Tải bản đầy đủ (.pdf) (105 trang)

Ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động hải quan tại cục hải quan Đồng Nai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.02 MB, 105 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
ÕÕÕÕÕ

LƯU TRỌNG VŨ

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ
HIỆN ĐẠI HÓA HOẠT ĐỘNG HẢI QUAN TẠI
CỤC HẢI QUAN ĐỒNG NAI

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
CHUYÊN NGÀNH: KINH TẾ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
MÃ SỐ: 60.31.12

NGƯỜI HƯỚNG DẪN: TS PHAN MỸ HẠNH

TP.HỒ CHÍ MINH – NĂM 2011


1

LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đã phát triển với tốc độ cao,
theo cùng là lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu cũng tăng nhanh làm cho khối
lượng công việc Hải quan cũng tăng lên.
Ngành Hải quan đã tiến hành những biện pháp cơ bản cải cách thủ tục Hải
quan được Chính phủ và doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu
cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới, cần phải tiếp tục thực hiện cải cách đồng bộ cả về
chiều rộng và chiều sâu. Trong bối cảnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin đóng
vai trò quan trọng giúp cho ngành Hải quan thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn


thời gian thông quan, quản lý chặt chẽ nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước từ thuế
xuất nhập khẩu và các khoản thu khác, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động
xuất nhập khẩu, là một biện pháp hữu hiệu đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng
trong nội bộ ngành Hải quan, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy, góp phần tích
cực vào tiến trình hội nhập của đất nước trong khu vực và thế giới.
Trong kế hoạch phát triển công nghệ thông tin và hiện đại hoá Hải quan giai
đoạn 2004 – 2010 đặt ra mục tiêu “Phấn đấu thực hiện tự động hoá quy trình thủ tục
Hải quan trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật trao đổi dữ liệu điện tử
ở những khâu trọng điểm và địa bàn trọng điểm. Đảm bảo hệ thống máy tính nối
mạng thông suốt trong nội bộ ngành Hải quan, giữa cơ quan Hải quan với các cơ
quan có liên quan thuộc Chính phủ, giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp
trọng điểm để thực hiện trao đổi dữ liệu điện tử trong quy trình thủ tục Hải quan.
Chính vì vậy, tôi đã chọn đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại
hoá hoạt động Hải quan tại Cục Hải quan Đồng Nai”.
2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.
- Đề tài nghiên cứu phân tích những ưu, nhược điểm và những hạn chế của
việc ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hoá hoạt động Hải quan tại Cục Hải
quan Đồng Nai, những giải pháp đề xuất sẽ giúp hoàn thiện ngày càng tốt hơn việc
ứng dụng này.


2

- Đề tài nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo cho các học viên của
trường Cao đẳng Tài chính Hải quan và Trường Hải quan Việc Nam trong các môn
học có liên quan. Thông qua đề tài này, các học viên khi ra trường cũng sẽ có những
kiến thức nhất định khi tiếp cận với công việc có liên quan.
- Đề tài nghiên cứu có thể là tài liệu để một số cơ quan, ban ngành có liên
quan tham khảo để ứng dụng làm giảm khối lượng công việc đang phát sinh ngày
càng tăng theo xu thế phát triển trong khi hạn chế về nguồn nhân lực.

3. Mục đích nghiên cứu.
- Tổng quan những nội dung cơ bản về hải quan truyền thống, từ đó khẳng
định sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin trong tiến trình cải cách thủ tục
hành chính, hiện đại hoá hoạt động Hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hoá
và thời gian giải quyết những giấy tờ có liên quan trong bộ hồ sơ Hải quan.
- Phân tích, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm về tình hình thực hiện ứng
dụng công nghệ thông tin và hiện đại hoá hoạt động Hải quan tại Cục Hải quan
Đồng Nai, nhân tố khách quan và chủ quan tác động.
- Đề xuất một số giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công
nghệ thông tin và hiện đại hoá hoạt động Hải quan tại Cục Hải quan Đồng Nai.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
- Các văn bản quy phạm pháp luật và những tài liệu có liên quan đến mảng
đề tài.
- Kinh nghiệm thủ tục Hải quan ở một số nước.
- Thực tế cải cách thủ tục Hải quan tại Việt Nam nói chung và tại Cục Hải
quan Đồng Nai nói riêng trong thời gian qua.
- Tham khảo kinh nghiệm cải cách thủ tục Hải quan của Cục Hải quan
TP.HCM trong thời gian qua.
- Tham khảo ý kiến của doanh nghiệp về cải cách thủ tục Hải quan tại Cục
Hải quan Đồng Nai trong thời gian qua.


3

4.2. Phạm vi nghiên cứu:
- Đề tài thực hiện qua tham khảo việc ứng dụng công nghệ thông tin và hiện
đại hoá Hải quan ở một số nước trên thế giới.
- Đề tài tập trung nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm
2010 đối với hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Tập trung nghiên cứu chủ yếu về một số quy trình nghiệp vụ Hải quan liên
quan đến phần mềm khai báo Hải quan từ xa, phần mềm quản lý loại hình gia công
xuất khẩu, loại hình nhập sản xuất xuất khẩu và phần mềm theo dõi thu lệ phí hải
quan.
5. Phương pháp nghiên cứu.
- Đề tài nghiên cứu dựa trên nguồn tài liệu thu thập được từ trang Website
của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Đồng Nai, các tài liệu thống kê về công nghệ
thông tin và hiện đại hoá Hải quan, các tạp chí như Nghiên cứu Hải quan, báo Hải
quan, Tin học và Thống kê Hải quan,…
- Dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật về Hải quan, các chính sách hiện
hành đối với hoạt động xuất nhập khẩu và các số liệu thu thập được.
- Tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp làm thủ tục Hải quan tại Cục Hải
quan Đồng Nai thời gian qua.
Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, người viết đã sử dụng phương pháp
thống kê, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp một
cách có hệ thống và khoa học, biện chứng để thực hiện đề tài.
6. Bố cục của đề tài.
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, các phụ lục, luận văn
gồm có 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về thủ tục Hải quan và hiện đại hoá hoạt động Hải
quan.
Chương 2: Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hoá hoạt
động Hải quan tại Cục Hải quan Đồng Nai giai đoạn 2000 – 2010.


4

Chương 3: Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ
thông tin và hiện đại hoá hoạt động Hải quan tại Cục Hải quan Đồng Nai.



