ĐẶT VẤN ĐỀ
Rừng là tài nguyên quý báu của quốc gia, là bộ phận quan trọng của môi
trường sinh thái, có giá trị to lớn về kinh tế-xã hội. Do vậy tài nguyên rừng cần
được quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững và đây cũng là xu thế phát triển lâm
nghiệp của thế giới hiện nay.
Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên 33,12 triệu ha, trong đó diện tích có
rừng 12,61 triệu ha và 6,16 triệu ha đất trống đồi núi trọc là đối tượng của sản
xuất lâm nông nghiệp. Như vậy, ngành Lâm nghiệp đã và đang thực hiện hoạt
động quản lý và sản xuất trên diện tích đất lớn nhất trong các ngành kinh tế quốc
dân. Diện tích đất lâm nghiệp phân bố chủ yếu ở trên các vùng đồi núi của cả
nước, đây cũng là nơi sinh sống của 25 triệu cư dân thuộc nhiều dân tộc ít
người, có trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, kinh tế chậm phát
triển và đời sống còn nhiều khó khăn.
Tuy diện tích rừng có tăng nhưng chất lượng rừng tự nhiên cũng như rừng
trồng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phòng hộ. Hiện trạng diện tích
đất chưa sử dụng toàn quốc còn 6,76 triệu ha, trong đó đất trống đồi núi trọc là
6,16 triệu ha chiếm 18,59% diện tích của cả nước; chủ yếu là đất thoái hóa. Đây
là nguồn tài nguyên tiềm năng nhưng đồng thời cũng là thách thức cho phát triển
sản xuất lâm nghiệp. Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã
đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt công tác bảo vệ và phát triển rừng
trên phạm vi toàn quốc đã ngăn chặn được tình trạng suy thoái về diện tích và
chất lượng rừng, diện tích rừng tăng từ 9,30 triệu ha năm 1995 lên 11,31 triệu ha
năm 2000 và 12,61 triệu ha năm 2005 (bình quân tăng 0,3 triệu ha/năm). Hiện
nay bình quân mỗi năm trồng mới được khoảng 200.000 ha rừng. Sản lượng
khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 2.000.000 m3/năm để cung cấp nguyên liệu
cho chế biến hàng lâm sản xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Hoạt động sản xuất của ngành lâm nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ từ
nền lâm nghiệp quốc doanh, theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền lâm
nghiệp xã hội hoá với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và hoạt động theo cơ chế
của nền kinh tế sản xuất hàng hoá. Do đó, ngành lâm nghiệp đã tham gia tích
cực tạo việc làm, cải thiện đời sống cho gần 25% dân số của Việt Nam sống trên
địa bàn rừng núi, góp phần bảo đảm an ninh chính trị xã hội, tạo đà phát triển
chung cho đất nước trong các năm qua.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những tồn tại, đặc biệt diện tích rừng tuy có
tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị
suy giảm, ở một số nơi diện tích rừng tiếp tục bị tàn phá. Vì vậy, trong Chiến
lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020 đã xác định: Quản lý, sử dụng
và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp. Theo đó, mục
tiêu đến năm 2020 được xác định là: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử
dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có
rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020.
Trong bối cảnh lâm nghiệp Việt Nam như đã nêu trên, quản lý rừng bền
vững là định hướng chiến lược quan trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng của
ngành góp phần đóng góp vào nền kinh tế quốc dân; cải thiện đời sống người
dân vùng rừng núi; bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng. Nhận thức rõ
điều này, Nhà nước đã và đang từng bước hoàn thiện khuôn khổ thể chế chính
sách và thúc đẩy các hoạt động thực tiễn để quản lý rừng được bền vững.
