Tải bản đầy đủ (.pdf) (146 trang)

Hiện thực chiến tranh trong miền hoang của sương nguyệt minh và mùa chinh chiến ấy của đoàn tuấn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.49 MB, 146 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------------------------

NGUYỄN THỊ YẾN

HIỆN THỰC CHIẾN TRANH TRONG
MIỀN HOANG CỦA SƢƠNG NGUYỆT MINH VÀ
MÙA CHINH CHIẾN ẤY CỦA ĐOÀN TUẤN

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Hà Nội - 2020


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------------------------

NGUYỄN THỊ YẾN

HIỆN THỰC CHIẾN TRANH TRONG
MIỀN HOANG CỦA SƢƠNG NGUYỆT MINH VÀ
MÙA CHINH CHIẾN ẤY CỦA ĐOÀN TUẤN

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam
Mã số: 8229030.04

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. Đoàn Đức Phƣơng

Hà Nội – 2020




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan những nội dung tôi trình bày trong luận văn là kết quả quá
trình nghiên cứu của bản thân tôi.
Trong quá trình nghiên cứu, tôi có tìm hiểu, tham khảo thành quả khoa học
của các tác giả với sự trân trọng và biết ơn, nhưng những nội dung tôi nghiên cứu
không trùng với kết quả nghiên cứu của tác giả khác.
Hà Nội, ngày

tháng
Học viên

năm 2020


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ vô cùng quý
báu của các tập thể và cá nhân.
Trước tiên, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến tất cả quý thầy cô đã và đang
giảng dạy trong chương trình Cao học môn Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn – những người đã giúp đỡ tôi hoàn thành khóa học.
Tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến PGS.TS Đoàn Đức Phương – người
Thầy đã tận tâm hướng dẫn tôi trong quá trình học tập và triển khai luận văn.
Sau cùng, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã
luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt quá trình học tập cũng như thực hiện
luận văn.
Do thời gian có hạn và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học chưa nhiều nên luận
văn còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của Thầy/ Cô và các anh chị
học viên.

Hà Nội, ngày

tháng

Học viên

năm 2020


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 3
3. Đối tượng, mục đích, phạm vi nghiên cứu.................................................... 6
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 7
5. Cấu trúc luận văn .......................................................................................... 7
Chƣơng 1: VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH SAU 1975 VÀ
SÁNG TÁC CỦA SƢƠNG NGUYỆT MINH, ĐOÀN TUẤN
1.1. Văn học về đề tài chiến tranh sau 1975 .................................................. 8
1.1.1. Cơ sở của việc phản ánh hiện thực chiến tranh ...................................... 8
1.1.2. Hiện thực chiến tranh với những hướng tiếp cận mới .......................... 11
1.1.2.1. Hiện thực chiến trường qua góc nhìn đời tư, thế sự .......................... 11
1.1.2.2. Hiện thực chiến tranh từ góc nhìn văn hoá, tâm linh ........................ 16
1.2. Sáng tác của Sƣơng Nguyệt Minh, Đoàn Tuấn ................................... 21
1.2.1. Sáng tác của Sương Nguyệt Minh ........................................................ 21
1.2.1.1. Vài nét về Sương Nguyệt Minh........................................................... 21
1.2.1.2. Hành trình sáng tạo ........................................................................... 22
1.2.2. Sáng tác của Đoàn Tuấn........................................................................ 26
1.2.2.1. Vài nét về Đoàn Tuấn......................................................................... 26

1.2.2.2. Hành trình sáng tạo ........................................................................... 27
Chƣơng 2: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM
TRONG MIỀN HOANG VÀ MÙA CHINH CHIẾN ẤY
2.1. Bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ..................... 33
2.1.1. Hoàn cảnh chiến trường ........................................................................ 33
2.1.1.1. Chiến trường dữ dội, khốc liệt ........................................................... 33
2.1.1.2. Sự hi sinh, mất mát ............................................................................. 41
2.1.2. Cuộc chiến đấu vì Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế ................................... 45
2.1.2.1. Nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng ............................................................ 45
2.1.2.2. Sống và chiến đấu hết mình ............................................................... 49


2.2. Hình tƣợng ngƣời lính Việt Nam .......................................................... 51
2.2.1. Hình tượng người lính trong cuộc đấu tranh với kẻ thù ....................... 51
2.2.1.1. Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất ................................................................ 51
2.2.1.2. Những góc khuất tâm hồn người lính ................................................ 64
2.2.2. Hình tượng người lính trở về sau chiến tranh ....................................... 70
2.3. Hình tƣợng kẻ thù .................................................................................. 73
2.3.1. Hình tượng kẻ thù với bản chất xấu xa ................................................. 73
2.3.2. Hình tượng kẻ thù trong hiện thực chiến trường .................................. 76
2.3.2.1. Những kẻ độc ác, tàn bạo................................................................... 76
2.3.2.2. Những kẻ đê tiện, thô bỉ ..................................................................... 80
Chƣơng 3: MIỀN HOANG VÀ MÙA CHINH CHIẾN ẤY NHÌN TỪ
PHƢƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật .............................................................. 84
3.1.1. Khắc hoạ nhân vật qua ngoại hình ........................................................ 84
3.1.2. Ngôn ngữ nhân vật ................................................................................ 90
3.2. Ngƣời kể chuyện và điểm nhìn trần thuật ........................................... 94
3.2.1. Người kể chuyện ................................................................................... 94
3.2.2. Điểm nhìn trần thuật............................................................................ 103

3.3. Ngôn ngữ trần thuật ............................................................................. 109
3.3.1. Ngôn ngữ có tính hiện thực ................................................................. 110
3.3.2. Ngôn ngữ dung tục, đời thường .......................................................... 114
3.3.3. Ngôn ngữ giàu chất thơ ....................................................................... 118
3.3.4. Ngôn ngữ đậm chất triết lí .................................................................. 122
3.3.5. Ngôn ngữ ma mị, ám ảnh .................................................................... 126
KẾT LUẬN .................................................................................................. 131
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 133


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Chiến tranh là một địa hạt văn chương khá màu mỡ, thu hút nhiều cây bút tài
năng. Trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta đã thấy một số lượng tác
phẩm hùng hậu, mang chiều sâu về nội dung. Văn học đã làm tròn sứ mệnh thiêng
liêng của mình trở thành vũ khí đắc lực trong cuộc chiến với kẻ thù. Phần lớn các
tác phẩm đã phản chiếu trung thành những năm tháng hào hùng của dân tộc, xây
dựng những hình tượng đẹp đẽ về đất nước và nhân dân anh hùng.
Khi hoà bình lập lại, văn học viết về chiến tranh vẫn có một chỗ đứng riêng
với những cách tân về tư duy nghệ thuật. Đất nước bước vào thời bình, các nhà văn
đã có một độ lùi nhất định để nhìn nhận chiến tranh một cách bình tĩnh hơn, sâu
lắng hơn và phản ánh vấn đề toàn diện hơn. Các tác phẩm viết về chiến tranh ở thời
kì này đã có những tìm tòi, đổi mới về nội dung tư tưởng, quan niệm về thể loại và
đổi mới về “kĩ thuật”, có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới văn
học nước nhà. Chính vì vậy, những năm gần đây, văn chương viết về đề tài chiến
tranh có khá nhiều thành tựu, là khu vực đặc biệt thú vị và đầy hứa hẹn, bắt kịp với
trình độ của văn học đương đại trên thế giới.
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975 – 1979) có
ý nghĩa lịch sử quan trọng. Mỗi người lính ra trận không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ
biên giới của Tổ quốc mà còn gánh trên vai nghĩa vụ quốc tế cao cả. Thế nhưng,

