Tải bản đầy đủ (.pdf) (74 trang)

Nắm giữ tiền mặt và giá trị Công ty: bằng chứng tại Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.3 MB, 74 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HCM
------------

Nguyễn Thị Như Nhiên

NẮM GIỮ TIỀN MẶT VÀ GIÁ TRỊ CÔNG TY:
BẰNG CHỨNG TẠI VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

TP.Hồ Chí Minh – Năm 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HCM
------------

Nguyễn Thị Như Nhiên
NẮM GIỮ TIỀN MẶT VÀ GIÁ TRỊ CÔNG TY:
BẰNG CHỨNG TẠI VIỆT NAM
Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
Mã số: 60340201

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS HỒ THUỶ TIÊN

TP.Hồ Chí Minh – Năm 2013



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ kinh tế “Nắm giữ tiền và giá trị công ty –Bằng
chứng ở Việt Nam” là công trình nghiên cứu của riêng tôi, có sự hỗ trợ từ người
hướng dẫn khoa học là PGS.TS Hồ Thuỷ Tiên, và chưa từng được công bố trước
đây. Các số liệu được sử dụng để phân tích, đánh giá trong luận văn có nguồn gốc
rõ ràng và được tổng hợp từ những nguồn thông tin đáng tin cậy. Nội dung luận văn
đảm bảo không sao chép bất cứ công trình nghiên cứu nào khác.
TP.HCM, ngày 05 tháng 12 năm 2013

Tác giả

Nguyễn Thị Như Nhiên


a

MỤC LỤC
TRANG BÌA PHỤ
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
1. Giới thiệu ------------------------------------------------------------------------------------1
2. Tổng quan các nghiên cứu trước đây ------------------------------------------------3
2.1

Lý thuyết về nắm giữ tiền mặt ------------------------------------------------------ 3


2.2 Các lý thuyết giải thích yếu tố tác động nắm giữ tiền mặt --------------------------- 6
2.2.1 Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn: -------------------------------------------------7
2.2.2 Lý thuyết trật tự phân hạng: ----------------------------------------------------- 12
2.2.3 Lý thuyết dòng tiền tự do -------------------------------------------------------- 15
2.2.4 Tóm tắt các yếu tố tác động đến việc nắm giữ tiền mặt ------------------- 16
2.3 Tiền mặt và giá trị công ty ------------------------------------------------------------ 18
2.3.1 Lý thuyết về giá trị công ty ------------------------------------------------------ 18
2.3.2 Lý thuyết về tiền mặt tối ưu ----------------------------------------------------- 19
2.3.3 Sự sai lệch tiền mặt so với mức tiền mặt tối ưu ----------------------------- 21
2.4 Nghiên cứu nhân tố tác động tiền mặt và tác động nắm giữ tiền mặt lên giá
trị công ty ở Việt Nam ---------------------------------------------------------------------- 21
3. Phương pháp nghiên cứu ---------------------------------------------------------------- 22
3.1 Dữ liệu và mô tả biến ------------------------------------------------------------------ 22
3.1.1 Việc chọn mẫu ---------------------------------------------------------------------- 22
3.1.2 Dữ liệu bảng ------------------------------------------------------------------------ 23
3.1.3 Mô tả các biến ---------------------------------------------------------------------- 24
3.2 Phương pháp ----------------------------------------------------------------------------- 30
3.2.1 Thống kê mô tả --------------------------------------------------------------------- 30


b

3.2.2 Phương pháp hồi quy ------------------------------------------------------------- 30
4. Nội dung và các kết quả nghiên cứu: ------------------------------------------------ 35
4.1 Các yếu tố tác động quyết định nắm giữ tiền mặt -------------------------------- 35
4.1.1 Thống kê mô tả: -------------------------------------------------------------------- 35
4.1.2 Hệ số tương quan ------------------------------------------------------------------ 35
4.1.3 Kiểm tra đa cộng tuyến ----------------------------------------------------------- 36
4.1.5 Hồi quy ước lượng các hệ số của các biến ----------------------------------- 38
4.2 Tiền mặt và giá trị công ty ------------------------------------------------------------ 43

4.2.1 Thống kê mô tả --------------------------------------------------------------------- 43
4.2.2 Hệ số tương quan ------------------------------------------------------------------ 43
4.2.3 Kiểm tra đa cộng tuyến ----------------------------------------------------------- 44
4.2.4 Kiểm định tự tương quan và phương sai thay đổi: -------------------------- 45
4.2.5 Hồi quy ước lượng các hệ số của các biến ----------------------------------- 46
4.2.6 Điểm nắm giữ tiền mặt tối ưu --------------------------------------------------- 52
4.3 Sai lệch so với mức tiền mặt tối ưu ------------------------------------------------- 52
5.

Kết luận: ---------------------------------------------------------------------------------- 55

TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


a

DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. Công ty TNHH: Công ty Trách nhiệm hữu hạn.
2. EUM: Liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu bao gồm các nước sau: Đức, Pháp, Hà
Lan, Ý, Tây Ban Nha, Phần Lan, Bỉ, Áo, Ireland, Luxembourg, Hy Lạp và Bồ Đào
Nha.
3. HOSE : Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
4. HNX: Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
5. GMM: General Method of Moments.


i

DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 2.1: Tóm tắt các dự đoán theo lý thuyết.
Bảng 2.2: Tóm tắt các dự đoán theo kết quả của các tác giả.
Bảng 3.1: Ưu nhược điểm của dữ liệu bảng.
Bảng 3.2: Cách tính toán các biến trong nghiên cứu.
Bảng 4.1: Thống kê mô tả các biến tác động việc nắm giữ tiền mặt.
Bảng 4.2: Hệ số tương quan các biến tác động việc nắm giữ tiền mặt.
Bảng 4.3: Kiểm tra đa cộng tuyến của các biến tác động việc nắm giữ tiền mặt.
Bảng 4.4: Hồi quy các biến sử dụng nghiên cứu tác động việc nắm giữ tiền mặt.
Bảng 4.5: So sánh các phương pháp hồi quy các biến tác động việc nắm giữ tiền
mặt.
Bảng 4.6: Phương pháp hồi quy Fama Macbeth các biến tác động việc nắm giữ tiền
mặt.
Bảng 4.7: Thống kê mô tả các biến nghiên cứu tác động việc nắm giữ tiền lên giá trị
công ty.
Bảng 4.8: Hệ số tương quan giữa các biến nghiên cứu tác động việc nắm giữ tiền
lên giá trị công ty.
Bảng 4.9: Kiểm tra đa cộng tuyến các biến nghiên cứu tác động việc nắm giữ tiền
lên giá trị công ty.
Bảng 4.10: Ước lượng các biến nghiên cứu tác động nắm giữ tiền lên giá trị công ty
với biến phụ thuộc là TOBIN’S Q.
Bảng 4.11: Ước lượng các biến nghiên cứu tác động nắm giữ tiền lên giá trị công ty
với biến phụ thuộc là MKBOOK.
Bảng 4.12: Kết quả hồi quy xem xét sự sai lệch nắm giữ tiền so với tiền mặt tối ưu.


