận, kiến nghị

3.1

Kết luận

3.2

Kiến nghị
Tài liệu tham khảo
Danh mục các đề tài SKKN đã được hội đồng đánh
giá xếp loại cấp Phòng GD&ĐT, cấp Sở GD&ĐT.


Trang
1
2
2
2
3
3
3
3
3- 4
4 - 16
16 - 17
17
17
17
18
19

1


1. Mở đầu.
1.1. Lí do chọn đề tài.
Như chúng ta đều biết: Đoạn văn là một đơn vị cấu thành văn bản. Văn
bản là một chỉnh thể thống nhất, thường bao gồm nhiều đoạn văn. Các đoạn văn
trong một văn bản vừa cần được tách ra một cách rõ rệt, vừa cần có sự liên kết
chặt chẽ với nhau. Bên trong mỗi đoạn văn cũng cần có sự liên kết của các câu.
Hơn nữa, các câu bên trong một đoạn văn cần có quan hệ với nhau, tạo nên
những kiểu kết cấu của đoạn văn. Trong việc cấu tạo một văn bản thì việc tạo

dựng một đoạn văn là khâu có vị trí quan trọng đáng kể. Thế nhưng, qua thực tế
giảng dạy ở trường THCS Lương Sơn, Thường Xuân, tôi thấy các em còn thiếu
kỹ năng dựng đoạn, liên kết đoạn. Một bài văn hay được cấu thành bởi nhiều
đoạn văn. Vì vậy để có được bài văn hay, chất lượng thì việc rèn luyện kĩ năng
viết đoạn là cần thiết.
Trong chương trình Ngữ văn lớp 6 - Tập II, Văn miêu tả là một kiểu bài
quan trọng, có số lượng lớn trong phân phối chương trình về phân môn Tập làm
văn. Với quan điểm tích hợp trong chuyên đề cải cách giáo dục đại trà năm học
2002 - 2003, kiểu bài văn miêu tả không phải là mới đối với học sinh lớp 6 mà
ở đây nó phát huy có kế thừa và nâng cao hơn so với bậc Tiểu học. Tuy nhiên,
qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy khi viết văn miêu tả các em còn lẫn lộn,
chưa phân biệt được văn miêu tả với các thể loại văn khác như tự sự. Hoặc có
nhiều em làm đúng kiểu bài văn miêu tả nhưng trình bày cả một bài văn chỉ có
một đoạn hoặc bài làm có nhiều đoạn nhưng lại không rõ ý, các em chấm xuống
dòng một cách tuỳ tiện. Một số em thì chia bài làm thành ba phần: Mở bài, thân
bài, kết bài nhưng ứng với ba phần là ba đoạn. Mở bài và kết bài ngắn, thân bài
thì dài. Dù nội dung bài văn nghèo nàn hay phong phú, dù dung lượng bài văn
ngắn hay dài, dù đối tượng miêu tả ít hay nhiều, phần Thân bài cũng chỉ có một
đoạn. Đây là hạn chế đáng tiếc mà tôi thường bắt gặp trong bài làm của học
sinh. Chính vì vậy điểm ở những bài kiểm tra không cao nên học sinh cũng chưa
có hứng thú với bộ môn Ngữ văn. Đó cũng là điều trăn trở của giáo viên dạy văn
nói chung và bản thân tôi nói riêng. Bởi thế trong tôi luôn đặt ra mục tiêu trong
quá trình giảng dạy của mình là phải tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng dạy
và học kiểu bài văn miêu tả để tạo hứng thú cho học sinh, giúp học sinh yêu
thích môn Ngữ văn hơn.
Từ những lý do nêu trên, tôi mạnh dạn chọn đề tài “Một số giải pháp rèn
luyện kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh lớp 6, Trường THCS
Lương Sơn, Thường Xuân”, để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp rèn luyện
kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho học sinh lớp 6 được tốt hơn.
1.2. Mục đích nghiên cứu.

Việc rèn kĩ năng viết đoạn văn rất thiết thực cho việc nâng cao chất lượng
làm văn miêu tả, là một phần kiến thức rất quan trọng trong chương trình ngữ
văn lớp 6, thuộc phân môn Tập làm văn. Tiếp đến là hình thành cho các em học
sinh có kĩ năng tạo đoạn văn khi làm văn. Từ đó, các em có được những bài văn
hay, hấp dẫn để từng bước xây dựng và phát triển sự yêu thích với môn Ngữ văn
trong nhà trường.
2


1.3. Đối tượng nghiên cứu.
Đề tài nghiên cứu về việc rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn miêu tả cho
học sinh lớp 6.
1.4. Phương pháp nghiên cứu.
Khi nghiên cứu đề tài này, tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu xây dựng cơ sở lý thuyết; Phương pháp điều tra khảo
sát thực tế, thu thập thông tin; Phương pháp thống kê, xử lý số liệu.
2. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm.
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm.
Miêu tả là một phương thức biểu đạt khá thông dụng được sử dụng nhiều
trong giao tiếp bằng ngôn ngữ của con người kể cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ
viết. Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc hình dung ra được những đặc
điểm, tính chất nổi bật của một số sự việc, sự vật, con người, phong cảnh…
nhằm làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc. Qua văn miêu tả,
người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp bên ngoài (màu sắc, hình dáng, kích
thước…) mà còn hiểu rõ bản chất bên trong của đối tượng… Muốn miêu tả
được phải quan sát, tổ chức sắp xếp các chi tiết theo logíc, lựa chọn từ ngữ,
cách đặt câu, dựng đoạn một cách có nghệ thuật... cốt để làm nổi bật cái thần,
cái hồn của đối tượng miêu tả.
Đoạn văn là đơn vị trực tiếp để cấu tạo nên bài văn hoàn chỉnh. Để cấu
tạo nên đoạn văn lại cần các đơn vị nhỏ hơn đó là câu, nhỏ hơn câu là từ. Vậy,

để học sinh có thể tạo lập được đoạn văn, người giáo viên cũng cần hình thành
cho các em các kĩ năng dùng từ, đặt câu. Rèn kĩ năng viết đoạn văn miêu tả cho
học sinh lớp 6 bao gồm cả những vấn đề đó.
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
Một bài văn miêu tả bao gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn triển khai một ý. Biết
dựng đoạn, bài văn sẽ mạch lạc và các ý sẽ không trùng lặp. Đoạn văn gồm
nhiều câu liên kết chặt chẽ với nhau nhằm tả một nét tổng quát về cảnh, vật,
người… Mỗi đoạn văn nêu lên một ý nhất định. Song, qua thực tế giảng dạy tại
trường THCS Lương Sơn, tôi thấy học sinh viết đoạn văn miêu tả không đúng
với phương thức biểu đạt, bởi vì các em chưa biết dùng từ gợi tả mà thường sử
dụng từ ngữ của kiểu văn kể lể sự việc, sự vật. Các em viết đoạn văn miêu tả
còn lúng túng, một số em viết được đoạn văn nhưng chưa hay, từ ngữ chưa được
chọn lọc, câu văn còn lủng củng, rườm rà, tối nghĩa, sai ngữ pháp, thiếu mạch
lạc.
Qua việc điều tra, tôi thấy các em thường mắc phải một số lỗi trong việc
trình bày một bài văn miêu tả đó là:
-Trình bày cả một bài văn chỉ có một đoạn hoặc bài làm có nhiều đoạn
nhưng lại không rõ ý, các em chấm xuống dòng một cách tuỳ tiện.
- Một số em thì chia bài làm thành ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài
nhưng ứng với ba phần là ba đoạn. Mở bài và kết bài ngắn, thân bài thì dài. Dù
nội dung bài văn nghèo nàn hay phong phú, dù dung lượng bài văn ngắn hay dài,
dù đối tượng miêu tả ít hay nhiều, phần thân bài cũng chỉ có một đoạn.
- Chưa dùng từ gợi tả (âm thanh, hương vị, màu sắc, dáng vẻ, hoạt
động…).
3


- Chưa biết sử dụng các biện pháp tu từ (nhân hoá, so sánh, liên tưởng,
tưởng tượng…).
- Chưa biết đặt câu, dựng đoạn.

