Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

đặc điểm văn xuôi nguyễn thị thụy vũ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (836.94 KB, 104 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM

PHẠM THỊ THU NHUNG

ĐẶC ĐIỂM VĂN XUÔI
NGUYỄN THỊ THỤY VŨ

LUẬN VĂN
THẠC SĨ VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH VĂN HỌC VIỆT NAM

Thừa Thiên Huế, năm 2018


ĐẠI HỌC HUẾ
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM

PHẠM THỊ THU NHUNG

ĐẶC ĐIỂM VĂN XUÔI
NGUYỄN THỊ THỤY VŨ

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8220121

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. TÔN THẤT DỤNG

Thừa Thiên Huế, năm 2018



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và
kết quả nghiên cứu ghi trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả cho phép
sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác.
Tác giả luận văn
Phạm Thị Thu Nhung


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình học tập, nghiên cứu cũng như hoàn thành luận văn này, tôi
đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến và chỉ bảo nhiệt tình của thầy cô,
gia đình và bạn bè.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành sâu sắc tới quý thầy cô giáo Khoa
Ngữ Văn và Phòng Sau Đại học- Trường ĐHSP Huế đã tận tình giúp đỡ và tạo mọi
điều kiện tốt nhất trong suốt thời gian tôi học tập.
Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và sự biết ơn sâu sắc đến TS. Tôn Thất Dụng
đã dành nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn, chỉ bảo và động viên tôi hoàn
thành luận văn này.
Tôi xin tỏ lời cảm ơn tới Ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng
Trị, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ- TX Quảng Trị đã tạo mọi điều
kiện, giúp đỡ và khích lệ tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thiện luận văn.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người thân trong gia đình,
bạn bè và đồng nghiệp luôn bên tôi, quan tâm, động viên tôi trong suốt quá trình
học tập.


MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa

Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục.......................................................................................................................1
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................3
1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài...................................................................................3
2. Lịch sử vấn đề.........................................................................................................3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................7
3.1. Đối tượng nghiên cứu..........................................................................................7
3.2. Phạm vi nghiên cứu..............................................................................................8
4. Phương pháp nghiên cứu........................................................................................8
5. Đóng góp của luận văn...........................................................................................9
6. Cấu trúc luận văn....................................................................................................9
NỘI DUNG...............................................................................................................10
Chương 1: Ý thức sáng tạo và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Thị Thụy Vũ.....10
1.1. Sáng tạo nghệ thuật............................................................................................10
1.1.1. Những trang văn giàu sự trải nghiệm..............................................................10
1.1.2. Sự đa dạng, mạnh bạo trong đề tài.................................................................12
1.1.3. Sự khẳng định bản lĩnh cá tính sáng tạo.........................................................15
1.2. Quan niệm về nghệ thuật...................................................................................17
1.2.1. Quan niệm về hiện thực trong văn chương....................................................17
1.2.2. Quan niệm về nhà văn, nghề văn...................................................................19
1.3. Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ trong dòng chung của văn học nữ Nam Bộ
trước 1975.................................................................................................................21
Chương 2: Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ- Cảm quan về hiện thực cuộc sống và
con người.................................................................................................................. 24
2.1. Cảm quan về hiện thực cuộc sống......................................................................24
2.1.1. Cuộc sống đời thường.....................................................................................24

1



2.1.2. Cuộc sống đô thị.............................................................................................41
2.2. Cảm quan về con người.....................................................................................52
2.2.1. Con người cô đơn............................................................................................53
2.2.2. Con người nổi loạn..........................................................................................57
2.2.3. Con người lo âu...............................................................................................61
2.2.4. Con người bản năng........................................................................................64
Chương 3: Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ- Những hình thức thể hiện...................70
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật...........................................................................70
3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật.........................................................71
3.1.2. Nghệ thuật miêu tả và biểu hiện tâm lý nhân vật............................................74
3.2. Ngôn ngữ............................................................................................................78
3.2.1. Ngôn ngữ trần thuật........................................................................................78
3.2.2. Hệ thống ngôn từ đậm sắc thái Nam Bộ.........................................................82
3.3. Giọng điệu..........................................................................................................86
3.3.1. Giọng trữ tình, thương cảm.............................................................................87
3.3.2. Giọng suồng sã, đời thường............................................................................89
3.3.3. Giọng lạnh lùng, điềm nhiên, trầm tĩnh..........................................................93
KẾT LUẬN...............................................................................................................96
TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................................98

2


MỞ ĐẦU
1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài
Văn xuôi là thể loại có khả năng miêu tả cuộc sống bề bộn, phức tạp; cũng là nơi
mà nhà văn có thể tung tẩy các yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật. Văn xuôi, trong bản chất
của nó, luôn hướng đến những vấn đề muôn sắc màu của đời sống xã hội và con
người. Đi tìm vẻ đẹp văn chương, đi tìm những đặc điểm của văn xuôi nghệ thuật

có lẽ là một trong những hành trình vô cùng thú vị cho những ai yêu văn học.
Văn học Việt Nam đã và đang chứng kiến nhiều hiện tượng văn học thăng trầm.
Nỗ lực đánh giá, định danh trên bản đồ văn chương nước nhà cho một nhà văn
không phải là điều đơn giản. Nhưng độc giả vẫn rất trân trọng gọi tên họ: thế hệ các
cây bút trên hành trình làm mới thể loại và tìm kiếm, khẳng định bản ngã. Để hiểu
rõ và sâu sắc hơn diện mạo nền văn xuôi Việt Nam, chúng tôi quyết định chọn văn
xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ để tìm hiểu, khám phá. Có thể nói rằng, văn xuôi
Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những hiện tượng văn học góp phần tạo nên tính
đa dạng của văn xuôi đô thị miền Nam trước năm 1975.
Khám phá thế giới văn xuôi của Nguyễn Thị Thụy Vũ, một lần nữa chúng ta có
dịp nhìn lại những giai đoạn phát triển, những bước chuyển mình, vận động của văn
xuôi đô thị miền Nam- một trong những bộ phận văn học quan trọng làm nên diện
mạo hoàn chỉnh của văn học Việt Nam, mà trong thực tế chúng ta vô tình lãng quên
hoặc không chú ý đến bộ phận văn học này. Trong dòng chảy của văn học Việt
Nam, bộ phận văn học miền Nam là một trong những bộ phận văn học hòa nhịp rất
nhanh vào dòng chảy của văn học thế giới. Vì vậy, tiếp nhận các tác phẩm Nguyễn
Thị Thụy Vũ cũng là cách để chúng ta thấy một phần nào đó sự chuyển mình của
văn học Việt Nam trong sự phát triển chung của thời đại. Khi làm đề tài Đặc điểm
văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói trong việc
đọc lại, đánh giá lại, giới thiệu lại một số giá trị của văn học miền Nam nói chung
cũng như văn xuôi của Nguyễn Thị Thụy Vũ nói riêng.
2. Lịch sử vấn đề
Tìm hiểu về Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những vấn đề khá mới mẻ.
Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những