trong cuộc chiến ấy, bao nhiêu người lính đã ngã xuống, bao nhiêu những đau
thương vây bủa ngay cả khi những người còn sống được trở về. Hiện thực ấy đã
được thể hiện một cách chân thực qua văn học, dù mới chỉ là một “mảnh đất nhỏ”
với những tác phẩm như Dòng sông Xô Nét của Nguyễn Trí Huân, Không phải trò
đùa của Khuất Quang Thuỵ, Khoảng rừng có những ngôi sao và Ngôi chùa ở
Pratthana của Văn Lê, Bên dòng sông mê của Bùi Thanh Minh, Mùa xa nhà của
Nguyễn Thành Nhân, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến,…Có thể thấy, chiến tranh
biên giới Tây Nam đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những kí ức về cuộc chiến đấu vì
nhiệm vụ quốc tế cao cả ấy vẫn còn là nỗi trăn trở của nhiều cây bút hiện đại. Một
số tác phẩm viết về chiến tranh ra đời như một “món nợ” với đồng đội, với những
1


người đã ngã xuống. Món nợ văn chương được các nhà văn bù lấp bằng những tác
phẩm có “tâm” và có “tầm” với lối tư duy nghệ thuật hiện đại. Miền hoang của
Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là những tác phẩm như
thế. Chân thực, sâu sắc, toàn diện, thấm thía, cảm xúc,…hai tác giả không chỉ mang
đến cái nhìn về hiện thực chiến tranh, mà hơn hết mỗi trang văn đều được hình
thành từ cái tâm và lương tri của người lính - những lính hoàn thành nhiệm vụ
thiêng liêng từ chiến trường K năm ấy và bây giờ, họ dành những trang văn đẹp đẽ
nhất viết về đồng đội mình, về chiến tranh, …từ cái nhìn của một người trong cuộc.
Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn là hai cây bút tài năng của văn học Việt
Nam hiện đại. Họ viết văn bằng ý thức nghề nghiệp của mình. Nhưng điều đặc biệt
họ từng là người lính, họ từng trực tiếp tham gia chiến đấu, họ từng dấn thân trên
chiến trường nước bạn, gánh trên vai nhiệm vụ chiến đấu thiêng liêng. Họ cầm bút
cũng là khi “Hàng vạn đồng đội của họ đã chết để họ được sống và kể lại câu
chuyện của thế hệ mình”, họ là những người “được chọn” để viết về đồng đội của
mình và viết để “trả nợ” đồng đội. 40 năm qua đi, những kí ức về chiến tranh, về
đồng đội…vẫn vẹn nguyên và thôi thúc những người lính – nhà văn ấy cầm bút
trong một thực tại hoàn toàn khác. Tài năng, lương tri của người lính kết hợp với

những cách tân mới mẻ về nghệ thuật đã giúp Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn
viết một cách chân thực nhất, thấm thía nhất về chiến tranh biên giới Tây Nam.
Nghiên cứu, tìm hiểu chủ đề chiến tranh trong hai tác phẩm Miền hoang của
Sương Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, một mặt khai thác
những mảng hiện thực đa bộn, nhiều chiều về chiến tranh biên giới Tây Nam nói
riêng và đề tài chiến tranh nói chung, mặt khác thấy được sự độc đáo, mới lạ trong
những cách tân nghệ thuật, những “kĩ thuật” khai thác hiện thực chiến tranh rất hiệu
quả của Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn. Qua đó khẳng định sự phát triển của
văn học chiến tranh với những cách tân đáng chú ý, bắt kịp với trình độ đương đại
của văn học thế giới. Đó là lí do chúng tôi lựa chọn đề tài “Hiện thực chiến tranh
trong Miền hoang của Sƣơng Nguyệt Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn
Tuấn” để thực hiện.

2


2. Lịch sử vấn đề
Miền hoang ra mắt bạn đọc vào năm 2014, sau đó được Nhà xuất bản Trẻ in
thành sách cùng tên. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tác giả. Cuốn tiểu thuyết
đoạt giải Sách hay năm 2015 và được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà
văn, nhà báo quan tâm giới thiệu, phân tích, bình luận.
Trong buổi toạ đàm Nhà văn Sương Nguyệt Minh với tiểu thuyết „Miền hoang‟
được tổ chức vào ngày 17/12/2014 tại Đại học Văn hoá Hà Nội, nhiều nhà nghiên
cứu phê bình đã bày tỏ ý kiến nhận định về tiểu thuyết Miền hoang của Sương
Nguyệt Minh. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định Miền hoang là
cuốn tiểu thuyết được viết tâm huyết, công phu, độc đáo về cuộc chiến tranh bảo vệ
biên giới Tây Nam và cuộc chiến ở chiến trường Campuchia… Cuộc chiến Miền
hoang là cuộc chiến giữa văn minh và bạo tàn, chỉ có cuộc lạc rừng loanh quanh của
4 người mà viết được hơn 600 trang, đọc vẫn bất ngờ, cuốn hút, hấp dẫn. Nguyễn
Văn Thọ đánh giá cao sự “khôn ngoan” của tác giả Miền hoang trong việc lựa chọn

ngôi kể, quy chiếu được nhiều góc nhìn, điểm nhìn, nhờ đó nội dung câu chuyện
được kể thoải mái hơn, thật hơn, khách quan hơn. Đỗ Bích Thuý cũng nhận xét thấu
đáo về tác phẩm Miền hoang. Theo nhà văn, sở trường giỏi nhất về truyện ngắn của
Sương Nguyệt Minh lại một lần nữa được thể hiện trong tác phẩm, đặc biệt là các chi
tiết. Chi tiết trong Miền hoang kĩ lưỡng, sắc nét, và chị cho rằng, với Miền hoang,
Sương Nguyệt Minh thêm một lần nữa khẳng định tên tuổi ở thể loại tiểu thuyết.
Đặc biệt, nhà phê bình Lã Nguyên có bài biết công phu về tác phẩm Miền
hoang của Sương Nguyệt Minh. Trong đó, ông đánh giá cao tác giả, tác phẩm:“Đặt
bên cạnh những tập truyện ngắn trước kia của ông, thấy „Miền hoang‟ vẫn nằm
trong văn mạch của một cây bút đã định hình phong cách”; “Tôi cho rằng điểm
mới lạ, độc sáng trong thiên tiểu thuyết này là nghệ thuật chuyển đổi điểm nhìn trần
thuật”; “Sẽ không tìm thấy trong văn xuôi Việt Nam hiện nay một tiểu thuyết thứ
hai có hệ thống nhân vật người kể chuyện được dụng công xây dựng như vậy” [55].
Còn Lê Minh Quốc, nhà văn, nhà thơ, đồng đội của Sương Nguyệt Minh thời
ở chiến trường K đã dành những lời chia sẻ: “Miền hoang của nhà văn Sương
Nguyệt Minh là cuốn tiểu thuyết…viết chân thành. Sự việc tàn khốc, bi thảm và hào
hùng từ chất liệu vốn có. Hãy đọc. Nên đọc” [70].
3


Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ đánh giá cao nghệ thuật tự sự của Miền hoang khi cho
rằng, tuy là lần đầu tiên viết tiểu thuyết nhưng Sương Nguyệt Minh đã trổ hết những
“ngón nghề” về thể loại. Cả nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ và nhà phê bình Nguyễn Chí
Hoan đều cho rằng tác giả Miền hoang “khôn ngoan” khi dùng những bản tin thông
tấn ngắn gọn làm đề từ như một sự hỗn dung thể loại: văn chương - báo chí, tiểu
thuyết tư liệu - tiểu thuyết phiêu lưu; bản thân những bản tin đã có sức khơi tạo
được không khí, bối cảnh của sự kiện, tiết kiệm được công sức của nhà văn.
Nhà báo Việt Quỳnh (báo Thể thao Văn hoá) trong bài viết Nhà văn Sương
Nguyệt Minh: Tiểu thuyết từ ám ảnh của người lính lạc rừng cho rằng: “Cảm hứng để
viết cuốn tiểu thuyết định mệnh này, có lẽ bắt nguồn từ những ám ảnh ký ức của nhà

văn, khi từng là „người lính lạc rừng lang thang đói khát, mặt quắt như ngón tay chéo
ở những cánh rừng Campuchia‟ như tác giả đã chia sẻ. Những mảnh vụn còn sót lại
trong trí nhớ lúc thể hiện, lúc mờ nhạt qua từng trang viết tạo nên một thế giới nội
tâm đầy ấm ức. Trải nghiệm lạ thường trong dòng chảy cảm giác và cảm xúc được kể
lại bằng chất văn mềm mại, bình dị, pha cả trong sáng ngây thơ” [74].
Có thể nói, khi ra đời tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh nhận
được khá nhiều ý kiến của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học. Qua đó người đọc
dần dần khám phá những nét đặc sắc trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh nói
chung và tiểu thuyết Miền hoang nói riêng.
Mùa chinh chiến ấy là cuốn sách đầu tay của Đoàn Tuấn. Ngày 22/7/2017,
hơn 330 cựu binh thuộc thuộc tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 tham gia
chiến đấu trên chiến trường Campuchia đã có buổi gặp mặt kỉ niệm 40 năm ngày
nhập ngũ tại Đà Nẵng. Cũng trong dịp này, nhà văn Đoàn Tuấn đã ra mắt và tặng
hơn 300 cuốn sách Mùa chinh chiến ấy cho đồng đội mình.
Trong lời đề tựa ra mắt cuốn sách Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Xuân
Thân đã trích dẫn lời nhận xét của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc, cựu binh Đại đội
7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư 307: “Với tư cách người lính từng cầm súng chiến
đấu và sống những năm tháng thanh xuân thơ dại trên quê hương Chùa Tháp, tôi dám
nói rằng…hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là một trong những
tập bút ký xuất sắc nhất, có vị trí quan trọng trong các tác phẩm viết về chiến sĩ quân
4


tình nguyện Việt Nam”. Đồng thời, cũng trong bài viết, Xuân Thân cho rằng: “ Có
thể xem Mùa chinh chiến ấy như những thước phim về một giai đoạn lịch sử của đất
nước được nhìn dưới con mắt của một người lính ở tầng thấp nhất”, là “hồi ức một
thời của tác giả, cũng như những đồng đội của mình, ông đã có khoảng thời gian rất
dài để chiêm nghiệm về những gì đã qua. Dù vẫn còn đó những ám ảnh về mất mát,
hi sinh nhưng những người lính cũng đã thanh thản và nhẹ nhàng hơn, đã có thể nhìn
được đằng sau những ngày tháng khốc liệt ấy là tình người, là những giá trị cuộc sống

mà chỉ khi trải qua những ngày tháng gian nan của cận kề cái chết họ mới hiểu hết
được”. Đó cũng là lí do mà cựu binh Hiền Nhân nhận xét: “Mùa chinh chiến ấy…ngỡ
như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp” [ 82].
Tác giả Nguyễn Văn Hùng trong bài viết „Mùa chinh chiến‟ ấy và khúc tráng
ca người lính đã có những chia sẻ: “Bằng sự nhạy cảm và điềm tĩnh trước mọi tình
huống cùng khả năng quan sát tinh tường, ghi chép tỉ mỉ - những tố chất sẵn có của
một người lính thông tin, Đoàn Tuấn đã tái hiện “mùa chinh chiến” nơi biên giới
Tây Nam trong những năm 1978 - 1983 khốc liệt mà tuyệt đẹp, lôi cuốn và giàu sức
ám gợi. Gương mặt chiến tranh hiện lên hào hùng nhưng không kém phần khắc
nghiệt… Ở đó, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong nháy mắt; nơi mỗi phum
làng được giải phóng, từng giây từng phút bình yên của người dân đều phải trả giá
bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam. Có sự hi sinh anh dũng, đẹp đẽ,
rạng ngời nhưng cũng có cái chết tức tưởi, nghẹn uất, phi lí. Chiến tranh là vậy, và
Đoàn Tuấn đã không né tránh mảng hiện thực gai góc, trần trụi, nghiệt ngã đến tận
cùng ấy”. Với Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn trở thành người thư kí trung thành
của thời đại anh, nói về thế hệ mình - tiếng nói được cất lên từ lương tâm người
lính, từ ý thức trách nhiệm của một con người. Tác phẩm vang lên như một khúc
tráng ca để thế hệ của anh tự hào, kiêu hãnh về những năm tháng đã sống, chiến đấu
và hi sinh một phần tuổi thanh xuân. Nó còn là một khúc nguyện cầu an ủi, xoa dịu,
hoá giải cho những thiệt thòi, mất mát, đau thương của các linh hồn đã khuất. Lắng
nghe và nghiệm suy tiếng nói, người đọc hôm nay sẽ nhận diện được gương mặt
lịch sử, thấu hiểu, đồng cảm với những đau thương và vinh quang, nhọc nhằn và
kiêu hãnh của một thế hệ, để nhắc nhở trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình” [31] .

5


Phạm Quang Long trong bài viết Mùa chinh chiến ấy – những trang sách được
viết ra từ chiến hào đã đánh giá “Mùa chinh chiến ấy là hồi ký nhưng hấp dẫn và
giàu chất truyện như một cuốn tiểu thuyết” [43]. Còn PGS.TS Phạm Xuân Thạch

khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn nghệ quân đội, đã cho rằng Mùa chinh chiến
ấy là một tập xuất sắc về một cuộc chiến qua cái nhìn của người lính.
Điểm qua các bài viết về Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, có thể thấy phần
lớn là các bài giới thiệu, điểm sách, chưa đi sâu vào khai thác tư tưởng, thẩm mĩ đặc
sắc của tác phẩm
Trên tinh thần kế thừa người đi trước, với đề tài Hiện thực chiến tranh trong
„Miền hoang‟ của Sương Nguyệt Minh và „Mùa chinh chiến ấy‟ của Đoàn Tuấn,
luận văn tập trung khai thác hiện thực chiến tranh biên giới Tây Nam qua hai tác
phẩm trên, đồng thời khám phá những phương thức phản ánh hiện thực mới mẻ ở
hai tác phẩm, từ đó người đọc có cái nhìn chân thực nhất về chiến tranh cũng như
sự đổi mới và phát triển của văn học chiến tranh ở thể kỉ XXI.
3. Đối tƣợng, mục đích, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề hiện thực chiến tranh trong văn
xuôi Việt Nam đương đại, cụ thể qua hai tác phẩm Miền hoang của Sương Nguyệt
Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Lựa chọn hai tác phẩm tiêu biểu của
văn xuôi đương đại viết về đề tài chiến tranh, người viết hướng tới hiện thực chiến
tranh, đặc biệt là chiến tranh biên giới Tây Nam và phương thức phản hiện thực
chiến tranh của văn xuôi Việt Nam hiện đại từ đó có cái nhìn sâu sắc, toàn diện nhất
về chiến tranh cũng như góp phần khẳng định tài năng của các nhà văn hiện đại như
Sương Nguyệt Minh, Đoàn Tuấn,…trên địa hạt văn chương đương đại.
3.2. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu đặc trưng thi pháp của hai tác phẩm Miền hoang của Sương Nguyệt
Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn để thấy được sự vận động và cách tân
của văn xuôi viết về đề tài chiến tranh hiện nay.
Từ đó luận văn khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của Sương
Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn vào thành tựu của văn xuôi chiến tranh cùng tiến trình
hiện đại hoá tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
6



