Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Du ký về biển đảo phía bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.45 MB, 97 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

TRỊNH THỊ MÙA

DU KÝ VỀ BIỂN ĐẢO PHÍA BẮC
VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC
VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2019
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

TRỊNH THỊ MÙA

DU KÝ VỀ BIỂN ĐẢO PHÍA BẮC
VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 822.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC
VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN HỮU SƠN



THÁI NGUYÊN - 2019
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu
nêu trong luận văn là trung thực. Những kết luận khoa học trong luận văn chưa
từng được ai công bố trong bất cứ công trình nào khác
Tác giả luận văn

Trịnh Thị Mùa

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN

i




LỜI CẢM ƠN
Em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới thầy giáo hướng dẫn
là PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Người đã tận tình hướng dẫn, động viên và tạo
mọi điều kiện tốt nhất cho em trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo, cán bộ khoa Ngữ Văn, đặc
biệt là các thầy cô đã nhiệt tình giảng dạy khóa 25 chuyên ngành Văn học Việt
Nam, các cán bộ khoa Sau đại học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã dạy
dỗ, tạo điều kiện cho em trong quá trình học tập.

Tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của gia đình, bạn bè. Đó chính
là nguồn động viên tinh thần rất lớn để tôi theo đuổi và hoàn thành luận văn.
Thái Nguyên ngày 15 tháng 04 năm 2019
Tác giả luận văn

Trịnh Thị Mùa

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ................................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ...................................................................................................... ii
MỤC LỤC ..........................................................................................................iii
MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ............................................................................... 2
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu ................................................ 7
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................. 8
5. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................. 9
6. Đóng góp của luận văn .................................................................................... 9
7. Cấu trúc luận văn ........................................................................................... 10
NỘI DUNG ....................................................................................................... 11
Chương 1. THỂ TÀI DU KÝ VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH DU KÝ VỀ
BIỂN ĐẢO PHÍA BẮC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX ........ 11
1.1.

Lý thuyết về thể tài du ký và vấn đề du ký vùng biển đảo phía Bắc

nửa đầu thế kỷ XX ................................................................................... 11

1.1.1. Khái niệm về du ký.................................................................................. 11
1.1.2. Đặc điểm du ký nửa đầu thế kỷ XX ........................................................ 14
1.1.3. Khái lược về du ký vùng biển đảo phía Bắc nửa đầu thế kỷ XX ............ 18
1.2.

Cơ sở văn hóa xã hội về sự ra đời và phát triển của du ký viết về biển
đảo phía Bắc nửa đầu thế kỷ XX ............................................................. 21

1.2.1. Ý thức sáng tác của nhà văn và nhu cầu thưởng thức của độc giả .......... 21
1.2.2. Điều kiện giao thông và du lịch............................................................... 24
1.2.3. Sự phát triển văn học chữ quốc ngữ và báo chí, xuất bản....................... 28
1.2.4. Giao lưu văn hóa Đông - Tây .................................................................. 31
1.3.

Đội ngũ sáng tác và những tác phẩm tiêu biểu viết về biển đảo phía Bắc.... 33

Tiểu kết chương 1 .............................................................................................. 35
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




Chương 2. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÝ VỀ BIỂN ĐẢO
PHÍA BẮC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX ............................. 36
2.1.

Nhu cầu khám phá cái mới của chủ thể du ký......................................... 36


2.2.

Hiện thực đời sống xã hội của con người vùng biển đảo phía Bắc ......... 38

2.2.1. Cảnh quan và môi trường sinh thái trong du ký ...................................... 38
2.2.2. Đời sống của những con người lao động vùng biển đảo phía Bắc ......... 42
2.3.

Những dấu ấn lịch sử văn hóa vùng biển đảo phía Bắc .......................... 45

2.3.1. Con người vùng biển đảo phía Bắc ......................................................... 45
2.3.2. Văn hóa, phong tục tập quán của cư dân vùng biển đảo phía Bắc.......... 49
2.4.

Ý thức về chủ quyền biển đảo và sự đối kháng Trung Hoa .................... 53

Tiểu kết chương 2 .............................................................................................. 57
Chương 3. CÁC PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT CỦA DU KÝ VỀ
BIỂN ĐẢO PHÍA BẮC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX ........ 58
3.1.

Điểm nhìn của chủ thể tác giả trong du ký về biển đảo phía Bắc ........... 58

3.2.

Đặc điểm về thời gian và không gian nghệ thuật .................................... 62

3.2.1. Thời gian nghệ thuật ................................................................................ 62
3.2.2. Không gian nghệ thuật............................................................................. 67
3.3.


Đặc điểm trong bút pháp nghệ thuật ....................................................... 71

3.3.1. Giọng điệu của tác giả ............................................................................. 71
3.3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật ............................................................................... 74
Tiểu kết chương 3 .............................................................................................. 79
KẾT LUẬN....................................................................................................... 80
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................... 84
PHỤ LỤC

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nửa đầu thế kỷ XX nền văn học Việt Nam có sự chuyển mình sang hướng
hiện đại hóa. Sự hiện diện của thể tài du ký góp phần quan trọng làm nên diện
mạo và thành tựu của nền văn học dân tộc. Trong giai đoạn này du ký đã có
những đóng góp đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Qua một thời gian dài ít
được chú ý, trong những thập niên gần đây thể tài du ký nửa đầu thế kỷ XX đã
bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam. Khảo
cứu các tác phẩm du ký nửa đầu thế kỷ XX là công việc đi tìm hiểu, đánh giá
một cách chính xác, toàn diện chặng đường đổi mới của nền văn học Việt Nam
và mong muốn đem đến cho người đọc những nhận thức mới về mảng đề tài biển
đảo, góp phần phục vụ cho đời sống hiện đại.
Biển đảo Việt Nam là một phần của lãnh thổ Việt Nam và là một đề tài
quan trọng của du ký nửa đầu thế kỷ XX. Đặt trong tương quan Bắc - Nam, vùng
biển đảo phía Bắc Việt Nam bao gồm 11 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái

Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng
Trị, Thừa Thiên - Huế. Với những đặc điểm về địa lý, văn hóa độc đáo nơi đây
đã trở thành điểm đến lý tưởng của các tác giả du ký, từ đó tạo nên một vùng văn
học viết về biển đảo phía Bắc ngay từ đầu thế kỷ XX.
Tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến phức tạp,
đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Nghiên cứu các tác phẩm du ký
viết về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX góp phần làm rõ thêm
diện mạo và đặc điểm du ký Việt Nam. Bên cạnh đó còn góp phần quan trọng
trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo, hiểu được văn hóa, lịch sử, kinh tế,
xã hội Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX và có thể so sánh, đối chiếu
với văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa với xu
hướng hội nhập toàn cầu.
Những tác phẩm du ký viết về vùng biển đảo phía Bắc không chỉ có giá trị
văn học mà nó còn có tầm ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác: Lịch sử, địa lý,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




giáo dục, an ninh, du lịch... Vì vậy mỗi trang du ký sẽ là đối tượng thu hút đối
với các nhà nghiên cứu và là tiềm năng có thể đưa các tác phẩm vào giảng dạy ở
trường phổ thông bởi những giá trị, ý nghĩa thiết thực mà nó mang lại. Đó là lý
do người viết chọn đề tài Du ký về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX. Với hy vọng đem lại cái nhìn cụ thể, cũng như thấy được bức tranh danh
lam thắng cảnh với những cảm xúc chân thành của người viết về quê hương đất
nước, về cuộc sống, những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa lịch
sử của dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Thể loại du ký Việt Nam được ra đời từ khá sớm. Mặc dù đã có nhiều
hướng tìm tòi khác nhau nhưng lịch sử nghiên cứu về du ký chưa được dày dặn,

chưa thực sự tương xứng với dòng chảy và giá trị của nó trong đời sống văn học
nước nhà.
Trong các công trình nghiên cứu như Năm bài giảng về thể loại của Hoàng
Ngọc Hiến (1992), Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2000), cuốn 150 thuật ngữ văn học của Lại
Nguyên Ân (2004), Giáo trình lí luận văn học do Trần Đình Sử chủ biên
(2009),... Nhìn chung đã bước đầu đưa ra định nghĩa cho thể tài du ký, trong đó
phải kể đến định nghĩa tương đối hoàn chỉnh của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học: “Du ký - một
thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình
đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những
xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đến” [20, tr.75].
Tác giả Phạm Xuân Nguyên cũng đã đưa ra ý kiến đánh giá của mình về du
ký, trên báo Tuổi trẻ ra ngày 23.03.2007, có bài Đọc sách để đi chơi, trong đó có
nhận xét: “Đọc du ký, để hiểu biết, có thêm thông tin tri thức là một lẽ. Đọc những
tác phẩm du ký này còn để hiểu thêm suy nghĩ, cảm xúc của những con người đứng
ở buổi đầu nền văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm tới quốc dân trong
một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh” [45, tr.1]. Đồng thời Phạm
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




Xuân Nguyên còn là tác giả của Du ký như một thể tài (báo Văn hóa và Thể thao,
2007). Ông cho rằng du ký là sản phẩm của “Đi, và Thấy cảnh và người, sự và
việc, rồi Viết ra cảnh ấy người ấy, sự ấy việc ấy, kèm theo nghĩ suy, cảm xúc của
mình, có khi còn là phân tích, khảo cứu” [44]. Ông xem xét du ký trên 3 thành
tố: không gian đi, thời gian đi, thành phần người đi, và soi chiếu quan điểm của
mình trong sáng tác của Phạm Quỳnh.
Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan

(1942), khi nói tới nhóm nhà văn trong Nam Phong tạp chí, tác giả đã nói sơ lược
về thể tài du ký đồng thời điểm danh một số tác phẩm tác giả, trong đó có Chuyến
đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký. Cùng nghiên cứu về du ký của
Trương Vĩnh Ký, hai tác giả Bích Thu và Vũ Tuấn Anh có khẳng định: “Du ký
Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của P.J.P Trương Vĩnh Ký là tác phẩm văn xuôi
ra đời sớm nhất” [4].
Cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 1 của Phạm Thế Ngũ,
trong chương IV - “truyện ký”, Phạm Thế Ngũ gọi Thượng kinh kí sự là “một
truyện dài du ký” - là loại văn nhằm ghi chép những điều tai nghe mắt thấy sau
những bước chân từng trải trong những dịp đi xa. Trong tập 3 của cuốn sách này,
Phạm Thế Ngũ bàn tới thể tài du ký dựa trên những sáng tác của Phạm Quỳnh chủ bút Nam phong tạp chí. Tác giả ghi nhận Phạm Quỳnh chính là người mở
đầu cho lối văn du hành trên Nam phong.
Năm 1967, Tạp chí Văn học số 02 cho đăng bài Về thể ký của tác giả Tầm
Dương. Ở bài viết này, du ký được quan niệm là một phần của ký sự, du ký đứng
song song với các tiểu loại khác như: hồi ký, truyện ký, ghi chép… Trên Tạp chí
Văn học số 06, Nam Mộc cũng có bài Thể ký và vấn đề viết về người thật việc
thật phân chia ký thành các tiểu loại: phóng sự, ký sự, tùy bút, bút ký. Và du ký
đã được nhà nghiên cứu xếp vào một tiểu loại của bút ký, cùng với nhật ký, hồi
ký, tạp văn và tiểu phẩm.
Coi du ký là một thể tài văn học trong nhóm thể loại ký, Võ Thị Thanh
Tùng trên tạp chí Khoa học xã hội, số 4 năm 2013 có bài viết điểm qua “Một vài
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