3


cây bút có hướng đi riêng, phản ánh hiện thực trong cảm quan của một nhà văn nữ ở
miền Nam trước 1975. Các truyện ngắn và truyện dài của bà ra đời từ khoảng thời

gian 1965- 1975. Vào tháng 3 năm 2017, Hội Nhà văn đã tái bản lại mười tác phẩm
của bà.
Khi nghiên cứu đề tài này, chúng tôi tìm thấy một số tài liệu liên quan đến
văn học miền Nam nói chung cũng như về Nguyễn Thị Thụy Vũ nói riêng.
Trước hết, phải kể đến công trình nghiên cứu của Võ Phiến, Văn học miền
Nam- Tổng quan (tháng 5,1986). Đây là một trong những cuốn sách không những
giúp người đọc nhận diện một khía cạnh khác trong tài năng của Võ Phiến mà còn
cung cấp cho người đọc một khối tài liệu khá lớn và đáng tin cậy về một nền văn
học ngỡ đã bị quên lãng: văn học Miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Với ý nghĩa
như thế, bộ Văn học Miền Nam của Võ Phiến, đặc biệt tập đầu: “Tổng quan”, đã
cung cấp những tư liệu, nhận định riêng về văn học miền Nam giúp người nghiên
cứu có cái nhìn bao quát hơn về bộ phận văn học này. Tác giả Võ Phiến đã khảo sát
một số yếu tố chính trong sinh hoạt văn học miền Nam như: nhà văn, độc giả và
xuất bản; sau đó, ông lần lượt trình bày các giai đoạn chính và phân tích những đặc
điểm nổi bật nhất; cuối cùng, đối chiếu sơ lược văn học miền Nam với văn học
miền Bắc và văn học “tiền chiến” để thấy được tiến trình vận động của mỗi bộ phận
văn học. Từ đó, có cái nhìn, sự đánh giá về đóng góp và thành tựu mỗi miền cũng
như sự đa dạng của văn học Việt Nam.
Tác giả Thụy Khê trong công trình nghiên cứu “Văn học miền Nam từ
1954-1975” (Pari, tháng 10/2007, đọc lại và sửa chữa 04/07/2014) mang đến sự
đánh giá khá khái quát, công phu về văn học miền Nam: tác giả, chữ quốc ngữ,
hoàn cảnh lịch sử tác động đến văn học, và đặc biệt là đưa ra những nhận xét đánh
giá của mình về văn học miền Nam từ 1945- 1975 khi tìm hiểu các khuynh hướng,
đặc điểm của văn học giai đoạn này “Đặc điểm chính của nền văn học miền Nam từ
1954 đến 1975, là đã thoát khỏi văn học thế kỷ XIX, giã từ lãng mạn tiền chiến.
Nhiều nhà văn tìm cách xây dựng tư tưởng trên nền triết học hiện đại, đưa con
người về hướng tìm hiểu chính mình. Triết học hiện sinh xuất hiện dưới nhiều hình
thức: phòng trà tửu quán, ăn chơi, bụi đời, là từng thấp nhất; ở mức cao hơn, nó

4



hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính
mình” [50]. Với bài viết này, ông đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin khá quan
trọng về văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975.
Tác giả Trần Doãn Nho đã có bài thuyết trình trong buổi hội thảo về “Hai
mươi năm Văn học miền Nam 1954-1975” tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt
vào ngày 06/12/2014. Trần Doãn Nho đã trình bày về Tính văn học trong văn học
miền Nam. Ông đã nêu những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời của văn
học miền Nam. Theo ông,“Văn học miền Nam như một cánh rừng bạt ngàn. Nó
dung chứa hết thảy hình thức văn chương, từ bình dân đến cao cấp, từ hữu khuynh
đến tả khuynh, từ cổ điển đến hiện đại. Nhiều trào lưu, khuynh hướng chống đối
nhau vẫn cùng hiện diện. Trào lưu nào, khuynh hướng nào có độc giả của trào lưu
và khuynh hướng đó” [52].
Bài tham luận của nhà văn Bùi Vĩnh Phúc trong “Hội thảo hai mươi năm văn
học miền Nam 1954- 1975”, tại California, (06/12/2014) đã trình bày phẩm tính và
ý nghĩa của nền văn học này. Nhà văn khẳng định “Văn học miền Nam, từ 1954 đến
1975, là một đóng góp và một thành tựu của văn học Việt Nam, trong một giai đoạn
thuộc nửa sau thế kỷ XX. Nó chỉ tồn tại trong vòng 20 năm, nhưng nó đã là một tồn
tại quan trọng và không thể thiếu của giai đoạn này. Nói một cách thẳng thắn, nền
văn học này nối kết Việt Nam với thế giới, với nhân loại, trong những khía cạnh
hiện hữu người một cách vừa bao quát vừa thâm sâu nhất. Nó chia sẻ và phản ánh
thân phận và những tình cảm của con người ở những độ rung, những bảng mầu gần
gũi với các nền văn học hiện đại của thế giới, dĩ nhiên với những âm vang và sắc độ
riêng của đời sống xã hội và tinh thần của người Việt” [53]. Nhà văn đã nhận định
văn học miền Nam là một nền văn học đậm tính nhân bản, nhân văn. Đây là nền văn
học khai phóng, đa sắc và đa dạng.
Việc tìm hiểu đời sống văn học miền Nam 1954- 1975 trên các phương diện
từ lý luận, phê bình văn học, đến thực tế sáng tác đã được các nhà nghiên cứu, phê
bình văn học trước và sau 1975, cả trong Nam ngoài Bắc và người Việt ở hải ngoại

đề cập đến. Những công trình nghiên cứu hoặc các bài báo về vấn đề này, với
những quy mô khác nhau, xuất phát từ những “điểm nhìn”, quan điểm chính trị,

5


thẩm mỹ khác nhau đã đem đến người đọc những cách tiếp cận khác nhau (về văn
học đô thị miền Nam từ 1954 đến 1975) thì cũng có những nhận xét, đánh giá về
văn học giai đoạn này rất khác nhau. Từ đó, nó sẽ hỗ trợ, cung cấp cái nhìn toàn
diện hơn khi nghiên cứu về một tác giả cụ thể.
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vào thập niên 1960-1970 từng nổi lên như
một trong năm nhà văn nữ hàng đầu của Sài Gòn. Trước đó nữa, vào năm 1969, nhà
phê bình Nguyễn Đình Tuyến cũng nhìn thấy ở văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ
những giá trị có tính thời đại: “Truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ thật là táo bạo. Đọc
xong truyện, tôi nghĩ đây mới thật là những truyện trình bày những sự kiện sống
thực nhất của thời đại chúng ta. Thời đại này rồi sẽ đi qua. Những cái gì của thời
này nếu không ghi kịp thì ngày mai sẽ mất” [49].
Vào năm 1973, nhà phê bình Uyên Thao từng dành cho Nguyễn Thị Thụy
Vũ những nhận định có tính gợi mở cho học giới về sau nghiên cứu văn của bà:
“Nguyễn Thị Thụy Vũ đã cho thấy tất cả những người đang sống chỉ thực sự được
sống bằng cách chạy trốn. Trong khi những kẻ yếu đuối chạy trốn vào vùng trời
tưởng tượng bi thảm của mình thì những kẻ tương đối mạnh dạn hơn chạy trốn vào
trong sự giả dối, che đậy. Ngoài hai lớp người ấy là một lớp người chạy trốn thực
sự, chạy trốn bằng cách ném mình vào những cuộc phiêu lưu mà mọi tính toán chỉ
dừng lại ở một điểm duy nhất: miễn là tách xa được thế giới tù hãm này” [49].
Tác giả Lam Điền có bài viết “Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ sau gần 50 năm ẩn
dật” đăng ngày 19/3/2017 đã giới thiệu những nét khái quát về con người cũng như
phong cách của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ trong dịp tái bản lại mười tác phẩm.
Đặc biệt, tác giả Du Tử Lê đã có một bài viết khá hay về “Sự khác biệt về tính
dục trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ và các nhà văn nữ khác” (27/10/2010). Ông