3.3. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn khảo sát hai tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh và
Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Hai tác phẩm có một điểm chung là đều viết về
chiến tranh biên giới Tây Nam. Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã viết bằng
tâm thế của người trực tiếp tham gia chiến đấu. Chính vì vậy, khi nghiên cứu hai tác
phẩm, người viết có thể có một cách nhìn khái quát hơn, chân thực hơn về cuộc
chiến đã qua đi.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Phương pháp lịch sử - xã hội: Tác phẩm Miền hoang của Sương Nguyệt
Minh và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn ra đời gắn với hoàn cảnh lịch sử đặc
biệt – cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Chính vì vậy, sử dụng phương pháp lịch
sử - xã hội sẽ là một phương pháp hiệu quả khi khai thác hiện thực chiến tranh trong
hai tác phẩm.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học là phương pháp cần thiết trong quá trình
nghiên cứu. Ở chương 2 của luận văn, người viết tập trung khai thác phương thức
nghệ thuật của hai tác phẩm trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh. Phương
pháp tiếp cận thi pháp học sẽ là chìa khóa giúp người viết vận dụng thi pháp học
vào tìm hiểu tác phẩm văn chương.
- Ngoài ra, trong luận văn người viết còn dùng các phương pháp khác như:
Phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh; phương pháp thống kê;
phương pháp tự sự học.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1. Văn học về đề tài chiến tranh sau 1975 và sáng tác của Sương
Nguyệt Minh, Đoàn Tuấn
Chương 2. Hiện thực chiến tranh biên giới Tây Nam trong Miền hoang và
Mùa chinh chiến ấy
Chương 3. Miền hoang và Mùa chinh chiến ấy nhìn từ phương diện nghệ thuật
biểu hiện


7


Chƣơng 1
VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH SAU 1975 VÀ SÁNG TÁC CỦA
SƢƠNG NGUYỆT MINH, ĐOÀN TUẤN
1.1. Văn học về đề tài chiến tranh sau 1975
1.1.1. Cơ sở của việc phản ánh hiện thực chiến tranh
Sau năm 1975, cuộc kháng chiến 20 năm kết thúc, đất nước hoàn toàn giải
phóng nhưng đồng thời cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách. Một
mặt chúng ta vừa phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải
đối mặt với muôn vàn những khó khăn, thử thách trong công cuộc dựng xây đất
nước. Nhân dân ta vừa hàn gắn vết thương do chiến tranh, vừa dựng xây đất nước
trong sự hoang tàn, xơ xác, vừa phải giải quyết những vấn đề của thời hậu chiến.
Mặt khác, không bao lâu sau, chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam
lại nổ ra, dân tộc lại gồng mình lên đường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Nhận biết tình hình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng đề ra những chủ
trương, đường lối phát triển đất nước phù hợp với thực tiễn. Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ VI với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ
sự thật” phù hợp với xu thế phát triển của đất nước lúc bấy giờ.
Những đặc điểm về hoàn cảnh xã hội tác động không nhỏ đến văn học, làm
thay đổi diện mạo của nền văn học sau năm 1975. Văn học viết về chiến tranh có sự
chuyển mình đáng kể, mở ra một thời kì mới cho sáng tác văn học trong yêu cầu tái
tạo thời kì lịch sử hiện nay.
Sau năm 1975, văn học viết về chiến tranh có những chuyển động đáng chú
ý. Trong đó phải kể đến sự thay đổi về chủ thể sáng tạo. Văn học từ 1975 đến nay
đã có một đội ngũ sáng tác trải nghiệm đi từ thời chiến bước vào thời Đổi mới với
bao va đập qua những bước ngoặt lịch sử. Nhà văn viết về chiến tranh là những
người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Họ viết về mình, về thế hệ mình, về những vinh

quang thăng trầm quá khứ một cách chân thực và sâu sắc. Họ đã đem vào trong văn
xuôi về chiến tranh những trải nghiệm từ chiến hào của cá nhân mình và của thế hệ
mình. Hơn ai hết, họ hiểu về hiện thực khốc liệt của chiến tranh, hiểu về sự hi sinh
lớn lao và nghĩa tình của đồng bào, đồng chí. Và họ viết bằng tất cả cảm xúc chân
8


thật của mình, viết bằng trái tim, viết bằng sự tri ân đối với những người đồng đội
còn nằm lại chiến trường. Những trang viết vì thế mà ấm nóng, những trang viết vì
thế mà phản ánh một cách chân thực nhất về sự dữ dội của chiến tranh và những
tình cảm thiêng liêng, sâu sắc của tình đồng chí, tình quân dân…trong những năm
tháng khốc liệt ấy. Nói như Sương Nguyệt Minh: “Viết bằng tâm thế người can dự
trong cuộc đi suốt cuộc chiến tranh với nỗi phấp phỏng băn khoăn giày vò, chứ
không viết vằng thứ tình cảm đi xem người ta đánh nhau rồi sáng tác, cũng không
viết như mấy ông nhà văn ngồi ở Hà Nội tưởng tượng về chiến tranh sáng tác như
vẽ rắn thêm chân và viết nhăng cuội” [ 52, tr. 231].
Mặt khác, văn học sau 1975 tiếp tục mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực
chiến tranh. Các tác phẩm viết về chiến tranh không chỉ dừng lại ở hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ, đường biên chiến tranh được mở rộng khi các nhà
văn hướng đến khai thác cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên
giới phía Bắc. Tuy số lượng tác phẩm viết về chiến tranh biên giới ít hơn so với tác
phẩm viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhưng những tác
phẩm này đã thể hiện sự trải nghiệm sâu sắc của người cầm bút, họ viết về chiến
tranh bằng những day dứt, trăn trở, bằng những nếm trải của người “người trong
cuộc”, bởi thế những trang văn của họ chân thực và thấm thía. Không ít tác phẩm để
lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi chất hiện thực ngồn ngộn, tươi ròng
cùng cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh và chân dung người lính như Dòng sông
Xô Nét của Nguyễn Trí Huân, Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy, Khoảng
rừng có những ngôi sao và Ngôi chùa ở Pratthana của Văn Lê, Lính Hà (Nguyễn
Ngọc Tiến), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Hồi ức lính (Vũ Công

Chiến),…Trong đó, theo Sương Nguyệt Minh, có thể xem Dòng sông Xô Nét của
Nguyễn Trí Huân viết năm 1980 là tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến tranh biên giới
Tây Nam. Có thể nói, đây chính là một dòng văn học dù ít, dù nhiều đã góp phần tái
hiện lại những năm tháng gian nan trong cuộc chiến đấu ở “đất bên ngoài Tổ quốc”.
Ở giai đoạn này, các nhà văn cũng có nhu cầu nhận thực lại hiện thực chiến
tranh và viết về chiến tranh với cảm quan mới. Nếu như trước 1975, hiện thực chiến
tranh chủ yếu được soi rọi bằng cái nhìn sử thi, hào hùng và cảm hứng lạc quan lãng
9


