Đề bài:
Việc SCIC phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để mua một vài loại cổ phiếu trên thị trường
chứng khoán nhằm cứu thị trường chứng khoán Việt Nam khỏi bị sụp đổ năm 2007, 2008
đã để lại hậu quả nhiều hơn so với hiệu quả. Hãy bình luận quan điểm trên.
Bài làm:
Việc SCIC kết hợp với Ngân hàng Nhà nước mua cổ phiếu nhằm cứu thị trường
chứng khoán (TTCK) khỏi bị sụp đổ năm 2007, 2008 đã khiến báo chí tốn không ít giấy
mực để bình luận về nó. Người khen cũng có mà kẻ chê cũng vô số. Vì SCIC được chính
phủ tài trợ vốn mua cổ phiếu để giảm bớt căng thẳng thanh khoản cho TTCK, nhưng lại
được giữ bí mật về tiền vốn, số lượng, danh mục, thời gian mua, giá mua vào và tỷ trọng
phân bổ. Nên đã có nhiều quan điểm trái chiều được nêu ra, và tất cả cũng chỉ là suy luận
vì không có cơ sở số liệu nào từ Chính phủ để khẳng định lý luận của mình.
Chỉ biết rằng, nếu SCIC đã tung nhiều tiền mua cổ phiếu, thì chắc chắn chỉ gây nên
hậu quả nghiêm trọng chứ không phải hiệu quả. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của người
viết, thì đó chỉ là liệu pháp tâm lý tạm thời của Nhà nước để xoa dịu căng thẳng. Sau đây là
những lí luận chứng minh điều đó.
1) Nếu SCIC đã thực sự tung vốn mua cổ phiếu ngày 7/3/2008 thì chắc hẳn để lại
hậu quả nặng nề hơn là hiệu quả :
Bằng chứng là VNIndex chỉ tăng điểm trong vài phiên cơ bản sau khi thị trường
nghe tin này, và sau đó đã lại tiếp tục tục dốc không phanh đến mức thấp nhất 496.6 ngày
25/3/2008 và sau đó chỉ dao dộng trên mức 500, không thể cao hơn. Điều đó cho thấy
SCIC can thiệp vào thị trường Chứng khoán, chi ra số tiền lớn để mua cổ phiếu chỉ giống
như “hạt muối bỏ bể”, không hiệu quả, tác dụng chỉ trong ngắn hạn mà không giúp TTCK
đi lên bền vững lâu dài được.
Việc Chính phủ tài trợ vốn cho SCIC mua cổ phiếu sẽ càng đẩy thâm hụt ngân sách
(đang ở mức 6%, vượt chỉ tiêu bội chi 5% GDP) lên cao và tăng áp lực lạm phát đang ở hai
con số 16% vì làm tăng thêm cung tiền vào thị trường, và có thể tạo bất ổn cho TTCK thay
vì làm cho nó ổn định.
Vả lại, việc mua cổ phiếu là dùng tiền đóng thuế của toàn dân chỉ để cứu trợ cho
một nhóm nhỏ nhà đầu tư giàu có, chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài và các “đại gia”
trong nước. Điều này chỉ gây thêm mối bất bình về tính chất bình đẳng trong chính sách
kinh tế của Chính phủ. SCIC có quyền tự quyết việc mua cổ phiếu không thông qua Quốc
hội và được phép giữ bí mật thông tin chi tiết có thể gây ra tham nhũng, thiên vị của SCIC
với một số công ty nhất định có quen biết với SCIC. Và các công ty đó sẽ càng tự do trong
các khoản đầu tư của mình vì đã có SCIC gánh đỡ. Điều này quả thật hết sức nguy hiểm
trong tình hình biến động và khủng hoảng của TTCK bấy giờ.
Hơn nữa, việc SCIC đổ tiền vào TTCK hòng mong vực dậy TTCK là sai lầm. Vì
TTCK chỉ đi lên bởi giá trị thực của nó, nhưng TTCK Việt Nam đang có giá trị ảo lớn.