đưa ra nhận xét về sự khác biệt cơ bản của Nguyễn Thị Thụy Vũ khi viết về đề tài
tính dục với các cây bút nữ cùng thời. Theo ông, trong số các nhà văn nữ ở Sài Gòn,
Nguyễn Thị Thụy Vũ là nhà văn tôi trân trọng nhất. “Ngòi bút của chị chứa đựng
tất cả những gì làm nên một cây bút có cá tính. Cùng một vấn đề tình dục, các nhà
văn nữ khác sùng bái khoái cảm, đẩy tình dục đến chỗ ca tụng thân xác, Thụy Vũ
cũng khát khao thân xác- nhưng là những cơn khát khao u uẩn, khoái cảm tan

6


nhanh trong hoài niệm, hoang đường, giữa bản năng và siêu linh mang một chút
âm sắc của trăm năm cô đơn” [51].
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân đã có bài viết “Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trở
lại” (17/03/2017) in trên báo Người lao động, tóm tắt một cách sơ lược về đề tài,
văn phong của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Theo tác giả, điều làm nên thành công trong
các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ đó chính là chất hiện thực và văn phong rặt
chất Nam Bộ.
Tác giả Gia Bảo đã có bài giới thiệu: “Nguyễn Thị Thụy Vũ- Người vẽ chân
dung con người trong thời loạn ly giông bão” (21/03/2017) đã viết: “Nguyễn Thị
Thụy Vũ tái ngộ bạn đọc nhân dịp 10 tác phẩm của bà được tái bản với diện mạo
hoàn toàn mới. Như vậy là, sau hơn 41 năm kể từ ngày gác bút, ở độ tuổi tròn 80,
bà vẫn được chứng kiến một sự kiện lớn trong cuộc đời mình. Còn với khán giả trót
yêu văn bà, hay chỉ đơn giản là yêu sách, yêu văn chương, cũng thật khó để không
nóng lòng khi thấy một phần của di sản văn học Việt Nam vốn chìm sâu hơn 41 năm
nay đã trở lại, thật sự tươi mới và rạng rỡ” [48].
Nhìn chung, các ý kiến, bài viết, tài liệu liên quan đến đề tài Đặc điểm văn
xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ rất ít, chỉ dừng lại ở những nhận xét rất chung, khái quát,
chưa đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống nội dung và nghệ thuật tác phẩm của nhà
văn nữ này. Có chăng là những bài báo trên mạng internet, những bài phỏng vấn,
những ý kiến đánh giá, nhận xét của những người nghiên cứu về văn học miền Nam

trước 1975, của Hội Nhà văn Việt Nam khi xuất bản lại 10 tác phẩm của Nguyễn
Thị Thụy Vũ. Các bài viết này chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tác giả, tác phẩm và
đưa ra một số nhận xét, ý kiến đánh giá ngắn gọn về vẻ đẹp văn chương của Nguyễn
Thị Thụy Vũ. Và các bài viết, các ý kiến trên đây vẫn là những gợi mở quý báu giúp
chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài Đặc điểm văn xuôi của Nguyễn Thị Thụy
Vũ. Vì thế, luận văn là một trong những bước khám phá, tìm tòi của người viết
trong việc tìm hiểu những đặc điểm của văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu

7


Với đề tài Đặc điểm văn xuôi của Nguyễn Thị Thụy Vũ, đối tượng nghiên cứu
của luận văn là các tác phẩm truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn Thị Thụy Vũ,
trong đó chú ý những đặc điểm về nội dung- cảm quan về hiện thực cuộc sống và
con người trong bối cảnh Sài Gòn- Việt Nam những năm trước 1975 và hình thức
thể hiện mới mẻ, sáng tạo về nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu…
3.2. Phạm vi nghiên cứu:
Các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ từ năm 1965-1975:
Tập truyện ngắn:
- Mèo đêm, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1966, Hiện Đại tái bản 1968.
- Lao vào lửa, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1967.
- Chiều mênh mông, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1968.
Tiểu thuyết:
- Thú hoang, truyện dài, nhà xuất bản Hồng Đức 1968.
- Ngọn pháo bông, truyện dài, nhà xuất bản Hiện Đại 1968.
- Khung rêu, truyện dài, nhà xuất bản Kẻ Sĩ 1969 (Giải nhì Văn chương toàn
quốc 1970).
- Nhang tàn thắp khuya

- Như thiên đường lạnh
- Chiều xuống êm đềm
- Cho trận gió kinh thiên
Mười tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ được nhà xuất bản Văn học tái bản lại
đầy đủ vào tháng 3 năm 2017.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Phương pháp cấu trúc- hệ thống: chúng tôi đặt văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ
như một chỉnh thể thống nhất trong diện mạo chung của văn học Nam Bộ trước
1975 nói riêng cũng như văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Đồng thời, khi tiếp
cận từng tác phẩm cụ thể, chúng tôi cũng quan tâm đến tính chỉnh thể trong cấu trúc
của nó. Phương pháp này cũng hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi trong việc triển khai các
bình diện nghiên cứu của luận văn một cách logic và chặt chẽ.

8


- Phương pháp so sánh: phương pháp này được sử dụng nhằm mục đích chỉ ra
điểm tương đồng và khác biệt giữa văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ với văn học miền
Nam trước 1975 nói riêng cũng như văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
- Phương pháp liên ngành: dùng để khảo sát và nghiên cứu đặc thù lịch sử, văn
hóa, văn học trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp bổ trợ như: Phân tích, tổng
hợp, thống kê; lý thuyết về Thi pháp học và Tự sự học.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn đóng góp thêm một tiếng nói trong việc khẳng định giá trị những tác
phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Những tác phẩm truyện ngắn và truyện dài đã góp
phần làm đa dạng hơn sự phát triển của văn xuôi miền Nam trước 1975 nói chung
và văn học nữ hiện đại Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, luận văn góp phần dựng lại bức chân dung nghệ thuật Nguyễn Thị
Thụy Vũ với những gì mà nhà văn suy nghĩ, trải nghiệm và thể nghiệm trên trang

viết của mình- cảm quan về cuộc sống và con người, những tìm tòi sáng tạo về đề
tài, phương thức thể hiện: nhân vật, ngôn từ, giọng điệu... Qua đó, làm nổi bật lên
được phong cách của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Ý thức sáng tạo và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Thị Thụy Vũ
Chương 2: Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ- Cảm quan về hiện thực cuộc sống và
con người
Chương 3: Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ- Những hình thức thể hiện