ii

DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
Đồ thị 4.1: Mối tương quan giữa TOBIN’SQ và CASH
Đồ thị 4.2: Mối tương quan giữa MKBOOK và CASH



1

NẮM GIỮ TIỀN MẶT VÀ GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP:
BẰNG CHỨNG Ở VIỆT NAM
Tóm tắt:
Thông qua sử dụng công cụ Stata và số liệu của 121 công ty ngành công
nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và chứng khoán
Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2012, bài nghiên cứu nghiên cứu tác động nhân tố
đến việc nắm giữ tiền mặt, tác động việc nắm giữ tiền mặt có tác động đến giá trị
công ty thông qua đó tác giả chứng minh có tồn tại mức tiền mặt để giá trị công ty
là lớn nhất. Tuy nhiên bài nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được sự sai lệch tiền
mặt so với tiền mặt tối ưu có làm giảm giá trị công ty.
1. Giới thiệu
1.1 Lý do thực hiện đề tài
Trong một hội thảo năm 2012 về quản trị chiến lược do Viện Marketing và
Quản trị Việt Nam (VMI) tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Alan Fell, Giám
đốc Công ty tư vấn Alan Fell (Anh), chia sẻ một trong những nguyên tắc vàng
trong thực thi chiến lược công ty mà nhà quản trị cần quan tâm là "sự tồn tại của
công ty trong ngắn hạn luôn luôn có liên quan đến dòng tiền. Do vậy công ty
thường xuyên gặp thất bại trong kinh doanh khi họ cạn kiệt dòng tiền, chứ không
phải do không có lợi nhuận.”. Vì thế, đối với nhiều công ty, sự tồn tại trong ngắn
hạn có liên quan mật thiết đến việc quản trị dòng tiền một cách lành mạnh.
Câu chuyện về Nguyễn Văn Khỏe, thương hiệu Miến Bồ câu, Công ty TNHH
Hiệp Hòa Bình, Biên Hòa-Đồng Nai (công ty Bồ Câu) là một ví dụ. Bồ Câu đã
phải đối mặt với thách thức rất lớn trong kinh doanh. Sau một năm nhìn lại, được
mất vẫn là 50/50!. Vấn đề muôn thuở của người kinh doanh đó là vốn. Bồ Câu
phải vật lộn với đồng tiền, chưa biết thế nào nhưng nói ra chắc cũng khó ai giúp
được. Ai cũng tưởng Bồ Câu đã ổn định việc kinh doanh nhưng sự thể khác lắm,

kể từ tháng 10/2007 vật giá leo thang giá vốn đầu vào đã tăng 100%, vốn lưu động
đang thiếu lại càng thiếu hơn. Các nhà cung cấp siết chặt chính sách bán hàng,


2

không giao đủ nguyên liệu cho công ty trong khi đơn đặt hàng siêu thị vẫn nhiều...
Các hệ thống siêu thị, ngoại trừ Co.op Mart, BigC, Maxi Mark thanh toán đúng
hẹn... còn lại rất èo uột, có nơi cả năm mới thanh toán được 20% doanh số. Sau
một năm kinh doanh tổng kết mới thấu hiểu về giá trị tiền trong hoạt động của
công ty.
Trong thực tế, thị trường là không hoàn hảo, thị trường vốn cũng gặp phải
những bất cân xứng thông tin giữa các nhà quản lý và các nhà cung cấp vốn, thanh
khoản đảm nhiệm một vai trò chiến lược trong hoạt động kinh doanh của công ty.
Tiền luôn là đại diện tính thanh khoản, tiền là máu của công ty và dường như tiền
mặt luôn là điều mà ai cũng thích sở hữu, công ty cũng không ngoại lệ. Nhưng
việc công ty có quá nhiều tiền mặt cũng không phải là một điều tốt. Các lý thuyết
tài chính doanh nghiệp cho rằng mỗi công ty nên có một mức tiền mặt thích hợp
cho công ty mình, một lượng đủ để thanh toán lãi vay, các chi phí và chi tiêu vốn,
ngoài ra còn phải dự trữ thêm để công ty kịp xử lý trong những tình huống bất
thường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho biết, 9 tháng đầu năm 2013, cả
nước có 6.742 công ty hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp và có 42.459
công ty phải giải thể, ngừng hoạt động, cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn rất
nhiều khó khăn. Phần lớn các công ty phá sản đều gặp phải vấn đề dòng tiền trong
hoạt động. Chính vì vậy việc xem xét các yếu tố quyết định nắm giữ tiền mặt và
có hay không mức tiền mặt tối ưu là chìa khóa dẫn đến sự thành công của các
doanh nghiệp và đó cũng là lý do tác giả thực hiện nghiên cứu này.
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu của bài nghiên cứu có 4 mục tiêu chính:

Bài nghiên cứu đưa ra các yếu tố tác động đến việc nắm giữ tiền mặt và xem
xét tác động của các yếu tố này đến việc nắm giữ tiền mặt.
Mục tiêu thứ hai là bài nghiên cứu nghiên cứu tác động của việc nắm giữ tiền
mặt lên giá trị công ty.


