MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN CỦA CTCP
SÔNG ĐÀ 12 TRONG THỜI GIAN TỚI
3.1. Nhu cầu vốn của CTCP Sông Đà 12 đến năm 2015
3.1.1. Định hướng, chiến lược phát triển của Công ty đến năm 2015
Định hướng phát triển
Xây dựng và phát triển công ty trở thành Công ty mạnh toàn diện với đa dạng hóa
ngành nghề, sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và cổ tức hàng năm.
- Tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô ngành nghề, sản phẩm hiện có: xây lắp, kinh doanh vật
tư vận tải, sản xuất công nghiệp,…
- Tăng cường công tác đầu tư và hợp tác đầu tư phát triển các sản phẩm và ngành nghề
mới như khai thác và chế biến khoáng sản, kinh doanh nhà ở và văn phòng cho thuê,…
lấy sản xuất công nghiệp làm hướng phát triển chính trong cơ cấu SXKD.
- Tập trung đầu tư nâng cao năng lực thi công, xe máy, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cho
công tác xây lắp và sản xuất công nghiệp.
- Chú trọng đầu tư về con người, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ
chuyên môn, kỹ thuật cao, có thu nhập ổn định và đời sống ngày một nâng cao. Xây
dựng Công ty phát triển bền vững.
- Phát huy cao độ mọi nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín và
thương hiệu Sông Đà trên thị trường trong và ngoài nước.
Chiến lược phát triển
- Chiến lược tổ chức và phát triển doanh nghiệp:
♦ Xây dựng và phát triển Công ty thành Công ty mạnh toàn diện với đa dạng hóa ngành
nghề, sản phẩm, tăng trưởng ổn định và có tính cạnh tranh cao.
♦ Nghiên cứu phương án cổ phần hóa một số xí nghiệp với chủ trương tăng cường chủ
động tối đa cho các đơn vị, Công ty chỉ quản lý điều hành hiệu quả SXKD thông qua
nắm cổ phần chi phối; thành lập thêm một số đơn vị hoặc Ban quản lý.
- Chiến lược thị trường:
♦ Nâng cao công tác tiếp thị, nghiệp vụ đấu thầu để nhận thầu thi công xây lắp và mở
rộng thị trường cung cấp các sản phẩm công nghiệp của Công ty.
♦ Tham gia thi công xây dựng các công trình thủy điện do Tổng Công ty làm tổng thầu
hoặc chủ đầu tư, các dự án do công ty đầu tư hoặc liên kết cùng đầu tư, nhận thầu trên
địa bàn Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
♦ Tham gia xây dựng dân dụng, công nghiệp, và đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp.
♦ Nhận thầu vận chuyển thiết bị STST, đóng mới tàu biển, kinh doanh dịch vụ kho bãi.
♦ Tham gia đầu tư và xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ, các dự án bất động sản
tại khu vực Hà Nội, tham gia đầu tư tài chính phù hợp với năng lực và nguồn vốn của
Công ty.
- Chiến lược đầu tư:
♦ Đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp (Puzolan, tro bay, bê tông thương phẩm,…)
♦ Đầu tư, kinh doanh khu đô thị, kinh doanh nhà ở văn phòng. Đầu tư và hợp tác đầu tư
tài chính dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc ủy thác đầu tư.
♦ Đầu tư nâng cao năng lực xe, máy, thiết bị thi công theo hướng hiện đại, công nghệ mới
và tiên tiến đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ SXKD.
♦ Chiến lược phát triển nguồn lực:
♦ Chú trọng công tác tuyển dụng lao động và đào tạo, phát triển cả về mặt số lượng và
chất lượng.
♦ Đa dạng kênh huy động vốn, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, đảm bảo đủ vốn cho hoạt
động SXKD và đầu tư các dự án cũng như góp vốn đầu tư tài chính.
Các chỉ tiêu dự kiến chủ yếu của năm 2015
- Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7 – 10%.