5

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN
VÀ HIỆN ĐẠI HOÁ HOẠT ĐỘNG HẢI QUAN.
1.1. Thủ tục HQ:
1.1.1. Khái niệm về thủ tục HQ:
Theo Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục HQ (Công ước
Kyoto sửa đổi) thì thủ tục HQ là tất cả các hoạt động tác nghiệp mà bên liên quan
và HQ phải thực hiện nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật HQ.
Theo quy định của Luật HQ Việt Nam tại khoản 6, Điều 4 và Điều 16 thì:
thủ tục HQ là các công việc mà người khai HQ và công chức HQ phải thực hiện
theo quy định của Luật HQ đối với hàng hoá, phương tiện vận tải.
Hay nói cách khác thủ tục HQ là yêu cầu đặt ra đối với chủ thể kiểm tra HQ
và chủ thể bị kiểm tra HQ về những công việc phải làm, những chứng từ, văn bản
có liên quan đến hàng hoá, phương tiện vận tải phải xuất trình và xem xét nhằm
đảm bảo thi hành đúng đắn, nghiêm chỉnh chế độ, chính sách của Nhà nước về quản
lý HQ đối với hoạt động XNK, XNC, quá cảnh.
1.1.2. Trình tự nội dung trong thủ tục HQ:
* Đối với người khai HQ:
- Khai và nộp tờ khai HQ, nộp, xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ HQ. Trong
trường hợp thực hiện thủ tục HQ điện tử, người khai HQ được khai và gửi hồ sơ
HQ thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của HQ;
- Đưa hàng hoá, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định cho việc
kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;
- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp
luật.
* Đối với công chức HQ:



6

- Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ HQ. Trong trường hợp thực hiện thủ tục HQ
điện tử, việc tiếp nhận và đăng ký hồ sơ HQ được thực hiện thông qua hệ thống xử
lý dữ liệu điện tử của HQ;
- Kiểm tra hồ sơ HQ và kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;
- Thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;
- Quyết định việc thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải.
Như vậy để làm thủ tục HQ cho một lô hàng hay phương tiện vận tải, người
khai HQ và công chức HQ phải cùng thực hiện đầy đủ các công việc nêu trên; Và
có thể thực hiện bằng các phương thức khác nhau như thủ công (truyền thống), bán
thủ công (kết hợp giữa thủ công và điện tử), hoặc hoàn toàn bằng điện tử.
Ở nước ta trước đây thủ tục HQ chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ
công (các hồ sơ, chứng từ chủ yếu bằng giấy) hoặc thời gian gần đây kết hợp giữa
thủ công với điện tử (khai báo bằng cách chép dữ liệu vào đĩa mềm sau đó đưa cho
công chức HQ đổ vào chương trình máy vi tính, hoặc khai báo qua mạng Internet.
Cả hai trường hợp này đều phải kèm theo hồ sơ giấy sau đó).
1.1.3. Đối tượng phải làm thủ tục HQ, chịu sự kiểm tra, giám sát HQ:
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HQ về thủ tục HQ, kiểm tra, giám
sát HQ, thì đối tượng phải làm thủ tục HQ, chịu sự kiểm tra, giám sát HQ là hàng
hoá XK, NK, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải XC, NC, quá cảnh; ngoại
hối, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý, văn hoá phẩm, di vật, bưu kiện XK, NK;
hành lý của người XC, NC; các vật phẩm khác XK, NK, quá cảnh hoặc lưu giữ
trong địa bàn hoạt động của cơ quan HQ; phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ,
đường hàng không, đường biển, đường sông XC, NC, quá cảnh, chuyển cảng.
Như vậy có thể thấy rằng đối tượng quản lý của cơ quan HQ theo quy định
tại Điều 2, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ là rất

rộng và sẽ rất khó khăn cho cơ quan HQ thực thi nhiệm vụ.
Trong các đối tượng quản lý nêu trên thì đối tượng phát sinh với khối lượng
ngày càng nhiều chính là hàng hoá XK, NK thương mại. Đây là một trong những


7

vấn đề trọng tâm mà ngành HQ tập trung cải cách về thủ tục để có thể quản lý có
hiệu quả công việc phát sinh ngày càng tăng trong khi biên chế có giới hạn.
1.1.4. Nhiệm vụ của cơ quan HQ:
Cơ quan HQ có nhiệm vụ thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hóa,
phương tiện vận tải; phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên
giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa XK, NK; thống kê hàng
hóa XK, NK; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý Nhà nước về HQ đối với hoạt
động XK, NK, XC, NC, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa XK, NK.
1.1.5. Đối tượng quản lý đối với hàng hoá XK, NK thương mại:
Theo quy định tại mục 1, phần B, Thông tư số 112/2005/TT-BTC ngày
15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục HQ, kiểm tra, giám sát HQ (đã
được thay thế bằng Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009), đối tượng
quản lý đối với hàng hoá XK, NK thương mại bao gồm:
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá;
- Hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất;
- Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu;
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất
hàng xuất khẩu;
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương
nhân nước ngoài;
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;
- Hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới đường bộ;
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thương mại của tổ chức

(không có mã số thuế, mã số kinh doanh xuất nhập khẩu), của cá nhân;
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất;
- Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho bảo thuế;
- Hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập dự hội chợ, triển lãm;


8

- Hàng tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập là máy móc thiết bị, phương tiện
vận tải phục vụ thi công công trình, phục vụ các dự án đầu tư, là tài sản đi thuê, cho
thuê.
Trong các loại hình nói trên, loại hình phát sinh thường xuyên với khối lượng
lớn là: hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá; hàng hoá
xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;
hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân
nước ngoài.
Nếu quản lý thủ công như trước đây thì số lượng biên chế là rất lớn, tuy
nhiên hiệu quả quản lý rất thấp. Chính vì vậy đòi hỏi phải ứng dụng CNTT và hiện
đại hóa HQ mới có thể đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành HQ trong giai đoạn
hiện nay, phù hợp với xu thế phát triển chung của các nước trong khu vực và trên
thế giới.
1.2. Lý luận cơ bản về hiện đại hóa hoạt động HQ:
1.2.1. Sự cần thiết phải hiện đại hoá ngành HQ Việt Nam:
1.2.1.1. Khối lượng công việc tăng lên nhanh chóng:
Những năm qua, khối lượng hàng hoá, dịch vụ XNK, phương tiện vận tải,
hành khách XNC tăng lên nhanh chóng; SX trong nước phát triển với tốc độ cao
vẫn tiếp tục cần NK thiết bị, máy móc và nguyên vật liệu. Kim ngạch hàng hoá XK
tiếp tục gia tăng với con số cao. Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng tiếp tục tăng
với tốc độ cao hơn, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên WTO và tham gia vào
các khu vực mậu dịch tự do. Theo dự báo trong thời gian tới, các chỉ tiêu này sẽ tiếp

tục tăng theo đà tăng trưởng của nước ta, cụ thể như sau:
- XK hàng hoá tăng bình quân trong thời kỳ 2001-2006 là 22,74%/năm; năm
2007 kim ngạch XK đạt 48,56 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2006. Ước năm
2010, tổng kim ngạch XK sẽ đạt 83,76 tỷ USD với tốc độ tăng bình quân 20%/năm;
- NK hàng hoá tăng bình quân trong thời kỳ 2001-2006 là 21,66%/năm; năm
2007 kim ngạch NK 62,68 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2006. Ước năm 2010,
tổng kim ngạch NK sẽ đạt 123,55 tỷ USD với tốc độ tăng bình quân 25%/năm.