3

Mục tiêu thứ ba kiểm tra xem có sự tồn tại của một mức tiền mặt tối ưu nhằm
tối đa hóa giá trị công ty hay không.
Và cuối cùng là, nếu có sai lệch so với mức tiền tối ưu có làm giảm giá trị
công ty.
Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 121 công ty ngành công nghiệp niêm yết
trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2005
đến 2012. Tác giả sử dụng công cụ Stata với các mô hình hồi quy như: mô hình
FGLS, mô hình Pool regression, mô hình Fixed Effect, mô hình Fama Macbeth,
mô hình GMM theo nghiên cứu của Arellano và Bond trong nghiên cứu.
1.3 Bố cục đề tài
Bài nghiên cứu được chia làm 5 phần. Phần 1 là giới thiệu về nội dung vấn đề
cần nghiên cứu và lý do thực hiện đề tài. Phần 2 trình bày tổng quan các kết quả
nghiên cứu trước đây. Phần 3 mô tả chọn mẫu quan sát, phương pháp giải quyết
vấn đề nghiên cứu thông qua sử dụng Stata. Phần 4 thảo luận các kết quả nghiên
cứu đạt được dựa trên nền tảng lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm trước đây.
Phần cuối tổng kết các vấn đề nghiên cứu, những hạn chế khi thực hiện nghiên
cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo.
2. Tổng quan các nghiên cứu trước đây
Trong phần này sẽ trình bày những cơ sở lý thuyết và kết quả các nghiên cứu
trước được thực hiện. Phần 2.1 tác giả tiến hành định nghĩa nắm giữ tiền mặt,
nguyên nhân nắm giữ tiền mặt và lợi ích việc nắm giữ tiền mặt. Phần 2.2 tác động
các yếu tố đến việc nắm giữ tiền mặt. Phần 2.3 trình bày các nghiên cứu về tác

động việc nắm giữ tiền mặt lên giá trị công ty, điểm nắm giữ tiền mặt tối ưu và sự
sai lệch tiền mặt nắm giữ so mức tiền mặt tối ưu. Phần 2.4 căn cứ các phần trình
bày mục 2.1, 2.2, 2.3 tác giả nêu ra các câu hỏi nghiên cứu ở thị trường Việt Nam.
2.1 Lý thuyết về nắm giữ tiền mặt
Nắm giữ tiền mặt là một chủ đề quan trọng đối với bất kỳ công ty nào, bởi vì


4

nó đại diện tính thanh khoản của công ty. Tiền mặt giống như quỹ dự phòng cho
công ty, quỹ dự phòng này giúp các công ty kịp xử lý trong những tình huống
khẩn cấp.
Trong các nghiên cứu tài chính, tiền thường được định nghĩa như tiền mặt,
tiền gửi ngân hàng và tài sản ngắn hạn hoặc tương đương tiền (Opler và cộng sự,
1999); (Ferreira và Vilela, 2004); (Bates và cộng sự, 2009). Trong đó tương
đương tiền có đặc điểm có thể được chuyển đổi thành tiền mặt trong một thời gian
rất ngắn. Tương đương tiền bao gồm kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc có
tính thanh khoản cao và có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng kể từ
ngày mua.
Vì vậy, việc nắm giữ tiền mặt có thể được xác định theo quan điểm tài chính
là việc tổ chức tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tương đương tiền của một công ty.
Lợi ích việc nắm giữ tiền, nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên
cứu. Theo Chen và Chuang (2009) cho rằng các công ty có xu hướng giữ tiền mặt
để giảm chi phí giao dịch và để ngăn chặn sự mất mát đầu tư dưới mức từ nguồn
vốn ngắn hạn (đầu tư vào những dự án có rủi ro cao, tạo ra giá trị thấp trong tương
lai). Việc nắm giữ tiền mặt giúp các công ty có thể giảm rủi ro từ sự không chắc
chắn của dòng tiền. Thực tế thì việc công ty có nhiều tiền mặt cũng có những
điểm tốt. Theo quan điểm từ nhà đầu tư, nhà đầu tư không phải là người bên
trong công ty nên thông thường nếu nhìn thấy khoản mục tiền mặt trên bảng cân
đối kế toán nhiều bao giờ cũng yên tâm hơn so với các công ty có lượng tiền

mặt ít hơn. Nhất là khi qua các quý, hoặc qua các năm, lượng tiền mặt tăng lên
đều đặn và ổn định, nó là một tín hiệu cho thấy công ty đang hoạt động rất tốt,
đang phát triển rất mạnh.
Theo quan điểm nhà quản trị thì các công ty nắm giữ tiền mặt vì những lý do
khác nhau nhưng có bốn lý do chung về việc nắm giữ tiền mặt ở các công ty.
 Động cơ giao dịch: mức tồn quỹ tiền mặt được hoạch định để đáp ứng kịp
thời các khoản chi tiêu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công


5

ty. Theo Opler và cộng sự (1999); Damodaran (2008); Bates và cộng sự
(2009) công ty giữ tiền mặt cho hoạt động kinh doanh của công ty để đáp ứng
nhu cầu thanh toán hàng ngày. Các loại hình kinh doanh khác nhau thì nhu
cầu tiền mặt khác nhau. Đối với các công ty phải chi tiêu vốn nhiều như các
nhà sản xuất thép, sản xuất ôtô phải đầu tư thường xuyên cho các trang thiết
bị, dây chuyền sản xuất và nguyên vật liệu sản xuất. Các công ty trong các
ngành thâm dụng vốn như vậy thường cần duy trì lượng tiền mặt cần thiết
trong một thời gian dài hơn bởi vì vòng quay tiền mặt của chúng không thể
nhanh như các công ty trong các ngành khác. Đối với các công ty trong các
ngành sản xuất có chu kỳ dài cũng cần duy trì lượng tiền mặt nhiều để vượt
qua giai đoạn đi xuống của chu kỳ sản xuất. Ví dụ như Boeing hay BMW,
lượng cầu đối với các mặt hàng này thường tăng cao trong một thời điểm nhất
định của chu kỳ kinh doanh và sau đó họ lại phải đối mặt với giai đoạn suy
giảm của chu kỳ kinh doanh khiến cho lượng tiền mặt bị sụt giảm nhanh
chóng. Do đó, đối với các công ty như vậy thì họ cần có một lượng tiền mặt
dự trữ nhiều hơn mức cần thiết để đáp ứng cho các nghĩa vụ ngắn hạn của
công ty.
 Động cơ phòng ngừa: dự phòng trước khả năng gia tăng nhu cầu chi tiêu do
tăng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng nhanh chóng những

cơ hội kinh doanh của công ty. Theo Damodaran (2008); Bates và cộng sự
(2009) các công ty cần phải giữ tiền mặt để trang trải chi phí phát sinh và các
chi phí chưa dự phòng trước. Theo Custodio và cộng sự (2005) các công ty
giữ tiền mặt để tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động
đầu tư khi nguồn tài chính khác không có hoặc rất tốn kém. Nhu cầu tiền mặt
là khác nhau cho các tình huống khác nhau. Trong nền kinh tế không ổn định
và biến động các công ty nên giữ tiền mặt nhiều hơn để duy trì sự ổn
định. Damodaran (2008) cũng cho rằng những cú sốc kinh tế xảy ra có thể sẽ
cần một mức tiền mặt cao hơn mức cần thiết. Các công ty cần phải có tiền mặt
nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái, bởi vì chi phí huy động vốn từ bên ngoài


