Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học: Kinh nghiệm từ một số nước phát triển và đề xuất cho Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (898.67 KB, 5 trang )

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 7-11

ISSN: 2354-0753

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TIỂU HỌC: KINH NGHIỆM
TỪ MỘT SỐ NƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM
Phạm Văn Hiền
Article History
Received: 12/3/2020
Accepted: 10/4/2020
Published: 08/5/2020
Keywords
primary teachers, training,
fostering, international
experience.

Trường Đại học Hồng Đức
Email:
ABSTRACT
Primary school teacher training and fostering determines the quality of
primary school level in the context of reforming school education,
globalization and international integration. International experience in some
developed countries with advanced education shows that Vietnam needs to
renovate the training and retraining of primary teachers. The paper examines
some models of primary teacher training in several countries, from which
some recommendations on the issue of primary teacher training in Vietnam
are proposed. These recommendations focus on the issue of training
programs, teacher evaluation after training and teacher training activities.


1. Mở đầu
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH1, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT)
mới chính thức được Bộ GD-ĐT công bố ngày 27/12/2018 (Bộ GD-ĐT, 2018). Theo kế hoạch thực hiện chương
trình GDPT, năm học 2020-2021, chương trình giáo dục tiểu học (GDTH) bắt đầu thực hiện trên toàn quốc với những
thay đổi toàn diện từ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đến phương thức kiểm tra, đánh giá, điều kiện thực
hiện và hệ thống quản lí. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho các cơ sở là phải thay đối chương trình đào tạo, đào
tạo ra một đội ngũ giáo viên tiểu học (GVTH) đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay là cấp thiết.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chọn lựa một số nước có nhiều kinh nghiệm và thành công trong công tác
đào tạo, bồi dưỡng GVTH để phân tích, đối chiếu với những thành tựu đã đạt được trong thực tiễn Việt Nam, từ đó
đề xuất một số bài học kinh nghiệm cho các cơ sở đào tạo có cơ sở khoa học, định hướng cho việc đổi mới công tác
đào tạo, bồi dưỡng GVTH hiện nay.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học của một số nước trên thế giới
2.1.1. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, hệ thống các trường đào tạo giáo viên, gồm: Các trường sư phạm có: (1) Các trường đại học sư
phạm, thời gian đào tạo là 4 năm, đối tượng tuyển sinh là học sinh THPT; (2) Các trường cao đẳng sư phạm, thời
gian đào tạo là 2 năm, đối tượng tuyển sinh chủ yếu là học viên tại chức có trình độ trung cấp sư phạm và (3) các
trường trung cấp sư phạm, thời gian đào tạo 3 năm, đối tượng tuyển sinh là học sinh THCS; các trường giáo dục phụ
trách việc giáo dục tiếp tục cho giáo viên và cán bộ giáo dục tại chức. Trường sư phạm kĩ thuật nghề nghiệp chủ yếu
đào tạo giáo viên cho các trường kĩ thuật nghề nghiệp. Đối với đào tạo GVTH, Trung Quốc lấy trình độ đào tạo trung
cấp (3 năm) làm trình độ chuẩn; GVTH nếu đã tốt nghiệp THPT, sau khi học 2 năm ở trường bồi dưỡng giáo viên
thì được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm (Hồ An Cương, 2003).
Chương trình đào tạo GVTH gồm có: Chương trình chung (bao gồm cả chương trình môn Giáo dục), chương
trình môn học, chương trình bắt buộc, chương trình tự chọn, chương trình thực tiễn và luận văn tốt nghiệp. Chương
trình chung chủ yếu là: Tiếng Anh, Chính trị và Thể dục, nội dung văn hóa chung ít được giới thiệu. Trong học phần
của chương trình đào tạo GVTH thì chương trình chung chiếm khoảng 40% tổng số giờ và số học phần; chương
trình môn học và chương trình bắt buộc chiếm 50% tổng số học phần; các chương trình tự chọn khác chỉ chiếm
khoảng 10%. Chương trình môn Giáo dục chỉ chiếm chưa tới 10% của chương trình chung và tỉ trọng so với toàn bộ
chương trình đào tạo GVTH không quá 6%. Nhược điểm lớn nhất về nội dung của chương trình đào tạo GVTH của
Trung Quốc là chương trình văn hóa phổ thông không phổ thông, chủ yếu là ngoại ngữ và chính trị... Chương trình