9

- Số lượng hành khách XNC năm 2007 đạt khoảng 13,75 triệu lượt (xuất
cảnh 6,73 triệu lượt; nhập cảnh 7,02 triệu lượt). Ước năm 2010, số lượng hành
khách XNC sẽ đạt 23,7 triệu lượt khách XNC/năm (xuất cảnh 11,6 triệu; nhập cảnh
12,1 triệu lượt). Dự báo lượng hành khách XNC bằng đường bộ qua các cửa khẩu
quốc tế đường bộ tăng nhanh, các loại hình du lịch bằng tàu biển cỡ lớn và các
phương tiện khác trở lên phổ biến và thường xuyên cập các cảng Việt Nam.
- Số lượng phương tiện vận tải XNC năm 2007 là 398 nghìn lượt, tăng 26,7%
so với năm 2006 (xuất cảnh 195,5 nghìn lượt; nhập cảnh 202,5 nghìn lượt). Ước
năm 2010, số lượng phương tiện vận tải XNC sẽ đạt 688 nghìn lượt (xuất cảnh 338
nghìn lượt; nhập cảnh 350 nghìn lượt), ngoài việc tăng nhanh về số lượng, đa dạng
về loại hình còn có các loại hình phương tiện vận tải đa chức năng khác.
- Số lượng DN được cấp mã số trên thực tế có tham gia hoạt động XNK năm
2007 là 34 nghìn; với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%. Ước năm 2010, số lượng
DN tham gia hoạt động XNK sẽ đạt 58,5 nghìn DN.
- Tổng số TK hàng hoá XNK năm 2006 đạt 2.319.935 (TK XK là 1.124.614
tờ; TK NK 1.195.321). Tổng số TK XNK năm 2007 là 2.871.000 tờ. Với tốc độ
tăng XNK trung bình giai đoạn 2008-2010 trên 20%, Ước năm 2010 có khoảng 5,1
triệu TK.
1.2.1.2. Do yêu cầu quản lý của ngành HQ:

Trong bối cảnh các cơ quan HQ trên thế giới đều phải thay đổi để thích ứng
với tình hình mới, phức tạp (khủng bố quốc tế, buôn lậu, vận chuyển trái phép chất
thải các loại,…) nhằm mục đích vừa đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động
thương mại quốc tế, ngành HQ Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá,
ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ CNTT và sử dụng các trang thiết bị kỹ
thuật hiện đại trong công tác quản lý đang là xu thế chung của HQ khu vực và thế
giới nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý. Để thực
hiện xu thế này đòi hỏi tính đồng bộ rất cao về thể chế; con người; tổ chức; phương
pháp quản lý,…


10

Trong tình hình biên chế có hạn (tính đến tháng 06/2009, Bộ Tài chính giao
chỉ tiêu biên chế cho toàn ngành HQ là 8900 biên chế) nhưng khối lượng công việc
tăng lên từng ngày, với số lượng biên chế này sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu
công việc giai đoạn 2010 – 2015. Tuy nhiên biên chế ngành HQ không thể tiếp tục
tăng theo tốc độ gia tăng công việc và nếu có cũng không thể quản lý một cách hiệu
quả. Chính vì thế, một vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi tư duy về phương pháp
quản lý, đó là: áp dụng phương pháp QLRR vào nghiệp vụ HQ, chuyển từ tiền kiểm
sang hậu kiểm, phân loại DN dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu sẵn có từ cơ quan HQ và
dữ liệu thu thập được để có đối sách quản lý cho phù hợp.
Mô hình quản lý mà ngành HQ Việt Nam sẽ xây dựng sẽ là mô hình quản lý
HQ hiện đại, tập trung thống nhất được xây dựng trên nền tảng CNTT với các nội
dung: tập trung xử lý thông tin ở cấp Tổng cục và các Cục HQ; công nghệ quản lý
dựa trên kỹ thuật QLRR; sử dụng tập trung và có hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật
hiện đại.
Để xây dựng mô hình này, việc nghiên cứu, học tập mô hình HQ các nước là
việc làm cần thiết, giúp chúng ta tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước đi
trước, tránh được những thất bại, đồng thời có thể rút ngắn được khoảng các với các

nước.
1.2.1.3. Do yêu cầu quản lý của Nhà nước và của cộng đồng DN:
Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế
đòi hỏi ngành HQ phải nâng cao năng lực quản lý để đảm bảo: thực hiện có hiệu
quả chính sách kinh tế của Nhà nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn
chặn buôn bán, vận chuyển hàng cấm có hiệu quả; ngăn chặn các giao dịch thương
mại bất hợp pháp; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách; góp phần bảo vệ trật tự an
toàn xã hội, lợi ích người tiêu dùng, an ninh quốc gia, môi trường.
Hoạt động quản lý Nhà nước về HQ phải đảm bảo thuận lợi, thông thoáng
cho hoạt động XNK, đầu tư, dịch vụ, du lịch,…cụ thể: thủ tục HQ phải đơn giản,
minh bạch; tăng nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá trong giao dịch ngoại thương;


11

thông quan hàng hoá nhanh chóng, giảm thiểu chi phí cho DN; cung cấp thông tin
nhanh chóng, công khai, sự tận tụy của cơ quan quản lý.
1.2.1.4. Do yêu cầu hội nhập và xu hướng phát triển của HQ quốc tế:
Trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, mở rộng các mối
quan hệ song phương và đa phương, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào các diễn
đàn kinh tế thế giới nên các hoạt động XNK hàng hoá, phương tiện vận tải và hành
khách XNC tăng lên nhanh chóng. Chính vì vậy Việt Nam cần phải thực hiện các
yêu cầu, cam kết với các nước, các tổ chức đã tham gia ký kết như APEC, ASEAN,
…Những nội dung công việc mà ngành HQ cần phải thực hiện đó là đơn giản hoá
thủ tục HQ theo công ước Kyoto sửa đổi để phù hợp với yêu cầu quản lý HQ theo
thông lệ quốc tế; thực hiện việc xác định trị giá HQ theo Hiệp định trị giá GATT
nhằm tạo ra một hệ thống xác định trị giá HQ thống nhất phù hợp với các cam kết
quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết; thực hiện công ước
hệ thống mô tả hài hoà và mã hoá hàng hoá (công ước HS); thực hiện cam kết quốc
tế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá (Hiệp định TRIPs); đảm bảo

hệ thống pháp luật về HQ đầy đủ, thống nhất, rõ ràng và công khai, phù hợp với các
cam kết quốc tế, đảm bảo cho các quy định của pháp luật HQ được thực hiện
nghiêm chỉnh, bình đẳng cho mọi đối tượng.
Vì vậy công việc hiện đại hoá HQ, ứng dụng CNTT vào quy trình nghiệp vụ
HQ là một tất yếu để thực hiện các mục tiêu, các cam kết đối với các tổ chức này, vì
lợi ích quốc gia và quốc tế.
1.2.1.5. Sự phát triển của thương mại quốc tế:
Sự phát triển của thương mại quốc tế tiếp tục ngày một tăng cả về nội dung
và hình thức. Toàn cầu hoá và các hiệp định tự do thương mại làm cho kim ngạch
XNK hàng hoá của mỗi quốc gia tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh việc hàng rào
thuế quan được giảm dần theo lộ trình cụ thể thì việc xuất hiện các hình thức bảo hộ
mới như hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn, môi trường, chống bán phá giá, độc
quyền…ngày càng gia tăng và mâu thuẫn sâu sắc. Yêu cầu về vận chuyển, trao đổi
hàng hoá trong thương mại quốc tế phải nhanh chóng và đa dạng các loại hình vận