9


NỘI DUNG
Chƣơng 1
Ý THỨC SÁNG TẠO VÀ QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT
CỦA NGUYỄN THỊ THỤY VŨ
1.1. Sáng tạo nghệ thuật
1.1.1. Những trang văn giàu sự trải nghiệm
Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên,
sự sáng tạo nào cũng đều bắt nguồn từ cuộc sống. Hiện thực cuộc sống chính là
mảnh đất màu mỡ để mỗi nhà văn khai thác và biểu hiện vào trong tác phẩm của
mình.
Trong thi đàn văn học Việt Nam, phụ nữ cầm bút, có mấy ai không đa đoan,
trắc trở. Dường như cái sự viết, những đa đoan phận người đã đánh đắm họ trong bể
dâu cuộc đời như một lẽ thường của đàn bà làm nghề viết. Nguyễn Vũ Thụy Vũ
cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Với Nguyễn Thị Thụy Vũ, khi chọn đi trên
con đường với văn chương thì cũng có nghĩa ở một khía cạnh nào đó bà chấp nhận
những hy sinh, thiệt thòi. Có thể là hy sinh một cuộc hôn nhân khi không nhận được
sự cảm thông của người đồng hành hoặc đôi khi là chấp nhận một cuộc sống ít nhẹ

nhàng (trong tâm tưởng), một hạnh phúc theo nghĩa thông thường như những người
phụ nữ làm nghề khác. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là ngay từ những mất mát, thiệt
thòi ấy, những trang văn của họ vẫn chan chứa yêu thương, thắm xanh hy vọng.
Đàn bà viết văn thường đa đoan. Bởi họ quá nhạy cảm. Mà nhạy cảm thường đi đôi
với những chênh vênh, khó nắm bắt: “Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã”.
Thật khó có thể tin một phụ nữ sống hời hợt, nhạt nhẽo lại có thể viết được những
đoạn văn, những câu thơ chạm tới tận đáy sâu trái tim bạn đọc. Có thể tùy tính cách,
tùy hoàn cảnh sống, những người phụ nữ ấy quan tâm hơn tới điều này điều kia
hoặc đơn giản chỉ là cách biểu hiện bên ngoài. Còn trước trang giấy, những người
đàn bà cầm bút luôn trung thực với trái tim của mình. Họ viết về những đau đớn,
mất mát, những dằn vặt nhưng chưa bao giờ thôi khát khao về một cuộc sống đầy
ắp tin yêu. Bên cạnh những giây phút bận rộn, vất vả lo toan như bao người phụ nữ
khác, khi ngồi trước trang giấy, họ được sống thật với mình nhất. Tác phẩm chính là

10


cách họ trò chuyện với chính mình, với cuộc sống, là cách họ khoác lên tâm hồn
mình đôi cánh để phiêu du trong trí tưởng tượng và những đắm say...
Nguyễn Thị Thụy Vũ, tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 ở
Vĩnh Long, trong một gia đình khá giả. Cha bà là nhà văn Mặc Khải, cô là thi sĩ
Phương Đài đều hoạt động kháng chiến. Bà viết văn từ năm 1965. Bà chung sống
với nhà thơ Tô Thùy Yên và có đến bốn mặt con. Cuộc hôn nhân không êm đềm,
đến năm 1980, Nguyễn Thị Thụy Vũ chấp nhận một mình nuôi con.
Cuộc sống của bà là những thăng trầm. Khoảng 1960-1965, bà dạy tiểu học
tại Vĩnh Long, rồi không chấp nhận được môi trường sư phạm bó hẹp, khăn gói lên
Sài Gòn học Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ. Tại đây, ngay từ năm đầu tiên học tiếng Anh,
bà được một bạn học giới thiệu đi dạy tiếng Anh cho các cô gái làm snack bar,
những phụ nữ Việt Nam cặp kè binh lính, sĩ quan Mỹ... Nhiều người trong số đó
đem tâm sự tỉ tê với bà. Cuộc đời và tâm sự của họ gây xúc động, làm thành đề tài

sáng tác của bà. Người đọc nhận thấy trong các truyện của bà Nguyễn thi thoảng có
cô giáo dạy Anh văn xuất hiện. Những đổi thay của cuộc đời, thời cuộc cùng với
thực tế trần trụi, khốc liệt, thấm đẫm buồn đau về đời sống con người, những cô gái
làm ở các snack bar, dan díu với lính Mỹ đã đi vào trang viết của Nguyễn Thị Thụy
Vũ, gây chấn động dư luận vào khoảng cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970.
Với các tập: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, Ngọn pháo bông, Khung
rêu, Thú hoang… Nguyễn Thị Thụy Vũ trở thành một hiện tượng văn học gây ngạc
nhiên trên văn đàn miền Nam. Nguyễn Thị Thụy Vũ mạnh dạn phơi bày một
phương diện thực trạng xã hội ta vào một thời điểm đặc biệt. Bà xông vào cơn gió
bụi, phanh phui những cảnh đời lầm than, cùng đáy xã hội làm lắm kẻ sững sờ,
nhăn mặt.
Bên cạnh đó, chính những tháng ngày gắn bó với mảnh đất, văn hóa và con
người Nam Bộ, đặc biệt là quê hương Vĩnh Long- nơi bà sinh ra và lớn lên, đã làm
nên những trang viết ăm ắp hơi thở về cuộc sống, con người Nam Bộ. Cảnh sông
nước, miệt vườn, lời ăn, tiếng nói, dáng điệu, cử chỉ, phong tục, tập quán, món ăn,
những lời ca tiếng hát... của các nhân vật trong tác phẩm của bà Nguyễn thật sống
động và vẹn nguyên. Con người nơi đây phóng khoáng với một cuộc sống giản dị
11


mà chan chứa tình người. Nguyễn Thị Thụy Vũ phải là người yêu hết mực mảnh đất
này mới có những trang viết thắm đượm tình quê như thế.
Đến với những trang văn của Nguyễn Thị Thụy Vũ, tuy có sự pha trộn giữa
sự thật và hư cấu nhưng sự thật và tính chân thực được đặc biệt chú trọng, trong đó,
tỷ lệ cái thật trội hơn so với hư cấu, thậm chí là bộ xương để kiến tạo cốt truyện.
Những yếu tố này được bà đưa vào tác phẩm một cách hệ thống, có ý nghĩa trong
việc hình thành tính cách nhân vật. Chúng tôi cho rằng, khi viết các tác phẩm,
Nguyễn Thị Thụy Vũ từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm, giọng kể tự thú, nhất là
khuynh hướng xoáy sâu vào lý giải quá trình hình thành nhân cách nhân vật chính,
độc giả cảm nhận được màu sắc hiện thực rõ rệt (Như thiên đường lạnh, Nhang tàn

thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu, Thú hoang, Như ngọn pháo bông,
Cho trận gió kinh thiên …). Nhân vật trong các tác phẩm của bà hiện lên một cách
chân thực. Những vui buồn, ghét thương, trăn trở, ước vọng, sự chua chát, niềm tin,
rạn vỡ ước mơ, cô đơn... của thân phận con người trong các trang văn của bà hiện
lên một cách tự nhiên nhưng cũng rất ám ảnh. Đó là những thân phận kiếp người
cùng đáy xã hội. Trong truyện ngắn Lao vào lửa, các cô gái bar: Tâm (Chiếc
giường), Tú- Tina (Lao vào lửa), Hạnh, Bích, Nga (Đêm nổi lửa), Mi-sen (Nắng
chiều vàng), Loan (Mèo đêm) mỗi người mỗi hoàn cảnh bị sa chân vào cuộc sống
của các cô gái làm điếm. Họ mênh mông, vô định, bị cuốn vào vòng xoáy của ánh
đèn, men rượu, tiếng nhạc của quán bar, những va đập của xác thịt, những trải
nghiệm giường chiếu của bạn tình… Họ triền miên trong nỗi đau, cô độc, lo sợ tuổi
già sắp đến nhưng khi được bắt đầu lại từ đầu, họ hoài nghi, họ không muốn, không
quen, họ không biết sống như thế nào và phải làm những gì. Họ cứ trượt dài, trôi
mãi giữa dòng đời.
Chính tất cả những hiện thực mà Nguyễn Thị Thụy Vũ chứng kiến, chiêm
nghiệm, thấm thía... đã góp phần tạo nên các tác phẩm văn xuôi ngồn ngộn hiện
thực. Bà viết như là một hình thức để trải lòng. Dù bà đề cập tới những vấn đề vĩ
mô hay nhỏ bé, xa xôi hay gần gụi thì vẫn bộc lộ sự tinh tế, sâu lắng, những góc
nhìn rất riêng về thời cuộc và con người.
1.1.2. Sự đa dạng, mạnh bạo trong đề tài

12


Đọc các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, chúng ta không khỏi ngỡ
ngàng, sửng sốt bởi những trang văn đầy táo bạo. Những gì người ta nghe thấy,
chứng kiến ngoài đời, người ta ngại nói hoặc nhắc đến thì bà lại đề cập một cách tự
nhiên, không hề e ngại, giấu diếm.
Giai đoạn 1945- 1975, văn xuôi hầu hết đề cập đến các đề tài tập trung thể
hiện, phản ánh kịp thời nhịp sống cách mạng, kháng chiến của toàn dân tộc. Tinh

thần ngợi ca bao trùm lên toàn bộ đời sống văn học cách mạng. Miêu tả cái bi phải
là bi hùng, bi tráng, tuyệt nhiên không được phép bi lụy. Người cán bộ chiến sĩ và
quần chúng cách mạng là hai mảng đề tài lớn nhất, hút vào những đề tài khác: đề tài
chiến tranh, cách mạng, đề tài lịch sử, đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải cách
ruộng đất, đề tài đấu tranh thống nhất đất nước: Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy
Tưởng), Những người thợ mỏ (Võ Huy Tâm), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc),
Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Hòn đất (Anh Đức), Bão biển (Chu
Văn), Chủ tịch huyện ( Nguyễn Khải)… Nhà văn viết về đề tài chiến tranh và con
người trong kháng chiến đã miêu tả hiện thực sống động, chân thật. Con người
trong các mảng đề tài, chủ đề tiểu thuyết chiến tranh, cách mạng chủ yếu được miêu
tả ở khía cạnh chung, tiêu biểu cho giai cấp, dân tộc. Vẻ đẹp lý tưởng của họ được
hòa chung với cộng đồng, thời đại. Do đó, văn xuôi giai đoạn này giới hạn đời sống
chủ yếu miêu tả ở bề nổi, mang cảm hứng ngợi ca.
Trong khi văn xuôi đang khai thác những vấn đề thời thượng thì Nguyễn Thị
Thụy Vũ lại chọn cho mình một hướng đi riêng, đi sâu vào đề tài thế sự, đời tư.
Nhìn chung, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ thể hiện rõ nét, xuyên suốt
ở hai mảng đề tài: đời sống của bà con nông dân (Thú hoang, Như thiên đường
lạnh, Khung rêu) và đời sống của những cô gái bar (Lao vào lửa, Mèo đêm, Chiều
mênh mông, Ngọn pháo bông...). Hai đề tài này đặt vào hai không gian cụ thể: Thứ
nhất, không gian sinh hoạt nông thôn miền Nam, tỉnh Vĩnh Long. Đó là biểu tượng
của một vùng sông nước trù phú, ôn hòa, màu mỡ, làm nền cho những gia đình
quyền quý, cầu kỳ hay cuộc sống đời thường với những nếp sống sinh hoạt thường
nhật với tình yêu, tuổi trẻ, đời sống gia đình... của bà con thôn quê. Thứ hai, đó là
không gian của đô thị Sài Gòn. Đó là không gian của các cô gái bar tiếp khách trong

13


ánh đèn mờ, men rượu, không gian phòng ngủ, bệnh viện, phòng trọ, xóm lao động
nghèo... Dù là ở không gian nghệ thuật nào thì ngòi bút của Nguyễn Thị Thụy Vũ

cũng muốn phản ánh một cách sinh động, chi tiết để nói lên những vẻ đẹp xưa cũ
nay đã bị hoàn cảnh thời cuộc tác động. Bà khai thác câu chuyện của nhân vật đến
từ nhiều tầng lớp khác nhau: là gia đình của một ông Phủ về hưu trong Khung rêu,
người phụ nữ từ khuôn đúc lễ giáo bài bản để làm vợ, làm mẹ trong Nhang tàn thắp
khuya, đám học trò lớp Đệ tứ A trong Thú hoang… hay thậm chí, đó là những cô
gái bán bar lấy Mỹ ở Sài Gòn trước 1975 trong Lao vào lửa, Mèo đêm, Chiều mênh
mông... Cuộc sống con người trong những hoàn cảnh đó, có lúc, họ muốn vượt thoát
nhưng lại không tìm thấy lối thoát, hoặc họ tưởng rằng đã thay đổi, đã vượt thoát
nhưng thực tại thì thấy lạc lõng, bơ vơ, chưa tìm thấy được niềm vui sống. Phía sau
sự giản dị của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đó là tầng tầng lớp lớp số phận kẹt
trong những khúc mắc cuộc đời- bức bối, đa đoan và mải miết kiếm tìm một lối
thoát.
Ở đề tài cuộc sống của bà con nông dân, đây là đề tài không mới. Trước bà,
ta có thể bắt gặp đề tài này trong các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn, Nam Cao, Vũ
Trọng Phụng... Với Thụy Vũ, đây là đề tài được phản ánh dưới một cái nhìn mới
mẻ. Đó là cuộc sống của những người nông dân sống mòn, sống mỏi với những bi
kịch tình yêu, hôn nhân, gia đình, xói mòn đạo đức bởi hoàn cảnh xã hội mà họ
không tìm được lối đi. Họ khắc khoải chờ đợi một điều gì mới mẻ, thay đổi tốt đẹp
nhưng rốt cục họ bị vây bủa, nhấn chìm bởi những quan niệm đạo đức, trách nhiệm,
gia đình và xa rộng hơn đó là hoàn cảnh xã hội khi có chiến tranh cứ bào mòn tâm
hồn họ.
Ở đề tài cuộc sống của những cô gái bar, đây là đề tài mà các nhà văn trước
đó ít nói đến hoặc ngại viết đến. Nhưng ở Nguyễn Thị Thụy Vũ, ta thấy bà phản ánh
trực tiếp và dành một vị trí đặc biệt khi viết về đề tài này. Hầu hết các truyện ngắn
của bà đều phản ánh cuộc đời những cô gái bar. Bà miêu tả chân thực, thậm chí có
lúc thô nhám và trần trụi. Đây là những thân phận người xuất hiện khá nhiều khi đế
quốc Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Những cô gái bar- thân phận của những
nạn nhân thấp cổ bé họng của chiến tranh. Hầu hết trong số họ là những cô gái quê