- Chưa biết diễn đạt ý văn.
Trên cơ sở đó tôi đã chọn đề tài “Một số giải pháp rèn luyện kĩ năng
viết đoạn văn miêu tả cho học sinh lớp 6, Trường THCS Lương Sơn,
Thường Xuân”, giúp cho các em khắc phục những lỗi nêu trên.
Trước khi tiến hành thực hiện đề tài, tôi đã tiến hành kiểm tra, khảo sát
học sinh lớp 6A, 6B trường THCS Lương Sơn năm học 2017 - 2018, kết quả thu
được như sau:
Trung
Giỏi
Khá
Yếu
Kém

bình
Lớp
số
SL
%
SL %
SL %
SL
%
SL
%
6A

32

0


0

6

18,8 16

50

8

25

2

6,2

6B

30

0

0

7

23,3 14

46,7


7

23,3 2

6,7

2.3. Các giải pháp thực hiện để giải quyết vấn đề.
2.3. 1. Giáo viên hướng dẫn học sinh củng cố, mở rộng, nâng cao kiến
thức lý thuyết về văn miêu tả:
2.3.1.1. Khái niệm văn miêu tả:
Văn miêu tả là loại văn bản nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung
những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong
cảnh,…làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.
Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường bộc lộ rõ
nhất.
Trong chương trình Ngữ văn lớp 6, có hai kiểu miêu tả chính: tả cảnh và tả
người. Tả cảnh gồm cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt. Tả người gồm tả chân
dung và tả người đang hoạt động.
2.3.1.2. Giáo viên hướng dẫn học sinh phân biệt kiểu bài miêu tả và
kiểu bài tự sự:
Miêu tả
Tự sự
- Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người - Văn Tự sự (kể chuyện) là
đọc, người nghe hình dung được những đặc phương thức trình bày một
điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, con chuỗi các sự việc, sự việc này
người, phong cảnh,… làm cho những cái đó dẫn đến sự việc kia, cuối cùng
hiện lên trước mắt người đọc, người nghe. dẫn đến một kết thúc, thể hiện
Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của một ý nghĩa.
người viết, người nói thường bộc lộ rõ nhất.
2.3.1.3. Giáo viên giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng quan sát, tưởng

tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả.
+ Kĩ năng quan sát, ghi chép:
4


Đối tượng của văn miêu tả là những sự vật, sự việc, là thế giới thiên
nhiên, là cuộc sống con người và có thể nói đó là cuộc sống hết sức đa đạng,
phức tạp, sống động. Chúng ta không thể ngồi một chỗ để tưởng tượng ra cuộc
sống đó mà phải quan sát để ghi nhận, để khám phá, để hiểu về thế giới quanh
mình, từ đó mới có thể viết được. Nhưng trong thực tế, các em hay bỏ qua kĩ
năng này. Đa số đối tượng miêu tả trong các bài văn mà giáo viên yêu cầu các
em viết thường là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống : hình
ảnh cô giáo, hình ảnh một học sinh, không khí giờ ra chơi, con đường tới trường,
buổi bình minh, cánh đồng lúa chín,… Tuy vậy, các em học sinh vẫn tỏ ra lúng
túng khi làm bài. Và kết quả cho ra đời những bài văn nghèo nàn về nội dung ý
nghĩa, thiếu sức thuyết phục, thiếu tính chân thực, thậm chí hết sức vô lí. Chẳng
hạn như câu tả “Đêm cuối tháng, cả bầu trời vằng vặc ánh trăng, chi chít muôn
ngàn vì sao lấp lánh” (“Đêm cuối tháng” thì làm gì có trăng! Mà những hôm
“trăng sáng vằng vặc” thì lấy đâu ra “muôn ngàn vì sao chi chít”!). Hoặc có em
lại tả “Con lợn sề có bốn cái chân như bốn cái ống điếu” (Với bốn cái chân ấy
thì làm sao có thể trụ vững cho toàn bộ cơ thể to lớn của con lợn sề?). Nguyên
nhân là do các em ít quan sát, không có thói quen để ý các sự vật, sự việc, hiện
tượng quanh mình. Nói đúng hơn là có nhìn mà không thấy, có nghe mà không
cảm nhận. Muốn khắc phục tình trạng này, giáo viên cần rèn cho các em học
sinh phải tập thói quen quan sát hằng ngày. Quan sát và tự đặt ra những câu hỏi
để giải đáp, nhằm tìm hiểu và khắc sâu vào trí nhớ những hình ảnh về cuộc sống
xung quanh. Hãy xem hai bên đường ta đi học có những gì? Cây cối, cảnh vật ra
sao ? Cảnh về mùa đông khác với cảnh về mùa hè, cảnh buổi sáng khác với cảnh
buổi chiều ở chỗ nào ? Hay hãy quan sát em bé tập đi mà xem: Nó độ bao nhiêu
tháng tuổi? Gương mặt và hình dáng như thế nào? Từng động tác tập đi ra

sao?... Tất cả những điều các em quan sát và ghi nhận được cần phải chép lại
vào một cuốn sổ tay. Không cần chép dài dòng, chỉ điểm qua những nét chính,
ngắn gọn. Sẽ rất thành công nếu khi quan sát các em có được những phát hiện
bất ngờ. Những phát hiện này sẽ là điều kiện giúp cho bài làm của các em thêm
sáng tạo và độc đáo.
Kĩ năng quan sát, ghi chép có thể được sơ đồ hoá về quy trình như sau:
Tiếp xúc với đối tượng  Định mục đích  Chọn vị trí  Huy động
giác quan và trí tuệ quan sát bao quát  Tập trung vào trọng điểm  Lựa chọn
và ghi chép tư liệu.
+ Kỹ năng tưởng tượng, so sánh:
Có thể khẳng định rằng nếu không có kĩ năng tưởng tượng thì bài văn
miêu tả chắc chắn sẽ không thể hay được, dù là văn tả thực. Làm nghệ thuật nói
chung và viết văn miêu tả nói riêng không thể chấp nhận kiểu sao chép hiện thực
cuộc sống một cách máy móc, khô cứng. Nếu chỉ quan sát và ghi chép vào bài
làm đúng y nguyên những điều đã quan sát thì bức tranh được miêu tả trong bài
văn sẽ quá trần trụi, thiếu sức hấp dẫn. Vì vậy, giáo viên cần cho học sinh hiểu
được vai trò của trí tưởng tượng trong văn miêu tả là rất lớn. Nó không chỉ là
yếu tố tạo nên sự phong phú cho các hình ảnh trong bức tranh miêu tả mà còn
giúp cho người làm văn miêu tả tìm được những từ ngữ và các biện pháp nghệ
thuật (so sánh, nhân hóa,…) phù hợp để bài văn miêu tả hấp dẫn hơn.
5