12

chuyển. Trong khi đó thương mại điện tử và nhiều hình thức thương mại mới như
các loại hình cung ứng và làm dịch vụ cho nước ngoài, kinh doanh qua mạng đã
phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến.
Sự xuất hiện các nguy cơ khủng bố quốc tế, buôn lậu, vận chuyển trái phép
chất thải các loại, chất độc gây nguy hiểm, các chất ma tuý, vũ khí, rửa tiền dưới
nhiều hình thức khác nhau dẫn đến những nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế và bất an
cho lợi ích của cộng đồng.
Trước bối cảnh đó các cơ quan HQ trên thế giới đều phải thay đổi để thích
ứng với tình hình mới, phức tạp nhằm mục đích vừa đảm bảo tạo thuận lợi tối đa
cho hoạt động thương mại quốc tế qua việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, đầu tư
trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNTT trong quản lý HQ hiện đại vừa phải đảm bảo
việc chấp hành và tuân thủ các quy định của luật pháp HQ nhằm đảm bảo an ninh,

lợi ích kinh tế quốc gia, đảm bảo an toàn cho dây chuyền cung ứng thương mại
quốc tế.
1.2.2. Lợi ích của việc ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục HQ:
Công nghệ thông tin là phương tiện giúp cho cơ quan HQ thực hiện tốt
nhiệm vụ kiểm tra giám sát và thu thuế của mình. Để tiến đến thống nhất chung
trong các biện pháp, chính sách tác động vào giao lưu và thương mại thế giới, tổ
chức HQ thế giới (WCO) khuyến khích HQ các nước áp dụng CNTT vào nghiệp vụ
HQ.
Nhận thấy rằng hầu hết mọi thông tin cần thiết phục vụ quản lý HQ đều có
mặt trong các hệ thống thông tin của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước
khác. Ngày nay hầu hết HQ các nước tiên tiến trên thế giới đã chuyển trọng tâm từ
kiểm tra hàng hoá sang kiểm tra các thông tin trên các chứng từ văn bản được xuất
trình hoặc chuyển đến hệ thống thông tin HQ qua mạng và giảm tỷ lệ kiểm hoá. Để
thực hiện được điều này nhằm đáp ứng yêu cầu nhu cầu thương mại, tăng khả năng
cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế, phương pháp hiệu quả
nhất mà chúng ta đang áp dụng là tập trung tất cả thủ tục HQ tại các Chi cục HQ.


13

Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, các giấy tờ mà DN phải xuất trình
với cơ quan HQ đã giảm xuống. Với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp
vụ giúp cơ quan HQ nhận được đầy đủ, kịp thời thông tin trước khi ra quyết định và
có thể sẽ thay thế cán bộ HQ thực hiện một số công việc khác.
Một số lợi ích từ việc ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục HQ:
* Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của cơ quan HQ: kiểm
tra giám sát HQ nhằm chống thất thu thuế, buôn lậu và gian lận thương mại. Với
nguồn lực có hạn, cơ quan HQ không thể thực hiện việc kiểm tra tất cả các lô hàng
XNK như trước đây. Vì vậy để thực hiện chức năng kiểm tra giám sát của mình, cần
phải lựa chọn một tỷ lệ kiểm hoá nhất định. Hiện nay các Chi cục HQ đã dựa vào hệ

thống QLRR xác định mức độ chấp hành pháp luật và nợ đọng thuế của DN để
quyết định tỷ lệ và hình thức kiểm hoá. Tuy nhiên khi đưa HQ điện tử vào áp dụng
một cách đầy đủ tại các khâu nghiệp vụ thì quyết định tỷ lệ kiểm hoá được thực
hiện trên cơ sở nhiều thông tin hơn. Những bằng chứng và thông tin mà cơ quan HQ
thu thập được đều đưa vào máy vi tính để xử lý một cách có hệ thống, chính xác và
thường xuyên phục vụ cho quá trình ra quyết định nhờ đó tăng khả năng phát hiện
các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại.
* Nâng cao hiệu quả công tác thông quan hàng hoá XNK: một trong
những lợi ích chính mà quản lý HQ điện tử mang lại đối với cơ quan HQ là nâng
cao hiệu quả công tác thông quan, cụ thể:
- Tăng năng suất lao động cho cả cơ quan HQ lẫn DN tham gia hoạt động
XNK.
- Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
- Giảm chi phí cho cả cơ quan HQ lẫn DN tham gia hoạt động XNK do:
+ Giải phóng hàng nhanh;
+ Thông tin kịp thời, chính xác hơn;
+ Khả năng thi hành pháp luật tốt hơn;
+ Giảm ách tắc hàng hoá tại cảng hay cửa khẩu và sân bay.


14

- Cho phép DN đăng ký tờ khai trước khi hàng hoá về cảng, điều này cho
phép cơ quan HQ thông qua hệ thống QLRR xác định được tỷ lệ kiểm tra hàng hoá
đối với lô hàng nhập khẩu.
* Thực hiện quy trình quản lý thống nhất: các quy định quản lý đối với
hoạt động XNK được ban hành bởi nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Nếu quản lý
một cách thủ công, cơ quan HQ sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể thực hiện đúng
tất cả các quy định hiện hành liên quan đến thủ tục thông quan hàng hoá XNK. Khi
ứng dụng quản lý HQ điện tử, mọi thủ tục HQ đều thực hiện theo một cách thống