mạn thì đến nay, văn học viết về chiến tranh đã có sự đổi mới rõ rệt trên phương
diện tiếp cận, miêu tả và phản ánh hiện thực. Trong các trang viết về chiến tranh đã
bắt đầu xuất hiện cái nhìn đa chiều, trần trụi hơn ở nhiều góc độ: bi tráng, khốc liệt;
đời tư, thế sự, nhân văn; văn hóa, tâm linh. Các tác phẩm viết về chiến tranh đã
không còn né tránh hiện thực, mặt khác các nhà văn đã tái hiện hiện thực chiến
tranh với tất cả sự khốc liệt, những tổn thất, hi sinh nặng nề của nó. Hiện thực ấy
không chỉ là những ngày tháng nơi trận mạc, mà nó còn tiếp tục đeo bám người lính
khi chiến tranh kết thúc và mang đến cho người đọc cảm nhận chân thực nhất về hệ
lụy của chiến tranh. Có thể thấy, văn học đã nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh
bằng những trải nhiệm và cái nhìn cá nhân, tái hiện lại cái chiều kích đau thương và
bộ mặt tàn khốc không thể quy giản của chiến tranh, nói lên tiếng nói cảnh báo về
những hiểm hoạ của chiến tranh để lại trong thời hậu chiến. Văn học đương đại Việt
Nam về chiến tranh thiên về khai phá những mặt còn khuất lấp, những vấn đề đời tư
- thế sự, hướng đến cuộc sống đa trị và qua đó thể hiện cảm quan của nhà văn. Hiện
thực chiến tranh được tiếp cận, giải mã không đơn điệu, một chiều mà phức tạp, đa
dạng; hình tượng con người được miêu tả trong cái nhìn đa chiều, phong phú.
Bên cạnh việc nhận thức lại hiện thực, văn học viết về chiến tranh sau 1975
còn hướng tới thân phận của từng con người trong cuộc chiến ác liệt chống lại kẻ
thù. Các tác phẩm văn học chiến tranh viết về những số phận bi thảm, những con
người mang trong mình những vết thương về hình hài, thân xác, về tâm hồn. Những

vết thương ấy không chỉ hiện hình trong chiến tranh mà thậm chí ngay cả khi người
lính đã trở về, nỗi đau vẫn không hề nguôi ngoai. Hình tượng con người được miêu
tả trong cái nhìn đa chiều, phong phú. Hàng loạt kiểu con người mới nghiêng về
tính chất đời tư, thế sự, cá nhân, thân phận lần lượt được miêu tả. Tất cả đã khắc
họa đậm nét hệ lụy của chiến tranh và bi kịch của con người thời hậu chiến. Nhà
phê bình Tôn Phương Lan đã nhận xét: “Văn học viết về đề tài chiến tranh trong
những năm chiến tranh ít nói về buồn vui của cuộc sống thường nhật, ít nói về
những đau thương, mất mát, hi sinh trên chiến trường, ít quan tâm đến số phận con
người mà tập trung đến số phận đất nước. Sau chiến tranh, văn học viết về đề tài
này mới có xu hướng viết về sự thật của đời sống, viết về những khó khăn ác liệt,
10


sau lầm, vấp ngã, thiếu sót của người lính trong chiến tranh cũng như trước sự cám
dỗ của cuộc sống đời thường” [39]. Hiện thực chiến tranh được nhìn nhận qua thế
giới nội tâm, những số phận cá nhân con người. Tiếp cận chiến tranh từ bên dưới, từ
những số phận, những mảnh đời…nhà văn có điều kiện nhìn con người tham gia
chiến tranh từ hai phía và lí giải chiến tranh trên nguyên tắc nhân bản.
Văn học sau 1975 có những cách tân đáng kể về mặt nghệ thuật. Trước tiên
là ở điểm nhìn trần thuật, các nhà văn đã sử dụng khá linh hoạt các điểm nhìn. Sự
gia tăng điểm nhìn, dịch chuyển điểm nhìn linh hoạt trong nghệ thuật trần thuật đã
tạo ra hiệu quả nghệ thuật phong phú cho tiểu thuyết viết về chiến tranh, bộ mặt
chiến tranh hiện lên một cách khách quan và toàn vẹn hơn. Mặt khác, văn học thời
kì này cũng có sự đổi mới về ngôn ngữ, giọng điệu và nghệ thuật xây dựng nhân
vật. Những cách tân về nghệ thuật tạo ra những góc nhìn đa chiều về chiến tranh,
góp phần làm thay đổi diện mạo của văn học sau năm 1975.
Có thể thấy, khi chiến tranh kết thúc, văn học có “độ lùi” cần thiết để viết về
chiến tranh, đánh giá và nhìn nhận lại chiến tranh một cách toàn diện hơn. Đó cũng
chính là lí do khiến chiến tranh trở thành “siêu đề tài, người lính trở thành siêu
nhân vật, càng khám phá càng thấy những độ rung không mòn nhẵn” [37].

1.1.2. Hiện thực chiến tranh với những hướng tiếp cận mới
Viết về chiến tranh, văn học đương đại Việt Nam đã có những dịch chuyển
về góc nhìn nghệ thuật. Nếu như trước năm 1975, hiện thực chiến tranh chủ yếu
được soi rọi bằng cái nhìn sử thi, hào hùng và cảm hứng lạc quan, lãng mạn; đến
nay mặc dù cái nhìn và cảm hứng sử thi ấy vẫn được duy trì trong những trang viết
về chiến tranh, song đã bắt đầu xuất hiện cái nhìn đa chiều, trần trụi hơn ở những
góc độ: đời tư, thế sự và văn hóa, tâm linh. Những góc nhìn này khiến cho hiện thực
chiến tranh trở nên chân thực hơn, sâu sắc hơn, khai thác được bề sâu, bề xa và bề
sau của mỗi cuộc chiến, đặc biệt là chiến tranh biên giới Tây Nam.
1.1.2.1. Hiện thực chiến trường qua góc nhìn đời tư, thế sự
Sau năm 1975, văn học bắt đầu có sự chuyển mình, từ cảm hứng sử thi sang
cảm hứng thế sự, đời tư. Ở giai đoạn này, văn học không còn ngợi ca mà chuyển
sang chiêm nghiệm, phê phán, lấy vấn đề của cuộc sống hàng ngày, bình thường
11


của con người bình thường làm đối tượng khám phá. Chất hiện thực đời thường
theo khuynh hướng đời tư, thế sự được khai thác nhiều hơn. Chính vì vậy, chiến
tranh được nhìn nhận đánh giá lại một cách đầy đủ và nghiêm túc. Trong lịch sử dân
tộc, hiện thực chiến tranh là hiện thực hào hùng với những trang sử vẻ vang, với
những bản anh hùng ca cách mạng. Nhưng bên trong hiện thực ấy chất chứa cả
những nỗi đau, những mất mát, những giằng xé nội tâm và thậm chí cả những xấu
xa, thấp hèn trong mỗi người lính. Văn học đương đại Việt Nam viết về chiến tranh
thiên về khai phá những mặt còn khuất lấp, những vấn đề đời tư - thế sự, qua đó thể
hiện cảm quan của nhà văn. Các tác giả văn học đương đại đã chú ý nhiều hơn đến
cái gọi là “đời” mà trước đây ít nói đến. Họ viết về chiến tranh bằng sự giày vò, day
dứt của những người trong cuộc, của những người đi qua chiến thắng và may mắn
sống sót, nên hơn ai hết họ hiểu rõ về chiến tranh. Những tác phẩm của họ là một
quá trình tìm tòi, trăn trở về chiến tranh, về số phận con người. Chính vì vậy hàng
loạt tác phẩm trong giai đoạn này không đơn giản là những bức tranh về chiến tranh