So sánh là hệ quả của quá trình liên tưởng, tưởng tượng. Khi quan sát một
đối tượng nào đó, hình ảnh của đối tượng ấy (từ màu sắc tới hình dáng, từ kích
thước tới trạng thái) thường gợi cho người quan sát nghĩ tới những hình ảnh
khác có cùng một nét tương đồng nào đấy. Chính sự liên tưởng, so sánh này làm
cho trang văn miêu tả hay hơn, và đối tượng miêu tả hiện lên rõ hơn, đẹp hơn,
hấp dẫn hơn.
Nếu xét về đối tượng, hiện tượng so sánh trong văn miêu tả hết sức đa

dạng và phong phú:
Có thể so sánh người với người: Ví dụ: "Với gương mặt phúc hậu và mái
tóc bạc trắng, trông bà hệt như một bà tiên trong truyện cổ tích"; " Nhìn nó chăm
chỉ làm việc giúp bà, ai cũng tấm tắc: Hệt như cô Tấm trong truyện cổ tích
xưa"...
Có thể so sánh người với các con vật (hình dáng, tính cách): "Lão ta quá
ranh mãnh, xảo quyệt, y như một con cáo già"; "Trông anh ta như một con
gấu"; "Cậu ấy nhanh như một con sóc"...
Có thể so sánh người với cây cối: "Chấm cứ như một cây xương rồng"
(Đào Vũ - Cái sân gạch); "Cô bé cứ như một cây lúa non, lặng lẽ lớn lên từ bùn
đất"...
Có thể so sánh người với các hiện tượng tự nhiên: "Giọng lão ta lúc nào
cũng gầm vang như sấm"; "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào"....
Có thể so sánh vật với vật, cảnh với cảnh: "Cây gạo như treo rung rinh
hàng ngàn nồi cơm gạo mới" (Vũ Tú Nam); "Vầng trăng non giữa bầu trời đầy
sao hệt như một cái liềm vàng ai bỏ quên giữa cánh đồng lúa chín" (theo Vích-to
Huy-gô); Măng chồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất
luỹ mà trỗi dậy" (Ngô Văn Phú); ...
Có thể so sánh vật với con người: "Cây bàng già sừng sững, uy nghi như
một người lính gác canh giữ cho khu vườn được bình yên"; "Cây bưởi như một
người mẹ đang cần mẫn cõng trên mình lũ con đầu tròn trọc lóc" (Đoàn Giỏi);…
Nếu xét về cách thức so sánh thì có những hiện tượng so sánh sau:
So sánh theo hướng thu nhỏ lại : "Trái đất như một giọt nước màu xanh lơ
lửng giữa không trung"; "Xa xa, những cánh buồm nâu như những cánh bướm
dập dờn trên mặt biển"; …
So sánh theo hướng phóng đại lên: "Rệp bò lổm ngổm như xe cóc – Muỗi
lượn nghênh ngang tựa máy bay" (Hồ Chí Minh) ; "Chiếc lá tre được thả xuống
dòng nước, trong tranh, xoay xoay, rổi trôi đi như một con thuyền, chở theo ước
mơ của chúng tôi";..
So sánh theo hướng cụ thể hoá: "Từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh

như thổi" (truyền thuyết Thánh Gióng); "Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì
hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn"
(Nguyễn Tuân); ...
So sánh theo hướng trừu tượng hoá: "Nước biển chiều nay xanh như một
trang sử của loài người, lúc con người phải viết vào thân tre" (Nguyễn Tuân); ...
Tuy nhiên, khi sử dụng kĩ năng so sánh, cần lưu ý là phải biết sáng tạo,
biết tìm điểm mới, điểm riêng. Không nên lặp đi lặp lại những hình ảnh so sánh
đã quá cũ, quá sáo mòn.
6


+ Kỹ năng nhận xét:
Đối tượng miêu tả sẽ xuất hiện và đi vào bài văn tuỳ vào thái độ và tình
cảm, tâm trạng cũng như tình huống tiếp xúc của người viết. Đó chính là dấu ấn
chủ quan của người viết trong văn miêu tả. Có như thế, những trang viết mới là
của riêng mình, không lẫn với ai. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người viết
phải bộc lộ trong bài viết của mình những lời nhận xét những suy nghĩ, những
cảm nhận riêng về đối tượng. Vấn đề là phải dùng cách nhận xét như thế nào để
tạo sự hấp dẫn cho bài văn miêu tả?
Giáo viên hướng dẫn học sinh có thể nhận xét trực tiếp bằng những lời
bình, những câu cảm thán, những hình ảnh so sánh hoặc có thể bộc lộ một cách
kín đáo qua việc lựa chọn hình ảnh miêu tả. Ví dụ: “Cái chàng Dế Choắt, người
gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.” (Tô Hoài); “Những
bông hoa rơi từ trên cao, đài hoa nặng chúi xuống, những cánh hoa đỏ rực quay
tít như chong chóng, nom thật đẹp.” (Vũ Tú Nam);…
Như vậy, để viết được bài văn miêu tả, ta không thể không quan sát. Quan
sát để phát hiện ra những nét mới mẻ, độc đáo, phát hiện ra cái riêng của đối
tượng. Nhưng nếu chỉ quan sát không thôi thì chưa đủ. Để có thể giúp người
đọc, người nghe hình dung ra được, nhận ra được con người ấy, cảnh vật ấy…
người viết cần biết tưởng tượng, so sánh và nhận xét. Chính sự tưởng tượng, so

sánh, nhận xét vừa giúp người đọc, người nghe hình dung được đối tượng miêu
tả một cách cụ thể, rõ ràng, vừa làm cho lời văn thêm sinh động, giàu hình ảnh.
Để học sinh thấy rõ hơn vai trò, tác dụng của quan sát, tưởng tượng, so
sánh và nhận xét trong văn miêu tả, giáo viên cho học sinh so sánh hai đoạn văn
miêu tả sau :
Đoạn văn 1: "Trên bãi cỏ sau làng, đàn bò đang gặm cỏ. Con nào con nấy
hùng hục ăn một cách ngon lành, không còn để ý gì đến xung quanh. Tiếng gầm
cỏ nghe rào rào. Nhìn cảnh tượng ấy thật thú vị" (Bài làm của học sinh).
Đoạn văn 2: "Con Nâu đứng lại. Cả đàn dừng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu
trào lên như một nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn tục uống
nhất, cứ thúc mãi mõm xuống, ủi cả đất lên mà gặm. Bọt mép nó trào ra, nom
đến ngon lành. Con Hoa ở gần đó cũng hùng hục ăn không kém... Mẹ con chị
Vàng ăn riêng một chỗ cùng con Cún. Cu Tũn dở hơi chốc chốc lại chạy tới ăn
tranh cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó và đi kiếm một búi khác"
(Hồ Phương - Có non).
Ở đoạn văn thứ nhất, bạn học sinh chỉ dùng những câu văn tả thực hoàn
toàn giới thiệu cảnh đàn bò gặm cỏ. Vì thế ý không thể phong phú, và đoạn văn
cũng không có sức gợi tả, gợi cảm. Nhưng ở đoạn thứ hai, tác giả Hồ Phương đã
kết hợp một cách tài tình giữa hình ảnh tả thực và những hình ảnh sáng tạo nhờ
trí tưởng tượng. Chính trí tưởng tượng phong phú đã giúp cho tác giả khi nghe
tiếng đàn bò gặm cỏ đã liên tưởng tới âm thanh “của một nong tằm ăn rỗi khổng
lồ". Và cũng nhờ trí tưởng tượng mà tác giả đã phát hiện ra được tính cách của
từng con bò qua cách gặm cỏ của chúng : Con Ba Bớp thì "ngổ ngáo", "phàm ăn
tục uống"; con Hoa vốn "tiểu thư yếu điệu" nhưng cũng không cưỡng lại được
sức hấp dẫn của bãi cỏ non, "hùng hục ăn không kém"; cu Tũn như một chú bé
con dở hơi, tinh nghịch, nũng nịu; chị Vàng đúng là một người mẹ dịu dàng,
7