14



nghèo khổ, không biết chữ, không có cách nuôi thân nào khác ngoài việc sống như
những con ve trên bộ lông người lính Mỹ. Bà đi sâu vào cách sống, thói quen, nếp
nghĩ, ngôn ngữ, hành động, cách mời khách, chiều lòng khách... của họ cụ thể và
làm cho người đọc phải nghĩ suy. Vì vậy, có thể nhận định đây là nhà văn viết về
những gái điếm.
Bà Thụy Vũ đã chọn cách đối diện với chiến tranh và hiện thực tang thương
của nó bằng một cái nhìn thấu cảm khiến ta có thể thổn thức khi chạm tới đáy thân
phận những con người này. Và giữa nỗi đau sâu thẳm và sự vô nghĩa của chiến
tranh, những tác phẩm của bà sẽ nâng ta lên, để ta có thể nhìn thấy ở giữa vực thẳm
của bóng tối, vẫn còn le lói hơi ấm của tình người.
1.1.3. Sự khẳng định bản lĩnh cá tính sáng tạo
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, nhà văn phái nữ, hiện diện giữa khung trời văn nghệ
với lối đi, tạo riêng mình một thế đứng, một cương vị trong nền văn học Việt Nam
hiện đại. Mỗi truyện của Thụy Vũ không nằm trong khuôn nếp thông thường của
một nữ nhi, nó đã bay ra ngoài quỹ đạo dự tưởng. Các sáng tác của bà không đi theo
những chủ đề thời thượng lúc bấy giờ mà rẽ sang một lối riêng mà nhiều người ngại
nói đến hay nhắc đến (viết về những thân phận cùng đáy xã hội, những cô gái
điếm...). Nguyễn Thị Thụy Vũ mở đầu văn nghiệp bằng những truyện ngắn đăng rải
rác trong các tạp chí văn nghệ. “Sự đóng góp của Thụy Vũ trong khu vườn văn
chương đã gây ngay sự chú ý, nhờ vào một bút pháp mạnh mẽ xuyên qua từng dòng
chữ bỏng cháy với suy nghĩ về tình dục, về xã hội trong nét sống đặc biệt của các cô
gái thuộc giới snack bar thành phố. Và trong các truyện dài của mình, bà đi sâu vào
số phận những con người bình thường nhưng có một đời sống nội tâm không hề
bằng phẳng. Với cá tính bản lĩnh của mình, nhà văn muốn những điều mình viết ra,
nó phải được chứng minh qua sự thật” (Lời nói đầu- Hội Nhà văn). Các tác phẩm
của bà đã cất lên tiếng nói thấm thía về thân phận con người do hoàn cảnh xã hội
tác động. Đó là thân phận cô độc, bơ vơ trong một không gian bế tắc. Sự cô độc như
một thứ định mệnh mà con người dẫu có cố gắng vùng vẫy đến đâu cũng không thể

thoát ra. Từ gia đình một ông Phủ về hưu hết thời trong Khung rêu, ba cô nữ sinh tại
trường công lập tỉnh lẻ trong Thú hoang, xóm lao động nghèo trong Cho trận gió

15


kinh thiên, cô đào hát bội tài sắc Năm Thàng bỏ đi tu trước biến cố cuộc đời trong
Lòng trần đến giới bán phấn buôn hương, các me Mỹ và chuyện phá thai, những
giấc mơ bị cưỡng hiếp, những người đàn bà bán trôn nuôi miệng luôn ám ảnh nỗi sợ
hãi một ngày nào đó mông teo ngực nhão không còn kiếm ra tiền, đói nghèo sẽ tới,
bệnh hoạn sẽ cướp đi cuộc sống… trong Lao vào lửa, Chiều mênh mông, Ngọn
pháo bông... “Tất cả họ, dù là ai, thuộc tầng lớp nào, kẹt ở đâu trong khúc mắc cuộc
đời, đều hiện lên trên trang viết của Thụy Vũ sống động, tươi mới. Bà không phẩm
bình họ đáng thương hay đáng trách, chỉ lẳng lặng vẽ lại chân dung từng người,
gom góp lại thành chân dung của một “nhóm người” trong suốt những năm vừa viết
văn, vừa đi dạy tiếng Anh cho các cô gái snack bar để kiếm sống. Không ngợi ca
phụ nữ, cũng chẳng tô hồng họ, không nói về nữ quyền mà giọng văn Thụy Vũ vẫn
cứ tràn đầy nữ tính, đầy sự thấu cảm và sẻ chia. Những nhân vật của Thụy Vũ, dù
thuộc đề tài nào thì hầu hết đều mang trong lòng một cơn bão, chực chờ xổ khỏi
không khí ngột ngạt, rồi sẽ bộc lộ thành hành động với mức độ khác nhau tùy điều
kiện và sự gan góc” [48]. Chúng ta hãy nghe lời bộc bạch tâm sự của bà trong lời
tựa Khung rêu: “Từ hồi còn nhỏ tôi đã phải chịu đựng một ám ảnh thường xuyên:
sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền Nam. Nguyên nhân chánh của
sự suy sụp bệ rạc này thì ai cũng biết: chiến tranh. (…) Tôi không hề có ý định làm
công việc của nhà xã hội học hay của nhà đạo đức học. (…) Tôi cũng không có ý
định phân tích các nguyên nhân, và nhất là phê phán một ai hay một điều gì. Cho
riêng tôi, tôi chỉ muốn dựng lại cái thế giới khốn đốn đã bao trùm tôi cho đến ngày
nay. Tôi chỉ muốn mô tả một hiện tượng xã hội hoàn toàn thân thuộc mà thôi. Tiểu
thuyết là tưởng tượng, ai cũng biết vậy, nhưng có tưởng tượng nào không bắt nguồn
từ một phần sự thật” (Lời tác giả trong Khung rêu). Thụy Vũ có thái độ sống rạch

ròi và bình thản. Như cách bà viết. Viết vì cần phải thế, vì đó là sinh kế, chân chính
và nhọc nhằn. “Tôi từng là địa chủ mà. Tôi không ủng hộ người nông dân nhưng tôi
cũng không phê phán họ. Tôi chỉ viết những gì mình cần phải viết, những gì mà tôi
biết là sẽ cuốn độc giả của mình đến trang sách cuối cùng” [47, tr.18]. Trong thời
cuộc nhá nhem, không phải cây bút nào cũng giữ được sự bản lĩnh như Thụy Vũ!