đặc điểm của thể loại du ký Việt Nam”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính
chất phức hợp, giao thoa thể loại có trong du ký. Cho rằng du ký là trung gian
giữa báo chí và văn học, du ký có sự giao thoa với chính luận, tác giả đánh giá:
“Từ khi ra đời đến nay, du ký cùng với phóng sự, tùy bút… đã gia nhập vào đời

sống văn học sôi động trên cả nước, làm nên một khởi đầu ngoạn mục cho việc
đưa văn xuôi tiến dần vào vị trí trung tâm, đóng góp tích cực vào tiến trình phát
triển chung của nền văn học hiện đại Việt Nam” [66, tr.43].
Ở những công trình này, du ký hầu như được “điểm danh” và được gợi ra
từ các trường hợp tác phẩm, tác giả cụ thể. Các tác giả không quên khẳng định vị
trí của du ký trên hàng ghế danh dự của những thể tài, thể loại văn học đi đầu trong
công cuộc hiện đại hóa văn học. Nói như Vũ Tuấn Anh trong bài viết Đọc du ký
Việt Nam trên Nam Phong tạp chí và cuộc du ngoạn ngược thời gian: Du ký giống
như “một mũi khoan khai phá sự chinh phục thể loại văn xuôi”.
Trong nền văn học Việt Nam cũng như các tạp chí, đã xuất hiện các nghiên
cứu về du ký nhưng phải kể đến những nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Sơn
trên phương diện thể tài, ông là tác giả của hàng loạt bài viết lớn nhỏ thể hiện cái
nhìn từ bao quát đến cụ thể về du ký: Phác thảo du ký Hà Nội trước Cách mạng
tháng Tám (báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 6, 2000), Du ký Ninh Bình
nửa đầu thể kỷ XX (tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 6, 2004), Thể tài du ký trên
tạp chí Nam phong (1917 - 1934) (tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4, 2007), Đạm
Phương nữ sĩ và những trang du ký viết về xứ Huế (tạp chí Kiến thức ngày nay,
số 751, 2011), Thể tài văn xuôi chữ Hán thế kỷ XVIII - XIX và những đường biên
thể loại (tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 5, 2012)… Các nghiên cứu của
Nguyễn Hữu Sơn thể hiện sự thống nhất: “Khi nói đến “thể tài du ký” cần được
hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi
người viết, chứ không phải ở phía thể loại” [50, tr.13]. Xuất phát từ phương diện
nội dung, ông chỉ ra các loại du ký đặc trưng: “du ký mang tính quan phương,
công vụ; du ký viễn du - những chuyến du hành đến với các nước khác; du ký
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một

địa điểm cụ thể; du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hoá rộng
lớn; du ký mà yếu tố “vị nghệ thuật” chiếm phần quan trọng, ở đó người viết
chấm phá một vài nét phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đời thường bình dị hay
thoáng qua niềm vui liên quan đến hoạt động văn hoá, tôn giáo, phong tục, truyền
thống lễ hội, lễ nghi, lễ nhạc…”. Có thể thấy, nghiên cứu của Nguyễn Hữu Sơn
đã khơi gợi hướng nghiên cứu du ký về các vùng địa lý - văn hóa và ở đó người
đọc nhìn thấy một bức tranh phong phú đa dạng về du ký Việt Nam từ các tác
phẩm trung đại cho tới các du ký nửa đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh đó có các nghiên cứu đã đi sâu vào tìm hiểu du ký viết về một
khu vực lãnh thổ trên đất nước Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như: Năm 2016,
luận văn Du ký về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX của tác giả Chu Thị
Yến; Năm 2017, luận văn Du ký về vùng Đông Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
của Triệu Thị Ngân và luận văn Du ký viết về miền Trung Việt Nam nửa đầu thế
kỷ XX của Đỗ Thị Thủy; Năm 2018, là luận văn Du ký về vùng Tây Bắc Việt Nam
nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Thị Lan… Những nghiên cứu đó đã mang đến
cho chúng ta góc nhìn nhận mới về từng vùng lãnh thổ của Việt Nam qua các
trang du ký.
Bằng việc tập hợp các tác phẩm tiêu biểu viết về từng vùng riêng biệt,
Nguyễn Hữu Sơn khi nghiên cứu các tác phẩm du ký viết về biển đảo Việt Nam
đã tìm thấy ở mỗi du ký là một phác thảo độc đáo riêng và tạo nên bức tranh đa
màu sắc: “Ngày nay đọc lại những trang ghi chép này chúng ta có thể hình dung
về cuộc sống người dân nơi đảo xa cách nay đã quá nửa thế kỷ. Song ngay từ
đương thời người viết du ký không chỉ sao chép phong cảnh thiên nhiên, tả cái
vẻ hấp dẫn mới lạ của vùng quê đảo biển mà còn truyền vào đó chất thẩm mĩ và
nâng cấp thành đạo lý ứng xử sống hòa hợp với tự nhiên” [51, tr.10]. Đặc biệt
Nguyễn Hữu Sơn đã chú trọng nghiên cứu các tác phẩm du ký viết về vùng biển
đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và được thể hiện thông qua một loạt
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN





bài viết trên các tạp chí, các bài báo: Du kí Quảng Ninh nửa đầu thế kỷ XX (báo
Văn nghệ Hạ Long, số tết, 2002), Du ký Hải Phòng nửa đầu thế kỷ XX (tạp chí
Văn hóa và du lịch, số 24, tháng 7-2015), Du ký về biển đảo Quảng Ninh - Hà
Tĩnh nửa đầu thế kỷ XX (báo Người Hà Nội, tháng 10-2017), Du ký về biển đảo
Quảng Bình - Bình Định nửa đầu thế kỷ XX (báo Người Hà Nội, số 44, tháng 112017)... Qua các nghiên cứu, Nguyễn Hữu Sơn đã đem đến những cách quan sát,
sự cảm nhận sinh động, phong phú, mới lạ cùng với dấu ấn văn hóa vùng biển
đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: “Đọc tác phẩm du ký tức là “ngồi
một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, hơn nữa lại là du ký hồi đầu thế kỷ XX, chắc
chắn sẽ giúp độc giả hôm nay hiểu hơn vẻ đẹp cũng như các vấn đề lịch sử - văn
hóa vùng duyên hải và biển đảo Đông Bắc Tổ quốc một thời chưa xa” (Nguyễn
Hữu Sơn (2017) Du ký về biển đảo Quảng Ninh - Hà Tĩnh nửa đầu thế kỷ XX,
báo Người Hà Nội).
Nguyễn Hữu Sơn trong bài viết Nhận diện du ký biển đảo Việt Nam nửa
đầu thế kỷ XX theo các vùng văn hóa, đã rất chú trọng đến việc tìm hiểu về du
ký vùng, miền. Đặc biệt, ông đã chú ý đến việc nghiên cứu vùng duyên hải và
biển đảo Việt Nam, ông nhận định: “Việc khảo sát, nghiên cứu, nhận diện chuyên
biệt từng vùng miền và từng tiểu vùng văn hóa nói riêng đặt trong tổng thể, toàn
cảnh nền văn hóa duyên hải và biển đảo có một ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở
sưu tập các văn bản thuộc thể tài văn học du ký - du hành giai đoạn nửa đầu thế
kỷ XX có thể nhận ra tâm thế ký giả - người du hành, xu thế hội nhập, phát triển,
hiện đại hóa của ngành du lịch và đối tượng, sắc thái địa - văn hóa, môi trường
sinh thái duyên hải và biển đảo phong phú, trải rộng ra Biển Đông và trải dài từ
Bắc vào Nam. Từ sự so sánh và đối sánh các tác phẩm du ký có thể nhận thức
đầy đủ mối quan tâm, diện mạo, đặc điểm, vị thế cũng như bài học kinh nghiệm,
khả năng ứng phó, dự báo xã hội mang tính cụ thể, đặc thù, sinh động ở từng
vùng miền trong tổng thành nền văn hóa biển đảo Việt Nam” [60, tr.12]. Dựa
trên nhận định đó, nghiên cứu du ký về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN





kỷ XX cho phép người viết có thể đào sâu, làm rõ hơn những đặc sắc về nội
dung, nghệ thuật của du ký viết về biển đảo phía Bắc nói riêng và đồng thời
khẳng định vị thế của thể tài du ký nửa đầu thế kỷ XX trong tiến trình văn học
Việt Nam trên hành trình hiện đại hóa văn học.
Tựu chung lại, các tác phẩm du ký về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa
đầu thế kỷ XX đã xuất hiện trong một số bài báo, luận văn, luận án nhưng lẻ tẻ
và tản mác. Duy nhất trong những bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã có ý
thức về việc coi trọng và xem những du ký viết về biển đảo Việt Nam như một
đối tượng nghiên cứu riêng biệt. Ông đã phân chia nhỏ hơn những sáng tác du
ký theo các vùng biển đảo tiêu biểu và cụ thể. Các bài viết của tác giả chính là
những gợi ý thú vị thôi thúc người viết tiến hành khảo sát và tìm hiểu Du ký về
biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các tác phẩm thuộc thể tài du ký viết
về biển đảo Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các tác phẩm viết về biển đảo phía
Bắc Việt nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX được đăng trên các báo và tạp
chí cùng thời: Nam Kỳ địa phận, Nam phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Phong hóa,
Ngày nay, Tiểu thuyết thứ bảy, Tràng An báo, Khoa học, Tri tân,… Hay những
nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Sơn đăng trên các báo và tạp chí: Khoa học
xã hội Việt Nam, Nghiên cứu Văn học, Văn hóa và du lịch, Kiến thức ngày nay,
Người Hà Nội, Văn nghệ Hạ Long,...
3.2. Phạm vi lý thuyết của luận văn là những vấn đề về khái niệm, sự hình thành
và phát triển của thể tài du ký; đặc trưng nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm
du ký viết về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Phạm vi nghiên cứu tư liệu của luận văn bao gồm các tác giả và các tác
phẩm du ký viết về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt,

luận văn sưu tầm và khảo sát trên các du ký có chung đối tượng là vùng biển đảo
phía Bắc Việt Nam đã đăng trên các báo và tạp chí hồi đầu thế kỷ XX như: Đi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




chơi ngoài Bắc Kỳ, Huế và bên Tàu (báo Nam Kỳ địa phận); Pháp du hành nhật
ký, Sự du lịch đất Hải Ninh, Chơi Vịnh Hạ Long, Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh,
Quảng Xương danh thắng, Thụy Anh du ký,…(tạp chí Nam Phong); Một cuộc
hành du (tạp chí Khoa học); Đi vịnh Hạ Long, Hội Đồ Sơn (báo Ngày nay), Kỷ
niệm Sầm Sơn, Bốn năm trên đảo Các Bà (tạp chí Tri Tân),… Du ký Việt Nam
giai đoạn này khá phong phú, đa dạng. Một trong những biểu hiện của điều này
là du ký viết về nhiều vùng đất, vùng địa lý - văn hóa khác nhau trên mọi miền
Tổ quốc.
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Người viết muốn nhấn mạnh đặc điểm của du ký viết về biển đảo phía Bắc
Việt Nam ở các vấn đề: nội dung cảm hứng, vai trò của chủ thể tác giả trong việc
tổ chức vai trần thuật và điểm nhìn trần thuật, ngôn từ nghệ thuật, sự giao thoa
thể loại, từ đó phác thảo lại dòng chảy du ký từ văn học trung đại, qua văn học
hiện đại thế kỷ XX đến thế kỷ XXI.
Làm rõ những đặc điểm riêng của du ký về biển đảo phía Bắc với các vùng
khác. Bao gồm những đặc điểm chung và riêng về nội dung phản ánh và nghệ
thuật sáng tác.
Đề tài khẳng định vai trò của du ký trong giai đoạn hiện đại hóa nền văn
học dân tộc. Góp thêm tiếng nói vào việc nghiên cứu thể tài, thể loại trong bối
cảnh hiện nay.
Là nguồn tư liệu hữu ích cho những ai quan tâm đến thể tài du ký, cũng
như muốn tìm hiểu về đời sống tự nhiên, văn hóa, xã hội vùng biển đảo phía Bắc

nửa đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn thể loại văn học.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Xác định những đặc điểm cơ bản của các tác phẩm viết về biển đảo phía
Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trên hai phương diện: nội dung và nghệ thuật

