Tiểu luận:
TÁC ĐỘNG NGOÀI MONG MUỐN CỦA THUỐC LÁ TỚI
SỨC KHỎE VÀ MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Thuốc lá là tên gọi của một loại sản phẩm được làm chủ yếu từ nguyên liệu lá thuốc lá đã
thái sợi, được cuốn hay nhồi định hình bằng giấy, có dạng hình trụ (thường có độ dài dưới
120 mm, đường kính khoảng 10 mm). Thuốc lá điếu thường được đốt cháy ở một đầu, để
cháy âm ỉ nhằm mục đích tạo khói và khói này theo dòng khí vào miệng người hút từ đầu
đối diện (thường có gắn đầu lọc).
Hút thuốc là sự thiêu đốt không hoàn toàn các sợi thuốc lá trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn
hút thuốc lá chủ động, xảy ra khi người nghiện hít khói thuốc lá vào cơ thể mình. Giai đoạn
hút thuốc lá thụ động: Những người có mặt xung quanh sẽ hít phải lượng khói thừa mà
người hút thải ra.
Tác hại của việc hút thuốc lá đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trong ngoài nước.
Hằng năm thuốc lá giết hại hàng triệu người trên thế giới, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh
nguy hiểm đến tính mạng con người. Cứ hút mỗi điếu thuốc là tự mình đánh mất đi 5,5 phút
cuộc sống, hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%.
Theo tổ chức y tế thế giới, hằng năm số người hút thuốc lá ở các nước phát triển: Nam
chiếm 30-40%, nữ chiếm 20-40%. Ở nước đang phát triển: Nam chiếm 40-70%, nữ chiếm
2-10%. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người chết do thuốc lá, trung
bình cứ 10 giây có 1 người chết vì thuốc lá.
Gần đây, các cơ quan truyền thông đề cập nhiều đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ vụ
Vedan “giết chết” sông Thị Vải, Hảo Dương “đầu độc” sông Đồng Điền, đến việc xả lũ tại
các hồ thủy điện ở Miền Trung, cyanure, thủy ngân ở các bãi khai thác vàng trái phép không
chỉ làm chết cây rừng, hủy diệt các loài thủy sinh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
của con người và có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho các thế hệ con cháu … trong phạm vi
bài tiểu luận này tôi chỉ có thể đề cập đến một số khía cạnh về ngoại tác tiêu cực
(Externalities) của thuốc lá tới sức khỏe và môi trường.
Chúng ta phải thừa nhận rằng: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây nên ô
nhiễm không khí. Ngoài tác hại đối với sức khoẻ, kinh tế thì thuốc lá cũng góp phần không
nhỏ vào việc huỷ hoại môi trường sống. Bài tiểu luận này sẽ tập trung phân tích thực trạng
về tác hại ngoài mong muốn của thuốc lá, nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp nhằm hạn
chế tác hại này tại Việt Nam.
I. THỰC TRẠNG VỀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
Thuốc lá là một loại cây có độc, nhất là những lá già, có hàm lượng Nicotin cao. Nicotin là
một loại Alcaloid, khi được sử dụng ở liều thấp, tạo ra sự sảng khoái nhẹ nhàng, làm dịu cơn
đói và bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu dùng lâu dài sẽ gây lệ thuộc và độc hại cho cơ thể, khi
dùng liều cao có thể gây chết người.
Trong khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 chất khác nhau, trong đó có những chất rất độc hại
như Nicotine (như đã nói ở trên); Carbon monoxide (CO); nguy hiểm nhất là các chất gây
ung thư (khoảng 43 chất) như Benzopyrens, Dibenzoanthracène, Benzofluenthène,
Dibenzopyrène, cancérogènes, các phức hợp Nitrite đa vòng…
Ở Việt Nam, từ lâu hút thuốc lá, thuốc lào đã trở thành thói quen của người dân, chúng ta
thường bắt gặp ở những quán nước, quán ăn, công trường... nhiều người, ở mọi lứa tuổi
đang phì phèo điếu thuốc trên đôi môi, hàng năm có 40.000 người Việt Nam chết vì các
bệnh do thuốc lá. Một khảo sát của Bộ Y tế (công bố tháng 5-2010) được tiến hành với hơn
2.000 người có và không hút thuốc lá tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng
Tháp và Thái Bình) cho thấy: 75% số người hút thuốc nói họ có nhiều khả năng bỏ thuốc
hơn sau khi xem thông điệp truyền thông bằng hình ảnh; gần 80% số người được hỏi cho
biết phản đối việc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi công cộng. Với tỷ lệ 56%
nam giới hút thuốc lá; 2/3 số phụ nữ và 1/2 số trẻ em bị ảnh hưởng thụ động của khói thuốc
lá, Việt Nam là một trong những nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Chúng ta thử điểm qua một số hình thức tác động của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe và
môi trường thông qua một số khía cạnh sau:
1. Những tác động tới môi trường:
Tàn phá rừng, làm bạc màu đất:
Qua thống kê, người ta thấy mỗi năm có khoảng 200.000 ha rừng trên thế giới đã bị chặt phá
để lấy đất trồng thuốc lá. Mỗi năm người ta phải chặt 5 triệu ha rừng hay 600 triệu cây xanh
để lấy gỗ làm củi sấy thuốc lá. Rừng bị tàn phá cho mục đích sấy thuốc lá chiếm tới 1,7%
diện tích rừng toàn cầu và khoảng 4,6% diện tích rừng của 66 nước trồng thuốc lá trên thế
giới. Ở Việt Nam được xếp ở hạng trung bình với khoảng 1,4% diện tích rừng bị phá mỗi
năm để sản xuất thuốc lá.