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM
1. Nhận thức về quản lý rừng bền vững
Trong khi khái niệm “bền vững” được thế giới bắt đầu sử dụng từ những
năm đầu thế kỷ 18 để chỉ lượng gỗ lấy ra khỏi rừng không vượt quá lượng gỗ
mà rừng có thể sinh ra, tạo tiền đề cho quản lý rừng bền vững sau này thì ở Việt
Nam mãi đến cuối thế kỷ 20 mới dùng khái niệm “Điều chế rừng” để quản lý,
kinh doanh lâm nghiệp với hy vọng sản lượng rừng được duy trì ở những lần
khai thác tiếp theo. Phương án điều chế rừng đầu tiên của Việt Nam (được thực
hiện 7/1989) là Phương án điều chế rừng lâm trường Mã Đà (Đồng Nai) với sự
trợ giúp của chuyên gia nước ngoài (Dự án VIE/82/002 do UNDP/FAO trợ
giúp) để phát triển
Phương thức điều chế rừng ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính là xây dựng một
mẫu phương án tiêu chuẩn; hướng dẫn lập kế hoạch điều chế và đưa ra những đề
xuất cho việc điều chế rừng lâm trường Mã Đà. Cho đến nay, ngành lâm nghiệp
vẫn đang dùng thuật ngữ “Điều chế rừng”, coi nó như một công cụ, một phương
pháp truyền thống để quản lý rừng của các chủ rừng. Nghĩa là, tất cả các chủ
rừng cho đến nay đều quản lý rừng theo cách lập phương án điều chế được thực
hiện theo những quy định tại Quyết định 40/2005/QĐ-BNN, ngày 7/7/2005 của
Bộ NN-PTNT về Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác.
Mặc dù khái niệm quản lý rừng bền vững đã có từ những năm cuối thập
kỷ 80 của thế kỷ 20 và không ngừng phát triển nhưng đến nay đối với cán bộ
lâm nghiệp khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ về mục đích và các hoạt động của
quản lý rừng bền vững. Thật vậy, một kết quả điều tra mới đây của ORGUT cho
thấy: có 85% số người được phỏng vấn trả lời là có biết về thuật ngữ Quản lý
rừng bền vững. Nhưng khi hỏi tiếp theo là: Những hoạt động chính để tiến tới
quản lý rừng bền vững là gì? thì có tới 75 % trong số đó trả lời là không biết.
Ngoài ra, việc chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng
bền vững hiện nay đang được thúc đẩy bởi một công cụ thị trường là “Chứng chỉ
rừng”. Ý tưởng cấp chứng chỉ rừng do Hội đồng Quản trị Rừng (FSC) đề cập
đến từ những năm đầu thập kỷ 90 như là một “công cụ hữu hiệu, giúp cải thiện
quản lý rừng của thế giới”; “là công cụ chính sách mạnh mẽ nhất” trong quản lý
rừng. Nhiều nước trên thế giới đã khá thành công trong việc cấp chứng chỉ rừng
nên đã góp phần đáng kể quản lý rừng bền vững. Tính đến 11/2007, Hội đồng
quản trị rừng quốc tế (FSC) đã cấp 913 chứng chỉ rừng cho 78 nước với tổng
diện tích 93.898.717 ha. Trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, FSC đã cấp
81 chứng chỉ với diện tích 3.144.345 ha trong đó Trung Quốc, Newzelands,
Indonesia, Úc là các nước dẫn đầu về diện tích rừng được cấp chứng chỉ..
Như trên đã nêu, Chứng chỉ rừng đã được các nước trên thế giới biết đến
và sử dụng từ gần 20 năm nay; trong khi đó, ở Việt nam hiện nay khái niệm
Chứng chỉ rừng đang còn là rất mới mẻ với cán bộ, người dân hoạt động trong
lĩnh vực lâm nghiệp. Tại cuộc điều tra đánh giá nhu cầu đào tạo về quản lý rừng
bền vững do ORGUT thực hiện vào tháng 9/2007 tại các cơ quan lâm nghiệp ở
trung ương và địa phương cho thấy: 45 % số người được phỏng vấn có biết về
khái niệm chứng chỉ rừng. Nhưng trong số này chỉ có 34 % có hiểu biết rất mơ
hồ về điều kiện được cấp chứng chỉ rừng.
