Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Sưng Phổi (Pneumonia)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.06 KB, 4 trang )

Sưng Phổi (Pneumonia)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương


Mùa Đông thực lắm chuyện để bàn. Lạnh thôi khỏi nói, ngứa khỏi chê. Viêm mũi, suyễn
hen trỗi dậy. Rồi cúm, cảm. Cúm hay gây viêm ống phổi cấp tính (acute bronchitis), thỉnh
thoảng đưa đến sưng phổi. Bài kỳ trước, chúng ta tìm hiểu viêm ống phổi cấp tính, bệnh
không cần (và không nên) chữa bằng trụ sinh, bài kỳ này, chúng ta tìm hiểu sưng phổi,
một bệnh thường cần đến trụ sinh.
Cho đến nay, sưng phổi vẫn là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nhất là
cho các vị cao tuổi, và những người đang mang những bệnh khiến cơ thể yếu sẵn. Sưng
phổi có thể đưa dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như làm mủ trong phổi (lung
abscess), mủ trong màng phổi (empyema), nhiễm trùng máu (septicemia). Một khi vi
trùng đã vào máu gây nhiễm trùng máu, chúng sẽ theo máu đến các cơ quan khác của cơ
thể (màng óc, tim, khớp, ...) reo rắc tai họa.
Sưng phổi là tình trạng phổi bị viêm vì nhiễm trùng (infection), thường do vi trùng
(bacterial infection) hoặc siêu vi trùng (viral infection), có khi do nấm (fungal infection),
ký sinh trùng (parasitic infection). Sự định bệnh và chữa trị sưng phổi ngày càng phức
tạp, vì nhiều vi trùng có thể gây sưng phổi hơn so với trước, nhiều vi trùng đã kháng
thuốc trụ sinh, và bệnh lao vẫn còn nhiều trên đất Mỹ. Thêm vào đó, số người mang bệnh
liệt kháng (AIDS) cũng không ít, và khi sưng phổi, họ hay bị những vi trùng quái lạ tấn
công.
Trung bình, hàng năm ở Mỹ có 2-6 triệu trường hợp sưng phổi, khiến 500.000 đến 1 triệu
người phải vào nhà thương.
Định bệnh
Sự định ra bệnh sưng phổi dựa vào việc thăm khám (thấy bạn có các triệu chứng và dấu
chứng của sưng phổi), việc chụp phim ngực (thấy quả có sưng phổi trên phim chụp), và
việc tìm ra vi trùng đang làm loạn bằng phương pháp cấy đờm.
Các triệu chứng của sưng phổi: nóng sốt, ho hắng, đau bên ngực bị sưng phổi. Ho khạc ra
đờm, cũng có khi không. Thăm khám thấy có những tiếng động lắc rắc, rọt rẹt bất thường


bên phổi bị sưng.
Nhưng cảm hay cúm cũng gây nóng sốt, ho hắng vậy. Cảm hay cúm không cần chữa
bằng trụ sinh, không cần chụp “phim ngực” cho tốn kém (“chest X-ray”, ta hay quen
miệng gọi “phim phổi”). Tiếng động bất thường trong phổi cũng xuất hiện khi ta viêm
ống phổi cấp tính, suyễn, ..., những tình trạng bệnh chả cần đến trụ sinh, chả cần đến
phim ngực. Ngược lại, sưng phổi thường phải dùng đến trụ sinh, có khi còn phải vào
bệnh viện. Thế, làm thế nào để phân biệt đây là sưng phổi, chứ không phải cảm, cúm,
viêm ống phổi, suyễn, ... thường thôi? A, đấy là “nghề” của các bác sĩ.
Nào, bây giờ bác sĩ đang nghi bạn có thể bị sưng phổi, bước kế tiếp sẽ là “phim ngực”
(chest X-ray). Nếu phim ngực của bạn ngày trước vẫn trong trắng, nay hoen ố vì những
đốm bất thường mới xuất hiện (new infiltrate) cho thấy có sưng phổi: “Ồ, bạn bị sưng
phổi mất rồi, không còn nghi ngờ gì nữa”. Nhưng nếu không có phim ngực cũ để so sánh,
đôi khi rất khó xác định đây là vết sưng phổi mới xuất hiện, hay đây chỉ là một sẹo cũ
trong phổi, do trong quá khứ bạn đã bị lao, viêm ống phổi. Bác sĩ quang tuyến
(radiologist) và bác sĩ chính chăm sóc sức khỏe cho bạn (primary care doctor) sẽ phải bàn
với nhau xem cái vết bất thường trên phim ngực của bạn nó là cái gì, mới ra đời hay ở đó
đã lâu.
Bây giờ, theo phim ngực, quả thực bạn bị sưng phổi mất rồi, bác sĩ thường sẽ cho bạn thử
và cấy đờm để tìm xem con vi trùng nào dám gây loạn, làm hoen ố lá phổi của bạn. Có
nhiều cách nhận diện vi trùng khác như thử máu, như tìm kháng thể trong đờm xem có
phải sưng phổi gây do vi trùng Legionella pneumonia (sputum direct fluorescent
antibody), song những cách nhận diện vi trùng này ít phải dùng đến hơn.
Cho đến nay, sau bao tâm trí, giấy mực đã đổ ra vì bệnh sưng phổi, người ta vẫn thấy một
vi trùng có tên gọi Streptococcus pneumonia (viết tắt S. pneumonia) là vi trùng hay gây
sưng phổi nhất. Nhưng càng lúc, càng thêm nhiều vi trùng (trong có cả vi trùng lao), siêu
vi trùng, nấm (fungi) khác cạnh tranh với S. pneumonia, cũng nhất quyết làm bạn sưng
phổi. Kể ra hàng mấy chục loại. Nhiều “con” lại đặc biệt thích tấn công một số người nào
đó. Chẳng hạn, con S. pneumonia tuy trẻ không tha, già chẳng thương, nhưng nó tấn kích
người trẻ nhiều hơn. Ngược lại, các vị trên 60 tuổi, hay bị thêm những vi trùng khác đến
thăm. Người uống rượu cho say, hay bị con Klebiella pneumonia. Còn người bệnh liệt

