Trầm cảm và bệnh phổi tắc
nghẽn mạn tính
Mùa đông thường thiếu ánh nắng, cây cỏ ủ ê nên dễ làm cho con người bị
trầm cảm hơn, nhất là dạng trầm cảm theo mùa. Trong tiết trời lạnh lẽo, người bị
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có nguy cơ bị nặng hơn. Hai chứng bệnh này
liệu có liên quan với nhau không?
Trầm cảm
Trầm cảm là một trạng thái rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc, là một căn bệnh
thật sự mà nguyên nhân có thể là do mất cân bằng các hóa chất trong não.
Có nhiều yếu tố giữ vai trò trong việc gây ra trầm cảm: di truyền, môi
trường, các biến cố trong cuộc sống, một số bệnh, và cách mà con người phản ứng
với những việc xảy ra trong cuộc sống của họ.
Trầm cảm còn được xem là một bệnh di truyền. Di truyền là một yếu tố gây
trầm cảm nhưng phải có các biến cố trong cuộc sống kích hoạt trầm cảm, chẳng
hạn bị mất việc, thất vọng lớn, có người thân bị chết…
Môi trường gia đình và xã hội căng thẳng có thể gây ảnh hưởng đến sự tự
tin và dẫn đến trầm cảm. Sử dụng và lạm dụng rượu, ma túy... có thể làm thay đổi
sự cân bằng các hóa chất trong não và gây ra trầm cảm. Một số bệnh (chẳng hạn
bệnh suy chức năng tuyến giáp trạng) có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết
tố, vì vậy có thể ảnh hưởng trên tính khí con người.
Người bị trầm cảm có thể có những triệu chứng sau:
• Tâm trạng bị đè nén: cảm thấy buồn bã, trống rỗng hay thường xuyên
khóc.
• Giảm hứng thú với tất cả hay hầu như tất cả các hoạt động hàng ngày.
• Thay đổi thể trạng: tăng hoặc giảm cân thái quá.
• Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
• Mất năng lượng và luôn cảm thấy mệt mỏi.
• Luôn muốn xa lánh bạn bè và gia đình.
• Dễ bị kích thích, giận dữ, lo lắng.
• Không có khả năng tập trung tư tưởng.
• Cảm thấy đau nhức nhưng không tìm ra bệnh lý gì gây đau nhức.
• Nghĩ đến cái chết hay có ý đồ tự tử.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Một cách ngắn gọn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuật ngữ dùng để chỉ
tình trạng đường dẫn khí của hệ hô hấp dưới (các phế quản) bị tắc nghẽn, gây khó
thở, nhưng không phải là hen suyễn. Giới hạn dòng khí thường có tính chất tiến
triển và đi kèm với đáp ứng viêm bất thường của phổi khi tiếp xúc với các chất
độc hại. Khác với hen suyễn, giới hạn dòng khí trong COPD là không thể hoàn
toàn hồi phục được.
• Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây COPD. Yếu tố nguy
cơ thuộc về di truyền được ghi nhận nhiều nhất là sự thiếu hụt trầm trọng alpha-1
antitrypsin. Những nguy cơ khác là bụi và hóa chất tại nơi công việc (khí hơi, chất
kích thích và khói); ô nhiễm không khí trong nhà do khí đốt sử dụng để nấu ăn và
sưởi ấm; ô nhiễm không khí ngoài, nhất là tại những thành phố công nghiệp và
nạn kẹt xe trầm trọng liên quan đến tổng các chất được hít vào mà một người hay
gặp phải trong đời.
Thêm vào đó, mọi yếu tố ảnh hưởng sự phát triển của phổi trong thời kỳ
bào thai và thời niên thiếu (sinh thiếu cân, bị nhiễm trùng đường hô hấp,…) đều có
khả năng gia tăng nguy cơ phát triển COPD.
Triệu chứng của COPD là ho, khạc đàm và khó thở. Thời gian đầu, hiện
tượng khó thở xảy ra khi gắng sức (ví dụ khi đi cầu thang lên lầu) sau đó tình trạng
nặng lên, bệnh nhân khó thở ngay cả lúc nghỉ ngơi.
Đợt cấp COPD là tình trạng bệnh nhân COPD đang ổn định bỗng bị rơi vào
cơn diễn tiến xấu với các triệu chứng nặng nề hơn, phải được điều trị tích cực tại
bệnh viện mới tránh được tử vong.
Trầm cảm có thể làm nặng tình trạng COPD
Tỷ lệ người bị COPD đồng thời mắc bệnh trầm cảm ước tính trong khoảng
10 - 60%, gặp nhiều nhất ở những bệnh nhân COPD nặng phải thở oxy thường
xuyên tại nhà. Những vấn đề liên quan của trầm cảm với COPD được ghi nhận
như sau:
• Trầm cảm làm tăng nguy cơ đợt cấp COPD lên hơn 1,5 lần.
• Triệu chứng trầm cảm nặng nề hơn đi kèm với nguy cơ cao đợt cấp COPD
và nhập viện do COPD.
• Trầm cảm làm tăng nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COPD.
• Thời gian nằm viện lâu hơn ở những bệnh nhân COPD có bị trầm cảm.
Như vậy, rõ ràng trầm cảm có vai trò trong việc làm nặng tình trạng COPD.
Việc điều trị COPD là rất quan trọng, bao gồm kiểm soát tình trạng cấp và duy trì
tình trạng COPD ổn định. Bên cạnh đó, sẽ là tốt hơn nếu chú ý đến tình trạng trầm
cảm. Trầm cảm cần được điều trị và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Tâm thần kinh.
Với trầm cảm theo mùa, cần chú ý đến Liệu pháp ánh sáng và vitamin D.
Đi dạo để tận hưởng ánh mặt trời buổi sáng. Phòng làm việc cần mở màn cửa để
tiếp nhận ánh sáng - dĩ nhiên là đừng quá chói chang. Còn với trầm cảm nói
chung, cần chú ý loại bỏ mọi lo lắng khi có thể, nghĩ ra những điều mới mẻ, lý thú
và có thể thực hiện được, cố gắng ngủ đủ giờ, tâm sự với người thân những ưu tư
của mình, đừng giận hờn ai...