nhất. Theo đó các chủ thể hoạt động XNK đều được đối xử bình đẳng như nhau.
* Nâng cao hiệu quả công tác thu thuế: Đối với nước ta, số thuế do cơ
quan HQ mang lại chiếm khoảng 25% nguồn thu Ngân sách quốc gia. Tính và thu
thuế đầy đủ có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế đất nước. Tự động hoá quá
trình thu thuế giúp cho việc tính và thu thuế được kịp thời, đồng thời phát hiện và
giải quyết nhanh chóng đối với các khoản nợ thuế lớn hoặc có khả năng khó đòi.
Nếu công việc này được thực hiện thủ công thì việc theo dõi thu thuế và nợ thuế trở
nên khó khăn và dễ dẫn đến thất thu.
* Nâng cao chất lượng số liệu thống kê ngoại thương: Luật HQ quy định,
HQ có chức năng thống kê nhà nước về HQ. Là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc
gia về hàng hoá XNK, thông tin do cơ quan HQ cung cấp rất quan trọng đối với sự
điều hành kinh tế vĩ mô của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên nếu không sử
dụng CNTT thì công việc này rất khó thực hiện được, quản lý HQ điện tử cho phép
ngay lập tức có thể truy cập và cập nhật các thông tin về hàng hoá XNK.
* Nâng cao chất lượng số liệu thu thập và lưu trữ thông tin: Một ích lợi
nữa mà quản lý HQ điện tử mang lại là kiểm tra được giá trị và độ tin cậy của thông
tin trong quá trình thu thập và lưu trữ thông tin. Nếu biết được các thông tin ngay
khi hàng hoá còn nằm trong phạm vi kiểm tra giám sát của cơ quan HQ thì sẽ dễ
dàng xử lý trong trường hợp có mâu thuẫn phát sinh.
1.2.3. Những nội dung cơ bản về hiện đại hoá hoạt động HQ:
1.2.3.1. Chương trình cải cách thể chế:


15

- Xây dựng và thực hiện thủ tục HQ đơn giản, phù hợp với các tiêu chuẩn và
tập quán quốc tế, cam kết quốc tế liên quan đến hoạt động HQ như: Công ước
Kyoto sửa đổi, Hiệp định trị giá GATT, Công ước HS, Hiệp định TRIPs,…
- Đổi mới phương pháp quản lý, chuyển từ phương pháp quản lý truyền
thống sang quản lý hiện đại dựa trên kỹ thuật QLRR.

1.2.3.2. Chương trình hiện đại hoá CNTT:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và thực hiện quản lý bằng phương pháp
điện tử. Trang thiết bị kỹ thuật cần thiết cho lực lượng làm công tác giám sát quản
lý, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
- Phát triển hệ thống ứng dụng, nghiên cứu thiết kế tổng thể, trên cơ sở đó
từng bước phát triển các ứng dụng phục vụ cho mô hình quản lý HQ hiện đại, cụ
thể: hệ thống tự động hoá thông quan hàng XK; Hệ thống tự động hoá thông quan
hàng NK; Hệ thống quản lý hàng hoá NK; Hệ thống quản lý hàng hoá XK; Hệ
thống khai HQ điện tử; Hệ thống quản lý thuế điện tử; Hệ thống thông tin phục vụ
dự báo, phân tích, đánh giá nguồn thu; Hệ thống thông tin tình báo HQ; Hệ thống
thông tin quản lý DN.
- Hoàn thiện việc tích hợp các cơ sở dữ liệu phục vụ cho truy cập, khai thác.
- Đầu tư và nâng cấp các trang thiết bị, đường truyền CNTT hiện đại để phục
vụ cho công tác thông quan điện tử.
1.2.3.3. Chương trình cải cách tổ chức bộ máy:
- Xây dựng tổ chức bộ máy và phương pháp điều hành, quản lý phù hợp với
yêu cầu quản lý HQ hiện đại.
- Tái cơ cấu hệ thống tổ chức: sắp xếp lại các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục
Hải quan, khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, hình thành
hệ thống Cục Hải quan liên tỉnh, thành phố, kịp thời đáp ứng yêu cầu tái thiết kế
quy trình thủ tục hải quan và làm cơ sở cho việc hướng tới mô hình quản lý hải
quan hiện đại.
- Quản lý nguồn nhân lực: hoàn thành việc chuẩn bị một số điều kiện căn bản
để thực hiện quản lý nguồn nhân lực theo phương thức tiên tiến, hiện đại.


16

1.2.3.4. Chương trình chuẩn hoá và đào tạo nghiệp vụ cán bộ HQ:
- Xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ công chức HQ có kỷ luật, trung thực,

chuyên môn nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp và có tinh thần phục vụ văn minh lịch
sự.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: triển khai chiến lược đào tạo với các nội
dung chủ yếu như xây dựng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; hoàn thiện đội ngũ giáo viên,
giáo trình; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực, phù hợp với tiến trình hiện đại
hóa và tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ hải quan.
1.3. Kinh nghiệm thủ tục HQ ở một số nước:
1.3.1. Kinh nghiệm HQ Nhật Bản:
Nói đến Nhật Bản ai cũng biết là một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát
triển vượt trội so với các nước phát triển khác. Hầu hết trên tất cả các lĩnh vực kinh
tế - xã hội, trong đó có HQ đều hiện đại hoá. Nhờ vào máy móc, thiết bị công nghệ
tiên tiến đã làm cho Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc về tự động
hoá hoạt động HQ.
Ngay từ những năm cuối thập kỷ 1980, Nhật Bản đã áp dụng hệ thống thông
quan hàng hoá tự động quốc gia NACCS (Nippon Automated Cargo Clearance
System) bao gồm 11 lĩnh vực trong đó có HQ. NACCS gồm 02 hệ thống: SEANACCS và AIR-NACCS làm thủ tục HQ đường biển và đường hàng không. Nhưng
NACCS không thể thay thế toàn bộ hoạt động của HQ mà dựa vào tính năng của
nó, HQ Nhật Bản đã nghiên cứu thiết lập một loạt các hệ thống “chuyên ngành”
bằng các phần mềm tương thích để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ. Trong đó, hệ thống
dữ liệu tình báo HQ CIS (Customs Intelligence Database System) là một trong
những chương trình ứng dụng hữu hiệu nhất hiện nay phục vụ cho công tác kiểm tra
sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, chống gian lận thương mại…thông qua
việc khai thác nguồn dữ liệu kết nối trực tuyến với NACCS.
Quy trình tiếp nhận khai báo trên NACCS:
- Mọi khai báo của DN được lưu tại CSDL của NACCS.