quen nhường nhịn,... Nghệ thuật so sánh kết hợp với nhân hoá đã làm cho hình

ảnh đàn bò gặm cỏ hiện lên thật sống động dưới ngòi bút miêu tả sáng tạo của
nhà văn Hồ Phương.
2.3.2. Cách viết đoạn văn miêu tả.
2.3.2.1. Cách dùng từ ngữ, hình ảnh:
Việc lựa chọn từ ngữ trong văn miêu tả là yêu cầu quan trọng, đòi hỏi phải
được đặt ra một cách nghiêm túc. Muốn làm tốt yêu cầu này thì học sinh cần
phải có một vốn từ phong phú bằng cách tích luỹ thường xuyên và dưới nhiều
hình thức: thông qua các giờ học Văn - Tiếng Việt trong nhà trường; thông qua
giao tiếp hằng ngày, thông qua quá trình đọc sách, đọc tài liệu tham khảo có liên
quan tới văn miêu tả. Tất nhiên, có vốn từ phong phú chưa hẳn đã là thành công
mà điều quan trọng là học sinh khi viết bài phải có sự lựa chọn tinh tường, sao
cho giữa một hệ thống các từ đồng nghĩa, gần nghĩa, có thể lấy ra được một vài
từ phù hợp nhất, chính xác nhất. Điều cần lưu ý là phải luôn có thói quen tìm từ
gợi hình, biểu cảm và phải chọn từ ngữ phù hợp với đối tượng, với văn cảnh.
Muốn làm nổi bật hình ảnh của đối tượng thì chú ý nhiều tới hệ thống từ tượng
hình (tả màu sắc, hình dáng, trạng thái,...); muốn làm nổi bật không khí của cảnh
thì dùng hệ thống của từ tượng thanh (mô phỏng các tiếng động). Bài văn miêu
tả thiếu đi các từ ngữ có sức tạo hình, gợi cảm thì chắc chắn sẽ không thể hay.
Nhưng cũng cần ý thức được rằng nếu dùng từ ngữ, hình ảnh tuỳ tiện hoặc
khuôn sáo, bắt chước một cách lộ liễu thì cách miêu tả cũng không có sức thuyết
phục.
Ví như tả cảnh sóng biển có nhiều từ ngữ gợi hình, gợi thanh: cuồn cuộn,
nhấp nhô, lăn tăn, rì rầm, rì rào, lô nhô, ì oạp,... Nhưng không phải tả sóng lúc
nào cũng dùng được tất cả các từ ấy. Tả sóng biển lúc trời động thì phải dung từ
cuồn cuộn ; tả tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá thì phải dùng từ ì oạp; tả tiếng sóng
biển vọng lại trong đêm mà nghe xa thì phải dùng từ rì rầm; …
Tả cây cối cũng có nhiều từ ngữ chỉ màu xanh khác nhau: xanh um, xanh
rì, xanh non, xanh mơn mởn, xanh tươi, xanh tốt, xanh rờn,... Nhưng khi đi vào
thực tế, mỗi loại cây sẽ có một màu xanh riêng, không thể lẫn lộn : cây rau cải
trong vườn hay cây lúa đang thì con gái thì phải là xanh mơn mởn, xanh rờn; cây

cối trong rừng rậm rạp thì phải là xanh rì, xanh tốt, xanh um,...
Ngay cả âm thanh tiếng mưa rào cũng có sự phân biệt rất rõ mưa giáo đầu
thì lẹt đẹt ; mưa trên mái tôn thì rào rào , mưa đập vào phên nứa đồm độp; mưa
đập vào tàu lá chuối thì lùng bùng; mưa từ mái giọt tranh đổ xuống sân thì ồ ồ;..
Còn từ ngữ tả dáng đi của con người cũng vô cùng phong phú, đa dạng:
em bé tập đi thì lẫm chẫm; cậu bé tinh nghịch thì có dáng đi nhún nhảy, vừa đi
vừa nhảy chân sáo; cụ già thì lom khom; người đang đau chân thì đi khập khà
khập khiễng; các cô gái trẻ thì yểu điệu thướt tha, người có tâm trạng thoải mái
đi thong thả, người vất vả thì dáng đi hấp tấp, lật đật, sấp ngửa,...
Bên cạnh việc lựa chọn từ ngữ, vấn đề tạo hình ảnh trong văn miêu tả
cũng không kém phần quan trọng. Có thể thấy rõ câu văn miêu tả giàu hình ảnh
bao nhiêu thì sức gợi cảm của nó sẽ lớn bấy nhiêu. Việc tạo hình ảnh cho câu
văn miêu tả có thể thực hiện bằng nhiều cách : hoặc là bằng từ ngữ tượng hình,
tượng thanh ("gấu bố, gấu mẹ, gấu con cùng béo rung rinh, bước đi lặc lè, lặc
8


lè); hoặc bằng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hoá ("Lá mía sắc như lưỡi gươm,
xanh đậm”; "Lũ trẻ đứa nào đứa nấy da cứ đen bóng như bôi nhọ mỡ”; “Dòng
song thay chiếc áo màu xanh hằng ngày bằng dải lụa đào" ; ...).
Tuy nhiên, khi sử dụng các biện pháp nghệ thuật trên trong bài văn miêu
tả, giáo viên cần lưu ý cho học sinh những nghệ thuật ấy chỉ thực sự có tác dụng
nếu được dùng đúng lúc, đúng chỗ, hợp văn cảnh. Ngược lại, nếu dùng những
biện pháp nghệ thuật ấy một cách máy móc, sáo mòn thì nó làm giảm giá trị của
bài văn miêu tả rất nhiều. Mặt khác, cũng như khi ta ăn tiệc, món ăn dù ngon
đến mấy nhưng ăn quá nhiều thì sẽ chán; trong văn miêu tả, nếu quá lạm dụng
cách nói so sánh, nhân hoá mà ít tả thực thì chắc chắn cảm giác thích thú ban
đầu của người đọc sẽ giảm dần, thậm chí dẫn tới sự khó chịu, nhất là khi gặp
những hình ảnh so sánh, nhân hoá nhạt nhẽo, vô vị.
Để thấy rõ tầm quan trọng của việc dùng từ ngữ, hình ảnh trong văn miêu

tả, giáo viên hướng dẫn học sinh so sánh hai đoạn văn có cùng nội dung miêu tả
cây cối trong vườn như sau:
Đoạn 1: "Vườn cây đang vào mùa quả chín trông thật thích mắt. Đây là
cây dừa to lớn đứng uy nghi toả bóng rợp nửa khoảng vườn, từng chùm quả bao
quanh ngọn, nặng trĩu. Giữa vườn là những cây roi hồng. Năm nay roi cũng
được mùa, quả nhiều, có những cành không còn trông thấy lá đâu. Cuối góc
vườn là cây bưởi. Đây là giống bưởi mới, thân không cao, tán lá xoè rộng ra,
quả to và múi dày. Ngắm vườn cây mùa này, lòng người tự nhiên thấy thư thái
hơn".
Đoạn 2: "Vườn cây đang vào mùa quả chín trông thật thích mắt. Rợp
bóng che nửa khoảng vườn là một cây dừa to lớn, đứng uy nghi. Những buồng
dừa trông như những chùm bóng bay màu xanh lúc lỉu bám quanh ngọn, nặng
trĩu. Quả nào quả nấy mơn mởn và lớn nhanh như thổi. Còn giữa vườn là
những cây roi hồng. Năm nay roi cũng được mùa, quả sai trĩu trịt. Có những
cành roi chín đỏ mọng, uốn cong, chỉ thấy quả chi chít mà không trông thấy lá
đâu nữa. Nắng gắt. Rồi một trận mưa rào đổ xuống. Những trái roi căng da,
mọng nước, trông càng hấp dẫn thêm. Ở cuối góc vườn là cây bưởi đứng nép
mình, lặng lẽ, cõng trên lưng lũ quả tròn trọc lóc. Đây là giống bưởi mới, thân
không cao, tán lá xoè rộng. Nhưng được cái quả to và múi dày nên được nhiều
người chuộng. Ngắm vườn cây mùa quả chín, không hiểu sao lòng người tự
nhiên thấy thanh thản và thư thái hơn".
Cùng một nội dung miêu tả nhưng cách diễn đạt ở hai đoạn văn hoàn toàn
khác nhau. Ở đoạn một mới chỉ dừng lại nội dung thông báo, giới thiệu đặc điểm
của từng loại cây, không hề chú trọng việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh nên đoạn
văn không hay, không có sức hấp dẫn. Nhưng ở đoạn thứ hai, nội dung thông
báo đã được lồng trong những câu văn giàu hình ảnh với các từ láy (lúc lỉu, mơn
mởn, trĩu trịt, chi chít, lặng lẽ, trọc lóc) và với cách nói so sánh, nhân hoá
(những buông dừa trông như những chùm bóng bay màu xanh, cây bưởi cõng
trên lưng lũ quả tròn trọc lóc,...). Do đó, hình ảnh cây cối trong vườn hiện lên
cụ thể hơn, đem lại thành công cho đoạn văn miêu tả.