giáo dục cũng vậy, nội dung ít và chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong toàn bộ chương trình đào tạo.
Trong giai đoạn thực tập, các GVTH tương lai tại Trung Quốc có thời gian kiến tập, thực tập nghề tại các trường
tiểu học tương đối dài (khoảng 6 tháng). Ở đó, SV được làm việc như những GVTH thực thụ, được tham gia vào tất
cả các hoạt động của Nhà trường. Các nhà trường tiểu học cũng nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc

7


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 7-11

ISSN: 2354-0753

đào tạo các GVTH tương lai, do đó SV đã có những điều kiện tốt nhất để thực hành nghề. Sau khi đi thực tập, SV
quay trở về trường để thi tốt nghiệp, nhận bằng. Để trở thành GVTH thì người học phải vượt qua kì thi cấp Giấy
chứng nhận GVTH (chứng chỉ hành nghề dạy học), có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
Hoạt động đào tạo lại giáo viên do các trường đào tạo thực hiện, chính quyền hoặc cơ quan được chính quyền ủy
thác tiến hành kiểm tra, đánh giá tư cách giáo viên hàng năm. Mặt khác, Trung Quốc đã ban hành hệ thống kiểm
định chất lượng giáo dục làm cơ sở cho việc xếp hạng các trường và xét công nhận các chức danh, điều chỉnh lương,
đãi ngộ đối với GV, chu kì kiểm định là 5 năm.
2.1.2. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học ở Hàn Quốc
Nghề giáo viên nói chung và GVTH nói riêng ở Hàn Quốc rất cao quý, luôn được kính trọng, ít cạnh tranh khốc
liệt, có nhiều ngày nghỉ trong năm và lương của giáo viên đảm bảo tốt cho cuộc sống ổn định (Nguyễn Thị Hạnh,
2011). Việc đào tạo GVTH phần lớn tại các trường cao đẳng sư phạm. Chương trình đào tạo GVTH ở Hàn Quốc là
chương trình 4 năm, bao gồm cả nội dung môn học, lí thuyết sư phạm và kiến tập, thực tập ở trường tiểu học. Các
môn học kiến thức chung, cơ sở chiếm khoảng 30%, trong đó 65% các lĩnh vực là nhân văn, khoa học xã hội, khoa
học tự nhiên và thể dục thể thao…; 35% còn lại là các môn học tự chọn. Các môn chuyên ngành về GDTH chiếm
khoảng 70% chương trình đào tạo, bao gồm các môn học GDPT (như: Toán, tiếng Hàn, tâm lí giáo dục, xã hội học
giáo dục, triết học giáo dục….), phương pháp giảng dạy môn học ở tiểu học, các môn học về nghệ thuật và thể dục