17

- NACCS kết nối với hệ thống hỗ trợ ra quyết định (Selectivity System) và

hệ thống thông tin tình báo (CIS) thông qua mạng WAN của HQ.
- Khi nhận được thông điệp điện tử từ phía DN, NACCS gửi yêu cầu tới Hệ
thống hỗ trợ ra quyết định và hệ thống này sẽ truy vấn thông tin từ CIS để có thể ra
quyết định hình thức kiểm tra. Có 03 mức kiểm tra: miễn kiểm tra (No
Examination); kiểm tra chứng từ (Documentary Examination); kiểm tra thực tế
hàng hoá (Physical Examination).
Sau khi ra quyết định kiểm tra, Hệ thống hỗ trợ ra quyết định sẽ gửi thông
điệp tới NACCS và NACCS sẽ gửi các thông điệp, lệnh giải phóng hàng tới các
DN. Các thông điệp này sẽ được in ra từ hệ thống NACCS hoặc từ các trạm đầu
cuối (Terminal) tại trụ sở DN và là chứng từ pháp lý dạng văn bản (Legal
document). DN chỉ cần xuất trình những giấy tờ này để làm thủ tục thông quan
hàng hoá.
Nhật Bản có một đặc điểm rất khác với các nuớc là việc làm thủ tục HQ phần
lớn được thực hiện thông qua các đại lý. Điều này đã tạo thuận lợi cho công tác
quản lý của HQ Nhật Bản.
Vấn đề ưu tiên, thứ tự giải quyết những mục tiêu trong quá trình đổi mới
hoạt động HQ cũng được tính toán với những bước đi khoa học và sát thực. Chẳng
hạn, ngay từ đầu HQ Nhật Bản đã đề ra các mục tiêu: tiêu chuẩn hoá, thống nhất
hoá và hiện đại hoá. Song tiêu chuẩn hoá và thống nhất hoá phải đi trước hiện đại
hoá. Tiêu chuẩn hoá là sự định lượng các nguyên tắc luật lệ HQ để tuân thủ nên
càng cụ thể, chính xác minh bạch bao nhiêu thì thực hiện càng dễ dàng chặt chẽ bấy
nhiêu. Vì vậy, bước đi đầu tiên là phải đưa ra những quy định mang tính chuẩn mực
về nguyên tắc thủ tục để cơ quan HQ cũng như các đối tượng XNK dễ dàng tuân
thủ. Ví dụ như hồ sơ hàng hoá, thủ tục thông quan, trách nhiệm pháp lý,…, cần phải
được xác định thành hệ thống các tiêu chí cụ thể để áp dụng thống nhất trong cả
nước. Trên cơ sở đó phải nhanh chóng hiện đại hoá, ứng dụng CNTT để từng buớc
thay thế phương pháp quản lý thủ công truyền thống.


18


Tuy nhiên theo HQ Nhật Bản, hiện đại hoá HQ không chỉ dựa vào máy móc
công nghệ hiện đại mà còn phải phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng khác nữa,
trong đó con người vẫn đóng vai trò quyết định. Công tác đào tạo nguồn nhân lực
luôn ở vị trí hàng đầu và xuyên suốt. Hệ thống đào tạo của HQ Nhật Bản được thiết
lập từ Trung ương đến địa phương, gồm 01 Học viện HQ quốc gia ở Kashiwa (cách
thủ đô Tokyo 30 km) và các phân viện ở 9 vùng HQ trong cả nước: (Tokyo, Kobe,
Moji, Nagaski, Okinawa, Hakodate, Yokohama, Nagoya và Osaka), với 195 đơn vị
trực thuộc, bao gồm hải quan tỉnh, thành phố và các phân, chi vùng (tương đương
với cấp Chi cục của Hải quan Việt Nam). Trong đó, Học viện tập trung đào tạo về
lý thuyết và những vấn đề mang tính học thuật, còn các Phân viện cấp vùng tập
trung đào tạo thực tế mang tính “cầm tay chỉ việc”. Đây chính là phương pháp tạo
sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành rất cần thiết trong giáo dục đào tạo chuyên
ngành HQ. Vấn đề chuyên môn hoá và tập trung kiến thức chuyên sâu cho cán bộ
công chức cũng được quan tâm đặc biệt, chẳng hạn, trong công tác phân loại hàng
hoá, mỗi công chức được phân công cụ thể chuyên phụ trách một vài chương HS
(Hệ thống hài hoà về Mô tả và Mã hoá hàng hoá); công tác xác định trị giá, mỗi
công chức chuyên nghiên cứu sâu một phương pháp; công tác kiểm tra sau thông
quan, mỗi công chức được phân công theo dõi một hoặc vài ngành hàng XNK, một
hoặc vài DN cụ thể.
Không chỉ đào tạo chuyên về kỹ thuật nghiệp vụ, học viên phải qua đào tạo
về kỹ năng quản lý chuyên ngành để hiểu biết công việc cụ thể, phạm vi, trách
nhiệm đến đâu và cần phải kiểm soát chúng như thế nào? Đối với công chức lãnh
đạo, chương trình đào tạo về kỹ năng quản lý được đầu tư sâu hơn. Theo đó công
chức lãnh đạo phải là người biết sắp xếp, điều hành công việc khoa học, kiểm soát
nhân viên,…, vì vậy, các công chức từ thấp đến cao, trước khi bổ nhiệm đều phải
qua các lớp đào tạo để trở thành người lãnh đạo biết quản lý.
Với quy mô đào tạo lớn như vậy, song đội ngũ giảng viên chủ yếu vẫn là
những cán bộ kiêm nhiệm trong ngành. Để có được đội ngũ giảng viên đủ về số
lượng, đảm bảo về chất lượng, HQ Nhật Bản áp dụng phương pháp tạo nguồn “hai



19

trong một”. Giảng viên chính là công chức kiêm nhiệm làm việc ở các đơn vị HQ,
có năng lực, trình độ, am hiểu sâu lĩnh vực cụ thể và có khả năng sư phạm.
1.3.2. Kinh nghiệm HQ Ấn Độ:
Với lợi thế là một nước phát triển CNTT hàng đầu thế giới, ngành HQ Ấn
Độ đã trang bị cho mình những điều kiện cần thiết để xây dựng một hệ thống HQ
điện tử hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi thương mại cho hoạt
động XNK của đất nước, phù hợp với các cam kết thương mại của WTO và các
hiệp định song phương và đa phương khác.
Ngay từ những năm 1993, Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên của khu
vực Châu Á đưa tự động hoá vào quy trình kiểm soát HQ và sử dụng trao đổi dữ
liệu điện tử. Cho đến nay, hơn 90% các Cục HQ địa phương đã có cổng thông tin
điện tử, nhờ đó DN không cần phải đến để mở tờ khai trực tiếp mà thực hiện việc
kết nối với HQ thông qua mạng điện tử.
Theo số liệu báo cáo, hiện có khoảng 70% lượng hàng hoá XNK được miễn
kiểm khi thông quan. Tuy nhiên trong những trường hợp có nghi vấn, HQ Ấn Độ
vẫn có thể can thiệp trực tiếp thông qua việc kiểm tra hàng hoá. Để hỗ trợ cho công
tác quản lý rủi ro, HQ Ấn Độ đã xây dựng bộ tiêu chí rủi ro hoàn chỉnh áp dụng kỹ
thuật cũng như đưa các máy móc hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ thực tế như hệ
thống máy tính được kết nối với máy chủ hiện đại, sử dụng đường truyền có tốc độ
cao, máy soi containner… Bên cạnh đó khâu kiểm tra sau thông quan cũng góp
phần hạn chế rủi ro, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Ước tính khoảng 10%
tổng lượng hàng hoá XK, NK sau khi thông quan được tiến hành KTSTQ. Việc áp
dụng phương thức quản lý rủi ro hiện đại một mặt tạo thuận lợi thương mại nhưng
mặt khác vẫn giúp cho ngành HQ thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với
hàng hoá XK, NK.
Nhờ sử dụng đường truyền tốc độ cao, mạng nội bộ kết nối được với tất cả

các Cục HQ địa phương. Từ tháng 12/2005, hệ thống QLRR được vận hành trên cả
nước. Đối với hàng hoá NK, sau khi DN mở TK và gửi bộ hồ sơ hoàn chỉnh qua
mạng Internet, cán bộ HQ có trách nhiệm kiểm tra bộ hồ sơ, xác định lại trị giá, nếu