6

trong những thời điểm này là khá cao và tính thanh khoản của công ty dễ gặp
những bất ổn. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, lợi ích từ việc nắm giữ tiền mặt
cao hơn so với thời kỳ kinh tế tăng trưởng vì khó khăn trong việc tiếp cận thị
trường vốn. Khi các điều kiện kinh tế cải thiện, thị trường vốn tiếp cận dễ
dàng hơn lợi ích việc nắm giữ tiền cũng giảm xuống.
 Động cơ của nhà quản trị: Nhà quản lý có thể quyết định việc sử dụng tiền
chi trả cho cổ đông hoặc sẽ giữ lại cho công ty. Tâm lý của nhà quản trị
thường muốn giữ lại tiền mặt hơn là chi trả cho cổ đông dù có ít cơ hội đầu tư
đi nữa. Nhà quản trị có xu hướng giữ lại tiền mặt nhiều hơn để phục vụ mục
tiêu quản trị của mình. Dittmar và cộng sự (2003) tìm thấy bằng chứng công ty
giữ tiền mặt nhiều hơn ở các nước có chi phí đại diện lớn.
 Động cơ đầu tư: Các công ty nắm giữ tiền mặt để tăng nguồn vốn đầu tư cho
các dự án mới hoặc cơ hội đầu tư trong tương lai. Trong thực tế việc tiếp cận
nguồn vốn rất khó và có chi phí cao, vì vậy để thực hiện cơ hội đầu tư tương
lai cần nguồn vốn từ lượng tiền giữ lại tại công ty. Việc giữ lại tiền mặt ở công
ty xuất phát từ động cơ đầu tư trong tương lai của công ty.

2.2 Các lý thuyết giải thích yếu tố tác động nắm giữ tiền mặt
Theo các nghiên cứu của các tác giả như Opler và cộng sự (1999); Pinkowitz
và Williamson, (2001); Ferreira và Vilela (2004); Ozkan và Ozkan (2004); Bates
và cộng sự (2009) các yếu tố như quy mô công ty, mức độ nợ, dòng tiền, nợ ngân
hàng, vốn lưu động là các yếu tố quan trọng tác động đến việc nắm giữ tiền
mặt. Theo Kim và cộng sự (1998); Opler và cộng sự (1999); Ferreira và Vilela
(2004); Custodio và cộng sự (2005) các công ty có thể sử dụng ba lý thuyết: lý
thuyết đánh đổi cấu trúc vốn, lý thuyết trật tự phân hạng và lý thuyết dòng tiền tự
do, để giải thích tác động của các nhân tố đến việc nắm giữ tiền mặt tại công ty.
Trong phần này, các lý thuyết được thảo luận, trong mỗi phần lý thuyết có
những yếu tố khác nhau quyết định đến việc nắm giữ tiền mặt, mỗi quyết định có
thể có một ảnh hưởng khác nhau lên tỷ lệ nắm giữ tiền mặt. Vì vậy, trong nghiên


7

cứu này, đặc điểm công ty được mô tả dựa trên ba lý thuyết và các nghiên cứu
trước. Trong phần tiếp theo xem xét về mối quan hệ giữa các tổ chức tiền mặt và
quy mô công ty, đòn cân nợ, nợ ngân hàng, dòng tiền mặt, tài sản vô hình và tài
sản lưu động theo cả ba lý thuyết và theo các nghiên cứu trước.
2.2.1 Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn:
Theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn sẽ ưu tiên sử dụng nợ trong việc tài trợ
cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Vì khi sử dụng nợ công ty tận
dụng được lợi ích từ tấm chắn thuế làm tăng giá trị công ty. Tuy nhiên sử dụng nợ
cũng có mặt trái của nó là tăng khả năng phá sản của công ty vì bên cạnh tấm chắn
thuế còn có chi phí kiệt quệ tài chính. Lý thuyết này không giải thích trực tiếp về
việc nắm giữ tiền mặt ở công ty nhưng nó cho thấy tầm quan trọng của việc nắm
giữ tiền mặt. Trong thực tế tiền là tài sản thực hiện tính thanh khoản nhanh nhất.
Vì vậy khi công ty tăng sử dụng nợ cần có mức tiền mặt dự trữ để hỗ trợ công ty
trong những tình huống bất lợi. Tiền mặt nắm giữ được xác định nằm ở mức tối

ưu nhằm đảm bảo cho việc giao dịch của công ty.
Nắm giữ tiền mặt vừa tạo ra chi phí và lợi ích. Với lý thuyết đánh đổi cấu trúc
vốn, cũng được gọi là lý thuyết chi phí giao dịch theo Opler và cộng sự (1999),
công ty có thể xác định mức tiền mặt nắm giữ tối ưu bằng cách cân bằng chi phí
biên và lợi ích biên nắm giữ tiền mặt. Lợi ích biên khi nắm giữ tiền mặt là giúp
giảm đi các tác động của khủng hoảng tài chính; tránh các chi phí do sử dụng
nguồn tài trợ từ bên ngoài cũng như hạn chế việc thanh lý tài sản hiện vì thiếu hụt
nguồn tài trợ. Các công ty hoạt động trong một thị trường không hoàn hảo (vì
thông tin bất cân xứng), khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường vốn hoặc chịu
chi phí tài chính cao từ nguồn tài trợ bên ngoài. Chi phí biên của việc nắm giữ
tiền mặt là khoản mất đi do việc nắm giữ tiền so với việc dùng khoản tiền đó đầu
tư vào khoản đầu tư khác với cùng một mức rủi ro (Opler và cộng sự, 1999);
(Ferreiravà Vilela, 2004). Hành vi nắm giữ tiền mặt như tấm đệm giúp các công
ty chủ động trong việc sử dụng nguồn tài trợ. Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn có