thể thao, các môn học chuyên ngành nâng cao và giảng dạy thực hành. Giảng dạy thực hành (thực tập) trong chương
trình đào tạo được xây dựng khoảng 9 tuần, bao gồm: thực hành quan sát, thực hành dạy học và thực hành công việc
hành chính, quản lí lớp… (INCA, 2003).
SV hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân và có đủ điều kiện để xin cấp Chứng chỉ hành nghề
loại 2. GVTH có thể được nâng cấp lên chứng chỉ loại 1 sau 3 năm kinh nghiệm và hoàn thành 15 giờ tín chỉ bồi
dưỡng. Ở Hàn Quốc, thời lượng tập huấn thực hiện theo từng loại khóa học (khóa đào tạo chung là 60 giờ, khóa lấy
chứng chỉ ngắn hạn là 180 giờ …) và việc tập huấn, bồi dưỡng này là do các trường sư phạm tổ chức. Công tác tuyển
dụng GVTH khá chặt chẽ, phải qua 2 vòng thi tuyển, GVTH mới không phải trải qua thời gian tập sự mà chỉ qua
thời gian thử việc trong 2 tuần và phải thực hiện các hoạt động nghiên cứu tình huống, các bài tập thực tiễn và nghiên
cứu lí thuyết, hướng dẫn học sinh và quản lí lớp học (Trần Khánh Đức, 2014).
2.1.3. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học ở Nhật Bản
Nhật Bản có khoảng 500 cơ sở đào tạo GV, trong đó có đào tạo GVTH. Tất cả các cơ sở đào tạo đạt yêu cầu có
thể cấp chứng chỉ hành nghề GV. Các trường đại học sư phạm cũng cấp Chứng chỉ hành nghề giáo viên và không
có quyền ưu tiên gì hơn so với các cơ sở đào tạo khác. Các loại chứng chỉ hành nghề GV, gồm: (1) Chứng chỉ loại
2: người học phải học 2 năm sau phổ thông; (2) Chứng chỉ loại 1: người học phải học 4 năm sau phổ thông để nhận
bằng đại học và (3) Chứng chỉ cao cấp: người học phải học 2 năm sau khi đại học (thạc sĩ) (Judith M. Lamie, 1998).
Trình độ tối thiếu của GVTH ở Nhật Bản là Bằng cử nhân, có chứng chỉ hành nghề loại 1, có thời hạn 10 năm.
Mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề để tạo động lực cho giáo viên cập nhật kiến thức và kĩ năng mới của
nghề, bảo đảm chất lượng GV, với chương trình bồi dưỡng là 30 giờ. Nội dung của khóa bồi dưỡng gồm các chính
sách mới trong giáo dục, sự thay đổi của HS, các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nhà trường (12 giờ), các vấn
đề về hướng dẫn môn học, hướng dẫn học sinh và các vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục (18 giờ).
Chương trình đào tạo GVTH ở Nhật Bản giúp và đảm bảo giáo viên có thể dạy tất cả các môn học ở tiểu học.
Tuy nhiên, bên cạnh hệ đào tạo giáo viên dạy đủ môn, có hệ đào tạo giáo viên dạy các môn chuyên ngành như: âm
nhạc, thể dục, nghệ thuật, thị giác, ngoại ngữ,…. Chương trình đào tạo chung bao gồm: các môn giáo dục chung
(tổng hợp), các môn học chuyên môn, các môn thực hành giảng dạy và thực tập tốt nghiệp. Hầu hết các trường đào
tạo đã được cải tiến chương trình nhằm tăng cường chức năng của hệ sau đại học và giáo dục liên tiếp giữa các
chương trình đào tạo đại học và sau đại học.
Việc tuyển dụng GVTH được thực hiện bởi Hội đồng giáo dục của tỉnh, hình thức thi tuyển, vào khoảng thời gian
tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Bước đầu được thực hiện bằng cách kiểm tra bằng văn bản mà điều tra kiến thức tối thiểu
chung như công chức, dạy nghề và kiến thức chuyên môn. Bước thứ hai được thực hiện theo như cuộc phỏng vấn, thảo

luận nhóm, bài học giả định và các bài luận ngắn để quyết định trở thành giáo viên hay không. Khi được tuyển dụng,
GVTH bắt đầu với một năm tập sự, họ gắn bó với văn phòng giáo dục cấp huyện và được giao cho các trường học trong
huyện. Trong thời gian thử việc, họ làm việc với tư cách các trợ giảng của giáo viên chính và được đào tạo tập sự.