16


Cuộc sống đã thử thách Nguyễn Thị Thụy Vũ nhiều và bà đón nhận bằng
một sự can đảm dung dị đặc biệt. Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trải hồn mình trên trang
giấy và vẽ vào đó những nét mạnh bạo, đôi khi phũ phàng để bắt người đọc phải
cùng chung vui buồn với mình trong một khoảng thời gian ngắn, dài nào đó (Mèo
đêm, Chiều mênh mông, Cho trận gió kinh thiên...). Dù là viết truyện ngắn hay
truyện dài, mỗi tác phẩm đều hàm chứa sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ trong vấn đề tình
yêu, cũng như nỗi đau về thân phận. Bởi vậy, đọc các tác phẩm của bà ta thấy có
một số yếu tố hiện sinh. Đó là một trong những triết lý nhân bản trong các tác phẩm
của bà.
Có thể nhận thấy rằng, văn xuôi của bà Thụy Vũ tiếp xúc với cái đời thường,
xóa mờ khoảng cách sử thi, mở rộng biên độ phản ánh hiện thực. Văn xuôi của bà
Thụy Vũ áp sát đời sống, tiếp cận với cái hiện tại chưa hoàn kết, đầy rẫy những biến
động, những bất ngờ, vấn đề đạo đức xã hội được quan tâm. Văn xuôi Nguyễn Thị
Thụy Vũ chăm chú vào bản ngã, những cá nhân lạc hệ thống (các cô gái điếm,
những người trí thức sống mơ hồ về lý tưởng, một số người sống không có ngày
mai, những tình yêu đi bên nhau nhưng chán ngán, vô vị...), con người được soi
chiếu từ nhiều góc độ (Khung rêu, Cho trận gió kinh thiên). Nhân vật trong văn
xuôi của bà Nguyễn khẳng định mình bằng cách quăng mình vào tình yêu, khoái
lạc, họ hành động, khóc cười để được là mình. Văn xuôi của bà có lúc chạm đến
những chủ đề thân phận với những môtip biểu hiện khủng hoảng hiện sinh: cô đơn
bản thể, lo âu, nổi loạn, cái chết (Lòng trần, Trôi sông, Khung rêu, Cho trận gió

kinh thiên...). Với Nguyễn Thị Thụy Vũ, các tác phẩm là tiếng nói của thân phận.
Viết là để hiện tồn, để khẳng định nhân vị.
1.2. Quan niệm về nghệ thuật
1.2.1. Quan niệm về hiện thực trong văn chương
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và con người. Với Nguyễn Thị Thụy
Vũ, hiện thực trong các tác phẩm là quê nhà Vĩnh Long và đô thị Sài Gòn. Quê nhà
cung cấp cho bà những câu chuyện về gia đình, tình yêu, vợ chồng (Như thiên
đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu), về trường
lớp, bạn bè (Thú hoang). Sài Gòn mang đến cho bà những câu chuyện về cuộc đời

17


các cô gái bán phấn buôn hương, những dan díu Việt- Mỹ, những người cùng đáy
trong xã hội… (Như ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên, Mèo đêm, Lao vào
lửa, Chiều mênh mông). Hiện thực trong các tác phẩm này là hiện thực ám ảnh.
Những vấn đề người ta ngại nói, cố tránh, làm ngơ đi thì đều được bà gợi mở, phơi
bày một cách tự nhiên.
Có thể nói, từ một cô giáo tỉnh lẻ, lên Sài Gòn, nhờ dạy kèm tiếng Anh cho
giới bán bar, giới làm sở Mỹ nên Nguyễn Thị Thụy Vũ có cơ hội giao tiếp, tìm hiểu
mặt trái của cuộc sống để làm chất liệu cho ngòi bút. Hiện thực cuộc sống, con
người không còn được nhìn ở bề mặt, bề nổi mà được nhìn ở phần đời tư sâu kín,
khuất lấp với những nghĩ suy, cô đơn, biến động dữ dội, mâu thuẫn... Do đó, hiện
thực trong các tác phẩm của bà hiện lên một cách trần trụi, chân thực.
Sự đổi mới quan niệm về hiện thực của Nguyễn Thị Thụy Vũ gắn với nhu
cầu được “nói thật”. Ở đó, hiện thực được nhìn nhận, phản ánh không giản đơn,
xuôi chiều mà được phân tích, mổ xẻ ở một chiều sâu mới. Đó không phải là hiện
thực “dâng sẵn, đón chờ” như trước, mà là hiện thực đa dạng, nhiều chiều, ẩn chứa
biết bao điều phức tạp, đòi hỏi nhà văn phải “suy ngẫm”, “nghiền ngẫm”, phải đi
sâu khám phá- thứ hiện thực “chưa hoàn kết” theo quan niệm của M.Bakhtin. Từ

“phản ánh hiện thực” đến “nghiền ngẫm hiện thực” là một sự chuyển đổi đáng kể
của văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ. Ở đó, vai trò chủ thể của nhà văn được đề cao.
Người cầm bút có thể thoát khỏi sự ràng buộc của “chủ nghĩa đề tài”, chủ động lựa
chọn hiện thực, suy ngẫm và lí giải, khám phá một cách năng động hiện thực.
Chính sự đổi mới quan niệm về hiện thực đã mở rộng biên độ, đem lại cho
văn xuôi của Nguyễn Thị Thụy Vũ nhiều nội dung phong phú, mới mẻ. Hiện thực
đời sống không chỉ thu gọn trong những biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà
rộng hơn, sâu hơn, “đời” hơn là cái thường nhật với bao mối quan hệ chằng chịt,
chìm ẩn trong những mối quan hệ xã hội, cộng đồng và cá nhân. Hiện thực trong
văn xuôi của bà Thụy Vũ thô nhám, trần trụi. Và bởi thế, cái nhìn thế sự, đời tư thực
sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của nhà văn. Ví như trước đây,
chiến tranh được nhìn nhận và phản ánh chủ yếu qua những chiến công hiển hách
của dân tộc, của con người, thì giờ đây, với Khung rêu, bà Nguyễn nhìn chiến tranh

18


từ phần khuất chìm, suy ngẫm về chiến tranh từ số phận của con người và phản ánh
chiến tranh bằng những “nghịch lí”, trái với những “thuận lí” vốn rất quen thuộc
của tư duy văn học một thời. Nhờ thế đã đem lại cho người đọc một cái nhìn mới,
đa chiều, sâu sắc về hậu quả của chiến tranh. Các tác phẩm không còn trôi trong
cảm hứng ngợi ca như những tác phẩm cùng thời mà giàu chất suy tư, lí giải khi
được chiêm nghiệm từ thân phận con người. Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ không
ngần ngại trước những vấn đề gai góc, thậm chí những vấn đề kiêng kị trước đó như
đời sống bản năng tính dục, phê phán những ngộ nhận và bệnh cuồng tín, tệ nạn xã
hội, đánh bạc, hút chích, sự tha hóa xuống cấp về đạo đức, đạo lí, gái bán bar bị lính
Mỹ hành hạ thể xác, lính Mỹ biểu tình chống “Sàigòn-tea” tại vài đường phố Sài
Gòn để phản đối chủ các bar chém quá nặng, gái bán bar lường gạt lính Mỹ, đi phá
thai, bị bệnh hoa liễu, gái mới nhập môn học các ngón nghề của bậc đàn chị trong
nghệ thuật bán bar, và đôi khi đi khách như một gái hạng khá đắt tiền... (Khung rêu,