2.3.2.2. Cách đặt câu, dựng đoạn văn miêu tả.
9


Cũng như văn tự sự, cách đặt câu trong văn miêu tả đòi hỏi người viết
phải linh hoạt và công phu. Có thể là câu dài với đầy đủ các thành phần chính
phụ, có nhiều tầng ý nối tiếp nhau. Cũng có thể là những câu ngắn (câu đặc biệt
hoặc câu tỉnh lược). Vấn đề đặt ra ở đây là phải biết chọn kiểu câu phù hợp với
hoàn cảnh, với tình huống, nội dung miêu tả, và cả với cảm xúc của người miêu
tả nữa.
Giáo viên hướng dẫn học sinh một số trường hợp lựa chọn kiểu câu
thường gặp:
Kiểu câu dài, nhiều tầng ý, nhiều vế nối nhau thường phù hợp với việc
miêu tả khung cảnh thiên nhiên êm đềm, yên ả, hoặc những hoạt động diễn ra
nhẹ nhàng, liên tiếp nối nhau; hoặc khi cảm xúc của con người đang dâng tràn,
tuôn chảy,...
Kiểu câu ngắn (câu đặc biệt, câu tỉnh lược) với các dấu câu (dấu chấm
than, dấu chấm hỏi, dấu chấm lửng,...) thường dùng để diễn tả những cảm xúc
mạnh, những hoạt động nặng, diễn ra nhanh gọn, liên tục; những tình huống bất
ngờ...
Kiểu câu đảo ngữ: thường dùng trong những trường hợp cần nhấn mạnh
một đặc điểm, một trạng thái nào đó của đối tượng được miêu tả.
Ví dụ: Tả cánh đồng quê yên ả thanh bình: Cánh đồng trải ra xa tít tắp,
mênh mông với sóng lúa lăn tăn gợn nhẹ, đuổi nhau chạy dài đến tận chân trời.
(Câu dài)
Tả ánh trăng khuya: Trời đã về khuya, ánh trăng dường như càng sáng
hơn, vằng vặc giữa vòm cao mênh mông, lặng lẽ toả ánh sáng dịu dàng và tinh
khiết xuống mặt đất, huyền ảo và đẹp lạ kì. (Câu dài).
Tả em bé đang tập đi: Cu Tí đang chập chững tập đi. Hai bàn chân bấm
xuống. Hai tay dang ra để giữ thăng bằng. Một bước. Hai bước. "Uych". Cu Tí

khóc oà lên vì bị ngã. Mẹ vội đỡ Tí dây, thơm một cái vào đôi má trắng hồng. Tí
ta nhoẻn cười, nước mắt vẫn đọng trên mí. Hai bàn chân lại bấm xuống. Hai tay
lại dang ra. Một bước... Hai bước... Năm bước... Mười bước... Tiếng vỗ tay cổ
vũ của mọi người làm cho cu Tí càng phấn khởi. (Một loạt câu ngắn)
Tả hoa phượng: Trên cành cây, lác đác xuất hiện những bông hoa
phượng đầu mùa. (Câu đảo ngữ)
Một điều cần lưu ý là trong cùng một bài văn miêu tả phải biết dùng đan
xen nhiều kiểu câu khác nhau. Có câu dài xen câu ngắn. Có câu bình thường xen
câu đặc biệt. Như vậy mới tạo được sự phong phú, đa dạng cho cách diễn đạt.
Ngoài việc đặt câu, cách dựng đoạn và liên kết giữa các đoạn trong một
bài văn miêu tả cũng rất cần được quan tâm. Thông thường, khi làm văn, học
sinh chia bài làm thành ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết luận. Do đó, ứng với ba
phần thường là ba đoạn văn. Mở bài và Kết luận ngắn, Thân bài thì dài. Dù nội
dung bài văn nghèo nàn hay phong phú, dù dung lượng bài văn ngắn hay dài, dù
đối tượng miêu tả ít hay nhiều, phần Thân bài cũng chỉ có một đoạn. Đây là hạn
chế đáng tiếc mà ta có thể bắt gặp trong bài làm của học sinh.
Vậy có thể khắc phục hạn chế này bằng cách nào ?
Điều trước tiên giáo viên cần hướng dẫn học sinh phải xác định những ý
cần triển khai trong nội dung bài văn miêu tả để chia thân bài thành các đoạn
10


văn tương ứng. Có nhiều cách để chia đoạn trong bài văn miêu tả:
Chia đoạn theo trình tự thời gian: Học sinh cần đặt đối tượng miêu tả vào
các khoảng thời gian khác nhau. Trong một năm thì theo bốn mùa Xuân - Hạ Thu - Đông (tả cây cối, cảnh vật); trong một ngày thì có sáng- trưa - chiều - tối
(tả cảnh vật, thời tiết); trong một quá trình thì có bắt đầu – diễn biến – kết thúc
(tả cảnh sinh hoạt), khi nhỏ – lớn lên – về già (tả con người), V.v.
Chia đoạn theo trình tự không gian: Người làm bài quan sát đối tượng
miêu tả ở nhiều góc độ và từ nhiều hướng khác nhau: từ xa nhìn lại, từ ngoài
nhìn vào, từ trong nhìn ra, từ trên nhìn xuống, từ dưới nhìn lên, nhìn bên trái,

nhìn bên phải, nhìn phía trước, nhìn phía sau, nhìn toàn cảnh, nhìn chi tiết,...
Chia đoạn theo đặc điểm tính cách của đối tượng được miêu tả : Mỗi đặc
điểm tính chất có thể được tách ra để miêu tả trong một đoạn văn độc lập. Ví
như tả người nói chung có thể chia thành hai ý (hình dáng, tính tình)...
Chia đoạn theo số lượng đối tượng được miêu tả: có thể sử dụng cách chia
đoạn này cho kiểu bài tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh sinh hoạt, tả thế giới loài vật,
đồ vật... Ví như tả cảnh thiên nhiên thì có: bầu trời – mặt đất; cảnh trong vườn cảnh ngoài đồng; cảnh biển cả – cảnh núi rừng; ... Hoặc tả không khí giờ học thì
có: Công việc của thầy cô giáo - công việc của học sinh; ... Tả đàn gia súc, gia
cầm của gia đình thì có: bầy gà, đàn vịt, lũ trâu bò, mấy con lợn,...
Sau khi hướng dẫn học sinh chia đoạn, giáo viên hướng dẫn học sinh cách
triển khai ý trong từng đoạn. Có thể mở rộng ý theo một số hướng sau:
Mở rộng ý bằng cách liên tưởng, so sánh đối tượng đang miêu tả với
những đối tượng khác. Hoặc đặt đối tượng đang miêu tả trong các mối quan hệ
với những đối tượng xung quanh.
Mở rộng ý bằng cách đi vào miêu tả thật tỉ mỉ, thật chi tiết từng đường
nét, hình dáng, đặc điểm của đối tượng.
Mở rộng ý bằng cách đan xen vào những câu văn miêu tả những câu văn
nên cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét.
Mở rộng ý bằng cách kết hợp miêu tả đặc điểm với những lời giới thiệu
về giá trị, về công dụng của đối tượng được tả.
Ví dụ: Khi làm bài văn tả cây cối trong vườn vào một thời điểm cụ thể,
giáo viên có thể hướng dẫn học sinh chia Thân bài thành một số đoạn ứng với
một số đối tượng miêu tả như sau :
Đoạn một: Tả một cây có đặc điểm tiêu biểu và gây ấn tượng nhất trong
vườn (lớn nhất, đặt ở vị trí quan trọng nhất,...). Khi tả, phải giới thiệu được vị
trí, miêu tả hình dáng, đặc điểm của thân, lá, rễ, hoa, quả,... tầm quan trọng của
nó đối với các cây cối khác trong vườn, hoặc đối với con người. Có trường hợp
cần nêu thêm lai lịch của nó (Ai trồng? Trồng lúc nào? Người trồng và thời điểm
trồng có ý nghĩa như thế nào đối với chủ nhân của khu vườn ?).
Đoạn hai: Tả loài cây cho hoa cho hương. Liệt kê một số loài hoa (hoa

nhài, hoa hồng,...), đồng thời miêu tả cụ thể vị trí, hình dáng, đặc điểm, cấu tạo
của từng loại cây (thân, lá, hoa, hương vị,...)
Đoạn ba: Tả loài cây cho quả. Liệt kê một số loài cây tiêu biểu (cam,
bướm, na, ổi,...), sau đó tập trung miêu tả vị trí, quy trình ra hoa kết trái, cấu tạo,
Công dụng,... của từng loài cây.
11