8


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 7-11

ISSN: 2354-0753

2.1.4. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học ở Đức
Ở Đức, để trở thành SV đại học ngành GDTH, người học phải có đủ các điều kiện: (1) Điều kiện cơ bản: bằng
tốt nghiệp phổ thông hoặc các bằng tương đương; (2) Điều kiện bản thân: có tư cách đạo đức tốt, có trình độ, có khả
năng sư phạm (nói năng lưu loát, có sức thuyết phục và có thiện cảm…) (INCA, 2003).
Chính phủ Đức quy định việc đào tạo GVTH phải tại trường đại học và thực tập nghề:
- Giai đoạn đào tạo ở trường đại học: Giai đoạn đào tạo cử nhân (Bachelor of Education), thời gian 3 năm, SV
phải học trong 6 học kì với khoảng 180 tín chỉ (trung bình 30 tín chỉ/ học kì, 1 tín chỉ bằng 15 giờ, bao gồm cả thời
gian tự học); Giai đoạn đào tạo chuyên sâu (Master of Education), thời gian 1 năm với 2 học kì, khoảng 60 tín chỉ.
- Giai đoạn đào tạo tập sự sau khi tốt nghiệp ở trường đại học (luyện giảng): Sau khi nhận được bằng thạc sĩ, để
trở thành GVTH thì SV cần đăng kí đào tạo tập sự tại một trường tiểu học, thời gian đào tạo tập sự là 18 tháng, thời
gian này GVTH chủ yếu làm công tác thực tập giảng dạy (được hưởng lương luyện giảng) và sau đó sẽ tham gia kì
thi luyện giảng, GVTH mới chính thức được cấp bằng sư phạm để làm giáo viên ở các trường tiểu học.
Ở Đức có quy định về thời lượng bồi dưỡng, tập huấn GVTH trong năm học; việc tập huấn, bồi dưỡng GVTH
không diễn ra tập trung thành từng đợt lớn, dài ngày, đòi hỏi giáo viên phải ngừng dạy. Các trung tâm bồi dưỡng
giáo viên đến từng cụm trường hướng dẫn giáo viên học theo các module với một số giờ quy định trong tuần, do đó
việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên không ảnh hưởng nhiều đến công tác giảng dạy.
2.1.5. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học ở Mĩ