đầy ắp sự kiện mà chiến tranh chỉ làm “bức phông” để các nhà văn khai thác số
phận con người trong nỗi đau nhân bản nhất.
Điểm chung trong Miền hoang và Mùa chinh chiến ấy là cả hai nhà văn đều
tiếp cận, miêu tả hiện thực cuộc sống qua góc nhìn đời tư, thế sự. Phía sau mỗi trận
đánh là cuộc sống sinh hoạt bình dị nhưng không kém phần sôi nổi, vui vẻ. Đó là
những bữa cơm trắng nuốt không trôi, những đêm tát suối nhớ đời hay lần đầu được
chén thịt voi…Đó là những hình ảnh rất bình dị thuộc về cuộc sống, là những trải
nghiệm của lính tráng ở nơi đất bạn tuy vất vả nhưng không kém phần thú vị. Người
lính đã hòa mình vào sinh hoạt cộng đồng của người dân. Họ cùng ăn một bữa cơm,
uống cùng bình rượu, cùng nhau nhảy múa hát ca,...trong tình quân dân ấm áp. Họ
xúc động trước một tiếng hát ngọt ngào, vỡ òa cảm xúc trong thanh âm tiếng Việt
trong trẻo, họ trân trọng từng nét đẹp văn hóa của nhân dân Campuchia. Cuộc sống
của họ trở nên tươi mới như suối nguồn tươi trẻ, giảm đi phần nào sự khốc liệt và
dữ dội của chiến tranh. Các tác giả không chỉ dựng lại bức tranh sinh hoạt thời
chiến mà còn cho người đọc thấy được tinh thần lạc quan, yêu đời của những người
lính trẻ chiến đấu trên mảnh đất không phải quê hương.
12


Mặt khác, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn thiên về khai thác những mặt
còn khuất lấp, đặc biệt là những tâm tư, cảm xúc rất chân thực của người lính.
Trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn, người lính không phải là
những người truyền bá lí tưởng, ngược lại họ là những con người rất đỗi bình
thường. Bởi thế, họ được khắc họa với những suy tư, khao khát, ước mơ, với những
xúc cảm rất chân thực trong đời sống nội tâm phức tạp, nhiều chiều. Đó là khoảnh
khắc sau những ngày tháng khô hạn, thiếu nước, người lính hạnh phúc khi được
dầm dưới cơn mưa rào để cơ thể như được tái sinh. Đó là niềm vui khi nghe giai
điệu quen thuộc từ đài phát thanh Campuchia và nghiêng ngả hát theo. Đó là giây
phút hạnh phúc khi được nhận thư nhà và sẻ chia cùng đồng đội. Đó là những nỗi
nhớ miên man về gia đình, về người yêu thương, … Thậm chí cả những sợ hãi, bất

lực hay tuyệt vọng trong hoàn cảnh khốc liệt nhất. Có thể nói, trên trang viết của
nhà văn, người lính đã sống với những cảm xúc thành thật, riêng tư nhất. Họ suy
ngẫm về cuộc chiến với tất cả những bi hùng, họ ước ao được trở về quê hương, gia
đình, được ăn bữa cơm mẹ nấu, được sống một cuộc sống bình yên. Trong những
câu chuyện của người lính chiến đấu nơi đất bạn, khát khao được trở về đất nước
luôn thôi thúc họ. Không phải họ là những kẻ hèn yếu, không phải họ quên đi nghĩa
vụ quốc tế thiêng liêng, không phải họ không dám vượt qua những khó khăn thử
thách mà thực ra phía sau họ là quê hương, là gia đình. Khát khao ấy cũng là dễ
hiểu với những chàng trai trẻ tuổi phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, thử thách,
hiểm nguy trên đất bạn. Tuy nhiên, ước mơ khát khao ấy không khiến họ thoái lui,
bỏ cuộc, hàng ngày họ vẫn đấu tranh để bảo vệ từng tất đất, đánh đuổi kẻ thù, họ
vẫn gánh trên vai trách nhiệm thiêng liêng bởi: “tất cả mọi người lính Việt Nam ai
cũng muốn trở về nhà thì bọn Pol Pot quay trở lại Phnom Pênh ngay. Người Khmer
sẽ sống ra sao với bọn man rợ ấy. Bỏ thì thương, vương thì tội. Bỏ cuộc chiến đồng
nghĩa với ... trắng tay”. [ 52, tr. 231]. Có thể nói, Sương Nguyệt Minh và Đoàn
Tuấn đã chạm vào phần sâu nhất trong mỗi người lính, khiến trang viết của họ lấp
lánh giá trị nhân bản trong cuộc chiến tranh khốc liệt nơi chiến trường K.
Soi chiếu chiến tranh dưới góc nhìn đời tư, Sương Nguyệt Minh và Đoàn
Tuấn không giấu giếm những chuyện thầm kín riêng tư, những góc khuất bản năng
13


của những người lính trẻ. Bởi xét cho cùng, họ đều là những thanh niên, chưa biết
đến cảm giác yêu thương từ bạn khác giới, cho đến khi vội vã tham chiến, giữa
không gian núi rừng mênh mông rộng lớn, họ khát khao một vòng tay ấm, một cử
chỉ âu yếm, một ánh mắt thân yêu. Trong Mùa chinh chiến ấy, Đoàn Tuấn đã khắc
họa khá chân thực cảm xúc của người lính khi nghe tin đoàn văn công đến. Không
sao giấu nổi sự háo hức ở những chàng trai suốt ngày chỉ quen với súng đạn, họ háo
hức, họ phấn đấu, họ chu đáo với những cô gái của đoàn văn công. Và khi đoàn văn
công rời đi, họ tiếc nuối ngẩn ngơ giống như những cô gái ấy “như một đám mây, từ

trên trời rơi xuống”. Hình ảnh đoàn dân công cũng chính là những khát khao của
tuổi trẻ, là những cảm xúc rất đời, bởi lẽ họ đã “để lại trong lòng lính tráng cái cảm
giác về đời thường, về sự cân bằng âm dương thiết yếu của mọi thứ tạo vật trên đời,
không chỉ riêng con người” [96, tr. 377]. Còn ở Miền hoang, Sương Nguyệt Minh
cũng không cố che giấu những cảm xúc, bản năng của nhân vật Tùng - chàng trai
Hà thành còn rất trẻ. Trong một khoảnh khắc đặc biệt, con người bản năng của
Tùng trỗi dậy. Vẻ đẹp của cô gái Sa Ly đã cuốn hút anh “Tôi đang sống trong cảm
giác được mơn man khơi gợi, kích thích bản năng tính dục thức dậy trong niềm
thích thú đê mê âm thầm” [ 52, tr. 280]. Có thể nói, chiều sâu tâm hồn của những
người lính ấy đã được Đoàn Tuấn và Sương Nguyệt Minh khắc họa một cách chân
thực nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Họ đã soi chiếu chiến tranh từ góc
nhìn đời tư thầm kín của những người lính trẻ, đã khai thác góc khuất nơi bản năng
của những chàng thanh niên vừa mới rời ghế nhà trường, từ đó hình tượng người
lính trở nên chân thực hơn.
Mặt khác, chiến trường K cũng chính là nơi để thử thách, để nhận diện giá trị
của mỗi người. Trong bối cảnh ác liệt ấy, hình ảnh người lính hiện ra với tất cả các
hành vi, tình cảm, nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm, quan hệ với đồng đội, bạn
bè, sống chết, đúng sai, cao cả và thấp hèn, dũng cảm và hèn nhát, sự thực và dối trá
ở mỗi người lính. Khi cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt, ranh giới giữa sự
sống và cái chết vô cùng mong manh, hàng loạt cảnh tượng chết chóc kinh hoàng cứ
liên tiếp nối nhau đè nặng lên trí óc người lính khiến tâm hồn của họ chao đảo,
mông lung. Trong Miền hoang, không ít lần Tùng gục ngã giữa rừng hoang hiểm
14