8

thể được áp dụng để xác định mức nắm giữ tiền mặt tối ưu. Mô hình này còn được
gọi là mô hình chi phí giao dịch bởi vì mô hình này được giải thích bằng động cơ
đầu tiên là động cơ giao dịch, một trong những lý do nắm giữ tiền mặt đã đề cập
ở trên.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty cần phải đối mặt với vấn đề
thanh khoản. Vì vậy, công ty phải huy động vốn trên thị trường vốn, thanh lý tài
sản hiện có. Nhưng vì thị trường vốn không hoàn hảo nên để giảm chi phí giao
dịch bằng cách giữ một mức tiền mặt tối ưu.
Dưới đây là đánh giá đặc điểm công ty theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn và
các tác giả khác có liên quan đến nắm giữ tiền mặt của công ty.
Quy mô công ty
Theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn công ty ưu tiên sử dụng nợ, khi công ty

có quy mô lớn việc tiếp cận thị trường vốn dễ dàng nên tỷ lệ nắm giữ tiền mặt sẽ
ít đi. Như vậy, có mối tương quan âm giữa quy mô công ty và tỷ lệ nắm giữ tiền
mặt.
Theo Faulkender (2002), nếu một công ty có quy mô lớn thì nhu cầu nắm giữ
tiền mặt là thấp hơn. Một kết quả tương tự cũng được trình bày bởi Bover và
Watson (2005) cho rằng các công ty có quy mô lớn có nhu cầu nắm giữ tiền mặt
thấp vì các công ty này dễ tiếp cận thị trường vốn. Theo Kim và cộng sự (1998)
các công ty lớn ít có khả năng phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động nợ
vay hơn các công ty nhỏ. Theo Ferreira và Vilela (2004), các công ty nhỏ với rủi
ro kinh doanh cao và nhiều cơ hội tăng trưởng nên có xu hướng giữ tiền mặt nhiều
hơn bởi vì công ty nhỏ sẽ tốn kém hơn khi huy động vốn, chịu lãi suất cao. Thông
thường, chi phí giao dịch khi huy động nguồn vốn là cố định do đó chi phí biên
cao hơn cho các công ty nhỏ. Bên cạnh đó, các công ty lớn có nhiều khả năng đa
dạng hoá lĩnh vực kinh doanh ít xảy ra khủng hoảng tài chính nên tiền mặt giữ lại
ở các công ty này là tương đối ít (Ferreiravà Vilela, 2004). Những lập luận này
cho thấy một mối tương quan âm giữa quy mô của một công ty và nhu cầu nắm


9

giữ tiền mặt.
Trong nghiên cứu của Pinkowitz và Williamson (2001) về các yếu tố quyết
định tỷ lệ nắm giữ tiền mặt ở các nước: Mỹ, Nhật Bản và Đức được điều tra. Một
hồi quy được thực hiện cho ba quốc gia, kết quả là có một mối tương quan âm
giữa quy mô công ty và nắm giữ tiền mặt. Nhưng khi thử nghiệm ở ba nước riêng,
kết quả cho thấy rằng Nhật Bản và Mỹ có một mối tương quan âm trong khi Đức
có một mối tương quan dương giữa quy mô công ty và nắm giữ tiền mặt. Bates và
cộng sự (2009) đã điều tra lý do tại sao tiền mặt nắm giữ cho các công ty công
nghiệp Mỹ tăng gấp đôi từ năm 1980 đến những năm 2000 và các yếu tố có thể có
ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền mặt, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy có mối

tương quan âm giữa quy mô công ty và tiền mặt nắm giữ trong các năm 1980 và
1990 là phù hợp với nhu cầu giao dịch tiền mặt của công ty.
Tuy nhiên, trong những năm 2000, Ozkan và Ozkan (2004) cho rằng có tương
quan dương nhưng không đáng kể giữa quy mô doanh nghiệp và việc nắm giữ
tiền mặt. Điều này có thể được lập luận là các công ty lớn có nhiều thành công
trong việc tạo ra dòng tiền và lợi nhuận để họ có thể tích lũy nhiều tiền mặt
hơn. Tuy nhiên, những lập luận này không được ủng hộ.
Đòn bẩy tài chính
Theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn tỷ lệ đòn bẩy tài chính càng cao nghĩa là
khả năng công ty tiếp cận vốn tốt nên tỷ lệ nắm giữ tiền mặt ít (tương quan âm).
Nhưng tỷ lệ đòn bẩy cao công ty cũng phải đối mặt với xác suất phá sản cao nên
cần duy trì tỷ lệ tiền mặt nhiều (tương quan âm). Nên dựa vào lý thuyết này không
xác định được mối quan hệ tương quan âm hay tương quan dương giữa đòn bẩy
tài chính và tỷ lệ nắm giữ tiền mặt.
Tỷ lệ đòn bẩy tài chính như một đại diện cho khả năng phát hành nợ của các
công ty. Khi công ty sử dụng đòn bẩy tài chính có nghĩa công ty có khả năng tăng
nợ cao hơn để tài trợ cho hoạt động của công ty (Ferreira và Vilela, 2004) nên tỷ
lệ nắm giữ tiền mặt thấp. Nếu một công ty có ít khả năng tăng nợ thì sẽ nắm giữ


10

tiền mặt nhiều hơn. Các công ty có đòn bẩy cao có thể nắm giữ tiền mặt thấp hơn
vì có thể dễ dàng huy động nguồn vốn bên ngoài và để giảm chi phí việc nắm giữ
tiền mặt (Ozkan và Ozkan, 2004). Điều này có nghĩa đòn bẩy có một mối tương
quan âm với tỷ lệ nắm giữ tiền mặt.
Nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng chấp nhận đòn bẩy cao cũng làm
tăng xác suất phá sản, tăng áp lực cho nhà quản lý về việc quản trị dòng tiền của
công ty. Để làm giảm nguy cơ kiệt quệ tài chính, các công ty có đòn bẩy cao dự
kiến sẽ giữ tiền mặt nhiều hơn.