Nước Mĩ hiện nay có 50 bang, hơn 3000 cơ quan quản lí giáo dục cấp quận; đất nước có nền giáo dục tốt đáp
ứng yêu cầu phát triển; GDTH ở đây có nhiều thành tựu đã được xác định qua các nghiên cứu so sánh quốc tế.
Cấp học tiểu học ở Mĩ là cấp học tiếp theo của giáo dục “tiền học đường”, giai đoạn giáo dục bắt buộc và thời
gian giáo dục là 5 đến 6 năm, tùy thuộc vào các bang (thường bắt đầu từ 5 hoặc 6 tuổi), lớp học chủ yếu do 1 giáo
viên phụ trách. Đây là giai đoạn tất cả trẻ em phát triển bình thường có nhiệm vụ học tập và được nhà nước tạo
điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ đó, chỉ khi hoàn thành giai đoạn giáo dục bắt buộc, mỗi học sinh mới có những
hiểu biết và kĩ năng nền tảng để tiếp tục học các bậc học tiếp theo, tự tổ chức cuộc sống của cá nhân và có trách
nhiệm với cộng đồng. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua, chương trình đào tạo GVTH ở Mĩ đã có những cải
cách nhằm bảo đảm mọi giáo viên đều am hiểu cấp học, am hiểu cách học của HS, biết sử dụng những kĩ thuật
dạy học hiện đại và có thể hợp tác với đồng nghiệp trong việc tạo nên một môi trường học tập phong phú cho
HSTH (Nguyễn Thị Hạnh, 2011).
Hiện nay, ở Mĩ không có trường đại học sư phạm mà khoa sư phạm hoặc khoa có chương trình đào tạo GVTH đều
trực thuộc một trường đại học đa ngành (Barbara Bales, 2015). Muốn trở thành GVTH thì SV cần trải qua 2 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Học cử nhân tại một trường đại học nào đó, gồm 4 năm học, 2 năm đầu học đại cương, SV phải tham
gia nhiều lớp với nhiều môn học khác nhau, như: Văn học, Khoa học, Khoa học xã hội, Lịch sử… để các bạn có kiến
thức nền tảng về nhiều chủ đề khác nhau. Từ năm học thứ 3 SV tập trung vào chuyên ngành giáo dục tiểu học.
- Giai đoạn 2: Tham gia kì thi Praxis I để được vào chương trình đào tạo GVTH. Đây là kì thi kiểm tra kiến thức
3 môn cơ bản ở tiểu học, gồm: Đọc hiểu, Viết và Toán học. Thời gian của chương trình đào tạo GVTH là 2 năm, bao
gồm cả thời đào tạo trên lớp và thời gian đi thực tập. SV học chương trình đào tạo GVTH phải có ít nhất 3 lần đi
thực tập: Lần thực tập đầu chỉ quan sát hoàn toàn, ghi chép tìm hiểu môi trường sư phạm dưới góc nhìn của GV; Lần
thứ hai bắt đầu tham gia vào quá trình làm việc thực sự của GVTH với các công việc liên quan đến hồ sơ học sinh
và trợ giảng; Lần thứ ba là thực tập giảng dạy. Đây là lần quan trọng nhất vì kết quả thực tập là một phần điểm tổng
kết và là bước để xem xét SV có phù hợp với nghề dạy học hay không. Giai đoạn này khoảng 15 tuần và SV được
thực hiện những công việc của GVTH thực thụ, như: chuẩn bị bài giảng, tổ chức dạy học trên lớp, chấm bài, đi họp,
tham gia các hoạt động của trường,... Khi thực tập giảng dạy sẽ có giáo viên ở trường tiểu học hướng dẫn và giảng
viên của trường đại học đến quan sát, chấm điểm, giúp đỡ và nhận xét. Kết thúc thực tập, SV phải thi đầu ra (Praxis
II) liên quan đến những kiến thức về công việc giảng dạy của GVTH. Sau khi thi đỗ Praxis II, thực tập đủ số giờ
giảng dạy và đạt ít nhất được điểm B trở lên thì SV sẽ làm hồ sơ để xin giấy phép dạy học.
Ở Mĩ, tùy thuộc vào những tiểu bang, có những tiểu bang chỉ yêu cầu có giấy phép dạy học thì được tiếp nhận
vào dạy học ở trường tiểu học; có những tiểu bang chỉ yêu cầu chứng chỉ hành nghề (Teaching License). Chẳng hạn

bang Michigan, để có thể được nhận vào trường dạy học, GVTH phải trải qua 2 lần sát hạch của 2 bậc cấp chứng chỉ
hành nghề giáo viên (chứng chỉ tạm thời, chứng chỉ chính thức); nhưng có những tiểu bang như Virginia hay một số
trường học của Georgia thì ngoài giấy phép dạy học, ứng viên còn phải có chứng chỉ y tế về sơ cấp cứu (First aid/CPR
Certificate) (Adele Gordon, 2017).