độc để cho sự yếu đuối chế ngự: “Sợ hãi quá! Cực thân quá. Bỗng dưng anh ôm
mặt khóc tu tu. Khóc mà nước mắt không chảy ra, anh biết tính mạng mình đã đến
lúc nguy kịch. Chính lúc khóc thảm thiết không ra nước mắt vì cơ thể mất nước ấy
cũng chính là lúc lòng anh hoang vắng nhất.” [ 52, tr. 243]. Chiến tranh, sự chết
chóc làm cho họ trở nên bạc nhược. Có những người lính đã tự bắn súng vào đầu

mình chỉ vì không vượt qua nổi cơn khát đến chết đi sống lại ở rừng hoang như
trường hợp của anh Nguyễn Bá Lan. Chiến tranh không chỉ cướp đi tính mạng của
những người lính trẻ, chiến tranh để lại dư chấn khủng khiếp trong trái tim, khối óc
của họ. Đó là hình ảnh của Mạnh - một người lính không có khả năng làm điều ác
nhưng đã mất tinh thần chiến đấu, rơi vào tình trạng trầm cảm khi phải chứng kiến
cái chết của kẻ bên kia chiến tuyến. Quả thực, người lính đã bước vào cuộc chiến và
gánh chịu tất cả những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra.
Cũng trong góc nhìn đời tư thế sự, hình tượng người lính được khắc họa với
cả những xấu xa, thấp hèn và ích kỉ. Bên cạnh những người anh hùng là những kẻ
hèn nhát, cơ hội, gian lận,…Chẳng hạn, trong Mùa chinh chiến ấy, chỉ vì vài nhúm
thuốc rê mà lính đã vô tình làm lộ kế hoạch quân sự. Vì không được cấp phép về
nhà mà lính sẵn sàng quay lưng bắn vào đồng đội của mình…Thậm chí, chuyện lính
đào ngũ cũng được viết đến như một lẽ tự nhiên, một câu chuyện đùa của anh em
lính tráng kiểu: “Ai về thưa với quân khu/ Lính không đào ngũ, lính ngu suốt đời”;
hay “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay/ Hải Phòng anh dũng trốn ban ngày/ Hà
Tây về phép không cần giấy/ Thanh Hóa mất mùa xin ở lại/ Nghệ An thấy thế cũng
giơ tay” [ 96, tr. 261]. Và đương nhiên, chuyện đào ngũ không phải là chuyện bông
đùa, nhiều người lính đã bỏ lại chiến trường, đồng đội. Lính tráng đào ngũ như
chuyện của Trần Văn Điểm trong Mùa chinh chiến ấy, như Quân “kều” trong Miền
hoang, là chuyện không thiếu. Nhưng đến cả tiểu đoàn trưởng - có cấp bậc, có chức
tước cũng đào ngũ thì quả thực người ta không thể nhìn chiến tranh một cách đơn
giản. Sự lung lạc ý chí, mờ mịt mục tiêu khiến những người lính đi ngược lại chính
bản thân mình, khi lí tưởng của họ bị xói mòn và nhân cách tha hóa. Với những
hành động ấy, người lính được nhìn một cách chân thực hơn, phía sau ánh hào
quang của những người anh hùng là những mảng tối ý thức, nhân cách.
15


Có thể thấy, nhân vật người lính không chỉ là những người anh hùng mang
vẻ đẹp lí tưởng, họ còn được xây dựng là những con người bình thường với cả

những khát vọng lớn lao và ham muốn thấp hèn, với tất cả những xấu xa, ích kỉ, tha
hóa trong cái khốc liệt của chiến tranh. Họ không chỉ là những con người lạc quan
cách mạng, những con người với lí tưởng lớn lao mà ngược lại, họ được nhìn nhận
lại một cách chân thực hơn. Họ xuất hiện với tư cách là những con người bình
thường với đầy đủ lí tính, tình cảm, ý thức, vô thức…Song với góc nhìn đời tư thế
sự ấy, Đoàn Tuấn và Sương Nguyệt Minh đã mang đến một cách nhìn khách quan,
chân thực và đầy chất nhân văn về người lính và hiện thực chiến tranh. Tác phẩm
của họ vì thế đã bứt phá khỏi lối tự sự truyền thống, tạo ra một lối đi riêng trongviệc
phản ánh hiện thực chiến tranh. Quả thực, góc nhìn đời tư thế sự góp một phần
không nhỏ vào thành công của Mùa chinh chiến ấy và Miền hoang.
1.1.2.2. Hiện thực chiến tranh từ góc nhìn văn hoá, tâm linh
Sau năm 1975, yếu tố tâm linh thâm nhập ngày càng nhiều vào văn học, nhất
là sau Đổi mới (1986), khi dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại,
đang gồng mình khắc phục hậu quả của chiến tranh. Trong các tác phẩm của
Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Hòa Vang, Nguyễn Xuân Khánh…yếu tố tâm
linh trở thành một chất liệu sáng tác mới cho văn học. Theo nhà phê bình văn học
Trần Đình Sử: “Tâm linh đã trở lại với văn học, không chỉ có tác dụng miêu tả đời
sống trong phương thức tồn tại tâm linh, mở rộng khái niệm hiện thực do diễn ngôn
tâm linh kiến tạo, góp phần kích thích trí tưởng tượng, thích thúc cái kì ảo mà còn
nuôi dưỡng tinh thần con người, đi sâu vào những miền mà khoa học chưa thể giải
thích mà cũng không nhất thiết đều phải giải thích của đời sống” [78].
Tâm linh là một phần trong đời sống của con người mà văn học phản ánh
hiện thực thì điều tất yếu văn học phải gắn liền với yếu tố tâm linh. Thiếu yếu tố
tâm linh, sự miêu tả trong văn học sẽ thiếu đi sự chân thực. Với văn học đương đại,
văn hóa tâm linh được khai thác khá thành công trong những trang viết của các nhà
văn đương đại. Tâm linh được xem như là hiện tượng tự nhiên trong đời sống, nay
được dùng làm chất liệu sáng tạo mới, mang lại những chân trời rộng mở cho chủ
thể sáng tạo cũng như cộng đồng diễn giải.
16



Nếu giai đoạn trước, văn học viết về đề tài chiến tranh chủ yếu miêu tả “bề
nổi” của hiện thực với những sự kiện, biến cố có thể tri giác rõ ràng, thì bây giờ
nhằm mở rộng biên độ phản ánh, luận giải hiện thực có chiều sâu, các nhà văn đã
quan tâm nhiều hơn đến “phần chìm” tâm linh - mảng hiện thực con người chỉ có
thể linh giác, dự cảm.
Tiếp cận hiện thực chiến tranh theo góc nhìn văn hóa tâm linh trở thành một
hướng đi mới khá độc đáo của các cây bút đương đại viết về chiến tranh. Với hướng
đi đó, Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn đã soi rọi, lí giải hiện thực chiến tranh từ
cái nhìn văn hóa tâm linh. Trong hành trình truy tìm, khám phá “cõi đời”, “cõi
người” vô cùng vô tận, hai nhà văn đã thâm nhập vào kí ức và thực tại, cõi dương
và cõi âm, vùng sáng và vùng tối, ý thức và vô thức trong tâm hồn con người.
Những linh tính, giấc mộng không đầu không cuối, những hiện tượng kì bí, ảo diệu
được hai tác giả đưa vào tác phẩm với một “liều lượng” vừa đủ để có thể nhận diện
hiện thực và con người một cách toàn diện.
Trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh khéo léo xen giữa câu chuyện khắc
nghiệt, tàn bạo của hiện thực chiến tranh và cuộc đấu tranh sinh tồn giữa rừng
hoang bằng những huyền thoại kinh dị và đẹp đẽ nhuốm màu huyền ảo. Đó có thể là
huyền thoại về người rắn - loại sinh vật thường cứu những chàng trai dân chài bị
chết đuối nhưng sau đó lại quyến rũ để quan hệ giao hoan cho đến khi họ sức tan
lực kiệt mà chết. Hoặc các nghi lễ của dân tộc Campuchia được ông ghi chép tỉ mỉ,
chọn lọc. Cụ thể là nghi lễ “trận trảm” trên thân thể của các cô gái đồng trinh. Khi
con gái đến tuổi cập kê thì cần được tiến hành làm trận trảm bằng cách người ta
dùng ngón tay làm mất đồng trinh người con gái rồi nhúng vào rượu, đem ra chấm
vào trán cha mẹ cô gái và hàng xóm. Từ sau đêm trận trảm đó, người con gái sẽ ra
ngủ phòng ngoài và muốn làm gì với trai thì làm, họ được quyền quyết định những
gì thuộc về thân thể mình. Đây được coi là tín ngưỡng dân gian, thể hiện đặc trưng
đời sống tâm linh của dân tộc Campuchia.
Song ám ảnh nhất, hãi hùng nhất có lẽ chính là hình ảnh Ma Lai: “Ma Lai là
loại ma cổ cao ba ngấn có thể xoay đầu tách khỏi thân xác, rút ruột gan phổi ra