Việc NN can thiệp vào chỉ bóp méo tín hiệu của thị trường vốn mà thôi, nó không hề thay
đổi nguồn vốn và khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp vì chỉ tác động đến thị trường
thứ cấp và vì thế cũng không giải quyết được tính thanh khoản của nhà đầu tư.
Ta đều biết TTCK là nơi thông tin đầy đủ nhất, người mua bán hiểu biết và linh hoạt
nhất. Việc VNIndex sụt dưới mức 600 điểm là tự nhiên và đúng quy luật, trong tình trạng
lạm phát và lãi suất đều tăng. Nên để TTCK tự điều chỉnh về đúng giá trị thực của nó. Việc
can thiệp của NN chỉ tạo ra tâm lý đầu tư bất kể rủi ro ở nhà đầu tư vì nghĩ rằng đã có NN
hỗ trợ. TTCK ở VN hiện tại đang quá nóng, bong bóng đầu cơ ngày càng được thổi phồng,
giá trị vốn của các công ty đang vượt xa giá trị lợi nhuận thật của nó. Rồi các công ty huy
động vốn xong lại đổ vào thị trường chứng khoán chứ không đầu tư mở rộng sản xuất tạo
sản phẩm. Điều này tạo nên sự tăng trưởng ảo ở nước ta. Và hiển nhiên là TTCK sẽ phải
đến hồi suy giảm bởi sự tăng trưởng không dựa vào thực lực của nó.
NN tham gia TTCK chỉ càng làm các nước nhìn nhận VN chưa phải là một nền kinh
tế thị trường. Và nó chỉ gây bất lợi cho VN trong các vụ kiện bán phá giá, vốn đang là rào
cản lớn cho việc thâm nhập vào các thị trường phát triển. Nhà nước chỉ nên can thiệp để
tạo điều kiện cho các quy luật thị trường vận hành hài hóa, bảo vệ cạnh tranh chứ không
nên di chuyển tài sản toàn dân từ chỗ này qua chỗ khác nhằm cứu vớt một thành phần nào
đó mà không tạo lợi ích gia tăng sản xuất để phát triển kinh tế.
Và cũng có ý kiến cho rằng, TTCK sụt giảm là do các động cơ của quỹ đầu cơ tài
chính nước ngoài cố tình tạo ra để kiếm chát lợi nhuận. Những tháng cuối năm 2006 đầu
năm 2007, chúng đã bơm 160 ngàn tỷ đồng vào TTCK, làm giá cổ phiếu tăng vọt quá xa
giá trị thực của nó, tạo ma lực lôi kéo người dân đổ tiền vào cổ phiếu. Khi mọi người đều
mong mau chóng làm giàu từ cổ phiếu, dốc hết các nguồn lực từ vốn tự có, vay mượn, thế
chấp vào cổ phiếu, thì các quỹ này bán cổ phiếu đầu cơ ra ồ ạt để thu lợi, làm chỉ số CK sụt
giảm. Sau đó nhận được tin hỗ trợ từ chính phủ, từ nước ngoài, người dân lại tiếp tục hi
vọng, và tiếp tục đầu tư, rồi lại sa bẫy của các quỹ đầu cơ. TTCK suy yếu, CP hỗ trợ, các
quỹ này sẽ bán ra các cổ phiếu “sắp chết” để mua vào cổ phiếu có tiềm năng thực với giá
rẻ mạt, rồi lại thu thêm nhiều lợi nhuận hơn nữa. Tiền từ dân và từ NN đã lần lượt dịch
chuyển vào tay các quỹ đầu cơ như thế này. Như vậy SCIC vô tình trở thành công cụ để
các quỹ đầu cơ này kiếm được thêm nhiều tiền và càng làm TTCK thêm khủng hoảng hơn.
Một điều quan trọng nữa là nếu SCIC có thể giúp hạn chế việc bán tháo cổ phiếu
của các nhà đầu tư, thì nó sẽ càng làm quá trình cổ phần hóa chậm lại, vì phải hạn chế tăng
cung cổ phiếu vào TTCK đang thiếu tính thanh khoản cao. Quá trình IPO chậm lại sẽ đi
ngược với các cam kết với WTO, và càng đặt VN vào tình thế khó khăn hơn.