9


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 7-11

ISSN: 2354-0753

Cũng như ở Đức, công tác bồi dưỡng giáo viên ở Mĩ được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ theo cách phân cấp quản
lí rất mạnh và do trường đại học thực hiện. Mặt khác, xu thế đánh giá giáo viên thường xuyên cũng được coi là động
lực để giữ vững chất lượng, mỗi năm đánh giá 1 lần, các đối tượng tham gia vào hoạt động đánh giá giáo viên bao
gồm: các giáo viên đồng nghiệp tại trường, lãnh đạo trường tiểu học nơi giáo viên dạy học, học sinh và cha mẹ học
sinh, bản thân giáo viên tự đánh giá. Những giáo viên có kết quả đánh giá đạt yêu cầu của chuẩn mới được tiếp tục
cấp chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép dạy học.
2.2. Một số bài học kinh nghiệm cho việc đào tạo giáo viên tiểu học ở Việt Nam hiện nay
Trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay, mục tiêu cấp học tiểu học được xác định theo năng lực đầu ra, trong đó chú
trọng tới các yếu tố, như: (1) Những kinh nghiệm phong phú cho việc phát triển cân đối cả về thể chất và tinh thần.
Những hiểu biết và kĩ năng ban đầu về cuộc sống cân bằng, hài hòa; (2) Những khả năng cơ bản để nhận biết và giải
quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Có những kĩ năng, kinh nghiệm thể hiện tư tưởng và cảm nhận trong nhiều
hình thức đa dạng: đọc, viết, tính toán số học, tin học, kĩ năng tư duy, kĩ năng sống; (3) Những kinh nghiệm học tập hữu
ích để hiểu biết về một thế giới đa dạng. Những kĩ năng, thái độ căn bản để chuẩn bị đối diện với những cơ hội và thách
thức trong cuộc sống hàng ngày (phát triển kinh tế thị trường, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giải quyết vấn
đề của biến đổi khí hậu, hòa bình và hợp tác, tăng chất lượng cuộc sống …); (4) Thái độ tôn trọng văn hóa truyền thống
và cuộc sống đa văn hóa; (5) Tình yêu đối với người xung quanh, với đất nước (Nguyễn Thị Hạnh, 2011).

Với những mục tiêu cơ bản của cấp tiểu học, trên cơ sở phân tích và đối chiếu thực tiễn đào tạo giáo viên ở các
nước, đặc biệt các nước có nền giáo dục tiên tiến, với thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng GVTH ở Việt Nam hiện nay, tác
giả đưa ra một số kinh nghiệm sau đây:
- Về quan điểm và mục tiêu đào tạo: GDTH đóng vai trò nền tảng, bắt đầu hình thành nhân cách HSTH, vì vậy
hoạt động sư phạm, nhân cách giáo viên vẫn là công cụ lao động quan trọng nhất. Đào tạo GVTH phải được nhìn
nhận không chỉ đơn giản là quá trình trang bị cho những GVTH tương lai các kiến thức, kĩ năng và thái độ cần thiết
cho việc thực hiện thành công các nhiệm vụ hằng ngày trong lớp, ở trường và cộng đồng. Đó là quá trình phát triển
GVTH tương lai như những nhân cách nghề nghiệp, giá trị nghề nghiệp.
- Về trình độ đào tạo: Chuẩn đào tạo GVTH có trình độ đại học là phù hợp với xu thế chung. Việc mở rộng khung
thời gian và trình độ đào tạo cho phép, tăng cường thời lượng các khoa học cơ bản để bổ khuyết những “lỗ hổng”
của GDPT, mặt khác, cho phép tăng cường các nội dung khoa học giáo dục, cả về dung lượng và vị thế. Đồng thời,
việc đào tạo GVTH có trình độ đại học, sau đại học là phù hợp trong bối cảnh, nhu cầu đào tạo mới giáo viên không
cao như hiện nay.
- Về mô hình đào tạo: Mô hình đào tạo GVTH theo có cấu trúc 2 phần: phần đào tạo tại trường sư phạm và phần đào
tạo thực hành tại trường tiểu học như các nước tiên tiến tương tự như ở Việt Nam hiện nay, nhưng cần tăng cường hơn nữa
yêu cầu thực hành nghề nghiệp tại nhà trường tiểu học cho các giáo viên tương lai trong quá trình đào tạo.
- Về nội dung đào tạo: Việc triển khai đào tạo GVTH trình độ đại học, sau đại học với yêu cầu về kiến thức khoa
học chuyên sâu không cao như hiện nay là có nét tương đồng với GVTH ở các nước tiên tiến; SV ngành tiểu học ra
trường có thể dạy được nhiều môn (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đạo đức....). Chương
trình GDPT mới sẽ tập trung chủ yếu vào phát triển năng lực và phẩm chất của HS, GVTH cần có khả năng phát
triển năng lực của học sinh thông qua quá trình tổ chức dạy học - giáo dục bộ môn thay vì đơn thuần là trang bị tri
thức. Khi một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, GVTH phải có khả năng lập kế hoạch dạy học tốt, biết chủ
động lựa chọn và tổ chức cho học sinh tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau theo chủ đề dạy học đã được thiết
kế. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng cần sự thông hiểu về chương trình, vững vàng về chuyên môn, thành thạo
về kĩ thuật, sáng tạo trong vận dụng các biện pháp đánh giá, dựa trên nền tảng tâm lí học, giáo dục học vững chắc.
Đây là những nội dung quan trọng trong đào tạo GVTH hiện nay. Hơn nữa, khả năng sử dụng công nghệ thông tin
trong dạy học cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với GVTH trong bối cảnh hiện nay.
- Về tỉ trọng các học phần trong chương trình đào tạo: Cần đảm bảo cân đối, hài hòa các học phần của khoa học
chuyên ngành và khoa học giáo dục trong chương trình đào tạo GVTH; tăng thời gian và chất lượng các học phần
về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá chung và phương pháp kiểm tra, đánh giá trong từng học