ngoài. Ban đêm làm ma, nhưng ban ngày Ma Lai là một cô gái sinh sống bình
17


thường, thậm chí lấy chồng, đẻ con. Trong hình dung của mọi người, Ma Lai là một
cô gái eo thon, mông mẩy, ngực nở có vẻ đẹp quyến rũ mê hồn. Người ta nói, món
ăn chính ngon lành của Ma Lai là phân và ruột người, ruột động vật. Ban ngày, cô
gái xinh đẹp nào cứ nhìn soi mói vào bụng mọi người tìm bộ lòng ngon thì cứ coi
chừng điều xấu sắp xảy ra”. [ 52, tr.61]. Huyền thoại về Ma Lai trở đi trở lại trong
trang viết của Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn. Bất kì người lính nào cũng biết
đến huyền thoại Ma Lai. Nó ám ảnh những người lính trong sinh hoạt đời thường,
thậm chí câu chuyện hoang đường ấy còn đi vào giấc ngủ khiến họ sợ hãi và với họ
bất kì người gái đẹp nào cũng có thể là Ma Lai. Còn với riêng Tùng trong Miền
hoang, hình ảnh Ma Lai cứ trở đi trở lại những lúc anh cô độc, những lúc anh yếu
lòng nhất. Có thể nói, câu chuyện về Ma Lai vô cùng kì bí, khiến cho người lính sợ
hãi: “Khiếp thật! Người Khmer có những chuyện bí ẩn rùng rợn và huyễn hoặc còn
quá sức tưởng tượng của cả những nhà văn đường rừng hay kinh dị cao thủ nhất”
[52, tr.210]. Huyền thoại về Ma Lai khiến cho hiện thực chiến tranh khốc liệt hơn,
dẫn dắt người đọc tìm được bề sâu của chiến tranh với những ám ảnh tinh thần của
người lính.
Sương Nguyệt Minh và Đoàn Tuấn cũng không ngại ngần đề cập đến những
những điều kiêng kị, những linh tính, những hiện tượng bí ảo không thể giải thích
nổi… để đưa người đọc đến một cái nhìn đầy đủ nhất về hiện thực chiến tranh. Nói
như Đoàn Tuấn: “Ở chiến trường, lính tráng có nhiều điều mê tín. Không có sách nào
ghi lại. Nhưng nó đã thành định kiến, thành niềm tin, thành đá tảng „không gì lay
chuyển nổi‟. Chẳng hạn, trong đơn vị có hai thằng trùng tên thì thể nào cũng có một
thằng chết. Không chết vì đạn thì chết vì mìn. Không chết vì mìn thì chết đuối. Không
chết đuối thì sốt rét mà chết. Không sốt rét thì bị bắn nhầm… Đủ kiểu”. [96, tr.217].
Hay chuyện kiêng cơm sống, không ăn cơm khê, lính tráng quan niệm “ăn cơm sống,
thể nào cũng gặp địch”. Cái chết của anh Lâm Bình Định xảy đến khiến mọi người

kết nối các dự cảm không lành vì bữa cơm cháy và sự trùng tên đồng đội. Sau cái
chết của anh Lâm, các sự kiện lạ kì xảy đến khiến đồng đội không thể không tin vào
những yếu tố tâm linh ấy. Cũng có khi, lời chào cũng trở thành một điều kiêng kị để
tránh cái đen đủi. Những người lính truyền tai nhau: “Như một luật bất thành văn,
18


lính thông tin hay trinh sát, ai được phân công đi chiến đấu cùng các đơn vị bộ binh
thường lẳng lặng mà đi, không cần chào tạm biệt. Vì cả người đi và người ở lại đều
có cảm giác, lời chào như một lời vĩnh biệt. Vừa kiêng, vừa sợ. Không ai nói ra.
Không ai phân tích. Tất cả lặng im thực hiện” [96, tr.447]. Đó là cách lính thông tin
lí giải sự hi sinh của Phán vì trước khi đi “nó đã chào mình”. Những câu chuyện
tưởng như vô lí nhưng lại hiện hữu chân thực giữa cuộc chiến một cách ngẫu nhiên
và không tìm được lời giải đáp. Thế nhưng, những điều kì lạ ấy khiến chiến tranh
được soi rọi dưới một góc nhìn khác, sâu sắc hơn và khốc liệt hơn.
Chuyện tâm linh không chỉ nằm trong phạm vi những điều kiêng kị mà còn
là chuyện linh hồn của đồng đội hiện về. Trong Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn,
lính tráng đồn nhau về sự hi sinh của ông Lâm, rằng “Ông Lâm thiêng lắm. Đêm
đêm vẫn mò sang C8 đòi giày” [96, tr. 223]. Hay trường hợp của anh Biện đêm đêm
vẫn hiện về. Trong câu chuyện của những đồng đội, dường như anh Biện vẫn chưa
bao giờ rời xa đơn vị, anh vẫn ở đó lúc thì “đi huỳnh huỵch quanh hầm”, khi thì
“kêu mọi người dậy tập thể dục” hoặc “vấn thuốc rê” [96, tr.228]... Những góp
nhặt của lính tráng về anh Biện thêm khẳng định phần âm là có thật nơi ngập mùi
mốc meo, hoang tàn bao phủ. Quả thực “Người sống bị ám ảnh người chết. Còn
người chết cũng quyến luyến người sống” [96, tr.229], bởi vậy Đoàn Tuấn cho rằng
“Trước đây chỉ có những người đồng đội đang sống, cùng sát cánh giờ chiến đấu,
giờ, giữa chúng tôi có thêm, có chung những đồng đội đã mất” [96, tr.252]. Yếu tố
tâm linh khiến cho những người đồng đội sát lại gần nhau hơn, dù trong hoàn cảnh
nào những người đồng đội đồng chí vẫn ở cạnh nhau. Nhưng sự trở về của đồng đội
một phần thể hiện những ẩn ức của người lính, họ vẫn chưa yên tâm khi sang thế

giới bên kia, “đời sống tâm linh của người lính chúng tôi vẫn hoang mang một
khoảng trống” [96, tr.229].
Còn trong Miền hoang, những linh hồn người chết vẫn cứ trở về đối thoại
với Tùng. Không ít lần Tùng gặp anh Du, được anh bảo ban, dạy dỗ. Thậm chí,
trong trạng thái kiệt sức, đầu óc không còn đủ minh mẫn và tỉnh táo, Tùng đã có
một cuộc “gặp gỡ” với những “vong hồn trên cánh đồng chết”. Chính trong cuộc
đối thoại ấy, qua lời kể của vong hồn nhà sư, Tùng càng thấm thía hơn sự khốc liệt
19


×