- Tổng giá trị SXKD đạt khoảng 500 tỷ đồng, tương đương với 31,25 triệu USD
- Tổng doanh thu đạt khoảng 478,08 tỷ đồng, tương đương với 29,88 triệu USD
- Nộp Nhà nước đạt kho 14,92 tỷ đồng, tương đương 0,93 triệu USD
- Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 29,52 tỷ đồng, tương đương 1,85 triệu USD
- Giá trị đầu tư phát triển khoảng 194 tỷ đồng, tương đương 12,13 triệu USD
- Vốn điều lệ khoảng 150 tỷ đồng
- Tổng tài sản năm 2015 khoảng 596,03 tỷ đồng, tương đương 37,25 triệu USD
- Thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Dự kiến tỷ trọng cơ cấu ngành nghề trong giá trị SXKD của năm 2015
- Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị SXKD (tăng
344,66% so với năm 2010)
- Tỷ trọng giá trị xây lắp chiếm khoảng 35% trong tổng giá trọ SXKD (tăng 25% so với
năm 2010), trong đó, lấy thi công xây dựng các công trình công nghiệp và xây dựng
thủy điện làm chủ đạo.
- Tỷ trọng giá trị kinh doanh vật tư, vận tải, dịch vụ chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị
SXKD (giảm 28,26% so với năm 2010), tập trung sản xuất và cung cấp các sản phẩm
công nghiệp như phụ gia Puzolan, tro bay phục vụ công tác bê tông cho các công trình
thủy điện, kinh doanh nhà ở và văn phòng cho thuê; khai thác dịch vụ trung chuyển, vận
chuyển vật tư thiết bị, đóng mới và sửa chữa tàu biển,…
3.1.2. Nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh đến năm 2015
Để có thể đưa ra được các giải pháp toàn vẹn cho huy động và sử dụng vốn của
doanh nghiệp, thì yếu tố cần quan tâm đầu tiên là nhu cầu về vốn SXKD của doanh
nghiệp. Dựa vào các kế hoạch hàng năm và kế hoạch phát triển đến năm 2015 của Công
ty, chúng ta có thể có được Bảng nhu cầu về vốn SXKD của Công ty như sau:
Bảng 11: Nhu cầu về vốn SXKD của Công ty thời kỳ kế hoạch 2011 - 2015
Đơn vị tính: triệu đồng
Chỉ tiêu về vốn KH
2011
KH
2012
KH
2013
KH
2014
KH
2015
1. Tổng nguồn vốn 402.171 450.041 496.516 544.502 596.028
2. Vốn chủ sở hữu 119.215 131.361 133.658 136.055 138.268
Tỷ trọng trong tổng nguồn vốn 29,64% 29,19% 26,92% 24,99% 23,2%
3. Nợ phải trả 282.956 318.680 362.858 408.447 457.760
Tỷ trọng trong tổng nguồn vốn 70,03% 70,81% 73,08% 75,01% 76,8%
(Nguồn: kế hoạch SXKD của CTCP Sông Đà 12)
3.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng
vốn sản xuất kinh doanh của CTCP Sông Đà 12
3.2.1. Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn
3.2.1.1.Chủ động xây dựng kế hoạch huy động vốn
Mặc dù nền kinh tế nước ta chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa sang cơ chế thị trường
nhưng công tác kế hoạch không hề mất đi vai trò quan trọng trong toàn nền kinh tế và
trong hệ thống doanh nghiệp. Lập được một kế hoạch tốt sẽ quyết định hiệu quả SXKD
của doanh nghiệp, giúp cho con đường tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp trở nên dễ
dàng hơn. Thực tế CTCP Sông Đà 12 mới chỉ dừng lại ở công việc lập kế hoạch SXKD
hàng năm, dự báo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, xác định những chỉ
tiêu liên quan đến lợi nhuận, doanh thu, chi phí, thu nhập bình quân, và một số chỉ tiêu
khác mà chưa lập được một kế hoạch chi tiết huy động và sử dụng vốn cụ thể.
Cũng như các kế hoạch khác của doanh nghiệp, kế hoạch sử dụng vốn cũng phải
dựa trên kế hoạch SXKD dự kiến hàng năm và một số kế hoạch khác liên quan tới lĩnh
vực thị trường, đấu thầu, tài chính, lao động, tiền lương… Từ đó, xác định nhu cầu vốn
cho từng hoạt động SXKD rồi cân đối nhu cầu vốn với khả năng tự tài trợ của Công ty để
xác định số vốn cần được huy động và những kênh huy động vốn hợp lý.