Lưu ý là trong quá trình tả, có thể đặt các đối tượng được tả trên trong
mối quan hệ với nắng, với gió, với chim chóc, ong bướm, với con người,... để
toàn cảnh khu vườn hiện lên sống động và đẹp hơn.
2.3.3. Một số lưu ý riêng cho từng kiểu bài.
2.3.3.1. Kiểu bài văn tả đồ vật, loài vật, cây cối.
Đối tượng miêu tả ở kiểu bài văn này thường rất cụ thể, và thường là
những vật quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta: Một cái cặp
sách, một cái bút, một tấm bản đồ, một con mèo, một chú gà trống, một cây ăn
quả,... Kiểu bài này thường khó ở chỗ đối tượng miêu tả quá cụ thể, nhiều khi
cấu tạo của nó lại đơn giản nên học sinh khi miêu tả không biết làm thế nào để
phát triển ý. Rút cục là bài văn tả chỉ ngắn cụt lủn, hời hợt, nghèo nàn. Để giúp
các em làm tốt kiểu bài này giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh:
Thứ nhất, khi làm kiểu bài này có thể chọn trình tự miêu tả là từ bao quát
(giới thiệu chung) đến cụ thể (đi vào chi tiết). Riêng tả loài vật, cây cối có thể
theo quá trình trưởng thành của đối tượng với các giai đoạn cụ thể.
Thứ hai, đối tượng được miêu tả ở kiểu bài này là những đồ dùng, vật
dụng, những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, khi miêu
tả, phải chú ý tới công dụng, ý nghĩa của chúng cũng như mối quan hệ giữa
chúng với con người. Đặc biệt, thỉnh thoảng trong quá trình tả, có thể đan xen
vào một vài kỉ niệm thể hiện sự gắn bó giữa người tả với đối tượng được tả.
Thứ ba, cần biết điều chỉnh một cách hợp lí giữa tả thực và các hình ảnh
liên tưởng. Nếu tả thực nhiều quá thì hình ảnh miêu tả trở nên trần trụi. Nếu liên

tưởng nhiều quá thì tính chân thực sẽ giảm đi. Riêng đối với đồ dùng vật dụng,
không phải lúc nào cũng tả cái mới. Có thể tả những đồ dùng đã cũ (xen vào các
kỉ niệm thể hiện sự gắn bó) thì ý nghĩa của bài làm sẽ sâu sắc hơn.
2.3.3.2. Kiểu bài văn tả cảnh.
Đối tượng miêu tả bao gồm cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt. Có thể coi
đây là những bức tranh bằng ngôn ngữ dựng lại một khung cảnh nào đó, một
hoạt động nào đó của thiên nhiên, của con người (một phiên chợ tết, một bến đò
hoặc ga tàu đông khách, một cuộc thi thả diều, một cánh rừng, một dòng sông,
một làng quê yên tĩnh, v.v.). Nội dung của kiểu bài này không nghèo nàn, thậm
chí rất phong phú nhưng do kinh nghiệm quan sát của học sinh còn yếu, kiến
thức nghèo nàn, trình độ sắp xếp ý còn hạn chế nên bài làm thường có bố cục
lộn xộn, thiếu cân đối. Vì vậy giáo viên hướng dẫn học sinh khi làm kiểu bài văn
này cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đối với văn tả cảnh thiên nhiên, người viết có thể chọn một trong số các
trình tự tả: theo trình tự thời gian, không gian, số lượng cảnh,... Bức tranh thiên
nhiên không bao giờ ở dạng tĩnh mà luôn có sự thay đổi, vì vậy khi tả phải làm
nổi bật được sự thay đổi này (mùa này khác mùa kia, buổi này khác buổi kia,
thời điểm này khác thời điểm kia,...).
Ngoài việc tả bao quát toàn cảnh, các em cần tìm được một số hình ảnh
tiêu biểu để tập trung tả chi tiết, cụ thể. Đặc biệt là khi tả cảnh thiên nhiên cần
chú trọng dùng nhiều từ láy tượng hình, tượng thanh. Dù cảnh thiên nhiên nào
thì cũng phải đặt nó trong một không gian, thời gian cụ thể, và phải có mối quan
hệ mật thiết với các hiện tương tự nhiên như gió, nắng,... Các biện pháp nghệ
12


thuật so sánh, nhân hoá nên được vận dụng nhiều để góp phần làm cho bài văn
miêu tả sinh động hơn.
Đối với văn tả cảnh sinh hoạt thì cần chú trọng chọn tả theo trình tự thời
gian và trình tự hoạt động của các đối tượng. Ngoài việc tả chung, nhìn bao quát

toàn cảnh và liệt kê các hoạt động, người viết phải tập trung vào một số cảnh
chính, tiêu biếu. Ưu tiên dùng nhiều từ láy tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật
so sánh. Về câu văn, tuỳ theo nội dung miêu tả mà lựa chọn kiểu câu ngắn hay
câu dài, câu đặc biệt hay câu bình thường, câu đảo ngữ hay câu tỉnh lược,... Đặc
biệt cần chú ý làm nổi bật mối quan hệ tình cảm giữa các đối tượng xuất hiện
trong các bức tranh cảnh này. Nếu cần thiết vẫn có thể đưa một số mẫu đối thoại,
một số câu văn tự sự, một số câu văn nêu nhận xét, cảm nghĩ vào văn tả cảnh
sinh hoạt.
2.3.3.3. Kiểu bài văn tả người.
Kiểu bài văn này khá thông dụng, được dùng phổ biến trong cuộc sống
hằng ngày. Nhược điểm thường thấy là các em học sinh hay tả người theo một
số hình ảnh ước lệ, có tính rập khuôn nhất định, đọc lên nghe quá nhàm, thiếu
nét riêng, thiếu sự sáng tạo. Hơn nữa, dưới ngòi bút của các em, các nhân vật
thường được lí tưởng hoá, đẹp hơn, đáng yêu hơn, nhưng lại thiếu tính chân thực
(ví như hình ảnh mẹ hay cô giáo đều có dáng đi mềm mại, thướt tha, mũi dọc
dừa, bàn tay đẹp với những ngón thon như tháp bút,... Tức là vô tình người tả
biến họ thành những cô văn công trên sân khấu). Giáo viên hướng dẫn học sinh
khi làm kiểu bài văn này cần lưu ý mấy điểm sau:
Phải xác định rõ đối tượng được miêu tả (tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính)
để trên cơ sở đó chọn hình ảnh tả cho phù hợp. Chẳng hạn như người phụ nữ
làm nghề dạy học sẽ có trang phục, diện mạo, cử chỉ khác hẳn người phụ nữ là
công nhân làm đường.
Bên cạnh đó, phải xác định yêu cầu cụ thể của từng đề nữa. Nếu tả người
nói chung thì phải làm nổi bật đặc điểm ngoại hình và tính cách; nếu tả người
trong trạng thái hoạt động thì phải tập trung vào cử chỉ, động tác. Ngay cả việc
tìm những nét về ngoại hình, tính cách của nhân vật để miêu tả cũng phải gắn
kết với hoạt động đang diễn ra (chẳng hạn, tả chú công nhân đang xây nhà thì
phải tập trung vào cử động của đôi bàn tay, gương mặt; tả cầu thủ bóng đá thì
chú ý động tác của đôi chân, tả cô giáo đang giảng bài thì chú ý dáng đi, giọng
nói, gương mặt, thái độ,...).