Những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất trống trở nên bạc màu, cằn
cỗi..., đặc biệt là những nơi trồng thuốc lá ở vùng đồi dốc. Trung bình mỗi vụ trồng thuốc lá
dài ba tháng, người nông dân phải sử dụng 16 loại thuốc trừ sâu và nhiều loại phân bón hóa
học. Về lâu dài, việc sử dụng nhiều hóa chất sẽ càng làm đất bị chai cứng, ảnh hưởng xấu
đến môi trường và những nông dân trồng thuốc dễ bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử
dụng những hóa chất này.
Tăng lượng chất thải độc hại, rác thải:
Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ
thông thường như bụi than, giấy vụn... và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi
trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo và
amoniac, etylen, glycol, nicotin... Ở Mỹ, các nhà máy thuốc lá đứng thứ 18 trong danh sách
các ngành công nghiệp có chất thải hóa học độc hại. Mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá
trên thế giới thải ra khoảng 300 triệu kg nicotin, một trong những chất mà Cơ quan Bảo vệ
môi trường Mỹ cho rằng rất độc hại.
Trong khi đó, ở nước ta vẫn còn nhiều nhà máy sản xuất thuốc lá nằm trong các khu vực
đông dân cư. Mặc dù doanh nghiệp đã chú ý giảm thiểu ô nhiễm như lắp đặt các hệ thống
thiết bị hút gió, thông gió, song hoạt động của các nhà máy này vẫn ảnh hưởng xấu đến môi
trường sống và sức khỏe người dân địa phương.
Bên cạnh sự ô nhiễm không khí từ khói thuốc do người hút, đầu mẩu thuốc lá vứt trong môi
trường phải mất ít nhất 18 tháng mới phân hủy và có thể gây rò rỉ các chất độc hại ngấm vào
đất. Mỗi năm có khoảng 275 tỷ vỏ bao thuốc lá được sản xuất và thải ra môi trường sau khi
sử dụng.
Cháy:
Hút thuốc gây nên cháy. ở Anh, hầu hết các vụ chết người do cháy gây ra là do hút thuốc lá
và sử dụng diêm, người hút thuốc gây nên hơn 9000 vụ cháy nghiêm trọng ở Anh mỗi năm,
làm chết 200 người và bị thương 2000 người. Cháy rừng ở Trung Quốc đã quét sạch rừng
Đông Bắc năm 1985, cán bộ lâm nghiệp bị bắt do vứt đầu mẩu thuốc lá xuống cỏ. Trong vụ
cháy này, 1,3 triệu ha đất bị tàn phá, 300 người bị chết, và 5000 người bị mất nhà.
Trên phạm vi toàn cầu, hút thuốc gây nên thiệt hại ước tính khoảng 100.000 đô la Mỹ và
khoảng một triệu vụ cháy mỗi năm. Hút thuốc gây nên khoảng 30% tổng số người chết ở
Mỹ vì cháy và 10% trên toàn thế giới, với tổng chi phí 5,34-22,8 tỷ đô la Mỹ cho nước Mỹ,
và 8,2-89,2 đôla Mỹ cho toàn thế giới.
ở Việt Nam tàn thuốc cũng thiêu rụi hàng chục ha rừng mỗi năm mà gần đây nhất vào tháng
7/2010 tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng huyện
Bố Trạch phát hiện được tàn giấy của gói thuốc lá tại hiện trường cháy. Vì vậy, bước đầu
xác định có thể nguyên nhân cháy là do một số người dân đi rừng đã bất cẩn trong việc hút
thuốc dẫn tới tàn thuốc lá rơi xuống lá khô gây cháy.
Ô nhiễm không khí, nguồn nước:
Thuốc lá yêu cầu nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ hơn các cây trồng khác.