Từ những lập luận trên có thể nói, đòn bẩy có thể nói có một mối quan hệ
không xác định (tương quan dương và tương quan âm) giữa đòn bẩy và nắm giữ
tiền mặt.
Nợ ngân hàng
Theo lý thuyết trật tự phân hạng tỷ lệ nợ ngân hàng trên tổng nợ cao, điều này
có nghĩa là công ty dễ dàng tiếp cận nguồn tài trợ và khả năng xảy ra kiệt quệ tài
chính của công ty được các ngân hàng kiểm soát vì vậy tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của
công ty ít. Như vậy, có mối tương quan âm giữ tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và nợ ngân
hàng.
Theo Ferreira và Vilela (2004) công ty trong khối EMU (Liên Minh kinh tế và
tiền tệ Châu Âu) có một mối quan hệ gần gũi với các ngân hàng. Trong EMU các
ngân hàng sở hữu một tỷ lệ đáng kể các cổ phiếu công ty (Ferreira và Vilela,
2004). Cũng theo Krivogorsky và cộng sự (2009) các công ty trong lục địa châu
Âu khi sử dụng nguồn tài trợ bên ngoài thường dựa vào nợ ngân hàng nhiều hơn
huy động trái phiếu. Các công dựa vào vốn vay ngân hàng là nguồn vốn chính vì
ít có vấn đề bất cân xứng thông tin liên quan đến việc sử dụng các khoản nợ. Điều
này là do các ngân hàng dễ dàng đánh giá chất lượng tín dụng của công ty thông
qua giám sát và kiểm soát chính sách đầu tư cũng như tài trợ của công ty (Ferreira
và Vilela, 2004). Khi một ngân hàng cung cấp cho vay hoặc gia hạn khoản vay
cho một công ty có nghĩa là có thông tin tích cực về công ty đó (Ozkan và Ozkan,


11

2004). Vì vậy, khi một công ty có nợ ngân hàng tăng có nghĩa là làm giảm khả
năng trải qua kiệt quệ tài chính do đã được ngân hàng kiểm soát. Trong trường
hợp này công ty có nợ ngân hàng nên giữ ít tiền mặt. Vì vậy tồn tại mối tương
quan âm giữa nợ ngân hàng và nắm giữ tiền mặt.
Dòng tiền
Dòng tiền được định nghĩa là lợi nhuận trước thuế cộng với khấu hao

(Ferreira và Vilela, 2004).
Theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn dòng tiền cao khả năng công ty dễ tiếp
cận nguồn vốn từ bên ngoài nên tỷ lệ nắm giữ tiền mặt sẽ thấp. Như vậy có mối
tương quan âm giữa nắm giữ tiền mặt và dòng tiền.
Dòng tiền sẽ là nguồn tài trợ sẵn sàng cung cấp nguồn vốn cho hoạt động của
công ty, là nguồn vốn hỗ trợ cho tính thanh khoản của công ty. Điều này có nghĩa
là dòng tiền có thể được xem như tiền mặt (Kim và cộng sự, 1998). Vì vậy, người
ta cho rằng có một mối tương quan âm giữa dòng tiền và nắm giữ tiền mặt Opler
và cộng sự (1999); Pinkowitz và Williamson (2001) đã tìm thấy bằng chứng về
ảnh hưởng của dòng tiền đến việc nắm giữ tiền mặt của công ty. Ferreira và Vilela
(2004) đã dự đoán rằng có tương quan âm giữa dòng tiền và nắm giữ tiền mặt vì
đã cung cấp một nguồn vốn sẵn có, đáp ứng được tính thanh khoản cho công
ty. Nếu dòng tiền của công ty là tương đối nhiều có nghĩa là công ty có tính thanh
khoản cao nên công ty sẽ nắm giữ ít tiền mặt. Tuy nhiên, Ferreira và Vilela (2004)
đã không tìm thấy bằng chứng ủng hộ mối quan hệ này.
Ozkan và Ozkan (2004) tìm thấy bằng chứng về mối tương quan dòng tiền và
nắm giữ tiền mặt là tương quan âm trong hồi quy dữ liệu chéo. Nhưng với bảng
kết quả ước lượng dữ liệu động, Ozkan và Ozkan (2004) tìm thấy bằng chứng cho
thấy tương quan dương giữa dòng tiền và nắm giữ tiền mặt.
Tài sản lưu động
Cũng giống như dòng tiền, theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn tài sản lưu


12

động càng nhiều thì đánh giá của nhà tài trợ bên ngoài về tính thanh khoản công
ty càng tốt. Vì vậy công ty tiếp cận dễ dàng nguồn tài trợ bên ngoài nên tỷ lệ nắm
giữ tiền mặt thấp. Như vậy có mối tương quan âm giữa tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và
tài sản lưu động.
Tài sản lưu động là những tài sản có thể được chuyển đổi thành tiền mặt dễ

dàng với chi phí thấp. Chúng bao gồm các khoản phải thu và hàng tồn kho, đó là
khoản thay thế cho tiền mặt. Do đó các nghiên cứu đã dự đoán một mối quan hệ
tiêu cực (tương quan âm) giữa tài sản lưu động và nắm giữ tiền mặt (Bigelli và
Sanchez-Vidal, 2010); (Ferreira và Vilela, 2004); (Ozkan vàOzkan, 2004). Opler
và cộng sự (1999) tìm thấy bằng chứng cho thấy các công ty lớn sẽ nắm giữ tài
sản lưu động vì đó là nguồn vốn giúp công ty tiếp tục đầu tư khi dòng tiền là quá
thấp hoặc khi các nguồn tài trợ bên ngoài đắt đỏ.
2.2.2 Lý thuyết trật tự phân hạng:
Bằng cách sử dụng lý thuyết trật tự phân hạng của Myers (1984), cũng được
gọi là lý thuyết hệ thống phân cấp tài trợ theo Opler và cộng sự (1999), công ty sẽ
sử dụng lợi nhuận để lại (một dạng vốn chủ sở hữu) để tài trợ cho đầu tư của công
ty, đó như là một khoản dự phòng để giảm chi phí vì bất cân xứng thông tin. Theo
lý thuyết này, phát hành cổ phiếu mới cho các công ty là rất tốn kém vì bất cân
xứng thông tin. Vì vậy các công ty chủ yếu sử dụng nguồn tài trợ là lợi nhuận giữ
lại sau đó nợ vay và cuối cùng là phát hành chứng khoán. Khi công ty bị phá sản,
các chủ nợ là những người đầu tiên sẽ nhận được tiền của công ty, cổ đông sẽ
nhận được số tiền còn lại. Thông tin bất cân xứng xảy ra khi một bên trong một
giao dịch không có hoặc có ít thông tin hơn so với bên kia. Nó là một trong những
tác nhân gây ra thị trường không hiệu quả. Mục đích của lý thuyết trật tự phân
hạng là để giảm thiểu bất cân xứng chi phí thông tin và chi phí tài trợ (Custodio và
cộng sự, 2005); (Ferreira và Vilela, 2004). Theo Opler và cộng sự (1999); Bigelli
và Sanchez-Vidal (2010) lý thuyết trật tự phân hạng cũng được gọi là lý thuyết hệ
thống phân cấp tài trợ và hoàn toàn trái ngược của lý thuyết đánh đổi cấu trúc