kháng (AIDS), khỏi nói, cơ thể họ yếu, “con” gì cũng có thể tấn công họ được.
Nói chung, trong mấy chục “con” có thể gây sưng phổi, 5 “con” vi trùng sau đây hay gây
sưng phổi nhất: Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenzae, Mycoplasma
pneumonia, Chlamydia pneumonia, Legionella pneumonia.
Kẻ thù nào, vũ khí nấy. 4 trong số 5 con kể trên đều bị Erythromycin khuất phục. Cả 5
con đều bị những trụ sinh mới như Biaxin, Zithromax khuất phục. Erythromycin là một
trụ sinh rẻ, nhưng ngày phải dùng nhiều lần, và hay gây tiêu chảy. Biaxin, Zithromax ít
gây phản ứng, dùng ít lần hơn mỗi ngày, song đắt tiền hơn. Gần đây, có thêm các thuốc
Ketek, Levaquin ra đời, chữa sưng phổi cũng rất tốt.
Còn “Ampi”, thuốc trị bá bệnh của người Việt chúng ta? Ồ, nhiều vi trùng đã cười khinh,
coi thường “Ampi” từ lâu. Erythromycin vẫn còn là một trụ sinh trân quí, chữa được
nhiều bệnh nhiễm vi trùng, chúng ta không nên dùng lung tung, khiến vi trùng kháng
thuốc, ta mất thêm một vũ khí tốt trong cuộc chiến chống các vi trùng.
Chuyện đời thường không giản dị. Trong 30-50% trường hợp bị sưng phổi, cấy đờm
không ra vi trùng nào cả. Chẳng biết con nào là thủ phạm. Không biết con nào gây sưng
phổi, thì ta chữa theo kinh nghiệm, dựa vào những kiến thức về sưng phổi, đoán các vi
trùng nào hay gây sưng phổi ở một người bệnh thuộc một thành phần đặc biệt nào đó:
dưới hay trên 60 tuổi, người nghiện rượu, hút thuốc lá, hay đang có những tật bệnh làm
cơ thể bị suy yếu, ...
Chữa trị
Mục đích đầu tiên của sự chữa trị là xác định nguyên nhân gây sưng phổi và thẩm định
mức độ nặng hay nhẹ của vấn đề, xem người bệnh có cần phải vào nhà thương để chữa trị
hay không.
Khác với trước, đa số những trường hợp sưng phổi nay chữa được bên ngoài, vì, như vậy,
sẽ đỡ tốn kém, và vì những trụ sinh mới dạng uống hiện rất hữu hiệu. Ngoài những
trường hợp nặng cần chữa trong nhà thương, trong việc thẩm định ai là người cần sự chữa
trị trong bệnh viện, ai có thể chữa được bên ngoài, các bác sĩ cũng để ý những yếu tố sau,
gọi là những yếu tố dễ làm người bị sưng phổi... mất mạng (risk factors for death):
- Trên 65 tuổi.
- Đang sẵn mang những tật bệnh như tiểu đường, suy thận, suy tim, bệnh phổi, bệnh gan,