Để xây dựng được một kế hoạch huy động vốn linh hoạt và tối ưu cho đơn vị
mình, Công ty nên nghiên cứu thị trường tài chính để tìm kiếm những nguồn tài trợ trong
ngắn hạn và dài hạn có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng SXKD. Đồng thời rà soát các mối
quan hệ của Công ty với CBCNV, với khách hàng, với nhà cung cấp, với đối tác tham gia
liên doanh liên kết cũng như đối với Nhà nước, để có thể khai thác tối đa nguồn vốn từ
những mối quan hệ này. Việc sử dụng những nguồn vốn này thường khá thuận lợi vì
hoàn toàn dựa trên mối quan hệ có sẵn với chi phí thấp, thậm chí không phải trả lãi, do đó
tiết kiệm được chi phí vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Công ty. Mặt
khác, nhất thiết phải dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp để việc huy động được
kịp thời, không thừa, không thiếu gây lãng phí vốn.
3.2.1.2.Hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh
Cùng với nhu cầu mở rộng hoạt động SXKD của Công ty theo hướng đa lĩnh
vực, thì tất nhiên nhu cầu về vốn cũng phải tăng lên. Để tiếp cận được những nhà tài trợ
truyền thống, “khó tính” hiện nay như ngân hàng thì việc xây dựng một phương án
SXKD khả thi, có căn cứ và đủ sức thuyết phục là điều kiện cần. Trong đó phải đảm
bảo đủ mục tiêu của phương án SXKD, kết quả dự kiến và khả năng hoàn trả vốn dựa
vào thực lực của doanh nghiệp.Mặt khác, phương án SXKD phải xuất phát từ nhu cầu
thị trường để quyết định quy mô, chủng loại, mẫu mã, chất lượng và giá bán sản phẩm.
Có như vậy, sản phẩm sản xuất ra mới có khả năng tiêu thụ được, quá trình sản xuất
mới tiến hành bình thường, TSCĐ mới có khả năng phát huy hết công suất, công nhân
viên có việc làm, VLĐ chu chuyển đều đặn, hiệu quả sử dụng vốn cao. Ngoài ra, Doanh
nghiệp cần phân tích kỹ lưỡng thị trường để nhận biết và dự báo những tác động tiêu
cực có thể xảy ra khi thị trường không ổn định. Qua đó, tăng độ tin cậy của những
phương án SXKD và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay sẽ dễ dàng hơn. Việc đảm bảo
tiến độ thi công công trình, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng rất quan trọng nhằm
nâng cao uy tín và quảng bá thương hiệu cho Công ty, giúp Công ty dễ dàng tiếp cận
với các nguồn vốn hơn.
Ngoài ra, để chắc chắn về hiệu quả của huy động vốn, khi xây dựng phương án
kinh doanh cần có những dự báo về kết quả kinh doanh tổng thể trong tương lai với hai
kịch bản đó là: có nguồn vốn và không có nguồn vốn dự kiến huy động. Với việc làm
nàyì Công ty sẽ có được một cái nhìn tổng thể về tương lai và chọn lựa được hình thức
huy động phù hợp và phương án kinh doanh hiệu quả nhất.
3.2.1.3.Đa dạng kênh huy động vốn, lựa chọn nguồn tài trợ tối ưu
Bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong nền KTTT đều muốn doanh nghiệp
mình có nguồn vốn chủ động để hoạt động SXKD hiệu quả mà không phải lo đến việc trả
nợ. Tuy vậy không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tự đáp ứng được vốn cho toàn bộ
quá trình SXKD của mình mà ngoài nguồn VCSH, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần
huy động những nguồn vốn bổ sung nhằm đảm bảo SXKD tiến hành bình thường và mở
rộng quy mô hoặc đầu tư chiều sâu. Các nguồn huy động bổ sung vốn trong nền KTTT
bao gồm rất nhiều nguồn: nguồn vốn doanh nghiệp tự bổ sung, vay ngân hàng, vay các
đối tượng khác, liên doanh liên kết… Việc lựa chọn nguồn vốn nào rất quan trọng và cần
phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả kinh tế. Nếu đầu tư chiều sâu hoặc mở rộng thì trước
hết cần huy động nguồn vốn doanh nghiệp tự bổ sung từ lợi nhuận để lại, từ quỹ khuyến
khích phát triển sản xuất, phần còn lại vay tín dụng Nhà nước, vay ngân hàng, thu hút vốn
liên doanh, liên kết… Với nhu cầu bổ sung VLĐ thì trước hết doanh nghiệp cần sử dụng
linh hoạt các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các quỹ trích lập theo mục đích nhưng
chưa sử dụng, lợi nhuận chưa phân phối, các khoản phải trả nhưng chưa đến hạn trả,
phần còn lại vay ngân hàng hoặc vay các nguồn khác.