20

không có vấn đề gì, lô hàng sẽ được báo tín hiệu cho thông quan ngay. Trong
trường hợp phát hiện nghi vấn, hệ thống máy sẽ báo tín hiệu tới người lãnh đạo để
quyết định hình thức kiểm tra. Đối với lô hàng XK, hệ thống máy sẽ xác định để
cho thông quan hay không. Để có được một hệ thống điện tử như hiện nay, HQ Ấn
Độ cũng phải trải qua một thời kỳ chuyển đổi công nghệ, tích hợp các phần mềm
riêng lẻ thành một hệ thống hiện đại đồng nhất bằng cách tiêu chuẩn hoá các hoạt
động nghiệp vụ. Thêm vào đó, việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng
như Công an, Ngân hàng … cũng phải theo một tiêu chuẩn chung, thống nhất và tạo
dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên. Chẳng hạn như khi một nhà NK mở TK
HQ và khai báo tất cả các thông tin cần thiết trên mạng, hệ thống điện tử sẽ tự động
truyền đến cổng thông tin điện tử của HQ, tại đây có thể có một yêu cầu xử lý bằng
hệ thống chỉ đạo ngắn rồi chuyển sang hệ thống QLRR, hệ thống này sẽ tham khảo
cơ sở dữ liệu của hệ thống Ngân hàng để xác định số tiền mà nhà NK thực tế
chuyển vào Ngân hàng để thanh toán với phía đối tác nước ngoài, sau khi có đầy đủ
thông tin hệ thống QLRR sẽ đưa ra quyết định cuối cùng có cho thông quan hàng
hoá hay không và hình thức kiểm tra là như thế nào. Do đó các DN cũng phải tự
nâng cấp hệ thống mạng của mình, sử dụng công nghệ hiện đại tương thích, nếu
không thì không thể truy cập hệ thống và thực hiện việc khai báo HQ được.
1.3.3. Kinh nghiệm HQ Malaysia:
Mục tiêu của HQ Malaysia là phấn đấu trở thành cơ quan HQ hiện đại ngang
tầm thế giới, đảm bảo công tác quản lý HQ, thu thuế (thuế XK, NK và thuế nội địa);
tạo thuận lợi nhất về thủ tục HQ cho cộng đồng DN và tham gia góp phần cùng cơ
quan khác nâng cao bảo vệ nền kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia. Để thực hiện

đựoc các mục tiêu trên, HQ Malaysia đã chọn hướng tự động hoá các thủ tục HQ
với việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại như CNTT, kỹ thuật QLRR, …, làm bước
khởi điểm cho việc thực hiện chiến lược hiện đại hoá của mình và nhiệm vụ quan
trọng này được giao cho Cục CNTT.
Để tạo ra một cơ sở hạ tầng CNTT thống nhất và chuẩn hoá các vấn đề liên
quan đến trao đổi dữ liệu điện tử trong toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện chiến


21

lược chính phủ điện tử mà trong đó HQ điện tử là một thành phần quan trọng, năm
1995, Chính phủ Malaysia chỉ định Công ty tư nhân Dagang Net Technologies Sdn
Bhd xây dựng hạ tầng mạng Dagang Net để thực hiện mục đích này. Hiện nay tất cả
các giao dịch điện tử giữa cơ quan HQ với cộng đồng DN, với cơ quan khác đều
thông qua mạng Dagang Net, không có trường hợp kết nối trực tiếp với cơ quan
HQ. Dagang Net sẽ chịu trách nhiệm về việc quy định chuẩn dữ liệu khai HQ điện
tử và giải quyết mọi việc nếu có xảy ra tranh chấp giữa người khai HQ với cơ quan
HQ đối với việc trao đổi thông tin. Ngoài ra, tham gia hệ thống thông tin của HQ
còn có các đối tác thương mại như: đại lý vận tải, cơ quan giao nhận, ngân hàng,
các cơ quan quản lý của Chính phủ, …
Việc khai HQ có thể thực hiện một trong 3 hình thức như sau:
- Sử dụng phần mềm khai HQ của Dagang Net hoặc của bên thứ 3 nhưng
phải được sự đồng ý của Dagang Net để đảm bảo tính tương thích.
- Sử dụng Website của Dagang Net.
- Đối với các DN nhỏ, không thường xuyên XNK thì có thể khai trên mẫu
theo quy định, sau đó đem tới Dagang Net để nhập dữ liệu vào hệ thống.
Các đơn vị tham gia khai điện tử phải trả phí giao dịch điện tử, việc tính phí
được dựa trên cơ sở dung lượng của mỗi giao dịch, cụ thể là 1.2RM/1KB (Ringit
Malaysia).
Nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin HQ Malaysia được giao cho công ty

NEC của Nhật Bản và công ty Edaran Pte Ltd (đối tác của NEC Japan) phối hợp
xây dựng, bên cạnh đó các công ty này còn có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị
phần cứng, hệ thống phần mềm (CIS), dịch vụ bảo hành. Để đảm bảo khả năng xử
lý, các hệ thống này đều được thiết kế để triển khai trên các hệ thống máy tính lớn.
Hệ thống thông tin HQ bao gồm 2 phần:
- Hệ thống trao đổi thông tin EDI: dùng để phục vụ cho việc trao đổi dữ liệu
điện tử với các bên liên quan thông qua trung gian là Dagang Net.