Thực tế hiện nay cho thấy: Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là
những khái niệm rất mới mẻ, chưa có tiền lệ và chưa có thực tế nên chưa hề có
kinh nghiệm. Thậm chí đang có sự tranh cãi về những điểm khác nhau của hai
khái niệm này; nhiều người cho rằng: Tiêu chuẩn cấp chứng chỉ rừng là tiêu
chuẩn quản lý rừng bền vững; khi một đơn vị được cấp chứng chỉ rừng thì có
nghĩa là ở đơn vị đó đạt quản lý rừng bền vững. Đây là những vấn đề cần được
tiếp tục thảo luận trên các diễn đàn lâm nghiệp.
2. Các chính sách liên quan đến quản lý rừng bền vững
Các chính sách cam kết của Chính Phủ là nhân tố quan trọng để quản lý
rừng bền vững. Các chính sách liên quan đến quản lý rừng bền vững được hiểu
là những chính sách điều tiết, chi phối trực tiếp và có tác động đến việc quản lý
và sử dụng nguồn tài nguyên rừng và đất rừng một cách bền vững. Cho đến nay
đã có 25 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý rừng bền vững.
Trong đó, số văn bản thuộc các cấp ban hành là: Quốc hội: 3, Chính phủ: 7, Thủ
tướng Chính phủ: 5, Bộ NN-PTNT: 10 (Chi tiết xem Phụ biểu 1). Các đạo luật
lâm nghiệp và Chiến lược lâm nghiệp quốc gia thể hiện cam kết thực hiện quản
lý rừng bền vững. Các vấn đề về Quản lý rừng bền vững là một yếu tố chủ chốt
trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam. Điều này
được thể hiện trong các văn bản pháp quy dưới đây:
- Luật bảo vệ và phát triển rừng, năm 2004: Việc sửa đổi Luật Bảo vệ và
phát triển rừng năm 2004 dựa trên quan điểm áp dụng quản lý rừng bền vững
với tất cả các khu rừng ở Việt Nam. Đây là đạo luật quan trọng nhất về lâm
nghiệp. Trong đó tại Điều 9 đã quy định các hoạt động để đảm bảo quản lý rừng
bền vững: Các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phải đảm bảo phát triển bền
vững về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; phù hợp với chiến
lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển lâm nghiệp; đúng quy hoạch,
kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cả nước và địa phương; tuân theo quy
chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Luật Bảo vệ môi trường, năm 2005; trong Chương IV: Bảo tồn và sử
dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, có 7 điều (từ Điều 28 đến Điều 34) đã đưa
ra những quy định liên quan tới quản lý rừng bền vững thuộc các lĩnh vực, như:
Điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên; Bảo vệ thiên
nhiên; Bảo vệ đa dạng sinh học; Bảo vệ và phát triển cảnh quan thiên nhiên; Bảo
vệ môi trường trong khảo sát, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên
nhiên; Phát triển năng lượng sạch.
- Luật Đất đai, năm 2003 đã quy định: Việc sử dụng đất phải tôn trọng các
nguyên tắc sau đây: Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn
hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh (Điều 11).
- Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020: Có thể nói cam
kết của Việt Nam về quản lý rừng bền vững được chính thức hóa vào năm 2006
khi mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược lâm nghiệp. Trong bản
Chiến lược, Việt nam đã khẳng định quan điểm phát triển lâm nghiệp là: Quản
lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp.
Các hoạt động sản xuất lâm nghiệp phải dựa trên nền tảng quản lý bền vững
thông qua quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng nhằm không ngừng nâng
cao chất lượng rừng. Phải kết hợp bảo vệ, bảo tồn và phát triển với khai thác
rừng hợp lý... Đồng thời, trong Chiến lược cũng đã đề ra 5 chương trình hành
động, trong đó Chương trình quản lý và phát triển rừng bền vững là Chương
trình trọng tâm và ưu tiên số 1. Trong Chiến lược này, nhiệm vụ được đặt ra là:
Quản lý bền vững và có hiệu quả 8,4 triệu ha rừng sản xuất, trong đó 4,15 triệu
ha rừng trồng và 3,63 triệu ha rừng tự nhiên. Phấn đấu ít nhất có được 30% diện
tích rừng sản xuất có chứng chỉ rừng.