13

vốn. Nó không giả định một mức tiền mặt tối ưu cũng như không dự kiến mức
tiền mặt dự trữ tại các công ty (Bigelli và Sanchez-Vidal, 2010).
Tiền mặt được xem như một tấm đệm giữa lợi nhuận giữ lại và nhu cầu đầu tư

của công ty (Ferreira và Vilela, 2004). Khi lợi nhuận giữ lại không đủ để tài trợ
mới các khoản đầu tư, các công ty sử dụng tiền mặt nắm giữ và sau đó phát hành
nợ mới. Dưới đây là những đánh giá các đặc điểm công ty theo lý thuyết trật tự
phân hạng có liên quan đến việc nắm giữ tiền mặt trong công ty.
Quy mô công ty
Theo lý thuyết trật tự phân hạng, công ty ưu tiên sử dụng nguồn tài trợ nội bộ.
Các công ty lớn có nhiều dự án nên cần phải có tiền mặt nhiều hơn để thực hiện
việc đầu tư của công ty. Vì vậy, có một mối quan hệ tích cực (tương quan dương)
giữa quy mô công ty và nắm giữ tiền mặt.
Tuy nhiên, Ferreira và Vilela (2004); Opler và cộng sự (1999) khi nghiên
cứu về quy mô công ty với tỷ lệ nắm giữ tiền mặt không tìm thấy bằng chứng để
hỗ trợ mối quan hệ tích cực này.
Đòn bẩy tài chính
Theo lý thuyết trật tự phân hạng khi đòn bẩy tài chính cao, nghĩa là công ty
huy động nguồn vốn bên ngoài sau khi đã sử dụng hết lợi nhuận giữ lại và tiền
mặt. Vì vậy đòn bẩy và tiền mặt nắm giữ có mối tương quan âm.
Theo Ferreira và Vilela (2004) nợ của công ty tăng khi đầu tư vượt quá lợi
nhuận giữ lại và giảm khi đầu tư ít hơn lợi nhuận giữ lại. Mối quan hệ giữa nắm
giữ tiền mặt, nợ và đầu tư cho thấy rằng có một mối quan hệ tiêu cực (tương quan
âm) giữa đòn bẩy và tiền mặt nắm giữ (Ferreira và Vilela, 2004). Theo Opler và
cộng sự (1999) nợ của một công ty phản ứng ngược với những thay đổi trong
nguồn tài trợ nội bộ của công ty. Khi nguồn tài trợ nội bộ của công ty gia tăng,
đòn bẩy của công ty giảm. Hầu hết các công ty sử dụng nguồn vốn nội bộ thay vì
phát hành cổ phiếu vì nó là tốn kém (có thể tác động xấu đến giá cổ phiếu trên thị


14

trường vì người mua và người bán có thể truy cập thông tin khác nhau). Bởi vì
vậy, nếu nguồn vốn nội bộ công ty dùng chi tiêu nhiều tiền hơn số tiền nhận được

thì tiền mặt còn lại sẽ giảm và làm tăng nợ. Điều này có nghĩa là những thay đổi
trong tỷ lệ đòn bẩy có tác động đến sự thay đổi trong việc nắm giữ tiền mặt (Opler
và cộng sự, 1999). Mối quan hệ giữa đòn bẩy và nắm giữ tiền mặt có một mối
quan hệ tiêu cực (tương quan âm).
Nợ ngân hàng
Theo lý thuyết trật tự phân hạng nợ ngân hàng cũng có mối tương quan âm
với việc nắm giữ tiền. Vì việc sử dụng nợ ngân hàng là dấu hiệu nguồn vốn nội bộ
trong đó có lượng tiền mặt của công ty là thấp không đáp ứng được nhu cầu hoạt
động của công ty.
Cũng giống như trong lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn, theo Ferreira và Vilela
(2004) nợ ngân hàng tác động tiêu cực (tương quan âm) đến tỷ lệ nắm giữ tiền
mặt của một công ty. Người ta cho rằng các công ty dựa vào vốn vay ngân hàng là
nguồn vốn chính ít có các vấn đề thông tin bất cân xứng liên quan. Điều này là do
các ngân hàng có vị trí tốt hơn để đánh giá chất lượng tín dụng của công ty, ngân
hàng theo dõi cũng như kiểm soát tốt các chính sách tài chính của công ty. Các
công ty có tỷ lệ nợ ngân hàng lớn thì ít nắm giữ tiền mặt cho động cơ phòng ngừa
(Ferreira và Vilela, 2004). Theo Ozkan và Ozkan (2004) công ty ở Anh có nợ
ngân hàng nhiều thì nắm giữ tiền mặt thấp hơn. Khi một ngân hàng cung cấp một
khoản vay hoặc gia hạn khoản vay cho một công ty có nghĩa là có thông tin tích
cực về công ty đó. Vì vậy, các công ty có nợ ngân hàng cao trong cơ cấu vốn sẽ có
thể tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tài trợ bên ngoài. Trong trường hợp này công ty sẽ
giữ ít tiền mặt hơn (Ozkan và Ozkan, 2004).
Dòng tiền
Theo lý thuyết tự phân hạng, công ty ưu tiên sử dụng tài trợ nội bộ nên dòng
tiền nhiều thì công ty sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt. Như vậy, có mối tương quan
dương giữa tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và dòng tiền của công ty.