Cho trận gió kinh thiên, Thú hoang, Lao vào lửa, Mèo đêm...). Chính ở những
“vùng thẩm mĩ” mới mẻ này văn xuôi của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã kết tinh những
tác phẩm được độc giả khẳng định. Tuy có những đánh giá khen chê khác nhau,
nhưng theo thời gian, tính dân chủ trong văn học đã trả lời đầy đủ nhất cho những
tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ.
1.2.2. Quan niệm về nhà văn, nghề văn
Văn chương đến với bà Nguyễn Thị Thụy Vũ như một nhân duyên. Cuộc đời
với những thăng trầm, hiện thực phơi bày trước mắt bà như ám ảnh thôi thúc con
người văn chương trong bà không thể ngủ yên. Dẫu biết rằng, có thể cuộc sống mưu
sinh đòi hỏi phải viết, nhưng có thể duyên nợ với đời khiến bà không thể nhắm mắt
làm ngơ. Tác phẩm của bà trần trụi, đầy gai góc nhưng đó là hiện thực ám ảnh mà
đầy nhân văn. Phơi bày hiện thực, phản ánh chân thực là cách để bà nói lên khát
vọng được sống, được yêu đương, được làm người một cách đúng nghĩa.“Tôi ngồi
lại bàn viết, dở chồng sách cũ. Tôi nghĩ mình nên ghi những cảm tưởng lên giấy. Từ
lâu tôi có một cao vọng viết một tập tùy bút lẫn truyện ngắn. Ở ngoài đời tôi thất
bại, cô đơn. Chắc hẳn văn chương không cấm những giấc mơ lẫn ảo tưởng của tôi
thao túng, vẽ vời” [45, tr.28].

19


Bà Nguyễn không hề tuyên ngôn hay lên tiếng về nghề nghiệp, sứ mệnh văn
chương của mình, nhưng đọc các tác phẩm, thì đó là cách gián tiếp để ta hiểu được
quan niệm nghiêm túc của bà với nghề, với văn học nghệ thuật.
Nguyễn Thị Thụy Vũ từng nói rằng truyện của bà có 70% là câu chuyện thật.
Như vậy, trải nghiệm của bà trong cuộc đời thật phong phú. Và khả năng tự ý thức
của bà cũng thật rõ ràng: “Ðời sống thực tế với những kinh nghiệm nếm trải đã làm
cho độc giả quên đi một phần nào bút pháp rặt một giọng miền Nam đầy gai góc
của tôi”. Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn là một “người ghi chép” trung thành về cuộc
sống mà bà đã tham dự với tư cách người cầm bút. “Quan sát tận tường, miêu tả táo

bạo, phơi mở nhiều cảnh huống, dõi theo nhiều số phận, chạm khắc những tâm
trạng... truyện dài và truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ nói với chúng ta qua
từng mảnh đời của mỗi người Việt Nam bình thường nhất cũng đều phản chiếu lại
một phần nào đó của lịch sử và chiến tranh. Bóng dáng thời cuộc phả trên làng quê,
những phận người, những cuộc tình, luồn sâu vào đô thị, phát tác nơi lớp người ít
học, cùng khổ” (Lời nói đầu- Hội Nhà văn).
Đọc kỹ các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, chúng tôi nhận thấy rằng bà
là một nhà văn tả chân. Nhà văn tả chân phải là người từng trải cuộc đời, chú mục
phơi bày những cảnh đời bình dị, những con người bình thường. Tác phẩm của bà
phô diễn tính tình và hành động của các hạng người thật sinh động, thanh thoát, tự
nhiên. Trong tác phẩm của bà, con người không còn là những chính nhân quân tử
nữa mà là những con người nhỏ bé mang đầy những khát khao bản năng, vừa tốt lại
vừa xấu, mất tính giáo huấn.
Qua sự cảm nhận và trải nghiệm của mình, các trang văn xuôi của Nguyễn
Thị Thụy Vũ viết theo khuynh hướng tả chân giúp người đọc tỏ tường các mặt thực
của đời, chiều sâu của đời sống xã hội, sự phồn tạp trong hoạt động tinh thần, tâm sinh lý của các hạng người đời. Không thể kết án nhà văn tả chân khi họ miêu tả
những thói xấu của xã hội, những cái đê tiện của người đời và gọi chúng bằng tên
thật của nó. Nguyễn Thị Thụy Vũ dũng cảm đối diện với sự thật, dù nó tàn nhẫn,
khắc nghiệt, trái với sự mong đợi của mình. Nguyễn Thị Thụy Vũ khi viết không
đổi trắng ra đen, không che đậy hay huyễn hoặc lừa mình, dối người, cũng không

20


cốt làm hại đến luân lý, phong hóa cần được tôn trọng. Viết trung thực, có sao nói
vậy, không thêm bớt, tô điểm, vẽ vời, tức là tôn trọng người đọc, để có thể khám
phá chân lý cuộc sống. Khuynh hướng tả chân như vậy là phù hợp với sự phát triển
của thể loại văn xuôi nói riêng cũng như là sự phát triển của văn học nói chung. Do
vậy, có một thời gian tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ bị cấm đoán, nhưng tinh
thần hiện sinh đã trả về đúng giá trị của nó.

Đối với Thụy Vũ, văn chương cũng là một nghề để kiếm sống. Cuộc sống
thường nhật đã thôi thúc bà viết. Tuy nhiên, bà luôn ý thức đó là một nghề nghiêm
túc. Mỗi tác phẩm của bà là những thổn thức, trăn trở rất đời, rất thực, rất văn
chương (Khung rêu, Lao vào lửa, Mèo đêm,...). Bà lắng nghe những tâm sự của các
cô gái điếm, mỗi người mỗi cảnh. Bà chứng kiến những sự thật phũ phàng trong
cuộc đời họ khi dan díu với khách, với binh lính Mỹ. Bà trải lòng và thấu hiểu với
những thân phận cùng đáy xã hội, những cuộc đời con người ở nơi tỉnh lẻ. Để rồi,
tất cả hiện lên trên trang giấy với đầy đủ màu sắc (Khung rêu, Thú hoang, Cho trận
gió kinh thiên...).
Giá trị lớn nhất của văn chương là đi tìm bản chất. Cuộc sống không hoàn
toàn là cái mà ta nhìn thấy hàng ngày, với đôi mắt trần trụi. Chỉ nhà văn, bằng tác
phẩm của mình, mới có khả năng chạm đến tính đa chiều phức hợp trong mỗi con
người. Với người cầm bút, viết còn là cuộc phiêu lưu tới những cái tôi khác. Nhà
văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã hoàn thành được sứ mệnh của mình.
1.3. Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ trong dòng chung của văn học nữ
Nam Bộ trƣớc 1975
Văn xuôi, đặc biệt tiểu thuyết là thể loại bùng nổ của văn học đô thị miền
Nam, tạo thành một hiện tượng văn học trong thời kỳ này. Văn học đô thị miền
Nam 1954- 1975 đã tập hợp được một đội ngũ tác giả tiểu thuyết hùng hậu với số
lượng tác phẩm đồ sộ, với nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau, đặc biệt là văn
học nữ. Lần đầu tiên, người ta thấy số lượng tác phẩm phong phú và đa dạng như
thế. Đọc các tác phẩm, người ta thấy sự thay đổi, phá cách trong văn chương của
các nhà văn nữ được chú ý nhiều hơn so với nam văn sĩ. Tuy nhiên, đó là những
bước thử nghiệm để tìm lối đi riêng của các cây bút nữ. Sáng tác của các cây bút nữ

21


×