2) Qua phân tích trên, theo ý kiến người viết, SCIC chỉ tung tin làm giải pháp tâm lý
ngắn hạn giúp TTCK đỡ suy sụt.
Với tất cả các hậu quả nghiêm trọng trên, có thể SCIC đã không mua cổ phiếu thật
sự như đã thông báo, mà chỉ tác động đến tâm lý nhà đầu tư, để họ găm hàng, không báo
tống báo tháo làm TTCK kiệt quệ. Cũng giống như việc NN công khai công bố dự trữ
ngoại tệ để giải quyết tình trạng tỉ lệ đô la hóa đang tăng, người dân găm giữ USD và lạm
phát tăng cao không ai biết được các số liệu đó có đúng không. Hay như khi thị trường
vàng đang căng thẳng nhu cầu mua vào, NN liền công bố cho phép nhập khẩu vàng, nhưng
lại không cho biết các đầu mối nào được phép nhập khẩu, và nhập khẩu số lượng bao
nhiều. Những điều đó càng giúp khẳng định SCIC có thể đã không mua vào cổ phiếu.
Hơn nữa, muốn giúp VNIndex tăng, thì cách lâu dài và căn bản nhất là phải ngăn
chặn lạm phát, xì hơi bong bóng nhà đất và hạ nhiệt nền kinh tế từ từ. VN đang đối mặt với
lạm phát cao nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã từ tuyên bố ưu tiên chống lạm phát
là quan trọng nhất. Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đã từng phát
biểu : “Thị trường chứng khoán cơ bản là giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư… Việc mua
vào của SCIC cũng chỉ là đánh tín hiệu ổn định thị trường, còn nhà đầu tư mới là
người quyết định. Nếu nhà đầu tư không tự chủ mà cứ bán ra ào ào thì không ngân sách
nào có thể cứu được”.
Việc người dân nghi ngờ các cổ phiếu blue-chip đã tăng giá sau khi có thông tin
SCIC tham gia TTCK vẫn có thể lí giải là do các quỹ đầu cơ gây nên, tạo tâm lý cho người
dân tin kì vọng nhiều hơn, mua vào nhiều hơn để chúng bán ra kiếm lời, chứ không hẳn là
do SCIC đã thật sự tung tiền mua vào.
Ta cũng có thể thấy “Tâm lý đám đông” là yếu tố quan trọng và thể hiện của bản
chất đầu tư ở TTCK VN. Nhiều nhà đầu tư nhỏ hầu như chẳng có khái niệm gì về thị
trường, về cổ phiếu của công ty mà họ nhắm vào. Nhưng điều mà họ hầu như được thị
trường đảm bảo là nếu nắm trong tay một vài cổ phiếu thời thượng thì chắc chắn giá trị cổ
phiếu sẽ ngày càng tăng, và mình sẽ nhanh giàu có nhờ vào các cổ phiếu đó, mà không biết
rằng thực tế các giá trị ảo đó đã vượt quá xa giá trị lợi nhuận thật và đang bị bọn đầu cơ
làm giá để kiếm lời. Và cứ thế nhà nhà kinh doanh cổ phiếu, ào ạt mua với giấc mơ đổi
đời. Nếu có biến động bất lợi, thì họ là bán tống báo tháo cổ phiếu để giành lại vốn mà
không cần biết cổ phiếu đó có giá trị hay không.
Qua đó, có thể thấy yếu tố tâm lý là nguyên do căn bản làm cho TTCK khi lên cao
thì lên cao quá đà, và khi tụt dốc cũng nhanh như tên lửa. Vì thế mà càng có cơ sở để
người viết nghĩ rằng SCIC đã đánh vào giải pháp tâm lý, chứ không hẳn đã bỏ tiền mua cổ
phiếu cứu TTCK trong khi mà lạm phát đang ở mức ngất ngưởng như vậy, bởi vì nếu thật
sự SCIC đã mua cổ phiếu thì đó chỉ là việc làm gây thêm nhiều hậu quả nặng nề mà thôi.