Đối với văn tả người cũng phải chú trọng nhiều tới ngôn ngữ tượng hình,
tượng thanh, nghệ thuật so sánh. Đặc biệt, người viết phải bộc lộ tình cảm đối
với người được tả ngay trong quá trình làm văn (trực tiếp qua những câu bình
phẩm, nhận xét, những câu cảm thán ; gián tiếp qua việc lựa chọn hình ảnh, từ
ngữ và sắp xếp trật tự miêu tả).
2.3.4. Các dạng bài tập rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn miêu tả.
Dạng bài tập thứ 1: Cho 2 đoạn văn yêu cầu học sinh so sánh và phân
tích để chỉ ra tác dụng của việc dùng từ ngữ, hình ảnh.
Ví dụ:
13


-Đoạn văn thứ nhất: “Mặt trời đã mọc, trên cao những đám mây trắng
đang bay. Tất cả mọi vật đều hoạt động khi mặt trời lên.”
-Đoạn văn thứ hai: “Phương Đông đã hửng sáng. Trong không trung bao
la những đám mây trắng được nhuộm một màu phớt hồng rực rỡ. Vạn vật như
bừng tỉnh dưới những tia nắng bình minh. Một làn gió thoảng qua đem theo cái
mát dịu của sương mai và hương thơm nhè nhẹ của đất trời. Một ngày mới bắt
đầu.”
Giáo viên yêu cầu: Hãy đọc kĩ hai đoạn văn trên và so sánh:
- Đoạn văn nào giúp em cảm nhận được cảnh vật một cách cụ thể hơn? Vì
sao?
- Đoạn văn nào chưa miêu tả nổi bật được cảnh vật? Vì sao?
Học sinh sẽ dễ dàng phát hiện được đoạn văn thứ (1) sẽ không hay bằng
đoạn (2) vì người viết chưa sử dụng được những từ gợi tả màu sắc, không gian,
trạng thái, hương vị, hoạt động và sự liên tưởng độc đáo.
Dạng bài tập thứ 2: Viết tiếp câu văn còn dang dở.
Ví dụ: Tìm những từ ngữ thích hợp để viết tiếp vào chố trống
+ Đồng lúa chín trông như……………….
+ Dòng sông quê em như…………….

+ Bầu trời trong sáng như…………….
+ Cánh chim buổi sang trông như……….
Yêu cầu: Với kiểu đề này, học sinh vận dụng khả năng quan sát, liên
tưởng, so sánh, nhận xét của mình để hoàn chỉnh câu văn.
Sauk hi học sinh hoàn chỉnh câu văn giáo viên nhận xét và có thể đưa câu
mẫu cho học sinh so sánh, tham khảo.
Câu mẫu:
+ Đồng lúa chín như một thảm nhung vàng trải dài đến tận chân trời.
+ Dòng sông quê em như một áng tóc trữ tình.
+ Bầu trời trong sáng như một tấm gương khổng lồ mà ai đó đã lau sạch
bụi bặm.
+ Cánh chim buổi sáng trông như bình yên và dịu dàng.
Dạng bài tập thứ 3: Điền từ thích hợp vào chỗ trống cho đoạn văn.
Ví dụ: “Màu lúa chín dưới đồng (…)(1) lại. Nắng nhạt ngả màu (…)(2).
Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan (…)(3) không trông thấy cuống, như
những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ,
chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh (…)(4). Buồng chuối đốm quả chín vàng.
Những tàu lá chuối (…)(5) xõa xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn
chuối đương gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy.
Bụi mía (…)(6), đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc (…)(7). Quanh đó,
con gà con chó cũng (…)(8) […]. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm
lạ lùng”.
Cho các từ: vàng mượt, vàng xọng, vàng tươi, vàng xuộm, vàng ối, vàng
lịm, vàng giòn, vàng hoe.
Yêu cầu học sinh lựa chọn các từ cho sẵn điền vào số thích hợp. Học sinh
dễ dàng lựa chọn được như sau:
(1) Vàng xuộm
(5) vàng ối
14



(2) Vàng hoe
(6) vàng xọng
(3) Vàng lịm
(7) vàng giòn
(4) Vàng tươi
(8) vàng mượt
Dạng bài tập thứ 4: Cho đoạn văn yêu cầu học sinh sửa câu đúng ngữ pháp
và sắp xếp lô - gic, dựng thành một đoạn văn miêu tả theo trình tự không gian từ
bao quát đến cụ thể.
Ví dụ: "Mưa tạnh và tất cả tạo cho ta một cảm giác mát mẻ, thích thú. Gió
nhè nhẹ thổi hoà với tiếng hót líu lo. Cây cối được khoác lên mình một áo mới,
thơm tho, sạch sẽ có điểm những giọt nước sáng long lanh như những viên ngọc
bích. Vòm trời như cao hơn."
Yêu cầu: Phân tích đoạn văn.
- Đoạn văn trên miêu tả cảnh vật gì? (cảnh sau cơn mưa)
- Em có nhận xét gì về cách đặt câu. (Câu 1 viết chưa đúng ngữ pháp, diễn
đạt tối nghĩa).
- Trình tự trong đoạn văn được sắp xếp như thế nào? (lộn xộn)
- Em hãy sửa lại câu cho đúng ngữ pháp và sắp xếp lại vị trí các câu theo
trình tự không gian.
 Đoạn văn được sửa: "Sau cơn mưa, mọi vật đều sáng và tươi. Cây cối
được khoác lên mình nột áo mới, thơm tho, sạch sẽ có điểm những giọt nước
sáng long lanh như những viên ngọc bích. Vòm tròi như cao hơn. Gió nhè nhẹ
thổi hoà với tiếng chim hót líu lo."
Dạng bài thứ 5: Sử dụng nghệ thuật so sánh, nhân hóa để viết lại đoạn
văn sao cho tạo thành một đoạn văn mới giàu hình ảnh và giàu sức gợi hơn.
Ví dụ: Cho đoạn văn:
“Trước sân trường có một cây bàng to lớn. Dưới gốc cây bàng nổi lên
nhiều cái u rất to. Cành lá bàng xòe ra rất rộng. Mùa đông, lá bàng màu đỏ.

Mùa hè, lá bàng lại màu xanh.”
Với bài tập này giúp học sinh luyện kĩ năng quan sát, liên tưởng, so sánh,
tưởng tượng, nhận xét và dùng từ ngữ để tạo thành đoạn văn miêu tả.
Sau khi học sinh viết xong, giáo viên nhận xét, chỉnh sửa và có thể đưa
đoạn văn mẫu để học sinh tham khảo, rút kinh nghiệm:
Đoạn văn tham khảo: “Trước sân trường sững sững một cây bàng khổng
lồ. Gốc nó rất to, người lớn dang tay ôm cũng không xuể. Cách mặt đất chừng
một mét, thân cây nổi lên những cái u sần sùi to bằng cái mũ. Tán bàng xòe
rộng ra như một cái ô khổng lồ rợp cả góc sân trường. Màu sắc lá bàng thay
đổi theo mùa. Khi đông về, nó khoác chiếc áo màu đỏ sẫm trông thật uy nghiêm.
Khi hè sang, chiếc áo ấy lại nhuộm màu xanh như mời gọi tiếng chim về”.
Dạng bài tập thứ 6: Dùng các kiểu câu khác nhau (câu hỏi, câu cảm,
câu cầu khiến, câu đặc biệt, câu tồn tại…) để viết lại đoạn văn cho sinh động
hơn.
Ví dụ: Cho đoạn văn:
“Mùa đông đã đến. Những cơn gió lạnh đã tràn về. Nhìn lên trời, em
không thấy chim én nữa. Mẹ giục em lấy áo ấm ra mặc. Em rất phấn khởi và
xúc động khi mặc chiếc áo len mà mẹ mới đan cho em”.
15


