TRƯỜNG TH PHƯỜNG 6 - TPTV
Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam
Kính thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, trong không khí tưng bừng, phấn khởi đón chào kỉ niệm 28 năm ngày nhà giáo
Việt nam 20/11/1982 – 20/11/2010, tôi xin đại diện cho Ban giám hiệu nhà trường thông
qua nội dung ý nghĩa của ngày truyền thống này.
Với lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, với một nền văn hoá lâu đời đầy sức
sống, dân tộc Việt Nam ta đã xây dựng và phát triển những truyền thống tốt đẹp về nhiều
mặt. Ngành giáo dục, giới nhà giáo cũng có truyền thống riêng của mình. Thiên chức của
người thầy giáo là truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa của văn hoá dân tộc và của loài
người, cho nên chính thầy giáo đã góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời
đại, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc.
Cách đây 53 năm, tháng 8/1957, hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vác-sa-va (Ba Lan)
đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là
ngày hiến chương các nhà giáo. Nghị quyết của hội nghị đã được nhanh chóng phổ biến
đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lí giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới
học sinh miền Nam. Ngày 20/11/1958, Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ
chức đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính
quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 hàng
năm đã được tiến hành trong cả nước. Ngày 20/11 nhân dân khắc sâu vào trí nhớ, tình cảm
của mọi người, trở thành hành động chủ động và tự giác của mọi tầng lớp nhân dân, được
tổ chức đều đặn hàng năm , mặc dù từ lâu trên thế giới không tổ chức Ngày Quốc tế hiến
chương các nhà giáo nữa.
Ngày 20/11 ở nước ta trước tiên là ngày giáo viên, cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất
trí hoàn toàn với đường lối của Đảng, với các chủ trương của Nhà nước. Đó cũng là ngày
động viên, cổ vũ các thầy giáo, cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của
Đảng và Nhà nước. Đó cũng là ngày biểu dương, khen thưởng thành tích của các thầy
giáo, cô giáo. Các em học sinh đã hưởng ứng ngày 20/11 hàng năm bằng những hoạt động
bày tỏ lòng quý mến, biết ơn thầy giáo, cô giáo, cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức. Các
bậc cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cũng nhân ngày này tổ
chức thăm hỏi giáo viên hoặc tổ chức trao đổi với giáo viên về sự nghiệp giáo dục thế hệ
trẻ.
Ngày 20/11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền
thống của nhà giáo Việt Nam.
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hàng
năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là một quyết định hoàn toàn phù hợp với nguyện
vọng của các nhà giáo. Quyết định đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện quan điểm
của Đảng, Nhà nước ta về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người
mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, Nhà
nước đã công bố những pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà
nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, văn hoá nghệ thuật, những quy
định danh hiệu vinh dự nhà nước “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” để tặng cho GV
các bậc học có thành tích xuất sắc.
Nhân dân ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống đạo lí tốt đẹp đó đã
được cha ông ta khẳng định từ ngàn xưa. Ngay từ thời phong kiến, các cụ đã xác định
những chuẩn mực đạo đức và những người cần được tôn trọng là: quân, sư rồi mới đến
phụ. Vị trí của người thầy còn đặt trước người cha. Nhân dân ta đã đánh giá cao vai trò của
nhà giáo vì người thầy giáo giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của lớp
trẻ. Muôn đời sau vẫn còn lưu truyền mãi những tấm gương sáng của thầy giáo Chu Văn
An, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành, ...
Ngày nay, Đảng ta, nhân dân ta cũng đánh giá cao vai trò của người thầy trong sự nghiệp
giáo dục. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý
nhất trong những nghề cao quý”. Cho đến ngày nay, nhân dân ta vẫn quan niệm: “Không
thầy đố mầy làm nên” và:
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy.
Truyền thống nổi bật trước hết của nhà giáo Việt Nam là lòng nhân ái sâu sắc. Một trong
những điều đau khổ nhất của nhân dân ta trước đây là sự dốt nát, lạc hậu, dù nghèo đói đến
đâu , người dân cũng ráng cho con “học dăm ba chữ để làm người”. Yêu thương con
người, nhà giáo VN quan niệm công việc của người thầy giáo trước hết là “dạy người”,
tiếp thu đạo lí làm người của thế hệ trước để truyền lại cho thế hệ sau.
Nhân dân ta yêu thầy giáo, trọng thầy giáo, biết ơn thầy giáo vì thầy giáo là người truyền
thụ tri thức khoa học và đạo đức cho con em mình , vì hiểu rằng nuôi dạy năm ba đứa con
đã là khó khăn, vất vả, nhưng người thầy suốt đời dạy dỗ cho hàng ngàn học trò. Câu khẩu
hiệu nổi tiếng của trường Bắc Lí “Tất cả vì học sinh thân yêu” đã thấm sâu vào nếp nghĩ,
nếp sống của hàng chục vạn cô giáo, thầy giáo trong cả nước. Đối với người dân, hình ảnh
thầy giáo, cô giáo “đêm khuya chong đèn” nghiêng mình bên chồng bài tập, bên giáo án đã
trở nên một biểu tượng thân thương. Vì vậy mà không những học trò gọi thầy bằng thầy
mà nhân dân ta cũng thường gọi thầy bằng thầy. Thầy cô giáo đã trở thành người thân thiết
của mọi nhà.
Nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, Trường TH Phường 6 đã có nhiều tấm gương sáng thầy
giáo giỏi, tận tuỵ với nghề, với tinh thần “Tất cả vì HS thân yêu” và bằng nhiều nỗ lực, nhà
trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trong những năm sắp tới, tập thể
GV nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu dìu dắt thế hệ trẻ thành những con người toàn diện
“vừa hồng vừa chuyên”, cụ thể là hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học này và những
năm tiếp theo.
Trước khi dứt lời, tôi xin kính chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo và các bậc CMHS
được dồi dào sức khoẻ, hưởng cái tết nhà giáo trọn vẹn hạnh phúc để cùng chăm lo cho sự
nghiệp trồng người.
Xin chân thành cảm ơn!