13 bài thuốc dân gian phòng chống bệnh tả
Trong y học cổ truyền, bệnh
tả thuộc phạm vi chứng hoắc loạn,
được chẩn trị bằng nhiều phương
pháp khác nhau, trong đó có việc
vận dụng những kinh nghiệm dân
gian hết sức phong phú.
Phương pháp dùng thuốc
Bài 1:
Cát căn 15g, hoàng
cầm 12g, hoàng liên 6g, cam thảo
5g, ngô thù du 3g, ý dĩ 30g, sắc uống. Dùng cho bệnh thuộc thể nhiệt biểu hiện bằng
các triệu chứng thông thường có kèm theo phát sốt, họng khô miệng khát, tâm
phiền, trong ngực rạo rực không yên, đau bụng, chất thải nặng mùi, tiểu tiện sẻn đỏ,
rêu lưỡi vàng bẩn... Nếu bị chuột rút gia thêm mộc qua 12g, bạch thược 15g, nôn
nhiều gia trúc nhự 10g, bán hạ chế 10g.
Bài 2:
Thái tử sâm 30g, mạch môn 15g, bạch thược 15g, ngũ vị tử 15g,
hoàng liên 6g, biển đậu 10g, chích thảo 10g, ý dĩ 30g, sắc uống. Dùng cho trường
hợp mất nước nhiều, nếu khí hư nhiều (mệt lả, huyết áp tụt) gia hoàng kỳ 30g, chuột
rút gia mộc qua 10g, khát nhiều gia cát căn 15g, ô mai 15g; đi ngoài quá nhiều gia
thạch lựu bì 15g.
Bài 3:
Thái tử sâm 25g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, ô mai 15g, trúc diệp
10g, lá sen 10g. Dùng cho thời kỳ hồi phục, nếu có sốt gia thạch cao 30g, tiểu tiện
bất lợi gia phục linh 10g, ăn kém gia mạch nha, cốc nha và sơn tra sao đen 30g.
Bài 4:
Gừng tươi nướng cháy vỏ 8g, riềng sao 12g, củ sả sao 12g, nụ sim 8g
(hoặc búp ổi sao 12g), sắc với 500ml nước còn 200ml chia uống 2 lần trong ngày.
Hoặc nụ sim 8g, búp ổi 60g, riềng 20g, tất cả sao vàng tán bột, uống mỗi ngày 3 lần,
mỗi lần 5g với nước ấm. Dùng cho bệnh thuộc thể hàn biểu hiện bằng các triệu
chứng thông thường có kèm theo tay chân lạnh, vã mồ hôi lạnh, sợ lạnh, bụng
không đau, phân toàn nước màu hơi trắng đục như nước vo gạo, tiểu tiện trong, rêu
lưỡi trắng mỏng...
Bài 5:
Hoạt thạch và cam thảo lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi ngày 2
lần, mỗi lần 3-6g. Hoặc búp chè xanh 16g, rau má 16g, lá mơ lông 16g, bông mã đề
16g, nụ sim 18g, sắc uống. Dùng cho bệnh thuộc thể nhiệt.
Bài 6:
Dùng một trong các bài thuốc độc vị: (1) Biển đậu 1 thăng (còn gọi là
thưng, có dung tích khoảng 200ml, dùng để đong lương thực) sắc với 1.200ml nước
lấy 400ml uống. (2) Sinh khương 90g, rửa sạch, giã nát, sắc với rượu 200ml, chia
uống nhiều lần. (3) Ngải cứu một nắm sắc với 3 bát nước lấy một bát uống. (4)
Riềng 30g giã nát sắc với 3 bát nước lấy 2,5 bát rồi bỏ bã đem nấu với gạo thành
cháo, chia ăn vài lần. (5) Chi tử 14g sao vàng tán bột, uống với rượu ấm. (6) Ngô thù
du sao 60g sắc với hai chén rượu to lấy một chén uống ấm.
Các bài thuốc nói trên sắc uống ngày 1 thang cho đến khi khỏi.
Phương pháp không dùng thuốc
Bài 1: Dấm gạo để lâu đun nóng, dùng gạc cũ thấm ướt rồi chườm tứ chi
nhiều lần. Dùng để chữa cơn chuột rút (y học cổ truyền gọi là chuyển cân) trong
bệnh tả.
Bài 2:
Cứu huyệt trửu chùy, mỗi huyệt 10 tráng. Vị trí huyệt trửu chùy: ở vùng
lưng, nằm sấp xuôi tay, lấy dây đo khoảng cách hai đầu nhọn khớp khuỷu, dây đi
ngang qua chỗ hõm dưới cột sống lưng là một huyệt, từ huyệt này đo ngang ra hai
bên một thốn, mỗi bên một huyệt, như vậy là có 3 huyệt. Đây là huyệt vị do Hoa Đà
tìm ra, được ghi trong sách Hoa Đà thần y bí truyền.
Bài 3:
Lấy muối ăn đổ đầy rốn rồi dùng mồi ngải cứu bên trên, dùng để chữa
chứng trướng bụng và hồi sinh trong bệnh tả. Cũng có thể thay muối bằng gừng tươi
thái lát (cứu cách gừng).
Bài 4:
Châm tả huyệt chi câu (từ điểm giữa cổ tay phía mu đo lên trên 3 thốn,
ở khe giữa xương quay và xương trụ), dùng để chữa chứng nôn nhiều trong bệnh tả.
Bài 5:
Dùng một cái bát sứ dấp dầu hạt cải cạo gió vùng cổ vai, cột sống, hai
bên sườn, hai mặt trong khớp khuỷu và khớp gối. Cạo từ trên xuống dưới cho đến
khi xuất hiện những chấm đỏ tím thì thôi.
Bài 6:
Lấy tỏi giã nát xát vào hai lòng bàn chân cho đến khi nóng rực thì thôi,
dùng để chữa chứng chuột rút trong bệnh tả.
Bài 7:
Dùng muối ăn sao nóng chườm vùng ngực, bụng và lưng nhiều lần để
cầm nôn và đi ngoài.
Nói chung, những kinh nghiệm nêu trên đều đơn giản, dễ kiếm, dễ làm và rất
tiện lợi. Nhưng vì tả là một bệnh nguy hiểm nên người bệnh nhất thiết vẫn phải được
khám và điều trị theo biện pháp của y học hiện đại. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh
cụ thể nào đó, việc chọn lựa và vận dụng những kinh nghiệm dân gian vẫn có giá trị
phòng bệnh tích cực, điều trị hỗ trợ và dự phòng tái phát ở một mức độ nhất định.