ung thư.
- Người đang dùng những thuốc làm giảm sự kháng cự của cơ thể như Prednisone, hoặc
được chữa trị với những thuốc chống ung thư (chemotherapy) trong vòng 6 tháng trước
đó.
- Sưng phổi gây do các vi trùng độc (như các vi trùng Staphylococcus aureus, Gram-
negative rods, anaerobes). Hoặc sưng phổi xảy ra, cùng lúc có sự tắc nghẽn một ống phổi
(gây do một khối ung thư làm tắc nghẽn ống phổi chẳng hạn).
- Thần trí người bệnh đã lơ mơ (altered mental status), hay các dấu chứng sinh tử (gọi là
vital signs, gồm mạch, áp huyết, nhịp thở, nhiệt độ) bị bất thường.
Với người sưng phổi dưới 60 tuổi, không hút thuốc, không có tật bệnh gì quan trọng làm
cơ thể bị suy yếu, nhiều bác sĩ cho rằng Erythromycin là thuốc tốt để chữa. Thuốc phải
uống ngày 4 lần, thường dùng trong vòng 10 ngày là đủ. Một số trường hợp sưng phổi
gây do một vài vi trùng cứng đầu cần được chữa lâu hơn, 2 đến 3 tuần dùng thuốc đều
đặn.
Nếu Erythromycin làm bạn đau bụng, tiêu chảy, và bạn không ngại tốn kém, ta có thể đổi
sang thuốc Biaxin, Zithromax, hoặc Ketek. Những thuốc ra đời gần đây thuộc nhóm
fluoroquinolones mới (newer fluoroquinolones) như Levaquin, Trovan, hoặc thuốc
doxycycline đã có từ lâu cũng được lắm.
Với các vị trên 60 tuổi, hay với người đang mang tật bệnh làm cơ thể bị suy yếu, sự dùng
thuốc hơi khác hơn, bác sĩ phải nghĩ xa hơn. Tốt nhất là tìm được vi trùng gây bệnh.
Nhưng trong lúc chờ kết quả cấy đờm, có khi mất nhiều ngày, bác sĩ phải dùng ngay trụ
sinh để bảo vệ người bệnh trước nanh vuốt của “con” vi trùng ma quái nào đó đang gây
loạn. Thử Biaxin, Zithromax, Ketek, Levaquin, Trovan, ... vẫn được. Septra (Bactrim)
cũng là thuốc tốt, lại rẻ. Không có thì thử Ceftin, Vantin, Cefzil, Augmentin. Khi có kết
quả cấy đờm về, biết rõ vi trùng nào làm loạn, ta sẽ đổi trụ sinh cho thích ứng hơn, vừa trị
được vi trùng này, vừa rẻ. Còn nếu cấy trùng không ra (30-50% các trường hợp sưng
phổi), và người bệnh đang thuyên giảm dần với trụ sinh đang dùng, thì ta cứ tiếp tục nó
cho đủ 10 ngày.
Với những người bị sưng phổi nặng phải vào nhà thương, sự chữa trị phức tạp hơn nhiều.
Thường phải dùng đến 2, có khi 3, trụ sinh một lúc truyền qua đường tĩnh mạch

(intravenous antibiotic therapy), trong lúc chờ kết quả các trắc nghiệm tìm vi trùng gây
sưng phổi. Sự chữa trị bằng trụ sinh qua đường truyền tĩnh mạch kéo dài từ 3 đến 7 ngày,
có khi lâu hơn, cho đến khi người bệnh thuyên giảm, hết sốt, lúc đó trụ sinh sẽ được đổi
qua dạng uống.
Đánh đúng bằng trụ sinh, nóng sốt thường sẽ thuyên giảm trong vòng 2 đến 4 ngày. Sau 4
ngày, nếu bạn vẫn còn sốt: có lẽ ta đang phải đương đầu với một con vi trùng không
“chịu” (sensitive) thứ trụ sinh ta đang dùng. Hay là trong màng phổi bạn đã có mủ, nên
trụ sinh không đến được sào huyệt của bọn vi trùng phản loạn. Nếu vậy, mủ cần phải
được rút ra. Còn trường hợp này nữa: bạn còn sốt, nhưng khỏe dần, bớt ho, có lẽ cái sốt
của bạn là do thuốc gây ra (drug fever). Trụ sinh có thể gây nóng sốt.

Định và chữa sưng phổi lắm lúc không dễ, nhưng không phải vì vậy mỗi khi cảm, cúm
chúng ta cứ dùng bừa trụ sinh sợ nhỡ sưng phổi (hoặc tệ hơn, cho trụ sinh chỉ để làm vui
lòng người bệnh, dù biết không cần). Trụ sinh dùng trước không hề ngừa được sưng phổi,
và việc sử dụng trụ sinh bừa bãi sẽ gây những hậu quả khó lường. Bác sĩ vận dụng kiến
thức, khả năng để xác định bạn có bị sưng phổi không để phải chữa bằng trụ sinh; còn về
phần bạn, nếu chỉ cảm, cúm thường thôi, xin đừng ép bác sĩ phải dùng trụ sinh cho bạn để
cảm, cúm mau hết. Trụ sinh không hề chữa được cảm, cúm, các bệnh gây do siêu vi
(virus).

Bs Nguyễn Văn Đức,
Chuyên Khoa Nội Thương

8748 E. Valley Blvd. # H
Rosemead, CA 91770
(626) 288-3306


Copyright, 2008. Muốn phổ biến bài viết này, cần xin phép tác giả và xin ghi rõ nguồn Y
Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×