3. Những tồn tại của các chính sách hiện nay
- Như trên đã nêu, mặc dù Việt Nam đã có định hướng rõ ràng về quản lý
rừng bền vững được thể hiện trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Chiến lược
lâm nghiệp quốc gia. Nhưng các chính sách cụ thể dưới các đạo luật này (Nghị
định, Quyết định, Thông tư ...) lại chưa có hướng dẫn đầy đủ, nhất là chưa đưa
ra các tiêu chuẩn để đánh giá rừng được quản lý bền vững nhằm đảm bảo mọi
tác động đối với rừng đạt được sự bền vững.
- Chính sách, thể chế, trình độ, năng lực của Việt nam vẫn chưa phù hợp
với tiêu chuẩn cấp chứng chỉ rừng của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC),
cần nâng cấp, sửa đổi, thay thế.
- Các chính sách bảo tồn rừng của Việt Nam mới chỉ chú trọng vào rừng
đặc dụng mà ít quan tâm tới sản xuất là chưa phù hợp với tiêu chuẩn số 9 của
FSC về các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
- Chưa có chính sách đào tạo, giáo dục và phổ cập về quản lý rừng bền
vững cho học sinh, sinh viên. Nên cán bộ sau khi tốt nghiệp đại học lâm nghiệp
hoặc các chuyên ngành liên quan chưa được giới thiệu về quản lý rừng bền vững
và chứng chỉ rừng, chưa biết lập kế hoạch quản lý rừng bền vững, chưa biết xây
dựng cơ sở dữ liệu, công tác giám sát và đánh giá….
- Thực tế cho thấy, tại các cơ quan lâm nghiệp ở trung ương và địa
phương phần lớn (68%) số người được phỏng vấn cho rằng khung chính sách
hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu của quản lý rừng bền vững; chỉ có rất ít
(32%) số người được phỏng vấn nói là khá phù hợp (Kết quả điều tra đánh giá
nhu cầu đào tạo về quản lý rừng bền vững do ORGUT thực hiện vào tháng
9/2007).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hiểu biết về quản lý rừng bền
vững nêu trên là do:
- Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật lâm nghiệp mà trong đó đưa ra
các tiêu chí để quản lý rừng bền vững; các hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các
hoạt động liên quan đến quản lý rừng bền vững.
- Các nhà hoạch định chính sách lâm nghiệp chưa đề ra các giải pháp cụ
thể và mạnh mẽ để chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng
bền vững; thiếu sự học hỏi kinh nghiệm các nước, nhất là các nước trong khu
vực Châu Á-Thái Bình Dương.
- Các trường đại học lâm nghiệp hoặc đại học nông lâm chưa đổi mới kịp
thời giáo trình cho phù hợp với phương pháp tiếp cận tiên tiến trong quản lý
rừng nên trong chương trình giảng dạy của nhà trường chưa coi Quản lý rừng
bền vững là môn học độc lập mà thường được lồng ghép với các môn chuyên
môn khác như: Quy hoạch sử dụng đất; Thiết kế kinh doanh rừng; Trồng rừng
và Khai thác rừng....
- Ngành lâm nghiệp chưa đưa ra được lộ trình của quá trình đạt được quản
lý rừng bền vững đối với các loại rừng, mà trước mắt là hơn 10 triệu ha rừng
được quy hoạch là lâm phận ổn định quốc gia. Nhưng lại ít chú trọng và đầu tư
xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững để rút kinh nghiệm.
Vì vậy, việc xây dựng và bổ sung để hoàn thiện khuôn khổ chính sách và các
quy định về kỹ thuật liên quan đến quản lý rừng bền vững đang là yêu cầu cấp
bách hiện nay. Chỉ có như thế thì chủ trương quản lý rừng bền vững trong sản
xuất kinh doanh lâm nghiệp mới trở thành hiện thực.
4. Kết quả hoạt động quản lý rừng bền vững
4.1. Ở cấp Trung ương
4.1.1. Tuyên truyền, tập huấn đào tạo về quản lý rừng bền vững: Ở Việt Nam,
công tác tuyên truyền về quản lý rừng bền vững bắt đầu được tiến hành từ đầu
năm 1998 chủ yếu do Tổ công tác quốc gia thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