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




để thấy được những đóng góp của nó trong quá trình hiện đại hóa văn học và làm
phong phú diện mạo văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
- Nhấn mạnh giá trị của các tác phẩm du ký viết về biển đảo phía Bắc Việt
Nam đối với việc nêu cao ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia trong bối
cảnh nửa đầu thế kỷ XX cũng như hiện tại.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp sưu tầm, thống kê: Tìm kiếm, tập hợp những tác phẩm
thuộc thể tài du ký viết về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được
đăng tải trên các báo, tạp chí. Thống kê và lấy số liệu một số nội dung phục vụ
cho quá trình nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Làm rõ những đặc điểm chính về nội
dung và hình thức của du ký viết về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX, nhất là việc xử lý các dẫn chứng làm cơ sở để đưa ra các nhận định, kết luận
thuyết phục và có ý nghĩa khoa học.
- Phương pháp so sánh: So sánh các sáng tác văn học thuộc nhiều vùng miền;
giữa các tác giả, tác phẩm và thể loại văn học khác nhau, giữa các giai đoạn văn học
khác nhau... để có những kết luận cần thiết.
- Phương pháp liên ngành: Sử dụng tri thức của các ngành khoa học khác
nhau như văn hóa học, xã hội học, triết học, tâm lý, sử học, địa lý,... để vận dụng
vào lí giải làm rõ các vấn đề văn học phản ánh trong du ký Việt Nam nửa đầu

thế kỷ XX.
6. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở khảo sát, tiếp thu và phát huy những nghiên cứu trước đó, luận
văn thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu của mình và nhận thấy có những đóng
góp sau:
Luận văn với đề tài: Du ký về biển đảo phía Bắc Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX. Là công trình nghiên cứu, khảo sát đầu tiên nghiên cứu về một vùng biển đảo
riêng biệt, góp phần làm rõ những thành quả mà thể tài đã đạt được và xác định
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




vai trò, vị trí của nó. Luận văn tập trung nghiên cứu các phương diện về nội dung
và nghệ thuật của du ký viết về biển đảo phía Bắc qua những tác phẩm tiêu biểu,
từ đó phát hiện được những nét riêng, những điểm mới của thể tài.
Trong quá trình khảo sát nghiên cứu, người viết đi sâu vào các tác phẩm,
bài viết, ý kiến, nhận định về biển đảo phía Bắc Việt Nam nhìn từ bình diện thể
tài du ký, nhằm đóng góp những góc nhìn mới và hiểu rõ hơn về giá trị của thể
tài du ký.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận văn
được triển khai theo 3 chương:
Chương 1: Thể tài du ký và cơ sở hình thành du ký về biển đảo phía Bắc
Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 2: Đặc điểm nội dung của du ký về biển đảo phía Bắc Việt Nam
nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 3: Các phương diện nghệ thuật của du ký về biển đảo phía Bắc
Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.


Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




NỘI DUNG
Chương 1
THỂ TÀI DU KÝ VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH DU KÝ
VỀ BIỂN ĐẢO PHÍA BẮC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
1.1. Lý thuyết về thể tài du ký và vấn đề du ký vùng biển đảo phía Bắc nửa
đầu thế kỷ XX
1.1.1. Khái niệm về du ký
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sự chuyển biến của xã hội Việt Nam đã
làm cho giới văn học nước ta cũng bị cuốn vào vòng quay của thế giới hiện đại.
Con người dần thấy có nhu cầu đi, đi rồi thì lại thấy cần phải viết ra những điều
mắt thấy tai nghe. Trước là để chia sẻ những điều mình được chứng kiến cùng
những cảm giác cảm xúc của cá nhân. Sau là để hối thúc mọi người hãy mạnh
dạn đi đến những chốn lạ, những miền xa và thử đặt mình vào hoàn cảnh địa dư
khác, để từ đó mà năng động mình, có hiểu biết mới, dám nghĩ dám làm hơn, và
đặc biệt là có tình yêu với quê hương đất nước và xứ sở mình hơn. Chính điều
đó, đã góp phần cho nền văn học Việt Nam hình thành nên một thể loại đứng
giữa ranh giới văn học và báo chí - ký.
Ký là một thể loại nằm trong loại hình tự sự, với những đặc trưng riêng về
mặt thi pháp, nó đứng giữa ranh giới của văn học và báo chí. Tầm Dương trong
bài Bàn về thể kí tác giả coi: “Du ký là “ký” lại các sự (những điều mắt thấy tai
nghe) trong lúc “du”” [13]. Hay Nam Mộc cũng cho rằng “Có thứ bút ký phản
ánh người, việc và cảm nghĩ diễn biến trong không gian theo bước đi của nhà
văn đó là du ký” [43]. Đồng quan điểm với Nam Mộc, Mã Giang Lân khẳng
định: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ phải kể đến du ký. Đây
là một hình thức bút ký văn học được ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những

chuyến đi của tác giả đến những vùng đất khác nhau. Nguồn gốc của du ký cần
tìm trong những hình thức tùy bút, ký sự truyền thống” [30]. Như vậy, qua khảo
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




sát các tác giả khi nghiên cứu về thể tài du ký đã chỉ ra du ký chính là một tiểu
loại của ký, với đặc trưng là phản ánh người thật, việc thật trên một chặng hành
trình.
Cho rằng du ký gắn với hoạt động đặc thù là du lịch, thưởng ngoạn, có sự
đa dạng về hình thức như ghi chép, hồi tưởng, ký sự, nhật ký... và phong phú về
nội dung như tri thức, cảm xúc, thông tin... Các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đưa ra định nghĩa: “Du
ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân
mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại
những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến” [20, tr.108].
Quan tâm đến đối tượng của du ký, trong cuốn Lí luận văn học của các tác
giả Trần Đình Sử, La khắc Hòa, Phùng Ngọc Kiếm đưa ra nhận định về du kí:
“thể loại ghi chép về vẻ kì thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời, những cảm
nhận, suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn, du lịch” [62,
tr.382]. Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ đối tượng đặc thù của du ký là cảnh vật,
con người, cuộc sống, những cảm xúc cá nhân,... được nhà văn trực tiếp ghi lại
qua những chuyến đi.
Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, có đề cập đến hoàn
cảnh ra đời và khẳng định tính chân thực của du ký: “ghi lại những điều người viết
chứng kiến trong chuyến đi chơi xa”. Còn trong cuốn sách Các thể văn chữ Hán
Việt Nam do Trần Thị Kim Anh và Hoàng Hồng Cẩm biên soạn, đã đưa ra định
nghĩa tương đối đầy đủ về du ký: “Văn du ký là loại văn được viết ra trong những
chuyến đi, vừa để ghi lại hành trình, vừa để bày tỏ cảm xúc về những điều mắt

thấy tai nghe. Đặc điểm của du ký là chuyên lấy việc mô tả thắng cảnh núi sông,
phong vật làm đề tài, cách viết đa dạng, có thể miêu tả, có thể trữ tình, có thể nghị
luận, và phải là chính tác giả ghi chép về chính chuyến đi của mình, miêu tả lại
cảm thụ của bản thân trước non sông phong vật.” [3, tr.113]. Theo định nghĩa thì
du ký được thể hiện trên các bình diện: Hoàn cảnh, đề tài, hình thức trình bày, và
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