22

- Hệ thống tác nghiệp HQ: phục vụ cho công tác nghiệp vụ của HQ, như tiếp
nhận và đăng ký TK, thông quan điện tử, khai thác thông tin, trả lời các yêu cầu
truy vấn thông tin,…
Các bên khi tham gia đều được kết nối trực tuyến với hệ thống của HQ, hạ
tầng mạng được kết nối thông suốt từ Trung tâm dữ liệu của Tổng cục đến các
Trung tâm dữ liệu khu vực và các điểm thông quan hàng hoá.
Nhờ vào hệ thống này, hiện nay 100% việc khai HQ đối với hàng XK được
thực hiện bằng phương tiện điện tử và người khai không cần nộp hay xuất trình
chứng từ giấy. Tuy nhiên việc khai HQ đối với hàng NK do hệ thống khai vận đơn
chưa hoàn thiện và việc kết nối với một số hệ thống của cơ quan khác chưa thực
hiện được nên thủ tục NK vẫn tồn tại song song TK điện tử và tờ khai giấy (được
DN in ra từ hệ thống).
Những kinh nghiệm từ HQ Malaysia:
- Có kế hoạch chiến lược phù hợp và kế hoạch triển khai hằng năm mang
tính chuyên nghiệp, được tổ chức xây dựng một cách bài bản, đóng một vai trò rất
quan trọng đối với HQ Malaysia.
- Công tác triển khai hợp lý: quá trình triển khai xây dựng ứng dụng CNTT,
HQ Malaysia đã thực hiện theo từng giai đoạn với quy mô tăng dần. Giai đoạn đầu
triển khai trước tại 01 khu vực với tất cả các loại hình XNK (nhưng riêng NK chỉ

làm tại một cảng).
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xử lý các mối quan hệ, tư vấn, hướng
dẫn công chúng, làm cho công chúng hiểu rõ hơn về hoạt động của HQ và trách
nhiệm của chính họ. HQ Malaysia đã có một bộ phận chuyên làm những công việc
này từ 20 năm qua và trực thuộc Tổng cục trưởng.
- Chuẩn bị lực lượng có trình độ cao: xác định con người đóng vai trò quan
trọng và trung tâm nên HQ Malaysia đã đầu tư xây dựng một đội ngũ chuyên gia
giỏi, cử đi đào tạo tại Tổ chức HQ thế giới (WCO) và các nước phát triển trên thế
giới.


23

1.3.4. Kinh nghiệm của HQ Hàn Quốc:
Hàn Quốc là cơ quan tiên phong trong ứng dụng hệ thống khai báo và trao
đổi dữ liệu điện tử (EDI) ra cộng đồng DN. Vào cuối những năm 80, HQ Hàn Quốc
đã có kế hoạch xây dựng hệ thống thông quan tự động dựa trên công nghệ EDI.
Năm 1994, hệ thống thông quan tự động hàng hoá XK được đưa vào vận hành. Sau
đó, năm 1996, hệ thống thông quan tự động hàng hoá NK cũng được đưa vào vận
hành. Đến năm 1997, HQ Hàn Quốc đã triển khai hệ thống EDI phục vụ cho công
tác quản lý hàng hoá kho ngoại quan và xử lý các vấn đề có liên quan đến công tác
hoàn thuế.
Hàn Quốc có 06 Hải quan vùng là Seoul, Busan, Incheon, Taegu, Kwanggju
và Kimpo. Hệ thống tự động hoá của HQ Hàn Quốc được vận hành tập trung tại
một trung tâm xử lý dữ liệu đặt tại cơ quan HQ trung ương Deajoon. Các địa điểm
làm thủ tục HQ kết nối với hệ thống thông qua mạng diện rộng và sử dụng chương
trình tại Trung tâm xử lý để thực hiện thủ tục HQ điện tử. Hệ thống tự động hoá của
HQ Hàn Quốc kết nối với cơ quan truyền nhận dữ liệu (VAN) KT-NET để trao đổi
chứng từ điện tử với các bên có liên quan như người vận tải, giao nhận, Ngân hàng,
chủ hàng, kho ngoại quan, cơ quan quản lý nhà nước quản lý chuyên ngành để cấp

giấy phép, cảnh sát, HQ các nước.
- Hệ thống EDI đối với hàng hoá XK (CEDIX):
Hệ thống được kết nối với các DN, đại lý khai thuê, Ngân hàng và các cơ
quan khác có liên quan đến HQ, cho phép các cơ quan này khai báo HQ và nhận kết
quả xử lý thông qua hệ thống máy vi tính. Hệ thống này cũng được liên kết với
nhiều hệ thống như hệ thống thống kê thương mại, hệ thống vận tải kho ngoại quan,
hệ thống quản lý hoàn thuế,…
- Hệ thống EDI đối với hàng hoá NK (CEDIM):
Cũng giống như hệ thống CEDIX, hệ thống CEDIM được kết nối với nhiều
cơ quan có liên quan đến cơ quan HQ. Hệ thống này bao gồm các phân hệ như
thông quan HQ NK, thu thuế, chọn lựa rủi ro, cơ sở dữ liệu thông quan và vận tải
kho. Hệ thống cho phép các nhà NK hoàn tất các thủ tục NK thông qua mạng máy


24

tính và sử dụng hệ thống đăng ký trước để khai báo trước hàng hoá đến, vì vậy hàng
hoá có thể được giải phóng ngay lập tức khi đến cảng. Đồng thời hệ thống cũng
cung cấp những công cụ cho phép tra cứu, tìm hiểu các thông tin có liên quan đến
việc thanh toán thuế và dịch vụ thanh toán thuế sau khi hàng hoá đã thông quan.
Các hệ thống của Ngân hàng cũng đuợc kết nối với hệ thống EDI của HQ nhằm
theo dõi tình hình nộp thuế của DN. Sự tách biệt giữa thủ tục NK với thủ tục thanh
toán thuế cho phép thông quan nhanh hơn và làm giảm gánh nặng tài chính cho các
DN.
Việc sử dụng hai hệ thống trên đã mang lại những lợi ích to lớn như thông
quan hàng hoá nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với hàng XK, thời
gian thông quan trung bình khoảng 30 giây cho một lô hàng, tiết kiệm được trung
bình khoảng 3,95 giờ/lô hàng. Đối với hàng NK, thời gian thông quan trung bình
khoảng 3,5 giờ, tiết kiệm được trung bình 05 giờ/lô hàng. Tổng thời gian mỗi năm
tiết kiệm được 19,3 triệu giờ làm việc.

Nhờ áp dụng hai hệ thống trên cũng đã giảm được nguồn nhân lực đáng kể.
Những nhân viên này được điều chuyển sang những bộ phận đang thiếu và những
bộ phận đang thực hiện công việc thủ công.
Hiện nay, tại Hàn Quốc, 100% hàng hoá XK, NK đều được thực hiện thông
qua thủ tục HQ điện tử, trong đó 96% hàng hoá XK không cần nộp hồ sơ giấy, còn
đối với hàng NK, tỉ lệ này là 80%.
1.3.5. Kinh nghiệm HQ Slovenia:
Trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan Slovenia (CARS) luôn chú
trọng tới hài hoà các quy định pháp luật và đơn giản quy trình thủ tục HQ. Được
thành lập ngày 25/06/1991 đến nay CARS đã trở thành một trong những cơ quan
thực thi pháp luật có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Slovenia. Nhiệm vụ chính
của HQ Slovenia là quản lý và thu thuế HQ, thuế gián thu và thuế Giá trị gia tăng
đối với hàng NK. Về tổ chức CARS là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên
CARS luôn có sự độc lập tương đối trong thực thi các nhiệm vụ của mình. Điều này
thể hiện rõ nét nhất qua sự chủ động trong hoạt động của các Cục HQ vùng. Đứng


×