Bài tập này giúp các em luyện cách dùng các kiểu câu làm đa dạng cho lối
diễn đạt văn của mình.
Sau khi học sinh viết xong, giáo viên có thể đưa ra đoạn văn tham khảo:
“Vào một buổi chiều, tiết trời âm u. Những cơn gió lạnh từ đâu tràn về.
Mùa đông đã đến thật rồi chăng? Bầu trời xám đục dường như bị kéo thấp
xuống. U ám. Nặng nề. Không còn trông thấy những cánh chim chao lượn. Thấy
em co ro trước cơn gió lạnh, mẹ dịu dàng nhắc: “Con hãy lấy chiếc áo khoác
mẹ vừa mua mà mặc vào cho ấm, kẻo lạnh thì khốn đấy!”. Khoác chiếc áo lên
người, em cảm nhận được sự ấm áp. Phải chăng đó là hơi ấm tỏa ra từ những

sợi bông? Và phải chăng đó là hơi ấm tỏa ra từ tấm lòng của mẹ? Con cảm ơn
mẹ lắm, mẹ ơi!”
Dạng bài tập thứ 7: Tìm và sử dụng các biện pháp tu từ để đặt câu, dựng
đoạn miêu tả một cảnh vật cho sẵn.
Ví dụ: Em hãy chọn lọc những từ ngữ gợi tả không gian, màu sắc, âm
thanh, hương vị, trạng thái hoạt động và các biện pháp tu từ (so sánh, nhân hoá,
liên tưởng, tưởng tượng) để viết một đoạn văn miêu tả cảnh: cơn mưa đầu hạ
hoặc cơn mưa mùa xuân.
Với bài tập này, giúp luyện cho các em cách chọn lọc từ ngữ, dùng từ, đặt
câu theo sự cảm nhận và nhận thức của cá nhân về cùng đối tượng ở những thời
điểm khác nhau.
Sau khi học sinh hoàn thành đoạn văn của mình, giáo viên có thể đưa
đoạn văn mẫu để học sinh học tập:
- Đoạn văn về tả cơn mưa mùa hạ: Những hạt mưa hạ rủ nhau về tắm mát
cả một góc sân. Vẫn như mọi năm, cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo đến. Gió đẩy
những tàu dừa va đập vào nhau như tiếng gươm khua. Mưa rơi tí tách. Những
hạt mưa bay lất phất làm ướt cả hàng mi. Còn cây phượng vĩ bên đường thì reo
vui hồ hởi, vươn vai đón lấy những hạt mưa đầu hạ.
- Đoạn văn tả cơn mưa mùa xuân: Mưa xuân! Những giọt mưa nhỏ bé li ti
như những hạt bột rây đều lên mặt đất. Mưa nhẹ nhàng đậu xuống những chiếc
lá xanh non, lặn trong hương bưởi thơm mát, quyện vào hơi xuân. Cả không
gian chỉ một màu trắng, màu mưa bụi. Mưa làm nhoà cả khoảng trời quê
hương… nhưng sẽ chẳng bao giờ nhoà trong kí ức tuổi thơ của tôi. Yêu quá!
Màu mưa xuân - màu mưa tiếp thêm sức sống cho mọi vật và nâng cánh những
ước mơ của tôi!
Chú ý: Mỗi dạng bài tập, giáo viên đưa thêm các bài tập để học sinh làm
ở nhà, giáo viên chấm sửa vào những khoảng thời gian hợp lý.
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm.
Từ việc hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn miêu tả như
trình bày ở trên, chất lượng bài viết về văn miêu tả của học sinh đã tăng lên một

cách rõ rệt. Các em đã biết viết văn miêu tả theo đúng phương thức biểu đạt của
nó, đã biết dùng từ, đặt câu, dựng đoạn một cách hợp lý.
Cụ thể sau khi được rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn miêu tả nêu trên, kết
quả bài viết của các em học sinh lớp 6A, 6B trường THCS Lương Sơn, Thường
Xuân năm học 2018 - 2019, điểm trung bình qua bài viết số 6 như sau:
16


Lớp


số

Giỏi
SL %

Khá
SL %

Trung bình
SL
%

6A

32

06

18,8 8


25

16

6B

31

06

19,4 10

32,2 14

Yếu
SL

%

Kém
SL
%

50

02

6,2


0

0

45,2

01

3,2

0

0

3. Kết luận, kiến nghị.
3.1. Kết luận.
Cách rèn kỹ năng viết đoạn văn miêu tả như trên đã được tôi áp dụng đối
với học sinh khối 6 trường THCS Lương Sơn, Thường Xuân. Tôi nghĩ rằng việc
làm này là rất cần thiết đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ
văn, cụ thể là với giáo viên phụ trách khối lớp 6. Với đề tài này, tôi có mong
muốn duy nhất là luyện cho các em kỹ năng dùng từ, đặt câu, dựng đoạn văn và
diễn đạt ý trong việc hành văn của học sinh. Đồng thời cũng rèn cho các em kỹ
năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp với mọi người trong xã hội. Trên cơ sở
đó giúp các em phát triển tư duy, có trí thẩm mỹ biết quan sát tinh tường và có
tâm hồn nhạy cảm trước cảnh vật, biết yêu thiên nhiên, yêu quý cuộc sống và
con người trong xã hội.
Đề tài mang tính chất nghiên cứu cá nhân và mới chỉ áp dụng ở phạm vi
hẹp. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để đề tài được hoàn
thiện và có tính hiệu quả hơn.
3.2. Kiến nghị.

Từ thực tế giảng dạy trong những năm qua tôi có một số đề xuất kiến nghị
như sau :
*Đối với nhà trường:
- Đầu tư hơn nữa các trang thiết bị phục vụ dạy học như máy chiếu; các
loại sách tham khảo cho giáo viên và học sinh.
- Chỉ đạo tổ chuyên môn thường xuyên dự giờ thăm lớp, góp ý, trao kinh
kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong tổ với nhau.
*Đối với Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục đào tạo.
Tăng cường tổ chức báo cáo các SKKN có chất lượng để giáo viên có
điều kiện tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng
dạy học.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
XÁC NHẬN
Thường Xuân, ngày 20 tháng 05 năm 2020
CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.
Người viết SKKN

Lê Thị Sinh
17


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Stt

Tên tài liệu tham khảo

1

Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập

1-2.
Sách giáo viên Ngữ văn 6 Tập
1- 2.
Tài liệu “Một số kiến thức, kĩ
năng và bài tập nâng cao Ngữ
văn 6”.
Hướng dẫn học và ôn luyện
Ngữ văn 6
Rèn luyện kĩ năng viết đoạn
văn

2
3
4
5

Nhà xuất bản
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ
Chí Minh.

18


DANH MỤC
CÁC ĐỀ TÀI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG
ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI CẤP PHÒNG GD&ĐT, CẤP SỞ GD&ĐT

Họ và tên tác giả: Lê Thị Sinh
Chức vụ và Đơn vị công tác: Giáo viên Trường THCS Lương Sơn, Thường
Xuân.

TT

Tên đề tài SKKN

1

“Một số giải pháp rèn luyện
kĩ năng viết đoạn văn biểu
cảm cho học sinh lớp 7,
Trường THCS Thọ Thanh,
Thường Xuân”,
“Một số giải pháp rèn luyện
kĩ năng viết đoạn văn biểu
cảm cho học sinh lớp 7,
Trường THCS Thọ Thanh,
Thường Xuân”,
“Sử dụng Cây ô chữ kiến
thức để dạy Tiết 17: Ôn tập
(Lịch sử 7) ở Trường THCS
Thọ Thanh, Thường Xuân”,

2

3

Cấp đánh

giá xếp loại
(Phòng, Sở,
Tỉnh...)

Kết quả
đánh giá
xếp loại
(A, B,
hoặc C)

Năm học
đánh giá
xếp loại

Cấp Phòng

B

2013 - 2014

Cấp Sở

C

2014 - 2015

Cấp Phòng

C


2016 - 2017

19



×