phần chuyên ngành ở tiểu học.
- Về quản lí đào tạo: Cần có sự quản lí của Nhà nước một cách tập trung đối với chỉ tiêu đào tạo GVTH hằng
năm, đảm bảo cung đáp ứng với nhu cầu xã hội. Hằng năm, Bộ GD-ĐT cần chủ trì phân bổ chỉ tiêu cho các trường
sư phạm dựa trên năng lực, điều kiện của từng vùng miền và đảm bảo ngưỡng chất lượng tuyển sinh đầu vào.

10


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 7-11

ISSN: 2354-0753

- Về hoạt động bồi dưỡng GV: Hoạt động bồi dưỡng GVTH phải được coi là yếu tố có vai trò then chốt trong
việc đảm bảo chất lượng giáo dục, được thể chế hóa bằng thời lượng, bằng chương trình, bằng quy chế kiểm định
chất lượng và được phân cấp quản lí. Cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước tiên tiến để xây dựng quy định về
chứng chỉ hành nghề đối với GVTH (thời hạn 5 đến 10 năm), cần có việc thi và cấp lại chứng chỉ hành nghề. Mặt
khác, hoạt động bồi dưỡng GVTH phải được tiến hành theo nhu cầu của từng địa phương, kết hợp bồi dưỡng tập
trung với bồi dưỡng tại trường tiểu học, kết hợp bồi dưỡng tập trung có giảng viên với tự bồi dưỡng của giáo viên,
đổi mới tài liệu bồi dưỡng theo hướng kết hợp tài liệu in với tài liệu nghe, nhìn; kết hợp hình thức bồi dưỡng tập
trung và bồi dưỡng từ xa...
- Về tuyển dụng GVTH: Tuyển dụng GVTH phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, được thể chế hóa bằng
các quy định cấp Giấy chứng nhận hành nghề và quy định đánh giá theo Chuẩn GVTH. Yêu cầu tuyển dụng phải
dựa trên kết quả học tập tại các trường đào tạo và kết quả dạy học một số năm ở trường tiểu học theo quy định.
- Về sử dụng GVTH: Để GVTH thực hiện các phương pháp dạy học tích cực, có hiệu quả nhằm phát triển năng
lực cho học sinh thì xu thế tăng tỉ lệ giáo viên / học sinh (giảm sĩ số học sinh của mỗi lớp) là phù hợp với cấp học
tiểu học. Về cơ bản, đối với các lớp đầu cấp, GVTH được phân công dạy tất cả các môn học; ở các lớp cuối cấp, giáo
viên chính được phân công dạy những môn khoa học, còn các môn thuộc lĩnh vực nghệ thuật, thể chất, tin học...
được các giáo viên chuyên môn hỗ trợ.