Còn trong trường hợp thừa vốn thì tùy từng điều kiện cụ thể để Doanh nghiệp
lựa chọn khả năng sử dụng. Nếu đưa đi liên doanh liên kết hoặc doanh nghiệp khác vay
thì cần phải thận trọng thẩm tra kỹ các dự án liên doanh, kiểm tra tư cách khách hàng
nhằm đảm bảo liên doanh có hiệu quả kinh tế, cho vay không bị chiếm dụng vốn do quá
hạn chưa trả, hoặc mất vốn do khách hàng không có khả năng thanh toán.
Tóm lai, Công ty có thể lựa chọn huy động từ các nguồn sau:
- Huy động vốn từ nội bộ doanh nghiệp:
♦ Lợi nhuận để lại là nguồn hỗ trợ tích cực cho nhu cầu vốn kinh doanh, thể hiện sự độc
lập và khả năng vững vàng về tài chính của doanh nghiệp. Nguồn lợi nhuận để lại có
thể huy động thông qua các quỹ chuyên dùng, đặc biệt là quỹ đầu tư phát triển. Công ty
có thể sử dụng nguồn này một cách chủ động mà không bị phụ thuộc bởi các điều kiện
cho vay như vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng…
♦ Huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ CBCNV bằng cách khuyến khích họ đầu tư vào những
dự án thủy điện có quy mô vừa và nhỏ với cương vị là một nhà đầu tư và được hưởng
phần lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn đầu tư vào dự án. Hoặc tăng mức lãi suất tiết
kiệm tiền cho vay của CBCNV, tạo động lực thúc đầy họ tiết kiệm nhiều hơn.
- Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.
♦ Đầu tiên là phát hành cổ phiếu: việc phát hành cổ phiếu, một mặt sẽ giúp Công ty giải
quyết khó khăn về vốn, làm tăng VCSH, giảm thấp hệ số nợ, tăng khả năng vững chắc
của Công ty. Mặt khác, nó góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh
doanh của Công ty bằng việc không trả chi phí cho việc sử dụng vốn. Trong thời gian
tới, Công ty cần phân tích kỹ thị trường chứng khoán để có những quyết định đầu tư,
tăng vốn điều lệ hoặc có thể bán bớt một số cổ phần đang sở hữu của Công ty. Ngoài ra,
Công ty cần có sự chuẩn bị tốt về quảng bá, chào bán cổ phiếu kết hợp với các ưu đãi
về giá cho các nhà đầu tư mua với số lượng lớn, áp dụng chính sách lợi tức cổ phần hấp
dẫn các nhà đầu tư.
♦ Trong thời gian tới, Công ty cần chú trọng đến việc đầu tư vốn ra bên ngoài Công ty
nếu thấy cần thiết và có lợi. Công ty có thể mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị
trường chứng khoán hoặc mua trái phiếu để có thêm thu nhập. Để việc đầu tư này có
hiệu quả, Công ty cần nắm chắc các thông tin, từ đó cân nhắc, tính toán để lựa chọn
những hình thức và phương pháp đầu tư vốn có lợi nhất.
- Huy động vốn thông qua liên doanh, liên kết: đây cũng là xu hướng tích cực. Thông qua
quá trình liên doanh, một mặt tạo thêm được kênh cung cấp vốn kinh doanh, mặt khác,
tạo cơ hội cho Công ty hòa nhập với nền khoa học kỹ thuật hiện đại, nhờ đó, nâng cao
khả năng cạnh tranh của Công ty trên thị trường. Hiện nay, Công ty đang góp vốn liên
doanh, liên kết với một số công ty khác. Trong thời gian tới Công ty cần xem xét mở
rộng và chọn lựa thêm các đối tượng liên doanh liên kết có hiệu quả.
