Ngôn ngữ cử chỉ trong cuộc phỏng vấn nói gì về bạn?
Hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ sẽ giúp bạn biết được người phỏng vấn
đang nghĩ gì, nhờ vậy bạn có thể tự điều chỉnh những ngôn ngữ cử chỉ của
bản thân sao cho phù hợp và chiếm được cảm tình của Nhà tuyển dụng.
1. “Cá ươn” hay “nghiền xương”?
Cách bắt tay nói lên nhiều điều về tính cách chúng ta. Bạn bắt tay nhẹ
nhàng? Bạn bóp chặt tay người ta như thể muốn “nghiền xương” họ?
Những người năng nổ thường bắt tay một cách mạnh mẽ còn những người
có lòng tự tôn thấp thường bắt tay một cách ẻo lả, theo kiểu “cá ươn” (tay
lạnh và ẩm ướt, bắt tay người khác một cách hờ hững).
Một cái tay bắt tay đúng là sẽ gồm 3 bước:
- Bảo đảm móng tay của bạn được cắt ngắn và sạch sẽ.
- Bảo đảm bàn tay ấm, không có mồ hôi.
- Bắt tay một cách chuyên nghiệp và lịch sự, với một cái nắm chắc chắn và
nụ cười ấm áp.
2. Sức mạnh của “cửa sổ tâm hồn”
Thông thường, giao tiếp bằng mắt với tỷ lệ 60% là một con số an toàn, vừa
đủ để làm NTD có cảm tình với bạn. Nếu nhiều hơn, bạn trông có vẻ căng
thẳng; nếu ít hơn, bạn có nguy cơ bị đánh giá là hờ hững với những gì NTD
đang nói. Tuy nhiên, điều bạn cần lưu ý nhất khi giao tiếp bằng mắt chính là
sự tự nhiên, tùy theo lời nói, cảm xúc mà có nhu cầu giao tiếp bằng mắt hay
không. Nếu bạn bị ám ảnh là phải giao tiếp bằng mắt với NTD để rồi cứ nhìn
chằm chằm vào họ thì sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu.
Khi gặp người phỏng vấn, bạn hãy nhìn thẳng vào mắt họ và nhủ thầm, “Ôi,
thật tuyệt khi cuối cùng cũng được gặp ông (bà)!”. Ý nghĩ này sẽ khiến bạn
mỉm cười và NTD sẽ chú ý ngay đến tâm trạng vui vẻ của bạn. Khi chúng ta
nhìn một người mình thích, đồng tử của chúng ta thường giãn ra và người
đối diện sẽ dễ dàng nhận thấy điều này.
Trong suốt cuộc phỏng vấn, hãy tập trung hướng cái nhìn của bạn vào vùng
tam giác ngược với 3 đỉnh là lông mày trái, mũi và lông mày phải trên khuôn
mặt của người đối diện.
Lưu ý là bạn đừng nhìn chòng chọc vào môi người đối diện vì như thế sẽ bị
xem là quấy rối. Còn nếu bạn nhìn vào trán thì người ta có thể nghĩ là bạn
đang xem thường họ.
3. Đúng tư thế, tăng tự tin
Tư thế là một “vũ khí” quan trọng bạn cần sử dụng thành thạo trong lúc
phỏng vấn. Tư thế đúng mực sẽ giúp bạn gia tăng sự tự tin. Nếu bạn cảm
thấy hơi mệt mỏi, hãy chú ý cách bạn ngồi hoặc đi đứng. Rất có thể bạn
đang ngồi thượt ra hay đi với vai thõng xuống. Dáng đi hoặc ngồi như thế sẽ
chèn ép lồng ngực và hơi thở, khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc không thoải
mái.
4. Hãy linh hoạt điều khiển đầu của bạn!
Nếu bạn muốn cảm thấy tự tin trong lúc phỏng vấn, hãy giữ đầu của bạn cân
bằng. Tư thế này cũng thích hợp khi NTD đang lắng nghe và quan sát bạn.
Ngược lại, khi muốn tỏ ra thân thiện và cho người đối thoại thấy bạn đang
chú ý lắng nghe, tiếp nhận thông tin; hãy hơi nghiêng đầu bạn sang một bên
và thi thoảng gật gù.
5. Kiểm soát đôi tay
Đôi tay có thể giúp bạn thể hiện sự cởi mở, vì thế hãy buông hờ cánh tay sát
với thân người, đôi tay đặt trên đùi bạn, đừng thả lỏng quá mà cũng đừng
gồng - nắm chặt quá. Tư thế tay vừa phải như vậy cho thấy bạn luôn điềm
tĩnh và tự tin.
Những người trầm tính thường ít cử động cánh tay ra xa cơ thể hơn những
người cởi mở. Bạn đừng vung tay vung chân quá nhiều khi nói, nếu không
NTD sẽ nghĩ bạn quá bốc đồng, không thể kiểm soát được hành vi của mình.
Tuyệt đối tránh việc khoanh tay trong lúc phỏng vấn.
Sau đây là 2 cách thường dùng để đánh giá về cử chỉ của tay:
- Bàn tay hơi ngửa lên và hướng ra ngoài: tính tình thân thiện và cởi mở
- Bàn tay úp xuống: có khả năng tạo ảnh hưởng và tính tình năng nổ.
6. Giữ yên đôi chân
Chân chúng ta thường di chuyển nhiều hơn bình thường khi chúng ta bối rối,
căng thẳng hoặc có điều gì muốn che giấu. Vì thế, bạn cần cố gắng giữ yên
chúng trong lúc phỏng vấn, với khoảng cách vừa phải giữa hai chân, không
khép quá (với nam) cũng không giang rộng quá. Bạn không nên bắt chéo
chân vì nó sẽ tạo ra một sự ngăn cách giữa bạn và người phỏng vấn và có thể
làm bạn khó ngồi yên. Truyệt đối tránh trường hợp vắt mắt cá chân này lên
đầu gối chân kia, vì chân bạn sẽ tạo thành hình “số 4” ngông nghênh rất khó
coi, dễ tạo phản cảm.