- Về đánh giá giáo viên thường xuyên: Để giữ vững chất lượng giáo viên thì các cấp quản lí phải tiến hành đánh
giá giáo viên thường xuyên dựa trên cơ sở Chuẩn GVTH do Bộ GD-ĐT ban hành. Các đối tượng tham gia vào hoạt
động đánh giá GVTH, gồm: lãnh đạo trường tiểu học nơi giáo viên dạy học, các giáo viên đồng nghiệp tại trường,
học sinh và cha mẹ học sinh, bản thân giáo viên tự đánh giá. Kết quả đánh giá giáo viên được công bố công khai,
những giáo viên có kết quả đánh giá đạt yêu cầu của Chuẩn mới được tiếp tục dạy học. Chu kì đánh giá được tiến
hành 5 năm một lần, kết hợp với hoạt động bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ hành nghề.
3. Kết luận
Đào tạo, bồi dưỡng GVTH quyết định đến chất lượng của cấp học tiểu học, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa
và hội nhập quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế ở các nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy Việt Nam cần đổi mới công
tác đào tạo, bồi dưỡng GVTH. Chuẩn đào tạo GVTH là đại học với thời gian đào tạo phổ biến là 4 năm, từng bước
tiến dần lên trình độ thạc sĩ. Nội dung đào tạo GVTH gồm 2 phần: phần đào tạo trong trường sư phạm và phần đào
tạo thực hành ở trường tiểu học. Hoạt động bồi dưỡng giáo viên phải do các trường sư phạm thực hiện, đây được coi
là yếu tố có vai trò then chốt trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục của cấp học. Công tác tuyển dụng GVTH được
thể chế hóa bằng các quy định và cấp giấy chứng nhận hành nghề, quy định đánh giá theo Chuẩn GVTH. Ngoài ra,
Việt Nam cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GVTH theo chuẩn khu vực và quốc tế. Hi vọng bài
viết là cơ sở để các trường đào tạo tham khảo và áp dụng một cách cụ thể, linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng
đào tạo GVTH trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo
Adele Gordon (2017). Restructuring teacher education. Issues in Education Policy, number 6. Centre for Education
Policy Development.
Barbara L. Bales (2015). Restructuring teacher education in the United States: Finding the tipping point. Athens
Journal of Education, 2(4), 297-312.
Hồ An Cương (2003). Trung Quốc - Những chiến lược lớn. NXB Thông tấn.
Nguyễn Tiến Đạt (2006). Kinh nghiệm và thành tựu phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới (tập 1). NXB Giáo dục.
Nguyễn Tiến Đạt (2007). Kinh nghiệm và thành tựu phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới (tập 2). NXB Giáo dục.
INCA (International Review of Curriculum and Assessment Frameworks Archive) (2003). Báo cáo về Xu hướng
giáo dục tiểu học trên thế giới (báo cáo số 9) - bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt - http://www/qca.org.uk.
Judith M. Lamie (1998). Teacher education and training in Japan, Journal of Inservice Education. 24:3, 515-534,
DOI: 10.1080/13674589800200055.
Nguyễn Thị Hạnh (chủ nhiệm đề tài, 2011). Xu thế phát triển giáo dục tiểu học của một số nước trên thế giới. Báo

cáo tổng kết đề tài khoa học công nghệ cấp bộ, mã số B2009-37-76.
Nguyễn Thị Hồng, Hà Thị Thu Thủy (2016). Đề xuất xây dựng mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong bối cảnh
hội nhập quốc tế. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 10, tr 49-52.
Trần Khánh Đức (2014). Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỉ XXI. NXB Giáo dục Việt Nam.

11



×