đặc biệt trong du ký bản thân tác giả - Nhân vật “tôi” là người trực tiếp tham gia
vào hành trình của mình nên người đọc dễ dàng bắt gặp được cảm xúc thực sự của
chính tác giả trong mỗi trang du ký.
Cùng với nghiên cứu trên, khi bàn về thể tài du ký nhà nghiên cứu Nguyễn
Hữu Sơn đã có nhận định khá toàn diện về thể tài du ký: “Khi nói đến “thể tài
du ký” cần nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật
người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng
tác chủ yếu bằng bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, hồi ức về các
chuyến du ngoạn, các điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và còn
liên quan tới nhiều phương diện văn hóa học, xã hội học, dân tộc học khác nữa...”
[59]. Nhà nghiên cứu còn chỉ ra sự khác biệt của thể tài du ký với thể loại văn
học khác: “Du ký thường gắn với nhu cầu xê dịch Đi và Xem, gắn với các chuyến
du ngoạn, du lịch và nghiêng hẳn về phía vị nghệ thuật, góp phần thỏa mãn nhu
cầu giải trí, ham hiểu biết, ham vui của những người thuộc tầng lớp trên, nói
chung là có của ăn của để” [59, tr.98]. Như vậy nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu
Sơn đã làm rõ hơn vấn đề của du ký trên phương diện đề tài, nội dung và cảm
hứng nghệ thuật của người viết du ký.
Trên đây là các định nghĩa về du ký mà các nhà nghiên cứu trong quá trình
tìm hiểu đã đưa ra. Mỗi định nghĩa được đưa ra từ những góc nhìn riêng, và khái
quát từ thực tiễn văn học mà nhà nghiên cứu đó quan tâm nghiên cứu, nên khó

có thể lấy một tiêu chí nào để phê phán, đánh giá đúng sai. Trong nghiên cứu
này, người viết cũng mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về du ký. Du ký là
một thể của ký, nên hình thức của du ký có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư
tín, hồi tưởng… Và cơ bản có tính xác thực do dựa trên sự ghi chép chân thực
của bản thân tác giả, nhưng cũng có khả năng xen kẽ hư cấu và các tri thức thiên
về khảo cứu sách vở. Các tác giả của du ký thường bộc lộ niềm say mê và khát
khao tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ ở những địa danh mà họ đặt chân
đến.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




Trong du ký, các nhà du ký khi thì thể hiện cách tư duy bay bổng, lãng
mạn của người lãng tử ưa phiêu lưu mạo hiểm, khi thì họ lại đưa người đọc được
khám phá ra vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống, khi thì họ lại trăn trở, suy tư đầy
trách nhiệm của người công dân trước số phận con người, trước vận mệnh dân
tộc. Vì vậy, một tác phẩm du ký “không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn
chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục, hay
cả các phương diện như chính trị xã hội”.
Các tác phẩm du ký đã mang đến những tri thức xác thực về những vùng
đất văn hóa mà họ đã đi qua. Đó có thể là vùng Tây Bắc với những hệ thống núi
non trùng điệp bên hữu ngạn sông Hồng và một nền văn hóa đa dạng, độc đáo
của hơn hai mươi dân tộc ở nơi đây. Đó cũng có thể là vùng Đông Bắc với sự trù
phú nhộn nhịp nơi biển đảo Quảng Ninh, Hải Phòng cùng cuộc sống của những
con người quanh năm bám biển “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Hay đó còn
là những trang du ký viết về Biển đảo Việt Nam với ý thức về chủ quyền biển
đảo sâu sắc.
1.1.2. Đặc điểm du ký nửa đầu thế kỷ XX
Du ký Việt Nam xuất hiện khá sớm, từ khoảng thế kỷ XVIII nhưng phải

bước sang thế kỷ XX thì du ký mới thực sự phát triển và trở thành dòng chảy liên
tục. Là thể loại được hình thành trong những chuyến đi nên mỗi tác phẩm du ký
như mở ra cho người đọc nhiều điều bất ngờ, thú vị về những khía cạnh khác
nhau: Phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo,… Với kiến
thức sâu rộng người viết du ký đã có những đóng góp tích cực vào việc mở mang
tri thức, thỏa mãn cơn khát hiểu biết của những người yêu văn chương. Chính vì
vậy mà du ký góp vai trò quan trọng vào quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt
Nam.
Người có công đầu trong việc thúc đẩy thể tài du ký phát triển đó là Phạm
Quỳnh, với một loạt các tác phẩm: Một tháng ở Nam Kỳ, Mười ngày ở Huế, Pháp
du hành nhật ký,... Bên cạnh đó còn một số tác phẩm cũng đăng trên Nam Phong
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




Tạp chí: Chơi vịnh Hạ Long (Đông Châu), Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh
(Nguyễn Đức Tánh), Quảng Xương danh thắng (Thiện Đình), Thụy Anh du ký
(Đặng Xuân Viện), Quảng Yên du ký (Nhàn Vân Đình), Lược thuật hành trình
cuộc ngự giá Bắc tuần (Mỹ Ngọc),... Nhìn chung các tác phẩm du ký thời kỳ này
không đơn thuần là những tác phẩm ghi chép, phản ánh hiện thực mà nó còn là
những tác phẩm mang đậm chất trữ tình, và dấu ấn cá nhân sâu sắc. Chính điều
đó đã làm cho du ký mang đậm tính văn học hơn.
Khi nghiên cứu về đặc điểm của thể loại du ký, Võ Thị Thanh Tùng trong
Du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Một vài đặc điểm về thể loại cũng đã đưa
ra quan điểm của mình về đặc điểm của thể loại du ký. Nhà nghiên cứu chỉ ra
đặc điểm của thể loại du ký với hai đặc điểm: Thứ nhất, du ký là một thể loại có
tính chất giao thoa với ghi chép tư liệu; và thứ hai, du ký là thể loại hợp nhất giữa
truyện và nghiên cứu. Đặc điểm thứ nhất, nhà nghiên cứu có đưa ra quan điểm
của mình về tính chất giao thoa giữa du ký với ghi chép tư liệu: “Rõ ràng trong