Những hóa chất này làm ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước của một vùng lớn khi mà
chúng bị rửa trôi theo nước mưa. Trong thuốc lá có 4000 chất hóa học, phần lớn lá các chất
độc hại trong đó hơn 40 chất là tác nhân gây ung thư. Khi hút thuốc các chất đó đều được
tung vào không khí gây ô nhiễm. Ngoài ra các chất độc này còn tỏa ra không khí ngay cả khi
trồng trọt, chế biến thuốc lá.
2. Những tác động tới sức khỏe con người:
Tác hại đối với người hút thuốc lá:
Thuốc lá gây tử vong cho 3 người trong tổng số 10 người chết vì bệnh tim và 9 trong số 10
người chết vì bệnh ung thư phổi. Hút thuốc lá dẫn đến nhiều bệnh ung thư, nguy hiểm nhất,
khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư phổi và các bộ phận khác trong cơ
thể như ung tư miệng, đại tràng, vòm họng, thực quản, gan, thận, tuỵ, vú, tử cung và dương
vật… Nếu như bạn bắt đầu hút thuốc lá trước tuổi 18, phổi của bạn sẽ không phát triển và bị
co lại, dẫn tới những vấn đề về hít thở và rủi ro bệnh tật sau này. Những người hút thuốc lá
chịu rủi ro cao hơn những người không hút thuốc khi bị những khối u trong hệ tiêu hoá và
những vấn đề kinh niên về đường ruột. Thêm vào đó những người hút thuốc lá mắc những
bệnh này khó điều trị hơn và rủi ro bị mắc lại cũng cao hơn. Hút thuốc sẽ làm tăng rủi ro
bệnh loãng xương. Hút thuốc làm giảm khả năng lưu thông của máu trong cơ thể, tăng nhịp
tim và làm suy giảm sức khoẻ của bạn.
Theo thông tin tại hội thảo công bố kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người
trưởng thành (GATS) tại Việt Nam, do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/10/2010, nước ta có 47,4%
nam giới, 1,4% nữ giới và 23,8% người trưởng thành nói chung đang hút thuốc lá. Trong đó,
có 81,8% người hút thuốc hàng ngày và 26,9% người hút thuốc lào. Theo ước tính của Bộ Y
tế, ở Việt Nam hàng năm có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá,
gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ (tương đương với khoảng nửa
huyện cỡ trung bình của Việt Nam). Đây quả là một con số đáng báo động.
Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá ở Việt Nam rất cao. Theo ước tính của
Tổ chức Y tế thế giới, nếu không có các biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2020, 10% dân số
Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Người sản xuất thuốc lá thì sao: Một nghiên cứu tiến hành tại 4 nhà máy sản suất thuốc lá
Việt Nam chỉ ra rằng tỷ lệ công nhân bị các bệnh liên quan đến thuốc lá ở 4 nhà máy này cao
hơn so với nhóm công nhân của nhà máy dệt may. Những bệnh đó bao gồm: Những bệnh về
hệ thống hô hấp, tim mạch, đau dạ dày, đau mắt, và các ảnh hưởng về thần kinh.
Tác hại đối với người không hút thuốc:
Dù hút thuốc trực tiếp hay thụ động cũng là nguyên nhân của nhiều căn bệnh. Môi trường là
nguyên nhân gây nhiều bệnh tật cho những người không hút thuốc đặc biệt là phụ nữ và trẻ
em. Theo ước tính, cả nước có khoảng 17 triệu người hút thuốc và có tới hơn 60 triệu người
còn lại phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Trẻ em và người lớn, những người không hút
thuốc nhưng sống trong khói thuốc của những người khác chịu rủi ro cao hơn hoặc bị mắc
các bệnh kinh niên và cấp tính về họng, tai và trí tuệ cũng như sức khoẻ thể chất bị ảnh
hưởng. Phụ nữ có mang mà hút thuốc sẽ chịu rủi ro bị sẩy thai cao hơn, sinh con nhẹ cân,
hoặc con bị ốm, tử vong. Trẻ sơ sinh của những người cha hút thuốc trong những tháng
trước và trong thời gian mang thai của người mẹ có nguy cơ gấp đôi bị hở hàm ếch, bạch
cầu và chịu mức rủi ro bị ung thư não cao hơn tới 40% so với những trẻ me có cha không
bao giờ hút thuốc.
3. Tác động về kinh tế:
Sử dụng thuốc lá còn gây ra những tổn thất lớn về kinh tế. "Số tiền một người tiêu tốn cho
thuốc lá tương ứng với 1/3 số tiền dành cho lương thực, bằng 1,5 lần mức chi cho y tế và
gần bằng mức chi cho giáo dục theo bình quân đầu người". ở Việt Nam, lao động tham gia
vào trồng cây thuốc lá khoảng 100.000 người, và sản xuất thuốc lá khoảng 15.000 người.
Tuy nhiên, so với tổng số lao động trong cả 2 ngành công, nông nghiệp thì nhân công tham
gia sản xuất thuốc lá chiếm không đến 1%.
Ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình:
Bạn là người hút thuốc lá vậy có bao giờ bạn tính xem một năm mình đó chi tiêu bao nhiêu
tiền để mua thuốc lá? Chắc hẳn là chưa phải không? Chúng ta thử lấy một ví dụ: 1 người
mỗi ngày hút hết 1 bao thuốc với giá BQ 10.000 đồng, mỗi tháng sẽ mất từ 300.000 đồng để
hút thuốc, trung bình 1 năm sẽ tiêu tốn 3.600.000 đồng tiền hút thuốc. trong khi đó chúng ta
lại phải chi phí rất nhiều tiền để chữa bệnh có liên quan đến thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng
phải trả một khoản tiền rất lớn cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bởi những bệnh do khói thuốc
đem lại. Hơn thế nữa hút thuốc lá sẽ làm cho sức khoẻ của bạn bị giảm sút điều này làm cho
khả năng lao động của bạn kém đi cho nên thu nhập của bạn sẽ thấp hơn so với nếu bạn
không hút thuốc.
Tất cả những yếu tố trên gây ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế gia đình bạn, gia đình bạn cú
thể rơi vào tình trạng đói nghèo vì bạn hút thuốc.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia:
+ Thuốc lá buôn lậu ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 10% lượng thuốc lá được tiêu thụ
trên thị trường, ước tính mỗi ngày có khoảng 10 triệu điếu thuốc lá, trị giá 350.000 đô la Mỹ
(Theo giá chợ đen) đuợc buôn lậu từ Camphuchia vào các tỉnh phía Nam Việt Nam, gây
thiệt hại cho ngân sách quốc gia là 37 triệu đô la một năm.
+ Chi phí cho chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh và nó chiếm một khoản kinh phí lớn trong tổng
số ngân sách ít ỏi của quốc gia trong khi suất lao động giảm. Tiền được chi cho thuốc lá sẽ
không được chi cho sản phẩm, dịch vụ địa phương như thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và
giáo dục, trong khi chúng sẽ mang lại lợi ích về lâu dài thông qua cuộc sống toàn dân được
cải thiện và tạo thêm việc làm mới. Ngân hàng thế giới đã chỉ ra rằng phòng chống tác hại
thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao xét về chi phí và hiệu quả, và đặc biệt đối với nền
kinh tế của đất nước mà số lượng tiêu thụ thuốc lá cao.
+ Làm việc ở trong ngành công nghiệp thuốc lá thường đồng nghĩa với lương thấp và rủi ro
về sức khoẻ. Người nông dân trồng cây thuốc lá thường nghèo, trong khi các công ty thuốc
lá ngày càng thịnh vượng. Công nhân lao động trong các nhà máy sản xuất thuốc lá sẽ có lợi
hơn khi chuyển sản xuất thuốc lá sang các loại hàng hoá khác, vì tiềm năng họ sẽ được trả
lương cao hơn và công việc an toàn hơn ở ngành nghề mới.
II. NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI CỦA THUỐC LÁ:
Qua phân tích ở trên chúng ta thấy: Thuốc lá là kẻ thù nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới
môi trường, nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Vậy thuốc lá tồn tại được do đâu?, theo tôi nó xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
1. Nhiều chính phủ có phần phụ thuộc vào nguồn thu thuế từ kinh doanh thuốc lá và các
công ty sản xuất thuốc lá vận động hành lang rất mạnh, đôi khi có cả tình trạng hối lộ không
phải là hiếm gặp, thứ hai nữa là việc thực thi các quy định và luật pháp hiện hành chưa
nghiêm minh.
2. Các hãng thuốc lá dù bị cấm quảng cáo, vẫn tìm cách lách luật để quảng cáo, khuyến mãi
dưới nhiều hình thức. Trong khi đó, một số người bán không có giấy phép kinh doanh vẫn
tiếp tục bán thuốc lá mà không bị xử phạt.
3. Những người hút thuốc lá còn thiếu hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc,
điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của
thuốc lá đối với sức khỏe con người.
4. Ở Việt Nam hiện nay, với tỷ lệ người hút thuốc cao, mức thuế và giá đối với thuốc lá thấp
so với các nước trong khu vực nên mang lại lợi nhuận cao cho các công ty sản xuất thuốc lá.
Do vậy, sẽ kích thích những người có thu nhập thấp, đặc biệt là thanh thiếu niên và người
nghèo dễ bắt đầu hút thuốc hơn, còn với những người đã hút thuốc khó có quyết tâm để bỏ
thuốc.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG HÚT THUỐC LÁ
Ngày nay, nhiều tổ chức trên thế giới ở nhiều quốc gia đã và đang có những chương trình
hành động chống hút thuốc lá trên toàn thế giới nhằm bảo vệ môi trường sống, sức khỏe và
giảm thiệt hại về kinh tế.