- Huy động vốn qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng: đây là nguồn vốn mà hầu hết các
doanh nghiệp xây dựng đã và đang khai thác. Vốn vay là nguồn vốn mà doanh nghiệp có
thể huy động được với số lượng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có và thực hiện các
điều kiện do ngân hàng hoặc người cho vay đặt ra như: thế chấp tài sản, tỷ lệ lãi (đặc biệt
trong giai đoạn lạm phát vừa qua) … Hiện nay, các doanh nghiệp có thể vay vốn dễ dàng
ở các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, của các tổ chức kinh tế khác, của dân cư…
Về lâu dài, các doanh nghiệp vẫn phải huy động các nguồn vốn vay này, mặc dù việc huy
động để đầu tư dài hạn là một quyết định mạo hiểm, khả năng rủi ro cao, trong điều kiện
hệ số nợ của Công ty cao như hiện nay, vì vậy, đòi hỏi Công ty phải cân nhắc kỹ càng,
tính toán, cân đối các nguồn vốn, lựa chọn giải pháp tối ưu nhất khi phải huy động các
nguồn vốn vay. Đồng thời, cần tăng cường quan hệ với các tổ chức tín dụng, đa dạng hóa
hình thức huy động vốn, đảm bảo huy động đầy đủ và kịp thời vốn cho SXKD.
- Đẩy mạnh khai thác các công trình có vốn trong dân. Tích cực tìm kiếm các công trình ở
địa phương có nguồn vốn huy động một phần từ dân. Hình thức huy động vốn này có ưu
điểm là giúp Công ty thu hồi vốn nhanh, song Công ty cần tìm hiểu kỹ đặc điểm và tình
hình huy động vốn của địa phương.
- Nền KTTT tạo cho các doanh nghiệp nhiều hình thức để giải quyết khó khăn về vốn
trong đó có thuê, thuê mua tài chính. Đây là một hình thức tương đối mới mẻ nhưng đang
dần phát triển ở nước ta trong những năm gần đây. đây là một phương thức huy động và
sử dụng vốn vô cùng hiệu quả đối với các doanh nghiệp xây dựng, do tính chất sản xuất
gồm nhiều công đoạn khác nhau, doanh nghiệp cần nhiều máy móc, thiết bị đắt tiền
nhưng sản phẩm lại chỉ được sản xuất đơn chiếc, sản xuất di động, thời gian sử dụng máy
móc không liên tục. So với các hình thức tín dụng khác thì tín dụng thương mại sẽ tạo
nhiều thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Điều dễ thấy nhất là với tín dụng thông
thường, khách hàng phải thế chấp tài sản và chỉ được vay tối đa 70% giá trị tài sản thế
chấp. Còn với hình thức tín dụng thương mại thì khách hàng chỉ phải bỏ ra từ 30 – 40%
giá trị tài sản được thuê, phần còn lại là công ty thuê mua sẽ bỏ ra để mua thiết bị, như
vậy, các doanh nghiệp có máy móc, thiết bị để đưa vào hoạt động SXKD của mình.
Ngoài ra, tín dụng thương mại còn có đặc điểm là rất ít rủi ro. Vì quyền sở hữu vẫn thuộc
về người cho thuê (công ty thuê mua), trong khi người đi thuê cũng góp vốn trong tài sản
này lại được quyền sở hữu tài sản khi kết thúc hợp đồng nên trách nhiệm bảo quản tài sản
thuê mua rất cao. Tín dụng thương mại đảm bảo tài trợ linh hoạt toàn bộ nhu cầu vốn của
doanh nghiệp và do đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư khẩn cấp,
chớp được thời cơ thị trường mà không cần thiết phải đảo lộn cơ cấu tài chính, không
tăng hệ số nợ của Công ty, hạn chế rủi ro và lạc hậu kỹ thuật cho Công ty. Trong thời
gian tới, Công ty cần mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng hình thức này.
- Ngoài ra, trong thời gian tới Công ty cần Nghiên cứu xây dựng các dự án đầu tư để
tranh thủ nguồn vốn huy động từ ngân sách, các nguồn tài trợ của nước ngoài như vốn
ODA, FDI. Những năm qua, không chỉ riêng Công ty mà các doanh nghiệp trong ngành
xây dựng khai thác các nguồn vốn này chưa được là bao. Trong điều kiện các doanh
nghiệp đang thiếu vốn như hiện nay thì việc tận dụng, khai thác mọi nguồn vốn là việc
cần phải ưu tiên giải quyết. Vì vậy, doanh nghiệp một mặt cần xây dựng các dự án (nếu
có thể) để tranh thủ nguồn vốn ngân sách nhà nước, mặt khác, cần tìm kiếm và khai
thác sự hỗ trợ và giúp đỡ về vốn và kỹ thuật của các doanh nghiệp, của các chính phủ
và tổ chức quốc tế để từng bước phát triển doanh nghiệp mình.