khi ghi chép, nhà viết kí phải huy động vốn sống của cả đời người để những gì
được viết ra sẽ trở thành nguồn kiến thức đáng tin cậy. Vốn sống, tài năng cũng
như tư tưởng tình cảm của người viết sẽ được bộc lộ trực tiếp qua lời văn.” [67,
tr.196]. Và với đặc điểm thứ hai nhà nghiên cứu cũng có khẳng định: “Những
câu chuyện mới lạ được nghe, được thấy trên con đường hành hương sẽ nhanh
chóng biến thành những thỏi nam châm thu hút người đọc. (…) Chất truyện trong
du ký hiện diện bằng những hình ảnh giàu sức sống, những nhân vật có thật,
những câu chuyện sinh động… tất cả hợp lại làm cho câu chuyện của hiện thực
cuộc sống hiện lên với tất cả dáng vẻ vốn có của nó nên không bao giờ nhàm
chán.” [67, tr.198]. Như vậy, theo Võ Thị Thanh Tùng khi khám phá các tác
phẩm du ký, người đọc có được cả một kho tư liệu dồi dào về nhiều lĩnh vực,
đồng thời chất chứa trong đó là những câu chuyện sinh động hấp dẫn về người
thật, việc thật.
Trên khía cạnh khác ta thấy du ký là thể loại có tính chất giao thoa với báo
chí. Nếu tính chất của báo chí là luôn luôn phải đảm bảo tính chân thực của mình,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




tức là đối tượng mà báo chí hướng tới phải luôn là cuộc sống thực tại. Thì du ký
là thể loại được hình thành trong quá trình tiếp xúc với người thật, việc thật của
nhà văn nên toàn bộ những hình ảnh của cuộc sống sẽ thu hút vào lăng kính của
nhà du ký và như vậy đối tượng mà du ký hướng tới cũng là cuộc sống thực tại.
Vì vậy mà du ký và báo chí có sự tác động qua lại, bổ trợ cho nhau trong những
trường hợp nhất định. Trong du ký có tính chất “báo chí” được thể hiện ở những
số liệu, chi tiết, hành động một cách chính xác gần như tuyệt đối. Đặc biệt là
những tác phẩm mang tính quan phương công vụ như trong Lược thuật hành
trình cuộc ngự giá Bắc tuần của N.P. đã ghi chép lại toàn bộ những số liệu, sự
kiện, một cách tỉ mỉ và chính xác nhất nhằm phản ánh lại thực trạng của xã hội

Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, với kiểu hoạt động của ông vua Hoàng Đế
dưới sự bảo hộ trên danh nghĩa của nhà toàn quyền Đông Dương. Tuy nhiên, do
tính chất đặc thù của du ký mà những con người và sự việc được miêu tả trong
du ký nhìn chung không thật sự rõ nét như trong báo chí. Vì vậy mà du ký được
coi là thể loại phi cốt truyện tức là trong du ký bóng dáng con người hầu như
không thực sự sắc nét mà chỉ được miêu tả lướt qua, hay những sự việc được kể
thì tản mạn, chắp nối, không có cốt truyện hoàn chỉnh như trong truyện hay tiểu
thuyết. Du ký đã được nhiều nhà nghiên cứu xếp vào thể loại ký sự, nên đôi khi
du ký còn được gọi là ký sự mà theo Vũ Ngọc Phan, ký sự là “anh em đồng bào
song sinh” với phóng sự. Cả ký và phóng sự cùng viết về người thật việc thật,
nhưng phóng sự thường đề cập đến những vấn đề cấp thiết, nóng hổi đang diễn
ra gây nhức nhối trong đời sống: “Tác phẩm phóng sự thường xuất hiện trong
những hoàn cảnh có vấn đề, ở những thời điểm cuộc sống đang có những chuyển
biến mạnh mẽ với những mâu thuẫn gay gắt đang đặt ra” [12, tr.24]. Người viết
phóng sự luôn ở thế sẵn sàng “theo sát các vấn đề nóng hổi, cấp bách của hiện
thực mang ý nghĩa xã hội rộng lớn” [62, tr.361]. Sự việc cấp thiết, nóng hổi là
điều mà phóng sự quan tâm hàng đầu, còn trong du ký sự việc không nhất thiết
phải “nóng hổi”, trực tiếp hay cũng không nhất thiết là sự việc có vấn đề đang
được xã hội quan tâm. Nhiều khi trong du ký các tác giả du ký thường đưa người
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




đọc được trở về với quá khứ, chứng kiến những không gian lịch sử xảy ra hàng
ngàn năm trước đó, tức là trong du ký có thời gian quá khứ. Giữa hiện tại và quá
khứ đan xen vào nhau xuyên suốt trong câu chuyện của người du khách. Nhưng
cả du ký và phóng sự đều có điểm tương đồng là việc khắc họa chân dung con
người không thật sự được rõ nét. So với phóng sự, con người trong du ký có hình
thù rõ ràng hơn vì ngoài những con người mà nhà du ký quen biết và có hẹn

trước còn có những người mà tác giả tình cờ được gặp trong chuyến đi của mình,
điều đó góp phần làm cho cuộc hành trình thêm hấp dẫn và sinh động hơn.
Du ký còn là thể loại giao thoa với tùy bút. Cả hai thể loại ngoài việc kể
và tả, các nhà văn còn bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình nhằm tạo nên chất trữ
tình. Đồng thời đều phản ánh hiện thực nhưng hiện thực trong tùy bút chỉ là điểm
tựa, là cái cớ để nhà văn thể hiện cảm xúc. Còn trong du ký, hiện thực là đối
tượng chính, cảm xúc góp phần làm cho bức tranh hiện thực có chiều sâu hơn.
Ngoài ra du ký còn có tính chất giao thoa với nhật ký. Cả du ký và nhật ký đều
mang suy nghĩ sâu sắc của cái “tôi” trần thuật, ghi chép lại sự việc bằng những
cảm xúc chân thành theo diễn biến thời gian một cách cặn kẽ, chính xác và đặc
biệt cả hai thể loại đều không chịu sự bó buộc của khuôn khổ, bố cục hay dung
lượng.
Du ký còn là thể loại giao thoa với chính luận. Để tạo nên cảm xúc thẩm
mỹ cho người đọc, ký không chỉ thông tin sự thật mà còn phải biết khái quát sự
thật thành hình tượng thông qua phương pháp chính luận nghệ thuật. Sự hiện
diện của yếu tố chính luận cũng là một trong những yếu tố làm nên đặc sắc cho
du ký. Để làm cho tác phẩm trở nên sâu sắc hơn thì các nhà du ký khi phản ánh
hiện thực đã biết cách chọn lựa những con người, sự việc điển hình, tiêu biểu.
Miêu tả những điều mắt thấy tai nghe bằng cả tâm huyết để người đọc có thể soi
chiếu qua đó mà suy ngẫm, bàn luận về mọi khía cạnh của đời sống. Du ký tuy
không gay gắt như chính luận nhưng cũng đủ để lại suy ngẫm cho người đọc.
Trong du ký có sự kết hợp hài hòa giữa phản ánh hiện thực với việc thỏa mãn
những tình cảm thẩm mỹ của con người nên du ký có vai trò “góp phần làm giàu
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN




cho nhận thức và tạo nên nhiều giao cảm giữa người viết và bạn đọc. Nó rất có
ý nghĩa để góp phần đáp ứng nhu cầu của con người trong thời đại mà nhu cầu

hiểu biết, thông tin đã phát triển rất rộng rãi” [19, tr.225-226].
Có thể thấy rằng du ký là thể loại có tính tổng hợp, giao thoa với nhiều thể
loại khác như phóng sự, nhật ký, tùy bút, chính luận... Chính điều này đã giúp
tác phẩm du ký chiếm lĩnh được mọi mặt của đời sống, đồng thời giúp người đọc
có thể thấy được những giá trị nhân sinh, nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, du ký do
được hình thành ở giai đoạn giao thời có tính chuyển tiếp, nên thể loại có những
cách tân mới mẻ về mọi mặt: Chữ viết, cách hành văn, cách phản ánh những vấn
đề thẩm mỹ nên càng hấp dẫn người đọc. Và du ký còn được ví như “một pho tư
liệu” quý giá mang đến cho người đọc các kiến thức về nhiều lĩnh vực: lịch sử,
địa lý, giáo dục, chính trị… góp phần đưa văn học gần hơn với cuộc sống.
1.1.3. Khái lược về du ký vùng biển đảo phía Bắc nửa đầu thế kỷ XX
Trong khoảng từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX thể tài du ký chủ yếu
do các nhà nho sáng tác và được viết bằng chữ Hán. Xuất hiện vào nửa cuối thế
kỷ XIX, Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký - là tác phẩm du ký
được viết bằng chữ quốc ngữ, có ý nghĩa nối tiếp truyền thống du ký Việt Nam
với sự tiếp nhận du ký của thời đại. Nó vẫn mang một số đặc điểm của du ký
trung đại, nhưng đã mang dáng dấp của tác phẩm du ký hiện đại, thể hiện trên
kết cấu của tác phẩm theo cấu trúc hành trình về những nơi tác giả đi qua có danh
lam và thắng tích, sự quan sát tinh tế với vốn tri thức phong phú để miêu tả đối
tượng.
Sang giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, du ký Việt Nam phát triển trong bối
cảnh lịch sử và văn học có những chuyển biến mạnh mẽ. Tác phẩm du ký đầu
tiên xuất hiện và được viết bằng tiếng Pháp đó là Hương Sơn hành trình của
Nguyễn Văn Vĩnh được đăng trên Đông Dương tạp chí ở các số 41, 42, 43, 44,
45, ghi chép lại chuyến hành trình về vùng đất Phật. Ở giai đoạn này do ảnh
hưởng chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương, trong đó
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN





có việc mở mang đô thị, phát triển giao thông và dịch vụ đã tạo điều kiện cho
việc du hành trở nên dễ dàng hơn. Những cuộc du hành của các tầng lớp trí thức
có tác dụng làm sống dậy các giá trị của dân tộc. Nhiều tác phẩm du ký chữ Hán
và chữ Pháp được dịch và đăng trên các tạp trí, tiêu biểu như Nam Phong hay
một số tạp chí, tờ báo khác như Phụ nữ Tân văn, Tri tân, Công luận báo, Hà
Thành ngọ báo, An Nam tạp chí,...
Biển đảo là một phần của lãnh thổ Việt Nam, đặt trong tương quan Bắc Nam vùng biển đảo phía Bắc Việt Nam bao gồm 11 tỉnh: Quảng Ninh, Hải
Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Vùng biển đảo phía Bắc là khu vực bao gồm
cả phần đảo và phần đất liền, vùng đồng bằng và miền núi. Ở đó có sự đa dạng
về địa lý, văn hóa và con người góp phần làm cho du ký vùng biển đảo phía Bắc
phong phú, đa dạng trong sự kết hợp của 11 tỉnh.
Khi nghiên cứu về vùng biển đảo Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu
Sơn đã có bài nghiên cứu “Nhận diện du ký biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX theo các vùng văn hóa”. Trong nghiên cứu ông đã chỉ ra: “Việt Nam có vùng
biên giới biển đảo rộng dài nên đã hình thành cả một tuyến văn hóa duyên hải
và biển đảo (gọi chung là vùng văn hóa biển đảo) tiếp nối liên tục từ Quảng Ninh
đến Kiên Giang. Nói riêng bờ biển có trên 3.260 km trải dài từ Bắc tới Nam,
đứng thứ 27 trong số 157 đảo quốc và quốc gia ven biển trên thế giới. Trên thực
tế, vùng văn hóa biển đảo có nhiều nét đặc thù, có thể được đặt trong nhiều hệ
qui chiếu và tương quan khác nhau trong tổng thể bảng màu văn hóa Việt
Nam…” [60]. Như vậy, với những đặc thù riêng về vị trí địa lý ở nước ta, đường
bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam, và khoảng hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ chạy dọc
theo đường bờ biển, đã hình thành nên vùng văn hóa biển đảo vô cùng phong
phú và đa dạng. Khi nghiên cứu về vùng biển đảo phía Bắc, nhà nghiên cứu
Nguyễn Hữu Sơn đã chỉ ra rằng: “Vào nửa đầu thế kỷ XX, các tác phẩm du ký
viết về vùng duyên hải và biển đảo Bắc Bộ thiên về phong cách ký sự, ghi chép,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN





×