15


Khi dòng tiền tính toán được có giá trị cao hàm ý rằng hoạt động kinh doanh
đang tiến triển tốt, công ty có thể đầu tư nhiều hơn để phát triển, do đó công ty
phải giữ tiền mặt nhiều (Ferreira và Vilela, 2004). Ngoài ra khi có dòng tiền dự
kiến cao, công ty sẽ giữ tiền mặt nhiều hơn bởi vì các công ty thích tài chính nội
bộ hơn tài trợ bên ngoài (Ozkan và Ozkan, 2004). Từ những lập luận này có thể
kết luận rằng có một mối quan hệ tích cực (tương quan dương) giữa dòng tiền và
tỷ lệ nắm giữ tiền mặt.
2.2.3 Lý thuyết dòng tiền tự do
Dòng tiền tự do là dòng tiền dôi ra trong hoạt động của công ty, đó là nguồn
tài trợ cần thiết cho các dự án có hiện giá ròng dương khi chiết khấu với chi phí sử
dụng vốn hiện hành của công ty(Jensen, 1986). Mô hình dòng tiền tự do của
Jensen (1986) cho thấy rằng các nhà quản lý có động cơ giữ lại nguồn tiền mặt để
tăng lượng tài sản mà nhà quản lý có thể kiểm soát. Họ có thể thực hiện dễ dàng
hơn các quyết định đầu tư. Điều này có thể dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả.
Chẳng hạn, các nhà quản lý có thể chi tiền cho "dự án thú cưng" của họ, thực hiện
việc mua lại hoặc mở rộng quy mô, một số trường hợp có thể làm giảm giá trị
công ty.
Khi công ty có đủ tiền mặt để sẵn sàng đầu tư, các nhà quản lý không cần phải
huy động vốn bên ngoài nên không cần phải cung cấp cho thị trường vốn những
thông tin chi tiết về các dự án đầu tư của công ty.
Quy mô công ty
Theo lý thuyết dòng tiền tự do, quy mô công ty càng lớn càng tăng mức độ
quản lý nhưng do quy mô lớn đòi hỏi nhu cầu đầu tư nhiều nên công ty tỷ lệ tiền
mặt giữ lại sẽ nhiều. Như vậy có mối tương quan dương giữa quy mô công ty và
tỷ lệ nắm giữ tiền mặt.
Các công ty lớn có nhiều khả năng có cổ đông nhiều hơn sẽ làm tăng mức độ
quản lý cho các quyết định đầu tư. Nhưng các công ty lớn lại có nhiều cơ hội đầu
tư nên cần nắm giữ một lượng tiền mặt lớn (Ferreira và Vilela, 2004). Vì vậy, có



16

một mối quan hệ tích cực (tương quan dương) giữa quy mô công ty và nắm giữ
tiền mặt. Tuy nhiên, Ferreira và Vilela (2004); Opler và cộng sự (1999) không
tìm thấy bằng chứng để hỗ trợ mối quan hệ tích cực này.
Đòn bẩy tài chính
Theo lý thuyết dòng tiền tự do, công ty có đòn bẩy tài chính càng cao thì công
ty bị giám sát nhiều hơn nên nhà quản trị khó lòng giữ tỷ lệ tiền mặt cao ở công ty.
Như vậy tồn tại mối tương quan âm giữa tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và đòn bẩy tài
chính.
Theo Ferreira và Vilela (2004) các công ty có đòn bẩy thấp việc giám sát lưu
lượng tiền trong công ty ít hơn. Điều này có nghĩa là các công ty có đòn bẩy thấp
nắm giữ nhiều tiền mặt hơn. Vì vậy có một mối quan hệ tiêu cực giữa đòn bẩy và
tỷ lệ nắm giữ tiền mặt.
Nợ ngân hàng
Lý thuyết dòng tiền tự do giải thích mối tương quan giữa nợ ngân hàng và tỷ
lệ nắm giữ tiền mặt giống như giải thích mối tương quan đòn bẩy tài chính và tỷ
lệ nắm giữ tiền mặt. Như vậy giữa nợ ngân hàng và tỷ lệ nắm giữ tiền mặt có mối
tương quan âm.
Giống như đòn bẩy tài chính, các công ty có mối quan hệ tốt với các ngân
hàng có thể sử dụng nợ, có thể giảm quyết định của các nhà quản lý cấp trên lên
việc nắm giữ tiền ở doanh nghiệp. Điều này có nghĩa rằng các công ty có nợ ngân
hàng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt ít hơn.
2.2.4 Tóm tắt các yếu tố tác động đến việc nắm giữ tiền mặt
Bảng 1 và 2 tóm tắt của mối quan hệ giữa tiền mặt và quy mô công ty, đòn bẩy,
nợ ngân hàng, dòng tiền, tài sản lưu động theo các lý thuyết và những phát hiện
của các tác giả. Các kết quả của những tiên đoán của lý thuyết được so sánh với
những phát hiện của các tác giả khác. Nó cũng so sánh liệu các kết quả phù hợp
hoặc trái ngược với lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn, lý thuyết trật tự phân hạng, lý



17

thuyết dòng tiền và kết quả nghiên cứu của tác giả về các yếu tố tác động việc
nắm giữ tiền mặt.
Trong các bảng giải thích liệu có tương quan âm hay tương quan dương giữa
nắm giữ tiền mặt và các đặc tính của công ty. Mối quan hệ “không xác định” có
nghĩa là mối quan hệ là cả hai tương quan âm và tương quan dương, “(không
được hỗ trợ)” có nghĩa là các tác giả trước đó đã không được tìm thấy bằng chứng
về mối quan hệ giữa tỷ lệ nắm giữ tiền mặt với các đặc điểm của công ty.
Bảng 2.1: Tóm tắt các dự đoán theo lý thuyết
Lý thuyết đánh

Lý thuyết trật tự

Lý thuyết dòng

đổi cấu trúc vốn

phân hạng

tiền tự do

tương quan

tương quan

dương

dương


không xác định

tương quan âm

tương quan âm

Nợ ngân hàng

tương quan âm

tương quan âm

tương quan âm

Dòng tiền

tương quan âm

Tài sản lưu động

tương quan âm

Quy mô công ty
Đòn bẩy tài
chính

tương quan âm

tương quan

dương

Bảng 2.2: Tóm tắt các dự đoán theo kết quả của các tác giả
Lý thuyết đánh
đổi cấu trúc
vốn

Quy mô công ty
Đòn bẩy tài

tương quan âm
tương quan âm

Lý thuyết trật tự

Lý thuyết dòng

phân hạng

tiền tự do

tương quan dương

tương quan dương

(không được

(không được

hỗ trợ)


hỗ trợ)

tương quan âm

tương quan âm


×